Gọi là đạo quán, thực chất chỉ là căn nhà nhỏ chia làm hai phần trước sau riêng biệt thông nhau qua lối hành lang bên phải. Trong gian chính không có tượng hay hình của Tam Đạo Thanh thường thấy ở đạo gia. Nữ đạo Hạnh Nguyên chỉ treo một bức hoành viết chữ Nhân để thờ. Nói là thờ phụng nhưng nhang khói lạnh lẻo vô kể. Một phần do núi Yên Tử cách biệt hẻo lánh đâm ra thiếu thốn nhang trầm, một phần nữ đạo Hạnh Nguyên dạy đồ đệ giác ngộ tự tâm là chính. Cho nên trang thờ có hương khói hay không, nữ đạo cũng chẳng câu nệ. Võ Quảng theo Phương Chí Trung đi mới đến mé sân của đạo quán thì nghe có tiếng trong trẻo:
- Bình an! Không bình an! Bình an! Không bình an!
Võ Quảng thấy tò mò bèn đưa mắt nhìn sang bên trái sân. Dưới tán cây đào lớn có một cô gái chừng mười lăm, mười sáu tuổi đang không ngừng múa kiếm. Tuy Võ Quảng chỉ nhìn thấy sau lưng nhưng đoán ngay ra Trương Bách Hoa. Hắn thầm tính Trương Bách Hoa ngoài chuyện ra dáng tiểu thư thì giọng nói vẫn không đổi khác. Hắn toan lên tiếng gọi nhưng miệng mở ra thành há hốc đứng nhìn. Trương Bách Hoa tay trái đánh vào thân đào một cái khiến bao nhiêu chiếc lá trên cây đều thi nhau rụng xuống như mưa. Nàng ta liền dùng tay phải múa kiếm đâm loạn. Lá đào vừa nhỏ vừa mỏng manh nhưng Trương Bách Hoa vẫn dễ dàng dùng kiếm xâu thành một chuỗi đều tăm tắp. Nàng ta theo đó bắt đầu đếm số lá đào trên kiếm, miệng không ngớt lẩm bẩm:
- Bình an! Không bình an! Bình an! Không bình an!
Võ Quảng không hiểu rốt cuộc Trương Bách Hoa đã đếm ra được vế nào nhưng ngó thân đào cổ thụ chỉ còn sót vài ba chiếc lá, lại nhìn sang năm sáu cây đào lớn gần đó trơ cành trụi tán, đoán chừng đều do Trương Bách Hoa ra tay.
Từ lúc nghe nữ đạo Hạnh Nguyên gieo quẻ, lòng dạ Trương Bách Hoa trằn trọc không yên. Từ nhỏ bản tánh nàng ta đã bộc trực ngay thẳng, hành động hay lời nói đều chẳng giữ ý tứ. Tuy được nữ đạo Hạnh Nguyên giáo dưỡng mười năm thủy chung về kiếm thuật Trương Bách Hoa cao thâm tột độ còn tánh tình thì không hề đổi khác. Dưới trướng nữ đạo Hạnh Nguyên, Trương Bách Hoa là sư muội của Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung nhưng đố hai vị sư huynh dám chọc giận. Nàng ta một khi nổi trận tam bành thì âu chỉ có nữ đạo Hạnh Nguyên mới khuyên giải nổi. Trương Bách Hoa nóng lòng chờ tin từ An Định Hầu nên hết đứng lại ngồi, càng nghĩ càng bất an. Nàng ta không chịu nổi đành nài nữ đạo Hạnh Nguyên gieo thêm một quẻ xem An Định Hầu hung kiết ra sao. Nữ đạo Hạnh Nguyên thừa hiểu có gieo thêm một ngàn quẻ vẫn không khiến Trương Bách Hoa yên bụng, bèn nói đùa cứ đếm số lá trên hàng cây đào trước đạo quán sẽ biết ngay. Trương Bách Hoa tưởng thật hùng hổ vác kiếm làm liền.
Nữ đạo Hạnh Nguyên biết tánh Trương Bách Hoa bộc trực có phần ngờ nghệch nên đoán nàng sẽ ra đếm từng chiếc lá trên hàng đào thật. Bà ta nghĩ cũng là dịp luyện cho Trương Bách Hoa tính nhẫn nại. Có ngờ đâu Trương Bách Hoa nào dại cam chịu cảnh ngóng dài cổ. Trước tiên, nàng ta phát chưởng dùng kình lực vừa đủ đánh vào thân cây đào khiến lá rơi rụng xuống, sau nhanh tay dùng kiếm đâm xuyên hết thảy thành từng xâu rồi đếm. Nữ đạo Hạnh Nguyên ngó thấy phải trợn mắt. Bà ta lỡ miệng thì không thể nói khác đành bấm bụng cho qua, thật lòng tiếc hàng đào cổ thụ nọ vô kể. Võ Quảng đến kịp lúc Trương Bách Hoa đang hành hạ cây đào cổ thụ cuối cùng. Hắn nhìn Trương Bách Hoa ra tay, kiếm nhanh như gió đuổi. Cả trận lá rơi như mưa trút vẫn bị thanh kiếm trong tay nàng ta đâm hết không để sót bất kỳ chiếc lá nhỏ nào chạm đất. Võ Quảng thấy Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung bộc lộ võ công đã phục nữ đạo Hạnh Nguyên sát đất, nay nhìn Trương Bách Hoa đánh kiếm càng không biết phải dùng từ nào để tỏ đủ lòng tôn kính với nữ đạo, bụng bảo dạ có dịp nhất định xin bà ta chỉ dạy cho một ít võ nghệ để cường thân. Võ Quảng nghĩ chưa dứt, chợt nhớ bản thân đang bị tật ở chân trái thì chán nản tột độ, đành lủi thủi đi theo Phương Chí Trung vào trong đạo quán. Bỗng nhiên Phương Chí Trung la lớn:
- Không được làm ẩu!
Nguyên do Trương Bách Hoa đếm đến chiếc lá cuối cùng thì giận dữ tột độ. Chiếc lá này không hiểu do sâu bệnh hay sương muối vùng cao làm khuyết chỉ còn một nửa. Trương Bách Hoa cầm nửa chiếc lá nọ dậm chân hằn học:
- Sao chỉ có một nửa? Rốt cuộc là bình an hay không bình an?
Lá cây làm sao có thể lên tiếng trả lời cho đặng. Trương Bách Hoa hằn học mấy bận nộ khí xung thiên liền nhè thân đào múa kiếm chặt bỏ. Phương Chí Trung ngó thấy kinh hãi. Hàng đào cổ thụ tính ra đã hơn trăm năm được nữ đạo Hạnh Nguyên trân quý như bạn hữu. Chỉ vì nữ đạo lỡ miệng nên đành bấm bụng cho Trương Bách Hoa hành hạ hàng đào nhưng nàng ta được thể làm càn chặt bỏ nhất định sẽ bị trách phạt. Giáo quy của phái Yên Tử tuy ít nhưng điều nào cũng có hình phạt nặng nề, ấy là để cho chúng đệ tử biết nguy càng tự răn mình. Phương Chí Trung trong lúc cấp bách tiếc hàng đào thay sư phụ thì ít, sợ Bách Hoa bị phạt không sao xin xỏ được mới nhiều, liền gom hết thảy công lực dồn vào tiếng thét. Bọn chim muông dã thú được phen chấn động bay nhảy chạy loạn tứ tán. Trương Bách Hoa có nội công yếu hơn trúng phải tiếng thét tức thì buông kiếm té bịch xuống đất. Phạm Văn Đại đang tĩnh tâm ngoài thác nước nghe Phương Chí Trung thét, đầu óc như bị mấy trận búa lớn nện trúng. May nhờ nội lực cao thâm hơn hẳn, Phạm Văn Đại không hề hấn gì, lại cho trong đạo quán có chuyện chẳng lành vội vàng chạy như bay để xem thử.
Phạm Văn Đại chạy đến sân thấy Phương Chí Trung vẫn đứng yên vô sự. Phần Võ Quảng không sao chịu thấu đang ngồi bệch trên đất hai tay ôm lấy tai nhăn nhó. Còn Trương Bách Hoa thì đỏ mặt tía tai hờn dỗi. Phạm Văn Đại nhìn thanh kiếm của Trương Bách Hoa đã ngập sâu phần lưỡi vào gần nửa thân đào, đoán liền ra cớ sự. Ví như Phương Chí Trung chậm hơn nửa nhịp, Trương Bách Hoa đã thoải mái đưa tiễn cây hoa cổ thụ kia đi vĩnh hằng, nhất định khó tránh cơn giận của nữ đạo Hạnh Nguyên. Phạm Văn Đại xuất thân là văn nhân nên yêu quý hàng đào nọ. Chàng ta nhìn Trương Bách Hoa, nghiêm giọng:
- Muội dám làm càn đến thế ư? Sư phụ bảo muội đếm lá hay bảo muội đốn cây?
Trương Bách Hoa biết đã sai nên cúi mặt phụng phịu nói:
- Muội…muội vẫn đếm lá đó thôi. Tại Phương nhị ca tự nhiên la lớn khiến muội lỡ tay, nào có ý chặt bỏ!
Nàng ta cố tìm cớ chống chế khiến hai huynh đệ Phạm Phương đang giận cành hông phải phì cười. Riêng Võ Quảng nhìn nàng ta tự nhiên tròn mắt mê muội. Trong đời hắn có dịp nhìn qua Hương Vân Tứ Kiều, là bốn nàng tiểu thư xinh đẹp nức tiếng ở thành Đại La. Bốn nàng này hai người tên Hương, hai người tên Vân thành thử mới được ghép lại ra biệt hiệu trên. Tuy nhiên, Võ Quảng thầm tính cộng cả nhan sắc bốn nàng kiều trên vẫn không sao bì lại Trương Bách Hoa cho đặng. Ví như chim trĩ đặt cạnh chim công, dầu đều có nét đẹp riêng nhưng càng ngắm càng thấy chim công mới thật sự thu hút ánh nhìn.
Núi Yên Tử nằm trên vùng cao phú cho Trương Bách Hoa nước da trắng mịn màng tựa bạch ngọc, lại thoáng ẩn hồng khác gì hoa đào chớm nở trêu thẹn giữa gió xuân. Võ Quảng thường nghe bọn văn nhân đương rượu ưa tả nét đẹp mỹ nhân là mặt hoa da phấn, giờ ngẫm ra mới hay, đem bốn chữ trên tặng cho Trương Bách Hoa còn thiếu phần chân thật. Trương Bách Hoa tuy ăn bận thô sơ nhưng vẫn không giấu được tấm thân đầy đặn tràn lửa xuân. Võ Quảng nhìn thêm một lúc không khỏi phát sinh tạm niệm liền lắc đầu mấy cái để tỉnh trí. Lúc này Trương Bách Hoa mới thấy Võ Quảng. Nàng ta liền mừng rỡ ra mặt. Nụ cười ấm áp như nắng xuân khiến Võ Quảng thêm một phen đảo điên đầu óc. Mười năm trước, Trương Bách Hoa được An Định Hầu cưỡi ngựa ngày đêm chạy lên núi Yên Tử, theo hầu chỉ có mình Võ Quảng nên dầu muốn dầu không nàng vẫn nhớ rõ. Nàng liền băng băng chạy đến Võ Quảng hỏi luôn miệng:
- An Định Hầu sao rồi? Ngài ấy có bị nguy hiểm gì hay không? Sao ngài ấy không đi cùng ông?
Trương Bách Hoa hỏi luôn bốn năm lượt khiến Võ Quảng đang bị nhan sắc của nàng làm điên đảo tự nhiên luống cuống không sao trả lời được. May thay nữ đạo Hạnh Nguyên từ trong đạo quán gọi ra:
- Mau đưa khách đến viếng vào bên trong!
Nữ đạo lên tiếng thì Trương Bách Hoa dầu sốt ruột đến đâu cũng đành cùng Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung đồng thanh dạ lớn, lục đục kéo vào trong đạo quán. Nhờ vậy, Võ Quảng mới có dịp định tâm, tự thầm trong bụng không nên nhìn nàng họ Trương thêm phen nào nữa.
Qua mười năm dài đạo quán vẫn không hề đổi khác, có phần còn giản tiện hơn trước. Võ Quảng bước vào trong thấy ngay nữ đạo Hạnh Nguyên đang ngồi trên một ghế nhỏ đang cười hiền. So với hai lần gặp trước đây, Võ Quảng nhìn nét mặt nữ đạo Hạnh Nguyên có phần trẻ trung hơn, lại đem bì với ba đệ tử thì giống phận chị em hơn là thầy trò. Khác với nhan sắc khiến kẻ phát phải phát lòng dục của Trương Bách Hoa, nữ đạo Hạnh Nguyên nhân hậu có phần đoan thục hơn. Kẻ mang tâm biến động thấy bà ta tự nhiên sẽ bình lặng vô kể. Phường gieo ác đa đoan thấy bà ta bất giác phải sợ hãi đến lặng người. Ấy là bậc chân tu viên mãn khiến bao điều quảng độ lộ hết ra ngoài nét mặt ánh nhìn. Võ Quảng liền quỳ xuống dập đầu kính cẩn:
- Mạc tướng nửa đường lạc lối đành xin đến quấy rầy nữ đạo mong được chỉ dẫn sang biên giới Đại Lý!
Những người được An Định Hầu mở miệng kính phục ngoài Ngoại Giáp Công Đinh Điền thì còn lại không được mấy người, đặc biệt kẻ tu hành càng hiếm. Thành ra ngay từ lần gặp đầu tiên, Võ Quảng thấy An Định Hầu kính trọng nữ đạo Hạnh Nguyên nên không cần suy nghĩ thêm thầm kính trọng trong lòng. Hơn nữa qua mười năm dài, nữ đạo thay vì già đi lại trẻ hơn bội phần, hắn nghĩ bà ta đã tu hành đắc đạo học được thuật hoàn đồng cải lão nên càng thành tâm bái lạy. Nữ đạo chỉ cười hiền ra hiệu đứng dậy, hỏi:
- Sao ngươi không hầu hạ An Định Hầu lại một mình tìm sang Đại Lý làm gì?
Võ Quảng không dám che giấu đem chuyện An Định Hầu trước lúc lên đường đi sứ sắp xếp ra sao kể lại hết thảy cho nữ đạo Hạnh Nguyên cùng Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung, Trương Bách Hoa nghe tường tận. Hiển nhiên bao quân vụ cơ mật thì hắn lại ém nhẹm không để lộ nửa lời. Nữ đạo nghe xong liền thuận tay cầm lấy hai đồng xu một mặt trắng một mặt đen gieo xuống họa đồ bát quái đang đặt bên cạnh. Ba lần gieo đều ra sấp ngửa trắng đen, nữ đạo Hạnh Nguyên liền cười mỉm:
- Ông ta vẫn bình yên vô sự! Đang vướn bận ở đâu đó trên đường đến thành Đại Lý, là hung nhưng hóa kiết, vẫn bình an!
Võ Quảng nghe vậy mừng rỡ dập đầu lạy tạ liên hồi. Hắn mừng rỡ một thì Trương Bách Hoa mừng rỡ đến trăm vạn lần. Nàng tung hô không ngớt:
- Sư phụ thật cao minh! Sư phụ thật tuyệt diệu!
Trương Bách Hoa không nhiều lời lẻ nên quanh đi quẩn lại cũng chỉ hai câu trên. Phạm Văn Đại chỉ cười trừ nhưng Phương Chí Trung thì chau mày nghĩ nghợi:
- Mỗi lần gieo quẻ, ân sư đều kính lễ cẩn trọng, khấn vái hơn khắc mới gieo đồng xu. Lần gieo quẻ này kể ra tùy tiện quá mức. Phải chăng ân sư có bụng muốn chiêu an Võ tướng quân cùng Trương muội?
Phương Chí Trung đang đăm chiêu bắt gặp phải ánh mắt ôn hòa như thấy rõ tâm cang của nữ đạo Hạnh Nguyên liền đỏ mặt xấu hổ đành cúi đầu nhìn xuống. Nữ đạo thấy vậy nói thầm trong bụng:
- Đứa nhỏ này việc gì cũng xuy xét cẩn trọng, tính tình lại hòa nhã có trước có sau, bụng dạ lại kiên định vững vàng, thật vừa ý ta. Phái Yên Tử giao vào tay nó, ta có về trời cũng không còn vướng bận gì. Tiếc thay mệnh số nó long đong thành ra nửa đời sau phải phiêu dạt bốn bể gặp nhiều mệnh khổ. Tội nghiệp thay! Âu đều là nhân mệnh cả, ta có muốn giúp cũng không đổi thay được gì! Chỉ mong một thân võ nghệ tuyệt luân sẽ giúp nó vượt qua nhiều hung hiểm!
Nữ đạo không khỏi thở dài trong dạ. Phương Chí Trung nếu biết ân sư đã đoán trước được vận mệnh bản thân, mấy mươi năm sau nghiệm lại nhất định phải sợ nữ đạo Hạnh Nguyên một phép. Quả thật chàng ta gặp phải biến cố đành dấn thân lên phương bắc vào trung thổ lập nghiệp. Bọn giang hồ Đại Tống gán cho Phương Chí Trung ngoại hiệu Nam Hiệp, ám chỉ hiệp khách xuất thân từ phương nam. Nhưng đó là chuyện của mười mấy năm sau, hiện thời, chàng vẫn là tráng niên vừa mười tám tuổi. Từ lúc nhập môn học võ nghệ, Phương Chí Trung thường được nữ đạo Hạnh Nguyên ưu ái, có phần hơn cả Phạm Văn Đại. Phương Chí Trung cho rằng do bản thân có chí cầu tiến lại kiên định không thoái lui nên được nữ đạo thương mến. Chàng nào hay do ân sư đã thầm đoán trước hung hiểm về sau nên nhọc công rèn cho thân võ nghệ tuyệt đỉnh hòng phòng thân. Kể ra từ Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung hay sau này là Trương Bách Hoa đều được nữ đạo Hạnh Nguyên bí mật truyền nội công đả thông hết thảy kinh mạch. Nhờ đó cả ba mới sớm thành tựu võ nghệ dầu tuổi còn rất trẻ. Tuy nhiên, chỉ có Phương Chí Trung được nữ đạo truyền cho hai mươi năm công lực. Phần Phạm Văn Đại, Trương Bách Hoa, nữ đạo truyền chỉ năm năm, chủ yếu để bản thân cả hai có chút công lực để dễ bề luyện tập.
Nữ đạo Hạnh Nguyên làm vậy nào vì lòng riêng ưu ái người này ít kẻ kia nhiều. Âu, Phạm Văn Đại có tâm còn nhiều vọng tưởng, Trương Bách Hoa bản tánh bộc trực lại thường hay làm càn không suy nghĩ thấu đáo, nữ đạo sợ cả hai dễ dàng thành tựu đâm ra kiêu căng khiến đường tu đạo lệch lạc. Cho nên bà ta mới bày ra khó khăn trong luyện tập để hai đồ đệ trên chuyên tâm rèn luyện, luyện võ là phụ chính yếu vẫn là tu tâm dưỡng tính. Phần Phương Chí Trung từ nhỏ đã lộ tính kiên trì nhất hạng. Khi chỉ là đứa trẻ tám tuổi ốm yếu đầu vào phái Yên Tử, Phương Chí Trung được nữ đạo khuyên can chỉ nên học chữ, phần võ nghệ thì khó bề luyện thành được. Phương Chí Trung ngoài thể chất kém cỏi, đầu óc cũng chẳng nhanh nhạy là bao, vẫn van nài xin được luyện quyền. Chàng luyện nửa năm đúng thật một chiêu cũng không xong. Nữ đạo thấy vậy càng kiên quyết đem chữ để dạy hòng còn cớ để lập thân sau này. Phương Chí Trung xin nữ đạo cho thêm một năm. Nữ đạo không nỡ từ chối đành ưng thuận. Trong một năm sau đó, Phương Chí Trung ngày phá núi đập đá, đêm cần mẫn luyện quyền. Mỗi ngày chàng ta chỉ chừa hai canh giờ để nghỉ ngơi, bất kể nắng mưa đều chăm chăm theo đuổi phương pháp rèn luyện khắc nghiệt trên. Kết cuộc sau một năm, bảy mươi đường quyền phái Yên Tử đều được Phương Bách Trung luyện thông suốt, nhờ thường đập đá phá núi, thân thể tuy là đứa trẻ mười tuổi nhưng to lớn vượt bậc, gân cốt cũng cứng cáp như tráng niên. Nữ đạo Hạnh Nguyên thấy vậy thì thương mến Phương Chí Trung vô kể. Bà ta nhân Phương Chí Trung bị bong gân do luyện tập quá mức nên dạy cho phương pháp điều hòa khí huyết, thực chất là âm thầm đem hai mươi năm công lực truyền cho. Đến nay đã tám năm, Phương Chí Trung so quyền thuật hơn hẳn cả Phạm Văn Đại, dùng quyền đấu với kiếm pháp của Trương Bách Hoa đã bất phân thắng bại. Đến như nữ đạo Hạnh Nguyên vỗ liền năm sáu chưởng lên thân thể, Phương Chí Trung vẫn đứng vững không lùi lấy nửa bước.
Phần Phạm Văn Đại do tư chất thiên phú hơn người, võ nghệ tự nhiên thăng tiến tột độ. Chàng ta thua Phương Chí Trung trên quyền cước, thua cả Trương Bách Hoa về kiếm pháp nhưng căn bản nội công bằng cả hai đệ muội cộng lại. Nữ đạo Hạnh Nguyên từng nói, Phạm Văn Đại sinh ra để luyện nội công, Phương Chí Trung sanh ra để luyện quyền thuật, còn Trương Bách Hoa luyện kiếm pháp là nhất hạng, cho nên đem ba phần thượng thừa của phái Yên Tử truyền cho. Phạm Văn Đại luyện Bạch Quán Công, công phu trấn phái Yên Tử. Phương Chí Trung thì luyện Yên Tử Thất Thập Quyền. Phái Yên Tử còn bộ Chiết Mai Đoạn Hồn Kiếm hung hiểm cùng cực. Nữ đạo Hạnh Nguyên chẳng biết truyền cho ai, may thay An Định Hầu đem Trương Bách Hoa lên ký thác. Nữ đạo vừa nhìn đã thấu rõ tâm cang Trương Bách Hoa. Bà liền đem hai chiêu tối hiểm cho nàng ta luyện thử. Khi đó Trương Bách Hoa chỉ là cô bé mới sáu bảy tuổi, căn cơ đại khái không có chút gì nhưng đã dễ dàng thông suốt. Tuy uy lực kém cỏi nhưng thật sự Trương Bách Hoa đã phát huy được điểm hiểm độc trong kiếm pháp phái Yên Tử. Căn nguyên, nàng ta được An Định Hầu cứu nên tôn sùng ông ta tựa thần thánh. Trương Bách Hoa thân cận ông ta được năm tháng theo vó ngựa chinh chiến bốn phương thấy An Định Hầu hễ ra tay thì đuổi cùng diệt tận, dần dà nhiễm tánh trên. Thành thử đem kiếm pháp hiểm độc cho người lãnh tâm luyện không còn gì hợp hơn được. Hiển nhiên vì thế trong ba đệ tử, Trương Bách Hoa được nữ đạo Hạnh Nguyên kềm cặp cẩn thận nhất. Bà ta sợ một khi nàng này luyện thành Chiết Mai Đoạn Hồn Kiếm dễ bề trở thành ác ma giết người như rạ. Cho nên Trương Bách Hoa cứ một buổi luyện kiếm thì hai ngày sau đó phải bó gối chống cằm nghe sư phụ giảng đạo lý để khai hóa thiện tâm. Như đã nói, Trương Bách Hoa có đầu óc không mấy lanh lẹ, may thay nữ đạo Hạnh Nguyên tu luyện thâm sâu, đạo lý cũng dễ hiểu gần gũi, nước chảy mãi đến núi lớn còn mòn huống hồ chi tâm tính con người luôn hướng thiện. Vì thế lúc này Trương Bách Hoa còn thiển cận nhưng thiện ác đều phân minh rõ ràng, dầu ưa làm càn vẫn nằm trong khuôn phép chưa đến độ trái đạo.
Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung, Trương Bách Hoa nếu lọt vào tay sư phụ khác thì khó bề thành tựu được như vầy. Như Phương Chí Trung là tiêu biểu nhất. Dẫu chàng thực dạ kiên trì nhưng không nhờ nữ đạo Hạnh Nguyên cũng kiên định tin tưởng cỗ vũ thì đời nào được thân quyền thuật nhất hạng về sau. Hay như nàng Trương Bách Hoa nhẫn tâm có thừa càng dễ dàng lâm vào ma đạo. Đặc biệt nhất là Phạm Văn Đại, vừa có thiên phú luyện võ, trí tuệ cũng hơn mấy người thường càng dễ sanh kiêu căng tự lấy đá lớn đè chân mình, thành tựu hiển nhiên sẽ có, âu cũng là thành tựu nhỏ nhoi khó bề trác tuyệt như hiện thời. Lúc này Phạm Văn Đại không chỉ nội công vượt trội, về tâm tính đã bớt hẳn sân si không còn biến động như thuở mới nhập môn. Mười phần hết mười đều nhờ nữ đạo Hạnh Nguyên tinh ý bày ra tính toán cho từng người hòng chẳng những được cả võ nghệ còn kiêm luôn tính cách vượt trội.
Như lúc gặp An Định Hầu, không tự dưng nữ đạo làm khó bày trò khích tướng để vương hầu chịu giơ ngực chịu mấy chưởng. Vốn mấy đêm trước, nữ đạo Hạnh Nguyên nhìn trời thấy một ngôi sao lớn từ phía nam tự nhiên nhằm hướng núi Yên Tử bay tới rồi tàn lụi. Bà ta đoán có điềm lạ về hung nhân bèn vội gieo thử ba quẻ. Các quẻ đều chỉ điềm hung càng khiến nữ đạo bất an, đành phải đoán chữ. Nữ đạo nhập định vô tình viết nên chữ rồng. Bà ta theo đó đoán định kẻ sắp đến núi Yên Tử dẫu không phải thân đế vương cũng là quyền cao chức trọng, còn đoán được kẻ này chứa đầy sát khí, hậu vận hung kiết khôn lường, càng tò mò khôn kể. Nữ đạo Hạnh Nguyên theo bát quái dò hướng liền đến đợi, quả nhiên mấy ngày sau đang đủng đỉnh vác củi gặp An Định Hầu dẫn quân đầu hổ gọi hỏi đường. Bà ta nhìn ông ta tướng người khôi vỹ, ra dáng hổ, hàng tướng lãnh chinh chiến sa trường lâu năm tự nhiên đầy sát tính, đem ứng vào điều đoán định của nữ đạo không hề sai lệch.
An Định Hầu hỏi đường, nữ đạo cười khanh khách đố nếu chịu nổi ba cái vỗ tay vào ngực sẽ trả lời. An Định Hầu thấy nữ đạo thân thể như liễu thì không ngần ngại bước xuống ngựa. Ông cười khà xếp tay sau lưng giơ cao ngực, bụng nghĩ tay nữ đạo vừa nhỏ lại yếu ớt đập lên thịt da cứng như sắt thép nhất định phải nhăn mặt kêu đau. Ai dè nữ đạo Hạnh Nguyên vỗ liền ba cái phát thành tiếng khiến An Định Hầu đau đến trợn mắt. Chưởng thứ nhất nữ đạo chỉ dùng một phần công lực tuần tự đến chưởng thứ hai đã tăng lên ba phần. An Định Hầu đau thấu trời xanh nhưng vẫn đứng vững chưa đến nổi té ngã. Nữ đạo thường hay đi đây đó vô tình gặp không ít cao thủ nhất hạng, thủy chung giao đấu chưa phen nào dùng quá ba phần công lực. An Định Hầu chỉ là võ tướng không chút nội lực phòng thân chịu được từng ấy uy lực khiến nữ đạo khâm phục tột độ. Nữ đạo đánh ba chưởng xem được hết thảy kinh mạch lẫn gân cốt của An Định Hầu, khen thầm đáng là kẻ luyện nội công nhất hạng, mười Phạm Văn Đại vẫn không bì được. Tiếc thay, An Định Hầu quyền cao chức trọng binh vụ ngập thân bằng không đã bị nữ đạo Hạnh Nguyên bắt dập đầu bái sư.
An Định Hầu nghĩ không ra một nữ nhân yếu ớt làm sao có sức lực bạt hồn đến vậy nên xuống nước nài nỉ xin được chỉ dẫn. Nữ đạo Hạnh Nguyên chỉ đợi có vậy bèn ngẫm thử nên dạy món võ công nào cho An Định Hầu. An Định Hầu thừa biết sức lực bản thân kinh hồn bạt vía thế nào. Chuyện ông lâm trận trúng mười mấy mũi tên hay bị mấy chục vết thương nhưng vẫn thúc ngựa giết địch là thông thường nhưng đến cùng bị một nữ nhân đánh ba chưởng đã thiếu điều muốn tắt thở. Thành ra An Định Hầu nằng nặc xin được dạy cách nữ đạo vừa ra tay mới cam lòng. Tuy nhiên, nữ đạo Hạnh Nguyên vừa dùng Thoái Cốt Long, quyền này so bì uy lực hay tác hại đều thượng thừa. Ví như bà ta đem truyền ẩu khác gì giúp cho đồ tể thêm đao bén. Nữ đạo do dự một lúc bèn hất tay như thể đuổi ruồi. An Định Hầu nghe trước mặt mát lạnh, khi kịp hiểu thì chiếc mặt nạ ngạ quỷ đã rơi xuống đất. Vốn từ lúc gặp gỡ, An Định Hầu vẫn đeo mặt nạ để che giấu dị tướng âm dương. Ông nói chuyện với nữ đạo, mến mộ vô kể càng không dám lột bừa mặt nạ tránh khiến gây hoảng sợ. An Định Hầu bị nữ đạo Hạnh Nguyên đánh rơi mặt nạ không sao chộp kịp đành ái ngại trong bụng, đoán chừng phen này bà ta chí ít phải trợn mắt, líu lưỡi. Dè đâu nữ đạo lại bật cười khanh khách, miệng luôn nói:
- Quý thay! Quý thay!
Bà ta mặc kệ An Định Hầu còn đang ngẩn người, đưa tay ôm lấy khuôn mặt ông ta hết đưa qua trái lại sang phải để nhìn ngắm. Bà ta nói:
- Dị tướng âm dương thường kèm theo thần lực bẩm sinh, là mệnh của thần hầu chi vương, loạn lạc thì phò chúa thành nghiệp lớn, thái bình thuận thế thừa sức thay đế vương gánh giúp cơ đồ! Ngài nhất định là vị An Định Hầu lừng lẫy trong mười năm gần đây của Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, ngài thiên mạng đã sát chủ. Đó là vì mạng hổ tinh không chịu dưới quyền bất kể kẻ mọn nào. Muốn giữ được hổ tinh chỉ mỗi long đế. Tiếc thay hổ tinh long đế lại khắc nhau như nước với lửa, đoán chừng ngài làm tước hầu của đế vương chẳng sung sướng gì!
Nữ đạo nói đến đâu, An Định Hầu đổ mồ hôi lạnh đến đấy. Mấy lời đơn sơ cơ hồ bao quát hết thảy biến sự trong đời. Ông càng ngẫm càng thấy ớn lạnh, thấy trên mặt nữ đạo toát nên bao dung độ lượng đoán thầm là bậc chân tu đã viên mãn. An Định Hầu vội chấp tay vái lễ cẩn trọng:
- Không biết phải xưng hô với phu nhân thế nào?
Nữ đạo cười khanh khách đáp:
- Ta vẫn đơn thân nên không phải là phu nhân. Sư phụ giác ngộ ta ngày trước tặng cho đạo hiệu Hạnh Nguyên!
Bà ta cười khanh khách hàm ý khác. Lúc này nữ đạo nhìn tựa một phu nhân bốn mươi tuổi nhưng thực chất bà đã bảy mươi tuổi có hơn. Nhờ tu luyện nội công thượng thặng khiến dung nhan nữ đạo không bị thời gian giũ bụi. An Định Hầu tước cao quyền trọng vẫn là tráng niên hơn ba mươi tuổi, đem bì thân phận với nữ đạo chênh lệch vô kể. Cho nên ông có xưng hô kính cẩn thế nào đều không đúng được. An Định Hầu dẫu thông tuệ cũng khó nghiệm ra điều trên nên nữ đạo càng cười càng khiến ông thêm ngờ vực trong bụng.
Nữ đạo không muốn làm khó, đem liền Thoái Cốt Long ra dạy. An Định Hầu gân cốt cứng cáp, luyện quyền dễ dàng thuần thục. Nữ đạo đợi ông thuộc hết phương cách bèn bắt ngồi xuống dỏng tai nghe giảng đạo. Trong đời An Định Hầu ghét nhất việc nai lưng nghe diễn giải dài dòng nhưng vì nể nang đành nhịn bụng. Chẳng ngờ nữ đạo Hạnh Nguyên lại đem hết tinh hoa Đạo giáo cùng Phật giáo rót hết vào tai An Định Hầu trong một canh giờ, chỉ một đích là khai lòng thiện. Từ đầu nữ đạo đã ngửi được mùi sát khí trên thân An Định Hầu. Bà thừa biết kẻ mang dị tướng âm dương không phải hạng hiểm trá ti tiện nhưng bản tánh ưa hiếu sát. Bà dạy cho quyền thượng thượng thặng tự nhiên phải dùng đạo từ bi để soi lối dẫn đường. An Định Hầu từ đứa côi nhi đến lúc thành đại tướng cầm binh chớ hề một lần được ai khai giảng. Từ chuyện múa đao đến chữ nghĩa hay binh pháp, An Định Hầu đều tự mày mò học lấy. Ông đơn giản suy việc phải dựa trên việc trái, luận chuyện hay theo chuyện dỡ. Loạn mười hai sứ quân khiến chuyện giết cha bỏ mẹ, anh em một nhà tàn sát không hiếm, còn đầy dẫy nhiều đa đoan khác, An Định Hầu theo đó tự thấy đường ngay nẻo đúng mà đi.
Phàm đến bậc đại trí nhiều lúc phải phân vân phân biệt giữa đúng và sai huống chi thân võ biền như An Định Hầu. Ban đầu, ông rất kiên định nhưng dần dà thường cầm binh dùng ít địch nhiều khiến phải trí trá, tự nhiên tâm tính bắt đầu biến đổi. Kẻ thừa dũng khí thêm mưu lược tất khó thành hạng ti tiện, duy, cần ti tiện thì thiên hạ không ai bì kịp. An Định Hầu cũng theo hướng trên. Quỷ quyệt, đa đoan, tàn nhẫn là ba điều bại tướng dưới tay An Định Hầu ớn lạnh sau chuyện uy dũng hơn người. Tâm thanh bạch đến đâu cứ quanh năm suốt tháng tính kế trí trá thì thiện tâm dần mai một, ác tánh theo đó tăng lên. Như Nam Việt Vương Đinh Liễn xử việc khi cần tàn nhẫn vô kể nhưng ông ta vẫn chưa bì được với An Định Hầu. Nam Việt Vương tính ra chỉ tàn nhẫn những chuyện cỏn con vụn vặt, phần An Định Hầu tàn nhẫn trên bình diện rộng lớn. Đơn cử như chuyện dẹp loạn, An Định Hầu về Hoa Lư nhận chỉ xong sẽ hỏi lại hoàng đế muốn dẹp loạn theo lối phục nhân tâm hay bình định sạch trơn. Đinh Tiên Hoàng Đế tất nhiên sẽ mặc cho An Định Hầu tự quyết. Ông ta cứ thế đem quân đánh dẹp, thuyết bọn tàn binh nổi loạn chịu bỏ giáp quy hàng thì coi như đẹp chuyện, riêng cứng đầu tử thủ coi như chết xong hồn vía còn khiếp đảm đến tái sinh e còn có phần chưa quên hết.
An Định Hầu thừa hiểu xử việc trước hết phải phục nhân tâm, dẹp phản loạn càng cần phục nhân tâm bội phần. Duy, ông lúc nào cũng đau đáu chuyện biên ải. Nước Tống tuy phân sức chinh chiến với nước Liêu, Tây Hạ nhưng vẫn ngầm đồn trú binh chờ phương nam có biến hòng đục nước béo cò. An Định Hầu dẫn quân xa Quỷ Môn Quan ngày nào thì ruột gan như có lửa đốt ngày ấy, đâu thể ung dung theo lối Khổng Minh bắt đi lại thả rồi bắt tiếp đến bảy lần. Ông dùng cách đánh nhanh diệt gọn thành ra ác danh càng bay xa, đến độ về sau, tàn quân nổi loạn đều khởi phát từ Hoan Châu trở ra hòng tránh khỏi phạm vi của An Định Hầu.
An Định Hầu biết sai nhưng vì hoàn cảnh buộc phải làm, lặp đi lặp lại nhiều dần quen thói tiêm nhiễm mãi sâu thành một phần bản tính. Nay nữ đạo Hạnh Nguyên dùng đạo lý khai giảng như dẫn con nước mát tẩy sạch bùn lầy. An Định Hầu hân hoan trong bụng tự nhiên mở miệng cười khà thành tiếng, đành phải cúi đầu tạ lỗi với nữ đạo. Bà ta thấy vậy biết chuyện bỏ công sức giảng đạo đã hiệu quả liền hoan hoan không kém, lại bảo An Định Hầu đánh lại Thoái Cốt Long. Đòn vừa mới học, bản thân thì chẳng có nội công, An Định Hầu thần thánh đến đâu khó bề phát ra uy lực căn cốt. Nữ đạo vờ trách mấy câu lấy lệ, bắt An Định Hầu giơ ngực phen nửa để bà ta biểu diễn. An Định Hầu bị đau một phen nên không dám khinh khi, đem hết thần lực bẩm sinh gồng cứng người chịu trận. Nữ đạo vẫn theo lối cũ phát chưởng đánh lên ngực ông nhanh như chớp. Tuy nhiên, An Định Hầu không thấy đau đớn nhiều còn nghe khí huyết trong người thông suốt kỳ lạ. Thực ra, nữ đạo chỉ vịn cớ bắt bẻ hòng thuận tiện truyền thêm nội lực giúp An Định Hầu thông suốt hai huyệt Nhâm Đốc, nhằm dễ dàng luyện Thoái Cốt Long về sau. Duy đến chưởng thứ bảy, hai huyệt trên được khai thông, An Định Hầu đau không chịu nổi thấy nữ đạo toan đánh thêm chưởng thứ tám liền vội vàng chộp lấy cổ tay bà ta.
Nữ đạo Hạnh Nguyên cứ để An Định Hầu khống chế. Bà ta ung dung xoay trở hai lần đã thoát được. An Định Hầu là hổ tướng, bàn tay vừa to vừa thô nắm lấy cổ tay thon nhỏ của nữ đạo khác gì núi lớn đè cỏ, cuối cùng vẫn không làm gì được. An Định Hầu không tin nổi bèn nài nữ đạo cho thử thêm phen nữa. Ông thử hơn mười lần đều thất bại đành cúi đầu xin nữ đạo chỉ dạy. Nữ đạo đã có bụng quý mến nên chẳng tiếc gì. Bà ta cầm lấy tay trái của An Định Hầu lật qua trở lại mấy bận thấy gân cốt dẻo dai kỳ lạ, đem ngay Trụy Cốt Thủ truyền cho. Trụy Cốt Thủ là thế khóa tay tâm đắc trong đời nữ đạo. Phần bà ta bàn tay nhỏ bé nên phải dùng công lực cao thâm mới phát huy được tác dụng, riêng An Định Hầu vừa có thần lực, vừa thêm bàn tay to lớn, không cần nội công vẫn dễ dàng thành tựu.
An Định Hầu còn phải dẫn quân dẹp loạn châu Quan Tế đạo Lâm Tây nên không thể rề rà. Ông đành bái biệt nữ đạo rồi đi khỏi, nào hay từ đó về sau, nữ đạo Hạnh Nguyên thường âm thầm theo dõi. Cứ cách hai tháng, bà ta rời núi Yên Tử đến gặp An Định Hầu xem thử võ công lẫn tâm tính đã biến chuyển thế nào. Năm đầu tiên, bà ta phải đi hơn sáu lượt, đến năm thứ hai thì chỉ phải đi ba lần. Cuối cùng, nữ đạo yên tâm trong bụng không còn phải bí mật theo dõi An Định Hầu. Thật sự bà ta sợ ông cậy vào món quyền kia sẽ lạm sát sa số. Nếu đúng như trên, bà ta nhất định sẽ phế bỏ để bớt nghiệt. May thay được nghe khai giảng, An Định Hầu bớt dần hiếu sát, việc gì cũng suy xét cẩn trọng, hung tính giảm dần, chuyện tàn nhẫn mười phần đã bớt đi năm sáu. Nữ đạo đoán chừng thêm mười năm nữa An Định Hầu nhất định không còn ham giết chóc thành ra an tâm không còn màng tới.
Nay gặp lại Võ Quảng, nữ đạo nhớ chuyện cũ có phần luyến tiếc, nghĩ về những việc hung hiểm An Định Hầu sắp trải qua trên đường đi sứ sang Đại Lý, không khỏi âu sầu trong bụng.