Con Gái Của Gian Thần Chương 17


Chương 17
Người trong nghề ra tay: Chuyện này không khoa học chút nào!

Thế gia, vẫn luôn có cách thức hành động khiến cho người ta không thể đoán trước được, ngấm vào từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Ví dụ như, đến làm khách ở nhà người ta, nhất định muốn gặp mặt chủ nhà, nhất là khi, người mà bạn muốn gặp không chỉ là chủ nhà, mà còn là muốn đi gặp lão đại của cái địa bàn này để biểu hiện một chút thành ý, tránh để người ta nghĩ rằng mình lén lút vào nhà người ta. Cố Nãi chính là nghĩ như vậy. Thúc tổ phụ Cố Ích Thuần của anh ta đang ở nhờ ở Trịnh gia, nếu như anh ta đến bái kiến thúc tổ, thì phải đi gặp mặt đương gia của Trịnh gia là Trịnh Tĩnh Nghiệp. Trịnh Tĩnh Nghiệp xin nghỉ ốm, nếu như không phải là mắc phải bệnh gì rất nặng, rất nhiều người phỏng đoán, nhất định là ông ta đang có âm mưu quỷ kế gì đó, giả ốm xin nghỉ để trốn đi bày mưu tính kế hãm hại trung lương. Nếu đúng là ông ta bị bệnh, thì Cố Nãi vừa là khách vừa là hậu bối lại càng cần phải hỏi thăm bệnh tình của Trịnh Tĩnh Nghiệp. Vấn đề chính là, Trịnh Tĩnh Nghiệp lão nhân gia ông ta lúc đó không có ở nhà!

Trịnh tướng sau khi tiến cử sư phụ của ông ta vào triều khiến cho triều đình chướng khí mù mịt, đã giả bệnh để xin nghỉ, còn ông ta chạy đi câu cá!

Đỗ thị một mặt sắp xếp cháu tiếp đón Cố Nãi, một mặt sai người đi tìm Trịnh Tĩnh Nghiệp. Lại còn phải giữ chặt Vu Minh Lãng và vị Nhã cô nương kia ở bên cạnh, chờ người nhà của họ đến đón mới giao tận tay, tránh nửa đường lại xảy ra bất trắc. Bà sắp xếp như thế, thời gian Cố Nãi ở chỗ Cố Ích Thuần sẽ kéo dài thêm một chút, Trịnh Đức Hưng có phần ngại ngùng, tìm mấy đề tài hỏi han Cố Nãi, một nửa là để phân tán sự chú ý của Cố Nãi, một nửa còn lại là vì ngưỡng mộ thế gia. Từ ông tổ của Cố thị chia ra làm năm chi, Cố Ích Thuần cùng với Cố Nãi cũng không phải thuộc bản tông, nhưng cũng là thuộc chính tông của một trong số năm chi ấy, Trịnh Đức Hưng vô cùng có ý muốn tiếp cận với Cố Nãi.

“Cố huynh đi đường xa đến, không biết cảm thấy thế nào?”.

Cố Nãi mỉm cười: “Đường đi bằng phẳng, nhưng từ khi đặt chân vào Hi Sơn, thì đường bắt đầu trở nên gập ghềnh”.

Nơi ở của Cố Ích Thuần có phong cách rất cổ xưa, hơn phân nửa đồ đạc trong nhà đều là đồ thấp lùn, ghế ngồi cũng thế. Ba người lúc này đều đang ngồi quỳ, Cố Ích Thuần nhìn cháu trai, trong lòng thầm thở dài, ông ta đã đoán ra vì sao tiểu tử này lại tới rồi. Vốn là, ông ta vẫn trốn không muốn trở về nhà, người nhà e ngại danh tiếng của ông ta càng lúc càng lớn, nên mới thỏa hiệp, rất nghiêm túc đưa ra điều kiện với ông ta: quay về, sẽ không ép ông ta lấy người mà ông ta không muốn lấy. Thế nhưng Cố Ích Thuần vẫn chết cũng không chịu quay về, nên người nhà mới trước tiên sai cháu trai ông ta đến gặp ông ta. Ông ta không chịu nhận đồ đệ, cũng không chịu quay về giáo dục thế hệ sau của gia tộc, nên họ không thể làm gì khác hơn là sử dụng cách thức trung gian này, dù sao có còn hơn là không.

Sau khi Cố Ích Thuần vào kinh người nhà ông ta cũng đã từng gửi thư bảo ông ta quay về nhà. Tuy không thích bị gia tộc trói buộc, nhưng sâu trong đáy lòng ông ta vẫn còn có sự tồn tại của gia tộc. Cố Ích Thuần rất nhạy cảm nên cảm giác được không khí trong kinh thành rất kỳ lạ, sợ người nhà mình sơ ý rồi lại không rút chân ra được, tạo thành hậu quả tồi tệ, nên khi viết thư về nhà có nhắc nhở kỹ: ở yên trong nhà, tình hình bất ổn. Người nhà cũng có phần tỉnh ngộ, không đi quấy rầy ông ta nữa. Ai ngờ mới được có hai tháng, người nhà nhớ nhung ông ta mà đưa một đứa cháu trai qua đây. Thư Cố Nãi mang đến ông ta còn chưa thèm mở ra đọc, xem chừng cũng chẳng có gì khác ngoài chuyện đầu tiên là hỏi thăm sức khỏe của ông ta, hỏi tình hình trong triều, sau đó là người nhà có khả năng muốn hành động. Trong triều có nhiều chuyện, cho dù không tham gia, chẳng bao lâu sau cũng sẽ bị lôi kéo mà thôi, nếu tham gia, thì lại là một sự mạo hiểm về mặt đầu tư chính trị. Cố Ích Thuần cố gắng tìm ra một con đường vô hại nhất đối với gia tộc, rồi lại nghĩ, trong triều có nhiều chuyện, Trịnh Tĩnh Nghiệp làm Thừa tướng có bị nguy hiểm gì hay không? Ông ta không phải là con cháu thế gia, có thất bại cũng không có gia tộc giúp đỡ, nên người ta cũng sẽ không vì nể mặt gia tộc mà không đuổi tận giết tuyệt, có chuyện gì xảy ra ông ta cũng chỉ có thể tự mình đứng ra gánh vác, đúng là không có bảo hiểm tốt!

Cố Nãi cùng với Trịnh Đức Hưng ở bên cạnh lại đang rất có hứng thú bước vào trạng thái xã giao.

—– o0o —–

Cố Ích Thuần ngồi nghe hai đứa trẻ ra vẻ người lớn mà ân cần hỏi han nhau, quả thật là rất muốn trợn mắt há mồm, sau đó, ông ta đúng là liếc nhìn bọn họ với ánh mắt đầy xem thường. Ánh mắt nhìn lên phía trên, ặc? Đây là sao?

Trịnh Tĩnh Nghiệp mặc quần áo ngắn gọn gàng, chân đi một đôi giày bằng sợi đay đan, ống quần xắn tới tận đầu gối, dáng vẻ như vậy mà dám ngang nhiên chạy qua chỗ này.

Cố Ích Thuần bĩu môi: “Đệ làm cái gì vậy?”.

“Câu cá, thấy cũng gần đến trưa rồi, mới câu được có năm con cá, nghĩ đi nghĩ lại chỗ đấy cũng chẳng đủ để cho mọi người dính răng, nên chẳng còn cách nào khác là phải nhảy xuống suối mà bắt cá thôi”.

Cố Ích Thuần cười to, chiếc quạt trong tay đập liên tiếp xuống chiếc chiếu ở dưới người, xem ra Trịnh Tĩnh Nghiệp lúc đi câu cá có đội theo nón, sau khi bỏ nón ra tóc có phần bị rối, nhưng chưa được chải lại đã vội tới đây. Cố Nãi cùng Trịnh Đức Hưng đều đã đứng dậy, trông rất trang nghiêm.

Trịnh Tĩnh Nghiệp bước đến gần, đánh giá Cố Nãi. Thấy tiểu tử này mặt mũi sáng sủa, là một thiếu niên có dáng vóc mảnh khảnh, thân mình không hề thấp chút nào, lúc này đang yên lặng đứng đó. Lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp trở về cũng đã nghe nói có hai nhóm tiểu bối tới nhà chơi, chuyện của Vu Minh Lãng cũng chẳng có gì là to tát, chỉ sợ có kẻ nhân cơ hội này lại kiếm chuyện mà thôi. Mà người ở trước mặt đây, mới đúng là kẻ phiền phức.

Trịnh Tĩnh Nghiệp dám đánh cược, thiếu niên mười bốn tuổi ở trước mặt này, so với Vu Minh Lãng đã mười tám tuổi đang ôm nữ nhân khóc lóc ở chỗ Đỗ thị còn muốn trưởng thành hơn.

“Vị tiểu lang quân này là?”. Giọng nói của Trịnh Tĩnh Nghiệp mang theo vài phần trêu ghẹo.

Cố Ích Thuần gật đầu: “Thất lang, chào hỏi chủ nhà đi”.

Cố Nãi bước lên phía trước hành lễ, tự giới thiệu gia môn, cúi chào, miệng xưng vãn sinh. Trịnh Tĩnh Nghiệp đáp lời: “Không cần khách sáo”. Sau đó đưa mắt ra hiệu, Trịnh Đức Hưng bước lên đỡ Cố Nãi.

Cố Nãi ngẩng đầu, nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp, trong lòng không tránh khỏi cảm thấy ngạc nhiên. Gian thần trong truyền thuyết hóa ra là đẹp đến thế! Chẳng những không phải là mắt tam giác, mày nhọn, mũi tẹt, mà hoàn toàn ngược lại, nhìn trông vô cùng thanh cao, nếu như giả mạo thành danh sĩ thế gia cũng không có ai có thể nghi ngờ được.

Lại nhìn cử chỉ hành vi của Trịnh Tĩnh Nghiệp, mặc quần áo vải thô, không hề có chút mất tự nhiên nào cả, giống như ông ta đang mặc quần áo của Thừa tướng khi lên triều. Lời lẽ của ông ta khiến cho người ta cảm thấy tươi mát như gió xuân: “Thất lang đến có chuyện gì không? Nếu không ngại thì ở lại mấy ngày, hôm nay ăn thử cá chép này xem, tươi lắm đấy”. Giống như xuống sông bắt cá cùng với hứng tuyết nấu rượu đều tao nhã như nhau. Không đúng, ông ta dường như có thể biến chuyện bản thân tự đi bắt cá đãi khách trở thành một câu chuyện vui vẻ. Đây đúng là những hành động của một danh sĩ.

Chuyện này không khoa học chút nào!

Cố Nãi lần này tới là mang trên mình trách nhiệm rất nặng. Thế gia ở trong kinh thành đều vô cùng mẫn cảm với biến đổi của quyền lợi, nếu không moi được tin tức gì từ hoàng thất, thì cũng phải liên hệ với những người có quyền. Thế gia từ đâu mà tạo thành? Bạn nghĩ là cứ ra vẻ quân tử thì sẽ được người ta thừa nhận là thế gia hay sao? Tổ tiên mà không có vài người làm quan lớn, làm sao có thể được sắp xếp vào hàng ngũ thế gia?

Tương tự, thế gia cũng không phải là một khối thép rắn chắc, mặc dù là chung tay góp sức lại để bảo vệ địa vị của thế gia, nhưng mà việc đấu đá lẫn nhau để tranh giành quyền lợi cũng không hề ít. Giống như chuyện xảy ra ở triều đại trước vậy thôi, một thế gia là Cốc thị đã giành lấy vị trí Hoàng hậu từ trong tay một thế gia khác là Quý thị, chèn ép Quý thị mười năm, sau khi Quý thị lên nắm quyền trở lại đã hạ thấp thụy hào của người nhà Cốc thị, trở thành sự tiếc nuối trong suốt một trăm hai mươi năm của Cốc thị. Đấy cũng chỉ là một chút chuyện lộ ra bên ngoài thôi, chứ việc các gia tộc ngầm tranh chấp địa vị là không hề thiếu.

