Chuyện Tầng Năm Chương 1

Chương 1
Đó là mùa xuân ở Bruxelles. Ánh nắng trên những đại lộ, một làn gió ấm áp và ngọt ngào dọc những vỉa hè, một bầu trời xanh bao la trên những mái nhà. Một ngày lý tưởng để đi bộ băng qua thành phố hoặc từ GB trở về tay xách đầy túi.

- Anh, anh có tin vào vận may không?

Toni đã đặt ra cho tôi câu hỏi này như người ta đặt một quả bom, ngay ở lối vào nhà ga vào giờ cao điểm. Trời nóng, ánh sáng lan tỏa trên những chiếc xe hơi và những chiếc ghế gỗ dài màu nâu. Hai cánh tay tôi chất đầy những túi ni lông sột soạt.

- Anh, anh có tin vào vận may không? cậu ta hỏi tôi.

Làm sao tôi có thể trả lời cậu ngay mà không suy nghĩ gì mấy, giữa lúc khối đồ trĩu nặng đang chặn máu trong những ngón tay tôi lưu thông. Thông thường, trước mười giờ sáng, người ta chỉ cần nói những chuyện tầm phào. Trời đẹp, trời nóng, trời xấu. Người ta hỏi nhau những câu Khỏe chứ? Khỏe. Những câu Cậu có xem bộ phim tối hôm qua không? Không gì ngoài những câu ngắn gọn vô bổ nhưng tiện lợi. Khi người ta chưa tỉnh ngủ hẳn, người ta có thể chỉ cần gật đầu, lẩm bẩm khẽ sau vòm miệng từhừmmmmmm nói lên tất cả mà cũng chẳng nói lên điều gì. Người ta có thể để cho sự im lặng đáp lời thoải mái trong khi lại gần chiếc máy pha cà phê. Trái lại, khi người ta hỏi bạn những câu khiến bạn phải lúng túng, kiểu như câu hỏi đó, về vận may và mọi thứ, cần hai ly cà phê liên tiếp mới tìm đủ năng lượng để rặn ra cho dù chỉ là một câu trả lời. Người ta mệt mỏi ngay cả trước khi bắt đầu trả lời. Người ta thấy kiệt sức, người ta muốn chạy biến vào trong các con phố nhỏ hẹp, không hề nghĩ tới gì ngoại trừ đôi chân đang nện xuống lòng đường, nhưng cậu ta ở đó, ngay bên cạnh bạn, anh chàng Toni, và thời gian đã không trôi đi chút nào, cậu ta vừa mới đặt câu hỏi chết tiệt của cậu ta, cậu ta mỉm cười, cậu ta nhìn bạn, mắt cậu ta chăm chú, xanh như màu quần jean, dưới một vầng trán đầy dầu và bóng nhẫy, cậu ta cóc quan tâm, cậu ta là loại người mặc xác mọi thứ, cậu ta không bao giờ hiểu những gì được nói xung quanh mình, cậu ta ngẫm nghĩ, và khi cậu ta nói, người ta thường thích cậu ta im lặng hơn. Người ta biết quá rõ tất cả những kẻ như thế, những anh chàng Toni, những kẻ thẩm vấn ở những nơi công cộng, những tay không ai chịu nổi muốn nói chuyện con tim khi tất cả mọi người cười lăn, muốn thăm dò lương tâm của bạn khi bạn nếm thử món tráng miệng, hay hỏi bạn những câu mơ hồ nhất khi bạn chỉ muốn một chút nếp thường thật cụ thể. Như sáng hôm đó chẳng hạn.

Vận may, lạy Chúa, ý cậu ta muốn nói gì nhỉ? Tôi tự hỏi, rồi lại tự hỏi. Tôi nghi là cậu ta muốn ám chỉ đến một điều gì đó đặc biệt nhưng khi đó, với những túi xách quá nặng trong tiếng ồn từ động cơ và bánh xe trên đường nhựa tôi không rõ là gì. Tôi muốn nói với cậu ta: Toni, giờ không phải lúc, xách ít nhất một túi đi, làm ơn đi, đừng để tôi vác tất cả trên tay như thế, cậu biết rõ là rất nặng mà, cậu biết tôi ở đâu, trên đường về nhà cậu, cậu đang đút tay túi quần kìa, xách một túi đi. Toni, làm ơn đi nào, và chừng nào cậu còn ở đây, hãy quên câu hỏi của cậu đi, câu trả lời của tôi không đến đâu, xin lỗi cậu, ngay cả khi nó không khó, hãy nói với tôi một điều thật ngớ ngẩn, không phức tạp, kiểu như: Anh có thấy cô gái đi giày cao gót bên kia đường không?, một câu mà tôi có thể trả lời được: Ờ, tôi thấy rồi, mà còn hơn thế ấy chứ, giờ mới chỉ là mùa xuân, hãy chờ mùa hè và cậu sẽ thấy tệ hơn thế nhiều, ăn mặc hở hang, từ tối đến sáng, trong công viên và ven những quán vỉa hè.

Chúng tôi đi ngược lên dọc nhà ga trung tâm và Toni không nói gì, có vẻ như cậu ta đang suy nghĩ, cậu ta đang lật đi lật lại câu trả lời của tôi theo tất cả các hướng để nắm bắt tất cả những gì tinh tế trong đó, trong khi lúc nãy tôi đâu có nói gì. Một cơn ác mộng thực sự. Thế là hỏng cha nó cả ngày rồi. Bởi vì một khi nó đã bắt đầu tồi tệ, khỏi cần phải tốn sức, nó sẽ không dừng lại nữa, nó sẽ rơi xuống đầu bạn từng giờ từng giờ, như nhũ đá tan vào mùa xuân bên gờ mái. Vận may, ý cậu ta muốn nói gì nhỉ? Cậu ta có nghĩ đến một cái gì đó cụ thể không nhỉ? Đến việc cậu ta đi qua GB đúng lúc tôi đi ra với những đồ mua sắm trong ngày? Đến chuyện tôi đã mất việc ở cửa hàng cho thuê băng đĩa từ hai tuần nay và tôi đã mất hàng giờ ngồi cắt những phiếu giảm giá trên các tờ báo quảng cáo, trong khi cậu ta, cậu Toni, trợ giúp ông chú thợ sửa ống nước của cậu ta và vơ hàng xấp tiền làm chui, mà vẫn không bị mất trợ cấp thất nghiệp? Tôi không biết gì hết. Và Toni không phải là người sẽ đả thông cho tôi, tôi biết rõ cậu ta mà, tay láu cá ấy, cậu ta đã cho ra hai câu rồi (Chào Serge  Thật lạ là tôi lại gặp anh, tôi đi giúp ông chú Roger của tôi một tay đây) và nếu tôi phải tin vào tốc độ bình thường của cậu ta, tôi có thể hy vọng một sự yên lặng trong hai giờ. Trừ khi tôi có thể bắt cậu ta nói, với một câu hỏi hay. Vẻ như không. Bởi vì Toni thuộc dạng hay nghi ngờ, cậu ta không thích bị hỏi vặn. Những gì cậu ta thích, trái lại, đó là người ta nói chuyện với cậu ta, là người ta để cho một chuỗi nhẹ ngôn từ chảy vào tai cậu ta, liên tục. Đó là một cái tai siêu phàm, Toni, cái tai tuyệt nhất mà tôi biết, cậu ta có thể bỏ ra hàng giờ mà không nói gì, chỉ gật đầu hoặc cau mày để biết thêm chi tiết, chắc hẳn bởi vì cậu ta không thích trò chuyện mấy. Cậu ta vẫn luôn thế, ít nói, khép mình, im lặng nhiều, không gạn hỏi, không gì hết, không, cậu ta không phải loại người như thế, đúng hơn là người chậm đặt câu hỏi, nung nấu trong đầu và hàng giờ sau mới bung ra. Lúc bấy giờ câu hỏi đó, một câu hỏi cũng đơn giản và trực tiếp, nó đã khiến tôi suy nghĩ suốt thời gian chúng tôi ngược lên dọc nhà ga và ngay cả khi đến ngã tư, và rồi đột nhiên, nó đã đến với tôi. Rõ ràng, minh bạch như thứ nước Sprite không bọt, một câu hỏi rất đơn giản:

- Còn cậu, Toni, cậu có tin vào điều đó không?

Tôi sẽ không bao giờ biết được cậu ta muốn trả lời tôi như thế nào. Cậu ta đã đặt chân xuống lòng đường, đầu quay về phía tôi, và xe buýt đã tông thẳng vào cậu ta, trước tiên là vai, tôi tin thế, rồi đến toàn bộ phần còn lại, đôi cánh tay và đôi chân. Ở đó, dưới ánh nắng, tôi thấy Toni tung lên như một quả bóng người ta sút đi, cậu ta bắn đi khoảng chục mét, với một cánh tay gãy rời về phía trên, như một con rối, đó hẳn là một câu sáo, nhưng đó là điều tôi đã thấy, cánh tay trong không khí với khuỷu tay quay ngược chiều, rồi đầu đập xuống mặt đường, một tiếng ồn không thể chịu nổi, một tiếng ồn rỗng và buồn, giọng của cái chết đang dặng hắng để báo rằng chẳng mấy chốc nữa nó sẽ đến. Rồi hai cú rít phanh, hai chiếc ô tô phanh kít để tránh cái xác và đến lượt xe buýt dừng lại. Toni, ở đó, trên nền đất, ngừng sống. Trong những chiếc túi của tôi, có đồ đông lạnh và những thứ không nên để dưới ánh nắng mặt trời, nhưng tôi đã không nghĩ đến, tôi chạy về phía Toni, khi nghĩ lại tôi thấy thật ngớ ngẩn, nhưng tôi đã nhìn trái nhìn phải trước khi rời vỉa hè. Tôi thấy người ta xúm lại, tự hỏi họ ở đâu ra, họ không có gì hơn để làm vào giờ này hay sao, lẽ ra họ phải ở cơ quan hay ở nơi nào khác, những người đàn ông, đàn bà, hơi giống bạn, hơi giống tôi, dừng lại trong ngày của mình để khám phá Toni, chắc hẳn họ thấy cậu ấy lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, nằm dài trên nền đất, máu trào ra từ dưới đầu. Tôi hiểu rõ rằng cậu ta đã chết, không chỉ bị choáng; khi người ta không cử động nữa và mắt mở đối diện với ánh nắng giữa đường, đó là người ta đã sang phía bên kia, có thể thấy rõ, tóm lại, tôi muốn nói là, với tôi, điều đó có thể thấy rõ, và người tài xế xe buýt đã nói thế khi chụm chân nhảy xuống lòng đường:

- Mẹ kiếp, cậu ta chết rồi.

Điều đó có vẻ khiến anh ta bị sốc. Điều đó khiến tôi bối rối: anh chàng tội nghiệp này, anh ta cũng còn quá trẻ. Cả hai người này cộng lại cũng chưa được sáu mươi tuổi, hai gã tội nghiệp này, một đang nằm thẳng cẳng và bất động, chết hẳn, vẹo vọ hẳn, còn người kia thì đang run rẩy tại chỗ, như thể trong đầu anh ta đang xáo trộn điên đảo, người ta chỉ thấy đôi mắt anh ta mở to, sâu thẳm, thất thần. Tôi không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Trời nóng, lẽ ra tôi không nên giữ chiếc áo vest mùa đông trên người. Chiếc áo lót vải bông, không thể chịu được dưới ánh nắng, dưới hai nách tôi xuất hiện hai quầng thẫm, tôi đổ mồ hôi đầm đìa, tôi nhớ rất rõ rằng khi cảnh sát đến, tôi nắm lấy vai người tài xế và những tiếng nức nở của anh ta khiến cằm giật giật. Đã lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy một người đàn ông khóc. Có lẽ từ hôm mai táng mẹ tôi. Tôi không biết nữa. Tôi khó mà biết được. Trí nhớ của tôi không phải như thế, nhất là từ khi xe buýt lao vào Toni đúng lúc cậu ấy nhìn tôi, chúng không tốt cho trí nhớ, những biến cố đó, không tốt chút nào, chúng làm đảo lộn, chắc chắn thế. Mấy tay cớm cũng tử tế, có một nam và một nữ, cô ta phụ trách tôi, cô ta đưa tôi lên một chiếc xe thùng nhỏ, cô ta nói năng nhỏ nhẹ với tôi và cô ta bảo tôi rằng Toni đã chết. Tôi đã biết điều đó rồi, chắc chắn thế, tôi hiểu ngay lập tức, nhưng tôi thấy nhẹ nhõm khi biết thực sự là thế, rằng ngay cả những người không biết Toni trước đó cũng hiểu được rằng cậu ta không còn sống, rằng không phải lúc nào cậu ta cũng như thế, mềm nhũn và trật khớp, nằm im, rằng đôi khi cậu ấy cũng đi lại và đặt câu hỏi. Cô cớm mỉm cười với tôi. Cô mời tôi một ly nước và cô hỏi tôi có quen biết Toni không.

Toni, dẫu sao tôi cũng không bắt đầu kể về cuộc đời cậu ta; những người như cậu ta, có hàng trăm hàng ngàn, tất cả chúng ta đều như nhau cả thôi, về cơ bản, tay, chân, lo toan chồng chất, đôi khi có một tin tốt lành, một điều may mắn, một món hời, sau đó cái sáng bóng kết thúc, trở lại màu xám xịt, chúng ta tiếp tục, chúng ta quay lại guồng máy và lại bắt đầu. Cậu ta có tin vào vận may không nhỉ? Vì cô cớm muốn biết cậu ta có gia đình để báo tin hay không, tôi bảo cô ta rằng tôi biết Roger, chú của cậu ta, và rằng tôi có thể gọi điện cho ông ấy. Cô ta không hào hứng lắm, cô cảnh sát ấy, cô ta bảo tôi rằng đó hẳn không phải là một ý tưởng hay, rằng tôi cần phải nghỉ ngơi, rằng trong vài giờ nữa sẽ ổn hơn và rằng nếu tôi có số điện thoại của ông Roger ấy, cô ta sẽ đích thân gọi cho ông ấy và giải thích cho ông ấy nghe, rằng cô ta ở đấy để làm việc đó, rằng đó cũng là nghề của cô ta, rằng tôi không nên ôm việc ấy vào thân, rằng hôm nay tôi đã chịu đựng đủ rồi. Lẽ ra tôi nên gật đầu nói vâng vâng với cô ta và để mặc cô ta làm, nhưng tôi lại không cảm thấy cần phải làm như thế, tôi thực sự muốn gọi cho Roger, nói với ông, nói cho ông nghe những gì đã xảy ra với Toni, có thể là nghe ông ấy khóc và an ủi ông ấy ở đầu dây bên kia, tôi muốn cử động và cảm thấy mình hữu ích, nhất là tôi không muốn người ta buộc tôi phải ngồi chờ cho điều đó trôi qua, tôi muốn tất cả mọi thứ ngoại trừ chuyện đó. Tôi nghe thấy tiếng ồn trong đầu tôi, tiếng ồn từ đầu Toni chết đột ngột, nó giống như một tín hiệu và tôi nói không, thưa cô, không, không, đừng nói không với tôi, tôi cần cuộc gọi điện thoại này, làm ơn để mặc tôi, với cô điều này chẳng là gì cả, nó chẳng thay đổi điều gì cả, nhưng nó sẽ làm cho tôi thoải mái, tôi sẽ ra một cabin, ở kia, cách đây một quãng, tôi có thẻ, hãy để tôi làm, tôi biết Roger rất rõ, đó là một người khó tính, ông ấy không thích cớm lắm, ý tôi là cảnh sát ấy, tóm lại cớm với cảnh sát thì cũng thế cả, chỉ là chuyện câu chữ thôi, tôi đã nói rồi, đó là cái bề ngoài, trên bề mặt thôi chứ sao. Nếu ông ấy phải biết điều đó, tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chính tôi là người gọi điện.

Nữ cớm không có vẻ tự tin lắm, cô ta buông cho tôi một nụ cười mỉm như để thú nhận với tôi rằng cô ta hơi hiểu tôi và rằng cô ta đang tuyệt vọng khủng khiếp, nhưng tôi cho rằng cô ta muốn diễn đạt điều ngược lại. Cô ta nói anh đừng lo lắng, tôi đã đi học để làm điều đó. Tôi thấy dễ chịu khi nghe một điều nhảm nhí như vậy, nó làm cho bộ não của tôi hoạt động, như một cú thúc vào sườn một con ngựa đua thuần chủng. Đầu tôi phi nước đại, tệ hơn một nồi áp suất đầy nước đang sôi, từ ngữ theo nhau tuôn ra thành một tràng khủng khiếp, một thác nước tuôn trào, để giải thích rằng, điều đó, đó hẳn là điều tồi tệ nhất người ta có thể nói với tôi, cái cớ học hành, rằng Roger sẽ không đòi xem bằng tốt nghiệp của cô ta đâu, cũng không hỏi cô ta ba câu hỏi liền một mạch để kiểm tra xem cô ta có đọc kỹ toàn bộ bài giảng hay không, rằng Roger sẽ hài lòng với việc đập tan điện thoại và ngay sau đó là đập bà vợ, khi ông biết Toni vừa mới vĩnh viễn biến mất, rằng ông sẽ gào lên, điều đó là chắc chắn, gào lên như một gã say xỉn lúc nửa đêm.

Từ ngữ không dừng lại nữa, chúng còn nói rằng vấn đề lớn nhất với những người tự hào về việc học hành của họ chính là thế, cảm tưởng là nó sẽ giúp họ được chút gì đó, trong khi ấy những kẻ như Roger, người ta không thấy nhiều trên ghế băng các trường đại học, hoặc là vào buổi tối, để lia chổi và gỡ bã kẹo cao su, rằng Roger, đó là một loại kem, một loại kem vani có caramel và mọi thứ, nhưng là một loại kem cháy, nó đã phải chịu đựng quá nhiều, nhưng không có chuyện cô can thiệp vào đó, rằng nó hãy còn kể trong sọ tôi, và ngôn từ xô đẩy nhau chui ra nhưng không gì đến cả, miệng tôi là một đồng bằng hoang vắng, một đồng bằng tĩnh mịch thậm chí không một tiếng thì thầm, tất cả diễn ra ở trong đó, bên trong, giống như khi tôi bị mắng ngày còn là một đứa trẻ, hàng đống những từ thù hận mài giũa trong đầu tôi, những từ như những con dao. Nhưng không có gì thoát ra cả, tôi câm lặng trước cha, câm lặng trước bà cớm, và nếu như không có phía bên ngoài xe thùng, nếu chỉ có cô cảnh sát và tôi, thì có lẽ sự im lặng bất động đã kéo dài nhiều giờ đồng hồ rồi. Tồi tệ hơn một ngân hàng ngày cuối tuần hay một nghĩa trang lúc nửa đêm. May thay, không chỉ có chúng tôi, còn có đường phố, và vậy là tôi nghe thấy tiếng tay tài xế xe buýt, anh ta đã thôi khóc, chỉ còn những tiếng nức nở trong giọng nói anh ta và anh ta không ngừng nói. Cậu ta chết rồi, chết tiệt, cậu ta chết rồi, anh không biết nó như thế nào đâu, anh, tôi, tôi chưa giết ai bao giờ, tôi có lũ nhóc, tôi có vợ và tôi đã cán vào một gã chết toi, thậm chí không một mẩu nào cử động được, chết tiệt, anh muốn tôi trả lời câu hỏi của anh như thế nào, người ta cóc quan tâm, chết tiệt, cậu ta cũng cóc quan tâm, anh cho rằng điều này quan trọng, thậm chí tôi đã có thể cán cậu ta phía sau thùng rác, trên vỉa hè, khi chạy xe trên chiếc ghế băng, khi húc vào điểm chờ xe buýt, thế, thế thì thay đổi được gì, ngay cả khi anh hiểu tại sao cậu ta lao vào thanh chắn sốc xe tôi, anh cũng sẽ không cản được tất cả những người khác, những người còn sống vào thời điểm này, nhưng không lâu nữa, những người sẽ bay vào dưới những bánh xe hay lao vào đường ray, những người sẽ bị đâm phải trên lối dành cho người đi bộ, và ngay cả vào lúc đèn xanh, cậu ta đã chết, anh thấy rõ rồi đấy, thậm chí không phải do lỗi của cậu ta: cậu ta không nhìn trước mặt, là không may thôi, chết tiệt, một gã như tôi, cũng không may mắn, thế thôi, và với những kẻ như chúng tôi, không có nhiều kiểu kết cục, khi người ta không may mắn, người ta kết thúc như thế đó, chết chết chết, chết hẳn, không hít thở hoặc làm bất cứ điều gì nữa cả, tất cả chúng tôi đều thực sự là những kẻ bỏ đi, chết tiệt.

Tôi rất thích những gì anh ta nói, tay tài xế ấy, anh ta biết Toni chưa được lâu, nhưng anh ta đã hiểu cậu ta muốn nói điều gì với từ vận may và mọi thứ, đó là một tay dũng cảm, tay tài xế này, kiểu người có thể kể hết cho Roger nghe và sẽ đưa ông ấy đi uống một ly để nuốt trôi chuyện đó, rồi một ly thứ hai để quên, rồi một ly thứ ba rồi một ly thứ tư rồi nhiều ly đến mức người ta không thể nói ai đã động viên ai, ai đã cán chết ai, và ai đang buồn đến chết. Hơn thế nữa, tay tài xế này, những từ anh ta nói, tất cả thoát ra không cần cố gắng, anh ta nói như người ta nghĩ và thật dễ chịu khi thấy anh ta đã có thể loại bỏ mớ hổ lốn ra khỏi đầu. Tay cớm bên cạnh tay tài xế đón nhận điều đó khó khăn hơn nhiều so với tôi. Tất cả những ngôn từ dội trên mặt đường này khiến hắn hơi sợ, hắn ra hiệu cho cô cớm của tôi, bằng tay, một cách kín đáo. Hắn muốn được tiếp viện, không phải để đánh tay tài xế, không, mà để trấn an anh ta, hắn, tay cảnh sát bé nhỏ mất phương hướng, kẻ không được học hành và tự nhủ rằng người kia, ở đó, trong chiếc xe thùng nhỏ, cô ta có bằng cấp để làm điều đó, đối phó trước các tình huống khủng hoảng và kiểm soát cơn trầm cảm. Hắn thì hoảng loạn nhưng cô ta thì biết, đó chính là điều người ta có thể đọc trong cử chỉ của hắn vậy nên tôi quay sang quý bà đội mũ kêpi của tôi và nói với cô ta:

- Tôi cho rằng anh ấy muốn cô đến giúp đỡ anh ấy. Anh ấy có vẻ hơi bị mất phương hướng.

Tôi không biết lý do tại sao mình lại làm những gì đã làm vào thời điểm đó. Hơn nữa, nghĩ kỹ lại, tôi cho rằng tôi có thể phát ra câu này sau mỗi cử chỉ tôi thực hiện và mỗi quyết định của tôi kể từ khi tôi xuất hiện trên mặt đất. Nhưng dường như là, lần đó, nó xác đáng hơn. Cần phải nói rằng tôi đã không được học hành như bà cớm, tôi thì tôi không biết gì về tâm lý cũng như các ngành khoa học chiêm đoán, những thứ tôi làm không có chủ ý, hoặc bất đắc dĩ, hoặc không biết rõ tại sao lắm, chỉ vì đó là những gì đã lướt qua tâm trí tôi vào thời điểm chính xác đó, tôi không hiểu điều gì hết cả, tôi làm và thế thôi, không kiểu cách, không huyên thuyên, tôi làm những điều đó, và thế là đủ. Nhưng tôi tự nhủ rằng, cô ta, với việc học hành của cô ta và mọi thứ, lẽ ra cô ta phải cảm nhận được rằng sự việc sẽ không diễn ra như nó phải diễn ra, như cô ta muốn, giống như đạo đức, xã hội, thói quen, những quý ông quý bà, và tất tật những thứ còn lại muốn nó phải diễn ra. Lẽ ra cô ta phải nhận thấy rằng nếu tôi bảo cô ta đến chỗ đồng nghiệp của cô ta, thực ra không hẳn là thế, ý tôi là nếu tôi báo cho cô ta là đồng nghiệp của cô ta gọi cô ta, đó là bởi vì tôi sẽ thoải mái hơn khi cô ta bỏ tôi lại đó, một mình trong chiếc xe thùng nhỏ, với những chiếc túi ni lông của tôi đang chảy nước dưới ghế băng. Ngay cả khi tại thời điểm đó tôi không nghĩ tới những cái túi cũng như tới tất cả những lý do có thể khiến tôi giúp cô cớm đến với đồng nghiệp của cô ta. Nhưng tôi chắc chắn rằng nếu cô ta vẫn kiểm soát được năng lực của mình, nếu cô ta hơi tập trung được, nếu cô ta nghĩ một chút đến những bài học của cô ta chứ không phải tay đồng nghiệp-cớm của cô ta, cô ta hẳn đã đoán ra được một mánh, cô ta hẳn đã có thể ngửi thấy vụ việc. Có thể bản năng của người phụ nữ là đủ, mặc dù đó là loại bản năng người ta phải gọt giũa cho họ ở các trường đào tạo cớm, để biến họ thành những con đực nhỏ hung hãn đi giày đế bằng. Chẳng quan trọng, cái chính là cô ta không đánh hơi được điều gì hết và cô ta đi ra ngoài để đến chỗ đồng nghiệp của cô ta. Cô ta chạy lon ton trên đôi giày xấu xí của mình, với cái váy ngắn màu xanh lơ như áo phu đào huyệt và khi cô ta đến chỗ tay đội mũ kêpi cùng tay tài xế đang cắn nhẹ vào mũ của mình thì đã quá muộn.

Tôi đóng cửa xe lại và cho xe khởi động.

Nguồn: truyen8.mobi/t124180-chuyen-tang-nam-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận