Mấy ngày trước, nữ đạo nhìn trời thấy một ngôi sao lớn ở phía nam cứ chớp nhá liên hồi. Bà ta chột dạ nhớ lại An Định Hầu bèn gieo quẻ. Nữ đạo gieo ba lần quẻ ra toàn điềm hung, đến lần thứ tư mới ra được nửa quẻ kiết, đoán chừng An Định Hầu đi phen này bỏ xác tha hương thì luyến tiếc cùng cực. Nữ đạo gieo thêm lượt quẻ lại mừng rỡ. Quẻ lần này đã lộ ra đường sống hợp với đạo lý cùng tất biến, biến tất thông. Tuy nhiên, biến cố của An Định Hầu quá lớn, nữ đạo tính mãi không biết phải cậy vào ai để gỡ giúp vận xấu cho An Định Hầu. Ban đầu bà ta nghĩ đến Trương Bách Hoa nhưng đành thôi. Trương Bách Hoa so bì kiếm pháp hay nội lực cũng xem như thành tựu, thừa tung hoành bốn phía. Ngặt nổi nàng ta quen thói ương ngạnh lại hay can vào chuyện chướng mắt. Nữ đạo nếu để Trương Bách Hoa xuống núi, sợ chưa gặp được An Định Hầu thì không biết đã gây bao nhiêu tai họa. Cho nên Trương Bách Hoa có năn nỉ đến gãy lưỡi, nữ đạo chớ hề chịu mở miệng. Nàng ta khóc kể rân trời bày đủ trò, nữ đạo không thấu nổi đành nói bừa chuyện đếm lá dẫn đến kết cục cả hàng đào cổ thụ bị hành hạ sống dỡ chết dỡ. May Phương Chí Trung kịp ngăn cản, bằng không từ giờ về sau nữ đạo Hạnh Nguyên mất luôn thú tao nhã ngắm hoa.
Thường nghe tuổi năm mươi thấu được mệnh trời, hồ chi nữ đạo Hạnh Nguyên đã gần trăm tuổi, còn quyền hư nào không suy ra được. Bà ta cũng biết có thân thuộc của An Định Hầu tìm đến, thầm tính biết đâu là nước gỡ điềm hung. Tuy nhiên, nữ đạo Hạnh Nguyên nhìn Võ Quảng hiểu ngay hắn không có số phò chủ lúc nguy nan. Hắn dầu có mọc cánh bay đến Đại Lý tức thì vẫn không sao gặp An Định Hầu cho được. Bà ta bèn bày trò gieo quẻ để chiêu an Võ Quảng lẫn Trương Bách Hoa. Võ Quảng hay An Định Hầu vẫn bình yên liền mau mau hỏi đường núi sang đất Đại Lý. Nữ đạo thấy hắn một mực trung nghĩa không khỏi động lòng nên chỉ dẫn rất tường tận. Võ Quảng nhớ kỹ rồi thuật lại để chắc chắn đã nhớ đúng. Nữ đạo nói một lần, Võ Quảng lặp nguyên văn chẳng thêm chẳng bớt. Nữ đạo Hạnh Nguyên cùng ba học trò đều khen thầm hắn có trí nhớ tốt.
Nữ đạo Hạnh Nguyên nói thêm:
- Trên đường sang Đại Lý ngươi có qua một biến cố nhỏ. Nhớ kỹ, thấy núi đi vào là thiệt mạng, thấy nước đi vào hung hiểm hóa vận lành! Không được quên!
Võ Quảng không khỏi nói thầm trong bụng:
- Từ đạo Lâm Tây sang Đại Lý toàn đường núi hiểm trở, làm sao có thể tránh đi vào núi cho được? Đạo sĩ này nói phải chăng còn giấu huyền biến bên trong?
Võ Quảng đầy bụng thắc mắc nhưng không dám hỏi bừa đành vái lạy cảm tạ. Nữ đạo Hạnh Nguyên vờ lên tiếng giữ hắn ở lại đạo quán vài hôm, Võ Quảng lòng chỉ muốn bay đến cạnh An Định Hầu tức thì nên có nể nang bao nhiêu cũng phải chối từ hết mực. Nữ đạo chờ vậy, lại nói:
- Ngươi đi ngày đêm nhất định thân thể có phần suy kiệt, chi bằng để ta giúp ngươi điều khí một chút để thuận tiện lên đường!
Võ Quảng chưa kịp vái tạ thấy nữ đạo đã đứng ngay trước mặt. Bà ta ung dung áp tay lên ngực hắn, nói:
- Mau thả lỏng thân thể, đừng thở loạn!
Bà ta nói xong bắt đầu vỗ từng chưởng lên ngực Võ Quảng. Cứ một lần trúng chưởng, Võ Quảng nghe khí huyết lưu chuyển thông thoáng, cơ thể khỏe khoắn lạ lùng. Nữ đạo vỗ đến chưởng thứ mười một, Võ Quảng thấy nơi đan điền phát nên luồng nhiệt. Ban đầu chỉ âm ấm như tia nắng giữa đông tuần tự theo mỗi lần phát chưởng của nữ đạo Hạnh Nguyên dần trở nên nóng bừng như than đỏ. Võ Quảng không chịu nổi, toan mở miệng thì nghe trong đầu có tiếng của nữ đạo:
- Đứa trẻ này chẳng phải đã chết từ sáu bảy năm trước ư? Ngươi còn sống đến giờ tính ra phần số vẫn vượng. Phúc đó chính nhờ mệnh Hổ Tinh cùng cung đào hoa chiếu mệnh. Ngươi gặp được nữ nhân cung đào hoa đó phải thật lòng thật dạ đối đãi mới có thể trường thọ hưởng phúc cháu con đầy đàn! Phải ghi vào tâm khảm, gặp núi thì tránh, gặp nước thì đi!
Nữ đạo gần trăm tuổi nên gọi Võ Quảng là đứa trẻ cũng chẳng hề sai. Võ Quảng thấy kỳ lạ nhưng chẳng còn tâm trí để hỏi. Hắn nghe bà ta nói đã chết sáu bảy năm trước đã sợ đến run người. Vốn cách đây hơn sáu năm, Võ Quảng nhận lệnh An Định Hầu đi mở đường đánh loạn ở núi Châu. Võ Quảng là tướng tài nên thắng như chẻ tre chẳng ngờ trúng phải kế mai phục, năm trăm quân hổ đầu đều chết sạch, Võ Quảng dầu dễ dàng thoát thân nhưng không còn mặt mũi về gặp An Định Hầu nên liều chết cố chém giết đối phương càng nhiều càng tốt, định bụng bỏ mạng chiến trường. Đến khi sức cùng lực kiệt, đối phương dùng cung tên bắn ra như mưa, hắn chỉ đành chống trường thương giương mắt chờ chết. May thay An Định Hầu đoán được hung hiểm đã dẫn một ngàn quân đầu hổ đến viện trợ kịp lúc. Phen đó không nhờ An Định Hầu, Võ Quảng coi như thành người thiên cổ. Võ Quảng vì lần đó đã mang dị tật ở chân trái không thể cùng vương hầu chinh chiến, đành an phận giả thân thành thái giám ẩn mình ở điện Vĩnh Tường cho qua ngày đoạn tháng.
An Định Hầu dùng quân thường cấm chuyện lầm lỗi của thuộc tướng bị đồn ra ngoài, hòng tránh miệng lưỡi bè phái trong triều. Bao nhiêu sai trái, An Định Hầu đều đứng ra nhận hết. Uy của ông ta ai ai cũng ngán ngại nên chẳng dám động tới. Thành ra các võ tướng Đại Cồ Việt vẫn hay truyền tai, làm thuộc tướng dưới trướng An Định Hầu là sướng nhất trần đời, được ban thưởng thì ăn đồng chia đủ, khi thất bại lại được chủ tướng chở che bình yên vô sự. Vì lẽ trên, chuyện Võ Quảng trúng kế chút nữa mất mạng đều được giữ kín như bưng. Như một ngàn quân hổ đầu theo An Định Hầu giải nguy ngày đó luôn nghĩ Võ Quảng nhận mật lệnh của vờ trúng kế để dụ địch.
Nữ đạo Hạnh Nguyên vừa gặp, chỉ cần xem tướng đã nói trúng ngay chuyện xưa làm sao Võ Quảng không sợ cho được. Hắn chưa hết hoang mang, lại nghe tiếng nữ đạo Hạnh Nguyên vang vang trong đầu:
- Đường đi sang Đại Lý trắc trở khôn cùng, ta tặng ngươi một bộ di chuyển hòng giúp sức!
Lúc này đầu óc Võ Quảng trống rỗng lạ thường. Mỗi một lời một tiếng của nữ đạo Hạnh Nguyên như khắc vào tâm khảm. Nữ đạo đang dùng loại nội công chiêu hồn người khác tương tự như cách nhà sư Huyền Tướng truyền võ công cho An Định Hầu. Căn bản nữ đạo quý lòng trung nghĩa, ngẫm, chân Võ Quảng bị tật cứ cà nhắc trèo đèo lội suối không khỏi khó khăn nên thuận bụng truyền cho khinh công giúp di chuyển dễ dàng. Võ học cũng như đạo hạnh của nữ đạo đều thâm sâu vô kể. Tuy bà ta tùy tiện truyền dạy một ít nhưng kể ra đều là tinh túy khó bề hai ngày bốn buổi thành thạo cho được. Đưa đò chẳng bỏ giữa sông, nữ đạo truyền khinh công, truyền luôn năm năm công lực vào thân thể Võ Quảng. Hiển nhiên, thành tựu về sau của hắn ra sao đều phải tự thân giác ngộ cao thấp thế nào.
Nữ đạo lên tiếng căn dặn Võ Quảng xong thì vỗ nhẹ một chưởng khiến hắn tỉnh trí. Bà cười hiền từ khẽ đưa mắt ra hiệu. Võ Quảng vội dập đầu bái tạ rồi từ biệt Trương Bách Hoa, Phương Chí Trung, Phạm Văn Đại, lên đường đi liền. Nữ đạo chờ Võ Quảng đi biệt, vội dặn dò ba học trò vài chuyện riêng. Phương Chí Trung hỏi ngay:
- Ân sư muốn đi xa chăng?
Nữ đạo Hạnh Nguyên thấy học trò nhìn thấu tâm cang thì rất vui bụng, đáp:
- Phen này muốn An Định Hầu sống thì chính ta phải ra tay!
Trương Bách Hoa nghe đến đây liền khóc òa nức nở một hai đòi theo. Nữ đạo nghiêm mặt nạt mấy lần vẫn chẳng làm nàng ta sợ. Bà ta nạt chỉ lấy lệ, ví phỏng muốn giấu Trương Bách Hoa thì đâu cần phải oang oang nói ra làm gì. Căn bản nữ đạo muốn nàng họ Trương phải chịu ngoan ngoãn nghe lời nên làm căng hết cở. Trương Bách Hoa liền ôm chặt lấy chân nữ đạo khóc kể như cha chết, luôn miệng thề thốt ngoan ngoãn. Nữ đạo cứ để cho nàng thề thốt hết, ung dung nói:
- Ngươi nặng lòng với An Định Hầu nên ta cũng không nở chia loan rẽ thúy. Tuy nhiên, ngươi dám giở trò ương ngạnh dọc đường thì ta sẽ đuổi ngươi về ngay!
Trương Bách Hoa đâu dại gì mở miệng phản bác. Dầu nữ đạo có bắt nhịn đói cho đến khi gặp được An Định Hầu, nàng ta cũng chớ hề oán thán. Thành ra nữ đạo Hạnh Nguyên vừa đồng ý, Trương Bách Hoa ba chân bốn cẳng chạy đi gom hành trang. Thường ngày ngoài chuyện luyện kiếm, nghe giảng đạo lý, nữ đạo hay hai huynh đệ Phạm Phương cần nhờ chuyện gì cũng phải gọi năm lời bảy tiếng mới xui Trương Bách Hoa chịu làm. Phen này cả ba thấy nàng ta tất tả chuẩn bị hành lý, đều phải cười phì lắc đầu ngán ngẩm. Thầy lẫn trò đều biết mười năm dài ở núi Yên Tử, Trương Bách Hoa ngoài chuyên tâm luyện kiếm thì dành hết thời gian để vọng tưởng An Định Hầu nơi ải xa. Có lần Phạm Văn Đại thấy lạ, bèn hỏi:
- Muội so khinh công hay kiếm thuật đến đã gần đến ngưỡng thành tựu, sao không nhân cơ hội đến Quỷ Môn Quan thăm An Định Hầu, ân sư nào có cấm đoán. Cớ gì ngày nào cũng phải mặt chày mày rủ ảo nảo?
Trương Bách Hoa gắt liền:
- An Định Hầu bảo muội phải luyện thành tài! Muội chưa luyện thành thì mặt mũi nào nhìn ngài ấy cho đặng! Chờ đến lúc thắng được sư phụ nửa chiêu, muội nhất định bay liền đến ải Quỷ Môn! Ân sư có muốn cấm cũng chẳng còn cấm được nữa!
Phạm Văn Đại nghe vậy chỉ biết lắc đầu.
Trương Bách Hoa thuở bé cơ nhở gặp đủ cảnh khổ. Nàng ta đau đớn đến độ nhè thác nước lớn gieo mình để tự vẫn, đúng dịp An Định Hầu vừa đánh xong loạn ở châu Ái về ngang. Ông ta thấy nàng chỉ là cô bé mới năm sáu tuổi thì thương cảm vội ra tay cứu, lại dành nhiều lời lẻ an ủi. An Định Hầu cứu xong cũng chẳng biết phải bài trí thế nào. Ông cả đời đều ngồi lưng ngựa chinh chiến, kiếm chút thời gian ngơi nghĩ đã khó hồ chi phải nuôi một đứa bé. An Định Hầu hỏi ra thân thế nàng ta côi cút càng thêm thương cảm. Lúc này chưa có cái tên Bách Hoa, thường con thôn quê được đặt tên rất xấu xí theo lẻ dân dã hòng dễ nuôi, vương hầu định bụng đặt tên khác, lại thấy tuy chỉ đứa trẻ năm sáu tuổi nhưng sớm lộ nét trang đài độ chừng thêm mươi năm tất thành bậc giai nhân tuyệt sắc, bèn lấy cái tên Bách Hoa.
An Định Hầu kéo quân về Hoa Lưu báo công, chưa kịp quay lên Quỷ Môn Quan thì nửa đường đã nhận mật lệnh đánh đất Lâm Phần ở Châu Hoan. Ông ta không thể bỏ Trương Bách Hoa đành mang theo chinh chiến. Đánh xong đất Lâm Phần đến đất Phục Tượng, dẹp yên Phục Tượng thêm tàn quân phát loạn ở núi Ô Đề, thêm hai đất Đầu Mã, Hưng Yên đồng loạt nổi dậy, Trương Bách Hoa ngồi sau lưng ngựa theo An Định Hầu ngót năm tháng ròng rã cùng ăn cùng ngủ, mắt thấy ông ta tung hoành chiến trường, tai nghe ông ta luận bàn kế sách cùng chư tướng tự dưng sanh cảm phục. An Định Hầu đánh xong trận đã thấy thân thiết với Bách Hoa như ruột rà, chẳng nở cho bừa ai. An Định Hầu nhớ tới nữ đạo Hạnh Nguyên nên lệnh cho bọn Lê Mục, Lý Hoan dẫn quân về Quỷ Môn Quan trước, riêng bản thân chỉ đem theo Võ Quảng ngày đêm chạy theo đường núi lên Yên Tử.
Nữ đạo Hạnh Nguyên gặp Trương Bách Hoa như thầy giỏi tìm được trò hay mừng vô kể, lại thêm An Định Hầu nài nỉ nên ưng lòng thâu nhận. Hiển nhiên Trương Bách Hoa không muốn rời xa khóc kể liên hồi. An Định Hầu chẳng nở đe nẹt, đành dịu giọng khuyên lơn. Bẩm sanh, Trương Bách Hoa gan to không kém gì An Định Hầu. An Định Hầu khuyên chưa ngớt, nàng ta đã thản nhiên hỏi:
- Khi tôi thành thiếu nữ, ngài có thể nhận làm thiếp được chăng?
An Định Hầu cùng nữ đạo được phen sửng sốt. An Định Hầu khó trả lời thế nào cho thỏa, đành cười trừ:
- Được, được! Nếu khi đó ngươi không chê bai lão già như ta đây thì mười năm nữa, ta sẵn lòng đem sáu kiệu lớn lên núi Yên Tử cầu thân!
Rõ ràng là lời bông đùa, lúc này Trương Bách Hoa chỉ mới sáu tuổi, đợi thành thiếu nữ chí ít cũng thêm mười năm. Khi đó An Định Hầu đã qua thuở tráng niên, làm sao còn bụng dạ lập thiếp. Ông ta chỉ nói để Bách Hoa yên bụng, đâu hay nữ đạo Hạnh Nguyên thầm xem tướng cả hai, đoán ngay là duyên tiền kiếp. Bà ta nhẩm tính, duyên phận lối này thường khiến người nam bị nhiều biến họa khó lường trong đời. Thành ra về sau, nữ đạo hay gieo quẻ để đoán hung kiết cho An Định Hầu hòng nếu nguy biến cùng cực sẽ ra tay gỡ họa.
Phần Trương Bách Hoa kiên định ở núi Yên Tử học kiếm thuật. Nàng ta hầu như đếm từng ngày cho qua cái hẹn mười năm, dệt giấc mơ hoa chờ An Định Hầu. Nàng ta suy nghĩ đơn giản, An Định Hầu uy dũng hơn người không thể có thê thiếp thấp kém. Nàng tự biết bản thân chẳng có trí tuệ thiên phú nên dồn hết tâm huyết luyện kiếm, quả nhiên dễ dàng thành tựu. Nữ đạo Hạnh Nguyên còn có hai đệ tử Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung. Phương Chí Trung tự thân toát nên cốt cách nghĩa hiệp hiếm kẻ bì. Phạm Văn Đại kể văn lẫn võ đều tài giỏi. Rốt cuộc hai huynh đệ này chẳng được Trương Bách Hoa xem ra gì. Nàng ta còn bày không ít trò ương ngạnh làm khổ hai họ Phạm, Phương thủy chung bụng dạ chỉ hướng đến ải Quỷ Môn. Nữ đạo nắm được điểm này nên mỗi lần Trương Bách Hoa ương bướng liền dọa mách với An Định Hầu. Nàng ta cứng đầu đến đâu cũng tức thì ngoan ngoãn. Nữ đạo thấy vậy, hiểu mối lương duyên tréo ngoe này khó bề tháo được liền chuyên tâm rèn tính khí Trương Bách Hoa cho đúng lẽ, âu cũng vì mong sau thành thiếp của An Định Hầu biết giữ khuôn phép chẳng làm càn.
Thực ra với bản tánh cố hữu, Trương Bách Hoa dễ gì ngoan ngoãn ở núi Yên Tử suốt mười năm dài. Có lần không chịu nổi mối tương tư, Trương Bách Hoa bạo gan lén nữ đạo dùng khinh công chạy như bay về ải Quỷ Môn Quan. Nàng đến nơi, chưa kịp nghĩ cách xâm nhập phủ hầu đã thấy cờ xí rợp trời, đúng dịp An Định Hầu vừa dẹp xong loạn về lại quan ải. Phen ấy ông ta bị gần mười bảy mũi tên cắm lên người chưa kể trúng mấy mươi vết thương nặng. Trương Bách Hoa nép mình trên cây cao ngó thấy An Định Hầu xoay trở khó khăn, thân còn đỏ máu thì đau như ruột gan đứt đoạn, liền băng băng quay lại núi Yên Tự, tự thề học không thành tài không bao giờ đến gặp An Định Hầu. Trương Bách Hoa đâu màng ngôi phu nhân vương hầu để hưởng lộc cao phú quý. Nàng chỉ mong có thể cùng An Định Hầu chinh chiến hòng chia bớt hung hiểm. Cho nên sau lần lén lút nọ, Trương Bách Hoa nhất dạ luyện kiếm, đến nay dù nội lực chưa bì được Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung nhưng trên mặt kiếm thuật, cộng hai huynh đệ Phạm Phương vẫn chưa đủ địch nổi qua năm mươi chiêu.
Tâm tính Trương Bách Hoa vốn lãnh đạm, thêm nữ đạo uốn nắn mười năm dài ít ra cũng bình thản hơn người. Phàm chẳng chuyện nguy biến nào khiến nàng ta chớp mắt. Nữ đạo tưởng thật nên yên bụng, hay đâu biết An Định Hầu gặp nguy, Trương Bách Hoa không những chớp mắt còn khóc kể rân trời nài nỉ. Nữ đạo ngán ngẩm xem chừng mối duyên tiền kiếp đã ăn sâu vào tâm khảm học trò, nên có muốn hay không phải đưa Trương Bách Hoa lên đường tìm An Định Hầu.
Nữ đạo Hạnh Nguyên chờ Trương Bách Hoa dọn xong hành trang thì lên đường liền. Bà ta không quên căn dặn Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung:
- Hai con mau mau bỏ đạo quán ẩn thân chừng hơn tháng. Ta đoán chừng sẽ có kẻ quyền thế đến quấy rầy!
Nữ đạo dặn xong cùng Trương Bách Hoa đi ngay. Bà ta không muốn đụng mặt Võ Quảng nên chọn đường khác vượt núi đến đất Đại Lý.
Nữ đạo đi khỏi, hai huynh đệ Phạm Phương cũng dọn đồ đạc rồi chia nhau mỗi người một hướng ẩn vào rừng sâu. Cả hai sống ở núi Yên Tử từ bé cho nên thông thuộc địa hình như lòng bàn tay. Phạm Văn Đại nhằm hướng bắc tìm đến động Tùng Vân để ở. Động này có loại hoa lạ không tên nở rộ suốt bốn mùa ươm giữa trời dày khói sương một màu vàng như nắng rọi. Phạm Văn Đại thông văn giỏi võ tự nhiên yêu thích. Thường ngày không bận luyện công, chàng ta nhất định sẽ đến động Tùng Vân để vãn cảnh một lần. Phương Chí Trung không có cao hứng như sư huynh. Chàng lại nhè hướng tây nam tìm đến thác Yên Hà.
Thác Yên Hà cao hơn ngàn thước là chốn tu hành của nữ đạo Hạnh Nguyên ngày trước. Nơi đây cách biệt hẳn với toàn bộ rừng núi đạo Lâm Tây, những kẻ rành rẽ địa hình hoặc giả sống lâu năm cũng chớ hề hay biết. Nữ đạo Hạnh Nguyên ngộ đạo xong, sáng tạo hết thảy quyền thuật phái Yên Tử ở thác Yên Hà. Mỗi một chiêu một thức còn khắc lên vách đá sau thác nước. Phương Chí Trung đến đây luyện, mỗi khi thành tựu một quyền lại dùng chính quyền đó xóa đi hình khắc trên đá. Tính ra mười năm qua, bảy mươi họa đồ trên đá tương ứng với bảy mươi quyền của phái Yên Tử đã bị Phương Chí Trung xóa sạch. Nữ đạo Hạnh Nguyên biết chàng có tính kiên trì hơn hẳn người thường nên bày ra cách rèn luyện trên. Vòng ra phía sau thác nước đã hung hiểm cùng cực, chưa kể hình khắc trên vách đá cao hơn ba trăm thước, đến được nơi là chuyện khó, đọc được hình khắc còn khó hơn gấp bội kể chi đến chuyện xóa đi. Phương thức luyện võ này không chỉ luyện quyền thuật còn luyện cả khinh công lẫn tâm tính. Thành ra khi Phương Chí Trung xóa được bảy mươi hình khắc đã luyện nên một thân quyền thuật lẫn khinh công hiếm ai đồng lứa bì nổi.
Phương Chí Trung thiếu tố chất để luyện võ, trí tuệ không được nhanh nhạy nhưng bù lại có thừa tính kiên trì. Gặp khó khăn nào chàng cũng quyết vượt qua cho kỳ được. Một ngày không được thì hai ngày, một tháng không được thì hai tháng, một năm không được thì hai năm, Phương Chí Trung dùng cần mẫn bù cho khiếm khuyết trí tuệ, dù thành tựu chậm hơn đồng môn nhưng lại vững chắc vô cùng. Như khi chàng luyện quyền Thoái Cốt Long chẳng hạn. An Định Hầu luyện thuộc quyền Thoái Cốt Long chỉ trong nửa canh giờ. Ấy là nhờ ngoài thần lực trời phú cộng thêm tố chất hơn người, An Định Hầu dễ dàng lãnh hội được. Bản thân Phương Chí Trung mất hơn tháng mới thuộc Thoái Cốt Long, mất hơn một năm mới thành thạo. Trong bảy mươi quyền thuật phái Yên Tử, riêng luyện Thoái Cốt Long, Phương Chí Trung mất đến ba năm. Kể cũng chẳng bỏ công, chàng ta luyện thành thì thông thạo luôn cách vận lực nặng nhẹ. An Định Hầu dùng Thoái Cốt Long, quyền nào cũng toàn đem hết sức đánh ra có phần uổng phí uy lực. Riêng Phương Chí Trung, bất kể đánh vào đá to gỗ cứng hay chiếc lá mỏng manh đều dễ dàng tinh chỉnh nội công cho phù hợp. Trương Bách Hoa dùng kiếm xâu lá đào nhỏ bé đã khiến Võ Quảng kinh hồn đởm vía. Ví Võ Quảng thấy Phương Chí Trung dùng Thoái Cốt Long đánh lên lá ắt phải dụi mắt mấy mươi lần để chắc không nhìn nhầm. Vì họ Phương ra quyền tuy chiếc lá tan thành bụi nhưng phần gân nhỏ mỏng manh vẫn vẹn nguyên. Đến nữ đạo Hạnh Nguyên cũng không kềm nổi phải buột miệng khen tấm tắc.
Ba học trò của nữ đạo cùng một gốc nhưng thành tựu võ học lại phân ra ba đường khác biệt nhờ ưu khuyết từng cá nhân. Thật bụng khó đoán định ai giỏi hơn ai. Tuy nhiên, nữ đạo lại đánh giá Phương Chí Trung cao nhất trong bọn. Bà ta có lần cao hứng khẳng định khi các học trò đến năm ba mươi tuổi, Trương Bách Hoa thành kiếm thủ nhất hạng, Phạm Văn Đại thành cao thủ về nội công, phần Phương Chí Trung đã thành tựu sớm hơn đồng môn năm năm. Quả nhiên chớ hề sai lệch. Khi Phương Chí Trung được đồng đạo giang hồ Trung Thổ gán cho hiệu Nam Hiệp chỉ vừa hai mươi lăm tuổi. Chàng vùng vẫy tạo nên nhiều giai thoại trượng nghĩa vang dội bốn phương thì Phạm Văn Đại cùng Trương Bách Hoa vẫn chưa được ai hay đến.
Thường nghe, đến tuổi năm mươi tự nhiên hiểu mệnh trời. Nữ đạo Hạnh Nguyên sống gần trăm tuổi, về đạo hạnh đã viên mãn, về võ học thì bao la thâm sâu, thiết nghĩ khó còn chuyện gì thoát được con mắt thông tuệ của bà. Những bậc tôn sư hiếm khi truyền nội công cực khổ tu luyện cho kẻ mới gặp. Riêng nữ đạo Hạnh Nguyên chẳng những truyền mà còn truyền cho cả năm người. Tính ra, bà ta uổng mất năm mươi lăm công lực thượng thừa. Nữ đạo nào có làm bừa. Trước là dạy võ, sau dạy đạo, chừng hay đối phương có thể hướng theo nẻo thiện mới truyền nội công. Riêng Võ Quảng tuy chưa được nghe qua đạo lý nhưng lòng trung nghĩa của hắn đã khiến nữ đạo Hạnh Nguyên chẳng tiếc gì. Dẫu vậy, bà ta vẫn ngừa họa nên chỉ truyền khinh công chớ hề dạy thêm nửa quyền một thức hung hiểm nào.