Khi lần đầu tiên trở thành cô gái PR trong quán bar Gossi, Hạ Tuyết đã nôn thốc ruột, cảm giác quặn đau của bao tử rất kinh khủng, đầu óc chẳng còn tỉnh táo vì uống quá nhiều rượu. Toàn thân mệt lả, không chút sức lực vậy mà đêm đó cô được khách “boa” tiền chẳng bao nhiêu.
Tiếng nhạc xập xình, ánh đèn màu chớp tắt trong thế giới hào nhoáng mờ ảo, Hạ Tuyết đứng bên quầy chờ xem có vị khách nào gọi mình không. Dẫu làm PR một thời gian nhưng cô vẫn còn cảm giác đau nhừ sống lưng, rát buốt lòng bàn chân vì phải đứng trên đôi giày gót cao năm, bảy phân trong suốt tám giờ liền. Buồn buồn, Hạ Tuyết đưa mắt quan sát xung quanh. Những cô PR khác cứ như mấy chiếc bóng, đang lượn lờ theo nhạc. Ai ai cũng ngồi tâm sự cùng với khách và uống rượu hoặc trở thành “trò vui” của họ. Cô nào cô đó phấn trắng phấn hồng dày cuộm, gương mặt tươi sáng, năng động ở lứa tuổi xuân thì tràn trề sức sống. Các PR mặc toàn váy ngắn ôm sát người, lúc hở vai khi thì trễ xuống nửa ngực. Mỗi người mỗi vẻ. Những nụ cười khác nhau. Những hoàn cảnh khác nhau. Và, những thân phận khác nhau…
Hạ Tuyết làm PR hơn hai năm. Cuối cấp III, cô đã xin vào làm việc trong quán bar Gossi. Cuộc sống quá vất vả, để có thể trang trải học phí, tiền sinh hoạt hàng tháng và trả nợ cho người cha rượu chè tàn nhẫn thô bạo, Hạ Tuyết đã oằn lưng gánh lấy mọi thứ khi còn là nữ sinh ngồi trên ghế nhà trường. Việc gì kiếm tiền nhanh chóng ngoài việc phục vụ ở bar? Có người trong một đêm kiếm được cả triệu từ tiền boa của khách. Suy nghĩ đắn đo mãi, cuối cùng Hạ Tuyết quyết định trở thành PR. Cô bé ngây thơ này nghĩ rằng đó là nghề dễ dàng kiếm tiền để rồi khi hoà mình vào “cuộc chơi đèn màu” ấy mới thấy thật vất vả, khổ cực và kinh khủng! Hạ Tuyết nhiều lần bị “lốc”, xem như đêm đó mất trắng. Đêm nào cũng như đêm ấy, “lên sàn” lúc hai mươi giờ rồi suốt tám tiếng đồng hồ nhảy nhót, nốc đầy rượu cho đến khi ói mửa trong toilet, Hạ Tuyết tan ca vào hai giờ sáng với cảm giác chênh vênh như say sóng. Chỉ cần về đến nhà là cô vực ra giường, ngủ ngon lành mặc bao tử cồn cào, long lỏng nước. Nhưng sáng chưa sáu giờ thì Hạ Tuyết đã phải đạp xe đến trường trong trạng thái vô cùng mỏi mệt do ngủ không đủ. Tình hình này kéo dài suốt hai năm đến khi cô vào đại học, ngành mỹ thuật, cũng là thời điểm hiện nay.
Đang ngẩn người thì Hạ Tuyết giật mình vì có tiếng khách gọi. Quay qua, cô thấy một người đàn ông sáu mươi tuổi, tóc lốm đốm bạc, ngồi ở góc tối sát tường với mấy chai rượu trên bàn, đang vẫy tay. Nhanh chóng, Hạ Tuyết đi đến gần rồi ngồi xuống bên cạnh, mỉm cười thân thiện:
“Quý khách cần gì, em sẽ phục vụ chu đáo.”
Vị khách già khà khà, hơi rượu nồng nặc thật khó chịu, kéo dài giọng:
“Uống rượu với anh chút đi!”
Dẫu cái từ anh phát ra từ miệng ông ta khiến Hạ Tuyết rợn người nhưng chiều lòng khách, cô cầm chai rượu lên uống một hơi. Người đàn ông cũng tiếp tục uống… Tiếp, ông cứ ép Hạ Tuyết uống liên tục không ngừng hết chai này đến chai khác mãi đến lúc cô gái trẻ phải giơ tay từ chối:
“Xin lỗi, em không thể uống tiếp nữa.”
“Vậy hả?” – Ông ta hỏi nhạt.
Đột ngột vị khách già đó liền ép sát thân thể đầy mùi rượu vào Hạ Tuyết đồng thời ôm lấy cô. Ông bắt đầu đưa đôi tay bàn tay thô cứng vuốt ve cặp đùi trắng của cô gái rồi từ từ tiến vào sâu hơn. Vì bất ngờ, Hạ Tuyết đẩy nhẹ vị khách ra xa.
“Dạ, em chưa quen…” – Hạ Tuyết bối rối nói xin lỗi sau khi biết mình vừa làm phật lòng khách.
Bị cụt hứng, vị khách sáu mươi tuổi tỏ ra bực mình. Ông ta giơ ngón tay ra trước mặt Hạ Tuyết, gằng một chữ:
“Xéo!”
Hạ Tuyết đứng dậy, buồn bã vì không nhận được đồng boa nào.
Khi rời khỏi chỗ nơi ông khách lớn tuổi ngồi, Hạ Tuyết liền chạy xộc vào toilet, mở cửa và lao đến bồn cầu nôn ọc. Cuống họng rất buốt, bụng quặn đau. Bao nhiêu thứ trong bao tử trào ra hết. Chỉ toàn nước với nước. Vài phút sau, Hạ Tuyết ngồi phịch xuống nền sàn lạnh ngắt, lả người. Đầu óc cô choáng váng, những sợi thần kinh căng lên như muốn bung cả não. Thật kinh khủng với chất cồn. Dựa lưng vào tường, cô gái trẻ nhắm mắt nghỉ mệt cho lại sức…
…..
Vừa bước chân vào phòng locker, Hạ Tuyết đã bắt gặp cảnh Phụng “tỉ” – vốn là một PR “lão luyện” và được nhiều khách gọi đứng bàn ở bar Gossi – mở trừng trừng mắt, sửng cồ với cô bé nào đó trông mặt rất lạ lẫm, giống như người mới:
“Con khốn! Mắt mày đui à? Sao dám bước qua váy tao?”
Đứng đối diện, cô bé nọ sợ hãi, khép nép trả lời:
“Dạ, em xin lỗi chị! Thật tình là em không cố ý.”
Hạ Tuyết giấu tiếng thở dài vì quá quen với cái màn “ma cũ” hiếp đáp “ma mới”. Không chỉ riêng bar Gossi này mà hầu như ở các bar khác đều thế, nhiều PR luôn tự đặt mình cao hơn PR khác, giẫm đạp lên nhân phẩm của nhau để tồn tại. Một số cô chẳng rõ thế nào cứ luôn tỏ ra bản thân là “chị đại” tức đàn chị với những cô gái mới vào làm. Thậm chí đến mức, ngay trong giờ “lên sàn”, các cô này còn dằn mặt “địch thủ” ngay lúc họ đang ngồi cùng khách.
“Mày tin lát không còn đường về? Nhìn đểu tao hả? Đánh cho bể mặt bây giờ!” – Đại loại như những câu đe doạ đậm chất bạo lực giống vậy.
Ở thế giới đèn màu này, ngoài việc đối phó với những người khách bệnh hoạn biến thái, các PR còn phải chống trả với chính “đồng nghiệp” của mình nữa.
Dù nhìn bề ngoài là thế nhưng thật chất, trước khi được gọi hai chữ “chị đại” những cô PR ấy đã từng có gương mặt rất khác. Hạ Tuyết từng nghe vú Lệ – một trong bốn nhân viên vệ sinh ở đây – bảo rằng: “Nhìn vậy chứ chúng nó cũng đáng thương. Hồi mới vào làm, đứa nào đứa nấy hiền lành ngây thơ. Nhưng sau một thời gian vì rượu bia, vì đồng tiền, vì bị khách chà đạp nên ai nấy đều bắt đầu “xù lông” ra bảo vệ mình. Có đứa cười nói với khách xong rồi thấy vô toilet khóc ngon lành. Có mấy đứa khác uống nhiều đến nỗi ói ra máu. Tội lắm!”
Vâng, nghề PR là vậy đấy! Không khác được.
Tiếng quát lớn của Phụng “tỉ” khiến Hạ Tuyết sựt tỉnh, trở về với thực tại:
“Khóc cái gì? Ở đây không có chỗ cho nàng công chúa đâu!”
Cô bé kia nấc khẽ, chốc chốc lại thấy đưa tay lên gạt nước mắt. Nghĩ mình không thể đứng làm ngơ nên Hạ Tuyết mau chóng đi đến, nhìn Phụng “tỉ” nói nhẹ nhàng. Dẫu sao, so về sự nổi tiếng cô làm gì sánh bằng “chị đại” này vì vậy nói năng phải e dè.
“Chị Phụng, em nó mới vào còn lạ chỗ, nhiều khi không để ý giẫm trúng váy chị. Chị rộng lượng bỏ qua cho nó.”
Vừa bảo, Hạ Tuyết vừa chuyển ánh mắt sang cô bé kia còn đang sụt sùi như muốn hỏi: “Đúng không?”. Hiểu ý, cô bé liền gật gật đầu, nói từ xin lỗi lí nhí trong miệng.
Phụng “tỉ” cầm chiếc váy bị bẩn, hết nhìn khinh rẻ Hạ Tuyết rồi lại liếc qua cô bé:
“Hôm nay tâm trạng tao vui nên tạm thời bỏ qua. Lần sau, mày liệu đi đứng cẩn thận.”
Lúc Phụng “tỉ” quay lưng đi, cô bé cúi người cám ơn không ngừng. Còn Hạ Tuyết thấy nhẹ người. Ban nãy cô gái họ Hạ hơi lo vì nếu Phụng “tỉ” vẫn làm lớn chuyện thì không khéo, ngay cả bản thân cô cũng sẽ trở thành nạn nhân của những lời đe doạ đáng sợ ấy.
“Dạ, em cám ơn chị nhiều ạ.” – Cô bé nọ xoay sang bên cạnh, nở nụ cười với đôi mắt còn đỏ hoe, ươn ướt.
“Không có gì, em là người mới à? Chị là Hạ Tuyết.” – Hạ Tuyết thân thiện hỏi.
“Vâng, em tên Hà Dương, mười tám tuổi và hôm nay là đêm đầu em đi làm. Quản lý Dung bảo em vào phòng này thay đồ rồi ra tiếp khách. Em vào đây thấy ai cũng đáng sợ.” – Dứt lời, Hà Dương đảo mắt nhìn một lượt những cô gái khác trong phòng locker.
Hạ Tuyết rất hiểu tâm trạng của Hà Dương vì trước đây cô đã từng có cảm giác đó. Lần đầu tiên đến Gossi làm PR, lúc mở vào phòng locker, gáy cô nóng ran khi chạm phải mấy chục cặp mắt lạnh lùng lẫn dò xét của gần ba mươi PR đang đứng ngồi lố nhố trang điểm, làm tóc trong khoảng chưa tới 13m2. Vài người chỉ mặc áo ngực quần lót ngồi khoanh chân trên ghế hay ngồi bệch dưới sàn nhà ăn mì. Ớ vài góc tường, vài cô PR làm ca sáng nằm bẹp dí trên mảnh chiếu. Mùi thuốc lá, mùi phấn xộc vào mũi kinh khủng vô cùng! Giờ đây thấy hoàn cảnh của Hà Dương, Hạ Tuyết tưởng chừng như bản thân vừa gặp lại chính mình cách đây hai năm.
“Không sao đâu em. Một thời gian sau rồi sẽ quen.” – Hạ Tuyết mỉm cười cốt xua đi nỗi lo lắng trong đôi mắt ngây thơ của Hà Dương – “Mà em mau thay đồ đi, kẻo quản lý vào la rầy thì mệt.”
Nghe Hạ Tuyết nhắc nhở, Hà Dương mới chợt nhớ ra phận sự của mình nên đáp vâng. Nhưng nhìn tới nhìn lui một hồi, cô bé mười tám tuổi mới hỏi:
“Ở đây không có phòng thay đồ riêng hả chị?”
Hà Dương vừa dứt lời thì có tiếng cười khe khẽ vang lên. Cả hai quay qua thấy Phụng “tỉ” đang ngồi trang điểm và nở cười nhạt nhẽo. Điệu bộ bà chị này ra vẻ khinh thường lắm. Nhưng hẳn vì nhàm chán với việc phải đôi co qua lại nên cô không nói thêm điều gì.
Giấu tiếng thở dài, Hạ Tuyết vỗ nhẹ vai Hà Dương, giải thích:
“Chúng ta đều là chị em phụ nữ với nhau, chẳng có gì phải mắc cỡ cả. Em cứ việc thay quần áo ngay tại đây.”
Hà Dương cắn môi, đảo mắt khắp lượt ra điều hơi khó xử. Tuy xung quanh toàn là những cô gái trẻ thế nhưng nói gì thì nói, ai lại cởi quần áo giữa bàn dân thiên hạ như vậy được.
“Hay để chị giúp em!” – Hạ Tuyết như hiểu rõ mối bận tâm của cô em gái mới.
Không còn cách nào khác, Hà Dương đành gật đầu đồng ý. Với tay lấy quần áo đã chuẩn bị sẵn, cô theo Hạ Tuyết đi vào một góc phòng khá kín đáo vì được che bởi chiếc tủ cao. Hạ Tuyết đứng xoay lưng lại đứng che cho Hà Dương đỡ mắc cỡ. Còn cô bé mười tám tuổi thì mau chóng thay đồ mới. Loay hoay hơn mười lăm phút sau cô mới mặc xong.
Chiếc váy bó sát, ngắn củn cởn khiến Hà Dương cứ không ngừng dùng tay kéo kéo xuống. Trông thế, Hạ Tuyết nhẹ nhàng bảo:
“Làm PR ở bar phải ăn mặc vậy đấy, ban đầu thấy kỳ kỳ nhưng thời gian sau sẽ ổn.”
“Dạ…” – Hà Dương đáp lí nhí.
Đúng lúc cửa locker mở, Khương Dung – một người phụ nữ chững chạc ngoài ba mươi tuổi với cái nhìn sắc sảo vốn là quản lý ở bar Goosi – xuất hiện, bảo nhanh:
“Mấy em xong chưa, bên ngoài đang thiếu người đó.”
Những cô gái PR nọ nhanh chóng đứng dậy, lần lượt rời khỏi phòng. Phụng “tỉ”, sau khi chỉnh trang xong, còn khẽ liếc Hà Dương và Hạ Tuyết trước khi ra ngoài cùng mọi người. Cuối cùng, Khương Dung mới đảo mắt về phía Hà Dương đang đứng bên cạnh Hạ Tuyết, kêu lên:
“Ấy, quýt chị quên em. Nào ra đây, chị có vị khách này dành cho em.”
Hà Dương khẽ nhìn qua Hạ Tuyết thấy cô chị ấy cười tươi, gật khẽ như muốn nói: “Cố gắng lên! Sẽ ổn thôi.”
Dõi theo bóng dáng rụt rè của Hà Dương đi ra cửa, Hạ Tuyết cũng bước theo. Rồi cô thấy quản lý Khương Dung đưa cô bé mười tám tuổi đến chỗ vị khách quen nào đấy của bar. Nếu cô nhớ không lầm thì anh chàng này khá là khó chịu. Hẳn, quản lý muốn thử xem Hà Dương làm việc thế nào.
Để ý thấy có vị khách khác ở gần chỗ Hà Dương đang ngồi uống rượu một mình buồn bã, Hạ Tuyết liền đến gần, ngồi xuống mỉm cười đồng thời mở lời mong muốn được phục vụ cho anh. Vị khách đó vui vẻ đồng ý.
Trong lúc rót rượu cho khách, Hạ Tuyết khéo léo đưa mắt qua quan sát tình hình xem Hà Dương có gặp rắc rối gì với vị “thượng đế” khó tính kia. Nhưng vẻ như vận may đã đến với Hà Dương vì mọi chuyện diễn ra khá suông sẻ. Anh chàng nọ chắc là dân mê bóng đá vì cứ giáng mắt vào chiếc TV truyền hình trực tiếp trận bóng giữa hai đội nào đó mà không bận tâm lắm với cô gái PR trẻ trung ngồi bên cạnh. Thỉnh thoảng anh ta bảo Hà Dương đấm vai, mát xa đầu thư giãn. Thấy quản lý “canh me” mình hoài, Hà Dương cũng rất biết cách khi nhẹ nhàng chen vào vài câu bình luận về trận bóng với khách. Quả nhiên, hành động này hữu hiệu bởi cơ mặt của vị khách ấy dãn ra, tươi tỉnh hẳn lên.
Trông vẻ hài lòng trên gương mặt quản lý Khương Dung, Hạ Tuyết thở phào. Có lẽ, cô không cần phải quá lo cho cô bé mười tám tuổi xinh xắn họ Hà nữa.
“Có chuyện gì phiền muộn sao?”
Giọng nói khá trầm của chàng trai bên cạnh, cũng là vị khách mà Hạ Tuyết đang rót rượu, vang lên khiến Hạ Tuyết hơi giật mình. Mau chóng quay qua, cô thấy anh nhìn mình mỉm cười thân thiện như muốn hỏi: “Vẫn ổn chứ?” Bấy giờ, Hạ Tuyết mới nhận ra bản thân thật “tắc trách” vì không phục vụ tốt cho khách trong khi cứ mãi lo chuyện của Hà Dương. Cô gái họ Hạ cắn môi, tự trách.
“Em xin lỗi.” – Hạ Tuyết chẳng dám ngước mặt nhìn khách.
Tiếng anh chàng nọ cười khe khẽ rồi bảo nhẹ nhàng:
“Không sao, tôi chỉ lo cô mệt thôi. Tôi họ Hoàng, tên Tri Đồng. Còn cô?”
Hạ Tuyết khá bất ngờ khi có vị khách đi bar tự giới thiệu về tên thật của mình một cách thẳng thắn như thế. Dường như, anh chàng này không giống những người đàn ông khác hiện đang có ở bar Gossi này.
“Ừm, dạ em tên Hạ Tuyết!”
Cô gái họ Hạ vừa nói xong tên mình thì Tri Đồng nở nụ cười tươi, ra điều thích thú:
“Hạ Tuyết? Tuyết rơi mùa hè ư? Hay thật!”
“Vâng, cám ơn anh.”
“Nè, đừng cúi gằm mặt như vậy, hãy nói chuyện với tôi bình thường.” – Tri Đồng vừa nói vừa nhìn nhìn cô gái ngồi đối diện cứ “giấu” mãi gương mặt mình dưới mái tóc đen.
Hạ Tuyết hơi xấu hổ vì nhận ra anh chàng đang trêu chọc mình. Ngần ngừ chốc lát, cô ngẩng mặt lên cao, hướng ánh mắt trực diện vào anh.
“Phải thế chứ, bình đẳng và tôn trọng nhau, ok?” – Tri Đồng pha chút giọng đùa đùa – “ Cô là sinh viên hay đã đi làm?”
“Em mới sinh viên năm II, ngành mỹ thuật. Vì gia cảnh khốn khó nên em đành phục vụ ở bar.” – Không chút đắn đo, Hạ Tuyết trình bày rõ về cuộc sống hiện tại của mình.
“À ra vậy!” – Buông ba từ nhẹ tênh ấy xong, tự dưng Tri Đồng im lặng.
Ngạc nhiên vì khách đột ngột ngừng cuộc đối thoại, Hạ Tuyết khẽ khàng đưa mắt nhìn qua. Trong bóng tối nơi góc phòng và ánh sáng mờ mờ ảo ảo của bar, cô gái trẻ nhanh chóng nhận ra đó là chàng trai có đôi mắt đẹp nhưng lại mang nét mặt buồn bã. Đúng là anh không giống những người đàn ông đi khách tại bar Gossi… Lịch lãm, trầm lặng, tử tế, dịu dàng, tất cả điều đó hầu như thể hiện rất rõ trên con người anh. Chợt nhiên Hạ Tuyết thấy vui vì lần đầu tiên mình đứng bàn với một vị “thượng đế” tốt bụng như thế này. Nếu khách đến bar ai ai cũng như chàng trai họ Hoàng đó thì chắc hẳn cuộc đời các cô gái PR đã khác. Chí ít, họ không bị mang ra làm trò chơi, không bị chà đạp nhân phẩm…
“Xin lỗi, tôi làm cô khó chịu à?”
“Dạ không… chính em mới phải xin lỗi vì đã không phục vụ anh chu đáo.”
Tri Đồng cười nhẹ, lắc đầu:
“Tôi là một doanh nhân nên thường có nhiều chuyện phiền muộn, đó chằng hề là lỗi của người khác. Ngược lại, tâm trạng tôi thoải mái hơn nhiều từ khi nói chuyện với cô.”
Tri Đồng đặt chai rượu lên bàn, đảo mắt nhìn xuống đồng hồ đeo tay xong liền đứng dậy. Hiển nhiên, anh chàng tốt bụng không quên làm hành động này: lấy trong bóp tiền ra tờ polyme 500.000 còn mới nguyên đưa cho Hạ Tuyết.
“Nhiều vậy ạ? Nãy giờ em có làm gì cho anh đâu.” – Hạ Tuyết kinh ngạc đến mức phải thốt ra câu hỏi đầy ngớ ngẩn ấy.
“Cô giúp tôi giải khoay, trò chuyện cùng tôi cũng xem như đã bỏ ra công sức làm việc. Chẳng phải nghề PR là vậy sao? Ừm, mai có thể tôi lại đến, khi đó hy vọng tôi sẽ được cô Hạ Tuyết phục vụ.”
Mỉm cười và nháy mắt trêu đùa với cô gái họ Hạ xong, Tri Đồng lặng lẽ rời khỏi quán bar Gossi xập xình tiếng nhạc. Về phía Hạ Tuyết, cô vẫn ngồi thừ trên ghế, bàn tay cầm tờ tiền mới tinh mà ban nãy chàng trai họ Hoàng đã dúi vào. Thật chẳng tin nổi! Thú thật, việc khách boa 500.000 vốn cũng rất bình thường nhưng điều khiến cô gái trẻ này ngồi bất động là do câu nói vừa rồi từ Tri Đồng: “Cô giúp tôi giải khoay, trò chuyện cùng tôi cũng xem như đã bỏ ra công sức làm việc. Chẳng phải nghề PR là vậy sao?” Từ trước đến giờ, chưa một ai ngoài anh, nghĩ cái nghề PR đơn thuần chỉ là để trò chuyện, giải khoay cho khách chứ không phải “dạng gái qua đêm” như xã hội hay đàm tếu. Lạ lùng quá sức! Hạ Tuyết nhìn tờ polyme mới trong tay, nở nụ cười êm dịu. Hoàng Tri Đồng – cô sẽ nhớ cái tên này vì anh đúng là vị khách thượng đế.
Còn đang suy nghĩ miên man thì Hạ Tuyết sựt nhớ đến Hà Dương. Mau chóng xoay sang bên cạnh, cô thấy vị khách khó chịu kia cũng đang đứng dậy, chuẩn bị ra về. Anh ta hào phóng rút tờ 200.000 ra đưa cho Hà Dương. Cô bé mười tám tuổi vẻ như chưa hiểu nên cứ nghệt mặt nhìn khách. Khéo léo, Hạ Tuyết thúc nhẹ khuỷ tay vào hông Hà Dương, ra hiệu bảo cô bé hãy nhận tiền. Khi khách rời khỏi bàn, cầm tờ polyme sắc hồng đổi màu dưới ánh đèn chớp tắt, gương mặt Hà Dương hằn rõ sự bối rối.
“Lúc khách đưa tiền boa, em phải nhanh nhẹn nhận lấy, đừng chần chừ kẻo bị “lốc” thì uổng lắm, hiểu chưa?” – Hạ Tuyết giảng giải.
“Dạ, em hiểu rồi. Vì em chưa quen nhận tiền kiểu này nên…” – Hà Dương gãi đầu, dáng vẻ còn lúng túng lắm.
Cô gái họ Hà nói chưa hết câu thì đúng lúc, một nhóm khách đi vào, toàn là người trẻ.
Không cất tiếng, quản lý Khương Dung chỉ đưa mắt về phía Hạ Tuyết và Hà Dương đang ngồi “rảnh rang” ý muốn bảo cả hai hãy lại đứng bàn với nhóm khách mới đó. Gật đầu nghe theo, Hạ Tuyết cầm tay cô em gái rồi hai người đi đến chỗ những người kia. Trông mấy chai rượu ngoại ngạo nghễ đặt trên bàn, Hạ Tuyết nhăn mặt. Nhóm khách này uống rượu như uống nước lã, xoay vòng liên tục và ai cũng nốc cạn 100%. Cô gái họ Hạ hiểu, mình và cả Hà Dương sắp bị “hơ lửa bụng” với cái kiểu uống chịu chơi ấy. Nhưng chẳng còn cách nào khác, hai cô gái trẻ đành cầm chai rượu lên, mỉm cười với khách…
Khi chai rượu cuối cùng cạn đáy thì đồng hồ điểm hơn một giờ sáng. Và sau ba mươi phút, bar Gossi xuống nhạc.
Trong bar không còn một bóng khách nào. Những cô gái PR lần lượt xuống phòng locker thay đồ, ra về.
Vừa mở cửa bước vào phòng với dáng vẻ mỏi mệt thì Hạ Tuyết, Hà Dương bắt gặp sáu cô PR, mỗi người một góc, đang nằm ngủ mệt nhoài trên nền đất lạnh. Không còn dáng vẻ duyên dáng và tươi như hoa lúc ở trên sàn, trông ai ai cũng rũ rượi, phờ phạc. Cô thì nằm cong co, cô thì úp mặt xuống sàn ngủ mê. Khi ấy, vú Lệ đi ngang qua, thở dài chép miệng: “Kiếm được đồng tiền cực khổ quá!”
Hạ Tuyết đảo mắt nhìn xung quanh. Trái với dáng vẻ tươi tắn, sôi động đầy sức sống khi trong bar, lúc ra về những cô gái PR lại ít nói hẳn. Họ lặng lẽ thay đồ, mặt ai nấy buồn xo và nhợt nhạt vì mệt mỏi kinh khủng. Hạ Tuyết nghĩ, hẳn dáng vẻ bây giờ của mình cũng chẳng thua gì họ.
Đột ngột, ai đó đi ra cửa và vô tình đụng trúng vai Hạ Tuyết. Những làn khói thuốc vẩn quanh một gương mặt lạnh tanh, băng giá không chút cảm xúc. Miệng nhả khói phì phò, cô chị PR già dặn bảo nhạt:
“Sao hai cô lại đứng chắn ở giữa đường như vậy? Trễ lắm rồi, còn không mau về nhà.”
Không kịp xem phản ứng của đối phương, cô PR đầy khói thuốc lá ấy biến mất nhanh chóng ở cửa phòng locker.
“Ai mà đáng sợ quá chị ạ?” – Hà Dương vừa vuốt vuốt bụng vừa e dè.
“Chị Thuỵ Trinh! Chị ấy cũng là PR lâu năm của bar Gossi.” – Hạ Tuyết đáp.
“Ở đây có nhiều chị đại quá.”
Hạ Tuyết cười cười trước câu nói có phần kính nể của cô bé mười tám tuổi. Chợt, cả hai nghe tiếng nhắc nhở khe khẽ của vú Lệ. Chúng vâng dạ rồi thay đồ…
***
Đường phố vắng tênh. Gió thổi lùa lạnh lẽo cả người. Sau khi chia tay với Hà Dương, Hạ Tuyết lững thững đạp xe về nhà. Tiếng kêu cọt kẹt của chiếc xe cũ kỹ vẫn chẳng làm cô tỉnh táo hơn. Đầu óc cứ lênh đênh như sóng biển do ban nãy uống nhiều rượu với nhóm khách nọ. Bụng thì cồn cào dẫu đang no căng bởi bên trong chỉ toàn nước với nước. Mệt! Vô cùng mệt! Bóng dáng cô gái trẻ chìm dần vào màn đêm quạnh quẽ, đơn độc.
Dựng xe đạp ngay trước cửa ngôi nhà nhỏ tồi tàn, Hạ Tuyết uể oải vác cái túi vải cũ sờn lên vai rồi đi vào bên trong. Mới đặt chân ngay ngưỡng cửa là cô gái trẻ đã bị một người đàn ông tóc tai rối mù, mặt mày dữ tợn, mắt đỏ kè và nồng nặc mùi rượu chặn lối. Ông trợn tròn mắt, giọng lèm nhèm nghe không rõ:
“Mày… cho tao tiền… Mau!”
“Bố đừng suốt ngày rượu chè, cờ bạc nữa. Con không đủ khả năng…”
Hạ Tuyết còn chưa kịp dứt lời thì đã lãnh ngay cú tát trời giáng vào ngay giữ mặt từ người bố tàn nhẫn. Cô ngã xuống đất, đầu va mạnh vào cửa rướm máu.
Chỉ mới hoàn hồn lại là Hạ Tuyết tiếp tục bị bố nắm tóc, giật mạnh ra sau. Ông ta kéo mặt con gái lên, đối diện với mình, gầm gừ:
“Điếm thúi! Đưa tiền cho tao ngay nếu mày không muốn bị đập!”
Nhắm mắt, cố ngăn tiếng khóc sắp bật ra, Hạ Tuyết lấy trong túi ra vài tờ bạc:
“Chỉ có bấy nhiêu thôi.”
“Có tiền là được rồi.” – Bố Hạ Tuyết cười khà khà, dúi đầu con trở về chỗ cũ và lảo đảo đẩy mạnh cửa, đi ra ngoài.
Còn lại một mình, Hạ Tuyết cúi thấp mái đầu. Bờ vai run nhẹ, cô khóc khẽ. Một tay giơ lên cầm máu trên trán, tay còn lại cô gái dùng để gạt những dòng nước mắt ấm nóng.
***
Ngôi nhà cho thuê xập xệ tồi tàn nằm trong con đường hẻm chật chội nhầy nhụa. Cánh cửa mở toan, Hà Dương bước vào với thân hình liêu siêu như muốn đổ vật xuống sàn.
“Ôi! Mệt quá đi! Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, mỏi chân! Chỉ một đêm thôi mà cả người rã rời thế này.”
Câu than thở kết thúc, Hà Dương đưa mắt nhìn quanh nhà. Không gian vẫn yên ắng như mọi khi và đồ vật thì bừa bộn, nhếch nhác hết chỗ nói. Chợt, đôi mắt to tròn của cô nữ sinh ánh lên vẻ ngạc nhiên khi trên chiếc giường cũ bên cạnh cửa sổ, một người phụ nữ trung niên mái tóc dài rũ rượi đang ngồi thẫn thờ với cái nhìn ngây ngây dại dại hệt kiểu chẳng biết chuyện gì xảy ra trong cuộc số 801 ng vậy. Gương mặt hốc hác, chốc chốc bà lại còn cười cười. Tức thì, Hà Dương cố gắng dựng người thẳng lên, đi lại gần.
“Mẹ ơi, mẹ chưa ngủ ư? Trời khuya lắm rồi!”
Hoá ra, người phụ nữ trông dáng vẻ điên khùng ấy là mẹ của Hà Dương.
Thấy mẹ lặng thinh không đáp, Hà Dương nhẹ nhàng vén mái tóc bà qua một bên vai để rồi cô bé bắt gặp bàn tay gầy guộc trơ xương kia đang giữ khư khư bức hình của người đàn ông xa lạ! À không! Đối với Hà Dương ông ta không hề xa lạ chút nào! Một nửa dòng máu trong người cô chính là của ông…
Lúc này đến lượt Hà Dương lặng im. Cô bé mười tám tuổi từ từ ngồi xuống bên cạnh mẹ. Bà chẳng buồn quay lại nhìn con gái. Cũng phải! Giờ đầu óc bà có còn nhận thức được điều gì đâu chứ. Từ lúc người đàn ông đó rời xa là bà đã trở nên như vậy.
Người bố mà Hà Dương suốt mười mấy năm trời chưa lần nào gặp mặt.
Cô bé không may mắn như những đứa trẻ đồng lứa khác để có thể gọi một tiếng “bố”.
Ông ta đã có gia đình trước khi tìm đến mẹ Hà Dương… Số phận cay đắng thay khi lòng dạ đàn ông dễ thay đổi và luôn tham lam.
Ngôi nhà nhỏ hiu hắt càng thêm cô quạnh khi không còn bất kỳ âm thanh nào ngoài tiếng gió lùa lạnh lẽo và tiếng nấc khe khẽ của cô bé nhỏ tuổi.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !