Hôm Nay Tóc Tôi Màu Vàng Phần 1


Phần 1
Tôi quay người, phóng càng nhanh càng tốt về cái thế giới cô đơn của mình, cái thế giới mà ngày càng trở nên đơn côi hơn.

 

Thứ Năm ngày 17 tháng Hai năm 2005

“Thật tiếc”, tôi nói vậy khi trông thấy mớ tóc trên sàn gỗ đằng sau mình. “Mọi việc diễn ra quá nhanh.”

Cô chủ tiệm nhìn tôi trong gương. Tôi có mang theo một vài tấm hình để chỉ cho cô ấy thấy tôi thích kiểu tóc nào nhất.

Đó là những tấm hình Martijn chụp cho tôi ba tuần trước khi tôi vẫn còn tóc. Kể từ khi những tế bào tóc trên đầu tôi thất bại trong cuộc chiến chống lại phương pháp hóa trị, tôi thấy cô gái trong những tấm hình đó ngày càng ít giống mình hơn. Những mớ tóc giả được đặt trên bàn giữa một quyển catalogue và một chùm tóc mái màu vàng mà cô chủ tiệm mang tới cho tôi thử. Hay một kiểu tóc như thế này? Chắc chắn là không. Tất cả những kiểu tóc này làm tôi trông giống như một người chuyển giới. Khi cô chủ tiệm thò tay với mớ tóc giả dài màu đen, tôi chợt nghĩ tới những tay ghi ta trong ban nhạc Guns N’ Roses, chỉ có điều là cái mớ lùng bùng kia sẽ được đặt lên đầu tôi. Thật kinh khủng!

Cửa hàng tóc giả nằm ở tầng dưới cùng của Trung tâm Y học hàn lâm Amsterdam, còn phòng thử nằm trên tầng một. Rất tiện lợi cho những bệnh nhân khoa Ung thư, họ có thể đến thẳng đó sau khi được truyền nước. Ngồi cạnh tôi là mẹ, chị gái và Annabel - cô bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi cảm thấy lo lắng và tất cả đều im lặng. Annabel vớ lấy một mớ tóc giả rồi đội thử lên đầu mình, sự căng thẳng dường như biến mất. Cô ấy trông thật khó tả, điều đó làm tất cả chúng tôi phải bật cười.

Tôi ngắm mái tóc đen buộc cao của chị gái mình. Chị ấy trông thật tuyệt. Cũng giống tôi, chị ấy thích buộc tóc cao gọn sau gáy và chỉ để một lọn ở phía trước. Tôi quan sát tiếp mái tóc đen dày của Annabel, quay lại mái tóc óng ả của chị gái, rồi ngắm sang mái tóc ngắn của mẹ và cuối cùng là đám tóc lơ thơ chưa kịp rụng trên đầu tôi.

Ba tuần vừa rồi trôi qua như tên bắn và tôi vẫn chưa kịp hiểu mình ở đây làm gì. Tôi ở đây làm gì?

Tôi muốn đi khỏi đây, tôi muốn náu mình trong sự chở che của bốn bức tường nhà mình. Không chỉ náu mình trước bệnh tật mà còn trước phản ứng của những người khác, bởi họ chỉ khẳng định cái điều mà tôi muốn quên. Hàng xóm nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Người bán rau cho tôi thêm một túi rau quả nhiều vitamin vào giỏ hàng. Những người bạn ôm tôi thật chặt vào lòng họ. Những thành viên trong gia đình, họ khóc cùng tôi. Tôi nhìn vào gương với đôi mắt đẫm lệ và để cô chủ tiệm thử những kiểu tóc mới cho mình. Đôi môi mọng của tôi giờ chỉ còn là một đường kẻ đáng sợ chạy qua phần dưới khuôn mặt. Cô chủ tiệm thử tóc cho tôi càng lâu thì cái đường kẻ đó càng trở nên mỏng manh hơn còn tôi càng trở nên tuyệt vọng hơn. Trông tôi thật tệ hại. Trong gương tôi không còn là chính mình nữa.

Cuối cùng tôi cũng rời khỏi bàn làm tóc với một kiểu đầu bà già hoàn toàn không hợp với mình. Mớ tóc trên đầu tôi trông xấu tệ hại và lại còn ngứa nữa. Đây không còn là Sophie nữa, không một chút nào hết. Đó là một phụ nữ trung niên cứng nhắc và buồn tẻ đến từ một nơi cũng buồn tẻ và cứng nhắc không kém như Wassenaar.

Cô chủ tiệm động viên tôi bằng giọng nói đầy vỗ về an ủi. Chúng tôi rời phòng thử xuống tầng dưới bằng thang máy. “Cháu sẽ quen dần với việc đó. Đây không phải chuyện ngày một ngày hai. Cố gắng đùa giỡn với nó một chút nhé. Trong hai tuần cháu sẽ lại là chính mình.”

Vâng vâng. Lại là chính mình. Chính mình - một bà trung niên cứng nhắc? Hay chính mình là Stella?

Tôi quay lại phía mẹ và thấy đôi mắt bà đã ướt đẫm từ lúc nào.

Cô chủ tiệm đã làm ở đây được hai mươi năm và là một trong ít người có những mẫu tóc rất thời trang này từ Nhật Bản và Trung Quốc. “Ở những nước đó người ta làm ra nhiều mẫu tóc rất đẹp và thời trang, rất hợp với một cô gái trẻ như cháu.”

Tôi nhìn mình một lần nữa trong gương thang máy nhưng không thể tìm thấy từ “thời trang” và “trẻ” ở đâu hết. Tôi chỉ thấy một con chuột xám với mớ tóc giả trên đầu.

Đã hai tháng nay tôi phải ra ra vào vào cái bệnh viện này kể từ lần tôi bị “hạ cánh” xuống khoa điều trị của bác sĩ K. Đó là ngày thứ Năm, đầu tháng Giêng. Một ngày bình thường như bao ngày khác bởi tôi vẫn chưa biết có cả một khối u đang bám vào phổi mình. Nói một cách chính xác hơn là chúng bám vào màng phổi hay tên khoa học là Pleura.

Sau nhiều cuộc hẹn với nhiều bác sĩ khác nhau và hai lần hội chẩn khẩn cấp, giờ tôi lại thấy mình đang nằm chờ trong một khoa điều trị khác. Chờ một bác sĩ mới, những cô y tá mới và một quyển bệnh án mới.

Rồi vị bác sĩ mới trong bộ bờ lu trắng cũng đã tới. Đầu tiên ông ta khám rồi sau đó tỏ lòng thương hại trước chẩn đoán tồi tệ của tôi. Ông bước vào phòng đăng ký trong khoa của mình, mở bệnh án của tôi rồi gọi: “Cô Van der Stap”, đồng thời đưa mắt nhìn khắp phòng rồi lặng lẽ nhìn tôi. Một con nhóc, chắc hẳn trước đó ông ta đã nghĩ vậy về tôi. Còn trước mắt tôi hiện ra một khuôn mặt đẹp, trạc ngoài bốn mươi tuổi, một bộ bờ lu trắng. Tôi được ở lại khu khám bệnh của ông đúng một tuần nhưng cái nhìn đầu tiên ấy đối với tôi cũng là quá đủ rồi.

Dường như được hồi sinh nhờ vị bác sĩ mới, tôi thong thả bước vào căn phòng trắng toát của ông. Ơn Chúa, đây là thế giới của đàn ông.

Bệnh viện là nơi lý tưởng để tôi quên đi nỗi cô đơn về mặt thể xác của mình. Vị bác sĩ này thật dễ chịu khiến tôi ngạc nhiên sau bao nhiêu vị vô duyên mà tôi gặp trước đó. Đã hai tháng nay tôi thường xuyên được chuyển vào bệnh viện Onze Lieve Vrouwe Gasthuis, từ khoa điều trị này tới khoa điều trị khác. Từ trên xuống dưới, từ đằng trước ra đằng sau. Đi đi về về. Tám trợ lý, hai bác sĩ phụ khoa, một bác sĩ phổi và ba lần trị liệu bằng kháng sinh. Tất cả đều không đem lại kết quả nào.

Bệnh tật của tôi vẫn y hệt như ngày đầu: thỉnh thoảng lại nhói đau đâu đó, một lá phổi bị sưng huyết, trọng lượng giảm thêm vài cân. Thêm vào đó là một khuôn mặt vô cùng nhợt nhạt. Trong lúc tôi vừa phải thuật lại dữ liệu về mình lần thứ bảy trăm sáu mươi tám - ở những khoa mà máy móc hoành tráng làm nên điều kỳ diệu như thế này người ta vẫn chưa tậu được bộ máy tính xử lý dữ liệu trung tâm - tôi vừa chăm chú quan sát vị bác sĩ mới của mình. Trên tấm biển đề tên là dòng chữ: BÁC SĨ K. KHOA PHỔI. Tôi đoán ông mới khoảng ngoài bốn mươi. Lịch lãm, điển trai, thông minh. Một anh chàng đào hoa hay một người đàn ông hạnh phúc bên tổ ấm của mình? Hay là cả hai? Vấn đề này tôi sẽ lên mạng xác minh sau, tôi nghĩ. Bộ bờ lu trắng che đi được nhiều thứ nhưng đôi giày thì không. Một đôi giày da đen, có đường viền. Không phải dấu hiệu xấu mà cũng chẳng tốt. Nhưng nhận định của tôi là so với tầm tuổi này thì đó là một dấu hiệu tốt nhiều hơn xấu. Quanh cổ bác sĩ là chiếc ống nghe.

Tôi được yêu cầu nằm lên bàn của bác sĩ và phải kéo cao chiếc áo phông, tuy nhiên chiếc áo ngực màu đen đang mặc thì được phép tại vị.

Vị bác sĩ đặt chiếc ống nghe lạnh lẽo vào ngực tôi trước, sau đó là vào sống lưng đang run lẩy bẩy.

Ông nghe còn tôi thở.

Tôi thở trong khi ông nghe.

Tôi nghe, ông là người thở.

“Có điều gì đó không ổn”, ông nói. Tuy nhiên những lời nói đầy tuyệt vọng đó thực sự không làm tôi thấy sợ hãi. Thậm chí tôi còn cảm thấy nhẹ nhõm bởi có gì đó không ổn với cơ thể tôi, đó là điều tôi đã nghĩ từ trước. Sự mệt mỏi, khó thở, đôi gò má xanh xao, đó mới là những điều mới. Tất cả những gì tôi muốn là tìm kiếm lời giải cho vấn đề này trong hộp thuốc kia, rồi sau đó tiếp tục chữa trị như tôi vẫn làm từ trước đến nay. Tôi được chỉ định đi làm xét nghiệm, vậy là vẫn chưa được phép về nhà. Đầu tiên là đi chụp X-quang ở tầng một, sau đó lại phải quay lại. Cầm quyển bệnh án mới trên tay tôi ngoan ngoãn rời khỏi phòng. Bệnh viện đối với tôi vẫn còn là một cuộc phiêu lưu với những người đàn ông điển trai, ân cần và hơi độc đoán. Còn giờ, giờ tôi phải đi đâu?

Quay trở lại với bác sĩ K cùng kết quả chiếu chụp phổi. Tôi lại nằm trên một chiếc bàn. Nhưng lần này là trong phòng điều trị ở tòa nhà bên cạnh. PHÒNG NỘI SOI VÀ XÉT NGHIỆM CHỨC NĂNG PHỔI là những gì tôi đọc được khi bước vào.

“Những bức ảnh này trông không khả quan lắm”, bác sĩ K nói. “Lá phổi phải của cháu có chứa dịch lỏng và phải hút chúng ra.”

“Hút ra ạ?”

“Đúng, hút ra bằng một ống dẫn lưu được gắn vào lưng cháu.”

Tôi nuốt nước miếng. Tôi không biết ống dẫn lưu là cái thứ gì song nghe bị gắn một thứ gì đó vào lưng có vẻ chẳng hay ho lắm.

Tôi lại phải kéo cao chiếc áo phông một lần nữa, và lần này thậm chí còn phải cởi hẳn ra. Khởi đầu tốt đẹp đây, tôi nghĩ vậy. Cả chiếc áo ngực của tôi cũng bị tháo khuy. Lưng và ngực tôi bắt đầu nổi đầy gai ốc, tôi nhìn chằm chằm chiếc kim to đùng dài ngoằng mà bác sĩ K, cô y tá - người tôi nghĩ chắn hẳn là đồng tính - và Floris, một thực tập sinh, đang chăm chú soi xét. Hay nói cách khác: có tới cả sáu con mắt đang đổ dồn về phía đôi gò bồng đảo của tôi. Hoặc cũng có thể họ chỉ nhìn vào chiếc kim sẽ xuyên qua lưng tới lá phổi phải của tôi? Rõ ràng trông Floris cũng không ít lo lắng hơn tôi. Cậu ta đứng cách ra một khoảng nhất định, làm theo những yêu cầu của bác sĩ K và vất vả sử dụng những y cụ của thầy mình.

Trong khi đó cô y tá giải thích cho tôi điều gì sẽ diễn ra ngay sau đó và lý do vì sao các bác sĩ nhận thấy tầm quan trọng của việc phải đục một lỗ tới lá phổi của tôi: “Trên những tấm hình này có thể quan sát thấy khoảng ba phần tư lít chất lỏng tụ giữa màng phổi và lá phổi của cháu, chúng tôi sẽ dùng ống dẫn lưu để hút chúng ra.”

“À!”

“Nếu có mủ vàng chảy ra từ ống dẫn lưu thì đó chẳng phải dấu hiệu tốt đẹp gì”, cô tiếp tục. “Như thế nghĩa là có viêm nhiễm ở đâu đó.”

“À.”

Cô y tá đã rất chú tâm tới liều lượng thuốc mê sẽ tiêm cho tôi, song đáng tiếc sự chú tâm đó vẫn chưa đủ bởi tôi vẫn cảm thấy chiếc kim kia chọc qua lưng vào trong người tôi như thế nào. Đau quá! Bác sĩ K lập tức có mặt với thuốc giảm đau và cầm lấy chiếc kim từ tay đồng nghiệp. Chất lỏng được hút ra bằng một chiếc ống dài và trong suốt. Màu của nó không vàng song theo nhận định sau đó thì nó cũng không ổn chút nào.

Tôi được đưa trở lại khoa điều trị của bác sĩ K. Ông xin số điện thoại của tôi. Tất nhiên là tôi rất sẵn sàng cho.

Ngay tối hôm sau ông đã gọi cho tôi. “Việc điều trị của cháu vẫn còn nhiều rối rắm. Tôi muốn cháu nhập viện một tuần để chúng tôi có thể tiến hành các cuộc xét nghiệm khác. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng chụp nội soi.”

“Chụp nội... gì cơ ạ?”

“Chúng tôi sẽ phải rạch trên lưng cháu một đường dài khoảng 2 xăng ti mét để đưa vào lưng cháu một máy chụp siêu nhỏ, đồng thời lấy ra một ít mô.”

“Ồ... thôi được, nếu việc đó là bắt buộc...” Tôi đặt máy xuống vẻ rất kiên cường, song ngay sau đó những giọt nước mắt đầu tiên lã chã tuôn rơi vì cuộc phiêu lưu mới sắp tới, cuộc phiêu lưu lạ thường mà tôi bị đẩy vào. Tôi run lẩy bẩy và lần đầu tiên tôi cảm thấy sợ hãi thực sự. Sợ hãi cho thân thể mình. Sợ hãi cho cuộc sống của mình.

“Chẳng qua là bác sĩ muốn con lúc nào cũng ở gần ông ấy thôi”, tôi đùa bố mẹ mình rồi lấy tay lau nước mắt. Tôi nằm ở đó, trong căn phòng sơn trắng, trên chiếc giường phủ ga trắng, trong bộ đồ ngủ màu trắng và giữa hai cô y tá cũng mặc đồ trắng. Một ống dẫn được đặt trong mũi, một ống bơm khí màng phổi - di chứng từ lần chụp nội soi, một túi chất lỏng đầy bọt phía trên đầu tôi. Đó là tất cả trừ hai từ dễ chịu. Hồi hộp, giọng văn hay, trầm lặng, buồn bã. Cuối cùng tôi cũng đọc xong cuốn truyện đó. Bác sĩ K, người từ giờ đóng một vai trò quan trọng trong trí tưởng tượng của tôi, ngày nào cũng tới hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi và Anna Karenina. Còn tôi thì nghĩ mình lúc nào cũng khỏe hơn cô ấy.

Một tuần sau tôi ngồi cùng bố trong một căn phòng của khoa điều trị mà tôi đã trở nên nhẵn mặt, đối diện chúng tôi là một kẻ vụng về ngoại hạng. Bác sĩ K đi dự hội nghị nào đó một tuần. Hôm đó là thứ Tư, ngày 26 tháng Giêng năm 2005. Ở nhà sâm banh đã được ướp lạnh. Chúng tôi tin rằng tôi bị nhiễm khuẩn gì đó, trường hợp tệ nhất có thể là một loại nấm mà tôi rước vào người trong chuyến đi xuyên Ấn Độ và Iran. Không loại trừ khả năng đó là một loại sacôm, u ác tính, hiếm gặp, song như sau này tôi được biết thì khả năng đó rất ít khi xảy ra. Đó chắc chắn là nằm ngoài kế hoạch của tôi. Ngày đó tôi còn cảm thấy phấn chấn trước sự xuất hiện của một bác sĩ mới.

“Chúng tôi đã có kết quả từ phòng thí nghiệm. Một tin không tốt. Cháu bị ung thư.” Người đồng nghiệp khá cộc lốc của vị bác sĩ mà tôi yêu quý ngồi khoanh tay trên bàn làm việc của bác sĩ K.

Tôi ngồi đó, miệng há hốc.

Tôi nằm lăn ra đất khóc lóc.

Tôi thu mình dưới gầm bàn làm việc vì choáng váng.

Không thể nào lại là sự thật. Nhưng đồng thời nó lại là một sự thật hiển nhiên. Bố tôi người cứng đờ, vì tôi mà cố gắng giữ để nước mắt không chảy ra. Trong tôi vẫn còn hiện rõ cảnh tôi nhìn ông và nghĩ: Mẹ vừa mới trải qua một đợt hóa liệu. Cả bố và mẹ đều đã phải chịu đựng nhiều. Vậy mà giờ đây mình lại ở trong tình cảnh này.

Mẹ tôi trải qua đợt hóa trị cuối cùng mới chỉ vài tháng trước tại đây, chỉ cách căn phòng tôi đang ở có một hành lang và một tầng cầu thang, căn phòng mà nó vừa đổ ụp xuống đầu tôi với tất cả sức mạnh của mình. Giờ thì mẹ tôi đã khỏe trở lại và đôi gò bồng đảo của bà vẫn được phép nằm lại trên ngực.

Cuối cùng tôi cũng đứng dậy, tôi giấu mình trong chiếc măng tô dày uỵch và chỉ muốn một điều duy nhất là đi khỏi đây. Tôi mặc áo măng tô bởi lúc đó là tháng Giêng và trời rất lạnh. Lạnh lẽo như ở bệnh viện Onze Lieve Vrouwe Gasthuis. Lạnh lẽo như quãng đường từ khoa phổi đến khoa ung thư. Sau giọt nước mắt thứ chín trăm chín mươi chín tôi cuộn mình vào chiếc măng tô ấm áp và bước chân đi một cách hoài nghi. Bên ngoài trời ngày càng lạnh hơn. Tôi phải chạy trốn, tôi ước giá như có thể quay ngược lại được những phút vừa trôi qua trong cuộc đời mình. Cơn ác mộng này chỉ có tôi và bố chứng kiến. Cho đến nay chưa bao giờ xảy ra với bất kỳ người thân nào quanh chúng tôi. Có thể chính vì vậy mà mọi chuyện đối với tôi trở nên thật siêu thực, đồng thời cũng đầy đau đớn và khiến tôi quá đỗi cô đơn. Bác sĩ hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi chỉ biết một điều: tôi phải đi khỏi đây. Đi khỏi đây có nghĩa là quay trở lại cuộc sống trước kia của mình.

Lẽ ra tuần sau đó tôi phải quay lại giảng đường. Ngày hôm ấy, tại căn phòng đó thế giới của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Chỉ thế giới của tôi thôi. Các sinh viên khác vẫn sẽ tiếp tục vội vã đến giảng đường cho đúng giờ, một tay cầm ly cà phê mua ở máy tự động, còn tay kia hoặc là bữa sáng, hoặc là một tờ báo mới. Không chỉ sinh viên, kể cả những người mặc bờ lu trắng, những người mà giờ đây đối với tôi họ trở nên thật kinh khủng và đáng sợ, cũng vội vã chạy khỏi tầm quan sát của tôi để lao đầu vào những công việc quan trọng của họ. Chỉ thế giới của tôi là ngừng tiếp diễn, và càng ngày nó càng là của riêng tôi hơn.

Mười lăm phút sau tôi được chuyển tiếp tới khoa điều trị cho bệnh nhân ung thư. Tại đây, các y tá khẳng định lại điều tôi được nghe lúc trước và sự thật càng lúc càng trở nên rõ mồn một hơn. Một sự thật ráo hoảnh như việc sản xuất bánh ô tô. Từ cuộc nói chuyện đó những từ duy nhất còn đọng lại trong tôi là mấy từ đầu tiên tôi nghe thấy: “khó điều trị”, “hiếm gặp”, “di căn nhanh”. Từ gan có thể lan nhanh sang phổi.

Đó là một cú đòn đau. Không hay rồi, tôi nghĩ. Không hay chút nào hết. Câu cuối cùng của bác sĩ: “Riêng việc cắt bỏ khối u cũng đã là một thử thách lớn. Tuy nhiên làm thế nào để nó không phát triển trở lại mới là thử thách thực sự.”

Lại thêm một đòn nữa.

Vậy là, tôi sẽ phải chết? Suy nghĩ đó cứ lởn vởn vởn trong đầu tôi. Tôi nghiêng đầu nhìn xuống nơi nền nhà và tường gặp nhau.

Đòn tiếp theo giáng xuống: “Nếu chúng tôi có thể giúp cháu được gì đó thì...”

Nếu. Bác sĩ lại “Nếu”. Đúng, vậy là tôi sẽ phải chết. Tôi phải làm gì với cuộc sống của mình bây giờ?

Rồi lại thêm những đòn đau nữa giáng xuống: “Năm mươi tư tuần... hóa trị... chụp X-quang xương... Nếu... Nếu... Nếu...”

Tôi phải rời khỏi đây, tôi không thể nghe hoặc nói thêm một từ nào về tình trạng các tế bào hay tủy sống của mình được nữa. Tôi lao ra ngoài.

Bố ở lại nghe nốt và kết thúc cuộc nói chuyện.

Chúng tôi lập tức được đưa đến phòng chụp tia X rồi tôi được tiêm một loại chất phóng xạ nào đó. Bố rời khỏi phòng để đi gọi điện cho mẹ và chị gái tôi, như sau này tôi được biết. Tôi nghĩ trong đầu, tuyệt thật, bố đã không thể kìm nén được rồi. Khi bố tôi quay lại ông cố gắng giấu đôi mắt đỏ hoe của mình nhưng vô ích. Điều tồi tệ nhất trong cơn ác mộng này là một người cha phải rơi nước mắt và nghĩ không ai nhận ra điều đó. Hay một bà mẹ hằng đêm khóc than với chị gái mình trong điện thoại ngoài cầu thang và tưởng là ở đó tôi không nghe thấy bà khóc.

Mũi tiêm có tác dụng trong khoảng hai tiếng. Điều đó cho chúng tôi đủ thời gian để thay đổi không khí xung quanh và chuồn về nhà tìm chút không gian riêng cho mình.

“Không hay rồi bố ạ”, tôi nói, “không hay chút nào.” Đó là khởi đầu của một kết thúc, tôi nghĩ bụng.

“Lần mẹ con bị bệnh mọi việc ban đầu nghe cũng tiêu cực y như vậy Sophie ạ”, bố trả lời. “Năm nay sẽ là một năm thậm tệ, nhưng năm sau mọi việc sẽ trở lại quỹ đạo bình thường của nó thôi.”

“Bố nói gì cơ? Lần này đâu phải là ung thư vú như của mẹ!”

“Các bác sĩ ngày nay là vậy mà”, bố nói với giọng cương quyết.

Các ông bố ngày nay là vậy mà, tôi thầm nghĩ bụng.

Khi tôi và bố rẽ vào con phố nhà mình thì thấy chị gái tôi đang chờ trước cổng trong bộ quần áo chạy bộ. Chị tên là Saskia nhưng tôi gọi chị là Zus. Lắm lúc chúng tôi trông cực giống nhau, lắm lúc lại chẳng hề giống tí nào. Cả hai chúng tôi đều có cặp lông mày đen và đôi môi mọng, nhưng chỉ thế thôi. Thời điểm này chúng tôi không gắn bó với nhau lắm. Chúng tôi có nhiều điểm trái ngược nhau. Song bây giờ là lúc tôi cần chị ấy. Tôi run lẩy bẩy và nức nở trong vòng tay chị. “Zus, em mới có hai mươi mốt tuổi. Em bị ung thư Zus ạ và có lẽ em sẽ chết.” Chị ôm chặt lấy tôi, tôi nhận thấy chị cũng đang run lẩy bẩy. Cả hai chúng tôi vừa khóc vừa đi vào nhà.

Tôi soi mình trong gương và cố gắng tìm ở mình một điều gì đó khác lạ, không thuộc về tôi và không hợp với tôi. Tìm một loại bệnh ung thư không mời mà đến. Trong gương tôi chỉ thấy một cô gái với gương mặt xanh xao và đầy sợ sệt. Tôi không hiểu có phải tôi đã nhìn thấy chính mình? Một cô gái bị ung thư? Tôi là một cô gái bị ung thư?

Mẹ tôi đang trên đường trở về nhà bằng tàu điện từ Sloten tới ga Amsterdam. Chắc hẳn bà đã chọn một chỗ ngồi ở góc nào đó bên cửa sổ để đưa ánh mắt nhìn vào xa xăm. Hoặc có lẽ con tàu chật kín hành khách buộc bà phải đứng đâu đó, bị nêm chặt giữa những chiếc áo măng tô ướt sũng. Hay là bên ngoài mưa đã tạnh? Tôi không còn biết gì nữa ngoài bao giọt nước mắt đã nhỏ xuống vì bệnh ung thư. Bà bị ung thư và giờ đến lượt tôi. Giá như giờ tôi được ở bên cạnh mẹ để làm chỗ dựa cho bà dù mình còn chưa đứng vững nổi trên đôi chân mình. Nhưng qua cách mẹ ôm chặt lấy tôi vào lòng khi bà về tới nhà, tôi hiểu rằng bà sẽ luôn là chỗ dựa cho tôi. Tôi đang ở trong nhà vệ sinh thì nghe tiếng mẹ bước chân lên cầu thang. Tôi nhanh chóng kéo khóa quần lên và xả đống nước tiểu đầy sợ hãi đó đi. Tôi như đang bơi trong chiếc quần bò. Đột nhiên tôi vỡ lẽ ra: đó là do căn bệnh ung thư.

Đôi mắt mẹ ướt đẫm nhưng bà không khóc. “Chúng ta sẽ vượt qua được”, bà nhắc đi nhắc lại.

Người tôi run lên và tôi gật đầu.

Sau một tiếng chúng tôi phải quay lại bệnh viện để tới phòng chụp xương. Chụp xương - riêng hai từ đó thôi đã chứa đầy hiểm nguy rồi.

Cách đây chưa lâu mẹ tôi đã phải nằm dưới cái máy khổng lồ này, còn giờ tôi rón rén đặt mình xuống dưới. Bố, chị gái và lần này cả bà tôi cũng có mặt, ngồi ở tầng dưới, trong cái căng tin dở tệ của bệnh viện. Tôi phải tháo bỏ tất cả đồ nữ trang, tuy nhiên quần áo thì được giữ nguyên. Đó là một căn phòng rộng song tôi cảm thấy chiếc máy chụp còn to hơn thế. Mẹ ấn một hạt dẻ vào tay tôi để làm điềm may và không rời tôi nửa bước cho tới khi tôi thuyết phục được bà rằng tôi đã thuộc lòng câu thần chú của bà. “Không bị ở xương. Không bị ở xương. Không bị ở xương.” Hay:“Tôi sẽ không chết. Tôi sẽ không chết. Tôi sẽ không chết.”

Chụp mất khoảng hai mươi phút. Trong thời gian này tôi được ở lại một mình. Đột nhiên tôi thấy sự yên tĩnh thật dễ chịu. Thậm chí tôi còn ngủ thiếp đi và điều đó thật tuyệt. Song nó chỉ làm việc tỉnh dậy càng thêm kinh hoàng hơn.

Chúng tôi rời phòng rồi ngồi xuống ghế ở hành lang. Tại sao lại thế thì tôi cũng không biết, tuần sau mới có kết quả chụp bức xạ. Có lẽ vì chúng tôi cần một phút để nghỉ ngơi. Người trợ lý làm việc bên chiếc máy chụp phóng xạ bước ra nói mọi việc đều ổn. Tôi không hiểu, chẳng phải vị bác sĩ mới của tôi mới là người được phép đưa ra chẩn đoán? Ban đầu tôi nghĩ anh ta chỉ muốn thông báo rằng việc chiếu chụp đã diễn ra thành công. Nghĩa là “đủ độ sáng” và “thực hiện đúng cách”. May mắn thay mẹ tôi hiểu ra ngay. Sự hồi hộp hiện rõ trên gương mặt chúng tôi đã khiến anh chàng đó muốn tới báo ngay cho chúng tôi biết tin tốt đẹp đó dù là tin chưa chính thức. Anh ta phải nhắc lại tới ba lần tôi mới bắt đầu hiểu. Tôi choàng tay ôm cổ anh ta, mẹ tôi cũng làm theo. Hai người phụ nữ là tôi và mẹ để lại hai vết hôn trên hai má anh. Chúng tôi chạy vội xuống cầu thang đến nơi bố đang đợi. Ông cũng chạy tới chỗ chúng tôi từ phía cuối hành lang bên kia. Tôi lao về ông và gọi: “Bố, bố, không có gì ở xương hết. Xương của con hoàn toàn bình thường, con sẽ khỏe trở lại!” Tôi lao vào vòng tay của bố còn ông ngồi thụp xuống. Sau này ông kể lại rằng đó là khoảnh khắc hằn sâu nhất trong ký ức của ông về quãng thời gian tồi tệ này.

Tuy nhiên những cuộc xét nghiệm còn chưa kết thúc. Ngày hôm sau tôi phải tới khoa xét nghiệm tủy xương. Tôi không muốn tới bệnh viện thêm lần nào nữa, tôi ghét vị bác sĩ mới của mình, tôi ghét tất cả những gì xung quanh ông ta. Ông ta cảnh báo tôi về những cơn đau nhưng tại thời điểm đó đau đớn đối với tôi cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ông ta lấy ra một chiếc kim dài, một chiếc tô vít rồi cùng với bó đồ nghề của mình nhìn xuống hông. Tất nhiên là hông tôi. Chọc khoan hông tôi.

Vết khoan để lại một lỗ thủng nhỏ, chị y tá dán vào đó một miếng băng trắng lớn. “Xong rồi. Em khá lắm.” Đó là một chị y tá dễ thương với mái tóc ngắn giống kiểu của nam giới và đôi hoa tai bắt mắt. Ngay lập tức chúng tôi làm quen với nhau bởi chị ấy cũng biết mẹ tôi. Chị cầm lấy tay tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi run rẩy vì sợ hãi. Sợ hãi trước những lời đáng sợ của các bác sĩ. Sợ hãi trước căn bệnh ung thư. Và hơn hết là sợ những điều sẽ còn xảy đến.

Thứ Bảy ngày 29 tháng Giêng năm 2005

Tôi giận dữ giơ cả hai ngón tay giữa lên. Đó là một ngày thứ Bảy và tất cả đều khác thường. Không, hôm nay tôi không đi chợ và cũng không uống ly cà phê nào trên phố Westerstraat. Không, cuối tuần này tôi không chuẩn bị bài vở cho học kỳ mới. Thứ Hai ngày 31 tháng Giêng tôi sẽ phải trải qua đợt hóa trị đầu tiên tại bệnh viện OLVG. Trong hai tháng tới tuần nào tôi cũng sẽ được truyền các chất như Vincristin, Etoposid, Iosfamid. Tôi đứng trước ống kính máy ảnh, phía sau vang lên tiếng nhạc của Mick Jagger. Tôi thích chất giọng khàn khàn của Mick Jagger cùng tiếng ghi ta phong cách hard rock của Keith Richard. Tôi cũng thích chụp ảnh. Tôi nhờ Martijn, nhiếp ảnh gia đồng thời là cậu bạn tốt của tôi ghi lại những khoảnh khắc của một Sophie không bị ung thư.

Tôi là người nhiều xúc cảm. Lần đầu tiên kể từ thứ Tư tuần trước tôi không được động viên và tôi cũng chẳng động viên ai, song qua những cử động và khuôn mặt mình trong máy ảnh của Martijn tôi nhận thấy những xúc cảm của mình vẫn đang lao vùn vụt trong người với tốc độ như những ngày vừa qua. Đôi mắt tôi sáng rực. Tôi bước đi và hoàn toàn phó mặc mình cho đô 10000 i chân, điều đó thật tuyệt diệu. Cùng lúc tôi cảm thấy vừa sợ hãi, vừa mạnh mẽ, nhưng bây giờ, trước ống kính máy ảnh tôi cảm thấy mạnh mẽ nhiều hơn là sợ hãi. Quỷ tha ma bắt căn bệnh ung thư. Quỷ tha ma bắt bệnh viện OLVG. Quỷ tha ma bắt những người mặc bờ lu trắng.

Thứ Hai ngày 31 tháng Giêng năm 2005

VITA BREVIS là tên ngôi nhà bên kia con kênh. Đó là ngôi nhà cao và rộng nhất khu, nổi bật hẳn so với những ngôi nhà khác và trông xuống căn hộ của chúng tôi. Kể từ khi cây du gần đó bị bệnh sùi nấm, ngôi nhà càng trở nên dễ nhận ra hơn.

VITA BREVIS. Một ngôi nhà có từ thế kỷ 16, đã hơn bốn trăm tuổi. Những cư dân đầu tiên ở khu phố này biết rõ điều đó.

Tôi đóng gói những đồ đạc cuối cùng rồi xách va li ra ngoài. Như thể tôi đi nghỉ vậy. Bố quẳng hành lý của tôi lên ô tô. Mẹ, chị gái và tôi chỉ đứng quan sát. Đối với những người khác thì đó cũng là một cuộc phiêu lưu lạ kỳ và đáng sợ hệt như đối với tôi, chỉ có khác biệt là tôi là tôi và họ là họ. Chỉ có tôi mới là người bị ung thư, dù vẫn chưa cảm thấy nó rõ ràng. Xa cách sẽ chỉ được cảm nhận rõ rệt trong bệnh viện nơi chúng tôi chỉ đặt trước được một chiếc giường. Đôi mắt tôi mở to. Sẽ thế nào, tôi sẽ cảm thấy thế nào - nếu tôi hiểu đúng lời của bác sĩ - khi có lẽ tôi sẽ phải chết?

Trong những ngày này tôi cảm thấy cái chết đang đến thật gần. Tôi được xếp vào một phòng lớn nhiều giường ở khu C6 mặc dù tôi đã nhìn bác sĩ L, bác sĩ mới của tôi, bằng ánh mắt van vỉ với hy vọng ông sẽ cho tôi và nỗi bất hạnh của tôi một phòng riêng. Bác sĩ L hay còn gọi là bác sĩ “tôi không thân thiện nhưng tôi luôn có ý tốt”. Hay rút gọn lại là “Bác sĩ khó tính”. Một bà cụ bò lổm ngổm trên sàn nhà xung quanh giường mình rồi rít lên những âm thanh kỳ dị chỉ có ở khoa tâm thần. Nước mắt tôi trào ra. Một lát sau, nam y tá Bas - nghề này thường dành cho phụ nữ cơ mà - chạy qua chạy lại để sửa soạn cho tôi một căn phòng riêng.

 

Chúng tôi đi qua một phòng họp có rất nhiều y tá cùng vài bác sĩ. Chúng tôi quay ra nhìn nhau và hoán đổi một nụ cười thận trọng. Trong căn phòng mới tôi hồ hởi lại gần chiếc giường của mình, sau đó là đến bố mẹ và chị gái. Chị y tá, người sẽ chăm sóc tôi trong những ngày tới, sở hữu những lọn tóc đỏ dài và hai lúm đồng tiền sâu hoắm ở hai bên má. Tên chị là Hanneke. Rất điềm tĩnh, Hanneke nói rằng tôi sẽ có một phòng tắm riêng. Cũng với sự điềm tĩnh ấy chị thông báo tóc tôi sẽ bắt đầu rụng sau ba tuần nữa.

Tôi lấy tay bới đám tóc của mình và cố tưởng tượng ra một chiếc đầu trọc lốc trên đó. Tôi chưa bao giờ để một kiểu tóc lạ nào song giờ đây cả những sợi lưa thưa trên đầu cũng khiến tôi cảm thấy hài lòng.

“Thế còn lông mi và lông mày ạ?” tôi hỏi.

“Có lẽ chúng cũng sẽ rụng.”

“Vậy còn lông mu?”

“Cũng vậy.”

“Tuyệt thật, vậy cái của em sẽ trở lại làm em bé.”

Bas gắn thanh truyền vào người tôi và chúng tôi cùng đợi túi hóa chất đầu tiên.

Bas cạo trọc đầu, cổ đeo một dây xích. Chừng đó thôi cũng đủ để khiến người ta không muốn giao du với anh, nhưng không, sự thật thì Bas lành như một chú gấu Teddy vạm vỡ. Anh ân cần buộc túi nước truyền cho tôi, bên cạnh rất nhiều túi chất lỏng khác như thể chúng được treo trên đó để làm đẹp cho thanh truyền của tôi. ISOFAMID, VINCRISTIN, DACTINOMYCIN. Tôi được truyền hóa chất trong ba ngày và mỗi ngày có thể kéo dài tới tám tiếng. Các chị y tá mỗi ngày đều mang những túi chất lỏng mới đến. Sau đó tôi sẽ được lọc rửa vùng bụng trong hai ngày. Hanneke buộc thứ gì đó vào ống dẫn còn đống chất lỏng không màu kia dần dần chuyển thành vàng.

“Đó là truyền hóa chất ạ?”

“Đúng.”

Tôi chăm chú theo dõi cái thứ màu vàng đó bởi nó ngày càng dài ra và đến gần tôi hơn. Tôi nhìn vào cổ tay mình và phân vân không biết có nên rụt tay khỏi cái thứ vàng vàng kia hay không. “Liệu em có bị nôn không?”

“Có thể,” Hanneke nói, “nhưng cũng chưa chắc. Hiện nay có thuốc chống nôn rất tốt.”

Dexamethason là tên một loại thần dược. Sau vài tiếng đồng hồ người tôi căng phình như quả bóng bay chứa đầy chất lỏng. Tôi không bị nôn song lại cảm thấy người mình nôn nao và đó mới là điều tệ hại hơn. Cuối cùng tôi cũng cảm nhận được một chút sức sống. Tôi ngửi thấy mùi bữa ăn gần đây nhất của mình: Bánh mì và xa lát cá ngừ. Tôi sẽ cạch xa lát cá ngừ đến già.

Không còn chút bực tức nào nữa và tôi không phải ngồi bô cả đêm - đó là may mắn đầu tiên của tôi ở đây.

Thứ Ba ngày mùng 1 tháng Hai năm 2005

Mỗi thành viên trong gia đình tôi nhận một nhiệm vụ mới. Tuần này mẹ sẽ ở bên cạnh tôi 24/24 để cùng tôi mơ cơn ác mộng đó. Mà nào có đủ thời gian để mơ. Mới bảy giờ hai mươi chúng tôi đã bị một đám y tá cùng hộ lý đánh thức. Là một con bé bị ung thư nên tôi cần mẹ hơn lúc nào hết. Nếu tôi phải đi vệ sinh, mẹ nới lỏng dây ở ổ cắm cho tôi vì chiếc bơm trên thanh truyền nước được cắm vào đó. Còn nếu tôi cảm thấy uể oải khi ngủ dậy, mẹ một tay đánh răng cho tôi còn tay kia giữ một cái bát nhỏ ở dưới cằm. Như vậy mẹ đã giúp các chị y tá chăm sóc tôi bởi lẽ ra đó là việc của họ. Khi tôi ngủ mẹ cũng ngủ cùng một lúc.

Bố tôi sắp đặt mọi thứ có thể sắp đặt được. Ông tìm thông tin về bác sĩ L ở những người bạn cũng là bác sĩ của mình và tìm hiểu về căn bệnh của tôi trên mạng. Trong những ngày qua mối quan hệ mà ông tạo dựng được với vị bác sĩ mới còn tốt hơn quan hệ của tôi với ông ta. Hai người đã vài lần nói chuyện với nhau trong lúc tôi phải đưa mắt nhìn về một nơi nào đó. Bố thích thuật lại những lần nói chuyện đó và phải nói tôi thấy rất mừng vì ông đã tiết kiệm được cho tôi những cuộc nói chuyện với hàng đống ngôn từ y học khó hiểu của bác sĩ L. Tôi chẳng thấy thích gặp ông ta lắm, tôi thấy ông ta cũng kinh khủng y như căn bệnh của mình. Bố tôi làm quản trị mạng, còn tôi cũng không biết nhiều về công việc mà ông phải làm từ chín giờ sáng tới tận chín giờ tối. Cũng nhờ công việc của mình mà ông đã tìm thấy điều gì đó từ bệnh viện Mayo ở Mỹ và nó trở thành mối quan tâm mới của ông.

 

Không có khẳng định nào về việc đây là một căn bệnh hiếm gặp, đó là điều tôi tìm ra được khi ngồi bên máy tính và gõ từ “Rhabdomyosarkom”. 846.000 kết quả tìm kiếm trong vòng 0,17 giây.

Những dấu hiệu cảnh báo bênh ung thư ở trẻ em: Rhabdomyosarcoma:



Rhabdomyosarcoma là một loại khối y phát triển nhanh, thường là ác tính và là nguyên nhân gây nên u Sacom mô mỏng ở trẻ em. U rhabdomyosarcoma phát triển từ tế bào cơ nguyên thủy có tên "Rhabdomyoblast". Thay vì phát triển thành những tế bào cơ bình thường, rhabdomyoblast sao chép sai lệch. Do loại cơ này nằm rải rác khắp nơi trong cơ thể nên các khối u cũng có thể xuất hiện ở nhiều điểm khác nhau.

Điều trị:

Rhabdomyosarcoma được điều trị kết hợp giữa phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Thống kê:

- Là nguyên nhân dẫn đến 5 - 8% số bệnh ung thư ở trẻ em.

- 70% các trường hợp Rhabdomyosarcoma được chẩn đoán trong vòng mười năm tuổi đầu tiên.

- Thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 6 và từ 15 tới 19.

- Tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là trẻ em ở độ tuổi từ 1 đến 5.

- 50% trẻ em mắc Rhabdomyosarcoma sống được thêm 5 năm.

http://www.acor.org/ped-onc/diseases/rhabdo.html

Tôi lướt chuột qua nhanh. Càng thấy được rõ là tôi bị ung thư tôi càng ít hy vọng. Và trong lúc này tất cả hy vọng đều là con số không. Chẳng còn gì có thể làm tôi vui. Kể cả các bữa ăn lẫn những chiếc quần jeans mới hay cả cuốn sách nằm trên bàn kia. Tôi chẳng quan tâm tới gì nữa, kể cả những cơn đau do truyền dịch, kể cả những lần nôn mửa vào chiếc xô mà mẹ tôi phải giữ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy trống rỗng như vậy.

Chị gái tôi lo mọi việc ở nhà. Không chỉ đơn giản là đổ thêm thức ăn vào bát cho chú mèo mù già và đãng trí, hay đi vứt rác mỗi thứ Năm và thứ Hai, chị phải lo bữa ăn cho bố và tạo ngạc nhiên cho mẹ bằng các cuộc gọi điện, bánh mì và tạp chí. Chỉ có Chúa mới biết chị lấy thời gian ở đâu để mỗi lần đến thăm tôi đều mang theo một bát mì Ý, một bát xúp nóng, một hộp kem dưỡng da và thêm vào đó là một nụ cười trong trẻo. Mỗi ngày chị lại mang đến một thứ gì đó mới mẻ.

Nhiệm vụ còn lại trong gia đình thuộc về tôi và nhiệm vụ đó rất đơn giản: trước hết là bị bệnh, sau đó phải khỏe trở lại. Tôi nằm trên giường với một cơ thể ốm đau và đầy sợ hãi, song cũng rất cương quyết để quên đi những điều chết tiệt này. Mỗi lần nằm đó tôi đều hồi hộp khi nghe tiếng cửa mở và vị bác sĩ tệ hại xuất hiện cùng với những đồng nghiệp cũng tệ hại không kém. Ông ta gõ cửa, nhưng không phải để báo hiệu rằng ông ta đến thăm tôi. Một con người thật kinh khủng. Tôi không hề có hứng thú nghe mỗi lần ông ta mở miệng. Miệng ông ta chỉ phun ra thứ âm thanh kinh khủng và đáng sợ.

Thứ Tư ngày mùng 2 tháng Hai năm 2005

“Không thể cứ để cô ấy nằm mãi đó được. Nếu các ông không làm điều gì đó, tôi sẽ đưa cô ấy đi.” Nằm trong phòng tôi nghe rõ giọng của Jan và tiếng Jochem cười ngoài hành lang. Họ đang nói chuyện với bác sĩ L. Tiếng bác sĩ L nghe có phần lo lắng và yếu ớt.

Người tôi bắt đầu phình ra như quả bóng, gương mặt đỏ như cà chua, hai tay tôi cũng không còn được như trước. Việc tôi tăng hơn ba cân không lọt qua được mắt của Jan và Jochem.

“Chào tiểu thư, em có đôi má đẹp đấy. Màu cũng hay nữa.” Jan xuất hiện với một vài cuốn tạp chí và một chai nước việt quất. “Để chống nhàm chán.”

Jochem cũng mang theo hai chai nước quả màu đỏ đậm. “Nước quả cơm cháy” là tên chai nước. “Anh đã hỏi loại quả nào chứa nhiều vitamin nhất”, anh thì thầm. “Tốt cho em lắm đấy. Người bán hàng đã nói vậy.” Anh cúi người hôn vào má tôi.

Ngoài gia đình tôi và Annabel thì Jan, Jochem, Rob và Martijn là những người duy nhất tôi muốn có bên mình trong những ngày này. Đây là lần thứ hai họ tới thăm tôi. Lần trước là khi tôi vẫn còn nằm ở phòng bệnh của bác sĩ K và họ đã đợi tôi trong phòng chụp X-quang ở tầng một. Lần ấy tôi được đưa đến đó để chụp phổi. Jochem mang tới tặng tôi một bó hoa nhỏ còn Jan mang tới một chiếc kẹo mút to nhiều màu sặc sỡ  có hình trái tim. Và tất nhiên cả tạp chí nữa, những thứ đó anh ấy không bao giờ quên. Chúng tôi cùng nhau uống cà phê ở tầng một rồi hai người đưa tôi vào phòng khám của bác sĩ K để các bác sĩ kiểm tra liệu tôi có bị lao hay không. Cũng tại đó Jan đã nhặng xị lên rồi nói các bác sĩ nên bỏ tay họ ra khỏi người tôi và đừng có làm tôi đau.

Hôm nay chúng tôi lại bị làm phiền. Y tá Bas phải đặt một chiếc kim tiêm mới bởi chiếc hôm qua đã bị xê dịch. Khi Bas lấy chiếc kim ra khỏi túi tôi nhận thấy cả Jan và Jochem đều chạnh lòng. Sophie, cô bạn của họ tự dưng phải nằm bên những ống truyền dịch vì một thứ bệnh gì đó. Họ không nói gì cả, thậm chí cũng không tếu táo nữa. Vô cùng thận trọng, họ bước ra rồi tiếp tục cuộc nói chuyện của mình với một bác sĩ ở ngoài hành lang.

Thứ Sáu ngày mùng 4 tháng Hai năm 2005

Có tiếng gõ cửa. Khúc gỗ thô kệch ở khoa Phổi, người đã mang tới cho tôi cái tin xấu đó, bước vào phòng. Đó là một chàng bác sĩ tội nghiệp, người hôm đó thay thế bác sĩ K yêu quý của tôi. Tôi giật mình khi thấy đầu anh ta ló ra khỏi tấm rèm. Tấm rèm là thứ duy nhất che giường bệnh của tôi khỏi cái bệnh viện này cùng tất cả những gì diễn ra ở đây. Anh ta muốn biết tôi cảm thấy trong người ra sao. Tốt, tôi trả lời với cái đầu nặng trịch. Tôi cũng không biết tại sao nhưng tôi luôn nói với bất cứ ai rằng mình cảm thấy khỏe nếu họ muốn nghe điều đó. Rằng tôi sẽ sớm bình phục.

Khúc gỗ thô kệch rời khỏi phòng, ngay lập tức bác sĩ L xuất hiện với một toán đồng nghiệp.

Không khó để nhận ra họ coi trọng mình thế nào - tôi cũng vậy -, bởi họ tới cùng một toán bác sĩ nghiên cứu mà không hề báo trước rồi dàn binh bố trận xung quanh giường một bệnh nhân phải điều trị hóa chất vào thời điểm không thích hợp chút nào. “Xin chào. Chúng tôi muốn kiểm tra tình hình của cháu”, bác sĩ L nói.

Phải, tôi đâu có mù. Tôi thận trọng đưa mắt nhìn nhóm bác sĩ lạ mặt đến từ khoa Ung thư nơi giờ đây là lãnh thổ của tôi, mà cũng có thể là ga cuối trong hành trình của tôi. Đôi mắt tôi cố gắng tìm kiếm một người. Một người từ khoa Phổi. Người sau khi điều trị xong đã nhẹ nhàng đặt chiếc áo phông đẫm mồ hôi lên tấm lưng trần của tôi. Người ngày nào cũng qua phòng tôi không chỉ để hỏi về tình hình sức khỏe mà còn hỏi thăm cả những nhân vật trong cuốn sách tôi mang tới đọc để chống lại những lúc nhàm chán. Nhưng bác sĩ K không có trong nhóm đó.

Bác sĩ L hôm nay có gì đó hơi khác - ông ta cười.

“Tôi có hai tin tốt lành cho cháu. Tin thứ nhất: Chúng tôi đã có kết quả cuối cùng từ phòng thí nghiệm. Xương của cháu hoàn toàn không bị sao. Tin thứ hai: Chúng tôi đã xem lại các kết quả hội chẩn của cháu và đưa ra kết luận là khối u chính không nằm trong gan mà nằm ở thành phổi như các u phụ khác. Điều đó có nghĩa các khối u vẫn chỉ nằm trong vùng ngực mà chưa lan tới vùng bụng phải.”

Ôi chao!

“Những cơn đau nhói mà cháu cảm thấy ở vùng gan là do chụp bức xạ. Đây là một di căn nhưng không phải từ cơ quan này tới cơ quan khác và việc đó sẽ làm cho các chẩn đoán trở nên thuận lợi hơn.”

Im lặng. Tôi vẫn chưa hiểu hết mọi chi tiết. Gan, tủy, xương - mẹ tôi hét to lên rồi bắt đầu thổn thức. Vẫn là sự im lặng. Dần dần tôi mới hiểu đó là một tin cực tốt. Gan không bị sao cả. Cái không khí u ám luôn bao quanh tôi trước kia khiến tôi đưa ra kết luận rằng ung thư gan đồng nghĩa với việc đã có thể đặt một chỗ trước ở nghĩa trang. Nhưng tôi không dám mừng vì bác sĩ L có thể sẽ xem xét lại kết quả chiếu chụp của tôi lần nữa rồi lại thay đổi ý kiến.

“Với những tin tốt lành như vậy bác có thể đến thường xuyên hơn”, tôi nói khi ông ta quay người đi thăm các bệnh nhân khác.

Thứ Năm ngày 17 tháng Hai năm 2005

Tóc rụng đầy trên gối khi tôi tỉnh dậy. Tóc giắt đầy trên lược, nhiều hơn thường lệ.

Tôi chết lặng ở bồn rửa.

Một tiếng sau tôi ngồi trên ghế và nhìn vào cô gái trong gương. Có gì đó không ổn với mái tóc của tôi. Nó đang rụng dần, hàng ngàn sợi một. Từng phút từng phút một.

Từng phút từng phút trôi qua tôi nhìn thấy trong mình một đứa đầu trọc. Mới hôm qua thôi mọi việc vẫn còn bình thường khi tôi gội đầu. Nhưng đó là hôm qua còn bây giờ là hôm nay. Hôm nay tôi phải đeo tóc giả, đó là điều chắc chắn.

Đây đã là lần thứ tư tôi tới một cửa hàng tóc giả nhưng tôi vẫn không sao cảm thấy thoải mái được. Hai lần đầu tiên tôi đến với mẹ vào năm ngoái cũng với nỗi khổ của việc đầu tóc trọc lốc khi bà bị chẩn đoán ung thư vú.

Ký ức đau buồn về những chiếc đầu ma nơ canh bên cửa sổ, về những chiếc máy cắt tóc, và cả hai lần đều là về người phụ nữ khó tính ở cửa hàng đó vẫn in đậm trong tôi. Mẹ tôi luôn để kiểu tóc buộc cao. Sau hai lần phẫu thuật liên tiếp giờ thì tóc mẹ ngắn cũn và đen nhánh. Sở dĩ phẫu thuật hai lần là do họ phải cắt đi một thứ gì đó ở ngực trong lần phẫu thuật thứ hai. Các cuộc xét nghiệm cho thấy cần có cuộc phẫu thuật ấy, thêm vào đó là năm tuần xạ trị ở bệnh viện Antoni-van-Leeuwenhoek và một đợt hóa trị ở bệnh viện OLVG.

Mẹ đã vượt qua tất cả tuy bệnh của mẹ có lúc diễn biến khá gay cấn. Các thuật ngữ y học mà bác sĩ dùng ngày càng trở nên đáng sợ hơn, từ lần phẫu thuật thứ nhất đến lần thứ hai, từ xạ trị đến điều trị hóa chất. Những từ này gieo rắc nỗi kinh hoàng cho chúng tôi. Hóa chất. Rụng tóc. Chết. Cảm giác mách bảo những từ này nằm thật gần nhau. Căn phòng trước kia mẹ tôi được điều trị hóa chất giờ là nơi điều trị ngoại trú của tôi. Các y tá vẫn nhận ra chúng tôi. Căn phòng này giống hệt căn phòng trong phim Sex and the city, ở tập cả bốn nhân vật đứng xung quanh giường của Samantha khi cô được truyền dịch và họ cùng nhau ăn kem hoa quả. Chỉ có khác là chúng tôi không ăn kem hoa quả mà ăn bánh bích quy.

Bà chủ tiệm mang tới vài thùng các tông với đủ kiểu tóc giả bên trong. Những mẫu tóc giả được bảo quản trong hộp chứ không được trưng bày trên đầu ma nơ canh.

“Thật tiếc”, tôi nói. “Mọi việc diễn ra quá nhanh.”

Những tấm hình khi tôi vẫn còn tóc thật nằm trên bàn. Tóc rụng trên vai, trên đầu gối và cả trên sàn gỗ. Tóc giả. Giống kiểu tóc của Guns N’ Roses. Mái tóc đen óng ả của Annabel. Zus - chị thật xinh xắn. Kiểu tóc ngắn của mẹ, nơi tôi luôn thấy bóng dáng của căn bệnh ung thư.

Tôi làm gì ở đây thế này?

Hàng xóm nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Người bán rau cho tôi thêm một túi rau quả nhiều vitamin vào giỏ hàng. Những người bạn ôm tôi thật chặt vào lòng họ. Những thành viên trong gia đình, họ khóc cùng tôi. Miệng tôi là một đường kẻ đáng sợ. Nước mắt tôi giàn giụa. Một bà trung niên lạ lẫm.

Ba từ: ra đi, chạy trốn, chết tiệt???

Thứ Bảy ngày 19 tháng Hai năm 2005

“Trời ạ, trông tôi giống y cô gái trong bức họa của Vermeer, cái cô đeo hoa tai ngọc trai ấy.”

So sánh như vậy còn khá hơn nhiều so với liên tưởng khi lần đầu tôi trông thấy cái đầu trọc lốc của mình. Sau một hồi ngồi trước gương với đống băng đô của Annabel và lọ keo tóc màu trắng của cô chủ tiệm tặng, tôi đi thẳng xuống bếp. Mẹ cùng cô Maud, bạn mẹ đang ngồi uống cà phê ở đó. Tôi cười, hôn vào má cô Maud rồi bật ấm đun nước và chạy lại bên chiếc gương.

“Trời, trông con gái giống hệt mẹ vậy”, cô Maud nói. Mẹ tôi cười. Tôi bực bội gãi da đầu trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm chấm dứt cơn ngứa. Phải cắt hết những sợi tóc cuối cùng đi, tôi nghĩ bụng. Trên chiếc tủ trước mặt tôi là một quyển lịch lớn, một quyển lịch làm việc. Trên đó toàn các cuộc hẹn xạ trị và hóa trị của tôi trong vòng năm mươi tư tuần tới. Cứ tuần nọ nối tiếp tuần kia.

Đợt kiểm tra xét nghiệm đầu tiên diễn ra vào tuần thứ chín, mục đích là để xem liệu việc nôn mửa có mặt tích cực nào không. Tôi thấy rùng mình và cảm thấy cơn sợ hãi mới. Tôi càng cố gắng đẩy nó ra khỏi suy nghĩ thì nó lại càng đến gần. Tôi không dám hy vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt tích cực trong tương lai bởi cú đòn của số phận sẽ trở nên mạnh hơn. Tôi tính đến trường hợp xấu nhất: mọi việc sẽ chấm hết với tôi.

Tôi ôm chú mèo Saartje vào lòng và tự nhủ ai trong hai chúng tôi sẽ sống lâu hơn. Trong những tuần này cái chết mới thực sự đi vào tiềm thức của tôi. Sự sống chỉ là một phần của tổng thể, của quá trình tự nhiên sinh ra và chết đi. Suy nghĩ đó làm vơi nỗi bất an trong tôi đôi chút và làm cho cái chết đối với tôi bớt lạ lẫm, bớt đau đớn và bớt ghê sợ hơn. Chỉ tiếc là giờ đây cái chết lại đang đến với chính tôi.

Hôm nay là lần đầu tiên tôi đội tóc giả lên sau khi kẻ mắt. Tôi xỏ đôi dép đi trong nhà của mẹ, mặc chiếc áo choàng tắm màu trắng do người bạn trai tốt bụng nhất thế giới tặng. Tiếc rằng đó không phải bạn trai tôi mà là bạn trai của chị gái. Cơ mà tôi cũng được lợi lây. Giờ đây, cuộc đời tôi là một cuốn phim trong đó tôi chỉ nhận, nhận và lại nhận. Những bông hoa, một chiếc iPod, hay những cái ôm đầy yêu thương. Duy chỉ có một vấn đề là vào lúc này tôi không có nhiều thứ để cho đi.

Tôi cảm thấy thật uể oải và nặng nề mặc dù cân nặng của tôi chẳng còn là bao. Chiếc cân lại chỉ ra tôi sụt một ký. Việc đó diễn ra hầu như hằng ngày trong tuần này. Tôi đã tìm ra công thức ăn kiêng lý tưởng: sợ hãi, xì trét và đổ mồ hôi nhiều do u bướu. Việc tôi ra mồ hôi nhiều vào ban đêm đã bắt đầu từ một tháng trước song chưa bao giờ nó lại mạnh như lúc này. Tôi thức dậy mỗi đêm, người ướt sũng và ớn lạnh. Trong bụng trống rỗng, hai bên xương sườn run rẩy. Tất cả đều ướt sũng, đầm đìa mồ hôi và thấm đẫm nước mắt. Có điều gì đó đang xảy ra trong cuộc đời tôi mà tôi chưa kiểm soát được. Trong những khoảnh khắc như vậy, nỗi sợ hãi của tôi lên tới đỉnh điểm và bệnh tật của tôi ở vô cùng gần.

Đó là hiện tượng “Sốt u bướu”. Tối nào cũng vậy cứ khoảng chín giờ là tôi lại bị sốt. Bốn giờ sáng nay tôi đã phải thay một chiếc áo phông ướt đẫm mồ hôi. Nó bốc mùi khó chịu khắp phòng. Cạnh giường tôi là bốn chiếc áo phông nữa, hai chiếc đã ướt sũng, hai chiếc khác khô sạch. Mỗi sáng đôi mắt tôi đều đổ dồn về đống áo phông ướt bên cạnh giường mình. Chỉ khi nào đống áo đó nhỏ lại thì mới có nghĩa là số u bướu trong người tôi đã teo bé đi và tôi mới có thể được điều trị hóa chất. Mẹ tôi cầm lấy một chiếc áo khô và giúp tôi xỏ vào người.

Trong những tuần này tôi lại được ngủ cùng phòng bố mẹ như Sophie nhỏ bé ngày nào. Mỗi lần tỉnh dậy là lúc tôi cảm thấy tồi tệ nhất: sợ hãi, yếu đuối và cô đơn mặc dù tôi luôn có bố mẹ bên cạnh mình.

“Bố, con sợ.”

“Con là tất cả của bố, Sophie à.” Bố âu yếm ôm tôi vào lòng.

Tôi sợ hãi ngả mình vào vòng tay của bố. Cơ thể tôi dính nhớp nháp. Không lâu sau mẹ tới chỗ hai bố con. “Điều gì sẽ xảy ra nếu con chết?” Tôi siết chặt lấy bố và qua vai ông, tôi nhìn qua khe hở giữa hai tấm rèm cửa sổ trông ra ngoài. Kẽ hở đó đủ lớn để có thể quan sát được một phần màn đêm. Một cái cây trụi lá, một ánh trăng lẻ loi và phía sau là bóng tối đen kịt.

“Con sẽ không chết đâu”, giọng mẹ tôi cất lên.

“Nhưng nếu con chết? Nếu u không teo đi? Con sợ đợt xét nghiệm tới lắm.” Không chỉ đôi mắt của tôi khóc mà bụng tôi cũng khóc theo bằng những chuyển động run rẩy.

“Bố mẹ cũng vậy Sophie ạ, bố mẹ cũng sợ.” Bố buồn bã nhìn tôi. Tôi thấy mừng vì đêm nay ông cho phép tôi nói ra nỗi sợ hãi lớn nhất của mình mà không hề phản đối.

Tôi vẫn đứng bên tủ, một tay gãi đầu. Một vài sợi tóc chết chưa kịp rụng làm da đầu tôi ngứa kinh khủng. Trông tôi thật đáng sợ. Tôi quyết định sẽ không đợi cho đến khi tóc mình rụng hết. Tôi gọi dì Kristien để hỏi liệu dì có thể cho tôi mượn máy cạo. Nửa tiếng sau dì Kristien tới. Cô Maud đứng dậy và để chúng tôi lại một mình.

“Cái máy này tốt lắm đấy, dì mua ở cửa hàng của bà bạn Nikki, dì quen bà ấy từ hồi còn là thợ cắt tóc”, dì Kristien nói.

Dì và mẹ tôi giữ gương, tôi bấm nút. Chúng tôi ngồi bên chiếc bàn trong bếp và cả ba đều nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay đang thận trọng nhưng dứt khoát đưa chiếc máy cạo qua mái đầu ngày càng trơ trụi của tôi.

Sau vài phút mọi việc đã xong. Trọc lốc. Tôi cảm thấy thật kinh tởm song tự an ủi mình rằng Demi Moore trong phim D.I. Jane cũng phải cạo trọc đầu mà vẫn xinh. Trong những tuần tiếp theo tôi từ bỏ hẳn mối giao hòa với những chiếc gương. Tôi ghét nhìn cái đầu mình, dù có đội tóc giả hay không.

Thứ Hai ngày 14 tháng Ba năm 2005

Đã bảy tuần trôi qua kể từ lần xạ trị đầu tiên của tôi ở trạm C6 và giờ tôi lại thấy mình đang ở trong thang máy của bệnh viện OLVG để tới đợt xạ trị lần thứ hai. Tôi phải nhập viện hai lần trong quãng thời gian chín tuần, vào tuần đầu tiên và tuần thứ bảy. Đồng thời tôi cũng phải trải qua những lần truyền hóa chất kéo dài một vài tiếng, nhưng chỉ ở giai đoạn đầu, tức là trong chín tuần đầu tiên, sau đó thêm một vài lần nữa song kéo dài hẳn một ngày. Một kế hoạch điều trị phức tạp mà tôi chẳng hiểu mô tê gì nhưng phải nói các bác sĩ cũng rất thích sự phức tạp. Tôi không còn nhiều thời gian cho những việc khác bởi tôi phải nghỉ ngơi nhiều và ngoài ra tôi lại phải đi kiểm tra máu vào mỗi thứ Sáu.

Hôm nay là sinh nhật Zus, chị đã tròn hai mươi lăm tuổi. Tròn một phần tư thế kỷ. Tôi luôn biết mình yêu chị đến mức nào song biết và cảm nhận là hai việc hoàn toàn khác nhau. Giờ tôi đã cảm nhận được, ở mọi lúc mọi nơi. Cảm nhận của tôi rõ ràng nhất là khi chị chăm sóc tôi, thậm chí ngay cả khi chị chăm chú học bài bên chiếc bàn trong bếp cạnh tôi. Chị học ngành truyền thông.

Tôi tìm lại niềm vui trong những việc nhỏ nhặt: đánh răng, mua sắm, diện đồ, xem vô tuyến. Trong khi phải chống lại bệnh tật và có thể là cả cái chết nữa thì làm mỗi việc ấy đều như một lễ hội nho nhỏ.

Bác sĩ L tới thăm xem liệu tôi đã bị tác động bởi tác dụng phụ hay chưa và màu má tôi thay đổi thế nào. Ông ta nhìn tôi chằm chằm, lẩm bẩm điều gì đó rồi đi thẳng vào vấn đề.

“Cháu có cảm thấy như bị kim châm ở đầu ngón tay và ngón chân không?” ông ta hỏi. “Với thuốc Vincristin chúng ta phải đặc biệt chú ý bởi sẽ có rất nhiều tác dụng phụ.”

Tôi miễn cưỡng lắc đầu. Thực sự thì ngay từ khi phải bắt đầu điều trị bằng hóa chất tôi đã có cảm giác như bị kim châm khắp cơ thể. Như thể từ khi tôi bắt đầu cuộc chiến chống lại căn bệnh của mình nó lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi tự hỏi mình tại sao những bệnh nhân của trạm C6 không được gọi là bệnh nhân điều trị hóa chất mà lại là bệnh nhân ung thư. Không có sự khác biệt lớn nào giữa đau đớn do căn bệnh ung thư mang lại và đau đớn từ cuộc chiến chống lại nó. Nhiều lúc tôi sợ bệnh ung thư có thể lan khắp cơ thể mình nhưng một trợ lý của bác sĩ L đã giải thoát tôi khỏi nỗi sợ hãi này bằng những lý lẽ y học thuyết phục của mình. Đáng tiếc là bác sĩ L không được trời phú cho khả năng này.

“Lượng Hemoglobin của cháu quá thấp” - thuật ngữ của các bác sĩ có nghĩa “Trông cháu thật nhợt nhạt và thiếu sức sống”, - “vì vậy cuối tuần này tôi sẽ đăng ký cho cháu hai đợt truyền máu. Tất nhiên là sẽ có rủi ro nhỏ nhưng truyền máu còn tốt hơn EPO.”

“EPO là gì ạ?”

“Một loại hoóc môn kích thích quá trình sản sinh tế bào hồng cầu trong tủy. Thậm chí nó còn có thể khiến các khối u phát triển nhanh hơn.”

“Ồ, như các tay đua xe đạp vẫn dùng ạ?”

“Đại loại vậy. Việc ra mồ hôi ban đêm của cháu thế nào rồi?”

Trời ạ, bác sĩ L lại bắt đầu đẩy sự căng thẳng lên cao hơn. Lúc nào cũng vậy, đúng là theo thói quen. Hàng tuần nay đêm nào tôi cũng vã mồ hôi như tắm, bố mẹ tôi nhiều lúc phải nín thở. Vào những đêm tệ nhất tôi phải thay ga trải giường ba lần, thay áo năm lần. Tôi càng ngày càng gầy rộc đi do mất nước. “Cũng đã đỡ hơn nhiều nhưng đêm vừa rồi mồ hôi lại ra khá nhiều.”

“Như vậy không tốt lắm.” - [Lẽ ra tôi nên nói là “càng ngày càng ít” thì tốt hơn.] - “Chúng tôi sẽ để mắt tới điều đó.”

Đối với tôi bác sĩ L vẫn là một con người ghê sợ và kinh khủng, người làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Như thể những cái u bướu chết tiệt trong người tôi là do lỗi của ông ta. Thậm chí ông ta còn đặt tên cho chúng. Trên tấm biển tên đề chữ Bác sĩ L nhưng các y tá không gọi ông ta bằng họ mà bằng tên. Tôi cũng vậy. Lusche là cái tên xấu tệ. Ông ta ngày nào cũng qua phòng tôi để xem tình hình bệnh nhân.

Ông ta cao lêu nghêu và là chuyên gia huyết học. Ông ta luôn trong tình trạng vội vã và trong bộ bờ lu trắng của mình trông ông ta lúc nào cũng thô kệch, đờ đẫn và cớm nắng. Ngay cả khi tiếp xúc với bệnh nhân cũng vậy. Tôi chỉ thấy ông ta hay cười với đồng nghiệp của mình mà thôi. Không khó để nhận ra ông ta thuộc nhóm những nhà khoa học thích vùi mình vào sách vở và không bao giờ thắp lên cho các bệnh nhân của mình một tia hy vọng nào dù là nhỏ nhất. Ông ta hoàn toàn không phải là một bác sĩ tâm lý. Hai đêm trời ông ta đem con bỏ chợ và không hề nói liệu bệnh của tôi có chữa được hay không. Sau này tôi mới nhận ra rằng cái sự lờ đờ nước hến đó nằm ở cách chọn từ của ông ta nhiều hơn là ở những cơ quan bị bệnh của tôi.

Cơ mà ông ta là bác sĩ, là hy vọng, là người sẽ chữa bệnh cho tôi. Phu quân y tế của tôi. Phu quân ở đây không phải là một gã mặc chiếc quần nâu như mớ giẻ rách như thể chỉ để che của quý. Phu quân ở đây là một nghệ thuật chữa bệnh, một lòng nhiệt huyết chân chính và một nguồn sinh lực dồi dào để có thể xóa đi mọi cơn ác mộng của Sophie. Không ai trong thế giới của tôi có thể sánh với ông ta. Kể cả bác sĩ K.

Tuần này là lần đầu tiên tôi tập tễnh đi lại trong bệnh viện với cái đầu trọc lốc của mình. Tóc giả thì tôi có nhưng tôi vẫn chưa quyết định được là ai xấu hơn: Bà đầm Sophie hay Sophie đầu trọc.

Tôi chỉ buộc một chiếc khăn trên đầu và trông không khác gì cô tạp vụ, người ngày nào cũng cầm xô Clo và một chiếc chổi tới tiệt trùng phòng tôi. Y tá Bas gọi tôi là “Trọc”. Anh ấy làm tôi thực sự thấy buồn cười. Mới tám giờ sáng anh đã đánh thức tôi bằng câu “Chào Trọc!” như thể tôi là bệnh nhân duy nhất ở trạm này, đồng thời giúp tôi thay áo. Với một đống dây dợ lằng nhằng được quấn quanh cổ tay tôi thì việc thay áo giờ đây cũng không còn đơn giản nữa. Sau đó anh lấy tay vuốt cái đầu trọc của tôi và liến thoắng một hồi trong khi buộc dây truyền dịch mới vào cổ tay tôi để lắp các ống truyền dễ dàng hơn.

Tôi được truyền hai túi máu nhóm A để điều chỉnh lại số lượng hồng cầu, để biến Sophie uể oải thành một Sophie hoạt bát hơn. Trong đầu tôi chợt nảy ra một tưởng tượng điên rồ: Ta nhận máu của người khác như một loại ma túy để mình cảm thấy khỏe hơn. Có lẽ đó chính là lý do vì sao giờ đây tất cả đều khác trước. Lý do tại sao tôi không còn thích bánh ga tô và cam thảo nữa. Và cũng có thể là lý do tại sao giờ tôi lại thích viết lách.

“Lại bị rối rồi à?”

“Ừ, em quay người sang một bên cùng đống dây truyền này đi.”

Tôi thường tắm vào khoảng gần mười một rưỡi. Để giết thời gian tôi thường bôi kem dưỡng da và các loại kem khác khá lâu. Tất cả những gì tôi muốn mặc vào người trước hết phải được xỏ qua chân, rồi qua hông nếu không muốn phát cáu với đống dây dợ chằng chịt.

Tôi thấy mình vẫn còn rất mơ mộng: Tôi mang theo những chiếc áo phông đẹp nhất của mình nhằm trường hợp bác sĩ K hay một bác sĩ điển trai nào đó qua thăm. Hoặc khi tôi phải rời phòng để đi thực hiện một xét nghiệm nào đó và phải đi qua tầng dưới cùng. Tôi luôn nhớ cảnh mọi ánh mắt đổ dồn về mình khi tôi dịch chuyển các dụng cụ truyền dịch trước mặt. Tôi nhanh chóng chạy vội về phòng và cố gắng quên đi ám ảnh đó. Quên đi tất cả. Giờ đây sáng nào thức dậy lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên vì chẳng thấy có sợi tóc nào vương trên gối.

“Chào người đẹp, khỏe không?”

Tôi quay mình theo hướng giọng nói quen thuộc đó. Một bó phong lan tím khổng lồ xuất hiện trong phòng, đằng sau đó là Annabel. Tôi và Annabel quen nhau từ hồi học mẫu giáo rồi sau đó chúng tôi còn học viết và đếm cùng nhau ở trường Burgtschool. Kể từ đó không một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không biết người kia đang làm gì. Hơn hết là đang ở cạnh ai.

Cả hai chúng tôi đều thuộc cung Song Sinh. Để giải thích tính cách khác nhau của chúng tôi bằng việc tin vào tướng số, Annabel nói có hai kiểu người Song Sinh. Một kiểu mang nhiều tính chất của cung Cự Giải_(1) hơn và kiểu kia có nhiều tính của Kim Ngưu hơn. Chắc tôi mang nhiều tính của Cự Giải hơn, tôi nghĩ. Annabel học ngành marketing còn tôi học chính trị. Nếu Annabel là con trai chắc chắn tôi đã yêu cô ấy. Nhưng may mắn thay tôi không phải là kẻ đồng tính. Annabel giúp tôi chọn đồ và mở rộng gu thẩm mỹ của mình. Giữa đống áo phông hiệu Mission và đống túi hiệu Balenciaga chúng tôi nói chuyện về các bài giảng ở trường về chủ đề năng lượng mặt trời, về lạm phát, về tội diệt chủng ở các nước thế giới thứ ba. Chà, đúng là kiểu nói chuyện đặc thù của chúng tôi. Cơ mà chúng tôi không thể khác được.

Chúng tôi đã cùng nhau khám phá thế giới kể từ khi là mấy đứa bé, rồi khi trở thành thiếu nữ và giờ khi bước vào những năm đầu của tuổi hai mươi. Chúng tôi đã chén ốc sên ở Dordogne, xơi kẹo Đan Mạch ở cảng Rungsted. Trong lâu đài Josephine Baker từng sống ở Pháp, chúng tôi đứng dưới một cây đèn, há hốc mồm bởi xung quanh đó cơ man nào là dơi bám vào. Ở Đan Mạch lần đầu tiên chúng tôi ăn tảo biển bất chấp những lời cảnh báo, trong một cửa hiệu ở Luân Đôn chúng tôi đã mua cho mình những đôi giày cao gót đầu tiên. Chỉ có hai lần Annabel và tôi rời xa nhau trong khoảng thời gian dài. Lần đầu là chuyến thám hiểm của tôi tới dãy Himalaya, còn lần kia là khi Annabel đi thực tập ở New York. Cô ấy vừa trở về thì cũng là lúc cái từ ung thư trở nên gần gũi hơn với tôi. Ở New York, Annabel làm việc cho một cửa hàng mốt chuyên may áo cưới cho cô dâu. Tháng Mười hai vừa rồi tôi có bay sang đó để đón Giáng sinh và giao thừa cùng cô ấy. Buồn cười nhất là khi cô ấy đã đi được quá hai khu nhà và hai quán Starbuck trong lúc tôi vẫn còn vật lộn kéo lê mình trên những bậc thang dưới tàu điện ngầm. Mới có khoảng một rưỡi đêm giao thừa mà tôi đã chán ngấy tiệc tùng dù ở đó tôi có quen một anh chàng New York cực kỳ hiền hậu. Tôi quay lại nhà Annabel với một tấm danh thiếp trên tay. Sáng Chủ nhật, một ngày trước khi về, tôi tìm đến Bảo tàng Nghệ thuật đương đại nơi anh ta làm việc. Sáng thứ Hai chúng tôi đi ăn ở tiệm Pastis, buổi tối cũng lại đi ăn và uống rượu vang đỏ. Tôi tỉnh dậy rất sớm, khoảng gần bảy giờ và thấy mình đang ở Lower East Side tận Manhattan. Tôi muốn quay lại chỗ Annabel ngay bởi cô ấy chắc đang rất lo lắng. Khi tỉnh dậy cũng là lúc cuộc phiêu lưu của tôi kết thúc, tôi vội mò mẫm lần tìm quần áo của mình trong bóng tối. Đúng tám giờ tôi đã đứng trước cửa căn hộ của Annabel, đâu đó giữa Đại lộ 5 và 6, không xa quảng trường Union Square là mấy.

Không có Annabel chắc tôi sẽ không bao giờ biết cảm giác có một người bạn chân chính. Một người nằm trên giường ở Noodermarkt mà cảm nhận được rằng tôi đang đơn độc ở New Dehli. Một người luôn nắm bắt được những suy nghĩ của tôi. Một người ngay lập tức nhận ra tôi trông quá nhợt nhạt. Một người đi tuyến xe điện số 7 với một bó phong lan to bự tới trang trí cho căn phòng của tôi trông đàng hoàng hơn.

“Chào người đẹp!” tôi hồ hởi gọi. “Bộ tóc giả của tớ bị lệch à?”

Annabel ngắm nghía tôi và mỉm cười. Rồi cô ấy sửa lại mái tóc cho tôi.

“Cậu có nghĩ có thể sắp tới tớ sẽ không còn sống nữa không?”

“Chúa ơi, cậu nói chuyện hay thật đấy.” Annabel ngồi trên chiếc ghế cạnh giường rồi rút bộ đồ làm móng tay ra.

“Tớ rất muốn biết cậu đang làm gì với những suy nghĩ của mình.”

“Ừ”, cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tớ trông mạnh mẽ thế này thôi mà đêm nào tớ cũng gục vào lòng Bart mà khóc sưng cả mắt.” Bart là bạn trai cô ấy.

“Cơ mà một khi vẫn còn hy vọng, tớ sẽ cố không nghĩ tới tình huống xấu nhất.”

“Ừ.”

Một cảm giác được thương hại không mấy dễ chịu xâm chiếm tôi nhưng những lời nói của cô ấy làm tôi cực kỳ hạnh phúc. Cô ấy càng khóc nhiều cho tôi bao nhiêu, tôi càng cảm thấy yêu quý cô ấy bấy nhiêu. Annabel biết cách giấu nỗi đau của mình, ngay cả trước mặt tôi. “Chúng mình luôn ở bên nhau”, tôi nói.

“Và sẽ luôn như vậy.”

“Còn hai tuần nữa, thật đáng sợ phải không?”

“Là đến đợt xét nghiệm mới của cậu?”

“Ừ.”

Thứ Năm ngày 24 tháng Ba năm 2005

Tôi nhìn mình trong gương, nhìn Stella, trong khi người đàn ông đứng đằng sau sờ nắn mớ tóc giả của tôi. Ma nơ canh đội tóc giả được đặt ở khắp nơi. Annabel tập trung cao độ xem xét từng bộ tóc. Giống y cái cảm giác hồi nhỏ ở cửa hàng rau quả khi chúng tôi mắt la mày lém quan sát đống quả dâu dại, mâm xôi, việt quất rồi lén lút trộn chúng lẫn lộn vào nhau.

Hôm nay chúng tôi tới cửa hàng gần nhà hát bởi tôi luôn tự hỏi Samantha trong phim Sex and the city lấy ở đâu ra những kiểu tóc tuyệt như vậy. Franken và Kok, chủ quán bar mà trước đây tôi hay lui tới tặng tôi một bộ DVD. Mỗi lần xuất hiện trên màn hình ti vi là tôi lại thấy Samantha có một kiểu tóc mới, kiểu sau luôn đẹp hơn kiểu trước.

Cuối cùng tôi cũng tận dụng được gì đó trong tình trạng bệnh tật của mình để có được một kiểu tóc ra trò. Tôi không muốn tiếp tục giấu cái đầu mình dưới bộ tóc giả khiến tôi trông như một bà trung niên nữa. Hoặc dưới một chiếc mũ mà mỗi khi tôi muốn hôn ai đó thì nó lại trở thành vật vướng víu.

Hôm nay là lần đầu tiên Annabel nhìn thấy cái đầu trọc của tôi. Tôi sợ cô ấy không còn nhận ra tôi nữa và trên hết tôi sợ rằng hình ảnh đó làm cô ấy sợ.

Nhưng không, Annabel mỉm cười rồi vuốt ve chiếc sọ của tôi một hồi lâu. “Thật mềm mại”, cô ấy nói. “Như chiếc bánh bao đặt trên đầu cậu vậy.”

Lần lượt từng kiểu tóc được thử lên đầu tôi và rồi đột nhiên Daisy xuất hiện.

Chúng tôi nhận thấy ngay: Daisy không phải là đồ dùng một lần rồi bỏ đi. Trong gương tôi quan sát thấy một cô gái lạ với mái tóc vàng và những lọn tóc buông xuống hai vai.

Thật tuyệt vời khi được vuốt mái tóc dài của chính mình, điều mà chỉ trong mơ tôi mới dám nghĩ tới. Một gương mặt hoàn toàn khác, đầy vẻ tự mãn nhưng cũng rất tinh nghịch. Annabel buộc cho Daisy một chiếc nơ màu hồng rồi tiếp tục xem xét những bộ tóc giả khác. Cuối cùng cô ấy mang tới một kiểu tóc đỏ hoe khá táo bạo mà sau đó tôi đặt tên là Sue.

Tôi rời cửa hàng với hai bộ tóc giả, hai vẻ mặt khác nhau. Tôi thực sự không biết nên đội kiểu nào trước.

Dần dần tôi tìm được niềm vui trong quá trình biến hóa này và thường xuyên lui tới cửa hàng gần nhà hát hơn là tới H&M. Tôi bắt đầu đặt tên cho những bộ tóc giả bởi với mỗi một kiểu tóc tôi lại cảm thấy mình là một nhân vật khác. Như một người đàn bà khác. Tôi không phải là Sophie nữa mà là Stella với mái tóc cứng đơ như một bà trung niên hay là Daisy với mái tóc dài quăn như búp bê Barbie, hoặc là Sue với những lọn tóc đỏ đầy kiêu ngạo, là Blondie với mái tóc vàng cắt ngắn quá vai.

Blondie được làm bằng tóc thật nên cũng là bộ đắt nhất. Tám trăm euro. Thật nực cười. Zus quan sát tôi và tặng tôi những ngôn từ diệu kỳ: “Giờ chị đã thấy lại cô em xinh đẹp của mình trong gương rồi.”

Thứ Bảy ngày 26 tháng Ba năm 2005

Tóc giả không đơn giản chỉ là tóc. Không chỉ là thứ đội trên đầu, chúng trở thành một phần con người tôi, một phần ý thức nhu mì của tôi. Việc giờ đây trông tôi khác trước cũng khiến xúc cảm và phản ứng của tôi thay đổi.

Stella, Sue, Daisy hay Blondie. Khi tôi đội Daisy, mọi thứ đều khác trước. Một sự lột xác hoàn toàn. Những lọn tóc dài nhảy múa trên lưng tôi. Đôi giày cao gót kiểu Ý bỗng trông giống như giày của mấy cô gái điếm, chiếc quần bò bó trông như đôi xà cạp chân, còn dải đường viền trên cổ áo bỗng thành nơi tập trung sự chú ý của mọi người. Chính vì vậy tôi rất thích đội Daisy. Chú ý, Daisy đang trình diễn! Daisy nghỉ ngơi đôi chút rồi sau đó để cho những lọn tóc của mình láu lỉnh nhảy múa. Tất cả mọi người đều muốn biết dưới những lọn tóc vàng kia là một người như thế nào.

Khi đội Daisy tôi trở nên thích những thứ hoàn toàn khác so với khi đội Sue, Stella hay Blondie. Khi đó tôi thích ở giữa trung tâm chú ý. Tôi giũ tóc, phá lên cười trước những câu chuyện hài, uống nước hoa quả lắc với sữa thay vì uống nước cà chua và bôi son hồng. Phim Desperate Housewives lên ngôi so với thơ của Vergil mà cậu bạn Jaap thường đọc tôi nghe và móng chân nhất thiết phải được sơn đỏ. Tôi mơ về những cuộc dạo chơi đầy tình tứ với bác sĩ K, đúng hơn là tôi lúc nào cũng mơ về điều đó kể cả khi chưa phải đội tóc giả. Khi đội Sue tôi có một thứ ăn đứt những phụ nữ khác: mái tóc đỏ đầy hoang dại. Đó là điều dễ nhận thấy ngay cả khi tôi không phải giũ tóc hay cười trước những câu chuyện hài.

Song cả bốn người phụ nữ đó đều có một điểm chung: Ẩn chứa bên trong vẫn là một chút gì đó của Sophie. Một Sophie chăm chú quan sát họ và băn khoăn ghi nhớ từng động tác. Một Sophie học hỏi được điều gì đó từ họ và qua đó tự hoàn thiện mình. Một Sophie nhận ra rằng cô đang thay đổi bằng cách quan sát cách hành xử của Daisy, Blondie, Sue và Stella. Cô cũng nhận thấy rằng Daisy, Blondie, Sue và Stella là những Sophie mới.

Chủ nhật ngày 27 tháng Ba năm 2005

Kim đồng hồ chỉ sáu rưỡi, bên ngoài trời đã tối. Sau một tuần truyền hóa chất dài đằng đẵng tôi ngồi co gối trên ghế sofa trong bộ đồ kiểu “mình chẳng thiết đi tắm nữa, đi ngủ ngay thôi”: Ngày mặc đồ ngủ. Lạ là mọi người lại nghĩ tôi thích đi ra ngoài đầu không đội tóc giả hơn là có đội. Rằng tôi muốn giải phóng đầu mình khỏi cái đống tóc đầy nặng nề đó bởi chẳng mấy khi tôi đi ra khỏi cửa. Chính vì vậy: Giải tán tóc!

Nhưng đâu phải vậy. Tôi hoàn toàn quên mất rằng thứ tóc trên đầu mình không thuộc về tự nhiên. Tôi thậm chí đã quen với chiếc giỏ đựng tóc giả của mình nằm cạnh đồ nữ trang như thể chúng vẫn luôn ở đó. Chúng đã trở thành một phần trong tủ quần áo của tôi. Hơn thế nữa: một phần con người tôi.

Trong bộ kimono với móng chân sơn đỏ, tôi nằm dài bên chiếc laptop, vừa gõ vừa xem Nhật ký tiểu thư Jones. Ngạc nhiên này nối tiếp ngạc nhiên khác, ngay cả đối với một cô gái tuổi đôi mươi như tôi. Thú tiêu khiển này là liều thuốc tốt nhất giúp tôi quên đi điều cứ mãi luẩn quẩn trong đầu: cuộc xét nghiệm ngày 31 tháng Ba tới. Tôi ngồi dậy tháo Daisy ra. Trong khi tìm Sue, tôi lấy bàn tay phải xoa xoa đầu mình. Trông nó thật kinh khủng nhưng sờ thì cũng thật dễ chịu. Rất mềm mại.

Trước khi đổi tóc, tôi nhìn hình ảnh của mình trong gương thêm một lúc nữa. Gò má may thay đã đầy đặn trở lại, chỗ lõm sâu trên đó đã biến mất. Tôi cố gắng để thấy mình đẹp nhưng không thành công. Tôi cố gắng để cảm thấy là chính mình, cũng không thành công. Tôi vội vã đội Sue vào và lại nằm dài trên sofa.

Thứ Năm ngày 31 tháng Ba năm 2005

Hít vào thật sâu rồi thở ra thật dài, song hơn hết là nằm lặng im. Tôi phải tháo hết đồ nữ trang và lần này cả áo ngực nữa, nhưng tôi vẫn được mặc áo len để khỏi bị lạnh. Chiếc bàn hẹp tôi nằm trên đó đang chuyển động tới một khoang ngắn hẹp, chỉ dài bằng phần trên cơ thể tôi. Nơi cần kiểm tra ở đây là vùng lồng ngực và bụng.

Tám dấu gạch chéo xuất hiện trên quyển lịch.

Ngày 31 tháng Ba.

Thời điểm quyết định.

Tôi nằm im thin thít. Theo dòng suy tưởng, tôi hồi tưởng lại hai tháng vừa qua. Hai tháng đó, chúng sống cuộc sống riêng của chúng vì vậy chúng rất dài song cũng lại trôi qua rất nhanh. Nhiều thứ đã thay đổi. Cuộc sống thường nhật của tôi, hơn hết là tương lai của tôi. Tôi phải thận trọng nín nhịn để không làm ảnh hưởng tới công việc của bác sĩ X-quang. Quá trình chiếu chụp diễn ra không lâu, chỉ khoảng mười phút, song cộng tất cả các thủ tục lằng nhằng khác thì kéo dài đến hơn nửa tiếng. Việc truyền chất phản quang vào cơ thể tôi không thành công ngay từ lần đầu tiên. Người ta bảo ven của tôi thuộc dạng ven khó bởi chúng nằm rất sâu. Song sau tất cả những gì tôi đọc và nghe được, họ luôn dùng cớ đó với tất cả bệnh nhân. Đơn giản là họ chưa luyện tập tìm ven thành thạo. Trước khi để lại trên người tôi năm vết bầm tím, họ nên luyện tập bằng cách chọc vào người nhau trước thì hơn.

Bác sĩ L hứa sẽ gọi điện ngay cho tôi để cứu vãn những ngày cuối tuần của tôi khỏi bị rơi vào tình trạng mập mờ. Tôi không biết liệu điều đó có tốt hay không nữa. Thà có những ngày cuối tuần đầy hy vọng còn hơn là biết rằng mình vừa có ít đi một cuối tuần.

 

 

Sáu giờ chiều, chuông điện thoại reo. Thường thì tôi sẽ không nghe máy bởi những lời động viên hỏi han đầy thiện chí đối với tôi là quá sức chịu đựng. Song lúc đó tôi đang đứng ngay cạnh điện thoại, nói đúng hơn là khi tôi hiểu ra sự việc thì nút nghe máy đã được bấm. Khi nghe giọng nói ở đầu dây bên kia, hơi thở của tôi ban đầu trở nên dồn dập, rồi sau đó dừng lại hẳn và cuối cùng người tôi toát đẫm mồ hôi: đó là bác sĩ L.

 “Sophie à, tôi đã xem xét tất cả các kết quả chiếu chụp của cháu rồi. Chưa có kết luận cuối cùng nhưng...” Sau đó là tràng giang đại hải những gì mà tôi chẳng mấy quan tâm. Có vẻ bác sĩ L đã quên rằng tôi là bệnh nhân và tôi không có niềm hứng khởi nghề nghiệp như ông ấy. Thế giới của tôi hoàn toàn sụp đổ ở cái góc bếp nơi tôi vừa nhấc ống nghe điện thoại. Tất cả đều câm nín: cuộc nói chuyện của mẹ với cô hàng xóm, người ba phút trước còn đứng trước cửa với bó hoa tươi trên tay, cả những tiếng động ngoài phố. Chỉ có hơi thở của tôi và giọng nói của bác sĩ L là còn có thể nghe thấy.

“Như vậy là tin tốt ạ?” tôi hồi hộp hỏi.

“Ừ Sophie, tốt.”

Một tiếng thở dài thườn thượt. “Bác hài lòng chứ?”

“Ừ Sophie, tôi rất hài lòng.”

Có tiếng hét vui sướng vang lên trong căn bếp nhà Van der Stap.

Thứ Hai ngày mùng 4 tháng Tư năm 2005

May mắn cho tôi là còn có nhiều bệnh nhân ung thư khác cũng cô đơn. Hoặc những người từng là bệnh nhân ung thư, họ biết và hiểu những trải nghiệm và suy nghĩ điên rồ của tôi. Châm ngôn của tôi giờ đây là “Chia sẻ”. Từ “Chia sẻ” làm tôi sởn hết gai ốc.

 

 

Chợ Noordermarkt hôm nay thật đông đúc. Người mua tấp nập mua bánh mì, nấm, hoa; còn trong các quán cà phê, mọi người đang nhâm nhi thưởng thức món bánh nhân táo. Mặt trời chói chang và bầu trời xanh thăm thẳm. Gần một giờ, tôi có mặt ở quán De Winkel với đôi kính râm đen to bản, chiếc băng đô đen quấn quanh mái tóc vàng. Tôi hồ hởi tìm quanh các dãy bàn một người tên là Jurriaan. Jurriaan cũng bị chẩn đoán ung thư khi mới 21 tuổi và tôi với anh ấy là bà con họ xa. Giờ anh ấy đã 26 tuổi. Dưới một trong hai mái hiên nhỏ của quán có một cậu thanh niên đang lặng lẽ ngồi đọc tờ Thương mại NRC. Tôi tháo đôi kính râm, lông mi và lông mày của tôi đã dài được thêm phân nửa.

“Anh là Jurriaan?”

Người thanh niên ngước mắt lên. “Không.”

“Ồ.”

Tôi đi tiếp và ngồi xuống bên một chiếc bàn.

“Em là Sophie à?” Tôi ngẩng lên rồi nhìn thẳng vào đôi mắt đen của người có lẽ là Jurriaan.

“Chào, anh là Jurriaan. Anh nghĩ chúng ta đã gặp nhau ở đâu đó rồi. Trông em quen lắm.”

Đôi mắt đen của anh ấy nhìn tôi chằm chằm. Chúng tôi ôm hôn chào nhau. Jurriaan mặc chiếc áo phông màu xanh lơ không quá rộng bởi tôi có thể nhìn thấy cơ thể vạm vỡ của anh. Anh đi đôi giày hiệu Nike rất mốt và mang một chiếc túi trang trí nhiều hình ảnh lằng nhằng. Một khuôn mặt đẹp dưới bộ tóc dày dặn. Giờ đây anh ấy không còn phải ra phố với một quả đầu trọc và đôi mắt trụi lông mày song anh ấy đã từng trải qua những điều tương tự như tôi. Tôi quan sát kỹ mái tóc và đôi mắt của anh ấy một lần nữa. Cả lông mi lẫn lông mày đều đã mọc rất dày. Tuyệt, sang năm tôi sẽ lại có bộ lông mi và lông mày dày như vậy.

Chúng tôi gọi hai cốc nước khoáng.

“Anh Jur” - tôi gọi người đồng cảnh ngộ của mình - “tình trạng của anh đã từng rất tệ hại?”

“Có thể nói là vậy. Hóa trị không mang lại nhiều kết quả và xạ trị cũng không làm teo u. Cuối cùng bệnh cũng tự nhiên thuyên giảm.”

“Tự thuyên giảm?”

“Ừ, các bác sĩ cũng không giải thích được điều này.”

“Vậy liệu em có phải tính tới điều gì đó tồi tệ không?”

“Trước mắt em là một quãng thời gian khó khăn Sophie ạ. Nhưng anh thấy em đã tìm thấy chút thanh thản nhất định và đang đi đúng hướng. Hãy cố giữ sự thanh thản đó và đừng để sợ hãi làm em phát điên. Hãy tập trung vào đợt xét nghiệm cuối cùng của em. Đợt xét nghiệm trước diễn ra thuận lợi đúng không?”

Tôi không còn nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh mình. Ngoài đôi mắt và giọng nói của Jurriaan, không còn gì tồn tại đối với tôi nữa. Tôi gật đầu.

“Em là một cô gái mạnh mẽ, anh có thể thấy điều đó. Anh chắc chắn em sẽ vượt qua được.”

Hai tiếng sau Jurriaan là người đứng dậy ra về trước. Tôi dõi mắt nhìn theo anh đi qua khu chợ Noordermarkt giờ đã vắng tanh vắng ngắt. Tim tôi vẫn đập thình thịch sau cuộc nói chuyện vừa rồi. Anh ấy là người cùng cảnh ngộ đầu tiên của tôi và là một người tuyệt vời. Jan - bạn tôi - gọi đó là “Bàn thắng hạnh phúc”. Đó là người tôi có thể trò chuyện và hơn thế nữa anh ấy còn rất bảnh trai.

Khi Jur kể về kinh nghiệm, tình cảm và nỗi sợ hãi của mình, tôi cảm thấy sởn gai ốc như lần biết yêu đầu tiên hay như sau khi Annabel hôn tôi một cái thật kêu.

Thực sự tôi là vậy, tôi thấy hơi có tình cảm với Jur. Chỉ đơn giản vì Jur cũng biết bệnh ung thư là gì và vì giữa chúng tôi, một ánh mắt cũng đã là đủ rồi. Và vì sự tốt bụng cùng vẻ đẹp trai của anh ấy nữa. Bánh nhân táo trộn kem, đó là món tôi thích chén với anh ấy nhất ở quán phố cạnh chợ Noordermarkt.

Thứ Ba ngày mùng 5 tháng Tư năm 2005

Có những màu sắc đối nghịch với nhau một cách ghê gớm và đôi khi bố tôi không hề nhận ra điều đó. Sáng nay ông mặc áo sơ mi xanh da ếch và bên ngoài là chiếc áo khoác màu xanh ô liu. Ông nói là đặc biệt dành cho dịp này. Dành cho dịp đưa tôi vào điều trị tiếp ở bệnh viện OLVG. Bố tôi luôn được ba người phụ nữ của mình tư vấn về cách ăn mặc mọi lúc, mọi nơi bởi ông không tự làm được điều đó. Như những ông bố khác, ông không thích đi mua sắm, những việc như vậy không làm ông quan tâm. Trước đây chắc hẳn phải rất khác bởi ông từng có bộ ria quặp ra hai bên dài tới hơn 20 phân. Trước khi đi ngủ ông phải dùng hai chiếc kẹp phơi quần áo giữ dáng cho bộ ria. Mỗi lần đi tiệc tùng ông lại mang theo con cá sấu nhồi bông đi giày trượt pa tanh của mình và kéo nó theo cả buổi sau lưng.

Hơn ba mươi năm trước nhờ số tiền thừa kế ông đã mua được một ngôi nhà cổ bên kênh và không lâu sau đó hành động này đã được chứng minh là một sự đầu tư đúng đắn. Để có thể trang trải cho việc tu sửa, ông đã dọn đến cùng năm người bạn. Trên hành lang ở cửa ra vào, mỗi người nhận một tấm đá lát có khắc tên mình: Ton - tên bố tôi, Raymond, Henk, Mark, Geert-Jan và một người khác cũng tên Ton. Loes - tên mẹ tôi, là tên cuối cùng trong căn nhà đó. Ngoài bố tôi, mẹ là người cuối cùng còn ở lại trong ngôi nhà này cho tới khi Zus và tôi ra đời. Sau đó chúng tôi còn có thêm ba chú mèo: Keesje, Tijger và Saartje. Keesje sau đó sống trong chuồng thú mà thực ra là một trang trại đồ chơi của trẻ em. Vì hai cô con gái nhỏ, bố mẹ tôi không nỡ lòng nào bán chiếc chuồng thú đó ngay cả khi Keesje là một con mèo tinh quái đáng ghét. Tijger thì bị xe cán trước cửa nhà khi nó được ba tuổi và nếu tôi nhớ không nhầm sau đó nó chết vì tràn khí màng phổi. Còn Saartje ở tuổi 15 ngày càng trở thành một thành viên dễ chịu trong gia đình.

Mắt nó đã mờ và đang dần bị lão suy. Điều đó được thể hiện qua việc nó ngày càng thu mình và qua những hành động bộc phát như tấn công tụi chó béc giê hay những cô bạn tới thăm tôi.

Tôi và bố được trận cười nghiêng ngả bởi trong lúc đi tiểu tôi đã phát hiện ra những chiếc lông mu đầu tiên đã rụng trên giấy vệ sinh.

Bố tôi đùa: “Cửa hàng cô có bán cả lông mu chứ?”

Tôi nói: “Hay cháu được nhận miễn phí vì 8000 ã mua tóc giả?”

Cũng nhân dịp bố tôi hôm nay diện toàn đồ xanh, tôi đội Sue còn mang theo Blondie trong túi vì các cô y tá và Bas đã lâu rồi không nhìn thấy Blondie. Tôi để Daisy và Stella ở nhà. Trên đường đi mọi người thường im lặng bởi tất cả bốn, ba hoặc hai chúng tôi luôn phải chuyển mạch suy nghĩ sang bác sĩ L, sang căn bệnh Rhabdomyosarkom, sang nỗi sợ hãi và tất cả những điều tồi tệ có thể có trong bệnh viện.

Ngay khi đặt chân tới bệnh viện OLVG những dòng suy nghĩ trong đầu tôi bị chuyển mạch hoàn toàn và giờ đây chỉ còn một điều sống còn: Phải sống sót. Bất chấp những lo âu khi màn đêm buông xuống, tôi luôn cảm thấy mình an toàn và được yêu thương. Đó là một thế giới nhỏ, cô đơn song cũng rất tốt đẹp và ấm áp. Việc thay đổi suy nghĩ đó giúp tôi vượt qua những tháng ngày trong bệnh viện, tuy nhiên nó lại làm khoảng cách giữa hai thế giới ngày càng lớn hơn. Một mặt là thế giới nơi chỉ có độc chiếc giường với một cô gái bị bệnh nằm trên đó, mặt khác là thế giới nơi có ngôi nhà ấm cúng, tràn đầy tình yêu thương, vì nó mà nước mắt tôi cứ tuôn trào khi nghĩ tới chiếc giường cô đơn trong bệnh viện kia.

Trước mặt tôi hiện ra một vài tấm hình nhỏ màu đen mà bác sĩ L đã lưu vào chương trình hiển thị ảnh X-quang. Hôm nay tôi được phép xem những tấm ảnh của lần xét nghiệm kiểm tra. Bề ngoài thì đó là kết quả của những lần xạ trị đắt đỏ song điều đó không dễ nhận ra được. Bác sĩ L mỉm cười khi ông thấy mái tóc đỏ hoe của tôi, ông pha trò rồi đi thẳng vào vấn đề, vấn đề về phổi. Tôi cũng có thể nhận ra: Khối u đã teo nhỏ đi đôi chút. Nếp đường viền trên lá phổi phải có ít dị tật hơn hai tháng trước đây khi tôi bắt đầu cuộc chiến chống bệnh tật này. Màng phổi trái tạo thành một hình vòng cung căng và đẹp đến nỗi người ta có thể vẽ lại bằng com pa. Màng phổi phải, ngược lại, không thể mô tả được bằng com pa mà trông nó giống mì spaghetti trộn một hàng ravioli(1)_ ở giữa hơn. Chiếc to nhất nằm ở dưới cùng, sát buồng gan. Đâu đó ở giữa là Huey, Dewey, Louie tinh nghịch, còn phía trên cùng là một kẻ đào tẩu nép kín dưới ngực phải của tôi. Để dễ hiểu chúng ta hãy đặt tên cho hắn là Black Pete. Tên bệnh của tôi rhabdomyosarkom có nghĩa là “hiếu thắng” (rhabdo), “cơ bắp” (myo) và “u ác tính” (sarkom). Các tế bào ung thư sẽ thâm nhập vào những cơ quan nhạy cảm trên cơ thể như mô liên kết, mô cơ hay bất kỳ loại mô nào khác. Tôi đọc được ở đâu đó rằng chân và tay là các bộ phận hay bị ảnh hưởng nhất và có thể bị cắt cụt. Tôi mừng thầm vì mình chỉ có phổi là bị ảnh hưởng.

Bệnh của tôi có ba mức độ trầm trọng và tôi rơi vào cấp độ thứ hai. Không phải mức độ trầm trọng nhất, cũng chẳng phải đơn giản nhất. Do bệnh này còn hiếm nên người ta chưa biết nhiều về việc hình thành và quá trình điều trị nó. Phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng nguyên nhân là do một dị tật bẩm sinh. Nhưng cớ làm sao mà dị tật này lại xuất hiện trong tôi ở độ tuổi 21 thì không ai biết. Đáng báo động! Dù thế nào đi nữa dị tật này cũng làm cho các nhà nghiên cứu bệnh học, những người dường như rất khó bắt chuyện, bất đồng quan điểm về cách chẩn đoán bệnh của tôi. Bác sĩ L bảo tôi không nên lo lắng xem tên bệnh này là gì mà quan trọng là liệu việc điều trị có đem lại hiệu quả hay không. Và nó đã thực sự đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Quá trình điều trị không chỉ phải mang lại hiệu quả mà phải đủ hiệu quả để làm sao những tế bào u bướu cuối cùng còn trú ẩn trong cơ thể tôi cũng phải biến mất. Cơ thể tôi vẫn tiếp tục phải chiến đấu bởi lượng máu có đủ thì mới có thể tiến hành hóa trị. Một cảm giác nhẹ nhõm xâm chiếm lấy tôi bởi sự căng thẳng mà một vài phút trước tôi còn cảm thấy rõ mồn một dường như đã giảm bớt. Đã có những tin tốt nhưng phòng làm việc của bác sĩ L sẽ không bao giờ là nơi tôi có thể thư giãn.

Việc tôi mắc bệnh ở tuổi này khiến căn bệnh của tôi có phần bí hiểm hơn so với các trường hợp mà bệnh nhân là trẻ em. Như những gì tôi đọc được trong bệnh án thì đồng thời nó cũng khiến việc điều trị không hoàn toàn được thuận lợi. Phương pháp trị liệu này phù hợp với cơ thể của trẻ em hơn bởi cơ thể trẻ em hồi phục nhanh và tốt hơn so với cơ thể của một “thanh niên” như tôi được gọi trong bệnh viện OLVG. Việc tôi vượt qua được quá trình điều trị cũng đã là một cuộc chiến cam go hệt như cuộc chiến chống lại bệnh tật. Chính vì vậy lượng máu của tôi luôn được theo dõi gắt gao và sẽ được điều chỉnh kịp thời nếu nó vượt quá mức cho phép:  truyền máu do lượng hemoglobin quá thấp, truyền bạch cầu và có thể cả truyền tiểu cầu. Cụ thể hơn lượng máu sẽ được thể hiện qua vẻ nhợt nhạt của gương mặt, sự mệt mỏi, khả năng chịu đựng kém và cả những vết xanh xuất hiện khi lượng tiểu cầu bị thiếu bởi tiểu cầu luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm đông máu. Biểu đồ chụp X-quang trên máy tính cho thấy các dị tật mà tôi đề cập trước đó không lớn hơn đầu một chiếc đinh ghim là mấy. Lúc đầu khối u lớn nhất trong cơ thể tôi có kích thước 5 x 2,5 cm, có thời kỳ nó đã phát triển lớn thêm gấp năm lần song giờ đã teo lại còn một nửa. Do việc các tế bào u nằm rải rác trên một cơ quan và hơn thế nữa do cơ quan đó lại là phổi nên lúc này việc phẫu thuật chưa được tính đến. Có lẽ ở giai đoạn sau. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc tôi có ít lựa chọn hơn song ngoài hóa trị còn có một phương pháp điều trị khác: xạ trị.

Tác động của quá trình điều trị bằng hóa chất có thể nhận thấy rõ mà khỏi cần nhìn vào những tấm hình hội chẩn bởi dần dần tôi đã tăng cân trở lại và lấy lại được sinh lực đã mất. Phương pháp hóa trị kỳ quặc ở chỗ nó thường làm cho bệnh nhân trông còn tiều tụy hơn là khi chỉ bị bệnh ung thư hành hạ. Tuy vậy,  trường hợp của tôi có hơi khác một chút. Cơ thể tôi dần quen với các loại dược phẩm mới và hồi phục nhanh hơn sau mỗi lần truyền dịch. Tuy nhiên bác sĩ L vẫn còn khá hoài nghi, ông sợ rằng đến cuối năm tôi chỉ còn là một bộ xương cô độc lượn lờ trong khoa của ông.

Trừ việc bị kiệt sức sau một tuần ở bệnh viện OLVG và một cái đầu trọc lốc, tôi cảm thấy mình khỏe mạnh. Người ta không nhận thấy điều đó ở tôi. Đám u bướu kia càng teo đi bao nhiêu tôi càng cảm thấy khỏe mạnh bấy nhiêu. Tôi đã phải trả giá bằng sợ hãi và sụt cân, bằng những lần vã mồ hôi và nôn mửa. Song cơ thể tôi dần dần đã quen với những thay đổi mới và càng ngày tôi trông càng giống Sophie và ít giống một bệnh nhân ung thư hơn. Giờ tôi hiểu rõ hơn về tác dụng của các loại thuốc và việc uống thuốc đúng giờ sẽ giúp tôi không còn bị nôn mửa. Tôi coi đợt điều trị như một người bạn xa lạ, người tìm mọi cách giúp tôi khỏe mạnh trở lại chứ không còn coi nó là kẻ thù nguy hiểm nữa. Nếu có ai đó nói xấu về phương pháp điều trị bằng hóa chất, tôi sẽ dạy cho anh ta một bài học. Đây là bệnh của tôi, cuộc chiến của tôi, sân chơi của tôi và tiếng nói của tôi.

Tôi ngừng việc học ở khoa “Khoa học chính trị” của trường đại học, việc học của tôi giờ đây chỉ diễn ra ở thư viện y học của Trung tâm AMC. Cuối cùng tôi cũng đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi của mình. Một bản copy của cuốn bệnh án luôn đồng hành cùng tôi khắp mọi nơi như để chọc giận chị y tá Annemarie, người trong giờ nghỉ vẫn phải luôn túc trực bên máy photocopy để sao chụp giúp tôi. Tất cả các bác sĩ tiếp xúc với tôi đều bị tôi hỏi một điều gì đó. Tôi muốn biết mọi thứ, muốn hiểu mọi thứ, muốn nghiên cứu mọi thứ. Kể cả nghiên cứu cơ hội sống sót của mình. Nghe có vẻ vô nghĩa khi ai đó tìm hiểu về cơ hội sống sót của chính mình chỉ qua các thống kê. Cơ hội sống sót của tôi đã tăng từ năm mươi lên bảy mươi phần trăm khi khối u được chẩn đoán là ở phổi chứ không bám vào gan. Dù vậy đối với tôi và vị bác sĩ của mình thì việc này cũng không nói lên nhiều điều. Những đánh giá khó hiểu của loạt xét nghiệm mà tôi vẫn phải mang theo khi đi kiểm tra máu giờ đây trở thành điểm tựa. Tôi tìm lại được niềm tin để hướng về phía trước, để nuôi hy vọng và để rũ bỏ nỗi chán nản. Và hơn thế nữa tôi yêu cuộc sống mới của mình: những khoảng thời gian dài thênh thang tôi có được cho riêng mình, những mớ tóc giả đưa tôi đi qua cuộc đời như một người phụ nữ đích thực. Một lần nữa tôi lại dám quyết định số phận riêng của mình.

Gia đình tôi thận trọng điều chỉnh bản thân cho phù hợp với điều kiện tinh thần và thể chất của tôi. Tình trạng mệt mỏi kéo dài khiến sức chịu đựng của tôi xẹp xuống chỉ còn ngang bằng với lòng khoan dung của một mụ phù thủy già. Mọi người trong nhà để ý giọng nói, nét mặt của mình mỗi khi gặp tôi bởi họ sợ làm mếch lòng cô công chúa ngủ trên hạt đậu. Tôi đâu có chỗ cho những biểu hiện tình cảm của mọi người trong nhà, tôi chỉ còn chỗ cho những tình cảm của riêng mình. Tôi chắc sẽ không chịu nổi nếu thấy họ đau buồn đến suy sụp vì tôi. Vì thế, và cũng vì một lý do nữa là tôi ngày càng cảm thấy phải tự mình giải quyết các vấn đề cá nhân nên tôi muốn tự mình làm tất cả mọi việc. Các cuộc nói chuyện, những lần xét nghiệm, kiểm tra máu hằng tuần... tất cả, dù cho những việc đó cũng chẳng có gì là vui vẻ. Cuộc xét nghiệm kiểm tra đầu tiên đã ở sau lưng tôi, số áo phông đẫm mồ hôi của tôi giờ đã giảm xuống bằng không. Với con số không này tối nay tôi lại trở về phòng bệnh của mình, ra khỏi căn nhà của bố mẹ dù không xa bệnh viện là mấy. Về phòng bệnh với cuốn sách về Lance Amstrong, người bảy lần vô địch cuộc đua Tour de France, người chiến thắng căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã di căn lên tới não, người sáng lập ra chiếc vòng tay vàng mà mỗi euro tiền thu được đều giành để quyên góp cho cuộc chiến chống bệnh ung thư.

Thứ Tư ngày mùng 6 tháng Tư năm 2005

Không chỉ bố tôi mới có vấn đề với việc kết hợp màu sắc. Nội thất của bệnh viện OLVG cũng không hề chịu thua kém ông. Cách phối màu sơn ở khoa phổi có vẻ được tuân theo những tiêu chí về tâm lý học. Những khung cửa sổ màu vàng mà người ta nghĩ sẽ giúp tôi cảm thấy bình thản hơn tương phản với màu xanh nước biển của căn phòng. Sự bất ổn mà tôi cảm thấy trong những ngày điều trị bên bác sĩ K không phải xuất phát từ những mũi kim tiêm dài nhọn mà từ sự tương phản màu sắc này. Còn ở trạm C6 này hình như người ta không để những người có trình độ được thử tay nghề. Thay vào đó họ tự chọn màu tím nhạt và màu xanh da trời, một sự kết hợp làm tôi nhớ như in những phòng học ở trường phổ thông. Chắc ở đó người ta cũng nghĩ sự kết hợp này sẽ giúp học sinh ngồi bên trong cảm thấy bình thản.

“Ngạc nhiên chưa!” tôi nói khi nghe thấy câu “Chào trọc” của Bas ở trạm C6 song ngay sau đó anh lại thấy một Sophie với mái tóc đỏ hoe. Tôi gọi trạm C6 là trạm an dưỡng và điều này cũng chẳng xa sự thật là mấy. Ở trạm an dưỡng người ta được nghỉ ngơi hồi sức để ra về với tình trạng tốt hơn lúc đến, ngoài ra người ta còn được chăm sóc chu đáo. Ở chỗ y tá Bas và các y tá khác cũng tương tự như vậy.

“Tim, bàng quang và cật phải được để mắt đến. Em có cảm thấy khó chịu ở chỗ nào đó không?” y tá Pauke hỏi.

“Khó chịu ạ? Ở tim? Không hề, chỉ có điều em không nhịn đi tiểu lâu được. Thỉnh thoảng còn bị rỉ ra vài giọt như mấy cụ bà trong một quảng cáo trên truyền hình.” Nếu việc đó xảy ra tôi chỉ cần dùng băng vệ sinh của hãng Tena thay vì của hãng Libresse.

Bas chọc tôi vì chuyện đó và tiến vào phòng tôi trước. Tuần thứ ba ở bệnh viện đã bắt đầu. Những đợt hóa trị hằng tuần bằng thuốc gây nghiện Vincristin và một loại thuốc khác nữa mà thứ Hai nào tôi cũng phải trải qua một tiếng điều trị giờ đã là quá khứ. Giờ cứ ba tuần tôi đến điều trị một lần để được tiêm thuốc diệt u bướu.

Sau gần một nửa thời gian điều trị trong bệnh viện giờ tôi được chuyển vào một căn phòng đa giường bệnh. Cho đến lúc này độ tuổi của tôi đã trở thành thứ vũ khí lợi hại bảo vệ tôi khỏi căn bệnh quái ác. Ở khoa này chỉ có bốn phòng đơn, chúng được dành sẵn cho những bệnh nhân cần được cách ly hoặc cho những bệnh nhân vô phương cứu chữa và các trường hợp đặc biệt khác. Tôi thuộc về các trường hợp đặc biệt song tiếc là lần này có quá nhiều bệnh nhân của nhóm kia nên tôi bị chuyển về căn phòng cùng các bệnh nhân ung thư khác.

Giường tôi nằm giữa giường của hai mợ “quàng quạc”. Thỉnh thoảng tôi lại trao đổi ánh mắt với người đàn ông ở giường đối diện, người đã từ vài ngày nay phải tiêu hóa những cuộc buôn chuyện nóng hổi có cấp độ của hai mợ kia. Độ tuổi trung bình trong phòng tôi là 71, song tôi đã làm cho nó giảm xuống còn 58 tuổi rưỡi.

“Xin chào và chúc một buổi sáng tốt lành. Ai muốn uống gì nữa không?”

Không ai lên tiếng.

“Mọi người đừng muốn tất cả một lúc nhé”, cô phục vụ cà phê tếu. Vẫn không ai lên tiếng, có vẻ mọi người thích bị khát hơn. Tuy nhiên trà và cà phê vẫn được rót ra. Bên cạnh đó, tôi còn đang bị cột vào thanh truyền nước vậy mà một người không lấy gì làm dễ chịu nào đó lại đùa cợt một cách vô cảm để quấy rầy tôi. Tôi bảo vệ mình bằng tấm khăn lau và chiếc khăn trùm đầu để mọi thứ được hoàn toàn tiệt trùng.

Ngồi cạnh là mẹ tôi. Một người mẹ ân cần và tận tụy. Không ngày nào mẹ tôi không tô son đỏ. Bà là người đầy nghị lực, hiện đại và rất bộc trực, đặc biệt khi điều đó liên quan đến sức khỏe của con gái mình. Những thực tập sinh phải gườm bà, các trợ lý bác sĩ cũng phải nể. “Cô biết điều này rõ chứ? Bác sĩ L biết điều đó chứ?” Hoặc khi chuẩn bị tiêm: “Nếu cô không chắc là sẽ thành công ngay ở lần đầu tiên thì tốt nhất là hãy gọi thêm một đồng nghiệp khác.”

Bà túc trực bên giường tôi như chàng kỵ sĩ canh pháo đài, như con sói mẹ bảo vệ hai đứa con sinh đôi của mình giống bức tượng từ thời La Mã. Đôi lúc cũng thật khó khi ở cùng bà trong một nơi bất tiện thế này. Bởi bà sẽ thấy tôi nhăn nhó vì đau đớn như thế nào khi bắt đầu được truyền nước, hoặc nụ cười của tôi sẽ biến mất như thế nào khi điều gì đó tồi tệ xảy ra. “Chết tiệt” và “Đồ ngu” là chất thơ của mẹ tôi khi bà lo lắng. Khi đó cả bệnh viện sẽ là đồ chết tiệt và cả thảy những người có mặt trong đó, kể cả các bà bán cà phê đều là đồ ngu.

Bác sĩ L ghé thăm. Ông thích đến cùng các thực tập sinh giỏi nhất của mình để trong lúc nghỉ trưa ông có thể khoe với họ về kiến thức của mình trong khi mồm còn nhồm nhoàm nhai chiếc bánh mì nhân pho mát.

“Cháu bây giờ khó nhận ra thật đấy. Liệu đó có phải là thành tích mới thu lượm được của cháu?” Ông cười pha trò và đi thẳng vào vấn đề.

Tôi kiêu hãnh gật đầu. “Tên nó là Blondie.”

Blondie đung đưa trên thanh truyền chất lỏng, thứ tôi cũng dùng để treo quần áo. Chiếc áo choàng mặc sau khi tắm cũng treo trên đó, cả một cái túi màu vàng nữa. Các thực tập sinh cười khúc khích. Bác sĩ L cũng cười. Trò biến hóa nổi tiếng của tôi càng được thêm nhiều người biết đến.

Tuy những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi chỉ thuần túy về y học song mối quan hệ của chúng tôi lại rất cá nhân. Ít nhất là tôi thấy thế. Những giờ phút mà tôi đã, đang và sẽ ở bên bác sĩ L là những giờ phút chân thành nhất của cuộc đời tôi. Ông biết rõ mọi trạng thái tình cảm của tôi, những giọt nước mắt, nỗi sợ và cả niềm vui của tôi. Và cả những lời càu nhàu khi tôi nguyền rủa ông cùng căn phòng màu trắng và chiếc bút bi Suriname chết tiệt của ông.

Tôi rất muốn biết ông kẹp bánh mì quệt bơ với thứ gì, căn nhà nơi mỗi sáng ông thức dậy trông ra sao và ông đi từ nhà tới bệnh viện bằng phương tiện gì. Tôi tìm hiểu ra rằng ông sống ở một ngôi làng có tên bắt đầu bằng chữ O và di chuyển bằng tàu. Buồn cười thật. Ông trở thành một người quan trọng đối với tôi đến nỗi tôi đã nghĩ ông phải sở hữu một chiếc xe hơi có kính nhuộm đen và một lái xe riêng. Chứ không phải mỗi sáng đầy căng thẳng với chỉ bánh mì quệt bơ, rồi vội vàng gấp đống tài liệu để phi ra sân ga đi cứu người.

Bác sĩ K giờ chỉ còn xuất hiện trong những giấc mơ của tôi và đôi khi ở cả trong dãy hành lang của bệnh viện hoặc ở phòng làm việc cũ của ông nơi tôi hằng ngày phải đi qua để tới chỗ bác sĩ L. Tệ là ở chỗ sau bao nhiêu bác sĩ của tất cả các chuyên ngành, cuối cùng tôi lại “rơi” vào một vị thô lỗ của khoa Ung thư.

Tôi đã nằm trên giường cả buổi sáng trong khi xung quanh tôi mọi thứ vẫn diễn ra sôi nổi. Đây mới là ngày đầu tiên của tôi song tôi đã chán ngấy. Người tôi bốc mùi, đầu óc tôi quay cuồng và tôi cảm thấy thật đau đớn khi nghĩ về đống kế hoạch tôi đang lên.

Đã lên.

Đang lên.

Đã lên.

Hoặc là đang lên, hoặc đã lên, một trong hai từ đó. Tôi lấy tay chống mũi lên. Để tăng thêm sức mạnh tôi còn chống tay lên rồi sau đó ngoảnh mặt đi. Đã hai ngày nay tôi được truyền chất lỏng. Tất cả các loại kem và nước hoa tôi mang theo vào bệnh viện đều trở nên vô dụng trước cái mùi mồ hôi nồng nặc do hóa chất gây nên. Cả nước tiểu của tôi cũng bốc mùi, Pauke gọi đó là “nước tiểu hóa trị”. Cả ngày trời tôi phải hít cái mùi khó chịu ấy bởi tôi phải đi tiểu vào bô chứ không được đi vào nhà vệ sinh như những người lớn bình thường. Ban đầu tôi còn cố khử mùi mồ hôi đó bằng cách tắm rửa nhiều lần, song cuối cùng tôi cũng hiểu ra việc đó sẽ chẳng mang lại kết quả gì.

Pauke, người mà có lẽ giày của hãng Birkenstock được phát minh chỉ để dành riêng cho cô ấy, cũng có mặt để cân, đo huyết áp và nhiệt độ cho tôi. Cô ấy không giống một nữ DJ, chẳng phải là một cô bán hàng bán thời gian, cũng không giống một cô gái trẻ xinh xắn mà là một cô y tá bình thường, một người nghiện làm việc. Tôi thấy cô ấy rất tuyệt. Dáng người dong dỏng của cô ấy khiến tôi nhớ đến dì Sidonia, cô ấy di chuyển rất chuyên nghiệp từ giường này sang giường kia. Pauke nghiêm túc lưu tâm tới việc tất cả những gì cần thực hiện phải được thực hiện, tuy nhiên cô không bao giờ đánh mất nụ cười đầy niềm nở của mình. Ngay cả khi thỉnh thoảng cô tiêm không đúng mạch. Việc đó chỉ xảy ra vào những ngày mà lẽ ra là ngày nghỉ của Pauke. Tôi thì không để ý lắm đến điều đó.

Tuy tôi không cảm thấy mình bị bệnh song mọi thứ trở nên thật nhàm chán khi ngày nào cũng phải lượn qua lượn lại dãy hành lang của khoa. Sau một vài giờ điều trị hóa chất, cảm giác buồn nôn bắt đầu xuất hiện. Cảm giác đó không mạnh tới nỗi tôi có thể nôn ra ngay song nó đủ mạnh để tôi không còn dám nghĩ đến chuyện ăn uống nữa. Pauke thuyết phục tôi chui ra khỏi giường để cô ấy có thể thay ga mới. Cô ấy làm việc đó hằng ngày, trừ khi vẻ mặt đầy thương hại của tôi làm cô ấy phải đầu hàng. Tuy vậy tôi mới chỉ thành công có một lần khi món bánh mì kẹp cá ngừ mà tôi ăn trước đó ồng ộc “tuôn trào” cực kỳ đúng lúc. Một lần tôi hỏi liệu cô ấy có nghĩ đến tôi khi tan ca rời bệnh viện để về với thế giới riêng của mình.

“Có”, cô ấy trả lời, “nhưng những lúc đó chị chỉ nghĩ đến những quả sung và quả chà là chứ không nghĩ đến những lần truyền dịch, máy báo tin, bàng quang hay những mũi tiêm tiệt trùng.” Không, cô ấy chỉ nghĩ đến những quả sung ngọt lịm và những quả chà là mềm mọng. Đó là do có lần tôi nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của các loại quả này trong khi cô ấy đo huyết áp cho tôi. Triết lý về cuộc đời của cô ấy là vậy. Và bởi vì điều đó gợi cho tôi nhiều ý tưởng mới, tôi luôn liên tưởng Pauke với ba người con ở độ tuổi vị thành niên đang chờ cô ấy về nhà sau giờ làm, với bán đảo Cap Ferrat bởi cô ấy kể về nó thật hay và với dì Sidonia.

Thứ Năm ngày mùng 7 tháng Tư năm 2005

Người bạn cao kều luôn ở bên cạnh tôi: buổi tối khi tôi đánh răng rửa mặt, khi các bóng đèn vụt tắt rồi tôi vào giường ngủ để mơ về bác sĩ K. Kể cả những lúc đèn được bật lên và tôi tỉnh dậy, khi tôi lại phải đi đánh răng rửa mặt để ăn món cháo yến mạch. Cậu ấy luôn đứng cạnh để canh giữ cho tôi một cách trung thành, ân cần mà không hề bị xao nhãng.

Người bạn cao kều của tôi không phải là người nói nhiều song đôi lúc cậu ta cũng khiến mọi người phải lắng nghe. Ngay khi cậu ta đánh hơi thấy nguy hiểm, cậu ta há rộng mồm và biến mình thành một chú gà chọi bất bại thực thụ. Trong những lúc như vậy giọng nói lanh lảnh của cậu ta khiến tôi biết được rằng cậu ta vẫn ở đó và tôi phải để cậu ta làm nốt phần việc của mình dù cho việc cậu sẽ làm khiến tôi hơi căng thẳng nhưng tôi tin cậu ấy. Sau đó cậu ta hét toáng lên để mọi sự chú ý được đổ dồn về tôi. Tôi thấy điều đó ở cậu ta thật đáng yêu. Một chút chú ý cũng khiến tôi cảm thấy vui trong căn phòng toàn khổ đau này.

Một số người còn pha trò về người bạn cao kều của tôi. Có lẽ bởi họ không biết phải bắt đầu với thân hình cao gầy và giọng nói của cậu ta thế nào. Đôi lúc họ cười đùa về đồ trang sức của cậu ta, họ chỉ vào bóng đèn nhấp nháy của cậy ấy và gọi cậu ấy là “cây thông Noel”. Hoặc họ còn gọi cậu ấy là “cây sào lênh khênh”. Tuy nhiên điều đó cũng chẳng làm chúng tôi phiền lòng. Sophie và “cây sào lênh khênh” cũng đã quan sát nhiều đối thủ song không ai nhấp nháy đẹp như cậu ta.

Thậm chí người bạn cao kều của tôi còn bị cười nhạo vì những tiếng píp của mình. Tiếng píp của cậu ta làm tất cả những người bạn khác điên đảo, không thể không nhận ra tiếng kêu ấy và nó còn khiến mọi người phải ghen tị. Song ngay cả điều đó cũng không làm phiền chúng tôi bởi Sophie và “cây sào lênh khênh” đều biết rằng không ai cứu nhiều bệnh nhân ung thư khỏi lưỡi hái tử thần như cậu ta. Người bạn cao kều của tôi biết làm rất nhiều thứ và cậu ta sẽ trở nên bất bại khi ở tình trạng bất động. “Duy trì trạng thái tĩnh lặng là khi người ta nắm bắt được cuộc sống. Cuộc sống kết nối cậu và tớ. Cậu và tớ, Sophie và cây sào lênh khênh”, cậu ta nói.

Chúng tôi được kết nối bằng thứ chất lỏng chảy qua một ống dẫn mỏng. Chúng tôi cùng nhau nghe lén tiếng nhạc của chiếc ống dẫn, giai điệu của bàng quang và tiếng động của thiết bị bơm. Chúng tôi thưởng thức trạng thái yên ổn cho đến khi người bạn cao kều của tôi phát hiện ra nguy hiểm và phát ra những tiếng píp píp. Các cô y tá chạy vội tới, đèn được bật sáng và bằng giọng nói lanh lảnh của mình, người bạn cao kều của tôi nhanh chóng biến thành một chiến binh hung tợn hăm hở bước vào cuộc chiến vì tôi. Song may thay lúc nào đèn cũng lại được tắt đi và người ta trả lại chúng tôi sự yên ổn thanh bình của mình. Sự yên ổn và cả một ít chất lỏng kết nối chúng tôi chảy qua một ống dẫn đang cất tiếng hát nhẹ nhàng.

Một lúc nữa là bố tôi sẽ đến trong chiếc áo sơ mi màu xanh da ếch và chiếc áo khoác màu xanh ô liu đặc trưng của mình. Đặc biệt là để dành cho dịp này. Rồi sau đó khi mọi ánh đèn được tắt đi, tôi lại ở một mình và có thể theo dõi tiếp phim Desperate Housewives trên kênh Net5. Thỉnh thoảng các chị y tá cũng uể oải xem cùng tôi một lúc để biết các bà nội trợ làm gì. Sau đó mắt tôi đảo về phía chiếc đồng hồ phát sáng kêu tích tắc suốt cả đêm, nó giống y chiếc đồng hồ tôi thấy trong khoa của bác sĩ K. Mỗi ngày tôi đều chờ đợi chuyến thăm bất chợt của ông hay một tấm bưu thiếp. Còn mỗi đêm, lúc nỗi cô đơn của tôi lên tới đỉnh điểm thì cũng là đỉnh điểm của niềm mong mỏi đôi bờ vai rắn chắc của ông. Tôi thực sự chợt thấy mình ham muốn đôi tay của ông đến nhường nào chứ không phải đôi tay của một chàng thanh niên hấp dẫn ngoài 20 tuổi.

Phía lối đi dưới kia có ai đó đang nằm chờ chết, tiếng xe cứu thương kêu inh ỏi như một con hà mã bị đau răng. Lẽ ra người ta nên báo cho tôi trước để tôi còn chuẩn bị đồ bịt lỗ tai. Ồn ào làm sao! Không biết nếu là tôi nó sẽ ồn thế nào? Hay sẽ có mùi gì? Đúng là một cơn ác mộng. Nhưng tôi còn lâu mới đến lượt. Bas mang đồ bịt tai tới. Tôi cảm thấy vui ngay cả khi anh ấy tới vào lúc ba giờ đêm. Thứ để bịt tai có màu hồng và rất hiệu nghiệm. Trong khi tôi làm ấm nó ở lòng bàn tay, tôi nghe thấy cách đấy không xa giọng nói khe khẽ song đầy hăm dọa: “Câm mồm ngay!” Ở đây đôi khi thực sự giống một nhà thương điên.

Thứ Sáu ngày mùng 8 tháng Tư năm 2005

Buổi sáng tôi bị một người phụ nữ đáng sợ với một kim tiêm còn đáng sợ hơn trên tay đánh thức. Tất cả đồ đạc thiết bị của bà ta được đặt trong một chiếc chậu. Còn chưa tới tám giờ, mặt tôi còn chưa muốn rời xa chiếc gối, tôi cự tuyệt việc phải mở mắt. Thật kinh tởm! Song mọi kháng cự đều vô tác dụng, tôi ngoan ngoãn chìa cánh tay ra. Mắt nhắm mắt mở, tôi quan sát kỹ với hy vọng mũi tiêm kia sẽ thành công ở lần thử đầu tiên. Song vô hiệu. Đúng là một con người đáng sợ.

Chiếc rèm được vén lên, bữa sáng của tôi đã được chuẩn bị.

“Xin chào và chúc một buổi sáng tốt lành!” bà hộ lý réo lên để ai trong khoa cũng có thể nghe thấy dù người ta vẫn còn muốn ngủ. Sáng nào cũng vậy bà ấy đều mang cho tôi một cái phích nhỏ đựng nước nóng. Lại phải đi tiểu rồi, tôi nghĩ khi thấy túi nước muối sinh lý không biết là thứ bao nhiêu tìm đường vào cơ thể mình và điều đó đồng nghĩa với việc phải sờ soạng trong nhà vệ sinh với một đống dây truyền nước. Tôi đúng là một bệnh nhân đang có phong độ tốt. Trong đống hỗn độn với những bà hộ lý, nh 19ff ững mũi tiêm, các y tá và bác sĩ đôi lúc tôi cũng thành công trong việc nhắm được mắt lại vờ như đang đêm và không có chuyện gì xảy ra.

Tôi ngồi dậy và sửa soạn để đi xuống chỗ bác sĩ nha khoa. Ông ấy là người đồng tính. Pê đê. Ái nam ái nữ. Mỗi tính một chút. Song rất tốt bụng. Tôi thường lui tới chỗ ông ấy để kiểm tra xem liệu đống thuốc men kia có làm răng tôi lung lay hay không. Nhưng cho đến nay chúng vẫn còn nằm chắc trong miệng. Ông bác sĩ nha khoa nói tôi có một hàm răng khỏe. “Giống mẹ cháu.”

Đúng, giống mẹ. Ông vẫn còn nhớ bà từ năm ngoái.

Để tới chỗ ông ấy tôi phải đi dọc hành lang qua những người bình thường. Những người bình thường, họ có thể cũng bị đau đớn một chút song người không nồng nặc mùi bệnh viện. Bởi ở hành lang thì mọi thứ vẫn còn vô hại. Một vài người trong phòng điều trị ngoại trú, một vài người tới thăm người nhà song không ai trong số họ là bệnh nhân người nồng nặc mùi bệnh viện. Tay còn bị cột vào thanh truyền nước, tôi bước vào thang máy để đi xuống tầng dưới. Tôi đẩy người bạn cao kều của mình về phía trước, hai má tôi đỏ rực lên, gương mặt tôi in rõ nỗi sợ hãi. Sợ gây chú ý. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía con bé tội nghiệp của khoa Ung thư. Điều đó đúng trong cả thực tế lẫn trong suy nghĩ của tôi. Tôi ăn mặc rất bình thường, quần jeans, áo len đen, bộ đồ của bệnh viện và đôi dép đi trong nhà được để lại trong phòng. Một số người ở đây chắc hẳn cũng đã từng được truyền nước, ít nhất là tôi nghe được vậy. Tôi hiểu được điều đó từ ánh mắt họ. Họ biết rằng tôi đang điều trị không phải ở một khoa nào khác mà chính ở khoa Ung thư, nơi có các bệnh nhân ung thư đủ loại. Những lần phải đối mặt như thế này quả thực vô cùng tệ hại, có lẽ nó là điều tệ hại nhất bạn phải trải qua khi bị ung thư. Người ta phải đối mặt với một thực tế tàn bạo. Cái thực tế mà đối với tất cả những người kia là vô thực, còn với tôi lại rất hữu thực.

Tôi quay người, phóng càng nhanh càng tốt về cái thế giới cô đơn của mình, cái thế giới mà ngày càng trở nên đơn côi hơn.

Thứ Hai ngày 11 tháng Tư năm 2005

Trên lịch tôi đọc được “tuần thứ mười một” trong năm mươi tư tuần và ở cuốn lịch thứ hai là “tuần thứ hai” của học kỳ hai khoa Chính trị học. Mùa hè sau khi tốt nghiệp phổ thông, khoảng gần bốn năm trước, tôi đăng ký một chuyến du lịch tới Tây Tạng. Sự quan tâm của tôi tới mảnh đất này được đánh thức bởi những cuốn sách của của Hermann Hesse và một tình yêu cuồng điên. Cơ hội duy nhất để tới được đó là đi theo nhóm có tổ chức mang tên “Phiêu lưu cùng những người về hưu”. Nhóm này khởi hành từ Bắc Kinh và kết thúc chuyến đi tại Kathmadu, tôi còn lên lịch thêm cho hai tháng ở Nepal và ba tháng ở Ấn Độ. Sau đó tôi nhận ra rằng mình không nhận tấm bằng tốt nghiệp phổ thông khiêm nhường kia một cách vô bổ, tôi muốn học khoa Chính trị học để hiểu thêm về sự bất công trên thế giới.

Tôi vẫn còn là sinh viên trong trường, vẫn phải đóng học phí, song cụm từ “bị thôi học” khiến hàng ngàn giọt nước mắt cứ tuôn trào ra. Mỗi năm học chúng tôi phải đạt được 60 điểm ở nhiều bộ môn khác nhau. Ở khoa Chính trị học như thường lệ có 6 môn, mỗi môn có 10 điểm. Trong năm học đầu tiên tôi đăng ký vào khoa Kinh tế Quốc tế bởi lúc đó tôi không biết gì về bộ môn này và hơn nữa tôi lại muốn có một tấm bằng về Hợp tác Phát triển trong lĩnh vực Quan hệ Quốc tế. Tuy nhiên sau kỳ học đầu tiên tôi không đến dự giảng nữa. Đối với một sinh viên năm thứ ba như tôi, tôi không chỉ thích cà kê ở các quán cà phê hè phố mà còn thích lượn qua các khoa khác nhau. Chính vì vậy tôi đăng ký tham gia một khóa hội thảo mới mang tên “Phát triển kinh tế 2” như thể sự phát triển của khối ung thư trong người tôi còn chưa mang đến đủ vấn đề cho tôi suy nghĩ.

Tại buổi hội thảo đầu tiên chúng tôi bàn về kế hoạch cho hai tuần tới. Tôi được phân ngay một bài diễn thuyết vào đúng tuần mà tôi đổ bệnh vì Etoposid và các loại thuốc khác. Trong lúc nghe phần mở đầu của vị giáo sư, tôi lấy tay vuốt tóc, hôm nay tôi là Blondie. Tôi cảm thấy rối bời bởi đang ngồi ở đây nghe tất cả những thứ này trong khi có thể chỉ vài tháng nữa tôi sẽ chết. Tôi tự hỏi liệu mình còn bao thời gian nữa và chợt nhận ra là tôi không muốn tự tra tấn mình thêm nữa dù điều đó lúc này nghe có vẻ đầy nghịch lý. Tôi không cần thêm gì nhiều và tất cả mọi thứ giờ đây đối với tôi dường như chỉ còn là một mớ lùng bùng. Tôi không cần To-do-List. Đúng hơn là tôi ghét To-do-List. Một đứa con gái sống trên đất Hà Lan, nói tiếng Hà Lan thì chẳng cần quái gì phải biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hindi, tiếng Quan thoại hay một loạt các thứ vớ vẩn khác. Tôi cũng không hề muốn ngồi mơ mộng trong khóa hội thảo “Phát triển kinh tế 2” với một mớ tóc giả trên đầu.

Tôi đã làm nhiều việc, đã chạy theo nhiều thứ. Giờ tôi muốn có thời gian để suy nghĩ. Để đối diện với mọi thứ. Ví dụ như cái đầu trọc lốc mà tôi vẫn đang giấu dưới bộ tóc giả.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25639


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận