Chương 6 Chúng tôi cãi nhau Hôm nay cũng không phải ngày lễ tết gì, tại sao ngoài đường lại đông người thế nhỉ? Có mỗi việc gọi xe mà mất cả buổi. Ban đầu, Văn Hạ còn đứng ngay ngắn, ra dáng cô gái hiện đại, nhưng được một lúc, lưng cô đã cong lại thể hiện sự chán nản. Nóng chết đi được! Đứng thêm lát nữa sẽ say nắng mất thôi. Đúng là cô nên đi học lái xe. Trước đây, cô nghĩ có Tô Mạch cũng như có lái xe riêng. Bây giờ anh tài xế Tô Mạch đó cũng đình công nên cô mới rơi vào hoàn cảnh khốn khổ thế này. Đáng ghét!
Sau khi đứng bên đường khoảng mười lăm phút, Văn Hạ lấy di động ra gọi cho Tô Mạch. Kết quả, đầu tiên là một bản nhạc nhẹ nhàng vang lên, sau đó người phụ nữ chết tiệt đó nói không có người nghe máy. Chắc anh ấy vẫn đang họp nên để điện thoại ở chế độ im lặng.
Văn Hạ yêu cầu Tô Mạch chỉ được phép tắt máy ở giờ thứ hai mươi lăm. Có giờ thứ hai mươi lăm không? Không có. Thế nên anh không được phép tắt máy. Vì sợ điện thoại di động đột nhiên trục trặc và cô nàng Văn Hạ ghê gớm nên anh luôn để sẵn trong túi hai cục pin điện thoại di động. Cô gái đó ghê gớm như vậy, còn Tô Mạch thì sao? Anh cũng chưa bao giờ dám tắt máy, không dám để cô tìm mà không thấy. Vì anh biết Văn Hạ mà khóc thì đúng là trời long đất lở.
Cúi đầu hậm hực tắt điện thoại, Văn Hạ ngẩng lên, xe taxi vẫn có người. Vừa hay lúc đó, có một chiếc xe buýt đi đến. Văn Hạ chẳng lấy gì làm vui vẻ bước lên, bỏ một đồng vào hộp. Không có chỗ ngồi, cô đành phải đứng ở gần cửa. Một trận lắc lư khiến cho cô say xe lên xuống. Cuối cùng cũng đến nơi nhưng ôi trời ơi, cô đang đứng ở cửa trước, xuống xe ở cửa sau, người thì đông nghịt, chen mãi mới đến được cửa sau. Đến nơi thì xe đã chạy rồi nên cô đành đứng thêm một bến nữa.
Cô phải đi bộ ngược lại mười phút mới tới nhà bà nội. Sớm biết thế này thì thà đi bộ cho rồi, việc gì phải làm khổ mình như vậy chứ?
Cô bước lên tầng đang định ấn chuông thì cánh cửa đã mở ra. Sau đó là một bà cụ phúc hậu đeo mắt kính nhỏ đứng bên cửa với vẻ không hài lòng, nói:
Cô bé mập này, sao giờ cháu mới tới?
Người này chính là bà nội của Tô Mạch. Bà hơn bảy mươi tuổi rồi nhưng thần thái vẫn rất tốt. Niềm vui hằng ngày của bà là chơi mạt chược và chơi game, không có việc gì thì bà đi du lịch. Hai ba năm trước bà còn đi xe lên núi. Văn Hạ cảm thấy mình đã mạnh mẽ rồi nhưng sau khi gặp bà thì cô thật sự bái phục.
Cô bé mập là cái tên bà nội Tô Mạch đặt cho Văn Hạ. Thực ra, ban đầu Văn Hạ cũng không thích lắm, người ta chỉ hơi mũm mĩm một chút thôi mà, đâu cần phải nói thẳng ra như vậy. Sau đó bà Tống Vận nhận ra, bà đã nói với cô, người già nói con mập, ý là nói con khỏe mạnh đáng yêu. Lúc đó, cô mới cảm thấy thoải mái hơn nhiều.
Bà nội, cháu sắp không chịu nổi nữa. Bà mau kiếm cho cháu cái gì mát mát đi. Cháu sắp ngất đến nơi rồi. – Văn Hạ đá chiếc giày cao gót ra khỏi chân, mái tóc chải chuốt kỹ đã rối bời, cô chạy như bay bổ nhào xuống chiếc sofa. Lúc này, hai chú chó cảnh chạy đến dụi dụi vào người cô.
Cháu lại bị say nắng rồi hả? Cô bé này, sức khỏe của cháu làm sao thế? Mau mau, nằm xuống nghỉ đi rồi còn lên lầu đánh mạt chược với ta chứ. Bà nội lấy đĩa dưa hấu trong tủ lạnh ra rồi ngồi bên cạnh quạt cho cô.
Bà nội, bà tàn nhẫn thế! Cháu đã như thế này rồi mà bà còn nhẫn tâm kéo cháu đi làm vật hy sinh? – Văn Hạ nằm trên sofa, trán đắp chiếc khăn lạnh, miệng thở phù phù ra hơi nóng.
Không có cháu thì còn ý nghĩa gì chứ? Bà Vương và bà Lý ở tầng trên đều bảo gọi cháu đến. Bà nghe mẹ cháu nói, cháu lại thôi việc rồi hả? Cháu đến đây đánh mạt chược với bà hằng ngày đi, bà sẽ trả lương cho cháu. – Bà nội nói câu này thật trượng nghĩa, mới sung sướng làm sao. Bà nội chưa bao giờ phải trải qua những tháng ngày vất vả. Trước kia, bà nội là tiểu thư nhà khá giả. Sau khi lấy chồng, bà trở thành phu nhân. Cuộc đời bà chưa từng nếm mùi vất vả. Văn Hạ luôn lấy bà nội làm mục tiêu cố gắng của mình.
Tô Mạch từng nói, bao nhiêu năm nay, anh chưa từng thấy bà nội nấu một bữa cơm bao giờ, đều là ông nội chăm sóc bà. Thế nên, sau khi ông nội mất, bà nội như rơi xuống tận cùng vực thẳm đau khổ. Thấy bà vui vẻ như bây giờ, Văn Hạ càng cảm thấy người đàn ông của mình thật có hiếu. Người đàn ông yêu gia đình mới yêu cô. Đây cũng là một trong những lý do mà hồi đó cô đã bất chấp tất cả để theo anh.
Nằm một lát, Văn Hạ thấy khá hơn chút liền bị bà nội kéo lên tầng trên đánh mạt chược. Mấy bà nghe nói Văn Hạ đến thì đều chào hỏi rất thân mật, cô bé mập, cô bé mập. Ông bà của Văn Hạ mất rất sớm nên cô rất trân trọng tình thương yêu của những người bà này. Họ thật lòng quan tâm đến cô, để cô cảm nhận được sự nồng nhiệt của thành phố xa lạ.
Căn phòng vang lên điệu hát kịch Hoàng Mai vở Nữ phò mã đan xen với tiếng lào xào của các quân bài mạt chược, còn cả tiếng than thở não nề của Văn Hạ nữa. Lại thành pháo thủ. Tô Mạch đi đến đâu cũng dành cho Văn Hạ biệt hiệu “Tiểu pháo thủ cờ đỏ ba tám”. Thực ra, Văn Hạ cũng không đến nỗi kém cỏi như vậy. Có điều, chơi với các bà để các cụ vui thì đến bài hát tiếng Anh của cô cũng biến thành điệu kịch Nữ phò mã . Cô cảm thấy mình thực sự được quay lại mười mấy năm trước.
Chơi không đến hai tiếng thì các bà đều đã mệt. Văn Hạ giục, họ bảo lát nữa chơi tiếp, phải nghỉ một lát đã. Bà nội tự hào dẫn cô cháu dâu về nhà vì cháu nội của mấy bà kia đều không ở gần họ hoặc là vẫn còn nhỏ. Thế nên, Văn Hạ trở thành niềm tự hào rất lớn của bà nội.
Bà nội đưa cháu đi siêu thị nhé. Tối nay, chúng ta sẽ nấu cơm cho mẹ cháu và Tô Mạch. – Bà nội trên tay cầm chiếc ví nhỏ tinh xảo, mặc chiếc áo phông cực kỳ thời thượng, nói với Văn Hạ bằng giọng thật dễ thương.
Văn Hạ ngoan ngoãn để bà nội dắt tay đến siêu thị. Nhưng không có việc gì nên cô lại nhìn điện thoại di động. Đã lâu như vậy rồi mà sao Tô Mạch vẫn chưa gọi điện lại? Sao vẫn đang họp? Khi cô nhìn chiếc di động lần thứ n thì cuối cùng Tô Mạch cũng gọi đến.
A lô! Sao bây giờ anh mới gọi điện cho em? Anh làm gì thế hả? Anh đang ở cùng ai? – Văn Hạ nghe điện thoại liền bắn một tràng súng liên thanh những câu hỏi.
Cưng à, tối nay có thể anh không đến nhà bà nội ăn cơm được. Anh đến đón em muộn một chút nhé. Hôm nay chủ tịch hội đồng quản trị đến nên anh phải đi cùng ông ấy ra ngoài. – Đầu bên kia Tô Mạch khốn khổ thanh minh. Đây không phải là lần đầu anh lỗi hẹn. Theo tính cách của Văn Hạ, chắc chắn cô lại giận bốc hỏa mất.
Lại thế rồi. Anh đi đi. Anh về sớm chút là được. Đừng uống rượu, đừng ngắm gái. Anh cẩn thận đấy. Anh mà ngắm người con gái khác thì sẽ bị hỏng mắt đấy. – Với chuyện này, Văn Hạ tuyệt đối không mềm lòng. Cô tin Tô Mạch nhưng không tin những người con gái kia. Họ dám cướp người đàn ông của cô thì cô sẽ làm cho họ sống không bằng chết.
Được rồi. Anh gác máy đây. – Nói xong, Tô Mạch cúp máy. Văn Hạ nghe đầu bên kia có người gọi anh, chắc là sếp anh. Haizzz! Thực ra, cô biết Tô Mạch cũng không mấy dễ chịu. Anh luôn phải cố gắng để chứng minh bản thân, thế nên cô cũng đành cố nhẫn nhịn chuyện không vui để hiểu anh.
Quả đúng như vậy. Đợi mãi không thấy Tô Mạch đến, bà Tống Vận về thấy Văn Hạ không vui cũng an ủi cô. Văn Hạ quan tâm đến Tô Mạch nên cũng phải tôn trọng người mẹ như bà, nhưng đàn ông lại có bản tính hiếu thắng và tích cực theo đuổi sự nghiệp nên bà chỉ có thể thỉnh thoảng nhắc Tô Mạch hãy quan tâm nhiều hơn đến Văn Hạ.
Vừa ăn cơm xong thì chuông cửa reo, mắt Văn Hạ lập tức sáng bừng lên. Cô chạy ra mở cửa, không phải Tô Mạch mà là Tô Tịch, người tối qua nói sẽ đóng cửa ở nhà. Vì hai nhà quen biết và có quan hệ khá tốt nên Tô Tịch ở nhà bà nội Tô Mạch cũng giống như ở nhà bà nội mình.
Sau khi nũng nịu bà nội, Tô Tịch ngồi xuống bên Văn Hạ, huých cô thì thầm:
Anh em vẫn chưa đến ạ?
Ừ! – Văn Hạ gật đầu, có vẻ hơi ỉu xìu.
Ngày nào chị cũng vậy thì chán lắm! Bạn em có một quán cà phê muốn nhượng lại. Chị có làm không? Hồi trước chị chẳng bảo muốn mở quán cà phê là gì?
Không được. Cần nhiều tiền lắm! Chưa chắc ông anh của em đã đồng ý đâu. –Văn Hạ có chút khó xử. Hai người sống với nhau có hơi buồn cười một chút. Người ta thường thì phụ nữ quản lý chuyện tiền nong trong gia đình nhưng nhà họ thì lại do Tô Mạch quản lý. Vì Văn Hạ không nhanh nhạy lắm với chuyện tiền nong và cô thường xuyên tính nhầm. Hơn nữa, cô lại còn hay tiêu tiền không đúng mục đích nữa. Để sửa cái tật này của cô, hằng ngày Tô Mạch đã quản lý cô rất kỹ.
Chị nói chị ở nhà đần hết người rồi. Chị giỏi cơ mà. Chị thuyết phục ông anh họ của em đi. Chị dùng sức hấp dẫn của người con gái để chinh phục anh ấy đi. – Tô Tịch dụ dỗ Văn Hạ. Thực sự cô cũng không vui khi thấy Văn Hạ cứ ỉu xìu như vậy.
Để chị xem thế nào đã. – Văn Hạ đáp.
Cuối cùng, Tô Mạch cũng không đến đón Văn Hạ mà Tô Tịch lái xe đưa cô về. Tô Tịch vốn định ở lại ngủ cùng nhưng cô kiên quyết bảo Tô Tịch về nghỉ sớm. Cô biết chắc chắn hôm nay Tô Mạch sẽ về, chỉ có điều là hơi muộn chút thôi. Tô Mạch chưa bao giờ ngủ qua đêm ở ngoài. Cô phải đợi anh.
Tô Tịch nhìn bóng Văn Hạ bước lên lầu, nhìn đèn nhà họ bật sáng rồi mới châm một điếu thuốc, sau đó cầm điện thoại lên nhẹ nhàng nói:
Anh à, anh về sớm nhé. Tâm trạng của chị Văn Hạ không được tốt đâu.
Tô Mạch về đến nhà cũng gần một giờ sáng. Quá đông người, lại phải gặp gỡ ngoại giao nhiều nên anh muốn thoát thân cũng không thoát nổi. Anh đành phải bảo Tô Tịch đến xem Văn Hạ thế nào. Nghe Tô Tịch nói vậy khiến anh càng lo hơn. Khó khăn lắm anh mới tiễn được chủ tịch về, sau đó vội vàng lái xe về nhà ngay. Anh cũng chẳng còn tâm trí đâu mà để ý đến mùi rượu trên người mình.
Văn Hạ cảm thấy Tô Mạch lại gần, ngửi thấy mùi rượu và thuốc lá trên người anh. Cô hơi chau mày. Khi anh vừa định hôn thì cô xoay người vùng dậy, trừng mắt nhìn anh.
Cưng à, anh xin lỗi. Hôm nay thật sự là anh rất bận. – Tinh thần Tô Mạch cũng không được tỉnh táo như hồi sáng, có chút chán nản và mệt mỏi.
Ngày nào anh chẳng bận. Ngày nào anh chẳng bắt em chờ đợi như vậy. Anh nói lời mà có giữ lời đâu. – Giọng Văn Hạ oang oang. Dù sao cô cũng không vui. Bản thân anh cũng không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu rồi?
Tô Mạch ngồi xuống giơ tay ra định kéo cô. Cô gạt mạnh tay anh ra, giận dữ nhìn anh nói:
Đừng động vào em.
Em là của anh. Anh không động vào em thì động vào ai chứ? Ngoan nào! Sau này, anh sẽ không thế nữa. – Tô Mạch kiên nhẫn dỗ dành cô nhưng vấn đề là lòng kiên nhẫn của anh cũng có hạn.
Anh đừng nhắc đến sau này nữa. Lần nào anh cũng nói như vậy. Em không tin anh nữa đâu. Anh đi đi, đi đi. – Văn Hạ vừa nói vừa đẩy anh ra. Cô không nghe không hiểu cứ thế đẩy anh ra khỏi giường.
Được rồi.Anh cũng mệt rồi. Ngày mai, anh còn phải đi làm. – Tô Mạch đã mệt mỏi cả ngày. Anh vốn định dỗ dành cô ngủ nhưng thấy cô còn ầm ĩ như vậy nên lòng cũng thấy giận.
Anh thì có lý rồi, còn em thì không. Anh ra ngoài đi. Đừng có ngủ với em. Người anh bốc mùi đấy. – Văn Hạ đứng trên giường nhìn Tô Mạch. Cô cũng có thể chiếm thế thượng phong một lần chứ.
Được rồi. Em nói đấy nhé. Không ngủ thì không ngủ. – Tô Mạch tức giận. Ngày ngày, anh vất vả như vậy là vì ai? Bên ngoài thì không được kêu mệt, về nhà cô cũng không hiểu, không ủng hộ thì thôi, động một tí là nổi giận. Tô Mạch quay đầu cầm áo ngủ của mình bước ra ngoài đóng cửa lại. Anh ra phòng khách ngủ. Đây là cách cãi nhau của họ ngủ riêng.
Văn Hạ tức phát khóc. Anh chàng Tô Mạch chết tiệt này cũng không thèm chạy đến an ủi cô. Cô càng khóc to hơn, khóc to hơn, khóc đến lúc mệt nhoài thì lăn ra ngủ. Tô Mạch ở ngoài phòng khách thì sao? Không phải anh không an ủi cô mà là anh quá mệt, đặt lưng xuống là ngủ thiếp đi luôn. Anh không hề nghe thấy tiếng khóc nên Văn Hạ đã lãng phí mấy bát nước mắt uổng công rồi.