Ông Mười yên lặng cầm chun trà nhấp từ ngụm nhỏ hướng mắt nhìn ra cánh đồng xa xăm. Màn đêm buông xuống, râm ran chỉ có tiếng côn trùng giun dế, gió lùa lá cây xào xạc như hòa vào sự cô tịch của đêm. Ông biết sau hàng cây cuối vườn nhà ông là cả một khoảng không mênh mông, nơi đó giờ đây chỉ có gió mang hơi lạnh lẽo thổi qua cánh đồng mạ non và những gò hoang mồ mả hiu quạnh, những lùm cây rậm rạp thấp thoáng đốm lửa. Khi đến xứ này, ông đã nghe nhiều chuyện mà ông cho là hoang đường. Là một người học hành tử tế, ông không tin lắm. Nhưng sống đến tuổi này, sau khi trải qua nhiều thăng trầm cuộc đời có những chuyện mà thật tâm ông phải bán tín bán nghi, giống như câu chuyện về cái gò thiêng. Lắng tai nghe tiếng bà Mười thở nhẹ nhàng trong buồng. Ông trầm ngâm nhớ lại câu chuyện dân ở đây thường kể lúc rảnh rang.
Ngày đó, có hai mẹ con lưu lạc đến xứ này. Người mẹ nhìn không thể đoán được tuổi vì những nếp nhăn chằng chịt trên khuông mặt sạm đen. Một chân bà bị thọt nhưng dáng vẻ rất nhanh nhẹn. Cô con gái khoảng mười bảy, mười tám, có đôi gò má hồng và mái tóc đen dài. Họ đến từ một chiếc xuồng cũ, bà mẹ cầm dầm lái chiếc xuồng tấp vào cuối bến sông. Trời chạng vạng tối, dòng sông bắt đầu đổi màu, gió chiều len qua từng làn áo người lành lạnh. Mọi người ngó ra, rồi có vài người bước đến hỏi han. Ở đây người còn ít nên mỗi khi có thêm người đến thì ai cũng mừng. Vậy là từ đó cuối xóm có thêm một mái nhà lá nhỏ. Hằng ngày, công việc nhà nông cực khổ bà Chín gánh vác hết, cô con gái ở nhà lo nấu cơm đợi mẹ về ăn. Có thể thấy bà yêu thương cô gái vô cùng. Dù bà mặt bộ đồ rách vá chằng vá đụp nhưng cô gái thì tươm tất trong chiếc áo bà ba lành lặn. Và đáp lại tình yêu của mẹ, cô gái nhỏ lúc nào cũng quẩn quanh chân bà, líu lo như con chim non, làm cho bà vui. Cuộc sống trôi qua tuy vất vả cực nhọc, nhưng đối với họ cũng khá êm đềm. Cô gái càng lớn càng phổng phao xinh đẹp. Cô như bông hoa mới nở đáng lẽ ra không nên có ở cái vùng quê heo hút này. Bà mẹ đã bắt đầu cảm thấy lo lắng khi nhận ra ánh mắt khao khát của đám trai làng dành cho cô. Đối với bà, tình yêu bà dành cho cô như bà đang giữ khư khư một báu vật, chỉ sợ làm mất, chỉ sợ cô bị vấy bẩn. Cuộc đời bà đã quá nhiều cực khổ, xem như hoang phế từ lâu. Giờ đây cuộc sống của bà là dành cho cô.
Vậy mà cuộc sống sao quá tàn nhẫn với bà khi đang tâm cướp đi mất nguồn sống duy nhất, là biết bao nhiêu hy vọng mà bà ấp ủ nâng niu, ánh sáng cuộc đời bà. Vào một buổi chiều mùa lũ, mọi người nghe thấy tiếng kêu thất thanh của bà Chín phát ra từ căn chòi nhỏ. Khi chạy đến, họ nhìn thấy bà đang kêu gào tên con gái. Con bà đâu? Mọi người hỏi nhau nhưng chẳng ai biết. Căn nhà nhỏ trống toác, tro bếp nguội lạnh, xung quanh mênh mông là nước, cô gái có thể đi đâu? Mọi người chia nhau đi tìm, họ gọi tên cô gái vang cả cánh đồng đang ngập chìm trong nước lũ. Đến tối lần lượt từng chiếc xuồng trở về trong sự thất vọng. Bà Chín như phát điên. Bà hỏi mọi người có thấy con bà đâu, trước đến giờ cô gái chỉ quanh quẩn quanh nhà chỉ khi đi cùng bà cô mới ra khỏi căn chòi nhỏ. Bà chỉ vừa đi một lát thôi, khi ngoái lại bà còn nhìn thấy con gái đứng trông theo. Vậy mà khi trở về, bà gọi chẳng thấy ai thưa dạ, tìm khắp nơi cũng chẳng thấy. Cô đã đi đâu, đã xảy ra chuyện gì? Mọi người nhìn nhau lắc đầu, chẳng có lẽ cô gái trượt chân chết đuối? Không thể nào, vì nước xung quanh nhà chỉ mới lên đến ngang ngực người. Cô cũng không có cách nào đi xa được vì bà Chín đã lấy chiếc xuồng duy nhất đi rồi. Đêm càng khuya, khi chiếc xuồng cuối cùng trở về, họ nói là họ đã đi tìm rất xa, rất sâu trong bưng mà vẩn không tìm được. Mọi người đành quay về, ngày mai họ sẽ tiếp tục đi tìm. Bà Chín gào khóc tên con. Rồi bà bật dậy đòi đi tìm con. Mọi người phải cắt cử người trông coi bà, vì đêm xuống, ngoài đồng sâu mênh mông nước, tối đen, không nhìn rõ mặt người. Vậy mà nữa đêm mọi người không thấy bà Chín đâu nữa, bà mẹ tội nghiệp đã bỏ đi tìm con lúc nào không hay, giữa màn đêm mịt mùng, từng cơn gió thổi hơi lạnh lẽo, bà như muốn xé toạc màn đêm ra tìm. Tiếng bà khàn đi vì gọi con chỉ còn thanh âm của tiếng lòng bà đang nức nở. Con ơi! Con ở đâu. Đến gần sáng, khi trời đất còn tờ mờ thì mọi người lo lắng đi tìm thì họ nghe tiếng kêu, không, không phải là tiếng người nữa mà là tiếng một con thú bị thương, tiếng gào lên não nùng đau đớn đó vẫn còn ám ảnh trong ký ức nhiều người rất lâu, đó là tiếng bà Chín. Không biết bằng cách nào, có lẽ là nhờ linh cảm của người mẹ, mà bà đã tìm được con gái giữa đồng nước mênh mông, mọi người vội vàng theo tiếng bà tìm đến. Nơi gò đất nổi lên giữa đồng như một ốc đảo là môt cảnh tượng thương tâm, bà Chín ôm chặt cô gái giờ chỉ còn là một cái xác không hồn.
Khó khăn lắm người ta mới kéo bà Chín ra khỏi con mình, bà cứ như con thú dữ, không cho ai đến gần xác cô gái, ai động đến là bà cào cấu, mắt bà long lên sòng sọc, hai hàm răng rít lại ken két, giọng bà giờ chỉ còn là tiếng gầm gừ trong cổ họng. Phải đợi đến xế chiều hôm đó, khi bà lả người đi thì mọi người mới giằng xác cô gái ra khỏi lòng bà, trói bà lại đưa về. Rồi họ lo việc chôn cất cô gái, những người phụ nữ thay cho cô bộ quần áo lành lặn vì đồ trên người cô rách bươm, họ không cầm được nước mắt khi nhìn thấy những vết thương trên người cô khi bọc cô trong manh chiếu. Mùa lũ năm đó nước dâng rất cao, vì nước lũ ngày càng dâng cao nên xác cô được chôn ngay ở gò đất đó, vào mùa này tìm được nơi chôn người chết đã là may mắn lắm. Ai cũng xót thương cho cô gái xấu số, họ cắm vài nén nhang rồi ngậm ngùi quay về, đó là một buổi chiều đầy gió chướng.