Gió Qua Rặng Liễu Chương 4


Chương 4
BÁC LỬNG

Hai đứa kiên nhẫn chờ đợi dường như rất lâu, vừa chờ đợi vừa giậm giậm trên tuyết để giữ cho bàn chân được ấm. Cuối cùng, chúng nghe tiếng những bước chân kéo lê chầm chậm tới gần phía bên trong cái cửa. Như Chuột Chũi lưu ý với Chuột Nước, dường như ai đó đang đi đôi dép rơm quá rộng và gót đã vẹt. Chuột Chũi quả là thông minh bởi vì sự thực đúng là như vậy.

Có tiếng then cửa được đẩy ra và cánh cửa hé mở đôi chút, đủ để phô ra một cái mõm dài và đôi mắt hấp háy ngái ngủ.

“Này, lần sau mà còn xảy ra chuyện thế này,” một giọng nói cộc cằn và đa nghi cất lên, “ta sẽ nổi giận lắm đấy. Lần này kẻ nào đến quấy rày người ta vào lúc đêm hôm thế này? Nói mau!”

“Ồ, bác Lửng,” Chuột Nước kêu lên, “làm ơn cho bọn cháu vào với. Cháu, Chuột Nước đây mà, còn đây là Chuột Chũi, bạn cháu. Bọn cháu bị lạc đường vì tuyết phủ khắp nơi.”

“Ôi, Chuột Nước, anh bạn nhỏ bé thân mến của tôi!” bác Lửng kêu lên bằng một giọng khác hẳn. “Vào trong nhà đi, cả hai cậu, vào ngay đi. Chà, các cậu hẳn là mệt đến chết được. Ta thì chẳng bao giờ. Ai đời lại lạc đường trong tuyết! Lại ở khu Rừng Hoang nữa, và lại vào lúc đêm hôm thế này! Các cậu vào đi nào!”

Hai con vật xô đẩy đè cả lên nhau vì cùng háo hức muốn vào bên trong, cùng thấy mừng rỡ vô cùng và nhẹ cả người khi nghe tiếng cánh cửa đóng lại phía sau.

Bác Lửng vận một cái áo khoác dài và đôi dép lê của bác ấy quả thật mòn vẹt gót, hai tay bác bưng một cái giá cắm nến và có lẽ trước đó bác đã chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng chuông gọi cửa. Bác cúi nhìn ân cần và vỗ nhẹ đầu cả hai đứa. “Đêm tối thế này các con vật nhỏ không nên đi ra ngoài,” bác nói, giọng kẻ cả. “Ta e rằng lâu nay cậu lại giở trò quái qủy gì rồi, Chuột Nước à. Nhưng mà cứ vào đây cái đã, vào trong nhà bếp ấy. Ở đó có một cái lò sưởi thượng hạng, có bữa ăn tối và đủ cả mọi thứ.”

Bác tiếp tục lê bước trước mặt hai đứa, tay cầm ngọn nến, còn hai đứa vừa đi theo vừa huých khuỷu tay vào nhau, vẻ phấp phỏng, dọc theo một lối đi vừa dài vừa tăm tối, thật sự là vô cùng tồi tệ, dẫn vào một phòng lớn, từ đó chúng có thể lờ mờ nhìn thấy những lối đi khác giống như đường hầm chia thành nhiều ngả, những lối đi bí ẩn và hầu như vô cùng tận. Nhưng căn phòng cũng có những cửa ra vào, các cánh cửa bằng gỗ sồi nom có vẻ chắc chắn. Bác Lửng mở toang một trong những cửa đó và lập tức chúng thấy mình đang ở trong một gian bếp rộng rãi có ánh đèn sáng choang và ấm áp.

Sàn bếp lát gạch đỏ nhẵn nhụi và cái lò sưởi to tướng có mấy khúc gỗ đang cháy thành ngọn lửa giữa hai chỗ ngồi đẹp mắt tụt hẳn vào trong tường, tránh hẳn được bất kỳ cơn gió lùa nào. Hai bên lò sưởi là hai chiếc tràng kỷ có ván tựa cao đối diện nhau dành thêm chỗ ngồi cho những bè bạn dễ chan hòa. Giữa gian bếp là một chiếc bàn dài bằng ván mộc kê trên mễ, mỗi bên có một cái ghế dài. Tại một đầu bàn, nơi có một chiếc ghế bành bị đẩy lùi về phía sau, la liệt những đồ ăn thừa trong bữa tối giản dị nhưng đầy đủ của bác Lửng. Những hàng đĩa tinh tươm lấp lánh trên các ngăn của cái chạn ở cuối gian bếp và trên những thanh rui bếp, phía trên đầu treo lủng lẳng nào là giăm bông, những bó cỏ khô, nào là những túi lưới đầy hành củ và những làn trứng. Dường như đây là một nơi xứng đáng để các bậc anh hùng có thể tiệc tùng sau chiến thắng, nơi mà dăm chục người thợ gặt mệt mỏi có thể ngồi thành hàng dọc bàn ăn và vui sướng ca vang bài Hát mừng Hội mùa, hoặc là nơi đôi ba người bạn có sở thích bình dị có thể ai muốn ngồi đâu thì ngồi, mà ăn mà hút thuốc và trò chuyện vui vẻ thoải mái. Mặt sàn gạch đỏ hướng lên mỉm cười với cái trần ám khói; đôi tràng kỷ gỗ sồi, sáng bóng vì được dùng lâu năm đang vui vẻ liếc nhìn nhau; những cái đĩa trong chạn toét miệng cười với những chiếc bình trên giá, và ánh lửa lò sưởi vui vẻ bập bùng và rập rờn trên tất cả mọi vật, không chút phân biệt.

Bác Lửng tốt bụng đẩy hai đứa ngồi vào một chiếc tràng kỷ để nâng cốc chúc mừng bên lò sưởi và bảo chúng cởi áo khoác và ủng đã ướt ra. Sau đó bác kiếm cho chúng những chiếc áo khoác trong nhà và những đôi dép lê rồi đích thân rửa cái cẳng chân đau của Chuột Chũi bằng nước ấm và chữa vết đứt bằng băng dính cho tới khi cả cái cẳng chân ấy lại khỏe khoắn như thường, nếu không nói là khỏe hơn. Cuối cùng, khi đã ấm áp và khô ráo trong ánh sáng và hơi ấm tràn ngập, những đôi chân mệt mỏi được kê lên trước mặt chúng và một âm thanh lanh canh gợi cảm của bát đĩa dọn ra trên bàn thì những con vật bị tả tơi vì bão táp, lúc này đã có nơi nương tựa an toàn, cảm thấy dường như khu Rừng Hoang lạnh lẽo và không có lối qua kia mà chúng vừa bỏ lại bên ngoài đã ở mãi tít xa hàng mấy dặm, và tất cả những gì mà chúng đã phải chịu đựng ở đó là một giấc mơ hầu như đã bị lãng quên.

Cuối cùng, khi bọn chúng đã nâng cốc chúc mừng xong, bác Lửng mời hai đứa ngồi vào bàn trên đó bác vừa bận rộn bày biện một bữa tiệc. Trước đó hai đứa đã cảm thấy khá đói, nhưng đến khi thực sự nom thấy bữa ăn tối bày ra trước mặt mình thì hầu như chỉ có một vấn đề là bọn chúng nên tấn công vào món nào trước, khi mà tất cả đều hấp dẫn và liệu các món khác có sẵn lòng chờ cho tới khi chúng có thời giờ để ý đến không. Không thể nào trò chuyện lâu được và khi chậm rãi bắt đầu lại việc chuyện trò thì câu chuyện lại có vẻ đáng phàn nàn do hậu quả của việc nói trong lúc mồm đầy thức ăn. Bác Lửng chẳng bận tâm chút nào về việc đó, bác chẳng để ý chút nào về những cái khuỷu tay đang tì trên bàn hoặc việc mọi người cùng nói một lúc. Vì bản thân bác không đi vào Xã hội, bác chỉ nghĩ rằng những sự việc thế này thuộc loại thật sự không có gì quan trọng. (Cố nhiên chúng ta biết là bác đã sai và có tầm nhìn rất hẹp; bởi vì những sự việc ấy quả là rất quan trọng, dù rằng nếu muốn giải thích thì sẽ mất quá nhiều thì giờ.) Bác ngồi trên một chiếc ghế bành ở đầu bàn và chốc chốc lại gật đầu lia lịa khi hai con vật kể câu chuyện của mình; và bác dường như chẳng hề ngạc nhiên hoặc bị sốc vì bất kỳ điều gì, và bác chẳng bao giờ nói: “Ta đã bảo mà,” hoặc “Đúng là những gì ta đã nói mãi,” hoặc bình phẩm rằng hai đứa lẽ ra đã phải làm việc này việc nọ hoặc đã không được làm một việc gì đó khác.

Cuối cùng, khi bữa ăn tối đã xong và mỗi con vật đều cảm thấy vừa no căng bụng vừa an toàn và lúc này chẳng ngại gì bất kỳ ai hoặc bất kỳ cái gì, chúng xúm lại quanh những cục than hồng rừng rực của cái lò sưởi to tướng và nghĩ thật là vui được thức khuya đến thế, tự chủ đến thế và no nê đến thế. Và sau khi đã chuyện gẫu một lúc về những sự việc chung chung, bác Lửng nồng nhiệt nói: “Nào! Bây giờ hãy kể cho ta những tin tức về cái phần thế giới của các cậu đi! Thằng Cóc nó ăn ở thế nào?”

“Ồ, càng ngày càng tệ hại,” Chuột Nước nói, vẻ nghiêm trọng, trong khi đó Chuột Chũi nằm chỏng gọng trên một chiếc tràng kỷ và đang hơ mình trong ánh lửa lò sưởi, gót chân cao hơn cả đầu, cố làm ra vẻ hết sức buồn rầu. “Lại một tai nạn xe cộ vào tuần trước, mà là một tai nạn trầm trọng. Bác biết đấy, cu cậu cứ khăng khăng đòi tự lái xe, mà nó thì hoàn toàn không có khả năng. Giá như cu cậu chỉ cần thuê một con vật đứng đắn, bình tĩnh, được đào tạo tử tế, trả công xá hậu và giao hết mọi việc cho nó thì làm ăn cũng ổn. Nhưng không, cu cậu cứ đinh ninh rằng mình là một tài xế thiên bẩm và không ai có thể dạy cu cậu được điều gì, và tất cả những chuyện còn lại đã xảy ra.”

“Bấy lâu nay nó bị mấy vụ rồi?” bác Lửng hỏi, giọng buồn rầu.

“Đâm xe hay là hỏng máy?” Chuột Nước hỏi. “Ôi dào, đối với thằng Cóc thì cũng như nhau tuốt. Vụ này là thứ bảy. Còn các vụ khác - bác biết cái nhà để xe ngựa của nó chứ? Ồ, nó đầy ắp - thật sự đầy ắp đến tận mái - toàn những mảnh ô tô, chẳng có mảnh nào to hơn cái mũ của bác cả! Điều đó giải thích cho sáu vụ kia - chừng mực nào đó thì người ta cũng có thể hiểu rõ về những vụ ấy.”

“Cu cậu nằm bệnh viện ba lần,” Chuột Chũi nói xen vào, “còn về những khoản tiền phạt mà cu cậu phải nộp thì chỉ nghĩ đến đã thấy khủng khiếp.”

“Đúng vậy, và đó là một phần của nỗi lo,” Chuột Nước nói tiếp. “Thằng Cóc nó giàu, tất cả bọn mình đều biết, nhưng nó không phải là triệu phú. Mà nó lại là một tài xế vô cùng kém cỏi, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến an ninh trật tự. Mất mạng hoặc phá sản - chắc chắn là một trong hai trường hợp ấy, sớm muộn rồi sẽ thế. Bác Lửng à! Chúng ta là bạn của nó - chẳng lẽ chúng ta lại không phải làm một cái gì đó sao?”

Bác Lửng suy nghĩ rất lung một lát. “Các cậu nghe đây!” Cuối cùng bác nói, vẻ khá nghiêm trọng, “Cố nhiên các cậu biết là hiện giơ ta không thể làm được điều gì chứ?”

Hai đứa đồng ý với bác, hoàn toàn hiểu điều bác định nói. Theo các nguyên tắc xã giao của loài vật thì không bao giờ được mong chờ một con vật làm bất kỳ việc gì vất vả hoặc quả cảm hoặc chỉ tương đối tích cực trong thời kỳ tàn đông. Tất cả các con vật đều buồn ngủ - một vài con thực sự đang ngủ. Chừng mực nào đó, tất cả bọn chúng đều bị thời tiết xấu ngăn trở, và tất cả đều đang nghỉ ngơi sau những ngày đêm vất vả - thời kỳ mà mọi cơ bắp của chúng bị thử thách nghiệt ngã và mọi sinh lực bị vận dụng đến mức tối đa.

“Thôi được!” bác Lửng nói tiếp, “Nhưng, phải là khi thời tiết đã thật sự thay đổi trong năm, đêm ngày càng ngắn, và khoảng giữa thời kỳ ấy, mọi người thức dậy và cảm thấy bồn chồn, muốn ra khỏi giường mà hoạt động vào lúc mặt trời mọc hoặc sớm hơn - các cậu cũng biết mà!”

Cả hai con vật cùng nghiêm trang gật đầu. Chúng no biết!

“Vậy thì,” bác Lửng nói tiếp, “bọn mình - tức là cậu và ta và anh bạn Chuột Chũi của chúng ta đây nữa - chúng mình sẽ nghiêm túc chịu trách nhiệm về thằng Cóc. Chúng mình sẽ không để cho nó có bất kỳ hành động rồ dại nào. Chúng mình sẽ đưa nó trở lại với lẽ phải, bằng vũ lực nếu cần. Chúng mình sẽ biến nó thành một anh chàng Cóc khôn ngoan. Chúng mình sẽ - cậu đang ngủ hả, Chuột Nước!”

“Đâu có!” Chuột Nước vừa giật mình tỉnh giấc vừa nói.

“Kể từ sau bữa tối cu cậu đã ngủ thiếp đi hai ba lần,” Chuột Chũi vừa nói vừa cười to. Bản thân nó thì cảm thấy tỉnh táo và thậm chí còn hăng hái nữa, mặc dù nó không hiểu vì sao. Cố nhiên, nguyên nhân là do nó là một con vật tự nhiên do cha sinh mẹ đẻ đã sống ở dưới đất mà điều kiện ở nhà bác Lửng lại hoàn toàn thích hợp với nó khiến nó cảm thấy tự nhiên thoải mái như ở nhà; trong khi đó Chuột Nước đêm nào cũng ngủ trong một phòng ngủ có những ô cửa sổ mở ra dòng sông hiu hiu gió tất nhiên cảm thấy bầu không khí ở đây tĩnh lặng và trĩu buồn.

“Chà, đã đến giờ tất cả chúng ta đi ngủ rồi,” bác Lửng vừa nói vừa đứng dậy đi tìm mấy cái giá cắm nến. “Đi nào, hai cậu, ta sẽ chỉ chỗ cho các cậu. Cứ ngủ thật đẫy giấc cả buổi sáng mai - các cậu dùng bữa điểm tâm vào giờ nào cũng được!”

Bác dẫn hai con vật tới một gian phòng dài, chừng như một nửa là phòng ngủ một nửa là nhà kho. Quả thật là chỗ nào cũng thấy đồ dự trữ mùa đông của bác Lửng, chúng chiếm hết nửa gian phòng - hàng đống táo, củ cải và khoai tây, những làn đầy quả hạch và những vại mật ong. Còn hai chiếc giường nhỏ màu trắng trên phần còn lại của mặt sàn nom có vẻ êm ái và hấp dẫn, và những tấm khăn trải trên đó, tuy to sợi nhưng sạch sẽ và thơm ngát mùi oải hương. Chuột Chũi và Chuột Nước cởi bỏ áo quần trong khoảng ba mươi giây đồng hồ rồi nhào ngay lên giường mà ngủ, vô cùng vui sướng và mãn nguyện.

Theo đúng huấn thị của bác Lửng tốt bụng, sáng hôm sau hai đứa xuống ăn điểm tâm rất muộn và thấy có ánh lửa rực rỡ trong gian bếp và hai chú nhím non đang ngồi trên một chiếc ghế dài mà ăn cháo bột yến mạch đựng trong những cái bát gỗ. Hai chú nhím bỏ thìa xuống, đứng dậy và kính cẩn cúi rạp đầu xuống khi hai đứa bước vào.

“Ngồi xuống, ngồi xuống đi nào!” Chuột Chũi vui vẻ nói, “Các cháu cứ tiếp tục ăn cháo đi. Các cháu từ đâu đến đây thế? Có lẽ bị lạc đường trong tuyết, hả?”

“Thưa ông vâng ạ,” chú nhím lớn tuổi hơn kính cẩn đáp. “Cháu và thằng em Bily đây đang cố tìm đường đến trường - mẹ bắt chúng cháu phải đi - thì thời tiết lại như vậy - và cố nhiên là chúng cháu bị lạc, thưa ông. Mà thằng Bily thì cứ khóc lóc sợ hãi vì nó còn bé quá mà lại nhát. Và cuối cùng, tình cờ chúng cháu đến cửa hậu nhà ông Lửng rồi đánh bạo gõ cửa, thưa ông, bởi vì ông Lửng ông ấy là một người hào hiệp tốt bụng, như mọi người đều biết...”

“Ta hiểu rồi,” Chuột Nước vừa nói vừa cắt cho mình mấy khoanh mỏng từ một tảng thịt hông lợn xông khói, trong lúc đó Chuột Chũi đập vài quả trứng vào một cái xoong. “Thế bên ngoài thời tiết thế nào? Cậu không cần phải ‘thưa ông’ với ta quá nhiều như vậy,” nó nói tiếp.

“Ồ, thật là tồi tệ, thưa ông, tuyết dày đến khủng khiếp,” chú nhím nói. “Những người như các quý ông không nên ra ngoài hôm nay.”

“Ông Lửng đâu rồi?” Chuột Chũi vừa hỏi vừa hâm nóng bình càphê trên ngọn lửa lò sưởi.

“Ông chủ đã vào phòng làm việc của ông ấy rồi, thưa ông,” chú nhím trả lời, “và ông ấy bảo là sáng nay ông ấy sẽ rất bận việc, và dù bất kỳ lý do gì cũng không ai được quấy rày ông ấy.”

Cố nhiên mọi người có mặt đều rất hiểu lời giải thích này. Thực tế là, như đã nêu từ trước, khi bạn sống một cuộc đời mà mỗi năm thì suốt sáu tháng toàn là những hoạt động mạnh mẽ còn sáu tháng kia chỉ toàn ngủ gà ngủ gật, thì trong cái thời kỳ không hoạt động này bạn không thể cứ liên tục biện bạch về sự buồn ngủ của mình khi có người ở xung quanh hoặc có những công việc phải làm. Lý do bào chữa ấy thật đáng buồn. Các con vật đều biết rõ là sau khi ăn một bữa điểm tâm thịnh soạn, bác Lửng đã lui vào phòng làm việc và ngồi vào một chiếc ghế bành, hai chân ghếch lên một chiếc ghế bành khác, phủ một chiếc khăn bông màu đỏ lên mặt và “bận rộn” theo cái kiểu thường lệ vào thời kỳ này của năm.

Chuông ở cửa trước réo lên lanh lảnh, và Chuột Nước, tay chân đang nhoe nhoét vì món bánh mì phết bơ, bèn sai Bily, chú nhím em ra xem khách nào đến. Có tiếng chân giậm thình thịch trong phòng lớn và lát sau Bily quay trở lại cùng với Rái Cá. Vị khách này lao vào ôm lấy Chuột Nước mà reo lên chào hỏi thân ái.

“Buông ra nào!” Chuột Nước lắp bắp nói, miệng đầy thức ăn.

“Anh đã nghĩ là sẽ thấy chú mày bình yên vô sự ở đây,” Rái Cá vui mừng nói. “Tất cả bọn chúng nó đều trong tình trạng hoảng hốt suốt dọc Bờ Sông lúc anh đến vào sáng hôm nay. Chuột Nước không có mặt ở nhà - cả thằng Chuột Chũi cũng vậy - hẳn là một điều gì đó đáng sợ đã xảy ra, chúng nó bảo thế; mà tuyết thì đã phủ kín hết các vết chân các cậu, cố nhiên rồi. Nhưng anh biết là trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào người ta hầu hết đều tìm đến bác Lửng, hoặc nếu không thì bằng cách này cách khác bác Lửng cũng phải biết về hoàn cảnh của họ, vì vậy anh đến thẳng chỗ này, qua khu Rừng Hoang và qua tuyết! Chà, thật là tuyệt vời, vượt qua tuyết khi mặt trời đang mọc và nổi bật trên những thân cây màu đen. Khi bạn đang tiến bước trong cảnh tĩnh mịch, thỉnh thoảng những tảng tuyết bỗng tuột khỏi những cành cây và rơi xuống đánh phịch khiến bạn giật nảy mình và chạy đi tìm chỗ ẩn nấp. Những lâu đài tuyết và những hang động tuyết bỗng nhiên mọc lên trong đêm - những chiếc cầu, những hành lang và những thành lũy bằng tuyết - lẽ ra anh đã có thể nán lại mà chơi đùa với chúng hàng giờ đồng hồ cơ đấy. Đó đây, những cành cây lớn chỉ vì trọng lượng của tuyết mà bị xé toạc khỏi thân cây, và những chú chim cổ đỏ đậu và nhảy nhót trên đó một cách vênh váo ngạo mạn, cứ như thể bản thân chúng đã hạ những cành ấy. Một đàn ngỗng trời tả tơi bay ngang qua trên đầu, cao tít trên bầu trời xám xịt và vài chú quạ lượn vòng trên đám cây cối, thăm dò rồi vỗ cánh bay về tổ, bộ dạng nom gớm chết. Nhưng anh chẳng gặp được một sinh vật đứng đắn nào để mà hỏi thăm tin tức. Khoảng giữa đường qua rừng, anh gặp một tay thỏ ngồi trên một gốc cây đổ và đang dùng hai bàn tay rửa cái bộ mặt ngờ nghệch của mình. Con vật này hoảng sợ khi anh rón rén bò đến sau lưng và đặt một bàn chân trước nặng trịch lên vai nó. Anh phải thụi một hai quả vào đầu nó thì nó mới khôn ra. Cuối cùng, anh cũng tìm cách moi được ở nó cái tin là một đứa trong bọn thỏ đã nhìn thấy thằng Chuột Chũi trong khu Rừng Hoang vào đêm hôm qua. Nó nói rằng đó là tin đồn về các hang hốc, về việc Chuột Chũi - người bạn đặc biệt của anh chàng Chuột Nước đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn tệ hại như thế nào, việc cu cậu bị lạc đường ra sao, và ‘Bọn Chúng nó’ lập tức lao ra săn đuổi và truy bắt cu cậu khắp nơi. ‘Thế sao chẳng đứa nào trong bọn mày làm một điều gì đó?’ anh hỏi. “Chúng mày có thể không được trời phú cho trí thông minh nhưng bọn mày có đến hàng trăm đứa, toàn những thằng to lớn, béo mập, mỡ màng và hang của chúng mày thì ăn ra khắp các ngả, lẽ ra trong bất kỳ tình huống nào cũng đã có thể đón nó vào để nó được an toàn thoải mái. ‘Cái gì cơ? Chúng tôi ư?’ nó nói đơn giản, ‘làm một điều gì đó ư? bọn thỏ chúng tôi ấy à?’ Thế là anh lại thụi cho nó một quả rồi bỏ đi. Chẳng phải làm thêm việc gì nữa. Dù sao thì anh cũng được biết một điều gì đó; và nếu may mắn gặp được bất kỳ đứa nào trong ‘Bọn Chúng nó’ thì anh đã được biết thêm một điều gì đó - hoặc là chúng no.”

“Lúc ấy anh có - ờ - hoảng sợ chút nào không?”Chuột Chũi hỏi, một phần nỗi hãi hùng ngày hôm qua trở lại với nó khi đề cập đến khu Rừng Hoang.

“Hoảng sợ à?” Rái Cá cười to, phô ra một hàm răng trắng bóng chắc khỏe. “Anh sẽ khiến bọn chúng hoảng sợ nếu có đứa nào nhăm nhe giở trò gì. Mà này, Chuột Chũi, rán cho anh vài khoanh giăm bông đi, chú em vốn là một anh chàng nhỏ bé tốt bụng mà. Anh đang đói ghê lắm, mà anh còn có rất nhiều điều phải nói với thằng Chuột Nước ở đây. Đã lâu lắm rồi anh chưa gặp mặt nó.”

Thế là, sau khi cắt mấy lát giăm bông và sai lũ nhím đem rán, Chuột Chũi quay trở lại bữa điểm tâm của mình, trong lúc đó Rái Cá và Chuột Nước chụm đầu vào nhau mà háo hức trò chuyện về việc làm ăn trên sông nước, câu chuyện nghề nghiệp dài lê thê và cứ tiếp tục mãi như chính dòng sông đang rì rào.

Một đĩa giăm bông rán vừa được ăn sạch và chuyển lại vào bếp để lấy thêm thì bác Lửng bước vào, vừa đi vừa ngáp và dụi mắt. Bác chào tất cả các bạn theo cách trầm lặng và bình dị của mình, với những lời thăm hỏi ân cần dành cho mọi người. “Chắc là sắp đến giờ dùng bữa trưa rồi,” bác lưu ý với Rái Cá. “Cậu nên dừng ăn để còn dùng bữa với bọn tôi. Nhất định là cậu đang đói, trong cái buổi sáng giá lạnh này.”

“Cũng hơi đói!” Rái Cá vừa trả lời vừa nháy mắt với Chuột Chũi. “Nhìn mấy chú nhím con này ngấu nghiến giăm bông khiến cháu cảm thấy đói thật sự.”

Hai chú nhím con lại bắt đầu cảm thấy đói sau khi ăn cháo, và sau khi vất vả với việc rán giăm bông, rụt rè ngước nhìn ông Lửng nhưng thẹn quá chẳng nói được câu nào.

“Này, hai cậu bé, hãy về nhà với mẹ đi.” Bác Lửng ân cần nói. “Ta sẽ cử một người dẫn đường cho các cháu. Hôm nay các cháu sẽ không cần ăn bữa chiều nữa, ta hứa đấy.”

Bác cho mỗi đứa sáu xu và vỗ về an ủi, rồi hai chú nhím con ra đi, vẫy vẫy mũ và sờ lên chỏm lông trên đầu tỏ vẻ rất kính cẩn.

Lát sau cả bọn cùng ngồi ăn bữa trưa. Chuột Chũi thấy mình được xếp ngồi cạnh bác Lửng, và bởi hai thằng kia còn mải tán gẫu về sông nước đến mức không gì có thể khiến chúng chuyển sang việc khác, nó tranh thủ cơ hội kể với bác Lửng là nó cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ chịu như ở nhà. “Một khi đã ở sâu hẳn dưới mặt đất,” nó nói, “con người ta biết đích xác là mình đang ở chỗ nào. Chẳng chuyện gì có thể xảy đến với mình và không kẻ nào có thể tấn công mình. Người ta hoàn toàn tự chủ và không cần phải hỏi ý kiến ai hoặc bận tâm về những gì họ nói. Mọi sự cứ tiến triển ở bên trên và ta cứ mặc kệ không lo lắng gì hết. Khi cần thì ta chui lên, mọi sự vẫn ở đó chờ đợi ta.”

Bác Lửng hồn nhiên mỉm cười rạng rỡ với nó, “Đúng hệt những gì ta đã nói,” bác trả lời. “Chỉ ở dưới lòng đất mới có được bình an và yên tĩnh. Và rồi, nếu có những ý tưởng lớn hơn thì ta có thể bành trướng - chứ sao, cứ đào và bới, thế là xong! Nếu thấy ngôi nhà của mình hơi to quá thì ta bịt một hoặc hai cái hang lại, và thế là ta lại xong việc! Không có những kẻ ngó qua tường nhà bạn mà kể lại về các nhà thầu khoán, các tàu buôn hoặc nhận xét về bạn, và trước hết là không có thời tiết. Bây giờ cứ xem thằng Chuột Nước kia kìa. Nước lũ cứ ngập vài bộ(13) là nó đã phải dọn đến những nhà trọ không tiện nghi, vị trí bất tiện và đắt đỏ kinh khủng. Hãy xem thằng Cóc chẳng hạn. Ta chẳng có ý kiến gì phản đối Lâu đài Cóc cả: đúng là tòa nhà đẹp nhất vùng này, với tư cách là một cái nhà. Nhưng giả dụ xảy ra hỏa hoạn thì thằng Cóc ra sao? Giả dụ ngói trên mái nhà bị gió cuốn đi, hoặc tường bị lún hoặc nứt, hoặc các cửa sổ bị vỡ thì thằng Cóc thế nào? Giả dụ các gian phòng bị gió lùa - bản thân ta cũng ghét gió lùa - thì thằng Cóc ở đâu? Không, ở trên kia mà ra ngoài trời để rong chơi còn sinh hoạt ở trong nhà thì cũng khá là tuyệt; nhưng cuối cùng thì phải xuống lòng đất - đó là khái niệm về tổ ấm của ta!”

Chuột Chũi nhiệt liệt tán thành, và vì vậy bác Lửng trở nên rất thân thiện với nó. “Khi ăn xong bữa trưa,” bác nói, “ta sẽ dẫn cậu đi thăm khắp nơi ở nhỏ bé này của ta. Ta chắc là có thể cậu hiểu rõ giá trị của nó. Cậu hiểu được kiến trúc nhà ở cần phải thế nào, cậu có hiểu biết đấy.”

Thế là, sau bữa ăn trưa, khi mà hai đứa kia yên vị tại chỗ ngồi bên lò sưởi và đã bắt đầu tranh luận sôi sổi về chủ đề lươn, thì bác Lửng thắp một cái đèn lồng và bảo Chuột Chũi đi theo mình. Qua phòng lớn, hai bác cháu tiếp tục đi dọc một trong những đường hầm chính, và ánh sáng chập chờn của chiếc đèn lồng thoáng cho thấy ở mỗi bên đường đều có những gian phòng lớn nhỏ, vài gian chỉ to bằng cái tủ, còn những gian khác thì gần rộng rãi và bề thế như phòng ăn của anh chàng Cóc. Một lối hẹp rẽ thước thợ dẫn họ đến một hành lang nữa, và ở đây mọi thứ lại cũng như thế. Chuột Chũi choáng người về kích thước, quy mô và những phân nhánh của cả cái hành lang này, về độ dài của những lối đi mờ tối, về những mái vòm chắc chắn của các nhà kho đầy ắp, các công trình nề ở khắp nơi, các cột trụ, cửa tò vò, các vỉa hè. “Bác Lửng à, làm thế nào,” cuối cùng nó nói, “mà bác có đủ thời gian và sức lực để làm tất cả những thứ này? Thật đáng kinh ngạc!”

Quả thật là đáng kinh ngạc,” bác Lửng hồn nhiên nói, “nếu như là ta đã làm ra những thứ đó. Song thực ra ta đã chẳng làm cái gì hết - chỉ có việc dọn sạch các lối đi và các gian phòng, cần chừng nào thì dọn chừng ấy. Khắp quanh đây còn vô khối nữa cơ. Ta biết là cậu không hiểu, ta phải giải thích cho cậu mới được. Chà, cậu biết không, cách đây rất lâu, đúng ở cái nơi mà khu Rừng Hoang lúc này đang xao động, trước cả cái khi mà khu rừng ấy mọc lên và phát triển để trở thành như hiện nay 23da , đã có một thành phố - một thành phố của con người. Tại đây, nơi bọn mình đang đứng, họ đã sống, đã đi dạo, đã chuyện trò, đã ngủ và đã xúc tiến công việc kinh doanh. Tại đây họ đã cho ngựa vào chuồng và đã tiệc tùng, từ nơi này họ phi ngựa đi chiến đấu hoặc đánh xe đi buôn bán. Họ là một dân tộc hùng mạnh và giàu có, và là những nhà xây dựng tuyệt vời. Họ xây dựng để tồn tại lâu dài, bởi họ nghĩ rằng thành phố của họ sẽ tồn tại mãi mãi.

“Nhưng điều gì đã xảy đến với tất cả bọn họ?” Chuột Chũi hỏi.

“Ai mà biết được?” bác Lửng nói. “Con người đến - họ lưu lại một thời gian, họ phát đạt, họ xây dựng - rồi họ bỏ đi. Đó là phương sách của họ. Nhưng bọn ta ở lại. Ta nghe nói là trước kia ở đây đã có loài lửng, rất lâu trước khi chính cái thành phố đó ra đời. Và bây giờ ở đây lại vẫn có loài lửng. Bọn ta là một đám những kẻ nhẫn nại và bọn ta có thể bỏ đi một thời gian, song bọn ta chờ đợi, và kiên trì và rồi bọn ta quay trở lại. Và rồi mãi mãi về sau vẫn sẽ cứ thế.”

“Ồ, vậy lần cuối cùng những người này bỏ đi là bao giờ?” Chuột Chũi nói.

“Thời kỳ họ bỏ đi,” bác Lửng nói tiếp, “mưa to gió lớn liên tục hoành hành, liên miên, không ngơi nghỉ hết năm này qua năm khác. Có lẽ loài lửng bọn ta nhờ cái lối sống hèn mọn của mình mà chịu đựng được đôi chút - ai mà biết được? Thành phố cứ lún xuống, xuống, xuống dần dần - đổ nát, bị san bằng và biến mất. Rồi sau đó rừng mọc lên, lên, lên, dần dần vì những cái hạt trở thành cây con và cây con thành rừng cây, rồi những bụi cây mâm xôi và dương xỉ cũng bò đến hỗ trợ. Đất mùn nổi lên và xóa sạch tất cả, những dòng suối do nhiều trận mưa đột ngột vào mùa đông đem cát và phù sa đến bít kín và che phủ, và theo dòng thời gian nơi ở của bọn ta lại sẵn sàng cho bọn ta chuyển vào. Phía trên mặt đất cũng xảy ra chuyện như vậy. Các loài vật đến, chúng thích vẻ đẹp nơi này, chọn các khu vực để ở, sinh cơ lập nghiệp, khuếch trương và phát triển. Chúng chẳng bận tâm gì về quá khứ - chẳng bao giờ, chúng quá ư bận rộn. Nơi này vốn tự nhiên đã nhiều gò đống và đầy những hang hốc, nhưng điều đó phần nào lại là một lợi thế. Mà chúng cũng chẳng băn khoăn gì về tương lai - cái tương lai mà có lẽ con người sẽ lại kéo đến ở - vì điều này rất có thể xảy ra. Đến thời gian này, khu Rừng Hoang đã khá đông cư dân, vẫn là tất cả những loài mọi khi, tốt có, xấu có và thờ ơ cũng có - ta chẳng cần nêu đích danh. Phải có đủ loài mới làm nên một thế giới. Ta cho rằng giờ đây bản thân cậu cũng biết đôi chút về chúng.”

“Quả thật là cháu biết.” Chuột Chũi nói, thoáng một chút run rẩy.

“Chà, chà,” bác Lửng vừa nói vừa vỗ vỗ lên vai bạn, “đó là lần đầu tiên cậu nếm mùi bọn chúng đấy, cậu hiểu chứ? Bọn chúng thật ra cũng không đến nỗi quá bất lương, mà tất cả chúng ta đều phải dĩ hòa vi quý. Nhưng ngày mai ta sẽ báo tin cho tất cả mọi người, và ta nghĩ rằng cậu sẽ không bị rắc rối gì thêm nữa. Bất kỳ người bạn nào của ta đều có thể dạo chơi ở bất kỳ nơi nào mà cậu ta thích trong vùng này, nếu không thấy cậu ấy là ta sẽ biết nguyên do vì sao.”

Khi quay trở lại gian nhà bếp, họ thấy Chuột Nước đang đi đi lại lại, rất bồn chồn. Bầu không khí dưới mặt đất đang đè nặng lên nó khiến nó bực bội và dường như nó thật sự e rằng dòng sông sẽ chạy đi mất nếu nó không có mặt ở đó mà chăm sóc. Vì vậy nó mặc áo khoác vào và lại nhét hai khẩu súng lục vào thắt lưng. “Mau lên, Chuột Chũi à,” nó nói, vẻ lo lắng, khi nhìn thấy hai bác cháu. “Bọn mình phải ra đi khi trời còn sáng. Tớ không muốn lại qua một đêm nữa trong khu Rừng Hoang đâu.”

“Sẽ ổn cả thôi, anh bạn cừ khôi của tôi ơi,” Rái Cá nói. “Anh sẽ cùng đi với các chú, mà có bịt mắt lại anh cũng thuộc mọi nẻo đường, và nếu có cái đầu nào cần ăn đấm thì các chú có thể hoàn toàn tin cậy ở anh mà cho nó ăn đấm.”

“Cậu thật sự không cần phải băn khoăn, Chuột Nước à,” bác Lửng nói thêm vào, giọng điềm tĩnh. “Các lối đi của ta lan xa hơn là cậu tưởng, và ta có những cái hang ăn thẳng tới ven rừng theo nhiều hướng, tuy rằng ta không muốn mọi người biết về những cái hang ấy. Khi cậu thật sự phải đi thì cậu sẽ phải theo một trong những con đường tắt của ta. Trong khi chờ đợi, cậu cứ ung dung thoải mái mà ngồi xuống đi.”

Tuy thế Chuột Nước vẫn nóng lòng muốn ra đi để còn chăm sóc cho dòng sông của mình, vì vậy bác Lửng lại xách cái đèn lồng dẫn đường dọc theo một đường hầm ẩm ướt và thiếu không khí, ngoằn ngoèo và xuống dốc, chỗ thì có mái vòm chỗ thì được đục qua đá tảng, chạy dài một đoạn đi đến mỏi chân, dường như tới mấy dặm. Cuối cùng, ánh ngày bắt đầu nhập nhoạng lộ ra qua những khóm cây rậm rịt nhô ra ở cửa hang; và bác Lửng vội vàng chào tạm biệt, hối hả đẩy chúng qua cửa hang, sắp đặt mọi thứ cho nom thật tự nhiên, đủ cả cây leo, cây bụi, lá khô, rồi rút lui.

Ba đứa thấy mình đứng ngay tại bìa Rừng Hoang. Sau lưng chúng là những tảng đá, những bụi cây mâm xôi và những đám rễ cây, chồng chất và nhằng nhịt hỗn độn với nhau; phía trước là một khoảng đồng ruộng rộng lớn, im lìm bao bọc bởi những hàng bờ giậu màu đen nổi bật trên nền tuyết, và mãi tít xa phía trước có ánh lấp lánh của dòng sông thân thuộc, trong khi đó mặt trời lạnh lẽo đỏ ối lơ lửng sát chân trời. Rái Cá, vì thuộc tất cả các nẻo đường, dẫn đầu nhóm, và chúng lê bước thẳng đường chim bay nhằm hướng một cái bậc trèo bờ giậu ở phía xa. Tới đó, bọn chúng dừng lại nghỉ một lát và ngoảnh nhìn lại, chúng thấy cả cái mảng Rừng Hoang, dày đặc đầy vẻ đe dọa và hằn học khảm vào khung cảnh trắng toát xung quanh. Lập tức chúng quay mặt đi và rảo bước về nhà để được thấy ánh lửa lò sưởi rập rờn trên những đồ vật thân quen, để được nghe giọng nói vui vẻ vang lên bên ngoài cửa sổ, giọng nói của dòng sông mà chúng từng biết và tin cậy dù nó đang vui, buồn hay cáu giận, dòng sông không bao giờ đem đến bất kỳ điều kinh ngạc nào khiến chúng hoảng sợ.

Trong lúc hối hả tiến bước, háo hức chờ đợi giây phút được lại có mặt ở nhà giữa những đồ vật mà mình từng biết và yêu thích, Chuột Chũi hiểu rõ rằng nó là một con vật của cánh đồng cày cấy và bờ giậu bằng cây, gắn bó với luống cày, bãi cỏ đông người lui tới, con ngõ dành cho những cuộc chơi la cà buổi tối và mảnh vườn có trồng cây. Còn các loài vật khác lại hợp với những hoàn cảnh nghiệt ngã, sự nhẫn nại ngoan cường hoặc những đụng độ thực sự do mâu thuẫn trong Thiên Nhiên hoang dã; nó phải tỏ ra khôn ngoan, phải ru rú ở những nơi dễ chịu, tại đó các ngóc ngách được nó sắp đặt sẵn cũng đủ để nó phiêu lưu cả đời theo cách riêng của mình.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25706


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận