Con Gái Của Gian Thần Chương 19


Chương 19
Đổi bình phong lấy thịt hầm: Vẫn nói một chuyện thuận lợi, mọi chuyện trôi chảy, lão nhân gia ông ta chẳng những lên được phòng khách mà còn xuống được phòng bếp.

Đông Cung tham dự, khiến cho một mình Trịnh Tĩnh Nghiệp trở tay không kịp, Vu Nguyên Tề mất quyền chỉ huy Diệu Võ Quân, lại còn bị giam giữ trá hình bằng việc ép quay về kinh thành, khiến cho Trịnh đảng tức giận đến nghiến răng kèn kẹt. Trịnh Tĩnh Nghiệp vốn không muốn đối địch với Thái tử, thanh danh không tốt, cũng không hề dễ làm, việc không có lợi ích như thế ông làm làm gì? Nhưng bây giờ rõ ràng là Thái tử nhìn ông không vừa mắt, ông không đẩy anh ta xuống đài, không lẽ lại chờ anh ta đăng cơ rồi xử tử ông?

Tại sao Thái tử lại tự dưng đối đầu với mình cơ chứ? Trịnh Tĩnh Nghiệp dù sao cũng là Trịnh Tĩnh Nghiệp, ngồi không trong thư phòng một lúc lâu, cuối cùng cũng nghĩ ra, nhìn lại những người bên cạnh Thái tử bị bắt thử xem! Một nửa trong số đó là có thù oán với mình, một nửa còn lại không có thù oán với mình, vì là mới được thay thế, những người bị thay thế đều là bị ông xử lý. Xong, về cơ bản thì như thế là mình đã kết thù với Thái tử rồi còn gì. Hòa giải với Thái tử? Hòa giải thế nào? Hoàng đế cho phép? Ông là một Thừa tướng không có chuyện gì tự dưng dính lấy Thái tử làm gì, Hoàng đế sẽ vui hay sao? Hơn nữa, Thái tử sẽ chấp nhận sao? Ông không nể mặt anh ta, Thái tử vì sao phải đồng ý hòa giải? Anh ta chỉ cần chờ Hoàng đế “đi” là có thể xử lý ông rồi.

Trịnh Tĩnh Nghiệp triệu tập đảng đồ mở hội nghị lần nữa: “Quý sư muốn khôi phục chế độ cũ, làm đến đâu rồi?”.

Quang Lộc Tự Khanh cười hề hề trông rất đáng khinh: “Lão nhân gia ông ta muốn khôi phục chế độ cũ, tất nhiên là vẫn còn đang “muốn” rồi”. Ông ta cảm thấy rất tự hào với khiếu hài hước của mình nên cười đến vui vẻ.

Thượng thư bộ Hộ vui vẻ nói: “Năm nay vừa mới đánh xong một trận, lại là sinh nhật lần thứ sáu mươi của Thánh nhân, mùa xuân vừa rồi lại mới trùng tu Cung Thúy Vi, mấy chuyện này tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Tôi lại vừa mới bắt bọn họ nhét đầy vào các nhà kho trống. Ha ha, làm gì còn tiền thừa nữa cơ chứ?”. Một trong số những mục đích mà Ngụy Tĩnh Uyên điều chỉnh lại chế độ tước vị là để giải quyết áp lực về mặt tài chính, nếu khôi phục lại chế độ cũ thì mặt tài chính nhất định là không chịu nổi.

Trịnh Tú là trưởng tử của Trịnh Tĩnh Nghiệp đã xuất sĩ, lại được phụ thân đưa lên vị trí Trung Thư Xá Nhân, tương đương với vị trí thư ký của Hoàng đế, nên cũng tham dự hội nghị, nghe mọi người nói như vậy, mặc dù không vui, nhưng cũng yên lặng lắng nghe, không lên tiếng.

Trịnh Tĩnh Nghiệp dùng đầu ngón tay gõ hai cái lên mặt bàn: “Ai biết Chiêm Sự ở Đông Cung, Huyện Hầu lập quốc Lý Bá An?”.

“Ông ta thì sao?”.

“Quý sư muốn khôi phục lại chế độ cũ, tôi là đệ tử của người, sao lại có thể không hề để mắt đến thư tịch ghi chép về các cựu gia(*) được cơ chứ? Chẳng qua là chứng kiến Lý Bá An lúc đó thông báo đích thứ tử chỉ nhỏ hơn đích trưởng tử(**) của ông ta có năm tháng mà thôi”. Cho dù là Trịnh Tĩnh Nghiệp đang vạch trần người khác, thì gương mặt vẫn giữ đúng dáng vẻ của một người quân tử dịu dàng ấm áp.

(*) Cựu gia: cũng giống như thế gia, là những gia tộc có địa vị xã hội và thế hệ đời trước có công lao to lớn đối với quốc gia.

(**) Đích trưởng tử là con trai cả của chính thê, đích thứ tử là con trai thứ hai của chính thê, ở đây nghĩa là con trai cả và con trai thứ hai của chính thê sinh ra chỉ cách nhau có 5 tháng mà thôi.

“Ông ta đảo lộn đích thứ!”. Vị Ngự Sử trong Trịnh đảng lập tức tỉnh táo tinh thần, “Đây là tội khi quân(*)!”.

(*) Khi quân: tội lừa gạt vua.

Nói đến đây lại phải nhắc đến Ngụy Tĩnh Uyên, lão nhân gia ông ta chẳng những đưa ra chế độ hàng cấp tập tước(*), mà còn thực hiện chế độ “vô hậu trừ quốc” một cách rất nghiêm khắc. Tức là, tước vị của bạn chỉ có thể truyền lại cho con trai của đại lão bà, con trai do tiểu lão bà sinh không được thừa kế! Đại lão bà không sinh được con trai, không sao cả, chỉ thu hồi tước vị thôi. Nếu như mặt mũi của bạn đủ lớn, công lao cũng đủ nhiều, thì có thể chọn một đứa trẻ trong họ làm người thừa kế, hàng cấp tập tước, tất nhiên, người thừa kế cũng phải là con vợ cả, nếu không tất cả đặc quyền sẽ bị thu hồi, những gì cần phải nộp thuế thì sẽ phải nộp thuế, tất cả thực phong cũng sẽ phải nộp lại.

(*) Hàng cấp tập tước: giáng cấp khi thừa kế chức vị từ cha.

Quang Lộc Tự Khanh bổ sung thêm một câu: “Lại còn cưng chiều tiểu thiếp bỏ mặc thê tử nữa chứ! Không đúng, đây là biến thiếp thành thê. Nhất định trong đó có một người là thứ tử, đổi con vợ lẽ thành con vợ cả, không phải ý muốn nói mẹ của thứ tử là chính thất sao?”. Càng nói càng hưng phấn, không cần quan tâm xem đấy có phải là sự thật hay không, đầu tiên cứ tô vẽ hết tội cho Lý Bá An đi đã. Biến thiếp thành thê, cả hai đều bị đánh tám mươi gậy, ở tù hai năm, thiếp quay về vị trí cũ. Tất nhiên, ông ta cũng có thể không cần phải chịu phạt, làm giống như Vu gia, đem tiền đi chuộc tội, hoặc là, trả lại quan chức, tước vị gì đó.

Trịnh Tú sợ hãi: “Phụ thân, Lý Bá An là vị quan đang được Đông Cung coi trọng. Trước mắt không thể đắc tội với Đông Cung được!”. Trịnh Tú mới bị đánh một trận, lại vừa trải qua sự giáo dục bằng hồi ức đắng cay ngọt bùi, cho dù vẫn là người thành thật, nhưng cũng không còn ngây thơ nữa rồi. Nhưng lần này vẫn cần phải can gián phụ thân một chút. Hoàng đế đã già, Thái tử thì đang ở tuổi trung niên.

“Vậy cứ nhìn Đông Cung bị bọn tiểu nhân vây quanh?”. Trịnh Tĩnh Nghiệp đã quyết tâm muốn đối đầu với Đông Cung, nhưng lại không thể nói rõ ràng ra, không thể nói rõ ràng ra với bất cứ ai là ông muốn đẩy Thái tử xuống đài được, nếu không trước hết Trịnh đảng sẽ mất một nửa thành viên mất. Tranh sủng với Phó Hàm Chương ở Đông Cung? Hay là cứ như vậy mà đến Đông Cung xin Thái tử rủ lòng thương? Tất cả đều không thực hiện được, mà phải tử chiến đến cùng! Còn phải tốc chiến tốc thắng, Hoàng đế đã đến tuổi này rồi, chuyện này không thể kéo dài quá ba đến năm năm được, nếu trong vòng năm năm không thể giải quyết xong chuyện này, vậy cũng không cần giải quyết nữa, cả nhà chuẩn bị một cuộc chạy trốn quy mô lớn đi là vừa.

Trịnh Tĩnh Nghiệp rõ ràng là muốn đẩy Thái tử xuống đài, nhưng lại ra vẻ như muốn tốt cho Thái tử, nên khiến cho tất cả mọi người trong phòng đều tin tưởng ông. Trịnh đại gian tướng còn tẩy não mọi người: “Để Thái tử gần người quân tử tránh xa kẻ tiểu nhân, mới có thể giữ cho giang sơn xã tắc tồn tại muôn đời. Thái tử thân cận với người quân tử, trong lòng người sẽ dần hiểu, lúc ấy người mới biết chúng ta trung thành với người”.

Sau đó điều tra ra đúng là Lý Bá An đã làm ra cái chuyện không tốt đẹp này, nghe nói ông ta cũng là người có đời sống cá nhân không đứng đắn, cũng là người đưa vị hôn phu của người yêu bé nhỏ của Vu Minh Lãng đến kinh thành tố cáo.

Ông làm mùng một, tôi trả lễ ngày mười lăm, đều là vấn đề đời sống cá nhân, nhưng chuyện của ông lại còn dính dáng đến chiếm dụng tài sản quốc gia (tước vị có bổng lộc, nếu may mắn còn có thực phong), làm ảnh hưởng đến việc chấp hành việc công (tập tước) nữa chứ.

Trịnh Tú im lặng, anh ta cảm thấy có chỗ không thích hợp, nhưng lại không thể nói ra được là chỗ nào không thích hợp.

—– o0o —–

Có muốn hại người ta cũng phải nhìn thời điểm, ví dụ như bây giờ, gần tới cuối năm, các bộ ngành có liên quan đều bận rộn đến rối tinh rối mù, nếu bạn định làm chuyện gì, thì phải nhớ rằng muốn ăn chơi nhảy múa lúc này cơ hội thành công còn nhiều hơn, chứ muốn làm việc chăm chỉ, thì sẽ gặp phiền phức đấy. Cho nên Trịnh Tĩnh Nghiệp cho dù là đã chuẩn bị sẵn đối sách rồi, cũng chưa ra tay, mà ngược lại đi chuẩn bị ăn tết.

Đây là một ngày lễ lớn, các gia đình đều muốn gửi lễ mừng năm mới cho nhau nhiều một chút, chuẩn bị trong vòng hai tháng, sau đó ra giêng sẽ đi thăm người thân ở xung quanh, phải qua tết Nguyên tiêu của tháng giêng, mới xem như hết tết. Có chuyện gì đi nữa, qua thời điểm đó hãy nói, đồng thời cũng cần quan sát tình hình nhiều hơn một chút nữa, dù sao đối đầu với Thái tử cũng không phải là chuyện khiến cho người ta cảm thấy thoải mái, nhưng chỉ cần còn một con đường sống, sẽ chẳng có ai nguyện ý chịu mạo hiểm hết cả.

Nếu như là ở nhà người khác, kiểu gì cũng sẽ khiến mọi người trong nhà bận rộn gần chết, nhưng ở Trịnh gia thì mọi chuyện lại đơn giản hơn rất nhiều – nhân khẩu nhà ông rất ít. Thứ nhất là không có họ hàng, thứ hai là không có thế giao(*), chỉ có bốn nhà thông gia, với chỗ của Quý Phồn là vẫn phải chạy qua chạy lại một chút để ra vẻ. Ngoài những chỗ đó ra, chỉ còn có đi thăm hỏi những mối quan hệ bình thường ở chốn quan trường, với địa vị của Trịnh Tĩnh Nghiệp ngày hôm nay, những nơi cần xã giao cũng không có nhiều.

(*) Thế giao: quan hệ lâu đời.

Triệu thị đã hết tháng ở cữ, Đỗ thị cùng với ba cô con dâu cũng bận rộn với mấy chuyện chuẩn bị năm mới. Năm ngoái Trịnh Diễm không phải làm gì hết cả, năm nay Trịnh Tĩnh Nghiệp lại yêu cầu: “Con đã học nữ hồng rồi, cũng đã theo tiên sinh đọc sách rồi, chỗ bên Phường Tuyên Đức, cho dù con chuẩn bị gì đi nữa, cũng phải là do con tự làm mới được”.

Đỗ thị nói: “Phần của nó thiếp đã sớm giúp nó chuẩn bị rồi, hôm trước vợ của đại lang nói muốn cho mấy đứa Đức Hưng ca nhi(*) chuẩn bị lễ tạ sư, đã nhắc nhở thiếp rồi”.

(*) Ca nhi: cậu ấm, cách gọi con trai của những gia đình giàu có. Đây là một từ gốc tiếng Nhật, ở Trung Quốc từ này được “Trung Quốc hóa” thành “thiếu gia”.

“Chuyện đấy khác với chuyện này, đây là bái sư đường hoàng đúng quy tắc, cho dù sau này nó có lập gia đình hay sống chết thế nào đi nữa, cần phải tôn kính thì phải tôn kính. Những gì nàng chuẩn bị, là lễ vật của nhà chúng ta, bản thân A Diễm phải có thành ý mới được. Không nhất định phải là thứ gì đó rất quý giá, nữ hồng nếu như làm không tốt thì cũng không nhất định phải làm, nhưng dù sao cũng phải chuẩn bị thứ gì đó”.

Trịnh Diễm lắc lắc đầu: “Con cũng không biết nên tặng tiên sinh cái gì mới tốt, con chỉ biết làm mấy thứ nhỏ nhỏ, như mấy thứ trang trí trong phòng, với lại con có mấy miếng mực tốt nữa”. Nàng ngồi trên chiếc ghế dài thấp, hai bàn chân đong qua đưa lại, thật ra nàng đã nghĩ xong nên tặng gì từ lâu rồi, nếu như Cố Ích Thuần chỉ là một trưởng bối đơn thuần, thì với kỹ năng thêu thùa may vá của nàng có thể làm vật dụng nhỏ bé gì đó để đem tặng cũng được, nhưng mà đó lại là sư phụ của nàng. Trịnh Diễm nghĩ, vẫn là tặng lễ vật lịch sự tao nhã một chút thì tốt hơn. Con cháu của Trịnh Tĩnh Nghiệp muốn đi học, những kẻ muốn nịnh bợ cũng không thiếu, sinh nhật của Trịnh Diễm, ngoại trừ được tặng châu báu tơ lụa đồ chơi, số bút mực giấy nghiên được tặng cũng không ít, trong đó cũng không thiếu đồ văn phòng tứ bảo được danh gia chế tác.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nói xong chuyện chính, thì càng trở nên gần gũi hơn, vuốt tóc Trịnh Diễm nói: “Đúng là đã trưởng thành rồi”. Ông coi như không nhìn thấy khuê nữ của mình đang đung đưa đôi chân ngắn cũn cỡn.

Trịnh Diễm nghển cổ: “Tất nhiên, con đã có cáo mệnh rồi, a nương lại còn bắt đầu để cho con tự quản lý đồ đạc của mình, con cũng phải trưởng thành chứ”. Đối với vấn đề giáo dục con cái thì Đỗ thị cùng với Trịnh Tĩnh Nghiệp yêu cầu, những thứ khác chưa nói đến, nhưng trước tiên là phải có khả năng tự lập.

Đỗ thị không nhịn được chế giễu: “Thiếp thấy nữ hồng của nó không tốt, mà A Du năm xưa nữ hồng cũng không có gì đặc biệt, may mà nhà chúng ta không cần phải tự làm y phục, bằng không hai đứa nó sẽ khiến cho thiếp lo đến chết thôi”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp vuốt chòm râu cười không nói, chỉ nhìn Đỗ thị, Đỗ thị đỏ mặt, nữ hồng của bà cũng không ra gì hết cả. Nếu nói là làm y phục, thì vá quần áo, hay là khâu chăn gì đó bà còn có thể làm được, chứ muốn thêu hoa thì bà hoàn toàn không có kiên nhẫn, nghĩ lại cũng có thể hiểu được, một cô gái gánh vác cả gia nghiệp, có rất nhiều chuyện cần phải làm, lấy đâu ra thời gian để làm mấy cái chuyện như thế? Chỉ đáng thương cho Trịnh Tĩnh Nghiệp, sau khi hai người thành thân, ông vốn chỉ cần lão bà của mình ở nhà làm y phục cho mình, nhưng bà lại không biết một chữ nào cả cũng như chẳng biết chút gì về thêu thùa, nên người nào không biết còn khen vị nhân tài mới xuất hiện này “Mộc mạc, có phong thái của người quân tử xưa”. Đỗ thị sau khi sinh Trịnh Tú vào lúc ở cữ, mẹ đẻ cùng với mẹ chồng đều ở đấy, bà ở cữ đủ một tháng, nhàn rỗi không có việc gì làm, nên đã lôi y phục mới của Trịnh Tĩnh Nghiệp ra mà viền hai đường lên tay áo, khiến cho Trịnh Tĩnh Nghiệp kinh ngạc đến mức suýt chút nữa vấp phải bậc cửa mà ngã ra ngoài.

Trịnh Tĩnh Nghiệp liếc nhìn lão bà một cái, rồi lại nhìn nữ nhi: “Con đã là người có tài sản rồi, vậy thì chỗ cháu ngoại, cháu nội cũng cần phải đưa tiền mừng tuổi qua đấy nhé”. Ông vốn là định đùa nữ nhi một chút

Trịnh Diễm đáp: “Tất nhiên rồi ạ”.

Đỗ thị cảm thấy hơi kinh ngạc hỏi: “Sao không thấy con nói gì hết?”.

“Nói ra rồi thì còn gì hay nữa?”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp vui vẻ nói: “Đúng là khuê nữ của cha. Cha chỉ dẫn cho con thêm chút nữa nhé?”.

“Vâng ạ”.

“Thánh nhân cùng với Quý phi cũng đối xử với con rất tốt”.

“Đều có phần…”. Năm ngoái nàng còn nhỏ, thứ nhất là không có tiền riêng, thứ hai là không biết làm thủ công. Nhưng từ sau sinh nhật bảy tuổi, nguồn tài nguyên mà nàng nắm được trong tay đã nhiều hơn rất nhiều rồi. Đỗ thị xuất thân bình dân, căn cứ vào kinh nghiệm lăn lộn mấy chục năm trong đời, cảm thấy đối với con gái những thứ như hiền lương thục đức đều là thứ yếu, điều quan trọng nhất là có thể sống được. Phụ thân của Đỗ thị mất sớm, con cái nhà nghèo sớm biết lo liệu việc nhà, nên sự dạy dỗ của bà đối với con gái, không tránh khỏi mang theo kinh nghiệm của bản thân. Cộng thêm vào đó là Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không đề cập tới việc dạy dỗ con gái nhà mình giống như con gái của những gia đình thế gia, ông đã sớm nhận ra, học vẽ hổ nếu không cẩn thận sẽ thành ra vẽ chó, nếu không phải thế lúc bàn bạc việc hôn nhân của Trịnh Du ông đã không để cho người đi vẽ hình đám con cháu thế gia về cho Trịnh Du chọn.

Kết quả là năm nay Trịnh Diễm tự chuẩn bị quà mừng năm mới ai cũng có phần.

Bản thân Trịnh Diễm có bổng lộc của Huyện quân cùng với thực phong ba trăm hộ, Đỗ thị đã dần dần giao cho nàng tự quản lý. Mặc dù không cho phép con cháu trai có tài sản riêng, nhưng lại luôn ưu ái con gái – các nàng khi còn ở nhà mẹ đẻ cần phải học cách quản lý việc nhà, phòng ngừa sau này khi xuất giá làm không được lại bị nhà chồng coi thường. Với Đỗ thị thì, đấy là tài sản riêng của con gái, lúc xuất giá cũng sẽ phải mang theo, bản thân bà nhiều nhất chỉ ở bên cạnh giúp đỡ mà thôi. Nhưng thật không ngờ là nha đầu kia lại rất có thiên phú làm bà quản gia, các khoản mục nàng đều nhớ rất rõ ràng.

Nửa tháng trước khi đến năm mới, Đỗ thị vẫn cảm thấy lo lắng, nên sai Trịnh Diễm đem những món quà đã chuẩn bị ra để xem xét lại.

Mấy đứa cháu nội ngoại đều mỗi người một phong bao lì xì, mà phong bao đều được dùng lụa đỏ làm thành, mỗi người mười miếng tiền vàng, rất công bằng. Mấy miếng tiền vàng này đều do Trịnh Diễm lấy được từ trong cung ra, trong cung thường dùng vàng bạc đúc thành đồng tiền, vốn không dùng để lưu thông, mà dùng để chơi đùa. Tất nhiên, nếu như lá gan của bạn lớn một chút, nấu chảy chúng ra, hoặc coi chúng là vàng tính theo trọng lượng dùng trong giao dịch thì cũng chẳng có ai quan tâm.

Các huynh trưởng đều là bút nghiên gì đó, không nhiều không ít, mỗi người một bộ, các chị dâu thì tặng các loại hương liệu. Chỗ Trịnh Du ngoài hương liệu còn có vải vóc.

Hoàng đế cùng Miêu phi không phải là những người thiếu thốn đồ đạc, Trịnh Diễm tặng cho mỗi người một chậu đông thanh(*).

(*) Đông thanh: sồi xanh.

Thậm chí là, những người bên cạnh mỗi người cũng được một trăm đồng tiền mừng tuổi. Chỉ duy nhất không có quà tặng cho hai vợ chồng Trịnh thị và Cố Ích Thuần.

Đỗ thị dùng một ngón tay chỉ chỉ vào thái dương của con gái: “Tiểu hồ ly”.

Trịnh Diễm lè lưỡi.

—– o0o —–

“Con tặng Trẫm cái này?”. Thật ra Hoàng đế là một ông lão hiền lành, ít nhất ở trước mặt Trịnh Diễm là như thế, như không sử dụng cách xưng hô quá chính thức, hiện tại đang sử dụng là ngôn ngữ viết, với ý định nhấn mạnh thái độ mà thôi.

Lúc này Trịnh Diễm đang ngồi chơi trong Điện Chiêu Nhân, ngày lễ ngày tết, các đại thần, mệnh phụ cần phải tiến cống một thứ gì đó, Trịnh Diễm có phong hào, nhưng tuổi còn nhỏ, phần đồ tiến cống chính thức đã được Đỗ thị dùng danh nghĩa của nàng đưa lên. Phần hiện tại là nàng tự tay mang đến.

Chỉ là hai chậu hoa không đáng tiền, không đúng, còn chưa nở hoa, hơn nữa keo kiệt đến nỗi chỉ tặng cho mỗi người một chậu.

Trịnh Diễm lầm bầm: “Thứ này mang đến điềm lành mà, không úa tàn vào mùa đông, mãi mãi xanh tươi”.

Hoàng đế vốn là muốn đùa nàng một chút, lão nhân gia ông ta có rất nhiều con trai con gái, mà đã có nhiều thì sẽ không thấy quý hiếm, Miêu phi thích Trịnh Diễm, nên số lần ông ta gặp Trịnh Diễm cũng nhiều hơn, thành ra cũng thích tiểu nha đầu đáng yêu có tính cách khiến người ta yêu thích này, tất nhiên, nha đầu kia còn có một người cha tốt, điều này lại càng khiến cho Hoàng đế coi trọng Trịnh Diễm hơn.

Miêu phi hòa giải: “Suốt ngày nhìn châu báu quý giá rồi, bây giờ nhìn thứ này, lại thấy đẹp”.

Hoàng đế trách cứ cô ấy: “Nàng chiều nó quá đấy”. Miêu phi liếc Hoàng đế một cái nhìn đầy quyến rũ, Hoàng đế vui vẻ vuốt râu cười, còn nói với Trịnh Diễm: “Tốt xấu gì cũng nên tặng một đôi chứ”.

“Con mang đến đây hai chậu, đúng là một đôi rồi còn gì”.

Không hề ngạc nhiên, trên đầu đã bị Hoàng đế cốc cho một cái: “Tiểu nha đầu học ở đâu vậy? Con ở nhà cũng như vậy? Trịnh Tĩnh Nghiệp không dạy dỗ con sao?”.

Trịnh Diễm lắc đầu: “Chỗ nào mà chẳng được, con ở nhà còn nghịch hơn nữa cơ, cha con không thắng được con. Hôm trước cha con còn tự mình xuống bếp nấu cơm nữa đấy”.

Hoàng đế: “… Hả?”. Sao lại có thể như thế?

“Làm Thừa tướng, mà không biết nấu cơm thì làm Thừa tướng kiểu gì?”. Trịnh Diễm vô cùng đại nghịch bất đạo mà bĩu môi với Hoàng đế.

Hoàng đế: “…”. Nhất định là mình đã mở sai phương thức rồi!

Quả thật là Trịnh Tĩnh Nghiệp đã xuống bếp nấu cơm, làm cho ba cô con dâu kinh ngạc muốn rơi mắt. Lúc nhỏ gia đình nhà Trịnh Tĩnh Nghiệp rất nghèo, mẹ ông là Hà thị tất nhiên là không đồng ý để cho con trai mình làm việc nhà rồi, nhưng khi Hà thị bị bệnh, thì đã chẳng còn ai ngăn cản Trịnh Tĩnh Nghiệp nữa rồi. Người ta vẫn nói một chuyện thuận lợi, mọi chuyện trôi chảy, lão nhân gia ông ta chẳng những lên được phòng khách mà còn xuống được phòng bếp, mà nghe nói đồ ăn ông làm còn rất ngon nữa. Lúc Đỗ thị ở cữ đã được ăn món thịt hầm ông làm mấy lần, lúc tất niên không may lỡ miệng nói ra.

Trịnh Diễm vô cùng muốn học hỏi một chút, nhưng cũng không có cách nào để Thừa tướng đương triều đi làm đầu bếp cả.

Ngày đầu năm nay lại đúng lúc có lý do, lễ vật mà Trịnh Diễm tặng cho cha nàng khiến cho ông vô cùng thích thú, Trịnh Tĩnh Nghiệp nhất thời lỡ miệng: “Không tệ không tệ, con muốn cái gì nào?”.

“Cha nấu món thịt hầm đi. Dưỡng gia hồ khẩu(*), làm cho con gái được ăn một chút đi mà! A nương cứ nhắc, mà con chưa có dịp được ăn”.

(*) Dưỡng gia hồ khẩu: ý chỉ miễn cưỡng nuôi sống người nhà, để người nhà không bị đói. Nguyên văn câu này là “dưỡng gia hồ khẩu, hồ hồ nữ nhi đích khẩu ma”, là một câu chơi chữ của Trịnh Diễm.

Trả giá bằng việc bị Đỗ thị gõ cho sưng u hai cái trên đầu, cuối cùng thì Trịnh Diễm cũng được ăn món thịt hầm của Trịnh Tĩnh Nghiệp làm.

Thơm! Thơm vô cùng!

Trịnh Tĩnh Nghiệp vừa lau tay, vừa cười mắng: “Con đúng là quỷ quái, tặng đồ giống nhau, tại sao tiên sinh của con không cần phải hầm thịt cho con ăn mà cha lại phải làm?”.

“Ông ấy không phải là cha của con”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đang vui vẻ, nên không tính toán với nàng. Ăn cơm xong, đi tới thư phòng, nhìn thấy cái bình phong nhỏ lại cảm thấy vui vẻ.

Những nhà thư pháp nổi tiếng trong nước, có Trịnh Tĩnh Nghiệp đứng thứ nhất, Cố Ích Thuần cũng coi như là nổi danh, còn lại một người chính là Lý Tuấn, ba người đều là học trò của Quý Phồn, nhưng Quý Phồn làm sư phụ, thư pháp lại không bằng ba người đệ tử.

Khải thư của Trịnh Tĩnh Nghiệp, hành thư của Cố Ích Thuần, thảo thư của Lý Tuấn, đều là những tác phẩm mà mọi người tranh nhau sưu tầm.

Đối với Trịnh Diễm, hai loại tác phẩm đầu rất dễ lấy được, thư phòng của Trịnh Tĩnh Nghiệp về cơ bản là không hề ngăn ngừa nàng bước vào, lão nhân gia ông ta lại còn hay bế nàng đến thư phòng đùa nghịch, có khi gặp khách cũng vẫn mang nàng theo. Cố Ích Thuần lại là sư phụ của nàng, là người dạy nàng đọc sách viết chữ.

Phía trên có nói, kỹ năng may vá thêu thùa của Trịnh Diễm cũng không được tốt cho lắm, chỉ có thể thêu được những hoa văn đơn giản và làm những đồ vật be bé xinh xinh, nhưng mà, nàng có gan làm bừa. Nàng vốn là người xuyên qua, Tuệ Văn của Hồng Lâu Mộng chính là một tấm gương rất tốt(*). Tranh chữ của danh nhân rất phức tạp, không thể thêu được, nhưng nếu như chỉ có chữ thôi, thì có thể thử.

(*) Nhân vật Tuệ Văn trong Hồng Lâu Mộng: là một cô gái Cô Tô vốn tên là Tuệ Nương, con nhà thư hương thế gia, giỏi vẽ tranh, thỉnh thoảng thêu thùa mấy thứ để chơi, không để bán. Các bức tranh thêu của cô thêu theo phong cảnh, hoa cỏ của các nhà danh họa đời Đường, Tống, Nguyên, Minh nên cách thức, màu sắc đậm đà, tinh xảo không ai bằng. Bên cạnh mỗi một bức tranh là một bài thơ, từ, ca, phú của người xưa và đều được thêu nổi bằng nhung đen, tất cả các nét ngoặc, chấm, to, nhỏ, liền cách đều giống hệt chữ viết, khác hẳn những bức tranh thêu chữ thông thường.

Bắt đầu bằng việc lừa cha nàng và tiên sinh của nàng làm hai bài thơ, sau đó bắt chước chữ của hai người mà tô lại trên lụa trắng thành hình chữ(*). Chuyện này đối với nàng không khó, vì chữ của n 306e ng, là do hai người tự mình dạy, tô lại không có gì là khó. Sau đó chỉ cần dùng chỉ đen thêu kín bên trong hình chữ đã được ngòi bút vẽ sẵn. Thêu hai cái bình phong giống nhau, đều là loại bình phong hai cánh ghép lại dùng để trang trí, mỗi cánh cao hai thước, rộng nửa thước, một cánh là khải thư của Trịnh Tĩnh Nghiệp, một cánh là hành thư của Cố Ích Thuần.

(*) Câu gốc dùng cụm từ “y dạng họa hồ lô” nghĩa là bắt chước vẽ lại theo nguyên gốc, không có sự sáng tạo, thay đổi.

Vô cùng tao nhã! Trịnh Tĩnh Nghiệp lập tức đặt bình phong này ở thư phòng, đến cả đối thủ chính trị tới chơi cũng phải thốt lên khen bình phong này đúng là tao nhã, vô cùng sáng tạo, Trịnh Tĩnh Nghiệp khi đã cao hứng, hầm thịt thì hầm thịt có gì đâu.

Cố Ích Thuần cũng đặt bình phong ở thư phòng, để ngắm nghía lúc nhàn rỗi. Cố Nãi nhờ phúc của thúc tổ của mình, được quan sát khải thư của Trịnh Tĩnh Nghiệp ở khoảng cách gần, thầm nghĩ, Trịnh Tĩnh Nghiệp khôn khéo một đời, đáng tiếc là đám con cháu của ông ta không bằng ông ta. Lại nghĩ đến Trịnh Diễm, đáng tiếc là xuất thân không tốt, nếu như sinh ra ở thế gia, lại có tài năng như vậy, thì không biết sẽ làm được những chuyện vĩ đại như thế nào nữa. Xem một lần, than thở một lần.

Hai người đàn ông lại còn được tặng thêm mỗi người một đôi tất dày, kích cỡ rất vừa vặn, rất phù hợp để Cố Ích Thuần dùng khi ở nhà. Chỗ ở hiện tại của Cố Ích Thuần mang phong cách khá là cổ xưa, khi vào nhà cần phải đi tất để đi lại trong nhà.

Lễ vật tặng mẹ ruột của nàng lại càng kinh khủng hơn, nàng tự làm son để cho mẹ nàng dùng, dù sao khi Đỗ thị ra khỏi nhà mà có người khen khí sắc của bà tốt, bà sẽ nói đấy là công của lớp son mà khuê nữ đã tự tay làm cho bà.

Quả thật là ý tưởng vô cùng chu đáo.

—– o0o —–

“Nha đầu chính là dùng cái này để đổi lấy thịt hầm?”. Tấm bình phong đang đặt trước mặt Hoàng đế bây giờ, đúng là lễ vật mừng năm mới mà Trịnh Tĩnh Nghiệp mới nhận được, lúc này Trịnh Tĩnh Nghiệp đang dùng ánh mắt giống như phòng cướp mà nhìn Hoàng đế, Hoàng đế cũng không thèm tính toán, “Tôi chỉ nhìn một chút, cũng không cướp của ông”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp không hề khách sáo nói: “Vậy là tốt rồi”.

Hoàng đế quả thật rất muốn tức giận: “Dùng thịt hầm để đổi lấy, ông cũng cần phải bảo vệ cho tốt”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp không giấu bình phong đi, nên tất nhiên là Hoàng đế sẽ biết chuyện này, Hoàng đế vốn tự nhận bản thân là một người yêu thích nghệ thuật bày tỏ ý muốn nhìn thấy món đồ công nghệ mới này, nhân tiện lỗi Trịnh Diễm đến hỏi một chút, không ngoại trừ việc trước mặt người ta cướp lấy tri thức về bản quyền công nghệ, hỏi rõ quy trình sản xuất rồi sau đấy ra lệnh cho các thợ thủ công của hoàng gia mô phỏng theo là được. Bình phong được mang đến, không quan trọng là bút tích, kỹ năng thêu thùa của tiểu cô nương có tinh xảo hay không, mà thắng tại ý sáng tạo, hơn nữa còn thắng tại bản gốc là do hai vị bậc thầy thư pháp viết ra.

Đồ vật như thế, đến Hoàng đế cũng không thể không cảm thấy quý hiếm, nên không thể trách Trịnh Tĩnh Nghiệp nhìn ông ta như nhìn kẻ cướp, Hoàng đế đè nén tiếng khen ngợi suýt chút nữa thì thốt lên, đành phải nói sang chuyện khác.

Trịnh Tĩnh Nghiệp bình tĩnh nói: “Làm cha người ta, hầm thịt cho con gái ăn thì có sao đâu”.

Hoàng đế kinh ngạc, đột nhiên nói: “Hóa ra là ông nuôi dạy con như thế”, sau đó nhìn về phía Trịnh Diễm nói, “Con phải nhớ rõ phụ thân con tốt với con như vậy, không thể suốt ngày nghĩ tới ăn uống!”. Câu này là nhắc nhở Trịnh Diễm nhớ tới địa vị Thừa tướng của phụ thân.

“Có gì sai đâu cơ chứ?”. Trịnh Diễm trợn mắt nhìn Hoàng đế, “Đất nước lấy người dân làm gốc, người dân coi thức ăn là trời, Thừa tướng ấy à, còn không phải là đầu bếp của thiên hạ sao?”. Phất tay với Hoàng đế như đang đuổi ruồi.

Hoàng đế kinh ngạc, nhìn Trịnh Diễm rồi lại quay sang nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp, sau đó cười lớn tiếng: “Khanh dạy dỗ tốt”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cảm thấy xấu hổ, Hoàng đế nói với Trịnh Diễm: “Nhìn cũng nhìn rồi, tác phẩm làm không tệ, Quý phi rất nhớ con, đi qua Điện Chiêu Nhân chơi đi”.

Ánh mắt của Trịnh Tĩnh Nghiệp nhìn chăm chú vào con gái đến khi nàng bước chân ra khỏi cửa mà không ngã mới quay lại: “Đã để Bệ hạ cười chê”.

“Người làm cha làm mẹ, luôn sợ con cái gặp chuyện không may”. Hoàng đế thấu hiểu.

Trong lòng Trịnh Tĩnh Nghiệp cảm thấy ưu tư nên gật đầu: “Còn sợ bọn chúng học chuyện xấu nữa, đúng là khiến người ta phải lo lắng”.

“Đúng vậy! Chọn sư phụ chọn bạn bè, tuyển phụ tá…”. Hoàng đế bắt đầu tuôn trào. Lão nhân gia ông ta có cả đống con cháu, mỗi người lại cần có cả một ê kíp đi theo, lại còn phải để ý để không cho kẻ “tiểu nhân” tranh thủ mà làm hỏng các hoàng tử, hoàng nữ. Khó khăn lắm mới lựa chọn xong, ai biết được trong số những kẻ mới được tuyển vẫn còn có những người không xứng đáng với chức vị được tuyển chọn, lại phải chọn lựa lại. Lúc Hoàng đế còn trẻ mong có con muốn chết, đến khi tuổi già có nhiều con cái cũng lại khiến cho ông ta muốn phát điên.

Trịnh Tĩnh Nghiệp mỉm cười an ủi Hoàng đế: “Các vị điện hạ tính tình vốn hiền lành, sẽ không làm ngài phải lo lắng”.

Có lẽ là do bầu không khí quá mức êm đẹp, cũng có lẽ là do giọng điệu của Trịnh Tĩnh Nghiệp rất dịu dàng, khiến cho cảm giác muốn dốc bầu tâm sự của Hoàng đế càng lúc càng mãnh liệt. Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng nói ra những điều khiến ông lo lắng, ví dụ như Trịnh Tú quá thẳng thắn, không uyển chuyển, ví dụ như Trịnh Uyển, Trịnh Thụy tính cách có phần giống con cháu nhà giàu chứ không như những đứa trẻ xuất thân nhà nghèo, ví dụ như Trịnh Diễm hành động không theo lẽ thường khiến cho người khác đau đầu.

Nếu không quan tâm đến địa điểm bàn luận – ở Cung Đại Chính, thì bạn sẽ nghĩ rằng ở đây đang mở hội nghị của các bậc phụ huynh. Trịnh Tĩnh Nghiệp còn lo lắng: “Đại lang cương trực, ngũ lang tính tình không tập trung, thần quả thật rất lo sau này thần đi rồi huynh trưởng lại quản lý quá nghiêm khắc, hai đứa chúng nó sẽ có tranh chấp mất”.

Qua mấy ngày hôm sau, nha môn làm việc trở lại, triều đình cũng bắt đầu bước vào guồng quay cũ, lúc Ngự Sử dâng tấu chương vạch tội Lý Bá An, tinh thần của Hoàng đế vẫn chưa thoát ra khỏi vấn đề giáo dục con cái. Tấu chương vạch tội của Ngự Sử viết vô cùng khéo léo, đầu tiên, khẳng định Thái tử là người tốt, tiếp theo, là lo lắng có kẻ tiểu nhân sẽ tạo ra ảnh hưởng xấu đối với Thái tử. Sau đó mới nói ra chuyện của Lý Bá An.

Quốc gia rất nghiêm khắc đối với việc quản lý tước vị, ít nhất trên phương diện đăng ký là như thế. Chẳng qua là không có ai rảnh rỗi đến nỗi cả ngày đi nghiên cứu về những người thừa kế tước vị của nhà người khác, mà người ta thích là nghiên cứu gia phả của các gia đình thế gia, được gọi là các nhà “gia phả học”. Cũng chẳng có ai đi nghiên cứu bản đăng ký tước vị hết cả, chuyện của Lý Bá An đúng là chẳng có mấy ai có thể phát hiện ra.

Nhưng ông ta thật bất hạnh khi gặp phải Trịnh Tĩnh Nghiệp. Theo như ông quan sát, trong suốt thời gian mừng năm mới, Thái tử điện hạ có vẻ coi trọng hơn một vài người, đối với ông thì có vẻ thờ ơ không quan tâm, trong tâm lý cũng đã có sự tính toán. Khẽ cắn môi, làm thôi!

Đầu tiên là dẫn đề tài đến chuyện lo lắng cho con cái để Hoàng đế chú ý, sau đó là lo lắng hơn nữa nếu như Thái tử bị ảnh hưởng xấu rồi sau này sẽ đối xử với huynh đệ không tốt. Sau đó sắp xếp để Ngự Sử vạch tội không phân biệt đích thứ, tiếp theo, Quang Lộc Tự Khanh vô tình thốt lên: “Không chỉ như vậy, đấy là tội khi quân”. Liên quan đến vấn đề kế thừa tước vị.

Lý Bá An nếu như không có đích tử, cũng nên nhận đích tử của đệ đệ làm con thừa tự, bây giờ chuyện này lại thành ra liên quan đến lừa gạt tổ tiên, khắc nghiệt với đệ đệ.

Lý Bá An xuống đài rất nhanh chóng, quan chức không còn, địa vị Thế tử của con trai ruột cũng không còn, Hoàng đế lại còn chen thêm một chân vào, quan tâm đến chuyện nhận con thừa tự. Thái tử lại mất đi một cánh tay.

—– o0o —–

Đối với chuyện này Trịnh đảng cảm thấy rất vui mừng.

Song, điều khiến cho Trịnh Tĩnh Nghiệp tuyệt đối không nghĩ đến lại là, Quý Phồn thế nhưng lại coi chuyện này như một chuyện đột phá, xin khôi phục lại chế độ cũ. Nguyên nhân chẳng qua là vì chuyện kế thừa tước vị càng ngày càng khó khăn, khiến cho người ta không thể không làm liều. Một gia tộc bình thường đang yên lành tốt đẹp, chỉ vì không có đích tử, khiến cho tước vị mà các vị tổ tiên liều mình đổi lấy sẽ không còn, khiến cho mọi người mất đi một phần bổng lộc, như vậy sẽ thật có lỗi với các vị công thần.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/81468


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận