Hải Trình Kon - Tiki Chương 2


Chương 2
Đoàn thám hiểm thành hình

Gặp các chuyên gia. Điểm mấu chốt. Trong lữ quán của thủy thủ Na Uy. Giải pháp cuối cùng. “Câu lạc bộ những người thám hiểm”. Trang bị mới. Người bạn đường đầu tiên. Bộ ba. Một họa sĩ và hai chiến hữu xưa. Đi Washington. Họp trong Bộ Chiến tranh. Cầm danh sách yêu cầu đến gặp trưởng ban quân nhu. Khó khăn về tài chính. Gặp các nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc. Bay đi Ecuador.

Chuyện bắt đầu như thế đấy, trên bãi biển một đảo Nam Thái Bình Dương, nơi một thổ dân già đã kể cho vợ chồng tôi những truyền thuyết và nhiều chuyện khác nữa về dòng giống của ông. Nhiều năm sau tôi ngồi với một ông lão khác, nhưng lần này trong một văn phòng tối tăm trên tầng cao một viện bảo tàng lớn ở New York. Truyen8.mobi

Quanh chúng tôi là những tủ kính sắp xếp ngăn nắp những cái vỏ im lìm câm nín của một thực tế xa xưa dẫn về thời hồng hoang. Chưa kể những bức tường toàn sách là sách. Nhiều quyển do một tác giả không có nổi mười người trên thế giới này đọc viết ra. Ông già, người đã đọc hết số sách nọ và bản thân từng trước tác nhiều cuốn trong số đó, ngồi hiền lành sau bàn giấy, tóc bạc trắng. Song hẳn tôi đã nói gì xúc phạm nên tay ông mới nắm chặt thành ghế một cách bực bội như thế. Quả thật, ông như thể mới bị tôi phá bĩnh.

 “Không”, ông nói, “không bao giờ!”

Ông già Noel hẳn cũng sẽ có bộ mặt y như thế nếu có ai định chứng minh rằng Giáng sinh sang năm sẽ vào ngày thiêng của thánh Jean(1).[1]

“Anh nhầm, nhầm hoàn toàn!”, ông vừa nói vừa phẫn nộ lắc đầu quầy quậy như để xua đi một ý tưởng khiến ông bực mình.

“Nhưng ông chưa đọc luận điểm của tôi mà!” tôi gắng gượng thử một lần nữa, hồi hộp chỉ vào tập bản thảo nằm trên bàn.

“Luận điểm!” ông bực bội nói. “Anh không thể tiếp cận những vấn đề dân tộc học theo kiểu nhà thám tử điều tra vụ án được!”

“Sao lại không?” tôi đáp. “Tôi đã rút ra mọi kết luận từ những điều tự quan sát và từ những dữ kiện được khoa học cung cấp.” Truyen8.mobi

“Nhiệm vụ của khoa học là nghiên cứu thuần túy chứ không phải là chứng minh một định kiến”, ông mỉm cười. Ông thận trọng đặt tập bản thảo chưa mở của tôi qua một bên rồi nhổm qua bàn:

“Tuy anh đúng hoàn toàn ở điểm Nam Mỹ là cái nôi của một trong những nền văn hóa lạ kỳ nhất của lịch sử thế giới, chúng ta chưa biết ai là chủ nhân của những nền văn hóa ấy và họ ở đâu khi người Inca nắm quyền hành, nhưng có một điều chúng ta biết chắc chắn: đó là không một tộc người nào ở Nam Mỹ đã di cư đến những đảo trên Thái Bình Dương cả.”

Ông nhìn tôi thăm dò rồi nói tiếp:

“Anh biết tại sao không? Câu trả lời thật quá đơn giản: họ không bao giờ đến những đảo ấy được. Họ không có thuyền!”

“Nhưng họ có bè”, tôi ngập ngừng cố cãi, “họ có bè gỗ balsa(1).[1]”

Ông già lại mỉm cười:

“Ừ. Thì anh cứ việc thử đi bè bằng gỗ balsa từ Peru đến các đảo Nam Thái Bình Dương xem.”

Tôi chẳng biết trả lời sao. Lúc đó đã muộn rồi. Chúng tôi đứng cả dậy. Nhà học giả già thân ái vỗ vai tôi khi tiễn ra cửa và dặn nếu cần giúp đỡ gì thì cứ đến tìm ông. Ông bảo nếu được phép thì ông khuyên tôi nên chuyên về Polynesia hoặc Nam Mỹ, chứ đừng trộn lẫn hai vùng khác nhau trên trái đất vào làm một. Rồi ông quay vào bàn giấy.

“Anh còn quên cái này”, ông nói và đưa trả tôi tập bản thảo. Tôi nhìn tựa đề: “Polynesia và châu Mỹ. Sự giống nhau giữa hai nền văn hóa.” Tôi liền kẹp bản thảo dưới nách rồi chạy ào xuống cầu thang, ra với phố xá tất bật.

Tối hôm ấy tôi tới gõ cửa một căn nhà cũ kỹ tại một xó xỉnh khuất khúc ở Greenwich Village(2). Tôi luôn đến đây tìm an ủi mỗi khi cuộc sống gặp trắc trở. Truyen8.mobi

Một người đàn ông gầy gò mũi dài cẩn thận nhìn tôi thật kỹ rồi mới toét miệng cười mở cửa mời vào. Anh kéo tôi vào gian bếp nhỏ, bảo tôi bầy muỗng nĩa trong lúc anh mở lon đồ hộp thơm nức mùi trái cây lạ rồi hâm trên bếp ga.

“Cậu đến chơi là quý hóa quá”, anh nói, “có việc gì thế?”

“Chẳng ăn thua gì”, tôi đáp, “không ai thèm biết đến bản thảo của tớ.”

Anh múc thức ăn ra đĩa rồi hai chúng tôi chúi mũi vào món trái cây thơm ngon.

“Vấn đề là”, anh nói, “mọi người cậu tìm gặp đều cho rằng cậu chỉ tình cờ nghĩ thế thôi. Cậu biết là có biết bao nhiêu người tìm đến nước Mỹ này với những ý tưởng kỳ quặc mà.”

“Đâu phải chỉ có thế!” tôi nói.

“Đúng vậy”, anh nói tiếp, “chuyện dẫn chứng. Là chuyên gia, thành ra họ không tin vào một phương cách làm việc đụng tới mọi ngành chuyên biệt - từ thực vật học cho tới khảo cổ học. Họ quen tự giới hạn phạm vi nghiên cứu để có thể tập trung đào sâu tìm kiếm chi tiết. Khoa học ngày nay đòi hỏi mỗi chuyên ngành lo đào xới phần đất của mình. Người ta không còn quen với chuyện một người nhìn xuyên suốt những kết quả của nhiều lĩnh vực khác nhau để rồi tạo ra một bức tranh lớn.”

Anh với lấy một tập bản thảo dầy cộm.

“Cậu xem”, anh nói, “tác phẩm mới nhất của tớ về mẫu các loài chim trong ngành thêu thùa Trung Quốc. Tớ mất bảy năm khó nhọc đấy, nhưng nay thì nó được nhận in ngay rồi. Thời buổi bây giờ đòi hỏi nghiên cứu chi tiết mà.”

Karl nói đúng. Nhưng giải đáp những bí ẩn của Thái Bình Dương mà không soi rọi chúng từ mọi khía cạnh khả thi, theo tôi, y như muốn chơi trò ghép hình mà chỉ dùng những miếng cùng màu thôi.

Chúng tôi thu dọn và cùng rửa chén đĩa.

“Có tin gì mới từ đại học Chicago không?”

“Không.”

“Thế hôm nay ông bạn già của cậu ở viện bảo tàng bảo sao?”

Tôi trả lời: Truyen8.mobi

“Ông ấy chẳng hề quan tâm chút nào. Ông bảo bao lâu người da đỏ chỉ có những cái bè trống toang hoác thì không thể tin nổi là họ đến được những đảo Thái Bình Dương.”

Con người nhỏ thó này chợt lau đĩa như hóa rồ. “Phải”, anh nói, “đó chính là điểm mấu chốt! Nói thật tớ cũng khó tin rằng thuyết của cậu đứng vững được.”

Tôi buồn rầu nhìn nhà dân tộc học nhỏ thó này, xưa nay tôi vẫn cho rằng anh là một trong những kẻ đồng lòng với tôi.

“Đừng hiểu nhầm tớ!” anh vội nói thêm, “một mặt tớ tin rằng cậu có lý, nhưng mặt khác nó không được sáng tỏ lắm. Nghiên cứu về chim của mình hậu thuẫn thuyết của cậu mà.”

“Karl này”, tôi nói, “tớ tin chắc rằng người da đỏ đã dùng bè vượt Thái Bình Dương, đến mức tớ sẵn sàng đóng một cái bè như thế vượt đại dương chỉ để chứng minh khả năng ấy là có.”

“Này, cậu đúng là điên!” Bạn tôi cho rằng tôi chỉ đùa cho vui, nhưng nụ cười chuyển thành lo lắng khi nghĩ tôi dám làm thật lắm.

“Nghĩa là cậu không tin điều đó có thể được?”

“Này, cậu đúng là điên! Với một cái bè ư?”

Anh không biết phải nói gì hơn nên chỉ đăm đăm nhìn tôi, như chờ tôi cười xòa một tiếng, xua tan mọi ám ảnh.

 

Nhưng tôi không cười. Tôi cũng thừa nhận rằng sẽ chẳng có ai hoan nghênh thuyết của tôi nổi, vì giữa Peru và Polynesia là một biển cả hoang vu chừng như vô tận, mà tôi lại định vượt chỉ với một cái bè thời tiền sử.

“Này”, Karl băn khoăn nhìn tôi, “tụi mình ra ngoài kia làm một ly đi!”

Chúng tôi ra quán và không bằng lòng với chỉ một ly mà thôi.

 

Tuần này tôi hết hạn thuê nhà. Đồng thời có thư từ Ngân hàng nhà nước Na Uy báo cho biết là hiện tôi không còn đồng đô la nào nữa. Giới hạn ngoại tệ[1](1) mà. Tôi xách va ly xuống xe điện ngầm đi tới Brooklyn. Tại đây tôi vào trọ trong một lữ quán cho thủy thủ Na Uy, được ăn no mà giá lại vừa túi tiền. Tôi được một căn phòng ngay dưới mái, ăn chung với các thủy thủ trong một phòng ăn lớn dưới nhà.

Giới thủy thủ tới lui không ngớt. Họ khác nhau về tính tình, vóc dáng và mức độ say rượu, nhưng có chung một điểm: khi nói về biển cả thì họ đều biết rất rõ mình nói gì.

Qua đó tôi học được rằng sóng cồn và sóng bạc đầu không mạnh hơn theo độ biển sâu hay khoảng cách bờ, mà ngược lại và một cơn gió mạnh trước bờ biển thường nguy hiểm nhiều hơn ngoài khơi xa. Những chỗ nông, sóng xô bờ hay những luồng hải lưu áp sát đất liền có khi còn khiến sóng dâng cao hơn ngoài khơi. Thuyền bè nào vượt được bờ biển trống trải thì cũng có thể tiếp tục qua nổi ngoài khơi xa nữa. Tôi hiểu rõ rằng: biển động có thể nhấn mui và đuôi tàu lớn chìm trong nước, hàng tấn nước biển ập lên sàn tàu, khiến những ống thép gãy vụn như que diêm, trong khi cũng tình huống ấy một chiếc thuyền con có thể không hề hấn gì, nếu nó có đủ chỗ để nhấp nhô giữa hai ngọn sóng như cánh chim hải âu. Trong những thủy thủ tôi gặp có một anh chàng đã thoát nạn được trên một chiếc xuồng cấp cứu, sau khi tàu của anh ta bị sóng lớn nhận chìm.

Nhưng họ có rất ít kinh nghiệm về bè mảng. Với họ thì bè không phải là thuyền, vì nó không có sống thuyền cũng chẳng có song chắn, chỉ là một vật nổi để cấp cứu khi khẩn cấp cho tới khi được một tàu thuyền nào đó vớt. Nhưng có một người đã tỏ ra hết sức trân trọng bè ngoài biển khi sóng lớn, vì anh ta đã lênh đênh suốt ba tuần trên một cái tương tự, sau khi tàu của anh ta bị thủy lôi Đức đánh đắm giữa Đại Tây Dương. Truyen8.mobi

“Nhưng trên bè ta không lái được”, anh ta nói thêm, “nó trôi ngược, trôi xuôi tùy theo hướng gió.”

Tôi lục tìm trong thư viện các bản vẽ của những người Âu đầu tiên đã tới bờ biển Thái Bình Dương ở Nam Mỹ. Không thiếu bản vẽ lẫn chi tiết về những chiếc bè lớn bằng gỗ balsa của người da đỏ. Bè có buồm chữ nhật, tấm ván chống dạt và một tay lái dài ở đuôi, nghĩa là có thể lái được.

Nhiều tuần trôi đi trong lữ quán thủy thủ. Tôi không hề nhận được hồi âm từ Chicago hay bất cứ một thành phố nào khác mà tôi đã gửi bản thảo về thuyết của tôi. Chẳng ai thèm đọc.

Thành ra một thứ Bảy kia tôi gắng gượng tới một nhà buôn đồ hàng hải dưới Water Street, mua một tấm bản đồ đi biển Thái Bình Dương, và được người ta lễ phép gọi là thuyền trưởng. Tôi đáp xe ra ngoại ô với cuộn bản đồ dưới nách tới Ossining, nơi tôi thường được đón tiếp nồng hậu như khách cuối tuần tại trang viên xinh xắn của một cặp vợ chồng trẻ người Na Uy. Anh chồng vốn là thuyền trưởng, nay là trưởng chi nhánh đường tàu Fred Olsen Line ở New York.

Nhảy xuống hồ bơi mát mẻ đủ làm tôi lãng quên cuộc sống cuối tuần còn lại trong một thành phố lớn và khi Ambjorg bưng khay rượu cocktail tới thì chúng tôi ngồi nhâm nhi dưới nắng trên thảm cỏ xanh. Tôi không nén lâu được nữa mà trải bản đồ ra, hỏi Wilhelm tới tấp rằng anh có tin một chiếc bè có thể đưa người ta an toàn từ Peru tới được các đảo Nam Thái Bình Dương không.

Hơi sửng sốt, anh nhìn tôi hơn là ngó bản đồ, nhưng rồi bất chợt trả lời rằng anh tin. Tôi thấy mình nhẹ bỗng như có cánh, vì tôi biết mọi chuyện liên quan đến hàng hải với Wilhelm vừa là nghiệp vụ vừa là đam mê. Tôi lẹ làng tiết lộ với anh về kế hoạch của tôi. Anh khẳng định như thế là điên rồ khiến tôi cáu tiết.

“Nhưng bạn vừa mới bảo rằng chuyện ấy khả thi mà”, tôi ngắt lời anh.

“Đúng thế”, anh thừa nhận, “nhưng cũng có khả năng thất bại. Cả đời bạn chưa hề đứng trên một chiếc bè gỗ balsa, thế mà bỗng dưng bạn hình dung có thể vượt Thái Bình Dương với một cái bè như thế. Có thể được, cũng có thể không. Những người da đỏ xưa ở Peru hẳn có kinh nghiệm ghép bè của nhiều thế hệ. Có thể mười chiếc thất bại mới có được một chiếc vượt biển thành công, có khi cả trăm chiếc trong vòng nhiều trăm năm. Như bạn vừa nói, người Inca đi biển với cả một đội bè gỗ balsa. Thành ra nhỡ gặp chuyện chẳng may thì bè bên cạnh có thể ứng cứu được. Còn ai sẽ vớt bạn giữa khơi xa? Ngay cả nếu bạn mang theo điện đài thì chắc người ta cũng không dễ tìm ra một chiếc bè con giữa hàng núi sóng cách đất liền cả nghìn dặm. Gặp bão, người ta có thể bị nước cuốn khỏi bè và chết đuối từ đời nào trước khi cấp cứu đến. Tốt nhất là bạn hãy bình tĩnh chờ đến lúc có ai đủ thì giờ đọc bản thảo của bạn. Cứ tiếp tục viết thư thôi thúc người ta, làm gì khác là vô ích.”

“Mình không đợi lâu thêm nữa được. Mình sắp chẳng còn xu nào trong túi.”

“Thì cứ về đây ở với bọn mình. Hơn nữa, không có tiền làm sao bạn có thể nghĩ tới chuyện làm một chuyến thám hiểm xuất phát từ Nam Mỹ?”

“Gây chú ý đến một chuyến thám hiểm dễ hơn hẳn một bản thảo chưa ai đọc.”

“Nhưng bạn có thể đạt được gì qua chuyện này?”

“Đánh đổ lập luận quan trọng nhất chống lại thuyết của mình, chưa kể khoa học sẽ chú ý tới vấn đề này.”

“Còn nếu thất bại?”

“Thì có nghĩa là thuyết của mình còn thiếu chứng cớ.”

“Lúc ấy bạn sẽ biến cái thuyết của bạn thành trò cười trước mắt mọi người.”

“Dám lắm. Tuy nhiên có thể sẽ có một kẻ thành công trong mười người, như bạn nói hồi nãy.” Truyen8.mobi

Lúc ấy lũ trẻ trong nhà kéo ra sân chơi bóng vồ nên chúng tôi không nói tiếp về chuyện đó nữa.

Cuối tuần sau tôi lại đến Ossining, lại với cuộn bản đồ dưới nách, rồi khi tôi ra về, một đường chì dài nối từ bờ biển Peru tới quần đảo Tuamotu trên Thái Bình Dương. Anh bạn thuyền trưởng kia đã thôi hy vọng thuyết phục tôi từ bỏ ý định, chúng tôi ngồi với nhau hàng giờ tính toán con đường chiếc bè sẽ trôi.

“Chín mươi bảy ngày”, Wilhelm nói, “nhưng rất tiếc chỉ trong hoàn cảnh lý tưởng là liên tục xuôi gió và với điều kiện chiếc bè chạy buồm được như bạn tin. Bạn phải tính thời gian đi ít nhất cũng mất bốn tháng, nhưng cần dự trù lâu hơn.”

“All right(1)”[1], tôi hài lòng đáp, “vậy thì ta cứ tính là bốn tháng, nhưng kết thúc trong chín mươi bảy ngày.” Truyen8.mobi

Tối hôm ấy, khi trở về ngồi xuống cạnh giường với tấm bản đồ, tôi như thấy căn phòng nhỏ xíu trong lữ quán thủy thủ ấm cúng gấp đôi. Lách qua giường và tủ, tôi đi tới đi lui.

Đội ơn Chúa, cái bè sẽ lớn hơn căn phòng này. Tôi thò đầu ra xa ngoài cửa so để nhìn bầu trời sao đã gần như bị lãng quên nơi thành phố lớn và chỉ thấy được một khoảnh nhỏ giữa những bức tường cao nơi sân sau. Dẫu trên chiếc bè chỉ có ít chỗ thì trên đầu chúng tôi vẫn đủ không gian cho cả một bầu trời sao.

Ở khu phía tây thành phố, đường 42, tại Công viên Trung Tâm tọa lạc một trong những câu lạc bộ của New York, dành riêng cho một số người nhất định. Một tấm biển đồng thau nhỏ mang hàng chữ “Explorers Club”[1](1) cho khách qua đường biết rằng sau cửa ra vào có nhiều điều khác thường chờ đợi. Nhưng khi bước vào rồi thì như thể ta vừa nhảy dù xuống giữa một thế giới lạ, cách những dãy xe ô tô của New York dưới chân những ngôi nhà chọc trời hàng nghìn dặm. Khi những cánh cửa đóng lại sau lưng, ngăn cách anh khỏi New York thì anh chìm ngập trong bầu không khí của những chuyến săn sư tử, leo núi và cuộc sống trên Bắc cực pha lẫn cảm giác kỳ lạ là ngồi trong phòng khách của một du thuyền tiện nghi đang trên đường viễn du quanh thế giới. Khắp mọi phía, các chiến tích như hà mã, hươu nai, những bộ sừng to tướng, ngà voi, trống trận, lao phóng, thảm của dân da đỏ, các bức tượng thần thánh, mẫu tàu thuyền, cờ quạt, hình ảnh và bản đồ bao quanh các hội viên, khi họ vào đây gặp nhau để vui chơi hay thuyết trình về những đất nước xa xôi.

Sau chuyến đi đến quần đảo Marquesas(2)[1], tôi được bầu làm hội viên tích cực của Câu lạc bộ. Tôi “cáo già” nên hiếm khi bỏ lỡ buổi sinh hoạt nào, trừ phi tôi không có mặt ở thành phố này. Tuy nhiên, vào một tối mưa to tháng Mười một, khi bước vào Câu lạc bộ tôi vẫn ngạc nhiên thấy khung cảnh khác hẳn bình thường: chính giữa nền nhà là một cái xuồng cao su với khẩu phần cấp cứu và dụng cụ, trong khi dù, y phục bằng cao su, áo cấp cứu và những trang bị cho thám hiểm Bắc cực chất đầy tường với bàn. Cạnh đó là những dụng cụ lọc nước biển và các phát minh đáng chú ý khác. Một hội viên mới được kết nạp, đại tá Huskin của Cục quân nhu không quân, sẽ thuyết trình kèm thao diễn một loạt phát minh quân sự mới mà theo ông là hữu ích trong tương lai cho cả những đoàn thám hiểm khoa học ở Bắc cực lẫn vùng nhiệt đới.

Sau bài thuyết trình là phần thảo luận sôi nổi. Nhà thám hiểm Bắc cực nổi tiếng người Đan Mạch là Peter Freuchen đứng lên. Dáng người cao lớn, ông bi quan gãi bộ râu rậm, bảo rằng không tin tưởng những sáng chế mốt mới như thế này. Một lần trong những chuyến thám hiểm Greenland(1)[1] chính ông đã đổi chiếc xuồng kayak[1](2) của người Eskimo và lều tuyết(3)[1] mà ông vẫn quen dùng lấy xuồng cao su và lều bỏ túi, tí nữa thì ông bỏ mạng. Trước hết ông suýt chết cóng trong một trận bão tuyết vì dây khoá lều đóng băng cứng không mở nổi; sau đó ông đi câu cá thì lưỡi câu móc vào chiếc xuồng cao su căng phồng khiến xuồng thủng một lỗ, chìm lỉm như hòn đá dưới chân. Ông và người bạn Eskimo chỉ kịp thoát lên chiếc kayak vừa trờ tới cứu. Từ đó ông tin rằng không nhà phát minh nào, dù hiện đại và giàu trí tưởng tượng đến mấy, lại có thể dùng phòng thí nghiệm mầy mò ra được những vật dụng tốt cho người Eskimo hơn những thứ mà kinh nghiệm hàng nghìn năm đã truyền cho họ trong môi trường họ quen thuộc. Truyen8.mobi

Cuộc thảo luận kết thúc với lời đề nghị bất ngờ của đại tá Huskin: các hội viên tích cực của Câu lạc bộ có thể chọn trong những phát minh mới mà ông vừa biểu diễn những gì họ muốn dùng cho cuộc thám hiểm sắp tới, chỉ với một điều kiện duy nhất là khi trở về thông báo cho phòng thí nghiệm về kinh nghiệm của mình.

Rồi chấm dứt.

Tôi là người cuối cùng rời Câu lạc bộ buổi tối hôm ấy. Tôi phải nghiên cứu từng chi tiết nhỏ của những trang bị mới tinh này, bỗng dưng chúng được đặt vào tay tôi để tôi sử dụng, nếu tôi ngỏ ý. Đây chính là thứ tôi cần: những trang bị để thử cứu mạng sống, nếu chiếc bè - trái với chờ đợi - bị vỡ mà không có bè nào khác bên cạnh.

Sáng hôm sau, ngồi vào bàn ăn điểm tâm ở lữ quán thủy thủ, tôi vẫn còn bận tâm với những trang bị này thì một anh chàng vóc dáng lực sĩ, quần áo bảnh bao bưng khay tới ngồi cùng. Chúng tôi trò chuyện, mới biết rằng anh cũng như tôi, chẳng phải thủy thủ, mà là kỹ sư ở Trondheim đến Mỹ mua thiết bị và thu thập kinh nghiệm về kỹ thuật làm lạnh. Anh ở gần đây và thường đến lữ quán ăn vì thích món Na Uy. Anh hỏi tôi làm gì, tôi liền kể sơ về ý định của mình. Tôi bảo nếu đến cuối tuần vẫn không nhận được trả lời tích cực nào về tập bản thảo của mình thì tôi sẽ làm tất cả để cho ra đời một đoàn thám hiểm bằng bè. Ngồi đối diện tôi, anh không nói gì, nhưng nghe với vẻ quan tâm.

 

Bốn ngày sau chúng tôi lại gặp nhau trong phòng ăn.

“Anh đã quyết định sẽ đi hay không chưa?” anh hỏi.

“Rồi”, tôi đáp, “sẽ đi.”

“Bao giờ?”

“Càng sớm càng tốt. Nếu chần chừ thì Nam Thái Bình Dương sẽ có giông tố, lúc ấy ở các đảo sẽ có bão. Thành ra vài tháng nữa sẽ rời Peru, nhưng trước đó phải lo kiếm tiền và tổ chức mọi chuyện.”

“Cần bao nhiêu người?”

“Mình tính tổng cộng sáu người. Để cuộc sống chung trên bè có tí chút thay đổi và vừa đủ để sắp xếp bốn giờ trực tay lái trong ngày.”

Anh chìm trong suy nghĩ một lúc rồi cả quyết:

“Nói thật, mình ao ước được cùng tham gia. Mình có thể tiến hành những đo đạc kỹ thuật và làm thí nghiệm. Chính anh đã nói rằng muốn chuyến thử nghiệm này được bổ trợ bởi những đo đạc về gió, hải lưu và sóng. Nên nhớ rằng anh định sẽ đi qua một vùng biển mênh mông hầu như chưa được biết tới, vì nó nằm ngoài các tuyến tàu. Có thể thực hiện trong chuyến đi những nghiên cứu thú vị về thủy văn lẫn khí tượng và mình có cơ hội tốt dùng tới kiến thức nhiệt động học của mình.”

Tôi không biết gì hơn về anh ngoài một khuôn mặt cởi mở. Đôi khi thế cũng đủ.

“All right!” tôi đồng ý. “Bọn mình đi với nhau.” Truyen8.mobi

Anh tên Hermann Watzinger, cũng là thứ “chuột cạn”(1)[1] y như tôi thôi.

Mấy ngày sau tôi dẫn Hermann đến “Explorers Club” với tư cách khách. Nơi đây may sao chúng tôi lại gặp chính nhà thám hiểm Bắc cực Peter Freuchen. Trời phú cho Freuchen một đặc điểm là không bao giờ khuất dạng trong đám đông. Ông cao lớn như cổng nhà kho, râu xồm trông hệt một sứ giả của vùng tundra(1)[1] trống trải, phong thái như một người đang dắt con gấu xám.

Chúng tôi kéo ông tới trước một tấm bản đồ thật to và tiết lộ kế hoạch sẽ vượt Thái Bình Dương với một chiếc bè của người da đỏ. Đôi mắt xanh trẻ trung của ông mở to như hai cái đĩa bằng kẽm và không ngừng vuốt râu vì sửng sốt khi nghe chúng tôi trình bày. Rồi ông dộng mạnh chiếc chân gỗ xuống nền nhà, siết thắt lưng chặt hơn vài lỗ.

“Chà, thế mới là kế hoạch chứ!” ông nói. “Nói thật, thế này thì tôi phải tham gia mới được!” Truyen8.mobi

Nhà thám hiểm đảo Greenland già rót đầy bia cho hai chúng tôi rồi bắt đầu kể về sự tin tưởng của ông trước tài nghệ đi lại của các tộc người nguyên thủy. Ông nói về sự thích nghi tài tình của họ với thiên nhiên, cả trên đất liền lẫn trên mặt nước và nhờ đó mà thắng lợi. Chính ông từng ngồi bè xuôi những sông lớn ở Siberia và kéo theo thổ dân đi bè hoặc xuồng dọc bờ Bắc Băng Dương. Vừa nói ông vừa vuốt râu và cả quyết rằng một khoảng thời gian tuyệt vời sẽ chờ đón chúng tôi.

Nhờ ông Freuchen nhiệt tình hỗ trợ kế hoạch của chúng tôi mà mọi chuyện liền được phát động và chúng tôi lại đột nhiên xuất 7e91 hiện trên khung những trang báo ở Bắc Âu.

Ngay sáng hôm sau người ta đã gõ rầm rầm cửa phòng tôi ở lữ quán thủy thủ, gọi xuống hành lang dưới nhà nhận điện thoại. Kết quả của lần trò chuyện qua điện thoại ấy là ngay tối hôm đó Hermann và tôi đến nhấn chuông một căn hộ sang trọng ở khu lịch sự nhất thành phố. Một người đàn ông trẻ tuổi ăn mặc chải chuốt, đi dép bóng láng, khoác áo choàng lụa bên ngoài bộ đồ ngủ xanh tiếp đón chúng tôi. Ông ta trông có vẻ hơi ẻo lả, cứ đưa khăn mùi xoa tẩm nước hoa lên mũi, xin lỗi vì đang cảm nặng. Tuy vậy chúng tôi biết ông là một người có tên tuổi ở Mỹ, vì từng là phi công có thành tích trong chiến tranh. Ngoài ông chủ nhà có vẻ ốm liệt giường ra còn có hai nhà báo trẻ sinh động, tràn trề sáng kiến và tính quả quyết. Chúng tôi nhận ra một trong hai người là phóng viên nổi tiếng.

 

Chủ nhà mở một chai rượu whisky hảo hạng mời khách và cho biết là ông rất quan tâm đến chuyến thám hiểm của chúng tôi. Ông đề nghị cung ứng kinh phí cần thiết, nếu chúng tôi đồng ý sau khi trở về viết một loạt bài đăng báo và đi các nơi thuyết trình. Cuối cùng chúng tôi thỏa thuận, cụng ly mừng sự hợp tác tốt đẹp giữa “Mạnh Thường Quân” và đoàn thám hiểm. Kể từ nay chuyện tài chính cho chuyến đi thế là được giải quyết. Mấy nhà báo sẽ chu cấp hết, chúng tôi không cần phải lo gì nữa. Hermann và tôi cần thành lập ngay đội ngũ và lo trang thiết bị, đóng bè để khời hành trước mùa giông bão.

Ngay hôm sau Hermann xin nghỉ việc ở nhiệm sở và chúng tôi nghiêm túc bắt tay ngay vào việc. Trước đó tôi đã nhận được sự đồng ý của phòng thí nghiệm Không quân rồi, vì một chuyến thám hiểm như thế này hết sức thích hợp để thử các trang bị của họ. Thông qua “Explorers Club”, họ sẽ cung ứng mọi thứ tôi yêu cầu và hơn thế nữa. Việc quan trọng nhất của chúng tôi vẫn là tìm được bốn người có khả năng sẵn sàng đi cùng và mua sắm lương thực dự trữ cho chuyến hải trình.

Phải chọn lựa rất cẩn thận nhóm người cùng đi bè lênh đênh trên đai dương, bằng không chỉ sau vài tuần sống tách biệt trên biển sẽ sinh ra gấu ó và loạn ngay. Tôi không muốn có thủy thủ trên bè. Một phần họ chẳng biết gì về chuyện đi bè hơn chúng tôi, phần khác tôi không muốn sau này người ta có được lập luận để phản bác rằng sở dĩ chúng tôi thành công vì có thủy thủ giỏi hơn những người đóng bè xưa kia ở Peru. Tuy vậy chúng tôi vẫn cần một người biết sử dụng kính lục phân trong mọi tình huống và ghi lại trên bản đồ hải trình của chúng tôi làm tài liệu cho các báo cáo khoa học.

“Mình biết một tay họa sĩ dễ thương”, tôi nói với Hermann, “một tay rất tài hoa. Hắn chơi ghi ta và hăng hái đầy mình. Hắn tốt nghiệp trường hoa tiêu và từng đi vài vòng trái đất rồi, trước khi về trụ ở nhà với cây cọ và giá vẽ. Mình biết hắn từ thời còn con nít và hồi ở nhà có đi leo núi với hắn mấy bận. Nếu mình viết thư hỏi thì chắc chắn hắn sẽ tham gia.”

“Nghe được quá”, Hermann tán thành, “bọn mình cũng cần một tay lo đài vô tuyến.” Truyen8.mobi

“Đài vô tuyến à?!” tôi hốt hoảng hỏi. “Để làm của nợ gì mới được chứ? Bè thời tiền sử làm quái gì có đài vô tuyến!”

“Chớ giãy nảy lên như thế, đó chỉ là biện pháp an toàn thôi, không mảy may ảnh hưởng đến cái thuyết của bạn đâu, chừng nào bọn mình chưa phát tín hiệu SOS(1)[1]. Vả lại mình cần điện đài để truyền những quan sát về khí tượng và những thông báo khác nữa. Đàng nào mình cũng chẳng dùng những báo động của đài khí tượng về bão tố được, thứ nhất vì lằn biển này vô danh đối với họ, mà dù không vô danh thì những báo động kia giúp gì được cho bọn mình trên bè chứ?”

Luận cứ của anh làm những phản đối của tôi xẹp dần - chẳng qua có lẽ do tôi không thích cắm ba cái nút và vặn núm bắt đài.

“Lạ thật đấy”, tôi thừa nhận, “hồi đó, khi cần phải liên lạc đường dài bằng mấy cái máy nhỏ xíu thì mình luôn làm ăn ngon lành. Hồi chiến tranh mình rơi trúng vào một đội truyền tin. Bạn biết nguyên tắc quân sự mà: khả năng anh ở đâu thì phục vụ ở đấy! Tốt nhất mình viết mấy chữ cho Knut Haugland và Torstein Raaby vậy.”

“Bạn quen họ à?”

“Quen. Mình gặp Knut lần đầu ở Anh năm 1944. Hồi đó hắn được Vua Anh tặng huân chương vì đã tham gia với tư cách điện báo viên vào vụ phá hoại nhà máy chế nước nặng(2)[1] ở Rjukan. Khi bọn mình gặp nhau thì hắn mới trở về sau khi hoàn thành một công tác ở Na Uy. Lần ấy hắn bị bọn Gestapo(3) bất ngờ bao vây khi đang ngồi trong ống khói bệnh viện sản khoa ở Oslo với cái điện đài bí mật. Bọn Quốc xã truy ra chỗ của hắn, thế là cả khu nhà bị lính Đức vây kín. Trước mỗi cửa chúng đều bố trí liên thanh. Tay trùm Gestapo[1], Fehmer, đích thân đứng dưới sân chờ lính áp giải Knut xuống, nhưng kẻ bị áp giải lại chính là những bộ hạ của y. Chả la vì Knut dùng súng ngắn bắn tháo thân từ kho trên trần nhà xuống tới hầm, từ đó thoát ra sân sau, rồi vượt tường nhà thương biến mất trong làn mưa đạn bắn đuổi. Mình gặp hắn tại một địa điểm mật trong một lâu đài ở Anh, nơi hắn trở về để tổ chức sự phối hợp dưới lòng đất của hơn một trăm cơ sở điện đài trên đất nước Na Uy bị quân Đức chiếm đóng.

Hồi đó mình mới được chỉ định qua nhảy dù và bọn mình định sẽ cùng nhảy xuống biên giới phía bắc. Nhưng ngay lúc ấy quân Nga tiến vào vùng Kirkenesgegend và một đơn vị nhỏ Na Uy được phái từ Scottland đến biên giới Phần Lan để hướng dẫn cuộc hành quân của bộ binh Nga. Mình được phái đến đó. Và gặp Torstein ở đấy.

Trên đó thật đúng là mùa đông Bắc cực, ánh sáng lung linh hắt suốt ngày lên bầu trời sao tối đen phía trên đầu bọn mình. Khi bọn mình tái xanh vì cóng, mũ lông tùm hụp tiến về vùng biên giới Phần Lan bị thiêu rụi thành than đầy hoang vu thì từ một túp lều con tuốt trên núi bò ra một gã khổng lồ tỉnh queo mắt xanh, tóc vàng bù xù. Torstein Raaby đấy. Mới đầu hắn qua Anh(1)[1], được huấn luyện rồi sau đó được bí mật đưa về Na Uy, vùng Tromso. Ở đó hắn ẩn náu với một điện đài nhỏ ngay cạnh chiếc tàu chiến Đức “Tirpitz” và suốt mười tháng ròng ngày ngày gửi báo cáo mọi diễn tiến trên tàu về Anh. Tối đến, hắn gửi tin qua ăng ten câu lén của một tay sĩ quan Đức. Cuối cùng, nhờ có các báo cáo đều đặn của hắn hướng dẫn mà máy bay Anh đã “xơi tái” chiếc “Tirpitz”. Truyen8.mobi

Rồi Torstein trốn sang Thụy Điển, từ đây trở qua Anh rồi lại nhảy dù với một điện đài mới xuống vùng hậu tuyến của quân Đức ở tuốt trên biên giới Phần Lan. Khi quân Đức rút lui thì vùng này thành hậu tuyến của ta, hắn liền chui khỏi chỗ ẩn núp để giúp quân ta với cái máy nhỏ xíu của hắn, vì cái máy chính của bọn mình bị trúng mìn hư mất rồi. Mình dám cuộc rằng Knut và Torstein không mấy thú vị khi phải ngồi nhà đâu. Mà đi bè thì chắc chắn họ sẽ khoái lắm.”

“Vậy thì bạn viết hỏi họ xem sao”, Hermann đề nghị.

Cho nên tôi viết ngay một bức thư ngắn không úp mở văn hoa dài dòng gửi Erich, Knut và Torstein, như sau:

“Sắp sửa đi bè vượt Thái Bình Dương để chứng minh thuyết của mình rằng cư dân trên các đảo Nam Thái Bình Dương vốn đến từ Peru. Mấy bạn có muốn đi cùng không? Không bảo đảm gì khác ngoài chi phí đến Peru và các đảo Nam Thái Bình Dương rồi trở về. Rất cần kiến thức kỹ thuật của các bạn. Xin trả lời ngay.”

Chúng tôi nhanh chóng nhận được điện tín sau đây:

“Mình đi với. Torstein.”

Hai người kia cũng nhận lời luôn.

Về người thứ sáu thì chúng tôi đã lên danh sách người này người nọ rồi đấy, nhưng ai cũng có điểm gì đó khiến chúng tôi không thật hài lòng. Trong khi đó Hermann và tôi phải xúc tiến chuyện lương thực dự trữ. Chúng tôi hoàn toàn không muốn trên đường đi cứ toàn phải nhai thịt lạc đà la-ma(1)[1] và khoai lang khô, vì không định chứng minh rằng xưa kia chúng tôi từng là người da đỏ. Ý nghĩa chuyến đi của chúng tôi là thử chất lượng bè của người Inca, khả năng đi biển và sức chở của nó, cũng như có đúng là sức mạnh thiên nhiên đã đưa đẩy nó cùng với những người vượt biển tới Polynesia hay không. Những thổ dân tiền bối của chúng tôi có thể sống dễ dàng với thịt khô, khoai lang khô và cá, vì dẫu sao về cơ bản họ cũng ăn những thứ này trên đất liền. Trong chuyến đi, chúng tôi còn muốn xem thử họ có tìm được cá tươi và nước mưa trên biển hay không. Đối với đồ ăn thường ngày thì tôi nghĩ tới những khẩu phần thanh đạm ngoài mặt trận mà chúng tôi quá quen thời chiến tranh.

Vào những ngày này phòng tùy viên quân sự đại sứ quán Na Uy ở Washington được phái đến một người mới. Tôi từng là phó trong đại đội của ông tại biên giới Phần Lan nên biết ông là người nóng tính, tràn trề nghị lực và luôn giải quyết rốt ráo mọi việc đã đặt ra. Ông Bjorn Rorholt này thuộc loại người năng động, luôn cảm thấy mình thừa thãi nếu đã nỗ lực vượt khó hoàn thành chuyện gì đấy mà không có liền việc mới để có thể lao ngay vào.

Tôi viết thư trình bày hoàn cảnh và yêu cầu ông dùng hết mọi bén nhạy của mình tìm cho ra người phụ trách liên lạc thuộc Phòng quản lý quân lương của quân đội Mỹ. Có khả năng họ thí nghiệm một loại quân lương mới và chúng tôi có thể xung phong làm vật thí nghiệm, giống như đối với thiết bị cấp cứu của không quân.

Hai ngày sau, Bjorn gọi cho chúng tôi từ Washington. Ông đã liên hệ được với Phòng ngoại vụ của Bộ Chiến tranh Mỹ[1] và họ muốn biết thêm chi tiết. Hermann và tôi đáp chuyến tàu lửa đầu tiên trong ngày đi Washington. Chúng tôi gặp Bjorn trong văn phòng của ông tại Phái bộ quân sự.

“Tớ tin là sẽ ổn thôi”, ông nói, “nếu có thư giới thiệu của đại tá thì ngày mai bọn mình sẽ được Phòng ngoại vụ tiếp.”

Đại tá đây là ông Otto Munthe Kaas, tùy viên quân sự Na Uy. Ông rất nhiệt tình và khi rõ lý do thì sẵn sàng cấp giấy giới thiệu cho chúng tôi. Truyen8.mobi

Sáng hôm sau, khi chúng tôi đến nhận thư giới thiệu thì ông đột nhiên đứng bật dậy bảo rằng tốt nhất là ông cùng đi. Chúng tôi cùng ngồi xe với ông tới Lầu Năm Góc, dinh cơ lớn nhất thế giới, nơi đặt các ban bệ của Bộ Chiến tranh Mỹ(1). Đại tá Otto và Bjorn mặc lễ phục ngồi băng trước, Hermann và tôi ngồi băng sau. Qua kính xe chúng tôi thấy Lầu Năm Góc khổng lồ cao vòi vọi như mọc lên từ mặt đất. Tòa nhà khổng lồ với ba mươi nghìn nhân viên và hơn hai mươi lăm cây số hành lang này là nơi chúng tôi sắp họp với các nhân vật quân sự có thẩm quyền về chuyến đi bằng bè của mình. Lẽ ra tôi phải tự lo chuyện mình trước, vì nào đã đâu vào đâu. Chưa bao giờ, trước và sau đó, Hermann và tôi thấy chuyện cái bè lại tí tẹo tầm thường đến thế. Đi hết hành lang này đến hành lang khác, chính cũng như phụ, chúng tôi mới tới được cửa Phòng ngoại vụ và ngay sau đó ngồi quanh chiếc bàn bằng gỗ đào hoa tâm khổng lồ, cùng với các sĩ quan đồng phục bóng lộn, do đích thân trưởng phòng chủ trì buổi họp.

Mới đầu viên sĩ quan to lớn, vẻ mặt hãm tài - nhìn từ xa cũng biết là tốt nghiệp học viện quân sự West Point[1](1) - không thật rõ Bộ Chiến tranh Mỹ và cái bè của chúng tôi liên quan gì với nhau, nhưng lời lẽ cân nhắc của đại tá Munthe Kaas và những hỏi han tìm hiểu của các sĩ quan quanh chúng tôi (họ hỏi rất nhiều) dần dà khiến ông nghiêng về phía chúng tôi và ông đọc, càng lúc càng quan tâm hơn, thư giới thiệu của phòng thí nghiệm Không quân. Rồi ông đứng dậy, cho phép ban tham mưu của ông được toàn quyền giúp đỡ chúng tôi thông qua những tuyến hợp lệ, sau đó chúc chúng tôi tiếp tục may mắn rồi nện gót giầy rời khỏi phòng họp.

Sau khi cửa phòng họp khép lại sau lưng ông, một viên đại úy tham mưu trẻ thì thầm vào tai tôi:

“Tôi đánh cuộc rằng ông sẽ nhận được mọi thứ ông cần. Vấn đề của ông khiến chúng tôi liên tưởng đến một cuộc hành quân nhỏ. Ông không hình dung nổi rằng từ khi có hòa bình chúng tôi ước ao đến mức nào công việc bàn giấy hàng ngày được đổi thay đôi chút! Hơn nữa đây lại là cơ hội tuyệt vời để kiểm nghiệm quân trang đúng kế hoạch.”Truyen8.mobi

Phòng đối ngoại sắp xếp liền buổi gặp đại tá Lewis ở khu thí nghiệm của tổng hành dinh. Hermann và tôi được chở ngay đến đó.

Đại tá Lewis là một sĩ quan cao to và thoải mái, một nhà thể thao từ đầu đến chân. Ông triệu tập ngay người phụ trách thí nghiệm của các phòng. Tức thì họ đề nghị một mớ thiết bị muốn được thử nghiệm. Những món họ liệt kê quả thật vượt xa mọi mong đợi táo bạo nhất của chúng tôi, từ khẩu phần ăn đến kem chống nắng và túi ngủ không thấm nước. Họ keo ngay chúng tôi theo để xem qua những thứ này. Chúng tôi nếm thử khẩu phần ăn đặc biệt đóng gói rất gọn. Chúng tôi dùng thử loại diêm cháy dễ hơn khi nhúng nước, thử loại bếp kiểu mới của hãng Primus, bình đựng nước, bao ni lông, giầy đặc biệt, dụng cụ làm bếp, dao gấp, tóm lại tất cả những thứ mà một đoàn thám hiểm có thể mong đợi.

 

Tôi liếc nhìn Hermann. Anh tràn trề hy vọng như một đứa trẻ đi với bà bác giàu có qua một cửa hàng sô cô la. Ông đại tá cao ngòng đi trước, giới thiệu những món tuyệt vời khác nhau, cuối cùng khi chúng tôi đã xem hết thì nhân viên ban tham mưu cũng ghi xong tất cả những thứ và số lượng chúng tôi yêu cầu. Tôi coi như đã may mắn thắng được trận đánh và chỉ muốn về khách sạn ngay, nằm dài ra yên tĩnh ngẫm nghĩ về triển vọng của chuyến đi. Chợt ông đại tá cao ngòng vui tính nói:

“Xong, bây giờ các ông phải tới gặp sếp để trình bày, sếp có cho phép thì chúng tôi mới trao những thứ này cho các ông được.”

Tôi muốn rụng tim luôn. Thế là tôi phải trình bày lại từ đầu và chỉ có trời mới biết ông sếp này thuộc loại người như thế nào.

“Sếp” là một sĩ quan nhỏ nhắn, khó đăm đăm ngồi sau bàn giấy, đôi mắt xanh soi mói khi chúng tôi bước vào văn phòng. Ông mời chúng tôi ngồi.

“Well, các ông đây yêu cầu gì?” ông hỏi ngắn gọn đại tá Lewis, mắt vẫn không rời tôi.

“Ấy, mấy chuyện vặt thôi mà”, Lewis vội trấn an và báo cáo ngắn gọn về yêu cầu của chúng tôi, trong khi sếp kiên nhẫn lắng nghe, mắt không ngớt nhìn chúng tôi.

“Thế các ông giúp được gì cho chúng tôi trong chuyện này?” Sếp thản nhiên hỏi.

“Well”, Lewis đỡ lời, “chúng ta hy vọng rằng đoàn thám hiểm có thể báo cáo về loại thực phẩm mới và cho chúng ta biết những trang bị chịu đựng đến mức nào trong những điều kiện khó khăn mà có lẽ họ sẽ gặp phải.”

Viên sĩ quan mặt như nấm mộ kia ngả người ra sau ghế, vẫn hoàn toàn chưa tỏ vẻ lay chuyển, mắt vẫn không rời khỏi tôi, còn tôi có cảm tưởng như chết lặng người trong chiếc ghế da khi nghe ông lạnh lùng nói:

“Tôi hoàn toàn không thấy các ông có thể giúp được gì tương ứng cho chúng tôi...”

Căn phòng chợt lặng như tờ. Đại tá Lewis cắn môi còn chúng tôi không ai nói một lời.

“... nhưng”, con người lạnh lùng kia chợt nhấn mạnh và mắt long lanh, “lòng can đảm và khát vọng thám hiểm cũng đáng kể lắm. Đại tá Lewis, ông hãy cung cấp các thứ này cho họ!”

Tôi vẫn còn nửa mê nửa tỉnh khi đi taxi về khách sạn, Hermann ngồi bên cạnh bỗng khúc khích cười.

“Bạn sao thế?” tôi băn khoăn hỏi. Truyen8.mobi

“Không sao cả”, anh cười phá lên đầy hào hứng, “nhưng bạn biết không: mình vừa tính xong, rằng trong số lương thực bọn mình nhận được có 684 hộp dứa, mà mình mê dứa đến chết được!”

Cả nghìn việc phải làm cùng lúc nếu sáu người định tụ lại ở bờ biển Peru với chiếc bè và toàn bộ trang bị. Chúng tôi chỉ có ba tháng mà tiếc thay không có được cây đèn thần của Aladin. Với thư giới thiệu của Phòng ngoại vụ chúng tôi bay tới New York tìm giáo sư Behre tại đại học Columbia, chủ nhiệm Ban nghiên cứu địa lý của Bộ Chiến tranh. Ông đốc thúc các nơi và chỉ sau một cái phẩy tay là Hermann có được những máy móc đắt tiền cần cho đo đạc khoa học.

Chúng tôi bay tới Washington tìm gặp đô đốc Glover của Viện thủy văn thuộc Hải quân. Con hải sư già này vui vẻ triệu tập các sĩ quan dưới quyền, chỉ vào tấm bản đồ Thái Bình Dương to tướng trên tường và giới thiệu Hermann với tôi như sau:

“Hai chàng trai này định sửa lại hải đồ của chúng ta đấy. Các ông hãy giúp họ!”

Rồi sau đó, về phía Anh, đại tá Lumsden cũng triệu tập một buổi họp tại trụ sở Phái bộ quân sự của họ ở Washington để thảo luận về những vấn đề chờ đợi chúng tôi và về những khả năng thành công của chuyến đi. Ở đây chúng tôi chủ yếu nhận được nhiều góp ý tốt, thêm cả vài dụng cụ chọn lọc từ Anh mang đến để dùng thử trong chuyến đi bè. Viên trưởng y tế Anh ra sức khuyến khích dùng một thứ bột bí ẩn chống cá mập. Nếu cá mập quấy rầy thì chúng tôi cứ rải xuống nước một nhúm thuốc là tất cả lũ chúng sẽ chạy xa ngay.

“Sir”, tôi băn khoăn hỏi một cách lễ độ, “chúng tôi có thể trông cậy vào thứ bột này không?” Truyen8.mobi

“Well”, ông người Anh cười hiểu biết, “đấy chính là điều chúng tôi muốn biết!”

Khi thời gian cấp bách và phải đi máy bay thay vì xe lửa, đi ô tô thay vì đi bộ thì ví tiền xẹp lại như chiếc lá ép khô. Cái vé cho chuyến về lại Na Uy của tôi được đổi thành tiền mặt từ hồi nào rồi. Vì thế chúng tôi đến New York gõ cửa nhà mấy vị bằng hữu, những người mai đây sẽ tài trợ kinh phí, nhờ họ giải quyết khó khăn tài chính. Ở đây chúng tôi gặp phải chuyện xui xẻo không ngờ. Người chủ trì tài chính bị bệnh, nằm sốt li bì trên giường. Hai người bạn của ông ta bó tay, phải chờ đến khi nào ông ta hoat động lại được. Họ vẫn muốn giữ những thỏa thuận về tài chính với chúng tôi, nhưng tạm thời họ không làm gì được cả. Họ yêu cầu chúng tôi hoãn chuyến đi, một yêu cầu thật vô lý. Chúng tôi hoàn toàn không thể chặn lại bao nhiêu cỗ xe mà chúng tôi vừa khởi động. Muốn hay không thì chúng tôi vẫn sẽ bị cuốn theo, dừng hay hãm lại đều đã quá muộn. Mấy vị bằng hữu kia, những người chi tiền, cuối cùng đồng ý hủy thỏa thuận, để chúng tôi rảnh tay tự do nhanh chóng hành động.

Thế là chúng tôi lại “cầu bơ, cầu bất”, tức không chịu được!

“Tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Hai”, Hermann nói.

“Nếu kẹt quá thì tháng Ba nữa”, tôi thêm, “nhưng sau đó mình phải lên đường.”

Tuy tình hình có vẻ xấu nhưng có một điều đối với chúng tôi trước sau phải rõ ràng: chuyến đi của chúng tôi mang một ý nghĩa, thành ra chúng tôi không ao ước được đặt ngang hàng với những nhà diễn trò nằm trong thùng phuy lăn xuống thác Niagara hay ngồi chồm hổm trên cột cờ mười bảy ngày liền để được ca ngợi là ông thánh cột cờ.

“Tụi mình không cần tài trợ của các hãng kẹo cao su hay nước Coca Cola”, Hermann nói và chúng tôi hết sức nhất trí về điểm này. Tiền Na Uy chúng tôi có thể lo được, nhưng nó không giải quyết được những chuyện của chúng tôi bên này Đại Tây Dương. Chúng tôi có thể tìm một Mạnh Thường Quân, nhưng hẳn là chẳng ai muốn dính dáng tên tuổi đến một thuyết gây nhiều tranh cãi đến thế. Cuối cùng chúng tôi phải tự lo chuyến bè này thôi. Chúng tôi thấy ngay là giới báo chí lẫn tư nhân đều không dám mạo hiểm bỏ tiền vào một việc mà chính họ hùa với mọi hãng bảo hiểm coi là một chuyến đi tự sát. Nhưng nếu chúng tôi trở về không chút sứt mẻ thì lại là chuyện khác...

Tình hình khá đen tối và nhiều ngày liền chúng tôi không thấy triển vọng nào. Lúc ấy đại tá Munthe Kaas lại xuất đầu lộ diện.

“Phải mà, phải mà, thật không dễ dàng gì cho các cậu đâu! Cầm tạm tấm ngân phiếu này để có thể tiến hành cái đã. Mai mốt trả lại mình sau, khi các cậu trở về từ các đảo Nam Thái Bình Dương.”

Ông đại tá lôi kéo được người khác và chẳng mấy chốc các cá nhân đã giúp đủ tiền để chúng tôi tự lo liệu mà không phải nhờ đến các tác nhân hay những người tương tự. Đã đến lúc bay đi Nam Mỹ để bắt đầu chuyện đóng bè.

Những chiếc bè xưa kia ở Peru đóng bằng gỗ balsa, khi khô gỗ này còn nhẹ hơn cả cây bần. Cây balsa cũng mọc ở Peru nhưng chỉ bên kia rặng Andes thôi, thành ra dân đi biển thời Inca men theo bờ biển tới Ecuador tìm đẵn những gốc balsa khổng lồ mãi tận bờ Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng định làm y như thế. Truyen8.mobi

Việc đi lại thời nay có hơi khác thời Inca. Con người đã may mắn tạo ra được ô tô, máy bay và văn phòng du lịch, thế nhưng để mọi sự không quá dễ dãi, chúng ta bèn tạo ra cái gọi là biên giới, với những kẻ giữ cửa mặc đồng phục cài khuy đồng, luôn hoài nghi lý do đi lại của những du khách vô thưởng vô phạt, lục lọi tàn bạo hành lý của họ, lại còn bắt họ quỵ lụy vì mấy thứ đơn từ đóng dấu, trong khi lẽ ra họ phải được thoải mái nhập cảnh. Vì sợ những kẻ giữ cửa mặc đồng phục cài khuy đồng nên chúng tôi không dám xuất hiện ở Nam Mỹ với hòm xiểng, với thùng đầy những món kỳ lạ rồi ngả mũ, lễ phép láp dáp vài ba câu tiếng Tây Ban Nha ngọng nghịu xin nhập cảnh để rồi chuồn với một cái bè. Chắc chắn chúng tôi sẽ vào nằm trong xà lim thôi.

“Không được đâu”, Hermann nói, “bọn mình cần giấy phép nhập cảnh chính thức những thứ này mới được.”

Một trong mấy bằng hữu của chúng tôi, cái bộ ba chi tiền đã giải thể kia, là phái viên ở Liên Hợp Quốc. Anh chở chúng tôi đến đó. Chúng tôi thật sự khớp khi bước vào phòng họp của Đại Hội đồng, nơi đại biểu các nước ngồi sát bên nhau im lặng thành kính lắng nghe một ông Nga tóc đen thao thao bất tuyệt, vung tay vung chân trước một tấm bản đồ thế giơi khổng lồ treo sau lưng.

Người phái viên bằng hữu của chúng tôi, trong giờ nghỉ ngắn, đã tìm được một đại biểu trong đoàn Peru, chớp nhoáng sau đó anh lại dẫn tới một đại biểu Ecuador nữa. Ngồi trên trường kỷ da, họ quan tâm lắng nghe dự tính vượt biển của chúng tôi nhằm xác định thuyết: một tộc người văn minh cổ xưa từ chính đất nước họ đã phát hiện ra những đảo Nam Thái Bình Dương trước tiên. Cả hai người đều hứa sẽ báo cáo chính phủ và đảm bảo sẽ hỗ trợ hết mình khi chúng tôi đến đất nước họ.

Lúc ấy Trygve Lie(1)[1] đi ngang qua tiền sảnh, liền ghé thăm khi nghe nói chúng tôi là đồng bào của ông; ai đó đã đề nghị ông cùng đi bè với chúng tôi, nhưng ông quá bận rộn với những bão tố trên đất liền rồi. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tiến sĩ Benjamin Cohen, người Chile, vốn là một nhà khảo cổ nghiệp dư nổi tiếng viết thư giới thiệu chúng tôi với tổng thống Peru, bạn của ông. Truyen8.mobi

Tại sảnh đường chúng tôi cũng đã gặp Wilhelm Morgenstierne, đại diện Na Uy. Kể từ nay ông sẽ giúp cho đoàn thám hiểm nhiều hỗ trợ hết sức quý báu.

Sau đó là việc mua vé máy bay đi Nam Mỹ. Chúng tôi mệt bã người, ngồi lọt thỏm trên ghế da khi bốn động cơ máy bay nối nhau nổ rầm rầm. Không diễn tả nổi, nhưng chúng tôi thấy nhẹ cả người vì đã thắng lợi bước đầu. Bây giờ cứ việc tiến thẳng vào cuộc mạo hiểm thôi.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25501


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận