5. Kiếm tìm lời khuyên
Zorba phi như tên bắn xuống khỏi cây dẻ, chạy một mạch qua sân trong để tránh mấy con chó đi rông, rời khỏi ngôi nhà, ngó chừng kỹ càng xem có chiếc xe ô tô nào đi qua không rồi mới băng sang đường, thẳng tới Cuneo, một nhà hàng Ý trên bến cảng.
Hai con mèo hoang đang ngửi ngửi thùng rác thấy nó chạy hối hả ngang qua.
“Ê, cu! Mày có thấy cái tao vừa thấy không? Rời mắt khỏi miếng bánh mì nuột nà đó coi nào,” một con nheo nhéo nói.
“Đây đây. Sao mà đen quá thế. Nó làm mày nhớ đến viên mỡ lợn hả? Ối không, trông giống cục nhựa đường hơn. Chạy đi đâu đấy, nhựa đường?” con đầu tiên cất tiếng.
Dù rất lo lắng cho cô hải âu, nhưng Zorba không thể bỏ qua cơ hội ra oai với hai con mèo đầu đường xó chợ này. Vì thế, nó tạm ngưng công cuộc chạy, rồi với bộ lông xù ra, dựng đứng ở hai bên mạng sườn, nó nhảy phắt lên nắp cái xô rác.
Rất chậm rãi, nó chĩa bàn chân trước ra, xoè tưng cái vuốt vừa cong vừa dài như kim khâu thảm, dí sát vào mặt con mèo mà nó cho rằng mình có thể át vía được. “Thích chơi không? Ờ, tao còn chín cái vuốt ngon hơn nữa kia. Mày có thích nếm vài cú cào ở miếng sườn vàng khè của mày không?” nó hỏi bằng giọng thách thức.
Nhìn cái vuốt đang dứ ngay trước mắt, con mèo kia lập cập mãi rồi mới cất nên lời: “Em đâu dám, đại ca. Đẹp trời quá nhỉ? Đại ca có thấy thế không?” Mắt con mèo hoang cứ trân trối nhìn vào cái vuốt.
“Còn mày? Mày định lèm bèm gì?” Zorba hất mặt sang con mèo thứ hai.
“Hơ, em cũng nghĩ hôm nay tốt trời ạ. Rất tốt để đi dạo ạ, à, có thể hơi lạnh một tí ạ.”
Giải quyết xong vụ vặt vãnh đó, Zorba lại hối hả chạy tới nhà hàng, nơi những người phục vụ đang chuẩn bị bàn cho khách ăn trưa. Nó dừng lại ở cửa, meo lên ba tiếng, và ngồi xuống đợi. Vài phút sau, Secretario - một con mèo nhập cư gốc Ý gầy gò bước ra. Râu ria nó gần như trụi cả, chỉ còn hai sợi lông dài ở hai bên cánh mũi.
“Scusi, chúng tôi xin rứt xin lỗi, nhưng nếu quý khách chưa đặt bàn, chúng tôi xin lỗi không thể phục vụ được. Quán đã rất đông rồi,” Secretario nói bằng giọng Ý lơ lớ. Nó còn định nói thêm vài từ, nhưng Zorba đã cắt ngang.
“Tôi muốn nói chuyện với ngài Đại Tá một tí. Chuyện khẩn cấp!”
“Khẩn cấp! Lúc nào mà chã có gã nào đó với ba cái chiện cấp tốc vào giờ chót. Để tôi coi có làm được gì không, nhưng chỉ là vì nó rứt khẩn cấp đấy nhá,” Secretario ngoao lên, rồi lui vào trong nhà hàng.
Tuổi tác của ngài Đại Tá là một điều bí mật. Có kẻ nói ngài đã nhiều tuổi như cái quán ăn mà ngài gọi là nhà này, một số khác khăng khăng thậm chí ngài còn già hơn. Nhưng tuổi tác không là vấn đề, bởi lẽ tất cả mọi người đều nhớ rằng từ hồi còn trẻ, ngài đã lừng danh với tên gọi Đại Tá Bóng Đêm, và rằng ngài có được biệt tài kỳ lạ trong việc đưa ra lời khuyên cho lũ mèo gặp rắc rối. Cho dù ngài chưa từng hòa giải được vụ ẩu đả nào, nhưng chỉ riêng lời khuyên của ngài thôi đã làm dịu bớt tình hình rồi.
Với tuổi tác và tài năng đó của mình, ngài Đại Tá là một trong những con mèo lãnh đạo có uy quyền nhất ở cảng. Secretario đủng đỉnh quay lại.
“Theo tôi. Ngài Đại Tố sẽ gặp anh, thật chã giống bình thường…,” nó bảo.
Ghi chú
Scusi: tiếng Ý, nghĩa là “Xin lỗi”
Zorba đi theo nó. Lách qua những chân bàn chân ghế, chúng đi thằng về phía cánh cửa hầm rượu. Chúng nhảy xuống bậc của cái cầu thang hẹp và ở dưới đáy hầm là ngài Đại Tá, đuôi như cái cột cờ, đang kiểm tra nút bấc của mấy chai sâm banh.
“Porca miseria! Bọn chuột đã nhằn hết nút mấy chai ngon nhất trong nhà rồi. Ô Zorba! Caro Amico!” Đại Tá cất lời chào người bạn thân của ngài. Cũng giống như Secretario, ngài Đại Tá khoái khoe khoang một chút nguồn gốc Ý của mình.
“Mong ngài tha thứ cho tội quấy rầy khi ngài đang bận bịu, nhưng tôi gặp một chuyện nghiêm trọng lắm và cần lời khuyên của ngài” Zorba phân trần.
“Ta luôn sẵn sàng phục vụ, caro amico. Secretario! Đãi mio amico3
đây một chút lasagna al forno mà họ cho chúng ta sáng nay,” n gài Đại Tá ra lệnh.
“Nhưng hít rồi. Mà tôi mới khịt mũi một cái không hơn đấy,” Secretario làu bàu.
Zorba cảm ơn, và nói dù sao mình cũng chưa đói. Nó vội vàng kể về sự xuất hiện kịch tính, tình trạng đáng thương của cô hải âu cùng những lời hứa mà nó buộc phải nói với cô. Con mèo già yên lặng lắng nghe, rồi nó vừa ngẫm nghĩ về vấn đề vừa giật giật sợi ria dài. Cuối cùng nó ngao lên, “Porca miseria! Chúng ta phải giúp cô nàng hải âu đáng thương kia có thể bay trở lại.”
“Đúng,” Zorba gật đầu. “Nhưng bằng cách nào?”
“Sao chúng ta không tới gặp ngài giáo sô, ngài Einstein ấy. Ngài bít hết mọi thứ trên đời mà,” Secretario đề nghị.
“Đúng. Ý kiến hay đấy. Tôi sẽ tới gặp Einstein.” Zorba đồng tình.
“Chúng ta cùng đi. Trên bến cảng này, vấn đề của một con mèo là vấn đề của tất cả đồng bọn mèo,” ngài Đại Tá long trọng tuyên bố.
Ba con mèo rời khỏi căn hầm, băng qua hành lang bên trong dãy nhà trông ra bến cảng, hối hả chạy tới ngôi đền của con mèo có tên là Einstein.
Ghi chú
Porca miseria: tiếng Ý, nghĩa là “khốn khổ khốn nạn”
Caro amico: tiếng Ý, nghĩa là “bạn quý”
Mio amico: tiếng Ý, nghĩa là “bạn của ta”.
Lasagna al forno: Món của người Ý bao gồm mì sợi, thịt bò, pho mát, cà chua và các nguyên vật liệu khác trộn lẫn và nướng trong lò.
6. Chốn kỳ lạ
Einstein ngụ ở một nơi tương đối khó miêu tả, thoạt nhìn bạn có thể cho rằng đó là một cửa hàng bừa bộn các loại máy móc kỳ cục, một bảo tàng trưng bày mấy thứ lai căng chả-biết-gọi-là-gì, một nhà kho chứa mớ đồ cơ khí biết-chết-liền, một thư viện hỗn độn nhất thế giới hoặc phòng thí nghiệm các linh kiện kỳ dị của nhà phát minh thông thái nào đó. Nhưng nó không là bất kỳ thứ nào ở trên, hoặc đúng ra nó còn hơn cả tất cả những thứ kia cộng lại.
Nơi đó có tên Hiệu tạp hoá Bến cảng Harry, và chủ nhân của nó, ông Harry, là một thủy thủ già lão luyện, suốt mười lăm năm rong ruổi qua mọi đại dương, đã dâng hiến mình cho việc sưu tầm tất cả đồ vật có thể tìm thấy trên hàng trăm bến cảng ông từng ghé qua.
Khi tuổi già đã in dấu lên xương cốt, ông Harry quyết định kết thúc cuộc đời đi biển của mình để trở thành người sống trên cạn, và mở một hiệu tạp hoá để bày mớ đồ sưu tầm hỗn độn kia. Ông đã thuê một ngôi nhà ba tầng trên con phố ở ngay cảng biển, nhưng rõ là nó quá nhỏ để trưng bày hết đồ đạc của cửa hiệu tạp hoá lạ lùng. Rồi ông thuê tiếp căn bên cạnh, một ngôi nhà hai tầng và cũng tương tự, nó vẫn chưa đủ lớn. Sau khi đã thuê nốt ngôi nhà thứ ba, ông mới có thể trưng bày toàn bộ khối đồ đạc theo trật tự, thật thế, với một lối cảm quan sắp xếp rất đỗi kỳ cục. Ở trong ba ngôi nhà, nối với nhau bằng những cầu thang hẹp, có tới cả triệu thứ đồ vật. Trong số chúng, vài món đáng được lưu ý đặc biệt: 7200 mũ vành mềm, không bị thổi bay trong gió; 160 bánh xe từ những chiếc tàu đã phát chóng mặt vì đi vòng quanh thế giới; 245 đèn tàu soi xuyên làn sương mù dày mờ như súp đậu; 12 máy điện tín chạy điện méo mó dưới bàn tay chắc khoẻ của những thuyền trưởng hay la lối; 256 la bàn khôngbao giờ xoay về hướng Bắc; 6 con voi gỗ to như thật; 2 con hươu cao cổ nhồi bông tạo dáng như đang nhìn ngắm thảo nguyên; 1 con gấu Bắc cực nhồi bông có cánh tay phải của nhà thám hiểm người Nauy trong bụng; 700 cái quạt mỗi khi quay lại gợi nhớ tới làn gió chiều trong lành ở xứ nhiệt đới; 1200 võng đay canh chừng cho giấc ngủ đêm ngon lành; 1300 con rối ở đảo Sumatra không biểu diễn gì khác ngoài những câu chuyện tình; 129 bảng chiếu phong cảnh những miền đất nơi người ta luôn hạnh phúc; 54000 cuốn tiểu thuyết được viết bằng 47 ngôn ngữ; 2 phiên bản tháp Eiffel, cái thứ nhất làm từ nửa triệu đinh ghim, cái thứ hai là từ 300000 que tăm; 3 khẩu pháo của cướp biển Anh; 17 mỏ neo dưới đáy biển Bắc; 2000 bức vẽ hoàng hôn; 17 máy đánh chữ từng thuộc về những nhà văn danh tiếng; 128 quần flanen dài dành cho người cao trên mét tám; 7 áo khoác dự tiệc cho người lùn; 500 tẩu thuốc nhét đầy bọt biển; 1 dụng cụ đo thiên thể khăng khăng chỉ về chòm Nam Thập Tự; 7 vỏ ốc khổng lồ từ đó vọng tiếng xa xăm của những con tàu ma bí ẩn; 12 kilômét lụa đỏ; 2 cánh cửa tàu ngầm; và một loạt những thứ kỳ quặc khác quá vụn vặt để liệt kê. Muốn thăm hiệu tạp hoá của Harry, bạn phải trả lệ phí vào cửa, và một khi đã bước vào trong, bạn phải có khả năng định hướng đâu ra đấy nếu không muốn đi lạc trong mê cung của những căn phòng không cửa sổ, hành lang dài và cầu thang hẹp.
Harry nuôi hai thú cưng: Matthew, con đười ươi làm việc với tư cách nhân viên thu vé kiêm bảo vệ cho người thuỷ thủ già, cùng ông chơi cờ đam – dĩ nhiên nó chơi rất tệ, uống bia của ông, và cố bày trò bịp mấy vị khách. Con vật may mắn còn lại là Einstein, một con mèo xám gầy gò, nhỏ con, dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu hàng nghìn cuốn sách từ bộ sưu tập của ông chủ.
Đại Tá, Secretario và Zorba lon ton chạy vào hiệu tạp hoá với ba cái đuôi chổng ngược. Chúng tiếc rẻ khi không thấy Harry đằng sau quầy bán vé bởi ông cụ thường nói những lời âu yếm và ban cho chúng mấy mẩu xúc xích.
“Này này hượm đã, bọn nhếch nhác kia! Chúng mày quên không trả tiền rồi,” Matthew lào khào quát.
“Từ thuở nào các gatto phải trả tiền thế?” Secretario phản ứng.
“Bảng trước cửa đã ghi: ‘Phí vào xem: 2 mác’. Không thấy ghi mèo được xem miến phí. Tám mác đưa đây không thì biến,” con đười ươi rít lên đanh gọn.
“Scusi, xi-nho Khỉ, nhưng tôi sợ rằng đếm chác không phải thế mạnh của ông,” Secretario trả miếng.
“Đấy đúng là điều ta định nói. Một lần nữa, anh lại chặn ngang lời của ta,” Đại Tá phàn nàn.
“Bla bla bla. Hoặc trả tiền hoặc đi ra, ” Matthew nạt nộ.
Zorba vọt lên bàn bán vé và nhìn trừng trừng vào mắt con đười ươi. Nó nhìn cho tới khi Matthew phải chớp mi, ứa cả nước mắt. “Thôi được rồi, thì sáu mác. Con đười ươi nào cũng có thể tính nhầm,” Matthew the thé.
Zorba vẫn nhìn chằm chằm vào nó, bật ra một cái vuốt ở bàn chân trước bên phải. “Mày thích cái này không, Matthew? Này, tao còn có tới chín cái nữa đấy. Mày có tưởng tượng được cả mười cái cắm vào bộ đít đỏ mà lúc nào mày cũng vênh váo phơi ra không?” nó từ tốn đe doạ.
“Ơ, lần này thì tôi sẽ làm ngơ vậy,” con đười ươi gật gù, cố tỏ vẻ bình tĩnh. “Các anh có thể vào.” Ba con mèo, đuôi vểnh cao kiêu hãnh, biến mất trong mê cung của những hành lang.
Ghi chú
Gatto: Tiếng Ý, nghĩa là “mèo”.
Xi-nho: Tiếng Ý, nghĩa là “ông”, “ngài”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !