Hôm Nay Tóc Tôi Màu Vàng Phần 2


Phần 2
Lau khô người và trang điểm xong, tôi đội Daisy, giơ hai tay lên cao và vặn sườn phải. Trong gương tôi thấy mình giống cô gái trên chiếc rèm phòng tắm. Hôm nay tôi là Daisy.

Thứ Ba ngày 12 tháng Tư năm 2005

Việc mọi thứ giờ đều trở nên khác trước không chỉ thể hiện qua triết lý sống mới của tôi mà qua cả cái giỏ đựng đầy tóc giả. Tuy nhiên vẫn còn một số thứ không hề thay đổi. May mắn thay! Giống như trước kia tôi vẫn tè trong khi tắm. Một cảm giác thật tuyệt khi được “xả” thỏa thuê và trút hết mọi thứ xuống dưới. Hôm qua tôi ăn món măng tây. Hôm nay lần đi tè vào buổi sáng khiến tôi nhớ lại món đó. Vậy đó, có một số thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi.

Tôi chưa bao giờ đánh mất sự bình thản vào buổi sáng. Ý tôi là sự kiên nhẫn để trang điểm cho mình. Chỉ một chút kẻ lông mi và bôi phấn hồng. Tôi yêu buổi sáng, nhưng phải là buổi sáng trong quán cà phê với tờ báo và tách cà phê trên tay hoặc một tách trà xanh thì còn tốt hơn nữa. Chứ ngồi đừ một chỗ để trát kem và các loại make-up khác lên mặt, đó không phải là tôi.

Tháng Tư năm 2005, tôi là một trong số những phụ nữ đổi vẻ đẹp tự nhiên của mình để lấy bột phấn và bút kẻ mắt từ cửa hàng DA. Tôi bắt đầu với lông mày. Với chiếc bút kẻ mắt giá 42 euro tôi thận trọng trang điểm cho hàng lông mày. Từ những đường kẻ đen dầy mà tôi từng sở hữu giờ đây chỉ lại còn vài sợi mày lưa thưa. Còn bao lâu nữa tôi sẽ trở thành cô Moneypenny(1)? Tiếp theo là bút kẻ phấn than vào cuộc. Mớ lông mi mà lẽ ra tôi có thể để dài hơn giờ đã biến mất. Mà cũng chẳng sao, phấn than trông cũng không đến nỗi.

Tôi chọn Sue bởi hôm qua tôi đã là Daisy. Biến hóa và phối màu, tôi là chuyên gia trong những việc đó.

Trên phố Gravenstraat tôi cùng Rob, Jochem và Jan ngấu nghiến xơi món bít tết. Kể từ khi bị chẩn đoán ung thư, nhịp sống của tôi và Jan dường như giống nhau. Anh ấy thường dậy sớm hơn tôi nhưng chúng tôi luôn đi ăn cùng nhau. Anh ăn trưa, còn tôi nửa là ăn trưa nửa là ăn sáng. Sau một tua mua sắm ở khu chợ trên phố Haarlemmerstraat chúng tôi chia tay nhau. Là người dẫn chương trình truyền hình thành công và một gã đồng tính thích được ở một mình, anh biến mất vào phòng làm việc của mình. Từ một vài ngày nay tôi cũng sinh hoạt tương tự như anh ấy. Đầu tôi ngày càng nghĩ ra nhiều thứ và tôi không muốn đánh mất mạch sáng tạo đó.

Nhịp sống của Rob cũng tương tự vậy, trừ khi anh ấy không phải tới trường quay chương trình Hart van Nederland hoặc không phải đến các vùng sâu vùng xa để quay chương trình thời tiết của Piet Paulusman. (Rob còn là một nhà quay phim tự do).

Trong bộ ba này Jochem là người ít thành công nhất. Việc ăn không ngồi rồi khiến anh ấy phát điên và trông anh như thể muốn “tậu” cho mình một cuộc sống khác có nhiều việc để làm hơn vị bác sĩ của tôi. Anh ấy gắn bó thường xuyên với các quán bar lạ thay vì với các quán mà anh hay lui tới. Jochem là người tôi quen lâu nhất. Cho đến một năm trước chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc, giờ thì chỉ hằng tuần song chúng tôi vẫn rất quý mến nhau.

Tôi thường xuyên gặp gỡ Jan, Rob và Jochem và tôi cũng thưởng thức cuộc sống bệnh nhân của mình thường xuyên hơn. Cả ngày tôi chỉ uống trà bạc hà trong quán bar và luôn được người khác trả tiền hộ.

Jan nói anh đã viết gì đó về những ngày mà chúng tôi lo lắng chạy toán loạn trong khu với những suy nghĩ rối bời. Hai ngày sau tin xấu đó chúng tôi gặp nhau ở Harkema - một quán bia trong ngõ Nes. Cũng giống Franken và Kok, Jan, Rob và Jochem cũng xin nghỉ việc vào ngày đó để chúng tôi có thể gặp nhau tại phòng tập thể hình của Marcel trong khách sạn Barbizon. Hôm đó chỉ với rượu vang, khoai tây chiên và thuốc lá, lần đầu tiên chúng tôi lại cùng nhau có được cơ man nào là trò vui. Nhất là khi Jochem và Franken làm động tác đóng giả điệu bộ của Rob và Kok, tôi gần như chết vì cười.

Thật hay khi nói rằng ngày đó tất cả chúng tôi đều cô độc trong sự hoang mang của mình, không chỉ riêng mình tôi cho dù đôi lúc tôi có cảm thấy vậy. Có lẽ chính vì vậy mà chúng tôi cảm thấy bên nhau thật yên bình. Chúng tôi cảm nhận được những chuyển động và cơn bất tỉnh tương tự nhau, khóc những giọt nước mắt giống nhau. Đến bây giờ tôi mới thấy rõ được điều đó.

Khi bên nhau, tôi là người hoàn toàn khác. Một người ở nơi mà anh ta cần đến chứ không phải ở nơi mà anh ta không nên ở. Tôi thấy ngạc nhiên vì ở cái tuổi này tôi lại có thể thẳng tay vứt đi niềm thôi thúc được thấy và khám phá càng nhiều càng tốt mà không phải từ bỏ việc được khám phá một giây nào cả. Tôi không còn dám nhìn vào xa xôi, không còn dám tìm kiếm những nơi thực tập hoặc tìm kiếm những thứ có thể sẽ làm sơ yếu lý lịch và danh thiếp của mình trông đẹp hơn. Chính vì vậy tôi thích thú với mọi thứ như không có ngày mai. Tôi không chỉ thích thú với một ngày của mình, tôi còn thưởng thức bữa sáng, tách cà phê, ly cốc tai, cốc rượu vang, bữa ăn trưa bên ngoài cùng ánh mặt trời hoặc nếu trời mưa, tôi thích thú với vầng mặt trời đêm và với cơn dông. Tôi thích thú, thích thú, thích thú. Phần để trống trong cuốn lịch đã dày đặc những khoảnh khắc thích thú đó của tôi. Tôi ở lại trong những trang trống này. Tôi đã tìm ra sự thanh bình mà tôi không bao giờ muốn đánh mất.

Rob làm đứt quãng mạch suy nghĩ của tôi. “Tóc em trông rất đẹp đấy. Trông em thật tuyệt. Hoàn hảo, thật đấy.” Cả gương mặt tôi bừng nở một nụ cười. Tôi và Rob chỉ là bạn, không phải tình nhân song từ ngày đầu quen nhau chúng tôi đã rất quấn quýt. Anh ấy rất bảnh trai và tay tôi luôn tìm tới tay anh ấy khi chúng tôi dạo bộ trên phố. Rồi cả ngày đó chúng tôi cười nói rôm rả, chuyện trò ầm ĩ dù có hay không có Jan. Thậm chí còn có cả chút ghen tuông khi người này thấy người kia ngồi tán tỉnh ai đó trong quán cà phê hè phố. Đơn giản là chúng tôi thuộc về nhau.

Với Sue hôm nay tôi cảm thấy khác hôm qua khi còn là Daisy. Bộ tóc đỏ không chỉ tạo ra những chuyển biến mới mà tôi còn cảm thấy mình như một típ phụ nữ khác. Bướng bỉnh song cũng đầy tự tin. Thật ngạc nhiên khi tóc đỏ mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc như vậy. Người ta thấy Sue là một cô gái bốc lửa khi bước vào quán bar và chính tôi sau đó cũng cảm thấy như vậy. Những người đàn ông cô đơn ở quán bar giờ lại có lý do để bắt chuyện tán tỉnh tôi.

“Này cô em, mớ bờm hoang dại này vẫn chưa chịu buông tha nhỉ”, một người đàn ông ngồi một mình ở quán bar nói.

Tôi tham gia vào trò đùa cợt này và giũ mái tóc cho nó thêm bồng bềnh. Jan và Jochem bật cười còn Rob thản nhiên quan sát cảnh này. Khi đội tóc vàng tôi cảm thấy mình sexy và được chú ý nhiều hơn, nghĩa là giống với con người thật của tôi hơn bởi tôi rất thích cảm giác mình là một cô gái sexy và gây được chú ý. Song thật vui khi thấy màu tóc đỏ cũng mang lại hiệu quả. Cơ mà người ta sẽ thấy tôi là người thế nào khi tôi bước vào với một mái đầu trọc? Chắc chắn là không sexy, chẳng rực lửa mà cũng không nữ tính. Chỉ là trọc.

Đã có nhiều thay đổi trong cuộc sống của tôi, trong con người tôi cũng vậy. Một mái đầu lạ lẫm trong chiếc giương của tôi. Tôi không còn nhận ra mình nữa. Giữa tôi của ngày xưa và tôi của hôm nay là những thế giới khác nhau. Nhưng với các kiểu đầu khác nhau người ta học được cách nhìn vào mình một cách đúng đắn. Đó là tôi, đó là tôi, đó thực sự là tôi.

Thứ Sáu ngày 15 tháng Tư năm 2005

“Sophie!”

Tôi đang đứng trước cửa nhà Hildus. Khi tôi vừa chuẩn bị bấm chuông thì nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình.

Với chiếc túi màu xanh trắng đầy ắp đồ vừa đi chợ, Hildus lao nhanh về phía tôi. Cậu ta nhìn tôi dò xét. “Đúng là cậu rồi. Tóc mới à?” Có vẻ Hildus còn chưa biết gì nên tôi giả bộ. “Ừ”, tôi nói bằng một nụ cười có phần ngượng nghịu. Nụ cười đó biểu lộ sự thiếu tự tin của tôi. Hildus có vẻ không hài lòng. Cậu ta nhìn chằm chằm quan sát mái tóc mềm mại của tôi, trông nó tự nhiên như mái tóc của nữ hoàng Hà Lan.

Tôi hẹn hò với một chàng trai, người không mảy may biết gì về tôi. Thật ghê rợn, hẹn hò với một cái đầu mang bệnh ung thư. Lần hẹn hò và ngủ nghê với một người đàn ông gần đây nhất của tôi là ở New York trong và sau đêm đón Giáng sinh với Annabel. Kể từ ngày bị chẩn đoán ung thư tôi không còn qua lại với đàn ông và ngược lại. Hildus, cậu thanh niên đang đứng cạnh tôi chưa biết gì cả. Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là vào tháng Mười hai trong câu lạc bộ NL ở Nieuwezijdsvoorburgwal trước khi tôi bay sang New York thăm Annabel. Sau đó chúng tôi có hẹn hò nhau một vài lần nữa, trao đổi số phôn, hứa sẽ gọi cho nhau song chưa bao giờ thực hiện được.

Cũng trong buổi tối đó tôi vô tình gặp lại người yêu cũ của mình, đã hơn hai tháng nay tôi không còn biết chút tin tức gì về anh ấy. Nghĩ về từ “quan hệ yêu đương” là tôi nghĩ ngay tới anh ấy. Chúng tôi yêu nhau được một năm và thực sự dành nhiều thời gian cho nhau. Buổi sáng chúng tôi chạy bộ trong công viên Vondelpark hoặc ở Amsterdamse Bos, sau đó ăn sáng, check mail, và nếu còn thời gian chạy sang quán Brandmeesters để uống ly cà phê. Mười rưỡi là anh phải có mặt ở phòng tranh còn nửa tiếng sau đó tôi phải tới trường. Nửa tiếng là đủ để có thể đi từ căn hộ của anh ấy tới buổi hội thảo đầu tiên của tôi. Anh ấy cũng đi Ấn Độ cùng tôi và tôi còn muốn cùng anh đi thăm miền Nam nước Pháp. Lý lịch và bè bạn của chúng tôi khác nhau đến nỗi chúng tôi phải lòng nhau gần như lập tức. Song thỉnh thoảng cũng có hiểu lầm và cãi vã. Chúng tôi tiếp tục mối quan hệ của mình cho tới khi anh ấy nhận ra rằng khoảng cách giữa chúng tôi là quá lớn. Rồi anh ấy quyết định chấm dứt mối quan hệ với tôi. Khi đó tôi mới 20, còn anh ấy đã 30.

Kể từ khi chúng tôi thôi nhau, mối liên lạc cũng gần như hoàn toàn bị cắt đứt. Nhưng lúc này, khi tôi đang phải chống chọi với bệnh ung thư, tôi rất hy vọng nhận được tin về anh, hay một tấm bưu thiếp, một tin nhắn cũng đã là đủ. Tôi muốn nói cho anh biết rằng tôi đang khỏe mạnh. Rằng tôi vẫn ăn, vẫn cười và đạp xe đạp khi thời tiết cho phép. Và rằng tôi đã có những cuộc hẹn hò mới như tất cả những người bình thường khác.

“Trông tóc cậu cứ như tóc giả ấy.”

Câu nói đó như một cú đòn giáng xuống làm mắt tôi ươn ướt. Tôi lấy tay dụi mắt thật nhanh và nuốt vội miếng bánh bao.

Trông như tóc giả. Quan điểm của Hildus về kiểu tóc mới của tôi là vậy. Đau đớn thật. Tôi cảm thấy như có một cú đánh trúng giữa đầu mình. Blondie vẫn đang được xịt keo hình như cũng xẹp xuống như một đống nước ô xy già buồn bã. Tôi đã mất ít nhất ba ngày qua sửa sang mái tóc để hôm nay đội. Tôi chọn Blondie bởi nó giống với tính cách của tôi nhất.

Trông như tóc giả.

Tôi cố gắng giấu đi cơn bối rối của mình bằng một nụ cười ngượng ngịu. Càng ý thức rõ hơn về mớ tóc giả của mình, tôi càng cảm thấy có phần bất ổn trên chiếc tràng kỷ. Lần này đối diện với tôi không còn là một nhà kinh doanh thành đạt mà là một vận động viên lướt ván nghiệp dư, một nhà tấu hài và một nhà văn. Tất cả những từ đó nghe thật thú vị. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng bằng cách dính một miếng giữ đặc biệt - một phần của bộ tóc giả giá 800 euro của tôi - vào cái đầu trọc của mình. Không, tôi không có gì phải lo lắng về việc tôi bị rụng tóc. Mà nên lo lắng về lọ dầu nhựa thơm đặc biệt - cũng là một món quà - bỗng dưng mất tác dụng kia và việc đó làm mất đi độ dính của mái tóc giả. Tại sao tôi lại đi hẹn hò trong khi trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất: tôi bị bệnh, tôi khác mọi người và tôi cô đơn.

“Một ly vang nhé?”

“Không, cảm ơn cậu. Cho tớ một ly nước cà chua có vắt chanh.”

Hildus yêu thực vật. Lá cây bám đầy tóc tôi. Cảm giác tự do tự tại của những nhánh xuân non trên tóc thật tuyệt vời. Cậu ta sống bên bờ kênh đào Prinsengracht đoạn nhìn sang phố Leidsestraat sôi động.

Cậu ta đứng sát tôi trong bếp. Rau vẫn còn chưa được bỏ vào chảo.

“Nói chuyện trước đã”, tôi nghe thấy mình lẩm bẩm. Giỏi lắm Sophie, một nước đi tốt.

Cậu ta lôi ra hai chiếc xúc xích chay và lên lớp về ý nghĩa của thiên nhiên và của tất cả những gì có màu xanh. “Cậu có biết mình ăn những gì vào người không? Thái độ của cậu với động vật thế nào?”

AH, tôi đọc được trên gói xúc xích. Đó là tên một siêu thị. Hildus biết rằng tôi chẳng rõ điều gì cả. Tôi đặt mình ngồi lại lên chiếc tràng kỷ trong phòng.

Từ trong bếp cậu ta đi ra với hai chiếc đĩa trên tay và sau đó ngồi xuống cạnh tôi.

“Cậu có Ketchup không?” Tất nhiên là tôi thích ăn những đồ có lợi cho sức khỏe và một chút sản phẩm sinh thái nữa. Song xúc xích chay thì tôi không thể hiểu nổi. Vô vị!

Hildus đi vào bếp rồi quay lại với một chai Ketchup. Lần này cậu ta ngồi sát tôi hơn nữa và tìm cách hôn tôi.

Liệu tôi có muốn điều đó? May thay cậu ấy đã hỏi tôi. May thay mớ lông mi của tôi vẫn còn lưa thưa và đống lông mày nực cười kia không biến tôi thành một con mụ xấu xí. Và may thay phấn than trang điểm cũng ngụy trang cho tôi được nhiều. Thận trọng, tôi dịch người sang một bên trên chiếc tràng kỷ bụi bặm, cách Hildus khoảng nửa mét. Hildus thích ăn giá đỗ, tôi ngửi thấy mùi ấy khi cuối cùng môi cậu ấy cũng chạm vào môi tôi. Tôi không thể tránh được. Hildus thích vuốt tóc và mái tóc giả của tôi sẽ không tránh khỏi bàn tay cậu ấy.

Trước khi mọi chuyện vỡ lở và Sophie tóc vàng trở thành Sophie đầu trọc, tôi phải khai ra tất cả.

Hildus há hốc miệng.

Tôi cũng vậy. “Tớ nghĩ tớ phải nói với cậu điều này.”

Hildus im lặng.

“Tớ bị bệnh. Ung thư. Cậu đã đúng về tóc giả. Tớ bị trọc hoàn toàn.”

Tôi chờ thêm vài ba giây nữa. Không có gì xảy ra.

“Chính vì vậy mà tớ giữ khoảng cách với cậu. Ngạc nhiên chứ? Sao cậu chẳng nói gì thế? Cậu sợ à?”

“Không, không phải vậy. À mà có, hơi sợ một chút, nhưng không sao. Tớ vẫn muốn hôn cậu như trước đó.”

“Thật chứ? Thế còn mớ tóc giả? Và mái đầu trọc lốc của tớ? Và còn có thể tớ sẽ chết?”

“Thì sao nào? Dù gì thì cậu vẫn là Sophie.”

Tôi im lặng. Sau đó lại cười. Đó chính là điều tôi muốn được nghe. Tôi cúi người về phía trước rồi hôn Hildus, trong nụ hôn đó có cả sự biết ơn lẫn đắm say. Sau đó tôi phải chuồn.

“Cậu không ở lại qua đêm ư?”

“Không.”

“Tại sao không?”

“Vì tớ mang một cái đầu trọc. Tóc giả của tớ thì nếu cử động quá mạnh nó sẽ rơi ra. Tớ không thể nằm ôm cậu với một cơ thể toàn tế bào ung thư, cả hiển hiện lẫn vô hình. Tớ nằm ở nhà với Saartje thì tốt hơn là nằm với cậu.”

“Saartje?”

“Là con mèo của tớ.”

“Lại đây nằm cạnh tớ một chút đã.”

“Không.” Tôi nhìn thẳng vào cậu ấy. “Tớ không thể, tớ không muốn. Cảm ơn vì buổi tối nay.”

Tôi trao cho cậu ấy một nụ hôn rồi đứng dậy và đi ra phía cửa. Tôi phát tín hiệu rằng tôi vẫn có thể, rằng tôi trông vẫn hấp dẫn. Người ta vẫn huýt sáo chọc ghẹo tôi. Tôi vẫn còn có ích. Thật tuyệt vời khi những cuộc hẹn hò như vậy và tất cả những điều thuộc về chúng giờ đây bỗng trở nên vụn vặt. Tôi bị bệnh nhưng tôi không khác mọi người và không cô đơn.

Thứ Năm ngày 19 tháng Năm năm 2005

Tôi cảm nhận được rằng Lance thấu hiểu tôi. Tôi cũng rất hiểu anh ấy. Những điều tương tự như vậy sẽ ngay lập tức gắn kết con người ta. Mỗi lần phóng qua thành phố trên chiếc xe đạp địa hình của mình tôi lại nghĩ về câu chuyện của anh ấy. Tôi cảm thấy mình như được anh ấy dẫn đường. Bất bại. Không ai có thể nghĩ, chứ đừng nói là tin, rằng tôi bị bệnh nặng. Một cơn gió thổi qua khiến tôi phải dùng tay phải giữ tóc và váy. Một tiết mục nghệ thuật ấn tượng mà cho đến nay tôi vẫn chưa diễn thành công. Lúc đạp qua Westeninde, Blondie suýt bị gió thổi bay xuống sông Amstel. Đi qua lối có con đập cũng không còn an toàn. Giá như tôi cố gắng luyện tập thêm chút nữa lúc còn là một cô nhóc.

Còn hôm nay tôi nằm trong phòng bệnh, cô đơn và uể oải. Tuần thứ 16 đã bắt đầu và đây là tuần thứ tư của tôi ở trạm C6. Mọi thứ diễn ra thật nhanh, nhất là khi tôi nghĩ đến việc khoảng hơn hai tháng nữa người mình sẽ không còn nồng nặc mùi bệnh viện. Không bao giờ nữa. Tôi không dám tin vào điều ấy. Cuối tháng Bảy là xong tuần thứ 27, sau đó tôi chỉ còn phải điều trị ngoại trú. Đến bệnh viện rồi được về nhà trong ngày.

Có ánh mặt trời. Ngay cả ở trong bệnh viện OLVG. Tôi là người lạc quan. Ngoài cuốn sách của Lance Amstrong tôi còn mang theo mình một cuốn của Primo Levi và một cuốn của Heleen van Royen. “Để thay đổi không khí”, tôi giải thích vậy trước ánh mắt ngạc nhiên từ phía vị bác sĩ. Khi giở cuốn sách về Primo Levi tôi thấy một bài thơ rơi ra ngoài. Đó là bài “Ithaka” của Konstantinos Kavafis. Mặt sau tờ giấy là bức thư của Jaap, một người bạn học tôi quen ở khoa Chính trị.

 

Sophie thân,

Đây là bài thơ Ithaka của Konstantinos Kavafis.

Hãy đọc nó khi cậu sợ hoặc cậu buồn.

Tớ không biết sau khi đọc nó cậu có vui hay không, nhưng cũng không nhất thiết phải vậy.

Bài thơ này dạy chúng ta cách yêu cuộc sống, cho dù nó đã thế nào, đang thế nào và sẽ thế nào.

Khi cậu đọc bài thơ, hãy nghĩ tới đất nước Hy Lạp cổ đại, đất nước của Homer và Sokrates, đất nước, nơi sự khuất phục trước số phận và sự thông thái cùng song hành.

Hơn hết, hãy nghĩ đến nguồn gốc tên của cậu, chính những bậc hiền triết(1)_ là những người đầu tiên không chịu đầu hàng trước số phận.

Họ luôn tìm cách hiểu ra điều cần làm để vượt qua số phận.

Hãy làm vậy và nhớ một điều rằng cậu phải khỏe trở lại!

Thân mến!

 Jaap

 

Tại sao ở đây không có những chiếc giường kiểu Pháp? Nếu vậy hằng ngày Jaap đã có thể ngồi đọc cho tôi nghe các tác phẩm của Vergil, Primo Levi, Spinoza và Rousseau mà cậu ấy ngưỡng mộ. Không phải triết học sẽ làm tôi khỏe lên song chắc chắn nó sẽ giúp quên đi thời gian. Mà tại sao tôi lại phải đổi bác sĩ K lấy bác sĩ L? Tại sao trong cuộc sống của tôi lại có nhiều bệnh viện đến nỗi tôi phải tìm kiếm tình yêu nơi các bác sĩ?

Trong lúc còn đang được truyền nước, tôi quan sát thấy những bóng áo bờ lu trắng đi ra rồi lại đi vào: các y tá, các thực tập sinh, những bác sĩ trong khoa và hơn hết là vị bác sĩ của tôi. Từ giường mình tôi thấy những điều đang diễn ra giống như một màn kịch câm. Giờ đây tôi có khả năng nhận ra ai là bác sĩ có kinh nghiệm, còn ai vẫn đang phải tra cứu sách.

Tôi nghe lén được cuộc đối thoại giữa các y tá. Tôi biết hết mọi chuyện và mưu mẹo, những thứ thường chỉ diễn ra trong đầu tôi.

“Cuối tuần của cậu thế nào? Vẫn phải làm việc à?”

“Ừ, nhưng không phải trên khoa mà ở quán Paradiso.” Chị y tá Esther không chỉ chăm sóc bệnh nhân mà còn làm cả nghề DJ.

“À, rồi sao? Có nhiều chàng đẹp trai chứ?” 

“Cậu còn nhớ Gerard chứ? Cái cậu mà năm ngoái được chuyển vào đây vì bị ung thư tuyến tiền liệt ấy. Cậu ta hôm ấy cũng nhảy ở đó, ngay trước mặt tớ. Trông tuyệt lắm.”

“Thật chứ? Tuyệt.”

Tuyệt vời. Tuần sau sẽ đến lượt tôi. Nhưng trước tiên hãy nói tới bác sĩ K, người đã đưa tôi từ bóng tối - lúc đó tôi nhắm mắt - tới một ham muốn cháy bỏng: bản năng sống đích thực.

Tôi tưởng tượng không chỉ cho mình mà cho cả những người đến thăm mình. Lẽ ra phải được nghỉ ngơi dưới ánh mặt trời, họ lại đứng cần mẫn bên giường của tôi. “Bên ngoài trời đẹp đấy nhỉ?” hoặc khi trời mưa: “Đang mưa à?” bằng giọng hồ hởi nhất của mình.

Sẽ chẳng ra gì nếu tôi không tham gia vào cuộc đối thoại. Tôi biết được điều đó nhờ những lần đến thăm bà cô, người trải qua phần lớn đời mình trong bệnh viện. Ở đó tôi ngồi cùng gia đình mình, nói chuyện xã giao mà thực ra đầu óc tôi cũng chẳng chú tâm. Quá sức và thiếu thoải mái. Nhưng người nằm trên giường mới là người cảm thấy ít thoải mái nhất.

Và giờ người đó là tôi. Chính vì thế tôi quyết định chỉ để một số ít người tới thăm mình. Tôi không cần mọi người lũ lượt kéo đến thăm tôi chỉ để giết thời gian. Chỉ có gia đình, bạn bè và những người có thiện chí, những người mà sau đó sẽ trở nên thân thiết với tôi hơn. Tôi thực sự đâu cần những bối rối ở cuối giường kia. Tôi thích được ở một mình và đọc sách về Lance, người cũng đã từng phải nằm ở một nơi tương tự, trên đầu là một bình truyền tương tự và có những suy nghĩ tương tự. Lance Amstrong của tôi. Để giết thời gian anh ấy đã nôn đầy những chiếc xô. Còn tôi thích viết, chơi sudoku và nghĩ về bác sĩ K hơn. Lance giờ đã quay trở lại với chiếc xe đua, lại vô địch Tour de France. Còn tôi, tôi đi xuống cuối hành lang để chuẩn bị một cuộc dạo bộ ngắn. Tuy không phải là một tay đua xe đạp song tôi cũng biết cách nhìn về phía trước. Giống như Lance. Lance, mẫu mực của tôi, thần tượng của tôi, người bạn của tôi.

Tôi đâu có cần nhiều người cùng cảnh ngộ thế này. Đâu cần một phòng đầy ắp những mái đầu trọc mang mầm bệnh ung thư hoặc một buổi cuối tuần học về nhận thức với một đạo quân tóc giả tại một nhà nguyện ở Amersfoort. Tôi chỉ cần cuốn sách về Lance Amstrong. Tôi đã xem nhiều trang web khác nhau về ung thư, hơn hết là về những người trẻ tuổi bị bệnh này. Bệnh ung thư có thể làm con người ta thấy khá đơn độc. Những người khác vẫn đang mải miết với việc của họ, những việc mà mới đây đối với tôi vẫn còn rất quan trọng. Còn tôi phải nằm đây, phải trì hoãn những khao khát bỗng trở thành thứ yếu và tìm cách sống sót. Bên một chiếc ống dẫn sùi bọt vô nghĩa.

Thứ Sáu ngày 20 tháng Năm năm 2005

“Em đấy à? Em muốn gì? Lại chọc giận bác sĩ L bằng một mớ câu hỏi à? Em đi cùng ai vậy? Chồng em à?” Annemarie nhoẻn miệng cười và xuất hiện từ sau bàn làm việc.

Tôi xoay người. Đằng sau tôi là một bệnh nhân gương mặt xám xanh của trạm C6, người có vẻ sẽ sớm phải đầu hàng. Cái chị Annemarie này thật dễ thương.

Đã nhiều lần tôi hỏi bác sĩ L liệu có làm sao không khi tôi không muốn lượn lờ quanh đây trong bộ đồ tù nhân của trạm C6 dù bệnh của tôi còn chưa được chẩn đoán cụ thể. Rất may câu trả lời là không.

Bất chấp tất cả những gì đang xảy ra tôi vẫn tìm được niềm vui trong phòng bệnh quen thuộc của mình. Tôi thường tới chuyện phiếm với hai chị y tá Annemarie và Ploni, hai chị y tá ấy luôn khiến tôi phải bật cười. Tôi muốn cùng người bạn cao kều của mình tới chúc họ một ngày tốt lành, đơn giản chỉ để xua đi sự nhàm chán của tuần điều trị thứ tư này. Khi Annemarie kể cho tôi nghe về những cuộc phiêu lưu trứ danh của chị ấy là tôi quên ngay lập tức mình đang ở đâu. Một lần ở Granada chị ấy đã rơi tõm xuống giếng cùng chiếc máy ảnh của mình.

Trên đường về trạm C6 tôi quyết định đi qua nhà thờ bệnh viện để chào bạn Jesus một tiếng. Ông ấy lúc nào cũng ở đó. Bây giờ tôi thường xuyên dành cho ông ấy một cuộc viếng thăm ngắn. Không phải vì mục đích đạo đức giả là củng cố tình bạn với Chúa mà là để cầu nguyện và xua đi sự nhàm chán trong bệnh viện OLVG. Tôi đứng cùng thanh truyền chất lỏng kêu píp píp của mình trong nhà thờ màu trắng, Chúa Jesus nhìn xuống tôi. Để không phá vỡ bầu không khí yên lặng tôi đi rón rén tới chỗ Chúa và thắp một cây nến để cầu cho điều tốt lành. Rồi một cây nến cầu nguyện cho may mắn của tôi, nhưng nhân danh người bạn cao kều của mình bởi tôi không thể tự thắp nến cầu cho chính mình như ánh mắt Chúa có vẻ muốn nói vậy với tôi. Sau đó tôi ngồi xuống một trong các dãy ghế - tất nhiên được sơn màu trắng. Đơn giản chỉ để ngồi một lúc. Bởi tôi không thể là cả người vô thần lẫn người theo thuyết bất khả tri cùng một lúc. Tôi nhìn về phía trước đắm mình trong những suy nghĩ tốt đẹp và thăm thẳm cho đến khi tiếng píp của người hộ tống tôi tới nhà thờ khiến tôi choàng tỉnh. Rất ngoan ngoãn, tôi đứng dậy và cắm mình vào chiếc ổ cắm gần nhất ở hành lang. Tôi nhấn nút bơm, sự yên lặng và tĩnh mịch quay trở lại.

Khi người bạn cao kều của tôi được nạp đủ điện để có thể tiếp tục dạo bộ, tôi đi vào phòng cầu nguyện cho những người theo đạo Hồi. Đây là một đất nước tự do và theo tôi biết thì ở đất nước của những người Ả rập hiện đang là cuối tuần. Tôi loay hoay buộc chiếc áo khoác của mình quanh đầu rồi quỳ gối xuống. Có thể tôi sẽ tìm thấy niềm cảm hứng nào đó ở nơi đây. Thanh truyền nước lại hết điện, hoạt động mới này cũng không khiến tôi thấy khuây khỏa hơn, tôi rời căn phòng tĩnh lặng đó và lao như ma đuổi về phía thang máy ở cuối hành lang.

Hành lang của tôi.

Về phía ánh sáng.

Ánh sáng của tôi.

Tới đó, tôi bước vào và đi lên phía trên. Hay nên đi cả hai chiều? Người bạn cao kều của tôi đồng ý. Thang máy dừng ở tầng hai, cửa dần mở. Trước niềm vui to lớn của tôi, bác sĩ K với bộ bờ lu trắng bước vào. Ông vui vẻ nhìn tôi và hơi có phần bí ẩn rồi đứng sát lại tôi mặc dù trong chiếc thang máy rộng lúc đó chỉ có thêm hai y tá nữa. Họ nói chuyện về buổi tiệc của bệnh viện sẽ diễn ra cuối tuần tới. Tôi tự hỏi liệu ở đó có thể gặp được bác sĩ K trong bộ đồ dân sự hay không. Trông ông ấy đẹp hơn nhiều khi không mặc bộ đồ hành nghề y.

Tôi cảm nhận được hơi thở của ông nơi sống gáy mình. Những lan truyền nhẹ nhàng: dọc lưng, dưới cánh tay, giữa những ngón tay. Việc đổ mồ hôi đêm giờ không xảy ra nữa nhưng mồ hôi thường thì vẫn đổ. Ba tháng trước nguyên nhân là do bọn u bướu còn bây giờ là vì tôi mê mệt bác sĩ K.

Thang máy lại dừng ở tầng ba, cửa mở cho các cô y tá mồm năm miệng mười. Tôi biết rõ đường đi của họ bởi tôi rất thường xuyên chạy đi chạy lại giữa trạm C6 và trạm A8 cũ. Lối đi đó trước tiên dẫn tới khoa chụp X-quang, rồi tới phòng hộ sinh, khoa Tim và khoa Phẫu thuật. Sau đó tất nhiên nó phải dừng ở khoa Ung thư, tiếp đến là khoa Thần kinh, khoa Phổi rồi khoa Chỉnh hình ở tầng tám, hay đó còn được gọi là khoa của bác sĩ K.

Mấy chị y tá biến mất, trạng thái căng thẳng trong tôi được đẩy lên đỉnh điểm. Tôi còn ba tầng nữa, bác sĩ K còn năm. May mắn thay thang máy hôm nay cũng không có gì vội vàng và nó cần tới hơn bốn phút. Bốn phút ở bên cạnh bác sĩ K, đằng sau cánh cửa đóng kín. Tôi cảm nhận được hơi thở của ông. Không chỉ ở sống gáy mà còn ở đôi tai và bên cổ. Sức sống thanh xuân mơn mởn của tôi co rúm lại một cách sợ hãi. Mọi thứ trong tôi bắt đầu nóng rực. Tôi đã phải cam chịu nhiều điều tồi tệ để bây giờ được rơi vào vòng tưởng tượng cực độ về vị bác sĩ của mình.

Chúng tôi ngượng ngùng đứng ngang hàng. Cuối cùng ông cũng ngắt quãng mạch hơi thở để hỏi một cách hứng thú về tình trạng cơ thể tôi, đặc biệt là lá phổi. “Cháu đã làm chúng tôi sợ chết khiếp đấy.”

Tôi xoay người và rụt rè cười. “Bác sĩ của mình thật thiếu nhạy cảm.”

Bác sĩ K cười ân cần và nói bác sĩ L là một bác sĩ giỏi. “Bác sẽ vẫn để mắt đến cháu.” “Thỉnh thoảng bác ghé qua trạm C6 chứ?” Thang máy chậm lại. Bác sĩ K gật đầu, vươn người về phía trước rồi thân ái hôn tôi vào má. Đó là một chuyến đi tuyệt đẹp, nó đã đưa tôi tới những thế giới vô cùng xa lạ. Chúng tôi đi tiếp lên trên. Càng ngày tôi càng lên cao hơn, gần với đích đến của mình hơn.

Ping.

Cửa mở, tôi bị đánh thức khỏi giấc mơ đẹp và thấy mình vẫn ở trong sự nhàm chán bất tận này. Chính nó đã đưa tôi tới với màu sơn trắng của nhà thờ và của phòng cầu nguyện dành cho người theo đạo Hồi. Cũng chính sự nhàm chán đó đã mang bình an tới cho tôi và đưa tôi vào giấc mơ.

TẦNG 6, KHOA UNG THƯ. Tôi đọc được qua cánh cửa mở. Tôi vẫn còn ở trong thực tại của mình: một thân hình tiều tụy dưới cái đầu trọc ở khoa Ung thư. Hai má còn ấm nóng tôi tạm xa bác sĩ K.

Thứ Bảy ngày 21 tháng 5 năm 2005

Mặt trời chiếu sáng chói chang. Cả ở bên ngoài bệnh viện OLVG cũng vậy. Tôi chẳng cần phải mở mắt bởi sức ấm nóng của nó đang thiêu cháy hai hàng mi vẫn còn nhắm của tôi. Tôi đã vượt qua được tuần điều trị này, giờ tôi muốn ra ngoài. Tôi mở mắt và nhìn đồng hồ trên chiếc điện thoại di động vẫn nằm trên giường cùng tôi: mười hai rưỡi. Dậy thôi nào, đám màu sắc trước những khung cửa sổ vẫy gọi.

Tôi thấy thú vị khi được vầng mặt trời chói chang hoặc một cơn mưa dịu nhẹ đánh thức dậy. Đối với tôi giờ không còn những chiếc đồng hồ báo thức nữa, chỉ còn lại mỗi thời gian. Không còn cả những danh sách, những nghĩa vụ, những cuộc hẹn hò. Trống rỗng. Trống trải. Yên ổn. Xa xỉ. Thưởng ngoạn và ung thư là hai thứ đang tịnh tiến lại khá gần nhau.

Tôi đứng trong buồng tắm và thoa xà phòng từ đầu đến chân. Không vội vàng. Tôi tò mò quan sát hình những cô gái trên rèm phòng tắm. Trên đó có cơ man nào là các cô gái, cô nào cũng đẹp, mỗi cô đều có một bộ ngực khác nhau. Tôi nhìn thật kỹ xem có bộ nào giống của mình, nhỏ, tròn, với đôi núm lõm, tất nhiên chỉ khi tôi không tắm. Tôi tìm thấy chúng ở một cô gái với mái tóc xoăn dài, tay giơ cao còn cằm cúi xuống. Tôi vặn sang nước lạnh và nó xối thêm một lúc nữa xuống người mình. Để lưu thông máu.

Lau khô người và trang điểm xong, tôi đội Daisy, giơ hai tay lên cao và vặn sườn phải. Trong gương tôi thấy mình giống cô gái trên chiếc rèm phòng tắm. Hôm nay tôi là Daisy.

Một rưỡi: Đã đến lúc phải ăn. Tôi rán một quả trứng và quan sát nó. Lòng trắng trở nên trắng hơn còn phần vàng trở nên vàng hơn. Quãng thời gian mà một lúc có thể làm nhiều việc đã chấm dứt. Thời kỳ dưỡng bệnh của tôi bắt đầu.

Sau khi ăn hết miếng trứng cuối cùng, tôi mở điện thoại tìm số của Rob. Không nhấc máy. Chắc anh ấy đang quay cảnh mây với Piet Paulusma. Song Annabel đã trả lời, chúng tôi hẹn một tiếng nữa gặp nhau ở quán Finch gần chợ Noordermarkt. Như vậy là còn đủ thời gian để tôi sửa sang lại tóc, tìm kiếm cách điều trị cho đôi tay, đôi chân và đôi má xám xịt của mình, viết e-mail cho bác sĩ L để thông báo cho ông ấy biết về việc tôi hay có những cảm giác như bị kim châm. Kể từ khi được điều trị, tôi không còn phân biệt nổi cảm giác như bị đốt của các tế bào u phát ra với cảm giác do hóa trị gây nên. Tôi tránh ánh nắng mặt trời bởi nó gây ra các vết sắc tố. Hơn nữa điều này cũng không tốt cho quá trình điều trị hóa chất.

Tôi gặp Michelle giữa những cửa hàng solarium(1)_ trên phố Haarlemmerstraat. Chúng tôi trò chuyện về ung thư, về làn da nâu. Cô ấy mới trải qua một cuộc phẫu thuật vì bị ung thư vú và hiểu rõ ung thư là thế nào cho dù bộ ngực bự của cô ấy đã khỏe trở lại. Đối với tôi cô ấy là Anita, còn với cô ấy tôi là Daisy. Với những lọn tóc vàng xoăn này người ta dễ bắt đầu một cuộc nói chuyện hơn nhiều.

Chúng trông thật đáng yêu, cả hai chúng tôi đều nghĩ vậy.

Căn bệnh chết tiệt, không được đi làm da nâu, cả hai chúng tôi cùng nghĩ vậy.

Trong lúc rảo bước tôi chợt nhớ ra một cuộc đối thoại diễn ra nhiều tháng trước đây, trước cả khi tai họa của tôi bắt đầu. Một người bạn nghĩ tôi thấy mọi thứ đều đẹp. Tôi vẫn còn nhớ rõ lần đó. Cho đến giờ tôi vẫn có những cảm giác lẫn lộn khi nhớ tới cuộc nói chuyện đó. Tôi cảm thấy khó khăn khi loại bỏ những điều tốt ra khỏi những việc xấu.

Tôi vẫn thấy mọi thứ đều đẹp. Đúng hơn là khá nhiều thứ. Tôi thích những gã mặc áo phông nhàu nát râu ria ba ngày chưa cạo. Song tôi cũng thích những chàng mặc sơ mi hiệu Armani được là thẳng ly, đi cùng đôi giày hợp kiểu và một hàm răng trắng bóng. Tôi thích những người da đỏ trong thành phố, song tôi cũng thích những thổ dân. Tôi thích những sinh viên lôi thôi lếch thếch, những công dân thế giới năng động, những chàng trai bản địa vùng Côte-d’Azur. Tôi thích nhà triết học, người thổi nhận thức của mình ra bằng tẩu thuốc lá. Tôi thích những chàng trai thể hình vạm vỡ, những người chẳng có tí nhận thức nào. Tôi thích bác sĩ K. Tôi thích Liam Neeson khi ông mặc áo phông bó sát cơ thể và cả vai Schindler của ông nữa. Tôi thích đàn ông thế này và đàn ông thế kia.

Còn giờ đây với căn bệnh ung thư này tôi được phép ghét tất cả. Tôi được phép chống lại tất cả, la hét tất cả, từ chối tất cả. 21 tuổi, bị ung thư. Cuộc sống không còn là người bạn mà đã trở thành kẻ thù. Kẻ thù đầu tiên của tôi. Sự căm thù đầu tiên của tôi. Niềm bi quan thực sự đầu tiên của tôi. Mặt khác bệnh ung thư cũng trở thành một người bạn. Nhờ nó mà tôi có cảm giác mạnh mẽ hơn, thích thú lớn hơn, nếm trải sâu hơn, đứng vững hơn trên đôi chân của mình, khao khát được ở một mình hơn và cảm thấy hạnh phúc mãnh liệt hơn. Tôi thích những gã mặc áo phông nhàu nát và những chiếc sơ mi hiệu Armani được là thẳng ly, những người da đỏ trong thành phổ và những người thổ dân, những sinh viên lôi thôi lếch thếch, những công dân thế giới năng động và những chàng trai bản địa vùng Côte-d’Azur, những nhà triết học và những chàng trai thể hình vạm vỡ, bác sĩ K và Liam Neeson, đàn ông và đàn ông. Căn bệnh ung thư đã tặng tôi Jurriaan, một người bán rau quả thường xuyên chu đáo chọn cho tôi củ cải đường, Kiwi và những quả chuối ngon. Hoặc một người bán hoa ấn tặng tôi một cây phong lan tím khi tôi không để ý. Quỷ tha ma bắt, tôi lại thất bại trong nỗ lực phải ghét tất cả, ghét cay ghét đắng. Sự bất công chết tiệt này, niềm cô đơn kinh sợ này, nỗi sợ hãi vô thực mà cũng rất hữu thực này. Quỷ tha ma bắt, tôi có thêm một người bạn mới. Người bạn mới thân nhất của tôi: bệnh ung thư. Chính tôi cũng là người bạn tốt nhất của mình. Quỷ tha ma bắt, tôi thực sự thấy mọi thứ đều đẹp.

 

 

“Vú mới chồng lên vú cũ, cậu thử tưởng tượng mà xem.” Ở quán Finch tôi cố giải thích cho Annabel nghe về việc tôi sẽ bị đặt một miếng nhựa vào trong vùng ngực trái, có thể miếng nhựa đó còn to hơn bộ ngực cỡ A của tôi. Cả hai chúng tôi phá lên cười.

“Liệu người ta có dính thêm vào đó một ống dẫn nữa hay không nhỉ?” Annabel hỏi để làm sự việc thêm buồn cười.

Chúng tôi lại cười phá lên.

“Chỉ khó chịu một chút thôi, quan trọng là cậu sẽ khỏe trở lại.”

“Nhưng tớ sợ.”

“Tớ cũng vậy. Nhưng thử nhìn cậu mà xem, cậu trông thật tuyệt vời.”

Tôi cười. Annabel nói đúng, tôi trông khỏe hơn nhiều so với hồi tháng Giêng khi bệnh ung thư còn ở mức nguy hiểm nhất. “Dù sao tớ vẫn sợ. Tớ tin là đám u bướu sẽ teo nhỏ đi nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng không teo hẳn?”

“Không có lý gì mà cậu phải nghĩ tới việc đó.”

“Ừ nhưng tớ rất hay nghĩ đến nó.”

Annabel đứng dậy rồi cầm tay tôi. “Khi nào cậu xét nghiệm?”

“Thứ Tư.”

“Thế khi nào có kết quả?”

“Thứ Hai.”

Thứ Tư ngày mùng 1 tháng Sáu  năm 2005

“Xin chào, đây là bác sĩ van der Stap, hãy làm ơn cho tôi nói chuyện với bác sĩ L.”

Trốn sau một trong nhiều cột bê tông ở hành lang bệnh viện, tôi gọi điện vào phòng đăng ký. May thay vị bác sĩ của tôi cũng bật cười. Ông và các đồng nghiệp đáng kính của mình hiểu rõ nhất mối đe dọa của tệ quan liêu đối với một bệnh viện hiện đại. Tầng hầm của bệnh viện OLVG hiện vẫn bị ngập lụt bởi hàng đống bệnh án của năm 2005. Tôi sợ rằng mình không hoàn toàn không có lỗi trong việc đó. Việc phải di chuyển từ phòng này sang phòng khác khiến công cuộc tìm kiếm các bệnh án của tôi trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Còn bốn quyển vẫn lưu lạc ở đâu đó.

Song bệnh viện OLVG cũng biết thế nào là cải tiến. “Không, tiếc là tôi không thể giúp cô được. Cô cần phải có thẻ.”

Rất tử tế, tôi đặt nhẹ số bệnh nhân xuống và giải thích kỹ rằng tôi không tìm thấy thẻ bệnh nhân của mình. Khi nghĩ đến việc tôi đã phải lấy nó ra bao nhiêu lần từ túi đeo, túi quần và ví thì tôi cảm thấy rất tự hào rằng đây mới là lần thứ ba mình phải xếp hàng để xin cấp thẻ mới.

“Không, chúng tôi có quy chế mới từ thứ Hai, giờ mọi thứ đều phải được quét qua máy. Không có thẻ thì tôi không thể làm gì cho cô được.”

Tờ khai thủ tục xét nghiệm được chính bác sĩ của tôi điền đã nằm sẵn trên bàn của ông ấy. CÔ VAN DER STAP 8 GIỜ còn được viết trên đó. Bảy phút trôi qua. Kể từ bảy phút nay tôi đã cùng mớ tóc vàng xoăn của mình lao vào cuộc đấu tranh. Vô ích, tôi lại phải quay lại xếp hàng để xin cấp thẻ mới. Từng phút từng phút một tim tôi đập nhanh hơn. Xếp hàng để được chẩn đoán. Không gì có thể làm tôi phát điên hơn thế.

“Hết năm euro.”

“Sao cơ?” tôi hỏi, “tôi lại còn phải trả tiền cho cái thứ vớ vẩn này nữa sao? Tôi chỉ quên thẻ ở nhà thôi mà.”

Mụ nhân viên ở quầy mặt vẫn lạnh như tiền. Hàng mi của mụ không hề chớp.

Tôi chẳng bận tâm thêm về số tiền phải trả. Với đôi mắt ứa nước, tôi nhận lấy chiếc thẻ mới.

08 giờ 14. Tệ thật. Tôi không được phép đến muộn. Tôi tìm cách gọi “người đồng nghiệp” đáng kính của mình song không có ai nghe máy.

08 giờ 17. Tội vội vàng chạy tới phòng đăng ký, băng qua các cụ bô lão và những chướng ngại cản đường khác. Lúc này tôi là người quan trọng hơn, đúng không?

“Ồ cô Van der Stap, mọi việc đều ổn. Tôi đã tìm thấy bản đăng ký của cô. Tôi không biết đó là cô.” Rằng tôi là ai? Cô gái trong bản đăng ký? Đúng là con ngỗng ngờ nghệch. Tôi căng thẳng chạy đến một chiếc ghế trống. Tất cả đều chật kín. Tôi được mang cho một bình nước có chứa chất phóng xạ và tôi phải uống hết nó. Uống hết một lít nước trong vòng một tiếng. Tôi không hiểu nổi, lần trước tôi đã được truyền nước có chứa chất phóng xạ một lần. Người đàn ông - giống một người mà sau lần tác nghiệp danh dự ở bệnh viện OLVG lại cảm thấy mình vẫn còn có ích cho công việc -, cố gắng giải thích cho tôi tại sao lần này tôi phải uống chứ không được truyền.

“Cháu phải uống hết bình nước này.”

“Tại sao?”

“Vì cháu phải uống hết bình nước này.”

Cuối cùng tôi cũng thấy an tâm bởi một nhân viên, một người ăn lương bệnh viện và hiểu tại sao tôi không hiểu đến giải thích cho tôi. “Hôm nay chúng tôi xét nghiệm cả vùng bụng dưới, chính vì vậy nên phải bổ sung các loại thuốc khác vào cơ thể.”

Tôi ngồi xuống. Không gì cả, một tiếng đồng hồ. Không gì cả, chỉ có ngồi đó, chờ và uống nước.

Thứ Sáu ngày mùng 3 tháng Sáu  năm 2005

Chỉ còn 20 phút nữa là tôi được chuyển vào phòng mổ. Tại phòng thí nghiệm nằm trên đường từ  khoa Ung thư tới góc bán Espresso tôi rút được số 871 để chuẩn bị cho lần xét nghiệm máu hằng tuần. Trước tôi còn tám số. Chẳng sao, ở đây rất yên tĩnh. Từ góc bán cà phê mới được dựng lên ở bệnh viện OLVG - ở đó tất cả đều thay đổi, trừ những chiếc bánh cũ đằng sau quầy bán, tôi vẫn có thể trông rõ khi nào tôi được gọi. Sau một cốc cà phê và hai bịch sữa, tôi được gọi vào. Người phụ nữ lấy ba ống máu nhỏ, dính tên vào đó rồi đặt chúng ra chỗ khác. Qua đôi vai của bác sĩ L, tôi đọc được tên ba mẫu máu trên tờ khai, phần còn lại tôi đành bỏ. Đó là tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu, tức là độ hemoglobin.

Với cánh tay dính đầy băng keo tôi bước vào phòng mổ. Cả ngày hôm nay tôi đã phải chạy đi chạy lại nhiều lần trong bệnh viện OLVG, nhưng điều đó cũng có nghĩa những ngày khác tôi ít phải lui tới đây hơn.

Tôi ngoan ngoãn đi theo chị y tá vào cái căn phòng bất hủ đó. Chỉ có điều giờ nó ở một khu điều trị mới, của một bác sĩ mới. Tôi cam đảm ngồi đó. Năm phút sau cửa mở, tôi tập trung quan sát hình dáng mờ mờ của vị bác sĩ mới. Khỏi cần bàn, đó là một người hùng mới: bộ mặt trẻ điển trai, đôi tay rắn chắc, đôi hông hẹp và một đôi giày lười. Daisy đã có vẻ buồn vì bác sĩ K. Thà có một bác sĩ khoa Phẫu thuật với đôi tay đẹp và rắn chắc còn hơn là một ông bố đi đôi giày đồng bóng và bận bịu vào Ngày của cha.

Vị bác sĩ phẫu thuật lập dữ liệu của tôi thành một bệnh án rồi giải thích cho tôi rõ về cuộc phẫu thuật: một đường cắt qua ngực, một ống thông máu được đặt vào rồi khâu lại. Hay thật, bác sĩ L quyết định đắp thêm cho tôi một chiếc vú nữa. Tên khoa học của nó là portkatheter hay gọi tắt là port. Nó sẽ làm đôi tay tôi trở nên dễ nhìn hơn, tạm thời tẩy đi dấu vết của các tế bào ung thư chết người. Song chắc hẳn nó cũng sẽ lâm vào cuộc xung đột lớn với chiếc cổ áo khoét sâu, thứ tôi quyết định sẽ mặc vào những ngày hè ở miền Nam nước Pháp. Tôi đã có thể hình dung ra chỗ sưng phồng lên sau khi phẫu thuật. Lại thêm một vết sẹo nữa trên cơ thể. Lần này không phải như vết sẹo kín sau lưng mà bác sĩ K đã để lại mà nó sẽ được in lồ lộ trên ngực bởi vị bác sĩ có đôi cánh tay đẹp và vạm vỡ này.

Thứ Bảy ngày mùng 4 tháng Sáu năm 2005

Hôm nay là ngày trao đổi quần áo ở nhà cô Tanja, một người bạn của mẹ tôi. Bên cạnh những người phụ nữ đã đứng tuổi ở đây, tôi đương nhiên là người trẻ nhất. Tôi gặp những người phụ nữ đã có chồng con, những người đã ly dị, những người có bố mẹ đã mất, những người mặc quần lót hợp mốt và đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, những người bụng và vú đã xệ, những người có ô sin giữ trẻ và ô sin lau chùi nhà, những người có mái tóc vén cao. Tóm lại, mỗi người có một cuộc sống, một cảnh đời.

Cô Tanja dường như chưa bao giờ bước vào tuổi 60. Kể cả về cách ăn mặc lẫn những nếp nhăn. Chúng tôi uống cà phê, ăn sô cô la và cười đùa. Thật tuyệt vời khi quan sát những phụ nữ đã ở tuổi mãn kinh này thử quần áo và thấy rằng ở độ tuổi 50 họ vẫn như những cô gái trẻ giống tôi.

Suy nghĩ này khiến tôi như bị đóng băng trong một khoảnh khắc. Đóng băng trong khi thời gian vẫn cứ mải trôi, trong một thế giới vô tận mà tất cả chúng ta phải đương đầu. Tôi có lẽ sẽ phải đương đầu với nó sớm hơn các bà vú xệ xung quanh tôi đây. Tôi cố tìm cách để hiểu rõ hơn song càng nghĩ nhiều về điều đó tôi càng cảm thấy mình cách xa những phụ nữ tràn đầy niềm vui sống đang ở quanh mình hơn. Tôi thấy buồn và rối bời. Rối bời bởi thời gian sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi cảnh đời và sẽ quên hết chúng. Buồn bởi thời gian có thể sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho cảnh ngộ của tôi, để tiết kiệm hộ tôi những ông chồng và những chiếc quần lót hợp mốt. Bởi đằng sau tấm mặt nạ kia có lẽ chỉ nửa năm nữa thôi thời gian sẽ đặt sẵn một chiếc quan tài cho Daisy, Stella, Sue và Blondie. Cho tôi. Đột nhiên tôi không còn hứng thú gì với chiếc váy tím và chiếc áo choàng vàng vừa tìm được trong đống quần áo năm phút trước. Tôi vứt chúng lại vào một đống quần áo khác và khi thấy chiếc váy tím ở trong tay một bà bụng chảy không quen biết tôi thấy tiếc vì mình không hề có cảm giác muốn có lại nó. Giá như tôi muốn có nó. Tôi muốn một thứ gì đó vẫn còn là quan trọng đối với mình, về lâu về dài.

Sự đơn độc khiến tôi muốn giở cuốn Tử thư Tây Tạng để làm quen và có lẽ cả kết bạn với chiếc quan tài của mình. Dường như đó là cách duy nhất để làm tâm trạng hôm nay của tôi vui lên. Tôi nghĩ về những điều tiêu cực này như để rung chuông nhắc mình không được quên rằng có thể chiếc quan tài đã ở rất gần và để cân nhắc xem kiểu quan tài nào hợp với mình nhất. Chắc hẳn những điều này sẽ không bao giờ được nói đến bên cốc nước cà chua trong một quán hè phố ở Amsterdam. Đúng, bởi ở đó tôi thích nói chuyện về kiểu tóc mới nhất của mình hoặc về những đôi xăng đan mùa hè hơn.

Giá như vào ngày đó tôi vẫn còn tồn tại, tôi sẽ  vùng dậy và biến sự tang tóc thành một ngày lễ lớn. Ở các nước khác người ta cũng làm vậy, như ở vùng Caribê chẳng hạn. Vừa nhảy múa vừa đong đưa. Tại sao phải khóc vì cái chết khi tất cả chúng ta đều biết nó sẽ đến? Tại sao không ăn mừng cuộc sống? Cuộc sống của tôi? Dù ngắn ngủi song tôi vẫn thấy đẹp khi nghĩ lại với nụ cười tươi. Tôi đứng dậy đi tìm chiếc áo choàng vàng và thấy nó đang ngự trên thân hình 55 năm của mẹ tôi. “Con thấy chiếc váy thế nào? Cả cái áo choàng nữa?”

Mẹ tôi và cô bạn Maud rất thích ăn diện.

“Chiếc váy trông rất đẹp, nhưng chiếc áo choàng trông không ổn. Nó quá nhỏ với mẹ, có vẻ vừa với con hơn.”

Tôi muốn lại được nhảy múa và đong đưa. Như trước kia, chỉ khác là giờ tôi đội tóc giả. Cũng như trước kia tôi muốn ẩn mình vào một đêm tối không có lối ra. Tháng Sáu đã bắt đầu, mặt trời chiếu lâu hơn, còn cơn gió ngày càng trở nên dịu và ấm hơn. Những xốn xang của mùa xuân làm xao động từ bụng tới chân. Để hùa theo chiếc váy của cô Maud và chiếc áo choàng vàng, tôi nhặt một chiếc sơ mi lấp lánh ra khỏi đống quần áo trên sàn nhà. Tôi vớ điện thoại, gửi một tin nhắn với ghi chú “khẩn trương” và tiếp tục công cuộc tìm kiếm một chiếc áo khoác hợp với mình.

 

 

Tôi bước từng bậc thang để lên Rain - một câu lạc bộ mới mở trong khu Casino cũ ở quảng trường Rembrandtsplein. Vừa có phần hơi lạ lùng, song vừa có cảm giác là tôi chưa từng tới một nơi khác biệt thế này. Tôi mặc chiếc váy đẹp nhất của mình và đội Sue - mớ tóc đỏ hoang dại. Hàng lông mi thật của tôi đã rụng sạch còn bộ lông mi giả trông dài và đẹp hơn. Tôi còn thêm một thứ giả nữa. Những hạt trang kim trên chiếc áo khoác như đang nhảy múa trong ánh đèn mờ ảo của câu lạc bộ. Lọ thuốc làm da rám nắng mang lại cho tôi sự tự tin cần thiết để bước vào hộp đêm này với lượng chất hóa học tối thiểu trên người. Chỉ có việc nổi gai ốc là tố cáo sự lo lắng của tôi. Song vì tôi không còn sợi lông nào nên người ta cũng chẳng nhận ra điều đó.

Ánh sáng trong Rain mờ ảo và tràn đầy không khí. Điều đó mang lại khoảng cách mà tôi đang tìm kiếm. Tôi muốn lặn vào đêm tối, để quên đi tất cả, để thích thú với mọi thứ như một cô gái không có cảnh đời như tôi.

Trên đĩa là một con cá quỷ biển ngập trong nước sốt vàng ngậy. Ngồi cùng bàn với tôi là Arthur. Arthur làm nghề theo dõi xu hướng mốt, một người luôn phải đi lại, luôn phải làm việc và không bao giờ được ngồi yên một chỗ. Arthur mời tôi bữa tối cùng cốc rượu vang ngon kèm theo một cuộc nói chuyện thú vị. Khi anh ấy rót đến giọt cuối cùng của chai rượu và những chiếc cốc khác trên bàn cũng đã cạn, chúng tôi chuyển sang u 10000 ng Mojito. Cậu bạn của Arthur, người một lúc sau mới đến, nghĩ rượu Vodka có thể giết chết các tế bào ung thư, điều mà hóa chất chưa làm được. Một lúc nào đó tôi sẽ giới thiệu cách này cho vị bác sĩ của mình.

“Hãy sống khỏe, Sophie ạ”, bác sĩ L từng nói. “Ăn uống đầy đủ, ngủ đủ, hơn hết hãy cho phép cơ thể cháu được nghỉ ngơi nhiều bởi nó đang ở trong một cuộc chiến đấu lớn đấy.”

Tôi uống thêm một ngụm Vodka. Sau bốn tháng ngoan ngoãn giờ tôi thấy vị của lá bạc hà và đường nâu mới ngon làm sao. Từng hớp rượu kéo theo cả cảm giác tội lỗi của tôi xuống dưới, tối nay rượu là thức ăn cho tinh thần.

Trên sàn nhảy Arthur và tôi lạc mất nhau. Anh ấy quay lại bắt chuyện cùng cô bạn học cũ của tôi. Cô ấy cao, gầy, kiêng ăn kem sữa kể từ ngày tôi biết cô ấy. Vậy cũng được. Tôi đi tìm chỗ còn trống trên sàn nhảy, đôi mắt tôi bỗng dán vào một chiếc cà vạt đang đung đưa. Tôi lao vào trận cùng bộ tóc đỏ bồng bềnh giai điệu nhạc như đang cù lấy cổ tôi.

Chiếc cà vạt đung đưa gục đầu vào lòng tôi, còn tôi ngồi nửa tỉnh nửa mơ trong xe taxi. Cơn say Vodka làm tôi thấy dễ chịu, dễ chịu vì buổi tối nay tôi được sống như một kẻ nặc danh. Chàng trai cạnh tôi thấy bên mình là một cô gái lanh lợi và một kiểu đầu hippi. Chúng tôi không nói gì ngoài về nhạc disco và giày dép.

“Anh làm nghề gì?”

“Anh được công ty cho nghỉ để đi học tiếp.”

“Tuyệt thật.”

Anh chàng không hề hay biết gì về nỗi cô đơn mà tôi đang cảm thấy bởi tôi đã biến câu chuyện của mình thành một điều bí mật. Anh cũng không biết gì về cô gái tóc đỏ đầy bí ẩn, người được anh làm cho thật hạnh phúc khi anh vừa hôn vừa vuốt tóc cô. Cũng không mảy may biết gì về thế giới thực của cô. Không hề hay biết rằng anh không chỉ chinh phục được trái tim của Sue mà còn của cả Daisy, Stella và Blondie.

Chúng tôi tạm biệt nhau bằng một nụ hôn sâu. Tôi bước ra khỏi chiếc taxi để quay về với thế giới riêng của mình. Ngày kia tôi lại phải đến bệnh viện OLVG. Tôi nói với Cà Vạt đung đưa rằng tôi sắp đi nghỉ một tuần. Đi nghỉ với một chiếc ba lô kéo ra sân bay để mua vé giảm giá tới Marrakesch.

Giá anh ấy biết được rằng câu chuyện này chỉ là một ước mơ và rằng bệnh viện nơi tôi nằm chỉ cách anh có ba con phố. Ba con phố và cả một thế giới mà tôi đã có thể quên trong lúc khiêu vũ cùng anh.

Chủ nhật ngày mùng 5 tháng Sáu năm 2005

Đầy lãng mạn, đã từ nhiều tuần nay tôi thả trí tưởng tượng bay bổng của mình về một người bạn đồng cảnh mới. Một người như Jur chẳng hạn, hoặc một người vẫn chưa thoát hẳn đám u bướu. Một người sẽ cùng tôi chui ra chui vào bệnh viện, làm phiền các bác sĩ bằng một đống câu hỏi, một người sẽ ôm tôi vào lòng khi hằng đêm tôi phải nằm đơn độc trên giường bệnh và rên rỉ vì sợ hãi. Trong lần gặp gỡ đầu tiên Jur đã hỏi tôi có bạn trai chưa. “Chưa, nhưng em có những người bạn tốt”, tôi đã trả lời như vậy.

Chỉ đến lúc này tôi mới hiểu câu hỏi của anh ấy. Bạn bè tôi có uống cà phê cùng tôi và đến thăm tôi thường xuyên, song tối đến họ lại trở về với bốn bức tường riêng của mình. Về với chiếc giường riêng của mình. Còn tôi nằm lại đây một mình cùng nỗi sợ hãi.

Nhờ Jur mà tôi nhìn nhận nỗi sợ hãi này từ một khía cạnh khác. Tôi có thể nhận ra nó, đặt tên cho nó và tiếp cận nó. Bệnh tật có một chức năng đó là biến nỗi sợ hãi thành lòng quả cảm. Lòng quả cảm mà người ta cần để học cách sống với bệnh ung thư và làm bạn với sợ hãi. Bằng cách đó Jur đã phá vỡ được phần lớn sự trống trải và cô độc trong tôi. Sau cuộc nói chuyện với anh ấy tôi có cảm giác mình đã chế ngự được căn bệnh và như thể đó là một món quà chứ không phải sự trừng phạt. Hoặc một bài kiểm tra. Tôi không tài nào mô tả được tác động kỳ diệu của Jur lên mình. Chúng ta hãy gọi đó là đồng cảm tinh thần. Hay là điều kỳ diệu. Hoặc là Jurriaan.

Anh đang ngồi trong quán De Winkel bên chiếc bánh nhân táo phết kem sữa. Chiếc áo phông xanh thẫm anh ấy mặc hôm nay làm nổi bật làn da rám nắng - đôi cánh tay anh phơi dưới ánh mặt trời 365 ngày mỗi năm. Mái tóc đen nằm hờ hững trên trán. “Này, màu tóc mới à?”

Đúng, tôi cũng có thể cười với anh ấy. Hôm nay tôi tết Sue thành đuôi ngựa. Mấy hôm gần đây tôi thích đội Sue hơn là Daisy hoặc Blondie bởi những nơi lông mày và lông mi của tôi cần mọc giờ đã trụi lủi. Chúng tôi hôn má nhau ba cái rồi bắt đầu câu chuyện bằng Dactinomycin, Dexamethason, Metastasen và những điều phiền phức khác. Jur quan sát kỹ lưỡng và nói rằng anh ấy thích kiểu tóc này nhất.

Tôi chưa cảm thấy ổn thỏa, tôi muốn nói với anh ấy rằng hằng đêm tôi vẫn cảm thấy cô đơn và tôi mong muốn tìm được một chỗ dựa nơi anh ấy cho những bận tâm của mình. Nhưng tôi đã im lặng và giấu kín những suy nghĩ đó cho riêng mình bởi tôi sợ mình có thể làm anh ấy hoảng.

Tôi có mang theo bệnh án, Jur bắt đầu giở từng trang ra xem. Tôi không biết liệu mình nên chú trọng vào số kiến thức mà anh ấy có được trong thời gian bị bệnh hay trong thời gian học Y. Dù gì sự kết hợp này cũng là có một không hai. Tất cả các quyết định của bác sĩ đều được bàn bạc kỹ lưỡng và tôi ngày càng rõ một điều là tại sao vị bác sĩ của mình vẫn còn ngập ngừng với những câu nói lạc quan.

“Cái ống thông máu ấy, nó có tác dụng gì không? Bác sĩ nói lớn lắm bởi em là một trường hợp khó phẫu thuật.”

“Em sẽ bị đặt à?” Jur hỏi.

“Thứ Ba, việc phẫu thuật sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.”

“Đó là miếng nhựa có gắn một ống dẫn qua mạch máu nằm dưới xương đòn Subclavia và được nối với tim.”

“À. Tên tiếng Hà Lan của nó là gì?”

“Anh cũng từng có một cái. Ở đây này.” Jur kéo cao chiếc áo phông và để lộ bộ ngực đầy lông lá.

Tôi trông thấy một đường sẹo phẳng dài 8 cm trên phần ngực trái. “Em không muốn có nó.”

“Nhưng nó rất tiện lợi và không khó chịu chút nào.”

“Nhưng chỉ khi người ta không mặc áo phông hở cổ thôi.”

Jur động viên tôi: Chẳng ai nhận ra đâu. Cơ mà tôi đâu có sở hữu bộ ngực đầy lông lá.

Thứ Hai ngày mùng 6 tháng Sáu năm 2005

Tôi tìm cách đoán kết quả cuộc xét nghiệm của mình qua lời chào của ông ấy. Ông ấy nhìn tôi lâu hơn thường lệ. Câu chào của ông ấy mỗi ngày đều trở nên cởi mở hơn. Dần dần tôi thậm chí thấy quý người đàn ông này. Bác sĩ L cười vội, pha trò một chút về Daisy rồi đi thẳng vào vấn đề. “Lại có thêm tác động tích cực. Những u bướu đã teo thêm đôi chút. Chúng chưa biến hẳn nhưng...”

“Liệu chúng sẽ biến hẳn chứ ạ?”

“Chắc lần sau sẽ biến hẳn. Phương pháp hóa trị sau đấy sẽ gần như hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó cháu sẽ chỉ còn phải điều trị bổ sung.”

“Nhưng như vậy là tốt ạ?”

“Ừ, Sophie, tốt.”

Tôi thở phào nhẹ nhõm sau một hồi phải nín thở. Tôi và bố đan tay vào nhau. Bằng một nụ cười rạng rỡ tôi rời khỏi căn phòng trước kia còn là nỗi ám ảnh rồi hôn chị tôi một cái thật kêu.

Thứ Ba ngày mùng 7 tháng Sáu năm 2005

Sau khi tỉnh dậy phải mất một lúc tôi mới định hình được mình đang ở đâu. Tôi thấy cơ man nào là giường màu trắng, trên đó là nhiều người đang nằm ngủ, đầu tóc bù xù. Rồi mọi thứ diễn ra: cuộc phẫu thuật, đôi tay cơ bắp rám nắng của anh nhân viên chăm sóc, cơn ngủ sâu. Cả cốc Mojito và hộp đêm hồi cuối tuần trước. Tôi cử động cánh tay phải và  thận trọng sờ lên ngực trái. Đúng hơn là lên ngực mới, trên ngực cũ không hề bị “đào bới”. Tôi thấy một vết sưng trên ngực được dính băng, ngay dưới xương đòn. Chúa ơi!

Các chị y tá lạ lẫm vội vã chạy qua chạy lại. Tất cả vẫn còn lờ mờ. Đột nhiên bà tôi tiến lại ngồi cạnh giường. Chắc hẳn tôi đã thiếp đi khi bà đến. Đôi mắt to xanh của bà nói rằng bà đang rất hồi hộp và bối rối. Chúng tôi luôn rất gần gũi nhau. Khi ở bên bà tôi luôn quên một điều là bà đã sống 56 năm đằng đẵng mà không có tôi. Bà không hay nói về sự đau đớn, bà nghĩ điều đó là không cần thiết. Song mỗi khi tôi hỏi về điều đó, tôi cũng vẫn nhận được một câu trả lời.

“Bà buồn vì cháu phải không?”

Bà im lặng. Đôi mắt to đầy sức mạnh của bà nhìn trầm ngâm. “Ừ”, bà trả lời.

“Thường xuyên chứ?”

“Cháu biết không, không còn việc gì làm bà vui hơn là nghĩ tới cháu.”

Im lặng. Đau đớn nhưng cũng thật ấm áp khi hai người kết nối với nhau bằng một sự gắn kết thật chặt, bệnh tật của tôi cũng chi phối cuộc sống của bà. Bà thường mang cho tôi thứ gì đó rất ngon từ cửa hàng bán đồ thiên nhiên. Lần này là quả hạch, nho khô và mận.

“Chúng tốt cho sức khỏe của cháu”, bà nói. Bà thận trọng ngó nghiêng và hỏi bố mẹ và chị tôi đã tới thăm chưa.

“Chưa ạ”, tôi trả lời và đột nhiên cảm thấy thật bất an. Những cô y tá lúc nào cũng vội vội vàng vàng mà tôi chưa bao giờ gặp làm tôi thấy khó chịu. Tôi muốn về khoa của mình, về giường của mình để được ngủ tiếp. “Nó to không hả bà?”, tôi hỏi khi thấy bà cúi người về phía tôi để quan sát “tác phẩm” của các bác sĩ.

Bà lắc đầu. Song tôi không thực sự cảm thấy an tâm.

Một lúc sau Pauke tháo tấm băng. Tôi vẫn có thể nhìn thấy miếng nhựa + khi cúi đầu xuống.

“Họ làm cho em rất tốt đấy”, chị nói khi quan sát vết sưng từ khoảng cách gần. Tôi cười và đợi cho đến khi không còn ai trong phòng, tôi cũng quan sát vết sưng lạ lùng kia từ khoảng cách gần hơn. Hai đường khâu màu hồng dài khoảng 7 cm chạy dọc trên xương đòn, qua vết sưng tấy ghê sợ. Hai đường? Tôi phát hoảng. Tôi cảm thấy cơ thể mình như bị cắt xẻo thêm, giống hệt ngày trước, cái lần đầu tiên tôi thấy một đứa đầu trọc lạ hoắc trong gương, đứa không ai khác chính là tôi. Phải vượt qua thôi, tôi nghĩ bụng.

Tôi lôi những tấm ảnh chụp mình đang giơ hai ngón tay giữa ra. Tôi luôn giữ chúng bên mình phòng khi không biết làm gì như lúc này. Đôi mắt này. Cái nhìn này. Ngón tay giữa này. Thứ Hai tuần sau tôi lại được phép đánh con dấu thứ 20, điều đó có nghĩa tôi đã vượt qua tuần thứ năm ở trạm C6. Chỉ còn một tuần nữa vào cuối tháng Bảy. Tôi gạt nước mắt và quay nhanh sang một bên.

Thứ Tư ngày mùng 8 tháng Sáu năm 2005

Càng ngày tôi trông càng giống một bệnh nhân ung thư. Giờ tôi không chỉ có đầu trọc mà còn có cả sẹo. Cái thứ được gắn vào ngực và nối với người bạn cao kều của tôi qua một ống dẫn làm tôi thích thú. Tôi sờ nắn và nghịch nó cả ngày. Tôi xoay đi xoay lại giữa ngón cái và ngón trỏ một cách tẻ nhạt và thử xem nó chuyển động tiếp thế nào.

Tôi luôn liên tưởng bệnh ung thư với những bà già, những gì diễn ra trong mấy năm trở lại đây, khiến tôi hiểu ra điều đó là sai. Ngay cả người mẹ xinh đẹp của tôi và Kylie Minogue cũng từng bị ung thư. Ngay cả tôi cũng vậy. Có lẽ sự liên tưởng vô lý này xuất phát từ những nhóm nói chuyện đồng đẳng vốn đầy rẫy như nấm sau mưa. Tất cả những điều đó đòi hỏi sự đồng cảm về tinh thần. Cuộc phiêu lưu về tinh thần này không làm tôi sợ. Nhưng cô lập một bệnh nhân ung thư trẻ và tội nghiệp như tôi đằng sau bức tường của Đạo giáo và Phật giáo, đó mới là điều đáng ghê sợ. Cứ như thể con đường tôi đang đi là do tôi tự nguyện chọn và chấp nhận nó một cách tuyệt đối.

Cho đến nay tôi không cách ly mình khỏi những người bạn cùng trang lứa nhiều. Tất cả mọi thứ đều trở nên khác, nhưng thực ra cũng không khác nhiều. Tôi vẫn đứng mặt mày khó chịu trong phòng thay đồ chật chội của cửa hàng Zara, vẫn tắm nắng và thường xuyên đọc Vogue cùng các tạp chí dành cho phụ nữ khác. Bởi những điều này đối với tôi vẫn còn quan trọng như trước. Rất quan trọng nữa là khác, chúng giúp tôi không đánh mất thực tại. Thực tại của việc muốn làm và muốn tiếp tục. Của việc vượt qua sự cô quạnh mà tôi vẫn chưa khuất phục được. Chỉ mới nghĩ đến thôi đã thấy ghê rợn, tôi muốn được nói lời tạm biệt với cuộc sống cũ của mình để tập trung vào thư viện về Tây Tạng, vào những phương pháp điều trị tự nhiên hoặc nghiên cứu phương pháp điều trị của O.C Simonton, người thầy thuốc quan trọng của những bệnh nhân ung thư. Tôi cố gắng coi trọng những điều dường như chẳng quan trọng này và cô lập mình càng ít càng tốt với chúng, điều mà người ta hay làm ở độ tuổi đôi mươi. Và cố gắng tiếp tục sống mà không nghĩ quá nhiều tới bệnh tật.

“Chào người đẹp, ngủ ngon chứ?” Giọng nói của chị tôi, một nụ cười rạng ngời. Chị mang theo một giỏ nơ đầy đồ ngon bởi hôm nay là sinh nhật mẹ chúng tôi. Còn sinh nhật tôi vào thứ Bảy. Người đàn ông cạnh giường tôi có cuộc sống tẻ nhạt nhìn lên, cả chị nằm giường bên cạnh cũng bối rối.

“Hôn nào!” tôi vừa gọi vừa dang tay ra. Đóng kịch là việc tôi làm rất tốt. Mỗi lần ôm tôi vào lòng là Zus không tài nào nén được nước mắt, cả hôm nay cũng vậy. Ngay lập tức chị ngồi lên giường tôi. Chị ở bên tôi khá lâu cho đến khi tôi có một cuộc viếng thăm mới. Chị cho tôi ăn mì - thức ăn của bệnh viện khiến người ta còn còm cõi hơn là phương pháp hóa trị liệu - rồi sau đó với lấy lọ nhũ đỏ để đánh móng chân cho tôi.

Tôi kể cho chị nghe những tưởng tượng mới của mình về bác sĩ K. Zus kể cho tôi nghe về tương lai làm tình nguyện viên ở nước ngoài của chị và về những kế hoạch khác ngoài việc làm tình nguyện viên. Chị sẽ đi thực tập trong vòng sáu tháng tại tòa nhà chọc trời của tập đoàn ING ở Hồng Kông. “Sáu tháng của đời người là không nhiều”, chị nghĩ vậy.

“Không nhiều ư?”

Bạn trai chị cũng là tình nguyện viên, tác nghiệp gần như một nhà ngoại giao bởi cứ hai năm lại được thuyên chuyển tới một nơi khác. Chị và anh ấy quen nhau trong một lần như thế và cũng vì lý do tương tự họ sẽ luôn bị tách khỏi nhau. Rồi chị lại đi theo anh ấy. Tôi cũng vậy.

Chúng tôi kéo chiếc rèm quanh giường lại và nói chuyện nhẹ nhàng để không làm phiền người khác, quan trọng hơn là để không bị làm phiền. Zus vuốt nhẹ chỗ sưng của tôi. “Những vết thương chiến tranh”, chị đặt tên cho những vết sẹo mà tôi còn lại sau cuộc chiến này. Khả năng ví von của chị vẫn còn rất tốt. Thậm chí có thể ý chị ấy là những vết thương về tình cảm chứ không phải những vết sẹo trên cơ thể tôi kia. Lúc tôi nói về “bệnh ung thư” thì chị ấy ví von ngay với “thứ ánh sáng xám xịt”. Sự thấu cảm giữa hai chúng tôi một lần nữa lại gần như giống nhau. Chị gái tôi là chuyên gia trong việc sử dụng ngôn từ. Ngược lại chị ấy lúc nào cũng có thể nói vậy về tôi mỗi khi miệng tôi phát ra từ “ung thư”. Chị em tôi mỗi người đều có một bài ca tụng riêng dành cho người kia.

Thật tuyệt vời khi Zus rúc vào vai tôi như một thiên thần nhỏ, khi “thứ ánh sáng xám xịt” kia phải trốn vào góc phòng. Khi có việc gì đó liên quan đến gia đình là sự thu mình lập tức bị phá bỏ. Zus hy sinh không đắn đo thời gian của mình để nấu cho tôi một bát xúp ngon và các món khác. Khi chị ấy bước vào phòng tôi với những món ăn được làm bằng tất cả tình thương yêu ấy, tôi lại hy vọng là mình cũng sẽ mang tới cho chị những món ăn chứa đầy tình thương yêu tương tự nếu hoàn cảnh chúng tôi bị hoán đổi. Không có sự gần gũi nào gần gũi hơn thế. Chị gái tôi chỉ ý thức được điều này khi chị đứng giữa đám cây sinh thái trong cửa hàng bán đồ tự nhiên với chiếc túi đay của mình. Thỉnh thoảng tôi có nghe tin về bạn trai của chị, về việc chị phải đấu tranh với cảm giác tội lỗi thế nào khi rời phòng bệnh của tôi và thấy được cảnh thời gian quanh tôi như ngừng trôi. Đối với tôi dường như sống cho người khác còn khó hơn sống cho mình. Gia đình tôi giờ đang sống cho tôi và họ luôn chứng tỏ điều đó với tôi.

Thứ Năm ngày mùng 9 tháng Sáu năm 2005

“Cháu may đấy cô bé ạ. Khi trẻ người ta có nhiều cơ hội lành bệnh hơn.” Người đàn ông đối diện nhìn tôi như thể tôi vừa trúng số độc đắc. Ngay cả người ngồi cạnh ông ta cũng làm ra vẻ như bệnh tật của tôi không là gì so với bệnh của ông ta.

“Gì cơ ạ?”

“Đúng đấy. Khi trẻ bệnh tật không quay lại dễ dàng như ở những người già như các bác đây.”

Bộ tóc giả của tôi rùng mình. Tôi cũng vậy.

“Bởi cháu mới chỉ ở độ tuổi nghĩ về những sở thích nên cháu đã bao giờ nghĩ tới may mắn liệu mình có được chết thanh thản bên thanh truyền nước?” Tôi mới muốn trả lời làm sao. Nhưng không, tôi cười và quay mặt đi. Chỉ còn hai đêm nữa là tôi được về nhà và tổ chức sinh nhật mình.

Tôi thận trọng giấu mình dưới lớp chăn đệm. Ở dưới đó đêm nào tôi cũng khóc. Khóc vì tình trạng cô độc bởi ở tuổi 21 tôi phải nằm truyền nước trong khi những người bạn 40 tuổi kia ngồi thưởng thức đời ở các quán bar. Ở cùng căn phòng với ba người đứng tuổi khác tôi nghĩ về cuộc sống trước đây của mình, về 19 tuần trước khi mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Không có sự cô độc nào lớn hơn sự cô độc của tôi.

Thứ Sáu ngày 10 tháng Sáu năm 2005

“Em ăn cùng tối nay chứ? Món gà và khoai tây chiên nhé?” Y tá Esther giấu gương mặt qua tấm rèm. Chị ấy sẽ đưa tôi khỏi căn phòng nhiều giường này. Vẻ mặt cau có của những người cùng phòng khiến tôi thấy tiếc, cơ mà vừa có một phòng đơn trống. Một tin tốt cho tôi song lại là tin xấu cho người sẽ nhận chiếc giường trống mà tôi vừa để lại.

Esther khác những chị y tá khác ở đây. Tất cả đều tốt bụng nhưng Esther vừa xinh vừa tốt bụng và đặc biệt hơn là chị ấy còn trẻ. Với Esther tôi có thể buôn về mọi thứ - những nơi thích lui tới, các quán bar, trang điểm, iPod, con trai - bởi ngoài công việc chị ấy còn những mối quan tâm khác. Cùng mái tóc đỏ rực của mình, chị ấy còn làm DJ ở khắp Amsterdam và vùng phụ cận, còn các thứ Ba chị ấy vẫn xem Desperate Housewives như tôi và hàng triệu phụ nữ khác. Thông thường chỉ thứ Ba và thứ Tư chị ấy mới có mặt ở đây, song tuần này chị ấy làm cả thứ Sáu. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi được phép thưởng thức đam mê chung của chúng tôi trong khi chị ấy xoay xở với đống túi hóa chất. Tôi hy vọng tất cả những bệnh nhân khác trong khoa cũng nằm yên ổn trên giường bệnh của mình để thưởng thức bộ phim dài tập này của Mỹ. Bởi khi đó họ sẽ không thò tay đụng đến cái chuông, thứ vô cùng phiền phức khi ta đang xem ti vi. Song tiếc là khoảng thời gian tôi thích lại là những lúc rất bận rộn trong bệnh viện và Esther lại tiếp tục phải chạy tới chạy lui.

Tôi kể cho chị ấy nghe về lần đi khiêu vũ và thân mật với Cà Vạt vài ngày trước.

“Em có ảnh của hắn không?”

“Không.”

“Tiếc thật. Giờ em ăn cùng chứ?” Trên tay chị là cuốn thực đơn của Saladetuin - một quán ăn nhanh ở góc phố.

“Vâng, em rất sẵn lòng.” - dù thức ăn ở đó cũng chẳng ngon là mấy - “Chị đã đặt chưa?”

“Chưa, chưa, năm giờ mới đặt.” Chị đặt cuốn thực đơn lên giường tôi và rút chiếc ổ cắm.

Chúng tôi rời phòng để đi đến phòng số 2. Bas sẽ lo liệu phần còn lại của việc thay đồ, thay dép mới... Bốn giờ kém mười lăm, khoảng thời gian mà bệnh viện khác hẳn với đời thường. Esther mới bắt đầu công việc, còn tôi đã vượt qua được thêm một ngày nữa. Chính xác hơn là được phần lớn thời gian của ngày bởi các cuộc thăm viếng thường diễn ra sau năm giờ. Bà và bố mẹ tôi sắp đến, sau đó là Annabel và Rob. Giống bố mẹ và chị gái tôi, Annabel gần như ngày nào cũng túc trực bên giường tôi cho đến khi bầu trời xanh chuyển sang sắc xám, những giọng nói ở hành lang thưa dần đi và tôi ở lại một mình cùng người bạn cao kều cùng những tin nhắn.

“Kể chút gì về anh chàng đó đi.” Rob ngồi bên giường tôi, anh ấy muốn biết rõ hơn về Cà Vạt.

“Anh ấy đeo cà vạt và đi một đôi giày xịn, bọn em đã nằm ôm nhau rất lãng mạn.”

“Rồi sau đó?”

“Chẳng gì cả. Rồi em dừng lại, em đã kể cho anh rồi còn gì. Anh ấy thậm chí còn không biết là em đội tóc giả.”

Rob bật cười.

“Lúc hôn, anh ấy còn luôn vuốt tóc em. Không thể tưởng tượng nổi là anh ấy không nhận ra điều đó.”

Rob bật cười to hơn và ôm tôi một cái thật chặt.

Rob rất biết cách ôm, anh ấy ôm giỏi đến nỗi nếu không để ý người bị ôm có thể bị ngạt thở. “Anh làm gì tối nay?”

“Anh nghĩ anh sẽ qua chỗ Franken và Kok. Để tổ chức sinh nhật cho em, vào lúc 12 giờ.”

Franken và Kok làm chủ một quán bar gia đình. “Thật tuyệt. Mai em được phép ra ngoài. Em chắc vẫn sẽ uể oải nhưng rất muốn gặp mọi người.”

“Thôi nào người đẹp, bọn anh sẽ mang tặng em một bông hoa nhỏ. À mà không, một bó hoa thật to dành cho quý bà.”

Trời đã tối, Rob ra về. Khi tiếng bước chân của anh ấy xa dần trong hành lang, những giọt nước mắt cô đơn bắt đầu lăn trên má tôi. Esther vẫn chạy qua chạy lại. Tôi quan sát người bạn cao kều và thấy túi hóa chất chuẩn bị hết. Vài phút nữa người bạn cao kều sẽ lại píp píp và Esther sẽ chạy lại mang theo một túi mới. Esther tốt bụng và xinh đẹp, người xóa bỏ tất cả những gì là màu trắng và bệnh viện bằng mái tóc đỏ rực của mình.

Chị bước vào và thấy tôi trong tình trạng trọc lốc nhất: tôi ngồi viết trên giường, không tóc, không pha trò.

“Mai Jochem đến thăm, em đã có lần kể cho chị về anh ấy. Chị phải quen anh ấy bằng mọi giá.”

“Thế ư? Tại sao?”

“Anh ấy vừa gọi điện và nói chắc hẳn đã có lần anh ta ngủ nghê với chị rồi. Nhưng em nói, điều đó thật nhảm nhí. Anh ta chỉ được cái to mồm.”

“Chị chưa bao giờ lên giường với ai tên là Jochem”, Esther mỉm cười nói.

Thứ Bảy ngày 11 tháng Sáu năm 2005

Trước mặt tôi là 22 bông hồng vàng. Tôi không thích hồng vàng song vẫn tỏ ra hớn hở trong khi đếm. Đúng chính xác 22 bông. Còn có thêm một tấm thiếp kèm theo: “Tiếc là tớ không tự mang tới được cho cậu.” Vô danh. Cũng chẳng cần thiết bởi tôi biết được ngay ai là người gửi chúng. Chỉ có một người bạn có thể gửi hồng vàng và chỉ có một người bạn chu đáo tới nhường vậy: Martijn.

Quả đúng là một ngày lễ! Ngày sinh nhật sẽ đẹp hơn khi người ta bị bệnh và biết rằng mình vẫn còn sống và bước sang một tuổi mới. Đẹp hơn cả khi người ta khỏe mạnh và biết rằng mình lại già thêm một tuổi.

Chiếc vú thứ ba của tôi là đồ trang điểm đặc biệt cho ngày lễ này. Do Pauke dẫn đầu, các chị y tá khác vừa bước vào phòng vừa hát. Pauke không thích lãng phí thời gian nên chị ấy ngắt tôi ngay ra khỏi thanh truyền.

Tôi cũng không thích lãng phí thời gian, đồ đạc của tôi đã sẵn sàng. Bas trực ca đêm, anh nhẹ nhàng tăng lưu lượng bơm của tôi. Cả những người còn lại trong khoa cũng tích cực tham gia vào kế hoạch của tôi. Độ hemoglobin của tôi hôm nay tăng lên 6,5, chính vì vậy nên tôi không phải truyền máu.

Một chiếc xe lăn đã chờ sẵn. Con bé vẫn còn khá yếu, chắc mọi người nghĩ vậy về tôi. Sự thật là tôi cảm thấy mình vẫn còn uể oải và cũng thể hiện ra như vậy. Tôi muốn phản kháng nhưng khi đứng dậy tôi thấy váng vất chóng mặt. Tôi rời khoa và hướng thẳng tới thang máy. Chết tiệt thật - mới 22 tuổi mà tôi đã phải ngồi xe lăn.

Thứ Ba ngày 14 tháng Sáu năm 2005

“Tớ muốn để kiểu tóc như Uma Thurman trong phim Pulp Fiction.” Tôi uống hết tách trà, hôn má Annabel, quăng mình lên chiếc xe đạp địa hình và 10 phút sau đã có mặt ở cửa hàng tóc giả yêu thích. Tôi nhận ra ngay là màu đen hơi cứng so với mình nhưng mẫu màu nâu đỏ tương tự lại cực hợp với làn da nhợt nhạt của tôi. Mái tóc buông xõa xuống hai vai, cả chiếc đuôi ngựa cũng dài.

“Chúng tôi có thể cắt thành phom ngay cho cháu bây giờ.”

“Nó giá bao nhiêu ạ?”

“52,50 euro”

Tôi kinh ngạc nhìn người bán hàng. Đây là bộ tóc giả rẻ nhất mà tôi từng đội.

Cạnh tôi còn có một người phụ nữ da màu khác đang thử tóc giả. Cô ta giấu mái tóc xoăn tít của mình dưới một bộ tóc trắng mượt mà. Bộ tóc giả khiến tôi lóa cả mắt song hiệu quả của nó thì thật ghê gớm. “Tôi thử nó được chứ?”, tôi hỏi.

“Vậy là hết 52,50 cộng 66... bằng 118,50 euro. Miễn phí hộp gel bóng tóc cho khách quen.” 

Tóc giả - thật tuyệt vời. Sáu bộ tóc giả, sáu cái tên, thêm sáu lần bạn bè và những kẻ ngưỡng mộ. Sáu con người phụ, ẩn sau mỗi người là một phần Sophie. Một Sophie bất an và nhút nhát: Stella. Một Sophie đa cảm: Oema. Một Sophie luôn tươi cười và đầy hoang dại: Sue. Một Sophie đầy nội tâm: Blondie. Một Sophie thích phiêu lưu: Plantina. Một Sophie đầy mộng mơ: Daisy.

 

 

Vào cái ngày tôi được chẩn đoán ung thư, sân chơi của tôi từ cỡ chỉ bằng hành lang của một trường học đã lớn bằng một sân bóng đá. Không ngày nào tôi không ý thức được rằng những người khác đang nghĩ đến mình. Tất cả đều muốn làm điều gì đó tốt cho tôi, dù chỉ là tặng một cốc nước ở quán Finch hay một ngày làm đẹp miễn phí ở Beauty Salon. Nhiều khi tôi sợ tấm chăn ấm áp này sẽ làm mình quên mất thực tại trong khi còn chưa được đi qua một vài góc khuất của cuộc sống. Tôi có thể làm tất cả, có thể nói tất cả, có thể tìm thấy tất cả. Và may thay, tôi cũng có thể mang trên người tất cả. Ai cũng đều cảm thấy có lỗi khi họ nhìn tôi với bộ tóc giả mới. “Nó rất hợp với cháu đấy. Cách cháu vượt qua bệnh tật quả rất cừ đấy.” 

Bộ tóc giả giúp tôi giấu kín những điều tôi muốn giấu, mang lại cho tôi lòng cam đảm được là người mà tôi muốn làm. Với mỗi bộ tóc giả trên đầu tôi lấy lại được sân chơi mà tôi cần. Mớ hỗn độn trong đầu tôi do sự hiếu kỳ sinh ra ngày càng giống con phố một chiều hơn là một mê cung mà mới đây tôi vẫn còn mò mẫn trong đó để đi về phía trước.

Quãng thời gian của cuộc chơi trốn tìm đã chấm dứt. Tôi thích thú tột đỉnh được là một phụ nữ. Được than vãn, được đong đưa, được gây chú ý. Điều đó làm tình cảnh nhẹ nhõm hơn cho cả hai phía. Đôi khi thật khó có thể hiểu được vấn đề của người khác. Rồi một bộ tóc giả đầy phô trương ra tay cứu giúp, tôi không thể biểu lộ nỗi đau và sau đó là chính mình một cách tốt hơn thế.

Tôi kiêu hãnh quan sát mái tóc giả của mình. Tôi ngồi lên chiếc xe đạp để tới chỗ Rob và Jan đang đợi ở quán trên phố. Họ cười rạng ngời. Jan thích sự điên rồ và phô trương của mái tóc, còn Rob thích tôi. Với Plantina tôi vừa có một chút điên rồ, vừa một chút phô trương.

“Chắc có lẽ em đã làm Cà Vạt phát hoảng.”

“Em có gặp lại anh ta không?”

“Có, hôm qua ở quán De Winkel. Nhưng anh ấy không nhận ra em vì em đội Blondie.”

“Thế em nói sao?”

“Kiểu tóc thử nghiệm. Chắc anh ấy nghĩ em là đứa hippi. Hoặc hoàn toàn điên rồ.”

“Em đúng thật đáng yêu. Lại đây nào.” Rob hôn tôi một cái thật kêu vào thái dương và ôm tôi thật chặt đến nghẹt thở.

“Người đẹp?”

“Gì cơ?”

“Không gì cả.”

Thứ Tư ngày 15 tháng Sáu năm 2005

Cầm chiếc túi đay trên tay, tôi xếp hàng trả tiền trong cửa hàng bán đồ sạch trên phố Westerstraat. Vấn đề ăn kiêng cho bệnh nhân ung thư không làm tôi bận tâm. Tôi cũng chẳng tin nó. Ai cũng to mồm lên giọng rằng anh ta biết rõ hơn những người khác. Cơ mà tôi tin vào thức ăn chứa nhiều vitamin, thực phẩm sinh học, thực phẩm chống ô xy hóa, rau quả và củ cải đường.

Trong giỏ của tôi có hạt yến mạch, gạo Peru, lúa miến, hạt lanh, hạt vừng, hạt bí ngô và sữa dê. Tôi vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, vì vậy tôi đã rất ngạc nhiên khi sáng nay tôi tự ép được hẳn một cây thì là tây. Tôi vẫn tự hỏi người khác sẽ làm gì với những thứ như lúa miến, kiều mạch và gạo Peru. Hài lòng với giỏ hàng rất tốt cho sức khỏe của mình, tôi nhìn sang giỏ của một phụ nữ bên cạnh: Tảo, không gì khác ngoài tảo. Sau quầy thuốc là tảo xoắn, tảo ngọt, Aloe vera, sâm và rất nhiều đồ Tàu khác. Tôi thờ ơ nghe cuộc đối thoại của người đàn bà đứng cạnh nói tiếng Tàu với ông thầy lang đi dép của hãng Birkenstock - tôi thề đấy - đằng sau quầy. Một vài viên thuốc biến mất vào trong chiếc túi đay của bà ta. Tôi thở dài, tiếng Tàu hãy cứ tạm để đó đã.

Trên đường về nhà tôi ghé vào một trong số rất nhiều trung tâm Yoga của quận này. Yoga cũng giúp người ta trở nên “đẹp và khỏe”. Hôm nay tôi sẽ lên danh sách. Yoga - một từ thật đẹp. Tôi cố gắng duỗi các chi cứng đơ của mình trên tấm thảm tập Yoga. Bởi đó mới là Yoga: duỗi, duỗi và duỗi một khi cơ còn cho phép. Không chỉ tay và chân mà cả ngón tay lẫn ngón chân.

Sau Yoga là ngồi thiền. Phù... ngồi thiền - thật là một quãng đường dài. Phải vậy thôi khi người ta quên hỏi nó tốt cho cái gì. Tôi ngồi thiền, ít nhất là tôi cũng nỗ lực làm vậy. Tôi nghĩ rằng tôi đang ở giai đoạn đâu đó giữa trầm ngâm và tập trung.

Trong lúc viết tôi mới nhận ra mình bị định kiến như thế nào. Một định kiến về bệnh tật, về việc muốn làm những điều như thể mình khỏe mạnh và muốn tỉnh táo sống. Về cả những cửa hàng bán đồ thiên nhiên, triết học, Yoga và ngồi thiền. Về sự yên bình, sự đồng cảm tinh thần và những nụ cười. Đó như là một người bạn trên ghế dự bị. Rồi tôi đốt nến cầu nguyện cho điều gì đó. Cho người chị luôn yêu mình và hay ghé qua uống cà phê cùng thay vì làm một công dân của thế giới ở Hồng Kông. Cho chú mèo đang đợi tôi bên cửa sổ, cho bố mẹ vẫn còn là một cặp hạnh phúc và ơn trời là bố mẹ của tôi. Và cho một cơ thể không có những dị thường.

Thứ Sáu ngày 24 tháng Sáu năm 2005

“Chính vì vậy bác cần phải chụp cộng hưởng từ đầu cháu.” Bác sĩ L gật đầu, lẩm bẩm gì đó như là: “Làm thế để cháu được yên tâm thôi còn bác thì không lo lắng gì về chuyện này” và điền vào tờ đăng ký.

Tôi đoán là trong đầu tôi mọc một thứ gì đó. Một thứ gì đó ác tính. Đã vài tuần nay tôi bị đau đầu liên tục. Tôi cảm thấy những vết kim châm, những cơn đau như búa bổ, nước mũi thì chảy ròng ròng. Trong hiệu sách của viện AMC tôi đọc được rằng việc hay chảy nước mũi có thể do nguyên nhân nào đó không liên quan đến đầu hoặc não và rằng với căn bệnh này, một khối u trong đầu đôi khi có thể lan tới tận phổi. Sau những cơn đau dữ dội, những nỗi hoảng sợ và hai bữa ăn trưa trong hiệu sách y tế, tôi quyết định thông báo cho bác sĩ luận điểm còn chưa vững của mình.

“Thứ Tư, ngày 29 tháng Sáu, 7 giờ 50 phút”, ông nói. Vậy là chỉ còn vài ngày nữa.

“Cháu viết ra chưa?”

“Rồi ạ, thứ Tư tuần sau, lúc 8 giờ kém 10.”

“Tốt, bác sẽ gặp cháu sau đó ở phòng bệnh. Cho tới lúc đó cháu vẫn còn sức chứ?”

“Vâng. Mà đây là đợt hóa trị thứ bao nhiêu rồi bác nhỉ?”

“Bác phải xem đã. 7 này, 8, 9, 10, 11, lần này là 12, đúng rồi lần thứ 12. Nhanh thật đúng không. Được nửa thời gian rồi.” Bác sĩ L gật đầu về phía tôi đầy an ủi.

“Trong sổ ghi chú của cháu là tuần thứ 22. Khi nào có kết quả ạ?”

“Bác sẽ cố càng sớm càng tốt. Hy vọng ngay hôm sau, sau đó bác có thể thông báo với cháu về phần còn lại của quá trình điều trị. Thứ Tư bác có một nhóm hội thảo ở viện AMC, ở đó mọi người sẽ bàn bạc về các khả năng của phương pháp xạ trị và phẫu thuật. Bác nói lại này: Phẫu thuật là nằm ngoài kế hoạch.”

Bác sĩ L khụt khịt mũi rồi đi gặp các nhà khoa học, giáo sư và các chuyên gia xạ trị khác để quyết định xem phải làm gì tiếp với đợt điều trị của tôi. Nếu họ muốn mổ xẻ tôi thì phải làm ngay vào lúc này. Tất cả các bác sĩ từng nhìn vào sổ bệnh án của tôi đều lắc đầu quầy quậy nhưng tôi vẫn hy vọng là mình được phẫu thuật. Sau sáu tháng điều trị hóa liệu đám u bướu giờ trông khác hẳn.

“À nói thêm, bộ tóc giả này - Platina - bác không thấy thích lắm. Nó làm cháu trông già đi.”  

“Cháu cũng cảm thấy mình già rồi.” 

Thứ Tư ngày 29 tháng Sáu năm 2005

Tôi ở trong tình trạng căng thẳng tột độ. Đã 20 phút trôi qua tôi vẫn nằm đó, trên đầu là đôi tai nghe to bự còn trên mặt là tấm lưới che. Thứ tiếng động đang lọt vào tai khiến tôi nghĩ tới chiếc máy khoan của bác hàng xóm nhà cạnh con kênh. Đột nhiên tiếng động đó im bặt. Hai gương mặt lạ lởn vởn ngay cạnh tôi. “Chúng tôi phải tiêm thêm chất phản quang để có thể nhìn tốt hơn.”

Khỉ thật, họ đã thấy thứ gì đó. Ở đó có thứ gì đó. Khỉ thật, nó ở trong đầu tôi.

“Nó có tệ lắm không ạ?” tôi hỏi.

Hai gương mặt lạ đó nhìn tôi rồi gọi thêm vị chuyên gia X-quang tới.

Mỗi giây trôi qua tôi càng cảm thấy khiếp đảm hơn.

“Đến thời điểm này thì mọi thứ đều tốt, chúng tôi chỉ muốn...” Ông ta không nói thêm nữa.

Tôi thổn thức, đôi vai tôi run lẩy bẩy. Trong lúc nghe nốt những tiếng động cuối cùng của chiếc máy khoan, tôi mới vỡ lẽ ra rằng tôi ngày càng đặt thêm nhiều niềm tin vào vị bác sĩ của mình hơn.

Cuối cùng tôi cũng đến phòng điều trị. Judith hớt hải chạy qua chạy lại. Chị được các y tá khác đặt cho biệt hiệu là “Gió cuốn”. Tôi chào những người có mặt ở đó, đặt mình xuống chiếc ghế bên cửa sổ, gặm một miếng bích quy rồi nhấn nút PLAY. Đợt hóa trị đã có thể được tiến hành.

Thứ Năm ngày 30 tháng Sáu năm 2005

Rob và tôi ngồi ở Ouderkerk cạnh sông Amstel và cùng chờ một cuộc điện thoại. Đã 20 phút trôi qua, tôi khều ra khều vào đĩa ăn của mình. Như thường lệ Rob luôn ăn thứ gì đó đo đỏ, có thịt, còn tôi cũng như thường lệ luôn ăn rau quả và đồ có lợi cho sức khỏe.

Có điện thoại. Tôi vô thức vội cắm chiếc dĩa của mình vào đồ ăn của Rob. Một cục mỡ. Chúa ơi!

“Tất cả bác sĩ đều thống nhất rằng phẫu thuật là không thể. Chúng tôi sẽ bắt đầu ngay bằng xạ trị.” 

Tôi không hiểu. “Chỉ cần cắt bỏ những gì thừa đi là xong phải không ạ?”

“Không, không được. Đó là cuộc phẫu thuật mà chúng ta đã thôi không thực hiện từ những năm 70. Một vùng quá khó phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ hại nhiều hơn lợi.”

“Ra thế. Vậy giờ làm sao ạ?”

“Tuần tới bác đã lên lịch hẹn với bác sĩ O ở viện AMC cho cháu. Đó là một chuyên gia về xạ trị. Ông ấy sẽ giải thích cho cháu mọi việc.”

“Bác đã đọc email chưa ạ?”

“Rồi và cũng đã trả lời. Kết quả đợt chụp cộng hưởng từ là tốt, như họ đã nói.”

“Phù.”

“Không có thêm đau đớn nào khác chứ?”

“Không ạ.”

“Cháu cảm thấy tốt chứ?”

“Vâng, chỉ có điều uể oải hơn thường lệ đôi chút.”

“Đó có thể là do lượng máu của cháu xuống thấp gây nên. Khi nào cháu lại đi xét nghiệm máu? Có lẽ họ phải truyền máu cho cháu.”

“Thứ Hai ạ.”

“Được, nhớ rẽ qua chỗ bác một chút nhé. Tạm biệt. Chúc cháu cuối tuần vui vẻ.”

“Cảm ơn bác, chúc bác cuối tuần vui vẻ. Hẹn thứ Hai gặp lại.”

“Tạm biệt Sophie.”

“Tạm biệt, bác sĩ.”

Tôi không biết là mình nên thở phào hay khiếp sợ. Tôi chẳng thiết tha gì một vết sẹo dài tới 20 cm. Song để được khỏe trở lại tôi cũng chẳng ngần ngại nó.

Và nó đã xảy ra ở đây, giữa cái bẹo tay, sự âu yếm và những nụ hôn bè bạn. Một ánh nhìn thật lâu kèm theo nụ hôn thật dài. Rob đã đẩy sợ hãi ra khỏi tôi. Đã yêu.

Thứ Sáu ngày mùng 1 tháng Bảy năm 2005

Tôi mở mắt. Có ai đó nằm cạnh mình. Tôi chớp mắt, người đó biến mất. Mở, nhắm, mở, nhắm.

Mở.

Đôi vai, lưng và hai tay rám đặc một màu nâu. Đám tóc nâu xám trên chiếc đầu oai vệ giống cảnh quảng cáo thuốc lá Marlboro. Đôi tay người ấy cài vào nhau, đặt nửa chừng lên gối. Mắt nhắm chặt. Tôi rón rén trườn người sang bên, mắt đảo quanh tìm kiếm Blondie và ngồi lại lên giường. Bên ngoài trời vẫn tối. Tôi thận trọng trùm mớ tóc giả lên đầu rồi chui xuống lớp chăn, cọ mình vào cơ thể ấm áp của Rob. Lớp da xung quanh mắt tôi giống y lớp da trên hộp sọ, đỏ hồng và nhẵn thín. Mông được để trần. Tôi hôn một cái vào mũi Rob. Mắt anh ấy dần mở. Một nụ cười. “Chào người đẹp của anh, em ngủ ngon chứ?”

Tôi gật đầu.

“Mấy giờ rồi?” 

Tôi nhún vai.

Chúng tôi nhìn.

Và nhìn.

Cái cách mà một gương mặt có thể thay đổi khi người ta lại gần nó thật buồn cười. Lại thêm một nụ cười. Chúng tôi vẫn nhìn nhau. Bàn tay anh xoa lấy tay tôi. Tôi nhích người sát anh hơn. Rồi một nụ hôn. Dưới chăn đôi chân chúng tôi đang tìm lấy nhau. Bộ tóc giả tuột không đúng lúc ra khỏi đầu, song tôi không thể không có nó. Tôi đang yêu và muốn được cảm thấy mình là phụ nữ một cách trọn vẹn. Gợi tình, quyến rũ, được yêu và không thể cưỡng lại. Song tôi không thể thành công với một cái đầu bị ung thư.

“Tháo nó ra đi em yêu.”

“Không.”

“Em vẫn tuyệt đẹp khi không có nó.”

“Em không thể.”

Rob biết tôi từ hồi tôi còn vén tóc cao với những tham vọng chính trị và những lần la cà trên quán phố. Anh cũng biết tôi khi tôi đã là một đứa bị trầm cảm nặng, một đứa bị số phận quật ngã hoàn toàn. Một hôm anh tới quán bar nơi tôi làm việc và không lâu sau đó anh trở thành một trong những người thân nhất của tôi.

Tôi tìm kiếm sự an ủi nơi anh vào đêm trước khi tôi được bác sĩ thông báo mọi việc sẽ tiếp diễn thế nào. Liệu tôi có được chữa trị và chữa trị thế nào. Đơn giản bởi chính anh cũng đã từng phải trải qua quãng thời gian tàn bạo đó với nào là xạ trị, phẫu thuật rồi nhiều điều ngạc nhiên lạ thường khác. Tôi bật cười khi anh kể về lần mặt mũi trở nên xanh xám khi bị tiêm chất phản quang vào giữa kẽ chân.

“Chào Rob, em đây.”

“Chào em, em khỏe chứ?”

Tôi sụt sịt. “Em sợ.”

“Thôi nào em yêu. Tất nhiên là em sợ rồi. Anh cũng còn sợ nữa là.”

“Ngày trước diễn ra thế nào?”

“Ngày trước?”

“Khi anh vẫn còn bị bệnh đấy. Anh cũng từng sợ hãi chứ?”

“Tất nhiên rồi. Nhưng chẩn đoán của anh rất tích cực.”

“À.”

“Em thấy khá lên chưa, em yêu?”

“Chưa. Có lẽ em sẽ chết. Không lâu nữa.”

“Em sẽ không chết, khỉ thật!”

“Ngày mai các bác sĩ sẽ bàn bạc xem nên tiếp tục thế nào. Hoặc liệu có nên tiếp tục.”

“Họ sẽ làm em khỏe trở lại. Anh chắc chắn đấy.”

“Tại sao anh lại chắc chắn vậy?”

“Đơn giản là họ phải làm em khỏe trở lại.”

“Vậy chắc là thế. Mà chính bác sĩ đã nói: ‘Nếu chúng tôi có thể giúp được cháu thì thử thách không chỉ ở chỗ phải cắt bỏ nó mà còn phải làm sao để nó không phát triển trở lại.’ ”

“Chúa ơi, tệ thật. Anh cũng không biết nữa.”

“Chính xác thì anh làm việc ở đâu?”

“Ở Cineac. Anh quay phim những kẻ luôn coi mình là quan trọng.”

“À.”

“Anh qua chỗ em nhá?”

“Đừng, Annabel đến ngay bây giờ.”

“Tốt, em có thể gọi anh bất cứ lúc nào. Em biết điều đó, đúng không?”

“Vâng.”

“Kể cả đêm nay.”

“Giờ đã là đêm rồi.”

“À, khỉ thật. Anh yêu em, đừng quên điều đó đấy.”

“Em cũng yêu anh. Em gác máy đây, Annabel đứng ngoài cửa rồi.”

“Mai ta gặp nhau nhé? Chúc em mọi điều tốt đẹp, anh luôn nghĩ về em.”

“Cảm ơn. Tạm biệt, anh yêu.”

“Ngủ ngon nhé.”

Đó chắc hẳn phải là sự kết hợp giữa gương mặt đẹp rám nắng, những cử chỉ âu yếm quen thuộc và chiếc Jaguar XJS của anh. Cả ba thứ đó như góp phần làm đàn bướm trong bụng tôi bay loạn xạ.(1)_ Thêm vào đó là gu thích đàn ông trung tuổi của tôi. Dù có hơi ngượng một chút, nó cũng không làm tôi bận tâm. Điều duy nhất khiến tôi bận tâm lúc này là những người mà tôi yêu quý. Và tôi yêu anh ấy. Yêu Rob.

“Này anh?”

“Ừ, cưng?”

“Em đang yêu.” Chúng tôi ngồi tắm nắng cùng nhau ở Noordermarkt.

“Đang yêu?”

“Vâng, yêu anh. Vài hôm rồi.”

“Ôi.” Anh hôn tôi một cái.

“Trái tim của anh.” Rob luôn gọi tôi là cưng, trái tim hoặc em yêu. Anh vỗ vào chân tôi. Rob luôn vỗ vào tay, chân hoặc mông tôi.

“Nào, chúng ta đi thôi.” Anh đứng dậy, trả tiền rồi chụp lấy tay tôi.

“Chúng ta đi xem sopranos nhé?”

“Đồng ý.”

“Em ở qua đêm chứ?”

“Vâng.”

“Anh quá già đối với em rồi.”

“Già gấp đôi.” Chúng tôi cười.

“Không thể thế được. Chỉ có ngủ và chẳng gì cả”, anh nói.

“Thì sao nào? Em vẫn quý anh.”

Đó là của ngày hôm qua. Hôn, ôm, ngủ nghê. Đam mê và tình dục. Tôi lượn một vòng qua các cửa hàng tóc giả để mua băng dính và để làm cho mái tóc giả của mình chắc chắn hơn khi quan hệ. Không tóc giả, không tình dục. Thế mà sau đó chúng lại bị vất vật vất vạ trên giường chẳng được động tới. Tôi vẫn cảm thấy khó khăn khi để Rob gần gũi mình bởi nỗi sợ gánh nặng mà tôi mang theo vào giường sẽ làm anh ấy hoảng. Tôi sống như vậy trong thế giới riêng của mình. Có lẽ vì thế mà đối với tôi tóc giả quan trọng đến nhường vậy bởi cái đầu trọc lốc kia thật kinh tởm.

“Đến đây nào em yêu.” Rob đã dậy, bồn nước đã đầy. Chúng tôi ở trong đó hồi lâu, lâu đến nỗi những ngón tay tôi nhăn nheo và nước nguội dần. Rồi sau đó lại vào giường và quấn quít nhau.

Thứ Bảy ngày mùng 2 tháng Bảy năm 2005

Jochem uống hết cốc bia và gọi thêm một cốc mới. Giờ có đợt bán hàng tổng kết nên tôi không muốn bỏ lỡ. Trong quán PC tôi cúi xuống nhìn bát xúp đỏ và tự hỏi số cà chua trong bát xúp biến đâu mất. Một vài sợi tóc dài đen của Oema bơi lội tung tăng trong đó. Tôi không hiểu làm sao người ta có thể nuốt nổi những bát xúp thiếu vệ sinh và món thịt ngỗng dai như cao su trên con phố này. Hay là những người mới giàu không có cái gọi là vị giác? Tôi nhìn quanh rồi lắc đầu: chắc hẳn là không. Hay thật đấy.

Trong lúc lắng nghe Jochem bằng một tai, tôi quan sát những điều mình vừa thu nhặt được. Đằng sau Jochem là một người đàn ông mặc com lê đang di chuyển. Dáng người mảnh khảnh và mặc com lê. Tôi càng lúc càng ít lắng nghe Jochem, và càng lúc càng chú ý đến người đàn ông mặc com lê đang di chuyển. Người mảnh khảnh mặc com lê. Ông ta là luật sư? Hay thẩm phán? Hay bác sĩ? Hay chỉ là thương gia? Đã lấy vợ hay chưa? Hay đang đi công tác? Liệu đã có con chưa? Hay đã có người yêu? Hay là Oema?

Tôi vắt tréo chân và đung đưa chân phải. Tôi kiêu hãnh ngắm đôi giày cao gót dưới hai ống quần jeans, rồi lấy tay đan qua tóc. Tôi uống thêm một ngụm nước nữa; đôi môi tôi để lại một vệt bóng mỡ trên thành cốc. Chúng là thứ quan trọng nhất ở tôi, đó là điều rõ ràng từ khi tôi còn nằm nôi. Đôi môi tròn và dày. Là một phụ nữ gợi tình lãng mạn, chúng hợp với tôi một cách không thể nào chê. Chúng đã biết yêu khi tôi 14 tuổi. Yêu Emiliano, người đàn ông quét rác. Đó là cách đây tám năm. Để có Emiliano tôi sẵn sàng tráo đổi Ridge Forrester, Arnie Alberts và MacGyver mà không cần do dự. Thậm chí đổi cả Steven Tyler và Mick Jagger. Từng là người dễ gần và lãng mạn, tôi không thể tưởng tượng được nếu một lúc nào đó tôi không được ngồi cùng trên chiếc Vespa của anh ấy nữa. Ngày đó tôi không hề biết rằng ngoài kia có thể vẫn có những chiếc Vespa khác khiến tôi mê mệt. Những buổi tối ngồi cùng Emiliano trên chiếc xe máy màu trắng, nặng trịch của anh ấy làm những ham muốn tuổi trẻ trong tôi trỗi dậy. Rên rỉ dưới ánh sao, đối với tôi đó như một thiên đường. Liệu đó có phải là chất liệu của một cuộc tình rẻ tiền?

“Hóa đơn tính cho ai đây?” người bồi bàn hỏi. Tôi ngạc nhiên nhìn lên, quên cả bỏ lại những suy nghĩ về các ngôi sao. “Oema.” 

Jochem cười và kể liến thoắng tiếp về sự nghiệp diễn viên của mình, về mông cô bồi bàn và về bụng mình. Một quả bụng đẹp song không hẳn là được chào mừng bởi Jochem rất thích mặc áo phông kiểu hippi. Anh ấy nói nó chỉ phình ra khi uống bia. Tiếc là ngày nào anh ấy cũng uống, chỉ trừ khi anh ấy phải bổ sung một hoặc hai thức uống bổ dưỡng nào khác. Chính vì vậy mà tôi không gọi anh ấy là “Cưng” mà là “Khoai tây”.

Jochem còn là người mẫu. Với quả bụng đẹp anh ấy hớt hết tất cả các buổi thu hình có thể rồi hạ cánh an toàn cùng các em gái xài dầu gội Andrelon trong phòng tắm hoặc cùng các em nấu cơm Lassie trong bếp. Với một khuôn mặt điển trai, nghệ thuật nói chuyện rất duyên cùng đôi mắt xanh biếc màu trời anh ấy luôn thoát thân trong những lần bị phạt vì đậu xe sai hoặc những điều phiền hà khác. Giống tôi, anh cũng là một kẻ mơ mộng song đôi khi anh ấy không còn biết phân biệt giấc mơ với những tờ giấy phạt. Đối với anh ấy Amsterdam cũng giống Hollywood, nơi những giấc mơ trở thành hiện thực. Được thỏa thích với công việc của một người mẫu và những lần trúng quả ở sòng bạc, trong giấc mơ của mình Jochem cũng chẳng cần bận tâm tới việc phải bê các thùng đồ, phải phết bánh mì hoặc phải dặt dẹo ở một văn phòng nào đó.

Chúng tôi đi dọc theo những gian hàng trên phố. Sự rầu rĩ do buồn chán hiện rõ trên gương mặt của các bà các chị bán hàng. Có lẽ đã đến lúc họ nên nghĩ tới một màu tóc mới. Hoặc một bộ tóc giả. Hay nhất lúc này là lạnh lùng gí tấm danh thiếp của bệnh viện OLVG vào tay một trong những chị bán hàng của Azzuro: Bác sĩ L, khoa Ung thư.

Thứ Ba ngày mùng 5 tháng Bảy năm 2005

Nói chuyện với các bác sĩ cũng mang lại không ít vấn đề. Chỉ mới nửa năm trước thôi, tôi vẫn còn có một hình ảnh khác về bệnh viện. Tôi thấy bệnh nhân nhập viện rồi sau đó lại xuất viện vì đã khỏe mạnh trở lại. Còn giờ tôi chỉ thấy những mẫu máu không cánh mà bay, những mũi tiêm phải mất ba lần mới chọc đúng ven của bác sĩ gây mê, những cuốn bệnh án bị thất lạc và những quyết định phụ thuộc vào rủi ro. Rồi những bác sĩ mỗi lần nói một kiểu. Người này nói to hơn người kia. Điều đó đôi khi l 4e30 àm việc giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân trở nên khó khăn. Chính vì vậy việc có gia sư cho môn Ngôn ngữ bác sĩ cũng sẽ chẳng làm ai thấy phiền.

“Chào bác sĩ, bác đã xem xét chẩn đoán về khả năng ‘bình phục hoàn toàn’ của cháu chưa? Lá phổi phải của cháu bây giờ nằm hẳn về phía vách lồng ngực, phần mô mềm ở phía lồng ngực trước đã giảm. Trong các cấu trúc có mắt nhỏ vẫn còn một thứ gì đó, xương sườn số 6 cho thấy thể dạng của xương sau. Phần mô mềm ở vách phần bụng bên cũng giảm. Phần lưng phải phía trước có những bất thường hình dải băng trên phổi.”

Một lúc nào đó tôi sẽ hỏi liệu tôi có được xem bệnh án của mình và cùng được ngồi bàn luận bên một tách trà và những viên thuốc với các bác sĩ hay không. Chắc chương trình kiểm tra lỗi ngữ pháp trên máy tính của tôi cũng phải nổi đóa. Chắc có lẽ bệnh viện có những chương trình riêng cho việc đó.

Tôi ngồi cùng bố trong viện AMC. Căn phòng đợi kinh khủng trong một tòa nhà kinh khủng. May là tôi vẫn còn được tá túc trong căn lều của bác sĩ L ở bệnh viện OLVG. Trong lúc bố tôi thăm dò chiếc máy bán cà phê tự động, tôi theo dõi từng cử động của chị y tá trong phòng đăng ký. Liệu chị ta có phải là y tá? Y tá như Annemarie và Ploni cũng chỉ được trực điện thoại. Chị kia thậm chí còn không mặc đồng phục.

Một trong số mấy cánh cửa được sơn xấu tệ mở ra. Một vị bác sĩ bước vào, mắt đeo kính, tóc trùm qua tai. Ông ta gọi một tên, người đàn ông đằng trước tôi đứng dậy. Vợ ông ta lê bước theo sau.

Lại một cánh cửa nữa mở ra, lần này một vị bác sĩ trẻ xuất hiện. Tầm khoảng 35 tuổi. Liệu đó có phải bác sĩ O? Anh ta chỉ cho người phụ nữ ở quầy đăng ký cuốn sổ bệnh án mà anh ta đã giở sẵn, rồi lại biến mất vào phòng mình trong khi tôi vẫn chưa được gọi tên.

“Van der Stap?”

Tôi nhìn quanh. Thêm một cánh cửa nữa vừa mở ra. Tôi đứng dậy và bắt tay người thứ ba vừa bước vào. Tấm thẻ đề tên “Bác sĩ O” treo lơ lửng trên túi áo ngực. Ông tuôn cho tôi một bài diễn thuyết vừa khó hiểu vừa không lấy gì làm tích cực. Để ngụy trang sự bất an của mình, ông phác họa lá phổi của tôi rồi vẽ thêm những mũi tên lớn vào các vị trí cần được xạ trị. Sau đó ông bắt tôi đứng lên cân rồi xem xét các tuyến trên cơ thể tôi từ chiếc ghế băng của mình. Trên cân hiện ra số 55. Nghĩa là tôi bị giảm một cân so với cách đây một tháng.

“Còn một vài điều bác vẫn chưa thực sự rõ. Đây là một trường hợp khó, điều đó thì rõ ràng. Bác sẽ liên lạc hỏi ý kiến các đồng nghiệp ở Rotterdam và Utrecht để đưa ra quyết định. Bác muốn xem họ sẽ nói gì. Bác sĩ N ở Rotterdam là một bác sĩ rất giỏi.”

Tôi rời căn phòng trong trạng thái hoàn toàn bất an. Tại sao họ không thể cho người ta một ít cam đảm nhỉ?

 

 

Tôi xoay người trên chiếc ghế đã trở nên quen thuộc với mình. Một trong số các cô gái làm việc trong cửa hàng cẩn trọng sửa tóc cho Oema. Họ chỉ bấm tỉa chút ngọn tóc.

Martijn - một cậu bạn tốt, người dùng máy ảnh lưu lại tất cả các kiểu tóc mới của tôi ghé qua thăm khi tôi vừa từ viện AMC về. “Tới cửa hàng tóc giả nhé? Tuyệt lắm!”

Cậu ta hồ hởi lượn một vòng qua các mẫu tóc được trưng bày rồi quay lại với những kiểu tóc kinh khủng nhất, tuy nhiên trong số đó cũng có một kiểu tóc vàng đẹp. Đó lại là Oema. Còn đây là Pam. Pam, cô nàng tóc vàng ngây thơ từ Hollywood. Hoặc cả “Pam, mái tóc em khiêu vũ” từ đoạn quảng cáo của Andrelon. Và trước hết là “Pam - một phụ nữ tuyệt vời”, cũng nên nhớ một “Pam - vừa trở về từ tiệm cắt tóc”.

Ngay cả dì tôi cũng biết điều này: Mái tóc có thể làm người phụ nữ đứng vững hoặc ngã ngửa. Tôi cũng biết một điều: Với Pam tôi đứng vững còn với Stella tôi thích ngã ngửa hơn.

Martijn lái chiếc Cabrio của Nhật. Tóc tôi tung bay trong gió. Ở mỗi đoạn cua, qua mỗi cây cầu, mỗi cú xóc, Pam đều đung đưa rất tự nhiên. Tôi rất nóng lòng muốn biết Rob sẽ phản ứng thế nào khi hôm nay tôi sẽ làm anh ngạc nhiên bằng kiểu tóc giả thứ bảy này.

Thứ Tư ngày 6 tháng Bảy năm 2005

Tôi đọc bức thư mà một người cha viết cho ba người con của mình khi đang nằm chờ chết trên giường bệnh.

Tôi hiểu rõ khát khao được viết ra những trăn trở của riêng mình. Người ta muốn để lại một phần nào đó của mình để có thể tiếp tục được hiện hữu. Không chỉ hiện hữu trong suy nghĩ của những người khác, mà hiện hữu một cách cụ thể. Người ta sợ mình sẽ không còn tồn tại. Sẽ không còn được đề cập đến.

Có vẻ sau tuần thứ 54 nỗi sợ hãi của tôi đang tăng theo cấp số mũ. Tôi có thể ngồi nghĩ ngợi hàng giờ về bài phát biểu bên mộ tôi mà bố sẽ nghẹn ngào đọc. Nỗi sợ trước một tế bào ung thư ngu ngốc duy nhất nào đó không chịu biến mất. Nỗi sợ này còn lớn hơn cả nỗi sợ từ ngày mọi thứ vẫn còn chưa rõ ràng, tôi chưa biết là mình có thể sẽ khỏe trở lại mà chỉ biết rằng mình bị bệnh nặng. Giờ đây chắc mọi việc đã được sắp đặt.

Đôi lúc tôi cố đẩy xa nỗi sợ hãi khỏi mình bằng cách tự nhủ rằng đã có bao người ra đi trước mình. Thế giới bên kia chắc cũng không đến nỗi cô đơn. Sự cô đơn - đó là thứ tôi sợ nhất, nó là điều ghê tởm nhất đối với tôi trong toàn bộ quá trình này. Tại sao tất cả chúng ta không thể chết cùng một lúc? Tôi truy cập vào trang web của Lance và mua 100 chiếc vòng vàng. Tôi đã gián tiếp nợ anh ấy rất nhiều, rất rất nhiều. 100 đồng đô la vàng để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác. Mười, với tôi chẳng đáng là bao nhưng một ngàn thì lại không thể. Hơn nữa giờ tôi cũng chẳng còn đủ một ngàn đô la. Tôi bấm chuột vào nút CONFIRM - tôi rất muốn giúp những người cùng số phận.

Ở A Tavola, tôi và Rob uống rượu vang cùng Salvatore, người chủ quán. Ngày hôm nay bước vào nhật ký của tôi như một ngày mà tôi cùng người yêu mình đeo vào tay nhau chiếc vòng Live Strong nổi tiếng. Như trong đám cưới, chỉ hơi khác một chút. “Live Strong” - đối với một bệnh nhân ung thư như tôi thì những từ này có thể khiến người ta chết. Còn đối với những người khác và những người tôi yêu thương thì chúng giúp họ có thể tiếp tục sống.

Tôi nhìn thẳng vào mắt Salvatore, một người đeo chiếc vòng để tiếp tục sống. Đó là chiếc vòng mà con trai anh, Marco đã mua khi cậu ta qua đời vì bệnh bạch cầu hồi tháng Mười một khi mới 16 tuổi. Còn lúc này khi chúng tôi đang ngồi uống cùng nhau thì trăn trở của anh ấy cũng là của tôi, trăn trở của tôi cũng là của anh ấy.

Tôi nép sát vào người Rob khi anh ấy đã ngủ được một tiếng. Tôi sợ song tôi im lặng. Phải nói gì bây giờ? Một câu đại loại như “Rồi mọi việc sẽ tốt” không giúp gì được tôi. Liệu tôi có phải chết vì căn bệnh chết tiệt này không?

Thứ Năm ngày 21 tháng Bảy năm 2005

Nhưng giờ trước hết là phải giải tán mấy cái mớ xạ trị đi đã. Juhu! Hai tuần được tắm nắng, ăn ngon, uống vang Pháp, đôi chân rám nắng, dép xăng đan và không hề có bóng dáng một chiếc áo bờ lu trắng nào. Hai tuần đi nghỉ cùng Annabel!

Năm tuổi, chỉ vì một con thú nhồi bông nằm trong giỏ mà tôi đã đại náo cả trung tâm mua sắm Bijenkorf. Minoe được buộc vào chiếc móc treo. Minoe là chú mèo đã ngủ cùng giường với tôi 17 năm nay, điều mà tôi không thể nói được về những người bạn của mình. Minoe đã trải qua một số chuyến đi, chuyến xa nhất là tới núi Himalaya ở Tây Tạng. Rồi sau đó nó đột nhiên thấy mình ở giữa lũ vịt Bắc Kinh và đám bò Tây Tạng, những người Trung Hoa và những người Tây Tạng. Lúc đầu nó không biết phải nghĩ thế nào về những vùng đồng bằng xanh mướt, những hồ nước lấp lánh màu xanh ngọc bích, về bầu trời xanh thẳm và những mỏm núi trắng toát. Còn thời tiết thì quá lạnh đối với một chú mèo chưa bao giờ đi đâu xa hơn khỏi thế giới văn minh phương Tây. Dần dần Minoe đưa ra thông lệ đổi chiếc giỏ của mình để lấy lều ở Iran, lấy đệm ở Nepal, lấy thuyền ở Kaschmir hay lấy lông cừu của dân du mục. Ngày nay nó có thể chuyển đổi dễ dàng từ lẽ đương nhiên phương Tây sang tính phiêu lưu của phương Đông và ngược lại.

Song để Minoe có thể lại được vươn mình ra thế giới rộng lớn và tuyệt đẹp ngoài kia, trước hết nó phải ngủ trên chiếc giường trắng của bệnh viện OLVG đã. Nó được kêu khừ khừ khừ bên tai các chị y tá năm đêm nữa. Năm đêm nữa là bắt đầu.

Thứ Bảy ngày 23 tháng Bảy năm 2005

Tôi được ra viện. Được ra viện theo cách cổ lỗ sĩ. Mớ giấy tờ được mong đợi nằm trên bàn cạnh giường tôi. Từ giường tôi quan sát nó. Đêm cuối cùng của mình tôi đã trải qua, bình minh cuối cùng của tôi đã lên.

Tôi đã trải qua bao nhiêu đêm ở đây rồi nhỉ?

Ba mươi lăm.

Túi dung dịch truyền cuối cùng đung đưa một cách mông lung trên người bạn cao kều.

Sáu tháng đầu tiên, chính xác hơn là 27 tuần, đã trôi qua. Tôi quan sát người bạn cao kều của mình bằng những cảm xúc lẫn lộn. Nó không còn píp nữa.

Sẽ không bao giờ còn phải chui vào trạm C6 để người nồng nặc mùi bệnh viện nữa. Từ giờ trở đi tôi chỉ còn phải điều trị hóa liệu bổ sung ngoại trú. Không bao giờ nữa? Tôi hầu như không dám nói ra câu đó.

Có lẽ bệnh tình của tôi sẽ không bao giờ thuyên giảm và tôi đang từ từ chết.

Vĩnh biệt trạm C6, Rotterdam đang vẫy gọi. Ở đó thế nào cũng lại có một y tá Bas - nhân viên khoa xạ trị. Có lẽ không phải với mái đầu trọc lốc và dây xích đeo cổ mà thay vào đó là một mái tóc dài với chiếc vòng đá quanh cổ. Liệu Bas có nhớ tôi như nhớ những người đã ra đi trước đó?

Thứ Hai ngày 25 tháng Bảy năm 2005

Trước mặt tôi là một đĩa sò, bốn chiếc càng cua cộng thêm khoai tây chiên và mayonaise. Cạnh tôi là bố mẹ. Xung quanh là toàn cảnh khách sạn New York: dòng nước trong xanh, một vài chiếc thuyền và đối diện là bến cảng cũ. Một ngày đằng đẵng đang đợi tôi giữa bốn bức tường bệnh viện ở Rotterdam. Nhưng trước hết phải ăn đã. Bởi ba tuần nữa mọi việc sẽ không còn được như xưa.

Các bác sĩ xạ trị đã sẵn sàng chờ tôi cùng đống ê ke, com pa và các dụng cụ đo đạc khác của mình. Trong số tất cả các bác sĩ từng làm việc với tôi, bác sĩ N đúng là một món quà của Chúa trời ban xuống. Từ khoảnh khắc đầu tiên, ông đã cho thấy mình là một người nhiệt thành, ông không hấp tấp hay phô trương. Ánh mắt ông trìu mến, dịu dàng và thông thái như giáo sư Bienlein đồng thời cũng không tiếc một cái vỗ vai để động viên. Ông là bác sĩ N. Tôi lập tức lưu số điện thoại của ông vào di động của mình.

Khe khẽ và rụt rè, tôi ngồi lên chiếc ghế đối diện ông. Cuộc nói chuyện với bác sĩ O ở viện AMC đã hút mất hết nhuệ khí của tôi.

“Bác đã xem các tấm ảnh chiếu chụp của cháu, phải nói là vụ này sẽ khó khăn đấy...”

“...”

“Các u bướu đều nằm ở vùng khó chiếu xạ, nơi không thể đưa vào một lượng tia chiếu như ý. Tiếp cận chúng cũng là một việc khó.”

“...”

“Bác không muốn làm cháu nản lòng. Bác đã điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư là trẻ em, nhưng trong trường hợp này bác chưa dám nói gì.”

“...”

Hai lòng bàn tay tôi ướt đẫm và bắt đầu ngứa rát.

“Tuần sau chúng ta sẽ chụp X-quang”, bác sĩ N tiếp tục, “sau đó bác có thể bắt đầu đánh giá ngay. Tiếp theo chúng ta sẽ đo lồng ngực để làm một chiếc áo để cháu mặc trong những lần xạ trị.”

“Cháu sẽ bị chiếu chụp trong bao lâu ạ?”

“Bác chỉ có thể trả lời sau khi đã có những đánh giá.” Ông tạo vẻ mặt như thể ông phải đếm một bầu trời đầy sao vậy.

Điều đó vừa làm tôi an tâm đôi chút song cũng khiến tôi thấy bất ổn.

“Tại sao mọi việc lại khó khăn đến vậy ạ?”

“Chúng tôi phải để phổi của cháu được nghỉ ngơi càng lâu càng tốt. Điều đó có nghĩa cháu sẽ được xạ trị từ nhiều hướng khác nhau. Bác còn chưa biết liệu có đạt được kết quả tốt như nhau ở mọi nơi hay không nữa.”

“Chắc chắn là có rồi.”

Một nụ cười thân thiện nở rộ trên khuôn mặt bác sĩ N. Giọng nói của ông thật nhẹ nhàng và bình thản, hành động của ông thật khiêm tốn và nhân từ. Như vậy  vẫn còn những bác sĩ biết cách xử sự với bệnh nhân. “Bác thích cách cháu phản ứng như vậy. Ngày mùng 8 tháng Tám chúng ta sẽ bắt đầu.”

Lá phổi phải của tôi bị hỏng còn gan bị hư hại nặng, cả thực quản cũng bị ảnh hưởng. Chà, như anh bạn học y của tôi giải thích thì xạ trị đâu khác gì phương pháp thiêu thời Trung cổ. Ở mỗi lần xạ trị các tế bào sẽ bị tổn thương rồi sau đó chúng sẽ dần bình phục. Mục đích là để tiêu diệt các tế bào ung thư trong khi vẫn giúp các tế bào khỏe vượt qua được những đợt xạ trị. Có vẻ cơ thể tôi vẫn tự điều chỉnh được mọi việc. Lá phổi còn lại đảm nhận nhiệm vụ tay chèo, còn gan cấu tạo thêm mô mới để sau này cùng phần còn khỏe của mình thực thi nhiệm vụ.

Tôi chờ cho đến khi bố mẹ tôi đi ra ngoài rồi mới cảm ơn bác sĩ N vì cái vỗ vai động viên. Tôi hoàn toàn giao phó mình vào những kết luận của ông. Ngày mùng 8 tháng Tám bữa tiệc sẽ được bắt đầu. Rồi sau đó là mệt mỏi, đốt phổi, làn da khô ráp, những cơn sốt, ho, tình trạng khó nuốt, những viên giảm đau. Tôi không thích thuốc giảm đau chút nào. Tôi không khoái các tác dụng phụ và thuốc thang chút nào. Khi rời khỏi phòng tôi có cảm giác của một cô gái bị cuốn xa khỏi cái tuổi 21 của mình, khỏi những hoài bão lớn lao.

Một giờ sau tôi nằm sấp trên giường. Hai người đàn ông hăm hở cầm một chiếc chậu, một túi gồm băng, thạch cao, bàn chải tiến lại phần cơ thể trên của tôi để lấy mẫu. “Phải để thạch cao nguội”, họ dặn tôi. Tôi phải nằm im bởi thạch cao khô rất nhanh. Nằm im giờ đối với tôi đã quá quen thuộc. Ở khoa Ung thư của bệnh viện OLVG tôi chẳng thể làm được gì khác.

Mẹ đứng cạnh tôi. “Trông đẹp lắm”, mẹ nói.

Ngực tôi bị ướp thạch cao, trên chút nữa vẫn là chiếc đầu trọc. Càng ngày trông cảnh này càng giống phim Chiến tranh giữa các vì sao hơn.

“Mẹ chụp một kiểu nhé?” mẹ hỏi.

Tất nhiên rồi. Chính tôi cũng hồi hộp xem bức ảnh trông thế nào. Mẹ vớ lấy điện thoại di động. Tách!

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25658


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận