Em Chỉ Tiếc Không Thể Bên Anh Đến Già Chương 12

Chương 12
Tôi cũng vui. Vui nhất là chú, chú tuyên bố muốn dẫn cả nhà đi Anh chơi một chuyến. Tôi mừng phát điên lên được.

Tuy đôi lúc thím cũng đưa tôi đi cùng trong những chuyến du lịch mà cơ quan tổ chức, chú cũng đã dẫn chúng tôi đi nhiều nơi, nhưng còn chưa từng ra nước ngoài. Trong đầu tôi lập tức tính toán xem nên mang bộ quần áo nào theo.

Thật chẳng ngờ, anh lại không đi.

“Con không đi.” Anh nói.

“Cái thằng này, cả nhà đi chơi với nhau, sao con lại không đi chứ?”

“Mọi người đi là được rồi. Con không muốn đi. Chẳng thú vị gì hết.”

Thím khuyên, “Chú Lương của con muốn chúc mừng con thi đỗ đại học. Cả nhà mình đi chơi một chuyến, sẽ rất vui mà.”

Anh vẫn không đồng ý, “Mọi người cứ đi chơi để con ở nhà nghỉ ngơi chút, vậy cũng coi như đã thưởng cho con rồi.”

Tôi mừng thầm, không đi là tốt. Không có anh, tôi chơi càng thoải mái.

Không ngờ anh đột nhiên nhìn sang tôi, “Viên Viên cũng không đi. Em ấy phải ở nhà học thêm.”

Tôi phát hoảng, “Em có nói không đi đâu...”

“Là ai xin anh dạy thêm vào kì nghỉ hè hả? Thành tích kém như vậy, đầu óc lại không ra gì, lên cấp Ba vẫn muốn chạy tiền hay sao?” Anh ngắt lời tôi, hùng hồn nói.

“Thế sao được, làm sao mẹ yên tâm để hai đứa ở nhà?” Thím không đồng ý, “Học thêm thì đi chơi về rồi học cũng được. Con không đi thì cũng phải để Viên Viên đi chơi cho vui chứ.”

Tôi gật đầu lia lịa. Thím ơi, thím tốt quá!

“Dì Trần cũng ở nhà mà, không chết đói được.” Anh đứng dậy khoác vai thím, “Hơn nữa hôm qua Viên Viên đã nói với con, em ấy cũng không muốn đi. Mẹ với chú Lương khó khăn lắm mới có khoảng không gian riêng, chúng con không thể quấy rầy hai người.”

“Nhưng...” Thím do dự.

“Nhưng gì nữa ạ, em ấy là trẻ con, đi cũng chẳng chơi được gì. Sau này tự mình đi là được.”

“Viên Viên, cháu thực sự không muốn đi?” Thím hỏi ý tôi.

“Cháu...” Đầu tôi loạn cả lên. Nếu đi, sợ sẽ thành ra quấy rầy chú thím như anh nói. Nếu không đi, tôi thực không cam lòng...

“Mẹ hỏi em ấy cũng ngại nói.” Anh nhìn tôi đầy uy hiếp, “Viên Viên, hôm qua em nói không muốn đi, phải không?”

Chúng tôi đấu mắt một lúc, cuối cùng tôi thua, đành nuốt nước miếng một cái, gật đầu.

“Quyết định vậy nhé, mẹ với chú Lương cứ chuẩn bị tận hưởng thế giới riêng của hai người đi.” Anh chốt lại.

“Cái thằng này, trẻ con mà nói cái gì hai người với một người hả?” Thím cười, đánh nhẹ anh một cái.

Một trận gió lạnh thổi qua. Thím vẻ mặt vui sướng, anh đắc ý vô cùng, người khóc không ra nước mắt rốt cuộc vẫn là tôi.

Chú nghe nói chúng tôi không đi, cảm thấy rất kỳ lạ, “Thành Hề không muốn đi còn có thể hiểu được, sao Viên Viên lại cũng không đi?”

Đứa đã bị anh tẩy não triệt để như tôi chỉ có thể trả lời: “Cháu phải ở nhà học thêm...”

“À”, chú cười, “Viên Viên nhà ta thích học như thế từ bao giờ vậy?”

Tôi gượng cười, “Sắp lớp Chín rồi, không học không được ạ.”

“Không sao, chú của cháu học hành có ra gì đâu, vẫn tốt đấy thôi.”

“Hai đứa nói sợ sẽ ảnh hưởng đến thế giới riêng của chúng ta, nhất định không chịu đi.” Thím cười tiếp lời.

“Đã là vợ chồng già hết rồi, còn thế giới riêng gì chứ.”

Chú cười lớn, xoa đầu tôi, “Được rồi. Hai đứa đã quan tâm như thế, vậy chúng ta đi thôi.”

Tôi đau xót cúi đầu. Chú ơi là chú, sao chú không cứng rắn hơn chút, chưa gì đã gạt cháu đi rồi...

Chú thím không ở nhà, dì Trần về từ buổi trưa còn chưa trở lại, anh ở nhà thì lúc ẩn lúc hiện. Tôi ngồi ở sofa, gặp anh ở đâu cũng bày ra bộ mặt oán hận. Đây chính là phương pháp phản kháng trong im lặng.

“Em kém cỏi vừa thôi chứ. Cũng chỉ là đi Anh thôi mà. Nếu là đi sao Hỏa, chắc em phải nhìn anh đến lọt tròng mắt ra ấy nhỉ?”

“Em không đi sao Hỏa... Em muốn đi Anh cơ...” Tôi yếu ớt nói, “Em không muốn học thêm với anh... Mà anh cũng sẽ không dạy em đâu...”

Anh bật cười, nhìn tôi đắc ý, “Dù sao em cũng không đi được rồi. Có ai làm hộ chiếu cho em đâu.”

Tôi xụ mặt xuống, không nói gì, lại tiếp tục nhìn anh bằng ánh mắt oán hận.

Anh không chịu nổi, “Lương Mãn Nguyệt, em biết ý chút được không? Người ta đi chơi với nhau, em phá đám làm gì? Định làm bóng đèn đấy à?”

“Anh cũng đi là được rồi mà.”

“Anh không đi.”

“Anh ơi...”

“Có gọi thế nào cũng vô dụng thôi.” Anh hất mặt, quả quyết nói.

“Anh ơi, anh đẹp trai quá.” Tôi lấy lòng anh.

Anh không để ý.

“Anh ơi, em chưa từng thấy ai thông minh như anh” Tôi nịnh thêm.

Vẫn không quan tâm.

“Anh ơi, anh là tốt nhất.” Tôi tiếp tục nịnh nọt.

Anh đi thẳng lên tầng.

Tôi bất lực ngã xuống sofa. Anh bỗng dừng lại. Tôi tưởng mình có hy vọng rồi, bật dậy, hướng về phía anh chớp mắt liên tục.

“Cùng lắm thì, sau này anh sẽ đưa em đi.” Anh yên lặng một lúc, cuối cùng an ủi tôi một câu tượng trưng như vậy.

Tôi tuyệt vọng lại ngã xuống sofa. Ai muốn anh đưa đi, mà ai tin anh sẽ đưa tôi đi chứ?

Chuyện đã như thế, cũng chỉ còn cách chấp nhận thôi. Quả thực là mấy năm gần đây tôi đến nhà chú, lúc chú có thời gian thì thím không rảnh, lúc thím có thời gian thì chú lại bận rộn, đến bây giờ vẫn chưa thấy hai người đi chơi riêng với nhau. Khi người ta trưởng thành sẽ phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm. Hai người họ đã hy sinh rất nhiều cho gia đình và chúng tôi, nhưng họ cũng là vợ chồng, cũng cần có lúc được ở riêng với nhau.

Trước khi tới nhà chú, tôi cũng nghĩ giống người lớn, cho rằng họ kết hôn là vì lợi ích. Thế nhưng ở chung mấy năm, tôi đã hiểu, sự thân thiết của hai người trước mặt chúng tôi, xưa nay chưa từng là giả. Chú thực lòng yêu thím, nếu không sẽ không đối xử với anh như con ruột của mình, vô cùng quan tâm chăm sóc anh. Mà thím, nếu như không yêu chú, cũng sẽ không đối tốt với tôi đến thế. Tuy tôi không cam lòng để vụt mất cơ hội khó có được này, nhưng nếu có thể khiến chú thím vui, tôi thế nào cũng được.

Thím dặn dò chúng tôi rất lâu, nhưng hầu như đều là nói với anh, không được đi chơi qua đêm, không được uống rượu, không được tùy tiện đưa người khác về nhà chơi, phải chăm sóc em gái cẩn thận... Cuối cùng anh không chịu nổi nữa, “Được rồi được rồi, hai người cứ yên tâm đi chơi đi.”

“Viên Viên, cháu phải giám sát anh cháu thật kỹ đấy nhé. Nếu nó không nghe lời, lúc thím gọi điện về cháu hãy nói cho thím biết, không thì phải bảo với ông ngoại cháu.”

Tôi gật đầu, nhưng trong lòng lại nghĩ, thím ơi, cháu làm sao mà dám...

Sau đó chú thím lên máy bay bay tới Bắc Kinh. Ở Bắc Kinh họ sẽ chuyển tiếp chuyến bay đến Anh.

Tôi đứng bên ngoài sân bay, ngưỡng mộ nhìn một lúc lâu. Đến lúc anh gọi, tôi mới yên lặng theo anh về.

Cuộc sống trong kỳ nghỉ hè thực sự rất nhàn nhã. Ngày ngày có thể ngủ thoải mái, có thể giúp dì Trần nấu cơm, làm một ít bài tập, sau đó đi xem TV.

Tôi chỉ xem phim hài. Cuộc đời vốn đã có đủ những biến cố không ngờ tới, những buồn vui thất thường, đến lúc xem TV không cần xem những bộ phim buồn hoặc sâu sắc gì đó, chỉ khiến bản thân thêm ngột ngạt. Phim hài nhẹ nhàng luôn khiến tâm trạng người ta tốt hơn.

Hồi đó, phim duy nhất không phải phim hài mà tôi xem là hoạt hình Nhóc Maruko. Ban đầu, tôi cũng cho rằng đó là hoạt hình hài nên mới xem, xem gia đình nhóc Maruko đáng yêu tuy nghèo khó nhưng vẫn sống vui vẻ. Sau đó mới phát hiện ra, đó cũng không đơn thuần là phim hoạt hình trẻ con, đằng sau những tình tiết đáng cười lại thấp thoáng bóng dáng của nỗi buồn và sự bất đắc dĩ. Tôi xem, lúc thì cười to, khi thì nước mắt đầm đìa, dù sao cũng vô cùng cảm động.

Nhóc Maruko luôn giận dỗi với chị gái. Trong trái tim cô bé con ấy luôn thấy mẹ bất công, cảm thấy chị gái không thương mình. Nhưng khi cô bé bị chó hoang đuổi trong sân tập thể thao mà chẳng ai dám cứu, chỉ có người chị gái dũng cảm một mình xông đến. Tôi không có chị, nhưng có một người anh. Xem đến đây tôi đã nghĩ, nếu là anh, liệu anh có lao tới cứu tôi không? Chắc là có. Nhưng trước tiên anh sẽ bình thản mặc kệ tôi bị chó đuổi đến kiệt sức, vui vẻ đứng xem như xem kịch, cười thoải mái rồi mới đi cứu...

Anh rất ít khi ở nhà. Cả ngày chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Buổi sáng anh đi chơi bóng rổ với bạn, buổi tối cũng ra ngoài ăn chơi với người ta. Khi anh đi, tôi còn chưa dậy, lúc anh về thì tôi đã ngủ rồi. Chỉ có buổi chiều may ra mới có lúc cùng ở nhà, nhưng khi đó anh chơi game của anh, tôi xem TV của tôi, cũng xem như yên ổn, không xảy ra chuyện gì.

Thím thường gọi điện về vào buổi chiều. Ở nhà là buổi chiều, nhưng ở Anh là sáng sớm. Trước nay tôi không giỏi địa lý cho lắm, tôi cứ tưởng ở Anh chắc là nắng chiếu lung linh, đường phố sạch sẽ thoáng đãng, những cô gái tóc vàng xinh đẹp đi qua đi lại. Thế nhưng thím lại nói, London ẩm ướt không chịu nổi, từ lúc họ sang đó thời tiết chưa lúc nào khô ráo, luôn có sương mù che phủ, lịch trình cứ bị dời mãi. Lúc này tôi mới nhớ ra, trong sách giáo khoa gọi London là xứ sở sương mù. Tôi không khỏi tiếc cho chú thím, thầm cầu mong London sớm có ngày nắng ấm.

Thỉnh thoảng tôi đi dạo phố với Gia Hinh. Lần nào cũng là cô ấy dẫn tôi đi. Tôi lên tỉnh nhiều năm như vậy mà vẫn chưa quen thuộc lắm. Không như Gia Hinh, rành rọt đến từng ngóc ngách, mà giỏi nhất là tìm chỗ ăn uống. Bất kể là nhà hàng sang trọng hay quán ăn ven đường, tôm kho cay, đậu phụ lên men hay bánh tổ chiên*3, món ngon gì cũng biết hết. Thường thì tôi sẽ giành phần trả tiền. Tiền tiêu vặt của tôi trước giờ vẫn tiêu không hết. Khó có được cơ hội thế này, cũng không cần thiết phải tiết kiệm.

Trong thời gian nghỉ, đi dạo phố mà gặp được bạn học là chuyện khá hiếm. Nghe được xa xa có tiếng người gọi tên mình, tôi quay đầu lại, không nhìn thấy ai, còn tưởng là mình nghe lầm. May mà Gia Hinh tinh mắt, thấy được La Duy từ xa chạy tới.

Cậu ta cười, trông có vẻ rất vui, “Từ xa tớ đã nhìn thấy cậu rồi. Cô ngốc mải ăn kem, người ta gọi cũng không nghe thấy. Hại tớ đuổi mất nửa ngày.”

Tôi chẳng hề vui mừng sửng sốt gì, chỉ cau mày, “Ai ngốc chứ? Đúng là miệng chó không mọc được ngà voi.”

Nguồn: truyen8.mobi/t129460-em-chi-tiec-khong-the-ben-anh-den-gia-chuong-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận