Gia Cố Tình Yêu Chương 4.1< /strong>

Chương 4.1
Khiêu vũ một mình

Nhiếp Khiêm và Cam Lộ cùng sống trong một khu dân cư từ nhỏ, nhưng hai người chỉ biết mặt nhau chứ không thể gọi là hàng xóm, càng không thể nói là thanh mai trúc mã, ít nhất Nhiếp Khiêm trong một thời gian khá dài chẳng để Cam Lộ lọt vào mắt. 

Sau khi yêu nhau, Nhiếp Khiêm cũng thẳng thắn thừa nhận ấn tượng về cô trước đây chỉ là cô nữ sinh tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng nhưng cuộc sống vô cùng tẻ nhạt với người cha thích đánh mạt chược và nát rượu. 

"Cộng thêm một người mẹ dứt áo ra khi sau khi ly hôn nữa." Cam Lộ bổ sung. 

Khu dân cư đó vô cùng rộng lớn, trước khi bị dỡ bỏ, một bên là những ngôi nhà tư nhân đủ kiểu dáng, một bên là chung cư kiểu cũ, chẳng có bí mật gì mà giấu được, chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, bàn tán, xì xào chuyện xui xẻo của người khác chỉ là một thú tiêu khiển chứ chẳng hề có ác ý, cô hiểu rất rõ những lời bàn tán của người ta về nhà cô nhưng cũng chẳng mấy để tâm, còn Nhiếp Khiêm thì xót xa ôm cô vào lòng. 

Cái ôm đó chứa đựng sự cảm thông và lực bất tòng tâm, họ như người đồng bệnh tương lân, nhà Nhiếp Khiêm có lẽ càng khốn khó hơn. 

Trước khi bị dỡ bỏ, nhà anh ở một ngôi nhà tự xây bốn tầng, diện tích không nhỏ, nhìn bề ngoài rất bề thế nhưng cả một gia tộc đầy đủ từ trên xuống dưới cùng chung sống dưới một mái nhà, ông bà nội anh xây nên, đời cha anh có ba anh em lại thêm một người chị toàn bộ đều thành gia lập thất sinh con đẻ cái sống chen chúc chật chội ở đây. Mỗi ngày đều có thể nghe tiếng cha con, mẹ con, mẹ chồng nàng dâu, anh chị, chú cháu, chị em dâu, anh chị em họ tranh cãi, nhiếc móc nhau, hoàn cảnh mỗi nhà đều không tốt, không gian chật chội càng làm tăng thêm bất hòa, chỉ cần một chuyện vụn vặt cũng dẫn đến một trận cãi vã long trời lở đất. 

Lúc Cam Lộ học cấp hai, hàng ngày đi học đều phải đi qua nhà anh, cô đã quen với âm thanh lời qua tiếng lại chốc chốc lại từ bên trong vọng ra, cũng quen với cả thái độ lạn h lùng của một cậu bé đẹp trai từ trong nhà đi ra. Họ học chung trường cấp hai, anh lớn hơn cô ba tuổi, cao gần gấp đôi cô, trên đường đến trường lúc nào cũng là kẻ đi trước người đi sau và không mở miệng nói với nhau câu nào. 

Khi cha cô không say rượu ông quản cô rất nghiêm, nên cô chẳng có cơ hội nào để trò chuyện, giao tiếp với người khác; bọn cô đều vô cùng chán ghét gia đình cũng như toàn bộ khu dân cư ấy, nên chẳng thèm ngó ngàng gì đến xung quanh.

Nhiếp Khiêm thi đậu vào một trường kiến trúc nổi tiếng ở miền Bắc với điểm số rất cao, Cam Lộ tiếp tục với cuộc đời học sinh cấp ba. Cô chưa bao giờ thật sự yên tâm về cha mình, nên không có ý định thi vào một trường nào đó ngoài tỉnh. 

Mùa hè năm Cam Lộ lên lớp 12, cô đăng ký lớp học hè như thường lệ, một buổi chiều vào thời gian tự học, Nhiếp Khiêm mồ hôi mồ kê nhễ nhại xuất hiện trước cửa phòng học, anh đã biết mặt cô từ lâu nhưng không biết tên cô, chỉ chỉ vào cô rồi cao giọng gọi: "Ê, cậu ra đây mau lên." 

Một chàng trai khôi ngô công nhiên chạy đến tìm một cô gái trong giờ học, thế là bọn trong lớp đang vừa căng thẳng vừa chán ngấy với việc học được phen nhốn nháo, tụm đầu kề tai, huýt gió nháy mắt đủ kiểu. Lớp học đang trật tự bỗng chốc huyên náo, chẳng còn ai để tâm vào bài học nữa. Giáo viên đứng lớp vừa nhìn đã nhận ra ngay đó là học trò cưng mà mình từng dạy, còn cô bé đang ngại ngùng đứng lên lại là Cam Lộ thường ngày luôn dịu dàng ít nói, cô bỗng giận sôi người, đang định cao giọng giảng một bài đạo đức thì Nhiếp Khiêm vội vàng giải thích: "Cô Trương, cha bạn ấy bị bệnh rồi, em đến báo bạn ấy đến bệnh viện ạ." 

Cam Lộ nghe như sét đánh ngang tai, không kịp cầm cả cặp sách, càng không kịp để ý cô giáo nói gì, hộc tốc chạy ra khỏi lớp. Nhiếp Khiêm chạy theo kéo cô lại: "Tôi đạp xe đến, để tôi đưa cậu qua đó." 

Cô ngồi sau xe đạp của Nhiếp Khiêm, anh nói với cô, cha cô đang đánh bài với người ta trong một quán trà thì đột nhiên nôn ra máu, đã được đưa đến bệnh viện, anh đi ngang qua đúng lúc đó nên hứa giúp đến báo cho cô hay. 

Ông Cam vì uống quá nhiều rượu mà bị loét dạ dày, lúc được đẩy vào phòng phẫu thuật may mà ông vẫn còn tỉnh táo nên đã tự mình ký vào giấy cam kết phẫu thuật. 

Bạn đánh bài sau khi đưa ông vào bệnh viện cũng tản đi hết, Nhiếp Khiêm cũng định đi, ngay lúc anh định hỏi Cam Lộ có cần giúp đỡ gì không cho phải phép lịch sự thì nhìn thấy y tá đưa cho Cam Lộ giấy nộp tiền viện phí. Doanh nghiệp mà ông Cam đang làm việc lúc đó đã bị hợp nhất từ lâu, trên lý thuyết ông có bảo hiểm y tế nhưng số tiền đóng vào đó ít đến tội nghiệp, gặp phải bệnh nặng hầu như đều phải tự đóng, Cam Lộ vội vàng chạy đến, trong người lại chẳng có bao nhiêu tiền, cô mân mê tờ giấy mặt đầy lo lắng. Y tá tốt bụng nói với cô: "Mau gọi điện thoại bảo người thân cầm tiền đến." 

Cam Lộ như tỉnh ra, chạy thẳng đến buồng điện thoại ở hành lang, gọi một số điện thoại, lúc đầu nhẹ nhàng nói vài câu gì đó, rồi bỗng nhiên lớn tiếng: "Con không cần biết mẹ ở đâu, mẹ phải mang tiền đến cho con ngay lập tức, nếu không đừng trách sau này con không nhận mẹ nữa." 

Cô giận dữ cúp điện thoại, chán nản quay lại ngồi trên băng ghế dài bên ngoài phòng phẫu thuật, mặt úp vào hai tay. Cô vừa rồi chạy tới chạy lui làm giấy tờ, tóc bết lại, lưng áo ướt đẫm vì mồ hôi, càng lộ rõ thân hình gầy gò, da dẻ xanh xao. 

Tính cách Nhiếp Khiêm tuy lạnh lùng, trước nay không thích lo chuyện bao đồng, cũng bất giác cảm thấy tội nghiệp. Anh bước đến ngồi cạnh cô, nhẹ nhàng nói: "Bác sĩ cũng nói rồi, cha em được đưa đến kịp thời, chắc là sẽ không sao đâu." 

"Em luôn cảm thấy trong lòng cha có gì đó không vui, uống rượu cũng là cách để ông giải sầu, nên không quan tâm lắm." Giọng buồn bã của cô vọng ra từ kẽ tay, "Bây giờ ông ấy ra thế này..." Cô bỗng nghẹn lại, nuốt tiếng nấc nhỏ xíu vào trong. 

Nhiếp Khiêm có chút bất ngờ nói: "Ồ, cha em đã là người lớn rồi, phải có trách nhiệm với lối sống và sức khỏe của mình chứ, em có cần phải tự dằn vặt mình như thế không?" 

Cam Lộ không nói gì, cô chẳng thể giải thích với một gã trai không quen biết, cô chăm sóc cuộc sống cho cha mình cũng đã mấy năm rồi. 

"Có... có cần anh giúp em đi mua cái gì đó ăn không?" 

Cô ngước mặt lên, gương mặt nhỏ nhắn nhòe nhoẹt nước, là mồ hôi hay nước mắt, ngay chính cô cũng chẳng biết, lắc đầu: "Cám ơn anh, không cần đâu, hôm nay làm phiền anh quá." 

"Em có người thân nào có thể đến giúp không, em còn phải đi học mà." 

Cô lại lắc đầu: "Nhà em chẳng có ai thân thích ở đây cả." 

Nhiếp Khiêm sống với đại gia đình một thời gian dài, bị bao vây bởi cha mẹ, họ hàng, ngoài những lúc cãi cọ inh tai ra, nhỡ ai có chuyện gì cũng còn có người này người kia giúp đỡ, ý kiến ý cò này nọ, vừa rối vừa phiền nhưng cũng khiến người ta yên tâm, trước nay anh chưa từng chứng kiến hoàn cảnh neo đơn đến vậy. Nhưng vẻ mặt Cam Lộ ngoài lo lắng ra chẳng có chút gì là bấn loạn sợ hãi, chỉ lặng lẽ thẫn thờ nhìn về phía trước. Anh bỗng chốc chẳng biết nói gì cho phải, cũng không vội về ngay, yên lặng ngồi bên cạnh cô. 

Một lúc sau, một người phụ nữ xinh đẹp vận quần áo hợp mốt, tóc uốn thời trang, lênh khênh trên đôi giày cao gót sải bước thật nhanh đi đến, bà ta nhìn Nhiếp Khiêm một cái, sau đó quay sang Cam Lộ: "Tình hình ông ấy thế nào rồi?" 

"Đang phẫu thuật, phải cắt bỏ một phần dạ dày." 

"Cứ xem cái cách ông ấy uống rượu thì sớm muộn cũng hại đến sức khỏe." Bà ta chau mày, lấy ra một tấm thẻ ngân hàng: "Trước đâ y con có khí tiết là thế, không cần nhận tiền của mẹ, bây giờ biết tiền quan trọng thế nào chưa." 

Cam Lộ giựt lấy tấm thẻ, lạnh lùng nói: "Mẹ đi đi." 

Người phụ nữ ngớ ra, tức giận: "Con chết tiệt, chưa qua cầu đã đòi rút ván, mẹ chưa nói mật mã, con đến khóc cho bác sĩ xem à?" 

Cam Lộ cứng họng, dừng một lát, khẽ nhếch khóe miệng gượng cười: "Mẹ, mẹ được lắm đấy..." 

Người phụ nữ đó bịt miệng cô lại, gằn giọng nói: "Con cứ ghê tởm mẹ đi, chút đanh đá này của con đều dùng để đối phó với mẹ mà." 

Bà ta cúi đầu xuống, Cam Lộ ngẩng đầu lên, hai người mặt đối mặt không ai chịu nhường ai, hai gương mặt này, một xinh đẹp, một thanh tú, tuy không hoàn toàn như nhau nhưng lại có nét giống nhau đến kỳ lạ. 

Cuối cùng Cam Lộ quay đầu sang một bên, nước mắt theo khóe mắt trào ra, người phụ nữ đó lấy khăn tay lau nước mắt và mồ hôi trên trán cho cô: "Mẹ sẽ thuê người đến chăm sóc ông ấy, đảm bảo ông ấy được chăm sóc tốt nhất, con sắp lên lớp 12 rồi, dọn sang sống với mẹ đi, chuyên tâm học hành để còn thi tốt nghiệp nữa." 

"Cha không chịu để mẹ thuê người chăm sóc đâu, con cũng không thể bỏ cha mà đi được." 

"Ai bảo con phải bỏ ông ấy," Người phụ nữ đó dường như lại phát hỏa, "Con cho rằng mẹ đến giành con với ông ấy à? Con lớn thế này rồi lại đanh đá như thế, giành con về để ngày ngày cãi nhau với mẹ à, có gì là tốt?" 

"Con biết mẹ có ý tốt, nhưng con không đến ở với mẹ đâu." 

"Con thì lúc nào chẳng tỏ ra chống đối mẹ để lấy lòng ông ấy, an ủi trái tim mong manh dễ vỡ của ông ấy, riết rồi thành nghiện. Cả đời ông ấy sống ấu trĩ, cố chấp hết thuốc chữa rồi, con cũng phải có ngày khôn lớn chứ." 

"Thôi, mẹ về trước đi, con bây giờ chẳng có hơi sức đâu để cãi nhau với mẹ." 

Người phụ nữ đó trợn mắt nhìn cô, nhưng lực bất tòng tâm, đưa khăn tay cho cô: "Mật mã là sinh nhật của con, có chuyện gì thì gọi điện thoại cho mẹ, đừng có cố chịu một mình." 

Bà ta đi cũng như đến, tiếng giày cao gót vội vã nện cồm cộp trên nền đá Đại Lý. Cam Lộ mân mê chiếc thẻ ngân hàng trên tay, ngồi thẫn thờ, một lúc lâu sau, cô nhẹ nhàng nói: "Bà ấy là mẹ em." (Vì cách xưng hô trong tiếng Trung không thể hiện rõ quan hệ, ngôi thứ trong giao tiếp xã hội nên lúc này Cam Lộ mới giới thiệu đó là mẹ mình) 

Nhiếp Khiêm "ồ" một tiếng, anh tất nhiên đã nhận ra rồi. 

"Bà ấy họ Lục, tên của em ghép từ họ của ba và họ của mẹ, em đoán ít ra cho đến lúc em ra đời, hai người vẫn còn rất thắm thiết." (Trong tiếng Trung, âm Lục và Lộ đọc giống nhau) 

Nhiếp Khiêm không nói gì chỉ lắng nghe. < /p>

"Bà ấy thật ra rất thương em, sau khi ly hôn vẫn thường giấu cha mua quần áo hoặc dấm dúi tiền cho em, sợ em sống không được thoải mái." 

Điều này Nhiếp Khiêm cũng có thể nhận ra, người phụ nữ đó tuy miệng mồm đanh đá, khắc khẩu với con gái, không có những cử chỉ thân thiết như người khác nhưng trong lời nói luôn biểu lộ sự quan tâm, lo lắng hết mực. 

"Hai người đều rất tốt với em, đều là người tốt, nhưng chẳng thể chung sống với nhau." 

"Người tốt chung sống với người tốt, cũng có thể là bi kịch mà." Nhiếp Khiêm bình thản trả lời cô. 

Nhiếp Khiêm ở cạnh Cam Lộ cho đến lúc ông Cam được đưa ra khỏi phòng phẫu thuật mới ra về. Sau ngày hôm đó, Nhiếp Khiêm và Cam Lộ thỉnh thoảng chạm mặt đều gật đầu chào hỏi nhau. Chớp mắt kỳ nghỉ hè đã kết thúc, ông Cam xuất viện, Nhiếp Khiêm trở lại Bắc Kinh học tập, Cam Lộ lên lớp 12, hai người không hề liên lạc với nhau. 

Bác sĩ nói dạ dày ông Cam bị loét dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa có quan hệ mật thiết tới việc ông uống rượu trong một thời gian dài, đồng thời bác sĩ cũng trịnh trọng cảnh báo, các chỉ số sức khỏe khác của ông cũng chẳng lạc quan cho lắm, nếu còn tiếp tục uống rượu, thì đừng nói dạ dày bị tổn hại mà khả năng xơ gan thậm chí ung thư gan cũng sẽ rất cao. 

Cam Lộ lúc trước thương cha cô bất đắc chí nên không quan tâm lắm đến việc ông uống rượu, chỉ yêu cầu ông không uống đến mức say mèm. Nghe bác sĩ dặn dò xong, cô về nhà tra cứu thêm tư liệu, sau đó trước mặt ông Cam, cô đập nát tất cả các chai rượu trong nhà, đồng thời nói với cha: "Cha, cha chọn đi. Nếu cha tiếp tục uống rượu, con đành phải rời khỏi cái nhà này đến sống với mẹ, con không thể giương mắt ngồi nhìn cha chết dần chết mòn được." 

Cô luôn từ chối lời đề nghị đón cô về ở chung của mẹ dù điều kiện kinh tế của bà rõ ràng tốt hơn cha rất nhiều, vả lại từ trước đến nay cô chưa bao giờ lấy chuyện này ra để uy hiếp cha. Ông Cam biết con gái không nói chơi, cuối cùng đồng ý cai rượu. 

Tiếp sau đó khu vực nhà cô bị dỡ bỏ trên quy mô lớn, ông Cam đã quen sống ở đây, sau khi bàn bạc với con gái, đã lựa chọn sống trong một căn hộ chung cư đền bù cách đấy không xa; còn Nhiếp Khiêm ở phương Bắc xa xôi quyết liệt thuyết phục ba mẹ mình nhận tiền bồi thường sau đó mua một căn hộ ở nơi khác. 

Mùa đông đến, mọi người lục tục chuyển nhà, nguyên khu vực xe tải của công ty dọn nhà ra vào không ngớt, buổi tối những nhà còn sáng đèn cũng ít dần đi, ông Cam ngày nào cũng đến căn hộ mới của mình trông coi việc trang hoàng bên trong. Ngày hôm đó Cam Lộ ở trường về, nhìn thấy trước cửa nhà Nhiếp Khiêm đậu một chiếc xe tải to đùng, cha mẹ anh đang chỉ đạo nhân viên dọn nhà di chuyển đồ đạc ra ngoài, cô bất chợt dừng bước. 

Nhiếp Khiêm xách một chiếc va li bước ra, chau mày nói: "Mấy cái cũ nát này vứt đi nhé, giữ lại cũng chẳng dùng đến." Anh là đang nói đến mấy vật dụng vừa cũ vừa hư trong nhà, nhưng mẹ anh lại không nỡ vứt đi, kiên quyết bảo nhân viên dọn nhà khiêng lên xe. Anh chán nản tránh sang một bên thì nhìn thấy Cam Lộ. 

Một ngày mùa đông lạnh lẽo ảm đạm, khắp nơi thùng lớn thùng nhỏ nằm ngổn ngang, người đi qua đi lại đến chóng cả mặt, trong khung cảnh hỗn tạp, hai mắt họ chạm nhau, Cam Lộ mỉm cười, lên tiếng trước: "Anh đang dọn nhà à? Tạm biệt nhé." 

Nhiếp Khiêm vốn định vĩnh biệt cái nơi mà anh chán ghét từ nhỏ, không bao giờ quay trở lại. Thế nhưng từ giây phút đó, nhìn người con gái thanh tú đang đứng đối diện với mình trong gió lạnh, anh chợt nhận ra rằng, chí ít anh chẳng hề muốn nói lời tạm biệt với cô bé này rồi sau đó không bao giờ gặp lại. 

Anh vội vàng lấy giấy bút, ghi số điện thoại di động, email của mình đưa cho cô: "Cho anh số của em, rảnh rỗi thì liên lạc nhé." 

Nguồn: truyen8.mobi/t51989-gia-co-tinh-yeu-chuong-41.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận