Trời đã bắt đầu ngả tối và đường phố đã thưa thớt bóng người. Mọi người phần lớn đã trở về nhà để sửa soạn đón mừng ngày lễ sinh-nhật nổi tiếng nhất thế-giới, ngày Chúa Giê-Su ra đời để cứu thế.
Giờ này chỉ còn một thằng bé, khoảng chừng mười-mười hai tuổi, mặt mày lem luốc, trên người vỏn vẹn có chiếc áo thun và cái quần xà-loỏng cũ rách, lê bước chân nặng chĩu, chập chờn như một bóng ma ngoài đường phố.
Cả ngày hôm nay, nó đã đi mòn cả chân, rao mỏi cả miệng mà chả bán được tấm vé số nào (ngày hôm nay, ai nấy đều bận bịu, làm gì có đầu óc để mua số?).
- Giáng Sinh với chả Giáng-Sinh! Cái ông Giê-Su này là thế nào mà mỗi năm đều được mọi người mừng sinh-nhật như vậy? Chả bù với mình chả biết sinh ngày nào tháng nào nữa mà mừng. Báo hại, chả bán được tấm vé số nào, hôm nay bao-tử lại được nghỉ lễ rồi. Thằng bé lẩm bẩm, chua chát.
Buồn quá, nó chả muốn về "nhà" (một thùng các-tông chắn gió và một tấm ny-lông đắp thay chăn) và cứ thế rảo bước. Được một lúc, nó đến gần chân cầu thì bỗng thấy giữa cầu, bóng một người đàn ông đang lăm le trèo lên, như để nhảy xuống sông. Sợ quá, nó chạy lại gần, hét lớn:
- Ông ơi, ông ơi...
Nghe tiếng gọi, người đàn ông khựng lại giây lát rồi tiếp tục trèo.
- Ông ơi, chờ cháu với! Thằng bé hét to hơn và chạy gấp lại.
"Chờ cháu với!" câu gọi đó không hiểu sao làm người đàn ông chùn chân rồi ngừng lại. Ừ, thì chờ xem nó muốn gì đã?
Thằng bé đến gần, cầm tay người đàn ông và nói:
- Ông ơi, ông định làm gì vậy? Có chuyện gì, cứ từ từ rồi tính nhe ông?
Người đàn ông giựt tay nó ra, gắt lên:
- Cái thằng nhóc này vô duyên. Tao làm gì thây kệ tao, mày xen vô chi vậy?
- Ờ, thì tại cháu cũng đang buồn chết đi được, không lẽ ông còn chán đời hơn nữa sao?
- Ê, Ê, mày con nít làm gì mà buồn? Không được làm bậy như người lớn, nghe chưa? Mà mày làm sao chán đời hơn tao được? Thấy thằng bé nói chán đời, người đàn ông chợt cảm thấy tội nghiệp nó và trong giây lát, quên đi hoàn cảnh mình.
Thằng bé cúi đầu, nói nhỏ:
- Thôi, hay là hai chú cháu mình kể nhau nghe câu chuyện mình cho vơi chút, rồi tính gì thì tính, được không chú?
Thằng bé bỗng thay đổi cách xưng hô mà thay "Ông" bằng "Chú", ý như không xem ông như một người lạ mặt nữa.
Người đàn ông ngập ngừng giây lát, rồi ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào thành cầu rồi bắt đầu kể:
- Vậy đi, để tao kể mày nghe nè. Trước đây, tao có việc làm cũng ngon, vợ tao cũng đi làm, ba đứa con tao học giỏi, chuyện gì cũng tốt, tao thấy đời mình cũng hạnh phúc lắm. Rồi bỗng dưng, bà chị thằng chủ tao có thằng con trai mới ra trường, kiếm việc làm, muốn chủ tao mướn nó, mà hãng không cần người, nên bất đắc dĩ chủ phải đuổi tao để mướn thằng cháu. Kiếm việc bây giờ khó quá, tao chán và tức quá rồi uống rượu, từ sáng tới khuya, có khi không về nhà nữa. Con vợ tao lấy cớ ly dị, rồi đuổi tao ra khỏi nhà. Sau đó tao mới biết nó cắm sừng tao với thằng hàng xóm kế bên cả mấy năm nay rồi.
Gia đình tao chỉ có hai ông anh, một con em mà không ai muốn giúp tao, lấy cớ không có tiền mà nhà thì nhỏ quá. Bạn bè tao cũng dần dà né tao, chỉ có thằng bạn thân nhất của tao còn chứa tao ở nhà, nhưng chưa biết chừng nào vợ nó đòi đuổi tao đây?
Trong vòng có ba tháng, tao mất hết trơn trọi, mất việc, mất vợ con, anh em, bạn bè. Vô gia đình, vô gia cư, vô nghề nghiệp... vô duyên! Sống chi nữa, mày?
Bao nhiêu nỗi uất ức được dịp tuôn trào, người đàn ông nói một hơi không ngừng rồi thở hắt ra một tiếng, cơn buồn tủi như vơi đi chút ít.
Thằng bé lặng thinh một lúc, thở dài rồi nói, đôi mắt như lạc đi đâu đâu:
- Vâng, chuyện của chú buồn thật, đúng là chú đã mất tất cả! Nhìn lại đời mình, cháu chả có gì để mất. Cháu không có nghề nghiệp gì, cháu không có gia đình, bạn bè cháu không có mấy ai. Cháu chả biết tên họ thật của mình, cũng chả biết ngày sinh tháng đẻ, và cháu chưa bao giờ được mừng sinh nhật. Mẹ cháu sinh cháu ra rồi bỏ cháu ngoài nhà thờ, cháu được đem về cô-nhi-viện nuôi, sau đó viện không được trợ cấp nữa, phải đóng cửa và mấy đứa mười tuổi trở lên như cháu không có ai khác nhận nữa, cháu phải tự lo cho mình thôi, ngày ngày đi bán vé số, bán được thì có chút cơm ăn, bán không được thì đói, đi lục thùng rác, có gì ăn được thì ăn thôi. Ở viện, cháu được đặt tên là "Phúc" nhưng phúc đâu chả thấy, từ khi đi bán vé số, mọi người gọi cháu là "Số" cho gọn. Xấu số thì có...
Nghe chuyện thằng bé, người đàn ông bỗng cảm thấy xấu hổ vô cùng, hai má nóng ran. Đúng là nhìn lên thì ai cũng hơn mình nhưng nhìn xuống thì ai cũng thua mình. Thằng bé này cả đời nó chưa có được một ngày hạnh phúc, mới có ngần này tuổi mà bụi đời đã lấm đầy nét mặt. Vậy mà mình mới bị đời quạt cho mấy bạt tai đã nản, mình thật không can đảm bằng một góc thằng bé này. Nhục nhã quá.
Người đàn ông bỗng đứng phắt dậy, phủi quần áo rồi nói:
- Thôi, trễ rồi, tao phả i về kẻo thằng bạn tao nó chờ, rồi vợ nó lại càm ràm, tội nghiệp nó.
Nhưng mà nè, để tao mua giúp mày năm tấm vé số lấy hên. Và cho mày thêm chút tiền nữa, tối nay mày đi ăn dùm tao một tô phở "Giáng Sinh" cho ấm bụng nhe.
Người đàn ông rút ví ra, lấy một xấp tiền rồi dúi vào tay thằng bé. Thằng Số lặng lẽ trao cho ông mấy tấm vé, tay cầm xấp tiền, tay níu lấy cánh tay người đàn ông, mắt long lanh ngấn lệ. Tiếng chuông giáo đường vang vọng đâu đó, như nhịp cầu cảm thông giữa hai tâm hồn, một lớn, một bé.
Thằng Số buông tay người đàn ông rồi nói:
- Thôi, chú về đi kẻo tối, ở nhà đợi chú. Cháu đi đây.
Nói xong, nó quay đầu, lững thững đi một nước. Nó không muốn để người đàn ông thấy nó đang khóc, nó không muốn ai thương hại nó, nó cũng không muốn để tình cảm làm tổn thương đến nó, vì trong hoàn cảnh nó, nó phải cứng rắn để sống sót.
Người đàn ông nhìn theo một lúc, lắc đầu thở dài rồi bước đi.
Sang hôm sau, thằng Số lại trở về với cuộc sống buồn tẻ, sáng chiều đi rao bán mấy tấm vé số, lang thang cả buổi với mục-tiêu duy nhất là kiếm miếng cơm, miếng nước sống qua ngày. Một kiếp người vô vọng, không lối thoát. Xét cho cùng, nó cũng chẳng khác gì con chim, con chuột hay con chó hoang ngoài đường, nhưng súc vật có biết buồn, biết tủi như nó không?
Mấy hôm sau, nó lại đi về phía chiếc cầu hôm nọ nhưng lạc lõng trong suy tư vớ vẩn, nó đi như cái máy mà cũng không biết mình đi đâu. Bỗng đâu, có tiếng ai đang ới nó:
- Ê, Số, Số!...
Ngẩng nhìn lên, nó thấy bóng dáng một người đàn ông ăn mặc rất lịch sự đang vẫy ngoắc nó và chạy lại gần nó. Ô, hoá ra là người đàn ông định quyên sinh trên cầu hôm nọ đây mà. Nhưng tại sao ông ấy lại ăn mặc sang trọng, đầu tóc chải chuốt như vậy?
Người đàn ông chạy đến bên nó, ôm chầm lấy nó và reo lên, mừng rỡ:
- Số ơi, tao đi kiếm mày mấy hôm rày nhưng đâu biết mày ở đâu nên cứ đến đây cầu rùa, chớ tao đâu biết kiếm đâu?
Thằng Số còn bàng hoàng, chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, lắp bắp hỏi:
- Dạ, chào chú. Chú kiếm cháu có chuyện gì vậy chú? Mà hôm trước đến giờ, chú ra sao?
- Trời ơi, mày nhớ không, Số? Bữa trước tao mua mày mấy tấm vé số rồi ông Trời, ổng thương, ổng cho tao được một vé trúng độc đắc. Tao trở thành tỷ phú rồi, nhờ mày hết đó. Ai dè mày cứu sống tao mà còn làm giàu tao nữa? Mới mấy bữa trước, tao không còn lẽ sống mà bữa rày, tao đi xe hơi, ở nhà lầu, anh em, bạn bè tao bỗng dưng kéo lại, thân thiện trở lại với tao. Mà sức mấy tao chịu? Người đàn ông nói một hơi, giọng ông run lên vì mừng.
Qua cơn bỡ ngỡ, thằng Số ngập ngừng nói:
- Thì ra vậy. Cháu xin chúc mừng chú, đúng là Trời Phật thương chú đó.
Người đàn ông cầm lấy tay nó mà nói:
- Không có đâu Số, ông Trời thương cả hai đứa tụi mình đó. Ổng đã sắp xếp để mình gặp nhau, ý ổng là muốn hai thằng mình từ rày trông lo cho nhau, chớ không phải tình cờ đâu. Nhân duyên đó. Nếu mày đồng ý và không chê bai tao thì tao sẽ nhận mày làm con nuôi và mày sẽ về sống với tao, mày sẽ được ăn học đàng hoàng, sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, khổ cực vậy đủ rồi. Mày nghĩ sao?
Nghe xong, thằng Số cảm thấy thật bàng hoàng, cảm tưởng như mình đang nằm mơ. Trước đây, nó chỉ dám mong ước có được một mái nhà che thân và ngày ba bữa ăn chứ bước vào nhà một ông tỷ phú như vậy thì làm sao nó dám với?
Nó lịm đi vì cảm động, hai chân nó run lật bật, miệng lắp bắp:
- Dạ, cháu, cháu...
Nói đến đây, giọng nó tắt nghẹn, hai mắt ràn rụa, nó ôm chầm lấy người đàn ông và khóc rống, khóc tức tưởi, như một cơn mưa rào cuốn sạch đi hơn mười năm khổ nhục.
Nơi xa xa, tiếng chuông lại ngân vang, nhẹ nhàng, ấm áp, êm đềm. Chúa, Trời, Phật... hay chỉ là số phận? Dù sao đi nữa, Giáng Sinh năm nay thật nhiệm màu đối với thằng Số và người đàn ông lạ mặt. Ngày mai trời lại sáng.