Tôi là đứa con đầu lòng. Sự kiện đứa con đầu lòng chào đời thường mang đến niềm vui cho bất cứ gia đình nào, ấy thế mà khi tôi sinh ra, tuyệt đối không một ai gửi hoa chúc mừng mẹ tôi. Điều đó càng làm tổn thương mẹ, và khiến mẹ tuyệt vọng hơn.
Nhìn cha bằng đôi mắt đẫm ướt, mẹ hỏi: “Em không đáng được nhận hoa sao?”.
“Anh xin lỗi”, cha tôi nói.
“Đáng chứ, em đáng được nhận hoa lắm chứ”.
Nói rồi ông vội tìm đến quầy bán hoa của bệnh viện và nhanh chóng trở về cùng với một bó hoa.
Tôi đã từng hỏi mẹ về cái ngày tôi chào đời, về phản ứng đầu tiên của họ khi biết đứa con mới chào đời của mình không tay, không chân. Hôm ấy tôi đã có một ngày rất tồi tệ ở trường và khi kể chuyện trường lớp cho mẹ nghe, mẹ đã khóc cùng tôi. Tôi nói với mẹ rằng tôi chán vì không có tay có chân lắm rồi, rằng tôi buồn lắm. Mẹ chia sẻ với tôi những giọt lệ buồn tủi đó và nói cha mẹ hiểu rằng Chúa có một kế hoạch dành cho tôi và một ngày nào đó Người sẽ tiết lộ kế hoạch ấy.
Tôi vẫn tiếp tục đặt ra những câu hỏi, hết lần này đến lần khác, lúc thì hỏi riêng cha hoặc mẹ, khi thì hỏi cả hai người. Tôi hỏi một phần là do tính tò mò, một phần là để phản ứng lại những câu hỏi dai dẳng, đeo bám mà tôi luôn phải cố gắng để ngăn chặn từ phía những đứa bạn học hiếu kỳ.
Trong những cuộc trò chuyện ban đầu, cha mẹ tôi tỏ ra rất thận trọng và dè chừng khi trả lời các câu hỏi của tôi. Khi tôi lớn hơn, nhất quyết hỏi cho bằng được, họ đã kể cho tôi nghe cảm giác của họ và những nỗi sợ mà họ đã trải qua ngày đó bởi họ biết rằng tôi đã đủ lớn để đối mặt với những sự thật ấy.
Tuy vậy, khi mẹ kể với tôi rằng sau khi tôi chào đời mẹ đã không muốn ôm tôi, tôi cảm thấy sự thật đó mới khó chấp nhận làm sao, ấy là tôi đã nói nhẹ đi về cảm giác của mình lúc ấy rồi đấy. Tôi đã đủ bất an và buồn khổ rồi, ấy thế mà tôi lại phải đối mặt với sự thật rằng chính mẹ đẻ của tôi còn không thể chịu đựng nổi việc nhìn thấy tôi, không muốn ôm tôi vào lòng…
Ôi chao, bạn thử tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Tôi đau đớn, buồn tủi lắm. Tôi cảm thấy mình bị ruồng bỏ, nhưng rồi tôi nghĩ đến tất cả những gì cha mẹ đã làm cho mình bấy lâu nay. Trong chừng ấy năm cha mẹ đã luôn chứng tỏ tình yêu của họ dành cho tôi. Khi chúng tôi tâm sự với nhau về những ngày ấy, tôi đã đủ lớn để đặt mình vào vị trí của mẹ, để hiểu nỗi lòng của người.
Ngoài những linh cảm ra, mẹ tôi không hề nhận được sự cảnh báo nào trong suốt thời gian mẹ mang thai. Vậy nên mẹ bị sốc và sợ hãi cũng là điều dễ hiểu. Nếu tôi là một người cha, một người mẹ, tôi sẽ phản ứng thế nào khi con mình sinh ra với hình hài dị biệt như thế, với khuyết tật nặng nề đến mức ấy?
Tôi không hề biết những chuyện đó cho tới lúc mười ba tuổi, khi tôi bắt đầu hỏi cha. Thoạt đầu tôi cảm thấy hơi sợ trước những gì cha mẹ có thể sẽ kể cho tôi dám chắc là tôi có thể đối mặt với sự thật tốt như họ. Tôi nói để họ biết cảm nhận đó của mình và qua thời gian, càng ngày tôi và cha mẹ càng có thể đi sâu hơn vào chi tiết, chia sẻ với nhau nhiều hơn về những chuyện trong quá khứ. Tôi mừng vì chúng tôi đã đợi cho tới khi tôi đủ bình tâm, đã biết từ trong sâu thẳm trái tim mình rằng cha mẹ tôi yêu thương tôi.
Chúng tôi tiếp tục chia sẻ những tâm tư, tình cảm, cảm xúc, nỗi sợ hãi, và cha mẹ đã giúp tôi cảm nhận được rằng đức tin của họ đã cho phép họ hiểu rằng tôi sinh ra là để phụng sự mục đích của Chúa.
Tôi là một đứa trẻ luôn lạc quan và có lòng quyết tâm mãnh liệt. Các giáo viên của tôi, những phụ huynh khác và cả những người lạ thường nói với cha mẹ tôi rằng thái độ sống của tôi khích lệ họ trong cuộc sống. Về phần mình, tôi hiểu rằng những thách thức của cá nhân tôi vốn đã rất lớn, nhưng nhiều người trong cuộc đời này còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, phải chịu đựng những gánh nặng ghê gớm hơn những gánh nặng của tôi.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !