Mùa hè năm 1949, cả nhà sáu người chúng tôi đến được Đài Loan sau bao ngày trắc trở. (Khi chúng tôi ở Quảng Châu, phải lưu lại đây hơn hai tháng vì bị bọn móc túi trên xe buýt lấy sạch tiền bạc và giấy tờ chuẩn bị đi Đài Loan. Ba tôi bèn dán thông báo khắp các phố phường kêu gọi "quí nhân" trả lại giấy tờ cho chúng tôi. Thế là "quí nhân" kia trông thấy thông báo, đem giấy tờ đi Đài Loan đến trả tận chỗ ở. Đồng thời, bác Vương ở Đài Loan gấp rút gửi tiền đi đường cho ba, chúng tôi mới lên đường được. Lần đầu đến Đài Loan, cái gì cũng rất mới lạ.
Ba nhận được thư mời của trường Đại Học sư phạm, làm phó giáo sư Khoa trung văn. Đại Học sư phạm phân cho ba tôi một gian nhà kiến trúc kiểu Nhật Bản. Đài Loan lúc ấy mới thoát khỏi tay của Nhật chưa bao lâu, kiến trúc phố phường đều theo kiểu Nhật, khu nhà ở cũng hoàn toàn theo kiểu Nhật. Chỗ ở chúng tôi tuy có nhỏ thật nhưng rất ngăn nắp. Phía trước có sân nho nhỏ, sân trước có một cây đa lớn, tường thấp bao quanh. Chỗ vào cửa có một cái vòm, phải tháo giày mới bước lên sàn nhà. Nhà chúng tôi có ba phòng, mặt trước là phòng
khách tám mét, mặt sau có nhà xí sáu mét. Lại còn sân sau, trong sân sau có hai cây dừa cao nghiều.
Tôi còn nhớ rõ, ngày đầu vào nhà này, mẹ tôi rất phấn khởi. Người mẹ đáng thương từ khi đi lấy chồng chưa được một ngày yên ổn, cứ lận đận long đong. Bây giờ được ở trong ngôi nhà có cổng riêng, sân riêng, mẹ tôi sung sướng nói:
- Từ hồi mẹ lấy chồng đến giờ, đây là lần đầu có nhà riêng.
Mẹ tôi chăm chút lau nhà, lau ván sàn, lau bậu cửa sổ. Khắp nhà chỗ nào cũng lau sạch bóng. Mấy đứa chúng tôi lần đầu được ở nhà Nhật, vào cửa là tháo giày, chẳng quen chút nào. Riêng việc tập mang guốc, cũng bị ngã hoài. Thích nhất là sàn nhà có trải thảm, đẹp giản dị. Ngôi nhà Nhật nho nhỏ này, chúng tôi ở liền mười mấy năm. Tuổi thơ ấu của chúng tôi kết thúc tại ngôi nhà này. Hai đứa em trai rất khỏe, thường đánh lộn trong nhà, nhà Nhật thì cửa giấy, hễ chúng nó xô đẩy té ngã là cửa giấy rách toác cả. Vì vậy, ba mua loại giấy dán tường, để dán cửa. Một năm, chúng tôi phải dán giấy cửa những mấy lần.
Cuộc sống vẫn rất gian khổ, phần lương của ba không đủ trang trải cho cả nhà. Ngày nào mẹ cũng tính toán, tìm cách giảm bớt chi tiêu. Áo quần chúng tôi vá chùm vá đụp, sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu bận, đứa lớn chật thì sửa lại cho đứa nhỏ, chị mặc chật thì sửa lại cho em gái, anh mặc chật thì sửa lại cho em trai. Mẹ ở nhà làm nội trợ. Nhà không mua nổi than củi, nên đốt bằng than quả bàng, than quả bàng và bếp lò đều bự, ở giữa có nhiều lỗ tròn, quả nọ tiếp quả kia đun lên, suốt năm không bao giờ tắt lửa. Nhưng có điều hơi than rất khó thở, tôi thường xuyên phải ngủ trong nhà ăn chỉ có bốn mét, đêm đêm hít thở than này, nên đến giờ cổ họng tôi vẫn không ổn.
Trong tiểu thuyết "Mấy Độ Tịch Dương" nói về cuộc đời nhân vật Lý Mộng Trúc, ấy chính là hình ảnh của mẹ tôi. Tôi còn dẫn ra một bài thơ, bài thơ ấy chính do mẹ tôi làm:
Gánh vác việc nhà nào sợ khổ?
Đêm khuya còn vá áo trượng phu
Ai thương tay liễu luồn kim lạnh
Côn trùng non nỉ dưới trăng thu!
Qua bài thơ này, có thể hiểu được cuộc sống chúng tôi năm ấy.
Mùa thu năm 1949 tôi học lớp sáu trường sư phạm Đài Bắc, tiếp tục năm học gián đoạn của tôi, Kỳ Lân học lớp năm, còn em trai út thì học lớp ba. Em gái út chưa đến tuổi đi học, thích leo lên tường thấp bao quanh nhà, từ tường leo chuyền lên cây đa to, rồi ngồi trên đó ngắm phong cảnh.
Mỗi buổi sáng, như thường lệ, tôi lại dẫn hai đứa em trai đi học. Đài Loan là vùng Á nhiệt đới, mùa hè nóng kinh người. Hễ tan học là các bạn ào vô quán kem Phước Lợi mua kem ăn. Tôi và các em không có tiền, không làm sao mua được, nhìn các bạn ăn kem, thấy thèm hết biết. Nhà trường qui định mặc đồng phục, mỗi tuần giặt áo quần đồng phục hai lần, hai lần đó được mặc thường phục. Ngày mặc thường phục, các bạn ăn mặc mỗi người một kiểu, trông rất đẹp, chỉ có mỗi mình tôi là mặc hoái cái váy sửa từ cái áo Thượng Hải của mẹ, trông dị
hợm. Vậy mà tôi mặc nó suốt năm học, không có chiếc thứ hai. Điều đáng sợ nhất trong tuần là "ngày giặt đồ đồng phục".
Kỳ Lân và em trai út càng nghịch ngợm hết chỗ nói. Những đứa trẻ khác có đồ chơi, chúng tôi không có gì cả. Đến Đài Loan, lần đầu tôi mới trông thấy ốc sên bò trên lá, trông lạ lùng lắm. Tôi gọi mấy đứa em lại xem, nói:
- Ốc ruộng Đài Loan kỳ cục thật, biết cõng cả vỏ của mình bò trên lá cây!
Các em không có đồ chơi, nhận thấy ốc sên cũng là thứ đồ chơi thú vị. Chúng nó bứt từng chiếc lá có ốc sên, cho vào trong bọc, thi nhau ai tìm được ốc sên nhiều hơn. Chúng còn bày trò cho ốc sên "đấu nhau" tiếc là ốc sên không phải là châu chấu, chẳng biết đấu đá gì cả. Túi nào của chúng tôi cũng đầy ắp ốc sên. Mẹ sợ quá la hoảng lên, suýt té xỉu tại chỗ. Từ đó trở đi, chúng không dám nghịch ốc sên nữa, nhưng không nghịch ốc sên thì biết nghịch thứ gì bây giờ? Thế là chúng lại chơi trò ốc sên.
Năm đó, tôi phát hiện ra các buổi chiếu bóng. Tại vườn thực vật, tối thứ bảy nào cũng có một buổi chiếu bóng ngoài trời, giá rất rẻ, chỉ có một đồng. Nhưng ngay cả một đồng tôi cũng không có! Hằng ngày tôi giúp mẹ rửa chén, xin mẹ một ít tiền lẻ, có khi mẹ cho một hào. Để dồn lại thật lâu mới đủ một đồng. Không có tiền đi xe buýt, tôi phải đi bộ đến vườn thực vật, mất đúng một tiếng đồng hồ, xem xong, lại đi bộ quay về đúng một tiếng nữa. Có một lần, phim chiếu nữa chừng thì trời mưa lớn đành phải ngừng lại. Tôi đội mưa về nhà, trời tối, mưa to, giữa đường bị té ngã, đầu gối bị chảy máu. Về đến nhà, tôi bị ướt sũng hệt như người cá, nước chảy ròng ròng, chân đau quá, đi không vững. Mẹ tôi trông thấy thất kinh, vội vàng thay áo quần, bôi thuốc cho tôi, và cấm tôi từ rày về sau không được đi vườn thực vật xem chiếu bóng nữa. Nhưng không xem chiếu bóng làm sao được? Đó là ham thích của tôi mà!
Tuổi niên thiếu long đong, lận đận là vậy.
Mùa hè năm sau, tôi mười hai tuổi, tốt nghiệp trường tiểu học sư phạm Đài Bắc, thi đậu và trường nữ trung học số một Đài Bắc.
Vào trường trung học, tuổi thơ ấu lùi về quá khứ. Ngẫm lại, cái ngây thơ hồn nhiên của tuổi ấy, chẳng có mấy, chỉ toàn cát bụi phong trần, cái cảm giác êm đềm, hạnh phúc chẳng được bao nhiêu, còn kinh nghiệm biệt ly, xa cách thì không kể hết. Niềm hân hoan thì ít, nỗi khổ đau thì nhiều. Những ngày nhàn nhả thật hiếm hoi, chuỗi ngày lưu lạc dài vô tận.
Đấy, tôi đã đi qua thời kỳ ly loạn của chiến tranh, đi qua khói lửa, đi qua khổ ải, đi qua thời niên thiếu của tôi như vậy đó.
Còn về sau lại là một chương hoàn toàn khác.
**** HẾT ****
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!