Hành Trình Của Tháng Năm Chương 2

Chương 2
Mùa lũ đầu tiên

Đó là biến cố dữ dội và đáng sợ đầu tiên của cuộc đời tôi.

Những ngày vào hè, ngoài tiếng trống thiếu nhi rộn ràng mỗi tối, gọi các anh, chị lớn ra nhà văn hóa tập nghi thức đội thì âm thanh tôi nghe nhiều nhất đó là tiếng loa phát thanh của xã thông báo về việc gọi người đi hộ đê. Từ đầu hè năm nay, những cơn mưa rào tới sớm và thường xuyên hơn những năm trước. Tính tới tháng sáu, đã có tới ba cơn bão quét qua quê tôi, lần nào cũng gây ngập úng nhẹ. Đám chuối tây, chuối ta trong vườn nhà đến trận úng ngập thứ hai thì lá đã vàng rũ ra, sau đó dần dần chết hết cả. Ngoại ra vồng, nhìn thấy cua mẹ cõng cua con bò lổm ngổm trên bờ, ngoại than thở: “Cua bò lên cao, thế nào cũng lụt.”

Nhà tôi không có đàn ông con trai, nhưng mẹ và dì tôi vẫn hăng hái cùng các nhà xung quanh chở những bao tải đựng cát, sỏi, những cọc gỗ sang xã bên để cùng mọi người hộ đê. Mẹ ra đó một ngày rồi về nói với ngoại, chân đê có mấy chỗ yếu lắm rồi, chỉ cần thêm một cơn bão nữa thôi là chắc không giữ được. Ngoại lập tức thu dọn đồ đạc, lỡ có vỡ đê một cái là sẽ chuyển hết thóc gạo sang nhà cậu Nhân gửi. Nhà cậu Nhân đổ mái bằng, lại có một cái nhà kho be bé ở trên mái để thu thóc vào sau mỗi lần phơi, có thêm ít đồ đạc nhà tôi cũng chẳng đáng là bao. Tôi hỏi mẹ lũ lụt là gì, mẹ lúc ấy đang vội đóng thóc vào bao, cũng chỉ đáp qua loa rằng lũ làm chết lợn chết gà, nước sẽ ngập tới nóc nhà chúng tôi, sau đó xua chị em tôi ra ngoài chơi để mẹ và bà sắp xếp cho nhanh.

Tôi tò mò và háo hức gặp lũ lụt lắm. Tôi sang hỏi Đông, lũ lụt là gì, anh chỉ nói là giống như những ngày nước dâng, ở bên kia đồng sẽ là một biển nước. Nếu có lũ, quê tôi cũng sẽ là một biển nước như thế, sẽ không thấy được nhà cửa nào nữa. Thế là tôi mếu máo vì hoang mang không biết như thế chúng tôi sẽ ở đâu. Đông bĩu môi, nói tôi dở hơi, hơi tí là khóc, sau đó lại rủ tôi chơi bắn bi, thế là tôi nín ngay. Mấy ngày nay mưa suốt nên chúng tôi chẳng ra ngoài chơi được, chỉ có thể quanh quẩn ở nhà chơi ô ăn quan hoặc chơi bi mà thôi. Đông nện mấy viên bi xuốn nền nhà để tạo thành mấy cái lỗ rồi hai anh em cùng chơi với nhau, đứa nào bắn viên bi vào cái lỗ ấy sớm hơn là đứa ấy thắng. Mưa dầm dề ngoài trời chẳng ảnh hưởng gì tới trò chơi vui vẻ này của chúng tôi, ngay cả những cái lo lắng của mẹ và ngoại về lũ lụt tôi cũng nhanh chóng bỏ ra sau đầu. Với một đứa trẻ năm tuổi, một đứa bảy tuổi như tôi và Đông, việc quên đi những chuyện to tát không ảnh hưởng gì tới mình là chuyện hiển nhiên.

Vừa trải qua nỗi phập phồng vì cơn bão số bốn cuối cùng đi chệch lên phía Bắc thì chúng tôi đã lập tức nghe thấy loa phát thanh của thôn thông báo về cơn bão số năm, cơn bão được cho là mạnh nhất trong mấy năm trở lại đây. Mọi nhà lại quáng quàng lấy bao tải đựng cát be kín các bờ ao để nếu có ngập úng thì cũng giữ được cá. Nhà tôi không có ao nhưng ngoại và mẹ vẫn phải nhờ cậu Nhân chặt cho mấy cây tre ở bụi tre đầu ngõ, sau đó đôn cao chuồng gà lên để tránh cho gà bị dính nước mưa mà cúm chết hết.

Bão số năm nhanh chóng quét qua quê tôi trong một đêm tháng bảy. Tôi nằm nép bên mẹ, dưới chân quấn chặt cái chăn chiên mỏng, tai nghe tiếng gió quất lên mấy tàu lá chuối rào rào ngoài cửa sổ. Gió ào ào, mưa như trút nước trên mái rạ. Tôi nằm yên không dám nhúc nhích, cảm giác nghe tiếng gió, tiếng mưa giật ầm ầm luôn khiến tôi vừa sợ hãi lại vừa thích thú. Thường thì những buổi sáng sau khi bão tan, lũ chúng tôi lại rối rít theo chân người lớn ra đường đi bắt cá rô lách. Những con cá rô theo dòng nước lách ngược từ dưới ao, dưới sông lên vườn, chỉ cần cầm bao đi vài vòng là có một mẻ cá ngon mang về. Mấy hôm rồi mưa suốt, mẹ và chị Vân chẳng đi cất vó hay câu được gì, suốt mấy ngày phải ăn trứng bác khiến tôi chán ngán lắm rồi. Hy vọng sáng mai chị Vân sẽ bắt được ít cá rô đồng để ngoại kho riềng, thứ ấy mà ăn với cơm nóng thì tuyệt ngon. Tôi thì chỉ chạy theo le ve cầm bao và chỉ trỏ thôi, vì mẹ không cho tôi ra gần bờ ao lúc trời mưa, sợ tôi sẽ bị trượt chân mà lăn xuống nước.

Gió cũng bớt mạnh dần, tôi từ từ chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Rồi lần thứ hai trong đêm tôi mở mắt là khi đột nhiên bên ngoài vang lên những tiếng trống thùng thùng giục giã. Tiếng trống rất to, đánh liên hồi khiến tim tôi cũng đập theo thình thịch. Tôi sợ vì những lần trống nổi như thế này đều là nhà nào đó trong làng có người mất, trống ấy là trống đám ma. Lần này, mẹ cũng bật dậy, vội vàng vén màn bước xuống giường, châm đèn dầu cho sáng rồi vấn tóc lên gọn gàng. Tôi không biết là chuyện gì, chỉ thấy mẹ vén rèm bước nhanh ra gian ngoài. Rồi có tiếng ngoại nói từ bên ngoài vọng vào:

“Gọi thằng Nhân rồi hai chị em đạp xe đi cho nhanh. Bão thế này chắc nước sông dâng to lắm.”

Tiếng trống mỗi lúc một dồn dập, tôi nghe loáng thoáng có người gọi nhau í ới ngoài đường. Không ngủ được nữa, tôi cũng dụi dụi mắt ngồi dậy, sau đó cũng bước ra ngoài. Mẹ đang khoác tấm vải nhựa lên người, buộc chặt một nút ở trước cổ, gió mang theo hơi lạnh thốc từ ngoài vào làm tấm vải nhựa sau lưng mẹ bay về sau phần phật. Mẹ lại buộc túm hai mép vải nhựa ở chỗ dưới bụng cho nó đỡ bay, sau đó quay lại hỏi ngoại:

“Hôm qua đòn gánh để đâu u nhỉ?”

“Tao để trên nóc chuồng gà ấy. Tiện thể xem chuồng gà che kín chưa nhé! Mưa thế này mà dột kiểu gì cũng lại cúm chết hết cho mà xem.”

“Vâng. Thế con đi u nhé!” Mẹ định bước ra ngoài thì lại nhìn thấy tôi, vội nói “Con lên giường ngủ với ngoại nhé! Mẹ đi một lúc rồi mẹ về.”

Rồi mẹ lao ra ngoài đêm mưa mịt mùng. Ngoại nhanh chóng đóng cửa lại, sau đó quay đầu nhìn tôi, giục:

“Lên giường đi ngủ thôi cháu.”

Tiếng trống kéo dài thêm chừng mấy phút thì nhỏ dần rồi tắt hẳn. Ngoài đường cũng hết những tiếng gọi nhau. Cả vùng quê sau một chốc lại chìm vào màn đêm tĩnh lặng. Mưa vẫn chẳng ngừng rơi.

Đến sáng sớm thì mẹ về. Lúc ấy tôi ngủ mơ mơ màng màng nên cũng không nhớ mẹ và ngoại nói gì với nhau. Sau đó ngoại dậy, trời vừa tang tảng sáng thì ngoại đội cái nón lá đã rách tả tơi và khoác cái vải nhựa lên người rồi gánh mấy mớ rau muống bè đã hái từ chiều qua với mấy nải chuối ra chợ ở đầu xã bán. Mẹ chui vào màn ngủ với tôi được một lúc thì cũng trở dậy, luộc mấy quả trứng ung rồi gọi chị em tôi dậy ăn. Hôm qua con gà mái nhà tôi ấp được mấy con gà con, còn lại chừng sáu, bảy quả trứng mãi không nở nên mẹ để riêng ra để sáng nay luộc. Lúc ba mẹ con đang ngồi bóc trứng ăn ở cửa thì ngoại tất tả chạy về, vừa tới đầu sân, chẳng kịp đặt quang gánh vẫn còn nguyên rau với chuối xuống, ngoại đã giục ầm lên:

“Mau, vỡ đê rồi, mẹ con chúng mày chuyển hết thóc sang nhà thằng Nhân mau lên. Tao đi bắt mấy con gà vào bu rồi mang sang đấy luôn.”

Lời ngoại nói như có thuốc kích thích khiến mẹ tôi đứng bật dậy, vội vất cái rổ trứng sang một bên, nhét quả trứng còn lành lặn vào tay tôi, sau đó bảo chị Vân vào thu dọn sách vở, quần áo và chạy sang nhà cậu Nhân, còn tôi thì chỉ có một việc duy nhất là ngồi gọn vào một chỗ đừng làm phiền tới ngoại, mẹ và chị là được rồi.

Rồi sau đấy mẹ ôm lấy một trong những bao thóc ở góc nhà, mặc kệ trời đang mưa như trút, cứ thế phăng phăng chạy ra phía sau bếp rồi đứng ở bên này bờ tường gọi cậu Nhân ầm ĩ. Hình như cậu không có nhà, thấy mợ với mẹ nói với nhau cái gì ấy, rồi mợ giúp mẹ khiêng bao thóc vào nhà. Cứ thế chạy đi chạy lại bốn lần liền, mẹ đã chuyển xong hết số thóc của nhà chúng tôi, sau đó lại giúp ngoại mang cái bu gà nhốt mấy con gà trống mái đủ cả, đang đánh nhau quang quác trong bu. Ngoại ôm cái bu gà con, bên trong có một gà mẹ với gần chục con gà con vàng như cuộn len óng ả đang không ngừng kêu chiếp chiếp vì sợ hãi. Tôi rất muốn hỏi tại sao mẹ lại mang hết thóc và gà sang cho nhà cậu như thế, nhưng dường như mẹ cũng chẳng hơi đâu mà đi nói chuyện với một đứa trẻ con như tôi, vì thế tôi cứ ngồi xổm trên cái ghế nhựa ở đầu hè, nhẩn nha gặm quả trứng gà trong tay, nhìn mưa rơi tí tách từ trên mái xuống trước bậc thềm tạo thành những vũng nước nhỏ, rồi tôi lại nghĩ, không biết lũ là như thế nào nhỉ?

Trận lũ năm ấy được đánh giá là trận lũ lớn nhất trong lịch sử mấy chục năm trở lại đây. Chưa tới buổi trưa, lúc tôi đứng trên trần nhà cậu Nhân, chỉ thấy dưới chân mình là mênh mông nước. Nước đỏ ngầu, đỏ hơn cả những ngày nước sông Cái dâng cao, cuồn cuộn chảy, sôi lên ùng ục. Tôi chẳng còn nhận ra đâu là con sông Cái quê mình nữa, vì bốn bề đều là nước, không thấy nhà cửa đâu, chỉ thấy những nóc nhà nhô lên trong sóng nước ì oạp. Nhà tôi cũng bị ngập tới gần mái, nhà cậu cao hơn chút nên nước chỉ ngập qua mấy bậc cầu thang là hết. Nhưng như vậy cũng đủ nhấn chìm hết giường tủ trong nhà rồi. Cầu thang chật hẹp với một khoảng chái nhà nhỏ để chứa thóc, giờ thêm bảy con người, một con chó, hơn chục con gà với một đống chăn màn, quần áo, thóc lúa lúc nhúc trong đó, chị em tôi  phải ngồi trên những bao thóc, còn cậu Nhân thì nhanh chóng căng tạm tấm vải mưa ra ngoài sân thượng rồi đặt tạm mấy cái bu gà ra ngoài đó.

Buổi trưa hôm ấy, mấy chị em tôi nhá tạm mấy củ khoai lang sống mà mợ Liên còn kịp khuân từ trong góc bếp lên. Nhưng mà nước thì chẳng kịp mang lên nên cậu Nhân phải mang một cái xoong đặt ra ngoài trần, hứng nước mưa cho mọi người uống tạm.

Đến chiều, nước không dâng lên nữa, nhưng trời thì vẫn mưa. Ngoại tôi nhìn ra màn nước mênh mông bên ngoài, không ngừng than thở, mưa mãi thế này thì nước sẽ rút chậm lắm. Rồi ngoại lại hát, mấy câu hát tôi chẳng hiểu hết nghĩa nhưng nghe não nề và thê thiết lắm. Năm ấy, ngoại mới chỉ ngoài năm mươi tuổi một chút, vậy mà mái đầu đã thấp thoáng vài sợi tóc trắng, khóe mắt đã hơi nhăn, nước da ngả màu già nua càng ngày càng hằn rõ trên gương mặt ngoại.

Lúc trời sẩm tối thì có thuyền tới được nhà cậu Nhân. Đó là thuyền của ủy ban cứu hộ lũ lụt, trên thuyền là bác Đăng, bố của Đông và một chú tôi không biết tên. Họ mặc áo dân phòng, khoác một cái áo phao vàng vàng to tướng nửa kín nửa hở, nhìn rất buồn cười. Họ cho thuyền phao màu vàng ghé vào sát trần nhà rồi đưa cho mẹ tôi và mợ Liên một bọc đồ và một can nước, nói đây là đồ cứu hộ mang đến cho bà con ở lại nhà mà không chạy lên đê. Nghe bác Đăng nói chuyện với cậu tôi thì hình như cả nhà bác đã chạy lên đê tránh lũ hết rồi. Tôi chợt nghĩ, không biết bao giờ mình mới được gặp lại Đông để chơi bắn bi với anh nữa?

Bác Đăng đi rồi, mẹ lấy từ trong túi ni lông bọc kín ra hai bánh lương khô, cẩn thận bẻ cho ba chị em chúng tôi mỗi đứa một mẩu, rồi lại đưa cho ngoại, cho cậu và mợ Liên mấy miếng to hơn, nước sạch chúng tôi cũng chỉ được uống một chút, còn cậu và mẹ uống nước mưa. Mẹ nói rằng nước mưa ngọt nên mẹ thích uống hơn. Tôi cũng muốn thử, nhưng lại bị mẹ mắng, nói rằng trẻ con uống sẽ bị giun chui vào bụng làm tổ trong đó, thế là tôi rụt cổ lại, chẳng còn ý định muốn thử như mẹ nữa.

Chúng tôi ăn lương khô, nhấm nháp sự buồn tẻ và chán nản tới sáng ngày thứ tư, khi tôi tỉnh dậy thì thấy cậu và mẹ đã đi xuống dưới nhà. Thì ra nước đã rút, chỉ còn ngập tới bậc tam cấp thấp nhất nhà cậu mà thôi. Nếu lội xuống sân thì nước cũng chỉ tới đầu gối người lớn. Ngoại vẫn bắt ba đứa trẻ con chúng tôi ngồi lại trên trần vì xuống nhà bây giờ cũng chẳng có chỗ ngồi, lại còn làm vướng chân người lớn dọn nhà. Mấy ngày liền không được chạy nhảy nên chúng tôi cũng muốn chạy xuống đùa nghịch lắm, nhưng nghe ngoại nói vậy thì chúng tôi tiu nghỉu, lại ngồi lên mấy bao thóc nghe chị Vân đọc truyện cổ tích và gặm lương khô, những miếng lương khô cuối cùng của gia đình.

Nước lũ rút đi nhưng xóm chúng tôi ở vùng thấp, lại men sông Cái nên còn úng thêm đến mấy ngày. Nước đã rút khỏi sân, còn vườn vẫn đọng nước. Lúc chúng tôi trở về nhà, mọi thứ đã chẳng còn giống như nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Bùn đất bám khắp các mảng tường, đọng lại trên nền nhà thành một lớp bùn phù sa ngập tới gần mắt cá chân, bàn ghế, hòm xiểng sau mấy ngày trôi nổi trong nước thì mỗi thứ một nơi. Chúng tôi vẫn phải ở nhờ nhà cậu Nhân cho đến khi trời hửng nắng để dọn dẹp lại tất cả. Khu vườn nhà tôi sau lũ càng trở nên tang hoang một cách tệ hại. Đám chuối cứ vàng từng tàu lá một, sau đó chết mòn ngay trên chỗ chúng vốn đang sinh sống yên ổn. Đống rơm, đống rạ đầu bếp bị nước lũ đánh đổ rồi cứ thế trôi nổi khắp nơi. Ngoại đứng nơi góc sân, nhìn cả khu vườn úa tàn trong màn nước đùng đục, ngoại chỉ biết ôm thân cây cau mà khóc. Rồi đây không biết chúng tôi sẽ lấy gì mà sống khi nguồn thu nhập duy nhất là cái vườn cây này đã chết rục sau ngày bão lũ? Sẽ mất bao lâu để chúng tôi tìm lại được cuộc sống bình yên như trước? Mẹ lặng lẽ vơ từng mớ rơm mục trong vườn vất lên sân để phơi, lặng lẽ cầm dao rựa ra chặt tre chống lại cái chuồng gà, lặng lẽ xúc từng sảo đất bùn trong nhà đổ ra vườn…

Cuộc sống của chúng tôi, dần dần rồi cũng quay trở lại như trước.

Sau nhiều ngày phải ngồi bó gối ở một chỗ, cuối cùng chúng tôi cũng được lội nước ra đường. Lũ trẻ con trong xóm cũng ào ra, thi nhau vày nước, rồi nói chuyện lũ lụt, chuyện đi tránh lũ như thế nào. Mới vài tuổi, nào chúng đã thấu nổi cái cảnh màn trời chiếu đất của nhiều gia đình lúc ấy, cũng không hiểu được cơn lũ đã khiến dân quê tôi kiệt quệ đến mức như thế nào. Chúng tôi vẫn cứ hồn nhiên, vô tư như thế, chẳng điều gì có thể lấy đi nụ cười của chúng tôi được cả. Tất nhiên, cũng có vài điều trở thành kỷ niệm khủng khiếp trong trí nhớ của tôi tới mãi tận sau này, tận đến khi kể lại cho con nghe, tôi vẫn còn có cảm giác gây gây trong người.

Lũ vừa dứt thì những căn bệnh cũng tới với cả người và động vật. Xác chết của gia súc, gia cầm không được đưa kịp lên đê tránh lũ nổi lềnh phềnh khắp các mặt ao, mặt sông, cả ở trong những góc vườn còn úng nước, mùi hôi thối theo gió lan tỏa khắp mọi nơi. Sau đấy, đàn gà bắt đầu rù, rồi cúm chết hàng loạt. Lũ gà nhà tôi cũng chết sạch, không còn một con nào, kể cả mấy cuộn len vàng óng mà ngoại tôi đã hết sức giữ gìn cũng không thoát được. Ngoại tôi, sau mấy lần đem thịt cho cả nhà ăn tới phát ngán, cũng chẳng buồn thịt nữa, ngoại đào một cái hố sau nhà rồi chôn tất cả xuống đấy.

Còn ngoại và mẹ thì bắt đầu bị nước ăn chân. Nước ăn chân thực ra chính là bệnh nấm kẽ chân, ở quê tôi mười bác nông dân thì có tới sáu, bảy người bị mắc chứng này mỗi mùa cấy, mùa úng lũ. Lúc biết mẹ cũng bị nước ăn chân, ngoại lắc đầu ngán ngẩm nói ngay cả cái bệnh này mà nó cũng di truyền được. Các kẽ chân của mẹ bị đục những lỗ sâu hoắm, nhoe nhoét một thứ nước tanh tanh. Hằng đêm mẹ ngủ không yên, thỉnh thoảng lại trở mình, hai chân liên tục cọ cọ vào nhau, rồi tôi nghe mẹ thở dài. Sau đấy bác Lý, mẹ anh Đông bày cho mẹ tôi cách lấy lá trầu xát vào chỗ bị nước ăn chân, quả nhiên những đêm sau đó mẹ ngủ yên hẳn. Về sau ngoại cũng làm theo và không còn bị bệnh ấy hành hạ nữa.

Tôi cũng không tránh được kiếp nạn khi mẹ phát hiện ra đầu tôi đột nhiên có chấy. Khi mẹ nhận ra điều đó thì tôi đã lây chấy sang cả cho mẹ và chị Vân rồi. Thế là hàng ngày, mẹ bắt tôi ngồi trên chiếc chõng tre, sau đó đặt cuốn sách giáo khoa cũ bọc giấy xi măng của chị Vân xuống chõng, bắt tôi cúi đầu, xõa tóc lên đó. Mẹ lấy chiếc lược bí chải lên tóc tôi. Mẹ chải tới đâu, những con chấy kềnh to như con mọt rơi xuống lúc nhúc, mẹ lấy móng tay ấn nó xuống, một tiếng kêu “tách” rất giòn vang lên, con chấy kềnh bẹp rúm, trên bìa sách của chị tôi còn lại một vết máu nhỏ. Ngày nào mẹ cũng chải tóc cho ba mẹ con, vậy mà chẳng ngày nào không có chấy rơi ra. Ngoại thì đơn giản hơn, ngoại kẹp tôi vào trong lòng, vạch từng đám tóc của tôi, lôi ra cả những con chấy con và tuốt sạch những trứng chấy bám trên tóc. Bắt được con chấy kềnh nào là ngoại cho vào miệng, cắn cái “tách”, tôi nghe mà nổi da gà. Ngoại cười bảo: “Chấy nó cắn cháu bà thì bà cắn lại nó.” Về sau, đầu mẹ và đầu chị Vân đã hết chấy nhưng đầu tôi mãi vẫn không thấy hết, mẹ tức mình cắt phăng mái tóc của tôi đi, khiến tôi vốn đã còi, người đầy rôm, giống hệt một thằng nhóc chứ không phải con gái nữa.

Tôi cũng không nhớ làm sao mà sau đó đầu mình hết chấy, cũng có lẽ là vì đám chấy ấy đã chạy hết sang đầu bọn trẻ con cùng lớp mẫu giáo với tôi rồi, hoặc cũng có thể vì tóc tôi ngắn nên bọn chúng chẳng còn thích làm tổ trên đầu tôi nữa. Tôi mừng ra trò, còn mẹ vì thế mà cũng không phải mất cả tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để bới tung mái tóc của tôi lên.

Mãi nhiều năm sau, mỗi lần đọc trên báo, nghe ti vi báo bão tràn vào quê ngoại là tôi không khỏi nhớ lại tiếng trống hộ đê dồn dập năm ấy, rồi cảnh ngoại nhìn màn nước mênh mông mà hát mấy bài ca dao não nề, cảnh ngoại ôm thân cau, thân chuối khóc ròng vì thương vườn, thương cây, rồi cả những đêm mẹ trằn trọc, thở ngắn than dài vì căn bệnh nước ăn chân và vì nghĩ về tương lai. Trong tôi, tuổi thơ là những tháng ngày khốn khó nhưng đầy màu sắc trong trẻo, tươi đẹp, khiến cho tôi có một tuổi thơ phong phú tới mức tôi chỉ ước các con tôi cũng được trải qua một quãng đời như thế.

Nguồn: truyen8.mobi/t134527-hanh-trinh-cua-thang-nam-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận