Gã vẫn tấm tức trong lòng vì chưa tìm được quà dâng Chúa. Lúc nãy, gã vừa bàn với vợ mang ít hoa, nến tới nhà thờ, nàng đã gạt phăng sáng kiến phi thường của gã :
- Anh thật là dở hơi. Noel chứ có phải lễ Nến hay tháng Hoa đâu, mà hoa với chả nến ! Vả lại, nhà thờ nào chẳng hoa nến đầy dẫy, anh lại muốn « chở củi về rừng ».
Lời đề nghị bị gạt bỏ phũ phàng. Chạm tự ái, gã gân cổ vớt vát:
- Thì mình mang một cây nến thật to hay một vòng hoa thật bự cho khác với người ta vậy.
- Bố ạ! Thế bố định đi phúng điếu ai, hay là muốn rước nến Phục Sinh đây ? Đêm nay Chúa Giáng Sinh chứ không phải Chúa sống lại đâu nhé . -Ừ nhỉ ! Bà xã nói có lý….
Mải nghĩ vẩn vơ, gã suýt đâm sầm vào cái cột đèn đang đứng ngang xương bên lề đường, chờ những người « đoảng »như gã. Một tia sáng chợt lóe lên trong óc : Hay là mình thay nến bằng chùm đèn nhấp nháy, thời đại điện tử mà!… Nhưng! Nhưng không được. Đèn điện ở nhà thờ cũng thiếu giống gì, lại thêm một chuyến "chở củi về rừng" , sáng kiến gì mà cứ tối om om.
Sáng nay, cũng chuyện quà cáp Noel, gã nhớ lại có chuyện xưa kể rằng: Khi Chúa sinh ra, các mục đồng, bò lừa và Ba Vua tới thờ lạy Chúa. Sau đó tới phiên các gia súc và thú rừng : Chú thỏ dâng Chúa bó cà rốt, cậu khỉ tất tả với nải chuối trên tay, vợ chồng gà khệ nệ khiêng chục trứng, còn bác cáo già bước vào với... tay không. Thấy vậy, vợ chồng gà liền lỉnh vào xó tối, nhỡ ra cáo nhà ta thuận tay quơ mình làm quà dâng Chúa thì quả là oan mạng . Biết ý, cáo phân bua: "Thưa Chúa, con không có ý hại anh chị gà, nhưng con lại chẳng có gì dâng Chúa cả. Thôi thì... con dâng sự tinh ranh, hung dữ của mình vậy ". Từ đó cáo trở nên hiền lành . Sau lượt cáo, bỗng có bà cụ già - đã già lắm - bà bước đến bên máng cỏ Chúa nằm, hí hoáy lôi trong chiếc bao bị đeo bên mình một quả táo, dúi vào tay Chúa . Chúa mỉm cười, còn bà thì rơi lệ. Quả táo đã bị mẻ một miếng, vì đó là quả táo mà ông Adong, chồng bà, đã cắn ngày xưa. Cụ bà Evà đã đem chứng tích tội mình dâng Chúa và Chúa năm xưa cũng đã biến tội tổ tông thành « tội hồng phúc », như trong bài hát ở nhà thờ mà cha xứ hát vào lúc thắp nến đêm Phục Sinh, cảm đông thật.
Gã khờ mỉm cười tự nhủ : Ngu quá! Sao mình không bắt chước các con vật lấy điều đặc sắc nhất của mình dâng Chúa ? Ngay quả táo tội lỗi cũng là quả táo riêng của ông bà nguyên tổ kia mà… Eureka! Thấy rồi ! Cái 'khờ' của gã. Có mấy lần đi lễ sáng Chúa Nhật, gã quên bẵng, quen chân đi thẳng tới quán bar uống bia với bạn. Chứng tích 'tội' khờ à ? Có ngay ! Đem mấy lon bia tới dâng Chúa là xong. Gã hí hửng khoe ngay sáng kiến này với mẹ, ai ngờ bị bà cụ mắng ngay cho một mạch
- Tiên sư thằng nỡm, mày có bao giờ thấy trẻ sơ sinh uống bia không ? Vả lại, Chúa là Chúa đấy. Là Chúa chứ không phải là người như mày đâu mà bia với bọt. Rõ ngốc !
Gã ấm ức nghĩ thầm: Đàn bà thật giống nhau đến khó chịu, chỉ ngoác mồm phản đối là giỏi. Thế này không được, thế kia không được, biết làm thế nào bây giờ ? Tiếng hát du dương của ca đoàn thiếu nhi đã đưa gã trở về thực tại. Gã đã vào nhà thờ lúc nào không hay. Lố nhố quanh máng cỏ, bên cung thánh, là các thiếu nhi, thiên thần và mục đồng, trong đó có cả đám con của gã . "Ừ ! Sao mình không dâng Chúa tiếng hát thiên thần nhỉ? Nhưng, gã chả thuộc bài nào ra hồn, và cái giọng ồm ồm của gã chắc sẽ làm Chúa Hài Đồng khóc thét lên mất… Đứng thở phì phò như lũ bò lừa dâng hơi ấm cho Chúa ư ? Kỳ thấy mẹ, và gã cũng chẳng làm được... Còn làm mục đồng? Gã lại đứng ngang hàng với bọn trẻ ranh sao? Thật khó nghĩ ... Trẻ đã qua còn già thì chưa tới , tuổi của gã thuộc loại « đầu con nít, đít quan viên » mới khổ chứ ! …Gã thèm thuồng nhìn ba cụ bô lão bưng vàng, nhũ hương, mộc dược dâng Chúa. Các cụ chẳng giống Ba Vua tí nào, lóng ngóng trông đến tội nghiệp. Giá mà là gã thì... oai phải biết.
- Khờ à, sao mày cứ đứng như « phỗng » thế kia ? Cả nhà thờ đang nhìn mày kìa!
Tiếng nhắc thầm của thằng bạn nhậu chí thân - đã ngồi cạnh gã từ lúc nào - làm gã giật mình tỉnh giấc. Quê thật, cả nhà thờ đang ngồi nghe bài sách thánh, còn mình thì đứng sớ rớ vô duyên. Gã vội ngồi thụp ngay xuống, nói nhỏ :
- Chết thật, tao mải nghĩ lấy quà gì dâng Chúa ấy mà
- Ối dào ! Vẽ chuyện. Thấy mày ở đây là Chúa mừng như bắt được quà rồi , còn kiếm đâu nữa ?
- Thật không mày ?
- Thật chứ, tao còn mừng chứ đừng nói là Chúa, tưởng mày đang ở quán bia hay đi lạc nơi xó xỉnh nào rồi. May thật.
Phải rồi ! May thật. Thằng bạn gã nói đúng quá đi mất : chính gã cũng còn mừng cho gã nữa, nói gì là hắn hay Chúa. Gã bỗng thấy mình quan trọng kinh khủng. Hèn chi lúc nãy cả nhà thờ nhìn gã, chắc là họ linh cảm được gã thành “quà tặng” của Chúa rồi . Một kẻ khù khờ như gã mà được làm “quà” cho Chúa sao? Gã cảm động đến rưng rưng nước mắt. Phận người thật đáng quí . Hình ảnh bà Evà lại đến trong đầu gã: Hoá ra Ông Bà nguyên tổ xưa còn khờ hơn gã, họ cho rằng làm người là xoàng, là chán, nên không chịu làm người, nghe lời con rắn xúi bậy đòi làm Thiên Chúa, để chính mình và con cháu mất phúc trường sinh. Kể ra Chúa cũng cao minh quá : Ngài chẳng cần lên lớp giảng dạy : Chức “người ” là quí… con người phải “làm người ”... Ngài cứ âm thầm xuống thế trong một đêm đông, khóc oe oe giữa đồng Bêlem vắng lạnh, cho con người thấy phận người thật cao trọng và đáng qúi . Mà làm người quí thật , ngay tên bạn nhậu của gã cũng quí giá vô cùng: Không có hắn thì gã biết tâm sự hay lai rai với ai đây? Còn bà Bảy ú đầu ngõ và lão Hai thẹo nhà kế bên nữa, người thì chế nhạo, kẻ thì mỉa mai hắn, nhưng mỗi lần họ đi nghỉ hè là gã như thiếu một cái gì, thấy cũng nhơ nhớ… Đấy! những kẻ “chằng ăn dây quấn” như họ, hoặc khù khờ vô dụng như gã mà còn thế, huống chi là những người khôn ngoan hữu dụng thì còn quí cho nhân loại biết bao nhiêu ? Con người thật qúi hoá vô cùng . Đúng như ông triết gia Gabriel Marcel đã nói: "Con người là quà tặng, là hồng ân của Thượng Đế ". Chữ “ Người ” viết hoa để chỉ Chúa hay viết thường để chỉ gã đều đúng trong đêm nay và trong cuộc đời thường ngày. Gã khờ thật hân hoan. Miệng và ý nghĩ của gã vừa bắt kịp câu kinh Tin Kính, mà gã và cả nhà thờ đang sốt sắng đọc to :
" Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần , Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria , và đã làm người ”.