Chuyện Tình Giai Nhân Truyện 3


Truyện 3
Những ngày quế chưng và nỗi sầu thu của A Xíu

Mùa thu là một bài ca, song tựa như điệu sáo
cất lên từ nhà bếp trong những đêm “quế chưng”,
tới ban ngày lại giống lời hát của trẻ thơ, nóng nực, chín nồng, trong lành, ẩm ướt.

 - Viêm Anh

 

A Xíu dắt tay bé Bách Thuận, hai mẹ con lần lượt leo từng tầng gác. Từ trên ban công phía sau của tòa nhà phóng mắt nhìn ra xa, thành phố trở thành một bình nguyên rộng lớn, vô số nóc nhà xám, đỏ san sát, rặt những tường hậu, cửa sổ sau, mặt sau ngõ, ngay cả ông giời cũng quay mặt đi, bỏ lại một mảng âm u, nhạt nhòa không đường nét, đã qua tiết trời tháng Tám mà vẫn oi bức đến vậy, cũng chẳng hay cao xanh kia có tâm sự gì nữa. Từ bên dưới nổi lên bao nhiêu âm thanh ồn ã, các loại xe cộ lăn bánh rầm rầm, trường học gióng chuông inh ỏi, công nhân nện búa xẻ cưa, mô tơ réo kêu xình xịch, nhưng đều thảng thốt đến lạ, chỉ như gió thoảng qua tai, cơ hồ chẳng mảy may động lòng Thượng đế. Truyen8.mobi

Vú em nhà đối diện trong khu tập thể dắt mấy đứa trẻ ra ban công bón cháo, trời quá bức, cháo quá nóng, chị ta chu môi thổi phù phù, lông mày nhíu lại, cũng chẳng rõ chị ta xót cho môi mình hay xót bát cháo trắng. Vú em nhà đối diện là một người đàn bà vừa già vừa xấu, từng bó chân một thời gian, nhưng tóc lại cắt ngắn. Chị ta mải nạt mấy đứa trẻ ăn sáng còn đi học, một lọn tóc ngắn thõng xuống vành tai, ướt nhơm nhớp như một vệt mực quệt trên mặt chưa khô. Chị ta chào A Xíu: “Chào em!” Lũ trẻ cũng nhao nhao lên: “Cháu chào cô ạ!” A Xíu đáp lại: “Chào chị!” Bé Thuận cũng cất tiếng: “Cháu chào bác! Chào các anh!”

A Xíu nói: “Hôm nay em đến muộn, cái xe điện chết giẫm, chen bẹp cả ruột, chạy quá một đoạn mới xuống được, ông Tây hẳn đã gọi chuông rồi!” Chị vú em nhà đối diện tiếp lời: “Hôm nay nóng phát điên lên được ấy nhỉ!” A Xíu cũng ta thán: “Đúng là điên lên thật! Sắp tháng Chín đến nơi rồi còn gì!” Ban nãy trên chiếc xe điện hạng ba, A Xíu bị chen đẩy dúi dụi, mặt áp phải chiếc áo dài màu lam thẫm của một người cao to, thứ vải màu lam ấy vì quá mức dơ dáy, đâm ra lại mềm đến lạ, chẳng còn ra hồn vải nữa; hơi nóng tự thân nó phả ra hầm hập từ sâu bên trong lớp vải kia. Mùi vị của thời tiết này cũng giống như chiếc áo dài đó - chứ chắc chắn không giống như quần áo của mình, bởi sự bẩn thỉu của mình dù sao vẫn còn khá hơn một chút. Truyen8.mobi

A Xíu vội lấy chìa khóa mở cửa vào nhà, thoạt tiên tới trước hộp chuông điện kiểm tra, quả nhiên, tấm thẻ số Hai đã rơi xuống. Ông chủ tối qua không ăn cơm nhà, cho cô về sớm hai tiếng, cô đoán chắc hôm nay ngài sẽ ra yêu cầu oái oăm nào đó để bù lại. A Xíu mở nắp đậy chum nước, lấy muôi sắt múc đầy một ấm, đặt lên bếp ga đun trước. Trong thời chiến, nước máy dùng rất hạn chế, nhà nào cũng có một chum nước như vậy, chum nước lớn màu da lươn bề mặt có vẽ hình rồng màu vàng nhạt. Chị em soi mình trong làn nước đó, thể nào chả giống các mỹ nhân thời xưa, nhưng A Xíu là một cô gái thành thị, cô chọn cách soi vào miếng gương con đã mất một góc (vốn là sản phẩm bán kèm của một chiếc túi da) dán trên bờ tường màu phấn lục cạnh cửa; ngắm mái tóc mình, cũng chưa đến nỗi quá xác xơ. Cô chải cái đuôi sam, xoắn chặt từng lọn tóc sau gáy lại, xoắn đến khi hoàn toàn không thể xoắn được nữa mới thôi, khi ấy mới cảm thấy thật sự thoải mái. Tóc mái phía trước trán lật cao lên theo kiểu tân thời; vuốt rất chặt, có thể để ba bốn ngày mới phải chải một lần. A Xíu rút cái tạp dề trắng sau cửa xuống buộc vào người, kê một cái ghế đẩu, giẫm lên đó để lấy cà phê trên giá vì người cô vốn thấp nhỏ.

“Thuận - Lại chạy đi đâu rồi? Cứ sểnh ra là chơi! Ăn mau lên còn đi học!” A Xíu quát. Khuôn mặt xương xương thanh tú của cô trở nên dữ dằn như một bà dì ghẻ. Bé Thuận mặt phúng phính, nhắm mắt nhắm mũi, khệ nệ bê một chiếc ghế dài ra ngoài cửa, rồi vào ôm một hộp bánh quy ra, ngồi lên trên hộp, đặt sẵn cốc đĩa lên mặt ghế, lẳng lặng chờ đợi. A Xíu lấy nửa cái bánh mì to còn thừa từ trong chiếc lọ sứ đặt trên tủ lạnh ra, nói: “Này! Cầm lấy! Có giỏi thì một mình ăn hết xem! Mà cũng phải nghĩ để phần cho người khác nữa chứ. Thật chưa thấy đứa nào mới ngần này tuổi đầu đã ăn nhiều hơn cả người lớn rồi!” Truyen8.mobi

Trên bậu cửa sổ có một chiếc cốc thủy tinh màu lam, A Xíu bỏ cái bàn chải đánh răng cắm trong cốc ra, lấy phích rót một cốc nước đưa cho bé Thuận, rồi lại mắng: “Việc gì cũng phải có người hầu! Một tháng mày cho tao được mấy đồng mà tao phải hầu mày cơ chứ? Chẳng biết kiếp trước nợ nần gì nữa! Còn không ăn nhanh lên mà đi học!”

Bé Thuận vẫn đang nhai nhóp nhép trong mồm, đã đi lấy cặp sách, đột nhiên, nó cảm thấy rất chán ngán bộ quần áo công nhân vải xanh bám đầy bụi đã phải mặc suốt cả mùa hè, liền nói: “Mẹ ơi, mai con mặc áo nhung nhé!” A Xíu nói: “Mày điên à! Trời nóng thế này, áo nhung áo nhiếc cái gì!”

Bé Thuận đi rồi, A Xíu mới thở dài, nghĩ đến chuyện học hành của con thật khó trang trải. Học phí tăng đến phát sợ, ngoài ra đụng đến việc gì cũng phải chi một đống tiền, riêng môn học thủ công, tiền mua giấy xanh giấy đỏ cũng đủ ốm. Trên bậu cửa sổ, lá quốc kỳ nhỏ do bé Thuận cắt dán bị chặn dưới lọ xì dầu, màu cờ Dân Quốc với bầu trời xanh, vầng dương trắng, mặt đất hồng xỏ vào một que tre mảnh. A Xíu nghiêng đầu nhìn, trong lòng thấy chua xót.

Cà phê đã pha xong, cái khay bằng bạc cũng đã sắp xếp ngay ngắn, chuông điện thoại bỗng reo. A Xíu nhấc ống nghe, giả giọng lơ lớ kiểu Tây: “A lố!... Dạ vâng thưa mít xơ, xin đợi cho một chút!” Cô chưa từng nghe thấy giọng người phụ nữ này, hẳn là một cô ả mới. A Xíu vào gõ cửa: “Thưa ông! Có điện thoại!”

Ngài chủ nhà đã tắm gội xong, mặc quần áo, tỏ vẻ không hài lòng về cô. Đống thịt trên mặt ngài như chưa được rán chín, đỏ au với những mạch máu li ti. Hai bên ria mép mới để lún phún, khuôn mặt trông càng giống một quả trứng gà mới hé nở, rất bổ dưỡng, đã nhú ra một chút cánh màu vàng. Nhưng ngài Gerda đây vẫn có thể coi là một người điển trai. Với đôi mắt màu xám tinh quái, dáng vẻ phong độ, ngài bước ra đón lấy điện thoại, hắng giọng một tiếng, nhưng trong cổ họng vẫn còn chút khàn đục. Ngài cất tiếng dò hỏi: “A lô?” Sau đó đột nhiên đổi sang một ngữ điệu hết sức dịu dàng: “À lố ô!” vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, có vẻ hơi ngây ngất, như thể nói: “Là em đấy à? Lẽ nào là em thật đó sao!” Ngay cả lúc sáng ra banh mắt, ngài cũng có thể xiêu hồn lạc phách, điên đảo vì tình đến vậy đấy. Truyen8.mobi

Nhưng A Xíu đã nghe cái câu “À lố ô” ngọt lịm này không biết bao lần rồi, nên cô hờ hững đi vào trong bếp. Hôm qua “người phụ nữ tóc vàng” mời ngài chủ nhà dự tiệc, sau đó hẳn đã về nhà cùng ngài. Bởi lẽ trong bếp có hai ly rượu dùng rồi, trên một chiếc ly còn dính vết son môi bóng nhẫy. Không rõ người phụ nữ đó ra về lúc nào? Những cô ả của ngài chưa bao giờ ở lại qua đêm cả. Sau khi cô ả nào đó ra về ngài đều vào bếp hút một quả trứng sống, A Xíu để ý thấy trong thùng rác bằng sắt tây có một vỏ trứng gà nguyên vẹn, ngài chỉ dùng kim chọc một lỗ nhỏ trên bề mặt quả trứng, rồi cứ thế hút... A Xíu lắc đầu, đúng là mọi rợ! Tủ lạnh lúc này không có điện, lẽ ra không nên đóng cửa, nhưng ngài lấy trứng gà xong đã tiện tay đóng lại. A Xíu vừa mở ra, thì bên trong xộc lên một mùi ngai ngái, nồng nặc. Cô lấy pho mát, lạp xường gan ngan và một quả trứng gà ra khỏi tủ. Ngoài một bữa sáng ăn ở nhà, hai bữa còn lại hầu như ngài Gerda đều được mời đi ăn ngoài. Trong tủ lạnh còn nửa bát cơm rang thập cẩm ngài ta ăn dở, để đó đã hơn tuần lễ. A Xíu biết rằng ngài Gerda không hề quên, bởi ngài thường xuyên mở tủ lạnh kiểm tra, hễ ngài chưa nói câu “thôi, cô ăn hết đi”, thì cô cũng quyết không hỏi xem “ngài có cần nữa hay không?” A Xíu thừa biết tính cách của ngài.

Ông chủ gác máy, kiểm tra số điện thoại cô giúp việc ghi trong sổ nhớ mỗi khi có ai đó gọi tới lúc ngài vắng nhà; bấm y như thế, nhưng gọi mãi vẫn không kết nối được. Ngài Gerda thò đầu vào nhà bếp, từ tốn phàn nàn: “Cô làm khó tôi quá! Số má toàn viết lung tung!” Vừa nói ngài vừa khẽ lắc ngón tay trỏ ra bộ cảnh cáo. A Xíu luồn hai tay vào trong tạp dề, trên mặt nở một nụ cười ngượng ngùng. Truyen8.mobi

Ngài chủ nhà liếc mắt nhìn cái bánh mì bé Bách Thuận ăn dở, A Xíu biết ngài đang ngờ vực. Thực ra bà chủ nhà bên cạnh thừa tem phiếu bánh mì nên cho cô một phiếu, cô đã mua bánh về. Ngài Gerda còn chưa nói gì, mặt cô đã đỏ ửng. Đàn bà con gái Tô Châu là chúa hiếu thắng, người ta chỉ hơi mặt nặng mày nhẹ chút thôi đã không chịu được, chứ đừng nói buông lời trách móc. Đặc biệt là bộ dạng của A Xíu, từ khi cha sinh mẹ đẻ, hễ đỏ mặt thì giống y như bị ăn tát với những vết ngón tay đỏ tấy trên lớp da mặt mỏng tang. Vẻ mặt của cô giống như bị ai đó ngược đãi, đôi mắt đẹp như hai vệt dao cắt, ánh mắt lộ ra một thế giới sâu kín, ở trong đó là nét “cá lặn chim sa, hoa nhường nguyệt thẹn”.

Ngài chủ nhà nghĩ bụng: “Muốn kiếm một người như cô này kể cũng khó, còn dùng cô ta ngày nào thì còn phải dỗ cô ta cho ngọt.” Bởi vậy ngài không tra hỏi nữa mà chỉ nói: “Cô Xíu tối nay chuẩn bị cho tôi một bữa cơm hai người ăn. Mua nửa ký thịt bò!” A Xíu đáp: “Ninh trước rồi rán ạ?” Ngài chủ nhà gật đầu. A Xíu hỏi tiếp: “Còn cần gì nữa không ạ?” Ngài Gerda trầm ngâm, một tay gác lên khung cửa, một tay chống nạnh; đôi mắt màu xám của ngài những lúc không đưa tình thì trơ ra toàn lòng trắng, trừng trừng nhìn vào miếng bánh mì ăn dở, khiến A Xíu cảm thấy bất an. Ngài nói: “Ngô, có lẽ vậy?” A Xíu gật đầu, nói: “Dạ vâng, ngô.” Cô nghĩ bụng, lần nào cũng là mấy món ấy, may mà toàn mời những cô ả khác nhau. Ngài Gerda nói: “Thêm một món ngọt nữa đi, nướng hai cái bánh là được!” A Xíu đáp: “Thưa, không có bột mì!” Ngài nói: “Thì dùng trứng gà, không có bột cũng chả sao.” A Xíu chưa từng nghe thấy có món nào gọi là món trứng gà ngọt, nhưng cô vẫn trả lời trôi chảy: “Dạ vâng, thưa ông!”

Cô đưa bữa sáng vào phòng ngài Gerda, thấy ảnh người phụ nữ tóc vàng trên kệ đã được cất đi. Hôm nay chắc hẳn ngài mời cô ả mới nọ, chứ ngày thường hội cô Lý đến chơi, ngài cũng chẳng buồn cất ảnh, cô Lý rất hào phóng, lần nào đến cũng cho A Xíu một trăm đồng. A Xíu phỏng chừng cô này là một mợ nhà đại gia, song cũng không dám chắc, vì dường như cô ta hơi phóng túng, vả lại cũng không xinh - đương nhiên các cô, các mợ nhà đại gia cũng không nhất thiết đều xinh đẹp cả. Truyen8.mobi

A Xíu lại nhận được một cú điện thoại: “A lô! ...Dạ vâng thưa mít xờ, xin chờ cho một chút ạ!” Cô gõ cửa bước vào nói: “Thưa ông, có điện thoại!” Ngài chủ nhà hỏi là ai. Cô nói: “Cô Lý ạ!” Ngài không muốn nghe, cô bèn chuyển lời giùm ngài: “‘She’ trong phòng tắm, thưa mít xờ!” A Xíu chỉ nói nhuần nhuyễn nhất câu “hê lâu”, chứ cứ nói nhiều là y rằng loạn xị cả, vả lại “she” là dành cho nam hay nữ, cô cũng không phân biệt được. “Xin lỗi mít xờ, có lẽ lát nữa mít xờ gọi lại ạ!” Đầu dây bên kia nói: “Cảm ơn cô!” A Xíu đáp: “Không có gì ạ, chào mít xờ!”

Ngài Gerda ăn sáng xong liền đi làm, trước khi đi, theo lệ thường ngài đứng trước cửa phòng chào với vào trong một tiếng thật ngọt ngào: “Tạm biệt nhé, cô Xíu!” Hễ là phụ nữ, ngài đều muốn làm cho họ hết lòng yêu quý ngài. Cô giúp việc A Xíu cũng chạy ra, nở một nụ cười đáp lời: “Tạm biệt ông chủ!” Đoạn cô vào phòng dọn dẹp, vừa bước vào phòng tắm, cô bất giác nghiến răng kèn kẹt. Ngài Gerda đã ngâm tất cả vỏ ga gối, áo quần, khăn lớn khăn bé vào trong bồn, cứ như không yên tâm, sợ cô sẽ không giặt hết chúng trong một ngày. Hôm nay lại không có nắng, làm sao khô được cơ chứ? Cô còn phải đi chợ, trong khu tập thể này mỗi ngày chỉ có nước máy trong vòng một tiếng đồng hồ, bồn tắm bị chiếm dụng sẽ làm lỡ thời gian hứng nước, trong khi hôm nào ngài cũng đều phải tắm.

Cô Lý lại gọi điện thoại đến, A Xíu nói: “Ngài Gerda, ‘she’ đã đến chỗ làm rồi!” Cô Lý chuyển sang nói tiếng Trung truy hỏi số điện thoại phòng làm việc của ngài Gerda, A Xíu cũng chuyển sang nói tiếng Trung: “Cô Lý đó phải không ạ?” Vừa nói cô vừa cười, mặt đỏ bừng bừng, kiểu như cô thay mặt cho tất cả những người đàn bà đứng đắn cảm thấy xấu hổ giùm cho người phụ nữ này. “Tôi không biết số điện thoại phòng làm việc của ngài Gerda đâu... Tối qua ngài Gerda không ra ngoài... Dạ vâng, ăn tối ở nhà... Ăn một mình. Hôm nay thì không biết, chưa thấy ngài nói gì...” Truyen8.mobi

Người phụ nữ tóc vàng gọi điện đến, bảo muốn sai người trả lại cho ngài Gerda bộ dao dĩa đĩa cốc đã hỏi mượn hôm trước để tổ chức đại tiệc. A Xíu nói: “Ngài Gerda, ‘she’ đến chỗ làm rồi! ...Dạ vâng thưa mít xờ. Tôi là người giúp việc... Tôi rất khỏe, cảm ơn mít xờ!” Giọng của “người phụ nữ tóc vàng” ngọt như mía lùi, lúc nào cũng ra vẻ thân thiết, A Xíu cũng đành giả lả nói cười với bà ta, e ấp thẹn thùng, ra chiều khép nép vậy. A Xíu lại hỏi: “Khi nào mít xờ cho người giúp việc đến ạ? Giờ tôi phải đi chợ đây, chắc tầm chín rưỡi thì về... Cảm ơn mít xờ... Dạ không có chi, tạm biệt mít xờ!” Cô uốn giọng lơ lớ, líu lo một tràng khách sáo, thế giới của tiếng nước ngoài luôn luôn rộn rã, dư dả và rỗng tuếch.

