Gió Qua Rặng Liễu Lời giới thiệu


Lời giới thiệu
Đó là một Cuốn Sách Của Mọi Nhà, một cuốn sách mà mọi người trong gia đình yêu mến...

Đối với người có học vấn vừa phải thì Kenneth Grahame được biết đến như là tác giả của hai cuốn sách viết vào những năm 1890: Thời đại Hoàng kimNhững ngày mơ mộng. Vào thời gian rảnh rỗi, ông là thư ký của Ngân hàng Anh quốc. Khi đọc những trang viết tuyệt diệu về tuổi thơ của ông, ta có lẽ phải ngạc nhiên là làm sao ông có thể hòa nhập được với một nơi chán ngắt như là ngân hàng; và có thể giả định rằng tại ngân hàng đó người ta cũng cảm thấy ngạc nhiên không kém khi thấy một viên chức mẫn cán như vậy lại có thể hòa nhập được với cái đẹp.

Năm 1908 ông viết Gió qua rặng liễu. Hai cuốn sách trước đó viết về trẻ em mà chỉ người lớn mới hiểu nổi, còn cuốn này thì viết về loài vật ở mức mà cả trẻ em lẫn người lớn có thể đều yêu thích như nhau. Tất nhiên những nhà phê bình đã từng ca ngợi hai cuốn sách trước như những kiệt tác phải thấy khó chịu về sự liều lĩnh của tác giả trong việc viết một cuốn sách thuộc dạng khác; họ bực bội vì không thể xếp cuốn sách mới này trong chừng mực nào đó vào loại sách dành cho trẻ em như những cuốn sách trước có những nhân vật trẻ em. Vì lý do này (hoặc vì một lý do nào khác), Gió qua rặng liễu đã không thành công ngay lập tức mà đáng ra nó đã phải được như vậy. Tuy nhiên, có hai người đã bênh vực nó một cách hầu như quyết liệt. Một trong hai người đó là một nhân vật rất quan trọng, chính là Tổng thống Hoa kỳ, Theodore Roosevelt. Ông viết:

 

Nhà Trắng, Washington

17 tháng 1 năm 1909

Thư riêng

Ông Grahame quý mến của tôi. - Đầu óc tôi cứ nghĩ theo lối mòn, bởi theo tôi hầu hết mọi người đều thế, và thoạt đầu tôi không thể miễn cưỡng chấp nhận sự thay đổi từ nhân vật Harold luôn vui đùa cùng các bạn của cậu ấy, và vì vậy trong một thời gian tôi không thể chấp nhận chú Cóc, chú Chuột Chũi, chú Chuột Nước và bác Lửng là những nhân vật thay thế. Song một thời gian sau, bà Roosevelt và hai đứa con trai, Kermit và Ted, mỗi người đều tự kiếm riêng cho mình cuốn Gió qua rặng liễu và say sưa đọc đến nỗi tôi bắt đầu cảm thấy rằng có thể phải xem xét lại ý kiến của mình. Sau đó, bà Roosevelt đọc to câu chuyện cho bọn trẻ bé hơn nghe, và thỉnh thoảng tôi cũng lắng nghe. Bây giờ, sau khi đã đọc đi đọc lại cuốn sách ấy và đã bắt đầu thừa nhận các nhân vật như những người bạn cũ, tôi hầu như lại thích nó hơn những cuốn trước của ông. Quả thật, tôi cảm nhận được rất nhiều về chuyến đi Châu Phi như chú chuột chuyên nghề đi biển đã cảm nhận khi mà chú ta suýt nữa đã khiến được chú Chuột Nước từ bỏ mọi thứ để bắt đầu ngao du.

Tôi cảm thấy phải tự cho mình cái hân hạnh khẳng định với ông việc cả gia đình tôi đã thích thú cuốn sách của ông như thế nào.

Chúc mọi điều tốt lành.

Thân ái,

Theodore Roosevelt

 

Còn người kia là một nhân vật bình thường, chính là người viết bài giới thiệu này.

Suốt nhiều năm tôi đã bàn về cuốn sách này, trích dẫn và giới thiệu nó. Trong một bài ca ngợi cuốn sách gần đây, tôi đã viết: “Đôi khi tôi có cảm giác là chính mình đã viết cuốn sách ấy và giới thiệu nó với Kenneth Grahame.” Điều này giờ đây tưởng như còn thật hơn nữa. Cách đây vài năm tôi đã chuyển thể cuốn sách ấy thành một vở kịch nhan đề “Chú Cóc của Lâu đài Cóc”, được trình diễn suốt nhiều mùa Giáng sinh tại London; và việc liên tục dự những buổi diễn tập khiến tôi quen thuộc với phần lời thoại đến nỗi tôi trở nên ngày càng ngờ ngợ không biết những dòng nào trong đó được lấy thẳng từ cuốn sách và những dòng nào hoàn toàn do tôi sáng tác ra. Đôi khi tôi rất thất vọng nhìn thấy một đoạn trích dẫn thú vị đặt sau hàng chữ: “Như Kenneth Grahame đã nói một cách thật quyến rũ,” và nhận ra ông ấy quả đã nói điều đó... và đôi khi cũng thất vọng không kém khi nhận ra là ông ấy đã không nói thế.

Khi vợ chồng nhà Grahame đến xem vở kịch lần đầu tiên, họ đã rất vui vẻ mời tôi cùng ngồi trong lô của họ. Tôi đâm hoảng, bởi nếu tôi là tác giả cuốn sách còn ông ấy là nhà viết kịch, hẳn tôi đã bực bội về từng từ ngữ của tôi đã bị thay đổi và từng từ ngữ mà ông ấy đã thêm vào.

Nhưng ông ấy đâu có như thế. Ông ấy ngồi đó, giờ đây đã là một ông già, cũng háo hức như bất kỳ đứa trẻ nào trong đám khán giả, và những lúc (may mắn là không quá hiếm hoi) ông có thể nhận ra những từ ngữ của riêng mình, hai vợ chồng ông lại nhìn nhau và họ mỉm cười với nhau, dường như đang nói: “Anh đã viết câu đó” - “Phải, mình ạ, mình đã viết câu đó,” và họ sung sướng gật gù với nhau rồi lại đảo mắt về phía sân khấu. Cứ như thể ông đang cảm ơn tôi với cái phong cách lịch lãm sang trọng của mình bởi đã đưa ông tới với vở kịch đó, trong khi, cố nhiên đó là vở kịch của ông hoàn toàn, và toàn bộ những gì tôi hy vọng làm được là đừng phá hỏng vở kịch ấy.

Bởi vì, khi đã tạo ra các nhân vật đáng tin cậy như Chuột Nước và Chuột Chũi, Cóc và bác Lửng, thì chúng sẽ mãi mãi nói bằng giọng nói riêng của mình, và nhà viết kịch chỉ phải lắng nghe và ghi lại.

Người ta có thể tranh luận về giá trị của hầu hết các cuốn sách, và qua tranh luận hiểu được quan điểm của đối phương mình. Người ta thậm chí có thể đi đến kết luận rằng rốt cuộc thì bản thân mình vẫn đúng. Nhưng người ta không tranh luận về Gió qua rặng liễu. Chàng trai trao cuốn sách đó cho cô gái mình yêu, và nếu nàng không thích, chàng đòi nàng trả lại những bức thư của mình. Người già dùng cuốn sách đó để thử thách đứa cháu trai, và theo đó mà sửa lại di chúc. Cuốn sách đó là sự kiểm tra về tính cách. Chúng ta không thể phán xét nó, bởi vì chính nó đang phán xét chúng ta. Đó là một Cuốn Sách Của Mọi Nhà, một cuốn sách mà mọi người trong gia đình yêu mến, và trích dẫn liên tục, một cuốn sách được đọc to cho mọi người khách mới nghe và được xem là tiêu chuẩn để xác định giá trị của người đó. Song tôi phải dành cho bạn một lời cảnh báo. Khi bạn ngồi xuống để đọc cuốn sách đó, đừng có lố bịch đến mức cho rằng bạn đang phán xét khiếu thẩm mỹ của tôi hoặc nghệ thuật của Kenneth Grahame. Bạn chẳng qua chỉ đang phán xét bản thân mình. Bạn có thể đáng trọng: Tôi không biết. Chính bạn mới đang bị phán xét.

A. A. Milne

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25698


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận