Tôi học hết lớp 3, chị Vân cũng vừa học hết lớp 5, chuẩn bị chuyển sang học ở trường cấp hai ngay bên cạnh trường tôi, nơi mà có một tòa nhà hai tầng mới xây rất đẹp, ngày nào chơi bên sân trường cấp một tôi cũng nhìn sang đầy vẻ ao ước. Tôi chờ mong một ngày được sang bên ấy học, để được đứng từ trên cao nhìn xuống sân trường đầy lá vàng phía dưới. Từ đấy còn có thể nhìn ngắm những chùm hoa đỏ rực của cây phượng già nơi góc sân trường ở khoảng cách rất gần. Còn nữa, Đông nói rằng, đứng từ nơi ấy có thể thấy được ánh nắng lấp lánh xuyên qua những tán cây xà cừ đan vào nhau rậm rịt ở trên cao, những tán cây to đến nỗi nếu chỉ chơi ở dưới sân trường sẽ rất ít khi nhìn thấy ánh nắng chiếu qua được. Khi chuẩn bị xây dãy phòng học hai tầng kia, người ta đã chặt đi mấy cây lớn trong sân trường để lấy không gian, nhưng phần lớn cây cổ thụ vẫn giữ lại để lấy bóng mát trên sân chơi cho học sinh. Thỉnh thoảng chúng tôi lén chạy sang sân trường cấp hai để xiên lá cây về đun bếp, luôn có cảm giác lành lạnh khác hẳn với bên sân trường cấp một luôn chan hòa một thứ ánh sáng ấm áp, dễ chịu.
Gia đình chúng tôi vẫn thế, năm người chen chúc trong một căn nhà tranh vách đất, mùa đông gió lùa, mùa hè mưa dột, mùa gió đông ẩm ướt, nhưng hễ cậu Nhân đề nghị ngoại dựng lại nhà cho to lên một chút thì ngoại lập tức từ chối:
“Tao sắp chết đến nơi rồi, xây nhà làm gì. Con Vui, con Mừng rồi cũng già, cũng chết. Con Vân, con Tâm rồi không lấy chồng thì cũng già, cũng chết ở đây, đến lúc ấy còn ai ở nữa mà xây nhà mới làm gì?”
Lời ngoại đầy ý vị chua chát lẫn đắng cay khiến cậu không khỏi lén đưa mắt nhìn mẹ tôi lúc ấy đang loay hoay sàng gạo ngoài sân. Rồi cậu lại nói:
“Sợ bà chưa đi thì cái nhà này nó cũng bay rồi. Con tính là nó không chịu nổi qua mùa bão năm nay đâu bà ạ!”
“Năm nào mày cũng nói nó không chịu được qua mùa bão , nhưng tao đã thấy nó lung lay cái cột nhà nào đâu.”
Ngoại nói rồi lại đội nón, không quên bảo tôi:
“Con Tâm đi hái cho bà nắm lá thèn đen đi. Sáng nay dì mày đi hôi ở bên ao nhà bà Hỷ được con cá rói ngon quá, tao phải kho ngay kẻo nó ươn ra.”
Tôi đang ngồi cắn bút ở trên chõng tre, nghe ngoại sai vậy là tôi lập tức nhảy xuống đất, xỏ dép rồi chạy biến đi. Tôi lười học lắm nên chỉ mong nghe được những câu sai bảo như thế để có lý do chạy đi chơi.
Dì tôi về nhà cũng đã được ba năm. Năm đầu tiên dì còn loanh quanh ở nhà, ít khi ra ngoài, nhưng dần dần rồi dì cũng cất đi nỗi buồn trong lòng và sống cởi mở hơn với những người thân trong gia đình. Dì tự thiết kế cho mình một cái bàn nhỏ trong buồng để đặt máy khâu, những lúc rỗi việc đồng áng, dì thường nhận may vá quần áo cho bà con trong làng, đôi khi họ mang vải tới để nhờ dì may quần áo cho nữa. Tiền công dì nhận được cũng chỉ là một hai bơ gạo mà thôi. Dì may rất khéo tay, tiền công lại rẻ nên nhiều người tìm đến dì. Một thời gian sau thì ngoại bảo chị Vân chuyển sang buồng bên này học với tôi để dì có chỗ may rộng rãi hơn. Dần dần, trên sợi dây thép chăng ngang trên tường trong phòng dì cũng có thêm vài mảnh vải quần thô, vài mảnh vải áo hoa để tiện cho những cô, bác muốn may quần áo mới nhưng không có thời gian lên chợ huyện mua vải. Cũng có vài người trong làng tới đánh tiếng, muốn làm mối cho dì với người bà con của họ, vốn là những người đã góa vợ hoặc những người cũng qua một, thậm chí vài cuộc hôn nhân. Nhưng dì như chim đậu cành cong, lại thêm ngoại những năm qua càng lúc càng không vừa mắt với những người đàn ông bên ngoài nên cuối cùng dì vẫn chôn vùi tuổi thanh xuân, lặng lẽ sống cùng ngoại và ba mẹ con tôi trong căn nhà chật chội này.
Hái được một nắm lá thèn đen rõ to ở bên gốc dừa, cạnh cái ao họ trước cửa nhà bác Hoài xong, tôi định bụng sẽ ghé luôn vào nhà Linh để mượn nó quyển truyện Tarzan mà nó vẫn cho tôi mượn đọc ở trên lớp. Linh và Lan cái gì cũng thảo, chỉ có sách là bọn nó quý như vàng, lúc nào cũng giữ rịt, chẳng muốn cho ai mượn. Tôi cũng rất thích đọc truyện nên thỉnh thoảng vẫn mượn chúng nó đọc ké, nhưng chỉ mượn được một, hai ngày là một trong hai chị em nó lại chạy sang đòi ngay, mà hễ có một tờ bị bẩn hay bị rách thôi là lần sau đừng hòng mong bọn nó cho mượn cuốn khác nữa.
Vừa bám vào cái cổng gỗ, định ngỏng cổ gọi chị em nó thì tự nhiên tôi giật bắn người vì trong nhà có tiếng hét lên: “Ối giời ôi làng nước ơi, thằng Lãm nó định giết tôi…”
Tội kinh hãi, còn đang đứng phát ngốc ra ở cổng thì trong nhà lại có tiếng ré lên của một trong hai chị em Linh Lan: “Hu hu, bố ơi, bố đừng đánh mẹ!”
Và tiếp theo là tiếng quát dữ dằn của chú Lãm: “Con đ* lăng loàn này, ông giết mày…”
Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy vợ chồng chú Lãm, cô Hà cãi nhau. Chú Lãm thì hiền lắm, chẳng bao giờ biết cáu giận gì, ai nói cũng cười hì hì rồi thôi. Chú cũng chẳng bao giờ uống rượu say rồi về đánh vợ đánh con như chú Tư làm thợ xây ở xóm bên. Ngoại lúc nào cũng bảo: “Người ta là cán bộ nhà nước, có học có hơn. Ai như cái cánh đàn ông mặt hoa da phấn, suốt ngày chỉ biết hát với hò rồi trai gái. Hay như mấy thằng con buôn lõi đời…” Đấy là lúc ngoại muốn xỉa xói bố chúng tôi và cả chồng dì Mừng. Còn cô Hà, mặc dù có vẻ dữ dằn với chị em Linh và Lan nhưng lại rất cởi mở với hàng xóm, ai cũng khen cô tốt người tốt nết. Gia đình họ luôn được đưa ra làm tấm gương gia đình văn hóa hàng năm cho cả làng tôi nhìn vào.
< p style="text-align: justify;">Lúc này, nghe tiếng hét của cô Hà, tiếng chửi của chú Lãm, rồi tiếng khóc thét lên của hai chị em Linh Lan, tôi sợ muốn co chân bỏ chạy, nhưng không hiểu sao hai chân không thể nào nhấc lên nổi. Rồi từ ngoài ngõ nhìn vào, tôi thấy cô Hà chạy từ trong nhà ra ngoài thềm, chú Lãm đuổi theo phía sau túm lấy tóc cô rồi đẩy cô ngã cái uỵch xuống hè, lại tát mấy cái vào mặt cô, gằn giọng: “Mày nói, mày đã ngủ với bao nhiêu thằng rồi? Mày đã cắm lên đầu tao bao nhiêu cái sừng rồi? Con chó cái này, mày nói mau không ông giết mày…”Cô Hà bị chú đánh đau quá, gào lên ầm ĩ. Lập tức đã có mấy người lớn chạy ra ngoài đường, tiến về phía cổng nhà cô chú, nơi tôi đang đứng như trời trồng. Chị em Linh Lan cũng xuất hiện ngoài cửa, nhưng không đứa nào dám vào can bố mẹ nó mà chỉ dám ôm nhau khóc ầm lên.
Tôi nghe cô Hà đáp lại bằng giọng ghê gớm không kém, mặc dù cô vừa bị đánh đau lắm: “Mày giết tao đi. Sao mày không xem lại mày đi, mày cũng có kém gì tao đâu, mày còn có con với nó kia kìa…”
“Mày còn láo ông đấm mày chết!” Nói một câu chú Lãm lại giáng một cái xuống người cô Hà, tay dùng không đủ, chú còn dùng chân đá cô Hà nữa.
Tôi sợ tới ngây người. Rồi tôi chỉ cảm thấy có ai đó nắm lấy tay tôi và kéo đi, rồi hình như có mấy chú, mấy bác trong xóm đẩy cổng chạy vào cứu cô Hà. Đến lúc về ngồi bệt trong cái hốc nhỏ lõm vào dưới chân đống rơm nhà Đông rồi tôi vẫn còn nghe thấy tiếng quát tháo, tiếng chửi nhau từ tận đầu xóm vọng tới. Đông ngồi cạnh tôi, nắm chặt lấy một bàn tay đang run bắn lên của tôi, còn tay kia của tôi vẫn vô thức nắm chặt mớ lá thèn đen. Cái hốc dưới đống rơm này là Đông cố tình mỗi lần đi lấy rơm đều chỉ rút ở một chỗ nên cuối cùng nó mới tạo thành một hốc ngồi lý tưởng cho hai chúng tôi mỗi lần chơi trốn tìm với lũ trẻ trong xóm.
“Liệu chúng nó có bị bố mẹ đánh không anh?” Sau cùng, tôi quay sang hỏi Đông.
“Không đâu.”
“Chú Lãm đáng sợ quá!”
“Ừ!” Đông tỏ vẻ đồng tình với tôi, cũng không cho thêm ý kiến gì nữa.
“Đàn ông ai cũng đánh vợ à?” Tôi chợt nhớ tới bố, chợt nhớ tới chồng của dì Mừng, không biết họ đã từng giơ tay đánh mẹ tôi và dì cái nào chưa, nhưng nếu có rồi thì họ thật đáng ghét.
“Không phải. Bố anh chả bao giờ đánh mẹ anh. Cùng lắm cãi nhau mấy câu xong là thôi. Đàn ông mà đánh phụ nữ là hèn.” Đông phản bác.
“Ừ, con trai mà đánh con gái đúng là hèn thật.” Không hiểu sao tôi cũng cảm thấy tức giận trong lòng, vội vàng đồng tình với anh.
Chúng tôi ngồi dưới đống rơm nơi đầu ngõ nhà anh nói đủ thứ chuyện vu vơ, đến tận khi tôi nghe tiếng ngoại gọi ầm lên mới vội vàng chui ra rồi rón rén chạy về. Ngoại tôi ghét đàn ông, nghiễm nhiên ghét cả mấy đứa con trai bạn học của chị em chúng tôi, nên nếu để ngoại thấy tôi đang ngồi chơi với Đông chắc tôi sẽ lại bị ngoại cằn nhằn theo kiểu: “Con gái mới nứt mắt ra đã biết chạy đi chơi với mấy thằng con trai.”
Chuyện nhà chú Lãm cô Hà chỉ sau nửa ngày đã đồn khắp làng trên xóm dưới. Ngay cả đứa trẻ con cũng có thể kể vanh vách chuyện nhà chú Lãm với cô Hà đua nhau ”ông ăn chả, bà ăn nem”. Thực ra thì chúng tôi chẳng hiểu chuyện ”ăn chả, ăn nem” là gì, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là chú Lãm có vợ bé! Cái từ ”vợ bé” ấy thì tôi gần như thuộc làu rồi, vì từ lúc tôi bắt đầu hiểu thì ngoại đã suốt ngày ra rả nói ra nói vào chuyện đàn ông ai cũng đểu cả, không cờ bạc rượu chè, đánh vợ đánh con thì y như rằng ra ngoài cũng sẽ có một cô vợ bé. Rồi ngoại lấy bố tôi, lấy chồng dì Mừng ra làm ví dụ cho cái sự ”đểu” điển hình đó.
Rồi sáng chủ nhật tuần ấy, ngoại đi ăn cỗ đám cưới ở xóm bên về, còn mời theo mấy bà nữa về nhà tôi chơi. Ngoại đưa cho chị Vân cái túi ni lông, trong có một góc xôi, một miếng thịt gà, một miếng giò, hai miếng chả, dặn cất kỹ vào chạn để trưa mang ra cả nhà cùng ăn. Rồi ngoại sai tôi xách cái tích nước vối, mấy cái cốc nhựa ra ngoài chõng cho ngoại tiếp khách. Mấy cái cốc nhựa đỏ đỏ, to bằng hai cái chén mắt trâu này được dì tôi sắm từ Tết năm vừa rồi, ngày nào ngoại cũng sai chị em tôi rửa cho thật sạch, nhưng màu vàng ố của lá chè xanh, lá vối vẫn bám lại bên trong cốc nên thành ra bây giờ nhìn chúng chẳng đẹp đẽ gì. Mà cứ hễ uống nước bằng cái ca ấy là tôi lại nghĩ ngay tới mùi nước súc miệng lờ lợ mà thỉnh thoảng các cô ở trạm y tế xã vẫn mang sang trường, rồi đi tới từng lớp, lần lượt bắt từng đứa chúng tôi cho vào miệng súc ồ ồ rồi nhổ đi mới thôi. Mà chẳng đứa nào dám không súc miệng cái thứ nước lờ lợ, tanh tanh ấy cả vì nếu không nhất định cuối tuần ấy sẽ bị phạt trực nhật, kinh khủng hơn là đi dọn nhà vệ sinh. Vì thế, dù ghét cái vị đó, nhưng chúng tôi chẳng ai dám từ chối nó.
Tôi mang tích nước vối ra, ngoại lại sai đi lấy cho ngoại bình vôi để ngoại têm trầu cho các bà ăn. Tôi nhận ra bà Bình ở xóm bên, bà Liễu nhà ở ngay kế nhà chú Lãm, bà Hưng là mẹ bác Hoài, chị em dâu với ngoại tôi. Tên bà vốn là Ngần nhưng sau này được gọi theo tên ông Hưng, chính là bác họ của mẹ và dì. Còn hai bà nữa thì tôi quen mặt nhưng không biết tên, là bà nội của cái Vy ở xóm giữa và bà nội của thằng Nam ở tuốt cuối làng. Bọn nó là bạn học cùng lớp của tôi, thỉnh thoảng tôi vẫn la cà về nhà chúng nó chơi nên biết mặt cả. Các bà ngồi quanh trên chõng, bà bổ cau, bà têm trầu, bà rót nước, có bà cầm quạt phẩy phành phạch để xua đi cái nắng đầu hè oi ả. Chị em tôi ngồi trên đôi dép lê, đánh chuyền ở trên cái nền đất mát lạnh nơi đầu hè bên kia, chờ tới giờ thì đi nấu cơm, tiện thể hóng vài ba câu chuyện làng nước của các bà.
“Cái thằng ấy nhìn hiền lành mà ghê gớm ra phết. Nghe đâu nó có vợ hai, làm ở hiệu cắt tóc ở trên huyện ấy, mà hình như còn có với nhau một thằng con trai ba tuổi rồi, thế mà giấu được đến giờ, đáo để thật.”
Bà Huân bắt đầu câu chuyện bằng việc nói về chuyện nhà chú Lãm, tôi đoán vậy, vì mấy hôm nay chuyện này ầm ĩ lắm nên cả đám trẻ con chúng tôi cũng thuộc làu làu. Đừng nói là tôi là đứa chứng kiến tận mắt, ngay cả những đứa hôm ấy không thấy gì cũng có thể kể vanh vách việc chú Lãm đánh cô Hà như thế nào, đánh bao nhiêu cái, vào những đâu những đâu. Thậm chí có đứa còn khăng khăng rằng tận mắt thấy chú Lãm chạy đi tìm dao định chém cô Hà nữa, nhưng may được mấy bác trai hàng xóm chạy sang ngăn cản. Ai ở xóm khác đi qua nhà cô chú ấy cũng phải nghển cổ nhìn qua bức tường bao cắm đầy mảnh chai, mảnh sành ngoài mé đường cái để nghe ngóng tình hình. Nhưng cũng chính vì chuyện này mà mấy hôm nay cái Linh với cái Lan chẳng chạy đi xem tập nghi thức Đội với chúng tôi nữa, nhà bọn nó cũng đóng cổng im ỉm suốt, chẳng thấy người đi ra đi vào. Bình thường thì tối nào bọn nó cũng ăn cơm xong sớm nhất xóm, sau đó sẽ lê la sang nhà chúng tôi ngồi đợi chúng tôi ăn cơm xong, rồi cả bọn rủ nhau ra sân nhà văn hóa thôn xem các anh chị lớn tập nghi thức Đội để thi đấu với thôn khác vào ngày Quốc khánh. Cứ hễ hôm nào trống nghi thức đã gõ lên ầm ầm rồi mà chị em chúng tôi còn lề mề chưa đi là hai đứa nó cũng sẽ giục cuống lên. Hoặc nếu hôm nào đội thiếu nhi của thôn không tập thì chúng tôi cũng sẽ rủ nhau đi xem ti vi bên nhà chị Hoa. Nhà chú Lãm cũng có ti vi, thậm chí còn là ti vi màu to nhất xóm, nhưng tối nào cô Hà cũng là người giành được cái ti vi ấy để xem phim“Chuyện tình người nô lệ” nên hai chị em Linh Lan toàn phải đi cùng chúng tôi sang nhà chị Hoa để xem phim ké.
“Ôi dào, nó đi kiếm thằng cu thì cũng đúng thôi. Đàn bà con gái mà không biết đẻ thì làm sao mà giữ được chồng.”
Giọng bà Liễu vút cao lên làm tôi nhớ mỗi lần bà ấy chửi ai thì từ đầu xóm đến cuối xóm đều nghe rõ mồn một. Trong xóm tôi, bà Liễu là người phụ nữ ác khẩu nhất, nhưng bà không làm ác bao giờ, rất thích đi chùa và hay cho bọn trẻ con chúng tôi trái cây trong vườn của bà, thậm chí những lúc mùa màng xong xuôi, bà sẵn sàng giúp nhà tôi đi gặt hoặc đi cấy mà chẳng đòi hỏi cái gì, mời bà ở lại ăn cơm bà cũng không bao giờ nhận lời. Ngay đầu cầu ao nhà bà có một cây trứng gà, quả sai tới mức nhà bà vặt mang đi bán không kịp nên để rụng be bét đầy cầu ao, những lúc ấy bà lại chọn những quả lành lặn nhất rồi đem cho mỗi nhà mấy quả.
“Nói thì nói thế, nhưng mà sinh được thằng con trai nó phá phách, nghiện ngập, cờ bạc như hai cái thằng con nhà ông Sinh thì thà cứ sinh đứa ‘con trai dái trong”(1) như con cái Vân nhà này còn hơn.”
Bà Huân lại lên tiếng, lần này bà còn nhắc tới cả chị tôi và mẹ tôi nữa.
Chị Vân tôi năm nay vào lớp 6 nhưng đã nổi tiếng trong đám bạn cùng tuổi vì vừa học giỏi lại vừa siêng năng, chăm chỉ, năm nào cũng được giấy khen học sinh tiên tiến xuất sắc của nhà trường. Bốn tuổi chị đã theo mẹ ra đồng đi cấy, đi gặt, câu cáy, mò tôm đều rất giỏi, thậm chí chị còn có thể đánh dậm thùm thụp như mấy anh lớn. Chị đã mò mẫm hết tất cả những khúc sông trong làng, chỗ nào có trai, chỗ nào nhiều tép chị đều thuộc như lòng bàn tay. Chị giống bố nhiều hơn mẹ về ngoại hình, nhưng tính cách của chị lại giống hệt mẹ, nhất là càng lớn tôi càng thấy chị thích cúi đầu khi đi ra ngoài hơn là ngẩng đầu nghênh nghênh lên như tôi. Bà Huân và bác Hoài lúc nào cũng lấy chị ra làm gương cho chị Hoa, vì chị Hoa mải chơi hơn, suốt ngày chỉ thích đi bêu nắng và ở trên lớp cũng nghịch ngang với đám con trai, cứ nửa tháng lại thấy cô giáo chủ nhiệm đạp xe tới nhà phàn nàn với bác tôi chuyện gì đó.
“Đàn bà con gái giỏi giang làm gì, sướng hay khổ cuối cùng cũng nằm trong tay ông chồng hết. Nó vui thì mình mới được vui, mà nó giận thì mình cũng phải nhịn, mà nó bỏ thì phải chịu.” Ngoại tôi vừa nói, tay vừa quệt quệt vôi lên lá trầu rồi khéo léo têm thành một miếng nho nhỏ, vuông vắn và đặt lên đĩa, giọng của ngoại mang đầy vẻ ai oán.
“Nhà tôi thì lúc nào cũng khuyến khích con Vy phải cố gắng mà học, không ra khỏi cái lũy tre làng này thì còn nghèo, còn khổ các bà ạ! Như nhà bà Phú ấy, con cái giỏi giang, giờ nhà ông bà ấy giàu nhất làng, có thiếu cái gì đâu.” Nghe nhắc đến Vy, tôi đoán là bà nội nó đang nói.
“Mà bị đánh là đúng, cái nhà chị Hà này không ngờ cũng lăng nhăng bên ngoài, phải ngày xưa đã bị cạo đầu bôi vôi bêu đi khắp làng rồi ấy chứ.” Bà Liễu quay lại với câu chuyện về nhà chú Lãm. “Mà nghe đâu chuyện này đồn tới tận trường nó dạy rồi đấy.”
“Ôi thế à? Thế thì dơ(1) lắm, sao mà dám đi dạy.” Bà Bình thốt lên.
“Nó dẫn hai đứa con về nhà ngoại ở mấy hôm nay rồi. Mà anh Lãm cũng có về nhà đâu, chắc ở lại trên huyện với bà vợ hai. Mấy nay nhà đó đóng cửa suốt.” Bà Liễu nhổ toẹt một bãi nước trầu đỏ thắm xuống sân rồi đáp.
Câu chuyện của các bà cứ thế hết cái nọ xọ sang cái kia, rốt cuộc bàn tới tận chuyện ở một nơi nào đó rất xa, có một cô gái không nghe lời bố mẹ bỏ nhà theo trai, cuối cùng bị lừa bán sang Trung Quốc. Đúng lúc ấy thì mẹ tôi đi vào sân, lên tiếng chào các bà, sau đó đặt cái quang gánh xuống cửa bếp rồi đi rửa chân tay. Thấy mẹ về, tôi và chị Vân không dám chơi nữa mà đứa đong gạo, rửa nồi nấu cơm, đứa cầm rổ ra vồng hái rau, thế là chẳng hóng được thêm chuyện gì nữa.
Rồi mọi chuyện về sau lại như chẳng có gì. Nhà chú Lãm lại về với nhau, ngày ngày chồng đi làm, còn cô Hà ở nhà nghỉ hết quãng thời gian hè đợi sang năm học mới, nhưng Linh và Lan chẳng còn được đi chơi mỗi tối như trước nữa. Sau này khi đi học trở lại, chúng tôi đã quên hết mọi chuyện cũ, mà chúng nó dường như cũng đã quên sạch thời gian u ám đó, hai đứa vẫn cười và vẫn cùng đám con gái trong lớp chơi những trò nhảy dây, quen thuộc.
(1) “Con trai dái trong”: con gái.
(1) Dơ: xấu hổ.