"Một linh hồn khép kín tự trăm năm
Đừng cúi nhặt sẽ đau lòng biển cả
Đừng lăn đi mất dấu chỗ tôi nằm "
(Thơ T.T.Đ)
Thỉnh thoảng, khi ngồi ngắm mấy hòn đá nhỏ đặt bên cạnh hồ cá trước sân nhà, mẹ tôi lại tủm tỉm nhắc lại một kỷ niệm vui ngày mới về làm dâu. Vốn tính gọn gàng, và ưa chăm sóc vườn cảnh, mới về mấy ngày mẹ đã ra tay sắp xếp lại cái hồ cá bằng xi măng be bé vốn để không từ lâu lắm, xin mấy con cá vàng, cá bảy màu về thả, gom mấy chậu hoa vứt lỏng chỏng khắp nơi, bày thêm mấy hòn đá nhỏ đủ màu để bài trí thành một góc vườn rất đẹp.
Đến chiều, khi mẹ đang lui cui nấu cơm sau bếp thì nghe ông Nội vừa đi rẫy về hét ầm lên từ ngoài sân: " Trời ơi, đứa mô lấy mấy cục đá... kỳ lưng của tau ra vứt ở đây rứa bây?".
Thì ra... mẹ cứ tưởng ai đó bày mấy cục đá trong nhà tắm cho có vẻ thiên nhiên, nhưng mẹ thấy đặt ở đó hình như chúng trơ trọi và ít được chăm sóc quá nên hí hửng đem ra vườn cho đúng chỗ! Nghe mẹ tái xanh mặt ấp úng giải thích, cả nhà bò ra cười, còn mẹ thì tấm tức khóc vì vừa sợ ông Nội vừa... quê!
Cho đến giờ, mẹ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao người ta lại có thể dùng những viên đá đẹp như vậy chỉ để... kỳ lưng cho được. Một cách cực đoan, bà cho rằng, đó quả là một sự xúc phạm đến thiên nhiên! Những viên đá đó, nếu tình cờ bắt gặp trên đường, bên bờ suối, ngoài bãi biển, mẹ đều nâng nIU nhặt về đặt lên thành cửa sổ hay trên bàn học. Và khi chúng trở nên quá nhiều, mẹ cặm cụi xếp thành đống dọc theo bờ rào.
Thật ra, mẹ chỉ nhặt những hòn đá lẻ loi đâu đó, tập trung về một chỗ cho chúng có bạn. Đôi khi, lăn lóc bên đường đó, nhưng chúng đã nhìn thấy bao cuộc đổi dời. Khi có chuyện buồn, mẹ thường ra hiên ngồi ngắm cây và ngắm đá! Mẹ nói, nhìn vào đó có thể thấy quá khứ, vị lai của con người, và rồi thấy lòng nhẹ như tơ. Có lúc, tôi đùa rằng: "Người Nhật vẫn luyện tâm thiền bằng cách ngắm "đá mọc". Còn mẹ, ngắm đá mấy chục năm rồi, mẹ đã bao giờ thấy đá nở hoa chưa?" Mẹ nghiêm mặt. "Thiên nhiên có đời sống riêng của nó. Đơn giản và lặng lẽ thôi nhưng có thể dạy cho con người nhiều lắm đấy! Mẹ không biết đá có nở hoa không, nhưng mẹ biết là khi con thấy trái tim và trí tưởng tượng của mình không nở hoa được nữa thì khi ấy con đích thị chỉ là một viên đá mà thôi!"
Hôm nọ, tôi đến thăm "gia trang" mới lập của một người quen ở quận 12, vừa bước qua khỏi cánh cổng gỗ kiểu xưa đã thấy sừng sững một cột đá cao ngất... Chủ nhà kể, vẻ tự hào, khối đá ấy được mua tận Ninh Bình, tiền thuê xe chở vào, tiền thuê xe cẩu để cẩu viên đá qua khỏi cổng vào trong sân còn nhiều gấp mấy lần giá trị khối đá ấy! Nhưng đã chơi thì... phải cỡ đó mới sướng! Bây giờ, chơi đá cũng là một thú chơi sang. Từ những hòn nhỏ, đến những cột lớn nặng cả tấn. Từ những viên đá vân màu, được bào nhẵn, trơn tru từ nghìn năm dưới lòng suối cho đến những viên đá vừa được chẻ ra từ vách núi còn nóng hổi. Từ những viên đá có hình dạng kỳ thú, đến những khối đá xù xì mộc mạc. Theo một trào lưu mới, đá bắt đầu tiến từ chốn hoang sơ về nơi đô thị.
Tôi về kể mẹ nghe, có ý so sánh với mấy viên đá nhỏ mẹ nhặt ngoài vườn, mẹ tôi mỉm cười: "Chiếm hữu thiên nhiên vốn là tham vọng của con người, và tham vọng đó chỉ có ngày càng lớn hơn chứ chẳng bao giờ nhỏ đi cả!"
Càng ngày con người càng thấy thiếu thiên nhiên. Và người ta cố đưa một chút thiên nhiên vào nhà để cân bằng lại cuộc sống công nghiệp bề bộn máy móc và kỹ thuật. Trong vườn nhà phải có "cỏ cây chen đá, lá chen hoa", rồi phải có ao sen, hồ cá. Bởi vậy mà đá cũng đang "mọc" trong rất nhiều khu vườn, bên cạnh ao hồ và cây xanh. Mẹ tôi chỉ tự hỏi, người ta chơi đá như một cách đến gần với thiên nhiên hay một cách chiếm hữu nó? Bà cho rằng, sẽ vô duyên làm sao, nếu như những viên đá đặt trong vườn kia chỉ để trang điểm phô trương, chứ không phải để gợi nhớ đến con sông ngọn suối, không tưởng nhớ đến núi cao rừng sâu... Lãng phí làm sao, nếu ta không bao giờ chịu bỏ chút thời gian quý giá để ngồi ngắm đá "mọc" trong vườn, và để nhận ra rằng lòng mình vẫn nở hoa....