Hải Trình Kon - Tiki Chương 6


Chương 6
Tới gần Polynesia

Một chiếc bè nực cười. “Du ngoạn“ bằng xuồng cao su. Trôi dạt biết tới nơi đâu. Trong chiếc lều tre giữa đại dương. Trên kinh tuyến của đảo Phục sinh. Điều bí ẩn của đảo. Những vị thần và những tượng đá khổng lồ. Tóc giả bằng đá đỏ. Kỹ thuật của giống người “Tai dài”. Quan hệ với châu Mỹ. Những địa danh ý nghĩa. Kéo co với cá mập. Bắt cá mập bằng tay không. Con vẹt. LI2B gọi. Chiếc la bàn bằng sao trời. Ba ngọn sóng bí ẩn. Bão. Máu loang biển cả. Máu loang trên bè. Người rơi xuống biển. Thêm trận bão nữa. Kon-Tiki rệu rã. Dấu hiệu đầu tiên của Polynesia.

Khi biển không quá động chúng tôi thường chèo chiếc xuồng cao su nhỏ xíu ra để chụp hình chiếc bè từ bên ngoài. Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi đầu tiên với chiếc xuồng cao su ấy. Lúc đó biển lặng nên hai người trong chúng tôi nổi hứng thả cái vật nhỏ giống quả bóng kia xuống nước để chèo ra một quãng xa. Mới vừa đẩy xuồng khỏi bè họ đã buông chèo cười ầm. Rồi khi sóng đưa xuồng ra xa nữa, nhấp nhô, hiện rồi lại khuất sau những ngọn sóng thì họ phá lên cười như nắc nẻ mỗi khi nhìn thấy chúng tôi, tiếng cười vang xa trên mặt Thái Bình Dương trống trải. Lũ chúng tôi trên bè thắc mắc nhìn quanh mà chẳng thấy có gì khôi hài, ngoài những bộ mặt râu ria xồm xoàm, tóc tai bù rối. Hai anh bạn đang ở ngoài xa kia hẳn phải quen mặt mũi lũ chúng tôi rồi chứ, nên chúng tôi thầm nghĩ có lẽ cuối cùng họ đã mất trí rồi. Phải chăng vì say nắng? Do mải cười rũ rượi nên họ tốn bao công sức chèo trở lại chiếc Kon-Tiki. Họ không giải thích mà vừa cười đến chảy cả nước mắt vừa bảo chúng tôi hãy nhìn chiếc bè từ xa mà xem.

Hai người khác nhảy ngay xuống chiếc xuồng đang nhấp nhô, tức thì một con sóng kéo họ ra xa. Họ cũng liền ngồi bệt xuống, cười như nắc nẻ. Rồi họ vội chèo nhanh trở lại bè để trấn an hai người còn lại, vì hai người này thật sự nghĩ cả bốn anh bạn kia hóa rồ hết cả rồi.

Hóa ra chính lũ chúng tôi với chiếc bè mà cả đám rất mực tự hào lại khiến ai nhìn từ xa lần đầu cũng đều liên tưởng đến một cảnh tượng vô vọng đầy ngớ ngẩn. Cho đến nay chúng tôi chưa quan sát mình trên biển cả trống trải từ “phía ngoài”. Sóng nhỏ thôi cũng đủ khiến những thân cây chìm dưới làn nước. Lúc ấy chỉ còn thấy chiếc lều thấp choèn với cái cửa rộng và cái mái rối tung không ngừng nhấp nhô trên ngọn sóng, trông như một nhà kho Na Uy rệu rã trôi tuyệt vọng trên biển cả mênh mông, hoặc như một chiếc lều chứa cỏ bị gió làm nghiêng ngả cùng với những gã hành khất sạm nắng râu ria. Giả thử thấy ai ngồi trong bồn tắm chèo đi hẳn chúng tôi cũng sẽ cười phá lên y như thế. Ngay những con sóng bình thường cũng cao đến nửa vách lều, trông như thể chúng sẽ ào vào cửa nhà kho toang hoác không gặp trở ngại gì, nơi có đám râu ria nằm trố mắt nhìn trời ngó biển. Nhưng rồi chiếc bè rệu rã lại nổi trên sóng nước, còn bốn gã du thủ du thực rách rưới vẫn nằm khô ráo và dửng dưng. Khi sóng lớn hơn ào qua có thể thấy chiếc lều, cánh buồm và cả cột buồm biến mất sau núi nước. Nhưng chỉ nháy mắt sau chiếc lều và những gã lang thang kia lại nổi lên, vững vàng như trước. Nhìn từ ngoài xa thấy nguy hiểm thật sự chứ chẳng đùa và không thể ngờ rằng cho tới bây giờ chúng tôi vẫn an toàn đến thế trên chiếc bè này.

Lần tiếp theo, khi chúng tôi lại chèo xuồng ra ngoài xa để được cười thoải mái về chính mình thì tí nữa nguy tai. Sóng gió mạnh hơn chúng tôi tưởng, chiếc Kon-Tiki lướt sóng nhanh hơn mà chúng tôi đâu ngờ. Nên chúng tôi phải cố sống cố chết chèo để bắt kịp chiếc bè lúc này không điều khiển được, vì nó không thể ngừng để chờ, càng không thể quay vòng trở lại. Ngay cả khi mấy cậu trên bè hối hả cuộn buồm thì gió vẫn cứ thốc vào mái lều khiến bè trôi nhanh về hướng tây. Chúng tôi bì bõm theo sau trong chiếc xuồng con nhấp nhô với những mái chèo nhỏ tí như đồ chơi, ra sức chèo vẫn không nhanh hơn chiếc bè. Lòng chỉ tâm niệm một điều: trở lại với Kon-Tiki! Đoàn chúng tôi không thể tan đàn xẻ nghé thế này được! Sau nhiều phút khốn khổ trên biển cả chúng tôi mới bắt kịp chiếc bè và những người kia để leo lên những xúc gỗ balsa, tổ ấm của chúng tôi. Từ hôm ấy trở đi cấm ngặt bơi xuồng ra xa mà không cột chắc với mũi bè bằng một sợi dây dài để khi cần người trên bè có thể kéo xuồng vào. Vì thế chúng tôi không khi nào ra quá xa bè, trừ lúc gió êm và Thái Bình Dương lăn tăn sóng. Chúng tôi có thừa thãi những ngày biển lặng gió yên như thế, khi chiếc Kon-Tiki lênh đênh giữa Thái Bình Dương, chung quanh là biển cả đơn điệu phủ lên quả đất. Lúc ấy chúng tôi có thể yên tâm rời tổ ấm, chèo ra xa vào khoảng không gian xanh thẳm giữa bầu trời và biển cả. Khi nhìn thấy bóng chiếc bè nhỏ dần và cánh buồm cuối cùng thu lại thành một hình chữ nhật tí tẹo mờ nhạt nơi chân trời thì đôi lúc ngồi trên xuồng chúng tôi cũng thấy nghẹn ngào trước cảnh cô quạnh khôn khuây. Phía dưới xuồng, biển cả cong đến vô tận, xanh như bầu trời trên đầu. Nơi xa thẳm, chỗ biển và trời gặp nhau, màu xanh của trời và nước hòa làm một. Chúng tôi tưởng chừng như đang bềnh bồng giữa hư không. Cả vũ trụ trống không và xanh ngắt, không có lấy một điểm cố định nào, trừ mặt trời nhiệt đới vàng óng thiêu đốt gáy chúng tôi. Nơi chân trời xa là buồm của chiếc bè cô độc, thu hút chúng tôi như cực nam châm. Chúng tôi chèo trở lại, leo lên bè. Nơi đây chúng tôi cảm thấy như ở nhà, trong thế giới riêng của mình, được che chở trên nền đất chắc chắn và an toàn. Chúng tôi tìm thấy trong lều bóng râm, mùi tre và những tàu dừa úa. Tấm vách để ngỏ giới hạn và làm dịu phần nào bầu trời xanh trong đầy nắng ngoài kia. Chúng tôi đã quen như thế. Thấy như thế dễ chịu. Ít ra trong một khoảng thời gian dài, cho đến khi chốn xa xanh thẳm kia lại cám dỗ chúng tôi.

Thật hết sức không ngờ rằng chiếc lều tre nhỏ, vách thưa đã tác động mạnh thế nào về tâm lý lên tính tình của chúng tôi. Nó rộng không quá tám bộ, dài không hơn mười bốn bộ và thấp tè(1)[1] để giảm sức gió, khiến chúng tôi không đứng thẳng người được. Khung vách và mái bằng những thanh tre cứng cột lại, ốp phên vững chắc đan bằng nan tre. Nhìn những thanh tre màu lục và vàng, những đọt lá từ rìa mái thòng xuống, mắt ta thư giãn khác hẳn nhìn một bức tường vôi trắng. Tuy tấm vách mạn phải bè để hở đến một phần ba, ngay cả mái và những tấm vách kia cũng để nắng và ánh trăng lọt vào, nhưng cái hang thô sơ này vẫn tạo cho chúng tôi một cảm giác an toàn hơn hẳn những vách ngăn sơn trắng và những ô cửa tròn ốp trên tàu trong cùng một hoàn cảnh. Chúng tôi thử tìm cách lý giải sự kiện lạ lùng này và đi tới kết luận: ý thức của chúng ta dứt khoát không quen liên hệ một tấm lều tranh lợp lá dừa(1)[1] với một chuyến viễn du trên biển. Không có sự hài hòa tự nhiên nào giữa biển cả dậy sóng và chiếc lều lá dừa nhỏ bé, râm mát bềnh bồng giữa các ngọn sóng. Cho nên hoặc chiếc lều giữa biển cả là hoàn toàn sai chỗ, hoặc những con sóng lớn quanh bốn vách lều có tác dụng sai chỗ. Lý do thứ hai cũng đúng, bao lâu chúng tôi còn ở trên bè. Nhìn từ ngoài, từ chiếc xuồng cao su, sóng và lều sẽ đổi vai trò cho nhau. Sự kiện những tấm gỗ balsa luôn trồi lên ngụp xuống như một con hải âu và nước biển đổ ào qua đuôi bè tạo cho chúng tôi niềm tin không lay chuyển vào cái phần khô ráo ngay giữa bè, nơi đặt chiếc lều. Càng đi lâu chúng tôi càng cảm thấy an toàn trong cái lều lụp xụp ấm cúng của mình và nhìn những ngọn sóng bốc cao nhảy nhót qua cửa như xem một bộ phim đầy ấn tượng trong rạp, hoàn toàn vô can. Dẫu vách lều để ngỏ chỉ cách mạn bè không được che chắn có năm bộ và cách mớn nước chưa tới một bộ rưỡi, chúng tôi vẫn cảm thấy như chuyến đi này cách xa biển nhiều hải lý. Chỉ cần chui vào cửa lều, chúng tôi liền cảm thấy như bước vào một căn hộ ra trò trong rừng sâu, được che chở trước mọi nguy nan của đại dương. Nơi đây chúng tôi có thể nằm ngửa thoải mái nhìn lên cái mái lạ lùng đung đưa trong gió như những cành cây, trong khi hương thơm rừng thẳm từ gỗ thô, tre và những tấm lá héo úa mơn trớn chúng tôi.

Thỉnh thoảng chúng tôi chèo xuồng cao su ra xa trong bóng đêm để được một lần nhìn từ bên ngoài chốn nghỉ ngơi của mình trong đêm tối. Những con sóng đen thẫm như than bốc cao quanh chúng tôi từ mọi phía, hằng hà sa số sao đêm nhấp nháy gọi loài phiêu sinh vật và chúng yếu ớt nhấp nháy lại. Thế giới thật đơn giản dưới bầu trời sao. Dẫu đó là năm 1947 trước hay thuộc Công nguyên bỗng dưng chẳng còn nghĩa lý gì. Điều duy nhất chúng tôi cảm thấy thật rõ và sâu sắc là mình đang sống. Chúng tôi ý thức rằng con người cũng từng cảm nhận và hành xử y như thế, ngay trước cả kỷ nguyên kỹ thuật - trong một nghĩa sâu xa hơn chúng tôi bây giờ. Thời gian như thể ngừng tồn tại. Mọi hiện hữu đều thật, như chúng từng luôn hiện hữu và mãi còn hiện hữu. Chúng tôi ngụp lặn trong sự đồng bộ miên viễn của những sự kiện, quanh chúng tôi không gì khác hơn bóng đêm tinh nguyên bất tận và trên đầu là thế giới của tinh tú lấp lánh. Trước mặt chúng tôi, chiếc Kon-Tiki trồi lên rồi hụp xuống khi những khối nước đen ngòm đẩy nó đi. Trong ánh trăng, một khung cảnh tuyệt vời phủ quanh chiếc bè. Những thân gỗ nặng nề trơ trụi với những bụi rong, bóng dáng đen thẫm của chiếc buồm kiểu Viking hình chữ nhật, một túp lều phơ phất trong ánh đèn thạch lạp vàng vọt ở đuôi bè: tất cả khiến ta dễ liên tưởng đến một bức tranh trong một quyển sách phiêu lưu hơn là thực tại. Đôi lúc chiếc bè biến mất hẳn sau những ngọn sóng đen ngòm. Rồi nó lại trồi lên, in bóng rõ nét lên bầu trời đầy sao, trong lúc nước ngầu bọt lấp lánh từ những thân cây đổ xuống.

Khi có cảm tưởng phi thời gian như thế quanh chiếc bè cô độc, đôi khi chúng tôi hình dung thật sống động trước mắt cả một đoàn bè tỏa theo hình rẻ quạt đi về phía chân trời để tìm đất, để mở rộng đất đai. Những con người đầu tiên đã vượt biển như thế đấy. Đã có những đồn đại về những hòn đảo ngoài khơi xa trên Thái Bình Dương, và không lâu trước khi người Tây Ban Nha đến châu Mỹ, Tupak (“Thủ lĩnh”) Yupanki người Inca , kẻ từng chinh phục cả Peru lẫn Ecuador, đã cùng một đội bè mảng balsa với nhiều nghìn người ra biển tìm những đảo này. Ông tìm thấy hai đảo mà có người cho rằng đó là cụm đảo Galápagos. Sau tám tháng, ông với nhiều tay chèo trở về được Ecuador. Nhiều thế kỷ trước chắc chắn Kon-Tiki và tùy tùng cũng ra khơi trong điều kiện tương tự. Nhưng họ không có lý do gì để ngược sóng gió tìm lối quay về.

Khi trở lên bè chúng tôi thường ngồi trên sàn tre quanh chiếc đèn thạch lạp, trò chuyện về những người đi biển Peru xa xưa ấy, những người sống trước chúng tôi mười lăm thế kỷ. Ánh đèn hắt lên buồm bóng khổng lồ của những người râu ria xồm xoàm và chúng tôi nghĩ đến những bậc tiền bối da trắng rậm râu từ Peru. Qua thần thoại và nền kiến trúc, chúng tôi dõi theo bước chân họ suốt từ Mexico tới Trung Mỹ, vào sâu vùng tây bắc của Nam Mỹ tới tận Peru. Những công trình kiến trúc của họ vẫn tồn tại cùng với biết bao huyền thoại, còn nền văn minh đầy bí ẩn của họ đột nhiên biến mất khi người Inca đến, để rồi tái xuất hiện cũng đột ngột như thế trên những hòn đảo lẻ loi trên Thái Bình Dương mà chúng tôi đang tiến tới gần. Phải chăng những bậc thầy tuyệt vời của người Inca thuộc một dân tộc văn minh đến từ Địa Trung Hải theo cách này: mượn sức gió Mậu dịch và luồng hải lưu về hướng tây, đi từ quần đảo Canary(1)[1] đến vịnh Mexico? Chúng tôi không còn tin vào vai trò cách ly hoàn toàn của biển cả. Nhiều nhà nghiên cứu cả quyết với những lý lẽ có sức nặng rằng những nền văn minh lớn của người da đỏ, từ người Aztec ở Mexico đến người Inca ở Peru, đột nhiên hình thành do những kích thích từ phía đông tới, vượt qua biển cả, còn tất cả những tộc da đỏ khác là dân chài lưới và săn bắn có nguồn gốc Á châu, đã từ Siberia sang châu Mỹ dần dần trong khoảng hai vạn năm hay hơn nữa(2)[1]. Rõ ràng người ta không tìm thấy dấu vết nào về sự phát triển tiệm tiến của những nền văn minh cao từng trải dài từ Mexico tới Peru. Giới khảo cổ càng đào sâu càng gặp những di chỉ của các nền văn minh cao hơn. Cuối cùng, đào tới một chỗ, họ cho rằng những nền văn minh cổ xưa kia hẳn phải từ đâu khác tới đây, giữa các bộ tộc nguyên thủy, không có sự chuyển tiếp.

Những nền văn minh cổ xưa này xuất hiện ở những nơi luồng hải lưu từ Đại Tây Dương đổ vào, ngay chính giữa vùng sa mạc và rừng rậm hoang vu không sức sống của châu Mỹ, chứ không phải tại những vùng ôn đới, nơi các nền văn minh - xưa cũng như nay - có điều kiện phát triển dễ dàng hơn.

Những điều này cũng lặp lại trên các đảo Nam Thái Bình Dương. Chính hòn đảo gần Peru hơn cả, đảo Phục sinh, mang những dấu vết sâu đậm nhất của nền văn minh này, dù nó khô cằn, không màu mỡ và xa châu Á nhất trong các đảo trên Thái Bình Dương.

Chúng tôi đã đi được nửa đường, bằng từ Peru đến đảo Phục sinh. Lúc nay hòn đảo đầy truyền thuyết kia nằm ngay dưới phía nam. Bè xuất phát từ một địa điểm được chọn ngẫu nhiên giữa bờ biển Peru, vì chúng tôi muốn theo đường của một chiếc bè thường ra khơi thuở trước. Giả thử chúng tôi rời đất liền xích xuống phía nam, gần thị trấn hoang phế Tiahuonaco của Kon-Tiki, thì tuy gió vẫn thổi cùng hướng, nhưng luồng hải lưu yếu hơn có thể sẽ đẩy bè chúng tôi tới đảo Phục sinh.

Sau khi vượt qua 110 kinh độ tây chúng tôi đến vùng biển của Polynesia. Lúc này đảo Phục sinh gần Peru hơn chúng tôi, và chúng tôi ở cùng kinh độ với hòn đảo tiền tiêu của những đảo Nam Thái Bình Dương, trung tâm của nền văn minh cổ nhất Polynesia. Khi vầng dương, người chỉ đường nóng bỏng của chúng tôi, từ bầu trời đi xuống, biến mất sau vùng biển phía tây cùng với bảy sắc cầu vồng rực rỡ thì gió Mậu dịch êm êm làm câu chuyện của chúng tôi về sự huyền bí của đảo Phục sinh thêm sinh động. Bầu trời đêm xóa sạch mọi ý niệm về thời gian và những cái đầu râu ria của chúng tôi lại in bóng ma quái khổng lồ lên cánh buồm.

Nhưng xa dưới phía nam, trên đảo Phục sinh, còn có những cái đầu khổng lồ hơn tạc bằng đá, chòm râu nhọn, mang vẻ mặt người da trắng đang suy ngẫm về điều bí ẩn của nhiều thế kỷ. Chúng đã đứng như thế trước khi những người châu Âu đầu tiên phát hiện ra đảo này năm 1722. Chúng đứng ở đó suốt hai mươi hai thế hệ người Polynesia, trước khi tổ tiên những người dân hiện nay từ những chiến thuyền độc mộc đổ bộ lên, tiêu diệt hết những người lớn của một dân tộc có nền văn minh bí ẩn trên đảo. Từ thời xa xưa đó, những tượng thần này ngự trị trên đảo Phục sinh như những biểu tượng vĩ đại và không giải thích được của một điều huyền bí cổ đại. Trên những triền dốc quanh hòn đảo trơ trụi này, những tượng đá khổng lồ mang hình dáng người đứng sừng sững giữa trời, cao bằng tòa nhà ba bốn tầng, được đẽo gọt thật tuyệt vời từ nguyên một khối đá. Bằng cách nào những con người cổ đại có thể tạc, di chuyển và dựng những tượng đá to lớn nhường ấy? Nhưng không chỉ có vậy. Bằng cách nào họ đặt nổi lên đầu nhiều pho tượng, cách mặt đất mười hai mét, một khối đá đỏ khổng lồ như mái tóc giả? Nó mang ý nghĩa gì? Và những nhà tạc tượng đã khuất từng có những phương tiện kỹ thuật nào? Họ giải quyết được những vấn đề mà đối với những kỹ sư giỏi nhất hiện nay vẫn là hóc búa.

Nếu ta gom góp những dấu tích và bằng chứng dân tộc cổ xưa này để lại mà thời gian chưa hủy hoại hết, đồng thời chú ý tới khả năng có sự liên hệ với Peru qua bè mảng thì có thể điều bí ẩn của đảo Phục sinh không phải không giải đáp nổi..

Đảo Phục sinh là đỉnh một ngọn núi lửa đã tắt từ xa xưa. Những con đường do dân tộc văn minh cổ xưa này lát đá dẫn đến những bến thuyền còn giữ tốt cho thấy mực nước quanh đảo vẫn như ngày trước. Nơi đây hoàn toàn không có vết tích của một lục địa bị chìm đắm mà là một hòn đảo nhỏ khô cằn, bây giờ cũng như thời nó là trung tâm của một nền văn hóa rực rỡ.

Ngay giữa hòn đảo hình nón này là miệng một núi lửa đã tắt, nơi tập trung những mỏ đá lạ lùng và xưởng của các nhà điêu khắc. Tất cả vẫn y như nhiều trăm năm trước, khi những nhà tạc tượng và kiến trúc vắt giò lên cổ chạy tới mũi phía đông, nơi truyền thuyết kể rằng họ bị những kẻ mới tới chặn lại, tàn sát từng người một. Việc họ đột nhiên bỏ dở công việc cho ta có được một cái nhìn rõ nét về một ngày làm việc bình thường trong miệng núi lửa trên đảo Phục sinh. Những chiếc rìu đá cứng như đá lửa của các nghệ nhân nằm bừa bãi khắp nơi chứng tỏ dân tộc văn minh này không biết đến sắt thép, hệt như những nhà điêu khắc thời Kon-Tiki bị đuổi khỏi Peru và để lại những tượng đá khổng lồ tương tự trên cao nguyên núi Andes. Ở đảo Phục sinh cũng như trên núi Andes ta có thể tìm thấy những mỏ đá, nơi theo truyền thuyết dân tộc da trắng có râu đục từ vách núi những khối đá dài mười hai mét, chỉ với rìu bằng loại đá rắn hơn. Và cả ở hai nơi này, những khối đá khổng lồ nặng nhiều tấn kia được chuyên chở nhiều cây số trên một địa hình gập ghềnh để dựng thành những tượng mặt người khổng lồ hay chồng lên nhau thành những sân hay bức tường khổng lồ.

Nhiều pho tượng khổng lồ dở dang vẫn còn nằm đó, như khi vừa mới bắt đầu, trong những hốc trên vách miệng núi lửa cho thấy trình tự công việc diễn tiến như thế nào. Khi những nghệ nhân bỏ chạy thì pho tượng người lớn nhất sắp xong dài hai mươi hai mét. Nếu hoàn thành và được dựng lên, nó sẽ cao ngang một ngôi nhà tám tầng. Mỗi pho tượng đều được tạc từ nguyên một khối đá, chỗ làm việc quanh nó cho thấy chỉ có ít người cùng làm việc một lúc. Tượng nằm ngửa, hai cánh tay gập lại, hai bàn tay chắp trước ngực, hệt những tượng đá khổng lồ ở Peru. Những tượng trên đảo Phục sinh được hoàn thành đến từng chi tiết nhỏ, trước khi đưa ra khỏi xưởng, chở đến nơi đặt tượng nào đó trên đảo. Vào giai đoạn cuối cùng này tượng chỉ còn gắn với núi đá bằng sống lưng, người ta sẽ bạt đi khi nâng tượng lên trên những viên đá lăn.

Nhiều pho tượng được đục đẽo trên nền miệng núi lửa rồi dựng lên vách, nhưng một số tượng lớn nhất được kéo lên vách rồi chở xa nhiều cây số qua địa hình gập ghềnh, rồi dựng đứng trên bệ đá, tiếp đó thêm một tảng nham thạch đỏ lên đầu. Việc chuyên chở có thể là điều bí ẩn, nhưng chúng ta không thể chối cãi rằng nó đã xảy ra; lại càng không thể chối cãi rằng những nhà kiến trúc biến mất khỏi Peru từng để lại trên rặng Andes những tượng đá khổng lồ không kém, chứng tỏ họ cũng là những chuyên gia trên lĩnh vực này. Dù tượng đá trên đảo Phục sinh nhiều và lớn nhất, hơn nữa những nhà điêu khắc cũng thể hiện một phong cách riêng, nhưng chính dân tộc có cùng nền văn hóa đã biến mất kia dựng lên những tượng khổng lồ mang hình người trên nhiều đảo khác nữa gần châu Mỹ nhất trên Thái Bình Dương và nơi nào tượng cũng đều được chuyển từ những mỏ đá hẻo lánh tới địa điểm dựng đền đài. Ở đảo Marquesas tôi được nghe huyền thoại về cách di chuyển những tượng đá khổng lồ; vì nó giống hệt những câu chuyện của thổ dân kể về việc chuyên chở những cột đá tới cổng lớn của Tongatabu, ta có thể suy ra rằng cũng dân tộc ấy dùng cùng một phương cách để chuyển những tượng trên đảo Phục sinh.

Công việc điêu khắc tượng ở mỏ đá cần nhiều thời gian, nhưng chỉ có ít nghệ nhân thành thạo. Còn việc chuyên chở, khi xong một pho tượng, lần nào cũng phải làm nhanh, đòi hỏi một số lượng lớn người. Đảo Phục sinh nhỏ bé này trước đây nhiều cá, có nhiều đồn điền lớn thâm canh giống khoai lang từ Peru. Nhiều chuyên gia cho rằng vào thời cực thịnh, đảo này thừa sức nuôi số dân cư từ bảy đến tám nghìn người. Có lẽ khoảng một nghìn người đủ để kéo những tượng khổng lồ lên khỏi vách núi lửa dốc, còn năm trăm người để kéo nó đi tiếp trên đảo.

Họ bện sợi đay và sợi nhiều loại thảo mộc khác thành thứ thừng không đứt nổi, rồi với những khung gỗ chắc chắn, khối người này kéo tượng đá trên những súc gỗ và những viên đá lăn nhỏ được bôi trơn với rễ cây khoai sọ. Dân tộc có nền văn minh cổ xưa này biết cách bện dây chão một cách tài tình là điều quen thuộc ở các đảo Nam Thái Bình Dương; ở Peru có thể họ còn tài tình hơn nữa, tại đây những người Âu đầu tiên từng thấy những cầu treo dài hàng trăm mét căng bằng những dây thừng bện to bằng thân người, vắt qua thác nước hoặc khe vực.

Khi những tượng đá khổng lồ đến nơi được chọn xong xuôi, họ tạo một mặt dốc thoai thoải bằng đá và cát rồi kéo chân tượng lên trước tới đỉnh dốc, rồi để nó trượt xuống một cái hố đào sẵn. Lúc pho tượng còn tựa trên đỉnh mặt dốc, họ lăn lên dốc một khối đá đặc biệt hình trụ, đặt lên đỉnh đầu tượng(1)[1]. Sau đó mới bạt cái dốc phụ trợ này đi. Trên đảo Phục sinh còn nhiều mặt dốc như thế này, chờ những pho tượng khổng lồ không bao giờ tới nữa. Kỹ thuật này thật đáng khâm phục, nhưng hoàn toàn không bí ẩn, miễn là ta đừng đánh giá thấp trí thông minh của những bậc thầy xây dựng thời cổ xưa và thời gian cũng như nhân lực họ sẵn có.

Nhưng vì sao họ dựng những tượng đá này? Và tại sao cần phải khuân một khối đá loại màu đỏ đặc biệt từ một mỏ đá khác cách xưởng trong miệng núi lửa bảy cây số để đặt lên đầu tượng? Cả ở Nam Mỹ và những đảo Marquesas nhiều pho tượng toàn bằng loại đá đỏ như thế này, và thường phải đem chúng từ xa tới. Vật trang sức màu đỏ đội đầu cho những nhân vật có địa vị cao ở Polynesia cũng quan trọng như ở Peru.

Trước hết chúng ta hãy xem thử những pho tượng này đúng ra thể hiện ai? Khi những người Âu đầu tiên tới đảo, họ gặp trên bờ những người đàn ông da trắng khác thường, râu dài gợn sóng, một điều lạ lùng ở những tộc dân này. Họ là hậu duệ của những đàn bà và trẻ con sống sót trong số những cư dân đầu tiên trên đảo. Chính những thổ dân kể rằng một số tổ tiên họ da trắng, còn những người khác da nâu. Theo truyền kỳ cặn kẽ và chính xác của họ, những người da nâu từ những đảo Polynesia khác đến đây, còn những người da trắng từ hướng đông tới đảo từ bảy mươi lăm thế hệ trước, nghĩa là khoảng năm 400 đến 500 tây lịch, bằng những chiếc bè lớn. Những người đến từ hướng đông gọi là “Tai dài”, vì họ đeo vào rái tai những vật nặng khiến tai dài tới tận vai. Chính những người “Tai dài” huyền bí này bị những người “Tai ngắn” chiếm đảo tàn sát. Vì thế mọi pho tượng đá trên đảo Phục sinh đều có tai dài chấm vai, không khác những nghệ nhân tạc ra chúng.

Còn truyền thuyết của người Inca ở Peru kể rằng vua Mặt trời Kon-Tiki thống trị một tộc người da trắng râu ria mà người Inca gọi là người “Tai to”, vì họ đã làm cho tai dài chấm vai. Những truyền thuyết này nhấn mạnh rằng chính những người “Tai to” của Kon-Tiki dựng nên những pho tượng khổng lồ cô quạnh trên dãy Andes, trước khi họ bị người Inca tàn sát hay đuổi chạy trong một trận đánh trên một hòn đảo ở hồ Titicaca.

Nghĩa là: những người da trắng “Tai to” của Kon-Tiki, những kẻ duy nhất điêu khắc các pho tượng đá nọ, đã biến khỏi Peru về hướng tây, mang theo kiến thức và kinh nghiệm tạc tượng phong phú của họ, còn những người “Tai dài” da trắng của Tiki từ hướng đông đến đảo Phục sinh, mang theo thứ nghệ thuật mà họ sành sỏi này. Nơi đây họ bắt tay ngay vào việc tạc tượng với kỹ năng hoàn hảo, khiến trên hòn đảo Phục sinh nhỏ bé không có chút dấu vết nào về một sự phát triển bột phát đưa tới những công trình tuyệt tác kia.

Thường thì những pho tượng đá lớn ở Peru và trên từng hòn đảo Nam Thái Bình Dương giống nhau hơn là giữa đảo này với đảo nọ. Trên quần đảo Marquesas và Tahiti chúng có tên chung là Tiki. Chúng tượng trưng cho tổ tiên được tôn kính trong lịch sử đảo, khi chết đã hóa thần. Chính điều này chứa đựng lời giải thích cho cái mũ màu đỏ lạ lùng trên đỉnh đầu những pho tượng đảo Phục sinh. Như đã nói, trên mọi đảo Polynesia đều có người tóc hung, da trắng, lẻ tẻ hoặc toàn gia đình. Các thổ dân cả quyết đây chính là dòng dõi những người da trắng đầu tiên ở những đảo này. Trên một số đảo, vào những lễ hội tôn giáo nào đấy, người tham dự bôi da trắng, tóc đỏ cho giống tổ tiên của họ. Vào những dịp lễ lạt hàng năm trên đảo Phục sinh, nhân vật chính trong buổi lễ phải húi trọc để tô đỏ lên da đầu. Ngay cả ở những tượng thần, cái mũ chỏm(1)[1] bằng đá đỏ cũng được tạc công phu cho giống hoàn toàn mái tóc những người đàn ông địa phương. Chúng có cái búi tròn trên đỉnh đầu, y như những người đàn ông búi tóc thành một nắm nhỏ giữa đầu theo truyền thống.

Các tượng trên đảo Phục sinh có tai dài, vì những nhà tạc tượng đã kéo dài tai của chính họ. Chúng có món trang sức màu đỏ trên đầu, chính vì những người tạc ra chúng cũng tóc hung. Chúng có cằm nhọn hất ra trước vì người mẫu sống của chúng có râu dài. Nói chung chúng có diện mạo của người da trắng sống mũi cao và nhỏ, đôi môi mỏng, không vều chính bởi vì người “Tai dài” không thuộc dòng giống da nâu. Còn khi tượng có đầu to, chân nhỏ xíu, hai bàn tay chắp lên bụng chính là do nghệ thuật tạc tượng thần từ Peru đem tới. Món trang sức duy nhất của các tượng đảo Phục sinh là chiếc đai chạm khắc quanh thân. Những tượng Tiki khổng lồ cổ xưa ở hồ Titicaca cũng có đai mang tính tượng trưng này. Đó là chiếc đai cầu vồng, biểu tượng thần bí của thần Mặt trời. Đảo Mangareva có một chuyện thần thoại cổ, kể rằng thần Mặt trời đã thòng cầu vồng xuống thế gian - chính là chiếc đai lưng thần kỳ của ông - rồi từ trên trời theo đó xuống đảo Mangareva để tạo ra lũ con cái da trắng trên đảo này. Giống như ở Peru, Mặt trời từng được coi là thủy tổ trên tất cả các đảo này.

Chúng tôi ngồi trên sàn bè dưới bầu trời sao, thưởng thức câu chuyện độc đáo của đảo Phục sinh. Nhưng vì được bè đưa thẳng tới giữa vùng Polynesia nên chúng tôi không được thấy hòn đảo chơ vơ này, ngoài cái tên trên hải đồ. Tuy nhiên đảo này còn đầy rẫy dấu tích từ phương đông, nên tên nó cũng đủ để dùng như biển chỉ đường.

Trên hải đồ ghi là đảo Phục sinh, vì ngẫu nhiên một người Hà Lan nào đấy(1)[1] “phát hiện” ra nó vào ngày lễ Phục sinh. Chúng ta quên rằng những thổ dân - bấy giờ đã có mặt trên đảo từ rất lâu - có những tên gọi đầy ý nghĩa và đáng học hỏi hơn nhiều. Giống như một đứa trẻ được yêu thích có nhiều tên, hòn đảo nhỏ đầy ý nghĩa này cũng có ít nhất ba tên trong ngôn ngữ Polynesia.

Tên thứ nhất “Te-Pito-te-Henua” nghĩa là “Rốn của các đảo”. Tên gọi nên thơ này chỉ rõ vị trí đặc biệt của đảo Phục sinh đối với những đảo khác xa hơn về phía tây. Theo truyền thuyết của người Polynesia, đây là tên gọi xưa nhất của đảo. Phía đông, cũng theo truyền thuyết, gần nơi những người “Tai dài” đầu tiên đổ bộ lên đảo có một tảng đá được đẽo gọt công phu, gọi là “Rốn vàng”, được xem là “rốn” của đảo Phục sinh. Ai biết tính yêu thích thơ ca của người Polynesia hẳn sẽ hiểu rằng tên gọi mang biểu tượng này hàm ý sự phát hiện nguyên thủy ra hòn đảo hoặc sự “ra đời” của nó. Hòn đảo Phục sinh chơ vơ tận phía tây được họ tôn kính như rốn của những đảo khác, là khởi điểm và vạch nối với mẫu quốc xa xôi.

Tên thứ hai của đảo là “Rapa-nui”, có nghĩa “Rapa lớn”, trong khi “Rapa-iti” hay “Rapa nhỏ” là một đảo khác cũng to như thế, ở cách xa về phía tây. Mọi bộ tộc có tập tục gọi bản quán là “lớn”, thí dụ “Rapa lớn”, những nơi tiếp theo là “Rapa mới” hay “Rapa nhỏ”[1], dù những nơi này lớn như nhau. Thổ dân trên “Rapa nhỏ” cũng có truyền thuyết tương tự rằng những người đầu tiên tới định cư trên đảo này đến từ “Rapa lớn”, tức là từ đảo Phục sinh ở phía đông, gần châu Mỹ nhất. Điều này chỉ rõ cuộc di dân đến các đảo bắt nguồn từ hướng đông(1).[1]

Tên thứ ba cũng là tên cuối cùng của hòn đảo then chốt này là “Mata-Kite-Rani”, có nghĩa “Đảo nhìn (lên) trời”. Thoạt thấy ta có thể sửng sốt, vì đảo Phục sinh tương đối thấp chắc chắn không “nhìn” được bầu trời nhiều hơn những đảo khác có núi cao, chẳng hạn như Tahiti, Marquesas hay Hawaii. Nhưng “Rani”-“trời” - có hai nghĩa đối với người Polynesia. Họ cũng gọi quê hương bản quán của tổ tiên, mảnh đất thiêng liêng của thần mặt trời, vương quốc núi non mà Tiki đã phải rời bỏ, như thế. Trong hàng nghìn đảo trên biển chỉ riêng đảo Phục sinh chơ vơ này tự xưng là “con mắt” nhìn về quê cha đất tổ, dĩ nhiên thật nhiều ý nghĩa. Đột nhiên cái tên “Mata-Rani” - tiếng Polynesia là “mắt trời”, cũng là một địa danh cổ ở Peru - làm sáng tỏ mối liên hệ. Đó là tên một địa điểm ở Peru trên bờ biển Thái Bình Dương, dưới chân rặng Andes, “đối diện” đảo Phục sinh, ngay dưới chân thành phố cổ hoang tàn của Kon-Tiki trong rặng núi.

Quây quần trên bè, dưới bầu trời đầy sao, chỉ riêng đảo Phục sinh cũng cung cấp đủ đề tài trò chuyện, chúng tôi thật sự cảm thấy mình như những người trong cuộc và là bạn đồng hành trong những chuyến phiêu lưu xa xưa, cảm nhận thật sâu sắc như thể từ thời Tiki chúng tôi không làm gì khác hơn là luôn căng buồm lênh đênh trên biển cả dưới mặt trời và sao đêm để tìm đất mới.

Chúng tôi không còn sợ sóng và biển như trước đây nữa. Chúng tôi biết rõ về chúng và mối quan hệ của chúng với chúng tôi trên bè. Ngay cả cá mập cũng trở thành một phần trong bức tranh thường nhật. Chúng tôi biết rõ về loài cá này và phản ứng thông thường của nó. Từ lâu rồi chúng tôi không còn nghĩ đến chuyện dùng ngọn lao và cũng không hề rời khỏi mạn bè khi nó trồi lên bên cạnh. Ngược lại, đôi khi chúng tôi còn định tóm chặt vây lưng nó nữa. Nhưng nó cứ thờ ơ tiếp tục trườn dọc những thân cây. Và cuối cùng thành ra một trò thể thao mới: trò kéo co giữa cá mập và chúng tôi, nhưng không có dây câu.

Mới đầu trò chơi khiêm nhường thôi. Chuyện thế này: chúng tôi thường câu được nhiều cá nục heo nên ăn không hết. Để vừa tiếp tục trò giải trí mọi người ưa chuộng mà vẫn không phí phạm món ăn, chúng tôi nghĩ ra trò câu nhử không lưỡi câu cho cả chúng tôi lẫn lũ cá nục heo cùng thích thú. Chúng tôi buộc dây vào những con cá chuồn còn thừa, kéo rê trên mặt nước. Con cá nục heo phóng lên đớp, chúng tôi giật, nó đớp hụt. Cuối cùng con cá nục heo nọ nổi giận bỏ miếng mồi “ma ám” kia, con kế tiếp liền đớp ngay. Chúng tôi được trò vui còn lũ cá nục heo được cá.

Rồi chúng tôi cũng đùa như thế với cá mập. Hoặc chúng tôi buộc vào dây một tảng cá hoặc một bịch đồ ăn thừa của bữa trưa. Thay vì lăn, con cá mập ló đầu lên, ngoác miệng bơi tới định nuốt chửng miếng mồi. Dĩ nhiên chúng tôi giật sợi dây đúng lúc nó định khép cái miệng toang hoác. Với vẻ kiên trì và ngu đần không tả xiết, nó bơi theo há họng định đớp lần nữa, nhưng lần nào miếng mồi cũng vọt đi. Cuối cùng con cá mập tới sát thân cây, vọt lên như con chó xin ăn định chụp một khúc dồi. Chúng tôi giơ mồi lên cao, lủng lẳng trước mũi nó, giống như cho con hải mã trong vườn thú đang ngoác miệng chờ ăn. Một ngày cuối tháng Bảy, sau ba tháng lênh đênh trên bè, tôi ghi trong nhật ký hải trình:

Chúng tôi rất mực thân hữu với con cá mập đi theo bè hôm nay. Lúc ăn trưa chúng tôi bỏ thức ăn thừa thẳng vào cái miệng toang hoác của nó. Khi bơi cạnh bè, nó giống một con chó cả tin vụng về, vô hại. Không thể phủ nhận cá mập cũng rất dễ thương, miễn đừng để bị nó đớp. Ít nhất chúng tôi thấy rất thú vị có nó quanh bè, vào những lúc không định xuống biển tắm.

Một hôm chúng tôi đặt trên mạn bè một khúc tre buộc túi mồi cho cá mập. Nhưng một con sóng lớn đã cuốn xuống biển. Khúc tre trôi vài trăm mét sau bè. Chợt nó đứng dựng trong nước, tự theo bè như có hảo ý muốn trở về chỗ cũ. Khi nó tới gần, chúng tôi thấy một con cá mập dài mười bộ bơi bên dưới trong khi khúc tre nhô trên sóng như một ống kính tiềm vọng[1]. Hóa ra con cá mập đã nuốt chửng bao thức ăn mà không cắn đứt dây buộc. Lát sau, thanh tre-cá mập theo kịp chúng tôi rồi thản nhiên vượt qua cho đến lúc mất hút trong những con sóng phía trước.

Sau những chuyện này, tuy chúng tôi nhìn cá mập một cách khác hẳn, nhưng không bao giờ hết nể sợ trước năm, sáu hàm răng sắc như dao cạo nằm rình rập trong cái miệng khổng lồ. Một hôm Knut có cuộc bơi thi không chủ ý với cá mập. Vì bè trôi dạt nhanh và trước nguy cơ cá mập, chúng tôi thấy không nên rời xa chiếc Kon-Tiki. Chúng tôi cũng không bao giờ để chuyện này xảy ra. Nhưng một hôm vừa mới đề cập đến chuyện cá mập bơi theo, mà hôm ấy biển rất êm nên chúng tôi liền cho phép mình tắm và lặn ngụp một lát. Knut nhảy xuống nước, trườn đi một đoạn khá xa rồi mới trồi lên bơi trở lại bè. Ngay lúc ấy từ trên cột buồm chúng tôi thấy một cái bóng lớn hơn Knut đang từ dưới sâu trồi lên phía sau anh. Chúng tôi báo động, nhưng nén kích động, cố giữ bình tĩnh để tránh hoảng loạn. Knut quay về bè tức thì. Nhưng cái bóng đang bám theo Knut bơi giỏi hơn nhiều. Cả hai đến bè cùng lúc. Knut vừa nhảy lên bè thì một con cá mập dài sáu bộ cũng vừa lướt ngang dưới mạn bè. Chúng tôi ném cho nó đầu một con cá nục heo để cám ơn nó đã không táp anh. Bình thường cá mập nổi hứng săn do ngửi hơn là thấy mồi. Có lúc chúng tôi ngồi trên mạn bè, thõng chân xuống nước để dụ chúng. Chúng thường bơi tới cách chúng tôi hai ba bộ rồi bình thản quay đi. Ngược lại, chỉ cần một tí máu rơi xuống nước, chẳng hạn khi chúng tôi đánh vẩy cá, lũ cá mập liền được truyền sức sống, đột nhiên xuất hiện như một lũ nhặng. Chỉ cần ném xuống bộ đồ lòng cá mập là chúng liền điên cuồng ào tới, thèm khát nuốt lá gan đồng loại. Rồi khi chúng tôi thò chân xuống biển, chúng phóng tới như hỏa tiễn, bập răng vào thân gỗ, nơi chúng tôi vừa đặt chân. Không phải cá mập đều giống nhau cả đâu, vì thứ cá dữ này là nạn nhân của giác quan của chính chúng đó thôi.

Cuối cùng chúng tôi rành cá mập đến nỗi dám kéo đuôi nó. Nhiều người hẳn sẽ bĩu môi rằng túm đuôi con vật là trò vặt vãnh. Vì họ chưa từng thử nắm đuôi cá mập đấy thôi! Song thật ra nắm đuôi cá mập thú vị lắm.

Để nắm được đuôi nó ta phải nhử nó bằng mồi ngon trước đã. Có mồi ngon nó sẵn sàng nhô đầu lên khỏi mặt nước ngay. Bình thường chúng tôi đung đưa miếng mồi buộc vào một sợi dây trước mõm nó. Ai từng thả mồi vào miệng cá mập sẽ thấy không thú vị gì mấy. Khi ta cầm mồi cho đàn chó hay gấu thuần dưỡng ăn chúng luôn cắn ngập răng vào miếng thịt rồi giật cho đến lúc kéo được nguyên tảng hoặc miếng thịt tơi tả. Nhưng khi ta cầm con cá nục heo to trước một con cá mập ở khoảng cách tương ứng thì nó trồi lên, bập một cái, chẳng gây chấn động gì mà nửa con cá nục heo bỗng dưng biến mất tiêu, còn ta ngồi đó với cái đuôi trong tay[1]. Ta phải kiệt sức mới dùng dao xẻ đôi nổi một con cá nục heo. Vậy mà cá mập chỉ cần một tích tắc là cắn đứt gọn xương sống và mọi thứ, chẳng khác cái máy xay thịt, bằng cách vặn mình qua một bên với hàm răng như lưỡi cưa của nó. Khi cá mập lộn lại để trồi lên, đuôi nó ve vẩy trên mặt nước rất dễ tóm. Da cá mập giống như giấy nhám, còn phía trên cùng đuôi nó có một cái gờ như được sinh ra để ta nắm. Nắm chặt được chỗ này thì bàn tay ta không bị trượt nữa.

Bấy giờ phải ra sức kéo đuôi con cá mập lên các thân gỗ trước khi nó kịp hiểu. Trong một hai giây đầu nó không biết có chuyện gì, nhưng rồi nó vẫy đập loạn xạ. Song hoài công, vì không có đuôi thì nó đừng hòng thoát nổi, những chiếc vây kia chỉ để giữ thăng bằng và lái thôi. Sau một lần giãy giụa tuyệt vọng - lúc này phải giữ chắc đuôi nó - nó hoàn toàn chán nản, dửng dưng. Và vì bắt đầu bị bao tử đè lên đầu nên cuối cùng nó trở nên tê liệt. Khi con cá mập thõng người cứng đơ là lúc phải hết sức kéo nó lên bè. Hiếm khi chúng tôi kéo được một nửa con cá nặng khiếp này khỏi mặt nước. Nhưng lúc đó nó bừng tỉnh và tự giải quyết phần còn lại: nó quẫy đầu kịch liệt đến nỗi tự văng lên những thân cây. Ta phải hết sức nhảy lùi lại. Phải thật nhanh, nếu muốn cứu đôi chân, vì lúc đó nó tuyệt đối không nương tay. Đuôi nó quật dữ dội, đập vào mái lều như búa tạ. Nó không tiết kiệm sức mạnh khủng khiếp nữa. Cái miệng to kềnh nghếch lên vách lều, những hàm răng đớp bừa vào không khí. Đôi khi màn nhảy múa hoang dại như trước lúc xuất quân kia chấm dứt với chuyện nó nhoài xuống biển, do tình cờ hơn là chủ tâm, rồi biến mất tăm sau trận nhục nhã này. Nhưng phần nhiều nó quẫy lung tung trên những khúc cây sau bè cho đến khi chúng tôi quàng được thòng lọng vào đuôi nó hoặc nó tự ý thôi chìa ra hàm răng quỷ quái.

Con vẹt lấy làm cực kỳ thú vị khi chúng tôi bắt được cá mập lên bè. Từ trong lều nó chạy ra, leo thoăn thoắt lên vách, cho đến khi tìm được trên mái lá dừa một chỗ nhìn tốt và an toàn. Nó đứng đấy, lắc đầu quầy quậy, nhảy tới nhảy lui trên nóc, kêu lên thích thú. Nó nhanh chóng trở thành một thủy thủ tài ba, luôn tràn đầy tiếng cười vui nhộn. Chúng tôi thành ra bảy mạng trên bè, sáu người và con vẹt xanh. Còn con cua Johannes đành hài lòng trong vai nhân vật phụ máu lạnh. Ban đêm con vẹt chui vào chiếc lồng treo dưới nóc lều tre. Ban ngày nó lang thang trên sàn hoặc đậu giữa các dây cột buồm và dây néo, nhào lộn vô cùng quyến rũ. Mới đầu chúng tôi đặt những con néo trên các dây cột buồm. Sau vì chúng cọ mòn dây nên chúng tôi đổi qua thòng lọng thông thường. Khi thừng bị giãn lỏng do nắng gió, tất cả chúng tôi phải hè nhau néo chắc lại cột buồm để cây gỗ cứng như sắt này khỏi bị gãy do lắc lư. Đó là những giây phút rất mệt. Trong lúc chúng tôi gồng người kéo thì con vẹt kêu bằng giọng thật hề của nó: “Kéo nào, kéo nao, dô ta!” Khi chúng tôi bật cười vì trò hề ấy, nó cũng cười rung cả người về trò tiêu khiển của mình rồi nhảy nhót không ngừng quanh những dây néo.

Mới đầu, con vẹt là hiện thân của sự độc ác đối với những người phụ trách đài vô tuyến. Họ đang sung sướng ngồi đắm mình trong góc đặt máy với cái ống nghe thần kỳ và biết đâu chừng đang bắt được liên lạc với một người chơi điện đài nghiệp dư nào đấy ở Oklahoma, bỗng dưng ống nghe câm tịt, mặc cho họ tha hồ quay dây ăng ten và những núm vặn. Hoá ra con vẹt lại phá đám, mổ đứt dây ăng ten. Chuyện này xảy ra thường xuyên trong thời kỳ đầu, vì dây ăng ten buộc vào một quả bong bóng bay lơ lửng trên không. Nhưng một hôm con vẹt ốm nặng. Nó ủ rũ trong lồng, mắt đờ đẫn, hai ngày liền không đụng đến thức ăn, phân nó ánh lên những mẩu dây ăng ten vàng lóng lánh. Lúc ấy những nhân viên điện báo ân hận đã chửi rủa nó, còn con vẹt ân hận về trò nghịch của mình. Đúng thế, từ hôm ấy Torstein và Knut trở thành những người nó đặc biệt yêu thích và nó chỉ ưa ngủ trong góc đặt điện đài. Khi mới lên bè, người bạn lông xanh của chúng tôi chỉ biết tiếng Tây Ban Nha. Bengt quả quyết rằng trước khi nó biết lặp lại những câu chửi thề rặt Na Uy của Torstein thì nó đã nói tiếng Tây Ban Nha với âm sắc Na Uy rồi.

Sáu mươi ngày ròng chúng tôi thích thú với sự vui nhộn và màu sắc rực rỡ của con vẹt. Rồi ngày nọ một ngọn sóng lớn từ sau ào lên sàn bè trong lúc nó đang từ đỉnh cột buồm leo xuống theo những dây chằng. Khi chúng tôi phát hiện nó rơi xuống biển thì đã quá muộn. Chúng tôi không còn thấy nó nữa, mà chiếc Kon-Tiki không thể quay lại hay ngừng được. Rơi xuống biển rồi thì không hy vọng gì trở lại được. Chúng tôi có thừa kinh nghiệm.

Chúng tôi buồn bã suốt đêm đầu tiên vì mất con vẹt và biết rằng nếu ai nhỡ may ngã xuống biển vào một đêm trực cô quạnh thì cũng sẽ như thế thôi.

Cho nên chúng tôi lại nhắc nhở nhau những quy định về an toàn, để sẵn một dây thừng cấp cứu mới cho người trực đêm, luôn bảo nhau chớ vì mọi chuyện trôi chảy suốt hai tháng qua mà vội chủ quan rằng đã an toàn. Ngay cả giữa ban ngày thì một bước sơ sẩy, một động tác khinh suất vẫn có thể khiến chúng tôi lâm vào hoàn cảnh của con vẹt xanh.

Nhiều lần chúng tôi thấy những vỏ trứng to của cá mực lềnh bềnh như trứng đà điểu hay sọ người trắng hếu trên sóng xanh lơ. Chỉ một lần duy nhất chúng tôi thấy cá mực vặn vẹo bên dưới, bơi ngang bè tựa những quả cầu tuyết. Mới đầu chúng tôi nghĩ rằng chèo xuồng cao su ra vớt chúng dễ ợt. Chúng tôi cũng đã tin như thế khi có lần dây buộc chiếc lưới bắt phiêu sinh vật bị đứt. Chúng tôi dùng dây thừng buộc xuồng vào bè để dễ trở về, nhưng thất vọng thấy sóng gió đẩy ngược xuồng và sợi dây thừng dưới nước kềm lại rất mạnh khiến chúng tôi không tài nào chèo về được chỗ chiếc bè trôi qua. Chúng tôi đến gần chiếc lưới được vài mét, nhưng rồi cả sợi dây chằng nổi lên và chiếc Kon-Tiki kéo phăng chúng tôi về hướng tây. Đã rơi xuống biển là hết cách cứu! Đây là kinh nghiệm in sâu không phai nhòa vào đầu óc chúng tôi. “Cùng chơi - cùng chịu”, đó là khẩu hiệu cho đến khi mũi chiếc Kon-Tiki chạm đất liền bên kia bờ biển.

Con vẹt mất đi, góc đặt điện đài trống vắng hẳn. Nhưng vì hôm sau mặt trời nhiệt đới vẫn chiếu sáng khắp Thái Bình Dương nên chúng tôi cũng nguôi ngoai. Tám ngày sau đó, chúng tôi kéo được nhiều cá mập lên bè và tìm thấy trong bụng chúng những cái mỏ vẹt đen xì cong cong lẫn giữa những đầu cá ngừ và những thứ khó tiêu hóa khác. Nhìn kỹ mới thấy hóa ra đó là những mỏ màu đen của cá mực đã bị tiêu hoá.

Hai điện đài viên thật vất vả trong góc lều của họ. Ngay từ ngày đầu nước biển đã nhỏ giọt ra từ những thùng pin, khiến họ phải lấy bạt phủ lên góc đặt điện đài dễ hỏng, mong cứu được phần nào trong sóng to trên biển cả này. Rồi họ bù đầu tìm cách đặt dây ăng ten sao cho đủ dài trên chiếc bè nhỏ xíu. Họ thử dùng diều đưa dây lên không, nhưng diều rơi tòm mất dạng trong bọt sóng. Giờ thì họ thử đưa ăng ten lên cao bằng bong bóng bay. Nhưng nắng nhiệt đới làm bong bóng thủng lỗ chỗ, xì hơi, khiến nó chìm xuống biển sâu. Họ còn gặp phiền toái với con vẹt nữa chứ. Phải mất thêm mười bốn ngày nữa để hải lưu Humboldt đưa chúng tôi ra khỏi “vùng chết” của rặng Andes, nơi mà các làn sóng ngắn câm tịt như không khí trong hộp đồ ăn.

Nhưng một hôm các làn sóng ngắn này lại thông. Một người chơi điện đài nghiệp dư ở Los Angeles nghe được tín hiệu của Torstein trong lúc anh ta đang thử liên lạc với một nhà nghiệp dư khác ở Thụy Điển. Anh ta quan tâm nhất đến loại máy chúng tôi sử dụng. Sau khi được trả lời thỏa đáng, anh ta hỏi Torstein hiện ở đâu, cư ngụ nơi nào. Khi được Torstein cho biết anh đang ở trong một lều tre trên chiếc bè giữa Thái Bình Dương thì một số tín hiệu lạ lùng được tới tấp gửi tới cho đến khi Torstein cung cấp thêm chi tiết. Sau khi đã “hoàn hồn”, người nọ trên làn sóng điện kể rằng anh ta tên là Hal, chị vợ tên Anna, người Thụy Điển và chị sẽ vui lòng báo tin cho gia đình chúng tôi biết là chúng tôi còn sống và mạnh khỏe.

Thật lạ kỳ khi nhớ lại tối hôm ấy có một người đàn ông lạ hoắc xưng tên là Hal, phụ trách chiếu phim tận phía bên kia trái đất, trong rừng người ở Los Angeles, lại là người duy nhất trên thế giới bao la, ngoài chúng tôi, biết rõ chúng tôi đang ở đâu và mạnh khỏe. Từ hôm ấy, Hal, tức là Harold Kempel, và người bạn tên Frank Cuevas đêm đêm thay nhau ngồi sau đài vô tuyến lắng nghe, dò tìm tín hiệu từ chiếc bè của chúng tôi. Rồi Hermann nhanh chóng nhận được những điện tín khen ngợi của trưởng đài khí tượng Mỹ về những thông báo hàng ngày của anh từ một vùng chưa hề được thống kê. Sau này, hầu như đêm nào Knut và Torstein cũng bắt được liên lạc với nhiều người chơi điện đài nghiệp dư khác. Họ chuyển lời chào của chúng tôi về Na Uy qua một nhà nghiệp dư tên Egil Berg ở Notodden.

Vài ngày sau góc điện đài của chúng tôi bị dính quá nhiều nước mặn, ngưng bặt hoạt động. Các nhà phụ trách điện đài ngày đêm hoang mang, lo tháo vít và dùng mỏ hàn sửa như điên. Những nhà chơi điện đài nghiệp dư ở nơi xa hẳn đã tin rằng chiếc bè của chúng tôi tận số đến nơi. Nhưng một đêm tín hiệu LI2B lại phát lên không trung, lát sau góc điện đài u u như tổ ong, bởi vì cả trăm nhà chơi điện đài nghiệp dư Mỹ cùng nhào vào phím trả lời.

Chính chúng tôi cũng không thoát khỏi cảm tưởng đang ngồi trong một tổ ong bắp cày, nếu lỡ lạc chân vào nơi thiêng liêng nhất của các nhà chơi điện đài. Khung gỗ nham nhám nước biển. Tuy dưới chân các nhà điện báo có đặt một tấm thảm cao su trên những thân gỗ balsa, song chỉ cần đụng đến một phím morse là lưng bị điện giật đau nhói, tê tái đầu ngón tay. Một kẻ “ngoại đạo” trong chúng tôi xớ rớ lấy một cây bút chì từ cái góc điện đài chi chít kia chắc chắn sẽ bị điện giật khiến tóc tai dựng đứng hay từ vật muốn lấy nọ toé ra những tia điện dài ngoằng ngay. Chỉ Torstein, Knut và con vẹt là đi lại không gặp nguy hiểm trong cái góc bị phù phép này. Chúng tôi phải gắn một tấm giấy bồi đánh dấu vùng nguy hiểm để tránh xa.

Một tối, lúc chúng tôi đang ngủ, Knut ngồi mầy mò dưới ánh đèn trong góc điện đài. Chợt anh nhéo chân tôi, bảo vừa liên lạc qua phím bấm với một anh chàng ở sát Oslo tên Christian Amundsen. Quả thật đó là một kỷ lục về máy nghiệp dư. Vì chiếc máy nhỏ xíu phát sóng ngắn trên bè với 13990 kilô xích/giây phát không hơn 6 oát, đại khái chỉ bằng chiếc đèn bấm bỏ túi. Hôm đó là ngày 2 tháng Tám, chúng tôi vừa căng buồm đi vòng trái đất được hơn 60 độ, nghĩa là chúng tôi đang ở đúng bên kia thế giới[1](1). Ngày mai vua Haakon tròn bảy mươi lăm tuổi, nên chúng tôi gửi thẳng về Na Uy lời chúc mừng từ chiếc bè. Tối hôm sau lại liên lạc được với Christian, anh gửi cho chúng tôi điện trả lời của quốc vương với lời chúc tốt đẹp nhất cho đoạn hành trình tiếp theo.

Có một tình tiết vui vui khác cho chúng tôi thấy rõ sự khác biệt giữa cuộc sống trên chiếc bè cổ lỗ và kỹ thuật hiện đại. Chúng tôi có trên bè hai máy ảnh; Erich đã lo sẵn một gói hóa chất để rửa hình trên đường đi, phòng khi không đạt yêu cầu sẽ chụp lại. Sau lần được cá mập thăm viếng anh không kiên nhẫn hơn được nữa.

Một tối anh hòa bột thuốc với nước theo đúng hướng dẫn và tráng hai cuộn phim. Âm bản trông như ảnh trên truyền hình. Chỉ toàn vết nhăn và chấm. Phim hỏng. Chúng tôi điện cho những người liên lạc qua điện đài, yêu cầu chỉ vẽ. Một người chơi điện đài nghiệp dư ở Hollywood bắt được điện của chúng tôi liền gọi cho phòng thí nghiệm gần nhất.

Lát sau anh mở máy trả lời rằng nước rửa phim của chúng tôi quá nóng. Nước không được quá 16 độ, bằng không âm bản sẽ nhăn nhúm.

Chúng tôi cám ơn và nhận thấy rằng nhiệt độ thấp nhất chung quanh là nhiệt độ của dò hải lưu, 27 độ. Hermann là kỹ sư, chuyên gia kỹ nghệ lạnh. Cho nên tôi mới đùa, giao cho anh nhiệm vụ đạt được nước 16 độ. Anh yêu cầu được sử dụng bình axit cacbonic - phụ tùng cho chiếc xuồng cao su đã bơm căng. Rồi anh phủ một áo may ô và một túi ngủ lên một chiếc chậu. Sau một lúc “phù phép” rất nhà nghề, đột nhiên những sợi râu của anh bám đầy băng và anh đưa cho chúng tôi một tảng băng lớn trắng phau.

Erich lại tráng và lần này kết quả mỹ mãn.

Thế giới của những làn sóng trên không trung mà Torstein và Knut “thông dịch” cho chúng tôi dĩ nhiên là một thứ xa xỉ chưa biết đến vào thời xa xưa của chiếc Kon-Tiki. Còn thế giới của những làn sóng bên dưới chúng tôi vẫn thế, xưa kia cũng như ngày nay, và chiếc bè balsa của chúng tôi thẳng tiến về hướng tây, không khác những tiền bối của nó 1500 năm trước.

Thời tiết trở nên thất thường. Vì chúng tôi đã đến gần những đảo Nam Thái Bình Dương nên thỉnh thoảng gặp mưa rào. Cả gió Mậu dịch cũng đổi hướng. Trước kia nó thổi liên tục, không hề giở chứng, từ hướng đông nam cho tới khi chúng tôi đi được một quãng xa trong dòng hải lưu Xích đạo. Ở đây nó dần dần xoay về hướng đông. Ngày 10 tháng Sáu, chúng tôi lên tới vị trí cao nhất về phía bắc, 6 độ 19 phút vĩ độ nam. Gần Xích đạo đến nỗi tưởng chừng như chúng tôi sẽ đi quá khỏi những hòn đảo cực bắc của cụm Marquesas rồi dạt ra đại dương, không thấy đất liền. Nhưng rồi gió Mậu dịch xoay từ đông sang đông bắc, đẩy chúng tôi theo một vòng cung lớn tới cùng vĩ độ của cụm đảo này.

 Ngoài biển khơi nhiều ngày liền hướng gió và luồng nước không thay đổi là chuyện rất thư 8000 ng. Trừ những đêm chỉ có một người trực lái là chúng tôi còn nhớ, ngoài ra quên sạch. Vì khi thời tiết ổn định, bánh lái được cột chắc, buồm của Kon-Tiki cứ căng phồng trong gió thổi đều đều, không cần phải để ý tới. Lúc ấy người trực đêm có thể thanh thản ngồi trước cửa lều ngó sao trời. Khi những chòm sao thay đổi vị trí là lúc phải đứng lên xem gió hoặc bánh lái có đổi hướng không. Lái bè theo các vì sao dễ dàng không ngờ, dù chúng tôi chỉ mới theo dõi chúng trên bầu trời được vài tuần. Vả lại chẳng có gì để chúng tôi có thể quan sát trong đêm tối. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi biết rõ từng đêm những chòm sao xuất hiện chỗ nào. Khi chúng tôi đến gần Xích đạo, chòm Đại Hùng cao tít phía bắc bầu trời, khiến chúng tôi lo là đã thấy sao Bắc Cực. Ấy là do nó xuất hiện khi ta từ hướng nam lên gặp Xích đạo. Nhưng chòm Đại Hùng lặn mất khi gió Mậu dịch thổi theo hướng đông bắc.

Người Polynesia xưa đi biển đại tài. Ban ngày họ lái theo mặt trời, ban đêm theo những vì sao. Kiến thức thiên văn của họ thật đáng kinh ngạc. Họ biết quả đất tròn(1)[1] và đặt tên cho những khái niệm phức tạp như Xích đạo, kinh tuyến, chí tuyến bắc và nam. Ở đảo Hawaii họ đã khắc hải đồ vùng biển chung quanh trên vỏ những quả bầu nậm, còn ở những đảo lẻ tẻ khác họ bện những hải đồ chi tiết, lấy vỏ ốc xà cừ chỉ các hòn đảo và các nút bện đánh dấu những luồng nước nhất định. Người Polynesia biết năm hành tinh mà họ gọi là sao di động, phân biệt với định tinh mà họ đặt cho gần ba trăm tên gọi khác nhau. Xưa, một người đi biển giỏi của Polynesia biết rất chính xác những vì sao xuất hiện nơi nào trên bầu trời, vào những giờ khác nhau trong đêm và những mùa trong năm, biết cả chòm sao nào chiếu thẳng xuống từng hòn đảo. Đôi khi họ đặt tên đảo theo ngôi sao chiếu trên đầu nó hàng đêm, hàng năm.

Vòm trời đầy sao xoay chuyển trên đầu từ đông sang tây như chiếc la bàn khổng lồ nên họ nhanh chóng nhận ra rằng những ngôi sao thẳng trên đầu chỉ cho biết họ đang ở cách bao xa về phía bắc hay phía nam. Vì người Polynesia đã khảo cứu và chinh phục biển tới tận gần châu Mỹ, nên họ có thể duy trì việc giao lưu giữa các đảo này qua nhiều thế hệ. Tương truyền rằng các tù trưởng Tahiti đã đến thăm Hawaii cách xa những hai nghìn hải lý về phía bắc và vài độ về phía tây. Mới đầu họ lái theo mặt trời và sao nhắm thẳng hướng bắc, cho đến khi những ngôi sao ngay trên đầu cho biết đã đến vĩ độ của Hawaii. Lúc đó người lái sẽ ngoặt một góc vuông theo hướng tây, cho đến khi chim chóc và mây báo hiệu cụm đảo Hawaii ở chỗ nào.

Từ đâu người Polynesia có kiến thức về thiên văn tuyệt vời và lịch chính xác đáng kinh ngạc ấy? Chắc chắn không phải từ những bộ tộc Melanesia và Malaysia ở phía tây. Nhưng chính bộ tộc có nền văn hóa cổ xưa nọ, những “người da trắng có râu”, những người đem đến cho các tộc Aztec, Inca và Maya ở châu Mỹ nền văn hoá đáng kinh ngạc, chính họ từng tính toán ra thứ lịch cũng lạ thường, mà cùng thời kỳ đó châu Âu không thể sánh nổi.

Ở Peru, nơi lục địa xoải xuống Thái Bình Dương, hiện nay vẫn còn một đài thiên văn rất cổ trên vùng sa mạc, gợi nhớ đến bộ tộc văn hóa bí ẩn nọ từng tạc những tượng đá khổng lồ, xây những kim tự tháp, trồng khoai lang và bầu nậm.

Ngày 2 tháng Bảy, những người trực đêm không còn được ngồi thanh thản ngắm sao trời nữa. Sau nhiều ngày hiu hiu hướng đông bắc, gió mạnh lên và biển động. Gần tối bè mới thật sự trôi nhanh dưới ánh trăng sáng. Chúng tôi đo vận tốc bằng cách thả một phoi bào ngay trước bè rồi đếm xem mất bao nhiêu giây nó qua khỏi đuôi bè. Lần này là kỷ lục. Cho một đoạn dài bằng thân gỗ mạn bè trung bình chúng tôi cần mười hai đến mười tám giây hay mười hai đến mười tám “phoi bào” nói theo thuật ngữ của chúng tôi. Bây giờ bè trôi với tốc độ sáu phoi bào và những sinh vật tỏa sáng quay cuồng theo lằn nước sau bè.

Bốn người đang ngáy trong lều tre. Torstein gõ morse còn tôi canh bánh lái. Gần nửa đêm tôi nhận thấy một con sóng lớn khác thường từ phía sau lồng lộn ào đến choán hết cả tầm nhìn. Thỉnh thoảng tôi thấy sau ngọn sóng ầm ầm kia đôi ba con sóng khổng lồ khác tương tự dồn tới theo chân nó. Nếu như trước đó không lâu chúng tôi chưa đánh dấu vùng này thì chắc chắn tôi sẽ tin rằng đây là những đợt sóng lớn dựng lên vì đập vào một dải đá ngầm nguy hiểm. Ngay sau đó một con sóng dài như bức tường ào tới dưới ánh trăng. Tôi báo động và lái bè đúng hướng để chờ đón những gì đang ập tới. Khi con sóng ào đến, đuôi bè bổng về một phía, chồm lên lưng ngọn sóng đang cùng lúc ập xuống ầm ầm, nước réo tung tóe. Chúng tôi cưỡi qua con nước quay cuồng ngầu bọt sôi sục trào lên hai bên mạn bè trong lúc con sóng lớn trườn dưới đáy. Cuối cùng, khi con sóng lướt qua, mũi bè nhô bổng lên, còn chúng tôi ngã ngửa ra sau vào một lòng sóng to. Nhưng bức tường nước tiếp theo xô tới liền, cao nghệu. Chúng tôi lại bị nâng lên cao. Khối nước trong veo ập xuống mũi bè, tan tác khi chúng tôi chỉnh hướng bè. Sóng khiến bè xoay ngang, không thể quay nhanh lại được. Con sóng tiếp theo ào đến, cao như một bức tường lấp lánh toàn những dải bọt. Nó gầm thét, ập xuống chúng tôi như một cái máy nghiền khổng lồ. Tôi không biết làm gì hơn là cố sức bám vào chiếc cọc tre ló khỏi mái lều. Tôi bám chặt, nín thở, cho đến lúc thấy cả đám chúng tôi bị hất lên cao và tất cả chung quanh biến mất trong bọt nước quay cuồng gầm thét. Đột nhiên mạn bên kia chiếc Kon-Tiki lại hạ xuống và từ từ lướt trên những lưng sóng mềm mại. Sóng trở lại bình thường. Trước mặt chúng tôi ba bức tường sóng nặng nề tiếp tục xô đi trên biển, phía sau bập bềnh một chuỗi dài những quả dừa.

Con sóng cuối cùng mạnh đến nỗi hất văng Torstein vào góc đặt điện đài. Tiếng động làm những người kia bừng tỉnh, trong lúc nước bắn lên qua các khe gỗ và rịn vào qua vách lều. Phía trước vách lều trái toác một lỗ nhỏ và chiếc giỏ lặn ở mũi bè bẹp gí. Ngoài ra tất cả đều y nguyên.

Chúng tôi không giải thích chắc chắn được ba ngọn sóng lớn này từ đâu ra. Có thể do những xê dịch dưới đáy biển, điều không phải hiếm thấy ở vĩ độ này.

Hai ngày sau, chúng tôi gặp trận bão đầu tiên. Thoạt tiên gió Mậu dịch ngừng bặt. Cả những áng mây trắng như bông, bềnh bồng trên nền trời xanh cũng biến mất. Chúng nhanh chóng bị những đám mây đen từ chân trời phía nam cuồn cuộn tới xua đi. Rồi gió mạnh nổi lên từ những hướng không mấy ai ngờ. Người lái bè không điều khiển nổi nữa. Anh mới vừa lái đuôi bè để thuận gió thì gió lớn thốc tới từ hướng khác khiến buồm quay cuồng phần phật, nguy hiểm cho người và mọi thứ. Đột nhiên gió ập tới từ hướng có bão. Những đám mây đen đầy đe dọa lũ lượt kéo kín bầu trời. Gió nhẹ càng lúc càng mạnh hơn, biến thành bão thật sự.

Trong khoảnh khắc sóng dậy lên cao đến năm mét quanh chúng tôi. Cá biệt có những đỉnh sóng ngầu bọt cao tới sáu, bảy mét so với lòng sóng, ngang đỉnh cột buồm khi bè trong lòng sóng. Lúc ấy thì “Mọi người phải có mặt trên sàn bè!” Ai nấy cúi gập người bò ra khỏi lều.

Chúng tôi căng bạt che kín vách sau và vách trái lều để bảo vệ điện đài, cột chắc mọi thứ cho đến nay chưa chằng buộc. Chúng tôi hạ buồm, cuốn quanh trục tre. Trời kéo mây nên sóng đen ngòm đầy đe dọa. Chung quanh, trong tầm nhìn, mặt biển ngầu sóng trắng xóa bọt. Những dải bọt dài im lìm trong chiều gió sau lưng những con sóng. Khắp nơi, vệt sóng đổ xuống xanh thẫm ngầu bọt trên mặt biển xanh đen. Bão thổi bạt những ngọn sóng đang ập xuống, tạo thành cơn mưa phùn nước mặn trên mặt biển. Thêm cả mưa rào nhiệt đới đúng nghĩa nữa chứ. Những đợt cuồng phong khiến mưa rơi như quất roi trên mặt nước nhấp nhô. Nước mưa và nước biển tung lên hòa vào nhau khiến nước từ râu tóc chúng tôi chảy xuống có vị lợ. Trần trùng trục và lạnh cóng, chúng tôi lom khom mò mẫm khắp nơi trên sàn bè, giải quyết nốt những gì còn sót trước khi bão tới. Trong mắt chúng tôi hẳn đầy nét chờ đợi và âu lo khi bão tố từ chân trời cuồn cuồn ập tới, bủa vây. Đây là trận bão đầu tiên mà. Nhưng khi nó dốc toàn lực ào đến mà chiếc Kon-Tiki vượt qua mọi chuyện thật dễ dàng và xuất sắc thì cuối cùng trận giao chiến với giông bão lại trở thành trò thể thao hấp dẫn với chúng tôi. Ai nấy vui thích trước khung cảnh dữ dội chung quanh mà chiếc bè balsa dễ dàng vượt qua. Nó luôn nhảy nhót ở trên cùng như một nút chai, còn ngọn núi sóng đầy hung hãn trườn phía dưới bè. Thời tiết này khiến biển cả không khác núi non. Giống như ở trên cao nguyên trong giông bão, tận trên cùng, giữa những sườn núi xám trơ trụi. Dù đang ở giữa vùng biển nhiệt đới, nhưng khi chiếc bè bềnh bồng lướt sóng chúng tôi luôn nghĩ đến những cuộc trượt trên những khối tuyết và sườn núi.

Dĩ nhiên gặp thời tiết này người trực lái phải hết sức cẩn thận. Có lúc sóng lớn ào qua mũi bè, hất đuôi bè chổng lên trời. Nhưng chỉ một giây sau nó lại hạ xuống rồi leo lên đỉnh ngọn sóng kế tiếp. Khi những con sóng lớn nối nhau dồn dập, con sóng sau ập tới trong khi con sóng trước còn đang nâng mũi bè lên, rồi một khối nước rất mạnh ầm ầm phát sợ ập lên người gác. Nhưng chỉ khoảnh khắc sau đuôi bè lại nhún nhảy và khối nước biến mất giữa những khe gỗ, như giữa những khe nĩa.

Chúng tôi đã tính rằng vào những ngày biển lặng, bình thường cứ bảy giây một con sóng tiếp nối con sóng trước và mỗi ngày đuôi bè hứng khoảng hai trăm tấn nước. Mà chúng tôi chẳng cảm thấy gì hết, vì khối nước kia chỉ lặng lẽ ùa vào chân người gác rồi lặng lẽ biến mất giữa những thân gỗ. Nhưng khi giông tố thì một ngày có đến một vạn tấn nước biển đổ lên đuôi bè của chúng tôi. Có khi chỉ vài ba lít, có khi hai đến ba mét khối, đôi lúc nhiều hơn hẳn. Cứ năm giây đuôi bè lại ngầu bọt nước. Đôi khi nước ập xuống sau bè inh tai như thác đổ, khiến người trực ngập tới tận bụng và có cảm tưởng phải trụ thật vững mới chống nổi một con suối chảy xiết từ trên núi đổ xuống. Chiếc bè khựng lại một giây. Nhưng rồi cái khối nước chỗ nhiều chỗ ít kia lại biến khỏi bè như những con thác nhân tạo.

Hermann cầm phong kế hết chạy chỗ này tới chỗ nọ đo sức bão kéo dài suốt ngày. Rồi nó yếu đi, thành một cơn gió nhẹ, thỉnh thoảng thêm mưa rào khiến mặt biển vẫn luôn sôi sục. Còn chúng tôi lại lướt về hướng tây.

Để đo chính xác sức gió giữa những con sóng cao như tháp kia Hermann phải cố leo lên ngọn cột buồm lắc lư, càng cao càng tốt. Chỉ lo bám chặt trên đó cũng đã tốn nhiều sức lực rồi.

Khi bão lắng, lũ cá lớn quanh chúng tôi như thể hóa dại. Đầy những cá mập, cá ngừ tuna, cá nục heo và ít con cá ngừ bonito cuống quýt bơi lăng xăng dưới đáy bè hay trong những vạt sóng gần nhất. Đó là một cuộc tranh đấu liên tục và dữ dội để sống còn. Những tấm lưng to kềnh ào ào đuổi nhau như hỏa tiễn trên mặt nước. Quanh chúng tôi nước đỏ ngầu dần vì máu. Lũ cá ngừ và cá nục heo đụng độ nhau nhiều nhất. Cá nục heo đến thành đàn lớn, nhanh nhẹn và linh hoạt hơn bình thường. Cá ngừ tuna là kẻ tấn công. Nó thường vọt lên không với tấm thân nặng bảy mươi đến tám mươi ký, miệng ngậm cái đầu đẫm máu của con cá nục heo. Một vài con cá nục heo ào trốn, cá ngừ đuổi bén gót; đám cá nục heo còn lại vẫn giữ nguyên vị trí sát bên nhau. Nhưng rồi càng thêm nhiều con cá nục heo bỏ chạy, gáy toang hoác vết thương. Đôi khi lũ cá mập cũng nổi điên. Chúng tôi thấy chúng đánh nhau với những con cá ngừ lớn - bọn này gặp phải đối thủ mạnh hơn.

Không thấy bóng dáng một con cá hoa tiêu nhỏ bé nào. Hoặc chúng bị những con cá ngừ điên cuồng chén mất hoặc chúng trốn giữa những khe dưới đáy bè. Cũng có thể chúng đã cao chạy xa bay khỏi chiến trường. Chúng tôi không dám thò đầu xuống nước để tìm.

Tôi không nhịn cười được vì chính mình cũng có lần “thần hồn nát thần tính”, nhưng quả thật tim tôi muốn rụng luôn. Lần ấy tôi phải ra sau bè - do cơ thể đòi hỏi rất tự nhiên mà. Chúng tôi đã quen với việc trong bồn tiêu có sóng vỗ. Tôi đang ngồi chồm hổm ở mạn bè đột nhiên bị một cú thúc dữ dội từ phía sau, như thể bị một vật gì to, lạnh, trơn trượt như đầu cá mập từ dưới biển húc lên thật mạnh, khiến tôi hết hồn hết vía. Đúng thế, với cảm giác bị cá mập táp vào hông, tôi bám dây néo vọt lên cột buồm rồi mới tỉnh trí. Hermann ôm tay lái cười rũ rượi, kể rằng một con cá ngừ lớn với bảy mươi ký thịt lạnh ngắt vừa tống mạnh vào một bên hông trần trụi của tôi. Chính con cá này sau đó hai lần định theo sóng chồn lên sau bè, lần Hermann và lần Torstein trực lái. Cả hai lần tấm thân béo nhẫy này đã lên đuôi bè, nhưng lần nào cũng đều lăn xuống được, trước khi chúng tôi kịp tóm cái thân trơn trượt của nó.

Một con cá ngừ bonito béo mập hoảng loạn ào theo một vòng cung lớn rơi trên bè, một con cá mực thèm khát bám theo. Con này hôm trước cắn câu nhưng rồi lại thoát được. Chúng tôi liền quyết định chấm dứt vụ hỗn loạn đẫm máu này.

Hải trình ký ghi rằng:

Mới đầu một con cá mập dài sáu bộ cắn câu bị lôi lên bè. Vừa thả câu tiếp thì một con cá mập khác dài tám bộ đớp liền. Chúng tôi kéo nó lên bè. Buông câu lần nữa lại kéo được một con cá mập dài sáu bộ lên mạn bè, nhưng nó cắn đứt dây và lặn mất. Lại buông câu, được một con cá mập dài tám bộ. Nó giằng co dữ dội. Chúng tôi kéo được đầu nó tới thân gỗ nhưng nó cắn đứt cả bốn sợi dây thép rồi biến mất. Quăng lưỡi câu mới, lại được một con cá mập sáu bộ. Nhưng lúc này đứng câu trên đuôi bè trơn trượt thật nguy hiểm. Tưởng chúng đã chết lâu rồi, nhưng ba con cá mập vẫn không ngớt ngóc đầu. Chúng tôi bèn nắm đuôi chúng, kéo thành một đống phía trước bè.

Ngay sau đó một con cá ngừ mập ú cắn câu. Phải giằng co vất vả hơn với lũ cá mập mới lôi được nó lên bè. Nó mập và nặng đến nỗi không ai nhấc đuôi lên nổi.

Vẫn thấy biển đầy những lưng cá xô vào nhau tuyệt vọng. Lại một con cá mập cắn câu, nhưng thoát được khi bị kéo lên bè. Rồi chúng tôi lại kéo được một con sáu bộ lên bè, ngay sau đó một con năm bộ. Chúng tôi lại câu được một con sáu bộ. Lại quăng câu và kéo được một chú bảy bộ.

Đặt chân lên chỗ nào chúng tôi cũng đều vướng những con cá mập to quẫy đuôi ầm ầm trên sàn, vào lều tre, há miệng đớp lung tung. Chúng tôi kiệt sức sau mấy đêm giông bão nên không còn đầu óc đâu phân biệt con cá mập nào chết, con nào còn ngắc ngoải, con nào còn sống đang rình rập với những con mắt xanh như mắt mèo. Câu được chín con cá mập to nằm ngổn ngang kia khiến chúng tôi quá mệt mỏi, khó tiếp tục kéo dây câu nặng trịch và giằng co với những con cá mập bất trị, nên chúng tôi chấm dứt sau năm tiếng đồng hồ vật lộn kịch liệt.

Hôm sau ít cá ngừ và cá nục heo hơn, nhưng cá mập vẫn nhiều như trước. Chúng tôi lại kéo chúng lên, nhưng thôi ngay, vì thấy máu tươi trên bè nhỏ xuống càng lôi kéo thêm lũ quái vật này. Chúng tôi quăng hết xác cá mập xuống biển, cọ rửa sàn bè cho sạch máu. Răng cá mập sắc lẻm và da chúng nhám làm trầy hết cả những tấm phên tre. Chúng tôi quăng những tấm xơ xác thấm nhiều máu xuống biển, thay bằng những tấm mới màu vàng kim, buộc cả đống trước bè.

Những đêm đó nằm ngủ chúng tôi mơ thấy miệng cá mập dữ tợn, háu ăn, máu me. Mùi thịt cá mập ngay trước mũi. Thịt nó ăn được. Cắt thành tảng lớn, ngâm dưới biển một ngày cho hết mùi ammoniac, ăn giống cá tuyết[1], nhưng không sánh nổi cá ngừ bonito và cá ngừ tuna.

Tối hôm ấy tôi nghe, lần đầu tiên, một cậu nào đấy nói rằng sắp được thoải mái nằm trên bãi cỏ ở một đảo đầy bóng dừa. Anh mong được thấy gì khác loài cá lạnh tanh và sóng biển.

Bão tạnh hẳn. Nhưng thời tiết không còn ổn định và đáng tin cậy như trước đây. Thỉnh thoảng những cơn gió lớn kéo theo những trận mưa rào thật to. Chúng tôi vui mừng vì mưa, do phần lớn nước dự trữ đã thiu, thum thủm như nước ao tù. Khi mưa to, chúng tôi hứng từ mái lều. Còn chúng tôi trần truồng trên sàn bè, tận hưởng trò xa xỉ là tráng sạch lớp muối trên mình mẩy với nước ngọt.

Rồi những con cá hoa tiêu lại nô đùa ở những chỗ quen thuộc quanh bè. Không thể nói được đó là những con cũ quay lại sau cuộc tàn sát đẫm máu mới đây hay là những con mới quy hàng chúng tôi sau trận chiến đấu kịch liệt kia.

Ngày 21 tháng Bảy, gió lại đột nhiên lặng. Trời hoàn toàn đứng gió và oi khiếp. Kinh nghiệm lần vừa rồi cho chúng tôi biết chuyện gì sẽ tới. Đúng thế thật! Sau vài đợt thổi thốc từ hướng đông, rồi tây, rồi nam, gió tăng cường độ. Những đám mây đen đe dọa đang vần vũ nơi chân trời phía nam. Hermann luôn cầm phong kế đứng ngoài trời, đo sức gió từ mười bốn đến mười sáu mét một giây thì bỗng dưng túi ngủ của Torstein bay xuống biển.

Chuyện xảy ra tiếp theo chỉ trong vòng chớp mắt, nhanh hơn kể lại nhiều.

Hermann vươn tay định nắm chiếc túi ngủ, vô tình bước quá nên rơi tòm xuống biển. Trong tiếng sóng ì ầm chúng tôi chỉ nghe tiếng kêu cứu yếu ớt, nhìn thấy đầu Hermann và một cánh tay vẫy, cùng với vật gì đó không thật rõ nét, màu xanh lục đang quây lấy anh. Thập tử nhất sinh. Anh cố hết sức bơi về, vượt những con sóng lớn đang đẩy anh xa dần mạn trái bè. Torstein đang đứng giữ lái với tôi ở mũi bè trông thấy trước tiên. Chung tôi hoảng vía, kêu toáng lên: “Có người ngã xuống biển!” rồi chạy tìm phương tiện cấp cứu gần nhất. Tiếng sóng quá mạnh nên những người kia không nghe tiếng Hermann kêu cứu. Nhưng rồi đột nhiên cả đám xôn xao, mặt bè náo động. Hermann là tay bơi cự phách, nên tuy biết rằng tính mạng anh như chỉ mành treo chuông song chúng tôi vẫn có hy vọng chính đáng rằng anh sẽ bơi được về tới mạn bè, trước khi quá muộn.

Torstein nhào tới ống tre cuộn dây buộc xuồng cao su, vì anh đứng sát một bên. Nhè ngay lúc đó, lần duy nhất trên chuyến đi, dây mắc kẹt. Tất cả chỉ diễn ra trong vài giây. Hermann đã tới ngang tầm đuôi bè, hy vọng duy nhất là anh bơi tới được bánh lái, bám vào đấy. Nhưng không thành công. Anh vươn tay nắm nhưng bánh lái cứ trượt đi. Giờ đây anh ở sau bè, trong khoảng cách mà chúng tôi từng thấy nhiều thứ không bao giờ quay trở lại nữa. Trong khi Bengt và tôi hạ chiếc xuồng cao su xuống biển, Knut và Erich ném những phao cấp cứu buộc sẵn vào một sợi dây dài dưới mái lều. Nhưng hôm nay gió quá mạnh, cố sức ném mà phao vẫn bay trở lại bè. Sau vài lần không ăn thua, Hermann, giờ đã cách xa cần lái, cố sống cố chết bơi theo bè. Song, sau mỗi đợt gió khoảng cách giữa anh và chúng tôi lại lớn hơn. Anh biết rằng từ lúc này khoảng cách sẽ càng lớn hơn nữa, nhưng anh vẫn hy vọng mong manh vào chiếc xuồng cao su mà chúng tôi đang đẩy xa bè. Không bị dây cột hãm lại may ra chúng tôi ở trên xuồng có thể bắt kịp anh. Còn nó có trở lại được với chiếc Kon-Tiki không là chuyện khác. Dẫu sao ba người trên xuồng còn có hy vọng, chứ một mình giữa biển cả thì đừng hòng.

Đột nhiên chúng tôi thấy Knut lấy đà, phóng ào vào những con sóng. Một tay anh nắm chặt phao cấp cứu. Mỗi lần thấy đầu Hermann nhô lên trên ngọn sóng thì Knut lại mất hút. Mỗi lần Knut nhô lên thì Hermann lại mất tăm. Nhưng rồi chúng tôi thấy đầu hai người kề bên nhau. Họ bơi ngược chiều nhau và giờ đây cùng bám phao cấp cứu. Knut đưa tay vẫy. Trong khi đó cả bốn người chúng tôi nắm sợi dây buộc phao cấp cứu, cố sức kéo xuồng cao su lên bè. Vì ngoài kia, phía sau Hermann và Knut, có những vật lớn đen ngòm đang di động trên sóng. Chúng tôi hối hả kéo, mắt nhìn như bị thôi miên vào con quái vật bí ẩn đang nhô trên ngọn sóng một hình tam giác lớn màu xanh đen phía sau hai anh. Cái vây lưng hình tam giác này khiến Knut bở vía khi anh nhảy xuống biển, bơi về phía Hermann. Chỉ riêng Hermann biết hình tam giác này không phải vây cá mập hay của một quái vật nào khác. Đó chỉ là góc cái túi ngủ không thấm nước đầy không khí của Torstein. Nhưng cái túi ngủ kia trôi theo không được bao lâu. Khi chúng tôi kéo được hai anh lên bè thì nó đột nhiên biến mất.

Con vật nào lôi cái túi ngủ kia xuống biển sâu đã để hụt mất miếng mồi béo bở hơn nhiều.

“Rất mừng là mình không nằm trong túi ngủ đó!” Torstein nói rồi lại giữ bánh lái.

Tối hôm ấy anh rất dè sẻn những câu trả lời vui vẻ. Mãi lâu sau, chúng tôi vẫn còn lạnh xương sống mỗi khi nghĩ đến chuyện này. Nhưng trong nỗi kinh hoàng vẫn pha lòng biết ơn ấm áp rằng chúng tôi còn đủ cả sáu người trên bè. Hôm ấy, Hermann và chúng tôi có bao điều tốt đẹp để nói với Knut.

Nhưng chúng tôi không có nhiều thời giờ nghĩ về chuyện đã qua. Bầu trời sầm xuống quanh chúng tôi, gió càng lúc càng mạnh. Trước khi trời tối chúng tôi lại cưỡi trên cơn giông tố mới. Bây giờ chúng tôi mới nghĩ đến việc thả phao cấp cứu buộc sau bè với một sợi dây dài, cách xa cần lái để nhỡ ai bị gió mạnh hất xuống biển có thể bơi tới được. Đêm xuống. Trong bão tố trời tối đen. Chúng tôi chỉ có thể nghe và cảm thấy bão thôi. Gió gầm thét quanh cột buồm và dây chằng cột phía sau, đập điên cuồng vào chiếc lều kẽo kẹt khiến chúng tôi tưởng nó sắp bốc khỏi bè. Nhưng chúng tôi lấy bạt phủ lên và buộc chắc. Lát sau chúng tôi cảm thấy rõ chiếc Kon-Tiki bị những con sóng lớn ngầu bọt hất tứ phía và những thân gỗ nhảy nhót hết lên lại xuống trên đầu những ngọn sóng. Chúng tôi không ngớt ngạc nhiên vì không thấy thác nước nào vọt ngược lên qua những khe hở giữa các thân gỗ. Hóa ra những khoảng trống này lại có tác dụng giống như ống bễ, để luồng không khí mạnh thổi qua.

Biển động năm ngày liền. Hết bão lại đến gió nhẹ. Những lòng sóng trải rộng mờ mịt như khói, đầy bụi nước của những con sóng màu xanh xám. Những đợt gió to gào thét, quất lên lưng sóng, đè bẹp chúng xuống thành những dải dài đều, cuồn cuộn. Rồi, ngày thứ năm, làn mây đen u ám đe dọa tai ương kia hé ra một mảng xanh. Bão tố qua dần. Bầu trời xanh biếc luôn chiến thắng lại chói chang nắng. Chúng tôi đã vượt qua giông bão. Cần lái bị gãy, buồm rách bươm. Những thanh chống dạt lỏng ra, tuột khỏi dây chằng dưới nước, giờ đây như những thanh xà beng va vào thân gỗ. Nhưng chúng tôi và mọi thứ trên bè đều không hề hấn gì.

Sau hai trận bão, chiếc Kon-Tiki trở nên khá rệu rã. Cả bộ khung đã lỏng lẻo. Do bị đè nặng khi bè vượt những lưng sóng lớn nghiêng nghiêng nên dây chằng giãn hết. Các thân cây liên tục xê dịch nên dây thừng nghiến sâu vào thớ gỗ balsa mềm. Cám ơn định mệnh xui khiến chúng tôi theo gương người Inca xưa, không dùng dây cáp để chằng. Nếu không, trong bão tố dây cáp đã cứa chiếc bè thành củi rồi. Và nếu chúng tôi dùng thứ gỗ balsa khô để nổi được cao hơn làm bè thì những súc gỗ đã ngấm đầy nước biển và chìm từ đời nào rồi. Nhựa trong các súc gỗ tươi có tác dụng như chất chống thấm, cản nước ngấm vào gỗ balsa xốp. Nhưng bây giờ toàn bộ dây chằng đã lỏng ra, khiến rất dễ trượt chân vào các khe. Thế cũng đủ nguy hiểm rồi. Chỉ cần những súc gỗ giập mạnh vào nhau là chắc chắn sẽ nát chân ngay. Phía trước và sau bè không lát sàn tre nên chúng tôi phải hết sức thận trọng. Phải đứng mỗi chân trên một thân gỗ tròng trành. Vì các thân gỗ cứ nhô lên hạ xuống nên chúng tôi phải dùng đầu gối cố cân bằng. Mặt gỗ nhẵn như lá chuối, phủ đầy tảo trơn trượt. Chúng tôi dọn sạch những rong rêu khó chịu trên lối đi đến cần lái và buộc chặt một tấm ván để người trực có thể đứng được. Tuy nhiên khi sóng to gió lớn thật không dễ đứng vững tí nào. Một trong chín thân gỗ lớn đặc biệt bất kham ở mạn trái bè. Ngày đêm nó không ngừng xô lên những súc gỗ ngang gây những tiếng trầm đục. Cả dây thừng buộc hai cột buồm cột chéo nhau ở đỉnh cũng kẽo kẹt thật đáng sợ, vì chúng được dựng trên hai thân gỗ cách nhau khá xa nên cứ liên tục cái lên cái xuống ngược chiều nhau.

Chúng tôi dùng hai tấm gỗ đước dài, cứng như sắt nẹp hai bên cần lái cho chắc hơn. Erich và Bengt, phụ trách buồm, lo sửa tấm buồm rách bươm. Chẳng bao lâu sau đầu Kon-Tiki lại căng trên cột buồm, ưỡn ngực nhắm hướng Polynesia. Chiếc cần lái sau bè nhún nhảy theo những con sóng. Khi trời tốt thế này, chúng hiền lành lướt phía dưới bè. Chỉ riêng những tấm chống dạt không còn hoạt động được như trước. Chúng không còn đủ vững để chống sức nước, và vì dây chằng dưới đáy bè không giữ chặt nữa n 2eb6 ên chúng liên tục lắc lư. Nhưng kiểm tra dây chằng phía dưới bè là việc làm vô nghĩa, bởi đáy bè phủ dầy tảo xanh. Chúng tôi nhấc hết lớp sàn tre ra, thấy chỉ có ba dây chằng chính bị đứt thôi. Chúng hơi lòi ra nên bị đồ nặng đè lên làm mòn. Những thân gỗ nặng hơn nhiều. Hiển nhiên chúng đã hút bộn nước. Nhưng những thứ nặng khác trên bè giảm đi, vì phần lớn lương thực và nước uống đã tiêu thụ rồi, thêm cả một số bình pin khô cho điện đài nữa. Rút cục đâu lại vào đấy. Các thân gỗ hẳn còn chịu được một thời gian nữa, đủ để đưa chúng tôi tới các hòn đảo. Sau trận bão vừa rồi chúng tôi tin chắc rằng chiếc bè sẽ chịu nổi.

Một câu hỏi nổi bật khác: cuộc hành trình sẽ kết thúc ở đâu?

Có thể chiếc Kon-Tiki cứ tiếp tục bềnh bồng mãi về hướng tây cho đến khi mũi bè chạm một núi đá hay một nền đất vững chắc khác chặn đường trôi của nó. Nhưng khi mọi người chưa đổ bộ an toàn lên một trong rất nhiều đảo ở Nam Thái Bình Dương thì chuyến đi chưa kết thúc.

Sau trận bão vừa qua, chúng tôi hoàn toàn không biết chiếc bè sẽ đưa chúng tôi đến đâu. Giờ đây chúng tôi đang cách đều hai cụm đảo Marquesas và Tuamotu. Ở vị trí hiện giờ có thể bè sẽ đưa chúng tôi đi qua hai nhóm đảo này mà không thấy bóng dáng đất liền. Đảo gần nhất của nhóm Marquesas cách ba trăm hải lý về phía tây bắc, còn đảo gần nhất của nhóm Tuamotu ở phía tây nam, cũng cách ba trăm hải lý. Đảo gần nhất phía tây bắc là Fatuhiva. Đó chính là hòn đảo nhỏ có núi, đầy rừng rậm, nơi tôi đã ở trong một ngôi nhà sàn trên bờ biển, lắng nghe một thổ dân già kể những câu chuyện sống động về thần tổ Kon-Tiki của bộ tộc. Nếu chiếc Kon-Tiki của chúng tôi đến được bãi biển ấy chắc chắn tôi sẽ gặp lại nhiều người quen, song e là không có ông già. Vì hẳn ông đã bước vào “chuyến viễn du” từ lâu, thầm mong được gặp Tiki thật. Nếu bè đưa chúng tôi đến những đảo đầy núi đá của nhóm Marquesas thì mấy hòn đảo này ở rải rác xa nhau. Nơi đây biển mặc sức dội như sấm vào những vách núi đá dựng đứng. Trước các khe núi luôn luôn có một bãi cát hẹp, bè cập vào được. Nhưng phải tìm thấy cơ, vì rất hiếm khe núi.

Còn nếu bè đưa chúng tôi tới những dải san hô ngầm của cụm Tuamotu thì nơi đây tuy đảo san sát đầy một vùng biển mênh mông, nhưng chúng cũng nổi tiếng là những đảo “thấp” hay “nguy hiểm”. Cả cụm đảo toàn cấu tạo từ san hô, thành những dải đá ngầm hay đảo san hô vòng (atoll)[1](1) đầy dừa, chỉ nhô khỏi mặt nước hai đến ba mét. Những dải đá ngầm bao quanh che chở mỗi atoll này rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Dù hai quần đảo này rất khác nhau - Marquesas là những núi lửa ngưng hoạt động, còn Tuamotu là những bãi san hô - song cư dân trên đó đều thuộc về chủng tộc Polynesia, các tù trưởng của hai quần đảo đều coi Tiki là tổ phụ.

Ngay từ ngày 3 tháng Bảy - bè còn cách Polynesia cả nghìn hải lý - thiên nhiên tiết lộ cho chúng tôi biết rằng xa đâu đó phía trước hẳn phải có đất liền. Nhiều trăm năm trước thiên nhiên cũng báo cho những con người nguyên thủy từ Peru như thế. Chúng tôi đã xa bờ biển Peru cả nghìn hải lý rồi mà vẫn chưa thấy đàn chim cốc biển nào. Khoảng sau 100 kinh độ tây không còn bóng dáng chúng nữa, chỉ còn thấy những con chim hải âu nhỏ sống trên biển.

Nhưng ngày 3 tháng Bảy - chúng tôi đang ở khoảng 125 kinh độ tây - chim cốc biển lại xuất hiện. Từ đó hầu như ngày nào chúng tôi cũng đều thấy những đàn nhỏ bay qua trên bầu trời hay lao vút xuống, tới gần sát ngọn sóng lại lướt đi. Chúng bắt những con cá chuồn phóng lên trốn đàn cá nục heo. Lũ chim cốc biển này không theo chúng tôi từ châu Mỹ đến đây thì hẳn phải cư trú trên một vùng đất liền nào đó ở hướng tây, phía trước mặt chúng tôi.

Ngày 16 tháng Bảy, thiên nhiên lại “bật mí” rõ ràng hơn nữa. Hôm ấy chúng tôi kéo được lên bè một con cá mập dài chín bộ. Nó nhả ra một con sao biển lớn chưa tiêu hóa. Hẳn nó bắt được con sao biển tại một bờ đảo nào đấy ngoài khơi.

Và ngay hôm sau chúng tôi có được chuyến thăm viếng đầu tiên. Chuyến viếng thăm này đến từ những đảo Polynesia, không còn nghi ngờ gì nữa.

Quả là một giây phút trọng đại, khi chúng tôi nhìn về chân trời phía tây, phát hiện hai con chim điên lớn. Lát sau chúng sà trên cột buồm, lượn quanh nhiều lần với sải cánh dài một mét rưỡi. Rồi chúng thu cánh, đậu trên sóng bên cạnh bè. Lũ cá nục heo lao ngay đến, tò mò quẫy đuôi quanh đôi chim lớn biết bơi. Nhưng chim và cá đều không đụng đến nhau. Chim điên là những sứ giả sống đầu tiên từ những hòn đảo. Thông qua chúng, Polynesia gửi lời chào đón chúng tôi. Tối đến chúng không bay về mà nằm trên biển. Quá nửa đêm vẫn còn nghe thấy chúng kêu khàn khàn, bay lượn quanh cột buồm.

Bây giờ lũ cá chuồn nhảy lên bè là một loại khác, lớn hơn nhiều. Tôi nhận ra loại cá này, vì từng đi câu với các thổ dân dọc bờ đảo Fatuhiva.

Ba ngày liền bè trôi thẳng hướng Fatuhiva. Nhưng rồi một cơn gió đông bắc mạnh đẩy chúng tôi chệch xuống cụm đảo Tuamotu. Nó thổi chúng tôi bạt khỏi luồng hải lưu Xích đạo mà bè đang trôi. Chẳng còn biết đâu mà mò nữa. Hôm nay còn luồng hải lưu, mai biến mất tiêu. Nó phân thành nhiều nhánh, như những con suối vô hình vượt khỏi biển cả. Nếu là luồng xiết thì hay có sóng nhồi mạnh và nhiệt độ nước thường giảm hẳn một độ. Dựa trên chênh lệch giữa phương vị Erich đo hàng ngày và qua tính toán, chúng tôi có thể xác định được lực chảy và hướng của dòng nước.

Gió đột nhiên bỏ rơi chúng tôi tại ngưỡng cửa Polynesia. Hơn nữa bè đang ở trên một nhánh hải lưu chảy về hướng Nam cực, khiến chúng tôi hoảng vía. Tuy nhiên gió chưa lúc nào lặng hẳn trong suốt chuyến đi. Khi gió yếu, chúng tôi căng hết những mảnh vải trên bè, cố hứng mọi làn gió lay phay. Thành ra chúng tôi vẫn tiến tới được, chứ chưa lần nào trôi ngược về châu Mỹ. Ngày đi ít nhất cũng được chín hải lý hay mười bảy cây số quèn, còn trung bình đạt tới bốn mươi hai hải lý rưỡi, tương đương bảy mươi tám cây số rưỡi.

Vả lại gió Mậu dịch không nỡ hoàn toàn bỏ rơi chúng tôi ngay trước khi bè cập bến, nên nó lại nổi lên, đẩy chiếc Kon-Tiki ọp ẹp đi tới. Một phần của thế giới mà chúng tôi chưa biết đang ở phía trước. Chúng tôi bước vào giai đoạn nước rút.

Sáng nào chim biển cũng đến thành đàn lớn, bay lượn lung tung trên đầu chúng tôi. Nhưng một chiều nọ, khi mặt trời đang lặn xuống biển, chúng tôi nhận thấy lũ chim bỗng thật khẩn trương. Chúng ào về hướng tây, không chú ý gì đến chúng tôi hay lũ cá chuồn. Từ đỉnh cột buồm chúng tôi thấy chúng, bất kể đến từ những đâu, cùng bay về một hướng, nhắm cùng một điểm. Có thể chúng nhìn thấy từ trên cao cái gì đấy mà chúng tôi không nhận ra được. Cũng có thể chúng chỉ bay theo bản năng. Dẫu sao chúng đã theo một hướng nhất định. Chúng bay về hòn đảo gần nhất, về tổ của chúng.

Chúng tôi bẻ lái theo đúng hướng lũ chim vừa bay kia. Đêm khuya chúng tôi còn nghe tiếng vài con lẻ loi bay về tổ muộn kêu trên bầu trời sao. Chúng tôi giữ bè theo cùng hướng. Thật là một đêm tuyệt vời hiếm có. Đây là lần thứ ba trăng tròn trong chuyến đi.

Sáng hôm sau trên đầu chúng tôi còn nhiều chim hơn nữa. Nhưng không cần phải đợi đến tối mới lại được chúng chỉ dẫn đường đi. Chúng tôi phát hiện một áng mây kỳ lạ bất động nơi đường chân trời, trong khi những đám mây khác thường nhỏ hơn, tựa lông tơ, ló dạng ở phía nam, trôi theo luồng tín phong trên bầu trời khum khum rồi biến mất sau chân trời phía tây. Những đám mây tín phong tôi từng thấy trên đảo Fatuhiva đều như thế cả. Những đám mây nhỏ trên đầu chiếc Kon-Tiki cũng ngày đêm kéo về hướng ấy. Nhưng đám mây lẻ loi nơi chân trời phía tây nam kia lại không nhúc nhích. Nó đứng yên như một cột hơi nước, trong khi những đám mây tín phong trôi qua. Tên La tinh của loại mây này là Cumulonimbus tức là mây vũ tích. Ấy là do mặt trời nhiệt đới nung nóng cát, khiến một luồng không khí nóng ẩm bốc lên cao, ngưng tụ lại khi gặp tầng khí quyển lạnh. Tuy người Polynesia không biết điều này, nhưng họ biết phía dưới làn mây ấy có đất bờ.

Chúng tôi hướng bè theo đám mây này, cho đến khi nó biến mất lúc mặt trời lặn. Gió thổi đều, cần lái được buộc chặt nên chiếc Kon-Tiki tự giữ hướng đi. Chúng tôi thường hay làm như thế những khi trời tốt. Lúc ấy người giữ lái có nhiệm vụ quan sát thật nhiều. Thành ra phần lớn thì giờ người lái ngồi trên tấm ván bào nhẵn bóng ở đỉnh cột buồm, theo dõi mọi dấu hiệu cho thấy có đất liền.

Suốt đêm hôm ấy chim kêu inh tai trên đầu chúng tôi và mặt trăng gần như tròn vành vạnh.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!



Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27927


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận