Hải Trình Kon - Tiki Chương 8


Chương 8
Giữa những người Polynesia

Như Robinson. Lo rằng người ta sẽ ùa đi tìm kiếm chúng tôi. “Mọi chuyện ổn cả, Kon-Tiki.” Xác thuyền đắm khác. Những hòn đảo hoang. Chống loài cá chình biển. Một thổ dân tìm thấy chúng tôi. Tù trưởng đến thăm. Thổ dân nhận ra chiếc bè “tiền sử”. Lụt. Kéo bè lên đảo. Bốn người ở lại. Các thổ dân đến đón. Được dân làng tiếp đón. Tổ tiên của bình minh. Ngày hội Hula. Tham vấn thầy thuốc qua làn sóng điện. Chúng tôi được đặt tên của các vị vua. Thêm tàu khác mắc kẹt. Tàu Tamara cứu tàu Maoae. Đi Tahiti. Tái ngộ trên bến cảng. Những ngày vương giả. Sáu vòng hoa.

Hòn đảo nhỏ này không có người ở. Chúng tôi nhanh chóng biết hết mọi khóm dừa và bãi biển, vì đường kính đảo không hơn hai trăm mét. Chỗ cao nhất chỉ quá mặt đầm nước chưa đến hai mét.

Trên đầu chúng tôi là những ngọn dừa trĩu quả, lớp vỏ màu xanh che chở sọ dừa và thứ nước tươi mát trước cái nắng nhiệt đới. Cho nên những tuần lễ đầu tiên chúng tôi không hề bị khổ sở vì khát. Ngoài ra còn dừa chín, lúc nhúc loài cua mượn vỏ và bao thứ cá trong đầm. Nghĩa là: ở đây chúng tôi được ăn uống phủ phê.

Chúng tôi tìm thấy ở phía bắc hòn đảo một cây thập tự bằng gỗ thô đã cũ, chôn ngập một nửa trong bãi cát san hô. Từ đây nhìn rõ được về hướng bắc, qua khỏi vỉa đá tới tận xác chiếc thuyền trơ khung mà chúng tôi để ý thấy lúc bè sắp sửa mắc cạn.

Xích lên phía bắc tí nữa, chúng tôi thấy qua những tán lá dừa cái bóng xanh xanh của một đảo nhỏ khác. Phía nam có một hòn đảo cây cối um tùm gần hơn đảo kia nhiều. Cả ở các đảo này chúng tôi cũng không thấy dấu hiệu có người sinh sống, nhưng chúng tôi bận nghĩ đến chuyện khác trước mắt.

Robinson Hesselberg(1)[1] chệnh choạng đi tới với cái mũ rơm to tướng đầy thứ cua mượn vỏ đang ngọ nguậy. Knut nhóm lửa với mấy cành khô, lát sau chúng tôi có món cua và nước dừa pha cacao tráng miệng.

“Sao, mấy bạn thấy trên đất cạn thế nào?” Knut hài lòng hỏi.

Anh đã trải qua một lần như thế này trên chuyến đi rồi. Vừa nói anh vừa bước như kiểu người đi biển, trút lên hai bàn chân Bengt nửa xoong nước nóng rãy. Sau một trăm lẻ một ngày trên bè mới đặt chân lên đất liền, nên hôm đầu ai cũng thấy mặt đất đung đưa. Chúng tôi bước xiêu vẹo giữa những gốc dừa theo một kiểu đi đặc biệt, vì đã quen đặt bàn chân trong thế chống đỡ con sóng lớn - mà nó không tới.

Khi Bengt đưa mỗi người chúng tôi đĩa với dao nĩa thì Erich trợn tròn mắt. Tôi nhớ là sau bữa ăn cuối cùng trên bè, tôi cúi xuống biển, rửa sạch muỗng đĩa như thường lệ. Còn Erich nhìn vỉa đá ngầm thăm dò rồi không rửa những thứ của mình mà để qua bên, nói rằng: “Mình nghĩ hôm nay chẳng mất công rửa làm gì.” Rồi khi tìm thấy muỗng đĩa của anh trong hòm làm bếp, anh thấy chúng sạch bong như mấy thứ của tôi.

Ăn xong, sau khi nằm dài nghỉ một lúc lâu chúng tôi bắt tay vào tìm những thiết bị ướt nhẹp cho điện đài. Torstein và Knut phải gửi tin gấp vào không trung, kẻo người bạn ở Rarotonga sẽ loan báo về sự kết thúc đáng buồn của chúng tôi.

Hầu hết thiết bị vô tuyến được đem lên bờ an toàn. Bengt tìm thấy một cái thùng trong những thứ dạt vào vỉa đá ngầm. Anh thò tay vào rồi nhảy bắn lên như bị điện giật. Đúng là những thứ của đội điện đài, không còn hoài nghi gì nữa. Trong lúc các điện đài viên lo tháo ốc, nối ráp dây nhợ thì những người khác lo dựng lán trại.

Chúng tôi tìm thấy trên bè tấm buồm nặng trịch, ướt nhẹp, kéo ngay vào đất liền, rồi dùng những thanh tre dạt vào căng giữa hai cây dừa to trên một khoảng trống gần đầm nước. Một hàng giậu bằng những bụi cây dại đầy hoa bao quanh tấm bạt. Thế là chúng tôi có được mái che với ba bức vách, để trống phía quay ra mặt đầm bóng loáng. Mũi chúng tôi được hoa thơm ve vuốt. Chỗ này tốt quá. Ai cũng thấy nơi đây thoải mái và tự tìm lá dừa tươi sắp xếp chỗ ngủ của mình cũng như nhặt nhạnh những nhánh san hô ló khỏi cát để nằm không bị cấn lưng. Trước khi trời tối chúng tôi có được một chỗ tạm trú rộng rãi, tiện nghi.

Phía trên đầu chúng tôi là khuôn mặt thật to râu ria của ông già Kon-Tiki quen thuộc. Bây giờ ông không ưỡn ngực trước làn gió đông nữa mà nằm im, ngửa mặt nhìn sao nhấp nháy kéo trên bầu trời Polynesia.

Những lá cờ và túi ngủ rỏ nước ròng ròng trên các bụi cây chung quanh, còn các chủ nhân ướt nhẹp của chúng nằm phơi mình trên cát. Thêm một ngày nữa trên hòn đảo đầy nắng này, chắc mọi chuyện sẽ lại ổn thỏa cả. Hôm nay các điện đài viên phải tạm nghỉ, đợi ngày mai mặt trời có cơ hội sấy khô ruột máy. Chúng tôi lôi túi ngủ xuống rồi chui vào. Vừa chui vừa đánh cuộc xem túi ngủ của ai ít nước nhất. Bengt thắng, khi anh xoay người không thấy nó kêu ọc ạch. Trời ơi, được ngủ thật sung sướng biết bao.

Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy trong ánh mặt trời. Mái buồm võng xuống, đầy ứ nước mưa trong như pha lê. Bengt đảm nhiệm “tài sản” quý báu này rồi chạy ngay xuống đầm, lôi lên bờ những con cá lạ làm bữa sáng, bằng cách nhử chúng vào những khe trên cát.

Tối hôm đó Hermann đau ở gáy và lưng, những chỗ anh bị thương ở Lima trước khi khởi hành. Erich cũng bị lại chứng đau lưng cũ. Còn lần dạt qua vỉa đá ngầm anh chỉ hơi bị trầy trụa và vài vết thương xoàng. Riêng Bengt bị cột buồm rơi trúng đầu nên hơi choáng óc. Phần tôi trông rất đáng lo ngại, hai cánh tay và đùi tím bầm vì bị ép vào dây thừng.

Nhưng không ai yếu đến nỗi phải cầm lòng trước đầm nước sáng trong quyến rũ mà không bơi một vòng cho tỉnh táo trước khi ăn. Cái đầm này thật mênh mông. Ở ngoài kia chỉ thấy nó xanh và gió Mậu dịch làm gợn sóng lăn tăn. Nó rộng đến nỗi chúng tôi chỉ thấy mờ mờ ngọn cây của một dãy đảo dừa khác xa xa phía bên kia, nơi vỉa đá vành khăn khép lại. Còn phía bên này, có đảo che chắn nên gió Mậu dịch rì rào hiền lành trong những ngọn dừa lá hình lông chim đung đưa phấp phới. Bên dưới là đầm nước bóng như gương đang hô hấp. Nước sạch và trong khiến ta ngỡ những san hô và cá màu chói lọi dưới sâu ba mét kia đang nằm sát ngay mặt đầm và ta sẽ bị đứt ngón chân khi bơi lội. Đó là một thế giới cám dỗ ta nhảy vào để phiêu lưu. Nước vừa đủ mát, không khí ấm và khô nhờ nắng. Nhưng hôm nay chúng tôi phải lên bờ gấp, vì Rarotonga cần biết tin.

Những ống dây điện và các bộ phận của điện đài nằm phơi trong nắng nhiệt đới trên những tảng san hô khô rang. Torstein và Knut hết nối dây lại vặn ốc. Ngày dần trôi khiến chúng tôi càng khích động hơn. Chúng tôi bỏ hết mọi việc, xúm quanh các điện đài viên, mong giúp họ được gì. Trước mười giờ tối chúng tôi phải phát được tin lên không trung. Lúc ấy sẽ hết thời hạn ba mươi sáu giờ và người chơi điện đài nghiệp dư ở Roratonga sẽ kêu máy bay và những đoàn cấp cứu.

Trưa rồi chiều, mặt trời đang dần lặn. Giá mà nhắn được cho Roratonga hoãn việc kêu cứu! Bảy giờ, rồi tám, rồi chín. Căng thẳng không tưởng tượng nổi. Không thấy dấu hiệu trên đài phát, nhưng đài thu, một cái NC-173, bắt đầu hồi sinh, ở sóng thấp nhất trên thang tần số nghe có tiếng nhạc khe khẽ. Nhưng không nghe thấy gì cả ở tần số nghiệp dư của đài chúng tôi. Rồi mũi kim vọt lên cao, có lẽ một ống dây điện ướt đang khô dần. Nhưng máy vẫn câm như thóc, nhiều chỗ bị chập mạch toé lửa.

Chỉ còn không đầy một tiếng đồng hồ nữa. Thế này thì hỏng to. Chúng tôi bỏ máy này, thử với một máy phát nhỏ hơn dùng phá rối địch thời thế chiến. Hôm nay chúng tôi đã thử nó nhiều lần rồi mà không ăn thua. Có thể bây giờ nó khô hơn được thêm chút nào chăng. Mọi bình điện đều hư hại hết cả, chúng tôi phải dùng một máy phát điện nhỏ xíu quay tay. Rạc cả người. Bốn chúng tôi xúm lại quay suốt cả ngày rồi. Bây giờ lại phải ngồi quay cái thứ của nợ này.

Ba mươi sáu tiếng đồng hồ sắp qua hết. Tôi nhớ có bạn nào đấy thì thầm: còn bảy phút, còn năm phút - rồi không ai muốn nhìn đồng hồ nữa. Đài phát vẫn câm bặt, nhưng đài thu rít lên. Đột nhiên nó bắt được tần số của người bạn trên đảo Rarotonga. Anh ta đã liên lạc với trạm điện báo ở Tahiti, chúng tôi chỉ hiểu được bấy nhiêu đó thôi. Lát sau chúng tôi bắt được mẩu tin đánh đi từ Rarotonga:

“... không có máy bay nào phía bên này đảo Samoa. Tôi chắc chắn...”

Rồi lại im. Căng thẳng không chịu nổi. Chuyện gì đang diễn ra ngoài kia? Người ta đã phái đi máy bay và các đoàn cấp cứu rồi chăng? Lúc này tin tức về chúng tôi hẳn đang tới tấp trên không trung.

Hai điện đài viên hối hả làm việc. Mặt họ ròng ròng mồ hôi hệt như chúng tôi đang ngồi quay. Dần dần dây ăng ten hồi sức, Torstein xúc động chỉ vào chiếc kim đang nhích dần trên bảng tần số, khi anh nhấn phím morse. Máy chạy rồi!

Chúng tôi quay như điên trong khi Torstein gọi Rarotonga. Không ai nghe thấy đài chúng tôi. Gọi lần nữa. Bây giờ đài thu lại sống dậy, nhưng Rarotonga không nhận được tín hiệu của chúng tôi. Chúng tôi gọi cho Hal và Frank ở Los Angeles và Trường hải quân ở Lima, nhưng không thấy trả lời.

Torstein liền gửi một thông báo CQ[1](1), có nghĩa là anh gọi đến mọi trạm trên thế giới có thể nghe được qua tần số nghiệp dư đặc biệt của chúng tôi.

Có kết quả. Một giọng nói yếu ớt chậm rãi gọi chúng tôi từ không trung. Chúng tôi trả lời đã nghe thấy. Giọng ngoài không trung chậm rãi nói:

“Tôi là Paul, ở Colorado, bạn tên gì, ở đâu?”

Đây là một người chơi vô tuyến nghiệp dư. Torstein chồm lên nút máy trả lời trong lúc chúng tôi quay:

“Kon-Tiki đây. Chúng tôi bị mắc cạn tại một đảo hoang trên Thái Bình Dương.”

Paul không tin lời giải thích này tí nào. Hẳn anh ta cho rằng một người nghiệp dư nào đấy ở đường kế tiếp đùa chơi, nên không liên lạc lại nữa. Chúng tôi vò đầu bứt tai tuyệt vọng. Chúng tôi đang ngồi đây, trên một hoang đảo, dưới những ngọn dừa trong đêm đầy sao mà không một ai tin.

Torstein không cam chịu. Anh lại ấn phím: “Mọi chuyện ổn thoả cả, mọi chuyện ổn thoả cả”, gửi tin tới tận cùng trời cuối đất. Bằng mọi cách chúng tôi phải chặn cỗ máy cấp cứu lại, không để nó lên đường băng qua Thái Bình Dương.

Chợt chúng tôi nghe rất yếu từ máy thu:

“Dĩ nhiên mọi chuyện ổn thoả cả, nhưng sao bạn cứ ồn lên thế?”

Rồi không trung lại im bặt. Tất cả chỉ có thế.

Chúng tôi tức phát điên, chỉ muốn rung cho rụng hết mọi quả dừa và có trời mới biết chúng tôi sẽ làm gì nếu Rarotonga lẫn anh bạn Hal quen thuộc tốt bụng không đột nhiên nghe thấy chúng tôi. Hal nói anh đã khóc vì quá mừng, khi lại được tin LI2B. Chúng tôi không cần khổ sở nhắn tin nữa mà trở lại với cuộc sống thanh thản và cô quạnh trên hòn đảo Nam Thái Bình Dương của mình. Mệt bã người, chúng tôi chui vội vào chỗ ngủ lót lá dừa.

Hôm sau chúng tôi thản nhiên chấp nhận và tận hưởng cuộc sống. Người này đi tắm, người kia đi câu hoặc làm những chuyến khảo sát trên vỉa đá ngầm tìm những con vật lạ, trong khi những người khác hăng hái dọn lán trại và chung quanh cho đẹp. Ngoài kia, trên lưỡi đất hướng về phía xác bè, chúng tôi đào một cái hố bên ven rừng, lót lá rồi trồng một quả dừa mang từ Peru đã nảy mầm, bên cạnh dựng một tấm bia kỷ niệm bằng san hô thẳng hàng với chỗ chiếc Kon-Tiki dạt lên đảo.

Qua đêm, nước đẩy chiếc Kon-Tiki sâu hơn vào phía trong vỉa đá ngầm, nó nằm gần như khô ráo trên mấy vũng nước, kẹt cứng giữa một hàng đá san hô to.

 Sau khi đã phơi nắng đến cháy da trên cát ấm, Erich với Hermann lấy lại được phong độ, liền nổi hứng đi dọc đảo về phía nam, hy vọng qua được hòn đảo lớn dưới đó. Tôi nhắc họ phải thận trọng với loài cá chình biển[1], hơn cả với cá mập nên hai người đều giắt dao rựa dài vào thắt lưng. Trong vỉa đá san hô ngầm có giống cá chình biển đáng sợ, với hàm răng dài và độc, chúng cắn cụt chân người như chơi. Đang tự dưng chúng tấn công nhanh như chớp. Chúng là nỗi kinh hoàng của các thổ dân, kể cả với những người dám bơi nhởn nhơ quanh cá mập.

Erich với Hermann đủ sức lội những quãng xa xuống dưới kia, nhưng đôi khi gặp lạch sâu chi chít trên đảo thì phải bơi. Họ sung sướng tới được đảo lớn, lội lên đất liền. Đảo dài và hẹp, dừa mọc bạt ngàn; được vỉa đá che chắn, nó trải dài về phía nam giữa những bãi cát lóa nắng. Hai người đi khắp đảo, tới tận mũi phía nam. Ở đây vỉa đá ngầm trắng xóa bọt biển kéo dài tiếp tục, tới những đảo phía nam xa xôi khác. Họ phát hiện xác một con tàu to loại bốn cột buồm, nằm gãy đôi trên bờ biển. Một chiếc tàu Tây Ban Nha cũ chở đường ray xe lửa. Những đường ray han gỉ nằm lăn lóc dọc vỉa đá. Rồi họ quay về theo bờ đảo phía bên kia, nhưng không thấy một vết chân người trên cát.

Trên đường về qua vỉa đá ngầm họ tìm cách bắt những con cá lạ khiến chúng sợ hãi, chợt họ bị ít nhất tám con cá chình biển lớn tấn công. Thấy chúng lừng lững đến trong làn nước trong veo, họ vội nhảy lên một tảng san hô lớn. Lũ cá chình lượn quanh từ mọi phía. Những con quái vật trơn nhớt này to bằng cánh tay, thân lấm chấm xanh đen như rắn độc, đầu nhỏ, mắt nham hiểm như mắt rắn và những cái răng dài tới hai ba phân, nhọn như kim. Họ phang dao rựa vào những cái đầu ngọ nguậy rướn lên cong vòng. Một con bị cụt đầu, một con khác bị thương. Thấy mùi máu, một đàn cá mập xanh nhỏ kéo đến cắn xé con lươn chết và con bị thương. Trong lúc đó hai người may mắn nhảy khỏi hòn đá, thoát hiểm.

Cũng hôm ấy tôi đang lội lên đảo chợt nhoáng một cái vật gì đấy cuốn chặt hai bên mắt cá chân. Đó là một con cá mực. Nó không to, nhưng tôi thấy ghê tởm khi bị những cái râu lạnh tanh cuốn phải và nhìn vào đôi mắt nhỏ thâm độc trên thân mình giống như cái túi màu đỏ xanh cọ vào người. Tôi cố hết sức giật chân ra, nhưng con mực dài chưa đầy một mét bơi theo chứ không buông. Hẳn là lớp băng rịt ở chân tôi lôi cuốn nó. Tôi bước giật lên bãi với con vật kinh tởm bám ở chân. Chỉ sau khi tôi tới được chỗ cát khô nó mới nới lỏng vòng siết rồi từ từ rút xuống chỗ nước nông, duỗi dài râu, mắt hướng vào bờ, như sẵn sàng tấn công nữa nếu tôi cả gan lại gần nó. Đến khi bị tôi ném mấy viên đá san hô nó mới bỏ chạy.

Những chuyện phiêu lưu khác nhau của chúng tôi ở vỉa đá bên ngoài chỉ là những nét tô điểm cho cuộc sống thần tiên trên đảo trong này.

Nhưng chúng tôi không thể sống mãi đến cuối đời ở đây được. Phải nghĩ đến chuyện làm cách nào trở về với thế giới của mình chứ. Sau một tuần lễ, chiếc Kon-Tiki đã dứt khoát nằm chênh vênh trên chỗ khô ráo giữa vỉa đá. Nước đẩy những súc gỗ to làm vỡ cả những tảng san hô lớn và bè dịch tiếp về phía đầm. Nhưng bây giờ nó nằm không nhúc nhích, tha hồ kéo đẩy chẳng ăn thua gì. Nếu kéo được nó vào đầm, việc dựng và buộc lại cột buồm thật dễ dàng và chúng tôi có thể dùng sức gió giong bè trên đầm nước dễ thương để tìm hiểu phía bên kia. Nếu một trong những đảo có người sinh sống thì nó hẳn phải ở chân trời phía đông dưới kia, nơi mặt trước của vỉa đá vành khăn quay về hướng khuất gió.

Ngày nối ngày trôi qua.

Một sáng đẹp trời, một anh bạn chạy đến bảo rằng vừa trông thấy một cánh buồm trắng trên đầm. Từ những ngọn dừa cao nhất chúng tôi thấy được một chấm trắng nhỏ xíu nổi bật lạ thường trên mặt đầm xanh màu mã não. Hẳn đó là cánh buồm đang ở sát đất liền phía bên kia. Chúng tôi thấy nó đang tiến tới. Lát sau thêm chiếc thứ hai.

Càng lúc buồm càng lớn và lại gần hơn. Nó nhắm thẳng hướng chúng tôi. Chúng tôi kéo cờ Pháp(1)[1] lên một cây sào. Một chiếc gần đến nỗi chúng tôi nhận ra nó thuộc loại thuyền độc mộc có càng phụ ở Polynesia, trang bị kiểu buồm mới nhất. Hai dáng người da nâu đứng trên thuyền đưa mắt tìm chúng tôi. Chúng tôi vẫy tay. Họ vẫy lại và hướng buồm thẳng vào bãi.

“Ia ora na”, chúng tôi chào bằng tiếng Polynesia.

“Ia ora na”, họ đồng thanh chào lại, một người nhảy xuống, kéo thuyền theo sau. Rồi họ lội qua cát lún đến với chúng tôi.

Hai người này mặc Âu phục, nhưng nước da nâu. Họ đi chân đất, dáng cân đối, đội mũ rơm che nắng tự đan. Họ lên bộ, lại chỗ chúng tôi với vẻ hơi do dự, nhưng vì chúng tôi mỉm cười thân thiện và lần lượt bắt tay họ nên họ rạng rỡ như mặt trời, cười phô hàm răng trắng như ngọc trai. Điều này hơn cả bao lời nói.

Câu chào kiểu Polynesia của chúng tôi khiến hai người đi thuyền độc mộc này sửng sốt và được khích lệ, giống hệt chúng tôi trước đây khi nghe những người đồng chủng của họ chào “Good night” trước đảo Angatau. Họ tuôn ra một tràng tiếng Polynesia cho đến khi biết chúng tôi chẳng hiểu gì. Họ liền không nói nữa, chỉ nhe răng cười thân mật và chỉ chỏ vào chiếc thuyền thứ hai đang tới gần.

Thuyền này có ba người. Khi họ lội lên bờ và cất tiếng chào mới hóa ra một người biết chút đỉnh tiếng Pháp. Chúng tôi được biết trên một hòn đảo phía bên kia có một làng của thổ dân. Những người Polynesia ở đó đã quan sát ánh lửa của chúng tôi từ mấy tối nay. Chỉ có một lối đi duy nhất qua vỉa đá Raroira đến những đảo nằm quanh mặt đầm. Vì lối đi này chạy qua sát làng nên không ai có thể từ biển vào các đảo mà dân làng không trông thấy. Cho nên các bô lão trong làng mới cho rằng đó không phải ánh lửa của con người, mà hẳn phải của thứ gì đấy siêu nhiên. Thành thử họ hết muốn đi tới đây tìm hiểu. Nhưng rồi một nắp thùng gỗ dạt qua làng, trên viết vài nét chữ. Hai thổ dân từng được học đọc ở Tahiti giải thích mấy chữ này. Họ đọc chữ “Tiki” to màu đen trên tấm gỗ và không còn nghi ngờ gì nữa: trên vỉa đá ngầm có ma lảng vảng thật rồi, vì Tiki là ông tổ đã khuất từ lâu của bộ tộc, mọi người đều biết. Nhưng rồi bánh mì, thuốc lá và ca cao trong những gói không thấm nước, cuối cùng là một hộp đựng chiếc giầy cũ trôi qua đó. Mọi người liền thấy ngay rằng phía đông vỉa đá đã xảy ra một vụ đắm tàu. Bấy giờ người tù trưởng liền phái hai thuyền độc mộc đi tìm những người sống sót. Ánh lửa trên đảo cho họ thấy là của những người sống sót này đây.

Người nói tiếng Pháp, do những người kia hối thúc, hỏi sao trên tấm gỗ dạt tới làng của họ lại viết chữ “Tiki”. Chúng tôi mới giải thích rằng trên mọi vật dụng của chúng tôi đều có chữ “Kon-Tiki”, đó là tên chiếc bè đưa chúng tôi tới đây.

Những người bạn mới hết sức ngạc nhiên khi nghe nói mọi người trên chiếc bè mắc cạn đều may mắn thoát nạn và chúng tôi đến đây bằng chính cái xác bè nằm bẹp gí ngoài vỉa đá kia. Họ muốn chở ngay tất cả chúng tôi trên những thuyền độc mộc qua làng. Chúng tôi cám ơn nhưng từ chối, vì muốn ở lại đây cho đến khi cứu được chiếc Kon-Tiki khỏi vỉa đá ngầm. Họ hết hồn nhìn xác bè nằm ngoài kia, khuyên chúng tôi hãy từ bỏ ý định sửa chữa để nó ra khơi trở lại được! Cuối cùng người đại diện thống thiết bảo chúng tôi nên đi với họ. Họ được lệnh của tù trưởng, nên không thể trở về mà không có chúng tôi.

Chúng tôi liền quyết định cử một đại diện đi với các thổ dân tới gặp tù trưởng, rồi về báo cáo tình hình sinh hoạt trên đảo ấy. Chúng tôi không muốn để chiếc bè lại trên vỉa đá. Chúng tôi không thể bỏ lại thiết bị. Bengt đi theo các thổ dân. Hai chiếc thuyền độc mộc được đẩy khỏi bãi rồi lát sau no gió, khuất về phía tây.

Hôm sau chân trời đầy những cánh buồm trắng. Hẳn là dân đảo đã sử dụng hết số thuyền của họ.

Đoàn thuyền hướng về phía chúng tôi. Khi họ tới gần, chúng tôi thấy anh bạn Bengt yêu quý ngồi trong chiếc thuyền đầu, cầm mũ vẫy, chung quanh là những người da nâu. Anh lớn tiếng cho biết vị tù trưởng đích thân đến đây. Chúng tôi liền xếp hàng dưới bãi, nơi họ lội cát lên bờ.