Triều đình có biến động, Cố Ích Thuần lại nhắc nhở người nhà không nên làm bừa. Suy nghĩ kỹ càng, hay là đi liên lạc với các mối quan hệ trong kinh thành đi. Tất nhiên là Cố gia có người làm quan, lại còn là số lượng không nhỏ, nhưng phần lớn trong đó là người của bổn gia, số lượng người của các chi tuy không ít, nhưng phần lớn lại ở ngoài kinh thành, mà lại đều là người trưởng thành, dễ khiến người khác chú ý. Vì thế nên mới sai Cố Nãi đến đây, thứ nhất là tuổi còn nhỏ, dễ tìm lý do (chăm sóc thúc tổ); thứ hai cũng là bởi vì Cố Nãi tuổi còn nhỏ, nhưng đã có chủ kiến; cuối cùng, tùy theo tình huống, vì Cố Nãi tìm một xuất thân tốt. Cho dù không phải là trực tiếp được làm quan, nhưng trong lý lịch có một quãng thời gian ở lại chỗ của danh sĩ Cố Ích Thuần chính là bước đi đầu tiên tốt nhất.

Vốn Cố Ích Thuần cùng Trịnh Tĩnh Nghiệp rất thân thiết, người nhà còn có phần không thích, nhưng bây giờ, có thể ở chỗ nào nghe ngóng được tin tức trên triều chính xác hơn là ở trong nhà một vị Thừa tướng đương triều cơ chứ? Trong khi đó thì Hoàng đế lại càng ngày càng thích chạy qua chỗ của Quý phi.

Cố Nãi vốn đã chuẩn bị tâm lý để dấn thân vào một cuộc chiến ác liệt, bị xoi mói, bị người ta dùng ánh mắt tràn đầy sự hâm mộ ghen tị căm ghét mà đánh giá, bị các tỳ nữ vây xem, bị Tướng phủ lấy khí thế quyền lực xúc phạm… Kiểu gì nó cũng đã chuẩn bị sẵn đối sách rồi. Nhưng ngoại trừ việc Trịnh Tĩnh Nghiệp vì đi bắt cá mà chậm trễ gặp mặt, thì Trịnh phủ tiếp đón khách lại rất có quy củ, việc gặp mặt Trịnh Tĩnh Nghiệp vậy nhưng hết sức nhẹ nhàng không hề căng thẳng chút nào.

Cố Nãi mở to mắt nhìn, nhiều năm chịu sự giáo dục của thế gia, nên vẫn còn có thể trong đầu suy nghĩ chuyện khác nhưng vẫn đối đáp trôi chảy với Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Còn chưa nói chuyện được mấy câu, đã tới lúc ăn cơm.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đứng dậy: “Tôi với Tư Huyền là đồng môn cùng học một thầy, thất lang lần này đến, cứ coi như đang ở nhà”, sau đó ra lệnh dọn cơm, “Nói với phu nhân, tôi ở đây dùng cơm với Cố huynh”. Giữ Trịnh Đức Hưng ở lại ăn cơm cùng với Cố Nãi, để Đỗ thị ăn cơm với những người còn lại.

Sắp xếp như vậy là có lý do, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã biết Đỗ thị báo người nhà của Vu gia đến đón Vu Minh Lãng, tính toán thời gian, cũng sắp đến giữa trưa rồi. Đỗ thị chắc là sẽ ăn cơm với Vu Minh Lãng để coi chừng, nếu như để cho hai ông cháu của Cố gia ăn cơm với nhau thì lại không thích hợp, chủ yếu là cần phải đề phòng Cố Nãi.

Ăn cơm xong, là tới thời gian nghỉ trưa, giữ hai ông cháu Cố thị ở chỗ Cố Ích Thuần nói chuyện, người của Vu gia cũng nên tới nơi, vừa đúng lúc để Trịnh Tĩnh Nghiệp đi xử lý chuyện này. Dự định đã lên sẵn, mọi chuyện diễn biến cũng coi như thuận lợi.

Trong lúc ăn cơm Trịnh Tĩnh Nghiệp vô cùng hứng thú giới thiệu: “Lúc còn nhỏ nhà tôi rất nghèo, trên đời này miễn là đồ có thể ăn được, tôi đều có thể ăn cho no bụng. Chuyện bắt cá này chỉ là chút tài vặt mà thôi”.

Cố Ích Thuần nói: “Còn có câu cá, bắt rắn, bắn chim, hầu như chẳng có gì là đệ không ăn hết cả”.

Cố Nãi cảm thấy giống như ngực vừa bị một mũi tên bắn trúng, chỉ cần tiếp tục ở chung với người này một thời gian nữa, nó sẽ cảm thấy người nhà mình đã hiểu lầm Trịnh Tĩnh Nghiệp rồi.

Ăn cơm xong, Cố Nãi mơ mơ hồ hồ xin cáo lui với thúc tổ, bước vào căn phòng mới được chuẩn bị cho mình, miễn cưỡng bước lên giường, cảm thấy trong đầu rất hỗn loạn.

Chuyện này không khoa học chút nào! Có gian thần nào ở nhà mà lại như thế cơ chứ!

—– o0o —–

Bạn nhỏ Cố Nãi, bạn nói đúng rồi đấy!

Gian thần có lúc ở nhà, nhưng cũng có lúc không ở nhà, Trịnh Tĩnh Nghiệp quay về phòng đổi một bộ trường sam, đi guốc gỗ, thong thả bước đến phòng khách.

Đỗ thị không dám ngủ trưa, tự mình trông Vu Minh Lãng. Bên ngoài có tiếng thông báo, Đỗ thị đang nhắm mắt nghỉ ngơi, Vu Minh Lãng ngồi ở phía dưới trong lòng cảm thấy bất an, trên trán hai cô gái đứng phía sau anh ta cũng đã đổ mồ hôi.

Tỳ nữ của Nhã cô nương tên là Tiểu Hoàn, nhìn thấy chủ nhân của mình đứng lung lay muốn ngã, nhưng lại sợ sự uy nghiêm của Tướng phủ mà không dám làm gì, chỉ biết lấy tay chọc vào người Vu Minh Lãng. Vu Minh Lãng quay đầu lại, thấy người trong lòng phải chịu khổ như vậy, trong lòng vô cùng đau xót, cầm tay người trong lòng, mở miệng muốn cầu tình.

Đỗ thị lạnh lùng nhìn anh ta một cái, vị Nhã cô nương kia đã lập tức nói: “Thiếp không sao”.

Vu Minh Lãng còn muốn nói tiếp, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã tới.

Trịnh gia ngoại trừ Trịnh Tú, Trịnh Kỳ, Trịnh Sâm đi làm còn chưa về, từ Trịnh Uyển trở xuống tất cả mọi người đều ở đây, ba chị em dâu Phương thị cũng ngồi ở quanh Đỗ thị, Trịnh Diễm ngồi trên giường nhỏ cùng với Đỗ thị, những người còn lại đều ngồi trong phòng khách, lúc này đang là giữa trưa, ai cũng đang mơ mơ màng màng buồn ngủ. Nghe thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp tới, mọi người đều lấy lại tinh thần, xử lý xong chuyện này là có thể quay về đi ngủ rồi.

Trịnh Diễm trượt từ trên giường nhỏ xuống, nhường chỗ cho Trịnh Tĩnh Nghiệp ngồi. Các vãn bối thực hiện xong lễ chào hỏi, đều sắp xếp theo thứ tự mà đứng.

Trịnh Tĩnh Nghiệp hỏi Vu Minh Lãng: “Cháu muốn thế nào?”.

Vu Minh Lãng cảm thấy bàn tay đang run lên, cố tìm dũng khí đáp: “Cháu muốn cưới cô ấy”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nghe thấy vậy thì đưa ra ba câu hỏi: “Cưới thế nào?”, “Lấy cái gì để cưới?”, “Sau khi cưới lấy cái gì để nuôi gia đình?”.

Vu Minh Lãng cứng họng, chỉ ấp úng nói: “… Cháu… vẫn luôn… ở nhà…”.

Đỗ thị cảm thấy ngứa tay, còn Trịnh Diễm thì cảm thấy ngứa miệng.

Vu Minh Lãng không bị đánh cũng không bị mắng, tức chết mất thôi.

Lão bà của Vu Nguyên Tề là Khương thị tự mình đến đón người, chỉ không chú ý một chút con mình đã bỏ chạy đến Trịnh gia rồi, chuyện này khiến cho Khương thị vô cùng tức giận. Vu Minh Lãng chạy đến Trịnh gia để làm gì, Khương thị không cần đoán cũng biết: là vì xin người của Trịnh gia giúp đỡ anh ta.

Muốn áp chế cha mẹ? Muốn chết!

Vãn bối của Trịnh gia nhìn thấy Khương thị, Trịnh Diễm liền gọi một tiếng “Cữu mẫu(*)”. Khương thị đầu đầy mồ hôi bước vào, miễn cưỡng cười nói: “A Diễm đúng là hiểu lễ nghĩa”. Liếc nhìn con mình một cách dữ tợn, rồi lại quay sang nói với Đỗ thị: “Để thằng súc sinh này chạy loạn như vậy, muội không còn mặt mũi nào mà gặp a tỷ nữa”.

(*) Cữu mẫu: mợ/ vợ của cậu.

Đỗ thị nói: “Trước hết xử lý việc này đi đã, để dư luận xôn xao lên sẽ không ổn”.

Vu Minh Lãng sống chết cũng không chịu mở miệng, chắc là do cảm thấy có người ngoài ở đây, mẫu thân sẽ không tức giận. Điều này khiến cho Khương thị tức giận: “Mẹ nuôi con mười tám năm, cũng không bằng tiện phụ này nịnh nọt mấy ngày!”. Sau đó quay sang kể khổ với vợ chồng Trịnh Tĩnh Nghiệp, “Người đã đến rồi, muội cũng đã chấp nhận rồi, chỉ có điều không thể làm thê được! Thông gia của muội đang ở đâu cơ chứ?”.

Khương thị vốn xuất thân là nông phụ, mấy năm nay được dạy dỗ tốt, lời nói cử chỉ cũng đã nhã nhặn đi không ít, nhưng lần này lại bị chọc tức đến mức lộ ra nguyên hình: “Vốn là nói con muốn lấy cô ta, con cứ lấy”, sau đó chỉ tay vào Nhã cô nương, “Không phải cô ta làm thiếp của con, mà là con trở thành thiếp của cô ta!”.

Phụt! Trịnh Diễm muốn cười nhưng lại không dám cười, đành phải cúi đầu xuống, nhưng đầu vai vẫn không ngừng rung rung.

Trịnh Tĩnh Nghiệp ho khan một tiếng, nói với Vu Minh Lãng: “Mấy câu vừa rồi hỏi cháu, cháu còn chưa có trả lời đâu! Cháu lấy cái gì để lấy cô ấy? Lấy cái gì để nuôi gia đình?”.

Khương thị gật mạnh đầu: “Đúng vậy! Con trả lời đi, con lấy cái gì để làm?”.

Vu Minh Lãng cứ nghĩ dẫn người về nhà là xong, mọi chuyện đều hoàn thành, nên bây giờ mới trợn tròn mắt. Trong lòng cảm thấy sợ hãi, nhưng cũng lại thương tiếc tiểu mỹ nhân như hoa như ngọc, nên đành phải cố nén sự xấu hổ xuống, hy vọng có thể lấy hành động để đổi lấy sự đồng tình thương cảm. Quay sang giãi bày với Trịnh Tĩnh Nghiệp, cô gái này là người đồng cam cộng khổ với mình, không thể để cô ấy phải chịu khổ được. Bọn họ là thật lòng yêu nhau, không thể phụ lòng nhau được.

Vu Minh Lãng cảm thấy, Trịnh Tĩnh Nghiệp toàn tâm toàn ý đối xử tốt với lão bà như vậy, nhất định là ông ta có thể hiểu được chuyện này.

Trịnh Tĩnh Nghiệp còn chưa trả lời, Khương thị đã đập một cái lên đầu anh ta rồi, Nhã cô nương lại muốn bước lên che cho tình lang, thì bị ba cô con dâu của Trịnh gia ngăn lại.

Trịnh Tĩnh Nghiệp lạnh lùng nhìn trò hề đang diễn ra trước mặt, cuối cùng cũng mở miệng nói: “Cho cháu hai con đường để lựa chọn: một, nghe lời mẫu thân của cháu; hai, tôi đưa cô gái bỏ nhà trốn đi này trở về quê cũ”. Đối với Thừa tướng mà nói, chuyện này cũng chỉ giống như viết chữ lên một tờ giấy, vô cùng dễ xử lý.

Rất dễ xử lý!

Vu Minh Lãng nhảy dựng lên: “Tướng công vậy mà lại lấy thế lực của mình để chèn ép người khác”.

“Muốn cưới cũng được, cháu tự đến nha môn sửa hộ tịch rồi mang về đây. Tôi sẽ không giúp cháu, phụ thân của cháu cũng sẽ không giúp cháu, cháu muốn làm thế nào để sửa được hộ tịch của cô gái bỏ nhà trốn đi này, thì tùy cháu! Không phải là cháu không thích lấy thế lực để chèn ép người khác hay sao? Vậy đối xử bình đẳng, cũng đừng mượn thế lực mà chèn ép người khác”.

“Nhớ cho rõ, không sửa được, thì cô ta cũng không thể coi như thê tử của cháu được. Đã thế lại còn không có mai mối mà có quan hệ bất chính nữa chứ”.

Vu Minh Lãng: “…”.

Trong khoảnh khắc, cả căn phòng trở nên vô cùng yên tĩnh.

—– o0o —–

Ba người Vu Minh Lãng bị những người do Khương thị mang đến áp tải một cách kín đáo vào trong xe, Khương thị lại cảm ơn hai vợ chồng Trịnh thị. Đỗ thị còn chưa nói gì, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã nói: “Cưng chiều tiểu thiếp bỏ mặc thê tử, không phải là cách để gia đình yên ổn. Đừng để cho bọn nó sinh ra hài tử! Phế đích lập thứ(*), tự mang đến diệt vong!”.

(*) Phế đích lập thứ: không lập con vợ cả/ chính thê làm người thừa kế mà lập con vợ lẽ.

Khương thị sợ hãi đáp vâng.

Khương thị vốn cảm thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp đối xử khắt khe với con mình, nhưng được nhắc nhở như vậy thì đã tỉnh ngộ, nhất thời nhớ lại một câu chuyện cũ. Bà vốn là nguyên phối, tính tình lại đanh đá chua ngoa, nhưng mà Vu Nguyên Tề ông ta lại phát tài! Tướng lãnh ở bên ngoài, lúc hành quân không thể mang theo gia quyến, nhưng nếu như đóng quân ở đâu lâu một chút, thì cũng sẽ bắt đầu có ý tưởng xấu, Vu Nguyên Tề từng rất cưng chiều một tỳ nữ, cô gái ấy lại sinh được hai đứa con, lại còn được mang về nhà, mang về nhà rồi lại còn được công khai ưi ái, nên sau đó tình hình trong nhà tất nhiên là vô cùng hỗn loạn.

Bà vợ già(*) tất nhiên là không đáng yêu bằng tiểu kiều tu(**), nên gần như là bị bỏ mặc.

(*) Từ gốc là “hoàng kiểm bà”: phụ nữ thời cổ đại thường sử dụng các loại mỹ phẩm lạc hậu, các loại phấn bôi mặt đều có chứa chì, mang độc tính, sử dụng trong thời gian lâu dài sẽ khiến cho da mặt dần chuyển sang màu vàng. Vì thế nên phụ nữ càng lớn tuổi, thời gian sử dụng mỹ phẩm và tích lũy độc tố càng lâu, bệnh càng bị nặng, một số phụ nữ lớn tuổi sẽ có biểu hiện tình trạng bệnh “mặt vàng”.

(**) Tiểu kiều tu: một từ ngữ mới trên mạng, dùng để chỉ những cô gái mỏng manh, nhu mì, khiến cho đàn ông hễ nhìn thấy là có ý muốn bảo vệ. Đặc điểm của những cô gái này là lúc gặp khó khăn sẽ nhờ người khác giúp đỡ, sẽ làm nũng chứ không tỏ ra mạnh mẽ, kiên cường.

Nhưng mà bà vợ già có chỗ dựa. Hai vợ chồng Trịnh thị tiến thẳng đến Vu gia, Đỗ thị chẳng qua chỉ là mắng chửi một trận, còn Trịnh Tĩnh Nghiệp lại phát huy tác phong trước sau như một của ông ta, ra lệnh: vị tiểu kiều tu kia, mỗi ngày sẽ phải giặt quần áo của Vu Nguyên Tề cùng với của chính cô ta và hai đứa con của cô ta, nấu cơm cho bốn người bọn họ, quần áo của bọn họ hoàn toàn phải do cô ta may vá – không cho kinh phí, chỉ cấp cho hai mẫu(*) đất trồng rau.

(*) Mẫu: một mẫu bằng 3600 mét vuông.

Vu Nguyên Tề nổi giận, Trịnh Tĩnh Nghiệp chỉ nói: “Để xem làm lụng quản lý gia đình mười năm, mười ngón tay của cô ta có còn mượt mà nõn nà nữa hay không. Huynh cược là cô ta không chống đỡ được đến mười năm – những người phụ nữ có thể làm được như vậy mười năm không có nhiều đâu! Đệ không ở nhà mười năm, đệ muội đã sống như vậy đấy. Có cược hay không?”.

Khương thị hận nhất là tiểu kiều tu. Sâu trong lòng cảm thấy, ngộ nhỡ con mình cùng với tiểu yêu tinh này để xảy ra chuyện gì, không nói tới chuyện không lấy được lão bà tốt nữa, mà còn phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận một đứa con vợ lẽ được cưng chiều nữa, như vậy thật chẳng khác nào là đánh vào mặt bà hết cả.

Mở miệng liên tiếp nói vâng: “Về nhà muội sẽ tự tay trừng phạt nó”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp phẩy phẩy tay, những việc nhỏ như lông gà vỏ tỏi như vậy ông ta không muốn quản lý, chẳng qua là vì có liên lụy đến Vu Nguyên Tề nên ông ta mới phải nhúng tay vào. Đối với Trịnh Tĩnh Nghiệp mà nói, đối thủ hỗn loạn chính là cơ hội cho ông ta xuống tay, nhưng nếu như là đồng đội hỗn loạn, thì lại là phá hỏng chuyện lớn của mình. Vu Minh Lãng không là gì, nhưng Viên Mạn Đạo không phải là bị con của chính ông ta làm liên lụy hay sao? Viên Thủ Thành chẳng qua chỉ là làm việc nghĩa, còn Vu Minh Lãng thì lại gây ra chuyện xấu xa gì đây?

Người của Vu gia vừa đi, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã trầm mặt xuống dạy dỗ đám con cháu một bài học về chính trị: “Thế gia có nhiều quy tắc khiến cho người ta cảm thấy phiền chán, nhưng có một quy tắc cần phải tuân thủ… Không đi theo c 46f2 hính đạo, ma quỷ có thể thừa dịp mà chui vào chỗ trống… Ăn uống như thế nào, mặc y phục như thế nào, đều là các lễ tiết vặt vãnh, làm thế nào để sống yên ổn, mới là lẽ phải!”. Cuối cùng hỏi mà như quát, “Nghe thế đã hiểu chưa?”.

Trịnh Diễm thầm trợn mắt, nàng tịch thu bản chuyện viết tay của Trịnh Đức Hưng rồi mới biết trong đó cũng có rất nhiều câu chuyện đề cập đến chuyện của các tài tử giai nhân, sự giáo dục lần này đúng là rất kịp thời đấy chứ. Ánh mắt của Trịnh Tĩnh Nghiệp đã nhìn về phía nàng rồi, đối với nữ nhi, vốn là Trịnh Tĩnh Nghiệp rất lo lắng, dù sao thì cũng không thể trông nom nàng cả đời, ngộ nhỡ nàng bị hại thì làm sao bây giờ? Ngộ nhỡ bị tên tiểu tử thối nào đấy lừa mà bỏ nhà chạy trốn thì làm sao bây giờ? Chuyện của Vu Minh Lãng đã cảnh tỉnh ông ta, dù sao thì chuyện này, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng định ra tay dọn dẹp tàn cuộc, không để cho Vu Minh Lãng chết quá khó coi.

Trịnh Diễm cảm thấy tình hình không đúng, phát hiện ra Trịnh Tĩnh Nghiệp đang nhìn nàng, nên gật mạnh đầu nói: “Lão bà nhiều thì cãi nhau nhiều, con trai nhiều thì dễ đánh nhau. Người làm mẹ sẽ trở nên mạnh mẽ, nam nhân vì nữ nhân có thể hủy tiền đồ của mình đến những việc như giết người phóng hỏa cũng làm được. Kẻ làm thiếp cảm thấy nếu như trong nhà không có đích tử thì con mình có thể được kế thừa gia nghiệp, nên những chuyện như hạ độc hãm hại người khác đều là chuyện nhẹ…”. Các quyển tiểu thuyết đều viết như vậy, trong sử sách cũng có những chuyện như vậy, không thành công có Thích Cơ(17), thành công có phu nhân Câu Dực(18), Võ Huệ phi(19) giết chết ba người con chồng(20) – mặc dù vị Thái tử đầu tiên của Đường Minh Hoàng không phải là do Hoàng hậu sinh ra(*), nhưng những chuyện thế này trong lịch sử của thời đại này cũng có, “tiền triều Ân quý tần…”.

(*) Thái tử đầu tiên của Đường Huyền Tông (hay còn gọi là Đường Minh Hoàng) là Lý Anh, do Triệu Lệ phi sinh ra.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đau đầu nhìn nữ nhi, nha đầu, con đi nhầm đường rồi! Mặc dù con nói rất có đạo lý, trên đời này không phải là không có những kẻ chỉ vì tranh giành một chút lợi ích cho bản thân mà thông đồng với người ngoài phá hủy cơ nghiệp của tổ tông, mà là có rất nhiều! Nhớ năm xưa, Trịnh Tĩnh Nghiệp vì thoát khỏi bản tông, nên đã đem mảnh đất cằn trong tay ra làm mồi nhử, đã có thể khiến cho mấy vị thúc bá ở bản tông lục đục với nhau, không còn thời gian và tâm ý nào mà để ý đến việc khác nữa.

Gia quy cần phải tăng thêm một điều nữa về con vợ cả con vợ lẽ! Không đúng, nha đầu kia ở đâu biết được mấy chuyện diễn ra trong các gia tộc kiểu này cơ chứ?

Trịnh Diễm thầm nghĩ muốn quay về ngủ trưa, buồn ngủ quá rồi!

Ba chị em dâu Phương thị há hốc miệng, đúng là chỉ có thể nói tiểu cô tử… đã được Cố tiên sinh dạy dỗ tốt thật đấy!

Đỗ thị đỡ trán: “Được rồi! Đều trở về phòng nghỉ ngơi đi, chuyện hôm nay không ai được phép nói cho người ngoài biết!”.

—– o0o —–

Xảy ra chuyện này, Trịnh Tĩnh Nghiệp bị buộc phải trả phép sớm mà quay về triều, Vu Nguyên Tề mới được lệnh nhận binh đóng ở ngoài, nên ông ta không thể để cho Vu gia xảy ra chuyện gì vào lúc này được. Lừa gạt con gái nhà lành, chuyện này có thể nói là chuyện lớn cũng có thể nói là chuyện nhỏ, trong mắt nam nhân, chuyện này không được coi như một vấn đề. Nhưng ở trong mắt của chính khách, thì chuyện này lại rất dễ bị thổi phồng lên.

Thực ra thì Miêu phi cũng là do Hoàng đế “vô tình gặp gỡ trên phố, tự do yêu đương, cuối cùng thì bị lừa vào cung”, cho nên chuyện này Hoàng đế rất thấu hiểu, cộng thêm miệng lưỡi của Trịnh Tĩnh Nghiệp hoàn toàn có thể nói người chết trở thành người sống, nên chỗ Hoàng đế coi như là đã xử lý xong. Thậm chí là, một khi Hoàng đế cao hứng, còn có thể ban cho “người cùng chung lý tưởng” một chức quan làm chỗ dựa vững chắc.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đỡ trán cười nói: “Nó còn trẻ, sợ là không làm được việc, đợi Vu Nguyên Tề giành thắng lợi quay về triều, để cho cha nó dạy dỗ lại nó rồi mới phong quan cũng chưa muộn”. Tính cách của Vu Minh Lãng như vậy, sao có thể để cho nó tới gặp mặt Hoàng đế được cơ chứ?

Hoàng đế cũng không chú ý: “Vậy chờ thêm đi”.

Vì một câu “chờ thêm”, chưa đến hai ngày, đã có tin đồn truyền đến tai Hoàng đế: Vu Minh Lãng không phải là người cùng chung lý tưởng với ông ta, lão nhân gia anh ta muốn cưới cô gái bỏ nhà trốn theo trai làm chính thất.

Hoàng đế nổi giận! Dù thế nào lão nhân gia ông ta cũng không thể đồng ý chuyện này được, nếu không thì không phải là khơi mào trận chiến ở hậu viện hay sao?

Trịnh Tĩnh Nghiệp đang trong quá trình dốc sức để có thể làm suy yếu thế lực của thế gia một cách khách quan, ảnh hưởng đến địa vị của Thái tử, Thái tử muốn xoa dịu những người đi theo mình, che chở cho họ, không muốn ngồi im chịu chết, cho nên tất nhiên là phải tạo ra xung đột với Thừa tướng thôi. Vu Nguyên Tề là một trong số những thành viên nòng cốt cấp nguyên lão của Trịnh đảng, nếu như con ông ta có chuyện, thì đúng là mọi người đều cảm thấy vui mừng. Cho dù là không phải đối thủ, được nghe kể về hành vi của Vu Minh Lãng, cũng sẽ ngoảnh mặt làm ngơ, huống chi là những người lúc này còn đang lo lắng về nhược điểm của mình?

Lừa gạt con gái nhà lành bỏ nhà theo trai vốn chỉ là một câu chuyện tình yêu lãng mạn mà thôi, nhưng nếu như lấy cô gái ấy làm lão bà thì đấy lại là một chuyện nguy hiểm rồi. Trịnh Tĩnh Nghiệp đã làm chuyện của Viên Thủ Thành thành mùng một, thì đừng trách người khác khiến cho chuyện của Vu Minh Lãng trở thành hôm rằm.

Ra đời ba mươi mấy năm, Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn luôn có thể nắm chắc mọi chuyện trong tay, cuối cùng cũng hiểu được lực phá hoại của chuyện đồng đội là heo.

Đôi dòng lảm nhảm của tác giả:

Chuyện của bạn học Vu Minh Lãng, có rất nhiều trong các thoại bản đời Đường, những người bỏ trốn từ trước đến nay chưa từng có ai có thể trở thành lão bà của người ta, mà đều là ngoại thất hoặc là tiểu lão bà. Bạch Cư Dị có bài thơ “tỉnh để dẫn ngân bình” (kéo bình bạc dưới đáy giếng) là bài thứ mười bốn trong Tân Nhạc Phủ, chính là viết về việc bỏ nhà theo trai.

Xuyên qua đến thời cổ đại, nếu như muốn bỏ trốn để lấy người mình yêu, thì có thể tỉnh lại ngay được rồi, vì người nhà người ta nhất định là sẽ không đồng ý, trừ khi là không còn có một vị trưởng bối nào nữa cả…

Chú thích:

(17)       Thích Cơ: hay Thích phu nhân, là vợ thứ của Lưu Bang, mẹ của Triệu Vương Như Ý, được Lưu Bang rất yêu chiều nên sau khi Lưu Bang mất bà đã bị Lã Hậu giết một cách rất tàn bạo, ban đầu là giam giữ trong cung Vĩnh Hạng, sau khi hạ độc giết chết con trai bà là Như Ý, Lã Hậu sai người chặt tay chân của Thích phu nhân, rồi móc mắt, đốt tai, cho bà uống thuốc để bà thành người câm, sau đó để bà trong nhà vệ sinh, gọi bà là “lợn người”.

(18)       Phu nhân Câu Dực: họ Triệu, là vợ của Hán Vũ Đế Lưu Triệt, mẹ của Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng. Lưu Phất Lăng là con út của Vũ Đế, Vũ Đế muốn lập Phất Lăng làm Thái tử, nhưng thấy mẹ của Phất Lăng là phu nhân Câu Dực còn quá trẻ, trong khi bản thân ông thì đã 66 tuổi rồi, nên ông sợ sau khi mình chết, Phất Lăng lên ngôi kế vị thì phu nhân Câu Dực sẽ được quyền nhiếp chính, thao túng triều đình. Vì vậy, ông bắt Câu Dực phải chọn, hoặc là hai mẹ con rời khỏi cung, hoặc là bà phải tự sát để Phất Lăng lên làm Thái tử. Vì tương lai của con, Câu Dực đã chọn cái chết.

(19)       Võ Huệ phi: là phi tần rất được Đường Huyền Tông Lý Long Cơ sủng ái, mẹ đẻ của Thọ Vương Lý Mạo. Vương hoàng hậu không sinh được con trai, rồi bị phế truất và qua đời, vua muốn lập bà làm Hoàng hậu nhưng bị các quan lại phản đối vì bà là con cháu của Võ Tắc Thiên, sợ có ngày người họ Võ lại chiếm giang sơn của Đại Đường. Lúc con trai bà là Thọ Vương Lý Mạo đến tuổi cập kê, bà chọn Dương Ngọc Hoàn cho con trai làm Thọ Vương phi. Sau khi bà mất, vua đau buồn vô cùng, nhưng sau đó được Cao Lực Sĩ mật báo về sắc đẹp của Thọ Vương phi, vua đã quên ngay bà mới mất mà lập con dâu làm Dương Quý phi.

(20)       Võ Huệ phi giết chết ba người con chồng: Lý Lâm Phủ là người giảo hoạt, xu nịnh, đã hứa đưa Thọ Vương con trai của Huệ phi lên làm Thái tử nên rất được Huệ phi tin tưởng, sau này được Huệ phi tiến cử, đã trở thành Thừa tướng. Đại thần Dương Hồi căm ghét Thái tử Lý Anh cùng với Ngạc Vương Lý Dao, Quang Vương Lý Cư, nên tố cáo Thái tử liên kết với anh vợ Tiết Tố Tiềm mưu đồ đại sự. Lý Lâm Phủ giả vờ không dám bàn đến việc này, thật ra lại là kẻ bày mưu hãm hại, khiến cho Huyền Tông biếm ba người con làm dân thường, đày tới Nhương Châu, không lâu sau ra lệnh ban chết ở Lam Điền.

Bonus bài thơ “Tỉnh để dẫn ngân bình” của Bạch Cư Dị:

Bản dịch nghĩa Hán – Việt:

Tỉnh để dẫn ngân bình,

Ngân bình dục thướng ty thằng tuyệt.

Thạch thượng ma ngọc trâm,

Ngọc trâm dục thành trung ương chiết.

Bình trầm trâm chiết tri nại hà,

Tự thiếp kim triêu dữ quân biệt.

Ức tích tại gia vi nữ thì,

Nhân ngôn cử động hữu thù tư.

Thiền quyên lưỡng mấn thu thiền dực,

Uyển chuyển song nga viễn sơn sắc.

Tiếu tuỳ hí bạn hậu viên trung,

Thử thì dữ quân vị tương thức.

Thiếp lộng thanh mai bằng đoản tường,

Quân kỵ bạch mã bạng thuỳ dương.

Tường đầu mã thượng dao tương cố,

Nhất kiến tri quân tức đoạn trường.

Tri quân đoạn trường cộng quân ngữ,

Quân chỉ nam sơn tùng bách thụ.

Cảm quân tùng bách hoá vi tâm,

Ám hợp song hoàn trục quân khứ.

Đáo quân gia xả ngũ lục niên,

Quân gia đại nhân tần hữu ngôn.

Sính tắc vi thê bôn thị thiếp,

Bất kham chủ tự phụng tần phiền.

Chung tri quân gia bất khả trú,

Kỳ nại xuất môn vô khứ xứ.

Khởi vô phụ mẫu tại cao đường,

Diệc hữu thân tình mãn cố hương.

Tiềm lai cánh bất thông tiêu tức,

Kim nhật bi tu quy bất đắc.

Vi quân nhất nhật ân,

Ngộ thiếp bách niên thân.

Ký ngôn si tiểu nhân gia nữ,

Thận vật tương thân khinh hứa nhân.

Bản dịch thơ của Ngô Văn Phú:

Từ đáy giếng kéo lên bình bạc,

Bình bạc lên, giây đứt bình rơi.

Ngọc trâm trên đá giũa mài,

Sắp thành trâm ngọc gãy đôi giữa chừng.

Gãy trâm ngọc, rơi bình, thế đấy!

Chia tay chàng, giống vậy, sớm nay.

Nhớ thời con gái thơ ngây,

Người khen dáng điệu khoan thai, dịu dàng…

Mái tóc buông bềnh bồng đôi mái,

Đôi mày ngài, dáng núi xa xanh.

Cười vui nhí nhảnh trong vườn,

Xem ra bữa ấy chưa quen biết chàng.

Tung mơ chua, dựa bên tường ngắm,

Hàng thuỳ dương, ngựa trắng chàng dong.

Chàng ngoái nhìn, phía đầu tường,

Một lần gặp gỡ, biết chàng nao nao.

Chàng nao nao đổi trao đôi lứa,

Dãy bách tùng, chàng chỉ núi nam.

Cảm ơn tùng bách lòng chàng,

Đung đưa mái tóc vội vàng giục đi!

Dăm, sáu năm theo về, thiếp ở,

Chuyện thiếp đâu ưng dạ bề trên.

Hôn nhân nghi lễ chẳng toàn,

Làm sao phụng dưỡng lo toan nghiệp nhà.

Nán ở lại, xem ra khó nán,

Ra khỏi nhà, về chốn nào ư?

Trên thì chẳng có mẹ cha,

Tình thân ruột thịt, quê xa còn nhiều.

Lâu lắm rồi, có đâu tin tức,

Hổ thẹn chen buồn bực, khó về.

Ơn chàng một buổi nặng ghê,

Một đời cơ nhỡ, cam bề thiếp mang…

Dại khôn, ai đó nhắn cùng,

Khen ai chớ có coi thường hứa hôn…

Bonus: đoạn Trịnh Tĩnh Nghiệp đi câu cá về gặp Cố Ích Thuần, Cố Nãi có tả Trịnh Tĩnh Nghiệp chắc mới đội nón (đấu lạp) nên tóc mới bị rối. Đây là ảnh của đấu lạp nhé

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/79227


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận