Người thương ơi
Mùa xuân cạn rồi
Bếp lửa tro tàn
Tình ta còn ấm không?
(Thủy Vũ)
Trong đầu óc lũ trẻ nhà quê, bếp chưa bao giờ là một nơi đẹp đẽ. Có gì mà đẹp, nhà nghèo, bếp thường chỉ là một chái nhỏ sau nhà, nền đất, vách đất, nằm cuối chiều gió thổi để khói bếp không bay lên nhà trên.
Bếp thường đắp bằng đất sét, trông như một ụ mối nhỏ, trổ hai hoặc ba cửa, có gắn một cái kiềng trên miệng. Phía trên là một giàn tre treo lủng lẳng nào hành, tỏi, bắp khô, bên cạnh là một cái kệ thấp úp nồi niêu xoong chảo. Trên bức vách bám bồ hóng đen xì còn treo cả cặp gióng gánh! Một căn bếp dù sạch sẽ đến mấy cũng lỉnh kỉnh đồ đạc: chày cối, thúng mủng, một nhúm rơm, một thau trấu, mấy thanh củi, một ống thổi lửa và một que cời ...
Ấy vậy mà mỗi chiều đi học về, nơi đầu tiên bọn trẻ bước vào là bếp. Ở đó luôn có hơi ấm của nhấm trấu. Buổi sáng nấu nướng xong, mẹ không bao giờ quên đổ một mớ trấu, dằn lại để âm ỉ. Chiều về chỉ cần bới lớp trấu trên mặt, lấy ống thổi nhẹ là lửa cháy. Ở đó luôn còn bắc trên bếp một nồi khoai nóng hổi tùy mùa, khoai lang, khoai mì, khoai dong trồng sau vườn hay bắp luộc, đậu phộng tươi vừa nhổ ngoài ruộng về... Ở đó, luôn có mùi thơm của rơm khô. Cuối mỗi mùa lúa, ba luôn cẩn thận phơi rơm cho thật khô, rồi "xây" quanh một cây cột thành đụn lớn ở góc vườn, dành riêng cho mẹ đun bếp. Rơm khô bắt lửa rất nhanh, cháy rừng rực và mau chóng lụi tàn. Nhưng làn khói từ lửa rơm toả ra khắp vườn bao giờ cũng có một mùi thơm đặc biệt, mùi thơm của nắng vàng và của mùa lúa chín còn sót lại.
Nhớ nhất là những buổi sáng cuối năm. Gió ngoài vườn thổi u u lạnh lẽo, trời còn tối đen, nhưng mẹ vẫn dậy sớm xuống bếp nhóm lửa. Lũ trẻ con nằm ngủ say trong chăn ấm, hễ nghe tiếng mẹ thổi lửa là bật dậy. Tiếng thổi lửa đặc biệt lắm, chỉ là một làn hơi dài đi qua cái ống nhỏ, một tiếng "phù" đùng đục, tròn trịa và rất nhẹ, nhưng luôn là âm thanh đánh thức lũ trẻ mỗi sáng. Chúng nhẹ nhàng chui ra khỏi chăn, xỏ chân vào dép và đi xuống bếp. Mùi khói toả ra thơm nồng nàn, làm ấm căn bếp nhỏ. Ánh lửa bập bùng soi mắt mẹ cười hiền : "Ăn sáng đi con!". Ngồi thu mình bên bếp lửa ấm, ăn một chén cơm nóng chan nước mắm và mỡ đông. Vậy mà thấy ngon không tưởng nổi...
Con gái lớn lên một chút, ngày thật sự bắt đầu làm bếp được đánh dấu bởi một buổi chiều ràn rụa nước mắt vì không biết thổi lửa. Khi củi chưa kịp cháy đượm, càng thổi mạnh thì lửa càng lụi đi. Mẹ bảo, phải thổi nhẹ thôi, như thổi sáo vậy, chỉ một làn hơi mỏng! Lửa bếp đó mà, gió nhẹ thì bùng cháy, nhưng gió mạnh thì tắt mất thôi! Giữ lửa là cả một nghệ thuật đấy, con ạ!
Những điều đó, sau này cô gái lớn lên rồi mới hiểu. Nhất là khi bắt gặp hoài một tiểu tiết trong các bộ phim trinh thám: "Lửa còn chưa tắt, (tức là) người vẫn ở quanh đây!".
"Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp", nhưng cái vắng vẻ của căn nhà không thể sánh nổi với một gian bếp lạnh lẽo. Nhất là bếp quê, cánh cửa xập xệ, bụi phủ đầy trên đồ vật, và trong bếp chỉ là một nắm tro tàn lạnh ngắt. Không có khói bếp, là không có hơi ấm của lửa, một căn nhà nhìn từ bên ngoài không bao giờ thấy khói, là một căn nhà thiếu bóng dáng của người mẹ, người vợ. Làn khói mỏng manh vậy đó, mà bao hàm ý nghĩa lớn lao của sự sống, của hạnh phúc gia đình.
Từ đó mà đi, người đàn ông mơ về gian bếp ấm như mơ về hạnh phúc "giá là em, bên kia bếp lửa. Để cùng mơ êm ấm mái gia đình". Bởi từ đó mà đi, thể hiện nữ tính cao nhất của người phụ nữ sau giấc mơ làm mẹ chính là giấc mơ làm bếp. Sau khi kết hôn, ước được ra riêng cũng bởi mong có được một gian bếp của riêng mình. Mỗi người phụ nữ đều là nữ hoàng trong gian bếp riêng. Thế rồi, đến khi có bếp riêng, với đầy đủ những tiện nghi... không khói, thì lạ thay, thỉnh thoảng lại có người mơ về gian bếp quê nghèo nàn, chật chội, nhưng nồng ấm mùi rơm thơm trong làn khói lam chiều.