Cho Anh Nhìn Về Em Chương 10

Chương 10
Cho anh nhìn về em - 1997

Cát Niên đi vào phòng lấy ra một cái thang cũ để nó tựa vào cây tỳ bà, Hàn Thuật vừa định nói, “Để anh lấy cho” thì đã thấy cô xiêu vẹo trèo lên thang rồi. Là một người ga lăng, Hàn Thuật tất nhiên phải đưa tay ra đỡ lấy chân thang, ai ngờ Cát Niên không hề tiếp nhận ý tốt của anh, cô run rẩy đứng trên bậc thứ tư của cái thang, có vẻ lưỡng lự hồi lâu rồi mới nói: “Này, anh có thể buông tay ra được không, tay anh run quá cơ, tôi vẫn còn chưa muốn chết đâu.”

Hàn Thuật ngượng đỏ cả mặt, anh vốn tưởng cô cố tình chống đối lại anh, nhưng khi thấy cô thực sự sợ hãi bám chặt vào cái thang, anh mới tin là mình đã suýt hại cô, anh đành ngại ngùng buông tay ra. Sau khi anh thu lại lòng tốt của mình, Tạ Cát Niên lại còn nói câu “cảm ơn” rất không đúng lúc đúng chỗ. Hàn Thuật nghe câu cám ơn rất chân thành của cô, suýt nữa thì quên hết tất cả những day dứt áy náy với cô từ bao nhiêu năm nay, anh hậm hực nghĩ trong lòng, tốt nhất là cô ngã xuống luôn đi.

Thế nhưng điều mong muốn này của anh không trở thành hiện thực, tuy Cát Niên ở trên cái thang cứ lung la lung lay như muốn ngã, nhưng thật lạ là cô lại không làm sao cả. Cô dúi cho Hàn Thuật một vốc đầy, đừng có nói là đun nước để chữa ho, đến ăn trừ bữa đống lá này cũng phải được một thời gian khá dài.

Hàn Thuật hơi nghi ngờ ý đồ của hành động này, cô không muốn cho anh có cơ hội để lần sau đến lấy lá nữa. Thế nhưng Hàn Thuật thầm nghĩ, nếu chuyện này không giải quyết dứt khoát, cho dù cô ấy có đào cả rễ cây lên cũng không ăn thua.

Lúc anh ra về, Cát Niên chào tạm biệt. Hàn Thuật lại một lần nữa dè bỉu cái kiểu nghĩ một đằng làm một nẻo của cô, bởi lúc đi đến gần xe ô tô của mình, anh ngoái đầu lại nhìn còn thấy rõ ràng cô đang vụng trộm cài thêm một cái khóa trên cánh cổng sắt. Lại còn nói tạm biệt, có mà hy vọng vĩnh biệt thì có.

Ở bên này, Tạ Cát Niên đóng cửa lại, vừa vặn nghe thấy tiếng động của ai khi vội vàng trèo lên giường. Cô đi vào trong nhà, ngang qua căn phòng nhỏ có cánh cửa khép hờ, cô tiện tay đẩy cửa ra, chỉ thấy cô bé con nằm trên giường giả bộ đang ngủ say.

Cát Niên thản nhiên nói với cô bé đang nằm trên giường: “Giả vờ đi, cứ giả vờ thoải mái đi.”

Một lúc sau, cô bé quả nhiên trèo xuống giường, đi theo Cát Niên vào bếp.

“Cháu nhìn thấy rồi nhé, chú ấy là ai đấy ạ?” Trẻ con bây giờ đứa nào cũng già trước tuổi, mới có hơn mười tuổi đầu mà đã bắt đầu ngờ vực tất cả mọi thứ, lại còn rất tò mò với chuyện nam nữ nữa chứ. Cát Niên thấy mình quả thực lạc hậu quá nhiều so với trẻ con bây giờ, hồi học tiểu học, cô vẫn còn tin chắc rằng mẹ cô đi ngoài ra cô.

“Hả?” Cát Niên quay đầu lại nhìn cô bé. “À, chú ấy là người.”

Câu trả lời có cũng bằng không này của cô rõ ràng không thể đáp ứng được tính tò mò của đứa trẻ đang bước vào tuổi dậy thì.

“Cháu biết chú ấy là người! Cô chú cứ giằng co nhau, thật là lạ, cô ơi, chúng ta không gặp phải rắc rối gì đó chứ.”

“Làm gì có nhiều rắc rối thế để mà gặp chứ.” Cát Niên mỉm cười, con bé này chẳng biết giống ai, nhắc đến hai chữ “rắc rối” mà chẳng chút sợ hãi gì cả, thậm chí còn thấy hứng thú. Thực ra nó không hiểu, rắc rối thực sự không phải là gia vị của cuộc sống.

Cô bé tỏ ra không hài lòng chút nào với kiểu trả lời đối phó của Cát Niên: “Cô này, cô cứ lừa cháu, cháu có phải là đứa trẻ lên tám đâu, cháu mười tuổi rồi đấy.”

Tuy Cát Niên chẳng biết đứa trẻ tám tuổi và đứa trẻ mười tuổi về bản chất có gì khác nhau, nhưng cô quyết định trả lời cô bé rõ ràng để cho nó lên giường đi ngủ: “Là một người trước kia cô quen mà thôi, chú ấy nhìn thấy lá tỳ bà nhà ta, có chút kích động ấy mà. Cháu phải biết là chú ấy đã bị ho rất lâu rồi.”

“Nhưng cháu thấy cô làm sao ấy.”

“Tại sao cháu lại nói vậy?”

Cô bé bĩu môi: “Cô cười rất giả dối.”

“Nếu như lúc cháu làm văn cũng quan sát kỹ thế thì cô đoán thể nào điểm làm văn của cháu cũng tiến bộ nhanh lắm.”

“Cô hận chú ấy à?”

Cát Niên cuối cùng cũng không nhịn được cười, cô sợ nhất là trẻ con cứ muốn tập làm người lớn.

“Cháu có hiểu thế nào là hận không?”

“Trương Lệ nói xấu cháu với các bạn khác trong lớp nên cháu hận nó, chỉ muốn bóp nát nó ra thôi. Thế hay là, cô hận cái giẻ lau của cô?”

Cát Niên cúi đầu xuống theo phản xạ, trên bếp chẳng có gì, cô không hề đun nước, cái giẻ vốn định dùng để lau bàn gần như đã bị cô vò nát. Cô vứt cái giẻ lau lên thớt rồi rửa tay: “Đúng vậy đấy, ý nghĩ này của cháu thật là sáng tạo. Này, sữa của cháu đây.”

“Cô à, chú ấy là bạn trai cũ của cô à?” Cô bé đỡ lấy cốc sữa rồi ngồi xuống chiếc ghế con trong bếp, tính tò mò của trẻ con cũng thật đáng sợ.

“Sao mà cháu có hứng thú với một người lạ đến vậy nhỉ?” Cát Niên ngồi xuống bên cạnh cô bé.

“Bởi vì chú ấy rất đẹp trai.”

Từ quan trọng nhất của vấn đề cuối cùng cũng đã được tiết lộ, con bé này cứ vặn hỏi cho bằng được, hóa ra chẳng phải vì sợ gặp rắc rối gì, cái gì mà yêu này, hận này, thật này giả này, tất cả đều là vì thấy người ta đẹp trai.

“Hà hà.” Cát Niên cười phá lên, cô nhìn vào đôi mắt đã sắp biến thành hình trái tim trên khuôn mặt cô bé. “Thẩm mỹ của người lớn và trẻ con đúng là khác xa nhau.”

“Nếu như trước đây cháu biết chú ấy, chắc chắn cháu không bao giờ quên được, cô à, chú ấy liệu có đến nữa không? Cô có nói với chú ấy là cây tỳ bà nhà mình còn ra quả nữa không ạ?”

“Cái này à, chắc là không đến nữa đâu.”

Cô bé có vẻ thất vọng đưa một tay lên chống cằm, không biết vì sao bỗng nhiên nó lơ đễnh, một lúc sau, mới thốt ra một câu: “Cô ơi, cô bảo bố cháu có đẹp trai hơn chú ấy không?”

Cát Niên đã quen với việc bất kể nói đến chuyện gì cô bé thể nào cũng liên tưởng đến bố của nó.

“Đương nhiên rồi, bố cháu đẹp trai lắm, cháu nói cứ như là chưa bao giờ được gặp bố ấy.”

“Không phải!” Cô bé kích động đặt bình sữa xuống, mép vẫn còn đầy bọt sữa màu trắng, “Cháu không nói bố Tư Niên, cháu nói bố đẻ của cháu, bố sinh ra cháu cơ!”

Lúc này, Cát Niên ước gì cô bé vẫn tiếp tục vặn vẹo chuyện “hận hay không hận”, những vấn đề như thế ít nhất là đủ trừu tượng đối với một đứa trẻ, và những câu trả lời của cô cũng có thể rất trừu tượng. Sai lầm lớn nhất của cô là năm ngoái đã dẫn nó về nhà định để cho ra mắt “ông bà nội”. Cô nghĩ đã bao nhiêu năm qua rồi, chắc bố mẹ cô cũng đã tha thứ cho cô, cô bé cũng cần có một mái ấm gia đình bình thường. Kết cục, quan hệ căng thẳng giữa cô và bố mẹ không những không có chút cải thiện nào, bà mẹ tuổi cao nhiều lời quá đáng của cô thậm chí còn nói ra sự thật anh họ Tạ Tư Niên cũng chỉ là bố nuôi của cô bé.

Khi đó nó đã chín tuổi rồi, do từ nhỏ không có bố mẹ bên cạnh, nên nó rất nhạy cảm với chuyện thân thế của mình. Tuy lúc đó nó đang xem phim hoạt hình nhưng vẫn hiểu được hàm ý của câu nói được xen vào trong một chuỗi các tiếng cãi lộn.

Điều khiến Cát Niên ngạc nhiên là, lúc đó nó không hề khóc, cho đến tận khi về đến nhà, nó vẫn hưng phấn đến kỳ lạ. Có lẽ trong tâm trí nó luôn mong đợi cuộc sống của mình xuất hiện sự thay đổi, bố nó không phải là bố Tư Niên, người rất th n bí và chưa bao giờ xuất hiện trước mặt nó, mẹ nó cũng không phải là một người đã chết, cô bé không cần phải sống cuộc sống cô quạnh cùng người cô tầm thường này. Sẽ có một ngày, bố mẹ trẻ trung thắm thiết của nó sẽ cưỡi mây bảy màu đến bên nó, đón nó đi, cho nó được sống một cuộc sống hạnh phúc vui vẻ. Câu nói của mẹ Cát Niên vừa hay chứng minh những điều mơ tưởng mông lung của nó là đúng, khiến nó thấy tất cả những điều này đều có thể xảy ra, cuộc sống của nó sẽ xuất hiện sự thay đổi.

Bắt đầu từ lúc đó, nó chưa bao giờ sút giảm lòng nhiệt tình cao độ của mình trong việc đi tìm người thân, nó suốt ngày hỏi dò Cát Niên về tình hình và tăm tích của bố mẹ đẻ. Khi Cát Niên nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng cô không biết thì nó lại bắt đầu tưởng tượng về hình dáng của bố mẹ mình, bất cứ người nào nó thích, bất cứ ngôi sao điện ảnh nào mà nó thích, thậm chí ngay cả là nhân vật chính trong phim hoạt hình, đều có thể khiến nó liên tưởng đến bố mẹ đẻ của mình. Trả lời những câu hỏi đủ các thể loại, đủ các nội dung của nó khiến Cát Niên chán không để đâu hết chán, nếu như cô bé không học trường nội trú, chắc cô phải bạc đầu với những câu hỏi kiểu này mất.

Đáng sợ nhất là, không biết do tác hại của phim truyền hình hay truyện tranh thiếu nữ mà có hôm nó còn rất nghiêm túc hỏi cô: “Cô ơi, cô nói thật với cháu đi, có phải cô là người sinh ra cháu không? Hồi cô còn trẻ cô sinh ra cháu, rồi cô không dám thừa nhận, nên nói cháu là do bố Tư Niên nhận về nuôi. Cô là mẹ đẻ của cháu có đúng không?”

Khi nghe câu hỏi đó, Cát Niên há hốc mồm, rồi vội vàng dùng bao nhiêu ảnh, bao nhiêu dẫn chứng mới thuyết phục được nó rằng mình chưa bao giờ sinh con cả, tuy cô rất mong muốn mình cũng có một đứa con lớn như vậy.

Cô bé lúc đó rất thất vọng, nước mắt giàn giụa, Cát Niên vờ không biết nó đang chui vào trong chăn khóc, bởi cô cũng bất lực trước sự thất vọng của nó. Trong rất nhiều các loại đáp án xấu khác nhau, Cát Niên muốn nói với nó đáp án không đến nỗi xấu lắm. Ai chẳng có những giấc mơ, hồi còn bé cô cũng đã từng hoang tưởng mình thực ra là một nàng công chúa. Cô để một hạt đậu Hà Lan ở dưới đệm, cố gắng hết sức để cảm nhận thấy nó, kết quả là cô có một giấc mơ rất đẹp, nhưng lại chẳng hề biết hạt đậu Hà Lan đó trôi đi đâu mất, một công chúa thực sự tại sao lại có thể không nhạy cảm đến thế được?

Giấc mơ chẳng phải là để cho người ta phá vỡ hay sao?

Cũng may mà từ hồi đó trở đi, những câu hỏi liên quan đến bố mẹ đẻ giảm xuống rõ rệt. Cát Niên vừa mới nhẹ nhõm được một chút, không ngờ sự xuất hiện của Hàn Thuật ngày hôm nay lại phá vỡ cuộc sống bình lặng của họ, khiến cô lại phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa.

“Cháu đáng yêu như vậy, bố mẹ đẻ của cháu chắc chắn là không thể xấu được rồi, trong lòng cháu nhớ đến bố mẹ, bố mẹ cháu chắc chắn cũng nhớ đến cháu, không chừng có ngày gia đình cháu sẽ đoàn tụ ấy chứ.” Cát Niên bây giờ không còn có ý định thuyết phục cô bé rằng cô bé chính là do anh họ Tạ Tư Niên của mình sinh ra nữa. Có lẽ để cho cô bé tự tưởng tượng ra cặp bố mẹ sẽ không bao giờ xuất hiện còn hơn bắt cô bé chấp nhận sự thực về việc bố Tư Niên của cô bé đã ba năm nay không xuất hiện đến một lần.

Xem ra lời khen đối với bé gái rất hiệu nghiệm, cuối cùng sự chú ý của cô bé cũng chuyển sang hướng khác: “Thế nhưng mà bạn Trương Lệ bảo cháu không xinh bằng bạn ấy!”

“Đấy là bạn Trương Lệ ghen tị với cháu đấy.” Cát Niên nói bằng giọng rất công bằng, những lúc như thế này, đương nhiên phải để cho Trương Lệ chịu thiệt thòi rồi.

“Cháu cũng thấy Trương Lệ chẳng xinh tí nào cả, mẹ nó cũng béo lắm. À đúng rồi, cô ơi, có chuyện này cháu suýt nữa thì quên nói với cô, trưa mai cháu có thể mời bạn Lý Tiểu Manh và các bạn khác đến nhà mình chơi không ạ?”

“Tất nhiên là được chứ.” Cát Niên véo khuôn mặt nhỏ xinh của cô bé, “Ồ, Lý Tiểu Manh là bạn mới của cháu đấy à?”

“Vâng ạ, trước kia các bạn ấy không chơi với cháu đâu, bao nhiêu bạn muốn chơi với các bạn ấy, các bạn ấy đều không thèm. Bây giờ các bạn ấy đồng ý cho cháu tham gia vào nhóm bốn chị em gái của các bạn ấy. Lý Tiểu Manh từ trước đến nay chưa bao giờ đến nhà mình cả, nên rất muốn đến xem thế nào.”

“Thế thì tốt quá, ngày mai cô nên chuẩn bị cái gì nhỉ?” Cát Niên thực lòng cảm thấy rất vui, cô bé này cũng chẳng có mấy bạn, cô đơn không phải là mong muốn của nó.

“Cô mua cho cháu bim bim nhé, nhưng mà cô nhớ đừng lấy loại vị cà chua, Lý Tiểu Manh không thích ăn vị cà chua, sô cô la đâu, cả vị táo nữa… Cô đừng mua ở cửa hàng của bác Tài nhé, hàng của bác Tài chẳng có cái gì ngon cả. Và nữa, cô ơi, cô đừng nói với các bạn ấy là cháu không biết bố mẹ đẻ của cháu là ai được không ạ?”

Cát Niên cúi đầu suy nghĩ một lát rồi cười: “Cái gì cũng nghe cháu hết, công chúa ạ. À, cô phải liệt kê ra giấy để chiều đi mua cho cháu mới được. Ngày mai cô sẽ về sớm để nấu cơm.”

“Cô mua bánh pizza cho cháu đi, cô nấu cơm các bạn ấy thể nào cũng không thích ăn đâu.”

“Bánh pizza à? Được rồi, được rồi. À đúng rồi, cô cũng phải dọn nhà một cái đã.” Cát Niên chuẩn bị sẵn tư thế dọn dẹp.

“Cô ơi, cháu… cháu vẫn còn một câu hỏi nữa.”

“Cháu cứ hỏi đi.”

“Có lẽ nào cháu là con của cô và chú ấy không ạ?” Cô bé vẫn cố níu kéo hy vọng có một người bố đẹp trai.

Nụ cười trên mặt Cát Niên lập tức ngưng lại. Cô lại nhặt giẻ lau lên, rồi lau bếp rất nhanh, có lẽ cô cảm nhận được đứa bé vẫn đang đứng nguyên tại chỗ chờ đợi câu trả lời nên cô quay người lại, chỉ vào nó đang sợ sệt, nói một cách chắc chắn như đinh đóng cột: “Tạ Phi Minh, cô nói với cháu một lần nữa nhé, chú ấy và cháu ch ẳng có liên quan gì đến nhau cả.”

 

 

Buổi chiều Chủ nhật, cô bé vác vợt cầu lông đi về nhà, trên đường đi nó chực muốn khóc. Thời tiết hôm nay rất đẹp, thậm chí mặt trời vào lúc xế chiều cũng có màu đỏ rực rỡ, thế nhưng đối với nó hôm nay không phải là ngày tốt đẹp tí nào.

Sáng nay đáng lẽ Phi Minh đã phải cảm nhận được điều này, không hiểu sao sáng nay nó không thể nào chải được đầu, cái cặp mà cô Cát Niên mới mua mắc vào mấy sợi tóc của nó, làm nó lôi đau hết cả đầu, lật đi lật lại mấy cái váy trong tủ quần áo cũ kỹ, chẳng có cái nào làm cho nó trông xinh hơn, tuy nó không có nhiều quần áo đẹp như Lý Tiểu Manh nhưng bạn bè đến nhà chơi, nó nghĩ mình không thể nào trông như con chuột chù được.

Lý Tiểu Manh và hai bạn nữa trong nhóm đến muộn hơn giờ hẹn một chút, Phi Minh dài cổ đứng chờ mãi ở trước cửa hàng của bác Tài mới đón được các “khách quý” của mình. Đang định đàng hoàng mời các bạn vào nhà như một bà chủ đích thực, ai ngờ lại xảy ra chuyện không may, nó chưa kịp nhắc nhở các bạn thì Lý Tiểu Manh đã giẫm ngay vào đống phân chó trước cửa quán bác Tài, khiến cho đôi giày búp bê màu hồng của Tiểu Manh bị dính đầy phân chó. Cho dù bác Tài tỏ vẻ hối lỗi và bày tỏ sự cảm thông của mình với Tiểu Manh nhưng điều này không hề giúp Tiểu Manh dễ chịu hơn chút nào. Lý Tiểu Manh cầm lấy mấy tờ giấy mà Phi Minh luống cuống đưa cho, cố kìm nén cảm giác buồn nôn của mình vội vàng lau sạch đôi giày, rồi nói với các bạn học của mình bằng giọng chế giễu: “Tạ Phi Minh, cậu ở cái khu quỷ quái gì thế này?” Hai người bạn đi cùng Tiểu Manh muốn cười mà không dám cười, còn Phi Minh thì vô cùng xấu hổ.

Tiếp sau đó, những chuyện không vui liên tiếp xảy ra, đầu tiên là các bạn ngay lập tức không hứng thú với mảnh sân chẳng có lấy một thứ gì của Phi Minh, cho dù Phi Minh có nhấn mạnh đến mấy, các bạn cũng chẳng thấy cái cây tỳ bà trông xấu xí ấy có gì thú vị. Rồi sau đó, mấy cô bạn chui vào phòng của Phi Minh, không có máy vi tính, cũng chẳng có đồ chơi gì hấp dẫn, cái gì cũng nhạt nhẽo vô vị. Phi Minh cố gắng kể các câu chuyện cười cho các bạn vui, nhưng rồi nó phát hiện ra bản thân vẻ luống cuống của mình cũng đã rất nực cười rồi.

Đã hẹn là sẽ ăn cơm trưa ở nhà Phi Minh nên mấy cô bạn gái ngồi đếm thời gian, cố gắng chờ đợi cho đến trưa, vì Phi Minh đã nói là chút nữa thôi cô của Phi Minh sẽ mang về rất nhiều đồ ăn ngon. Cho dù vậy, đứa có ảnh hưởng lớn nhất trong đám con gái ở lớp là Lý Tiểu Manh vẫn để lộ ra sự khó chịu đang phải cố gắng kiềm chế, tuy Tiểu Manh không nói gì nhưng vẻ mặt chán nản của bạn khiến Phi Minh nhận ra rằng nó đã làm chuyện sai lầm, nhà nó đúng là chẳng có gì thú vị cả, thành ra lại lãng phí cả một buổi sáng cuối tuần quý báu của các bạn. Để cho các bạn không cảm thấy nhạt nhẽo vô vị, Phi Minh lật tung tủ lôi ra cuốn album gia đình, mấy cô bạn chuyền nhau xem, Phi Minh ra sức giới thiệu về lai lịch của từng tấm ảnh.

Phần lớn các ảnh trong album đều là ảnh của Phi Minh, nó từ nhỏ đã thích chụp ảnh, nó có thể tạo rất nhiều dáng điệu duyên dáng trước ống kính máy ảnh. Tấm ảnh nào của nó, cô Cát Niên cũng cất giữ rất cẩn thận và sắp xếp theo trật tự thời gian, thế nhưng, một tập ảnh dày toàn là ảnh Phi Minh chụp một mình khiến cho các bạn khác xem mãi cũng thấy chán, và không khỏi nghi ngờ.

“Tạ Phi Minh, sao nhà cậu không có ảnh của người khác vậy, đều là ảnh cậu chụp một mình, chả có gì thú vị cả, lẽ nào cậu chưa chụp ảnh cùng bố mẹ bao giờ à?”

“Nhà cậu ngoài cô cậu ra không còn người nào khác nữa hay sao?”

“Tất nhiên là tớ có bố mẹ chứ, bố tớ là họa sĩ, họa sĩ rất nổi tiếng. Nhưng bố tớ cả năm đều rất bận, thường xuyên phải đi khắp các nơi trên cả nước, không, phải nói là đi khắp nơi trên thế giới để tìm cảnh, cho nên rất ít khi ở nhà.” Câu này Phi Minh không biết đã nói bao nhiêu lần rồi, nó đã thuộc lòng đến mức không cần phải cho thêm từ nào nữa cả.

“Thế á? Thế tại sao trong nhà cậu chẳng thấy treo tranh của bố cậu vẽ vậy.” Một cô bạn xem ra chẳng tin gì cho lắm.

“Bởi vì…”

Phi Minh còn chưa kịp nghĩ ra lý do gì thì Lý Tiểu Manh đã cướp lời cô bé: “Phi Minh này, bố cậu nổi tiếng như vậy, tại sao còn để cô cậu và cậu sống ở nơi như thế này chứ? Bố cậu yêu cậu thực lòng chứ?”

“Tất nhiên rồi!” Phi Minh gập cuốn album lại, hét to lên. Sự ngờ vực của các bạn đã khiến lòng tự trọng của nó bị tổn thương, “Bố tớ đương nhiên là rất yêu tớ, yêu nhiều hơn tất cả những người khác hàng trăm lần! Đây là nhà của cô tớ, không phải nhà của bố tớ, tớ chỉ ở tạm đây thôi, không bao lâu nữa, bố tớ sẽ về đón tớ đi.”

“Có thật không đấy hả Tạ Phi Minh, liệu có phải là người lớn trong nhà lừa cậu không vậy? Người lớn đều thích nói với những đứa trẻ mồ côi là bố mẹ của chúng đi một nơi rất xa, trên ti vi đều diễn thế mà.”

“Cậu mới là trẻ mồ côi ấy, tớ không phải. Tớ đã nói rồi, tớ có bố, trẻ hơn bố các cậu rất nhiều, và còn rất đẹp trai nữa.” Phi Minh tức giận phản đối, cô bé không còn để ý đến việc phải có quan hệ tốt với mấy cô bạn này nữa.

“Bố cậu đẹp trai thế, sao cậu không tìm một tấm ảnh ra đây cho chúng tớ xem nào?”

“Tìm thì tìm!”

Phi Minh cố cầm nước mắt xộc vào phòng của cô Cát Niên, nó kéo ngăn kéo bàn ra, rồi mở một chiếc hộp trong đó, tức giận tìm kiếm. Nó thầm cầu nguyện hãy để cho nó tìm được cái gì đó, nhất định phải tìm được cái gì đó, nó không thể để cho các bạn cười mình được.

Không biết có phải là vị thần tiên nào trên trời đã nghe được lời cầu nguyện của nó hay không, ở dưới đáy chiếc hộp tròn trong ngăn kéo của cô Cát Niên, Phi Minh tìm thấy một tấm ảnh cũ đã hơi ngả màu, trong ảnh có bốn cô cậu thanh niên, họ mặc quần áo thể thao, mỗi người cầm một chiếc vợt cầu lông, họ đang đứng cạnh bục trao giải trông rất sơ sài của một ngôi trường nào đó, trong tay còn cầm cả một tấm bằng khen nữa, có vẻ như là tấm hình chụp chung những người đã chiến thắng trong một giải thi đấu cầu lông của trường.

Người đứng ở bên trái đang nhe răng cười trước ống kính là cô Cát Niên, tuy cô hồi đó còn nhỏ tuổi nhưng ngoài mái tóc ra, trông chẳng khác mấy so với bây giờ. Phía bên phải cô Cát Niên là cậu bé tóc ngắn đến lạ thường, anh chàng này cũng cười rất rạng rỡ, thế nhưng mắt anh lại đang nhìn chằm chằm vào chiếc vợt trong tay mình, cứ như đấy mới là niềm tự hào của anh vậy. Cô gái đứng ở chính giữa cũng bằng tuổi cô Cát Niên lúc đó, cô này có một mái tóc rất dài, mặt cô trông xinh như búp bê Tây, nhìn qua thì thấy xinh hơn cô Cát Niên nhiều. Môi cô chỉ hơi nhếch lên, mắt thì nhìn thẳng về phía trước, một cô bé mới mười tuổi như Phi Minh đây không sao tìm nổi từ để hình dung cho thích hợp thần thái của cô. Quan trọng nhất là cậu con trai đứng ở góc phải ngoài cùng, người hơi nghiêng về bên trái, mắt thì không biết đang nhìn ai hay nhìn cái gì ở bên trái, cánh mũi rất cao, đôi mắt rất đẹp, đúng là chú ấy rồi! Phi Minh có cảm giác chính là chú ấy rồi.

Cô bé túm lấy tấm ảnh ấy, lao về phòng mình nhanh như một cơn lốc, cô bé đưa tấm ảnh cho các bạn xem như đang khoe vật báu của mình, cô bé chỉ vào người đàn ông ngoài cùng bên phải nói: “Nhìn thấy chưa? Đây là ảnh bố tớ chụp hồi còn thanh niên đấy.” Trong lòng cô bé lo sợ nhỡ nói dối thì mũi mình cũng bị dài ra như cậu bé Pinocchio.

“Thật à? Tạ Phi Minh, đây là bố cậu á? Ui, bố cậu hồi trẻ trông cũng có vẻ đẹp trai nhỉ.”

“Đương nhiên rồi, Phi Minh trông cũng rất xinh mà.”

Mặt Phi Minh đỏ bừng lên, cảm giác tự hào làm tan đi cảm giác tội lỗi khi nói dối của cô bé.

Lý Tiểu Manh cũng không cầm được lòng, cầm tấm ảnh lên xem thật kỹ: “Tạ Phi Minh, bố cậu hồi đi học đã giành được giải cầu lông rồi, bảo sao mà cậu đánh cầu lông hay thế.”

“Cũng tàm tạm thôi.”

“Ớ, không đúng.” Lý Tiểu Manh lật đằng sau tấm ảnh ra xem, nhìn thấy có một hàng chữ rất nhỏ, cô bé chầm chậm đọc: “Cho... anh... nhìn... về... em - 1997… Tạ Phi Minh, năm 1997 bố cậu vẫn còn là học sinh trung học, chuyện này quá hoang đường. Hà hà, nói dối cũng không biết đường chuẩn bị cho kỹ!”

“Tớ xem nào, tớ xem nào.” Hai cô bé khác xúm lại, “Đúng rồi, Tạ Phi Minh, cậu cũng buồn cười thật đấy, vớ bừa một người rồi nói là bố cậu à? Tớ thấy cậu không có bố thì có, đồ bốc phét ạ.”

Phi Minh cố sức gạt mấy cô bạn ra, không nói không rằng giật lại tấm ảnh, nhưng cô không biết phải nói gì để biện bạch cho mình.

Đúng lúc này, từ ngoài sân vẳng đến tiếng mở cửa sắt của cô Cát Niên.

“Cô về rồi đây, bánh pizza cũng về rồi đây.” Cát Niên một tay xách túi đồ mua ở siêu thị, một tay xách bánh pizza bước vào nhà, ngay lập tức nhìn thấy cảnh hỗn loạn vừa xảy ra, Phi Minh trông nhỏ hơn ba bạn còn lại, chỉ chút xíu nữa thôi là rơi nước mắt, tay cô bé nắm chặt tấm ảnh cũ.

Cát Niên ngỡ ngàng trong giây lát, rồi rất nhanh cô nở nụ cười với mấy cô bạn nhỏ: “Xin lỗi các cháu nhé, xe buýt hôm nay muộn hơn mọi khi, các cháu ra đây ăn đi nào.”

“Cô ơi, Tạ Phi Minh nói dối, bạn ấy nói người trong ảnh này là bố bạn ấy.” Lý Tiểu Manh không chịu buông tha, nhất định truy tìm bằng được sự thật.

“Có chuyện này à? Đưa cô xem nào.” Cát Niên giơ tay cầm tấm ảnh trong tay Phi Minh, Phi Minh không biết đang tức cái gì, nhất định không chịu buông tay, Cát Niên mỉm cười giằng nhẹ tấm ảnh, mới có thể giật được tấm ảnh đã bị vò nhàu nát. Cô rất nghiêm túc nhìn tấm ảnh hồi lâu, “À, trông cũng hơi giống đấy, nhưng mà Phi Minh này, bố cháu đẹp trai hơn chú này chút đấy… Mùi bánh pizza thơm thật đấy, để chút nữa thì nguội mất.”

Cơn sóng này cuối cùng cũng qua đi, nhưng bánh pizza không ngon như tưởng tượng. Cát Niên trong lúc vội vàng chỉ nhớ được bim bim không lấy vị cà chua, nhưng quên mất rằng trong pizza còn có rất nhiều cà chua. Mọi người xem ra chẳng ai thấy ngon miệng cả, chỉ ăn qua loa vài miếng rồi thôi, các bạn muốn đi về, Cát Niên níu kéo mấy câu, chỉ có Phi Minh là mím chặt môi không nói câu gì.

Cát Niên tiễn các bạn của Phi Minh về rồi quay vào nhà, cô chưa kịp bước vào cửa đã nghe thấy tiếng khóc của Phi Minh, nó nằm bò ra bàn, buồn như thể cả thế giới đã sụp đổ.

“Cô mắng cháu đi, sao cô không mắng cháu?” Phi Minh gào lên với Cát Niên đang dọn dẹp bàn.

“Cháu giúp cô dọn dẹp đi, cô cứ không mắng cháu đấy.” Cát Niên cười nói.

“Cháu là đồ nói dối, đồ nói dối không có bố mẹ, tại sao cô không nói như vậy đi?”

Nhìn cô bé khóc lóc thảm thiết, Cát Niên định vuốt nhẹ mái tóc nó, nhưng bị nó gào lên né tránh.

“Ai cũng có bố mẹ, cho dù bố mẹ có ở bên cạnh mình hay không. Phi Minh, giống như những gì cháu hy vọng vậy, không chừng bố mẹ cháu đang ở đâu đó nhớ về cháu, chỉ có điều là họ có lý do bất đắc dĩ mà thôi.”

“Họ không cần cháu nữa. Cháu hận họ!”

Cát Niên cắn một miếng bánh pizza trong hộp, cười khổ sở: “Cô hận miếng bánh pizza này.”

Phi Minh tranh thủ lúc Cát Niên vào phòng thay quần áo chộp lấy chiếc vợt cầu lông đi ra ngoài. Cô bé biết mình cáu rất vô lý, liền đi đến trước cửa phòng của cô Cát Niên, muốn đưa tay lên gõ cửa nhưng câu xin lỗi không thể nào nói thành lời được. Cô bé không hề biết rằng đằng sau cánh cửa mỏng manh ấy, cô Cát Niên đang trầm tư vuốt lại tấm ảnh nhàu nát, miệng lẩm bẩm:

“Anh nói xem, em nên làm thế nào? Nói với em một câu đi, một câu thôi cũng được”

Bước ra khỏi cửa, Phi Minh cứ rầu rĩ mãi, nó đánh cầu lông cả một buổi chiều với hai đứa con một trai một gái của bác Tài, nó đánh cho đối thủ thua bét nhè mà lòng cũng chẳng vui hơn được tí nào. Điều làm cho nó bực mình nhất là trong một lần đỡ cầu, chiếc vợt của nó va vào dây thép phơi quần áo của nhà hàng xóm, khiến cho cán chiếc vợt mà cô Cát Niên phải mua mất 35 tệ bị cong mất.

Cứ như vậy, cô bé ôm chiếc vợt ngồi ngây ra trước cửa quán bác Tài hồi lâu, đến tận khi bác Tài nhắc nó rằng trời sắp tối, nó mới lững thững bước về. Chỉ có một đoạn đường ngắn thôi mà nó thấy mình cô đơn đến vậy, dường như cả thế giới này đều đã bỏ rơi nó, thậm chí nó còn đáng thương hơn cả cô bé bán diêm.

Sau đó, nó nghe thấy có tiếng người nói: “Động tác đỡ cầu của cháu rất tốt.”

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t27092-cho-anh-nhin-ve-em-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận