Thứ Ba ngày 26 tháng Bảy năm 2005
Tôi lang thang dọc bờ biển Nice. Tôi uống thé de verveine và grand crème lẫn lộn nhau rồi tiếp tục tìm thêm đồ uống khác trên cuốn thực đơn đã sờn rách. Bởi ở Nice không có gì là quá nhiều. Ngao sò đủ các loại và kích cỡ: chúng tôi gọi tất cả.
Tôi mở túi, lấy ra chiếc kính râm và hòa vào không khí xung quanh. Thật huyên náo! Tay cầm chiếc lều che nắng cỡ 3x5 mét - kho dự trữ kem chống nắng hệ số 30 bằng sắt - tôi dọn đường đi cho mình qua những cơ thể rám nắng trên bãi biển Pamplonne. Ở đây ngay cả những làn da già nhăn nhúm và dễ bị tổn thương cũng không bị hư hại, rốt cuộc thì người ta cũng đã phải bỏ tiền để mua một chút tia nắng mặt trời loại hảo hạng.
Pam tung bay trong gió. Tôi không hề nghĩ mình lại có thể được thưởng thức cái cảm giác tự do tự tại trên chiếc Cabrio mùa hè này. Tôi tưởng tượng bên cạnh mình là một người đàn ông thành công về tiền bạc song đen đủi chuyện tình duyên. Hay một người đã ở vào giai đoạn xế chiều, hoặc một chàng còn độc thân thích đến miền Nam nước Pháp nhất.
Mặt nước xanh ngắt, bầu trời cũng vậy. Đã từ vài ngày nay tôi không còn nhìn thấy chân trời.
Ánh mặt trời dần yếu đi. Tôi phải thận trọng, phải đi vào chỗ râm trước khi bị chị y tá Hanneke phát hiện. Rất có khả năng chị ấy cũng lởn vởn đâu đó quanh đây.
Giấu kín mình dưới một chiếc mũ bự, một mái tóc giả và đôi kính râm hiệu Onassis, tôi thoa kem chống nắng hệ số lớn một lần nữa. Đơn giản là phải thưởng thức ánh mặt trời chiều này. Annabel nằm phơi nắng cạnh tôi. Để làn da mình cũng rám nắng, mùa hè này tôi phải dùng kem bôi. Chai lọ. Tôi thấy chai lọ ở khắp mọi nơi và chúng đều hứa hẹn làm da tôi rám nắng. Tôi đã thử tất cả những gì có thể: nào là bọt rám nắng, khi thoa phải đi găng tay cao su và ngày càng trở nên khan hiếm trên khoa Ung thư, nào là hộp xịt và kem bôi rám nắng.
Từ mặt nước tôi quan sát màn biểu diễn của những con thuyền. Cánh buồm vẫn trắng và mặt biển vẫn xanh. Tôi nhìn vào mặt nước phản chiếu và không tìm đâu thấy bóng dáng bệnh viện OLVG. Tôi nhìn lâu hơn, xa hơn và cũng không thể tìm thấy bóng dáng cơn ác mộng của tôi ở đâu. Tôi được giải thoát khỏi tất cả, tất cả đều đã bị quên lãng. Khi mở mắt ra tôi thấy cơ man nào là tàu thuyền.
“Này, cái gì kia nhỉ?” Annabel chỉ vào một cái gì đó đang trôi trên mặt nước gần đó. Nó càng lúc càng trôi xa hơn.
Tôi nằm dài trên nệm và nghe tiếng sóng vỗ.
“Hôm nay cậu không đội tóc giả à?”
“Khỉ thật! Đó là Blondie!”
Bầu trời xanh thẳm dần chuyển sang sắc hồng, những con thuyền đầu tiên đã tìm đường về bến đậu, những chùm ánh sáng đầu tiên đã được thắp lên. Và cả đôi giày cao gót của chúng tôi nữa. Chúng tôi “hạ cánh” xuống một buổi tiệc trong vườn ngôi biệt thự trên núi của một ông trùm điện ảnh Mỹ giàu sụ. Do tình cờ, chúng tôi lại đến đúng chỗ, đúng thời điểm.
“Sâm banh nhé? Không, nước cà chua, có vắt chanh.”
Tôi đi giữa những nàng Nga chân dài và những gã Ả rập lùn. Một bữa tiệc trong vườn thế này thật tuyệt. Ngay cả khi tôi có cảm thấy hơi lạc lõng khi mồ hôi do hóa trị chảy trên lưng và mái tóc giả nhảy múa thật dễ thương theo nhịp điệu riêng của nó. May mà ngực áo bên phải không có lỗ xẻ để tương phản với lỗ xẻ bên ngực trái. Tôi sẽ nói với bác sĩ N để ông ấy không để lồng ngực trái của tôi nằm bên trái.
Một dãy những chiếc xe địa hình đắt tiền và du thuyền sang trọng bên vịnh Riviera. Chúng tôi trông thấy Paris Hilton và cơ man nào các cơ thể cháy nắng. Những đôi chân dài thẳng tắp và những đôi xăng đan hợp mốt nhất. Khắp nơi là những chiếc váy trên tạp chí Vogue. Cơ số những phụ nữ đẹp và chỉ một ít đàn ông điển trai. Một chàng cao bồi già từ Los Angeles. Rồi cả Ivana Trump, Catherine Deneuve và Natalia Vodianova. Đằng sau đôi kính râm to đùng, Annabel và tôi cùng bật cười.
Hai giờ đêm, chúng tôi đã mệt lử. Tôi mệt vì lượng máu giảm còn Annabel mệt vì đôi giày cao gót đầy phức tạp của cô ấy. Chúng tôi xuống cầu thang dẫn ra ban công và ngắm tất cả những gì đẹp nhất đang diễn ra.
Thứ Tư ngày 10 tháng Tám năm 2005
Rob đứng đằng sau và hôn tôi một cái thật kêu. Chúng tôi tới cửa hàng Health Store, nơi dễ nhận ra qua những quầy bán thực phẩm y tế bổ sung to đồ sộ và những người Tàu.
Tôi đọc một tờ rơi về phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh. Những đợt nóng ran trên cơ thể là một trong các tác dụng phụ được ghi trên đó và chúng giống một cách đáng sợ với những triệu chứng đã hành hạ tôi từ vài tuần nay. “Thời kỳ mãn kinh thường diễn ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 45 tới 55. Trong giai đoạn này, một loạt các thay đổi về cấu trúc hoóc môn sẽ diễn ra. Sự biến đổi về hoóc môn này gây ra cho hơn nửa số phụ nữ Hà Lan tình trạng rối loạn về thể chất cũng như tinh thần, những rối loạn này còn được gọi là rối loạn thời kỳ mãn kinh. Phạm vi của chúng bao gồm từ những đợt nóng ran trên cơ thể, đau đầu, mất ngủ tới cáu kỉnh, hay lo lắng và suy nhược.”
Đau đớn thật! Rõ ràng là người ta viết về những người phụ nữ như tôi. Mới 22 tuổi đầu. Mãn kinh. Cứ như đã 45 đến 55 tuổi. Cuốn sách về thảo dược kỳ diệu của tôi viết rằng cây Anis có thể giúp phụ nữ hành kinh trở lại. Chúng tôi mua ngay một túi đầy.
Thứ Sáu ngày 12 tháng Tám năm 2005
“Chúa ơi, em lại bị rồi!” từ ghế sau tôi gọi với lên phía trước.
“Em uống thuốc nhé?” Rita hỏi. “Thuốc của chị ngon hơn nhiều.” Bên vô lăng chị ấy nhoẻn cười dù người đẫm mồ hôi.
Trên ghế sau của chiếc Mercedes người tôi đầm đìa mồ hôi và tự hỏi liệu bác sĩ N, bác sĩ L hay bác sĩ K có đưa những trận đổ mồ hôi mới này của tôi vào danh sách các tác dụng phụ. Không có gì sáng sủa ngoài việc đợt điều trị này có thể khiến người ta mất khả năng sinh nở. Rita nuốt ực một viên thuốc chống ra mồ hôi, còn tôi nuốt ực viên thuốc làm tôi càng ra mồ hôi nhiều hơn. Ra mồ hôi khi ngồi trên ghế sau xe còn tạm chấp nhận được, cơ mà khi phải chống chọi giữa sống và chết trên chiếc bàn xét nghiệm của bác sĩ K mà người đầm đìa thì quả thực là chuyện này đã đi quá xa. Dù sao tôi vẫn là một đứa con gái trẻ, xinh, đứa con gái trong độ tuổi luôn phải uống thuốc để không bị dính bầu.
Rob ngồi cạnh tôi. Anh cũng đổ mồ hôi, song mồ hôi của anh là sự kết hợp giữa ánh nắng mặt trời và trận Vodka ngày hôm qua. “Cứ đi theo đường kẻ vàng, quý cô ạ.”
Rita, người lái xe giỏi nhất Amsterdam và vùng phụ cận đóng cửa xe và đi theo đường kẻ vàng tới phòng chiếu chụp. Tới phòng điều trị. Tới buồng điều trị. Đối với tôi bây giờ tất cả chỉ xoay quanh từ “điều trị”. Đó là một cuộc chiến đầy cam go. Bảy tuần trời, ngày nào tôi cũng phải đi đi về về từ Amsterdam tới Rotterdam. Trung bình hơn ba tiếng đi xe chỉ phục vụ cho mười phút xạ trị. Điều đó có nghĩa là được buôn chuyện với Rita và ngủ trên ghế sau xe. Bố mẹ tôi cũng thường đi cùng, nếu điều kiện cho phép họ còn muốn đi cùng tôi mỗi ngày. Đôi khi còn có thêm một người bạn song đi một mình với Rita cũng đã rất tuyệt.
Ngồi cạnh tôi trong bộ bờ lu trắng là Kevin. Kevin lúc nào cũng thân thiện và không bao giờ từ chối một cuộc tán gẫu. Chắc hẳn anh ta sẽ nghĩ tôi muốn tiêu khiển và làm Rita an tâm đôi chút.
Ý tốt đấy, nhưng không phải vậy. Bởi phim Chiến tranh giữa các vì sao đã được công chiếu và tôi đóng vai chính. Những chùm tia laser xanh rồi đến ánh đèn đỏ và một con quái vật cỡ bằng con lợn biển đang có bầu nhảy múa xung quanh mái đầu trọc lốc của tôi. Toàn cảnh giống như trong phim khoa học viễn tưởng. Tôi bị thắt chặt vào chiếc bàn hẹp mà thực ra là một tấm ván bằng gỗ và kim loại rộng 45 cm. Phần cơ thể trên trần trụi của tôi - Darth Vader(1) đã có mặt ở đó - được phủ bởi một tấm nhựa trong suốt đến nỗi người ta vẫn có thể nhận ra những vết dao cắt và dấu vết của ung thư.
Bị nằm bẹp trên bàn, đôi gò bồng đảo của tôi gần như không thể nhô ra khỏi chiếc gò bồng đảo thứ ba. Cơ mà giờ đang là giờ chiếu phim Chiến tranh giữa các vì sao. Và tôi là nhân vật chính. Là ngôi sao. Là người chiến thắng. Mà có đúng Anakin cuối cùng là người chiến thắng không nhỉ?
Những đồng minh của tôi ghì chặt tấm nhựa vào bàn rồi quay mặt về phía chiếc máy kêu inh ỏi. Sau đó họ chạy mất và để lại tôi một mình với cuộc chiến. Dù gì tôi cũng là nhân vật chính ở đây, tôi sẽ chiến đấu tới cùng. Điều đó đã được viết trong kịch bản, kịch bản của riêng tôi, song đây cũng là bộ phim của tôi.
Một tiếng hét nổi lên: Con lợn biển đã sẵn sàng và dần chuẩn bị vào tư thế. Những tiếng rít của thiết bị điện và những tia chiếu trong suốt. Kẻ thù trong tôi bị nung cháy còn tôi vẫn tỏa sáng. Hai tay tôi bắt đầu đau. Tôi theo dõi từng cử động của loài động vật có vú lực lưỡng đang lồng lộn quanh tôi. Có lúc tôi tập trung, có lúc tôi lại nhắm mắt chìm sâu vào dòng suy tưởng.
Bên ngoài, ở phòng chờ kề bên, các nhân vật trong Chiến tranh giữa các vì sao đến rồi đi. Mỗi người đều có một kịch bản riêng, cách diễn xuất riêng. Một cậu bé khoảng 8, 9 tuổi đứng đó. Trông cậu ta cứng cỏi song cũng có gì đó đáng thương. Đồng thời cậu ta cũng hơi có gì đó của Chiến tranh giữa các vì sao, chắc có lẽ do mái đầu trọc của cậu ấy. Cậu ta không muốn tới đây nữa, cậu nói vậy với một người lạ mặc bờ lu trắng.
“Cái máy to kia làm cháu đau”, cậu nói bằng giọng ồm ồm đã vỡ.
Tôi nhìn cậu ta, đôi mắt tôi bỗng ươn ướt. Giá như tôi có thể nói với cậu ấy rằng đây chỉ là một bộ phim đang diễn ra trong căn phòng đầy đồ này. Rằng chúng tôi đang ở trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao. Rằng đằng sau chiếc bờ lu trắng kia là Obi-Wan Kenobi và rằng “cái thiện” sẽ luôn chiến thắng. Và trước hết là cậu ấy sẽ chiến thắng để được sớm quay lại chơi với bạn bè mình. Song đó chỉ là cuốn phim của tôi. Trong phim đó tôi là người diễn xuất. Tôi cảm thấy khao khát cháy bỏng được giữ mối liên lạc với cậu ta, song tôi không biết phải làm như thế nào. Rồi cậu ta được gọi vào phòng. Hai chúng tôi, mỗi người biến mất vào sau một cánh cửa khác nhau.
Thứ Hai ngày 29 tháng Tám năm 2005
Tôi dạo bộ trên bãi biển. Cát ướt dính vào từng kẽ chân. Đó là một trò chơi giữa biển và cát: nước biển lạnh gột sạch đôi chân tôi song cát cũng ngay lập tức tìm thấy đôi chân tôi. Tôi đi dạo từ phải sang trái, từ Đông sang Tây như mình nghĩ song lại không phải vậy bởi bên trái tôi có những chiếc lò sưởi công nghiệp của Ijmuiden. Ở đằng xa, Ben, con chó của Jan hớn hở chạy lại bắt quả bóng tennis do Rob ném. Còn tôi bận rộn với việc nhặt vỏ sò. Tôi hồ hởi cúi người xuống nhặt mỗi khi sóng rút về biển, rồi vứt đủ các loại màu mè của biển vào chiếc áo sơ mi vàng của Jan mà tôi đã cuộn vào làm túi đựng. Thậm chí tôi còn nhặt được một vài vỏ sò có lỗ, cái lỗ to đến nỗi tôi có thể buộc chúng ngay vào chiếc vòng cổ đang đeo. Giờ có thêm hai vỏ sò trang điểm cho cổ tôi. Một đến từ những con sóng của miền Nam nước Pháp, một đến từ vùng biển mặn Wijk aan Zee.
Mỗi lần ra biển tôi đều mang theo hai vỏ sò của mình. Tôi đặt chúng trong bồn tắm, cạnh bồn rửa hoặc đặt nến vào trong chúng. Hoặc tôi dùng chúng làm nơi bảo quản nữ trang và các loại vòng linh tinh khác khi không đeo. Miền Nam nước Pháp, Wijk aan Zee. Tôi ao ước được sống trong một căn nhà cạnh biển với một khu vườn đầy sò.
Rob, Jan và tôi cố gắng một tuần ra biển vài lần. Hôm nay chúng tôi làm được việc đó. Một cơn gió mạnh thổi qua làm Oema rối bù. Tôi ăn một đĩa xa lát với phó mát làm từ sữa dê và cà chua, đồng thời ngồi phân loại số sò nhặt được. Rob loay hoay tìm một chỗ ngồi để có thể hứng được nhiều tia nắng mặt trời nhất. Jan thò tay lục tìm trong chiếc túi ni lông đầy ngập các tạp chí lá cải và các loại báo khác trong khi con Ben chọc tức những người ngồi cạnh. Tôi lẻn vào nhà vệ sinh lặng lẽ chải lại tóc bằng chiếc lược cổ bằng bạc mà bà tôi đã tặng. Chiếc lược bạc này hợp với tóc giả một cách miễn chê.
Rob chạy tới. Anh tặng tôi một nụ hôn vào má, chuông điện thoại di động trong túi vang lên. Ai đó của tờ Thương mại NRC. Anh ta thích các bài viết của tôi. Anh ta còn nói về sức mạnh. Anh ta cũng thấy đám tóc giả của tôi thú vị. “Chúng ta phải gặp nhau, nhưng trước đó hãy gửi cho tôi thêm chút tài liệu.”
Tôi tắt máy lòng đầy hân hoan.
Thứ Ba ngày mùng 6 tháng Chín năm 2005
Rob và tôi ngồi bên chiếc ghế trong bếp và nói về tương lai của chúng tôi. Tương lai. Chúa ơi, hai từ này mới kêu làm sao! Chúng tôi rất hạnh phúc bên nhau song chỉ như những người bạn chứ chưa hẳn như một cặp tình nhân. Chúng tôi cùng ở trong một hoàn cảnh oái oăm, nơi chỉ có từ Hôm nay là tồn tại. Và hôm nay Rob là tất cả những gì tôi ao ước. Song nếu tôi được phép nhìn về phía trước, tôi biết rằng mối quan hệ của chúng tôi sẽ không mang lại điều gì. Tôi yêu Rob, rất yêu nữa là khác, bên anh ấy tôi thấy mình hạnh phúc và an toàn. Tất cả đều ổn. Anh chơi thân với Jan và Jochem, tôi cũng là bạn thân của Jan và Jochem song chúng tôi không hoàn toàn tâm đầu hợp ý. Rob nghĩ, chúng tôi phải đưa ra quyết định, song cả hai đều muốn hoãn lại quyết định này cho đến khi chúng tôi chắc chắn hơn bởi điều đó liên quan tới tương lai của tôi và của chúng tôi.
Tôi vẫn ỡm ờ với những người đàn ông khác. Tôi thích đong đưa với những người đã có vợ, khó tính hoặc những người mặc bờ lu trắng nhất. Điều cốt yếu là họ đã phải bước qua tuổi 35.
Tôi vẫn nghĩ tới Jur như trước kia và tưởng tượng ra cuộc sống với anh ấy cho dù đối với anh ấy tôi không là gì khác ngoài như một người bạn. Hơn nữa chúng tôi cũng chưa từng ngủ với nhau.
Khi nghĩ tới danh sách dài các mối quan hệ ngắn ngủi của mình, tôi nghĩ ngay đến một từ: rối loạn. Một lúc tôi có thể yêu vài người đàn ông mà không đắn đo. Điều này phần nào lý giải cho các mối quan hệ chớp nhoáng của tôi. Hoặc có thể tôi vẫn chưa tìm ra một tình yêu đích thực, trong đó chỉ một người đàn ông là quan trọng đối với tôi và ngủ cùng tôi. Mười lăm tuổi tôi đã ngủ với những chàng trai sành điệu mà tôi quen ở Club de Ville, thay vì ở Paradiso. Hay tôi đã từng nhảy nhót với những người đàn ông 30 tuổi ở Roxy Swing thay vì với những người cùng tuổi ở Melkweg House. Tôi chỉ có thể nghĩ đến một lý do tại sao từ trước kia tôi đã thích những người đàn ông đứng tuổi: sự căng thẳng hồi hộp. Tôi sớm nhận ra hiệu quả của đôi mắt to và đôi môi mọng. Một chàng nghệ sĩ đẫn đờ, một gã Ba Tư có tính thích sở hữu, một tay đua xe đạp ỡm ờ, một ông trùm dầu mỏ đến từ Dehli - tất cả bọn họ đều có mặt trong danh sách của tôi.
Tôi có thể đào ra vàng, như vậy cũng hay bởi tôi là một đứa con gái có giá. Tôi đã nhẩm tính xem năm nay giá tôi khoảng bao nhiêu. Ý tôi ở đây không phải là những chiếc áo sơ mi nữ bằng lụa hay những đôi giày nhung. Ý tôi là những đợt truyền bạch cầu mà giá mỗi đợt lên tới một ngàn ba trăm bốn mươi bốn euro, những vỉ thuốc giá mỗi vỉ ba mươi lăm euro và những lần chụp X-quang mỗi lần giá tám trăm euro. Cả thảy là năm lần chụp và một lần chụp cộng hưởng từ. Thêm vào đó là lệ phí lưu trú ở bệnh viện với giá chín trăm sáu mươi bảy euro mỗi ngày. Tất cả cộng lại làm thành một con số lớn. Càng nghĩ nhiều về điều đó, thử hỏi làm sao tôi không qua lại với một gã tư vấn thuế ma mãnh hay một tay Ba Tư đến từ Luân Đôn, kẻ lập tức rút tiền đặt vé cho tôi bay mà không hề đắn đo. Tôi đã làm việc đó duy nhất một lần bởi tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội. Tất cả đều được chuẩn bị sẵn: Sâm banh, đám bè bạn, đặt bàn ở hộp đêm Boujis. Rồi đột nhiên là ánh mắt đầy sở hữu trong lúc tôi đang nhảy một mình. Một lần và không bao giờ nữa.
Tiếc là Rob cũng để mắt tới một phụ nữ khác. Anh không chỉ đi ăn cùng cô ta mà nếu điều kiện cho phép anh còn có thể lôi cô ta vào một góc phố tối. Chân cô ta dài tới nách trong khi tôi chỉ cao có 1 mét 71. Chính tôi đã khuyến khích Rob lao vào chuyện đó, song tôi không muốn nghe tên cô ta và tốt nhất là giả như cô ta không tồn tại. Nhưng tất nhiên thỉnh thoảng cô ta vẫn được nhắc đến. Đôi khi do tôi không kìm nén được tò mò. Lúc khác thì bởi Rob nghĩ chúng tôi là bạn, mà đã là bạn thì có thể nói về việc đó.
Thứ Tư ngày 14 tháng Chín năm 2005
Chắc đây phải là lần tắc đường dài nhất Hà Lan, ấy vậy mà chúng tôi lại kẹt trong đó. Chuyến đi từ bệnh viện OLVG tới Trung tâm Y tế Erasmus Rotterdam (EMCR). Từ hóa trị tới xạ trị. Hôm nay có Zus đi cùng. Chuyến đi càng dài, tôi càng được ngủ lâu, đó là mặt tích cực. Sau nửa tiếng đồng hồ buôn chuyện, tôi gục vào lòng chị ngủ. Tôi không thể tiếp tục. Tôi không muốn tiếp tục nữa. Tôi không muốn diễn trong Chiến tranh giữa các vì sao nữa, cũng không muốn là một đứa mạnh mẽ nữa. Tôi uể oải và yếu ớt. Bụng và hai má hóp cả lại. Đôi mắt mờ đi, lớp da bên dưới ngày càng thâm quầng. Mệt mỏi. Mệt mỏi vì Rotterdam. Pam nằm cạnh chúng tôi trên ghế da, Zus âu yếm xoa chiếc sọ trọc của tôi bằng những ngón tay mềm mại của chị. Trong suốt phần còn lại của chuyến đi Zus vuốt ve hai tay và lưng tôi bởi chị biết tôi rất thích điều đó.
Đột nhiên tôi cảm thấy có gì ươn ướt ở chỗ đó. Tôi lấy tay ấn nhanh vào để nó khỏi chảy ra nữa. Nước tiểu.
“Zus à?”
“Ừ?”
“Em tè ra rồi.”
“Tệ thật.”
“Chỉ tệ một nửa thôi, chỉ có quần bị ướt. Nó ngừng chảy rồi.”
Thứ Năm ngày 15 tháng Chín năm 2005
Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở một thành phố lạ. Ông đi công tác, còn tôi đi săn mồi. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đã đưa tôi vào phòng đợi trong khách sạn của ông. Đó là khách sạn mà người ta có thể muốn lưu trú ngay trong vài tháng mà không cảm thấy nhớ bánh xà phòng, bồn rửa và chiếc bàn chải đánh răng của mình ở nhà. Tại phòng đợi này ông ngồi cùng một nhóm những người trung tuổi khác ở quầy bar. Họ uống, hút thuốc lá và cười nói vui vẻ. Họ đang thư giãn và tìm kiếm những cuộc phiêu lưu bởi họ biết thời gian mà họ có để dành cho sân chơi này rất eo hẹp.
Rồi tôi bước vào. Bước vào để tìm địa chỉ một buổi tiệc tối mà tôi không thể tìm thấy dù đã qua tới mười dãy nhà rồi. Mấy đầu ngón chân tôi như bị đốt cháy dù mới chỉ sau một tiếng bị nhốt trong đôi giày mới, còn chiếc váy bó cứ tung lên một cách khêu gợi. Tôi cảm thấy sự chú ý của những quý ông bên quầy bar được chuyển dần sang mình. Tôi cũng ném về phía họ một cái nhìn thận trọng song cũng đầy quyến rũ. Chính xác hơn là chỉ về phía ông bởi trong đám người đó tôi phát hiện ra bác sĩ K.
Một số người đàn ông luôn là niềm ao ước của tôi. Ao ước thực sự. Bác sĩ K là một người như vậy. Tôi nén mình, cúi đầu rồi hất mái tóc nâu ra đằng sau. Tôi cười, ý thức được đầy đủ vẻ nữ tính của mình rồi từ từ tiến về phía quầy bar. Màn dạo đầu đã thành công. Cá đã cắn câu.
Vô cùng thận trọng, ông vừa cởi cúc áo của tôi vừa nhìn thẳng vào mắt tôi. Chiếc áo ngực đen tôi mặc hiện ra trước mặt ông. Một tay ông phiêu lưu trên ngực tôi còn tay kia khéo léo cởi chiếc khóa áo ngực trên tấm lưng đang run lẩy bẩy của tôi. Đôi núm bồng đảo cứng đơ của tôi nằm gọn giữa những ngón tay ông. Ông hôn chúng, hôn cổ rồi hôn môi. Càng lúc càng nhanh và dữ dội hơn. Kích thích. Khoái cảm. Ông bế tôi lên và nhẹ nhàng đặt tôi vào giữa giường của mình. Chúng tôi biến mất trong tấm ga trải giường, trọn một đêm, cho đến khi chúng tôi mệt lử và ngủ thiếp bên nhau, rồi tỉnh dậy khi những tiếng động ban trưa ở thành phố lạ kia tiến sát chúng tôi.
Đúng với bản tính lãng mạn của mình, tôi kéo dài cái đêm đó thêm năm buổi trưa, buổi chiều và buổi tối nữa để chúng tôi có thể thưởng thức nhau trọn vẹn. Lúc ăn sáng, lúc đi dã ngoại văn hóa và cả ở các bữa ăn tối kéo dài. Đặc biệt là ban đêm lúc chỉ có chúng tôi và tấm ga trải giường của ông tồn tại.
“Van der Stap.”
Tôi nhìn thẳng vào mắt bác sĩ K.
Tỉnh dậy đi nào, cô vũ công ngủ mơ! Hai tay đan vào nhau, người cúi về phía trước, ông vừa nhìn tôi vừa nháy đôi mắt xanh của mình. Tôi ngượng đỏ lựng cả người, lưng tôi nóng ran và mồ hôi bắt đầu chảy. Giờ là lúc tôi cần những viên thuốc của Rita.
“Liệu tôi có thể làm được gì cho cháu?” ông hỏi.
Ồ.
“Hay đi kiểm tra phổi?”
Chuyến viếng thăm bác sĩ K thật tuyệt vời - “Hít vào, thở ra...” - tôi thở phào thoải mái.
Tôi có thể hình dung ra cuộc sống ngoài giờ làm việc của ông thế nào. Như những người khác - và có lẽ còn hơn cả những người khác do khía cạnh đạo đức trong nghề nghiệp của ông - chắc hẳn ông không mang theo một mảy may phiền toái nào về nhà. Có thể trên đường về nhà ông cũng đã giải phóng hết phần lớn các suy nghĩ, song chắc chắn có một vài suy nghĩ ông vẫn phải mang theo lên giường ngủ. Cái cảnh tượng ông có thể sẽ mang tôi vào giường ngủ, nói nôm na đại loại như vậy, khiến tôi cảm thấy bị kích thích kinh khủng. Cơ mà ông sẽ nghĩ gì? Liệu ông sẽ bị lòng thương hại chế ngự để rồi phải nghĩ đến sự bất công trên trái đất này? Hay ông cũng thèm muốn đôi mắt nâu tinh nghịch đang nhìn ông đắm đuối?
Ồ Pam, xem cậu lại giở trò tán tỉnh ai kìa. Lại là những ứng cử viên tiềm tàng mặc bờ lu trắng. Trong những tuần đầu tiên tôi vẫn còn mơ tưởng tới việc mình được toàn những người đàn ông mặc bờ lu trắng điều trị. Ngày đó áo bờ lu trắng vẫn khiến tôi bị ấn tượng mạnh. Còn giờ, sáu tháng sau, tôi thăm dò từng người mặc bờ lu một. Đầu tiên tôi kiểm tra tình trạng đôi giày và độ dài ống quần. Hễ chỉ cần một xăng ti mét tất thò ra thôi là mắt tôi sẽ đổi hướng sang chàng mặc bờ lu trắng khác.
Thứ Hai ngày 10 tháng Mười năm 2005
Sáng nay tôi đọc hết câu chuyện về Oskar. Oskar mới lên mười và sống ở khoa nhi tại một bệnh viện. Cậu bị bệnh bạch cầu. Cuộc sống của cậu bé chỉ diễn ra trong bệnh viện và cũng như những đứa trẻ khác mỗi tối cậu đi ngủ và thức dậy mỗi sáng. Giống tôi, Oskar cũng có một người y tá yêu thích: bà Rosa. Bà khuyên Oskar nên đặt những câu hỏi của mình cho Chúa. Trong những bức thư gửi Chúa, cậu bé tìm thấy một người bạn mới mà không hề biết rằng chính cậu đã tự trả lời hết các câu hỏi của mình.
Tại khoa nhi Oskar có một vài người bạn. Hai người bạn thân nhất của Oskar là Einstein và Popcorn. Cậu bé kể rằng sở dĩ Einstein có tên như vậy không phải vì cậu ta thông minh hơn những đứa trẻ khác mà vì đầu cậu ta to gấp đôi đầu trẻ con bình thường. Còn Popcorn có biệt hiệu đó là do cậu ta bị béo phì. Đồ mặc duy nhất vừa với cậu ta là chiếc áo phông kẻ sọc của cầu thủ bóng bầu dục. Oskar bảo chỉ cần nhìn những đường sọc trên áo cậu ta thôi cũng đủ khiến người ta như bị say sóng.
Cả những cô bé được điều trị ở đây cũng để 8000 lại ấn tượng với Oskar: Sandrine và Peggy Blue. Sandrine cũng bị bệnh máu trắng và mớ tóc giả mà cô ấy đội khiến cô trông giống như một cô bé Trung Hoa. Còn tình trạng thiếu ôxi khiến da của Peggy Blue trở nên xanh nhợt nhạt.
Túc trực hằng ngày bên giường của Oskar là bà Rosa. Bà kể cho cậu bé những câu chuyện và những kỷ niệm sâu sắc nhất về công việc của một người bắt bóng mà bà từng làm. Bà kể rất vô tư về cái chết, về căn bệnh của Oskar cũng như về cuộc sống và sự lão hóa. Bà dạy cậu bé cách đón nhận cái chết như một phần tất yếu của cuộc sống rồi nhắc cậu rằng một ngày nào đó bà cũng sẽ chết và giống cậu trong 12 ngày nữa. Các bác sĩ đã cho Oskar từng ấy ngày: 12. Bà dặn cậu hãy coi mỗi ngày còn lại như là mười năm. Và vì vậy Oskar từ một cậu bé mười tuổi sẽ trở thành một ông lão bách niên, người nằm yên nghỉ mà không cần bận tâm tới việc phải thức dậy.
Tôi không hề hoài nghi việc đã từng có một Oskar như vậy trên đời, người sớm phải lìa trần và để lại câu chuyện của mình. Để lại cho những người cậu yêu thương, cho bè bạn ở khoa nhi, cho tôi và cho những Oskar nhỏ bé khác nữa, các cô bé, cậu bé tuy nhỏ tuổi nhưng đã là những người hùng lớn. Tôi đã tìm ra người hùng của mình.
Thứ Năm ngày 20 tháng Mười năm 2005
Tôi xoa nhẹ vào lông mi, chúng rụng đầy trên vỏ gối. Lông tóc bắt đầu mọc trở lại: Lông mi, lông mày, những sợi tóc đầu tiên trên sọ và cả các loại lông lá khác. Tôi ngồi dậy và lục tìm chiếc bút kẻ mi trong túi đựng đồ trang điểm.
Tôi chẳng thiết tha gì bữa sáng, đối với một bệnh nhân ung thư thì điều đó là bình thường. Khỉ thật!
Mặc cho những đắn đo của cả hai đứa, tôi và Rob vẫn quyết định đi đâu đó vài ngày. Đi Luxembourg bởi ở đó xấu tệ và bởi chúng tôi còn muốn thấy mặt những người Đức bất hạnh ở gần đó. Tôi chụp hơn một trăm kiểu ảnh: cây cối mùa thu, Rob, vòm mái, Rob, phong cảnh, rồi lại Rob.
Buổi sáng tôi rời khách sạn trong vai Pam để rồi thành Oema khi đêm về. Người đàn ông ở quầy lễ tân chẳng hiểu gì cả và ông ta nhìn Rob đầy hoài nghi. “Cô bạn gái kia của anh đâu? Anh bỏ cô ấy trong thành phố à?”
Chúng tôi ăn sò, uống vang đỏ và vuốt ve những con cho trên phố. Cả hai đều thích một con giống Akita-Inu. Thậm chí chúng tôi còn đi nhảy ở một hộp đêm địa phương.
“Em nhìn xem, những tấm ảnh về chuyến đi này thật đẹp!” từ Luxembourg về, tôi cho em gái Rob xem ảnh. Rob và Pam trong lúc ăn sáng, Rob và Pam trong ô tô, Rob và Oema trên đường đi, Rob và Sophie ngồi bên bàn.
Chúng tôi sát lại gần nhau hơn. Sát hơn thường lệ hay sát hơn những đôi tình nhân khác bởi thần chết đang đứng sau góc nhà kia. Mối đe dọa này khiến tôi sống qua mỗi khoảnh khắc, mỗi câu tấu hài, mỗi giọt nước mắt và mỗi đụng chạm một cách mãnh liệt hơn.
Ôm thật chặt cho đến khi không thể chặt hơn nữa. Rời bỏ ra là việc thật khó nhọc.
Chủ nhật ngày mùng 6 tháng Mười một năm 2005
Tôi sang Tây Ban Nha thăm chú Otto và cô Bebé. Đây là lần đầu tiên cô Bebé gặp tôi, còn chú Otto và tôi gặp lại nhau sau một thời gian dài. Khi biết về bệnh tình của tôi, chú Otto đã điên cuồng lướt Internet và gọi điện cho các đồng nghiệp cũ của mình. Chú cũng từng là bác sĩ.
Chú Otto là bạn cũ của bố mẹ tôi, kể từ khi bố mẹ tôi quen chú, chú đã qua ba đời vợ. Tất cả những điều tốt đẹp đều phải sánh ba. Chú chuyển tới sống ở vùng Granada của Tây Ban Nha cùng cô Bebé năm năm về trước. Sau những năm đằng đẵng làm nghề bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và kỹ sư điện tử, chú đã chán ngấy cuộc sống đô thị.
Đây cũng là cuộc hôn nhân thứ ba của cô Bebé. Câu thành ngữ trên lại đúng với cả cô nữa. Từng là người mẫu trong thập niên 60 và là trợ lý trong một bệnh viện tư mà cô cùng chú Otto quản lý, cô đã sống qua những năm tháng đầy sôi động. Sôi động đến nỗi giờ đây cô rất trân trọng sự bình yên mà cô cùng chú Otto gây dựng được ở Tây Ban Nha. Họ sống cuộc sống riêng của mình, tách biệt hẳn khỏi thế giới bên ngoài. Khu làng gần nhất cách đây năm phút ô tô và điều đó đối với họ cũng chẳng thành vấn đề. Cũng chính bởi vậy mà họ thích sống ở đây và cũng vì thế mà tôi thích tới đây thăm họ. Sự giản dị mộc mạc của khu chợ, của quán bar làng, của nhà thờ. Không gian xung quanh quả là tuyệt trần, một thung lũng sâu, có núi non và ở đằng xa còn có cả biển.
Ở đây không tồn tại khái niệm về thời gian. Chúng tôi thức dậy khi nào chúng tôi muốn, chúng tôi ăn khi nào chúng tôi muốn và chúng tôi lên kế hoạch những gì mình muốn làm. Một chuyến đi mua sắm ở siêu thị hay một chuyến dã ngoại tới Granada. Ở đây, lần đầu tiên tôi được quên quãng thời gian trong tuần của mình đã diễn ra thế nào. Hôm nay là thứ mấy tôi cũng không hay biết, nhưng tuần này là tuần bao nhiêu thì lúc nào tôi cũng vẫn nhớ. Nhớ để biết khi nào tôi sẽ vượt qua được tuần thứ 54. Tôi đánh dấu lên lịch và càng ngày tôi càng ý thức rõ hơn về hạnh phúc của ngày hôm nay.
Có lẽ chính vì thế mà tôi cảm thấy sợ những điều sẽ còn xảy đến. Đêm nào cũng vậy, trước lúc đi ngủ tôi đều nghĩ về đám tang của mình. Tôi muốn mơ về tương lai lắm chứ, nhưng không tài nào làm được thế. Mà tôi cũng không dám làm thế. Tôi nghĩ về chiếc quan tài của mình, về bài phát biểu của bố và về bộ lễ phục mẹ sẽ mặc trong đám tang. Về người chị gái sẽ làm tất cả, sẽ phải gác lại những dự định của riêng mình để trở thành chỗ dựa cho bố mẹ. Về nụ hôn mà Annabel sẽ đặt lên quan tài. Về Rob, người đã cam đảm yêu một kẻ bị ung thư. Về tất cả những người tôi yêu quý và yêu quý tôi. Về Marco và Oskar, những người đã ra đi trước tôi.
Do chú Otto và cô Bebé đã từng làm trong ngành y nên ở bên họ tôi cảm thấy vô cùng an tâm. Chúng tôi nói chuyện về những cuốn bệnh án mà tôi phải vác theo tới từng bác sĩ, về những trải nghiệm mà tôi có với các bác sĩ, với thuốc thang, và với những thống kê rùng mình. Họ chỉ cho tôi cách tự kiểm tra xem liệu bàng quang có bị viêm nhiễm hay không bằng cách đi tiểu vào một cốc thủy tinh. Họ cũng dạy tôi cách chữa viêm nhiễm bàng quang bằng vitamin và những loại thực phẩm chức năng.
Thứ Ba ngày mùng 8 tháng Mười một năm 2005
Tôi thả mình xuống giường với đôi má đỏ ửng sau cuộc dạo bộ. Oskar và Lance nằm cạnh tôi trên chiếc bàn đọc. Oskar là cậu bé đã mất còn Lance đã được vui vẻ trở về với chiếc xe đua của mình. Tôi nghĩ tới Jurriaan, anh ấy vẫn phải chạy qua chạy lại giữa một hộp đêm - nơi anh ấy làm DJ, và bệnh viện - nơi anh đang thực tập. Càng gặp nhiều người cùng cảnh ngộ, tôi càng hay nghĩ hơn tới những người vượt qua được số phận và tới những người đã ra đi bỏ lại chúng ta. Căn bệnh này sẽ không làm tôi chết? Bệnh ung thư sẽ lấy đi của người tình cũ của tôi không chỉ một mà là hai cô bạn gái? Hay cô bạn thân của tôi sẽ không mất đi hai cô bạn vẫn còn rất trẻ của mình? Tôi nhìn mình và tự hỏi xem khả năng tôi là đứa mang trong mình mầm u bướu lạ thực sự lớn đến nhường nào. Đó không phải là lập luận thuyết phục song bởi tôi là tôi nên đối với tôi nó đã là một lập luận có cơ sở. Ngay cả các thống kê cũng không thuyết phục hơn thế.
Tôi vắt mái tóc dài nâu của Lydia sang bên để nó không chạm vào đĩa cá và rau của mình. Hôm nay cô Bebé tặng tôi một bộ tóc giả mà ngày trước cô từng phải đội. Chúng tôi đi ăn tại một tiệm ở Orgiva, một làng kế bên và nói chuyện về các bác sĩ, về khoa học và về mẫu mô mà mỗi nhà bệnh học đều gọi nó bằng một cái tên khác nhau.
“Việc nó được gọi là Tiểu động vật không làm cháu quan tâm mấy. Quan trọng là liệu nó có thể chữa trị được hay không mà thôi.” Bác sĩ L cũng đã có phản ứng đầu tiên với những nhận định khác nhau về mẫu mô của tôi. Do căn bệnh của tôi thực chất không hay gặp ở tuổi này và mẫu mô thử khác xa với kết quả của các đợt chẩn đoán trước kia ở nhiều phương diện nên tôi được gán vào nhóm Sacôm chưa rõ nguồn gốc. Hay còn gọi là “Nhóm u bướu không thuộc dòng Rhabdomyosarkom”.
Chú Otto nghĩ rằng có thể tôi đã bị chẩn đoán sai. Rằng khả năng chính chẩn đoán sai này sẽ là kẻ cứu sống tôi. Rằng có thể tôi đang được điều trị hoặc là “quá tay” hoặc chưa đến nơi đến chốn. Rằng trong vụ này tôi có thể bị ngỏm củ tỏi. Rằng bệnh của tôi vẫn còn nhiều yếu tố chưa rõ nguồn gốc và rằng sự chuyển tiếp từ lành lên ác tính là rất nhanh. Một cuộc nói chuyện rôm rả. Nói chuyện với các bác sĩ thật thú vị.
Thứ Tư ngày mùng 9 tháng Mười một năm 2005
Trong lúc nghỉ ngơi và nỗ lực để không theo chân Oskar, tôi không tài nào xóa bỏ được những suy nghĩ về Marco, cậu bé đã ra đi một năm trước. Ngay cả tối nay khi đi ngủ, tôi lại nghĩ về cậu. Đúng ngày này một năm trước đây cậu cũng đi ngủ và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Đó là ngày mùng 10 tháng Mười một năm 2004, cha mẹ cậu túc trực bên giường bệnh của cậu trong khoa Ung thư trẻ em ở bệnh viện VU-Ziekenhuis Amsterdam. Marco mới có mười bảy tuổi rưỡi. Chưa đủ tuổi để thực hiện ước mơ lớn của cậu là được lái ô tô thỏa thích, song đã đủ lớn để thỉnh thoảng được phép phóng trên đường đua.
Để tương trợ cho tuyến thượng thận bị ảnh hưởng của đợt xạ trị giống như gan, tôi sẽ uống những giọt thuốc cuối cùng và nhồi vitamin C để chống lại bệnh viêm bàng quang đang phát. Tôi sẽ tắt chiếc đèn lớn và bật chiếc đèn bàn nhỏ bởi ánh sáng của nó cũng đã đủ để đọc hoặc viết. Tôi sẽ vớ lấy cuốn sách và bắt đầu hoài nghi liệu nó có đủ sức cuốn hút để tôi có thể đọc nốt một trăm trang cuối. Tôi sẽ cuộn mình trong chăn để cơn ấm đến càng nhanh càng tốt trong những phút đầu này. Tôi sẽ nghĩ về bố mẹ mình, hôm nay là kỷ niệm 26 năm ngày cưới của họ. Sau đó tôi sẽ giở sách và đột nhiên những suy nghĩ của tôi chuyển hướng sang Marco. Cũng giống tôi và nhiều người khác, cậu ấy đã phải chống chọi với căn bệnh này ở cái tuổi còn quá trẻ. Chỉ có khác là Marco đã không vượt qua được bệnh tật, còn tôi vẫn đang trụ được. Cái chết của cậu ấy và sự sống của tôi ngăn cách chúng tôi, song qua cái chết và sự sống này tôi cảm thấy vô cùng gắn kết với cậu ta. Bởi khi nỗi sợ hãi dâng trào trong tôi, tôi lại nghĩ đến Oskar và Marco. Bên cạnh họ tôi cảm thấy an tâm, bởi họ đang ở nơi mà có lẽ tôi sẽ sớm tới.
Tôi không biết Marco nhưng biết cha mẹ cậu ấy, chú Salvatore và cô Adèle. Có vẻ hơi trơ trẽn khi viết về cậu ta khi cậu ta chưa bao giờ biết mặt tôi. Song sẽ còn trơ trẽn hơn khi không viết về cậu ta, bỏ qua cậu ta chỉ vì cậu ta không còn sống trên đời này nữa. Đối với tôi cậu ta vẫn còn đó. Tôi còn giữ một tấm hình của cậu trong ví. Như vậy để cậu ta là một phần cuộc sống của tôi, để cậu ta sống cho tôi. Nếu một ngày nào đó số phận của cậu trở thành số phận của tôi thì những suy nghĩ của tôi sẽ ở bên cậu ấy. Bên cậu ấy và bên Oskar, cậu bé ra đi khi mới lên mười. Khi bên nhau có lẽ chúng tôi sẽ là ba chàng lính ngự lâm. Tôi bật cười. Oskar, kẻ lừa bịp tất cả các chị em gái, Marco, người nhanh chân hơn tất cả những đồng bào bị bỏ lại và tôi - một Nikita nhỏ bé đội tóc giả. Tất nhiên tôi sẽ mang theo cả các bộ tóc giả.
Hơn thế nữa, ngày mai tôi sẽ đi nhà thờ của làng. Trước khi đi tôi sẽ ra chợ mua rau và mua một chiếc vòng cổ làm bằng vỏ sò của một cô châu Phi. Chiếc váy hồng của cô khiến làn da đen và hàm răng trắng tinh trông càng rực rỡ hơn.
Những vỏ sò. Nước Pháp, Wijk aan Zee, Nerja.
Tôi sẽ thắp một ngọn nến để cầu nguyện cho Marco, Oskar, chú Salvatore và cô Adèle. Cho cả mẹ, bố và chị gái tôi, trong những năm qua đôi vai họ ngày càng phải chịu nhiều gánh nặng hơn. Tôi sẽ tìm cho mình một nhà thờ vắng bóng người, nơi tôi không cảm thấy e dè khi thì thầm với Marco. Tôi sẽ ngồi ở hàng ghế đầu tiên, với đôi mắt ướt đẫm - điều này làm tôi ngạc nhiên -, nhưng dạo này tôi trông xác xơ và rất nhạy cảm. Lúc rời khỏi nhà thờ, tôi sẽ lau khô nước mắt.
Thứ Sáu ngày 18 tháng Mười một năm 2005
Đôi khi tôi quên rằng mình vẫn là Sophie. Dù có ở trong một cơ thể khác, cơ thể bị ung thư song tôi vẫn là Sophie. Mà Sophie thì thỉnh thoảng lại bị thất tình. Đã bốn ngày nay tôi không gặp hay nói chuyện với Rob. Anh đã quen một cô gái khác và có thể anh đang rất yêu và hạnh phúc với cô ấy. Tệ thật.
Tôi ngồi trong phòng điều trị ở khoa Ung thư. Nơi của sự sống và cái chết. Điều đó khiến Rob bị đẩy xuống hàng thứ hai. Bệnh tật cho phép ta đem mọi thứ ra so sánh.
Tôi nhìn thấy sáu chiếc ghế xanh, tôi ngồi vào chiếc thứ bảy. Lúc tôi đến mọi ghế đều có người ngồi, giờ có tới ba chiếc trống. Chị y tá ở đây tên là Judith. Judith lúc nào cũng có mặt, đó là lợi thế của chị ấy so với các nam nữ y tá khác. Chị ấy nhanh nhẹn, làm tốt việc của mình và còn hài hước nữa. Trên bàn làm việc của chị là một chiếc cốc đựng đầy bánh bích quy dài.
Bác sĩ của tôi thỉnh thoảng vẫn ghé qua thăm. Ông chỉ đến khi bệnh nhân đau đớn hay muốn đặt những câu hỏi đầy phiền toái. Tôi thuộc vào nhóm thứ hai và việc đó đã trở thành thói quen hơn là một ngoại lệ. Chính vì vậy tôi quy ông thành một trong những nhân vật chính của bộ phim được quay ba tuần một lần, vào chiều thứ Sáu tại bệnh viện OLVG. Không phải là Judith ít qua đây hơn ông mà bởi dù sao ông cũng là bác sĩ. Hay còn có thể gọi là sếp. Liệu ông có còn nhớ tôi khi tôi không còn thường xuyên bước vào phòng ông như trong những tháng vừa rồi? Liệu thỉnh thoảng ông có hồi tưởng tới hình ảnh của tôi? Liệu ông có lấy làm tiếc khi khoa học của ông không ca khúc khải hoàn trước căn bệnh của tôi? Liệu ông có tới viếng thăm quan tài của tôi? Liệu ông có tự hỏi tôi đã trở thành cái thứ gì? Liệu ông còn để chiếc bút bi của tôi trên bàn làm việc của mình nữa hay không?
Thứ Tư ngày 23 tháng Mười một năm 2005
“Anh đang yêu sao?” tôi vừa hồi hộp vừa sợ hãi nhìn Rob, đồng thời chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho cú đòn này.
“Ừ.”
Tôi ngồi xuống, miệng há hốc.
Tôi nằm xuống, nức nở trên sàn.
Tôi giấu mình dưới một đống thứ hỗn tạp, vì kinh sợ.
Đó là một khoảnh khắc vô thực. Song cũng rất hữu thực. Như trước kia. Nhưng giờ tôi phải thấy rằng chuyện này cũng không quá tệ bởi đó chỉ là chuyện yêu đương, bạn bè, những điều vẫn còn rất nhiều, chứ không phải là chuyện sống hay chết.
Rob nhìn thẳng về phía trước và vì tôi, anh cố kìm nước mắt. Anh tìm cách lại gần, anh chạm vào tôi, cầm lấy tay rồi xoa má tôi.
Tôi đẩy anh ra, đúng là một màn kịch. Tiếc rằng màn kịch đó lại là thực tế. Thật đau đớn. Tôi muốn những đụng chạm, muốn bàn tay anh, muốn cánh tay anh nhưng tôi không thể. Anh nên biến đi, tôi gào lên, biến khỏi cuộc đời tôi, anh hãy mang theo cả những nỗi đau này, tôi không bao giờ muốn nhìn mặt anh nữa. Trong khoảnh khắc đó tôi thực sự tin là vậy.
Tôi tựa sát người vào Annabel. Chiếc túi da hồng của tôi nằm cạnh giường cô ấy, hai chú mèo Billy và Mimi quấn quýt bên chúng tôi. Ấm áp là vậy mà trong tôi chỉ là sự trống rỗng.
Thứ Năm ngày 24 tháng Mười một năm 2005
Trong chiếc váy ngủ, tôi ngồi cạnh Annabel trên chiếc ghế dài bên cửa sổ. Sáng nay tôi thức dậy bên cạnh cô ấy. Tôi nhìn ra ngoài và cảm thấy trong người thật tệ hại. Tệ hại vì đêm vừa rồi tôi phải ngủ bên Annabel chứ không phải bên Rob, anh ta giờ chắc vẫn đang hú hí bên một đôi chân dài nào đó. Tệ hại hơn là đợt xét nghiệm kiểm tra tới của tôi ngày càng đến gần.
Tôi ghét tất cả. Ghét cái tháng Mười hai với cơ man nào là ngày lễ. Ghét những người theo hầu ông già Tuyết, ghét những chiếc bánh lễ Chúa, ghét các bữa ăn gia đình, ghét cả đống bánh rán béo ngậy kinh tởm, ghét bọn sò huyết và sâm banh. Tôi ghét cái ngày hôm nay và ghét tất cả những gì sẽ xảy đến. Tôi ghét chính mình vì đã để một gã như anh làm tổn thương. Bởi tôi vẫn còn mong mỏi vòng tay của anh hơn là vòng tay của Annabel, dù cho cô ấy lúc nào cũng sẵn sàng chìa tay đón nhận tôi. Tôi ghét những mũi tiêm chọc vào cơ thể mình, chúng vẫn làm tôi hoảng hồn. Tôi ghét cái u bướu trong người mình và đồng bọn của nó. Tôi ghét bệnh ung thư. Tôi ghét cơ thể mình.
Tôi vội vàng nhìn đồng hồ, vẫn chưa đến tám rưỡi. Tôi thêm nước vào tách trà và theo dõi tỉ mẩn chiếc kim giây trong vòng tám phút. Một kế hoạch lóe lên. Kế hoạch khẩn cấp. Tôi nhấc điện thoại và quay số của phòng điều trị trong bệnh viện OLVG và bệnh viện Erasmus MC ở Rotterdam. Tôi thuyết phục cả hai bác sĩ để tôi được phép xét nghiệm sớm hơn. Tôi đưa ra nguyên nhân là do cảm giác như bị kim châm đầy khả nghi. Làm sao tôi có thể giải thích với họ rằng không có Rob tôi không còn thấy lối thoát nào khác? Và tôi sẽ phải giải thích ra sao cho bố mẹ, chị gái, và những người còn lại trong gia đình đang run sợ của mình.
Dì tôi là người biết khuyên bảo. Tôi gọi điện cho dì, sau nửa tiếng tôi vẫn còn nức nở. Dì cũng nức nở theo đứa cháu lớn của mình, bỗng dưng đứa cháu lớn đó bỗng trở nên nhỏ bé lạ thường. Ngay sau đó tôi gọi điện cho bố mẹ, họ đã được bệnh viện OLVG thông báo bởi lúc trước máy tôi bận. Tôi có vài điều cần giải thích với họ.
“Mẹ à?”
“Ừ, con yêu, con cảm thấy thế nào?”
Nghe giọng mẹ thật ân cần và tha thiết. Song cũng có phần lo lắng.
“Không tốt lắm. Con vừa gọi đề nghị được xét nghiệm sớm. Không có Rob, con không thể chịu được sự bất an này thêm nữa.”
“Mẹ hiểu, bệnh viện OLVG cũng vừa gọi điện thông báo. Cuộc xét nghiệm sẽ diễn ra vào thứ Ba ngày 29. Mẹ đi cùng nhé?”
“Mẹ thật tuyệt nhưng con vẫn chưa biết. Con muốn Jur bên cạnh mình, để xem anh ấy có tới không.”
“Được thôi, con yêu, con về nhà ngay chứ? Mẹ sẽ làm cho con một tách trà.”
Annabel đi xuống. “Hôm nay tớ sẽ ngủ cùng Bart.”
“Ồ.”
“Đối với tớ những ngày này giống y như địa ngục, cậu phải hiểu điều đó, Người đẹp ạ.”
“Tớ hiểu mà, đừng sợ. Tớ sẽ nằm trên trường kỷ vậy.”
“Cậu không cô đơn đâu, Phie ạ. Tất cả mọi người đều hướng về cậu, tất cả.”
“Tớ vẫn cảm thấy thật cô độc.”
“Tớ luôn ở bên cậu. Tất cả đều luôn bên cậu.”
Thế mà tôi đã quên mất điều đó. Tất cả mọi người xung quanh đều hướng về tôi, mỗi người theo cách riêng của mình. Giờ tôi lại ý thức và hiểu rằng tôi chưa bao giờ cô độc.
Có lẽ một kiểu tóc mới không có gì liên quan tới Rob sẽ giúp ích bởi anh chưa hề biết nó. Hoặc có thể anh lại quay sang say đắm tôi khi trông thấy cô gái trẻ, tóc vàng và hấp dẫn đó. Trong cửa hàng gần Nhà hát tôi chọn lấy một bộ tóc giả thật vàng, thật khêu gợi. Nó có cả những lọn xoăn buông tận tới rốn. Một chút tính cách Nga, rất hợp với tình trạng độc thân mới của tôi. Tôi đặt tên cho nó là Bebé bởi tôi rất quý cô Bebé và trong mắt tôi, cô cũng là một phụ nữ cực kỳ hấp dẫn. Tôi mua thêm một bộ trang điểm mới ở cửa hàng Bijenkorf. Một chiếc bút kẻ mắt đen và dày cộng một chiếc kẻ mi tím.
Còn sáu ngày và năm đêm nữa là tôi sẽ nằm viện. Còn bảy ngày và sáu đêm nữa là tôi sẽ được đưa vào căn phòng trắng của bác sĩ. Rồi sau đó mọi chuyện đều có thể xảy ra. Các bác sĩ cũng chẳng còn nhiều phép màu trong kho nữa. Tôi sợ. Tôi đi đi lại lại mà không biết mình muốn đi đâu. Cuối cùng tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng.
Thứ Sáu ngày 25 tháng Mười một năm 2005
“Vậy là anh tin tưởng tuyệt đối vào Fam và Floor?”
Anh thanh niên ngồi đối diện tôi gật đầu, những lọn tóc xoăn dài của anh đung đa đung đưa.
“Bọn anh sẽ xem xét lại một chút, nếu tốt em có thể làm toàn thời gian trong vòng hai tháng. Sau đó bọn anh sẽ xem tiếp liệu em có thể ở lại tòa soạn dưới hình thức này hay hình thức khác không.”
Theo giới thiệu của Fam và Floor, hai cộng tác viên tự do và cũng là hàng xóm của tôi, tôi được mời đến tòa soạn tờ NL 20. Một anh hàng xóm đã viết blog về tôi trên mạng để thu hút sự quan tâm của mọi người về câu chuyện của tôi. Dù gì tôi cũng muốn được viết lách, tốt nhất là cho một nhà xuất bản nào đó.
Một gã thanh niên ẻo lả diện bộ đồ thể thao ba màu hiệu Adidas đi qua.
“Ồ, tóc em đẹp thật!” Nghe thật kệch cỡm. Đã từ một tuần nay tôi đội Bebé, mái tóc vàng giống thời trang thập niên 60 mà tôi mới mua. Tôi trả lời bằng một nụ cười miễn cưỡng.
“Đó là Louis, cậu ta phụ trách lịch công tác và một số thứ khác như mục ‘Phòng thay đồ’ chẳng hạn. Như em thấy đấy, ở đây bọn anh vô tư lắm”, chàng tóc xoăn dài nói. Anh ta mặc một chiếc áo phông Hawaii và đi chân đất.
Louis cầm một bộ vợt bóng bàn bãi biển trên tay. Tôi tự giới thiệu về mình. Tôi cố gắng không làm nổi bật đứa con gái bị ung thư mà làm nổi bật cô gái muốn viết về những điều không dễ dàng gì với mình, chỉ với một cuốn nhật ký, một chẩn đoán còn mông lung và với ấn bản duy nhất còn chưa được in ấn. Dù gì thì cũng được in hẳn ở tờ Thương mại NRC.
“Cảm ơn vì anh đã tin tưởng, em rất vui. Tuần sau em sẽ gửi bài báo đầu tiên của mình.”
“Anh rất chờ đợi điều đó.”
Thứ Hai ngày 28 tháng Mười một năm 2005
Người phụ nữ ngồi đối diện tôi dỏng tai lên nghe. Thỉnh thoảng cô ấy lại ngắt quãng tôi khi diễn đạt của tôi quá phức tạp. Theo lời giới thiệu của cô ấy, tôi tới hiệu sách Scheltema mua hai cuốn Để khỏe trở lại và Trên đường bình phục, đều của tác giả O.Carl Simonton. Những cuốn sách đặc biệt dành cho các bệnh nhân ung thư còn ham muốn sống. Tiện đây tôi cũng giới thiệu hai cuốn sách này cho mọi người. Bác thợ in, hãy làm ơn in đậm và nghiêng tên hai cuốn trên.
Còn sáu ngày nữa là đến đợt điều trị với bác sĩ tâm lý. Vậy đó!
Tôi tắt điện thoại. Hủy các cuộc hẹn, trừ các cuộc diễn ra vào hôm nay và ngày mai. Lúc này tôi rất cần cô bác sĩ trị liệu của mình. Có lúc người ta chẳng tìm thấy cô đâu, có lúc cô lại xuất hiện ở đây hằng ngày.
Cô yêu cầu tôi nhắm mắt, mường tượng ra nỗi sợ hãi của mình rồi vẽ lại. Tôi vẽ một đám mây màu xanh lá cây và xanh nước biển, rồi một đám khác bay bên trên. Tôi tìm cách kéo đám mây thứ hai sang bên, song nó đã ranh mãnh hơn tôi và đè vào đám thứ nhất.
Rồi tôi lại được yêu cầu mở mắt và ngắm bức vẽ của mình. “Rồi điều gì sẽ xảy ra?”
“Cháu sẽ đóng khung và treo nó bên giường.”
“Rồi sao?”
“Cháu sẽ đi tới chỗ nó, rút nó ra khỏi chiếc đinh treo rồi nằm vào giường. Cháu sẽ ôm bức vẽ như con thú nhồi bông bên mình.”
“Ý cháu là sao, điều đó có nghĩa gì?”
“Có lẽ cháu không còn muốn xóa bỏ nỗi sợ nữa chăng?”
“Sophie ạ, bên trong cháu không chỉ có một Sophie mà là một vài Sophie khác: một Sophie vui vẻ, một Sophie mạnh mẽ song cũng nhút nhát và một Sophie bất an. Trước hết cháu phải biết chấp nhận điều đó.”
Dọn dẹp và lau chùi là hai từ thần diệu mà tôi học được trên chiếc ghế ở chỗ cô bác sĩ trị liệu của mình.
Thứ Ba ngày 29 tháng Mười một năm 2005
Tôi muốn quên nhanh Rob. Tôi lục tìm trong điện thoại số của những chàng từng theo đuổi mình. Tất cả chỉ để không phải ngồi một mình trên chiếc sofa. Đột nhiên tôi thấy mình đối phó với trạng thái bất an thật tệ hại. Chỉ có Hôm nay và Hôm qua, không hề có Ngày mai. Không có một tương lai chắc chắn. Không hoài bão. Cũng không còn sự chắc chắn nào n 75a2 i người mình yêu. Liệu lúc này anh đang ngủ với cô ta? Đồ xấu xa. Cầu cho anh ta chết ngạt.
Trên đường tới thùng thư tôi rẽ qua quán bar trên phố Haarlemmerstraat mà Rob hay lui tới. Tôi thấy anh đang ngồi đằng sau tấm biển, bên cạnh là một cô gái chân dài tới nách. Họ cười. Tôi nhìn họ, nức nở và ẩn mình dưới Bebé rồi đi tiếp.
Thứ Tư ngày 30 tháng Mười một năm 2005
Tôi lại ngồi run lẩy bẩy trên chính chiếc ghế của cái hôm người ta thông báo cho tôi về tình trạng tồi tệ của mình. Bên cạnh là Jur. Tôi đã năn nỉ anh ấy đi cùng bởi anh là người duy nhất dám nhìn thẳng vào mắt tôi và thuyết phục được tôi rằng mọi thứ đều có thể. Ngay cả khi sự thật không phải vậy.
Đối diện tôi là bác sĩ L.
Ông cười. “Xem cháu đội gì lên đầu kìa, mái tóc dài trông đẹp lắm.”
Niềm hy vọng trong tôi vụt tăng còn nỗi sợ hãi chìm dần xuống. Tôi gật đầu, hồi hộp vuốt mái tóc của Bebé. Tôi có trang điểm và mặc chiếc váy lụa đẹp nhất với ý định biến hy vọng thành sự thuyết phục.
“Sophie, bác có tin tốt cho cháu đây.”
Đầu gối tôi đập loạn xạ vào nhau vì hồi hộp và tìm tới đôi chân Jur. Đầu gối anh ấy cũng giật lên giật xuống. Tôi nhận thấy niềm kiêu hãnh và nỗi vui mừng trong đôi mắt vị bác sĩ của mình. Tôi muốn được quàng tay ôm lấy cổ ông. Không biết đã bao nhiêu lần tôi từng vẽ lên khoảnh khắc này bằng những gam màu lung linh. Ấy vậy mà tôi chỉ nhỏ một giọt nước mắt và hôn lên má ông.
“Các tấm ảnh xạ trị có kết quả tích cực. Không còn gì ở đó nữa, cháu không còn phải chụp X-quang nữa.”
“Không là không thế nào ạ?”
“Chà, vẫn còn một chút chưa chắc chắn. Không còn dị tật nào nữa, song cũng chưa thể đảm bảo rằng cháu đã lành bệnh hoàn toàn. Thời gian sẽ trả lời.”
Jur cắt ngang câu hỏi của tôi bằng một nụ hôn cùng một cái ôm kéo dài dịu dàng. “Thật là ngờ nghệch”, anh nói trong lúc chúng tôi đi khỏi. “Em đã lành bệnh, vậy thì cớ gì mà phải ‘Thời gian sẽ trả lời’ này nọ cơ chứ.”
Thật tuyệt vời khi có Jur bên cạnh. Anh ấy cũng cần biết điều đó.
Đột nhiên tôi thấy mình không chỉ phải lòng anh chàng đặc biệt đang đứng trước mình, mà tôi phải lòng cả Annabel, Jan, Jochem và tất nhiên cả Rob. Cả cô hàng xóm. Cả gia đình tôi. Sự có mặt của họ đối với tôi không bao giờ là đủ. Lành bệnh, lành bệnh, lành bệnh. Ba cơ quan khỏi cùng một lúc. Và hoàn toàn độc lập tác chiến. Không có bác sĩ K, cũng chẳng có Rob. Thật là phấn chấn!
Sau ba cốc rượu vang và một đĩa Tapa, tôi tới phố Marnixstraat, rẽ qua phố Westerstraat để tới phố Prinsengracht trên đường tới nhà Annabel. Cô ấy đợi tôi với đôi tay dang rộng. Tôi không thể tin nổi. Liệu tôi có thực sự lành bệnh? Vậy là xong? Tôi lại được tồn tại? Chỉ có một từ mà nó đã làm cuộc sống của tôi quay ngược 180 độ.
Hôm nay từ Ngày mai đã trở lại với tôi.
“Bà ạ?”
“Ừ?”
“Bà sẽ bớt buồn nếu cháu nói rằng cháu đang rất khỏe mạnh chứ? Mãi mãi khỏe mạnh.”
Tôi nghe tiếng bà nức nở.
Thứ Năm ngày mùng 1 tháng Mười hai năm 2005
Nửa đêm tôi mò tới Sugar Factory, một hộp đêm nhỏ nằm đối diện Melkweg. Tôi đi hộp đêm lần này là để trải nghiệm chứ không phải để quên đi tất cả. Tim tôi vẫn đập thình thịch như lúc ở chỗ bác sĩ L hôm qua. Tuy vậy tôi vẫn gắn đôi mi giả dài và kẻ một đường chạy dọc hai bờ lông mày bằng bút than. Tôi đi giày cao gót, đội tóc vàng dài và mặc một bộ Kaftan khêu gợi dài quá mông. Floor mặc quần bò, áo khoác bó, trên đầu là những lọn tóc vàng xoăn dài, tóc thật. Jur mặc áo sơ mi xanh, đi đôi Nike đen to và mặc chiếc quần bò rộng. Chúng tôi uống vang đỏ, như hôm qua, như ngày mai và như cả ngày kia.
Song Jur không nhìn tôi. Ít nhất là không quan sát đôi hông của tôi. Anh ấy liến thoắng, nghe ngóng, gọi mọi người, đứng dậy khi anh phải đi vệ sinh, kể về cô bồ cũ, về cô bạn gái, người ngủ chung giường với anh bây giờ.
Còn tôi? Tôi quan sát anh rồi nghĩ về vòng hông của tôi và của anh ấy. Về đôi môi của tôi và của anh ấy. Về đôi chân của tôi và của anh ấy. Và về cả những quả trứng của tôi và của anh ấy trên chiếc chảo rán vào buổi trưa thứ Bảy. Tôi tưởng tượng ra cảnh một năm sau đợt hóa trị chúng tôi sẽ đi nghỉ trên những bãi cát trắng ở những thành phố lạ, rồi cùng nhau chui vào tấm ga trải giường của hai đứa. Tôi còn nghĩ đến việc sang năm sẽ cùng anh sang chỗ chú Otto và cô Bebé ở Tây Ban Nha.
Trong nhà vệ sinh nữ tôi tô thêm lớp son bóng hồng một lần nữa. Tôi chỉnh lại mái tóc vàng và mở thêm một chiếc cúc. Song anh ấy vẫn không để ý. Anh ấy đang chìm sâu vào các cuộc phiêu lưu tình ái quá bận rộn của mình và không màng tới một điều là tôi cũng xếp hàng chờ anh. “Jur à?”
“Ừ?”
“Em đã nói với anh rằng anh là một người rất đặc biệt với em.”
Jur hoài nghi nhìn tôi. “Vậy à?”
“Thực ra em đã thấy yêu anh từ ngày đầu tiên gặp nhau. Không lúc nào em thôi yêu, dù mình không gặp nhau nhiều như em muốn song em cảm thấy anh lúc nào cũng ở bên em.”
“Ồ. Một lời tự thú.”
Phản ứng tuyệt thật đấy.
“Ừ thì sao?” Tôi chớp chớp đôi lông mi dày bự của mình.
“Em biết đấy Sophie, anh đã có bạn gái. Anh không tìm cho mình một cô gái nào khác nữa đâu.”
“Kể từ ngày em biết anh, anh đã hai lần không có bạn gái rồi.”
“Ừ thì sao?”
“Ừ thì sao?”
“Sophie, em là một cô gái đẹp, anh cũng thấy có điều gì đó đặc biệt gắn kết chúng ta. Song với anh, chúng ta chỉ là bạn bè.”
“Dù gì em cũng mừng vì nói ra được điều làm mình nhức nhối bấy lâu nay.”
“Lại đây nào.” Jur kéo tôi vào lòng và hôn tôi một cái thật kêu.
Có một món khai vị để gây cảm giác thèm ăn như vậy thật tuyệt.
Thứ Sáu ngày mùng 2 tháng Mười hai năm 2005
Tuyệt thật đấy! Số thuốc mà tôi uống hôm kia vẫn còn tác dụng trong người. Tôi không tài nào ngủ được mặc dù không hề uống cà phê. Tôi thức chong chong trên giường với đôi mắt mở to.
Thôi lại đi vậy. Tới hộp đêm NL.
Dì Kristien bỏ lại chồng con ở nhà để hôm nay đi đàn đúm cùng chúng tôi. Cả Rob cũng có mặt ở đó, khi thấy nhau chúng tôi ôm hôn chào nhau một lúc lâu. Tôi biết là dù sao tôi vẫn muốn chúng tôi làm bạn và cố gắng không nghĩ tới Chân Dài. Việc đó có hiệu quả tốt bởi cô ta hiện đang đi nghỉ.
Rob và tôi ngồi cùng nhau cả buổi tối. Chúng tôi cứ nói và nói. Nói về việc chúng tôi từng rất yêu nhau. Rằng anh ấy thấy rất tiếc. Rằng chúng tôi sẽ mãi mãi là bạn của nhau... Vậy là chúng tôi trở thành bạn. Thật tuyệt khi có những người bạn như Rob và Jur. Những người bạn tốt như vậy làm tôi thấy vui biết nhường nào.
Thứ Bảy ngày mùng 3 tháng Mười hai năm 2005
Một nữ phóng viên đầy triển vọng. Đó là tôi. Đơn giản là vậy, từ ngày này qua ngày khác. Từ thứ Tư tới thứ Năm. Từ sự mông lung tới một điểm dừng, một kế hoạch. Từ những đợt truyền nước tới cuốn sổ ghi chú, tới hạn nộp bài. Một cựu bệnh nhân ung thư. Tôi không thích từ “cựu”, đặc biệt khi nó kết hợp với thực tại hiển nhiên của tôi. Một gánh nặng lớn đã được trút bỏ, song cái “cựu” vẫn còn rất xa lạ. Có lần tôi đã viết rằng thế giới không còn nằm dưới chân tôi, trên đó giờ đây là các bệnh nhân khác của trạm C6. Hôm nay đã khác. Hôm nay tôi có thể nói rằng thế giới này chưa bao giờ nằm sát dưới chân tôi. Bởi hôm nay tôi là một phóng viên có triển vọng.
Tôi giở tờ NRC và tìm mục “Sống, v...v...” .
Rob ngồi cạnh tôi, anh ấy cũng hăng hái như tôi. Sau hai tuần không có anh, tôi lại có được cảm giác tuyệt vời khi được anh ngồi cạnh và nắm tay. Miễn là chúng tôi quên đi sự tồn tại của con bé chân dài, tất cả mọi thứ lại hệt như hai tuần trước.
Tôi đọc được ở đầu trang dòng tít: NHỮNG MÁI TÓC GIẢ CỦA SOPHIE. Bốn tấm ảnh được in, một tấm tôi chụp với hai ngón tay giữa giơ lên cao, ba tấm còn lại là với Platina, Oema và Sue.
“Nhìn này, anh cũng có đóng góp đầu tiên đấy nhé!” Rob chỉ vào tấm ảnh Oema mà anh chụp cho tôi vài tháng trước ở Luxembourg. Tôi đọc bài báo cho anh nghe, mỗi từ trong bài báo đều làm Rob rạng ngời hơn. “Phải thế chứ! Anh thật tự hào về em, cô em bé nhỏ ạ!”
Đôi tay chúng tôi quyện vào nhau làm thành một vòng tròn. Chúng tôi không rời nhau.
“Rob, khi nào anh chấm dứt cái trò vớ vẩn đó với mụ chân dài và chúng ta có con? Em có thể thuê một gã Colombia man rợ bắt cóc cô ta, hoặc hay hơn nữa là thuê một con khỉ đầu chó.”
Rob cười phá lên, song vẫn có một cái gì đó đè nặng lên chúng tôi. Bởi chúng tôi vẫn còn rất yêu nhau và vì vậy rất muốn ở bên nhau. Tôi nhìn bài báo đang nằm trên bàn cà phê thêm lần nữa . Một ngày mới tuyệt làm sao, một bệnh nhân ung thư được diện bộ đồ hoành tráng để lên báo. Buổi tối dấm dúi với Cà Vạt của tôi giờ được lật ngửa công khai. Một cảm giác tuyệt vời.
Thứ Ba ngày mùng 6 tháng Mười hai năm 2005
Có vẻ tôi đã nhầm sang tối thứ Ba, tôi đứng trước một tòa nhà vô cùng hoành tráng trên phố Herengracht. Tôi bấm chuông, ai đó bấm nút mở cửa.
“Chào chị, sáng nay em có hẹn với một biên tập viên.”
“Tên em là gì?”
“Sophie van der Stap.”
“Em chờ chút nhé, để chị gọi điện sang phòng biên tập.” Cô lễ tân chỉ vào bộ salon bằng da màu đen. Trên chiếc bàn nhỏ là mấy tờ Het Parool, các tờ rơi quảng cáo và tờ NL20. Tôi ngồi xuống và tò mò quan sát xung quanh.
Mấy bức tường ốp đá cẩm thạch, nền nhà được lát gạch hoa trắng. Nếu tôi không nhầm thì tên của loại gạch hoa này là “Witjes”. Bố đã từng nói tôi biết, ông rất muốn củng cố kiến thức cho tôi trong lúc chúng tôi đi bộ qua trung tâm Amsterdam. Ông có thể kể một điều gì đó về tất cả mọi thứ, dù đó chỉ là một mái hiên, một tên phố hay một nhà thờ. Mới đây chúng tôi tới thăm một nhà thờ cổ có tên “Onze Lieve Heer op Zolder” - “Đức Chúa kính yêu của chúng ta trên gác xép”. Nó nằm thu mình trên tầng ba của ngôi nhà cổ xiêu vẹo giữa khu đèn đỏ.
Đó là một nhà thờ bí mật song có đầy đủ tất cả: Bộ đàn ống, dàn hợp xướng, cửa sổ kính mạ chì, nền lát gạch hoa Witjes. Những bậc thang hẹp dốc và số lượng khách thăm quan đông vô kể làm tôi ngột ngạt và mệt mỏi đến nỗi chúng tôi phải ngồi tạm xuống ghế băng để nghỉ ngơi. Tại thời điểm đó tôi không gặp nhiều khó khăn về thể chất, thế mà bây giờ, chỉ hai tháng sau mọi việc đã thay đổi hoàn toàn.
“Sophie, lại đây.”
Rất tự nhiên, chị biên tập viên gọi tôi là “tác giả”, song tôi vẫn chưa dám hy vọng là chị ấy lại muốn hợp tác với mình.
Với những bộ tóc giả, chứng ợ nóng, những giọt nước mắt, những câu chuyện về các bác sĩ và những hoài bão của mình, bệnh nhân ung thư ra trò chuyện cùng công chúng. Hay nói cách khác: bệnh nhân ung thư trở nên nổi tiếng.
Tôi được mời tới chương trình Thế giới chuyển động nên giờ phải ngồi trang điểm. Mấy bộ tóc giả lượn qua lượn lại trong đầu tôi. Đỏ, rồi vàng, rồi đen, kiểu ngắn, kiểu dài, kiểu phẳng, rồi cả màu bạch kim. Tôi nên là ai đây? Oema, Daisy, Blondie hay Platina? Bebé hay Pam? Xung quanh tôi nào là MC, nào là khán giả, nào là những chiếc sơ mi ly là thẳng, những mái đầu trọc lốc, nhiếp ảnh gia, thợ trang điểm, báo chí truyền thông, những người làm PR và rất nhiều nụ cười. Tôi đi giày cao gót, mặc áo choàng tơ và một chiếc váy quyến rũ. Và tôi cũng biết quên các cuộc hẹn - y như một ngôi sao VIP thực thụ vậy. Rồi bận tối mắt tối mũi. Và cả mắc bệnh ngôi sao. Chín rưỡi sáng đã bị lôi ra khỏi giường để đi phỏng vấn. Tối lại lên truyền hình. Vâng, thật tuyệt vời khi được là chính mình - một bệnh nhân ung thư.
Tạp chí của bệnh viện OLVG sau này cũng đưa tin: “Màn ra mắt của một tác giả nữ đặc biệt và đầy triển vọng. Các bạn hãy tìm đọc những câu chuyện về bác sĩ C - bác sĩ K chứ nhỉ? - cùng đồng nghiệp của mình, về những trải nghiệm của một bệnh nhân ung thư trẻ tuổi ở bệnh viện OLVG.”
Tôi chắc rằng có hẳn một thị trường tiêu thụ cho những điều như vậy. Một vài tấm hình đẹp chụp kiểu tóc trước và sau khi bị bệnh, có thể kèm thêm những tấm ảnh biến hóa với các kiểu tóc giả mà tạp chí Beaumonde đã đăng hay bài phỏng vấn trên tờ Barend & Van Dorp. Mọi người chỉ chờ đợi có vậy: một chút kịch tính trên bộ đồ lả lướt trong bữa ăn sáng tại tòa soạn tờ báo vào buổi sáng, chiều tới làm tóc tại tờ báo ảnh và tối tới làm khách của kênh truyền hình lá cải.
Tôi phải chỉ cho người ta thấy rằng sống với bệnh ung thư là một điều có thể, rằng tôi vẫn có thể cười nói và vui sống như trước kia, ví dụ như đi mua sắm, làm đẹp hay đi nhảy. Rằng người ta vẫn có thể sống chung với ung thư trên một cơ thể héo mòn bị tra tấn bởi những trận đau đớn, những lần ói mửa triền miên. Rằng việc đội tóc giả mang lại bao điều thích thú. Và rằng điều đó không chỉ đúng với các loại bệnh ung thư khác mà đúng trong cả trường hợp của tôi. Một đứa con gái còn ngây dại mà đã bị ung thư.
Giống như Lance trong chương trình của Oprah, tôi sẽ kể về việc căn bệnh ung thư đã làm cuộc sống của tôi thêm đẹp như thế nào. Bằng một nụ cười kiểu Mỹ, tôi sẽ xuất hiện trên bục diễn thuyết với một thân hình căng tràn sức sống, một tay là bó mẫu đơn tặng Oprah, tay kia cầm cuốn sách của mình. Sau đó Oprah sẽ ngắt quãng những đợt la hét cổ vũ của khán giả và nói: “Look at you! Can you believe you had cancer? Audien, can you believe she had?”_(1)
Buổi tối trở về nhà sau chương trình truyền hình, hộp thư điện tử của tôi đã đầy ắp. Chín mươi phần trăm tên người gửi là những người tôi không quen, song qua tiêu đề thư có thể nhận ra đó là những lá thư phản hồi về cuộc trò chuyện của tôi với Cees Geel. Người tôi nóng ran vì phấn chấn khi nhận được nhiều quan tâm đến vậy. Tôi không thể chợp mắt trước ba rưỡi sáng.
Thời gian: Thứ B, mùng 6 tháng Mười hai năm 2005 20:39
Thứ Sáu ngày mùng 9 tháng Mười hai năm 2005
Tôi dựa lưng vào chiếc ghế to đại trong phòng bệnh của bệnh viện OLVG. Đó là một chiều thứ Sáu và một đợt hóa trị mới đang chờ tôi. Trong chương trình của Matthijs van Niewkerk, tôi được phép quên đi tất cả những đợt truyền hóa chất, nỗi sợ hãi và các bác sĩ, song lúc này đầu tôi bắt đầu đau như búa bổ. Tôi nghe thấy có tiếng trực thăng. Còn bà thì không nghe thấy gì cả, tôi có thể thấy điều đó trên gương mặt bà. Song bà đã hiểu ra, bà xác nhận ngay là cũng nghe thấy tiếng ồn mà tôi nói tới.
Các chị y tá nhìn tôi thăm dò - có trực thăng bay qua công viên Oosterpark ư? Đối với bệnh viện thì việc có trực thăng cứu hộ không có gì là bất thường, song trong bệnh viện OLVG thì điều đó chưa bao giờ xảy ra. Vẫn chào tôi bằng những đại từ như “ngôi sao truyền hình” và “nhà văn nổi tiếng”, các chị y tá nhìn tôi ý như muốn hỏi tôi có bình thường hay không.
“Trực thăng ư?” Moniek hỏi lại lần nữa.
Đám chất lỏng màu vàng lúc này đã chui vào người tôi, túi hóa chất uể oải đung đưa trên thanh truyền.
“Vâng, trực thăng”, tôi trả lời. Tôi nhắm mắt lại và tựa lưng xuống giường. Chiếc kim truyền dịch chọc vào bên gò bồng đảo thứ ba của tôi. Đột nhiên tất cả trở nên tối mịt như thể cơ thể tôi giờ mới hiểu điều gì đang diễn ra. Chiếc trực thăng trong đầu tôi chạy hết công suất. Tôi nghĩ đến câu chuyện của những người cùng cảnh ngộ không vượt qua được bệnh tật. Nỗi sợ hãi lại rình rập tôi.
Song hôm thứ Ba vừa rồi tôi đã thực sự tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu. Điều gì đã khiến tôi tỏa sáng đến vậy? Việc được cứu sống ư? Hay cuộc đối thoại với Cees. Hay chiếc áo sơ mi đỏ của Matthijs? Oa, còn đám lông ngực của anh ấy mới tuyệt làm sao! Giữa Bridget, người dẫn chương trình và Cees Geel... Chỉ làm, không than vãn... Đối với tôi là phải vậy.
Có thể thấy một bệnh nhân ung thư cũng có đầy đủ tiềm năng và các cơ hội nghề nghiệp. Thậm chí còn nhiều hơn một chính trị gia hay một bà nội trợ đảm đang. Có rất nhiều chuyện vui, song cũng không thiếu chuyện buồn. Câu chuyện của tôi đây là một câu chuyện vui, bởi tôi chính là tác giả.
Tôi phải in gì lên tấm danh thiếp của mình đây?
SOPHIE VAN DER STAP
Cựu bệnh nhân ung thư
SỐNG KHỎE
Người gửi: Sophie van der Stap
Thời gian: Thứ Hai ngày 12 tháng Mười hai năm 2005 12:32:58.
Người nhận: Chantal
Tiêu đề: Trả lời : Chào Sophie
Chào chị Chantal!
Ơn chúa là càng ngày em càng thấy đợt hóa trị bớt ớn hơn, ngay cả khi cái đợt hôm qua làm đầu em như nổ tung. Đợt tiếp theo sẽ là vào ngày 30. Đợt của em ban đầu là vào các ngày thứ Hai, rồi chuyển sang thứ Ba, còn giờ đây là vào thứ Sáu. Hôm qua em đã viết rất nhiều và mày mò với cuốn sách của mình. Sắp tới em phải gửi bản thảo cho nhà xuất bản. Tuần sau em sẽ bay sang Tây Ban Nha cùng một người bạn tốt, bọn em sẽ ở vài ngày tại Barcelona. Có vẻ mọi người ai cũng đã đến đó, chỉ còn bọn em là chưa. Cả hai bọn em cùng viết lách và rất ăn ý với nhau.
Em sẽ về vào ngày 19. Sau đó em sẽ bắt tay vào việc cùng chị biên tập viên của mình. Cũng trong tuần đó em có một cuộc hẹn với một người, cậu ta cũng là người viết thứ cho em như chị. Cậu ấy bằng tuổi em, cũng bị bệnh. Hình như là u não. Bệnh này chẳng phải chuyện đùa. Chị có muốn chúng ta gặp nhau trước đợt hóa trị tới? Mà chị sống ở quận nào ấy nhỉ?
Chào thân ái, Sophie
PS: Mái tóc ngắn rất hợp với chị.
Thứ Ba ngày 13 tháng Mười hai năm 2005
Jan nghĩ cuộc tẩu thoát khỏi những cơn stress là cái cớ lý tưởng để đổi mùa đông lấy mùa xuân. Và vì tôi cũng hay nghĩ điều anh nghĩ, và anh thường nghĩ điều tôi nghĩ, chúng tôi quyết định bay sang Barcelona, tạm xa rời rượu vang đỏ và bầu không khí ồn ào náo nhiệt ở nhà. Ở bên nhau chúng tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vời, song nếu khi nào không phải vậy, chúng tôi luôn có thể nói chuyện cởi mở với nhau về tất cả.
“Jan, hãy cất niềm kiêu hãnh của anh vào trong túi đi, không ai thèm ngó tới một con chó già đầy lông đâu.”
“Này, đồ hư hỏng kia, lên mặt dạy đời thế là đủ rồi đấy.”
Nói đúng hơn: Jan có thể nói với tôi tất cả.
Chúng tôi đứng ở cửa phòng chờ. Trước hết chúng tôi phải diễn tiết mục xếp hàng. Tôi nghiên cứu cặn kẽ các nghĩa của từ này: Không được ngồi như dự tính mà phải chen lấn? Học thuộc số ghế? Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với nền văn hóa Tây Ban Nha? Gọt giũa móng tay? Tay lăm lăm cuốn hộ chiếu? Người ta phải làm gì trước khi lên máy bay? Chờ đợi.
Tất nhiên không phải lúc nào cũng phải xếp hàng. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt mà người ta gọi là trễ chuyến. May thay ở hãng hàng không này cả chuyến đi và về đều bị trễ. Chen lấn giữa những người xếp hàng khác, tôi tự hỏi cớ sao mình lại phải tự hành hạ mình tới nông nỗi này. Có gì hay ho đâu cơ chứ. Đóng va li, rồi lại đóng lần nữa - bộ tóc giả vàng và đôi giày cao gót quên chưa đóng -, tới quầy Check-in, xếp hàng, chuẩn bị lên máy bay, rồi lại xếp hàng chờ, lại tới quầy, rồi lại Check-in, mở va li và chẳng biết sáng mai tôi được ăn gì. Đã có thời điểm tôi thấy mọi thứ đều tuyệt vời. Giờ thì thời điểm đó đã chấm dứt. Tôi không còn thấy thích thú khi được ăn của ngon vật lạ hay phải thức dậy trên một chiếc giường lạ hoắc.
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!