Em Sẽ Đến Cùng Cơn Mưa Chương 2


Chương 2
Người con gái đẹp

“Con chuẩn bị đi học chưa?”
“Gì ạ?”
“Con chuẩn bị xong chưa? Đeo thẻ tên vào chưa?”
“Gì ạ?”
Sao thằng bé lại nghễnh ngãng thế nhỉ? Hồi Mio còn sống, nó đâu có thế này. Có vấn đề về tâm lý chăng?
“Đến giờ rồi. Đi thôi.”
Tôi cầm tay Yuji, lúc này vẫn còn ngái ngủ, kéo ra khỏi nhà. Tôi trao Yuji cho cậu bé phụ trách dẫn các em đi học (1) đang đợi dưới chân cầu thang, rồi đứng dõi theo thằng bé. Đi cạnh anh phụ trách lớp Sáu, trông Yuji như trẻ mẫu giáo. So với tuổi lên sáu, thằng bé còn nhỏ quá. Dường như nó đã quên mất việc phải lớn lên.


Nhìn từ đằng sau, gáy của Yuji gầy và trắng như cổ hạc. Phần tóc lộ ra bên dưới chiếc mũ vàng có màu giống nước trà Darjeeling pha sữa.
Vài năm nữa, mái tóc trông như tóc của hoàng tử Anh quốc này thể nào cũng xoăn tít lại.
Tôi đã trải qua chặng đường này rồi. Nguyên nhân là bởi một số hoóc môn bị tiết ra quá nhiều vào tuổi dậy thì. Đến khi ấy, Yuji sẽ lớn bổng lên, hơn cả tôi bây giờ. Yuji sẽ gặp một cô gái giống mẹ, sẽ yêu, và nếu thuận lợi sẽ có được một bản sao mang nửa gien di truyền của mình.
Từ thời xa xưa, con người đã luôn như vậy (phần lớn mọi sinh vật đều thế), chừng nào tinh cầu này còn quay, quy trình vẫn sẽ được lặp lại.

Tôi leo lên chiếc xe đạp cũ dựng dưới chân cầu thang, nhấn bàn đạp hướng về văn phòng luật nơi tôi làm việc. Văn phòng cách khu nhà tôi ở chưa tới năm phút đạp xe. Khoảng cách lý tưởng đối với một người không chịu nổi các phương tiện giao thông như tôi. 
Tôi làm ở đây đã được tám năm.
Khoảng thời gian đó không hề ngắn. Lấy vợ, có con, và vợ rời đến một tinh cầu khác.
Khoảng thời gian đủ dài cho ngần ấy chuyện xảy ra.
Vậy đấy, giờ ở tuổi hai chín, tôi đã là ông bố độc thân với một cậu con trai sáu tuổi.
Giám đốc văn phòng rất tốt với tôi.
Tám năm trước ông đã là một ông già, giờ đây ông vẫn là một ông già và sẽ còn tiếp tục là một ông già cho đến lúc nhắm mắt. Tôi không hình dung nổi ông giám đốc không phải là một ông già. Chẳng rõ ông đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết là ông đã qua tuổi tám mươi.
Bộ dạng ông rất giống loài chó St. Bernard có thùng rượu treo ở cổ (2). Có điều, thứ treo ở cổ ông là cái cằm hai ngấn. Ông cũng giống loài chó này ở tính cách điềm đạm, hòa nhã, mắt lúc nào cũng lim dim.
Giả sử có một con St. Bernard già nua ngồi thế chỗ ông ở góc phòng, chưa chắc tôi đã phát hiện ra.

Khi Mio mất, tôi vốn yếu đuối lại càng thêm yếu đuối, ngay cả chút sức lực để thở cũng ngày một cạn kiệt.
Suốt một thời gian dài, tôi bỏ bê công việc, gây biết bao phiền toái cho văn phòng. Tuy vậy, ông giám đốc không tìm người khác thay thế mà chờ cho tới lúc tôi đủ sức gượng dậy. Sau đó, ông còn cho phép tôi chỉ làm đến bốn giờ chiều. Tôi đề đạt nguyện vọng rằng không muốn Yuji ở nhà một mình sau giờ tan học và ông đã đáp ứng. Làm vậy, tuy lương ít đi, nhưng bù lại tôi có được khoảng thời gian không thể đổi thành tiền.
Nghe nói ở thị trấn khác có nhận giữ trẻ sau giờ học, nhưng nơi tôi ở không tồn tại mô hình hữu ích này. 
Bởi vậy, tôi rất biết ơn ông giám đốc.

Đến văn phòng, tôi cất tiếng chào Nagase, người có mặt sớm hơn tôi. 
“Chào cô.”
Cô chào đáp lại.
“Chào anh.”
Nagase làm ở đây trước tôi. Theo lời cô, học xong cấp III là cô vào văn phòng này luôn, vậy nên tính ra cô cũng phải hai sáu tuổi rồi.
Cô là một người khiêm tốn, nghiêm túc, gương mặt cô già dặn, rất hợp với tính cách lặng lẽ của cô.
Đôi khi tôi thấy lo cho cô, không biết liệu có chỗ nào dành cho cô giữa những phụ nữ thời nay chẳng ngại ngần thể hiện bản thân.
Nhỡ đâu một ngày nào đó, trong lúc chen lấn xô đẩy, cô bị sẩy chân, ngã khỏi rìa Trái Đất thì sao? Tôi đã nghĩ đến tình huống ấy.
Ông giám đốc vẫn chưa tới văn phòng.
Gần đây, ông giám đốc bỗng nhiên đi làm muộn hơn hẳn. Dù tôi chẳng thấy điều đó có mối liên hệ nào với tốc độ đi bộ đã giảm sút của ông.
Bởi vậy, bây giờ và một lát nữa, văn phòng sẽ chỉ có hai người. Đó là toàn bộ số nhân viên ở đây. Xét theo khối lượng công việc thì đây là con số hợp lý.

Tôi ngồi vào bàn làm việc, lướt qua đống giấy nhớ dán trên bảng ghi chú. Những dòng chữ rất khó đọc, nào là “đến ngân hàng lúc hai giờ”, “đến chỗ khách hàng lấy hồ sơ”, “đến Sở Tư pháp”. Những lời nhắn mà tôi của ngày hôm qua gửi đến tôi của ngày hôm nay.
Trí nhớ của tôi rất tệ. Thành thử tôi phải thường xuyên ghi lại những việc cần làm.
Trí nhớ kém chỉ là một trong vô vàn vấn đề về sức khỏe tôi đang phải chịu đựng. Giải thích ngắn gọn thì đó là do sơ đồ thiết kế được chuẩn bị để làm ra tôi có sai sót.
Một sai sót rất nhỏ.
Việc dùng bút phủ xóa chỗ sai đi rồi viết bút bi đè lên đã không phát huy tác dụng. Tất nhiên, đây chỉ là cách nói ví von, nhưng tôi đồ rằng, trên thực tế hẳn đã xảy ra việc tương tự.
Rốt cuộc, không rõ là do người viết cẩu thả hay bởi chữ bên dưới lớp phủ trắng nhòe lên dòng viết bi đè bên trên, nhưng đại để trong não tôi, tình trạng khá hỗn loạn, hậu quả của việc những chất hóa học quan trọng bị tiết ra vô tội vạ. Điều đó khiến tôi trở nên phấn khích quá độ, lo lắng không đúng lúc, không thể quên được những việc muốn quên, nhưng lại quên những việc không được phép quên.
Đúng là bất tiện kinh khủng. Hoạt động bị hạn chế, lúc nào cũng mệt mỏi. Tôi thường xuyên mắc lỗi trong công việc, bị mọi người đánh giá thấp đến bất công.
Nói cách khác, người ta coi tôi chẳng khác gì một thằng bất tài vô dụng. Tôi không đi phân trần với từng người rằng đó là tại những chất hóa học trong não tôi. Làm thế rất phiền phức mà chưa chắc mọi người đã thông cảm, vả lại, nều chỉ nhìn vào kết quả thì phải thừa nhận là họ có lý.
Ông giám đốc là một người độ lượng, tôi như thế nhưng ông chẳng những không đuổi việc mà vẫn tiếp tục sử dụng tôi. Nagase thì chưa từng tỏ thái độ khó chịu và luôn hỗ trợ tôi trong công việc 
Tôi biết ơn hai người đó lắm.

Hoàn tất một số việc tại văn phòng, tôi nhét tài liệu vào cặp rồi ra ngoài. Tôi đạp xe đến Sở Tư pháp. 
Tôi không có bằng lái ô tô. Hồi năm thứ hai đại học, tôi có thi một lần nhưng không vượt qua nổi vòng thi cấp giấy phép tạm.
Trước đó vài tháng, lần đầu tiên tôi phát hiện ra não mình có vấn đề. Cạch! Công tắc bật lên, van mở ra, kim áp kế vọt lên mức kịch trần. Khi chuẩn bị thi lấy bằng lái, tôi vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn. Có lẽ tôi gắng gượng được đến tận kỳ thi cấp giấy phép tạm thời cũng đã là đáng hoan nghênh lắm rồi.
Hôm đi thi, đang ngồi sau tay lái với thầy hướng dẫn thì những chất hóa học kia bắt đầu túa ra ào ào trong huyết mạch. Tôi cảm thấy lo lắng thái quá, không duy trì nổi sự tập trung cần thiết. Nỗi lo cứ lớn dần lên với tốc độ kinh hoàng, hệt như những quân cờ domino đang theo nhau đổ ập xuống hàng loạt.
Sự kinh hoàng ấy thực sự là rất kinh hoàng, có thể biểu thị theo hàm số mũ.
Mình sắp chết.
Tôi đã nghĩ “mình sắp chết” thật.
Hồi đó, tôi đã nghĩ mình sẽ chết đến vài chục lần mỗi ngày (đến tận bây giờ, có hôm tôi vẫn nghĩ thế đến vài lần).
Tôi bỏ dở bài sát hạch lái xe hôm đó. Tôi còn cố thêm hai lần nữa trước khi bỏ hẳn ý định lấy bằng.

Buổi trưa, tôi ngồi trên ghế đá trong công viên, ăn cơm hộp tự làm. Tôi đang cắt giảm tối đa những gì có thể trong tình cảnh chật vật này.
Với lại, cơm hộp ở cửa hàng tiện dụng dễ khiến tôi đau bụng. Người khác có thể chẳng hề gì, nhưng đối với tôi, các chất phụ gia có thể đe dọa đến tính mạng.
Bộ cảm ứng trong cơ thể tôi nhạy hơn người thường đến vài chục lần. Tôi vô cùng mẫn cảm với sự biến đổi của nhiệt độ, độ ẩm và áp suất. Vì vậy mà tôi luôn phải đeo đồng hồ có cảm biến áp suất, giúp tôi biết trước thay đổi sắp xảy ra để kịp ứng phó.
Bão là thứ rất đáng sợ.
Tôi rất phục những người bình thường ở sự dẻo dai của họ. Đôi lúc tôi nghĩ mình giống một loài động vật ăn cỏ quá yếu ớt nên sắp bị tuyệt chủng.
Không chừng tên tôi có trong Sách Đỏ cũng nên.

Buổi chiều, sau khi gặp vài khách hàng, tôi quay về văn phòng. 
Đi ra ngoài tôi vẫn phải mang theo giấy nhớ. Tôi đánh dấu X vào cạnh tên những khách hàng đã gặp để biết chắc những khách hàng còn lại là ai. Nếu không làm vậy, tôi sẽ đến gặp cùng một khách hàng hai lần hoặc bỏ qua những khách hàng cần gặp mà đi thẳng về văn phòng.
Tôi trao cho Nagase hồ sơ vừa lấy từ khách hàng rồi làm nốt mấy việc ở văn phòng, cũng vừa lúc hết giờ làm. Chưa thấy bong dáng ông giám đốc đâu cả.
Tôi chào tạm biệt Nagase.
Bỗng Nagase gọi tôi lại: “Anh này…”
“Gì hả cô?”
Thấy tôi hỏi, cô tỏ ra bối rối, kéo đi kéo lại vài lần cổ và tay áo sơ mi.
“Không ạ.” Nagase nói. “Không có gì đâu ạ.”
“Vậy à.”
Tôi nghĩ một giây rồi mỉm cười.
“Chào cô nhé.”
“Chào anh.”
Tôi đạp xe về nhà, Yuji đang nằm đọc sách. Ngó qua bìa tôi thấy đó là cuốn Momo của Michael Ende.
“Con đọc được hả?” tôi hỏi.
Yuji liền quay sang nhìn tôi: “Gì ạ?”
Tôi hỏi lại lần nữa: “Con đọc được cuốn đó à?”
“Dạ.” Yuji trả lời. “Một ít thôi ạ.”

“Đi mua thức ăn cho bữa tối nào.”
Tôi thay quần áo, mặc áo nỉ chui đầu, quần bò, rồi gọi Yuji.
“Tối nay con muốn ăn gì?”
“Cơm cà ri.”
Hai bố con mở cửa bước ra ngoài. Lúc đi xuống cầu thang, tôi bảo:
“Hôm kia mình ăn cơm cà ri rồi.”
“Nhưng con vẫn muốn ăn.”
“Hình như Chủ nhật vừa rồi cũng ăn cà ri.”
“Vâng, nhưng con vẫn muốn ăn.”
“Nấu cà ri lâu lắm.”
“Không sao ạ.”
“Được rồi.”

---------
Chú thích:
(1): Ở Nhật, nhiều trường học thường phân công học sinh lớp lớn tới tận nhà các em lớp nhỏ cùng khu phố và dẫn các em đi học. Việc này một phần là để đảm bảo an toàn cho các học sinh lớp nhỏ, một phần để tăng thêm tính hòa đồng giữa cộng đồng thiếu nhi.
(2): Ở phương Tây, người ta thường đeo lên cổ giống chó St. Bernard những thùng rượu mini bằng gỗ (còn gọi là "keg collar") thay vì vòng cổ thông thường như những giống chó khác.

Chúng tôi mua bột cà ri, hành tây, cà rốt và khoai tây ở trung tâm mua sắm trước cửa ga. Tay trái tôi xách túi ni long đựng đồ, tay phải dắt Yuji. Tay thằng bé lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi.
Vốn hay lo lắng thái quá nên khi đi bộ ngoài đường, tôi không bao giờ rời tay Yuji. Tôi nói với thằng bé:
“Ô tô đáng sợ lắm. Phải thật cẩn thận.”
“Dạ.”
“Mỗi ngày có hàng chục người chết vì tai nạn ô tô đấy.”
“Thật ạ?”
“Đúng thế. Nếu ngày nào cũng có ngần ấy người chết vì tàu điện, máy bay, người ta sẽ cho rằng chúng bị lỗi ở bộ phận quan trọng và loại bỏ những phương tiện ấy.”
“Thế người ta sẽ loại bỏ ô tô ạ?”
“Không hề. Lượng ô tô đang tăng lên.”
“Vì sao?”
“Chẳng biết nữa.”
“Lạ nhỉ!”
Rất là lạ.

Trên đường về, chúng tôi tạt vào công viên số 17. (Không biết có tất cả bao nhiêu công viên ở thị trấn này? Có lần tôi đã nhìn thấy công viên số 21.)
Trong công viên, như thường lệ, đã có mặt thầy Nombre và con chó Pooh.
Tôi không biết tên thật của thầy Nombre. Nghe nói hồi trẻ, lúc còn dạy ở trường tiểu học người ta đã gọi ông như vậy. Lần đầu tiên nghe thấy tên này, tôi đã hỏi ông.
“Nombre có phải cách gọi các số đánh bên dưới mỗi trang tiểu thuyết không ạ?”
“Đúng rồi!” ông trả lời.
Người ông lúc nào cũng run lẩy bẩy. Cứ như chú chó nhỏ bị ngấm nước mưa. Có lẽ tại ông đã quá già.
“Sao từ đó lại thành biệt danh của thầy?”
Ông khẽ lắc đầu. Hoặc có thể chỉ là ông đang run lẩy bẩy thôi.
“Tại sao nhỉ? Hoặc giả những người xung quanh cho rằng đời tôi hoàn toàn chẳng có gì chăng? Giống như quyển sách giở mãi toàn thấy giấy trắng, trang nào cũng chỉ có mỗi số trang.”
“Thật ạ?” tôi hỏi.
Ông nhìn vào không trung bằng đôi mắt đục ngầu đặc trưng của người già.
“Đời tôi, toàn bộ chỉ dành cho em gái mình.”
Con Pooh lông xù, ngồi dưới chân ông há miệng ngáp dài.
(Con chó này có “tên thật” hẳn hoi, nhưng Yuji tự đặt tên cho nó là Pooh.)

Tôi và em gái chênh nhau mười ba tuổi. Giữa tôi và em gái còn một đứa em trai nữa, nhưng sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, thằng em tôi vội vàng bỏ đi sống tự lập. Nhà chỉ còn mỗi tôi và em gái.
Em tôi từ nhỏ đã ốm yếu, bác sĩ hồi ấy chẩn đoán nó không thể sống đến năm mười lăm tuổi.

Chẩn đoán là gì ạ? Yuji ngồi nghe bên cạnh hỏi. Không tìm được cách giải thích nào thấu đáo, tôi đành trả lời: “Con nghĩ thế nào thì nó là như thế.”
“Biết mà!” Yuji cười.
Tôi dám chắc thằng bé đang nghĩ đến một thứ hoàn toàn khác.

Khi em trai tôi bỏ đi, em gái tôi mới mười bốn, còn tôi hai bảy. Tôi xác định sẽ chăm sóc em gái đến giây phút cuối cùng nên đã chọn cuộc sống chỉ có hai anh em. Khi ấy tôi cũng đến tuổi lấy vợ, trong lòng cũng đang thương thầm một cô. Nhưng tôi tự nhủ phải lo cho em trước, chuyện mình thì để sau. Thực tế là việc chữa trị cho em tôi tiêu tốn rất nhiều tiền. Giả sử chuyện tôi với cô gái kia có đơm hoa kết quả đi nữa, cũng chưa chắc tiến được tới hôn nhân.
Cứ như vậy năm tháng trôi qua với tốc độ kinh ngạc.
Nhanh quá cậu ạ! Hay chỉ riêng với tôi mới nhanh đặc biệt như vậy. Thậm chí tôi còn ngờ rằng kẻ nào đó cao tay đã đánh cấp mất thời gian của tôi.
Tóm lại, thời gian trôi vèo trong nháy mắt.
Chắc chắn là chẳng có gì đáng để viết vào cuốn sách của đời tôi. Nếu ngay trang đầu tiên kể về một ngày của một gã đàn ông nhàm chán, chẳng có gì đáng nói, thì ở các trang sau, chỉ cần viết “giống như trang trước” là đủ.
Cậu có tin nổi không? Tôi đã sống như thế suốt ba mươi năm trời.
Em tôi mất năm bốn mươi bốn tuổi. Còn tôi khi ấy, ba năm nữa là tròn sáu mươi.

Nhưng tôi có thể cam đoan một điều, đó là đời tôi không hề “trống rỗng”. Thậm chí cuộc đời của một gã đàn ông nhàm chán, chẳng có gì đáng nói thực ra vẫn chứa đựng điều gì đó. Không trống rỗng chút nào.
Có niềm vui, có những xúc cảm khác, dù chỉ là rất nhỏ. Sau một ngày làm việc, niềm vui của tôi là được trở về nhà, nơi em gái đang đợi, và kể cho em tôi nghe những sự kiện xảy ra trong ngày.
Đó là cuộc đời tôi.
Có lẽ, nếu được sống một cuộc đời khác, chắc hẳn tôi đã là một con người khác với tôi bây giờ. Con người chẳng ai chọn được cuộc đời của mình cả.
Và hôm nay, thầy Nombre vẫn sống cuộc đời của riêng ông.
Cùng với con Pooh già nua, lông xù.

Yuji xoa xoa dưới cằm con Pooh, lập tức cổ họng con Pooh phát ra tiếng kì lạ. Chính xác thì đó là một dao động thoảng qua của không khí. Dù vậy, dao động ấy vẫn đầy đủ vần điệu.
Nếu phải viết hẳn ra, có thể diễn tả tiếng ấy thế này: “~?”
Thầy Nombre từng kể cho tôi, người chủ trước đã tiến hành phẫu thuật để lấy đi giọng của con Pooh.
Giờ đây mỗi khi được các con chó khác trong công viên chào “gâu gâu”, Pooh chỉ có thể đáp lại ”~?”. Nhưng bản thân nó có vẻ chẳng bận tâm lắm đến chuyện này.

“Tối nay hai bố con ăn cà ri à?”
Thầy Nombre nhìn vào túi ni lông đi chợ của tôi, hỏi.
“Vâng. Còn thầy?”
“Của tôi đây.”
Trong túi ni lông ông giơ lên cho tôi xem có một hộp cá trích tẩm bột rán.
“Hàng tồn nên được giảm nửa giá. Đỡ được bao nhiêu.”
Ông đưa chiếc túi lên gần mũi ngửi, vẻ mặt mãn nguyện.
“Đây cũng là một trong những niềm vui nho nhỏ của tôi đấy.”
Trông gương mặt rạng ngời của thầy Nombre lúc ấy, tự nhiên tôi thấy buồn.
Chẳng rõ tại sao nữa. Chỉ biết là buồn.
Có phải vì niềm vui của thầy Nombre quá tằn tiện? Một người đang ở chương cuối của cuộc đời đáng ra vẫn có thể hưởng nhiều trái ngọt hơn chứ.
Bởi thế nên tôi thấy buồn?

Tôi và thầy Nombre ngồi trên ghế đá nói đủ thứ chuyện, cùng lúc quan sát Yuji và con Pooh chơi đùa. Tôi thổ lộ với ông kế hoạch tôi ấp ủ gần đây.
“Chuyện là, em đang có ý định viết tiểu thuyết.”
Thầy Nombre khẽ nhích ra khỏi vị trí đang ngồi, hơi ngả người lại phía sau, mắt nheo lại như muốn thu trọn hình ảnh của tôi vào tầm mắt. Thầy đưa cả hai tay lên, đoạn bảo tôi:
“Tuyệt! Tuyệt lắm!”
“Thầy nghĩ vậy ạ?”
“Ừ. Tiểu thuyết là nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn. Là ngọn đèn trong đêm đen, là hạnh phúc vượt lên trên cả tình yêu.”
“Cũng không đến mức to tát vậy đâu thầy ạ. Em chỉ định viết chuyện của em và Mio, để sau này Yuji đọc thôi.”
“Ừ, ý hay đấy. Cô ấy là một phụ nữ tuyệt vời.”
Yuji kéo cổ con Pooh xuống, giả vờ cắn vào tai con chó. Con Pooh khó chịu ra mặt, liên tục kêu “~?” “~?”.
“Có lẽ em bị bệnh hay sao đó mà dạo này trí nhớ rất kém.”
Cho nên, tôi tiếp tục.
“Em muốn viết lại trước khi quên hết mọi chuyện.”
Thầy Nombre khẽ gật đầu.
“Quên là một việc đáng buồn. Tôi cũng quên mất nhiều chuyện rồi. Nếu nhớ được ta sẽ sống lại khoảnh khắc xưa kia thêm một lần nữa. Sống lại trong đầu mình ấy.”
Thầy Nombre chỉ vào đầu mình. Đầu ngón tay run rẩy trông như thể thầy đang cố viết từ gì đó vào bên thái dương.
“Mất trí nhớ rồi thì không thể sống lại những ngày tháng ấy nữa. Như cuộc đời dần trôi tuột khỏi kẽ tay ta.”
Thầy Nombre gật gù trước câu nói của mình đến mấy lần trước khi tiếp tục.
“Vì vậy, tôi nghĩ, ghi chép lại các thứ là một việc nên làm. Biết đâu, cuốn sách của cậu sẽ có nội dung đầy đủ hơn cuốn sách của tôi (nói đến đây, ông nháy một bên mắt rất điệu nghệ). Một trong những tiểu thuyết được coi là vĩ đại nhất thế kỉ hai mươi cũng bắt đầu từ việc lần lại ký ức tuổi thơ đấy.”

Thầy Nombre chậm rãi đứng lên.Trông ông chật vật đến nỗi tưởng chừng lực hấp dẫn dưới chân ông mạnh gấp đôi những người khác.
“Đến giờ tôi phải về rồi. Niềm vui nho nhỏ đang đợi tôi.”
Đoạn ông chậm chạp bước từng bước ngắn. Con Pooh nhận ra, liền chạy tới, đi theo chủ.
“Chào thầy nhé,” tôi nói.
Thầy Nombre không ngoảnh lại, chỉ giơ tay phải lên chào, chân vẫn bước.
“Chào Pooh nhé!” Yuji nói.
Con Pooh ngoái lại kêu “~?” rồi chạy theo thầy Nombre.


Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi kể cho Yuji chuyện về tinh cầu Lưu Trữ. Tôi kể thêm nhiều chi tiết nhằm tăng thêm tính hiện thực cho tinh cầu này. Bản thân tinh cầu cũng trở nên sống động hơn qua mỗi câu hỏi của Yuji.

“Tinh cầu này có hình gì ạ?”
Với câu hỏi này, tinh cầu có thêm hình thù cụ thể.Tôi lấy chiếc bút dạ, vẽ phác hình tinh cầu lên mặt sau một tờ quảng cáo rao vặt.
Tinh cầu trông thế này.

 

“Toàn bộ bề mặt tinh cầu được bao phủ bởi các tòa nhà giống như thư viện.”
“Không có núi hay biển gì ạ?”
“Không có. Người ta san núi đi rồi dùng đất đó để lấp sông và biển. Sau khi san phẳng những chỗ mấp mô, họ xây các tòa nhà lên trên đó.”
“Sao lại thế ạ?”
“Vì nơi đó đông người lắm. Không được để lãng phí bất kỳ khoảnh đất nào.”
“Thật ạ?”
“Con thử nghĩ xem. Có bao nhiêu là người ở trong trái tim bố. Giờ họ không còn trên Trái Đất này nữa mà đang sống trên tinh cầu Lưu Trữ.”
“Bố có kể rồi.”
“Như vậy, nếu cộng cả những người có trong tim mọi người trên Trái Đất thì tất cả sẽ là bao nhiêu người?”
“Ừm. Con không biết.” (Động não chút đi chứ, Yuji!)
“Thế này nhé, giả sử trong tim mỗi người có khoảng mười người, như vậy tính ra có hơn sáu mươi tỷ người sống trên tinh cầu Lưu Trữ. (Con số này sẽ nhỏ hơn nếu loại đi những trường hợp trùng lặp, nhưng thật khó giải thích cho Yuji hiểu được.)
“Sáu mươi tỷ là bao nhiêu ạ?”
“Xem nào, chẳng hạn trường của Yuji có khoảng một nghìn học sinh, tính từ lớp Một đến lớp Sáu. Con đã thấy tất cả các bạn vào giờ tập trung buổi sáng rồi phải không?”
“Rồi ạ.”
“Như vậy, sẽ là… đợi bố chút (tôi nhẩm đếm các số 0 bằng ngón tay), tương đương với khoảng sáu mươi triệu lần như vậy.”
“Sáu mươi triệu là bao nhiêu ạ?”
(Một câu hỏi rất đỗi hiển nhiên.)
“Là… xem nào. Cái chai đặt trên nóc ti vi nhà mình đầy ắp đồng xu một yên phải không?”
“Vâng. Con để dành suốt bao lâu rồi.”
“Đúng rồi. Trong đấy phải có chừng một nghìn đồng xu, vậy sáu mươi triệu sẽ là khoảng sáu mươi nghìn cái chai giống thế kia.”
“Sáu mươi nghìn là bao nhiêu ạ?”
(Một câu hỏi rất hay.)
“Là… sáu mươi nghìn là…à bố nghĩ ra rồi, bố và Yuji vẫn thường đến thư viện phải không nào?”
“Vâng.”
“Có lần bố nghe nói rằng ở thư viện có khoảng sáu mươi nghìn quyển sách.”
“Tất cả sách ở thư viện?”
“Ừ.”
“Vậy chỗ đấy là sáu mươi nghìn ạ…”
Nằm trong chăn bên cạnh, Yuji ngẫm nghĩ một lúc. Yuji nghĩ rất lâu, tôi tưởng thằng bé đã ngủ rồi, nhưng đột nhiên nó thì thào:
“Takkun ơi?” (Yuji vẫn gọi tôi như vậy.)
“Ơi?”
“Cho con hỏi thêm câu nữa nhé?”
“Hỏi đi.”
“Dạ…” Yuji nói.
“Đầu tiên con hỏi cái gì ấy nhỉ?”
“Đầu tiên á?”
“Vâng.”
“Bố quên mất rồi.”
“Ồ?”
“Bố con mình ngủ thôi.”
“Vâng.”

Một tối khác, với câu hỏi “Tại sao ai đó tạo ra tinh cầu này?”, tinh cầu có thêm lý do để tồn tại.
“Bố đã kể các tòa nhà trên tinh cầu này giống thư viện rồi đúng không?”
“Vâng ạ.”
“Thực ra, tinh cầu này là một thư viện.”
“Thật ạ?”
“Thật chứ. Ai đó, người đã tạo ra tinh cầu này thích đọc sách. Do đó, những người sống ở đây đều viết sách cho người gọi là ai đó ấy. Bố từng kể rằng mọi người ở đây ai cũng suy nghĩ phải không? Cả Aristotle và Newton, họ cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi về những điều phức tạp.”
“Và?”
“Ừm, bố đã nói rồi đấy. Chẳng hạn như Newton và Plato, có những vấn đề mà hồi ở Trái Đất các ông nghĩ mãi không ra, đến khi lên tinh cầu Lưu Trữ, các ông lại nghĩ tiếp. Cứ như vậy suốt hàng trăm năm liền. Chừng nào người trên trái đất còn nhớ đến họ thì họ còn suy nghĩ. 
“Vâng.”
“Mỗi khi tìm được câu trả lời, các ông sẽ viết thành sách. Và cuốn sách sẽ được nộp vào thư viện của 1ca3 tinh cầu Lưu Trữ.”
“Còn sách của mẹ?”
“Mẹ cũng viết sách. Sách của mẹ viết về Yuji và bố.”
“Ai đó có đọc sách của mẹ không ạ?”
“Có chứ. Ai đó rất thích cuốn sách này. Vì đọc sách mẹ viết sẽ hiểu về tình yêu của con người.”
“Thật ạ?”
“Ừ.”
“Jim Button viết gì ạ?”
“Bố đoán là về đầu máy tàu hỏa.”
“Còn cô bé quàng khăn đỏ?”
“Bố nghĩ là về con chó sói.”
“Thật không?”
“Thật. Cô bé quàng khăn đỏ viết cuốn sách về cách phân biệt bà ngoại với chó sói. Một loại sách rất có ích.”
“Thế ạ?”
“Có lẽ vậy.”

Cuối tuần, hai bố con vào khu rừng nằm ở ven thị trấn.
Trên chiếc nôi xanh mướt tết bằng lá dẻ, lá sồi và bồ đề, bọn gấu mèo, chồn, cũng lũ côn trùng bé xíu đang quây quần đầm ấm bên nhau. Lú cá vây tia, chép hồng và cá đục sống trong các đầm lầy nằm rải rác quanh rừng. Chúng đung đưa hai bên vây rất điệu đà, mắt nhìn vương quốc dưới nước đầy mãn nguyện.
Trong rừng có một lối mòn với vô số nhánh nhỏ đan xen như mê cung. Ngay đầu lối mòn là một xưởng rượu đứng trơ trọi. Xưởng rượu dựng từ gỗ phế phẩm và mái tôn này đang dần trở thành một phần của khu rừng. Cây tầm xuân leo kín bờ tường, tán lá của cành sồi lớn sum suê che toàn bộ mái nhà xưởng. Từ xưởng rượu vang ra những âm thanh trầm đục “gư, gư, ga” nghe như tiếng rên rỉ.
Tôi mặc một chiếc quần soóc cotton đã bạc màu và cái áo phông in chữ “KSC” (viết tắt của Kennedy Space Center tức Trung tâm vũ trụ Kennedy). Đây là cái áo tôi được tặng để chạy bộ. Tuy không thể chạy được như trước, nhưng với tốc độ làng nhàng chừng 6 phút/km thì tôi có thể chạy liên tục trong vòng một tiếng. Yuji đạp chiếc xe dành cho trẻ em theo sau tôi. Chiếc xe mới được tháo bỏ bánh phụ nên Yuji đạp còn loạng choạng, chưa vững.
Trên lối mòn phủ đầy lá rụng ấy, thỉnh thoảng lại bắt gặp một rễ cây nhô lên khỏi mặt đất hoặc một cành cây gãy chắn ngang đường. Mỗi lần như thế, tôi chỉ cần nhón chân bước qua trong khi Yuji phải xuống xe dắt bộ qua. Thằng bé nói với theo tôi trách móc.
“Takkun, đợi con với. Đừng bỏ con lại chứ.”
Tôi giảm tốc độ và đợi thằng bé.
“Làm sao bố bỏ con được.”
“Biết rồi, nhưng…”
“Nào, đi thôi.”
Hai bố con lại tăng tốc, tiếp tục vào sâu trong rừng.
Hai bố con chạy thẳng một mạch theo lối mòn có vô số nhánh chừng bốn mươi phút thì sang đến phía bên kia của khu rừng. Nơi đây có tàn dư của một nhà máy bỏ hoang, nền nhà đổ bê tông thô giờ đã bong tróc. Vẫn còn tàn tích của những bệ đỡ máy cơ khí hạng nặng. Cả một vùng đá vôi rộng lớn giờ chỉ sót lại một phần của tòa nhà. Tất cả gần như đã bị phá hủy, ngoại trừ một cánh cửa.
Và một thùng thư (xiêu vẹo).
Trông thế này.

 

Không rõ số #5 kìa là chỉ nhà máy số Năm hay nhà kho số Năm, vì đằng sau bờ tường đã hoàn toàn trống trơn.
Lần nào đến đây Yuji cũng đi nhặt nhạnh bu lông, đai ốc, đinh tán, lò xo… (Có lần thằng bé nhặt được cả bánh răng. Những hôm như thế cứ gọi là trúng lớn.)
Tôi ngồi xuống một cái bệ, quan sát Yuji nhặt nhạnh các thứ.
Hồi xưa có cả Mio đi cùng.
Yuji có thói quen nhặt nhạnh này từ hồi mới hai tuổi. Thế mà đến giờ nơi đây vẫn còn rất nhiều bu lông, đai ốc, đinh tán, lò xo. Thật kỳ lạ, nhưng đúng là lúc nào cũng tìm được những thứ lặt vặt như thế ở chỗ này.
Sau khi nhét đầy hai túi quần, Yuji sẽ đem chon tất cả xuống bãi đất trống trước khu nhà. Tính đến giờ cũng phải được số lượng kha khá rồi. Bọn bu lông, đai ốc, đinh tán, lò xo ấy hiện đang yên nghỉ dưới độ sâu ba mươi cen ti mét so với mặt đất.
Tôi rất muốn trông thấy vẻ mặt người nào đó lúc vô tình đào xới chỗ đất ấy lên
Tôi hỏi Yuji.
“Bố hỏi con một câu nhé?”
“Gì ạ?”
“Sao con làm việc này?”
Thằng bé nhìn tôi như thể đang nhìn một người cực kỳ kém hiểu biết.
Hôm nay, hai bố con lại bước sang một ngày mới.“Rõ ràng thế còn gì!” thằng bé bảo. “Vì việc này rất vui.”

Hừm.

Chuyện xảy ra một tuần trước khi Mio đến tinh cầu Lưu Trữ. (Cách nói này khiến tôi thấy nhẹ lòng hơn.)
Nàng bảo tôi.
Em sắp phải đi rồi, nhưng đến mùa mưa, em sẽ quay lại để xem hai bố con sống thế nào.
(Hôm ấy cũng là một ngày tháng Sáu mưa lạnh.)
Từ giờ đến lúc em quay lại, mọi việc trông cậy vào chồng nhé. Lúc ấy Yuji đã lên lớp một rồi, chồng nhớ phải đưa con đi học đầy đủ. Nhớ hằng ngày cho con ăn sáng, kiểm tra đồ dùng để con khỏi quên.
Chồng làm được không?
“Được chứ!” tôi nói.
Thật không? Em về mà thấy chồng làm không tốt, em sẽ không tha thứ cho chồng đâu.
(Rồi nàng khẽ mỉm cười. Nụ cười của nàng khẽ khàng đến nỗi thiếu điều tôi đã không nhận thấy.)

Em rất lo cho chồng, Mio nói.
“Anh không sao đâu,” tôi nói. “Anh sẽ mạnh mẽ hơn. Sẽ là một ông bố tốt. Em đừng lo.”
Thật chứ?
“Thật.”
Chồng phải hứa đấy.
“Ừ.”

Tôi đã mạnh mẽ hơn chưa?
Đã là một ông bố tốt chưa?
Mùa mưa sắp đến rồi.
Một ngày thứ Hai của tháng Sáu.

Truyen8.mobi chúc bạn đọc truyện vui vẻ

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/21021


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận