Hà Nội Năm Ấy Của Chúng Ta Chương 13

Chương 13
Mối tình đầu

Nhoắng cái đã hết 4 năm Thành chung, cái cảm giác bâng khuâng, lưu luyến gần như học sinh nào cũng có. Vì tới đây chúng tôi, những thành viên của lớp sẽ không còn được tề tựu đông đủ như trước nữa. Bốn năm học chung, dù có xích mích, xung đột rồi lại vui vẻ, đùa nghịch thì vẫn là những năm tháng tươi đẹp nhất, vô tư đáng nhớ nhất của mỗi người. Hôm bế giảng lớp tôi ai nấy đều có một tâm trạng buồn tủi, tiếc nhớ những tháng ngày đã qua, có vài đứa con gái thường ngày mau nước mắt hôm ấy cũng khóc như mưa, nhìn chúng nó khóc cả lũ con trai chúng tôi cũng suýt không kiềm chế được mà mắt cay cay. Thầy Chuẩn, ôi người thầy mà chúng tôi vẫn hay lén gọi là Quỷ Vô Thường trong các giờ kiểm tra và thi, nhưng là một người thầy đáng kính nhất trong đời học sinh chúng tôi (thầy tôi cũng vậy), nghĩ lại mà xem thầy luôn quan tâm đến học trò, luôn nghĩ cho học trò, tuy thầy nghiêm khắc, có uy khiến học sinh phải sợ nhưng chưa bao giờ thầy đánh hay mắng nhiếc học sinh một cách thậm tệ như các thầy cô khác. Cho dù có tức giận, bực mình thầy cũng không hề trút giận lên đầu học sinh, học trò có lỗi, làm sai thì thầy nhắc nhở, lỗi lớn thì nghiêm khắc phê bình đồng thời cũng tận tình chỉ ra cho học sinh biết mình đã sai như thế nào, lỗi lớn thế nào để biết mà sửa. Bởi thế ngay một đứa nổi tiếng ngang tàng, đắc tội với nhiều thầy cô giáo như cái Thư cũng phải chịu kính nể thầy. Trừ những ngày đầu tiên thầy mới chủ nhiệm lớp, cái Thư có tỏ thái độ không phục nhưng về sau bà cô biết không thể đấu lại thầy Chuẩn thần thông quảng đại nữa nên từ đó cũng quy phục dưới chướng của thầy. Ôi, từ đây sẽ đó mà được học với một người thầy tận tâm, nhiệt tình như vậy nữa. Ngày hôm ấy cả lớp chúng tôi hết đứa này đứa nọ lần lượt đứng lên bày tỏ sự kính trọng rất chân thành, và cũng không đứa nào kìm nén được sự xúc động, luyến tiếc những năm tháng được học với thầy.

- Thưa thầy ! Chúng con sẽ nhớ thầy lắm !- Thưa thầy ! Chúng con sẽ không bao giờ quên thầy đâu !- Thưa thầy ! Chúng con sẽ qua thăm thầy …

Cả lớp lại òa khóc, nhất là đám con gái mau nước mắt, tại chúng nó khóc mà kéo theo cả lớp khóc theo. Ngay đến những đứa bản lĩnh như thằng Thành, cái Thư cũng phải rưng rưng nước mắt, có điều chúng nó mau chóng lau hết và cố lấy lại vẻ bình tĩnh một cách nhanh chóng.

Thầy Chuẩn không khỏi xúc động, sau một lúc im lặng thầy mới bắt đầu lấy lại vẻ bình thản để lên tiếng dỗ dành cả lớp, thầy cũng chân thành bày tỏ sự tiếc nuối khi phải chia tay lớp, thầy nói thầy rất hối hận vì có đôi lần đã quá hà khắc, làm tổn thương đến học sinh và mong học sinh tha thứ. Sau cùng thầy chúc tất cả chúng tôi sẽ thành công, sẽ vui vẻ, hạnh phúc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lời thầy nói dù không văn chương hoa mỹ, lại có phần hài hước nhưng rất chân thành.

 

Rồi từ đây tùy theo điều kiện hoàn cảnh, sự sắp đặt của gia đình hoặc bản thân mà có những người sẽ học tiếp lên Trung học còn lại thì nghỉ học để ra ngoài xã hội bươn trải. Đó là đối với con trai thì như vậy, còn con gái đa số các bạn ấy đều sẽ nghỉ học, vì theo quan niệm cổ hủ của những gia đình An Nam con gái vô tài mới là đức hạnh thì việc cho con gái học đến bậc Thành chung đã là kỳ tích lắm rồi. Và các bạn gái đều chỉ có duy nhất một mục tiêu là ở nhà chờ cha mẹ tìm được nhà nào môn đăng hộ đối nào là gả đi thôi, hay như cách nói của cái Thư là ‘‘tống cổ hợp pháp ra khỏi nhà’’. Nhưng không phải gia đình nào cũng như vậy, vẫn có những gia đình tân tiến như nhà quan Án Độ chẳng hạn, hoặc những gia đình Tây phương, thì con gái vẫn có quyền lựa chọn đi học tiếp hoặc ở nhà lấy chồng. Cái Thư vẫn quyết định học tiếp lên Trung học, trừ thầy Chuẩn với thầy tôi ra thì nhiều thầy cô đã cảnh báo, thậm chí còn mỉa mai nó là ‘‘Cái con láo toét ấy mà thi được lên Trung học thì tôi xin đi đầu xuống đất’’ hoặc là ‘‘ Cái đứa học hành chểnh mảng như nó sợ thi lấy bằng Thành chung còn khó ý, thế mà còn đòi thi lên Trung học, đúng là tưởng bở’’. Nghe được những lời ấy cái Thư nó tức lắm, tức đến nỗi mà nếu như không có tôi với thằng Thành lúc nào cũng kè kè bên cạnh chắc nó đi đốt nhà mấy ông bà giáo kia chứ không đùa. Nhưng trước mặt các ông bà ấy nó chỉ bĩu môi, lẩm bẩm ‘‘Để rồi xem !’’.

 

Kỳ thi tốt nghiệp Thành chung không mấy khó khăn với chúng tôi, năm nay có 2/3 số học sinh đỗ, bao gồm cả 3 đứa chúng tôi trong đó. Những bạn thi trượt phần đông là ở lại học để sang năm thi tiếp, số còn lại thì nghỉ hẳn ở nhà giúp đỡ (ăn bám) cha mẹ. Bước vào kỳ thi dự tuyển lên Trung học, học sinh như tôi với thằng Thành lo lắng thì ít chứ thầy u tôi lo lắng mới nhiều. Tôi lại là con một nữa nên từ nhỏ tới giờ hy vọng họ đặt lên tôi càng lớn, nhiều lúc tôi cứ mong giá như tôi có thêm một thằng anh, hay một đứa em thì chắc không phải đơn độc chịu trận một mình như vậy. Mặc dù thằng Thành cũng được thầy u tôi xem như con, nhưng dù gì con nuôi với con đẻ vẫn khác nhau, điều này hiển nhiên trong lòng ai cũng tự hiểu.

 

Trải qua kỳ thi Trung học cam go, đầy áp lực, và chuỗi ngày hồi hộp chờ đợi kết quả cuối cùng cũng đã được thở, khi chúng tôi đều đã đỗ lên Trung học. Một kỳ tích xảy ra đó là cái Thư tốt nghiệp với cái bằng Thành chung loại Trung bình thôi, vậy mà thi lên Trung học điểm cao ngất trời, thật là một sự xỉ nhục lớn đối với những đứa quanh năm suốt tháng là học sinh khá giỏi, quá lọ cho những ai đã nghĩ nó không thể đỗ Trung học. Hôm nhận kết quả, tôi có trêu cái Thư.

- Quả này bà có thể về trường Thành chung để bắt mấy mụ ấy đi đầu xuống đất được rồi nhỉ’’.

- Đương nhiên rồi !-Cái Thư nhếch mép cười khẩy

Điểm cái Thư bằng điểm của tôi và chỉ kém á khoa là thằng Thành 2 điểm thôi, còn thủ khoa năm đó hơn thằng Thành nửa điểm. Mà thằng Thành sao nó học đỉnh thế cơ chứ, bảo nó chăm học cũng không đúng, vì bình thường nó cũng chỉ giành nhiều nhất 3,4 giờ để tự học, thời gian còn lại nó dành cho công việc phụ tá, trong khi tôi ngồi cả buổi tối, có khi cả ngày mà còn chẳng được chữ nào. Lý giải bằng cách là tùy vào tư chất của mỗi người, tôi thừa nhận là tôi không có tư chất thông minh như thằng Thành để học 1 biết 10 như nó, đâm ra nhiều lúc tôi cũng ghen tỵ. Nhưng tôi hiểu sự đố kỵ, ganh ghét rất hèn hạ, nên tôi đã áp chế được nó. Căn bản tôi so với những cái đứa học khá, giỏi trong lớp cũng là cái dạng lười học mà điểm vẫn cao cũng đã là nỗi sự xỉ nhục đối với những đứa chăm chỉ, chịu khó rồi vậy tôi còn đòi hỏi gì hơn nữa nào.

 

Lúc bấy giờ số lượng học sinh ngày càng nhiều nên trường Bưởi đã tách bậc Trung học, Thành chung và bậc Tiểu học ra thành 3 trường riêng biệt với ba bậc khác nhau. Trường Bưởi đã chính thức là trường Trung học Bảo hộ riêng như cái tên vốn có của nó, chứ không còn là trường học chung của ba cấp Tiểu học, Thành chung và Trung học như trước nữa. Do vậy từ nay trường Bưởi rộng lớn này sẽ chỉ có học sinh Trung học chúng tôi độc chiếm mà thôi, còn các em Thành chung, Tiểu học phải chia tay nơi này để di dân đến một vương quốc mới. Lên Trung học, cái Thư rớt ngay ra khỏi danh sách ứng cử viên cho chức lớp trưởng. Bởi lẽ xưa nay hiếm có giáo chức nào dị nhân như thầy Chuẩn để một đứa cá biệt như Thư làm lớp trưởng. Nhưng khổ nỗi cái chức vụ cao quý ấy, trách nhiệm vinh quang ấy lại dành cho tôi. Thực ra thằng Thành mới là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí đó, nhưng nó đã từ chối vì nó còn công việc phụ tá nữa nên không thể đảm nhận trách nhiệm cao cả ấy. Thế là cô giáo chủ nhiệm lại đẩy sang cho tôi, ứng cử viên sáng giá thứ hai, tôi lại chẳng có lý do gì để từ chối, hơn nữa thầy tôi còn nói ‘‘Bao nhiêu đứa phấn đấu làm lớp trưởng không được, mày nghiễm nhiên được làm còn kêu ca cái nỗi gì, cũng phải tập làm đi cho quen chứ, sau này còn làm thầy giáo nữa cơ mà ’’. Vâng, thầy tôi đã định hướng sẵn cho tôi vào cái nghiệp gõ đầu trẻ ngay từ khi tôi còn là đứa trẻ giơ đầu ra cho người ta gõ.

 

Lớp học mới, ngoài ba đứa chúng tôi ra còn lại toàn những đứa lạ hoắc, đều là con những gia đình khá giả, danh giá ở xa đến trọ học tại Hà Nội, hoặc ở những trường Thành chung khác chuyển đến. Con gái cũng có nhưng bạn biết đấy đã học lên Trung học thì đa số thuộc hàng ‘‘cá sấu’’, cũng có vài đứa là tiểu thư con những gia đình tân tiến, danh giá, ờ thì cũng xinh đẹp đấy. Cơ mà khổ nỗi những thành phần ấy không phải thuộc hàng sư tử như cái Thư thì cũng thuộc loại mồm năm miệng mười chưa thấy người đã thấy tiếng. Mà cái hạng ấy không biết nó lấy đâu ra mà lắm lý sự thế cơ chứ, nhất là khi chúng nó hùa chung vào để cãi lý với một thằng lớp trưởng như tôi. Không ít lần tôi phải điêu đứng vì cứng họng trước chúng nó, đến là lọ. Sau này mỗi lần định nghênh chiến phê bình chúng nó là tôi lại phải cầu cạnh cái Thư hộ tống. Mà thật nha, cái Thư tuy không lắm lý sự như ai nhưng với cái oai bẩm sinh cộng với kinh nghiệm vài năm làm lớp trưởng chỉ cần nó lớn tiếng quát, hay đã trừng mắt lên thì bà La Sát cũng phải im. Đấy là cái lợi của việc có một con bạn đanh đá. Tuy cầu cạnh con gái thì hơi mất sĩ diện nhưng thà mất một chút sĩ diện còn hơn là không còn mặt mũi ở lớp.

 

Như những thiếu niên mới lớn khác, tôi bắt đầu có những rung động của con tim, ham muốn ái tình cũng bắt đầu nảy nở. Tôi cũng bắt đầu để ý những thiếu nữ xinh xắn, bị sự dịu dàng của họ làm cho say. Dĩ nhiên những báu vật ấy ở trường này có nguy cơ tuyệt chủng rồi và chỉ xuất hiện nhiều ở bậc Thành chung hoặc ở Đồng Khánh mà thôi, tôi thường có cơ hội ngắm những mỹ nhân ấy sau mỗi ngày tan học, từng nhóm thiếu nữ tầm 2,3 người tản bộ hoặc nhảy xe điện qua chỗ chúng tôi đi về. Sao trước kia tôi lại không nhìn ra nhỉ. Thảo nào trước đây các anh khóa trên cứ lũ lượt kéo nhau sang giảng đường B để chim gái, hoặc đầy anh nhảy lên xe điện sang Đồng Khánh cho nó phong phú.

 

Nhắc đến trường Đồng Khánh không thể không nhắc đến cái Loan-em cái Thư sau khi tốt nghiệp Đồng Khánh cũng dự thi học tiếp lên Trung học ở trường Albert Sarraut- khắc tinh của trường Bưởi chúng tôi. Tại sao lại là khắc tinh, cái này sẽ nói sau. Quay trở lại câu chuyện về Loan. Những lần đến chơi với anh Khánh tôi cũng đã gặp Loan vài lần, công nhận con bé càng lớn càng xinh đẹp, mặt hoa da phấn đáng yêu, làn da trắng mịn, mắt phượng mày liễu, dáng người thon thả, mỗi khi cô nàng diện một chiếc áo dài tân thời, hay một chiếc váy đúng mốt càng làm tôn lên vẻ tôn quý, đài các của một tiểu thư chính hiệu. Không chỉ đẹp, Loan còn học rất giỏi, luôn đứng nhất nhì trong các kỳ thi. Tính tình hiền lành, ngoan ngoãn, dễ thương đến mức bất cứ thằng con trai nào cũng không dám thô lỗ, to tiếng với nàng. Xứng đáng là Hằng Nga trong lòng bao người. Thú thực chính tôi cũng từng say nàng Hằng Nga ấy, nhưng vốn dĩ người ta là Hằng Nga tất phải kiêu sa, kẻ phàm phu tục tử như tôi đây làm sao có đủ tư cách mơ tưởng đến nàng. Vì thế sau vài lần tiếp xúc, cố ý nói làm thân không thành tôi mới ngộ ra một điều ‘‘Hằng Nga thì cứ để ở trên Mặt trăng mà thờ thôi’’. Phượng lúc ấy còn nhỏ nên chưa thể đánh giá, nhưng hứa hẹn sẽ là một mỹ nhân trong tương lai. Còn tính cách thì không biết lớn có thay đổi không nhưng chắc chắn sẽ không được như chị nó đâu, kiêu căng, chua ngoa đến phát ghét ra và hình như con bé đó không còn việc gì khác ngoài việc đi đâu cũng phải nhét vào mồm người ta bằng được cái câu ‘‘Tao là con quan Án, cháu ông Tuần, chúng mày là cái đếch gì mà động đến tao !’’ và chính tôi đã từng bị nó nhét cho câu này ‘‘Mày đúng là không biết thân biết phận, chỉ là con một ông giáo nghèo hèn mà cũng đòi chơi với anh tao à !’’. Lúc đó tôi tức đến lộn tiết lên rồi, tay chuẩn bị giơ lên, chỉ chậm mấy giây nữa thôi là thưởng cho nó một cái bạt tai chí mạng rồi. Ai đời tôi đường đường lớn hơn nó mà nó dám xưng mày tao với tôi, lại còn dám nhục mạ gia đình tôi nữa. Tôi chưa từng đánh con gái, nhưng đã bố láo đến mức như vậy thì kể cả Điêu Thuyền tôi cũng không nương tay. May cho nó là anh Khánh đã nghe thấy hết liền đi nhanh tới quát cho nó một trận và bảo nó cút đi chỗ khác.

 

So với Loan thì cái Thư đúng là khác một trời một vực, tuy rằng mặt mũi cũng thanh tú đấy, nhưng không chăm chút phấn sáp như những đứa con gái cùng trang lứa khác.Ăn vận nếu không phải áo dài trắng đồng phục thì cũng là váy một màu lam, màu xanh giản dị, có lúc chơi cả bộ áo sơ mi, quần tây có quai (vốn là quần áo của anh Khánh không mặc vừa nữa) như mấy thằng con trai chứ không thèm để ý mốt này mốt nọ nên không được diễm lệ như cái Loan. Ăn nói thì cục cằn, bố láo, nhưng chỉ với những người nó không ưa thôi. Chứ với những người đáng kính như thầy tôi chẳng hạn thì nó vẫn biết điều, lại thêm thằng Thành lúc nào cũng kè kè bên cạnh, kiên trì giáo huấn nên cũng bắt đầu xuất hiện kỳ tích là cái Thư đã bắt đầu biết nói năng lễ phép hơn. Hồi đầu khi Thành bắt đầu đảm nhận việc thuần phục con ngựa bất kham ấy mà tôi thấy thương thằng bạn tôi quá, những lần con ngựa ấy không phục nó lại phản ứng dữ dội như nào là ‘‘Đến bố tôi còn chả dám động đến tôi, cậu tưởng cậu là ông giời chắc mà đòi dạy dỗ tôi!...Bà đây hư thân mất nết từ trước khi quen cậu cơ. Cậu chả là cái gì hết, cút đi cho khuất mắt tôi!’’. Thật không hiểu là thằng Thành nó lấy đâu ra kiên nhẫn, tại sao nó lại có đủ bình tĩnh để nhẫn nại với một đứa con gái như vậy chứ. Nghĩ đến đó mà tôi càng khâm phục thằng Thành hơn bất cứ ai. Cái Thư tính tình quái đản, lại dở dở ương ương, nên bao nhiêu năm nay chơi với nó nhiều khi tôi cũng quên mất nó là con gái, mà trong mắt tôi nó cũng chả khác gì một thằng bạn trai. Tôi từng lo xa cho bạn ‘‘Bà cô này sợ ế chồng thật đấy chứ chả chơi’’. Nhưng quả thật là tôi đã lo bò trắng răng rồi, vì lâu nay đã có một thằng lót gạch chờ sẵn hòng rước bà cô này rồi, nhưng rước về làm chị dâu tôi mới chết chứ. Tôi đã nghi thằng Thành thích cái Thư từ mấy năm trước rồi, nhưng dò hỏi thì nó cứ chối đây đẩy nên cũng chưa dám khẳng định. Nhưng bây giờ tôi cứ thử cười đùa vô tư thân mật với cái Thư xem, thằng Thành nó chả sầm mặt ngay, tuy nó không nói thẳng ra nhưng nó đã tỏ thái độ ngầm cảnh cáo tôi phải giữ khoảng cách với ‘‘nhân tình’’ của nó một chút. Tôi cũng đùa dai càng thân thiết với cái Thư hơn ra ý chọc tức, nên cuối cùng cũng buộc được thằng cha này phải thú nhận. Có lúc tôi nửa đùa nửa thật trêu thằng Thành

- Này ! Nhiều lúc tao cũng thấy tiếc cho mày, được bao nhiêu em xinh gái dễ thương thích không yêu, đi yêu cái con dở ấy làm gì cho mệt.

Thành chỉ cười chứ không đáp, thằng này từ ngày đi làm phụ tá liền ít lời hơn trước, tâm tư kín đáo, vẻ mặt điềm tĩnh như một người đàn ông trưởng thành. Khiến tôi là anh em thân nhất với nó nhiều lúc cũng cảm thấy mình trẻ con, ấu trĩ vì không hiểu suy nghĩ của nó. Nhưng thằng này khôi hài ở chỗ là khi xử sự với những đứa con gái khác thì chàng rất lịch thiệp, bạo dạn đàng hoàng, vì thế mà khiến cho không ít đứa con gái trong trường này phải siêu lòng, thầm thương trộm nhớ chàng ta. Thậm chí có đứa con gái đang đi với nhân tình cũng phải suýt xoa thì thầm với người yêu ‘‘Giá như anh được bằng nửa cậu ấy’’. Thế mà ở trước cái Thư chàng ta lại trở nên hiền lành, nhút nhát, thậm chí khi chỉ có hai đứa nó ở chung một chỗ anh chàng ngốc này chỉ biết nói chuyện trên trời dưới đất chả có tí liên quan nào đến ái tình cả. Bởi vậy mà đến bây giờ chàng ta vẫn chưa bày tỏ được tình cảm của mình. Song không hoàn toàn là vì thằng Thành nhút nhát, mà vì ái tình đối với cái Thư vẫn còn là một khái niệm xa vời. Kể cũng kỳ lạ, sự đời thì cái Thư lúc nào cũng là đứa cầm đèn chạy trước oto, nhưng riêng cái chuyện tình cảm nam nữ thì nó lại rất chi là trẻ con, mà nó còn không buồn cả tò mò tìm hiểu kia như những đứa bạn cùng tuổi đang rất ham hố vấn đề này, đúng là quái đản. Tôi thấy sốt ruột thay cho thằng bạn-thằng anh tôi ‘‘Cứ thế này thì đến bao giờ chúng mày mới thành đây’’. Thằng Thành ngược lại rất bình thản nói ‘‘Nó ngại đấy, chứ không phải nó không biết gì đâu, cứ đợi nó lớn hơn chút nữa rồi tính’’. Tôi liền nửa đùa nửa thật ‘‘Mày cũng nhanh lên, không sau này thằng khác nó cướp mất đấy !’’. Nói thì nói thế chứ thực ra tôi biết chẳng ai có thể làm chồng cái Thư tốt hơn thằng Thành được. Chỉ có thằng Thành là hiểu cái Thư nhất, lại dễ thông cảm nên chắc chắn sẽ bao dung được đứa con gái như Thư, nhưng cũng là thằng cứng rắn, kiên nhẫn nên chắc sẽ thuần phục được con ngựa bất kham này. Tôi nói xấu sau lưng ‘‘nhân tình’’ của nó là đanh đá, ngỗ ngược thì nó chỉ nhẹ nhàng bênh ‘‘Đấy là cá tính’’. Ừ nhờ cái cá tính ấy mà không ít thằng ham của lạ, trong đó có những thằng găng-tơ lao vào với hy vọng nếu chinh phục được một đứa con gái cá biệt như Thư còn oai hơn là có con nhân tình là hoa khôi. Nhưng cái gì người ta càng kỳ vọng thì lại càng khó đạt được, ban đầu có vài cánh thư lúc thì trực tiếp, lúc thì thông qua trung gian như tôi và thằng Thành gửi đến cho cái Thư. Cái Thư lúc đầu còn đọc qua một lượt, ngán ngẩm rồi vứt cho chúng tôi, bảo chúng tôi tùy ý xử lý. Về sau còn chả thèm cầm đến bảo hai đứa tôi đem về làm tài liệu tham khảo để sau này còn chim gái. Thú thật khi đó tôi mới để ý và nhận thấy cái Thư là đứa đáng để yêu. Đừng hiểu lầm, tôi tự biết bản thân không đủ bản lĩnh như thằng Thành để yêu và chịu đựng một bà cô, nhưng có một bà cô làm bạn thân thì không có gì phải hối tiếc cả. Hơn nữa không lâu sau đó trái tim tôi đã có một Nàng Thơ chiếm trọn rồi.

 

Hôm đó sau giờ học môn Triết học, cô giáo nhờ tôi lên Thư viện bê hộ cô đống sách tư liệu giảng dạy về văn phòng cho cô. Khi đang lựng khựng bê chồng sách mấy chục quyển nặng như đeo đá lên cầu thang tầng 2, mà khoa triết ở mãi tầng 4, trong lòng đang thầm chửi bà giáo kia ‘‘Bao nhiêu sách thế này mà chỉ gọi có mỗi mình đi bê, rõ là bóc lột mà’’, vừa bước đến hành lang tầng 2 chuẩn bị bước lên tầng 3 thì không biết ở đâu chui ra một đứa ‘‘không có mắt’’ đâm sầm vào tôi, khiến cả chồng sách rơi bịch xuống đất. Đang bực thì chớ lại còn xui xẻo, tôi định chửi cái đứa ‘‘không có mắt’’ ấy một trận. Cái đứa ‘‘không có mắt’’ ấy vội vã xin lỗi tôi, rồi cúi xuống nhặt sách giùm tôi, cái bộ dạng khẩn khoản, luống cuống ấy khiến tôi cảm động, bao nhiêu câu chửi cũng nuốt hết vào trong và dịu dàng đáp lại :

- Không sao đâu !

Lúc này tôi mới cúi xuống để nhặt sách cùng bạn nữ ấy, và bây giờ tôi mới được nhìn rõ khuôn mặt ấy. Chao ôi, ở trong cái trường mà chỉ toàn cá sấu với sư tử này mà cũng có người đẹp thế ư. Dù bạn ấy chỉ diện bộ váy trắng giản dị, tóc để buông dài, khuôn mặt không hề phấn son gì cả nhưng đã làm toát lên cái vẻ đẹp tao nhã, trong sáng mang chút cổ điển. Báu vật này ở đâu ra vậy sao trước giờ tôi chưa từng thấy. Tôi ngây ra ngắm Nàng Thơ ấy đến si ngốc, không thèm để ý đến những cuốn sách đang nằm ngổn ngang dưới đất cứ để mặc kệ nàng tất tả giúp tôi nhặt xếp lại.

- Bạn mang sách đi đâu mà nhiều vậy ? Để tôi mang giúp bạn nhá - Giọng nói trong trẻo, thánh thót như sơn ca ấy cất lên đưa tôi trở về với thực tại, nhưng lúc này người luống cuống lại là tôi, cứ ấp úng không nói nên lời, thực ra là tôi không biết nên từ chối hay nhận lời.

Nhưng trong lúc tôi đang phân vân, Nàng Thơ ấy đã xếp đống sách làm 2 chồng và bưng ngay một chồng lên và giục tôi :

- Đi thôi !

Đến lúc đó tôi mới cố gắng bình tâm lại, vội vàng đứng dậy bưng chồng sách còn lại lên, vừa đi vừa rối rít cảm ơn. Tôi nghĩ bộ dạng của tôi lúc đó chắc ngu lắm thì Nàng Thơ đi sau cứ tủm tỉm cười khiến tối càng rối trí. Sau khi làm xong cái nhiệm vụ cao cả ấy, tôi vẫn cứ cám ơn nàng mà chẳng biết nói câu gì khác, có lẽ đó là lần tôi cảm thấy mình ngu ngốc hơn bao giờ hết. Nhưng nàng chỉ cười và đáp :

- Không có gì đâu, tại tôi đâm vào bạn trước mà. Tôi chỉ muốn chuộc lỗi thôi !

Ôi ! Cái giọng nói ấy, nụ cười ấy sao mà dịu dàng thế không biết, thật muốn làm tim người ta rớt ra khỏi lồng ngực đây mà. Tim tôi đập thình thịch, đầu óc tôi như muốn nổ tung ra, mặt tôi đỏ bừng, vì nụ cười ấy vẫn chưa tan hết, đến lúc nàng tạm biệt tôi về lớp, tôi vẫn cứ đứng yên nhìn theo bóng dáng ấy, cái dáng đi nhẹ nhàng thanh thoát dưới ánh nắng nhẹ nhàng của mùa thu, chiếc váy trắng càng khiến người ta ngỡ là tiên nữ, là thiên thần. Đến khi bóng dáng nàng đã khuất trong tầm mắt, thì lúc ấy tôi mới sực nhớ ra là chưa biết tên nàng, học ở lớp nào. Trường Bưởi rộng lớn như vậy tìm một người con gái vô danh khác gì mò kim đáy bể. ‘‘Cường ơi ! Hôm nay mày ăn cái gì mà ngu thế hả con !’’, tôi thầm chửi mình một cách thậm tệ. Nhưng từ hôm ấy tôi đã coi cô giáo dạy Triết-mà thường ngày tôi vẫn cứ chửi là ‘‘bà hâm’’ ấy là ân sư, cho dù những ngày sau đó ân sư có ‘‘bóc lột’’ tôi thế nào, tôi cũng vui vẻ tuân lệnh với hy vọng gặp lại Nàng Thơ. Tôi xung phong vào làm công tác Hội học sinh một cách hăng hái để có quan hệ tốt với các lớp trưởng, nhân đó tra ra tung tích của Nàng Thơ. Quả thật trời không phụ lòng người hiền lành, tôi đã tìm được nàng ấy khi có lần được Huynh trưởng (chủ tịch Hội học sinh, thường là học sinh ưu tú năm thứ 3 đảm nhận) phái sang lớp 1-6 tìm thằng Huân lớp trưởng lớp đó đến họp Hội đồng Cán bộ học sinh. Lúc đó thằng Huân đi vắng nên cô giáo chủ nhiệm lớp đó bảo tôi đợi một lúc. Tôi đi đi lại lại trước cửa sổ sốt ruột chờ đợi, qua ô cửa sổ tôi chợt nhìn thấy bóng dáng mà tôi ngày nhớ đêm mong ấy. Tôi sững người vội định thần lại xem có đúng là nàng không, hay tôi nhìn nhầm. Đứng dựa lưng vào tường ngay gần cửa sổ tôi khẽ liếc trộm vào trong lớp, không hiểu sao lúc đó tôi lại rón rén như một thằng ăn trộm. Đúng là nàng rồi, cho dù nàng không quay mặt ra cửa sổ thì tôi cũng khẳng định là không thể nhầm được. Tôi vui sướng đến phát run lên được, nếu không biết kiềm chế thì suýt chút nữa tôi đã reo lên như thằng điên rồi, lúc đó cả lớp 1-6 sẽ có một trận cười vỡ bụng, và nhất liệu tôi còn mặt mũi nào để nhớ và gặp nàng nữa không. Nghĩ đến đó mà hú hồn ! Tôi đang lâng lâng trong sự sung sướng tột cùng, bất chợt thằng Huân về và đập vào vai tôi một cái, kéo tôi trở về với thực tại. Tôi mặt đỏ tía tai như một thằng ăn trộm vừa bị bắt quả tang. Thấy tôi như vậy, thằng đó liền châm trọc ngay :

- Làm cái gì mà thậm thụt như ăn trộm thế này ! Đã làm chuyện gì mờ ám rồi, khai mau !

- Mày điên à !-Tôi làm bộ tức giận hòng che dấu sự thẹn thùng trong lòng-Huynh trưởng bảo tao đến gọi mày đi họp gấp !-Nói rồi tôi vội chạy thật nhanh ra vẻ vội lắm, nhưng thực chất là sợ thằng kia nó đánh hơi được sự bất thường của tôi rồi chọc ngoáy tiếp.

Vừa chạy được một đoạn chưa xa, thằng Huân đã đuổi kịp nó nói :

- Thôi đi ! Đừng giả vờ nữa, tao thấy hết rồi ! Nói thật đi, có phải mày phải lòng em nào ở lớp tao không ?

- Vớ vẩn !-Tôi vẫn đang xấu hổ, nhưng vẫn cố gắng chống chế cho khỏi bẽ mặt

- Đúng là không biết điều ! Tao đây có ý tốt muốn giúp mày mà lại…- Thằng Huân vừa lắc đầu vừa chẹp chẹp trong miệng mấy cái – Nếu để ý em nào thì tao đây là lớp trưởng có thể cung cấp lý lịch em ấy cho mày. Như vậy có phải là thuận văn lợi không.

- Mày muốn giúp tao thật à !- Tôi đang từ ngại ngùng bỗng chốc như vớ được vàng.

- Khiếp, lật mặt nhanh thế ! Sao vừa nãy còn cãi chày cãi cối kia mà !-Thằng Huân là cái thằng mà không khiến người ta khóc thì không chịu được, thôi thì quân tử không sợ thiệt trước mắt tôi đành phải nhún nhường thôi.

- Tao xin mày đấy ! Chuyện này tế nhị đừng để ai biết nhá. Đúng là tao có thích một bạn gái trong lớp mày.

- Haha… ! Tưởng đẹp trai như mày gái nó theo còn không hết, bên cạnh lại có em Thư sao còn phải đi rình rập nhà người ta !

- Mày chẳng biết gì cả ! Cái Thư chỉ là bạn tao thôi, mày thấy tao đi với gái hồi nào mà nói thế ? Tao sẽ nói thật cho mày biết nhưng mày phải hứa là giữ bí mật cho tao cơ.

- Được rồi, được rồi, mệt với cậu quá đấy ! Thế tóm lại là để ý em nào ở lớp tôi đây !

Tôi gãi đầu, gãi tai miễn cưỡng trả lời :

- Thực ra tao cũng chưa biết tên bạn ý là gì cả ! Tao chỉ gặp đúng một lần nhưng hôm ấy lại quên chưa hỏi tên !

- Bravo !- Thằng Huân vừa vỗ tay vừa cười trâm trọc-Tình yêu sét đánh ! Hay thật !

- Mày để im nghe tao nói hết đã nào !-Tôi cau có đáp rồi thuật lại chuyện hôm bị bà dạy Triết bóc lột rồi tình cờ gặp nàng cho đến chuyện hôm nay tôi đến lớp tìm nó rồi phát hiện ra nàng học ở lớp này. Rồi tôi miêu tả kỹ càng những đặc điểm mà tôi ấn tượng về nàng, chỉ ra vị trí chỗ ngồi của nàng trong lớp học theo ký ức ngắn ngủi vừa rồi của tôi.

- Ô ! Thế hóa ra mày thích con Lam Khê à !

- Tên nàng là Lam Khê sao ?- Tôi nhất thời xúc động không kiềm chế được vì cuối cùng cũng đã biết tên người tình trong mộng của mình, Lam Khê ! Hay quá ! Tên hay nhất mà tôi từng nghe.

- Mày thích con bé đó thật sao ?- Thằng Huân có vẻ khó tin

- Sao ? Có vấn đề gì à ?- Tôi cảm thấy khó hiểu nhưng rồi lại lo lắng, không lẽ nàng có người yêu rồi sao ? Hay nàng là người yêu của thằng Huân. Thôi rồi ! Đẹp như nàng thì chắc chắn những thằng khác nào chịu để yên. Nhưng câu trả lời của thằng Huân lại khiến tôi hoàn toàn bất ngờ.

- Cả lớp tao không ai thích nó cả !

- Cái gì ! Đùa tao sao ! Trên đời này lại có những thằng chê người đẹp cơ đấy !- Tôi tưởng mình nghe nhầm nên ám chỉ lại xem có phải đúng thế không.

- Đúng đấy ! Xinh thì xinh thật ! Nhưng mà lúc đầu chẳng biết tại sao bọn con gái lớp tao không hiểu vì sao lại ghét cô nàng đến thế liền đồng loạt thống nhất tẩy chay. Thực ra Lam Khê chẳng làm gì khiến người ta ghét đâu, nó cũng ngoan ngoãn, ý thức lắm, mỗi tội nhát, lầm lì, ít nói thôi. Có lẽ vì vậy mà người ta nghĩ là nó chảnh chọe nên tự dưng không ưa. Còn chuyện tại sao bọn con trai lớp tao không ai thích nó kể ra cũng khó nói. Cũng chỉ tại cái lũ con gái lắm mồm ở lớp tao thôi. Hễ cứ thấy ai đó giúp Lam Khê cái gì dù chỉ là nhặt hộ cái bút chì thôi cũng bị bọn nó nói bóng nói gió là ‘‘Ông (bà) nào mà đến gần nó thì đừng nhìn mặt chị em chúng tôi nữa nhá’’, tức là dọa sẽ tẩy chay đấy mày hiểu không ? Thêm nữa là Lam Khê lại hiền quá, dù bị chúng nó cạnh khóe, nói đểu ngay trước mặt mà cũng không dám làm gì, chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng, càng khiến người ta thấy chán. Thế nên con trai lớp tao dù có thằng thích nó đi chăng nữa cũng không có đủ dũng khí để mà đối mặt với những tai tiếng mà lũ lắm mồm kia mang lại đâu. Mày hiểu rồi chứ !

Lúc này tôi lặng người, không biết nói sao, tâm trạng rất phức tạp vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi được nghe chuyện như vậy. Thằng Huân lại chậm rãi nói tiếp :

- Thực ra nhiều lúc tao cũng thấy thương con bé đó lắm, muốn ra mặt bênh vực nó một chút nhưng mà cứ nhìn thấy những cái ‘‘đít vịt’’ kia sau này sẽ chĩa vào mình là tao lại nản. Mà cái Lam Khê cứ chịu đựng không dám chống trả như vậy tao lại nghĩ là mình có bênh vực thì cùng lắm chỉ được một thời gian ngắn rồi lại diễn ra y như cũ thôi. Vô ích mày ạ !

- Thế nên nếu mày thật sự thích nó thì hãy chuẩn bị tinh thần mà đối phó với những cái ‘‘đít vịt’’ kia đi.

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, chủ yếu là thằng Huân nói. Còn tôi chỉ ậm ừ đáp lại, tôi đang rất hỗn loạn không gì tả được, thằng Huân cho tôi biết thêm một số thông tin cần thiết về Lam Khê như là tên đầy đủ của nàng là Hạ Vũ Lam Khê, bằng tuổi chúng tôi, nghe nói là con út của một nhà buôn khá giả mới chuyển về Hà thành không lâu, học lực thất thường, có lúc rất khá nhưng có lúc lại hơi yếu. Buổi họp Cán bộ học sinh hôm ấy tôi chỉ ngồi cho có mặt chứ chẳng biết là có ai đang nói cả, lúc thấy số đông đồng loạt biểu quyết đồng ý thì tôi cũng làm theo như một cái máy. Thằng Huân ngồi cạnh tôi thừa biết tôi không có để tâm đến cuộc họp nên kết thúc buổi họp nó có nhắc tôi mấy việc quan trọng mà Huynh trưởng vừa nêu ra trong cuộc họp. Tôi cảm kích nó vài câu rồi về lớp. Nguyên cả ngày hôm ấy tôi không còn tâm trạng nào để học cả, trong đầu tôi chỉ có cái tên Hạ Vũ Lam Khê, cái tên mang lại cho người ta cảm giác tươi mát, thánh khiết như dòng nước trong vắt chảy ra từ khe suối giữa mùa hạ. Những hình ảnh ấn tượng đầu tiên về nàng khiến lòng tôi không khỏi nao nao, rộn rã, quả là người đẹp như tên.

 

Lúc tan học tôi vẫn đi chúng với thằng Thành cái Thư như mọi ngày, chỉ có điều hai đứa nó đang say sưa trò chuyện không để ý gì đến tôi, không hiểu cái Thư nó thì thầm to nhỏ gì mà thằng Thành cứ tủm tỉm cười. Còn tôi trái lại không thấy chạnh lòng vì bị ra rìa mà còn mừng thầm vì chúng nó đang mải nói chuyện nên sẽ không biết tôi đang có điều bất thường. Bất chợt từ xa tôi nhìn thấy Lam Khê từ lớp 1-6 đi ra đang lầm lũi bước đi, một dáng vẻ rất cô độc khiến tôi không sao cầm lòng được muốn chạy đến bên nàng. Tôi liền nói với hai đứa bạn tôi:

- Chúng mày về trước đi nhá ! Tao quên mất là còn có việc ở trường, tao phải quay lại ngay ! Về trước đi !

Không chờ cho hai đứa nó đáp lại, tôi đã chạy ngay vào trong trường, tôi tìm một góc khuất đứng nhìn trộm Lam Khê chứ không dám vồ vập. Bạn biết đấy, con người ta khi yêu thích một ai đó thì trong lòng lúc nào cũng thôi thúc là phải đến bên người đó bằng được nhưng khi chỉ còn cách vài bước chân thì lại không dám xuất hiện trước mặt người đó. Hôm nay nàng mặc một chiếc váy màu lam, tóc buộc đuôi ngựa, nhìn rất giản dị mà tao nhã, càng lúc càng thấy cái tên Lam Khê đúng là dành cho nàng. Tôi cứ âm thầm đi theo Lam Khê như vậy và bỗng dưng tôi lại trở thành một kẻ rình rập bám đuôi bất đắc dĩ. Đến chỗ mà người ta hay đứng chờ tàu điện Lam Khê dừng lại chờ chuyến tàu điện sắp tới để về nhà. Tôi chợt dùng dằng không biết có nên theo nàng lên xe điện nữa không đây ? Cái việc lén đi theo sau một người đã chả tốt đẹp gì rồi mà lại còn đi theo một cô gái nữa chứ. Nhỡ ra người ta phát hiện thì xấu hổ lắm, không chừng còn bị cho là lưu manh, bệnh hoạn nữa. Giữa lúc tôi đang băn khoăn thì tiếng leng keng của xe điện ngày càng rõ cũng đồng nghĩa với chiếc tàu điện đang tới ngày một gần và đã đỗ ngay trước mặt nàng. Lam Khê bước lên tàu điện và khuất dần vào trong đám người trên đó, không được trông thấy nàng tôi có cảm giác chiếc tàu điện sẽ mang nàng đi rất xa và vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa. Đến khi đoàn tàu chuẩn bị lăn bánh trên đường ray, tôi mới vội vàng nhảy lên, lúc này trong đầu tôi không có ý nghĩ nào khác ngoài nàng ra. Vì đang là giờ cao điểm nên xe điện chật ních, chen chúc nhau đến bẹp ruột. Tôi phải khó khăn lắm mới tìm được một chỗ, đúng hơn là một kẽ hở đủ cho một người đứng, xung quanh chật ních khiến tôi ngột ngạt khó thở quá. Sau khi đã yên vị tôi nhìn quanh để tìm kiếm Lam Khê trong đám đông hỗn loạn này. Kia rồi, nàng đang đứng ở hàng cuối cùng ngay sát cửa sau của toa tàu, cạnh đó có mấy ông bà cụ già đang ngồi và mấy người phụ nữ trung niên đang đứng cùng nàng. Một vị trí khá an toàn đối với một thiếu nữ khi lẫn vào trong đám đông phức tạp này. Nghĩ vậy tôi cũng yên tâm, nên chỉ đứng yên một chỗ mà ngắm nhìn nàng một cách say mê, quên đi cả sự khó chịu vì chen chúc. Mãi đến khi người trên tàu lần lượt xuống thưa dần, tôi liền đánh bạo tiến đến gần chỗ nàng đứng hơn. Đến khi chỉ còn cách một bước chân nhưng tôi lại chẳng thể bước tiếp được nữa, bởi vì tim tôi đang đập rất nhanh, máu trong người tự dưng sôi lên bất thường, khiến tôi cảm thấy nóng bừng ở hai má. Tôi xấu hổ vội vã quay đi, không dám nhìn nàng nữa, bởi vì tôi biết mặt tôi đang đỏ bừng lên như con gà chọi, tôi không muốn bất cứ ai nhìn thấy, đặc biệt là nàng. Tôi rất bàng hoàng vừa mong cho tàu đỗ nhanh vừa muốn tàu cứ mãi chạy như vậy để tôi được ở cạnh Lam Khê. Nhưng rồi tiếng leng keng đã vang lên, tàu dừng lại, nàng bước xuống và rảo bước nhanh, tôi vội vã nhảy xuống theo, lại cứ đi theo nàng như một kẻ rình rập. Nàng đi bộ một quãng không dài rồi rẽ vào ngôi nhà có cánh cổng sắt màu xanh, có đề biển số 58, phố H, đường…,Q. Cầu Giấy. Mải đi theo nàng mà quên mất hóa ra tôi đã lang thang đến Quận Cầu Giấy rồi. Tôi cứ đứng im ở một góc chờ nàng đi hẳn vào trong rồi tôi mới lặng lẽ tiếp cận ngôi nhà. Đây là nhà nàng sao ? Lớn và đẹp hơn nhà tôi ! Tôi ghi nhớ thật kỹ địa chỉ này rồi lặng lẽ quay về.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t121181-ha-noi-nam-ay-cua-chung-ta-chuong-13.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận