Đến trước căn nhà hai tầng số 44 bis phố Richaud,ba người cùng đứng lại. Đêm đã khuya. Đèn trên gác đã tắt.Hai cửa sổ mở ra đường,hai khung lớn tối đen.
- Đường ngủ rồi.Thôi để lần khác Bình hãy lên thăm.Giờ chúng ta đi chơi để cho hắn ngủ.
Huy nói rồi lại bảo Bình và Thạc:
- Nhưng hai anh đợi tôi một tí,tôi lên cất áo đã,bức lắm.
Thạc khen phải và cũng bỏ cái áo ngoài đưa cho Huy.Mùi nước hoa của Thạc bay lên thơm lừng cả một phần không khí nồng nực.
- Huy cất áo hộ tôi một thể.Nhân tiện lấy hộ bao diêm nữa,diêm của Bình hết rồi.
- Để đâu?
- Trong ngăn kéo,mà đừng làm thằng Đường thức dậy nhé.Hôm nay nó mới ngủ được sớm như thế.
- Đường cảm phải không?
- Ừ,cảm xoàng thôi.Hai hôm đầu không dậy được,nhưng mấy hôm nay gần khỏi hẳn rồi.
Trong nhà,mười hai giờ điểm.Một tiếng đằng hắng đáp lại tiếng Huy gọi.Tiếng giày kéo lê trên mặt đất.Rồi cửa mở, đầu một ông già thò ra.Huy vội nói:
- Kìa thầy,thằng nhỏ đâu mà không mở cửa?
- Nó ngủ say rồi.Giờ mới tan chiếu bóng à?
Huy nói với ông cụ đưa chìa khóa cho mình.
- Chúng con còn đi chơi lát nữa.Bức lắm không ai dám ngủ vội.Con lên cất cái áo rồi xuống ngay...
Huy vừa bước vào vừa nói tiếp:
- Thầy cứ đi ngủ đi,lúc về con mở cửa lấy cũng được.
Nghe tiếng chào của hai người thiếu niên đứng ngoài, ông cụ nheo mắt nhìn ra:
- Không dám,cậu Thạc ấy à?Còn ai nữa thế kia?
Bình nhanh nhẩu đáp:
- Thưa cụ con ạ,Văn Bình đây ạ.
- À, ông Văn Bình ! Đi chơi khuya nhỉ.
Huy đã đi thẳng vào trong.Anh không bật đèn cầu thang,thuộc lòng bước nhẹ nhàng lên gác.Huy treo hai cái áo lên giá mà anh ta đã quen chỗ,rồi toan tức khắc trở xuống .Nhưng chợt nhớ bao diêm Thạc dặn lấy,anh ta mới đưa tay tìm cái vặn đèn điện trên tường.
Đèn sáng,Huy quay lại phía bàn học giữa nhà và ngạc nhiên:
- Ô kìa ! Đường .Ngồi làm gì đấy?
Đường không đáp.Anh ta ngồi phía bên kia,quay lưng ra cửa sổ,,người hơi cúi,ngực áp vào cạnh bàn,hai má tỳ lên hai bàn tay,mắt lặng lẽ nhìn lên quyển sách dày mở trước mặt.
Đường có vẻ đọc sách như thế từ lâu lắm,lại đọc trong lúc không có đèn!
Huy chực bật cười vì cái điều vô lý ấy, nhưng anh chợt lo ngại . Anh hỏi lên câu nữa:
- Đường! Ngồi làm gì, mà ...
Câu nói cắt đứt ngay lúc Huy nhận thấy Đường im lặng một cách khác thường . Huy liền đi thẳng đến bàn học, kéo ghế ngồi trước mặt bạn, nhìn vào tận đôi mắt trân trân của Đường:
- Đường! Đường! Điếc à ?
Huy không kịp nghĩ rằng đó có thể là một trò đùa của Đường . Mặt Đường xanh rớt và giữ mãi một vẻ lo buồn .
Một cảm giác kỳ dị và kinh hoàng ám nhanh đến, Huy nhìn ngang nhìn ngửa rồi đứng phắt dậy, cử chỉ hỗn loạn trong khi Đường vẫn điềm tĩnh ngồi .
Bỗng Huy kêu lên một tiếng rất ngắn, nhưng ghê gớm; một tiếgn kinh dị dữ dội mà từ trước tới nay Huy mới kêu lên lần đầu . Huy vừa chợt trông thấy trên lưng Đường một con dao cắm ngập tới chuôi, trong một khoảng máu đẫm sau áo .
Nghe tiếng kêu, Bình và Thạc dưới phố nhìn lên: vừa lúc cái mặt hoảng hốt của Huy đâm chao ra ngoài khung cửa sổ .
Huy rối rít gọi:
- Bình! Thạc! Bình! Thạc! Lên mau lên! Đường chết rồi ...
Sự kinh ngạc làm Bình lặng đi một lát rồi mới hỏi lên được:
- Cái gì ? Đường chết ?
Nhưng Thạc bình tĩnh hơn, mở cửa chạy vào báo tin cho ông cụ biết . Cả ba người cùng vội vàng lên cầu thang .
Cái dáng người chết của Đường, khi họ nhận thấy rõ, lại làm cho họ khiếp sợ hơn khi ở trước mọi người chết khác . Giữa cảnh náo động, Đường vẫn ngồi lẳng lặng, hai mắt vẫn đọc mãi trang sách, và nếu không có con dao và phần áo đẫm máu, thì có lẽ Đường sẽ đứng lên và hỏi chuyện mọi người .
Người thứ nhất trấn áp được sự kinh dị là Thạc . Anh kéo ghế nói với ông cụ chủ lúc ấy vừa run vừa rụt rè nheo đôi mắt cận thị nhìn về phía vai Đường:
- Xin cụ cứ bình tâm . Cụ ngồi xuống đây . Anh Huy đứng xa ra và đừng ai động đến anh Đường với những sách vở trên bàn giấy .
Bình thì đôi mày cau lại, nhìn khắp gian nhà một lượt như tìm tòi . Anh hỏi nhỏ Huy:
- Lúc anh lên thì cửa vào mở hay đóng ?
- Mở . Trong nhà lại không tối như cầu thang .
- Anh không thấy gì khác ?
- Không . Lúc bật đèn tôi còn tưởng Đường đi nằm rồi . Quay lại mới biết ...
Thạc bỗng chỉ cho hai người chú ý đến cuốn sách:
- Này, các anh coi! Đường không đọc sách, nhưng đang nhìn cái này .
Mọi người cúi ghé qua vai Thạc; theo ngón tay Thạc trỏ vào một mảnh danh thiếp khổ lớn, úp mặt . Sau lưng cái danh thiếp có một hàng chữ hoa viết bằng bút chì:
X. Ạ Ẹ X. Ẹ G.
Hay chực cầm lên xem, nhưng Bình ngăn lại .
- Để yên đấy . X. Ạ Ẹ X. Ẹ G ? Thế nghĩa là gì ? Mà danh thiếp này có phải là của Đường không ?
- Thử lật xem nào .
- Không ... Ta không được thay đổi một vật gì trên bàn này trước khi sở liêm phóng đến khám xét ...
Nghe nói đến sở liêm phóng, ông cụ không giấu được vẻ bối rối như tính thường của mọi người sợ những chuyện lôi thôi . Ông chỉ biết phàn nàn và coi việc xảy ra như một tai họa lớn cho nhà mình hơn là cho người chết .
- Xin cụ cứ bình tĩnh . Việc này lạ lùng lắm thực, nhưng tra xét công minh thì chả việc gì mà lo ...
Ông cụ lắc đầu thở dài:
- Nhưng làm sao cậu Đường đến nỗi thế này ...
Bình hỏi:
- Cụ vẫn ở nhà từ lúc tối đấy chứ ?
- Vâng .
- Còn anh Huy, anh Thạc đi từ mấy giờ ?
Thạc trả lời:
- Từ tám giờ rưỡi . Huy, Đường với tôi ăn cơm tối lúc bảy rưỡi . Đường kêu vẫn còn khó ở, nên ngon miệng mà vẫn không dám ăn nhiều . Đường phải cảm đã năm hôm nay, nghĩa là từ tối thứ tư .
- Đường có ra phố lúc nào không ?
- Không . Cũng không muốn đi xi - nê với chúng tôi, sợ cảm lại ... Đường nói chuyện vui vẻ lắm, không tỏ ra một dấu hiệu gì khác thường . Anh lại có ý tiếc cái phim không xem tối nay và hẹn nếu thứ ba anh khỏi hẳn sẽ đi xem, Đường vẫn thích xi - nê lắm . Tám rưỡi Huy với tôi đi chơi . Đường còn dặn mua hộ bàn chải răng, phong bì tem và giấy viết cơ mà! Chúng tôi mua xong mới đến rủ anh và Lê Phong đi xem xi - nê ...
Cái tên Lê Phong nói lên trong trường hợp này gần thành một lời an ủi . Huy vội bảo Thạc:
- Lê Phong! Ồ giá Phong đừng vội về trước, thì lúc này ...
Thạc trầm ngâm nhưng cũng gật đầu:
- Ừ, có Lê Phong ở đây thì ... Nhưng chúng ta nên liệu cách xử trí cần hơn: trước hết đi báo tin cho sở cẩm ngay tức khắc . Vì đây là một án mạng .
- Nhưng làm sao lại bị giết ? Ừ, sao lại bị ám sát lạ lùng đến thế ? Các cậu, các ông ... có biết tại sao mà ... ?
Ông cụ ngơ ngác nói và tìm những lời rời rạc để tỏ sự lo sợ của mình . Bình nhìn ông ái ngại nói:
- Thưa cụ, cụ không nên lo nghĩ nhiều . Chắc hẳn trong đời của anh Đường có những ẩn tình mà ta không biết được . Việc ấy rồi họ sẽ tra xét . Bây giờ cụ cho chúng con biết một điều quan trọng này: từ tám rưỡi đến bây giờ cụ có lên gác lần nào không ?
- Không, mà thường nhật tôi cũng chẳng mấy khi lên, tôi già cả lẩm cẩm ...
- Tôi tớ nhà này có những ai ?
- Có thằng nhỏ, nhưng hôm nay nó sốt, dọn cơm xong nó đi ngủ ngay .
- Anh Huy làm ơn gọi nó dậy . Hãy gượm đã . Cửa dưới nhà đóng chứ ?
- Vâng, tôi khóa cửa rồi mới lên .
Bình nghĩ một lát lại hỏi:
- Có ai đến chơi trong lúc anh Huy và anh Thạc đi vắng không ?
- Để tôi nhớ lại xem ... Không . Hay là chỉ có một người đến gõ cửa hỏi cậu Đường . Một người nói tiếng trọ trẹ .
- Người ấy ăn mặc thế nào ?
- Một người con trai bằng trạc Huy, nhưng tôi không rõ mặt, vì tôi cận thị mà người ấy chỉ đứng ngoài .
Thạc hỏi:
- Lúc ấy vào khoảng mấy giờ ?
- Có lẽ đã chín rưỡi ... Người ấy hỏi hai, ba lần tôi mới hiểu rằng muốn lên chơi với cậu Đường . Tôi nói cả nhà đi vắng rồi, để cậu Đường khỏi phải nói chuyện trong lúc còn mệt ... Vả lại tôi chưa từng thấy người kia lên chơi bao giờ, nghe tiếng nói lại khác lạ, và lúc ấy nhà vắng người, đêm hôm ...
- Vâng thế rồi sao, xin cụ cho biết ngay .
- Người kia thấy thế chào rồi ra, tôi khóa cửa còn nghe thấy nói mấy câu hình như bằng tiếng Khách thì phải .
Bình vội hỏi:
- Tiếng Khách ? Cụ chắc là tiếng Khách chứ ?
- Vâng . Hình như thế . Người ấy nói đâu hai, ba câu ngắn mà như nói với người nào đứng đợi gần đấy, nhưng người đứng đợi kia không trả lời . Tôi hơi lấy làm lạ nhưng cũng không nghĩ ngợi gì . Chực trở vào thì cái chìa khóa tôi vừa quay trong ổ rơi xuống đất .
- Sao lại rơi xuống đất ?
- Có lẽ tôi khóa cửa xong, vô ý, tay tôi thường run rẩy, lúc kéo về vướng phải nên làm rơi ... Tôi vẫn đánh rơi như thế mấy lần rồi nên không để ý .
Huy làm chứng cho câu nói của ông cụ:
- Vâng, thầy tôi tính cẩn thận lắm, nhưng các cụ già thường không được thật tay . Thạc với tôi khi nào gọi cửa đêm mà cụ ra mở thì không bao giờ chúng tôi để cụ phải khóa lại .
Bình nói:
- Cụ chắc chắn là cửa đã khóa chứ ?
- Vâng . Tôi nhớ kỹ lắm .
- Còn chiếc chìa khóa rơi ?
- Chìa khóa rơi tôi cố tìm thấy ngay, tôi không cắm vào ổ khóa nữa, và để ở trên cái bàn nước gần giường nằm . Vì thế vừa rồi lúc Huy về gọi, tôi cứ chỗ ấy lấy ra mở .
- Ngoài người nói tiếng Khách, còn ai đến nữa không ?
- Không .
- Cụ có nghe thấy gì lạ trên gác từ hồi tám rưỡi đến lúc anh Huy về không ?
- Không . Chỉ chốt lát mới thấy một tiếng khẽ kéo ghế hoặc bước chân đi lại nhè nhẹ . Nhưng đó là tiếng động thường có, tôi lại quen bước chân cậu Đường lắm ... Với lại, ngoài ra thì còn ai lên được gác trong khoảng từ bấy đến giờ ?
- Cụ thức cho đến lúc anh Huy về sao ?
- Không . Tôi ngủ . Nhưng tôi dễ tỉnh lắm . Nếu có việc gì lạ tôi biết ngay ...
Bình thở dài:
- Vậy mà có một sự ghê gớm mới xảy ra ...
Anh chợt thấy lỡ lời, nói chữa:
- Vậy mà kẻ giết người cũng tìm được cách khôn khéo lên đây ... làm cái việc độc ác của mình, rồi lại ra mà không có một tiếng động nào .
Thạc sau khi cẩn thận đi nhìn các hòm xiểng để ở góc tường, lúc ấy đang chăm chú nhìn trên bàn giấy . Anh là một người minh mẫn và có chí quyết định nhanh .
- Không thể nào hiểu một tí gì trong câu chuyện rắc rối này được, trừ khi là trinh thám rất giỏi, mà cũng chưa chắc đã hiểu ngay . Bàn tính chỉ mất thì giờ vô ích . Vậy các anh nghe lời tôi . Cụ thì xuống dưới nhà, và xin cụ tĩnh tâm . Bình và tôi đi báo sở cẩm hoặc sở liêm phóng ngay đêm nay . Huy đi đánh thức thằng nhỏ và ngồi đợi với cụ ở nhà dưới . Đường bị giết, ta biết làm sao được ? Nhưng tôi thề với các anh sẽ hết sức giúp việc tra xét và quyết báo thù cho Đường .
Lúc nói, mặt Thạc tái hẳn đi, vẻ cương quyết lộ ra ở cử chỉ và đôi mắt lạnh lùng sáng lên một cách kỳ dị .
Ra đến ngoài, Thạc hỏi Văn Bình:
- Anh có nhớ những chữ sau cái danh thiếp không ?
Văn Bình ngẫm nghĩ:
- Không nhớ rõ . Còn anh ?
- Hình như X. Ạ Ẹ X. Ẹ G. thì phải . Nhưng chẳng sao, chốc nữa họ đến sẽ thấy ... Nhưng lạ thực, những chữ ấy nghĩa là gì ? Anh đoán được không ?
- Đoán thế nào được . Ồ, giá Lê Phong ...
- Lê Phong làm sao ?
- ... Giá Lê Phong cùng đi chơi với chúng mình ...
Một chiếc xe tay phía nhà thương Phú Doãn đi lại, Thạc bảo người phu tìm cái nữa, nhưng Bình chợt nghĩ ra:
- Thế này hơn . Anh đi một mình đến sở mật thám . Tôi thì đến nhà Lê Phong . Vụ bí mật này chưa chắc họ đã tra xét ra được ngay, có thể là một dịp cho Lê Phong trổ tài thêm một lần nữa .
Thạc khen phải, lên chiếc xe bảo kéo tới sở mật thám . Bình gặp một chiếc xe khác, thuê về phố Chợ Hôm .
Sự kinh dị ban đầu đã nguôi . Tuy bao nhiêu bóng tối đặc dày bao phủ lấy cái chết lạ lùng mà Văn Bình vừa trông thấy . Anh biết chắc Lê Phong sẽ ngạc nhiên, sẽ kinh dị nữa cũng nên . Mà có kinh ngạc thì Lê Phong mới thấy cuộc đời có đủ ý vị . Người phóng viên trinh thám ấy ít lâu nay buồn vì phải nghỉ ngơi nhiều quá . Một vài viêc. lạ lùng cũng có làm anh chú ý thực, nhưng Lê Phong chỉ coi như bài tính dễ làm . Gặp vụ án mạng này thì hẳn Phong không phàn nàn vào đâu được .
Bình dàn xếp xong câu chuyện mà lát nữa mình sẽ kể . Anh sẽ cố diễn cái thiên tiểu thuyết nhỏ buổi tối hôm ấy một cách gọn gàng và có thứ tự; sẽ bắt đầu từ lúc cùng với Phong chia tay ở trước cửa nhà chiếu bóng và dần dần đi tới chỗ xảy ra án mạng và từ lúc trông thấy cái xác chết đến lúc đọc những chữ bí mật sau tấm danh thiếp, câu chuyện sẽ chép theo một điệu kịch liệt đến nỗi Lê Phong cũng phải kêu lên:
- Ồ lạ lùng! Ồ kỳ dị ...
Bình xoa hai tay vào với nhau, hưởng trước cái thú làm cho bạn hồi hộp .
Hết chương 1. Mời các bạn đón đọc chương 2!