Con Gái Của Gian Thần Chương 18


Chương 18
Con trai hại cha: Đối với chuyện này, Trịnh Tĩnh Nghiệp chỉ có thể nói: Chết tiệt! Làm gian thần dễ lắm đấy à?

“Ba ba ba ba”, từng tiếng từng tiếng gậy trúc một đánh vào thân thể, khiến cho những người nghe được cũng phải toát mồ hôi hột giữa trời rét lạnh của tháng chạp.

Vu gia đang thực thi gia pháp, người chủ trì: Vu Nguyên Tề.

Vu Nguyên Tề – Vu tướng quân vốn là cắm rễ tại biên cương dâng hiến tuổi thanh xuân cho tổ quốc, vừa mới đoạt được Diệu Võ Quân từ trong tay gia tộc của Phó Hàm Chương và chấn chỉnh đủ để nghe theo mệnh lệnh của ông ta, ông ta lại là thống soái đem quân đi đánh đuổi người Hồ xâm phạm biên cương vào mùa thu. Đúng là cơ hội trời cho! Vốn định nhân chiến thắng này để nâng cao tên tuổi, đồng thời có thể lấy công trạng của bản thân để làm cho toàn Diệu Võ Quân từ trên xuống dưới tin phục, nhân tiện cũng lập chút công trạng cho bản thân, để cho tiểu nhi tử Vu Nguyên Lãng có thể nhận được ấm phong cao một chút.

Chiến trận thì thắng rồi, nhưng mà những tính toán khác thì hoàn toàn thất bại – trong kinh thành xảy ra biến cố.

Lúc trước có nói, đối thủ của Trịnh Tĩnh Nghiệp không ít, trong số đó người làm cho người ta đau đầu nhất lại là người mà Trịnh Tĩnh Nghiệp không cho rằng người đó là địch nhân, nhưng người đó lại cho rằng Trịnh Tĩnh Nghiệp đang nhắm vào địa vị Hoàng thái tử của mình. Gần hai mươi năm sống cuộc sống của Thái tử, nên vị Thái tử này đã cho rằng quốc gia này là của mình từ lâu rồi, cũng khiến cho anh ta đã hình thành xong một tư tưởng lớn anh ta là người thống trị thần thánh vĩ đại không ai có thể xâm phạm được. Vô tình Trịnh Tĩnh Nghiệp đã khiêu chiến sự uy nghiêm của Đông cung, Thái tử tất nhiên là sẽ không ngồi yên chờ chết.

Đã là Thái tử, tất nhiên là sẽ có thuộc hạ của riêng mình, những người có tài cũng không ít, muốn xử lý chuyện này cũng không cần phải bắt đầu lại từ đầu, mà vốn là sao chép lại ý tưởng của Trịnh Tĩnh Nghiệp. Cũng chính là lôi chuyện của Vu Minh Lãng ra ngoài ánh sáng, không nói anh ta lấy thiếp làm vợ, mà là đi tìm người nam nhân có hôn ước với Bạch thị (vị Nhã cô nương kia họ Bạch), sau đó tố cáo Vu Minh Lãng bắt cóc lão bà của người ta.

Cũng tại Vu Minh Lãng có miệng mà không biết giữ! Anh ta bị trói đem về nhà, đầu tiên là bị Khương thị mắng cho một trận, sau đó bị cấm gặp mặt Nhã cô nương, với lý do là để cho vị Nhã cô nương kia làm quen với một số quy củ, đồng thời cũng cần thời gian để chuẩn bị nghi thức nạp thiếp. Mặc khác phái người tìm đến quê quán của Bạch thị nhanh chóng thương lượng với người của Bạch gia, để họ thối hôn với phu gia, chuyển thành để Nhã cô nương vào Vu gia làm thiếp.

Vu Minh Lãng muốn gặp tình nhân mà không được gặp, ở nhà lại không có gì hay ho, nên đi ra ngoài cùng đám bạn xấu(*) uống rượu. Mà đã uống rồi là lại gây chuyện, trong số những người bạn đi uống rượu hôm đó có một người là con cháu thế gia. Con cháu thế gia vốn nhìn anh ta là cảm thấy không chấp nhận được, văn không được võ không xong, mặc dù tất cả mọi người đều dựa vào dư ấm mà được làm quan, nhưng dù sao thì cũng phải ra dáng một chút chứ. Cứ nhìn ba người con trai của Trịnh Tĩnh Nghiệp mà xem, ít nhất thì ngoại hình cũng phải không tệ, tướng mạo của Vu Minh Lãng chấp nhận được, nhưng thần thái thì kém quá xa, giống như một con gà con vậy, không thể chấp nhận được.

(*) Nguyên gốc là “hồ bằng cẩu hữu”, một thành ngữ được dùng để chỉ những một nhóm bạn bè hay cùng rủ nhau đi ăn chơi, không làm việc đường hoàng.

Ngại vì mọi người đều cùng nhau ở trong kinh thành, lúc này tình hình lại rối ren, nên cũng chỉ là tùy tiện đối phó với anh ta một chút mà thôi.

Bạn bè ngồi cùng một chỗ uống rượu, uống càng nhiều, miệng càng rộng, Vu Minh Lãng không tránh khỏi chuyện nói hết những gì đang phiền não trong lòng ra. Chuyện này cũng không có gì là to tát, tất nhiên là sẽ bị đám con cháu thế gia khinh bỉ một trận, người ta cố ý không giữ bí mật cho anh ta, Vu Minh Lãng bản thân uống rượu, nên cũng không yêu cầu người ta phải giữ bí mật.

Đông Cung thuận theo đó mà lợi dụng tình huống này. Từ lúc biết được tin tức đến lúc thương lượng đối sách đến lúc sắp đặt mọi chuyện, còn gặp phải một ít trắc trở – gia đình Bạch thị không ở kinh thành, thời gian chạy qua chạy lại giữa hai nơi cũng tốn mất mấy ngày. Sau đó là vào kinh tố cáo, chuyện này vốn do Ngự Sử dâng tấu chương buộc tội, định dâng tấu chương vào thời điểm trước khi Vu Nguyên Tề khai chiến, để làm cho Vu Nguyên Tề sượng mặt. Thời điểm tố cáo này là do Phó Hàm Chương cố tình đề nghị.

Ngày mùng hai tháng tám Ngự Sử dâng tấu chương, ngày mùng ba tháng tám Vu Nguyên Tề điểm binh đánh giặc, chỉ kém đúng một ngày. Từ “phụ thân chiến đấu hăng hái bảo vệ tổ quốc để che dấu việc con trai phóng đãng không ra gì” trở thành “phụ thân anh dũng giết địch để che đậy nguyên nhân thay con trai chuộc tội”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp quyết định rất nhanh, đem mọi chuyện đổ lên đầu bạn rượu của Vu Minh Lãng, Khương thị vốn rất tin Trịnh gia, nên về nhà đã đánh Vu Minh Lãng một trận. Hai nhà đều không hề vui vẻ gì khi tin tức này bị tiết lộ, để Vu Minh Lãng nhận tội là tốt nhất, cũng là để cho anh ta hiểu ra bản thân anh ta đã gây ra tai họa lớn đến thế nào, tránh cho anh ta trong lòng thầm oán cha mẹ trưởng bối “không tác thành”. Còn về phần bạn rượu của Vu Minh Lãng, nhận thấy người nhà anh ta với mình là kẻ địch, nếu không nhân cơ hội này mà đối phó đối thủ thì đúng là không thức thời.

Không cần biết có phải anh ta làm hay không, nhất định là anh ta rồi!

Sau đó lại cẩn thận điều tra nghe ngóng lại, rốt cuộc là đã để lộ ra tin đồn ở đâu. Vu Minh Lãng đã bị đánh hai gậy, mặt trắng bệch như không còn chút máu nào cả, anh ta nhớ ra, anh ta đúng là đã từng nói ra với người ngoài. Lần đánh này, vốn là để che mắt đối thủ, nhưng hóa ra là lại đánh đúng người rồi.

Vu Nguyên Tề đánh thắng trận, đang chờ thăng quan, nhưng lại có tin xấu truyền đến, chuyện đấy lại còn do chính con trai mình gây ra nữa chứ. Trở về kinh thành, thăng quan tấn chức đã không còn, Hoàng đế nể tình mà thưởng cho một nghìn lượng vàng, nhưng sau đó không để cho ông ta quay về biên cảnh nữa. Các vị Ngự Sử đã viết tấu chương với lời lẽ rất tha thiết, quốc gia không thể để cho đời sau của công thần vì thiếu dạy dỗ mà không thành người, đúng không nào? Vu Nguyên Tề ông ở lại kinh thành đi, Phó Hàm Chương vì “Am hiểu chuyện tình ở biên cương” nên thăng ba cấp, trở lại như cũ.

Đúng là hãm hại cha đẻ mà.

Đối với chuyện này, Trịnh Tĩnh Nghiệp chỉ có thể nói: chết tiệt(*)!

(*) Từ gốc là “kháo”: convert hay để là dựa vào, là một từ dùng để mắng chửi người khác, hay dùng khi mọi việc không thuận lợi.

Làm gian thần dễ lắm đấy à? Khó khăn lắm mới hãm hại được một vị trung lương, thế mà lại bị đồng đội như heo của mình chuyển thắng thành thua. Ông ta đã tiêm cho Hoàng đế một mũi thuốc dự phòng từ trước rồi, Hoàng đế cũng biết Vu Minh Lãng dụ dỗ một tiểu nương tử xinh đẹp mang về nhà, chỉ đơn thuần là chuyện yêu đương lãng mạn mà thôi. Chỉ chờ hộ tịch của Bạch thị được ghi vào dưới danh nghĩa Vu gia, thì mọi chuyện coi như trời yên biển lặng rồi. Vu Minh Lãng lại tự đem nhược điểm của bản thân đưa cho người ta!

Mất bao nhiêu công sức, đắc tội với cả nhà vị quan thanh liêm như Viên Mạn Đạo, biến một danh môn thế gia như Phó gia trở thành kẻ địch mới có thể đẩy được Vu Nguyên Tề lên, thế mà lại bị chính con trai của Vu Nguyên Tề đưa chuyện này quay về điểm xuất phát.

Khỏi phải nói Vu gia tất nhiên là vô cùng náo động.

Vu Nguyên Tề có đứa con trai như vậy thì đúng là món nợ từ kiếp trước, đường làm quan của bản thân bị cản trở thì thôi, còn phải đi tạ tội với Hoàng đế. Sau cùng, còn phải đến Trịnh gia cám ơn cùng với xin lỗi, so với việc ra vẻ tạ lỗi trước mặt Hoàng đế, thì ở Trịnh gia ông ta thật sự là khóc lóc nức nở nước mắt đầm đìa: “Tại đệ đã không dạy con cho tốt”.

Gương mặt Trịnh Tĩnh Nghiệp rất bình tĩnh: “Bây giờ về rồi, thì dạy dỗ cho tốt. Chuyện này không phải là chuyện gì tốt đẹp hết cả, không thể mang đi ca ngợi khắp nơi được, chỗ tôi, người nhà đệ cũng chẳng có ai ngu ngốc đến nỗi lắm chuyện mà nói ra chuyện này, chỉ có thể là nó nói ra thôi. Trông coi nó cho kỹ vào!”.

“Ôi”.

“Đám Ngự Sử vốn là nhàn rỗi đi kiếm chuyện để gây sự, có tố cáo cũng là chuyện bình thường, nhưng chuyện vào kinh tố cáo thì lại có vấn đề… Cái tên Phùng tứ lang kia làm sao mà biết Bạch thị ở kinh thành? Lại còn biết rõ là đang ở trong nhà đệ nữa chứ? Nhất định là có nguyên nhân”. Câu cuối cùng nói nhỏ như đang lẩm bẩm một mình.

Vu Nguyên Tề không quan tâm đến vấn đề này: “Để đệ về nhà tra hỏi thằng tiểu súc sinh kia đi!”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đã nghĩ ra rồi: “Nhất định là có người nhìn tôi với đệ không vừa lòng, nên mới xuống tay như vậy, lại còn có bản lĩnh gây chuyện khiến cho chúng ta tối mắt tối mũi, thú vị, đúng là thú vị”.

Vu Nguyên Tề ngừng lại một lúc, nếu như ông ta là một kẻ ngu, thì đã chết trên chiến trường từ lâu rồi, gương mặt trở nên nghiêm túc: “Ý đại ca là, có người tính kế chúng ta?”.

“Cho tới bây giờ chỉ có tôi tính kế người khác, ai có thể tính kế tôi?”. Liếc nhìn Vu Nguyên Tề một cái, “Trông coi kỹ người nhà, đừng để cho bọn chúng có cơ hội, mọi chuyện còn lại, để đấy tôi xử lý”.

“Ôi!”.

Trịnh đảng không cần phải kêu gọi đã nhanh chóng tiến lên gỡ tội cho Vu Minh Lãng, đầu tiên, Bạch thị chưa hề xuất giá, chủ yếu là còn chưa có đưa lễ vật đính hôn, chỉ mới bắt đầu đề cập đến chuyện hôn nhân, nên không thể coi là lão bà của Phùng tứ lang được, nên cũng không thể nói là Vu Minh Lãng bắt cóc lão bà của người khác được, theo quy định thì có thể giảm tội. Phùng tứ lang tố cáo sai sự thật, phản tọa(*), đánh bốn mươi gậy, lưu đày một nghìn năm trăm dặm. Người nhà của Bạch thị cũng rất phối hợp mà công bố, chưa từng đính hôn với Phùng tứ lang.

(*) Phản tọa: lấy tội danh và hình phạt của người bị vu cáo ghép cho kẻ vu cáo.

Vu Minh Lãng mắc tội lừa gạt con gái nhà người ta bỏ trốn, nên bị phạt đánh cùng với ở tù có thời hạn, Vu gia chọn nộp phạt tiền để chuộc tội, một nghìn lượng vàng trong chớp mắt đã ra đi mất một nửa. Bạch thị bỏ nhà trốn theo trai, nên tội cũng giống với Vu Minh Lãng, nếu như Vu gia chấp nhận, cũng chỉ có thể làm thiếp, nếu như Vu gia không đồng ý, thì cũng đành chịu. Vu Minh Lãng đã bị phạt rồi, đã thoát tội rồi, nên Bạch gia không thể nào lại tố cáo được nữa.

Cha mẹ của Bạch thị chỉ có thể lựa chọn quỳ gối mà cầu xin, vốn là muốn tới Vu gia đòi công bằng, bây giờ Vu gia đã chịu nhận tội rồi, còn án phạt đánh với ở tù có thời hạn của Bạch thị phải làm sao bây giờ? Không dám cầu xin được làm vợ nữa, làm thiếp cũng được, chỉ mong Vu phủ trước tiên giúp Bạch thị thoát khỏi hình phạt đi đã. Bị đánh hai mươi gậy, chỉ cần cố ý dùng sức một chút, thì bị đánh cho đến chết hay thành tàn phế đều là có khả năng.

Để giữ gìn sự uy nghiêm của pháp luật, cho dù là có thể nộp tiền để chuộc tội, thì giá cả cũng vô cùng cao, Bạch gia tất nhiên là không thể gánh nổi rồi. Vu gia không phải do Vu Minh Lãng làm chủ, đến bản thân Vu Minh Lãng cũng cần người nhà bỏ tiền ra cứu nữa là, tuy rằng miệng anh ta nói sẽ trân trọng Bạch thị cả đời, nhưng cũng chỉ là nói mà thôi.

Vu gia đã rất mất mặt rồi, vì sao phải giúp Bạch gia cơ chứ? Hồng nhan họa thủy(*) thì có gì tốt? Dụ dỗ con cháu quý tộc sa ngã thì có gì tốt? Không tìm các người gây phiền toái đã là tốt lắm rồi.

(*) Hồng nhan họa thủy: chỉ những cô gái đẹp làm hỏng đại sự của quốc gia. Khách quan mà nói, từ xưa đến nay có rất nhiều “hồng nhan” nhưng không phải ai cũng có tư cách để trở thành “họa thủy”. Ban đầu, cụm từ này chỉ dùng để chỉ một vài cô gái trong lịch sử, nhưng bây giờ nó được dùng như một cụm từ để chỉ mỹ nữ nói chung.

Vì thể diện, Vu gia thay vì bỏ tiền ra để chuộc tội cho Bạch thị, đã đưa ra điều kiện: phụ thân của Bạch thị phải “bán hỉ nhi(*)”. Bạch thị từ một gia đình tử tế đã trở thành nô tỳ của Vu gia, Khương thị vò khế ước, hận muốn nghiến răng nghiến lợi. Đúng là hận. Tiểu kiều tu năm xưa của Vu Nguyên Tề hôm nay cũng đã trở thành bà vợ già rồi, nhưng mà hai đứa con một trai một gái của tiểu kiều tu vẫn còn đó, sau đó lại ngon ngọt dụ dỗ nên sinh thêm được một đứa con trai, hai đứa con trai một đứa con gái chưa từng gây ra một chút tai họa nào hết cả, người ta lớn lên trông còn đẹp hơn Vu Minh Lãng, đầu óc còn thông minh hơn Vu Minh Lãng. So sánh hai bên với nhau, khiến cho Khương thị mất hết cả thể diện.

(*) Hỉ nhi: là nhũ danh (tên gọi thân mật) thường gặp ở Trung Quốc, thường là người lớn tuổi đặt nickname cho con cháu, mang theo sự yêu thương vào trong cái tên. Về ý nghĩa thì “Hỉ nhi” thường được hiểu là điển hình cho hình ảnh của con gái của tầng lớp nông dân chịu khổ cực. “Hỉ nhi” cũng là tên một nhân vật trong truyện “Bạch mao nữ” và “Hồng Lâu Mộng”. Ở đây dùng từ “hỉ nhi” có thể hiểu là Khương thị bắt Bạch thị bán con bán cháu làm nô tỳ cho Vu gia.

Vu Nguyên Tề bắt đầu thực thi gia pháp.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng điều tra ra đằng sau chuyện này có sự tác động của Đông Cung, hai mắt ông phủ kín sự lo lắng.

—– o0o —–

“Nghe nói hôm nay cữu mẫu tới nhà?”. Lục lang Trịnh Thụy bắt đầu vỡ giọng, giọng nói the thé nghe có vẻ hơi buồn cười. Từ tháng tám các gia đình quyền quý đã đồng loạt từ Hi Sơn chuyển về rồi, Cố Ích Thuần đã mang theo cháu trai quay về nhà của mình, nên đám con cháu của Trịnh gia sáng sớm mỗi ngày sẽ từ nhà mình chạy tới chỗ của Cố Ích Thuần. Lúc này đang là thời gian nghỉ ngơi giữa giờ học, Trịnh Thụy nghiêng người, dò hỏi muội muội.

“Sáng này nghe A Thành (tỳ nữ của Đỗ thị) nói vậy”.

“Nghe nói a cữu hôm qua đã dùng đến gia pháp rồi, Vu ngũ (Vu Minh Lãng đứng hàng thứ năm) bị đánh không nhẹ”. Giọng điệu của Trịnh Thụy đúng là giọng điệu của bà tám(*).

(*) Từ gốc là “tam cô lục bà”: là một thành ngữ chỉ những người phụ nữ làm những nghề nghiệp khác nhau, cũng là chỉ những người phụ nữ làm nghề nghiệp bất chính. Cụ thể tam cô là ni cô (sư nữ), đạo cô (nữ đạo sĩ), quái cô (phụ nữ hành nghề bói quẻ); lục bà gồm nha bà (buôn người/ mẹ mìn), môi bà (bà mối), sư bà (nữ giáo viên), kiền bà (chủ chứa, tú bà), dược bà (nữ thầy thuốc), ổn bà (bà đỡ).

Trịnh Diễm liếc nhìn ca ca mình với vẻ xem thường, ca ca của nàng cũng thật là quá buồn chán đi, nếu như không phải quá buồn chán, thì có đi tìm muội muội kém bảy tuổi, tính ra bây giờ tuổi kém gần một nửa để buôn chuyện không: “Đáng đời anh ta”, Trịnh Diễm hả hê nói, “Gây ra chuyện phiền phức lớn đến như vậy, chỉ bị đánh có hai mươi gậy là xong, quá nhẹ đối với anh ta rồi”, rồi nghiêng người liếc nhìn Trịnh Thụy một cái, “Ca hỏi chuyện này làm gì? Có phải muốn hỏi trước hình phạt là gì, để chuẩn bị đi làm chuyện xấu?”.

“Nói hươu nói vượn!”. Trịnh Thụy dùng địa vị ca ca để lên mặt, cố gắng áp chế muội muội.

Khỏi cần nghĩ cũng biết là không áp chế được, khóe môi Trịnh Diễm khẽ nhếch lên, mũi rất phối hợp hừ một tiếng: “Mấy quyển truyện chép tay của các huynh, muội biết hết đấy nhé”. Nói xong thân mình còn lắc lư một chút.

Trịnh Thụy vội vàng lao vào tóm lấy Trịnh Diễm: “Đừng có mà nói lung tung”.

“Ca thử hù dọa muội thêm một lần nữa thử xem, muội mà bị dọa sợ rồi có thể sẽ nói lung tung thật đấy”. Trịnh Diễm đưa ánh mắt nhìn lên trời rồi nhìn xung quanh, nhưng nhất định không nhìn Trịnh Thụy.

Trịnh Thụy: “…”. Hiểu thời thế mới là người tài giỏi, đổi sang gương mặt tươi cười: “A Diễm, A Diễm, lục ca biết A Diễm là người thông minh nhất”.

Trịnh Diễm phì cười: “Lục ca, ca đừng chọc cười muội nữa”.

Trịnh Thụy thở dài, nằm sấp xuống mặt thư án thấp của Trịnh Diễm: “Tiểu nha đầu, muội đúng là quái quỷ. Ca cũng chỉ là buồn chán quá nên mới xem thôi, làm gì có ai coi đấy là sự thật đâu? Cũng chỉ có Vu ngũ cái kẻ đần kia, mới trở thành chuyện cười làm cho trong ngoài kinh thành chê cười chết thôi”.

“A cữu vất vả như vậy, thế mà bị anh ta làm liên lụy là hỏng hết mọi chuyện!”.

“Không chỉ có như vậy. Tam nương sinh thêm cháu trai, tứ tỷ sinh được cháu ngoại, hai chuyện vui này cũng bị chuyện đấy làm cho mất vui luôn rồi”. Triệu thị sinh đứa con trai thứ ba vào đúng tháng chín, cũng là lúc vụ kiện cáo của Vu Minh Lãng đang sôi nổi nhất, Trịnh Du sinh được trưởng tử vào tháng mười một, là lúc tuyên án lần cuối đối với chuyện của Vu Minh Lãng. Mấy tháng gần đây, Trịnh Tĩnh Nghiệp ra sức tạo áp lực cho con cháu, khiến cho cả nhà từ trên xuống dưới đều rất căng thẳng, đến cả việc muốn chơi đùa với đứa cháu nhỏ cũng bị hạn chế.

Huynh muội hai người đồng thanh thở dài một tiếng, Trịnh Thụy đột nhiên ngồi dậy, chọc chọc vào người Trịnh Diễm: “Muội nhìn xem, đại lang lại thể hiện cái dáng vẻ kia rồi”. Những đứa cháu trai của Trịnh gia cũng được sắp xếp theo thứ tự, Trịnh Đức Hưng là lão đại.

Trịnh Diễm nhìn theo ngón tay Trịnh Thụy chỉ, Trịnh Đức Hưng đang nói chuyện với Cố Nãi, vẻ mặt thì… đúng là mắc bệnh(*) không nặng! Không nhịn được cười mà còn muốn biểu hiện sự lạnh nhạt, cố gắng tỏ ra bình tĩnh nhưng trong đó lại có mầy phần nhiệt tình, Trịnh Diễm dường như nhìn thấy cháu mình mọc ra thêm cái đuôi đang vẫy vẫy. Cố Nãi thì ngược lại, khóe môi nhếch lên như đang cười, nhưng ý cười lại không từ miệng lan đến được ánh mắt, rõ ràng là đang đối phó.

(*) Từ gốc là “vi hòa”: có nghĩa là không cân đối, bất thường, một từ dùng để nói khéo về những người mắc bệnh, thân thể có chỗ nào đó không được chăm sóc tốt mà mắc bệnh. Ý ở đây là Trịnh Đức Hưng bị mọi người lơ là quản giáo nên… mắc bệnh theo đuôi Cố Nãi, hâm mộ Cố Nãi.

Đúng là mất mặt!

Trịnh Thụy ở bên cạnh nói thầm: “Bám người thế cơ à”.

Trịnh Diễm nhăn nhó, vẻ mặt này của cháu mình đúng là vô cùng thê thảm! Không được, không thể để cho nó làm mất mặt như vậy được, cần phải nói chuyện với nó thôi.

Có lẽ là ánh mắt của hai huynh muội quá tha thiết, nên hai người đang nói chuyện kia không hẹn mà cùng quay đầu lại nhìn. Cố Nãi cau mày, Trịnh gia này, đúng là không có quy củ chút nào cả. Con gái cho đọc sách thì thôi, hầu hết những nhà có tiền đều mời sư phụ để giáo dục con gái, nhưng nha đầu này đã hơn bảy tuổi rồi mà vẫn còn đường hoàng ngồi đọc sách cùng với một lũ tiểu tử, thì trong mắt Cố Nãi đây chính là biểu hiện của việc không có quy củ.

Trịnh Đức Hưng có phần lo lắng, không biết vì sao Cố Nãi lại không vui, hai người ở đằng kia, một người là thúc thúc một người là cô cô, rõ ràng là nó không thể động vào được.

Trịnh Diễm đáp trả lại bọn họ bằng một nụ cười thật tươi, Cố Nãi cúi đầu ngượng ngùng, nha đầu kia đúng là rất đẹp, cười khiến cho người ta lóa hết cả mắt, đầu óc lại thông minh, có điều là không tuân thủ quy củ cho lắm, do gia giáo à! Nhắc đến gia giáo, nhìn người còn lại một chút xem, nụ cười của Trịnh gia Lục công tử đầy vẻ lười nhác đặc trưng của đám con cháu nhà giàu ăn chơi trác táng(*), khiến cho hai mắt Cố Nãi đau nhức.

(*) Từ gốc là “hoàn khố tử đệ”: có nghĩa đen là quần áo lụa là, nghĩa bóng ý chỉ đám con cháu nhà giàu có, chuyên đi ăn chơi trác táng, không có chí lớp.

Trịnh Đức Hưng nhẹ giọng gọi: “Thất lang?”.

Trịnh Đức Hưng rất kính trọng thế gia, đây cũng là tâm lý đặc thù của thời đại này, người bình thường tôn sùng thế gia. Vị phụ thân đoan chính cùng với vị mẫu thân xuất thân không phải từ thế gia loại một của nó, lại càng cổ vũ cho loại tâm lý này. Nhìn thấy Cố Nãi, trong thâm tâm Trịnh Đức Hưng vừa muốn tiếp cận người ta, nhưng cũng lại sợ bị người ta xem thường, nơm nớp lo sợ, không biết phải làm thế nào cho đúng, giống như đang cầm bảo bối trong tay, đặt ở trên đầu thì sợ ngã vỡ mất, mà đặt trong miệng thì sợ tan ra mất – nó muốn kết bạn với một bằng hữu cao quý như vậy cơ mà.

Cố Nãi tùy tiện gật đầu với hai huynh muội Trịnh Thụy, rồi thu lại ánh mắt. Người trước mắt này thật ra rất ham học hỏi, có điều căn cơ không vững chắc, căn cơ của Trịnh gia quá mỏng. Trịnh Đức Hưng mấy tháng gần đây thường hay bắt chước tác phong hành động của Cố Nãi, đồng thời nghe ngóng một số cách thức hành động của thế gia từ Cố Nãi, để bắt chước theo.

Cố Nãi lại nhẹ giọng kể với Trịnh Đức Hưng về chuyện tế tổ cuối năm của nhà bọn họ, Trịnh Đức Hưng chăm chú lắng nghe, nhớ kỹ.

Trịnh Diễm từ khi đi theo Cố Ích Thuần học tập, thì bận tối mày tối mặt. Nàng đã có thể cưỡi trên một con ngựa cái dễ bảo, kéo được cây cung nhỏ, nhớ được gần hết phả hệ của những thế gia nổi tiếng trong cả nước, chữ viết cũng khá ổn rồi. Có thể làm được túi hương đơn giản, thêu được hai ba loại hoa văn, học xong đánh đàn cùng thổi sáo, luyện nhuần nhuyễn được năm khúc nhạc, có thể nhận ra được hơn mười loại mùi hương.

Bận rộn đến như thế, tất nhiên là không có thời gian đi tìm Trịnh Đức Hưng đòi nợ, chỉ cảm thấy Trịnh Đức Hưng có vẻ thân thiết với Cố Nãi thôi. Hôm nay càng nhìn càng thấy hai người này không khỏi quá thân thiết, có lẽ là cần phải hỏi han Trịnh Đức Hưng một chút xem tình hình thế nào.

Trịnh Đức Hưng thấy tiểu cô cô hỏi, còn có phần ngại ngùng, nhưng sau đó cũng không chịu nổi Trịnh Diễm quấy rối: “Hai người có vẻ thân thiết quá rồi đấy, có phải là định làm chuyện gì xấu hay không? Không cho cháu tiếp tục đi theo anh ta lêu lổng nữa!”. Cho dù là có hay không có chuyện, trước tiên cũng cứ đổ cho nó một cái tội danh đi đã.

Trịnh Đức Hưng đành phải giải thích: “Cháu chỉ là ngưỡng mộ tác phong của thế gia thôi mà!”.

Nó đúng là nghiêm túc! Trịnh Diễm thấy hai mắt Trịnh Đức Hưng nghiêm túc mở to ra nhìn mình, mới cảm thấy khó có thể tin tưởng mà lắc đầu, cô cô còn tưởng rằng cháu hâm mộ anh ta cơ đấy.

Sau đó lại nhìn hai người Trịnh, Cố, càng nhìn càng thở dài, tinh thần của Trịnh Đức Hưng vốn yếu ớt, tất nhiên là càng ngày càng yếu, khiến cho người ta không thể chấp nhận được. Không phải là nó thật sự coi Cố Nãi là thần tượng rồi đấy chứ?

Trịnh Diễm xoa cằm, cười híp hết cả mắt lại. Trịnh Thụy run hết cả người lên: “Không nên cười dọa người ta như thế, sẽ không gả đi được đâu!”.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/79228


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận