“Lương Mãn Nguyệt, không ngờ cậu ác như vậy. Nghỉ phép lâu thế cũng không nói một tiếng, vừa trở lại đã bắt nạt bạn nam rồi.”
“Tớ bắt nạt bạn học nam nào cơ? Xin hỏi mọi người có thấy tớ bắt nạt ai không?”
“Không hề. Không hề.”
“Có thấy đâu.”
Tất cả đều hùa theo tôi. Vương Khải còn thêm vào, “Tớ chỉ nhìn thấy có kẻ xấu bắt nạt bạn Lương của chúng ta thôi. Cô gái nhỏ phải chống lại kẻ xấu, thật không dễ gì mà.”
La Duy xông đến, hai người vật lộn nhau. Có người ở ngay bên cạnh xem trò vui, đã không can ngăn lại còn cổ vũ thêm.
Không khí náo nhiệt quen thuộc như thế, những bạn học đáng yêu đến vậy, khiến khóe miệng tôi không khỏi cong lên, tâm tình rất tốt.
Thế nhưng, so với những bạn học nhiệt tình khác, thì bạn cùng bàn Dương Vân Khai của tôi vẫn là núi băng, chuyện xung quanh vẫn không liên quan gì đến cậu ấy. Tôi mỉm cười lên tiếng chào, cậu ấy ngẩng đầu, dùng giọng nhỏ gần như không nghe thấy, “Ừ” một tiếng, rồi lại vùi đầu vào học.
Bỏ đi, tôi cũng chẳng mong cậu ấy nhiệt tình gì. Cũng quen vậy rồi.
Trường đã bước vào giai đoạn ôn thi, ngay cả lớp lười biếng như lớp chúng tôi cũng có chút không khí khẩn trương. Dù sao thi cuối kỳ là vào trước kỳ nghỉ đông hàng năm, việc này sẽ liên quan đến chuyện có thể ăn Tết vui vẻ không. Cứ cho là bố mẹ không để ý, thì họ hàng đến chúc Tết cũng sẽ nhắc, nếu thành tích quá kém, có khi người mặt dày như La Duy cũng sẽ thấy ngượng.
Dương Vân Khai không có thay đổi gì, tôi nghĩ, trong lòng cậu ấy hẳn mong chờ kỳ thi này hơn tất cả chúng tôi. Một người chăm chỉ như vậy, đương nhiên là phải nhờ đến kỳ thi mới có thể chứng tỏ bản thân.
Việc kinh doanh của chú đã trải qua giai đoạn khởi đầu, trừ những cuộc xã giao bắt buộc thì không cần đích thân bay qua bay lại giữa các nước nữa. Thời gian chú ở nhà dần nhiều hơn, nhưng thím vẫn thường trách chú dù có ở nhà cũng toàn nghiên cứu cổ phiếu, tài chính và kinh tế, chẳng thú vị gì cả.
Tối đến, tôi ngồi xem TV với chú thím. Điện thoại vang lên, tôi đi nghe, không ngờ là điện thoại định kỳ của bố.
Bố không biết ăn nói, bình thường gọi điện thoại cũng chỉ hỏi ba câu đơn giản như ăn cơm chưa, gần đây học hành thế nào, chú thím ra sao. Câu trả lời của tôi luôn giống nhau, ăn rồi, cũng được, rất tốt.
Đôi lúc tôi nghĩ, bố thực sự không cần gọi điện theo kiểu làm tròn trách nhiệm thế này, như vậy chỉ làm hơn khoảng cách càng ngày càng lớn giữa hai bố con rõ rệt hơn.
Nhưng cuộc điện thoại này của bố có chút khác, nói chuyện nhiều hơn. Bố ra sức khuyên tôi và chú thím Tết đến hãy về nhà dưới ở.
Hai năm trước bố cũng chỉ nói cho có lệ, chú từ chối một cái bố đã không nói nữa. Năm nay lại khác, bố cẩn thận dặn dò tôi phải nói rõ với chú thím. Tôi không bảo gì, gọi chú đến nghe điện thoại.
Khi chú nghe điện thoại, đầu tiên là từ chối, nói không muốn ông bà ngoại ở nhà đón Tết một mình. Nhưng sau đó chú nhớ ra bố đã nhiều năm rồi không nhiệt tình như thế, liền đưa mắt có ý muốn hỏi thím, rồi cũng không từ chối nữa, đồng ý ở lại ba ngày.
Tôi biết ở quê vừa mua thêm nhà, chú góp hơn nửa tiền nên có lẽ bố cũng suy nghĩ. Gọi chúng tôi về, trước là đón Tết, sau là để chú thím xem qua nhà. Dù sao cũng có một nửa là của họ.
Trong lòng tôi rất mâu thuẫn, vừa muốn về lại vừa không muốn về, vừa nhớ nhung lại vừa sợ hãi ngôi nhà đó.
Dường như thím nhìn thấu suy nghĩ của tôi, kéo tôi qua, “Viên Viên hơi sợ phải không?”
Tôi gật đầu.
Chú hừ một tiếng, “Sợ gì chứ? Có chú thím ở đây, ai dám làm gì cháu!”
“Hay là... Chúng ta ăn cơm xong thì về đi ạ.” Tôi đề nghị.
Thím vuốt tóc tôi, “Có một số việc, cho dù muốn trốn tránh thì vẫn có lúc phải đối mặt. Thím biết cháu đang nghĩ gì, nhưng cũng hai năm nay cháu không về nhà rồi, chẳng lẽ không nhớ ông bà nội sao?”
Tôi cắn môi không nói gì, cuối cùng gật đầu.
Thím nói rất đúng, đã là tình thân, dù sao cũng không thể dứt bỏ. Bố và mẹ kế, còn có em trai cùng cha khác mẹ kia, tôi vẫn phải trở về đối mặt. Huống hồ bọn họ có thể làm gì tôi chứ? Bố không coi trọng, mẹ kế không tốt, những điều đó tôi đã sớm chẳng quan tâm nữa rồi.
Thím nói chuyện về quê ăn Tết với anh trai, hỏi ý của anh xem anh muốn ở lại đón Tết với ông bà ngoại hay về cùng chúng tôi. Chẳng ngờ, anh lại đồng ý về cùng. Lần này thật đông đủ, chú thím, tôi, còn có người anh trai trước giờ chưa từng về quê nữa.
Tôi thấy dường như mình sắp lâm vào một trận chiến, toàn thân hừng hực khí thế chiến đấu, dồn hết sức ôn tập. Tôi không muốn khi trở về bị xem thường, nói tôi vào được trường trọng điểm nhờ quan hệ của chú mà vẫn không biết cố gắng. Gia Hinh giúp tôi lựa chọn trọng tâm ôn tập, cuối cùng khi đi thi thì có hơn một nửa đề là đã làm rồi. Khi đến trường xem điểm tôi còn giật mình. Đứng thứ bảy trong lớp, đây là thành tích trước giờ chưa từng có. Thành tích tốt nhất của tôi trước kia cũng là xếp thứ hai mươi hoặc thấp hơn.
Gia Hinh rất đắc ý, các bạn học cũng nhìn tôi với con mắt khác xưa. La Duy còn vỗ đầu tôi, “Sao đột nhiên cậu lại giỏi thế chứ?”
Tôi vui vẻ giơ phiếu điểm lên với cậu ta, “Tớ có tài ngầm, bây giờ mới phát hiện ra.”
Mặc dù thành tích tốt, nhưng vẫn kém xa anh trai. Thi cuối kỳ của anh cũng là thi thử tốt nghiệp, không chỉ hai môn Toán và Vật lý đạt điểm tuyệt đối, mà điểm Ngữ văn với tiếng Anh cũng rất cao. Trong lòng tôi thầm than không công bằng, anh ấy đã bao giờ làm bài tập Ngữ văn và tiếng Anh đâu! Vậy mà cũng được?
Thím đương nhiên vừa tự hào vừa hài lòng. Lúc sang nhà ông ngoại, ông trước nay luôn giữ vẻ nghiêm khắc, giờ cũng cười khen ngợi. Địa vị của anh lần trước bị tôi làm tụt xuống, giờ đã cao trở lại, thậm chí có khi còn cao hơn.
Khi còn nhỏ, lý do mong chờ Tết đến, ngoài việc được ăn ngon và có tiền mừng tuổi, còn được mặc quần áo mới. Hôm giao thừa đã bắt đầu nôn nóng vội vã, hôm sau dậy sớm mặc quần áo mới, ngạo nghễ ra ngoài tìm bạn bè. Hạnh phúc khi ấy thật giản đơn.
Đến nhà chú rồi, thím rất thích ăn diện cho tôi, không ngừng mua quần áo mới. Dần dần, khi tôi mặc đồ mới đã không còn phấn khích như trước, nhưng vẫn có chút mong chờ quần áo Tết.
Vì chuyện mua quần áo đón Tết, cuối cùng thím cũng được thỏa lòng mong ước đưa chú và anh cùng đi dạo phố. Thím nắm tay tôi, lại dắt anh, chú đi bên cạnh có chút nhàm chán, nhưng trên đường đi lại thu hút không ít ánh nhìn.
Thím xinh đẹp tao nhã, anh tuấn tú nổi bật, tôi và chú bỗng trở thành diễn viên phụ. Tôi đoán xung quanh hẳn không ít người đang đoán mối quan hệ giữa thím và anh, nhưng họ hẳn là không thể ngờ, thím xinh đẹp yêu kiều lại có con lớn như thế.
Trước tiên chúng tôi đến tầng bốn bán trang phục nam giới của trung tâm thương mại. Ít khi anh chịu phối hợp, thím ắt không bỏ qua cơ hội này, hăng hái chọn đến năm, sáu bộ quần áo đưa cho anh, “Đi thử từng bộ cho mẹ xem!”
Nói xong kéo tôi xuống ngồi ghế salon, chú ở bên cạnh cười cười.
Có người bẩm sinh là cái móc treo quần áo, mặc gì cũng đẹp. Vốn dĩ anh trai trừ khuôn mặt hoàn hảo ra, những cái khác cũng chỉ xem như tử tế. Nhưng sự thực chứng minh, đối với một người mà nói, khí chất thực sự quan trọng, nếu không sao có thể mặc gì cũng nổi bật được. Hiếm khi anh chịu nhẫn nhịn mà thử từng bộ, chỉ là đến cuối cùng, sắc mặt kém đến nỗi mấy cô bán hàng nhìn cũng thấy sợ.
Chẳng biết từ khi nào, hình ảnh của anh trong lòng tôi đã được mặc định là một kẻ dở người khó chịu. Đột nhiên anh ấy đẹp như vậy, khiến tôi nhìn không chớp mắt.
Thím rất thỏa mãn, mỉm cười nhìn nhân viên bán hàng, “Phiền cô gói mấy bộ quần áo này lại cho chúng tôi.”
Nói xong liếc nhìn chú, chú lập tức tự giác đi thanh toán.
Có thể thấy tác dụng lớn nhất của chú ngày hôm nay chính là trả tiền.
Bốn tiếng sau, chúng tôi mới rời khỏi đường dành riêng cho người đi bộ.
“Cả nhà đi dạo phố thật vui. Lần sau lại đi nhé!” Thím vui vẻ nói.
“Không đâu!” Chú và anh đồng thanh kêu lên sau khi chứng kiến sức dạo phố đáng sợ của phụ nữ. Tôi lén cười hả hê.
Tôi có mệt không? Đương nhiên mệt. Nhưng được nhìn thấy vẻ mặt mệt mỏi đau khổ của anh, bảo tôi đi thêm bốn tiếng nữa cũng được. Huống hồ tôi còn được mua thêm nhiều quần áo mới đẹp như thế.
*Chú thích:
*1. Hình phạt quản giáo: Nguyên văn 留校查看的处分, một hình phạt trong ngành giáo dục Trung Quốc dành cho học sinh vi phạm nặng nội quy nhà trường (như đánh nhau...). Học sinh nhận hình phạt này sẽ không bị đuổi học tức thời, nhưng sẽ bị nhắc nhở và giám sát hành vi đạo đức chặt chẽ kể từ khi áp dụng hình phạt. Hình phạt có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào nếu học sinh có thái độ cải tạo tốt, còn nếu học sinh lại tiếp tục phạm lỗi thì sẽ bị nhà trường đuổi học.
*2. Tiểu thiên hậu: danh xưng dành cho các cô gái vừa đẹp vừa tải giỏi, xuất chúng.
*3. Đẹp trai đến mức gây họa: Nguyên văn 蓝颜祸水 (Lam nhan họa thủy) - tương đương nghĩa của câu "Hồng nhan họa thủy", ý chỉ việc sắc đẹp là mầm mống của tai họa. Tuy nhiên "hồng nhan" là chỉ sắc đẹp phụ nữ, còn "lam nhan" là chỉ sắc đẹp đàn ông.