Xóm chúng tôi có sáu nhà thì có tới tám đứa trẻ con, ấy là chỉ chỉ tính trẻ con tầm tuổi có thể chơi được với nhau như bọn tôi thôi nhé! Ngoài ra còn có mấy anh chị lớn đã đi học ở tận trường trên huyện rồi, và chẳng bao giờ thèm chơi với đám trẻ con vẫn còn thò lò mũi xanh, thỉnh thoảng lại khóc toáng lên như lũ chúng tôi cả. Đại ca của lũ trẻ chúng tôi là anh Đông hàng xóm và chị Vân, chị gái tôi. Hai người bọn họ bằng tuổi nhau, lại học cùng lớp với nhau từ mẫu giáo lên tiểu học, thế nên chơi trò gì cũng là hai người đầu têu ra hết.
Ngoài ba chúng tôi ra, đồng bọn trong nhóm còn có chị Hoa, chị họ chúng tôi con nhà bác Hoài. Chị Hoa bằng tuổi chị Vân nên hai người thân với nhau từ ở lớp tới về nhà, đi đâu cũng có nhau. Mà chị Hoa với anh Đông thì lại ghét nhau như chó với mèo, chẳng hiểu sao đang chơi với nhau cũng có thể xông vào đánh nhau được. Thằng Việt ”sún” con cậu Nhân, sinh ra trước tôi một năm mà còi gí, lúc nào cũng bám đuôi hai chị em chúng tôi mọi lúc mọi nơi. Ba ngày thì hai ngày nó bị sổ mũi, nước mũi chảy ròng ròng, lên năm rồi nhưng ở cổ lúc nào cũng nào cũng thắt một cái khăn mùi soa, thỉnh thoảng nó lại lấy tay chùi lên quần rồi mới đưa khăn lên quẹt mũi một cái. Hai chị em Linh và Lan, bằng tuổi tôi, giống nhau như đúc vì họ là chị em sinh đôi, con chú Lãm ở đầu xóm, nhà mới chuyển về xóm tôi vào năm tôi vừa lên bốn tuổi.
Nhà chú Lãm khá giả nhất xóm, hai vợ chồng đều là công nhân viên chức. Chú Lãm làm ở phòng thủy nông huyện, còn cô Hà là giáo viên cấp II, dạy ở ngay xã bên cạnh. Hai chị em Linh, Lan hay bị mẹ nhốt ở nhà học bài, lúc nào cô Hà đi dạy là lập tức khóa cửa, trèo qua cổng trốn ra ngoài chơi với chúng tôi. Mỗi lần cô Hà đi dạy về, không thấy bọn nó cũng sẽ gọi váng cả xóm: “Linh ơi! Lan ơi!” Sau khi hai đứa đáp “Dạ!” thì kiểu gì cũng sẽ có thêm một câu mà chúng tôi thuộc lòng. Cô tiếp tục gào: “Mang thêm cái que về đây!” Mỗi lần nghe mẹ hét câu đó, mặt hai đứa đều tái mét, nhưng rốt cuộc chẳng đứa nào dám cầm thêm cái que nào về, mà cô Hà sau khi mắng hai đứa một chặp và bắt hai đứa đi học bài thì cũng không có gì nghiêm trọng xảy ra cả.
Bé nhất trong bọn là Thuận, thằng nhóc cháu ngoại ông Kiên, ngõ đối diện ngõ nhà tôi sang bên kia đường. Nhà ông Kiên nghèo cũng chẳng kém gì nhà tôi, một căn nhà gianh một gian, chỉ có hai ông cháu nương tựa vào nhau mà sống. Mẹ thằng Thuận không có chồng, đi xin được đứa con, nuôi nó được tới hai tuổi thì bỏ lên thành phố đi ở vì không chịu được lời gièm pha của xóm làng, để nó ở nhà cho ông Kiên nuôi. Thằng Thuận cũng là đứa hiền nhất cả bọn, ai nhờ gì nó cũng làm. Bốn tuổi nó đã biết bơi, năm tuổi đã lội tùm tụp ở khắp các ao bèo, rãnh nước trong làng xúc tép, ít thì hai ông cháu ăn, nhiều mang ra chợ xã bán. Nó cũng chẳng thích chơi mấy trò của bọn con trai mà chỉ quanh quẩn chơi với đám con gái bọn tôi.
Trò phổ biến nhất mà cả con trai lẫn con gái xóm tôi đều chơi được là ô ăn quan và đi hú(1). Trò ô ăn quan thì chị Vân luôn là người thắng nhiều nhất, vì chị tính nhẩm rất nhanh, còn Đông và đám con trai lúc nào cũng rải quân theo kiểu được chăng hay chớ nên thường ”nợ” chị Vân rất nhiều quân. Nhưng ngược lại, trong trò đi hú thì đám con trai lại thường thắng vì bọn nó dám chui vào những bụi rậm, ngóc ngách khó tìm nhất, thậm chí có đứa còn trèo cả lên cây nữa. Lúc nào mấy đứa con trai xóm bên sang rủ Đông chơi bắn bi hay chơi đánh khăng thì bọn con gái sẽ tách ra chơi riêng, lúc thì đánh chuyền, lúc thì nhảy dây, lúc lại hái bèo về làm búp bê.
Xóm chúng tôi toàn những gia đình nghèo nên trò chơi của con trẻ cũng rất đơn sơ. Cái trò chơi búp bê bèo theo tuổi thơ chúng tôi phải tới mấy năm liền. Cách làm búp bê bèo rất đơn giản, chỉ cần tìm chọn những lá bèo tây to nhất, lành lặn nhất, dài nhất, sau đó ngắt đến giữa phần thân bèo đem về. Lấy một cái xiên dừa xiên vào giữa thân bèo để tránh bị gẫy. Phần thân ấy chính là mình của búp bê. Sau đó gập ở phần cuống lá một hình hơi tròn làm mặt, lấy gai mây già tước lá bèo thành những sợi nhỏ, sợi càng nhỏ thì tóc của búp bê bèo sẽ càng mềm. Chúng tôi tự sáng tạo cho chúng những câu chuyện thật hay, khi làm một gia đình, khi là những người bạn thân thiết, có lúc còn làm đám cưới cho những búp bê con trai và con gái. Những con búp bê không chân không tay, không hề có mắt mũi miệng, nhưng trong mắt chúng tôi, chúng là những người bạn tuyệt vời nhất, giúp cho những đứa con gái lớn lên ở vùng quê nghèo cũng học được cách mơ mộng về câu chuyện cổ tích của riêng mình.
Có một dạo, tôi mê mẩn những viên bi nhiều màu của Đông lắm, nhưng chẳng đời nào mẹ cho phép tôi sở hữu thứ đồ chơi ”xa xỉ” ấy cả, thế nên tôi thường lẽo đẽo theo Đông đi chơi bắn bi với mấy đứa con trai xóm khác, trong lúc Đông chơi thì tôi sẽ cầm túi bi cho anh. Về sau thương tôi quá anh đã cho tôi một viên bi ba màu xanh – đỏ – vàng, tôi sung sướng tới choáng váng, cả ngày miệng cứ cười toe toét và tối học bài lại lén đem nó ra ngắm, đi đâu cũng mang theo vì sợ có người lấy trộm mất. Cũng chính vì cái tính như thần giữ của này của tôi mà chỉ sau đó hơn một tuần, trong lần đi tắm sông, vì quên không bỏ viên bi ra khỏi túi áo mà nó đã rơi lúc nào tôi cũng chẳng hay. Tối về tôi gào khóc như điên đến độ ngày hôm sau mẹ phải giấu ngoại đi mua cho tôi một viên bi khác về chơi, nhưng tôi vẫn không hài lòng lắm vì rất khó để mua được loại bi ba múi ba màu như viên bi Đông đã cho tôi.
Những ngày nghỉ hè là những ngày tháng mà chúng tôi sung sướng nhất. Không những không phải học bài mà còn có thêm rất nhiều trò để chơi. Những trưa hè nóng nực, chúng tôi hay rủ nhau ra một khúc sông nào đó có bóng cây râm mát ngồi câu cá. Thường thì cầu ao nhà Đông hay được trưng dụng, bên nhà tôi thì không bao giờ, ngoại tôi ghét nhất là lũ trẻ con hay nghịch phá trong xóm nên mấy đứa ai cũng sợ. Mỗi đứa một cái cần bằng tre được gọt nhẵn cả những đoạn mấu lồi lõm, cắt một đoạn chỉ dài làm dây câu, uốn một sợi lõi dây phanh xe đạp làm lưỡi câu, như thế là đã có một cần câu cá cờ hoàn chỉnh. Nhà tôi hồi ấy chỉ có một chiếc xe đạp thồ, phanh cũng chẳng có nên rốt cuộc Đông phải cắt dây phanh ở nhà mình rồi uốn cho hai chị em mỗi người một lưỡi. Mỗi đứa tự tìm cho mình một thứ để đựng cá sau khi câu được, ví dụ như Đông thì dùng một cái chai thủy tinh bảy lăm mililít trong suốt, rất phổ biến lúc bấy giờ. Đông còn thả vào đó một cọng rêu, mỗi lần câu được một con cá cờ hoa là Đông sẽ thả vào đó, cái đuôi cờ của con cá uốn lượn theo những lá rêu luôn khiến tôi mê tít. Những con lòng tong hay thờn bơn thì Đông cho tất hai chị em chúng tôi. Chị em Linh, Lan đựng cá trong cái bát sành đã mẻ miệng, nhiều lúc không chú ý, đến lúc quay ra đã thấy một hai con cá lòng tong nằm chết thẳng cẳng bên ngoài miệng bát, không biết nhảy ra ngoài từ lúc nào. Thằng Việt Sún cũng học tập theo Đông, cho cá vào trong chai thủy tinh nhưng lại có màu xanh lét, phải ghé sát mắt vào mới thấy được mấy con cá bơi trong ấy. Thằng Thuận không có bát, cũng không có chai thủy tinh, nó đổ nước vào một cái túi ni lông rồi cột chặt miệng lại, treo lên cành cây trước mặt, cứ câu được cá nó lại lấy túi xuống và thả cá vào. Chị Vân sau một hồi chạy về nhà tìm kiếm, cuối cùng mang sang cái hộp xà phòng Daso đã dùng hết xà phòng bên trong, hình như đã được ngoại tôi trưng dụng làm gáo múc nước tắm.
Mùa gặt tháng năm cũng là mùa được chúng tôi mong đợi, bởi lúc này đã bắt đầu vào nghỉ hè, địa điểm vui chơi của chúng tôi sẽ chuyển từ nhà ra ngoài cánh đồng. Lũ chúng tôi ào ra những thửa ruộng đã gặt xong, chỉ còn trơ những mấu rạ sần sùi. Những gốc rạ mới gặt còn chưa kịp khô đâm vào lòng bàn chân trần đau nhói. Nắng tháng năm bỏng rát khiến chúng tôi đen nhẻm, nhưng cứ ăn cơm trưa xong là lại rủ nhau chèo thuyền sang những thửa ruộng bên kia sông. Thường thì chúng tôi sẽ rủ nhau đi mót thóc và bắt châu chấu về cho gà hoặc rang làm thức ăn. Thóc mót chẳng được bao nhiêu, đem về nhà mẹ tôi cũng quẳng hết ra vườn cho gà nhặt, nhưng nó lại trở thành cuộc đua ngầm của chúng tôi. Đứa nào mót được ít thóc thường sẽ cay cú lắm. Nếu bắt được mấy con muồm muỗm béo ngậy thì nhất định sẽ cho vào túi, chờ đến tối cả bọn tụ tập lại sẽ kiếm cành tre khô về đốt và nướng lên rồi cùng nhau đánh chén. Có những lần Đông và anh Đức đi bẫy chim ngói ở ngoài đồng, ngoài mang về nhà, Đông còn để riêng ra vài ba con rồi cùng chúng tôi mang ra gò đất cuối xóm nhóm lửa, vặt lông chim và nướng lên cho cả lũ cùng ăn. Chim ngói thường bay về cánh đồng làng vào mùa gặt kiếm ăn, con nào con nấy đều béo nung núc, thịt thơm lừng, với một đứa luôn thòm thèm thịt gia cầm như tôi thì đó gần như là món khoái khẩu nhất, còn hơn cả thịt gà. Có lần bẫy được nhiều, Đông còn lén đem cho chị em tôi năm con, nói biếu ngoại với mẹ tôi. Tính Đông nghịch ngợm nhưng rất thảo, chỉ tội mẹ anh thì nổi tiếng chắc lép nên muốn cho chúng tôi cái gì anh cũng phải lén lén lút lút, nếu không thế nào cũng bị mẹ anh chửi đến mấy ngày.
Qua mùa gặt là sang mùa đốt đồng. Những nhà không mang rạ về đun bếp sẽ phơi chúng lại ngoài đồng, đợi đến lúc gần cày xới và tháo nước ở ải sẽ đốt chúng thành tro để bón cho đất. Những ngày đốt đồng là những ngày khổ sở nhất của nhà chúng tôi. Nhà nằm ngay kề sông, gió đông nam lùa khói đồng từ bên kia sông sang nhà chúng tôi mỗi buổi chiều mù mịt, khói bám cả vào quần áo phơi ngoài sân. Ngoại hay cằn nhằn vì khói khiến cho ngoại khó chịu, nhưng không hiểu sao tôi lại yêu, lại thích hít hà mùi khói lam chiều, hít hà cái hương vị cuối cùng của cây lúa ấy trước khi nó trở về với đất đồng dưới một hình hài mới.
Khi những thửa ruộng được cày xới xong người ta sẽ tháo ải để nước vào ruộng, chuẩn bị cho vụ thu đông. Khi ấy là tầm tháng sáu, những ngày mùa hè bước vào đợt nóng đỉnh điểm, giống như trong câu thơ của bác Trần Đăng Khoa tôi rất thích: “Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ…” Tất nhiên, nước nóng chết cả cá thì tôi chưa thấy, nhưng cua ngoi lên bờ thì rất nhiều. Mùa ấy, dân quê tôi gọi là ”mùa cua ngôm”. Mỗi buổi trưa hè nóng hầm hập, nắng cháy cả những tàu lá chuối vươn lên cao nhất ngoài vườn của ngoại, khi nước ải đã được tháo vào ruộng, người dân làng tôi lại rủ nhau ra đồng bắt cua ngôm như đi trẩy hội. Bắt ở cánh đồng làng mình không đủ, họ còn bơi cả qua sông, sang cánh đồng bên kia để bắt tiếp. Cua bò lổm ngổm trên những mô đất cao còn chưa bị nhấn chìm trong nước, thà chịu nắng nóng chứ không chịu bị luộc chín. Chúng tôi cứ thế mà vồ lấy vồ để, có mấy đứa nhỏ lanh chanh theo bố mẹ đi bắt cua, bị cua cắp đau không chịu được khóc thét lên. Có đứa không có kinh nghiệm còn móc phải cả những con đỉa đang cuộn mình dưới những lớp đất đồng mỏng tránh nóng. Tôi cũng sợ đỉa. Cứ lội ba bước lại phải cúi xuống nhìn bắp chân xem có đỉa bám vào không, cũng may trong cuộc đời tôi, mặc dù thường xuyên lội đồng lội ruộng nhưng lại chưa từng bị một con đỉa nào cắn cả.
Mỗi tối mùa hè, vừa ăn cơm xong là hai chị em tôi chui ngay vào bếp, rang một mẻ cám thơm lừng, sau đó đứa lớn xách dăm cái vó, đứa bé mang cái gậy gẩy rơm của mẹ với cái ống bơ đựng cám rang ra ngoài vồng. Dăm cái vó tép này mẹ làm cho chúng tôi từ đầu hè, gọng vó nhờ cậu Nhân chặt cây tre ở bụi tre lớn sau nhà vót thành, còn vải màn mẹ tôi cắt từ chiếc màn rách cũ của ngoại ra, cặm cụi khâu lại, cũng được hơn chục miếng, nhưng mẹ nói để dành một nửa, sau này vó rách quá không vá lại được thì còn có cái mà thay. Hai chị em tôi hì hụi cất vó tới gần mười giờ tối cũng được một mẻ tép ngon, còn thêm mấy con tôm càng to tướng nhảy tanh tách. Nhặt hết sạn với những cọng rêu đi, đêm ấy mẹ lại hì hụi kho đến tận khuya.
Mẹ tôi lúc nào cũng thế, dù mẹ cũng hay cáu gắt om sòm như ngoại, nhưng mẹ rất thương hai chị em chúng tôi. Thường thì không bao giờ mẹ để chị em tôi phải nhúng tay vào công việc đồng áng, sau này cùng lắm chỉ bắt hai chị em đi đùn xe thồ lúa từ đồng về cho mẹ mà thôi. Tôi còn nhỏ nên được ngủ với mẹ. Mỗi tối, sau khi tôi học bài xong mẹ vẫn còn cặm cụi khâu vá bên cái đèn dầu leo lét. Áo của mẹ, của ngoại đi làm đồng nên bạc màu, sờn và rách rất nhanh, cái nào cũng có một vài mảnh vá. Mẹ tôi khéo tay nên nếu ai không nhìn kỹ thì cũng chẳng phát hiện ra những chỗ vá ấy. Đôi tay của mẹ ngày xưa cũng mềm mại lắm, nhưng giờ đã chi chít những vết dọc ngang của máu bùn, máu rạ mất rồi. Mẹ đẹp, chỉ là lúc nào mẹ cũng cúi gằm đầu mà đi, kể cả lúc ra đường hay ở nhà, đôi mắt mẹ buồn, buồn tới mức tôi sợ không bao giờ dám nhìn vào đó. Tôi cũng không biết tại sao mình sợ, có lẽ là tôi sợ sẽ phải nhìn thấy vết thương lòng của mẹ.
(1) Đi hú: chơi trốn tìm.