Chủ nhật, ngày Hai mươi hai tháng Năm
Bạn vẫn hay nghe đến câu chuyện cũ rích rằng toàn bộ thể xác một người nếu tính lẻ từng phần chỉ trị giá bốn đô rưỡi. Thật ra, dấu hiệu nhận dạng cá nhân còn đáng giá hơn nhiều.
Robert O’Harrow Jr.
No place to hide
Dấu vết bắt đầu từ Scottsdale tới San Antonio kéo dài đến một trạm nghỉ ở Delaware ngay gần tuyến đường liên bang số 95 chật ních xe tải và những gia đình nhộn nhạo, rồi cuối cùng kết thúc ở một điểm khó lòng tin nổi: London.
Vậy con mồi đã chuồn mất theo con đường này là ai? Một gã sát thủ chuyên nghiệp mà Lincoln Rhyme đã truy đuổi suốt một thời gian dài, anh đã kịp ngăn không cho gã gây ra một tội ác khủng khiếp, song gã đã kịp chuồn chỉ vài phút trước khi cảnh sát ập đến, như Rhyme cay cú mô tả “nhởn nhơ tung tăng ra khỏi thành phố như một gã du khách chuẩn bị phải quay lại làm việc vào sáng thứ Hai”.
Mọi dấu vết đã bốc hơi. Kết quả là cảnh sát cũng như FBI đều không tìm được manh mối gì về nơi ẩn náu cũng như dự định tiếp theo của gã. Nhưng mấy tuần trước Rhyme đã được một mối quen từ Arizona cho biết rất có thể gã này chính là kẻ tình nghi trong vụ sát hại một binh sĩ quân đội Mỹ tại Scottsdale. Manh mối sót lại cho thấy, có lẽ gã đã lẩn về phía đông, ban đầu là Texas sau đó tới Delaware.
Tên của kẻ tình nghi là Richard Logan, cũng có thể đây chỉ là tên giả. Dường như gã tới từ miền Tây của Mỹ hoặc Canada. Những cuộc tìm kiếm ráo riết đã tìm ra một số người có tên Richard Logan, song không có ai phù hợp với đặc điểm của kẻ sát nhân.
Thế rồi một cách rất ngẫu nhiên (Lincoln Rhyme không bao giờ động đến từ “may mắn”), anh được biết từ Interpol rằng một tay sát thủ chuyên nghiệp từ Mỹ đã được thuê thực hiện một phi vụ ở Anh. Gã đã giết một người ở Arizona để lấy giấy tờ tùy thân và thông tin quân sự rồi tới gặp đồng bọn tại Texas, được ứng trước tiền công tại một bến dừng xe tải nào đó ở vùng bờ biển miền Đông. Gã đã bay tới Heathrow, giờ đây đang ở trên đất của Vương quốc Anh, song chính xác ở đâu thì không ai biết.
Mục tiêu của “kế hoạch được tài trợ chu đáo và đặt hàng từ những nhân vật cấp cao” của Richard Logan – Rhyme chỉ có thể mỉm cười khi đọc những lời mô tả bóng bẩy của Interpol – là một mục sư Tin lành đến từ châu Phi. Ông này đang điều hành một trại tị nạn và mới gặp rắc rối với một vụ tai tiếng lớn, liên quan đến việc đánh cắp thuốc điều trị bệnh AIDS đem bán lấy tiền mua vũ khí.
Lực lượng an ninh đã chuyển ông ta tới London, sau khi ông mục sư đã thoát được ba âm mưu ám sát nhằm vào mình ở Nigeria và Liberia, và một xảy ra ngay tại khu vực quá cảnh của sân bay Malpensa, Milan, nơi có những nhân viên cảnh sát lăm lăm trong tay tiểu liên, luôn chăm chú xăm xoi và không để bất cứ động tĩnh nào lọt khỏi mắt.
Mục sư Samuel G. Goodlight[1] (Rhyme cũng không tưởng tượng ra được một cái họ nào tuyệt hơn thế cho một đấng chăn chiên) đang ở tại một địa điểm an toàn ở London, dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên từ Scotland Yard, trụ sở của Sở Cảnh sát London. Ngài đang giúp đỡ các cơ quan tình báo Anh và nước ngoài lắp ghép các đầu mối của kế hoạch “đổi thuốc lấy vũ khí”.
Thông qua những cuộc điện thoại vệ tinh được mã hóa cùng các email, Rhyme cùng Longhurst, thanh tra Sở Cảnh sát London, đã giăng ra chiếc bẫy để tóm cổ kẻ tình nghi. Tương xứng với những mưu mô hoàn hảo mà Logan từng vạch ra, kế hoạch này bao gồm những màn ngụy trang đánh lạc hướng và sự giúp đỡ quan trọng của một gã ba hoa khoác lác người Nam Phi từng làm nghề lái súng. Danny Krueger mang đến một mạng lưới cung cấp thông tin rất hữu ích. Gã đã thực hiện vô số vụ buôn bán vũ khí một cách trót lọt, trôi chảy và thản nhiên chẳng khác gì việc những doanh nhân bán điều hòa nhiệt độ hay si rô chữa ho vậy. Nhưng chuyến đi tới Darfur năm trước đã khiến gã bị chấn động sâu sắc khi chứng kiến thảm cảnh mà những món đồ chơi gã cung cấp gây ra. Sau đó, gã đã đoạn tuyệt với nghề lái súng và tới Anh định cư. Các lực lượng khác tham gia vào kế hoạch có các sĩ quan của MI5[2], người từ văn phòng FBI tại London và một đặc vụ từ Tổng cục An ninh Hải ngoại, một dạng FBI phiên bản Pháp.
Thậm chí, họ còn chưa biết Logan đang ẩn náu ở vùng nào tại Anh để chuẩn bị hành động, nhưng anh chàng Danny Krueger lắm lời đã nghe được thông tin gã sát thủ sẽ bắt đầu hành động trong vài ngày tới. Anh chàng người Nam Phi có không ít mối quen trong thế giới ngầm quốc tế và đã bóng gió đề cập tới một địa điểm “bí mật” – nơi sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Goodlight và các nhà chức trách. Đó là tòa nhà có một khoảng sân rất trống trải, xung quanh là hai tòa nhà cao tầng. Tóm lại là một địa điểm lý tưởng để ra tay cho một tên xạ thủ.
Đó cũng là nơi lý tưởng để nhận diện và tiêu diệt Logan. Hệ thống theo dõi đã được thiết lập, lực lượng cảnh sát vũ trang cũng như các đặc vụ của MI5 và FBI luôn ở trong trạng thái báo động hai tư trên hai tư.
Nhưng kể từ đó, Logan đã biến mất và không để lại một chút tăm hơi.
[1] Ánh sáng tốt lành.
[2] Viết tắt của Military Intelligence, section 5: Cơ quan Phản gián Anh.
Lúc này, Rhyme đang ngồi trong chiếc xe lăn điện chạy nhờ bộ ắc quy màu đỏ, trên lầu ngôi nhà của anh tại Central Park West. Tầng lầu này không còn là căn phòng khách kiểu Victoria lạ lẫm trước đây, mà đã trở thành phòng thí nghiệm pháp y được trang bị hiện đại, quy mô hơn cả phòng thí nghiệm của một thành phố bậc trung. Anh đang thực hiện việc đã quá quen thuộc với mình từ vài ngày qua: nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại với nút bấm quay số nhanh gọi ngay vào một đường dây ở Anh kết thúc bằng số 1212. Theo truyền thống, hầu hết các phòng ban của Sở Cảnh sát London tại Scotland Yard có số điện thoại kết thúc bằng mấy con số trên, một cách gợi nhớ tới số điện thoại đầu tiên của sở: Whitehall 1212.
“Điện thoại vẫn hoạt động tốt, đúng không?”, Rhyme hỏi.
“Có lý do nào khiến nó trục trặc sao?”, Thom, điều dưỡng viên phục vụ anh, hỏi với giọng chừng mực, câu hỏi mà Rhyme coi như tương đương với một tiếng thở dài ngán ngẩm.
“Tôi không rõ. Có thể do quá tải dòng. Hay đường dây điện thoại bị sét đánh. Mọi thứ đều có thể xảy ra.”
“Vậy có lẽ ông nên thử kiểm tra xem, để đảm bảo chắc chắn thôi mà.”
“Nhận lệnh”, Rhyme nói, thu hút sự chú ý của hệ thống nhận dạng giọng nói kết nối với thiết bị điều khiển đã được vi tính hóa, nó cho phép thay thế các chức năng sinh lý của anh về nhiều mặt. Lincoln Rhyme là một người liệt cả tứ chi, chỉ có thể vận động một cách cực kỳ hạn chế phần cơ thể nằm phía dưới đốt sống cổ thứ tư ngay gần sàn xương sọ, bị tổn thương trong một tai nạn tại hiện trường vụ án xảy ra nhiều năm trước. Bây giờ anh ra lệnh: “Quay số tổng đài trợ giúp”.
Âm thanh quay số vang lên trong loa, tiếp theo là những tiếng kêu bip bip bip… Chúng làm Rhyme điên đầu hơn cả một chiếc điện thoại hỏng. Tại sao thanh tra Longhurst không gọi lại? “Nhận lệnh”, anh cấm cẳn gằn giọng. “Ngừng kết nối”.
“Có vẻ vẫn ổn”, Thom đặt một cốc cà phê lên giá đỡ cốc trên xe của Rhyme, nhà chuyên gia tội phạm học uống cà phê qua ống hút. Anh nhìn về phía chai whisky Glenmorangie mười tám năm tuổi làm hoàn toàn từ lúa mạch trên chiếc giá ngay gần đó, nhưng tất nhiên vẫn luôn ngoài tầm với của Rhyme.
“Bây giờ là buổi sáng”, Thom nói.
“Tất nhiên bây giờ là buổi sáng. Tôi có thể thấy. Tôi không muốn điều gì… chỉ là…”, anh đang đợi một lý do nào đó để lái anh chàng Thom trẻ tuổi trở về đúng chủ đề mình quan tâm. “Tôi vừa nhớ ra tối qua tôi đã bị cắt khẩu phần quá sớm. Chỉ có hai cốc. Gần như chẳng kịp có cảm giác.”
“Đúng ra là ba.”
“Nếu cậu cộng thể tích của chúng lại thì vẫn chỉ là hai cốc nhỏ không hơn không kém.”
Tính khí nhỏ nhen cũng giống như rượu mạnh, hoàn toàn có thể khiến người ta mất hết phong độ.
“Được thôi, nhưng không được uống rượu scotch vào buổi sáng.”
“Nó giúp tôi suy nghĩ sáng suốt hơn.”
“Không hề.”
“Có đấy. Và giúp tôi sáng tạo hơn.”
“Lại càng không.”
Thom mặc sơ mi là phẳng phiu, quần vải, đeo cà vạt. Quần áo của anh ta đỡ nhàu nhĩ hơn trước đây. Phần lớn công việc của điều dưỡng viên đều là việc tay chân. Nhưng chiếc ghế mới của Rhyme, chiếc Invacare TDX được thiết kế để “đem đến trải nghiệm điều khiển tự chủ hoàn toàn”, có thể kéo ra thành chiếc giường thực thụ, đã giúp công việc của Thom dễ dàng hơn nhiều. Nó thậm chí có thể tự leo lên cầu thang bậc thấp và di chuyển nhanh không kém tốc độ chạy bộ của một người trung niên chăm chỉ luyện tập.
“Tôi muốn một chút scotch. Kia kìa. Tôi đã nói rõ mong muốn của mình rồi đó. Không được sao?”
“Không.”
Rhyme cười giễu cợt rồi lại nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại. “Nhỡ đâu anh ta đi ra ngoài…”, giọng nói của anh trở nên nhỏ dần.
“Tại sao anh lại không làm như mọi người vẫn làm nhỉ?”
“Ý ông là sao, Lincoln?”, anh chàng trẻ tuổi vóc người mảnh khảnh này đã cùng làm việc với Rhyme từ nhiều năm qua. Anh chàng đã từng bị đuổi việc, thậm chí đã có lần tự bỏ việc. Thế nhưng anh ta vẫn còn đó. Một chứng cứ hùng hồn của tính kiên nhẫn hay sự ngang bướng của cả hai nhân vật có liên quan.
“Khi tôi nói ‘Nhỡ đâu anh ta đi ra ngoài’, anh hãy trả lời lại ’Ồ, không đâu. Đừng lo lắng’. Và thế là coi như tôi đã được trấn an. Người ta vẫn làm thế mà. Họ trấn an người khác trong khi bản thân chẳng biết mình đang nói về cái gì.”
“Nhưng tôi đâu có nói vậy. Chúng ta đang tranh luận về điều tôi chưa từng nói nhưng đáng ra phải nói. Như thế có khác gì một cô vợ nổi cơn tam bành với chồng chỉ vì cô ta nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp dưới phố và nghĩ chắc hẳn ông chồng sẽ nhìn chằm chằm vào cô nàng nọ nếu đang có mặt ở chỗ cô ta đứng?”
“Tôi không biết cảm giác đó ra sao nữa”, Rhyme lơ đãng nói, tâm trí đang để cả vào kế hoạch đang diễn ra tại Anh để tóm cổ Logan. Liệu có lỗ hổng nào chăng? Tình hình an ninh ra sao? Liệu có thể tin những kẻ bán thông tin sẽ không để hở ra điều gì lọt tới tai kẻ sát nhân không?
Điện thoại reo, hộp thoại thông báo danh tính người gọi hiện trên màn hình phẳng ngay gần Rhyme. Anh thất vọng vì số gọi đến không từ London mà ngay gần nhà, từ Big Building, tên gọi đám cảnh sát dành cho tổng hành dinh của Sở Cảnh sát New York, số 1 Police Plaza ở khu Manhattan.
“Nhận lệnh, trả lời điện thoại”. Cuộc gọi được kết nối. “Gì vậy?”
Cách đó năm dặm, một giọng nói khẽ vang lên, “Đang bực à?”.
“Vẫn chưa có hồi âm gì từ Anh.”
“Anh đang ngồi chầu chực hay còn gì nữa?”
“Logan biến mất rồi. Hắn có thể hành động bất cứ lúc nào.”
“Cứ như anh đang trông con mọn vậy”, Sellitto nói.
“Cũng chẳng sai. Có việc gì anh nói mau đi. Tôi không muốn đường dây bận lâu quá.”
“Anh có đủ thiết bị như trong phim viễn tưởng vậy mà không có thiết bị chờ gọi sao?”
“Lon!”
“Okay. Có vài điều anh cần phải biết. Đã xảy ra một vụ đột nhập tư gia cướp của giết người thứ Năm tuần trước. Nạn nhân là một phụ nữ sống ở khu Village, Alice Sanderson. Kẻ sát nhân đã đâm cô ta đến chết và cướp đi một bức tranh. Chúng tôi đã tóm được kẻ tình nghi.”
Tại sao anh ta lại gọi vì chuyện này? Một vụ án mạng bình thường và kẻ tình nghi đã ngồi sau song sắt. “Có rắc rối về chứng cứ à?”
“Không hề.”
“Vậy tại sao tôi phải quan tâm đến nó?”
“Tay thám tử phụ trách vụ này vừa nhận được điện thoại cách đây nửa tiếng.”
“Lon! Cuộc săn lùng.” Rhyme nhìn chăm chăm vào tấm bảng mô tả chi tiết kế hoạch tóm cổ tên sát thủ tại Anh. Một kế hoạch rất chu đáo.
Và cũng cực kỳ mong manh.
Sellitto khiến anh bừng tỉnh khỏi dòng suy tưởng. “Tôi xin lỗi, Linc, nhưng kẻ tình nghi là anh họ anh, Arthur Rhyme. Tội giết người cấp độ một. Anh ta có thể lĩnh hai mươi lăm năm tù. Ủy viên công tố nói đây là vụ rất khó gỡ.”
Hết chương 2. Mời các bạn đón đọc chương 3.