những lúc thả hồn mình lơ đễnh ngắm Merlion phun nước ở vịnh Marina trên đất nước Sư Tử rồi lặng lẽ để sóng biển vuốt ve bàn chân mình ở một bãi biển nhỏ của Campuchia luôn để lại trong lòng tôi cảm xúc bồi hồi đến nao lòng. Dù bước chân có đi đến mọi nẻo đường, dù ánh mắt nhìn về bất cứ nơi nào, nhưng tôi biết trái tim mình đang khao khát một điều, đó là được trở lại mảnh đất Lạc Thủy, Hòa Bình, để tìm lại ”người con gái xứ Mường” trong tôi.
Những người bạn thời thơ ấu cùng lớn lên nhờ tắm mát trên dòng sông Ba và nghe tiếng hát của núi rừng Tây Nguyên sẽ hỏi tôi: “Tại sao thế? Tại sao cô gái Tây Nguyên lại đi tìm người con gái xứ Mường?”. Đơn giản thôi bạn à, vì tôi được sinh ra trên mảnh đất nắng gió này nhưng tâm hồn tôi lại đánh mất ở nơi ấy, nơi có dòng sông Bôi chảy êm đềm và một phần kỉ niệm của tuổi thơ tôi với với kí ức của bố mẹ tôi ở đây.
Tôi đến với Quan Lang xứ Mường qua câu chuyện từ thời tiểu học về đàn vịt trời với anh chàng Cuội lừa bán chúng cho Quan Lang. Tôi cứ ngỡ đó là chuyện phiếm để gây cười và Quan Lang chỉ là một nhân vật không có thật, cho đến một ngày, qua lời kể của mẹ tôi mới biết rằng dòng họ Quách của mẹ từng là Quan Lang xứ Mường. Trên mảnh đất trải dài hình chữ S này có biết bao câu chuyện về các dòng họ nhưng câu chuyện mẹ thường kể cho tôi nghe với ánh mắt long lanh mà tôi có thể nhìn thấy trong đó những giọt nước lấp lánh về một nơi rất xa xôi. Trí tò mò nổi đã lên trong cái đầu còn non nớt của tôi. Lúc bé, thi thoảng mẹ dạy tôi vài câu tiếng Mường làm tôi thích thú như với một thứ ngoại ngữ lạ. Mẹ thường trầm ngâm như nhìn vào quá khứ xa xăm khi kể về dòng họ Quách Tất mà mẹ từng là Nàng và các anh trai của mẹ sẽ là Quan Lang nếu như lịch sử không xảy ra những biến cố. Nhưng tháng năm đã thay đổi và kí ức về tuổi thơ khốn khó của những người dòng dõi Quan Lang khi thất thế vẫn còn đọng lại đó, trong ánh mắt buồn và giọng kể của mẹ tôi. Bố đã từng hỏi chúng tôi, ai muốn đổi sang họ Quách của mẹ, lúc đó tôi rất hào hứng sẽ giữ họ Quách Nguyễn, nhưng thời gian vội vã cuối năm trung học không cho phép tôi đổi họ để kịp cho kì thi tốt nghiệp quan trọng.
Rồi năm bảy tuổi, tôi được theo mẹ về mảnh đất đó, cảm giác vẫn in nguyên như mới ngày hôm qua. Tôi nhớ bước chân mình đi trên thị trấn Chi Nê ghé vào chợ mua đồ, sau đó là qua những con đường đầy sỏi đá, dòng sông Bôi uốn lượn như đang thì thầm về một đứa bé gái mang theo hơi thở của núi rừng Tây Nguyên đến với núi rừng Tây Bắc. Cảnh ở xứ Mường ấy đẹp như một bức tranh vẽ mà cho đến tận bây giờ, dù tôi đã đi qua nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào lại khiến tôi bồi hồi như thế, không biết có phải vì tôi dành nhiều tình cảm cho nơi này hơn những nơi tôi đã qua? Những quả đồi như bát úp, những con đường uốn lượn và những con thuyền nhỏ neo đậu trên sóng nước bập bềnh, những thưở ruộng lúa xanh mơn mởn và người nông dân trên cánh đồng đang cho trâu đi cày, đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến con trâu của chú Cuội.
Biết nói thế nào để gợi lại kí ức về một miền đất gần gũi nhưng lại xa xôi ấy.
Bây giờ khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu được mỗi nơi ở mảnh đất này đều chứa đựng trong đó những câu chuyện, những nét văn hóa đặc trưng riêng. Mảnh đất Tây Nguyên vốn là nơi lưu giữ cái hồn cho những người Tây Nguyên nhưng bố mẹ tôi vào đây lập kinh tế mới như bao người ở cái xóm này, chúng tôi như những đứa trẻ bơ vơ đi tìm nguồn cội. Chúng tôi không có cái nét hoang dại của mảnh đất này mà chỉ có một chút núi rừng thoảng qua, chúng tôi không nhảy múa điệu cồng chiêng mà chỉ đứng ngắm nhìn và coi như một thứ văn hóa cần bảo tồn. Có một cái gì đó nổi lên trong lòng khi tôi nghe tiếng cồng chiêng của lễ hội nhà mồ, có phải đó là tiếng cồng chiêng những cô gái xứ Mường trong đó có mẹ tôi đánh lên từ núi rừng Tây Bắc? Tôi biết mình cần phải làm gì, phải trở về nơi là cội nguồn của mình, trở về để tìm lại ”người con gái xứ Mường” trong tôi.
Tôi chỉ ước mình sẽ lại được mặc bộ đồ truyền thống mà ngày xưa mẹ từng mặc, được đeo những vòng bạc trĩu nặng tay, được đánh cồng chiêng trong ngày hội, được ăn cơm lam, tắm suối nước nóng, được nghe thầy Mo kể chuyện bên bếp lửa nhà sàn của một buổi tối mùa đông rét buốt. Biết bao nhiêu thứ tôi muốn làm khi trở lại mảnh đất này. Một điều mà tôi, một đứa con phương xa, ấp ủ muốn thực hiện, đó là trở về để tìm lại dòng họ Quách Tất ngày xưa từng phù Lê Duy Lương diệt Nguyễn mà tôi chỉ có thông tin ngắn ngủi trên mạng internet. Hi vọng chuyến trở về này sẽ giúp tôi tìm lại được lịch sử của một dòng họ đã lụi tàn theo năm tháng, để giữ lại truyền thống đã bị đánh mất khi văn hóa chuyển mình và hơn hết cả, tôi muốn đi tìm lại người con gái xứ Mường trong tôi.
The end!