A Xíu đi chợ về. Tú Cầm, cô gái giúp việc của “người phụ nữ tóc vàng”, cũng là em họ của A Xíu, do cô nhờ ngài Gerda giới thiệu sang, đã đứng ở đằng sau đập cửa gọi: “Chị Xíu! Chị Xíu ơi!” Tú Cầm năm nay mới vừa hăm mốt hăm hai tuổi, vóc người to lớn, xõa mái tóc xoăn dài, mặc cho trời nóng bức, ngoài lớp áo dài vải lam còn khoác thêm một chiếc áo khoác nỉ ngắn màu ngọc lục. Cô nàng có thể ăn mặc giống như nữ sinh viên thế này, rõ ràng là một sự may mắn hiếm có. Ngay cả đôi mắt nhỏ trên khuôn mặt tròn trát đầy phấn của cô nàng cũng hơi ửng đỏ him híp (không biết có phải do đau mắt không nữa), dường như cô nàng cũng đang tự thấy có gì đó tươi tắn lắm, giống như cô gái Mông Cổ lén nhìn thế giới bên ngoài qua kẽ hở của dải dây ngù ngũ sắc nặng trịch trùm trên mặt.

A Xíu đón lấy một xấp đĩa lớn bọc giấy báo trong tay của Tú Cầm, mỉm cười hỏi han: “Hôm qua mấy giờ thì tan?” Tú Cầm đáp: “Ầm ĩ mãi đến hai, ba giờ.” A Xíu nói tiếp: “Bà chủ nhà bên ấy sau đó có đến chỗ bọn chị đây, xong rồi lại về, tầm ấy cũng phải tảng sáng rồi.” Tú Cầm nói: “Ủa! Sau đó còn đến đây nữa hả chị?” A Xíu trả lời: “Hình như là có đến.” Nói về những việc này, khuôn mặt họ nở một nụ cười hồn nhiên đến lạ, dường như họ không phải nói về việc của con người. Những ông chủ nhà của họ là những cơn gió chạy nghịch khắp nơi, cuốn theo vô vàn bụi bặm, những bà chủ nhà thì là những bông hoa chạm trên gỗ gụ, chuyên tích góp bụi bặm, khiến họ từ sáng đến tối chẳng thể lau sạch hết. Nhưng điều bọn họ oán thán, lại không phải vậy.

Tú Cầm khoanh tay trước ngực, đứng nhìn A Xíu thu dọn bát đĩa, miệng lẩm bẩm nói: “Mụ chủ nhà bọn em với lão chủ nhà chị đúng là một cặp giời sinh, tiêu tiền cũng phải tỏ ra là người biết tiêu chứ, những thứ cần dùng chẳng bao giờ đành lòng mua. Cái hôm thết cơm đãi khách ấy, thiếu mấy cái ghế là đi mượn nhà đối diện. Bánh mì không đủ, lập tức hỏi vay nhà khác một bát cơm.” A Xíu nói: “Bà ấy như thế vẫn còn rộng rãi chán so với cái lão nhà này. Bên nhà chị xưa nay chưa từng thết tiệc mời ai cả, có mời thì mời mỗi một ả đàn bà, mà ăn những gì thì chị kể em nghe: một miếng thịt bò luộc, ninh làm canh rồi vớt lên rán qua, vậy coi như có hai món. Họa hoằn lắm thì có ngô. Nếu khách lần đầu tiên đến thì thêm một món ngọt, chứ đến lần thứ hai thì chẳng có nữa... Lão qua lại với một cô tiểu thư họ Lý, cô ta thực sự không quen ăn kiểu đó nên gọi nhà hàng mang thức ăn đến cho lão. Tiểu thư Lý đối xử với lão đúng là hết lòng hết dạ! Thế mà giờ lão lại cặp kè với một cô ả mới. Chị thấy mấy ả bạn gái của lão càng ngày càng chẳng ra gì, thành thử dần dần chẳng buồn để ý nữa. Cô ả hôm nay, ngay cái tên Gerda cũng không nói được cho liền mạch.” Tú Cầm hỏi: “Là người Hoa hả chị?” A Xíu gật đầu, đáp: “Người Hoa cũng có năm bảy kiểu... em vào trong buồng mà xem món quà sinh nhật cô Lý tặng lão, một cặp bát đũa bằng bạc, biết là lão thích đồ Trung Quốc, cô ta đặt làm trực tiếp ở hiệu bạc, đựng trong chiếc hộp thủy tinh, trên mặt còn dán một chữ Thọ đỏ.” Tú Cầm ngắm nghía rồi tấm tắc khen: “Cũng đến mấy nghìn ấy nhỉ!” A Xíu đáp: “Phải hơn! Phải hơn nữa!” Truyen8.mobi

Lúc này mặt trời mới ló ra chút ít, ánh nắng rọi vào phòng, màu xanh lam lờ mờ như khói thuốc, trên sập là chiếc đệm lụa sặc sỡ xộc xệch, đầu sập có vô tuyến, họa báo tạp chí, trước sập có đôi dép lê, thảm con màu hồng lam của Bắc Kinh, sọt giấy lộn kiểu đèn cung đình. Mấy chiếc ghế gỗ gụ to nhỏ chạm hoa, lồng vào nhau. Góc phòng treo một chiếc mặt nạ ma vẽ theo kiểu Kinh kịch. Trên bàn bày một đôi chân nến bằng thiếc. Trong phòng tràn ngập những điều thú vị nho nhỏ, nhang nhác gác trang điểm của một ả gái điếm người Nga lưu vong hạng sang. Chắp ghép những chi tiết nhỏ nhắn mang đậm sắc màu Trung Quốc để tạo nên ổ hoan lạc của mình. Dụng công nhất phải kể đến những ly rượu thủy tinh màu khói tím đủ kiểu dáng trên cái tủ con, mỗi một kiểu ly được dùng để uống một loại rượu khác nhau; các chai rượu được sắp thành một hàng ngăn nắp, miệng chai có nút gỗ lớn hình quả trứng sơn đủ các màu lam, đỏ, lục. Còn cả một bộ lược thủy tinh màu vàng nhạt trong buồng tắm, bảy tám chiếc xếp thành một hàng, lần lượt từ loại răng thưa tới răng mau. Trông chúng mà người ta phải phát rầu, bởi chủ nhân của chúng đã bắt đầu rụng tóc, càng để tâm càng cảm thấy mái tóc quý báu kia yếu ớt như những sợi lông mi, hễ chải là rụng mất.

Trên tường, một chiếc khung bạc hẹp gắn ngoài tờ quảng cáo rượu Tây, trong bóng tối là hình ảnh một cô gái khỏa thân da trắng, tóc đỏ, to lớn đến ngỡ ngàng. Phía trên có đề mấy chữ “Ngon nhất thành phố”. Cả cô lẫn thứ rượu Whisky ấy đều là thứ hảo hạng cả. Một tay cô gái tỳ lên thứ đồ nội thất nào đó nhìn không rõ, tư thế không thoải mái lắm, cả cơ thể cứng đơ đơ, giống như thân một que kem, phía trên là tảng thịt đông cứng. Cô ta xoay nghiêng người, khoe cặp vú to tròn giương nhọn hoắt, bờ eo thon một cách quá đáng, phần đùi gọn nhỏ, chân trần, nhưng các ngón chân ra sức nhón lên như thể đang đi giày cao gót. Khuôn mặt thơ ngây ngắn và vuông, đôi mắt to màu nâu trân trân nhìn người đứng ngoài tranh, không cợt nhả cũng không dâm đãng, giống như đứa trẻ con vận quần áo mới đi chụp ảnh, thậm chí cũng chẳng có vẻ gì kiêu ngạo; cô nàng chăm chút cho mái tóc bồng, cặp đùi và bộ ngực một cách chỉn chu, tinh tế, như người mẫu thời trang mặc quần áo trong cửa hàng để cho quan khách đứng xem.

Cô nàng là hình mẫu lý tưởng của ngài Gerda, đến giờ ngài vẫn chưa gặp được. Mà nếu có gặp, thì bất quá ngài ta cũng chỉ muốn giỡn với cô nàng một chút thôi. Nếu quá phiền phức, ngài sẽ chẳng dây dưa; bởi một lẽ, ngài đã qua thời trai trẻ, lại càng cần tiết kiệm thời gian và tiền bạc, hơn nữa, ngài cũng nghĩ thoáng rồi, tất cả đàn bà con gái đều na ná như nhau cả. Từ trước tới giờ ngài luôn có chủ trương giao du với con gái nhà lành, hoặc giả ban cho những ả mãi dâm bán chuyên nghiệp một chút romantic những khi rỗi rãi. Ngài cũng chẳng muốn bị họ lợi dụng tiền bạc, chỉ cần hai bên không dính dáng đến nhau là được. Ngài thừa biết rằng, đánh bạc lâu sẽ thua, yêu đương lâu sẽ khổ, trên chiếu bạc ngài luôn quan sát tình thế, thừa cơ ăn non một vố rồi về, rất biết thế nào là đủ.

Bức tranh theo kiểu ảnh chụp treo trên tường ấy không hề tục tĩu, cũng giống như vào triển lãm xe hơi kiểu dáng khí động học, không mua, chỉ đứng xem không thôi cũng được. A Xíu và Tú Cầm đều tránh nhìn vào bức tranh, không muốn để lộ vẻ ngạc nhiên ngơ ngác như thể họ mới từ dưới quê lên. Truyen8.mobi

A Xíu nói: “Tranh thủ có nước, chị còn một lô xích xông phải giặt kia, em ngồi chơi nhé.” “Trên đời lại có người đàn bà si tình đến vậy!” Cô sực nhớ đến tiểu thư Lý, đoạn gập người, vừa vò giặt vừa nói hổn hển: “Thế mà cũng thích lão ta được! Một mình lão phải xảo quyệt, xấu xa hơn mười mụ đàn bà, bà chủ nhà kế bên có thừa một phiếu bánh mì, chị đem đổi lấy một chiếc về, lão lại cho rằng là của lão, mắt cứ liếc tới liếc lui, chị có mà thèm trộm đồ của lão! Cái lão này ấy mà, còn có một nhúm cơm ăn dở từ tuần trước, lão chưa bảo vứt đi, chị cũng chẳng thèm động vào đâu. ‘Cái đất Thượng Hải này xấu xa quá! Người Trung Hoa từ thằng quan cho đến con ở đều biết cách bắt nạt người nước ngoài!’ Người ngoại quốc ở nước ngoài đều phải đi đánh trận cả, lão mà không ở Thượng Hải ấy à, chắc đã chết từ lâu rồi! Lần trước cũng thế, ngâm đầy một bồn quần áo, cứ như sợ chị không giặt không bằng, ngâm đến bợt hết cả màu áo, thôi thì việc ấy cũng chẳng nói lão làm gì, giờ xem lão ngày một trụy lạc, như hôm nay lại một cô ả này nữa, lại chẳng chuốc bệnh vào người cho? Hai tháng trước thì mặt mũi đầy những mụn, giờ coi như khỏi rồi, nhưng chẳng biết phải bôi cái thuốc gì ra mà chăn nệm bẩn thỉu thế chứ lị!”

Tú Cầm ngồi im chẳng đáp lời, A Xíu quay đầu lại trông, cô nàng tựa người vào cửa cắn móng tay ra chiều suy nghĩ. A Xíu bấy giờ chợt nhớ ra, bên nhà chồng Tú Cầm đòi cưới, bà mẹ đẻ muốn lên đón con về quê, nhưng Tú Cầm không chịu. A Xíu bèn hỏi: “Mẹ em vẫn còn ở Thượng Hải à?” Tú Cầm thổn thức nói: “Chị...!” Rồi nói tiếp: “Chuyện này đang làm em rầu thối ruột ra đây!” Tú Cầm chực khóc, đôi mắt mọng đỏ ngân ngấn nước giống hệt đôi môi.

A Xíu nói: “Chị thấy, em vẫn phải về thôi. Bằng không người ta lại nói con gái lớn tướng rồi, chắc chắn đã dan díu với trai ở Thượng Hải.” Tú Cầm đáp: “Mẹ em cũng nói vậy! Về thì về, nhưng về xong em lại lên, em không quen sống ở quê đâu! Mẹ em hai hôm nay hăng lắm, mua hết cái này đến cái khác, rồi kêu đắt đỏ, em bảo mẹ cứ cằn nhằn làm gì, chăn bông gối đệm tự mẹ muốn khoe mẽ, còn mấy cái áo thêu hoa kia sau này ở Thượng Hải em cũng chẳng mặc ra đường đâu. Những thứ khác em mặc kệ, trong đống trang sức của họ, em chỉ đòi một chiếc nhẫn vàng thôi. Cái lễ mọn này mình đáng nhận lắm chứ. Chị cứ chờ xem, họ mà đem cái thứ mạ vàng đến, chị xem, em chắc chắn sẽ đáp thẳng xuống đất! Chị xem, rồi em có làm được không?” Truyen8.mobi

Sự tự tôn và kiêu căng của Tú Cầm khiến A Xíu cảm thấy hơi khó chịu. A Xíu và chồng không làm đám cưới, bấy nhiêu năm nay cô luôn cảm thấy ngày trước không nên về ở luôn với nhau như thế, chẳng có lấy một dịp được nhộn nhịp linh đình nào. Cô nói: “Thực ra em được vậy là tốt rồi, không nên so bì với hồi trước, em bảo, giờ họ lấy đâu ra vàng nào?” Định nói thêm đôi câu dửng dưng mà không được, lom khom bên cái bồn tắm, bức đến phát sốt, miệng mũi nóng ran, mồ hôi chảy tong tong từ trên đầu xuống, A Xíu đưa tay lên quệt, biết rõ là trời nóng mà vẫn cảm thấy kinh ngạc. Cô ngồi xổm hẳn xuống, Tú Cầm ngửi thấy mùi mồ hôi của chị bốc lên từ chiếc áo lụa nhuộm nâu, giống mùi ngai ngái của quả dưa hấu mới bổ.

Tú Cầm lại than thở: “Không về, đúng là không được! Nhà của họ vốn là nhà nền đất, riêng phòng tân hôn đã cho lát nền rồi... em buồn muốn chết! Nghe nói người kia máu mê cờ bạc lắm... chị bảo em phải làm sao bây giờ?”

A Xíu vắt quần áo cho khô, đem ra ban công đằng trước phơi. Bé Thuận đi học về, không dám bấm chuông, đứng ở cửa sau hét ầm lên: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” tay vỗ vào chấn song gỗ gọi hồi lâu, phía ngoài tòa nhà cao tầng, dưới cái nắng giữa trưa, thành phố lớn nhợt nhạt trông càng giống dải bình nguyên mênh mông. Mãi đến khi A Xíu phơi quần áo xong, vào bếp làm cơm mới nghe thấy tiếng con, ra mở cửa cho cậu bé vào, không quên mắng mỏ: “Gọi í ới làm cái gì? Không biết đợi à!”

Cô giữ Tú Cầm ở lại ăn cơm, lại có hai vị khách nữa tới. Một là bà vú già đồng hương của A Xíu, thường thích tới nhà nói chuyện với cô, những giờ khác thì bà chẳng đi được, và bản thân bà cũng không muốn quấy quả nhà người khác mãi, nên toàn tự mình đem theo một giỏ cơm nguội, lụi cụi leo lên tận tầng mười một. Còn một chị gánh gạo kiêm làm việc vặt nữa, A Xíu giới thiệu chị này giặt quần áo cho một nhà ở lầu dưới. Chị ta trông thấy bé Thuận, bèn hỏi: “Thằng con nhà em đấy hả?” A Xíu quát đứa bé: “Chào một tiếng bác mau lên!” đoạn từ từ thu cái lừ mắt lại, mặt ửng đỏ phân bua với bạn bè như thể có lỗi: “Nó cứ như cái thằng ba ngơ ấy!”

Trong thời điểm hiện tại, hiếm khi thấy A Xíu nhiệt tình giữ bạn ở lại ăn cơm như vậy, cô sĩ diện và cũng rất vui vì hôm nay vừa khéo được ăn cơm trắng. A Xíu bận làm cơm, bà vú già bắt đầu hỏi Tú Cầm về chuyện của hồi môn. Tú Cầm chỉ cười mỉm, chẳng mấy khi lên tiếng, khuôn mặt hồng phấn cúi gằm như thể nàng dâu mới cưới, mọi câu hỏi A Xíu đều nhất nhất trả lời thay cô, bà vú già cũng có cơ man nào là ý kiến.

Bà chị làm việc vặt hỏi: “Hộ mới chuyển đến ở lầu trên cũng vừa mới cưới à?” A Xíu đáp: “Vâng. Nhà ấy một triệu rưỡi đồng. Nhà trai có tiền, nhà gái cũng có tiền, thế mới giàu sụ chứ! Nhà cửa, đồ đạc, mấy mươi cái chăn, lại còn mười gánh gạo, mười gánh than, nhà trong khu nhà tập thể này có muốn chứa cũng chẳng chứa được! Có bốn người ở đi kèm theo của hồi môn, một trai một gái, một đầu bếp, một phu kéo xe.” Bốn người ở đợ kia giống như mấy cỗ đồng nam đồng nữ làm bằng giấy dùng cho đám hiếu, ai nấy đều đứng thẳng đờ một chỗ, chân tay người ngợm đầy đủ, con mắt cũng lòng đen, lòng trắng rõ ràng. Người có tiền xử lý mọi việc đúng là đâu ra đấy! A Xíu hứng khởi, nói như vậy, đã khiến Tú Cầm sụp đổ hoàn toàn, ngay cả nỗi âu sầu phiền não của cô cũng chẳng còn đáng kể nữa.

Chị làm việc vặt lại hỏi: “Cưới mấy hôm rồi?” A Xíu đáp: “Cũng phải ba hôm nhỉ?” Bà vú già hỏi: “Cưới theo kiểu tân thời hay truyền thống?” A Xíu đáp: “Đương nhiên là theo kiểu tân thời. Nhưng vẫn có của hồi môn, con thấy họ khuân hết tráp này đến tráp khác lên lầu trên.” Tú Cầm cũng hỏi: “Cô dâu có xinh không chị?” A Xíu nói: “Cô dâu thì chị chưa thấy. Họ cũng chẳng ra ngoài, trên đó yên lặng lắm, chẳng thấy động tĩnh gì.” Chị làm việc vặt nói tiếp: “Trước đây, hồi họ đi xem nhà, tôi cũng có thấy rồi, hình như béo tốt đẫy đà lắm, đeo kính nữa.” A Xíu có vẻ như muốn bênh vực, nói với giọng không vui: “Có lẽ người đó không phải cô dâu đâu.” Truyen8.mobi

Bà vú già bưng bát cơm tựa vào khung cửa, than thở: “Làm cho người nước ngoài đúng là thoải mái thật!” A Xíu đáp: “Ôi dào bà ơi! Cái thời buổi hiện giờ, thà làm ở nhà người Hoa, tuy tiền công ít một chút, nhưng còn được ăn được ở; chứ như con đây, tiếng là mỗi tháng được ba nghìn đồng, nhưng riêng ăn thôi cũng chẳng đủ! Bảo là không cho ăn, thì cũng tùy từng chủ nhà. Như cái nhà đối diện nhà con, họ xào khoai tây lúc nào cũng đầy nửa chậu, cả nhà cứ thế mà ăn.” Bé Thuận nói: “Mẹ ơi, nhà bác ấy hôm nay ăn món thịt xốt với rau cải khô mẹ ạ!” A Xíu xoay ngang đầu đũa gõ vào cậu bé, mắng: “Nhà người ta toàn ăn ngon, thì mày sang nhà người ta mà ăn! Sao không sang đi? Hả! Sao không sang đi?” Bé Thuận chớp chớp mắt, suýt khóc, mọi người dỗ mãi mới thôi. Chị làm việc vặt nói: “Hai cái thằng ba ngơ nhà tôi còn lớn hơn cu cậu, nhưng chẳng nhanh nhẹn bằng cu cậu đâu!” Nói đoạn quay ra gọi yêu một tiếng: “Cu Thuận ba ngơ!” rồi cố ý nạt yêu: “Sao không thấy cu Thuận và cơm nhỉ? Ăn thức ăn mãi mà cơm vẫn đầy một bát thế kia à!” A Xíu lại cảm thấy xót con, nói: “Cứ kệ nó chị ạ! Không cho nó ăn, lát nó lại đòi ăn lót dạ.” Đoạn, giục bé Thuận: “Có ăn thì tranh thủ ăn luôn giờ đi, lát nữa mè nheo cũng không có mà ăn đâu!”

Bà vú già hỏi bé Thuận: “Ăn cơm xong có phải đi học không cháu?” A Xíu trả lời: “Hôm nay thứ Bảy bà ạ!” nói đoạn liền quay ra tóm lấy bé Thuận nói: “Thứ Bảy, cứ ngơi ra một cái là không thấy mày đâu! Ngoan ngoãn ngồi yên ở đây học bài hai tiếng rồi mới được đi chơi!” Bé Thuận ngồi trên hộp bánh quy, sách đặt trên ghế, lắc lư người ngâm nga: “Em muốn mình thật ngoan, thật khỏe. Cho bố mẹ thật quý, thật yêu!” Ngâm nga chưa dứt hai câu, cậu bé liền hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con học xong hai tiếng rồi đi chơi mẹ nhé, bây giờ mấy giờ rồi hả mẹ?”

A Xíu mặc kệ cậu bé, Tú Cầm thì cười nói: “Giọng của cu Thuận nhà mình hay thật đấy, sao chị không cho cháu nó đi học kể chuyện, sau kiếm khối tiền đấy?” A Xíu ngây người, đỏ mặt, cười nhạt một tiếng, nói: “Nó thì được nỗi gì? Còn lâu mới tốt nghiệp tiểu học, tuy nó học không giỏi, nhưng chị vẫn muốn nó nên người bằng đường học hành.” Tú Cầm nói: “Nó lớp mấy rồi chị?” A Xíu đáp: “Mới có lớp Ba. Lại bị đúp nữa! Ngượng lắm!” A Xíu nhìn bé Thuận, nỗi chua xót của người mẹ cô độc lại trỗi dậy trong lòng. Cô có người đàn ông đấy mà chẳng bằng không; toàn phải tự mình bươn chải cả. Bé Thuận bị mẹ lườm, cảm thấy sợ, vội đung đưa người, đọc với giọng gấp gáp: “Em muốn mình thật ngoan thật khỏe...” Truyen8.mobi

Bà vú già nói: “Thời tiết kỳ lạ thật, không phải là tháng nhuận, bình thường tháng Chín là lạnh dần rồi mới phải.” Bé Thuận như sực nhớ ra điều gì, ngẩng đầu cười nói: “Mẹ ơi, khi nào trời lạnh con muốn mua một cái khẩu trang, thầy giáo bảo khẩu trang rất tốt cho sức khỏe, sẽ không bị trúng gió!” A Xíu đột nhiên nổi giận đùng đùng, mắng con: “Mày còn mặt mũi nào mà nhắc đến thầy mới chẳng thiếc! Học đúp vẫn vui vẻ như thế à! Này thì vui này! Vui này!” A Xíu phát hai cái lên người đứa con, bé Thuận òa khóc. Bà vú già vội can ngăn: “Thôi thôi, đánh nó hai cái rồi thì thôi!”

A Xíu vắt nước mũi cho con, rồi gằn giọng: “Thôi được rồi, không được khóc nữa, mau học bài đi!” Bé Thuận thút tha thút thít, khẽ tiếng đọc sách rồi bỗng nhiên hớn hở réo lên: “Mẹ ơi! Bố đến!” Bố đến mẹ lúc nào cũng vui, ngay cả cậu bé cũng được sướng lây. Mấy vị khách cũng biết, người đàn ông của A Xíu làm thợ may, ăn ngủ trong tiệm, vợ chồng hiếm khi gặp nhau, tình cảm hết sức mặn nồng. Mọi người chào một tiếng, hỏi han đôi ba câu rồi sau đó cáo từ. A Xíu tiễn khách ra cửa sau, nói: “Mọi người lại nhà!” Bé Thuận cũng đứng sau mẹ nói theo: “Mọi người lại nhà!”

Người đàn ông ôm một tay nải bọc bằng vải trắng, vận chiếc áo dài cao cổ bằng lụa cũ. A Xíu bê một chiếc ghế ra cho gã ngồi, nắng dần dần rọi lên người, nhưng gã vẫn vắt chân ôm gối, ngồi yên một chỗ. Mặt trời buổi chiều sáng rực, gian bếp lấp lóa gạch men trắng, chảo gang, kiềng bếp, trông giống chiếc bánh nướng nóng hổi. Nhà bếp lại chật, không có nơi nào để tránh. A Xíu dựng giá ủi quần áo, cái nóng càng thêm ngột ngạt. Cô rót cho gã một tách trà; cô không bao giờ lấy trộm trà, nhưng khi gã đến thì là một ngoại lệ. Người đàn ông hai tay bưng tách trà, chậm rãi nhấp, miệng khẽ cười, lắng nghe vợ mình vừa ủi quần áo vừa kể lể biết bao thứ chuyện. Sắc mặt gã hơi vàng, nhưng mái tóc, lông mày cho đến con mắt đều đen nhánh, lanh lẹ, phần dưới của khuôn mặt chẳng hiểu sao lại lõm vào như vậy; hàm răng vổ, như một bàn tay thò xuống dưới, khiến cái miệng cũng trễ xuống.

Cô kể tỉ mỉ cho gã nghe hôn sự của Tú Cầm, cả việc Tú Cầm nói không có nhẫn vàng sẽ không chịu cưới, và rất nhiều việc khác nữa. Người đàn ông thi thoảng “ừ” một tiếng, đôi mắt đen giảo hoạt nhìn vào tách trà, nụ cười khẽ ra vẻ thấu hiểu, cảm thông, khiến cô đau lòng; sự cảm thông đó khiến cô tức giận, như thể đó toàn là việc của riêng cô, có cưới xin hay không vốn dĩ chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến gã. Lúc ấy, cô lại cảm thấy vô vị, con cái đã lớn chừng này rồi, mà vẫn còn tơ tưởng đến những điều đó. Người đàn ông này không hề nuôi cô, cho dù có mai mối cưới xin đàng hoàng đi nữa, cũng vẫn có thể không nuôi cô. Ai bảo số cô vất vả, tiền gã kiếm được chỉ đủ cho gã tiêu pha, có lúc còn đến hỏi cô tiền đi để đàn đúm.

Người đàn ông xoay người lại dạy con học, tay trỏ vào mấy chữ trong sách giáo khoa hỏi bé Thuận. A Xíu chợt nhớ ra, nói: “Mẹ em có gửi thư đến, có mấy câu văn ngôn em không hiểu rõ lắm.” Phong thư đóng dấu của “Chính quyền huyện Ngô Huyện”, “Bà Đinh A Xíu nhận thư”, góc trái còn viết hai chữ “trình tường”. Người đàn ông xem thư, rồi giải thích cho vợ nghe: Truyen8.mobi

Con gái A Xíu! Những dòng này. Không có gì đặc biệt. Bởi bữa trước. Đã gửi thư thông báo. Mẹ ở quê. Mọi thứ đều ổn. Mong con gái ở Thượng Hải. Sức khỏe dồi dào, mọi sự như ý. Trước mắt. Con bảo. Đến tháng 10. Sẽ về quê. Thiên Cát. Nhờ con mang một ít thuốc Tam Nhật Đầu theo. Mong con. Nhận được thư. Không làm lỡ việc. Dưới quê. Dạo này rất yên bình. Mong con chớ lo lắng. Vả việc mẹ nhờ con. Cầm một chiếc áo sợi nhung mang về. Con đừng quên. Nếu không về được. Phải gửi ngay cho người nào tiện đường. Chớ để lỡ hẹn! Lời trong thư lạnh lùng. Gặp mặt nói sau vậy!

Ngày 14 tháng 9

Mẹ Vương Ngọc Trân

Thư gửi từ quê lên chưa bao giờ nhắc đến người đàn ông của cô, A Xíu thường bảo bé Thuận viết thư gửi về, thư từ đầu kia cũng chẳng bao giờ đả động đến cậu bé. Đọc thư xong, A Xíu và chồng đều có cảm giác hẫng hụt. Người đàn ông ngồi lặng lẽ, rồi đột ngột nói về công việc của mình như thể tự biện hộ: “Ngoài cắt may ra, giờ anh còn buôn bán vài thứ đồ da. Thời buổi hiện nay, không nhạy bén một chút không được.” Gã mở tay nải, rũ ra hai chiếc áo da cho cô xem, rồi lại lôi một tấm lót da ra nói: “Cho nên loại da rái cá này...” Gã bắt đầu kể về tập tính của loài rái cá, vốn là kể cho bé Thuận nghe. Nhưng bé Thuận nũng nịu, chẳng biết rời khỏi bàn học từ lúc nào, ra ngả vào lòng A Xíu, một tay cậu bé còn lần tìm túi áo của mẹ, cười nói ríu rít, cứ quấn quít mãi. A Xíu thì chăm chú lắng nghe chồng nói, nghe đến say sưa, chốc chốc lại: “Ồ... ừ... à...” Người đàn ông kết luận: “Vậy nên những thứ dưới biển đều kỳ quái thật!” A Xíu nhất thời không biết phải đáp lại thế nào cho thỏa đáng, ngẫm một lúc, cô nói: “Giờ ở chợ cũng bán nhiều bạch tuộc lắm!” Người đàn ông nói: “Ừ! Cái loài bạch tuộc cũng rất là lạ, em còn chưa thấy con to đâu, nó to hơn cả người mình ấy, thân nó tua tủa đầy những vòi, trông như con nhện...” A Xíu nhăn mặt nói: “Thật thế ạ! Thế thì trông chết khiếp nhỉ!” Đoạn nói với bé Thuận: “Nói vớ va vớ vẩn cái gì... Sao! Không nghe rõ! ...Dở hơi à! Đâu ra năm đồng cho mày!” Tuy vậy cô vẫn móc ngay tiền đưa cho con.

Ủi xong quần áo, A Xíu nhào bột nướng bánh, dĩ nhiên bột và đường đều là bột hộ khẩu, đường hộ khẩu mang tên của mẹ con cô. Người đàn ông thấy mình “không công hưởng lộc”, hơi ngại, liền chắp tay sau lưng đi đi lại lại quanh vợ mình, nói chuyện trên giời dưới biển. Hai bố con tranh thủ ăn trước cho nóng, A Xíu vẫn tiếp tục nướng bánh trên bếp. Ánh nắng vàng ươm soi lên khuôn mặt ba người, một con ve sầu chẳng biết vì sao vẫn còn sống sót sau mùa hè, bay đậu lên tấm rèm trúc cũ nát ở ban công phía sau, nhân cái nóng, kêu lên những tiếng “ve ve” vui sướng. Truyen8.mobi

Ngài Gerda về, đi ngang qua cửa bếp liền thò đầu vào gọi một cách dịu dàng: “Hề lố ô! Cô Xíu!” Chồng A Xíu đã lánh ra ban công từ lâu, chắp tay sau lưng ngắm cảnh. Ngài Gerda bỏ ra ba ngàn đồng thuê người, cũng chỉ mong khi mình về cô giúp việc phải ríu rít như chó vẫy đuôi, vì vậy ngài bấm chuông liên tục, khiến cô xoay như chong chóng. Đang lấy đá trong tủ lạnh ra, người chồng đứng sau lưng cô khe khẽ nói: “Tối nay anh đến nhé!” A Xíu ra vẻ phiền hà, nói: “Nóng chết đi được!” Gian phòng mẹ con A Xíu đang ở quả thực giống như chiếc nồi hấp. Nhưng cô bỗng cảm thấy người chồng đứng sau lưng mình, dường như rất cô độc; gã không quen cầu xin người khác, chí ít gã chưa bao giờ cầu xin cô... Cô đang đối mặt với khung xương xám ngoét của cái tủ lạnh, cô không hiểu cấu tạo của thứ đồ gia dụng này, có thể nó giống như một tấm ảnh X quang chụp nội tạng của con người, nhưng trái tim của cái tủ lạnh vẫn đang đập thình thịch; từ bên trong, từng luồng hơi lạnh xộc ra khiến sống mũi của cô cay cay, cô suýt trào nước mắt. Cô không quay đầu lại, chỉ nói chêm một câu: “Cứ để thằng Thuận sang nhà đối diện ngủ vậy. Chị vú em và bọn trẻ con đều ở bên ấy cả.” Người đàn ông đáp một tiếng ‘ừ’.

Cô đem đá vào nhà trong, khi quay ra người đàn ông đã đi mất. Cô xuống dưới nhà xách hai thùng nước lên cho ngài Gerda tắm táp. Chuông cửa reo, cô ả mới kia y hẹn đến. A Xíu đoán chừng là một vũ nữ. Cô ta hỏi: “Ông Tây có nhà không?” Rồi cứ thế đi một mạch vào phòng. Túm tóc xoăn sau gáy vểnh ra xa, sấy khô tới mức ngả màu râu ngô, xoắn xít, khác hẳn với màu tóc đen ở những chỗ khác, trông như một cái cổ gầy nhẳng, hay da lông của một con thú đã chết, cũng chẳng thể nói con thú đó chết hay sống, chỉ thấy nó rung rinh, cứ mỗi bước chân, nó lại nảy lên ở phía sau.

A Xíu đưa ly cocktail và bánh quy mời khách. Tiểu thư Lý lại gọi điện tới. A Xíu bảo ông chủ không có nhà, tiểu thư Lý lần này không kìm nổi cơn giận nữa, vặn hỏi: “Buổi sáng tôi gọi điện đến cô không báo lại cho ông ấy à?” A Xíu cũng bực mình. Từ trước tới giờ chưa ai nghi ngờ về đạo đức nghề nghiệp của cô, cô cười nhạt nói: “Tôi nhắn đạt lại cho ông ấy rồi! Không hiểu ông ấy có quên không! Sao, thế ra sau đó ông ấy không gọi lại cho cô à?” Tiểu thư Lý hơi ngập ngừng rồi nói: “Có gọi đâu!” giọng nói đến là yếu ớt. A Xíu nghĩ bụng: Ai bảo cô tự chuốc phiền phức, nói mấy câu kiêu bạc với người ta! Nhưng lại niệm tình cô này lần nào đến cũng cho một trăm đồng, A Xíu lại đành khéo léo giải thích giùm ngài Gerda, mặc cho cô Lý có tin hay không, dù sao cũng khiến cô ta bớt khó xử: “Hôm nay vốn dĩ ngài Gerda dậy muộn, vội quá phải đi ngay, sau đó đến chỗ làm, chắc là bận việc, người lại đông, nên không tiện gọi...” Tiểu thư Lý chỉ ậm ừ, nhưng hình như ở đầu dây bên kia cô ta đang khóc. A Xíu nói: “Vậy thì khi nào ông ấy về, tôi sẽ báo với ông ấy.” Tiếng tiểu thư Lý khe khẽ, tưởng như vọng đến từ một nơi xa xăm: “Cô cũng không cần phải nói lại với ông ấy nữa...” Nhưng lại lập tức đổi giọng: “Mấy hôm nữa rảnh tôi gọi đến sau vậy!” Dường như ngay cả với người giúp việc này, cô Lý cũng không nỡ giã từ, cứ nấn ná chuyện trò mãi. Tiểu thư Lý để ý lần trước, bộ ga giường của ngài Gerda hơi rách, ngài sống độc thân, mọi việc không có ai chăm lo, ý của cô là muốn đặt cho ngài một bộ chăn ga mới. Lúc này A Xíu hơi bực, tiểu thư Lý con cà con kê đến khó chịu, lại cũng muốn giữ thể diện cho ông chủ, bèn nói: “Ông ấy bảo đặt làm bộ chăn ga mới từ lâu rồi, vì cái giường hiện nay ông ấy nằm do chủ trước để lại từ hồi mua nhà, cũng không vừa ý lắm, ông ấy vẫn muốn mua một cái khác to hơn; nếu như đặt một bộ ga cho cái giường này, thì kích cỡ lại không phù hợp với cái giường sắp mua. Giờ tôi đã khâu lại giùm ông ấy, cũng chẳng nhìn ra vết rách nữa đâu.” Cô đột nhiên bảo vệ ngài Gerda như thể một người mẹ, đầy kiên quyết và mãnh liệt.

Đang nói chuyện, ngài Gerda bỗng thò đầu vào hỏi, A Xíu vội nói với tiểu thư Lý: “Tôi vừa nghe thấy tiếng cầu thang máy, chẳng rõ có phải ngài ấy về không nữa!” Đoạn bịt chặt ống nghe, khẽ tiếng báo với ngài Gerda. Ngài Gerda chau mày bước ra, nhưng lại chỉ chỉ vào bên trong, bảo A Xíu thu dọn mấy ly rượu đem ra. Gerda đón lấy ống nghe, không ngồi xuống, chỉ tựa vào tường, chống nạnh, dè dặt nói: “À lố ô!...Ừ! Hai hôm nay bận!.. Em đừng ngốc thế! Làm gì có chuyện đó.” Đầu dây bên kia không hề làm ầm lên, ngay cả tiếng khóc thút thít ban nãy cũng mất tăm hơi. Ngài Gerda bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm, liền hạ giọng cười: “Em đừng ngốc thế... Em vẫn khỏe chứ?” Giọng ngài ta thì thào, chỉ sợ cô ả trong phòng đang ngồi dỏng tai nghe. “Cổ phiếu của em anh đã nhờ hắn mua rồi. Còn phải xem em có may mắn không đã! Mà em còn hay đau đầu không? Ngủ có ngon không?...” Gerda thổi thổi hai cái vào điện thoại, khiến đầu dây bên kia cảm thấy nhột nhạt ở tai, có lẽ trước đây ngài thường xuyên nghịch cô Lý bằng cách thổi vào dưới vành tai, hai người cười hỉ hả, như đang ôn lại giấc mơ xưa. Ngài lại nói: “Vậy, lúc nào mới có thể gặp em nhỉ?” Hẹn hò là việc nghiêm túc, giọng ngài Gerda lập tức rắn rỏi trở lại, nói chắc như đinh. “Thứ Sáu thì sao?... Như thế này được không, đến nhà anh trước rồi hẵng quyết.” Nếu đến nhà ngài Gerda trước, chắc chắn họ sẽ quyết định ở nhà ăn cơm tối, không đi đâu cả. Ngài Gerda vừa lấy tay gỡ mớ dây điện thoại xoắn xít, vừa cúi người xem những số điện thoại A Xíu chép nhầm trong cuốn sổ ghi nhớ đặt trên bàn, cô ta toàn viết ngược số Chín. Ai gọi đến vậy nhỉ? Chắc không phải là... Cái cô giúp việc này đến là chán! Ngài lớn tiếng nói trong điện thoại: “...Không, hôm nay anh phải ra ngoài. Giờ anh chỉ về thay bộ quần áo rồi đi ngay...” Nhưng rồi ngài lại mềm nhũn xuống, câu chuyện trên điện thoại về cuối toàn là những lời anh anh em em quyến luyến. Gerda nói: “Cho nên... thế thì, mong đến thứ Sáu quá!” Khẽ than thở. Khẽ dặn dò: “Giữ sức khỏe nhé! Bye bye! Honey!” Câu cuối như thể một nụ hôn khẽ khàng. Truyen8.mobi

A Xíu vào thu dọn cốc chén trên chiếc bàn mây ở ban công, cô vũ nữ tựa người vào lan can sắt. Đối với cô vũ nữ trẻ tuổi, tất cả những điều này đều là sự lãng mạn mới lạ chăng? Thành phố về chiều bị bao phủ bởi một lớp sương mù, bóng xe kéo trong sương tím mờ từ đằng xa tiến lại, một chiếc chầm chậm, chầm chậm kéo ngang qua; ánh đèn, tiếng chuông xe đạp, tất cả dồn nén, nhẹ bỗng lạ lùng, dường như Thượng Hải cũng là một Tử Cấm Thành.

Ban công ở tầng dưới nhô ra một mỏm trông như đầu tàu. Một chàng thiếu gia ngồi ngoài hóng mát, một chân chống lên lan can, ngả ghế ra đằng sau, nhún nhún, nhưng không ngã, trong tay cầm một tờ báo nhỏ, tuy rằng đã chẳng thể xem thấy gì. Trời tối hẳn, dưới sàn đầy những vỏ ấu, vỏ hồng. A Xíu chỉ muốn xuống quét dọn hộ anh ta, không gian từ trên xuống dưới là bóng tối mịt mùng, giống như dưới đáy biển sâu. Ban công tối om chính là con tàu đắm chở theo kho báu. Lòng A Xíu rất yên bình, lại cũng rất vui.

Cô vào nhà làm cơm, chiếc chảo sôi dầu nổ kêu tanh tách, cô bận luôn tay, hết sà vào chỗ này lại xoay qua chỗ khác, như một con chim hốt hoảng bay nháo nhác. Thoạt tiên cô chuyển chiếc bàn gấp kiểu cũ vào phòng, phủ tấm khăn trải bàn lên, bưng canh và thịt ra trước, sau đó quay vào làm đồ ngọt. Trứng gà ngọt rốt cuộc là món gì, cô mềm lòng, đành cho ngài Gerda một ít bột của nhà mình, bột của chính cô, để làm chiếc bánh trứng.

Cô và bé Thuận ăn mì với nước canh rau, một nồi mì xanh nhạt, sền sệt, sôi lục bục, chút váng mỡ bên trên run rẩy. Bé Thuận ăn xong trước, liền ra ban công phía sau, đứng lẩm bẩm: “Mặt trăng nhỏ đi! Sao ít đi!”

A Xíu ngạc nhiên hỏi: “Nói nhăng cuội gì thế?” Rồi bật cười, “Cái gì mà ‘mặt trăng nhỏ đi, sao ít đi’? Hâm hả!”

Cô vào nhà thu dọn bát đĩa, ngài chủ nhà nói với cô: “Lát nữa chúng tôi đi chơi. Đợi sau khi chúng tôi đi rồi, cô giúp tôi trải giường rồi hẵng về.” A Xíu vâng dạ, không khỏi ngạc nhiên, cô ả này cũng giỏi thật, ngài Gerda hình như định mua sắm gì cho cô ả!

Cô định trước lúc về mới đưa bé Thuận sang chị vú nuôi nhà đối diện, sớm quá sợ làm phiền họ. Đun hai bình nước sôi xong, cô lau rửa chân tay mặt mũi cho bé Thuận, chuông điện thoại reo lên, cô chạy ra nghe: “A lô!” Đầu dây bên kia một lúc lâu không có động tĩnh gì. Cô đoán là người Hoa nào đó gọi nhầm, bèn được thể lại giả giọng một mụ me Tây đanh đá, đang nổi ba máu sáu cơn, the thé một tiếng “A lô?”, đầu dây bên kia rụt rè đáp: “A lô! Cô giúp việc còn ở đó không ạ?” Thì ra là anh chồng đã đợi cô từ rất lâu. “Mười giờ rồi,” gã nói.

A Xíu lắng nghe, trong phòng người chủ vẫn im phăng phắc. Bé Thuận đã ngủ gà ngủ gật trên hộp bánh quy, trời bắt đầu mưa, nước tí tách trên rèm trúc, dường như những thanh trúc đang mơ thấy đám lá ngày xưa của mình. Cô nghĩ bụng: “Thế này đâm ra lại hay, có cớ mà nhờ.” Cô gọi bé Thuận dậy, bế cu cậu sang nhà hàng xóm, giải thích với chị vú nuôi nhà bên rằng: “Trời mưa quá, em không cho cháu về nữa, cháu nó nhỏ, e trượt chân ngã, lại dễ trúng gió, em để nó ngủ với chị một tối nhé!” Quay trở về nhà, người chủ vẫn không có động tĩnh gì, cô bắt đầu nổi giận, gõ cửa cũng không có ai để ý, đẩy nhẹ cửa ra thì trong phòng tối om, chẳng biết cả hai đã đi tự bao giờ. A Xíu nén cơn giận, trải giường cho gã chủ nhà. Xong xuôi, cô thu dọn ra về, cầm theo chìa khóa, túi lưới và ô, không đành để chiếc áo khoác cộc bị ướt, cô gấp lộn lại quắp vào trong tay, mở cửa sau đi xuống nhà dưới. Truyen8.mobi

Mưa mỗi lúc một to. Ông trời đột nhiên quay mặt lại, một bộ mặt to tướng đen sì, mọi vật dưới trần thế đều kinh hoàng trốn chạy, trong bóng tối sấm nổ đinh tai, chớp xẹt lóe lên. Những sắc màu xanh, trắng, tím quằn quại, lóe sáng, rọi thẳng vào gian bếp nhỏ. Cửa sổ kính bị sức ép bung hờ vào phía trong.

A Xíu đánh liều băng qua hai con đường, nhưng rồi vẫn phải quay trở lại, lê từng bước lên tầng trên, mò ổ khóa mở cửa, đoạn lại bọc túi lưới vào tay bật đèn, mình mẩy tóc tai ướt đẫm. Cô trút giày tất, bông hoa đỏ thêu trên chiếc giày lụa trắng thôi ra, nhuốm đỏ cả má giày. A Xíu vắt cho ráo nước, phơi đôi giày lên tay nắm cửa sổ. Đi chân đất giẫm trên nền gạch, A Xíu có cảm giác cô đang đặt tay lên tim mình, còn con tim cô thì lạnh buốt như sàn đá. Trong bếp không một ai, có khóc ra tiếng cũng không sao hết, cô kinh sợ sự tự do điên cuồng đột ngột của mình, thâm tâm mơ hồ cảm thấy như vậy không được, không thể được! Không thể ở đây một mình được, phải mau đón bé Thuận về thôi. Cô sang nhà hàng xóm. May mà cửa sau chưa cài then; trong bếp vẫn sáng đèn. Cô đi thẳng vào trong, đập nhẹ vào cửa kính, thì thào gọi: “Chị ơi! Mở cửa!” Chị vú em trả lời: “Ơ! Sao cô vẫn chưa về?” A Xíu mỉm cười nói: “Đường khó đi lắm chị ạ! Mưa to quá thể, đoạn đường chết tiệt kia giờ này lại không có đèn, trên mặt đường toàn ổ gà ngập nước, nguy hiểm lắm! Nghĩ bụng thôi quay lại đây qua đêm. Mà cái thằng ba ngơ nhà em ngủ chưa chị? Thôi để nó về ngủ cùng em vậy.” Chị vú em nhà này nói: “Bên ấy em có chăn gối gì chưa?” A Xíu đáp: “Có rồi có rồi.”

Cô trải tấm chăn bông lên bàn ăn, phía dưới lót giấy báo, sau đó tắt đèn, ôm bé Thuận ngủ. Trong sự quây quần ấm áp nơi gian bếp chật hẹp, có hai con nhặng bay vo ve trên đầu. Mưa vẫn đổ xuống ầm ầm, bất chợt lại lóe lên một tia sét, trong ánh chớp sáng xanh, lại có một con nhện chui ra, leo lên chiếc chậu men trắng.

Đôi vợ chồng mới cưới ở tầng trên bắt đầu cãi nhau ỏm tỏi, có tiếng loảng xoảng, chẳng biết cô vợ đá thúng đụng nia hay là bị ai đó xô ngã vào tủ, hoặc có thể là cửa kính, cô ta vừa khóc tu tu vừa nói “Anh đánh đi!... Đánh tôi đi!... Đánh chết tôi đi xem nào!...” dường như là tiếng Dương Châu. A Xíu nghiêng đầu trên gối lắng nghe, nghĩ bụng: “Bỏ ra triệu rưởi bạc mua nhà về để đánh nhau! Mới lấy nhau ba ngày thì đâu có cớ gì đánh nhau nhỉ!... Trừ phi cô vợ không ngoan...” Cô mơ màng liên tưởng đến việc nhà mẹ chồng Tú Cầm đã lát nền riêng cho căn phòng tân hôn, kiểu đó thì Tú Cầm không thể không lấy chồng rồi.

Nhà trên nhốn nháo một hồi rồi yên, sau đó lại ầm ĩ. Tiếng ồn ào lần này, chắc do cô vợ mở cửa kính định nhảy lầu, nhưng anh chồng giữ lại. Cô vợ cũng không đôi co nữa, chỉ cất giọng khóc rống lên. Tiếng khóc nhỏ dần, tiếng gió mưa bên ngoài sầm sập như nước triều dâng; sau đó giữa bầu không gian tĩnh mịch lại vang lên một trận cãi vã và khóc lóc, tiếp đến tiếng gió, tiếng mưa lại ập tới, tiếng nào ra tiếng ấy, không lấn át nhau, giống như sân khấu được tăng thêm hiệu ứng âm thanh một cách rõ rệt. Truyen8.mobi

A Xíu kéo chiếc áo nhung đắp lên người bé Thuận, cô nhớ buổi xưa cùng chồng, cùng con đi xem phim, người phụ nữ trong phim chẳng hiểu vì sao đẩy cửa sổ lao ra ngoài; trên con đường mưa gió bão bùng, cô ta chạy loạng choạng trong mưa, bất kể chạy đến đâu, trên đầu cũng luôn có một 1269 chậu nước dội thẳng xuống. A Xíu trở người một cách não nề, bên gối, mưa vẫn đổ sầm sập, một chậu nước dội thẳng xuống người cô. A Xíu thiếp đi trong cơn mưa.

Đến gần nửa đêm, ngài Gerda dắt theo cô ả vũ nữ về nhà, ngài vào bếp lấy đá. Đèn vừa bật, chiếu thẳng lên bàn ăn, bé Thuận ú ớ trong mơ, A Xíu tỉnh giấc, nhưng vẫn vờ như đang ngủ, cô mặc áo may ô, quần cộc vải sọc, quay người vào trong, tay và đùi khẳng khiu đè lên người bé Thuận. Hai con nhặng bay trên đầu, lao coong coong vào bóng đèn. Ngài Gerda liếc nhìn cô. Cô giúp việc này ban ngày trông rất thanh tú, có duyên, nhưng cởi ra thì không ổn. Trong lòng ngài cảm thấy an ủi rất nhiều, bởi ngài vốn dĩ không hề có ý động đến cô; việc thậm thụt với người ở, sẽ khiến cô ta không giữ đúng bổn phận, và hẳn sẽ là việc ngu xuẩn nhất. Huống hồ với tình hình đặc thù hiện nay, kiếm được người ở tốt thật sự khó, trong khi đàn bà thì muốn bao nhiêu mà chẳng được. Truyen8.mobi

Ngài Gerda bưng một khay đá về phòng. Cô ả ngồi trong phòng cười hô hố, đống rượu cô ta uống vào người đang sóng sánh bên trong, cô nàng lung linh trong suốt, biến thành một bình rượu, một lọ nước hoa, một món quà quý giá nằm trong hộp, phía dưới được lót bằng đống giấy vụn xanh nhạt, cong queo. Cửa vừa đóng lại, tiếng cười cũng dứt, nhưng mùi rượu và mùi nước hoa nồng nặc vẫn còn phảng phất mãi. Đèn ở nhà bếp đã tắt, mấy con nhặng lại lao xuống mặt cô một cách mù quáng.

Dường như mưa đã ngưng một lúc lâu. Dưới đường có người bán quà rong cất tiếng rao chậm rãi, một câu gì đó có bốn từ, không rõ bán thứ gì, chỉ nghe ra tiếng bi thương dằng dặc. Một toán trai gái say mèm hát một bài hát nước ngoài, họ cười nói hỉ hả băng qua con đường trơn; dưới sức nặng của màn đêm buông trĩu, tiếng hát của họ là một sự va chạm, mỏng manh, yếu ớt, thoáng chốc tiêu tan. Tiếng rao của người bán rong lại vang khắp con phố, nỗi muộn phiền của thế giới cơ hồ được gánh cả trên đòn gánh của anh.

Ngày hôm sau, A Xíu hỏi người trông cầu thang điện xem cô dâu mới cưới ở lầu trên vì sao đang đêm hôm lại rùm beng lên đòi tự tử. Người trông cầu thang điện ngạc nhiên hỏi: “Ồ! Có chuyện đó thật sao? Hôm nay họ mời nhà ngoại đến ăn cơm, còn bảo tôi lên giúp đây này!” Và quả nhiên họ mời cơm thật.

A Xíu ra ban công phơi quần áo, thấy chiếc ghế của vị thiếu gia tầng dưới ngồi hóng mát tối qua vẫn đặt ở bên ngoài. Không khí lạnh ngắt, màu trời xám xịt, cây cối hai bên đường thâm u, từng thân cây lặng trơ như cột điện, tâm tư chẳng có lấy một chút xáo động nào. Những đám lá rụng màu xanh dưới mỗi cây được vun tròn lại, ôm lấy gốc, thoạt nhìn cứ tưởng hình ngược.

Câu chuyện hóng mát dường như đã trở thành dĩ vãng. Chiếc ghế sơn màu nâu kia, vẫn chưa được đặt cho bằng lại, nó vẫn kẽo kẹt lắc lư trong gió, giống như đang có một người Trung Quốc mẫu mực ngồi trên. Dưới đất đầy những vỏ lạc vỏ ấu, vỏ hồng và cả hột. Tờ báo nhỏ, bị gió cuốn trôi đến rìa cống, dính chặt vào song sắt trên nắp cống. A Xíu nhòm xuống lầu dưới, trầm ngâm nghĩ: Trên đời lại có những người ở bẩn đến thế! May mà cô không nằm trong số đó.

 

(Nguyên đăng trên Khổ Trúc kỳ 2, Nam Kinh tháng 12 năm 1944, có sửa lại theo tập Truyền Kỳ.)

Trần Quang Đức dịch

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25230


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận