Cocktail cho tình yêu Chương 5


Chương 5
Cô gái kỳ lạ
Đan đi vào siêu thị. Cô cần mua cái gì đó để qua thăm Thạch. Từ hôm biết tin anh bị tai nạn đến giờ là bốn ngày, anh đã từ viện về nhà nằm rồi mà cô vẫn chưa đến thăm được. Công việc chuẩn bị cho đêm trình diễn đã lấy đi của cô quá nhiều thời gian. Và những gì nó đem lại cho cô dường như chỉ là một nỗi mệt mỏi. Cô vừa ở công ty IVy về.
Bước vào phòng họp lớn, cô thấy đủ mặt ban giám đóc và nhiều trưởng phòng. Bà Giang vui vẻ nói:
- Chắc mọi người xem TV truyền trực tiếp biết hết rồi nhưng tôi vẫn thông báo lại. Trong cuộc thi thiết kế mẫu thời trang toàn quốc năm nay, Hoài Đan đã đoạt liền, giải ba và giải nhà tạo mẫu trẻ triển vọng
Mọi người vỗ tay. Một vài người đứng dậy bắt tay cô. Ông giám đốc nhìn cô nói một câu ngắn gọn nhưng khá...đau lòng:
- Cô Hoài Đan rất có triển vọng đoạt giải cao ở lần thi sau.
Đan cười cảm ơn tất cả. Không phải cô không thấy sự thất vọng của mọi người, nhất là của bà Giang. Tuy vẫn tỏ ra mừng rở hân hoan vì giải thưởng cô đem lại nhưng rõ ràng là bà hy vọng vào một kết quả tốt hơn vì chính bà là người đâu tiên ủng hộ cô trước ban giám đốc. Cô biết cảm giác đó như thế nào vì hiện giờ cô cũng đang rất thất vọng. Cô xứng đáng với vị trí đứng đầu. Hẳn là đả có những tác động nào đó đến ban giám khảo trong những phút cưôi, Đan nghĩ như vậy. nhưng cô không cho phép mình bày tỏ điều gì với bà hay với mọi người trong công ty
Tối qua, khi lên nhận giải, khi trả lời phỏng vấn, cô luôn nói về Ivy, nhắc đến công ty và những người cộng sự. Có lẽ quảng bá cho Ivy hết sức là cách duy nhất cô có thể tranh thủ để bù lại những thất vọng mình đem đến. Nhìn khắp lượt mọi người, cô nói chậm rãi:
- Về giải thưởng, cháu chỉ xin phép được cầm bức tưọng thôi, còn giấy chứng nhận giải và tiền thưởng xin giao cho ban giám đốc để thưởng cho những người đã vất vả với cuộc thi
Mọi người gật đầu vẻ hài lòng. Số tiền 25 triệu đồng của cả hai giải thưởng cô đoạt được tính ra chỉ đủ chi phí cho phần nguyên phụ liệu và tiền đi resort an dưởng của Đan, nhưng theo thoả thuận ban đầu những mẫu dự thi sẽ do Ivy giữ bản quyền và khai thác. Thật may là hầu hết những gì Đan vẽ đều có tính ứng dụng cao và công ty có thể thu lợi nhờ đầu tư sản xuất theo những mẫu đó. Điều này làm Đan không quá áy náy. Khi trở lại phòng thiết kế, Đan mỉm cười với Bà Giang:
- Thời gian qua nhanh quá. Mới hôm nào cháu còn đến đây hùng biện trước mặt mọi người...
- Cô rất thích cách làm việc của cháu - Bà cũng mỉm cười - Cô thấy lại hình ảnh của mình hồi trẻ.
- Lẽ ra cháu có thể cố gắng hơn nữa.
- Cháu đã làm rất khá rồi. Nếu là cô của mưòi năm trước, cô cũng chỉ làm được bằng nửa cháu.
Nhìn vẻ chân tình của người phụ nữ Bạc Liêu, Đan định nói về những băn khoăn của mình nhưng rồi cô lại thôi. Hợp đồng của cô chỉ kéo dài đến hết cuộc thi, cô không phải là người của công ty này. Cô không thực sự gắn bó với Ivy, chính vì vậy, đây không thể và cũng không nên là nơi cô giải toả bức xúc. Nói ra việc này cũng chẳng tác dụng gì, cô không bắt công ty họ phải đấu tranh công bằng cho mình được. Giọng cô chùng xuống:
- Nếu được làm lại, cháu nhất định sẽ làm tốt hơn...Nhưng bây giờ thì cháu phải làm thủ tục kết thúc hợp đồng.
- Cháu nhất định không gia hạn hợp đồng sao?Cô đang định bàn với cháu về việc này. Ban giám đốc rất muốn cháu tham gia thiết kế loạt sản phẩm cho đối tượng khách hàng trẻ.
- Cháu còn việc ở Molly mà cô.
- Ivy đang rất cần người như cháu. Vậy mà cháu lại... - Bà Giang xịu mặt - Công việc ở nhà may đó cháu giao cho người khác cũng được chứ sao.
- Cháu cũng đang có ý định đi học một khoá nâng cao ở nước ngoài nữa.
- Ồ vậy à?Cô nghĩ Emilio có thể giời thiệu cháu với học viện thời trang Milano. Sau đó cháu trở về đây làm việc luôn. Cháu thấy có được không?
Đan nhỉn vẻ hào hứng của bà Giang. Bà quả là người biết tạo những ràng buộc bằng những ưu đãi dể chịu. Nhưng một người như cô có xứng đáng với những ràng buộc vậy không? Cô đã nhận điều kiện làm việc tốt nhất của công ty và chỉ đạt kết quả dưới sự mong đợi. Cô không thể nhận thêm ưu đãi nào khác! Khẽ lắc đầu, cô nói đăm chiêu:
- Tạm thời cháu mới chỉ có ý định như vậy thôi. Chưa có kế hoạch gì cụ thể cả.
Một chiếc xe đẩy phía sau đâm sầm vào hông làm cho Đan sực tỉnh. Mỉm cười trước những lời xin lỗi của bà mẹ trẻ vì chú nhóc nghịch ngợm đẩy xe lung tung, cô bước tới kệ bàn hoa quả nhập khẩu, chọn một khay táo đỏ thẫm và một hộp nho tím to mọng.
Thạch đón cô bằng cái chân bó bột và gương mặt đen sạm. Anh nở một nụ cười nhẹ nhõm khi nghe giọng Đan trêu trọc:
- Anh trông như xác ướp Ai Cập ấy!
Cô ngồi xuống bên giường anh, tự nhiên sắp xếp lại mấy chiếc cốc trên đầu tủ rồi để gói hoa quả vào. Thạch với tay lấy khay táo, bóc lớp giấy bóng lấy ngay ra một quả gặm ngon lành. Đan cằn nhằn:
- Anh đợi rửa đã chứ!
Nhưng cô không ngăn anh lại mà chỉ mỉm cười.
Thạch vừa nhồm nhoàm nhai táo vừa hỏi:
- Đây là quà thăm nuôi người ốm hay khao đoạt giải, Đan?
- Hơ, anh không thấy em mua hai thứ sao?
- Anh có thấy đấy chứ, nhưng không biết cái nào để thăm nuôi cái nào để khao.
- Anh thích đồng nào mua mắm đồng nào mua tương? Đùa thế chứ toàn là quá thăm nuôi thôi. Mỗi giải ba, nói chuyện khao ngượng chết!
- Giải ba cũng là giải chứ. Dễ gì mà vào tận vòng trong rồi đoạt giải được.
- Nói ra thì anh bảo không biết mình là ai, chứ em nghỉ phải được giải cao hơn mới đúng.
Thạch lật gối cầm mấy bản vẻ phác thảo lên ngắm nghía rồi lại chìa ra:
- Ai bảo Đan không đem thiết kế đồng phục cho Núi Ba đi thi luôn. Mẫu đẹp thế này đem đi, cầm chắc đoạt giải nhất.
- Mẫu kia cũng đẹp vậy.
- Anh thấy mẫu này đẹp hơn. Vẽ trên giấy nhìn đã mê rồi. Bây giờ mà có một bộ thật trước mắt thì còn mê nữa.
- Ở anh vẫn chưa cho may sao? Mấy tháng rồi còn gì?
- Thì anh bận suốt ở công trường, có lúc nào gặp được anh Lập mà nói. May mà bị đâm xe nên mới có thời gian nghỉ ngơi nghiên cứu thời trang đấy.
Đan nhìn anh. So với hồi ở Núi Ba, Thạch đen và gầy đi. Việc khảo sát và trông coi thi công giữa mùa hè ờ vùng gió Lào đấy quả là một kiểu khổ sai. Cô buột miệng:
- Anh Lập giao việc cho anh mà cứ như cho đi đày ấy nhỉ. Giữa mùa hè đi miền Trung thì khác gì đi Hoả Diệm Sơn!
- Ấy nói thế! Khổ vậy đã ăn thua gì. Vùng đấy ven biển, nóng quá chỉ việc ào xuống một cái hết. Bọn bạn anh còn có công trình ở trên vùng núi đá Hà Giang, cỏ cũng không có đủ nước mà mọc, muốn có nước mỗ lợn luộc gà làm liên hoan thì phải nhịn tắm mấy hôm đấy.
- Thật à?
- Thật. Anh lên đấy chơi, chúng nói bắt uống rượu vì hết nước pha trà.
Đan cười vì vẻ mặt tếu táo của Thạch. Cô chỉ váo mấy mẫu vẻ:
- Thế mấy hôm nay anh đã nói với anh Lập chưa? Nếu chưa nói thì để em về in cho bản khác. Anh để bản này nhàu hết rồi.
- Ừm...tại anh kẹp chung với mấy tờ báo, mấy ông thợ không biết đem ra lót ngồi chơi bài nên mới...
- Ôi trời để em về in lại. Chứ thế này mà đưa...
- Đưa thế thì làm sao nào?
Giọng của Lập, anh ta có vẻ bông đùa. Đan ngước nhìn lên. Bây giờ cô mới nhận ra Lập rất cao lớn, nhất là khi đóng bộ complet như lúc này. Anh mở cúc áo khoác và nới cà vạt rồi ngồi phịch xuống giường làm Thạch nhăn mặt. Thấy thế, Lập vỗ bồm bộp lên cái chân băng bột của em trai như vỗ trống cơm làm Thạch kêu oai oái. Đan khẽ cười trước cảnh hai anh em đùa giỡn. Lập nhắc lại câu hỏi và cô nhẹ nhàng trả lời:
- Không sao. Chỉ là để hình dung ý tưởng cho rõ thôi.
- Thế này cũng tạm rõ rồi. Nào cô nói xem nên dùng vải gì cho mấy cái này?
- Quần và váy thì nên dùng kaki. Kaki thô thì thoáng, dễ chịu khi mặc nhưng sẽ dễ nhàu, nên dùng loại co giản một chút. Còn áo thì còn tuỳ...
- Tuỳ cái gì? Cô cứ nói thử xem.
- Thật ra thì vải gì may áo cũng được. Chỉ cần mua một loại thổ cẩm Mai Châu làm nẹp, viền đồng bộ thôi.
- Bỏ qua cái nẹp viền. Chất vải áo chính theo ý cô nên thế nào?
- Áo của nhân viên nam nên dùng đũi, vì kiểu áo như thế này... - Đan lấy mẫu chỉ cho Lập, cô vẫn ngồi trên chiếc ghê xếp cạnh giường còn anh đang tì một tay vào lưng ghế, vạt áo vest chạm vào vai và cánh tay cô - Kiểu này không có dựng đứng áo được nên dùng vải mềm quá thì sẽ tạo cảm giác ẻo lả. Đũi là loại thoáng mát và cứng vừa phải. Nhưng độ bền không cao lắm, kể cả với loại đũi công nghiệp.
- Còn của nữ?
- Áo nữ thì đơn giản, Dùng loại vải phin thô, lụa hay lanh đều được.
- Anh thấy Đan có vẻ thích chất liệu tự nhiên - Thạch lên tiếng góp chuyện - Sao không dùng loại vải gì dễ giặt ủi một chút?
- Hơ, anh đúng là không phải mặc đồng phục bao giờ! Đồng phục hiện tại của Núi Ba vừa không hợp số đo vừa không hợp công việc mà chất vải lại nóng. Nói thật là Đan mặc có mấy ngày đã khó chịu gần chết!
- Cô nó rõ xem nào! - Lập cau mày, anh ngồi trở lại giường.
- Đồng phục ở Núi Ba bây giờ mùa đông cũng như mùa hè, tất cả đều là áo dạng vest. Mùa hè tay lỡ còn mùa đông thì tay dài hẳn. Áo mùa đông em chưa dám nói chứ áo mùa hè thì... xin lỗi hai anh, thà mặc áo hai dây làm đồng phục còn hơn!
Ngưng lại một chút như thăm dò người đối diện, thấy cả Lập và Thạch đều chăm chú nhìn mình, Đan nói tiếp:
- Áo quá bó, chất vải quá cứng mà lại thiết kế theo kiểu không cài cúc không được, làm việc cử động rất mất tự nhiên. Tay không dài không ngắn, xắn lên cũng khó, chỉ muốn xẻ một đường cho nó tung ra để mỗi khi cử động nó không cọ vào khoeo, khuỷu tay. Người nào da nhạy cảm còn dễ bị dị ứng mẩn ngứa hay phồng rộp những chỗ da cọ vào vải liên tục. Đan làm việc trong bar có quạt hơi nước mà còn thấy nóng bức nữa là những người làm ngoài trời...
- Được rồi! Chừng đấy là đủ biết tài phân tích của cô rồi. Giờ thì cô đề xuất phương án khắc phục đi. Tạm thời trong lúc chưa may được đồng phục mới thì nhân viên của tôi vẫn mặc đồng phục cũ.
- À, tôi đã nói rồi đấy. Cái tay áo có thể đem xẻ ra.
- Sao không cắt ngắn hẳn đi? - Thạch chen vào.
- Làm thế thì mất dáng áo, anh ạ. Trông cái áo sẽ cụt cụt, không đẹp.
- Cô chê mẫu cũ không tiếc lời, mẫu mới của cô thì khắc phục được hết những nhược điểm ấy à? - Lập nhếch mép.
- Được! - Đan nhìn thẳng vào mắt anh một cách quả quyết.
Lập nhìn trả vào đôi mắt mờ mờ quầng thâm ấy. Anh thích thú vì thấy vẻ long lanh như thách thức trong đó. Gương mặt Đan dường như bao phủ một nét mệt mỏi dù cô đã cố trang điểm khéo để che bớt. Sau làn son màu hồng cam của đôi môi mím chặt kia là màu gì nhỉ? Lập vội vã liếc xuống đồng hồ:
- Đến giờ tôi phải đi rồi. Cô cứ nói tiếp với Thạch. Rổi tôi sẽ hỏi lại sau....Khi nào Thạch đỡi thì lo vụ này cho anh nhé. Làm đồng phục cho toàn bộ mấy chỗ luôn.
Anh không chào ai, lầm lì ra khỏi phòng.
Thạch quay lại nhìn Đan, giọng hơi ái ngại:
- Tính anh Lập từ xưa vẫn thế. Đan đừng giận nhé.
- Không sao đâu anh.
- Thật là không sao không? Nhìn mặt Đan buồn thế nào ấy.
- Thì em cũng đang buồn một chút.
- Không phải vì anh Lập chứ?.
- không, không phải - Đan lắc đầu - Buồn vì mấy chuyện linh tinh thôi anh.
- Nói anh nghe được không?
- Cũng chẳng có gì...Vẫn chuyện ở Molly.
- Việc Đan kẹt vốn đó hả?
- Dạ. Vừa rồi làm hợp đồng với bên IVy không thành công như mong muốn. Em định rút vốn ra lấy tiền làm riêng hoặc đi du học ngắn hạn.
Nhưng mà tình hình này chắc không được.
- Sao vậy?Hai người kia gặp chuyện gì à?
- Không...không có chuyện gì. Là việc mừng. Họ chuẩn bị cưới.
- Ồ, kiểu tình yêu như sáp nhập trong kinh doanh đó hả?
- Thật ra thì hai người đấy sống với nhau từ hồi sinh viên. Phải tổ chứ đám cưới vì...lỡ kế hoạch.
- À...Thạch gật đầu vẻ thông hiểu.
- Chính vì việc cưói hỏi và đứa nhỏ này mà em không thể rút khỏi Molly được. Hai người họ từ lâu rồi không còn thiết kế gì nữa. Họ may đo bình thường và nhận hợp đồng gia công. Chỉ còn em thiết kế và nhận làm theo đặt hàng độc quyền.
- Vậy thì Đan càng phải rút vốn làm riêng chứ! Chung với họ làm sao mà sòng phẳng được.
- Mắc mớ là em vẫn dùng tên MOlly để liên hệ với khách hàng và khi có hợp đồng kiểu như thiết kế cho một ngôi sao nào, vẫn dùng thợ của Molly. Quần áo đó vẫn gắn mác Molly. Việc chia lợi nhuận những hợp đồng kiểu này không đến nỗi. Mỗi tháng ít nhất em cũng có một hoặc hai hợp đồng kiểu này, có hợp đồng lên đến chục triệu.
- Nếu Đan rút đi thì họ cũng chỉ mất mỗi khoản chia lợi nhuận đấy thôi mà. Tuy vài triệu một tháng cũng không nhỏ nhưng làm gì đến nỗi phải giữ bằng được.
- Không anh ạ, bây giờ Molly vẫn được nhắc đến vì đã may ào dài cho diễn viên này, trang phục biểu diễn cho ca sĩ kia nên mới có nhiều khách hàng bình thường nghe tiếng ham đến may, sẵn sàng chịu giá cao. Nếu em rút vốn, Molly sẽ không nhận hợp đồng độc quyền nữa. Họ sẽ mất tiếng, và sau đó tất nhiên khách thường cũng mất. Vì giá may ở Molly cao hơn mặt bằng chung khá nhiều...
- À vậy thì khó rồi!
- Đó là chưa kể nếu em không đi du học mà mở tiệm mới, sẽ có một số thợ giỏi ở Molly đi theo.
- Nếu thế thì càng tệ.
- Vì vậy nên em mới không nỡ. Nếu em đi là họ sẽ lao đao. Tiền cưới đã tốn kém rồi, mà nuôi trẻ con thì vất vả lắm...
- Anh nói cái này hơi hồ đồ nhưng Đan có thấy là mình đang bị lợi dụng không? Lúc không lợi dung được nữa thì họ lại dùng mọi cách kêu gọi lòng thương của Đan. Không chừng cưới và có con cũng là một cách đấy.
- Em không nghĩ là họ cố tình. Ba người chơi với nhau cũng lâu rồi. Làm ăn chung cũng ổn. Ngoài việc bất đồng quan điểm ra, em thấy không có vấn đề gì.
- Ừ, có thể là anh chưa gặp nên suy luận không đúng.
- Thôi em phải về đây. Ở đây phiền anh từ nãy đến giờ.
- Đan ở lại ăn cơm đã.
- Dạ thôi. Hôm nay em cần qua mấy chổ nữa.
- Vậy à? Vậy anh không giữ nữa. Anh còn phải ở nhà lâu, thỉnh thoảng Đan rỗi thì qua nói chuyện với anh cho vui. Có chuyện gì cũng có người nghe và tìm cách gỡ cùng.
- Em cũng sẽ rổi rãi lâu. Sẽ qua làm phiền anh thường xuyên. Còn nhiều chuyện muốn tra khảo anh lắm... Anh nghỉ lấy sức đi nhé.
Thạch định chống nạng ra cửa tiễn nhưng Đan ngăn lại. Cô khép cửa phòng cho anh rồi theo bà giúp việc đi ra hiên. Trời đã tối hẳn, một mảnh trăng lưỡi liềm treo lơ lửng phía trên ngọn cau, mùi hoa cau thơm mộc mạc. Nơi ở của gia đình Thạch rất rộng. Khu vườn um tùm bao quanh ngôi nhà ba tầng xây giả kiểu biệt thự Pháp cổ. Từ chỗ đỗ xe vào đến nhà phải mất một đoạn nữa. Nhà rộng như vậy nhưng vắng vẻ đến hiu quạnh. Chắc hẳn khi hai anh em Thạch đi làm ở tỉnh xa hết, mẹ anh sẽ cảm thấy trống vắng vô cùng.
Dắt chiếc bianco ra khỏi cổng rồi mới nổ máy đi, Đan hướng về phía trung tâm thành phố. Cô hẹn vợ chồng Nga ăn tối. Dù sao cô cũng làm chung với họ mấy năm nay, đám cưới và đứa trẻ sắp ra đời tuy đem đến cho cô chút trở ngại công việc nhưng vẫn là chuyện đáng chúc mừng. Cô phải tìm cái gì đó tặng cho họ mới được.
Rẽ vào một hiệu sách lớn, Đan thong thả dạo bước giửa dãy nhà kê la liệt sách. Còn hơn nửa tiếng nữa mới tới giờ hẹn, cô có thể thư giãn một chút. Lật giở mấy cuốn tạp chí thời trang mới nhập khẩu, cô nhăn mặt khi nhìn thấy tấm giấy phản quang ghi giá tiền bằng USD. Nếu là cách đây vài tháng, có lẽ cô cũng không ngần ngại mang chúng ra quầy tính tiền, nhưng hôm nay thì... Tạm thời kẹt vốn ờ Molly, hợp đồng với IVy coi như chỉ mang ý nghĩa tinh thần, chưa tìm ra hướng đi mới, cô sẽ phải cầm chừng mỗi tháng một hợp đồng thiết kế gì đó cho giới biểu diễn và chi tiêu dè dặt hơn.
Tiếc rẻ bỏ mấy cuối tạp chí Vogue xuống, tới chỗ bày bán sách gia đình, cô loay hoay lựa chọn mấy cuốn Chăm sóc sức khoẻ khi mang thai, Những điều cần biết khi sinh con, một năm đầu đời bé... Quá nhiều tên sách na ná nhau, cuốn ào cũng in đẹp, có cuốn khổ lớn in màu, có cuốn nhỏ xinh như sổ tay, Đan phân vân rồi quyết định hỏi nhân viên nhà sách. Ngẩn lên nhìn quanh tìm bóng áo xanh của nhân viên nhà sách, cô giật mình vì thấy Lập đang đứng sừng sững ở kê đối diện và nhìn cô chăm chú. Thấy cô nhận ra mình, anh ta mỉm cười và gật đầu kiểu cách. Đan chưa kịp chào lại thì Lập đã đi thẳng sau khi ném cho cô cái nhìn không biết nên gọi là gì. Mãi đến khi sực tỉnh, nhìn xuống chồng sách trên tay, Đan mới thoáng đỏ mặt và chợt hiểu tại sao anh ta nhìn cô bằng ánh mắt đấy. Mà thôi, mặc kệ cái thói suy diễn của anh ta, cô chọn lấy hai cuốn đẹp nhất đem ra.
Vì phải chờ nhân viên gói quà tìm giấy khổ lớn vừa cuốn sách, Đan đến nhà hàng muộn. Nhà hàng khá đông, điện thoại lại hết pin không thể gọi hay nhắn được, cô nheo mắt ngó nghiêng tìm xem hai người kia ở chỗ nào nhưng vẫn chưa thấy. Cầm gói quà to, cô đi dọc theo dãy hành lang dẫn ra sân sau. Nhà hàng này quả là biết tận dụng địa diểm, những đoạn hành lang hẹp cũng biến thành chỗ kê bàn ăn như thường. Chưa đi hết khoảng hành lang, Đan đã nghe thấy giọng Nga ấm ức:
- Anh chờ thêm một chút không được à? Mới có mười phút.
- Có khi nào nó không thèm đến không?
- Vớ vẩn! Chính nó hẹn mình cơ mà.
- Nhưng dễ nó xù vì tiếc của lắm, cái con dở hơi ấy...
- Ăn nói cẩn thận tí đi!
- Ôi dào, nó không đến đâu. Em biết tính nó rồi, đúng giờ bỏ cha ra.
- Không đến thì nó phải gọi điện chứ.
- Chắc máu quá quên hết sự đời rồi. Hôm nọ đi với một thằng xế hộp xịn đến nửa đêm mới về.
- Sao anh biết?
- Thì chính mắt anh thấy chứ đâu. Đi trả nợ ông Tuất ở đầu ngõ nhà nó, mưa lớn quá mới đứng lại trú, thấy chị chảng ăn mặc xốc xếch chui ra khỏi xe BMW.
- Chà ghê gớm đây nhe! Vừa mới bị thằng cha Vinh đá đẹp không lâu đã vớt được con cá to rồi. BMW cơ à... chà... chà...
- Ừ, thế mà còn tiếc của mình mấy nghìn đô bẩn.
- Cũng may anh còn nhanh trí... không thì chết dở. Nhưng mà em lo lo...
- Cái gì?
- Con này trông thế chứ tinh lắm, nó nhìn ra cái kia thì...
- Suỵt, im nào nhỡ có ai nghe thấy.
- Anh vừa bảo nó không đến cơ mà.
- Cẩn thận vẫn hơn. Đến khi nào trót lọt vẫn hay.
Đan lùi dần. Cô tựa vào một chiêc cột, cảm giác thật khó chịu. Nỗi băn khoăn tưởng như vớ vẩn và lời suy đoán mơ hồ của Thạch mà cô cố gạt đi hoá ra lại không sai tí nào! Bấm tay vào cuốn sách làm lớp giấy gói rách lỗ chỗ, Đan lặng lẽ đi về phía cửa.
Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/20814


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận