Hải Trình Kon - Tiki Chương 1


Chương 1
Lập thuyết

Nhìn lại. Ông lão trên đảo Fatuhiva. Gió và luồng nước. Truy tìm Tiki. Người Polynesia gốc gác từ đâu? Bí mật ở Nam Thái Bình Dương. Lý thuyết và thực tế. Huyền thoại về Kon-Tiki và chủng tộc da trắng. Chiến tranh bùng nổ.

Đôi khi con người ta thấy mình lâm vào những hoàn cảnh thật lạ lùng, kỳ quái. Anh ta có thể rơi tuột vào đấy một cách hết sức tự nhiên. Vướng vào rồi, anh ta bỗng sửng sốt và tự hỏi vì đâu nên nỗi.

Chẳng hạn có chuyện một người cưỡi bè ra biển với một con vẹt và năm người bạn. Sớm hay muộn, nhất định sẽ có lần anh ta thức giấc vào một buổi sáng đẹp trời trên biển cả, có thể anh ta sảng khoái hơn mọi ngày đôi chút và bắt đầu ngẫm nghĩ. Truyen8.mobi

Vào một buổi sáng đẹp trời như thế tôi đã ngồi ghi vào quyển nhật ký hải trình ẩm sì:

“17 tháng Năm. Biển động. Gió thuận. Hôm nay tôi phải làm đầu bếp, nhặt được bảy con cá chuồn trên sàn bè, một con cá mực trên mái lều và một con cá không biết tên gì trong túi ngủ của Torstein...”

Đến đây thì cây bút chì ngập ngừng và một ý nghĩ len vào đầu tôi: quả là một ngày 17 tháng Năm kỳ lạ; phải, nhìn chung đúng là một cuộc sống rất ư độc đáo - chung quanh chỉ toàn bầu trời và biển cả. Câu chuyện đã bắt đầu như thế nào nhỉ?

Quay sang trái, đôi mắt không bị che chắn của tôi thấy biển xanh vời vợi với những con sóng trắng xóa bọt, cuồn cuộn không ngừng, mãi chạy theo chân trời luôn lùi xa lẩn tránh. Quay sang phải, tôi nhìn vào bên trong một túp lều tranh tối tranh sáng, chỗ trú ngụ của chúng tôi từ mấy tuần nay. Một anh chàng râu xồm đang nằm ngửa đọc Goethe[1](1), trầm ngâm thọc mấy ngón chân vào giữa những thanh tre ngang của cái mái thấp chủn. Truyen8.mobi

“Bengt này”, tôi vừa nói vừa xua con vẹt xanh đang ngó lom lom quyển nhật ký hải trình, “mẹ kiếp, bạn có thể cho mình biết vì sao mà tụi mình lại lâm vào cảnh ngộ này không?”

Tác phẩm của Goethe liền khuất dưới hàm râu nâu đỏ.

“Khỉ ạ, chính bạn phải biết rõ nhất chứ, đó là do cái sáng kiến vớ vẩn của bạn mà. Nhưng mình lại rất khoái sáng kiến ấy!”

Anh đưa mấy ngón chân lên ba nấc nữa và quay lại với Goethe. Trước cửa lều có ba anh chàng khác đang làm việc trên tấm sàn tre, dưới ánh nắng chói chang. Họ trần trùng trục, sạm nắng, râu ria xồm xoàm, lưng trắng muối biển, vẻ mặt như chưa hề làm gì khác hơn là vượt Thái Bình Dương trên một chiếc bè. Chợt Erich lách vào lều, tay cầm kính lục phân[1](2) và một cuộn giấy:

“Tám mươi chín độ năm mươi sáu phút hướng tây, tám độ mười phút hướng nam. Mấy ngày qua chạy tốt, các bạn ạ!”

Anh chụp cây bút chì của tôi, khoanh một vòng tròn trên tấm hải đồ treo trên vách tre, một vòng tròn nhỏ xíu cuối chuỗi gồm mười chín vòng tròn khác trải dài từ cảng Callao trên bờ biển Peru tới vị trí chúng tôi hiện giờ. Hermann, Knut và Torstein cũng hăm hở chui vào lều ngắm nghía vòng tròn mới này, cái vòng tròn đã đưa chúng tôi xích lại gần những hòn đảo Nam Thái Bình Dương thêm khoảng bốn mươi hải lý so với vòng tròn trước.

“Mấy bạn xem này!” Hermann kêu lên đầy tự hào, “vậy là bọn mình đã rời bờ biển Peru được 1570 cây số rồi!”

“Mình chỉ còn có 6430 cây số nữa thôi là tới hòn đảo gần nhất”, Knut thận trọng nói thêm.

“Và để cho thật chính xác”, Torstein nói, “là cách đáy biển 5000 mét và khơ khớ sải tay(1)[1] dưới mặt trăng!”

Vậy là cả đám chúng tôi đủ biết mình đang ở đâu và tôi có thể tiếp tục ngẫm nghĩ về hai chữ “vì sao” kia. Con vẹt cũng hài lòng và lại lò mò tới quyển nhật ký hải trình. Còn biển cả vẫn rất tròn, vẫn được bầu trời phủ kín, vẫn toàn màu xanh ôm lấy màu xanh. Truyen8.mobi

Có lẽ toàn bộ câu chuyện bắt đầu vào mùa đông năm ngoái, tại phòng giám đốc một viện bảo tàng ở New York. Hoặc giả nó đã manh nha từ mười năm trước tại một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Marquesas giữa Thái Bình Dương. Có lẽ chúng tôi đã cập vào chính hòn đảo ấy, nếu gió Đông Bắc không đẩy chúng tôi tiếp tục dạt về hướng Nam, tới quần đảo Tahiti và Tuamotu. Tôi có thể hình dung rõ rệt hòn đảo nhỏ kia với những đỉnh núi trọc đỏ màu thép gỉ, với rừng già xanh thẫm dọc sườn núi và những thân dừa mảnh dẻ trên bãi biển suốt đời đung đưa trong gió. Hòn đảo ấy tên là Fatuhiva, giữa nó và chỗ chúng tôi hiện đang lênh đênh trên biển không có một dải đất liền nào, vậy mà cách cả vài nghìn hải lý. Tôi có thể thấy rõ cả dải thung lũng Oula hẹp trổ ra biển và còn nhớ chiều chiều vợ chồng tôi vẫn ngồi trên bãi vắng, nhìn ra biển cả mênh mông trông ngóng như thế nào. Ngày ấy, tôi đi hưởng tuần trăng mật, chứ không phải với đám cướp biển râu ria như lúc này. Vợ chồng tôi sưu tập đủ thứ động vật, tượng thần thánh và những kỷ vật khác của một nền văn hóa đã tàn lụi. Tôi nhớ rất rõ một buổi chiều nọ. Thế giới văn minh ở mãi đâu đó, xa tắp và mờ ảo. Hai chúng tôi, những người da trắng duy nhất đã sống gần một năm trên đảo, đều muốn vứt quách mọi thành quả của nền văn minh, cả tốt lẫn xấu. Chúng tôi ở trong một loại nhà sàn tự tay dựng dưới rặng dừa trên bãi biển, ăn những thứ được rừng nhiệt đới và đại dương cung cấp.

Chúng tôi bước vào một trường học cam go nhưng đầy thực tiễn và có được cái nhìn về nhiều vấn đề kỳ lạ của Thái Bình Dương. Tôi tin rằng vợ chồng tôi đã thường đi theo vết chân, cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, của những con người cổ xưa đầu tiên đến đảo này từ một xứ sở nào đấy và hậu duệ của họ đã tự do cai trị vùng Polynesia(1)[1] này cho tới khi những kẻ cùng dòng giống của chúng tôi đến đây, một tay cầm Kinh Thánh, tay kia cầm súng và chai rượu mạnh.

Tối hôm ấy chúng tôi ngồi trên bãi biển như bao lần trước, dưới ánh trăng, ngay sát biển. Cả hai tỉnh thao láo, lòng ngập trong ngoại cảnh đầy vẻ phiêu lưu, không bỏ sót một ấn tượng nào. Chúng tôi hít thở hương thơm rừng rậm lẫn mùi muối đậm đà của biển khơi. Chúng tôi lắng nghe tiếng gió rì rào trong những tàu dừa và những cành lá um tùm. Nhưng tất cả mọi thứ cứ bị át đi bởi tiếng sóng nhồi cuồn cuộn, bởi con sóng xô bờ ập vào lớp sỏi đá trên bãi, tung tóe thành nghìn con sóng bạc, ào ào thành triệu giọt nước lấp lánh cho tới khi sóng lặng, kéo ra xa, tập hợp cho một đợt tiến công tiếp theo vào bãi biển không bao giờ chịu khuất phục. Truyen8.mobi

“Lạ thật”, Liv nói, “phía bên kia đảo không hề có sóng xô bờ như thế này.”

“Phải rồi”, tôi đáp, “nhưng đây là hướng gió, mà sóng lại ngay trước đầu gió.”

Thế là chúng tôi lại ngồi đó trầm trồ trước biển khơi, như thể nó đã không ngừng biểu diễn cho chúng tôi thấy cội nguồn của nó từ đâu, rằng nó từ hướng đông cuồn cuộn tới nơi đây, từ hướng đông, từ hướng đông! Chính là ngọn gió đông muôn thuở, ngọn gió Mậu dịch (Tín phong), đã khuấy động mặt biển khơi, đẩy nó cuồn cuộn vượt qua chân trời phía đông tới những hòn đảo này, nơi mà cuối cùng những con sóng lớn tan ra giữa những vách đá và những vạt đá ngầm, còn ngọn gió đông chỉ hơi nhích cao lên một tí, tiếp tục tự do bay qua những bãi biển, rừng rậm, núi non về hướng tây, từ đảo này qua đảo khác, tới gần nơi mặt trời lặn. Cũng y như thế, ngay từ thuở mới khai thiên lập địa, những áng mây nhẹ nhàng đã từ hướng đông bay qua những hòn đảo. Những con người đầu tiên đặt chân lên các đảo này nắm rất rõ quy luật của trời mây gió biển ở đây, chim muông và côn trùng cũng thế. Ngay cả cỏ cây trên các đảo cũng hoàn toàn bị quy luật này chi phối. Chúng tôi biết rõ rằng xa tít tắp sau chân trời phía đông, nơi những áng mây bay lên là bờ biển Nam Mỹ. Từ đây đến đó những tám nghìn cây số, tám nghìn cây số chỉ toàn biển là biển.

Vợ chồng tôi lại thả hồn vào những áng mây trôi và biển cả ngập ánh trăng. Chợt người thổ dân già, mình trần, ngồi xổm trước hai chúng tôi, nhìn đăm đăm vào đống lửa nhỏ sắp tàn nói:

“Tiki”, lời lão đầy bí ẩn, “vừa là thần vừa là tù trưởng. Tiki là người đưa tổ tiên chúng tôi đến những hòn đảo mà chúng tôi hiện đang sinh sống ngày nay. Xa xưa, cha ông chúng tôi sống ở một đất nước rộng lớn xa tít bên kia biển cả.”

Lão lấy que cời than hồng cho khỏi lụi. Lão đã già lắm, ngồi bó gối thẫn thờ trầm ngâm. Lão vẫn còn sống trong quá khứ xa xưa và hết lòng gắn bó với nó. Lão tôn kính tổ tiên, tỏ tường về số phận họ cho tới tận thời kỳ họ là thần thánh và lão chờ đến ngày lại được sum vầy với họ. Lão Tei Tetua là người sót lại cuối cùng của tất cả các bộ tộc đã tuyệt chủng trên bờ đông đảo Fatuhiva. Lão không biết mình bao nhiêu tuổi, nhưng làn da nâu sạm nhăn nheo như vỏ cây của lão khác nào được nắng gió thuộc cứng suốt cả trăm năm. Chắc chắn lão là một trong số ít người trên các đảo còn nhớ và tin vào những truyền thuyết về tiền nhân của họ và về Tiki, con trai của mặt trời, vị tù trưởng thần thánh vĩ đại của dân Polynesia.

Tối hôm ấy, trong tiếng sóng ì ầm xa xa, khi vợ chồng tôi chui vào cái giường trong ngôi nhà sàn nhỏ tí của mình, đầu óc tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những điều lão Tei Tetua kể về quê hương thiêng liêng phía bên kia biển cả. Sóng rì rầm ngoài kia nghe như tiếng từ thời hồng hoang muốn kể cho chúng tôi đôi chuyện trong đêm vắng. Tôi không ngủ được. Như thể thời gian đã ngưng hiện hữu và Tiki cùng những người đàn ông đi biển của mình đang định ghé đất liền, ở dưới bãi biển kia, nơi sóng vỗ bờ. Tôi chợt lóe lên một ý nghĩ:

“Liv này, em có thấy rằng những tượng đá Tiki khổng lồ trong rừng già phía trên kia khiến mình liên tưởng ngay đến những pho tượng đá khổng lồ ở Nam Mỹ, đến di tích của những nền văn minh đã biến mất từ lâu rồi không?”

Tôi nghe rõ từ nơi sóng vỗ bờ vọng lên tiếng lẩm bẩm khen ngợi điều nhận xét của tôi. Rồi tiếng sóng từ từ lặng tắt. Tôi thiếp đi.

Có thể câu chuyện bắt đầu như thế. Dù sao đi nữa thì một loạt sự kiện cũng khởi nguồn từ đó, để rồi cuối cùng chúng đưa sáu mạng chúng tôi với một chú vẹt xanh lên một chiếc bè trước bờ biển Nam Mỹ. Truyen8.mobi

Cho đến hôm nay tôi vẫn còn thấy khổ tâm vì đã làm bố tôi giận, còn mẹ tôi cùng bạn bè tôi chưng hửng như thế nào khi tôi trở về Na Uy, giao lại bộ sưu tập của mình về bọ cánh cứng và cá ở đảo Fatuhiva cho viện bảo tàng động vật của trường đại học. Lúc ấy tôi muốn chấm dứt việc nghiên cứu về động vật để chuyển sang nghiên cứu về các tộc người nguyên thủy. Những điều bí mật ở Nam Thái Bình Dương chưa được giải đáp cuốn hút tôi. Chúng phải có một lời giải hợp lý, và tôi đặt cho mình mục tiêu phải xác minh về nhân vật truyền thuyết Tiki kia.

Rồi những nghiên cứu của tôi suốt những năm sau đó về các tộc người ở Nam Thái Bình Dương tiềm ẩn tiếng sóng vỗ bờ và những phế tích trong rừng già, như một giấc mơ xa vời huyễn hoặc. Truyen8.mobi

Việc thử tìm hiểu tư tưởng và sinh hoạt của một tộc người nguyên thủy qua sách vở và thăm viện bảo tàng vô nghĩa thế nào thì việc một nhà nghiên cứu thời hiện đại phải tự đi đến mọi nơi cũng vô nghĩa như thế, trong khi ông ta có thể tìm thấy hết mọi điều trong chỉ một quyển sách duy nhất.

Các tác phẩm khoa học, những ghi chép trong thời kỳ phát hiện ra những vùng đất mới và vô số sưu tập trong các viện bảo tàng Âu Mỹ cung cấp cho tôi thừa mứa tài liệu về trò chơi ghép hình mà tôi cố thử.

Từ khi người Âu đặt chân lên các hòn đảo Nam Thái Bình Dương, sau khi phát hiện ra châu Mỹ, các nhà nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực khác nhau đã gom được cả một núi tài liệu về người Polynesia và xóm giềng của họ, nhiều đến nỗi gần như không đọc xuể. Nhưng chưa hề có một thống nhất nào về nguồn gốc của tộc người sống biệt lập này hay về lý do nào khiến họ chỉ giới hạn phạm vi sinh sống trên những hòn đảo trơ trọi ở đông Thái Bình Dương.

Khi những người Âu đầu tiên dám ra khơi trên đại dương lớn nhất thế giới này, họ ngạc nhiên phát hiện ra rằng ngay giữa biển cả có cả lô hòn đảo nhỏ với núi non, với những vạt đá san hô ngầm bằng phẳng ngăn cách nhau và ngăn cách với thế giới còn lại bởi biển cả mênh mông. Mỗi hòn đảo này đều có cư dân đến đây từ rất lâu đời. Dáng người cao lớn, họ chạy ra bãi biển chào đón khách lạ, mang theo chó, heo, gà vịt. Nguồn gốc họ ở đâu? Họ nói một thứ ngôn ngữ mà những dân tộc khác không hiểu, và người da trắng chúng ta, những kẻ trơ trẽn tự nhận đã “phát hiện” ra các hòn đảo này, thấy ở đấy đất đai được canh tác tốt và hễ có người cư trú thì đảo dù nhỏ tới đâu cũng đều có làng mạc, nhà cửa và đền đài. Phải, thậm chí ở một số đảo còn có cả những Kim tự tháp rất cổ, đường lát đá và những pho tượng cao như tòa nhà bốn tầng.

Nhưng điều bí mật vẫn chưa được giải đáp. Họ là ai, từ đâu tới?

Người ta có thể thản nhiên trả lời rằng giải đáp cho câu hỏi này cũng đầy rẫy như sách vở nghiên cứu về nó. Những chuyên gia trên các lĩnh vực văn hóa khác nhau cũng đề ra nhiều giải đáp, nhưng luận điểm của họ luôn bị những dẫn chứng lô-gích của các chuyên gia nghiên cứu theo chiều hướng khác bác bỏ. Quần đảo Mã Lai, Ấn Độ, Trung Quốc, A-rập, Ai Cập, vùng Caucasus, Atlantis[1](1), thậm chí cả Đức lẫn Na Uy đều từng được xem là nguồn gốc của người Polynesia, nhưng luôn có một khúc mắc quyết định nào đấy khiến toàn bộ lý thuyết kia mất cơ sở vững chắc.

Ở đâu khoa học chựng lại, ở đấy trí tưởng tượng tha hồ nảy sinh. Những pho tượng đá khổng lồ đầy bí ẩn trên đảo Phục sinh[1](1) và mọi di tích văn hóa khác không rõ nguồn gốc trên hòn đảo nhỏ xíu trống trải này, cái hòn đảo nằm trơ trọi ngay chính giữa hòn đảo gần nó nhất trên Thái Bình Dương và bờ biển Nam Mỹ, đã đưa tới nhiều giả thuyết hết sức khác nhau. Nhiều người cho rằng những di chỉ tìm thấy trên đảo Phục sinh rõ ràng là nền văn hóa tiền sử của Nam Mỹ. Biết đâu đảo Phục sinh và những đảo khác ở Nam Thái Bình Dương, nơi cũng có những di chỉ tương tự, là phần nổi của một châu lục đã chìm dưới biển? Truyen8.mobi

Đây là một giả thuyết khả dĩ chấp nhận được, nhưng các nhà địa chất và các nhà nghiên cứu khác không tán thưởng. Ngược lại! Các nhà động vật học đã chứng minh rất rõ qua nghiên cứu về côn trùng và những loài ốc trên các đảo Nam Thái Bình Dương rằng trong suốt lịch sử loài người những đảo này hoàn toàn biệt lập với nhau cũng như với những châu lục chung quanh, y như ngày nay vậy.

Từ đó chúng ta biết chắc chắn rằng chủng tộc Polynesia cổ bị trôi dạt hoặc đi đến những hòn đảo xa xôi khuất khúc này - dù muốn hay không. Nghiên cứu kỹ những tộc người trên các đảo Nam Thái Bình Dương ta sẽ thấy rằng họ đến đây chưa phải lâu lắm. Vì tuy họ ở phân tán trên một vùng biển rộng gấp bốn lần châu Âu song không xa cách nhau đến nỗi trên mỗi quần đảo phát triển một ngôn ngữ thật khác biệt. Từ Hawaii phía bắc đến New Zealand phía nam, từ Samoa phía tây đến đảo Phục sinh phía đông là cả nghìn hải lý, thế mà những tộc người biệt lập này cùng nói một phương ngữ được ta gọi là tiếng Polynesia. Trên tất cả các đảo này đều không có chữ viết, trừ vài thớt gỗ mang những chữ tượng hình mà các thổ dân trên đảo Phục sinh còn giữ được, mà không ai - ngay cả chính họ - đọc nổi. Ấy thế mà họ vẫn có trường học và môn lịch sử bằng thơ văn là môn quan trọng nhất đối với họ, vì ở Polynesia, lịch sử cũng quan trọng như tôn giáo. Họ tôn kính tổ tiên và vun bồi lòng tưởng nhớ các tù trưởng đã khuất, đến tận thời Tiki xa xưa mà họ vẫn kể rằng ông là con của Mặt trời.

Hầu như ở đảo nào cũng thế, những con người thông tuệ đều nhớ nằm lòng tên tuổi các tù trưởng đến tận thời tổ tiên họ tới định cư trên đảo. Để giúp trí nhớ, họ thường dùng một hệ thống phức tạp những chuỗi nút phân nhánh giống kiểu của người Inca(1)[1] ở Peru trước kia. Các nhà nghiên cứu hiện đại đều đã so sánh phả hệ trên những hòn đảo khác biệt và thấy chúng giống nhau đến kinh ngạc, cả về tên tuổi lẫn số thế hệ. Từ đó có thể tính ra được, nếu bình quân lấy một thế hệ ở Polynesia là hai mươi lăm năm, thì con người đến cư ngụ trên các đảo Nam Thái Bình Dương không trước năm 500. Một chuỗi nền văn hoá mới với một loạt tù trưởng mới cho thấy một đợt di dân mới, muộn hơn, đã đến cũng những hòn đảo này chỉ vào khoảng năm 1100.

Nhưng đợt di dân mới này phát xuất từ đâu? Xem ra chỉ một số rất ít nhà nghiên cứu lưu ý đến một nhân tố quyết định, rằng sắc dân hoàn toàn thuộc thời kỳ đồ đá kia đã đến những hòn đảo này vào một thời điểm muộn hơn rất nhiều, tính về mặt lịch sử. Tuy thông minh và có một nền văn hóa cao đáng ngạc nhiên trong mọi lĩnh vực, nhưng những người đi biển này chỉ đem theo một loại rìu đá và một loạt công cụ khác đặc trưng cho thời đồ đá và chúng lan rộng trên khắp các đảo. Chúng ta không nên quên rằng trừ các sắc dân nguyên thủy sống biệt lập trong rừng già cũng như một số bộ tộc rất lạc hậu nào đấy thì trên thế giới không một nền văn minh nào đủ sức tiếp tục lưu truyền mà vẫn ở thời đồ đá vào năm 500 hay 1100, trừ những nền văn minh ở Tân Thế giới. Ở đó, ngay cả những nền văn minh phát triển nhất của người da đỏ thời bấy giờ cũng hoàn toàn không biết đến đồ sắt. Trước khi người Âu phát hiện, họ vẫn chỉ dùng rìu và những dụng cụ bằng đá cùng loại như trên các đảo Nam Thái Bình Dương.

Biết bao nền văn hóa da đỏ ở phía đông này là “bà con” gần gũi với những nền văn hóa của người Polynesia. Ở phía tây chỉ có những sắc dân nguyên thủy da đen của châu Úc và Melanesia, họ hàng xa của những người châu Phi da đen, phía sau đấy là Indonesia và bờ biển châu Á mà có lẽ thời đồ đá xuất hiện sớm hơn mọi nơi khác trên thế giới. Truyen8.mobi

Vì thế tôi tách dần sự quan tâm và giả định của mình khỏi Cựu Thế giới, nơi người ta đã tìm tòi nhiều vẫn chẳng thấy gì, để hướng tới các nền văn hoá đã biết hoặc chưa biết của người da đỏ ở châu Mỹ vốn tới nay chưa ai quan tâm đến. Và chính tại bờ biển gần nhất, thẳng về hướng đông, nơi nước Cộng hòa Peru ở Nam Mỹ ngày nay trải từ biển Thái Bình Dương lên tận núi cao, thật không thiếu gì dấu tích, nếu ta muốn tìm. Nơi đây, một dân tộc vô danh từng sống và xây dựng một trong những nền văn hoá lạ kỳ nhất, cho tới khi họ bỗng dưng biến mất, như bị trái đất này nuốt mất tăm, trong thời tiền sử. Họ để lại những tượng đá khổng lồ giống người thật làm liên tưởng đến những tượng đá ở các đảo Pitcairn, Marquesas và Phục sinh, cũng như những Kim tự tháp bậc thềm vĩ đại tương tự những Kim tự tháp ở Tahiti và Samoa. Những con người này đã đẽo bằng rìu đá những khối đá to bằng toa xe lửa từ núi, chuyển xa cả dặm đường, rồi dựng làm cổng hoặc chồng lên nhau làm tường thành hay sân bậc thang như chúng ta thấy trên một số đảo Nam Thái Bình Dương.

Thuở những người Tây Ban Nha đầu tiên tiến vào Peru thì người Inca là chủ nhân vương quốc rộng lớn trên vùng núi non này. Họ kể cho người Tây Ban Nha rằng những pho tượng khổng lồ nằm lăn lóc trên đồng ruộng kia vốn do một dòng họ của những thần thánh da trắng dựng nên, dòng họ này từng sống nơi đây trước khi người Inca nắm được quyền lực. Những công trình sư bậc thầy biệt vô tăm tích đó được miêu tả như những nhà thông thái, hòa hiếu, thoạt đầu đến từ phương bắc, dạy cho tổ tiên lạc hậu của người Inca cách xây dựng, cày cấy cũng như phong tục tập quán. Họ cao lớn hơn hẳn và khác người Inca ở nước da trắng, râu dài. Cuối cùng họ đột nhiên rời khỏi Peru như đã thình lình tới. Từ đấy, người Inca tự nắm việc nước, còn những vị thầy da trắng kia vĩnh viễn từ bờ biển Nam Mỹ vượt Thái Bình Dương, biến mất về hướng tây.

Thành ra những người Âu đến các hòn đảo Nam Thái Bình Dương đều rất ngạc nhiên khi thấy nhiều thổ dân khá trắng trẻo và có râu. Trên nhiều hòn đảo có những gia đình mà mọi người đều da trắng rõ rệt, tóc vàng hoặc râu ngô, mắt xanh và mũi khoằm như mũi ó của giống người Semit(1)[1]. Thường thì người Polynesia da nâu vàng, tóc đen nhánh và mũi tẹt. Những người tóc hoe tự xưng là “Urukehu” và kể rằng họ là hậu duệ trực tiếp của các tù trưởng đầu tiên trên quần đảo này, những vị thần da trắng như Tangaroa, Kane và Tiki. Truyền thuyết về những người da trắng huyền bí, tổ tiên dân đảo còn lưu truyền khắp Polynesia. Năm 1722, khi Roggeveen phát hiện ra đảo Phục sinh, ông cũng rất ngạc nhiên khi gặp những người da trắng. Dân đảo Phục sinh vẫn còn nhớ rõ rằng tổ tiên họ, thời Tiki và Hotu Matua, toàn là người da trắng vượt biển đến đảo từ “một đất nước nhiều núi non ở phía đông khô hạn dưới nắng mặt trời”.

Qua những gì đã đọc được, tôi thấy ở Peru có nhiều dấu vết lạ lùng về văn hóa, thần thoại và ngôn ngữ khiến tôi không ngừng tập trung tìm tòi sâu hơn để xác minh nguồn cội của Tiki, tổ phụ người Polynesia. Truyen8.mobi

Và tôi đã tìm thấy điều mình mong đợi. Một ngày nọ tôi ngồi đọc truyền thuyết của người Inca về vị vua mặt trời Virakocha, vốn là thủ lĩnh của tộc người da trắng đã biến mất khỏi Peru. Truyền thuyết viết:

“Virakocha là tên gọi về sau này, theo tiếng Ketchua(2)[1] của người Inca. Tên gốc của thần mặt trời Virakocha được dùng xưa kia ở Peru có lẽ là Kon-Tiki hay Illa-Tiki, nghĩa là Tiki-Mặt trời hay Tiki-Lửa. Trong truyền thuyết Inca thì Kon-Tiki là đạo sĩ tối cao, là vua Mặt trời của người da trắng, những kẻ đã để lại những phế tích khổng lồ ở hồ Titicaca(1)[1]. Truyền thuyết kể rằng Kon-Tiki bị một tù trưởng tên Cari từ thung lũng Coquimbo tấn công. Trong một trận đánh trên một hòn đảo ở hồ Titicaca, những người da trắng rậm râu huyền bí bị tàn sát gần hết, chỉ còn Kon-Tiki và những thuộc hạ thân tín nhất thoát thân, tới được bờ biển và cuối cùng vượt biển biến mất về hướng tây.”

Lúc ấy tôi không còn hoài nghi gì nữa: vị thần tù trưởng da trắng Tiki-Mặt trời mà người Inca thuật lại rằng đã bị tổ tiên họ đuổi ra Thái Bình Dương kia chính là vị thần tù trưởng da trắng Tiki, con của Mặt trời, người mà cư dân các đảo phía đông Nam Thái Bình Dương tôn thờ là tổ phụ. Những chi tiết quanh cuộc đời Tiki-Mặt trời ở Peru cùng với tên cũ của những vùng quanh hồ Titicaca tái xuất hiện trong những chuyện kể lịch sử của thổ dân vùng Nam Thái Bình Dương. Truyen8.mobi

Trên khắp Polynesia lại có những di tích khác cho thấy con cháu Tiki-Mặt trời không được sống thanh bình lâu trên những đảo này. Có nhiều di tích cho thấy chiến thuyền có khả năng đi biển, to như thuyền Viking[1](2), nối hai chiếc làm một chở người da đỏ vùng Tây Bắc vượt biển đến Hawaii và tiếp tục vượt đại dương tới mọi đảo khác. Họ lai giống với con cháu của Kon-Tiki và đem đến đây một nền văn hóa mới. Họ là một dân tộc thuộc thời đồ đá khác - không biết kim loại, đồ gốm, bánh xe, khung cửi và ngũ cốc - đã tới Polynesia vào khoảng năm 1100.

Và đó là lý do khiến tôi, khi chiến tranh diễn ra ở Na Uy[1](1), lại ngồi trong viện bảo tàng British Columbia(2)[1], lục lọi những hình trên vách đá của ngư 389 ời da đỏ vùng Tây Bắc Mỹ vẽ theo phong cách Polynesia cổ. Truyen8.mobi

Bên phải quay! Bên trái quay! Toàn tiểu đội lui! Lau cầu thang trong doanh trại, đánh bóng giầy trận, học truyền tin và nhảy dù. Tất cả những chuyện này chấm dứt với đoàn công-voa Murmansk về hướng biên giới Phần Lan. Lúc ấy thần Chiến tranh của kỹ thuật tạm trú ở đấy, còn thần Mặt trời phải nghỉ một mùa đông dài.

Rồi hòa bình lập lại.

Một ngày kia tôi hoàn tất thuyết của mình. Tôi muốn qua Mỹ giới thiệu thuyết này.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25500


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận