Hải Trình Kon - Tiki Chương 7


Chương 7
Trước những đảo Nam Thái Bình Dương

Thấy đất bờ. Bè trôi qua đảo Puka-Puka. Một ngày hội trước dải đá ngầm Angatau. Nơi ngưỡng cửa thiên đường. Gặp những thổ dân đầu tiên. Thành viên mới trên chiếc Kon-Tiki. Knut lên bờ. Cưỡng lại sức mạnh thiên nhiên. Lại dạt ra khơi. Gặp luồng nước nguy hiểm. Từ đảo Takume tới Raroia. Cảnh hỗn loạn đầy nguy hiểm. Bị sóng xô vào bờ. Bè hư hại nặng. Trên đảo san hô sau khi bè mắc cạn.

Đêm 29 rạng ngày 30 tháng Bảy, một bầu không khí khác lạ bao quanh chiếc Kon-Tiki. Có thể cảnh tượng ngoạn mục của lũ chim biển quang quác inh tai là dấu hiệu chắc chắn để chúng tôi biết rằng sắp gặp gì mới chăng. Bao tiếng chim kia khiến chúng tôi có ấn tượng gần gũi đất liền thật mãnh liệt. Suốt ba tháng ròng rã chỉ nghe tiếng biển gầm thét và tiếng dây thừng vô hồn kẽo kẹt lạnh lùng. Đêm hôm ấy ngay cả mặt trăng cũng có vẻ to và đầy đặn đặc biệt khi nó nhảy nhót quanh người trực trên đỉnh cột buồm. Trong trí tưởng tượng của chúng tôi, nó phản chiếu những tán dừa và sự lãng mạn cuồng nhiệt của các bộ tộc trên các đảo nhiệt đới, chứ đâu thèm tỏa ánh vàng rực rỡ như thế này xuống lũ cá lạnh tanh ngoài khơi xa kia.

Đúng sáu giờ sáng, Bengt từ trên đỉnh cột buồm tuột xuống, đánh thức Hermann rồi chui vào chỗ ngủ. Khi Hermann leo lên cột buồm kẽo kẹt và lắc lư thì trời vừa hửng xanh. Mười phút sau anh leo thang dây xuống, kéo chân tôi.

“Dậy mà xem hòn đảo của cậu kìa!”

Mặt anh rạng rỡ. Tôi bật ngay dậy, tiếp đến là Bengt vừa mới chợp mắt. Chúng tôi chen nhau bám vào xà ngang trên cùng của cột buồm. Quanh chúng tôi rất nhiều chim. Bầu trời như phủ tấm màn mỏng phơn phớt tím xanh phản chiếu trên mặt nước, hình ảnh cuối cùng của bóng đêm sắp tàn. Chân trời phía đông tỏa ánh hồng. Phía đông nam, trên cái nền đang lớn dần ấy, một bóng mờ nổi lên như vạch bút chì xanh dọc đường chân trời.

Đất bờ! Một hòn đảo! Mắt chúng tôi thèm khát nuốt chửng nó, rồi vui sướng lay gọi những bạn khác. Họ ngái ngủ loạng choạng bước ra, đăm đăm nhìn quanh như chờ đợi mũi bè sắp sửa đâm lên bãi cát bất cứ lúc nào. Lũ chim biển quang quác bắc một chiếc cầu qua bầu trời tới hòn đảo xa xôi đang hiện rõ dần nơi chân trời. Nền đỏ kia tỏa rộng ra, dát ánh vàng. Mặt trời ló rạng với một ngày mới.

Cảm nghĩ đầu tiên của chúng tôi là hòn đảo không ở đúng nơi chúng tôi tưởng chiều qua. Vì đảo không di chuyển được nên hẳn đêm qua dòng nước đã đẩy chiếc bè về hướng bắc. Nhìn chiều sóng chúng tôi thấy ngay rằng đã để sểnh mất dịp lúc trời còn tối. Ở vị trí hiện giờ thì gió không đưa bè đến đảo được nữa rồi. Biển quanh quần đảo Tuamotu đầy những luồng nước chảy xiết. Thật khó lường khi chúng chảy vào bờ đảo. Nhiều luồng lại đổi hướng khi gặp thủy triều mạnh thốc qua những dải đá ngầm vào đầm hay từ trong đó đổ ra.

Chúng tôi lắp mái chèo dù biết rằng vô ích. Sáu giờ rưỡi, mặt trời nhô khỏi biển và lên cao rất nhanh, như vẫn luôn như thế ở vùng nhiệt đới. Hòn đảo nhỏ bé kia chỉ cách chúng tôi có vài dặm thôi. Chúng tôi thấy một dải rừng thấp, càng lúc càng nhô cao khỏi chân trời. Cây cối chi chít sau một bãi cát trắng; vì bãi rất thấp nên thường xuyên bị sóng che khuất. Theo tính toán của Erich thì đây là Puka-Puka, đảo tiền tiêu của quần đảo Tuamotu. Quyển “Hướng dẫn đi thuyền buồm ở các đảo Thái Bình Dương năm 1940”, hai tấm hải đồ khác nhau của chúng tôi và quan sát của Erich cho thấy tới bốn vị trí khác nhau của hòn đảo này, nhưng quanh đấy không có đảo nào khác nên không thể hoài nghi gì nữa. Hòn đảo chúng tôi thấy đây chính là Puka-Puka.

Trên bè không có tiếng reo hò sôi nổi hào hứng nào. Sau khi xoay buồm và mái chèo, chúng tôi lặng lẽ bám đỉnh cột buồm hoặc đứng trên sàn đăm đăm nhìn vạt đất liền đột nhiên xuất hiện nơi chân trời, giữa biển khơi trùng trùng điệp điệp, không biết đâu là bờ bến. Cuối cùng cũng có một bằng chứng rõ rệt rằng chúng tôi quả thật đã đi bè trong những tháng vừa qua, chứ không chỉ bềnh bồng giữa một khung trời luôn tròn trịa. Chúng tôi thỏa mãn trong ấm cúng và thầm lặng vì thật sự đã tới được Polynesia. Tuy nhất thời hơi thất vọng vì đành bó tay nhìn hòn đảo nằm kia như một ảo giác, còn mình lại tiếp tục triền miên trôi dạt về hướng tây.

Mặt trời vừa mọc, một cột khói đen dầy kịt bốc cao quá những tán cây phía bên trái đảo. Chúng tôi dõi nhìn theo, hình dung giờ này các thổ dân thức dậy, nấu bữa ăn sáng! Đâu ngờ những vọng gác trên đảo nhìn thấy chúng tôi nên thả khói lên trời, mời cập bến. Quãng bảy giờ mùi khói nhạt của gỗ borao làm những lỗ mũi bám muối của chúng tôi thấy nhột nhột. Tôi chợt nhớ lại những kỷ niệm đã phần nào lãng quên bên đống lửa trên bờ biển đảo Fatuhiva. Nửa giờ sau có mùi rừng và gỗ vừa đốn. Rồi hòn đảo bắt đầu nhỏ dần sau lưng nên chúng tôi ngửi được mùi nó theo làn gió. Hermann và tôi bám ngọn cột buồm suốt mười lăm phút, hứng mùi thơm đậm đà của lá và cây xanh luồn vào mũi. Polynesia đấy! Một mùi phong phú tuyệt vời của đất khô sau chín mươi ba ngày toàn mùi muối giữa sóng biển.

Bengt lại nằm ngáy khò khò trong túi ngủ của anh. Erich và Torstein cũng lại ngồi nhập định, còn Knut hết đi ra hít mùi lá cây lại đi vào ghi ghi chép chép những ấn tượng trong nhật ký của anh.

Quãng tám giờ rưỡi, Puka-Puka khuất hẳn dưới mặt biển sau lưng chúng tôi. Nhưng từ trên ngọn cột buồm chúng tôi vẫn còn thấy trong hơn hai giờ liền một lằn xanh nhạt nơi chân trời phía đông. Rồi lằn xanh kia cũng biến mất, chỉ còn một cụm mây vũ tích lớn lờ lững bốc lên cao trên bầu trời mách cho biết đảo Puka-Puka hiện ở chỗ nào. Chim chóc cũng mất tăm. Hẳn chúng đang ở phía có gió của hòn đảo, để đến tối no phưỡn quay về được thuận gió. Số cá nục heo ít đi, ngay cả lũ cá hoa tiêu dưới đáy bè cũng kém sinh động hẳn.

Tối hôm ấy Bengt bảo rằng anh thèm có được bàn ghế, vì khi đang nằm ngửa mà muốn đọc sách cứ phải quay nằm sấp rất hao tốn sinh lực. Anh hài lòng với chuyện lỡ dịp ghé đảo, vì anh còn những ba quyển sách nữa chưa đọc. Đột nhiên Torstein thèm được ăn táo, còn tôi thức giấc giữa đêm vì ngửi mùi một tảng to thịt bò với hành thơm phức. Tiếc thay đó chỉ là mùi chiếc áo sơ mi bẩn.

Ngay sáng hôm sau chúng tôi phát hiện hai đám mây mới nơi chân trời, giống như hơi nước từ hai đầu máy xe lửa phun lên. Theo hải đồ, đó phải là các đảo san hô Fangahina và Angatau. Với chiều gió hiện thời thì nhắm đám mây trên đảo Angatau là thuận lợi hơn cả. Nên chúng tôi bẻ lái về hướng đó, buộc chặt bánh lái rồi thưởng thức lần nữa sự im lặng và tự do của Thái Bình Dương. Được ngày đẹp trời, cuộc sống trên sàn tre của chiếc Kon-Tiki thật thần tiên. Biết rằng chuyến đi dẫu sao cũng sắp kết thúc nên chúng tôi tận hưởng trọn vẹn và mãnh liệt hơn mọi khi.

Ba ngày liền chúng tôi lái bè theo đám mây trên đảo Angatau. Trời tuyệt đẹp, bánh lái tự giữ hướng đi, còn luồng nước không chơi khăm chúng tôi. Sáng ngày thứ tư, khi chuyển giao ca gác cho Torstein vào lúc sáu giờ, Hermann bảo anh tin rằng trông thấy đường viền của một hòn đảo thấp dưới ánh trăng. Một lúc sau mặt trời mọc, Torstein thò đầu vào cửa lều hét toáng lên:

“Thấy đất rồi!”

Chúng tôi túa ra trên sàn bè. Khi thấy rồi, chúng tôi liền kéo các lá cờ lên. Trước tiên là cờ Na Uy phía sau bè, rồi cờ Pháp trên ngọn cột buồm, vì chúng tôi đang tiến vào một thuộc địa Pháp. Lập tức toàn bộ cờ trên bè phất phới trong gió Mậu dịch ban mai. Cờ Mỹ, Peru, Thụy Điển và Anh, ngoài ra còn có cả cờ của “Hội thám hiểm” nữa, để khỏi có ai cho rằng chiếc Kon-Tiki chỉ trang trí lấy đẹp. Lần này hòn đảo nằm ở vị trí lý tưởng cho chúng tôi, thẳng hướng đi của bè và không xa hơn đảo Puka-Puka lúc mặt trời mọc bốn ngày trước. Khi mặt trời lên cao phía sau lưng, chúng tôi thấy rõ một vầng sáng màu lục hắt lên bầu trời mờ sương phía trên hòn đảo. Đó là ánh phản chiếu của đầm nước xanh lục êm ả bên trong dải đá ngầm. Có những đảo vòng san hô thấp hắt hình phản xạ như thế lên không trung hàng nghìn mét, khiến thổ dân đi biển biết vị trí đảo nhiều ngày trước khi nó ló dạng nơi chân trời.

Quãng mười giờ chúng tôi lại giữ tay lái. Bây giờ chúng tôi phải quyết định hướng tới chỗ nào trên đảo. Chúng tôi có thể phân biệt từng ngọn cây và thấy mờ mờ những hàng cây lóa nắng trước nền lá um tùm rợp bóng phía sau.

Chúng tôi biết đâu đó giữa bè và đảo có một dải đá ngầm rất nguy hiểm rình rập mọi thứ dạt vào hòn đảo hoàn toàn trong trắng này. Những khối nước khổng lồ theo những con sóng lớn từ hướng đông ào ạt cuồn cuộn tới vấp phải chỗ nông liền mất thăng bằng người như bị ngáng chân. Chúng tung bọt lên không rồi cuộn ào ào như sấm dậy qua những tảng san hô nhọn sắc. Nhiều thuyền bè vỡ tan tành vì sa vào luồng nước cuốn đáng sợ này, va phải đá ngầm của cụm đảo Tuamotu.

Từ ngoài biển chúng tôi không thấy chút gì của cái bẫy hiểm độc kia. Bè trôi vào và chúng tôi chỉ thấy toàn sóng lớn với những lưng sóng cong cong, sáng lóa xô vào đảo. Vòng đá ngầm với điệu múa phù thủy trắng xóa bọt của nó náu kín sau lưng hàng loạt sóng lớn càng lúc càng nhiều. Nhưng vài trăm mét trước bãi cát trải dài từ đầu nam đến đầu bắc hòn đảo, chúng tôi nhận thấy mặt biển ngầu bọt trắng xóa, bắn nước tung tóe lên không.

Chúng tôi bẻ lái để bè tiếp sát mặt ngoài cảnh tượng hỗn loạn nguy hiểm kia và hy vọng có thể lái bè dọc dải đá ngầm cho tới khi tới được mỏm khuất gió hoặc gặp một chỗ đủ nông để dùng cái neo tự tạo cấp thời ngừng bè lại, chờ gió xoay chiều, lúc ấy bè sẽ ở nơi khuất gió.

Lúc mười hai giờ trưa, chúng tôi nhìn qua ống nhòm thấy cây cối trên đảo là dừa xanh non. Những ngọn dừa san sát trên một hàng giậu gồm những bụi nhỏ um tùm lay động như sóng phía trước. Phía trong bãi là một loạt tảng san hô lớn rải rác trên cát trắng. Sinh vật duy nhất trên đảo là những con chim trắng bay lượn trên đám cây dừa.

Lúc hai giờ chúng tôi đã tới đảo đủ gần để bắt đầu men sát theo vòng san hô ngầm đang rình rập. Càng tới gần chúng tôi càng nghe rõ tiếng sóng xô ầm ầm như thác đổ đều đều trên đá, lát sau nghe như tiếng đoàn xe lửa tốc hành dài vô tận phóng ào ào cách mạn phải bè chỉ vài trăm mét. Bây giờ thỉnh thoảng thấy cả bọt nước bắn tung lên trời, nơi “đoàn sóng xô bờ tốc hành” vù vù qua.

Hai người đứng sau lều tre lo bẻ lái. Vì họ không thấy được phía trước nên Erich đảm nhiệm việc hoa tiêu. Cái thùng dùng nấu bếp là đài chỉ huy. Anh đứng trên đó hướng dẫn hai người bẻ tay lái nặng trịch. Chúng tôi muốn bè vào càng sát dải đá ngầm càng tốt, nhưng phải tránh nguy hiểm. Từ ngọn cột buồm chúng tôi liên tục căng mắt tìm, mong thấy một khe hở trong dải đá ngầm để bè có thể vào được. Luồng nước không chơi khăm chúng tôi mà đẩy bè trôi suốt dọc dải đá ngầm. Gió cũng thổi cùng hướng. Những tấm chống dạt tuy lỏng lẻo nhưng vẫn cho chúng tôi đủ tự do để đi chệch hướng gió được tới 20 độ mỗi bên.

Trong khi Erich hướng dẫn bè chạy ngoằn ngoèo sát dải đá ngầm vừa đủ để tránh luồng nước hút, Hermann và tôi ngồi xuồng cao su do bè kéo theo sau. Khi bè chếch vào trong, nó kéo xuồng chúng tôi vào theo, gần dải đá đến nỗi nghe sóng dội ầm ầm như sấm dậy và thấy rõ bức tường nước xanh từ chỗ chúng tôi cuồn cuộn đi. Khi sóng rút, dải đá ngầm trơ ra như một vật cản xấu xí bằng quặng sắt gỉ. Chúng tôi cố tìm dọc bờ mà không thấy khe lạch nào. Erich liền quay hướng buồm, những người giữ lái bẻ theo, chiếc Kon-Tiki quay mũi, luồn lách ra khỏi vùng nguy hiểm vào phút chót.

Mỗi khi chiếc Kon-Tiki chếch mũi vào sâu trong dải đá ngầm rồi lại ngoặt ra, hai chúng tôi ngồi trên xuồng đều muốn đứng tim, vì chúng tôi luôn cảm thấy rõ hơn nhịp sóng dồn dập dữ dội. Lần nào chúng tôi cũng đinh ninh Erich đã quá mạo hiểm, khiến chiếc Kon-Tiki hết hy vọng thoát khỏi những con sóng xô bờ muốn cuốn nó vào dải đá ngầm đỏ khủng khiếp. Song lần nào Erich cũng điều chỉnh dây lèo thật tài tình khiến chiếc Kon-Tiki đều lách khỏi móng vuốt của dòng nước hút, an toàn trở ra. Chúng tôi lướt dọc hòn đảo, gần đến nỗi nhìn thấy rõ mọi chi tiết trên đó, nhưng không tài nào vào được chốn bồng lai ấy, vì vướng phải “nấm mộ” khổng lồ tung toé nước nằm chắn lối.

Lúc ba giờ chiều, bè trôi qua một khoảng thưa giữa rừng dừa, nhìn vào trong thấy một mặt đầm xanh bóng như gương. Dải đá ngầm ở đây cũng kín như bưng, nhe những cái răng đỏ như máu đầy đe dọa. Không có lối vào. Rừng dừa lại khép kín, còn chúng tôi cứ để cho gió thổi bè trôi dọc đảo. Rồi rừng dừa thưa dần, chúng tôi nhìn được vào bên trong đảo, vì mắt bớt bị che chắn. Đầm nước mặn trông như một hồ lớn im lìm tuyệt đẹp, loáng như gương, bao quanh là những cây dừa lá xòe nan quạt và những bãi cát trắng phau. Hòn đảo dừa đẹp mê hồn này tạo thành một trong những bãi cát mềm bao quanh mặt đầm hiếu khách kia. Nhưng tiếc thay trước cửa vào thiên đường lủng lẳng một thanh gươm đỏ màu sắt gỉ trấn giữ.

Suốt ngày hôm ấy chúng tôi thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của đảo Angatau: rừng dừa nắng chói chang, thưởng thức ngay từ trước cửa cõi thiên đường của thanh bình và hạnh phúc này. Dần dần việc lái bè trở thành thói quen thành thạo. Erich đội chiếc mũ Peru rộng vành to tướng, lôi ra cây đàn ghi ta, đứng trên sàn đàn hát những bài trữ tình của các đảo Nam Thái Bình Dương, trong lúc Bengt dọn một bữa ăn khoái khẩu trên mạn bè. Chúng tôi bổ một quả dừa đem từ Peru, uống mừng những quả non lủng lẳng trên cây phía trong kia. Khung cảnh thật đối chọi: một bên là rừng dừa tĩnh lặng ăn sâu rễ mãi mãi xanh tươi tỏa sáng về phía chúng tôi, lũ chim trắng lặng lờ lượn trên những ngọn dừa, đầm nước êm ả hiền hòa bóng loáng và bãi cát mềm, một bên là dải đá ngầm đỏ sóng ầm ào dữ dội như tiếng đại bác và tiếng nước vọt lên không trung như trống reo tở mở - tất cả những điều này chế ngự chúng tôi, sáu kẻ đến từ ngoài khơi xa, mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong ký ức. Không còn nghi ngờ gì nữa: chúng tôi hiện đang ở phía bên kia đại dương. Sẽ không bao giờ chúng tôi thấy một hòn đảo Nam Thái Bình Dương “thật hơn nữa”. Dù lên được đảo này hay không thì chúng tôi cũng tới vùng Polynesia rồi và biển cả vĩnh viễn ở sau lưng chúng tôi.

Thật tình cờ, ngày “ăn mừng” đảo Angatau lại đúng ngày thứ chín mươi bảy trên bè, vì hồi ở New York chúng tôi dự kiến tối thiểu cần chín mươi bảy ngày để tới được những hòn đảo Polynesia gần nhất, trong điều kiện lý tưởng.

Lúc năm giờ chúng tôi đi qua hai chiếc lều lợp lá dừa nằm khuất giữa cây cối trên đảo, nhưng không thấy khói và dấu hiệu nào của sự sống.

Năm giờ rưỡi chúng tôi lại chếch bè vào đảo. Lần này chúng tôi tiến gần mỏm phía tây, cố nhìn bao quát một lần cuối. Biết đâu chẳng tìm được một lối vào. Giờ đây mặt trời xuống thấp làm chúng tôi lóa mắt. Một cầu vồng nhỏ hiện lên nơi biển xô vào dải đá ngầm, phía ngoài mũi đất cuối cùng của đảo độ vài trăm mét. Nó nằm như một cái bóng phía trước mặt. Đột nhiên chúng tôi phát hiện trên bãi cát mấy cái bóng bất động. Thình lình một cái bóng từ từ di chuyển xuống mé nước, trong khi mấy bóng kia lẩn nhanh vào bìa rừng. Đúng là bóng người! Chúng tôi liền liều mạng lái bè vào thật sát đảo. Gió lặng hẳn, như thể bè đang vào nơi khuất gió. Chúng tôi thấy một con thuyền độc mộc được thả xuống nước, rồi hai bóng người nhảy lên thuyền, chèo dọc phía bên kia dải đá ngầm. Ra xa rồi họ quay mũi thuyền qua phía bên này. Chúng tôi thấy sóng không ngớt nhồi bổng thuyền lên, rồi xuyên qua một khe giữa dải đá ngầm, tiến thẳng đến chỗ chúng tôi.

Hóa ra khe ra vào dải đá ngầm nằm dưới đấy. Niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi cũng ở đó. Lúc này chúng tôi trông thấy cả ngôi làng nằm khuất giữa những khóm dừa. Nhưng bóng chiều đã ngả dài rồi.

Hai người trên thuyền độc mộc đưa tay vẫy. Chúng tôi hăm hở vẫy lại và họ chèo dấn hơn. Đó là một thuyền độc mộc có “càng” phụ[1](1), hai người da nâu ngồi cầm giầm quay mặt về hướng chúng tôi. Sẽ có khó khăn về ngôn ngữ đây. Tôi là người duy nhất trên bè biết lõm bõm thổ ngữ Marquesas còn nhớ được từ hồi ở đảo Fatuhiva; ở Bắc Âu làm gì có điều kiện để tôi thường xuyên tập nói.

Nên chúng tôi thấy nhẹ cả người khi thuyền kề vào mạn bè và hai người nọ nhảy lên. Rồi một người tươi cười, chìa bàn tay nâu và nói bằng tiếng Anh:

“Good night!”[1](2)

“Good night”, tôi sửng sốt đáp, “do you speak English(3)?[1]!”

Người đàn ông lại cười gật đầu.

“Good night”, anh ta đáp, “good night”.

Đó là tất cả vốn liếng ngoại ngữ của anh ta. Tuy nhiên với bấy nhiêu đó anh ta cũng đã vượt xa người đồng hành chỉ biết đứng phía sau mỉm cười khâm phục nhìn anh bạn có học thức của mình.

“Angatau?” tôi hỏi và chỉ hòn đảo.

“H’angatau”, anh ta gật đầu xác nhận.

Erich hãnh diện gật gù. Anh đã nói đúng, vì chúng tôi quả thật đang ở nơi mà mặt trời chỉ cho anh rằng chúng tôi phải tới đấy.

“Maimai hee juta”, tôi thử nói bằng thổ ngữ.

Theo những gì tôi học được ở đảo Fatuhiva thì câu này đại khái có nghĩa: “muốn lên bờ.”

Hai người nọ liền chỉ vào cái khe vô hình ở dải đá ngầm. Chúng tôi liền lắp chèo, định đưa bè tới đó.

Đúng lúc ấy có vài đợt gió mạnh từ phía đảo thổi ra. Một đám mây nhỏ nặng trĩu mưa phủ trên đầm nước. Gió như muốn đẩy bè khỏi dải đá ngầm, còn chúng tôi nhận thấy chiếc Kon-Tiki không chịu ngoặt theo lái để tới khe kia, vì góc lái không đủ lớn. Chúng tôi thử thả neo. Nhưng dây thừng không đủ dài chạm đáy. Bây giờ chúng tôi phải dùng chèo thôi, và phải thật gấp, trước khi bị gió khống chế. Chúng tôi hạ buồm rồi mỗi người chụp lấy một mái chèo to. Tôi còn định đưa cho mỗi thổ dân một mái chèo nữa chứ, họ đang thú vị thưởng thức thuốc lá vừa được tặng làm quà.

Họ lắc đầu quầy quậy, chỉ cho chúng tôi hướng đi, mặt tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi ra hiệu tất cả phải chèo và nhắc lại từng tiếng một “muốn - lên - bờ”. Anh chàng lanh lợi hơn liền cúi xuống, tay phải làm động tác quay trong không khí, miệng nói:

“Rừ... rừ... rừ!”

Thật quá rõ, ý anh ta bảo chúng tôi phải cho nổ động cơ. Họ tưởng đâu đang đứng trên một con tàu chở khẳm khác thường nên mới thấp tè. Chúng tôi dẫn họ ra mũi bè, bảo họ thò tay xuống dưới những súc gỗ, để họ thấy bè chẳng những không có chân vịt mà luôn cả thân tàu. Họ kinh ngạc như vừa từ trên trời rơi xuống, dụi ngay thuốc lá và phụ giúp chúng tôi. Bây giờ chúng tôi ngồi mỗi bên mạn bè bốn người, thọc chèo xuống nước. Mặt trời cũng vừa lặn sau mũi đất, gió từ đảo thổi ra mạnh hơn. Có vẻ như bè không nhúc nhích chút nào. Hai thổ dân nhảy ngay xuống thuyền độc mộc và biến mất. Trời bắt đầu nhá nhem, chúng tôi còn lại một mình, cố chèo như hóa dại để khỏi lại bị dạt ra biển.

Bóng đêm vừa ập xuống đảo, bốn thuyền độc mộc từ sau dải đá ngầm bềnh bồng bơi ra. Lát sau trên bè đông nghịt người Polynesia. Họ đều muốn bắt tay chúng tôi và được tặng thuốc lá. Có những chàng trai thông thuộc địa hình này trên bè thì không còn nguy hiểm nữa rồi, họ sẽ theo sát và không để chúng tôi lại dạt ra khơi. Thế này thì tối nay chúng tôi sẽ lên được đất liền thôi.

Chúng tôi nhanh chóng buộc dây thừng sau đuôi các thuyền vào mũi chiếc Kon-Tiki. Bốn chiếc thuyền to có “càng” phụ tẽ ra theo hình rẻ quạt trước bè, giống như chó kéo xe ở Bắc cực. Knut nhảy xuống xuồng cao su, len vào chính giữa những thuyền độc mộc. Chúng tôi, những người còn lại, chia nhau ngồi chèo hai bên mạn bè. Cuộc vật lộn với cơn gió đông bắt đầu.

Trời tối như mực cho đến khi trăng lên đem gió tới. Trên đảo, dân làng đốt đuốc và một đống củi to để chỉ cho chúng tôi lối qua dải đá ngầm. Trong bóng đêm, tiếng sóng ầm ầm chung quanh càng lúc càng to, như tiếng thác đổ không bao giờ dứt.

Chúng tôi không trông thấy những người ngồi trong thuyền độc mộc đang kéo bè, nhưng nghe tiếng họ gân cổ hát những bài chiến đấu bằng tiếng Polynesia để động viên nhau. Knut cũng hát. Chúng tôi nghe thấy giọng anh. Mỗi khi những người bạn Polynesia hết hơi, giọng Knut lại vang dội “... chúng ta đi vui tươi, lòng can đảm không phai” trong đội đồng ca của các thổ dân. Chừng như thấy thế chưa đủ huyên náo, chúng tôi trên bè liền hòa giọng hát bài “Tom Brown’s baby had a pimple on his nose”[1] (Con trai anh Tom Brown có cái mụn ở mũi). Cả da trắng lẫn da nâu đều vừa cười hát vừa ra sức chèo.

Cực kỳ vui. Chín mươi bảy ngày và cuối cùng tới được Polynesia! Tối nay dân làng hẳn sẽ mở hội. Những thổ dân reo hò, kêu, gọi. Chẳng là Angatau mỗi năm chỉ được tàu ghé vào có một lần thôi, khi chiếc tàu hai buồm từ đảo Tahiti đến mua cơm dừa khô. Vì thế nên tối nay trên đảo ắt sẽ tưng bừng quanh đống lửa.

Nhưng cơn gió quỷ quái này dai như đỉa. Chúng tôi chèo đến rã rời gân cốt. Chúng tôi không bỏ cuộc nhưng đống lửa vẫn không gần lại hơn, còn tiếng sấm dội từ dải đá ngầm vẫn không yếu đi. Lát sau tiếng hát hò chấm dứt. Im lìm, lặng lẽ. Không ai muốn chèo thêm nữa. Ngọn lửa không di chuyển, chỉ nhấp nhô theo sóng. Ba tiếng đồng hồ trôi qua, bây giờ là chín giờ. Rồi bè từ từ lùi lại. Chúng tôi đã kiệt sức.

Chúng tôi ra hiệu để các thổ dân hiểu cần thêm nhiều người giúp. Họ giải thích rằng trên đảo tuy còn nhiều đàn ông, nhưng toàn đảo chỉ có bốn thuyền độc mộc này chịu nổi sóng to.

Từ trong bóng tối Knut hiện ra trong chiếc xuồng cao su. Anh nảy ra ý kiến chèo xuồng vào để chở thêm thổ dân ra. Ngồi chen chúc có thể được tới năm, sáu người.

Nhưng thế thì nguy hiểm quá. Knut không rành đường đi, nước bước. Anh sẽ không đời nào lần mò tới nổi cái khe trên dải đá san hô trong bóng đêm như mực này. Anh đề nghị chở theo người dẫn đầu đoàn thổ dân, anh ta có thể chỉ đường. Tôi thấy ý định này không được thuyết phục. Anh chàng thổ dân kia đâu có kinh nghiệm lèo lái chiếc xuồng cao su cồng kềnh ở cái khe hẹp và nguy hiểm. Tôi yêu cầu Knut đưa người dẫn đầu đang chèo thuyền trong bóng đêm phía trước tới gặp, để biết anh ta nghĩ thế nào, vì rõ ràng không thể giữ bè khỏi dạt lâu hơn được nữa.

Knut biến vào bóng đêm, đi tìm anh chàng nọ. Một lúc sau không thấy hai người quay lại chúng tôi lên tiếng gọi, song chỉ nghe tiếng cười đùa của những người Polynesia đáp lại. Knut đã biến đi rồi. Bấy giờ chúng tôi mới vỡ lẽ chuyện gì xảy ra: trong lúc nhốn nháo, ồn ào Knut hiểu nhầm điều tôi nói, nên cùng với người thổ dân kia chèo vào đảo mất. Chúng tôi gọi mấy cũng vô ích, vì đều bị tiếng sóng xô ầm ầm át hết cả.

Chúng tôi vội mang đèn bấm ra để một người leo lên ngọn cột buồm đánh tín hiệu morse: “Quay lại! Quay lại!”

Nhưng không ai quay lại cả. Bây giờ bè thiếu mất hai người - Knut với người lo bám ngọn cột buồm đánh tín hiệu - nên càng dễ bị dạt. Chúng tôi, những người còn lại, bắt đầu mệt lử. Chúng tôi thả xuống biển những vật làm dấu và thấy rằng bè lùi dần, tuy chậm nhưng dứt khoát. Đống lửa trông nhỏ dần và tiếng sóng xô nghe yếu hơn. Càng xa vùng khuất gió của rừng dừa, chiếc bè càng dễ bị ngọn gió đông triền miên kia chế ngự. Chúng tôi nhận ra ngọn gió ấy, lại sắp giống như lúc bè ở ngoài khơi xa mất thôi. Nhưng chúng tôi không thể buông chèo. Phải cố hết sức kềm lại, không để bị dạt, cho đến khi Knut an toàn trở lên bè.

Năm phút trôi qua, mười phút, rồi nửa tiếng, đống lửa cứ nhỏ dần, thỉnh thoảng biến mất hẳn khi bè trượt vào vực sóng. Tiếng sóng xô bờ chỉ còn văng vẳng từ xa.

Trăng vừa lên. Chúng tôi thấy nó như chiếc đĩa tròn lấp lánh sau những ngọn dừa trên đảo, nhưng bầu trời u ám và kéo mây.

Chúng tôi nghe tiếng những người thổ dân đang lẩm bẩm bàn tán. Đột nhiên một trong những chiếc thuyền độc mộc ném dây thừng cột với bè xuống biển rồi biến đi. Những người trên ba chiếc thuyền kia mệt mỏi và sợ hãi, không còn chèo hết sức nữa. Chiếc Kon-Tiki trôi dạt ra khơi. Lát sau ba sợi dây thừng kia cũng chùng nốt và những chiếc thuyền xô vào mạn bè. Một trong các thổ dân lên bè, thản nhiên hất đầu nói:

“Iuta” - vào bờ.

Anh ta lo âu nhìn về phía ánh lửa, giờ đây mỗi lần nó biến mất đều thật lâu, chỉ thỉnh thoảng mới nhô lên như một đốm nhỏ. Chúng tôi dạt xa nó rồi. Đã bặt tiếng sóng xô vào bờ đá, lại nghe tiếng biển gầm thét như trước đây và các dây chằng lại nghiến răng than thở.

Chúng tôi tặng những thổ dân ê hề thuốc lá. Tôi vội vã nguệch ngoạc đầy một mảnh giấy, để họ mang đưa Knut, nếu tìm thấy anh. Tôi viết:

“Đi chung thuyền với hai thổ dân, kéo xuồng cao su theo. Chớ bơi xuồng trở về một mình.”

Chúng tôi tin rằng những người dân đảo hào hiệp sẽ chở Knut theo, nếu họ thấy bơi thuyền ra được. Nếu họ thấy không nên thì đúng là điên rồ khi Knut một mình mạo hiểm bơi xuồng ra khơi với hy vọng mong manh bắt kịp chiếc bè đã đi mất tiêu. Các thổ dân cầm mảnh giấy, nhảy xuống thuyền và biến mất trong đêm tối. Lời cuối cùng chúng tôi nghe được là tiếng chào từ bóng đêm vẳng lại:

“Good night!”

Chúng tôi nghe thêm được tiếng những người ít biết ngoại ngữ hơn lẩm bẩm thán phục, rồi tất cả lại vắng lặng, không còn những tiếng nói lạ tai, y như lúc chúng tôi còn cách xa mảnh đất liền gần nhất hàng nghìn dặm biển. Thật vô ích nếu bốn người chúng tôi vẫn cứ chèo ngoài khơi này ngược luồng gió đang thổi hết sức mạnh, còn chuyện gửi tín hiệu morse từ ngọn cột buồm vẫn tiếp tục. Chúng tôi không dám đánh đi “Quay lại” nữa, chỉ đều đặn nhấp nháy đèn bấm. Trời tối đen. Họa hoằn lắm mặt trăng mới ló qua những lớp mây. Đám mây vũ tích của đảo Angatau hẳn đang ở phía trên đầu chúng tôi.

Đúng mười giờ chúng tôi mất chút hy vọng cuối cùng được gặp lại Knut. Chúng tôi lặng lẽ ngồi trên mạn bè, nhai vài cái bánh bích quy, vẫn thay nhau bấm đèn nhấp nháy từ ngọn cột buồm trơ trụi và trống trải vì thiếu vắng cánh buồm mang hình Kon-Tiki.

Chúng tôi quyết định nhấp nháy đèn tín hiệu suốt đêm, trong khi chưa biết Knut hiện ở đâu. Chúng tôi không chịu tin rằng lũ sóng xô bờ hại nổi anh. Knut luôn luôn vượt được hiểm nghèo - dù đó là vùng nước nguy hiểm hay sóng xô bờ - nhất định anh còn sống. Song thật đáng nguyền rủa nếu bỏ rơi anh lại đây, giữa những người da nâu trên một hòn đảo chơ vơ trong Thái Bình Dương. Thật chán mớ đời, khi suốt cuộc hành trình dài chúng tôi đều tai qua nạn khỏi không thiệt hại gì mấy, mà bây giờ bỏ lại một người bạn trên một hòn đảo trơ trọi để tiếp tục đi. Thật chán mớ đời, khi những người Polynesia đầu tiên kia vừa mới vui vẻ mỉm cười lên bè đã vội bán sống bán chết lẳng lặng chuồn để khỏi bị kéo vào cuộc săn lùng của chúng tôi về hướng tây đầy tai họa và hết sức cơ cực trên chiếc Kon-Tiki. Quả là một tình huống đáng nguyền rủa. Tối hôm ấy dây chằng kẽo kẹt thảm thiết, khiến không ai trong chúng tôi muốn ngủ.

Lúc ấy là mười giờ rưỡi. Bengt vừa mới leo từ dây néo xuống để người khác thay phiên trên ngọn cột buồm lắc lư. Chợt chúng tôi bật hết cả dậy. Chúng tôi nghe rõ ngoài biển tối om có tiếng người. Rồi lại nghe thấy nữa: tiếng của những người Polynesia. Chúng tôi gân cổ gọi thật to vào đêm đen, rồi nghe tiếng trả lời - có cả tiếng Knut. Vui mừng biết lấy gì đong! Chúng tôi hết sạch mệt nhọc, đám mây bất hạnh trên đầu chúng tôi cũng biến mất luôn. Giạt khỏi đảo Angatau thì đã sao nào, còn khối đảo trên biển mà. Giờ đây, miễn chúng tôi còn đủ sáu người trên bè thì chín súc gỗ balsa thích phiêu lưu này muốn trôi đến đâu mặc sức.

Ba chiếc thuyền độc mộc có càng phụ từ bóng đêm cưỡi sóng ra. Knut là người đầu tiên nhảy lên chiếc Kon-Tiki quen thuộc yêu dấu, theo sau là sáu người da nâu. Không có nhiều thì giờ giải thích. Phải tặng quà để họ trở về đảo trên chuyến đi mạo hiểm này. Không thấy ánh sáng hay đất liền, phải, hầu như không còn sao trời nữa, họ phải thận trọng chèo ngược sóng gió cho đến khi thấy đống lửa. Chúng tôi tặng họ thật nhiều lương thực, thuốc lá và những món khác. Mỗi người trong bọn họ xúc động bắt tay từ biệt chúng tôi lần cuối cùng.

Rõ ràng họ lo lắng cho chuyến đi của chúng tôi, họ chỉ về hướng tây, ý nói trên đường có nhiều dải đá ngầm nguy hiểm. Người dẫn đầu rưng rưng nước mắt, mủi lòng hôn lên cằm tôi, tôi hàm ơn sự tiên liệu đã khiến tôi để râu quai nón. Rồi họ trở về với thuyền độc mộc của họ, còn chúng tôi sáu người lại đầy đủ, lại trơ trọi trên bè.

Chúng tôi để mặc bè trôi, nghe Knut kể chuyện vừa qua.

Knut ngồi trong xuồng cao su, lòng đầy tin tưởng để vào đất liền cùng với người thổ dân dẫn đầu. Anh ta cầm chiếc giầm chèo tới cái khe ở dải đá ngầm. Chợt Knut ngạc nhiên thấy Kon-Tiki nháy đèn đánh tín hiệu gọi anh quay lại, nên liền ra hiệu cho anh bạn da nâu quay xuồng, nhưng anh chàng Polynesia này không chịu nghe theo. Knut chụp lấy giầm, nhưng anh ta giật ra, trong lúc dải đá ngầm chung quanh réo ầm ầm trong bóng tối. Giành giật với anh chàng là vô nghĩa. Xuồng bềnh bồng trôi qua khe, vào bên trong cho tới khi bị hất lên một khối san hô lớn trên đảo. Một đám thổ dân kéo xuồng vào sâu trong đảo. Knut đứng trơ trọi dưới những cây dừa, chung quanh đầy thổ dân nói luôn mồm thứ tiếng anh không hiểu. Đàn ông, đàn bà và trẻ con da nâu chân đất mọi lứa tuổi xúm xít sờ mó sơ mi và quần của anh. Họ cũng mặc y phục châu Âu song cũ và rách bươm, nhưng không có người da trắng nào trên đảo.

Knut vớ được vài anh chàng lanh lợi nhất, ra hiệu để họ theo anh tới chiếc xuồng. Chợt một người đàn ông cao lớn và to béo lạch bạch đi tới. Knut đoán hẳn đây là tù trưởng, vì ông ta đội cái mũ lính cũ, giọng to và quả quyết. Mọi người tránh chỗ cho ông ta. Knut giải thích bằng tiếng Na Uy lẫn tiếng Anh rằng anh cần người giúp và phải quay lại bè tức thì trước khi đám chúng tôi bị dạt mất tiêu. Người tù trưởng rạng rỡ như ánh mặt trời, nhưng chẳng hiểu mô tê gì cả. Dù Knut hết sức phản đối, họ vẫn cứ reo hò kéo anh vào làng ở trên cao. Nơi đây, chó lợn gà quấn chân anh, những thiếu nữ Nam Thái Bình Dương mặn mà mời mọc anh trái cây tươi. Hiển nhiên các thổ dân cố làm cho cuộc dừng chân của anh được thoải mái hết mức có thể. Nhưng Knut không để bị quyến rũ, anh buồn rầu nghĩ đến chiếc bè đang khuất dạng về hướng tây. Ý đồ của các thổ dân thật rõ ràng. Họ khao khát có được thay đổi và bầu bạn mới. Họ biết cuộc sống trên tàu của người da trắng rất thoải mái. Nếu họ may mắn giữ được Knut trên đảo, hẳn đám chúng tôi cũng sẽ vào theo với chiếc thuyền lạ lùng kia, vì không tàu bè nào lại bỏ rơi một người da trắng trên một hòn đảo hẻo lánh như Angatau.

Cuối cùng, Knut đã thoát được sau bao chuyện mạo hiểm, họ phải đưa anh xuống chiếc xuồng, nhưng những kẻ mến mộ thuộc cả hai giới tính vẫn cứ bám quanh anh. Bằng giọng nói và điệu bộ “quốc tế”, Knut không để họ hiểu nhầm lâu thêm: anh phải và muốn quay lại chiếc tàu kỳ lạ ngoài kia ngay trong đêm, vì nó vội đi tiếp, nên không thể cập vào đảo được.

Các thổ dân liền tìm cách đánh lừa anh, họ ra hiệu rằng chiếc bè vừa mới vào phía sau mũi đất. Knut hoang mang mất một lúc, nhưng rồi anh nghe có tiếng ồn ào dưới bãi biển, nơi đàn bà và trẻ con đang giữ cho đống lửa đang cuộn khói khỏi tàn. Thì ra ba chiếc thuyền độc mộc mới vừa về đến. Mấy chàng trai đi lên, đưa Knut miếng giấy của chúng tôi. Anh lâm vào tình thế tuyệt vọng. Mệnh lệnh dứt khoát: anh không được một mình chèo xuồng ra biển trở lại, mà mọi thổ dân đều từ chối phăng không chịu cùng đi với anh.

Các thổ dân lớn tiếng bàn cãi. Những người đã ra ngoài kéo chiếc bè hiểu rất rõ giữ Knut lại hòng lôi kéo chúng tôi lên đảo là vô ích. Cuối cùng lời hứa hẹn cũng như sự đe dọa mà ai cũng hiểu được trong giọng nói của Knut lay chuyển được ba đội thuyền đưa anh ra khơi, truy tìm chiếc Kon-Tiki, kéo theo chiếc xuồng cao su trong bóng đêm vùng nhiệt đới. Các thổ dân, cả già lẫn trẻ, đứng bất động bên đống lửa sắp tàn nhìn theo người bạn da trắng mới, vừa tới đã vội đi.

Ngoài khơi xa, khi sóng nhồi thuyền lên cao, những người đi cùng với Knut thấy ánh đèn yếu ớt nhấp nháy. Những thuyền độc mộc Polynesia thon nhỏ, tựa trên cái càng vát nhọn, như chiếc dao cắt mặt nước phăng phăng, nhưng Knut tưởng như lâu vô tận, cho đến khi anh lại cảm thấy những súc gỗ to tròn của chiếc Kon-Tiki nằm ngay dưới hai bàn chân.

“Ở đó có đẹp không?” Torstein ganh tị hỏi.

“Ối giời”, Knut đáp, “cậu phải thấy mấy cô gái Hula mới biết được!”

Chúng tôi cuốn buồm và kéo chèo lên sàn, rồi cả sáu mạng chui vào lều tre, ngủ vùi như những hòn đá cuội trên bãi biển đảo Angatau.

Đã ba ngày liền chúng tôi trôi trên biển mà tịnh không trông thấy đất cạn.

Bè trôi thẳng đến vỉa đá ngầm định mệnh Takume và Raroia, chắn trước mặt chúng tôi một dải dài từ bảy mươi đến tám mươi cây số. Chúng tôi cố gắng đến tuyệt vọng lái bè qua phía bắc vỉa đá nguy hiểm này. Tưởng đâu ổn thỏa rồi, nào ngờ một tối nọ anh bạn trực đêm hối hả vào đánh thức mọi người dậy.

Thì ra gió đã đổi hướng, thổi thẳng vào vỉa đá Takume. Trời đổ mưa khiến chúng tôi không trông thấy gì hết. Theo tính toán của chúng tôi thì vỉa đá này không xa mấy.

Chúng tôi họp bàn ngay giữa đêm khuya. Chuyện sống còn mà. Không thể qua đó về hướng bắc được rồi, phải thử đi về hướng nam xem sao. Chúng tôi xoay buồm, bẻ bánh lái, lao vào một chuyến đi nguy hiểm với luồng gió bắc không ổn định thổi sau lưng. Nếu gặp phải gió đông trước khi bè qua khỏi vỉa đá dài tám mươi kilômét này thì chúng tôi đành bó tay để bè bị cuốn vì sóng xô bờ hung hãn.

Chúng tôi thống nhất về mọi biện pháp phòng ngừa, nếu bè đắm. Bằng mọi giá phải trụ trên sàn. Không được leo lên cột buồm vì sẽ rơi rụng ngay như quả chín, mà phải bám lấy các thanh buồm ngang khi sóng ập tới. Chúng tôi để xuồng cao su trên sàn bè, không buộc, trên đó cột một đài vô tuyến nhỏ không thấm nước, ít lương thực, vài chai nước và dụng cụ y tế. Nó có thể sẽ bị cuốn lên đất liền, phòng khi chúng tôi thoát được dải đá ngầm mà không có gì trong tay. Sau đuôi chiếc Kon-Tiki, chúng tôi buộc một chiếc phao với sợi dây thừng dài. Chiếc phao cũng sẽ bị cuốn lên đất liền, như thế chúng tôi có thể tìm cách kéo bè vào, nếu nó mắc kẹt đá ngầm ở ngoài. Bàn bạc xong chúng tôi chui vào ngủ, để người giữ lái đứng trực ngoài mưa.

Gió bắc còn thổi ắt bè còn trôi, từ từ nhưng an toàn dọc trước mặt vỉa đá san hô đang rình rập sau chân trời. Nhưng một buổi chiều kia gió lặng hẳn. Khi thổi lại, nó đổi qua hướng đông. Tuy nhiên theo tính toán của Erich thì bè đã ở phía nam đủ xa và chúng tôi có hy vọng lái qua được mỏm ngoài cùng của vỉa đá ngầm Raoira. Chúng tôi cố tới phía sau mỏm này để được khuất gió trước khi bè tiếp tục đưa chúng tôi tới những dải đá ngầm khác.

Lúc đêm xuống, chúng tôi đã lênh đênh trên biển đúng một trăm ngày. Giữa khuya tôi thức giấc, lòng dạ bồn chồn. Các ngọn sóng có gì đấy khác thường. Có thể nói chiếc Kon-Tiki di chuyển hơi khác mọi khi trong những điều kiện tương tự. Chúng tôi nhận ra nhịp điệu lên xuống của các súc gỗ có thay đổi. Nghĩ ngay đến sức dội từ bờ biển mà bè đang tới gần, nên tôi thường trực đứng trên sàn hoặc leo lên cột buồm. Chỉ thấy biển cả, nhưng tối đó tôi không ngủ yên được. Thời gian vẫn trôi đi.

Tờ mờ sáng, quãng gần sáu giờ, Torstein từ ngọn cột buồm tuột vội xuống. Anh thấy xa xa phía trước một dãy đảo nhỏ đầy cây dừa. Trước hết chúng tôi hết sức bẻ lái về hướng nam. Hẳn Torstein vừa thấy những đảo san hô nhỏ trông như một chuỗi ngọc trai sau vỉa Raroia. Có lẽ bè dạt vào một luồng nước chảy về hướng bắc.

Đúng bảy giờ rưỡi, những đảo nhỏ đầy cây dừa xuất hiện thành một dãy dọc suốt chân trời phía tây. Mũi bè đang hướng về phía hòn đảo cực nam, những đảo và rừng dừa khác trải dài khắp đường chân trời phía bên phải chúng tôi, cho đến khi chỉ còn như những chấm nhỏ khuất dần về hướng bắc. Những đảo gần nhất cách đấy khoảng bốn đến năm hải lý.

Nhìn một lần bao quát từ ngọn cột buồm là biết ngay tuy mũi bè đang hướng ngay vào hòn đảo cuối cùng nhưng sức nước đẩy vào mạn bè quá mạnh khiến bè không tiến thẳng được mà đi xiên vào giữa dải đá. Nếu những tấm chống dạt không lỏng lẻo thì chúng tôi vẫn hy vọng lái bè qua được, nhưng cá mập bám sát gót nên không thể lặn xuống buộc chắc lại những thớt gỗ này bằng thừng mới được.

Chúng tôi thấy chỉ còn được vài giờ nữa trên chiếc Kon-Tiki thôi. Cần tận dụng để chuẩn bị vì chuyện bè va vào dải san hô này và hư hại nặng là không thể tránh khỏi. Người nào cũng được hướng dẫn việc phải làm, phải phụ trách, để khỏi chạy lung tung, giẫm chân lên nhau, lúc ấy mỗi một giây đều quan trọng. Chiếc Kon-Tiki tròng trành trong ngọn gió đang từ từ ép chúng tôi về hướng đó. Ở đấy, nơi những con sóng bất lực ập vào bức tường đá hình vòng cung dội lại sẽ là một sự hỗn loạn khủng khiếp chờ đón chúng tôi.

Chúng tôi vẫn căng hết buồm, với hy vọng còn có thể lái thoát qua. Khi bè từ từ chếch tới gần, từ trên cột buồm chúng tôi thấy chuỗi ngọc trai này là một vỉa san hô phần nổi phần chìm nối với nhau. Biển ngầu bọt trắng xóa, tung lên thật cao như trước một con đê chắn sóng. Vỉa đá ngầm vành khăn Raroia này hình bầu dục, đường kính 40 kilômét, nguyên cả bề dài quay về phía đông, phía bè đang tròng trành trôi tới. Nó chỉ rộng vài trăm mét và kéo dài từ chân trời này đến chân trời kia, phía sau là những đảo nhỏ thơ mộng nằm ngay ngắn quanh một đầm nước mặn yên ả.

Với cảm giác lẫn lộn, chúng tôi nhìn Thái Bình Dương xanh bị quần đảo kia xé toang không thương tiếc, tung nước lên trời kín cả tầm mắt. Tôi biết điều gì đang chờ đợi phía trong kia. Vì tôi từng có lần ghé cụm đảo Tuamotu. Lần ấy tôi đứng an toàn trên đất liền, thán phục nhìn quang cảnh hùng vĩ phía đông, nơi sóng đại dương tự do ập qua dải đá ngầm. Giờ đây dải đá ngầm và các đảo từ từ hiện ra cho tới tận phía nam dưới kia. Hẳn chúng tôi đang ở khoảng giữa mặt trước của bức tường san hô.

Trên chiếc Kon-Tiki mọi sự đã sẵn sàng chờ dấu hiệu “xuất quân”. Những gì tương đối giá trị được đưa hết vào lều, buộc chắc lại. Giấy tờ, tài liệu gói trong bao không thấm nước, phim ảnh và mọi thứ kỵ nước cũng đều cho hết vào đó. Lều được phủ bạt, buộc chặt bằng loại thừng đặc biệt chắc. Thấy không còn hy vọng gì nữa, chúng tôi liền dùng dao rựa nậy sàn tre và chặt đứt mọi dây chằng các tấm chống dạt. Rút chúng lên thật vất vả, vì nghêu bám đầy. Như thế phần bè chìm chỉ thấp ngang các súc gỗ, sẽ dễ vượt qua dải đá ngầm hơn. Không còn các tấm chống dạt, buồm hạ xuống rồi nên bè dạt hẳn qua một bên, thành mồi ngon cho sóng gió.

Chúng tôi buộc sợi dây thừng dài nhất vào chiếc neo tự tạo rồi cột chắc vào chân cột buồm phía trái. Như thế, khi thả neo, chiếc Kon-Tiki sẽ dạt vào vùng sóng xô bờ bằng đuôi bè. Neo gồm những thùng đựng nước, chất thêm những hộp pin phế thải và một lô đồ thải nặng khác. Ngoài ra chúng tôi còn buộc ngang buộc dọc vào đấy cả những thanh gỗ đước chắc chắn nữa.

Quy định số một, quan trọng nhất, là: bám chặt lấy bè! Dù xảy ra chuyện gì cũng vẫn phải bám chặt sàn bè, mặc cho chín súc gỗ lớn hứng chịu sức đập vào đá, vì người phải chống chọi lại sức nước cũng đủ mệt rồi. Nhảy khỏi bè sẽ trở thành nạn nhân của sóng xô bờ, mặc cho nó hất vào lôi ra qua đá san hô sắc như dao. Chiếc xuồng cao su sẽ nhanh chóng bị xô lật trong những bức tường nước dựng đứng, cho nên nếu chúng tôi ngồi trong đó nó sẽ nặng và tất nhiên sẽ bị đá ngầm cứa nát thành từng mảnh. Còn những súc gỗ sớm muộn cũng bị hất lên bờ - với cả chúng tôi nữa, nếu may mắn bám chắc được vào đó.

Hai là mọi người được lệnh phải đi giầy, lần đầu tiên sau một trăm ngày, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phao. Tuy nhiên phao chẳng ích lợi gì mấy, nếu văng khỏi bè ta sẽ bị xô bẹp gí vào đá chứ không chết đuối.

Chúng tôi còn đủ thì giờ để mỗi người nhét theo hộ chiếu cũng như ít đô la còn dư. Trước mắt vấn đề đáng lo không phải là thiếu thời gian.

Những giờ phút bè dạt ngang từ từ vào vỉa đá, không cưỡng lại được, thật căng thẳng. Trên bè im ắng lạ thường. Phải, chúng tôi lặng thinh hay rất kiệm lời chui ra chui vào lều tre giải quyết công việc. Những gương mặt nghiêm nghị cho thấy không ai hồ nghi chuyện gì đang chờ đón. Không ai bồn chồn chứng tỏ mọi người đều tin tưởng tuyệt đối vào chiếc bè, sau bao sự kiện đã trải qua trong chuyến đi. Nó vượt qua được biển cả, hẳn cũng sẽ đưa chúng tôi an toàn lên đất liền.

Trong lều ngổn ngang những thùng giấy bồi đựng lương thực và những vật nặng đã buộc chắc. Torstein nửa ngồi nửa đứng trong cái góc đặt máy vô tuyến, nơi anh may mắn đưa được chiếc máy phát sóng ngắn vào hoạt động. Hiện bè đang cách căn cứ cũ của chúng tôi ở Callao 8000 kilômét. Trường hải quân ở đây vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi. Với những người chơi vô tuyến nghiệp dư ở Mỹ thì còn xa hơn nữa. Tình cờ xui khiến nên hôm qua chúng tôi bắt được liên lạc với một nhà nghiệp dư giỏi trên đảo Rarotonga thuộc quần đảo Cook[1](1). Trái lệ thường, các điện đài viên của chúng tôi hẹn liên lạc riêng với anh ta vào sáng sớm. Trong lúc chúng tôi đang dạt gần thêm vào dải đá ngầm, Torstein ngồi kiên trì gõ phím gọi Rarotonga.

Lúc 8 giờ 15 nhật ký hải trình của Kon-Tiki ghi:

“Bè đang từ từ tới gần đất cạn. Bây giờ chúng tôi có thể phân biệt bằng mắt từng cây dừa phía trước, bên tay phải.”

8 giờ 45:

“Gió đã đổi sang một hướng bất lợi hơn nữa cho chúng tôi, bè không còn hy vọng dạt qua được. Trên bè không ai bồn chồn cả, mọi người hối hả chuẩn bị. Phía trong vỉa đá trước mặt có gì đấy trông như xác chiếc thuyền buồm một cột, song có thể chỉ là một bó củi trôi dạt.”

9 giờ 45:

“Gió đẩy bè thẳng tới hòn đảo kế chót mà chúng tôi thấy phía sau vỉa đá. Bây giờ chúng tôi có thể phân biệt rõ dải đá san hô này. Giống một bức tường tròn lấm chấm trắng đỏ, nó nhô khỏi mặt nước, bao quanh các đảo như một dây thắt lưng. Sóng ngầu bọt trắng gầm thét xô dọc vỉa đá. Bengt vừa mới dọn cho chúng tôi một bữa ăn nóng ra trò, bữa cuối cùng trước cuộc đọ sức lớn. Cái nằm trên vỉa đá, phía trong kia, là xác một chiếc thuyền. Chúng tôi hiện đã đến thật gần, nhìn suốt được cả cái đầm nước bóng loáng sau vỉa đá. Chúng tôi có thể phân biệt được đường nét của những đảo khác phía bên kia đầm.”

Lúc này tiếng sóng xô trầm đục gần hơn, vang dội từ khắp vỉa đá phía trước, như tiếng trống liên hồi âm ỉ chờ màn kết thúc hồi hộp của chiếc Kon-Tiki.

9 giờ 50:

“Chúng tôi tơi gần lắm rồi. Bè dạt ngang vào vỉa đá. Chỉ còn vài trăm mét. Torstein vừa mới ngồi xuống, đang hàn huyên với anh chàng ở Rarotonga. Mọi chuyện xong xuôi. Bây giờ tôi phải cất quyển nhật ký hải trình. Chúng tôi vui vẻ ca. Tình hình có vẻ xấu đấy, nhưng phải giải quyết được thôi!”

Ít phút sau neo được ném xuống, bám vào đất nên chiếc Kon-Tiki xoay đuôi vào vùng sóng xô. Như thế chúng tôi có thêm được vài phút quý báu cho Torstein gõ như điên cuồng lên phím. Anh bắt được liên lạc với Roratonga rồi. Tiếng sóng dội vang ầm không trung, biển giận dữ nhô lên thụp xuống. Mọi người đi tới đi lui trên sàn bè. Torstein vừa gửi được tin đi. Anh yêu cầu Roratonga cứ tròn một giờ lại lắng nghe trên cùng tần số. Quá 36 tiếng đồng hồ mà chúng tôi vẫn bặt tin thì báo cho đại diện Na Uy ở Washington. Lời cuối của Torstein là: “O.K. 50 yards left. Here we go. Good bye(1)[1].” Rồi anh tắt máy. Knut phong kín giấy tờ rồi hai anh hộc tốc chui ra ngoài với chúng tôi, vì bây giờ không còn hồ nghi gì nữa: neo đã bị đẩy đi.

Sóng càng lúc càng cuồng loạn hơn, lòng sóng càng thêm sâu hoắm, chúng tôi cảm thấy bè bay bổng lên rồi lại hụp xuống, lên rồi xuống, càng lúc càng cao.

Phương châm được nhắc lại: bám thật chắc, quên hết mọi đồ lề, chỉ bám cho chắc!

Lúc này bè gần “thác nước” đến nỗi chúng tôi không còn nghe thấy tiếng ầm ầm dọc suốt vỉa đá, vì nó cứ đều đều, mà chỉ cảm nhận mỗi khi sóng đập ào qua ngay trước mặt.

 Mọi người đứng sẵn sàng, bám chặt vào sợi dây thừng nào được xem là vững chắc nhất. Chỉ có Erich chui vào lều vào phút chót, vì còn một quy định anh chưa thực hiện - anh chưa tìm thấy giầy!

Không ai đứng phía sau bè, vì đây là chỗ hứng sức dội từ vỉa đá. Cả hai dây néo vững chắc từ ngọn cột buồm tới đuôi bè cũng không an toàn. Nếu cột buồm gãy, dây néo sẽ lòng thòng ra ngoài bè, phía trên vỉa đá. Hermann, Bengt và Torstein leo lên mấy thùng gỗ cột chặt trước vách lều, Hermann bám vào các dây nhợ buộc mái lều, còn hai anh chàng kia nắm sợi dây thừng trước đây vẫn dùng để kéo buồm. Knut và tôi chọn sợi thừng căng từ mũi bè lên ngọn cột buồm, vì nghĩ rằng nếu cột buồm gãy, rơi xuống biển cùng với lều và mọi thứ khác thì sợi thừng phía mũi vẫn nằm trên bè, sau khi sóng từ phía trước ập vào.

Biết rằng không thể tránh nổi sóng, chúng tôi liền cắt dây neo, mở màn trận kịch chiến. Một con sóng lớn từ dưới đáy bè cuộn lên cao, chúng tôi thấy rõ chiếc Kon-Tiki nhô bổng lên không. Giây phút quyết định đã tới. Giờ đây bè cưỡi trên lưng sóng, ào ào trôi, nó run rẩy, than vãn, kêu răng rắc. Chúng tôi thấy rõ nó đung đưa, di động dưới chân. Căng thẳng khiến máu muốn sôi lên. Tôi nhớ đã không nghĩ ra cách gì khác hơn là vung tay, hét toáng “hura!” muốn vỡ lồng ngực. Hành động này khiến tôi nhẹ nhõm được phần nào, vả chăng cũng chẳng hại gì. Các bạn khác chắc cho rằng tôi hóa điên, nhưng mọi gương mặt đều sáng bừng lên và họ, tất cả mọi người, đều cười phấn khích. Sóng xô ào ào, đây là trận thử lửa đầu tiên của chiếc Kon-Tiki, mọi chuyện sẽ ổn và phải ổn thôi.

Nhưng niềm hân hoan kia bị kềm lại ngay. Phía sau chúng tôi, một con sóng lớn dâng cao tựa một bức tường thủy tinh xanh lấp lánh, rồi khi bè thụp xuống, nó cuồn cuộn đuổi theo. Lúc tôi thấy nó sừng sững phía trên cũng là lúc tôi cảm thấy bị một cú giáng rất mạnh và chìm trong khối nước, toàn thân tôi phải chịu một sức kéo kinh khủng, khiến phải căng hế 4f03 t mọi cơ bắp và chỉ tâm niệm một điều: bám chặt! Nếu kết quả chắc chắn như tôi nói thì tôi tin rằng trong một tình huống như thế này tay chân con người có thể phản ứng độc lập với bộ não, vì lúc ấy hẳn não bảo ta: buông dây thừng đi. Rồi tôi chợt cảm thấy núi nước kia trôi dạt qua, nới bớt sức ép kinh khủng của nó quanh thân thể mình. Trong lúc ngọn sóng inh tai nhức óc tiếp tục ầm ầm ào qua, tôi lại trông thấy Knut đang cuộn tròn như quả bóng, bám ngay bên cạnh. Nhìn từ phía sau, vạt sóng khổng lồ màu xám gần như phẳng lỳ ào trên mái lều. Sóng qua rồi nhưng ba bạn kia vẫn còn nép sát đầu hồi lều.

Chúng tôi vẫn còn bềnh bồng giữa những ngọn sóng.

Tôi lại hối hả bám thật chặt, tay chân quấn quanh sợi dây thừng kiên cố, còn Knut tuột xuống, vọt nhanh như cọp lên các thùng gỗ cạnh mấy người kia, nơi có chiếc lều hứng sức đập của sóng. Tôi nghe tiếng họ gọi trấn an, cùng lúc một bức tường xanh lục mới dựng đứng ầm ầm xô tới. Tôi hét lên báo động và cố thu người thật nhỏ, bám hết sức vào dây thừng. Đột nhiên địa ngục lại đổ xuống đầu chúng tôi, cả chiếc Kon-Tiki chìm trong khối nước. Biển cả đem toàn lực giằng xé thân thể con người nhỏ bé. Con sóng lớn thứ hai vừa qua đi lại tiếp đến con sóng thứ ba. Chợt tôi nghe thấy tiếng reo hò đắc thắng của Knut, anh đang bám thang dây:

“Các bạn nhìn chiếc bè xem, nó vẫn vững! Nó vẫn vững!”

Sau ba đợt sóng mà chỉ có cột buồm đôi với chiếc lều hơi bị nghiêng đi. Chúng tôi lại cảm thấy đã chiến thắng được thiên nhiên. Niềm say sưa thắng lợi truyền cho chúng tôi thêm sức mạnh.

Chợt tôi thấy con sóng tiếp theo, cao hơn những sóng trước, đang ầm ầm xô tới, tôi lại vừa gào báo động vừa cố leo thật cao lên dây thừng, bám chặt vào đấy và lại chìm lỉm trong bức tường nước xanh cao vòi vọi trên đầu. Những bạn đứng xích phía sau thấy tôi là người mất hút trước tiên đã ước tính bức tường nước này cao đến tám mét, riêng ngọn sóng ngầu bọt phía trên khối nước nuốt chửng tôi cũng phải tới năm mét. Rồi bức tường sóng ào tới chỗ họ, ai nấy chỉ tâm niệm một điều: Bám! Bám! Và bám!

Lần này hẳn bè bị xô trúng vỉa đá ngầm rồi. Tôi chỉ cảm thấy sức dộng truyền qua dây thừng, khiến nó rung lên nhè nhẹ. Không rõ sức dộng đến từ trên hay dưới, vì tôi đang bám lủng lẳng.

Tất cả chỉ kéo dài mấy giây thôi, nhưng tốn hao nhiều sức lực hơn ta thường có trong thân thể. Trong con người còn có những sức lực khác loại thuần túy của cơ bắp. Tôi quyết định nếu phải chết xin được chết trong tư thế này, giống như một cái nút trên sợi dây thừng. Giờ đây sóng lại ầm ầm bên trên. Nó gầm thét ào qua, để lại một cảnh tượng thê thảm. Như bị phù phép, chiếc Kon-Tiki đột nhiên biến dạng hẳn. Chiếc bè chúng tôi quen thuộc nhiều tuần, nhiều tháng trên biển cả giờ không còn nữa. Chỉ trong vài giây cái thế giới ấm cúng của chúng tôi đã tan tác.

Tôi thấy được một người duy nhất trên bè, ngoài tôi ra. Anh nằm dán người giữa mái lều, tay duỗi sang một bên với mặt. Phía sau và mé phải chiếc lều bẹp rúm như dựng bằng những lá bài. Người nằm bất động kia là Hermann. Khi khối nước tiếp tục ầm ầm ùa qua vỉa đá tôi không thấy dấu hiệu của một ai khác nữa. Cột buồm cứng như sắt phía tay phải gãy gục khác nào que diêm, xuyên thủng mái lều, lủng lẳng trên vỉa đá cùng những sợi dây chằng. Phía đuôi bè, bệ gỗ gắn cần lái lệch hẳn đi, súc gỗ ngang bị gãy, còn cần lái vụn như củi. Mấy tấm gỗ thông kiên cố ở mũi bè nát ngướu như những thớt cuộn xì gà. Sàn bè bung lên, bị quật như một tờ giấy ướt vào vách trước lều cùng với những thùng gỗ, thùng nước, tấm bạt và những đồ lề khác. Những thanh tre và mẩu thừng vương vãi khắp nơi: cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.

Tôi sợ lạnh toát cả người. Ích lợi gì, nếu chỉ mình tôi bám chặt được. Dù mất đi một người thôi ở giai đoạn cuối cuộc hành trình thì tất cả thành công sẽ phải xét lại. Trước mắt tôi chỉ thấy được một người sau lần sóng ập cuối cùng. Nhưng ngay lúc ấy thân hình quằn quại của Torstein xuất hiện bên cạnh bè. Anh may mắn leo được lên bè rồi bò lên cái đống ngổn ngang trước lều. Hermann quay đầu lại, cố nặn một nụ cười khích lệ, nhưng vẫn không nhúc nhích. Tôi gào lên hỏi về những bạn kia thì nghe giọng Bengt điềm tĩnh trả lời mọi người vẫn trên bè. Họ nằm phía sau “hàng rào chắn” - tấm sàn bè bện chắc chắn bị bật lên - bám chặt vào đống dây chão.

Tất cả diễn ra chỉ trong vài giây, lúc luồng nước rút đang kéo chiếc Kon-Tiki ra khỏi chốn hỗn loạn nguy hiểm này. Chợt một con sóng nữa lại ập vào. Tôi hét muốn vỡ lồng ngực “Bám chặt!”, lần cuối cùng trong tiếng ầm ầm và đó là tất cả những gì tôi đã làm. Tôi lại bám chặt và chìm lỉm trong khối nước ào qua, hai ba giây mà tưởng như bất tận. Tôi chịu hết nổi rồi. Tôi thấy đầu những cây gỗ va vào vỉa đá san hô dốc đứng, nhưng không vượt qua được. Đột nhiên bè lại bị kéo ra. Tôi cũng thấy hai người nằm dài trên mái lều, mà chẳng ai cười nổi nữa. Từ sau đống tre hỗn loạn tôi nghe một giọng trầm tĩnh:

“Hỏng rồi.”

Chính tôi cũng cảm thấy chán nản như vậy. Đầu cột buồm vẫn tiếp tục nghiêng về phía tay phải nên chính tôi cũng lủng lẳng bên ngoài bè, trên sợi dây thừng võng hẳn. Một vạt sóng khác lại đến. Khi nó trào qua, tôi mệt rã rời, chỉ còn nghĩ đến chuyện leo lên bè, nằm sau tấm hàng rào chắn. Nước trôi hết, lần đầu tiên tôi thấy vỉa đá ngầm đỏ nham nhở lộ ra phía dưới và phát hiện Torstein đang nắm chặt một đầu dây cột buồm, lom khom đứng trên đá san hô đỏ óng ánh. Knut đứng phía sau, dợm nhảy xuống. Tôi gào lên phải bám lấy các súc cây và Torstein, mới vừa bị nước hất văng xuống, vọt lên bè như một con mèo.

Hai hoặc ba vạt sóng nữa yếu hơn lại ào qua chúng tôi. Những gì xảy ra lúc ấy tôi không nhớ nữa, chỉ biết khi nước ầm ầm cuốn qua tôi cứ chìm dần xuống mãi tới vỉa đá ngầm màu đỏ, nơi bè bị đẩy lên. Giờ đây quanh chúng tôi chỉ còn những đám bọt nước. Tôi cố gắng leo lên bè trở lại. Cả bọn chúng tôi đi tới cuối bè là chỗ được đẩy lên cao nhất.

Đúng lúc ấy Knut nắm sợi dây ở đuôi bè nhảy xuống nền đá. Trong lúc nước rút ra, anh lội rất nhanh khoảng ba mươi mét vào phía đất liền, khi vạt sóng kế tiếp sủi bọt nhưng không hung hãn ùa tới, anh đã đứng vững chãi, tay vẫn nắm sợi dây. Rồi sóng rút ra như một dòng sông lớn.

Lúc ấy Erich mới từ chiếc lều sập bò ra, chân đi giầy đàng hoàng. Giá chúng tôi cũng làm như anh thì có lẽ đỡ vất vả nhiều. Vì lều không bị văng khỏi bè, mà vẫn yên vị dưới lớp bạt, nên Erich cứ bình thản nằm giữa đống đồ lề, nghe “địa ngục” giáng xuống chúng tôi trong lúc những tấm vách tre ụp xuống. Đầu óc Bengt hơi choáng do cột buồm gãy đổ, nhưng anh may mắn bò được vào chiếc lều sập, nằm cạnh Erich. Giá biết trước tấm phên tre, dây nhợ và những súc gỗ balsa lại gắn vào nhau chắc đến thế, ngay cả dưới sức nước, hẳn chúng tôi nằm hết cả trong đó.

Bây giờ Erich đứng chờ sẵn phía đuôi bè, khi nước rút ra anh cũng nhảy xuống vỉa đá. Tiếp đến Hermann - anh đã sẵn sàng, rồi tới Bengt. Mỗi lần sóng ào tới như thế bè lại được đẩy tới thêm một tí. Đến lượt Torstein và tôi thì bè đã vào đủ sâu trên dải đá ngầm khiến không còn lý do gì để phải nhảy ra nữa. Tất cả chúng tôi liền bắt tay vào việc cứu bè.

Những bậc đá ngầm hiểm trở, nơi sóng đều đặn ập vào, đã ở sau chúng tôi hai mươi mét. Lũ san hô bồi vỉa đá hình tròn này cao đến mức chỉ phần trên cùng của vạt sóng xô bờ mới tràn qua được, đổ nước biển tươi mát vào cái đầm đầy cá. Bên trong này là thế giới thần tiên của san hô, chúng tha hồ phát triển muôn màu muôn vẻ.

Vào sâu bên trong mấy người kia tìm thấy chiếc xuống cao su đầy nước dạt vào đây. Họ tát nước, rồi kéo nó tới chiếc bè bị hư hại nặng. Chúng tôi chất lên xuồng những thiết bị quan trọng nhất, trước hết là đài vô tuyến, lương thực và những chai nước uống. Rồi chúng tôi kéo nó vào phía trong vỉa đá, chất hết những món nọ lên một tảng san hô khổng lồ nổi bật so với chung quanh, trông cứ như một khối thiên thạch. Phải phòng xa chứ, vì chúng tôi đâu biết được biển cả sẽ giở trò gì khi thủy triều lên.

Phía trong kia, giữa làn nước nông trên vỉa đá chúng tôi thấy vật gì bóng loáng lấp lánh dưới ánh nắng. Lội vào xem, chúng tôi sửng sốt thấy hai vỏ hộp trống. Thật không ngờ lại thấy vỏ hộp nơi đây. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy những hộp nhỏ này bóng loáng, mới vừa mở và in chữ “Ananas(1)”[1], giống hệt trên các khẩu phần dã chiến mà chúng tôi có nhiệm vụ thử để báo cáo cho viên sĩ quan phụ trách hậu cần. Hóa ra đó là vỏ hai hộp dứa mà chúng tôi đã ăn bữa cuối cùng trên chiếc Kon-Tiki rồi quăng xuống biển. Chuyến lên bờ của chúng và của chúng tôi không cách xa nhau mấy.

Chỗ chúng tôi đang đứng là những tảng san hô hình thù kỳ dị sắc như dao. Chúng tôi lội bì bõm trên nền đá nham nhở, chỗ ngập tới mắt cá chân, chỗ tới ngực, tùy theo nước kéo qua bào mòn chỗ đó thành đáy lạch hay lòng sông. Vỉa đá đầy rong biển, hải quỳ và san hô trông như một luống hoa đầy rêu, xương rồng cùng những loài thảo mộc hóa đá màu đỏ, xanh, vàng và trắng. Không thiếu màu nào, dù trong đám san hô, tảo, sò và sên biển hay trong những con cá đẹp tuyệt vời bơi ào ào qua chúng tôi ở khắp mọi nơi. Ở những lạch sâu có cá mập nhỏ, chỉ dài bốn bộ, thận trọng lại gần chúng tôi trong làn nước trong veo. Chỉ đập tay xuống nước là chúng liền quay ngược lại một quãng xa.

Quanh chỗ bè mắc cạn chỉ có những vũng nước và những tảng đá san hô, còn vào sâu trong này, đầm nước xanh yên ả. Lúc triều xuống, nước rút ra, quanh chúng tôi lộ thêm nhiều san hô; sóng vẫn tiếp tục xô ầm ầm vào vỉa đá nhưng đột nhiên xuống thấp hẳn. Khi triều lên, sóng biển lại tràn vào thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Chúng tôi phải rời khỏi đây.

Vỉa đá trải dài về phía bắc và phía nam như một bức tường thành nửa chìm nửa nổi. Tận cùng phía nam là một hòn đảo dài, dừa mọc chi chít như rừng và xích lên phía trên một tí, chỉ độ sáu, bảy trăm mét cũng là một đảo nhỏ xíu đầy dừa. Nó nằm phía trong vỉa đá ngầm, ngọn dừa chĩa lên trời, một bãi cát trắng như tuyết nhô ra đầm nước êm ả. Cả hòn đảo trông như một lẵng hoa màu xanh tràn trề mời mọc, như một mảnh nhỏ của cõi thiên đường. Chúng tôi chọn hòn đảo này.

Hermann đứng cạnh tôi, khuôn mặt râu ria của anh rạng rỡ như ánh mặt trời. Không nói một lời, anh chỉ chìa tay cho tôi và cười sung sướng. Chiếc Kon-Tiki nằm tận ngoài vỉa đá, bọt nước vẫn phun qua nó không ngớt. Nó là một cái xác bị hư hại nặng, nhưng đáng trân trọng. Mọi thứ trên bè đều nát ngướu hết cả, nhưng chín súc gỗ balsa từ rừng Quevedo ở Ecuador vẫn không hề suy suyển. Chúng đã cứu sống bọn tôi. Biển cả phá hỏng một số vật dụng, nhưng những thứ chúng tôi dồn trong lều vẫn còn nguyên. Những món giá trị không còn trên bè nữa bởi chính chúng tôi khuân đi. Giờ đây những món này nằm an toàn trên một tảng đá khổng lồ hứng nắng chang chang phía trong vỉa đá ngầm.

Khi tôi rời bè, lũ cá hoa tiêu bình thường vẫn nhởn nhơ trước mũi bè đã bỏ đi - đúng như tính của chúng. Giờ đây những súc gỗ balsa to nằm trên vỉa đá trơ trụi, sâu nửa bộ trong nước, những con sên biển màu nâu bò dưới mũi bè. Không còn lũ cá hoa tiêu, lũ cá nục heo cũng bỏ đi. Chỉ thấy những con cá dẹt lạ, có vân như chim công, đuôi tựa tấm khăn mỏng tò mò ra vào giữa những thân gỗ. Chúng tôi đặt chân tới một thế giới mới. Con cua Joahnnes không còn trong cái lỗ của nó. Hẳn nó tìm được một chỗ trú thân khác đâu đây.

Tôi nhìn xác bè lần cuối, chợt thấy một cây dừa non trong một cái giỏ bẹp gí. Nó nhú khỏi mắt quả dừa khoảng một bộ rưỡi, hai rễ đâm xuống dưới. Cầm quả dừa trong tay, tôi lội tới hòn đảo. Trước tôi một quãng, Knut đang sung sướng bì bõm về phía đất liền, tay kẹp hình mẫu chiếc bè anh đã hì hục làm trên đường đi. Lát sau chúng tôi vượt qua Bengt. Anh đúng là một đầu bếp tuyệt vời. Nước biển nhỏ giọt từ bộ râu ướt đẫm, đầu sưng vù một cục, anh khom người vừa lội vừa đẩy một hòm gỗ cứ bập bềnh vuột đi mỗi khi sóng ập bên ngoài xô nước vào đầm. Anh hãnh diện mở nắp: hóa ra đó là chiếc hòm làm bếp, bên trong còn nguyên vẹn cái bếp Primus và xoong.

Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến lội từ vỉa đá tới hòn đảo dừa như thiên đường đang lớn dần trước mắt chúng tôi. Tới bãi cát lóa nắng, tôi tuột giầy, thọc những ngón chân sũng nước vào lớp cát khô ấm. Tôi thấy như thể mỗi dấu chân in trên bãi cát trinh nguyên dẫn lên những gốc dừa kia đều tạo cho mình một niềm vui thật sâu lắng. Lát sau những tán dừa ken kín trên đầu. Tôi đi tiếp tới giữa hòn đảo tí hon. Cây nào cây nấy lủng lẳng dừa xanh. Vài bụi cây um tùm đầy hoa trắng như tuyết, tỏa hương thơm ngọt ngào và quyến rũ, khiến tôi muốn chóng mặt. Bên trong này, những con én biển dạn dĩ lượn quanh vai tôi. Chúng nhẹ và trắng như những dải sương mù. Những động vật bốn chân bé bỏng chạy trốn trước chân chúng tôi. Cư dân chính trên đảo này là những con cua to màu đỏ rực, bò lổm ngổm khắp nơi, đeo trên thân sau những vỏ ốc mượn lớn bằng quả trứng.

Không cưỡng nổi nữa, tôi quỳ xuống, thọc sâu ngón tay vào bãi cát khô, ấm.

Cuộc hành trình đã kết thúc, tất cả đều còn sống. Chúng tôi dạt vào một đảo hoang nhỏ Nam Thái Bình Dương, một hòn đảo thật tuyệt vời! Torstein đến bên tôi, anh quăng cái túi đang vác trên vai, nằm dài nhìn lên những ngọn dừa và lũ chim trắng nhẹ như bông đang lặng lẽ lượn trước mũi chúng tôi. Lát sau cả sáu mạng nằm bên nhau. Rồi Hermann, luôn hiếu động, leo lên một cây dừa nhỏ, hái một chùm quả to màu xanh. Chúng tôi dùng dao rựa phạt phần đầu mềm như kiểu ta vẫn phạt quả trứng. Cứ thế chúng tôi uống ừng ực nước ngọt lạnh của loại dừa không cùi, thứ nước giải khát tươi ngon nhất thế giới. Ngoài vỉa đá vang tiếng trống đơn điệu liên tu bất tận của sóng biển, những kẻ gác cửa thiên đường của chúng tôi.

“Lò luyện ngục ướt át”, Bengt nói, “còn thiên đường hệt như tớ hình dung.”

Chúng tôi nằm ngửa, thoải mái duỗi hết chân tay, khoan khoái lim dim nhìn lên những đám mây tín phong trắng đang trôi trên những ngọn dừa về hướng tây. Nay chúng tôi không còn phải bó tay dõi theo chúng nữa, bây giờ chúng tôi ở trên một hòn đảo vững như núi trong vùng Polynesia thật sự.

Trong lúc chúng tôi nằm nghỉ, “con tàu tốc hành xô bờ” ào ào ập tới rồi lùi ra dọc chân trời, hết tới lại lùi.

Bengt nói đúng, đây chính là thiên đường.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!



Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27928


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận