Sau khi dẹp loạn cát cứ mười hai sứ quân, Đinh Tiên Hoàng Đế chọn đất Hoa Lư làm nơi định đô. Hoa Lư ba bề núi non trùng điệp, trước mặt lại có đồng bằng lớn thêm dòng sông rộng bao quanh làm thành bức tường thủy lộ tự nhiên. Đinh Tiên Hoàng Đế xây dựng cung điện chia làm đông tây nam bắc hành cung. Lấy điện Kiến Xương làm trung tâm, điện phía đông là Phong Lưu, điện phía tây là Tử Hoa. Sau lại cho xây thêm hai điện là Bồng Lai và Cực Lạc. Tuy nhiên về sau đồng loạt đổi là Phong Đình, Tử Hoa, Thần Uy, Thiên Vũ. Đến năm thái bình thứ sáu cho xây thêm ba điện Vĩnh Tường, Kiến An và Thái Bảo. Đinh Đế chọn Thái Bảo làm hành cung trú ngụ. Các quan văn võ đều chầu ở Kiến Xương. Vào năm thái bình thứ bảy, cung điện trong nội thành Hoa Lư xem như đã hoàn chỉnh.
Đinh Đế sau mỗi buổi chầu triều đều về điện Kiến An gần cung Thái Bảo ngơi nghỉ và nghị đàm triều chính. Thái Sư Lưu Cơ lúc nào cũng túc trực bên cạnh. Sau có thêm một hoạn quan tên Đỗ Thích đứng ngoài cửa chờ sai bảo. Tất cả biến sự xảy ra ở thành Định Biên cùng việc An Định Hầu chạm trán thế tử Nam Việt Vương Đinh Liễn gần ngõ Thúc Độ đều được quân thám thính báo về không sót tình tiết nào. Đinh Tiên Hoàng Đế vốn xuất thân là võ tướng dầu bao năm yên vị thái bình vẫn giữ được tướng rồng tráng kiện. Hoàng đế mặc hoàng bào thư thái nghĩ ngợi. Lưu Cơ bên cạnh bất giác cười nói:
- Bẩm chúa thượng! Hạ quan đã hiểu vì sao An Định Hầu cố tình gây chuyện với thế tử!
Đinh Tiên Hoàng Đế không vội hỏi, trầm ngâm:
- An Định Hầu gây chuyện với thế tử là tình thế ép buộc không làm khác được. Tuy nhiên ta vẫn không hiểu, An Định Hầu thường ngày làm việc rất cẩn trọng. Nếu ông ta không muốn ai biết đi cứu Định Biên thì sao còn cố tình cho ngựa đi qua ngõ Thúc Độ? Lẻ nào ông ta không tính ba vạn dấu chân ngựa sẽ để lại hay sao?
Lưu Cơ nói:
- Bẩm, là ông ta cố tình để lại!
Đinh Tiên Hoàng Đế liền vỗ trán một cái:
- Là răn đe để phòng họa về sau!
Lưu Cơ liền ghé sát tai hoàng đế, thì thầm:
- Ông ta đã có ý tán thành việc đổi ngôi thế tử! Để ba vạn dấu chân ngựa ở Thúc Độ chính là nhắc khéo, ông ta có thể âm thầm dẫn quân vào Ái Châu nếu có biến! Thế tử không phải vì điều này mà nổi cơn thịnh nộ đó sao?
Đinh Tiên Hoàng Đế nghe xong đáp:
- Ta chính là không hiểu ở điểm này. Trong các đại thần ông ta là người kiên quyết phản đối việc đổi ngôi thế tử, nhưng giờ lại tán đồng!
Lưu Cơ liền nói:
- Bẩm, An Định Hầu phản đối việc đổi ngôi không phải vì ông ta thân cận với thế tử hay không thích Hạng Lang. Chỉ là ông ta không muốn xảy ra biến loạn. An Định Hầu luôn lấy đại cuộc làm trọng nên tâm tư đều theo đó mà hành xử! Trước kia ông ta sợ không khống chế được thế tử nên một hai phản đối. Bây giờ ông ta tán đồng thì chắc chắn đã có thể nắm được thế tử trong tay. Đối với ông ta ai làm thế tử không quan trọng. Cái ông ta quan tâm là thiên hạ xã tắc, là bá tính lương dân Đại Cồ Việt!
Đinh Tiên Hoàng Đế chau mày rồng tư lự. Thái sư Lưu Cơ nói xong tự ngẫm nhiều điểm không thỏa, tức thì nghĩ ngợi. Một lúc sau, cả hoàng đế lẫn quân sư đều thốt lên:
- Không phải, không phải! Ông ta vẫn không hề tán đồng chuyện đổi ngai thế tử!
Thái sư Lưu Cơ trầm giọng:
- An Định Hầu để ban vạn dấu chân ngựa nơi ngõ Thúc Độ đúng là có ý dọa nạt, nhưng không phải vì sợ Nam Việt Vương nhân chuyện đổi ngai thái tử dấy binh làm càn. An Định Hầu muốn nhắc nhở Nam Việt Vương phải hành xử cẩn trọng để tránh mất lòng bệ hạ lẫn chư tướng!
Đinh Tiên Hoàng Đế thở dài:
- An Định Hầu đến cùng vẫn chỉ muốn Nam Việt Vương làm thế tử! Nếu ta không phải đã rõ lòng dạ trung thành nhất định sẽ cho rằng ông ta nằm cùng phe với Nam Việt Vương!
Lưu Cơ lại hạ giọng nói:
- Bẩm, phen này ông ta về kinh nhất định sẽ hết lời can gián chuyện đổi ngôi. Với bản tánh kiên định của ông ấy, nếu không có lời lẽ chính đáng, thần e khó lay chuyển nổi!
Đinh Tiên Hoàng Đế chỉ đành thở dài ngao ngán. Hoàng đế mấy đêm liền tìm cách để An Định Hầu ủng hộ chuyện phế Nam Việt Vương đưa Đinh Hạng Lang làm thái tử. Tuy nhiên, hoàng đế càng nghĩ càng bế tắc, thôi đành không nghĩ thì hơn.
Đinh Tiên Hoàng Đế lại hỏi:
- Còn một việc, không biết vì sao Trần Biền lại cắt lưỡi, phong thư đó thật sự viết gì?
Lưu Cơ đáp:
- Bẩm, Trần Biền khi đọc xong thư đã tự cắt lưỡi mình. Sau đó hắn cất kỹ phong thư trong người không bao giờ cho kẻ khác thấy. Quân thám thính mấy lần bỏ tiền mua chuộc thân cận của hắn để dò la đều thất bại. Thật sự từ tướng lãnh đến sĩ tốt của An Định Hầu nhất dạ trung thành khó có thể lung lay được! Hạ quan e chỉ có cách ép An Định Hầu mới có thể biết được phong thư đó viết gì!
Hoàng đế xua tay gạt đi:
- Không được, không được. An Định Hầu tính tình cương liệt. Việc ông ta không nói thì dầu có bắt ép thế nào ông ta cũng không nói. Năm xưa nếu không phải vì đại cuộc, ông ta cũng không phản Kiều Công Tiễn mà về với ta. Nếu ta bắt ép chỉ sợ trong lòng An Định Hầu nảy sinh phòng bị, khi đó sẽ là họa trong họa!
Lưu Cơ nghe Đinh Tiên Hoàng Đế nói vậy, hiểu ra nguồn cơn bên trong nên đáp:
- Bẩm, đúng là hạ quan đã quên! Ông ta vốn là hàng tướng!
Ngày trước còn chưa được phong tước, An Định Hầu chỉ có tên Đinh Viễn là tướng giữ ải của Kiều Công Tiễn. Ông coi quản một vùng rộng lớn từ Ứng Kê đến Quỷ Môn Quan. Đinh Tiên Hoàng Đế trong lúc dẹp loạn sứ quân cát cứ đã tiến đánh Kiều Công Tiễn dữ dội. Họ Kiều liên tục bại trận đành phải dẫn tàn quân rút lên vùng ải bắc để cố thủ. Đinh Tiên Hoàng Đế lập tức cho truy kích, đánh ải trong suốt một tháng trời. Đinh Viễn chỉ có tám ngàn quân vẫn an nhiên chống đỡ. Khi đó, binh mã hoàng đế đã mười hai vạn, tướng tài không dưới năm mươi người nhưng đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ. Đinh Viễn giao chiến với Đinh Tiên Hoàng Đế nửa tháng chém không dưới mười tướng nhà Đinh, thật sự là nỗi khiếp sợ của binh mã Đinh Tiên Hoàng Đế. Vua Đinh bao vây hơn tháng không đánh phá được bèn dùng kế của Lưu Cơ kêu gọi nghị hòa. Thật ra Lưu Cơ toan trá hòa mà bắt sống. Nào ngờ Đinh Viễn bất thần mở cửa ải dẫn năm ngàn quân đánh úp một trận diệt hơn vạn quân của Đinh Tiên Hoàng Đế.
Đinh Tiên Hoàng Đế đùng đùng nổi giận, cho đại quân đánh phá liên tục mấy ngày đêm. Đinh Viễn vẫn thản nhiên chống đỡ chớ hề nao núng. Nhưng Kiều Công Tiễn thấy khí thế Đinh Đế quá mạnh liền bí mật dâng thư hàng nhà Tống ước hẹn giữa tháng sẽ mở cửa ải. Đinh Viễn biết liền kịch liệt phản đối. Kiều Công Tiễn không thuyết phục được bèn cho bắt giam. Binh lính giữ ải mười phần hết chín đều nhiều năm theo Đinh Viễn sống chết nên uất ức làm phản. Đinh Tiên Hoàng Đế nhân cơ hội đánh úp trong nửa ngày đã chiếm được ải. Nói là nửa ngày thực chất chỉ một canh giờ dẫn đại quân vào cổng ải được mở sẵn. Kiều Công Tiễn hoảng loạn dẫn tàn quân chạy lên phía bắc. Đinh Tiên Hoàng Đế vốn có lòng muốn dùng Đinh Viễn nên để Lưu Cơ thuyết phục. Nào ngờ, Đinh Viễn chỉ cầu xin tha mạng cho binh sĩ giữ ải và một thanh kiếm để tự vẫn, là đến chết vẫn không muốn hàng Đinh Tiên Hoàng.
Đinh Tiên Hoàng Đế kiểm điểm quân mã xong liền rút về để dẹp loạn nơi khác. Đinh Đế không nỡ giết Đinh Viễn nên cho áp giải theo cung phụng như thượng khách. Tuy nhiên, Đinh Viễn vẫn không chịu hàng phục. Giữa tháng đó, Kiều Công Tiễn mượn nhà Tống năm vạn quân tiến đánh Ứng Kê rồi Quỷ Môn Quan. Tướng lãnh giữ ải của Đinh Đế không sao chống đỡ được đành rút lui sâu vào vùng phía bắc Hồng Hà. Đinh Tiên Hoàng Đế trong đang phân quân dẹp loạn các nơi chưa biết cử tướng nào đi đánh địch thì Đinh Viễn xin đi. Hoàng đế có phần nghi kỵ nhưng rốt cuộc đành giao cho ấn tiên phong. Chỉ trong ba ngày, Đinh Viễn đã đẩy lùi quân Tống từ Đường Lâm lên đến Quỷ Môn Quan. Thật sự, Đinh Viễn liều chết mà đánh. Cuối cùng, ông ta đã bắt được Kiều Công Tiễn ở ải Phế Binh thuộc hệ thống mười hai ải liên hoàn của Quỷ Môn Quan. Đinh Viễn vì ơn cũ đã thả họ Kiều đi. Sau khi đuổi được quân Tống, Đinh Viễn cho xây dựng phòng cố lại ải Ứng Kê cùng hệ thống ải Quỷ Môn Quan. Chừng hai tháng sau, ông quay về gặp Đinh Tiên Hoàng Đế giao lại binh quyền. Lưu Cơ nhân cơ hội bèn đem đại cuộc ra thuyết phục rốt cuộc cũng thuyết được Đinh Viễn chịu theo Đinh Tiên Hoàng Đế. Tuy nhiên, ông đã giao ước không cùng Đinh Đế đánh dẹp nội loạn mà chỉ ở lại phía bắc trấn giữ ải. Tính ra Đinh Viễn là tướng đầu hàng không hề có công theo hoàng đế đánh dẹp loạn cát cứ để thống nhất đất nước.
Nhờ Đinh Viễn giữ ải, Đinh Tiên Hoàng Đế chú tâm dẹp nội loạn cát cứ không lo họa ngoại xâm của quân Tống. Sau khi thống nhất đất nước xưng đế, Đinh Tiên Hoàng đã gia phong Đinh Viễn làm An Định Hầu và tặng thêm cho tên ông ta một chữ Quan. Từ đó Đinh Viễn thành An Định Hầu Đinh Quan Viễn. An Định Hầu chỉ là hàng tướng lại không có công đánh dẹp các nơi nhưng cuối cùng lại được phong hầu trọng thưởng theo tước vương. Không nói cũng biết trong chư tướng khai quốc công thần có rất nhiều kẻ để lòng oán ghét. Dẫu vậy, uy dũng của ông ta át vía hết thảy, những kẻ oán ghét chỉ đành bằng mặt cho qua.
Đinh Tiên Hoàng Đế nhớ lại chuyện xưa, không khỏi thở dài nói:
- Không bao giờ được quên ông ta chỉ là hàng tướng, không phải là các công thần sống chết cùng ta khai mở triều đại!
Lúc này bên ngoài, Đỗ Thích lên tiếng:
- Bẩm bệ hạ, An Định Hầu đã vào triều đang chờ ở bên ngoài điện!
Đinh Đế liền nói:
- Cho truyền vào!
Đỗ Thích nghe xong dạ lớn đáp lễ rồi hô to:
- Đinh Tiên Hoàng Đế cho truyền An Định Hầu vào điện diện kiến!
Hơn mười tên hoạn quan đứng cách đó không xa cũng đồng thanh tương ứng theo. Lát sau đã thấy An Định Hầu cùng Thác Hoa chậm rãi đi vào.
An Định Hầu Đinh Quan Viễn bỏ lại trường đao cùng kiếm dài dao ngắn cho lính ngự lâm gác ngoài điện giữ. Ông ta vẫn đeo mặt nạ ngạ quỷ vào diện kiến hoàng đế. Lính gác đã thành quen lệ nên không ai lên tiếng nhắc nhở. Nói không ngoa, toàn triều nhà Đinh, kẻ tận mắt thấy được khuôn mặt thật của vương hầu không quá mười người. Kẻ đã thấy thì thần hồn đều kinh khiếp không còn bụng dạ miêu tả lại. Người tò mò nghe lời đồn đoán thêu dệt đủ chuyện thần thoại về khuôn mặt âm dương cũng không dám tìm hiểu. Chỉ biết chừng ba năm trước, một tên lính ngự lâm mới được chuyển về gác điện Kiến An thấy An Định Hầu diện kiến hoàng đế vẫn đeo mặt nạ liền nhắc nhở. Hiển nhiên, vương hầu theo đúng lệ tức thì cởi mặt nạ xuống bỏ lại ngoài điện. Tên lính nọ ngó thấy té xỉu tại chổ đến ba ngày nghỉ ngơi đàng hoàng mới tỉnh dậy. Nghe đồn rằng đến tận hai năm sau, mỗi đêm tên lính ngự lâm vẫn bị khuôn mặt âm dương của An Định Hầu gây ác mộng gào thét giữa giấc ngủ không thôi. Bọn thái giám cung nữ nhàn rỗi ở các điện lớn nhỏ trong hoàng cung tức thì truyền tai nhau. Lời cứ qua tai một người đến miệng một người khác tự nhiên được thêm thắt ít nhiều. Kết cuộc, tất cả văn quan võ tướng toàn Đại Cồ Việt đều chắc thầm trong bụng một điều, tốt nhất không nên thấy khuôn mặt của An Định Hầu làm gì.
Được triệu, An Định Hầu thong thả đi trước, Thác Hoa đủng đỉnh theo sau. Thác Hoa bao năm quen ở nước Chiêm, lần đầu thấy kinh thành Đại Cồ Việt nên không khỏi tò mò cứ liếc ngang dọc. Nàng ta nhìn ngó một hồi mới tiến đến gần An Định Hầu hỏi nhỏ:
- Tiểu nữ đứng bên ngoài cũng được, sao ngài lại bắt tiểu nữ theo ngài vào hầu?
An Định Hầu đáp:
- Ta bây giờ là hình. Nàng chính là bóng. Ta không an tâm để nàng rời khỏi mắt ta!
Thác Hoa cười khúc khích nói:
- Ngài thật khéo che đậy, chẳng phải ngài muốn công khai với thiên hạ tiểu nữ là người của ngài. Như vậy về sau tiểu nữ nhất định không thể mưu tính chuyện làm phản được. Có mấy ai mà không sợ uy của ngài? Là ngài đang mượn người khác giám sát tiểu nữ!
An Định Hầu lắc đầu:
- Xem ra sau này nàng không cần hỏi, ta cũng không cần đáp. Nàng thật là con sâu trong bụng ta!
Thác Hoa càng thích chí cười khúc khích. Bọn hoạn quan đã quen nhìn vương hầu một mình nghiêm nghị vào điện, tự nhiên thấy có thêm một cô nương ăn mặc kỳ lạ liền xì xào bàn tán. Đỗ Thích cũng ngơ ngác khi thấy Thác Hoa đến quên vái chào. An Định Hầu chỉ cười mỉm rồi ra hiệu. Đỗ Thích vội vàng hô lớn:
- Bẩm hoàng thượng, An Định Hầu Đinh Quan Viễn đang đứng chầu bên ngoài!
Đinh Đế bên trong liền đáp:
- Mau cho triệu An Định Hầu!
An Định Hầu liền chỉnh lại giáp phục rồi đẩy cửa bước vào. Thác Hoa đi sau không rời nửa bước. An Định Hầu gặp Đinh Tiên Hoàng Đế không cần quỳ xuống dập đầu mà chỉ đứng vái chào. Ông được miễn dùng đại lễ khi gặp vua. Thác Hoa thì phải quỳ xuống hành lễ cẩn trọng:
- Tiểu nữ tên Thác Hoa xin tham kiến hoàng thượng!
Đinh Đế ngạc nhiên nhìn An Định Hầu hỏi:
- Người này là ai?
An Định Hầu đáp:
- Bẩm, cách đây mấy năm đề phòng người Chiêm xâm lấn, thần đã cho cô nương này vào trong cung cấm nước Chiêm để dò la tình hình. Lần này Nước Chiêm tấn công Định Biên nếu không có cô nương đây ra sức phá hoại bên trong thì thần cùng Trần Thành không thể nào đẩy lui được!
An Định Hầu mở miệng ca tụng Thác Hoa không ngớt. Đinh Tiên Hoàng Đế lẫn Lưu Cơ lắng nghe liền để lộ ngạc nhiên trên mặt. Thác Hoa càng nghe An Định Hầu ca tụng càng thấy giống như vương hầu đang ca ngợi một vương hầu phu nhân tài sắc vẹn toàn khác hẳn với cách chủ tướng ca ngợi quân sư dưới trướng. Nàng chột dạ nhưng vì đang tiếp kiến hoàng đế nên không dám mở miệng hỏi.
Đinh Đế nghe An Định Hầu tung hô Thác Hoa xong thì có ý không vừa bụng nhưng vẫn cười mỉm ra hiệu cho Thác Hoa đứng dậy, nói:
- Hay lắm, khanh thật là luôn tính toán chu toàn không uổng cái tên Quan Viễn! Vậy ta phải ban thưởng cho cô nương!
Lưu Cơ lúc này vái lễ An Định Hầu:
- Nhiều năm không gặp ngài vẫn rất tráng kiện!
Ông ta vái An Định Hầu xong lại chào sang Thác Hoa, có phần trịnh trọng chẳng thua gì vương hầu. Thác Hoa thấy lạ nhưng chẳng thể nào đoán ra nổi bèn vái trả với Lưu Cơ. Nàng tâng bốc mấy câu cho đủ lễ:
- Vị này chắc chắn là thiên hạ đệ nhất mưu sĩ. Tiểu nữ bên cạnh An Định Hầu lúc nào cũng nghe nhắc đến ngài!
Lưu Cơ cười đáp:
- Không dám, không dám! Cô nương đã quá lời! Nói về mưu kế ta còn thua bệ hạ cùng An Định Hầu!
Hai bên cứ kẻ tung người hứng thì An Định Hầu khẻ liếc nhìn ngai rồng. Đinh Đế biết ý, lệnh:
- Lưu Cơ, mau đi truyền bày tiệc ở điện Vĩnh Tường cho ta chúc mừng An Định Hầu lập công lớn!
Lưu Cơ cúi đầu nhận mệnh rồi vội vàng lui ra ngoài. An Định Hầu nhìn Thác Hoa mà nói:
- Nàng mau ra ngoài đợi ta!
Thác Hoa dập đầu với Đinh Đế cùng An Định Hầu rồi lui đi.
Chờ trong điện Kiến An chỉ còn có hai người, Đinh Đế mới rời khỏi ngai rồng tiến đến cạnh bên vương hầu. Hoàng đế hỏi:
- Trần Thành đã làm được đến đâu rồi?
An Định Hầu đáp:
- Hắn mặc dù cực khổ lại bị Nam Việt Vương làm nhiều cách để lôi kéo nhưng vẫn không lung lay. Binh đã có bốn vạn. Lương đã đủ dùng cho chinh chiến trong một năm. Thần vừa bắt được Chế Tạc Man. Chúng ta có thể theo kế hoạch đợi Chiêm Vương cắt đất giảng hòa! Cơ đồ nam tiến xem như thuận lợi một nửa. Sau này đành phải nhờ Trần Thành tự tính toán!
Đinh Tiên Hoàng Đế không giấu được nét mặt mừng rỡ:
- Hay lắm, như vậy ta có thể nhân việc Trần Thành lập công mà phong chức đại soái coi quản phía nam! Lần này đã nhọc công bắt khanh phải dẫn quân về cứu Định Biên!
An Định Hầu nói:
- Còn một chuyện thần muốn tấu!
Đinh Đế gật đầu:
- Chỉ có ta và khanh không cần phải giữ lễ!
An Định Hầu liền tâu:
- Xin bề trên bỏ việc đổi ngôi thế tử!
Đinh Đế cau mày nói:
- Khanh vẫn không tán đồng ?
An Định Hầu đáp:
- Thần không phải vì tâm tư thích Nam Việt Vương hay là không thích hoàng tử Đinh Hạng Lang. Tuy nhiên, từ xưa đến giờ việc phế trưởng lập thứ luôn có tiền lệ xấu. Hơn nữa, thế tử đương nhiệm không phải là kẻ vô đạo. Thế tử lại cùng bề trên chinh chiến lập nhiều công trạng. Xét về tình về lý cũng không có điểm nào phế ngôi thái tử. Mong bề trên suy xét thận trọng!
Đinh Đế liền lắc đầu:
- Chuyện này ta không muốn bàn đến!
An Định Hầu tức thì quỳ sụp xuống:
- Xin hoàng thượng xem xét lại!
Đinh Đế sửng sốt nói:
- Ông..ông từ lúc về với ta chưa bao giờ dập đầu khấn lễ, cũng chưa bao giờ gọi ta là hoàng thượng! Tại sao vì chuyện này ông phải hạ mình? Ngai thế tử dù được giao cho ai nào có ảnh hưởng gì đến ông? Ông tại sao phải làm vậy?
An Định Hầu tâu:
- Hoàng thượng! Ngài vì tâm tư phải phân nhiều việc hay sao mà không thấy cái họa binh đao trên ngai thế tử? Là ngài không thấy hay không chia sẽ gánh nặng cho thần? Bệ hạ nghĩ vì sao thần dẫn quân cứu Định Biên lại để ba vạn dấu chân ngựa nơi ngõ Thúc Độ? Tâm tư của thần bệ hạ không thấu được sao?
Đinh Đế liền đến dìu An Định Hầu đứng dậy:
- Năm xưa ông về với ta là vì đại cuộc. Ông phản Kiều Công Tiễn cũng vì họ Kiều liên kết với quân Tống. Ta biết trong lòng ông chỉ có bách tính lương dân là trên hết. Nhưng ngôi thái tử ta đã quyết rồi!
An Định Hầu vội đáp:
- Hoàng thượng, trong các tướng lãnh, ngoài Lê Hoàn và thần thì có ai không nợ nhiều ơn tình của thế tử Nam Việt Vương Đinh Liễn? Nếu vì chuyện bị phế ngôi, thế tử làm binh loạn thì phải xử lý thế nào? Đinh Hạng Lang tuổi nhỏ lại không quen chinh chiến, chưa phục được các tướng lãnh khai quốc, chẳng phải để Hạng Lang ngồi ngai cao một mình đó sao?
Đinh Đế lắc đầu nói:
- Ta ý đã quyết, ông đừng khuyên can thêm. Ta chỉ hỏi ông nếu Nam Việt Vương làm binh biến, ông có bảo vệ Hạng Lang không?
An Định Hầu thấy hoàng đế kiên quyết thì thở dài đứng dậy. Ông ta chấp tay vái đáp:
- Thần không đứng về bên nào. Bất kỳ kẻ nào mưu hại đến sự yên ổn của Đại Cồ Việt, chỉ cần bề trên ra lệnh, thần sẽ tự tay chặt đầu kẻ đó xuống!
Đinh Đế cau mày hỏi:
- Nếu như ta nhờ ông bảo vệ Hạng Lang thì sao?
An Định Hầu đáp:
- Ngày thần phản Kiều Công Tiễn đầu quân cho hoàng thượng đã nói, là vì đại cuộc muốn nhanh chóng bình ổn. Trong mắt thần chỉ có sự thái bình làm trọng. Hoàng thượng dầu đích thân nhờ cậy, thần cũng không dám nhận. Tuy nhiên có điều này không thể không nhắc bệ hạ. Phải cần trọng Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn!
Đinh Đế hỏi:
- Tại sao ta phải cẩn trọng hắn?
An Định Hầu đáp:
- Trong ba năm qua hắn hết lên phía Tây đánh Ai Lao lại ngược bắc đánh các động thu phục nội loạn lẫn ngoại địch. Bây giờ đại quân triều đình bảy phần nằm trong tay người này. Các quan văn võ không ít người cũng hàm ơn hắn. Bệ hạ thử nghĩ, các tướng bờ bắc Hồng Hà làm loạn thì thần còn có thể khống chế. Nam Việt Vương làm loạn thì có cả thần lẫn Lê Hoàn khống chế. Thần làm loạn thì tự khắc sẽ bị Lê Hoàn dẫn quân thảo phạt. Vậy nếu Lê Hoàn làm loạn thì lấy ai thảo phạt hắn đây?
Đinh Đế nói:
- Việc này tự ta đã có tính toán. Hắn thật sự có lòng trung thành với ta!
An Định Hầu thừa biết hoàng đế trả lời như vậy nên thở dài đáp:
- Bề trên đã có tính toán, thần không tiện can thiệp, chỉ mong bề trên cho thần xin một việc!
Đinh Đế liền nói:
- Được, trong các đại thần ông là người vì ta gánh vác nhiều việc nhất, ông muốn điều gì ta đều chuẩn tấu!
An Định Hầu đáp:
- Chỉ mong bề trên ngày mai ra một chiếu chỉ gia phong cho thần được quyền coi quản hai ải Ứng Kê và Quỷ Môn Quan thêm chu vi bốn trăm dặm đất bao quanh. Không có lệnh triệu cả đời không được tự tiện dẫn quân rời ải!
Đinh Đế cau mày:
- Ông..ông định đứng ngoài việc ta đổi ngôi thế tử?
An Định Hầu đáp:
- Tướng lĩnh giữ ải không được can dự sâu vào nội chính. Thần chỉ làm theo lệ cũ, mong bề trên suy xét!
An Định Hầu nói xong thì cúi mặt kiên định không nói thêm bất kỳ lời nào. Đinh Tiên Hoàng Đế cốt lựa lời hòng muốn kéo vương hầu ủng hộ chuyện đổi ngôi thế tử, dè đâu miệng chưa mở đã bị An Định Hầu khôn khéo từ chối trước. Giờ có đem cạn thuật thuyết khách cũng khó bề lay chuyển nổi lòng dạ An Định Hầu. Đinh Tiên Hoàng Đế đành hỏi han qua loa rồi cho lui. An Định Hầu vái chào Đinh Đế quay liền ra khỏi điện, trong bụng thầm chán nản vô độ. Bên ngoài, Thác Hoa đang trêu đùa cùng mấy tên thái giám thấy An Định Hầu vội hỏi:
- Bệ hạ trọng thưởng cho tiểu nữ chức gì?
An Định Hầu đáp:
- Cho nàng chức mưu sĩ suốt đời theo ta coi quản ải Ứng Kê!
Thác Hoa cười khúc khích:
- Vậy là ...
Thác Hoa định nói vậy là khác đi đày với ngài, nhưng nàng ta thấy ánh mắt An Định Hầu uất hận liền vội vàng bỏ lửng không nói tiếp. An Định Hầu ra hiệu cho nàng im lặng. Cả hai cứ thế đi về hướng điện Vĩnh Tường.
Điện Vĩnh Tường nằm giữa hai hành cung Cẩm Tuệ và Phong Hoa. Điện bao gồm mười hai phòng nối tiếp nửa đường tròn bọc lấy một sân bằng đá rộng lớn chuyên làm nơi thết yến tiệc mừng công. Các tướng lãnh quan lại bên ngoài triều được mời về chầu đều ở lại chốn này. An Định Hầu tuy được hoàng đế ban tặng cho một tòa nhà ở kinh thành nhưng bao năm vẫn quen lệ cũ nên tòa nhà của vương hầu chẳng mấy khi có tiếng chân. Ông về kinh thường ở lại không quá mấy ngày thành ra ông chọn điện Vĩnh Tường làm nơi ở, vừa thuận tiện nghỉ ngơi, lại tiện chuyện âm thầm mật nghị cùng hoàng đế.
Bọn thái giám ở điện đã được báo trước, xếp ngay hàng thẳng lối. Vừa thấy An Định Hầu từ xa, cả bọn đã đồng loạt khom lưng vái lễ rất cung kính:
- Tham kiến An Định Hầu, cung nghinh An Định Hầu về điện nghỉ ngơi!
Tổng quản thái giám ở điện Vĩnh Tường tên Đinh Phúc. Hắn là kẻ thân cận bậc nhất với An Định Hầu, bì với bọn Đinh Thương, Lê Mục, Lý Hoan, Trần Biền thì chỉ hơn không kém. Tất cả các tướng lãnh lẫn hoàng thân quốc thích đều biết thành ra Đinh Phúc tuy chỉ giữ chức tổng quản một điện nho nhỏ nhưng rất được nhiều kẻ kính trọng. Là những kẻ sợ uy An Định Hầu lẫn những kẻ muốn thân cận An Định Hầu kính trọng.
Đinh Phúc thấy An Định Hầu liền tất tả chạy tới đón. Hắn ta mập mạp thật sự lúc chạy nhìn rất hoạt kê. Thác Hoa không nhịn được cười khúc khích thành tiếng. Đinh Phúc ôm chầm lấy An Định Hầu khóc lóc rất thê lương:
- Bao năm không gặp, ngài vẫn vô cùng tinh anh! Hạ quan ngày đêm đều thắp hương cầu chúc cho vương hầu vĩnh niên trường thọ! Phúc lộc tựa non cao! Đường công danh thênh thang như dòng Hồng Hà rộng mở!
Hắn tuôn luôn một tràng êm tai vô kể. An Định Hầu cười ha hả đáp:
- Ta xem ngươi đã tốt tướng lên, chắc lợi lộc thu được không ít!
Đinh Phúc bẽn lẽn cười:
- Toàn là nhờ phúc của vương hầu!
Lúc này hắn mới thấy Thác Hoa thì trố mắt ngạc nhiên. Hắn nhìn An Định Hầu rồi lại nhìn Thác Hoa ngơ ngác:
- Ngài lại dẫn theo ai đây?
An Định Hầu đáp:
- Đây là quân sư của ta tên Thác Hoa!
Đinh Phúc liền cười hi hí tiến đến gần Thác Hoa. Hắn lượn quanh một vòng rồi nói:
- Cô nương này dầu che mặt nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt là biết nhan sắc khuynh quốc khuynh thành. Vương hầu lựa chọn quả nhiên hơn hẳn người thường!
An Định Hầu nghe hắn xu nịnh thì châm chọc:
- Mấy năm không gặp thì ra tài nhìn người của ngươi đã cao rồi. Ta cũng còn chưa thấy được mặt mũi nàng ta như thế nào, ngươi vừa nhìn đã biết liền là khuynh quốc khuynh thành!
Đinh Phúc nghe vậy ngẩn người. Thác Hoa nổi máu tinh nghịch nói nhỏ với hắn:
- Tiểu nữ có khuôn mặt vốn xấu xí như ma quỷ, hơn cả khuôn mặt âm dương của vương hầu nên phải che mặt không cho ai thấy. Trẻ con thấy mặt tiểu nữ thì tối nhất định sẽ mơ thấy ác mộng. Công công có muốn nhìn thử không?
Đinh Phúc nghe bán tin bán nghi. Y vốn đã biết khuôn mặt âm dương của An Định Hầu, lại thấy cung cách Thác Hoa dùng lụa lớn che mặt chẳng khác gì vương hầu đeo mặt nạ sắt, bèn chắc mẩm lời Thác Hoa là thật. Đinh Phúc thấy Thác Hoa toan mở khăn che mặt thì vội vàng xua tay lia lịa:
- Không không! Ta sợ gặp ác mộng lắm! Ta sợ lắm!
Thác Hoa thích chí cười vang. An Định Hầu cũng bật cười rồi theo Đinh Phúc vào trong điện. Hắn đã dọn sẵn một phòng thượng hạng nằm cách biệt ở hướng Tây. Hắn còn cho bốn tên thái giám túc trực bên ngoài. An Định Hầu cùng Thác Hoa bước vào thì quả thật là phòng tốt lại yên tĩnh. Thác Hoa nhìn trên bàn chỉ có một ấm trà lớn tự nhiên buột miệng hỏi:
- Sao Đinh tổng quản lại không chuẩn bị sẵn rượu cho vương hầu tẩy trần?
Đinh Phúc tròn mắt quay sang nhìn Thác Hoa rồi che miệng cười rũ rượi. An Định Hầu cũng bật cười ha hả. Thác Hoa đỏ mặt hỏi:
- Tiểu nữ.. tiểu nữ nói sai điều gì sao?
An Định Hầu đáp:
- Ta mười năm nay chưa đụng vào bất kỳ giọt rượu nào. Kể cả bề trên ban tặng ta cũng chỉ nhận chứ không dùng. Tướng lãnh sĩ tốt dưới quyền của ta cũng vậy!
Đinh Phúc lại nói thêm:
- Vương hầu lúc nào cũng lo lắng cho biên ải nên nào dám uống rượu. Cô nương phải nhớ điều này!
Thác Hoa cười chữa thẹn:
- Thường nghe tướng tài đều thích rượu ngon. Ngài thật là ngoại lệ! Tiểu nữ nhất định ghi nhớ!
An Định Hầu đáp:
- Rượu ta rất thích. Rượu ngon ta càng thích hơn! Tuy nhiên để tránh việc binh sĩ chìm đắm trong men rượu lơi là canh phòng nên ta đã cấm dùng. Cũng đã mười năm ta dùng trà thay rượu thành quen!
Đinh Phúc chợt nhìn Thác Hoa rồi hỏi:
- Bẩm, có cần hạ quan chuẩn bị cho cô nương này một phòng riêng?
An Định Hầu liền xua tay:
- Ta đoán tối nay sẽ khó mà yên thân thành ra chưa chắc ta về đây mà nghỉ ngơi được. Cứ để nàng ta ở lại!
Đinh Phúc che miệng cười vội vàng chạy ra ngoài hối thúc người dọn thức ăn. Thác Hoa chờ Đinh Phúc đi khỏi mới hỏi:
- Không biết vương hầu muốn hỏi tiểu nữ điều gì?
An Định Hầu cười mỉm:
- Nàng rất hiểu ý ta. Lúc ta căn dặn Lê Mục ở ngõ Thúc Độ chắc rằng nàng đã nghe!
Thác Hoa do dự đáp:
- Tiểu nữ đã nghe!
An Định Hầu hỏi:
- Nàng nghe được gì?
Thác Hoa nhìn hầu gia ngần ngại rồi đáp:
- Ngài dặn tướng Lê Mục chong lửa ở lầu gác phía Tây!
An Định Hầu lại hỏi:
- Nàng đoán xem là chuyện gì?
Thác Hoa chần chừ không đáp khẽ nhìn vương hầu chờ đợi. An Định Hầu nói:
- Nàng không việc gì phải lo lắng. Ta muốn xem thử nàng suy ra được chuyện gì?
Thác Hoa run run giọng đáp:
- Lúc ngài nói chong lửa phía Tây, Lê Mục liền kinh sợ. Tiểu nữ phỏng đoán là ...là..
An Định Hầu thấy nàng cứ ấp úng liền trừng mắt cắt ngang:
- Binh biến!
Thác Hoa sợ hãi nói:
- Chỉ là tiểu nữ đoán mò! Xin ngài ...
An Định Hầu nghiến răng đáp:
- Ta cũng không ngại cho nàng biết, trung tướng giữ ải của ta là Trần Biền đã tự cắt lưỡi. Trần Biền làm việc cẩn trọng gấp mấy lần ta. Hắn nếu không có ý nhắn gửi điều gì thì không bao giờ làm vậy!
Thác Hoa nghĩ nghợi một lát liền nói:
- Trần tướng quân muốn nhắn ngài phải cẩn trọng không nên nói điều gì sơ suất!
An Định Hầu siết chặt nắm tay đáp:
- Tiếc là ta chỉ hiểu khi gặp bề trên. Lời không nên nói cũng đã nói rồi. Lẽ ra ta nên cho nàng biết sớm hơn thì đã tránh đi được! Ta bây giờ đã thành ra mang họa. Nàng có biết vì sao ta lại tin tưởng nàng?
Thác Hoa liền cười mỉm:
- Là vì ngài cũng tiểu nữ đều lấy đại cuộc làm trọng!
An Định Hầu gật đầu đáp:
- Nàng là người Chân Lạp không phải người Chiêm. Nàng theo ta là vì muốn bảo vệ Chân Lạp. Nếu Tống chiếm được Đại Cồ Việt nhất định sẽ tiến xuống phía nam mà chiếm luôn Chiêm Thành, Chân Lạp. Đại Cồ Việt mạn bắc bị Tống dòm ngó nên không thể chuyên tâm nam tiến. Thành ra nàng giúp ta chống Tống thực sự là đang giúp Chân Lạp của nàng!
Thác Hoa thở dài đáp:
- Không ngờ ngài đã biết trước được thân thế của tiểu nữ! Đại Cồ Việt cùng Chiêm Thành là tấm bình phong cho Chân Lạp. Đại Cồ Việt không thể phồn thịnh cũng không được mất. Nếu Đại Cồ Việt phồn thịnh thì trước sau cũng lăm le nam tiến. Nếu Đại Cồ Việt mất thì các nước phía nam sẽ nguy to. Thành ra trong hai cách trên để giữ an toàn cho Chân Lạp không có gì hơn là cùng ngài chống Tống!
Thác Hoa vừa nói xong liền giật mình kinh hãi. Thì ra An Định Hầu đã rút kiếm kề ngay vào cổ nàng tự lúc nào. Thác Hoa lắp bắp:
- Ngài...ngài...!
An Định Hầu nghiêm nét mặt nói:
- Ta nghe cái tên Thác Hoa đã biết nàng là dòng dõi hoàng tộc Chân Lạp Ác Thác Hoa. Ta chưa từng đi sứ Chân Lạp. Trong mười năm ròng thật sự chưa rời xa địa phận Ứng Kê hay Quỷ Môn Quan quá một tháng. Nàng ở Chân Lạp xa xôi làm sao có thể lại biết rõ về ta? Nếu có nửa lời dối trá ta nhất định sẽ lấy mạng nàng!
Thác Hoa vội trấn tỉnh đáp:
- Làm sao ngài lại nghĩ tiểu nữ biết rõ về ngài?
An Định Hầu đáp:
- Lúc mới gặp, nàng đã biết ta mang tước hầu nhưng được hưởng lộc vương. Chuyện này chỉ có hàng thuộc tướng của ta mới rõ. Thành thử bọn chúng mới nghĩ ra cách gọi lẫn lộn là vương hầu. Lúc nàng hỏi Đinh Phúc sao không chuẩn bị rượu thì ta đã hiểu được. Chuyện ta không uống rượu ngoài thân thích cũng chỉ vài người biết đến. Chứng tỏ bên cạnh ta đã có người của nàng. Kẻ này rõ ràng không đến mức thân thuộc với ta nhưng biết khá nhiều, đoán chừng nằm ở hàng phó tướng. Ta muốn biết kẻ đó là ai?
Thác Hoa không giấu được liền nói:
- Cách đây một năm ngài đã xử chém một tên phó soái!
An Định Hầu cau mày:
- Là Trương Thái Tùng. Phải lắm! Ta lại không nhớ ra! Trương Thái Tùng xuất thân từ thành Đại La. Hắn là gian tế của Chân Lạp nên dạy lại nàng tiếng Đại Cồ Việt của thị dân Đại La. Thảo nào nàng nóng lòng hối thúc Chế Tạc Man đánh Định Biên. Không phải nàng muốn ngăn kế hoạch nam tiến. Điều nàng muốn là gặp ta! Tính toán rất hay! Ta nghe nói dòng dõi hoàng tộc Chân Lạp đều là kẻ giỏi dùng binh tính kế. Quả nhiên không sai!
Thác Hoa cười khúc khích chỉ vào lưỡi kiếm đang kề trên cổ mình:
- Tiểu nữ dầu gì cũng là hoàng tộc một nước, đã hạ mình làm hầu cận cho ngài. Ngài còn nỡ dùng kiếm để dọa nạt sao?
An Định Hầu rút kiếm lại cười ha hả đắc ý. Thác Hoa nghe trong tiếng cười còn chứa nhiều trí trá khác không khỏi thắc mắc. An Định Hầu nói:
- Ta chỉ hù dọa. Thật sự ta cũng nói bừa chứ nào biết họ hoàng tộc Chân Lạp. Không ngờ lại trúng được. Đã làm nàng phải thiệt thòi!
Thác Hoa nghe vậy liền thẹn đỏ mặt:
- Ngài...ngài..ức hiếp người khác! Đây là bản lãnh giỏi nhất của ngài đó sao?
An Định Hầu vội đứng dậy chắp tay nói:
- Nàng đúng là hoàng tộc Chân Lạp thì ta quả nhiên đã quá thất lễ! Xin lượng thứ!
An Định Hầu dùng lễ thỉnh an nhưng cử chỉ lại châm chọc. Thác Hoa thẹn quá tự nhiên không ngăn được òa khóc:
- Tiểu nữ thật tâm theo ngài, ngài lại đem ra bỡn cợt!