Trên bàn biên tập
Lãng mạn và cổ điển. Một Venice sống động khiến người đọc chỉ muốn để dành tiền sang Venice nghỉ Hè và tìm kiếm tình yêu ngay.
PLOY
“Một tâm hồn không hoàn hảo, hay nghĩ đến những tình yêu không hoàn hảo, và lựa chọn những kết cục không hoàn hảo”
Tôi viết câu chuyện này khi một mùa dài đã qua và Venice dường như chỉ còn ở lại trong ký ức. Người ta không thể xoá đi hình ảnh của bất kỳ ai trong ký ức; cái gọi là “quên” có lẽ chỉ là sự chấp nhận với nụ cười dịu dàng hoặc chua chát. Tôi đang rất nhớ em và tôi cầm bút lên… Em trở về thật gần, Venice cũng trở về thật gần…
Năm đó chúng tôi là hai sinh viên duy nhất của trường Mỹ Thuật sau khi tốt nghiệp được đi thực tập ở Italia. Và chúng tôi chọn Venice làm nơi hoàn thành tác phẩm cho khoá học. Đêm cuối cùng ở Firenze, tôi và em ngồi thật lâu bên cốc cappucino nghi ngút khói:
- Tại sao em chọn Venice hả Cá Khô?
- Vì em chưa biết yêu! Venice sẽ giúp em… Còn anh?
- Anh thì ngược lại. Vì anh yêu rồi!
Cười.
Chúng tôi là anh em họ. Một quan hệ gia phả lằng nhằng mà người ta vẫn gọi đùa là “họ hàng đại bác bắn ba đời không tới.” Thế nào nhỉ? Ba em là anh ruột cô Phương, cô Phương đám cưới với chú Danh vốn là em trai của mẹ tôi. Vậy đấy chúng tôi trở thành anh em. Chúng tôi cùng tuổi, lớn lên cùng nhau, học cùng trường và mơ ước như nhau. Đã có lần tôi và em tự hỏi “không biết từ bé đến giờ, đã có gì chúng tôi không gắn chữ ‘cùng’ vào hay chưa?” Thế giới của em có những gam màu nóng ấm, chủ nghĩa siêu hiện thực của Van Gogh, khúc mùa Xuân của Vivaldi, sữa đậu nành và kẹo lạc 2000 đồng một gói to đùng. Thế giới của tôi đa số lại là màu lạnh, cảm giác cô quạnh trong tranh của Dali, nhạc Trịnh… và em. Thầy giáo của chúng tôi rất ít khen, nhưng khi đã khen thì thường dùng những lời . Có lần thầy bảo: “Xem tranh của hai đứa xong, mới cảm thấy đủ hai mặt của một tâm hồn.” Chúng tôi sướng râm ran. Mỗi lần như thế lại tự thưởng cho mình bằng một buổi ngồi thật lâu trong quán nước trước trường và… bóc vé số. Chúng tôi chẳng trúng được bao lần, mà cũng may là thầy chẳng mấy khi khen.
Tam Nguyên. Lần đầu tiên tôi nhớ ra em có cái tên ấy là khi chúng tôi vào lớp 1. Cô giáo gọi: “Nguyễn Tam Nguyên”. Cả lớp im lặng. “Nguyễn Tam Nguyên”. Cô giáo lặp lại. Em ngồi bên cạnh thì thầm: “Hình như cô gọi em anh ạ!” – “Phải là Cá Khô chứ, Nguyên nào?”. Đến khi cô giáo gọi tên hết cả lớp, em mới đưa tay hỏi: “Thưa cô, cô chưa gọi con ạ! Tên con là Cá Khô.” Đến tận bây giờ em vẫn luôn yêu thích cái tên ấy. Nó là một phần tuổi thơ trong em, trong tôi. Tôi biết chỉ mỗi tôi gọi em bằng cái tên ấy, chỉ mỗi tôi và em biết cái tên ấy có ý nghĩa thế nào, chỉ mỗi tôi và em biết nó quý giá biết bao nhiêu…
- Em ngoan, đừng ốm nữa nhé! Phải ăn nhiều vào! Mẹ anh bảo ai không ăn nhiều sẽ như con cá khô thôi.
- Thế cá khô xấu lắm hả anh?
- Anh chả biết nhưng mà mẹ bảo hôi lắm! Em mà ốm nhiều thì sẽ… hôi như cá khô đấy…
****
Chúng tôi thuê được một căn phòng áp mái khá rộng rãi đủ kê hai cái giường và ngăn với nhau bằng một bệ gỗ sơn trắng, một góc bếp nhỏ với phòng tắm rất xinh. Thoạt đầu chúng tôi rất phân vân không biết sẽ đặt giá vẽ ở đâu. Thế là ý tưởng trải chăn ra đời, như thế có thể quấn lại 1 góc, tha hồ giăng vật dụng ra nhà. Cũng may lúc chúng tôi đến Venice, trời đã vào mùa xuân ấm áp. Bên dưới tầng trệt là quán cà phê của vợ chồng ông bà chủ. Họ là người Pháp, nói được cả tiếng Anh và Ý. Những khi rỗi việc tôi và em thường xuống phụ giúp làm những việc lặt vặt. Đây là một quán cà phê nhỏ, trang trí mộc mạc và không âm nhạc. Những chiều nắng, khách ngồi đầy trên các “tavolini”, họ nói cười, tán gẫu, tiếng bước chân gõ nhịp trên nền đường lát gạch, tiếng guitar của bác Luciano già… tất cả tạo nên một nét ồn ào rất Venice. Vợ chồng ông bà chủ khá thân thiện. Họ kể cho chúng tôi nghe về quê hương họ, về miền Nam nước Pháp lúc nào cũng tràn ngập nắng, về những cánh đồng cỏ mùa xuân xanh mướt, mùa hè vàng rực rỡ, được cuốn lại thành những lỗ tròn khổng lồ, đều đặn, nhìn xa như những ổ bánh cuộn phết mật. Tôi hỏi họ “tại sao lại sống ở Venice nhỏ bé mưa rất buồn và nắng thì hiếm hoi?”. Họ nhìn nhau mỉm cười: “Vì ở đây khiến chúng tôi yêu nhau hơn.”
Em vẫn thường hay nói chuyện với bác Luciano bằng vốn tiếng Ý cỏn con của m ình. Ông già tóc dài như nghệ sĩ, trắng muốt, đến ngồi bên hông quán cà phê mỗi tuần 3 lần. Ông độc thân, khắc khổ, lúc nào cũng bắt đầu chương trình bằng bản Serenade và kết thúc bằng âm điệu rộn rã của Moliendo Café. Tôi rất thích nhìn em và bác Luciano nói chuyện. Cuộc đối thoại giữa họ luôn luôn bắt đầu bằng những câu tiếng Ý ngắn gọn và suôn sẻ, tiếp đó ông già nói gì đó thật dài, em cười ngơ ngác. Ông ấy hỏi: “Comprendi?” – “No, non comprendo”… Và thế là đoạn hội thoại tay chân bắt đầu. Có một điều đặc biệt là cả hai đều kiên nhẫn một cách kỳ lạ. Họ có thể hiểu nhau như thế!
- Anh hay nhìn trộm em lắm à?
- Ai bảo em thế?
- Bác Luciano bảo anh cứ hay nhìn em cái kiểu… không giống anh trai của em chút nào – Em cười, mắt hay háy.
Cười.
Cá Khô của tôi hiền lắm. Những cuộc tranh luận của chúng tôi thường kết thúc bằng nụ cười của em. Em cười, có nghĩa là tôi đúng. Đơn giản như thế. Những người ở đây gọi em là “Angelica”, họ bảo em có nụ cười của một thiên thần. Mà đối với người Ý, gọi ai đó là “Angelica” thì có nghĩa là người ấy vô cùng được yêu quý. Tôi cảm thấy cực kỳ tự hào về em, thậm chí ngay cả khi người ta vỗ vai tôi và bảo: “Cậu có cô em họ thật tuyệt!”
****
Chúng tôi bắt đầu thời kỳ gấp rút chuẩn bị cho tác phẩm báo cáo. Nhưng công việc không đơn giản theo những tiến trình nhất định. Cảm hứng, đó là những gì vừa dễ tìm mà cũng vừa khó tìm nhất. Màu vẽ và cọ không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn dưới đôi bàn tay.
- Em bế tắc anh ạ! Venice lãng mạn và đẹp thế, nhưng hình như có ở tất cả trong tranh rồi.
Em đứng hàng giờ trong bảo tàng để ngắm tranh của Canizzo, của Carpaccio, của Jean Luc… ngồi thẫn thờ nghe bác Luciano chơi khúc Lubally… Và tôi thẫn thờ, ngắm em trong im lặng. Có đôi khi nghĩ lại, tôi ghét cái tình yêu kiểu nghệ sĩ của mình, có lẽ nó không hợp thời một chút nào, nó ảo tưởng và trên mây quá chăng? Nhưng lúc đó, ít ra trong tâm trí tôi em cũng là nghệ sĩ, tôi đã ước em thấu hiểu sự quan tâm đó theo cách của riêng tôi. Nhưng Venice khiến con người ta yêu theo những cách không hoàn toàn giống nhau, ngay cả khi… chúng tôi cùng có một tâm hồn nghệ sĩ. Mà chúng tôi là anh em họ cơ mà nhỉ? – Cười.
- Em gặp anh ấy ở bảo tàng anh ạ! Anh ấy bảo anh ấy thích em cười. Em… sẽ nhớ anh ấy mất
- Anh ta tốt chứ?
- Có vẻ là thế!
Venice đã dạy cho em điều em muốn. Đó là cảm giác yêu một người. Và Venice cũng đã dạy cho tôi cảm giác mất mát rất xa xôi. Tôi đã bao giờ có em, để có cảm giác em vụt bay ra xa đâu nhỉ? Từ giây phút đó, tôi đã biết thế nào là đi xe đạp ở Torcello không em, thế nào là ăn bữa tối không em, thế nào là tâm trạng ngồi nghe bác Luciano chơi nhạc một mình. Nhạt nhẽo. Thật sự nhạt nhẽo!
- Anh nghĩ là anh ấy có cảm giác như em chứ?
- Anh không biết. Em thử hỏi thẳng anh ta xem.
- Không đâu – Má em đỏ bừng.
- Em… yêu anh ta thật chứ?
Cười.
Chưa bao giờ tôi không mong chờ nụ cười này của em đến thế! Em cười, có nghĩa là tôi đúng…
- Hôm nay bọn em đến Ponticello dei Sighs anh ạ! Anh ấy bảo ở đây nên nói những điều hạnh phúc. Anh ấy đang mong chờ một điều hạnh phúc để thả xuống cầu ngày hôm nay. Anh ấy nhờ em giúp… – Em hào hứng kể. Tôi thấy những tia cười nhảy múa trong mắt em.
- Rồi sao? Anh ta đã hỏi em chứ?
- Vâng ạ! – em níu tay tôi – Anh ơi, em đã là của một người…
Nếu ai đó có thể hiểu… nếu mây, gió, khoảng trời kia, và Venice có thể hiểu…
Trái Đất vẫn quay, và chúng tôi vẫn là anh em họ.
Venice vẫn đẹp, và chúng tôi vẫn là anh em họ.
Con đường dài bất tận, và cho đến cuối con đường chúng tôi vẫn là anh em họ.
- Anh ước giá như chúng ta là người Trung Quốc.
Em tròn xoe mắt.
- Khi em buồn, anh ta giúp em vui hơn chứ, Cá
- Anh ấy ôm em vào lòng và bảo rằng đừng buồn vì em có anh ấy mà. Nhưng tại sao lại là người Trung Quốc hả anh?
- Anh ấy giúp em có cảm hứng cho bài tốt nghiệp đấy ah?
- Vâng ạ, anh ấy khiến em biết tình yêu ở Venice. Tại sao lại là người Trung Quốc? – em nhíu mày –
- Anh ta biết em thích được mua xoài dầm khi em ốm chứ?
- Biết ạ, nhưng em hết thích rồi, anh ấy bảo không tốt khi ốm. Anh vẫn chưa trả lời mà. Tại sao lại là người Trung Quốc?
Tôi trầm ngâm…
- Người Trung Quốc, anh em họ được phép yêu nhau…
Em nhìn tôi không chớp mắt… Đôi mắt ấy long lanh lắm, hàng mi ấy dường như sắp cụp xuống, khiến thằng đàn ông trong tôi, thậm chí là một thằng nghệ sĩ không thực tế chuẩn bị quay cuồng…
- Anh đùa – Tôi cười vang… nhưng có cảm giác đó giống một tiếng nấc dài hơn… – Anh ta đúng là của em đấy. Nếu mà em không giữ cho tốt, thì anh sẽ đánh đòn em.
- Anh thật là… – Em lại cười, em cười hạnh phúc.
- Có những người yêu em thế kia mà, phải không em?
Venice dạy cho người ta biết yêu, biết yêu nhau hơn, và biết yêu nhau mãi bằng nhiều cách khác nhau…
Chấm. À không. Chấm cảm chứ nhỉ!