Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung vừa rời núi Yên Tử chừng hai canh giờ thì tiếng vó ngựa đã rộn vang tìm đến. Đoàn kỵ mã không treo cờ xí nhưng ngó giáp phục đoán được là cánh quân của phò mã Ngô Nhật Khánh. Ngô Nhật Khánh trấn thủ Đường Lâm, coi ngó phần giữa của dòng Hồng Hà. Đây là nước cờ phòng hậu họa xâm lược của Đinh Tiên Hoàng Đế. Ví như nước Tống dùng hùng binh đánh bại được cả Ứng Kê lẫn Quỷ Môn Quan hiển nhiên sẽ gặp quân của Định Quốc Công Nguyễn Bặc cầm chân. Khi đó, tất cả con đường thủy đều nằm hết trong tay Ngô Nhật Khánh. Ông ta dễ bề cho thuyền nhỏ tập kích trước sau điều thuyền lớn đánh phá yểm trợ, dùng để phá rối hay phản công đều nắm nhiều lợi thế. Phò mã họ Ngô không giỏi luyện kỵ binh nhưng thủy quân thì nhất hạng. Như nước Chiêm lừng lẫy thuật thủy chiến nhưng đã có phen bị Ngô Nhật Khánh vây hãm trên sông Lam Thủy đến thừa sống thiếu chết. Ngày trước, An Định Hầu thường đem ưu khuyết các tướng lãnh của Đại Cồ Việt bàn luận cùng Lý Hoan, Lê Mục, Trần Biền. Ông hay ca ngợi tài thủy chiến của phò mã Ngô Nhật Khánh. An Định Hầu tung hô thủy quân Ngô Nhật Khánh nhiều bao nhiêu thì chê bộ binh phò mã bấy nhiêu. Điều vương hầu chê chính nhất là kỷ cương quân ngũ. Kỵ binh của phò mã Ngô Nhật Khánh đi đến đâu cũng ngông nghênh xem thường kẻ khác. Thành thử chuyến lên núi Yên Tử, cả bọn cũng chẳng chút kiêng nể, cứ hò hét loạn xạ.
Kể ra Ngô Nhật Khánh nào rảnh rỗi cử kỵ binh lên châu Lâm Tây. Vốn, phò mã họ Ngô thường mời nhà sư Mãn Giác ở chùa Kiến An ngoại thành Đại La đến luận đạo. Hiển nhiên, đôi bên chỉ nói về Phật pháp, không đá động gì đến chuyện chính trị. Tuy nhiên, Ngô Nhật Khánh cùng hoàng hậu Kiều Quốc có bụng muốn lôi kéo nhà sư Mãn Giác ngã cùng phe ủng hộ Đinh Hạng Lang. Nhà sư đức cao vọng trọng, võ nghệ tuyệt luân, trí tuệ cũng ưu việt hơn người. Thành ra bao nhiêu mưu kế nhọc công của phò mã đều chẳng tác dụng. Nhưng trong lần luận đạo gần đây, nhà sư buột miệng nhắc đến đạo hiệu Hạnh Nguyên, còn gọi hết sức cung kính. Phò mã Ngô Nhật Khánh thấy lạ bèn hỏi tới. Nhà sư thật bụng kể tỏ tường, một hai ca tụng đạo hạnh bà ta hơn bản thân mình gấp mấy mươi lần. Mãn Giác đã gần sáu mươi tuổi vẫn chỉ dám tự nhận vào hàng tôn đồ, phò mã hiểu liền nữ đạo Hạnh Nguyên nhất định tu gần trăm năm.
Ngô Nhật Khánh cùng hoàng hậu Cồ Quốc bẩm chuyện nữ đạo Hạnh Nguyên cho Đinh Tiên Hoàng Đế tường tỏ. Đằng này bẩm chuyện, đằng kia nhanh chân cho người đi mời. Đinh Tiên Hoàng Đế rất kính trọng các bậc chân tu, nghe nữ đạo đã gần trăm tuổi biết chừng đạo hạnh đã viên mãn, háo hức được gặp. Chuyện đời chia bè kết phái thì vách tường nhà ai cũng tự động có tai, Ngô Nhật Khánh hay gì về nữ đạo Hạnh Nguyên thì Dương Phi, Nam Việt Vương cũng biết không kém. Kỵ binh của phò mã họ Ngô đến được núi Yên Tử thì hai đội kỵ binh khác cũng xăm xăm theo sau. Cả ba đội kỵ binh không hẹn mà tề tựu đông đủ tại chân núi Yên Tử. Bên nào cũng nói thay hoàng đế cầu đạo nhưng thật bụng đều muốn làm kẻ nhanh chân mời được nữ đạo Hạnh Nguyên nên xảy ra trận cãi vã náo động góc rừng. Tuy nhiên, chừng các tướng lãnh cầm đầu lên đạo quán mới hay chẳng có ai. Tất cả kỵ binh tỏa ra bốn phương kêu gọi khản giọng cũng không tìm được bóng dáng người nào. Đang chừng chán nản thì có lão đạo sĩ tự nhiên xuất hiện.
Lão đạo sĩ nọ chính là kẻ lộng thần giả quỷ đã bị An Định Hầu trừng trị cách đây vài năm. Phen đó An Định Hầu định chém để răn chúng nhưng thấy lão cao tuổi nên mở bụng từ bi đày lên núi Yên Tử để học đạo. Lão lên núi Yên Tử thấy nữ đạo Hạnh Nguyên không khác gì thiếu phụ, nhan sắc lại tươi đẹp bèn giở giọng gạ gẫm. Nữ đạo chớ hề giận chỉ bỏ đi không tiếp nhưng Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung, Trương Bách Hoa dễ gì chịu bỏ qua. Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung chỉ quát một tiếng đã khiến lão sợ đến mất mật rồi đuổi đi. Trương Bách Hoa không đơn giản như đồng môn. Nàng đợi lão quay lưng đi hơn trăm bước chân mới rút kiếm chém một nhát cắt trụi búi tóc. Lão đạo hoảng hồn ngoái lại thấy Trương Bách Hoa vẫn đứng yên không hề di chuyển càng thêm khiếp vía, hết dám vác mặt đến núi Yên Tử phen nữa.
Lão sợ ba học trò nữ đạo nên không thể lân la ở núi Yên Tử, thân thì bị lệnh đày ải của An Định Hầu thành ra chẳng thể ở quá xa, đành chọn một ngọn núi nhỏ gần đó náu thân. Lão ta quen được cung phụng đầy đủ nay một mình ở động đá giá lạnh, quanh đi quẩn lại chỉ có trái rừng, rau dại, thiếu thốn khôn bề. Lão ta cũng chẳng được thân võ công tài giỏi như Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung, Trương Bách Hoa để dễ dàng săn bắt thú rừng. Càng sống vất vưởng đói no từng bữa, lão đạo càng căn hận An Định Hầu tận xương tủy, lại thừa hiểu An Định Hầu tước vị cao trọng, tay nắm hùng binh mấy vạn nên chẳng thể làm gì, đành lay lắt đợi hết kiếp. Tuy nhiên cách đây ba năm, lão vô tình phát hiện có người thường đi lại bằng lối bí mật ăn thông giữa các hang núi. Lão bạo gan mày mò theo mới hay dẫn đến vùng núi thuộc đất Đại Lý. Đi thêm chừng mấy mươi dặm, lão hãi hùng phát hiện toàn tráng đinh vai u thịt bắp canh gác. Tuy ăn mặc như tiều phu nhưng ngó qua đều biết là lính đã qua huấn luyện nghiêm ngặt, lão đạo suy già đoán non lại đoán đúng ngay là quân đầu hổ của An Định Hầu cải dạng đồn trú. Quân hổ đầu canh gác nghiêm ngặt, lão ta không thể đến gần quan sát nhưng bụng đã hớn hở không khác kẻ chết đuối vớ được cọc gỗ. Lão cẩn thận ghi nhớ trong bụng địa thế rồi vội vàng quay về động đá đợi thời cơ.
Chuyện An Định Hầu lén đồn trú quân đội riêng hiển nhiên là phạm tử tội. Lão đạo biết toàn triều nhà Đinh không mấy ai đủ sức hạ bệ vương hầu nên âm thầm chờ tìm kẻ quyền cao chức trọng để tố cáo. Lão chờ mãi cũng đến phen thấy cờ xí rợp trời, đoán chừng là binh mã của các tướng lãnh. Lão đạo thấy cả bọn đi bốn phía kêu loạn liền xuất hiện. Lão ta được mấy tên lính đưa đến mặt tướng lãnh cầm đầu. Lão đạo ngông nghênh hỏi:
- Trong các ngươi, ai có thể đưa ta đi diện kiến hoàng đế?
Kể ra lão đạo có chút tiên cốt, lại giỏi lộng thần giả quỷ nên dễ dàng đưa ra vài ba cung cách chân tu khiến các tướng lãnh nghĩ có can hệ đến nữ đạo Hạnh Nguyên. Bọn chúng tự động xum xoe muốn được phò tá về kinh. Lão đạo khôn ngoan bắt các tướng lãnh xưng hô tước vị lẫn chủ tướng. Chừng nghe có tướng lãnh hô là phó tướng dưới quyền phò mã Ngô Nhật Khánh, lão đạo hớn hở vội theo liền. Lão ta thừa biết Ngô Nhật Khánh là con ruột của hoàng hậu Kiều Quốc. Lão mượn thế hoàng hậu để hòng có thể diện kiến Đinh Tiên Hoàng Đế tố cáo tội phản loạn của An Định Hầu. Hoàng đế vốn có bụng nghi kỵ, gom hết thảy nghi kỵ đều chẳng bằng nghi kỵ với An Định Hầu. Cho nên hay tin vương hầu giấu quân đội riêng, hoàng đế tự nhiên nổi trận thịnh nộ. Lão đạo nghĩ đến cảnh An Định Hầu bị lôi ra giữa chợ chém đầu, bụng dạ sướng rơn, nghĩ thêm đến viễn cảnh được hoàng đế trọng dụng, biết đâu làm chức quốc sư tha hồ hưởng lộc cao, càng lim dim mắt mơ màng.
Đường từ núi Yên Tử về Hoa Lư hơn hai ngàn dặm đường, còn gặp mấy trận mưa lớn khiến nước trút về hạ nguồn không sao đếm xuể. Đoàn kỵ binh chẳng dám liều mạng đi tiếp, đành dựng lán ở lại hơn hai tháng mới về được kinh thành.
Nữ đạo Hạnh Nguyên gieo quẻ đoán được An Định Hầu bị họa lồng trong họa. Bà ta lại cho An Định Hầu dọc đường đi sứ bị kẻ khác ám toán, bụng nghĩ, An Định Hầu thừa kinh nghiệm sa trường dễ gì chết vì mấy trò ám muội thành ra dùng hết thảy thuật quẻ gieo thêm phen nữa. Quẻ thứ hai chỉ đích danh An Định Hầu bị kẻ thân cận làm hại. Nữ đạo Hạnh Nguyên cho rằng trong các kẻ theo gót ông ta đi sứ có tên mang bụng bất chính. Thường nghe dễ đối phó giặc ngoài, khó phòng bị giặc trong nhà, nữ đạo chắc rằng An Định Hầu bị chết vì tên phản chủ này nên đành phải tự thân đi cứu. Bà ta nào hay, cứ giết quách lão đạo kia coi như đã giúp An Định Hầu bớt một cái hoa. Phen này, nữ đạo Hạnh Nguyên cứu được An Định Hầu cũng chỉ là đưa ông ta từ thế cùng này sang thế cùng khác. Quyền biến thế nào sau này không tỏ, riêng chuyện lão đạo tố cáo lên Đinh Tiên Hoàng Đế đã khiến mặt rồng tức thì gửi sang Đại Lý mười hai mật chỉ triệu An Định Hầu về Hoa Lư.
Âu chuyện đời biến hóa khôn tận, đâu dễ gì chịu bó hẹp trong vài ba quẻ bói vận mệnh. Hạnh Nguyên so bì đạo hạnh thì thâm sâu nhất hạng nhưng bà ta nào có thể đoán được hết phúc phần của một con người. Ấy là vì bụng dạ người ta thường đa đoan còn bụng dạ thiên hạ thì đầy rẫy hiểm kế. Một khi mở bụng sân si, đến các bậc thế tôn đắc đạo truyền kỳ cũng khó bề đoán định cho đặng. Người xưa thường truyền tai, mệnh trời khó đoán, tuy nhiên, huyền hư về trời đất chẳng có ai tận mắt thấy thành ra câu trên phải đổi thành bụng người có đoán mới hợp lẽ nhất.
Phần về Võ Quảng rời khỏi đạo quán đã hăm hở trèo núi vượt đèo sang đất Đại Lý. Hắn cứ đi, mệt thì tìm đại gốc cây nằm nghỉ, đói lại ăn bừa trái dại rau rừng nhưng nhớ lời nữ đạo Hạnh Nguyên nên theo cách bà ta chỉ dẫn luyện tập cước pháp. Không hiểu có phải bộ pháp của nữ đạo thực sự cao thâm hay nội lực bà ta truyền cho phát huy tác dụng hoặc giả Võ Quảng có căn cơ luyện võ, cho nên hơn nửa tháng, tuy hắn vẫn đi bước cao bước thấp nhưng đã nhanh nhẹn khác thường, chuyện trèo đèo vượt núi cũng dễ dàng hơn mấy phần. Có phen bắt gặp một con hoẵng trên bình nguyên nhỏ, Võ Quảng bạo gan chạy đuổi theo. Chẳng ngờ chừng mấy mươi bước chân, hắn đã chộp lấy được con vật nọ, biết ngay đã luyện thành ngón khinh công nhất hạng. Võ Quảng liền hướng về nam lạy tạ nữ đạo Hạnh Nguyên mấy mươi lạy, thầm đợi dịp quay lại dầu bà ta có khước từ đến đâu cũng nhất định dập đầu bái sư. Hắn ngẫm nghĩ nếu luyện thành bù đắp khiếm khuyết bản thân lại được cùng An Định Hầu tung hoành sa trường, tráng chí liền bốc lên cao ngút, phấn khích tột độ. Vì thế Võ Quảng càng chăm luyện. Đến được biên giới Đại Lý tính ra hơn tháng, Võ Quảng đã có thể một bước chân đi hơn hai mươi thước, chưa kể dễ dàng qua trái sang phải biến hóa khôn tận. Vừa đúng một trận mưa rào bất chợt chụp xuống, Võ Quảng nhắm động đá cách đó hơn năm mươi thước nhấc chân chạy thẳng. Hắn đến được động nhưng trên người chỉ ướt lấm chấm mấy giọt, kể ra chạy còn nhanh hơn mưa rớt.
Nữ đạo Hạnh Nguyên ngoài sáng tạo các môn võ chính thống cho phái Yên Tử thì tạp nghệ nhiều vô kể. Bộ pháp Võ Quảng học là một trong hằng hà những tạp nghệ đó. Có lần nữ đạo Hạnh Nguyên ngắm hoa đào thấy con châu chấu bị gãy mấy hai ba cái chân nhỏ. Con châu chấu nọ đi lại khó khăn muôn bề nhưng chỉ cần búng hai chân lớn đã phóng đi thật xa. Bà ta thích thú quan sát thêm chừng nửa khắc trong đầu liền lờ mờ hiện lên một bộ di chuyển. Từ sau Ngô Vương Ngô Quyền đánh đuổi ngoại xâm xong, đất nam trải qua liên hồi biến loạn. Khởi thủy từ chuyện Dương Tam Kha cướp ngôi đến các tướng lãnh bốn phương các cứ thành mười hai sứ quân đấu đá lẫn nhau, sau cùng Đinh Tiên Hoàng Đế mới thống nhất dựng nên Đại Cồ Việt, chinh chiến mấy mươi năm khiến kẻ bị tật nguyền nhiều vô kể. Nữ đạo sống gần trăm tuổi thường vân du khắp chốn, mắt thấy cảnh trên đau đớn khôn tận. Tuy nhiên, bà ta không phải thần y có thể nối gân nắn xương nên cũng đành bất lực. Nhân chuyện thấy con châu chấu nọ, nữ đạo nghĩ liền món khinh công giúp những người tật nguyền di chuyển dễ dàng hơn. Phàm tôn sư hễ nghĩ là nghĩ đến tận chốn, nữ đạo Hạnh Nguyên sáng tạo thành Đảo Hình Bộ, gọi là tạp kỹ nhưng đem so với các món khinh công thành danh môn phái khác chẳng thua kém bao nhiêu. Nghiệt thay, ba đệ tử Phạm Văn Đại, Phương Chí Trung, Trương Bách Hoa đều lành lặn, nữ đạo chẳng thể đánh què một đứa rồi dạy Đảo Hình Bộ để xem linh nghiệm thế nào. May sao Võ Quảng bước cao bước thấp tìm đến, nữ đạo đã ưng bụng từ trước thêm mến lòng trung nghĩa nên truyền dạy Đảo Hình Bộ. Đảo Hình Bộ luyện đến thành tựu thì một bước chân có thể dễ dàng nhảy xa hơn bảy tám mươi thước bất kể lên cao qua trái hay sang phải. Võ Quảng tập hơn tháng đã nhảy được trên dưới hai mươi thước kể ra khá thành tựu.
Võ Quảng vào động đá chẳng dám bước bừa. Hắn đứng trước cửa động căng mắt nhìn cẩn thận vào bên trong. Hắn từng được An Định Hầu căn dặn, vùng núi giáp biên của nước Đại Lý có tộc người Miêu sinh sống thường hay dùng độc, hễ đồ đạc hay nơi ở của họ đều được bôi độc dược, đụng bừa vào nhất định bỏ mạng. Võ Quảng nhìn sáu bảy lần mới yên tâm là động hoang nên đi vào, kịp tránh một trận mưa xuống như trút nước. Võ Quảng tìm một góc ngã lưng, chưa kịp nghỉ ngơi đã ngửi ra mùi quen thuộc. Hắn là võ tướng theo An Định Hầu hơn mười năm nên mùi nhớ nhất vẫn là mùi máu. Võ Quảng ngửi thêm một lúc chắc mẩm không sai lệch tự động đưa mắt nhìn lên trên trần động. Mắt hắn vừa đưa lên chân đã tựa xuống nền đá xoay người nhảy sang bên trái hơn hai mươi bước thấy liền có một bóng đen đang thu mình giữa phần kẹt đá. Người này bị Võ Quảng phát hiện cũng nhảy ngay xuống đất. Ra là lão niên râu tóc đều bạc trắng. Võ Quảng thấy lão niên mang y phục tộc Miêu vội vàng chấp tay vái lễ. Hắn theo An Định Hầu lâu nên tiếng nói các tộc người vùng biên của Đại Cồ Việt đều biết ít nhiều.
Võ Quảng từ tốn nói:
- Tôi không biết là nhà của ngài nên mới tự tiện bước vào, chỉ vì ngoài trời mưa lớn không còn chổ nào nấp đành xâm phạm. Xin lượng thứ!
Hắn vừa nói vừa vừa ngầm thử xem các bộ phận trên cơ thể có bị tê liệt hay đau đớn, sợ đã bị trúng độc của người Miêu. Lão niên không ngờ Võ Quảng biết tiếng tộc mình nên có phần ngỡ ngàng. Lão nheo mắt nhìn kỹ, chừng chắc Võ Quảng không phải người đồng tộc mới đáp:
- Ta thấy người tật nguyền nên trong bụng khinh khi, chẳng biết lại có khinh công tuyệt diệu đến vậy. Nhưng có lẽ mới học nên còn nhiều phần lúng túng!
Võ Quảng thấy lão niên có cốt cách đường bệ không giống kẻ gian xảo, nên thật lòng:
- May nhờ cao nhân chỉ dạy nên chỉ được chút thành tựu nho nhỏ, không dám tự nhận!
Võ Quảng không dám dây dưa nên cúi đầu chào lão niên rồi tập tễnh bước ra khỏi động. Hắn nhớ mé bên trái động đá có mấy tán cây to, độ chừng có thể tránh mưa được. Nào hay vừa xoay mình đã thấy lão niên đứng ngay trước mặt chắn đường, Võ Quảng giật mình đành lùi lại mấy bước. Lão niên đủng đỉnh đứng quan sát, đôi mắt tự nhiên phát ra ánh sáng khác lạ. Võ Quảng nhìn thấy như trúng tà chỉ biết bất động. Trong đầu hắn dần dần hiện lên một cánh cửa lớn, bên tai có tiếng người luôn thúc dục. Võ Quảng nghe theo đưa tay xô mạnh cửa mở ra một kho tàng lớn. Vàng chất cao thành hai ba núi lớn, bạc vụn trải thành thảm dưới chân, chưa kể vô vàng ngọc ngà châu báu khác lạ đua nhau phát sáng. Trong đời Võ Quảng chưa từng thấy lượng tài bảo to lớn đến vậy, không khỏi trân mắt nhìn chăm chú. Hắn nhìn một lúc tự động đưa tay toan chạm vào, nửa chừng lại rụt tay, miệng lẩm bẩm:
- Ta làm thuộc tướng của An Định Hầu sao có thể tự tiện chạm vào đồ của người khác. Không được, không được! Đó là trọng tội bị đuổi khỏi quân ngũ!
Hắn lẩm bẩm xong chẳng thèm nhìn thêm vàng bạc, quay lưng ra khỏi cửa liền.
Vốn An Định Hầu rèn quân trọng nhất là kỷ luật. Hai tội lớn mà quân đầu hổ không được phạm, một là giết chóc bừa bãi, hai là cướp bóc hãm hiếp thường dân. Hễ phạm hai điều trên dầu có là hàng tướng lãnh như Đinh Thương cũng bị đuổi khỏi quân ngũ, chưa kể bị chém chết thị chúng. Lần An Định Hầu dẫn quân đánh đến Đông Môn của nhà Tống, chiếm luôn mấy châu quận gần đó phát hiện vàng bạc được tích trữ cao như núi. Đó là khoản tiền vua tôi nhà Tống dành cho chuyện nam tiến về sau, liếc sơ cũng biết hơn hẳn tài bảo toàn ở kho triều Đinh. Tuy nhiên, An Định Hầu cho lính kiểm kê không sót một mẩu vụn rồi chép lại dán ngay cửa kho. An Định Hầu thị uy xong rút quân về, số tài bảo trên không hề hao hụt. Bọn giữ kho kiểm kê lại, bụng bảo dạ tạ ơn An Định Hầu khôn kể. Ví như ông ta làm ngơ cho bọn tiểu tốt thừa cơ vơ vét, đám quan thủ kho kia khó tránh tội chết.
Dẫu vậy có một quân đầu hổ lén trộm chiếc trâm ngọc trong phủ tổng trấn Đông Môn. Y chinh chiến hơn mười năm chẳng mua nổi cho thân mẫu vật gì giá trị nên nảy sinh ý trên hòng làm vui lòng mẹ già. Dè đâu người mẹ nhận được trâm ngọc, liền khăn gói lên tận ải Quỷ Môn Quan đòi vào diện kiến An Định Hầu. An Định Hầu lạ bụng nhưng vẫn tiếp kiến. Người mẹ vào xin được gặp mặt con. Tên lính đầu hổ kia mới bước tới trướng đã bị mẹ mắng cho té tát. An Định Hầu biết chuyện liền trợn mắt nổi giận gọi tập hợp hết thảy lính tráng, lôi tên lính kia ra đánh liền mười gậy. Ông nói:
- Mười gậy này phạt ngươi tội bất hiếu, vì hành động sằng bậy khiến mẹ già phải đi hơn mấy trăm dặm đường nhọc sức!
An Định Hầu ra lệnh đánh tiếp mười gậy, lại nói:
- Mười gậy này vẫn phạt tội bất hiếu, mẹ ngươi nhận được vật báu biết ngay đồ gian liền đem trả. Mẹ trung nghĩa đến vậy sao có đứa con gian tham cho đặng!
Quân đầu hổ đều được đích thân An Định Hầu rèn luyện nghiêm ngặt rồi kiểm chứng từng người nên chuyện chịu hai mươi gậy vẫn chẳng hề nháy mắt. Tên lính nọ chịu đòn xong, vừa thẹn vừa ấm ức bèn nói:
- Bẩm, quân Tống nhiều phen đánh phá nước ta cướp đi không ít tài bảo. Tôi chỉ lấy một cây trâm nhỏ nào có sá gì!
An Định Hầu liền nạt lớn:
- Hàm hồ! Người ta cướp của, ngươi cũng cướp của thì khác gì nhau? Một cây trâm ngọc hay vàng bạc trăm vạn cũng đều là đồ cướp, có khác gì nhau? Phạt thêm mười gậy tội loạn ngôn!
Mười gậy này đích thân An Định Hầu đánh. Thần lực của ông ta chỉ cần giáng hai gậy đã khiến tên lính nọ kêu trời trách đất dở sống dở chết. Ông ta đánh xong mười gậy tính ra đã nương tay hết tám phần, nhờ vậy mới giữ mạng tên lính nọ. An Định Hầu lại nói:
- Ngươi phạm tội tham lam, theo luật chặt bỏ tay phải đuổi khỏi quân ngũ. Tuy nhiên, mẹ ngươi đầy trung nghĩa lại không dung thứ chuyện sai trái. Ta nể nang nên chỉ chặt bỏ hai ngón tay. Đày ngươi đi tu bổ đường sá hai năm. Từ lúc này ngươi không còn là lính đầu hổ dưới trướng ta!
An Định Hầu nói xong rút kiếm chặt đứt hai ngón tay tên lính nọ. Phần người mẹ được người đưa về tận quê nhà, An Định Hầu còn tặng thêm vàng bạc để tạ. An Định Hầu sắp xếp xong, lại cho sứ đem trả trâm ngọc, nói khéo do sơ suất. Quan quân nhà Tống thấy An Định Hầu phân định rõ ràng nên rất kiêng nể, đoán chừng tước hầu chẳng thiếu gì vàng bạc không thể tham vật nhỏ như vậy, chắc rằng bọn tiểu tốt làm càng. Tuy nhiên, chuyện trên lọt vào tai các quan tướng đồng liêu Đại Cồ Việt thì cả bọn lại hùa nhau mắng khéo An Định Hầu tham lam. Vương hầu trấn tại Quỷ Môn Quan nhưng lời bóng gió rộ lên như mưa lớn chưa kể qua nhiều miệng nên thêm thắt xuyên tạc vô kể. Lính đầu hổ nghe vừa tức vừa thẹn. Cả bọn thấy An Định Hầu chịu tội thay tiểu tốt gánh bao dè bỉu không khỏi xấu hổ trong bụng, tự bảo ban nhau chớ làm hại đến uy tín chủ tướng.
Tuy nhiên, lòng tham con người phàm đã có dễ dầu gì diệt bỏ. Về sau An Định Hầu đánh dẹp nội loạn, có chừng năm mươi phó tướng vơ vét vàng bạc còn cưỡng bức thê thiếp kẻ đối địch. Các phó tướng này đều uy dũng nhất hạng, công trạng nhiều vô kể. An Định Hầu không hề do dự đem cả bọn ra giữa quân chém liền, mặc cho bọn Đinh Thương, Lý Hoan, Lê Mục nài nỉ. Thật sự vương hầu gạt lệ mà chém. Nhờ lần đó, quân đầu hổ từ tướng lãnh đến binh tốt cạnh mặt không còn dám tự tiện tham lam, mãi thành tính, hễ đồ của người khác chẳng liếc mắt đến hai lần. Võ Quảng thường cùng An Định Hầu tiên phong đánh trận càng rèn dạ kiên định như núi lớn triệt hẳn tham tàn.