Đầy thành thạo về nghi lễ, Bengt giới thiệu với chúng tôi vị tù trưởng. Ông xưng tên là Tepiuraiarii Teriifaatau nhưng ông hiểu chúng tôi nghĩ gì, khi ông bảo cứ gọi là Teka cũng được. Chúng tôi bèn gọi ông là Teka.

Tù trưởng Teka là một người Polynesia cao thon, đôi mắt rất thông minh. Ông là một nhân vật đầy uy quyền, dòng dõi hoàng tộc xưa ở đảo Tahiti. Ông cũng là tù trưởng các quần đảo Raroia và Takume, từng theo học ở Tahiti, nên biết nói, đọc và viết tiếng Pháp. Ông bảo tôi thủ đô Na Uy là Christiania(1)[1] và hỏi tôi biết Bing Crosby(2)[1] không. Ông kể rằng trong mười năm qua chỉ có ba tàu nước ngoài ghé Raroia thôi, còn mỗi năm đều có thuyền tới làng nhiều lần mang hàng hóa và mua cùi dừa. Họ mong ngóng chiếc thuyền này lâu rồi, chắc nó cũng sắp tới thôi.

Tiếp theo Bengt báo cáo ngắn rằng ở Raroia không có trường học, radio hay người da trắng nào, nhưng một trăm hai mươi người Polynesia sẽ làm tất cả để chúng tôi được thoải mái trong làng. Họ đang chuẩn bị đón tiếp chúng tôi trọng thể.

Yêu cầu đầu tiên của tù trưởng là được thấy chiếc tàu đã đưa chúng tôi ghé vỉa đá an toàn. Chúng tôi lội cát ra chiếc Kon-Tiki, các thổ dân theo sau. Gần tới nơi, họ đột nhiên đứng lại, đồng loạt nói huyên thuyên. Bây giờ chúng tôi thấy những súc gỗ thật rõ. Một trong những thổ dân bật ra:

“Đây không phải tàu, đây là một pae-pae!”

“Pae-pae!” họ lặp lại, mọi người như một.

Họ bì bõm lội trong nước ra ngoài vỉa đá, leo lên chiếc Kon-Tiki. Phấn khởi như những đứa trẻ, họ lần mò khắp nơi, sờ những súc gỗ, tấm phên tre và các dây chằng. Vị tù trưởng cũng khích động y như những người kia. Quay vào, ông lặp lại vẻ ngạc nhiên lẫn thích thú:

“Tiki đâu phải là tàu, nó là một pae-pae!”

Pae-pae là từ Polynesia chỉ chiếc bè hay mảng, còn ở đảo Phục sinh là tên gọi thuyền độc mộc của các thổ dân. Vị tù trưởng cho biết ngày nay những pae-pae như thế này không còn nữa, nhưng các bô lão trong làng có thể kể khối chuyện truyền khẩu về pae-pae. Mọi người thảy đều ca ngợi những thân gỗ balsa lớn, nhưng nhăn mũi trước các dây chằng. Thứ dây thừng này không chịu nổi nước biển và nắng được vài tháng. Họ hãnh diện chỉ cho chúng tôi xem những dây buộc thuyền có càng phụ của họ. Họ tự bện từ sơ dừa. Loại thừng này chịu nước biển được những năm năm.

Khi chúng tôi lội trở vào hòn đảo nhỏ, nó liền được đặt tên là “Fenua Kon-Tiki”, nghĩa là “đảo Kon-Tiki”. Tên này hết thảy chúng tôi đều phát âm được. Nhưng các người bạn da nâu lại vất vả với những tên Bắc Âu ngắn ngủn của chúng tôi. Họ thích thú khi tôi bảo cứ gọi tôi là Terai Mateata, vì ông tù trưởng ở Tahiti đặt cho tôi cái tên ấy, khi tôi ghé vùng này lần đầu tiên.

Mấy thổ dân lôi từ thuyền của họ nào gà, nào trứng, nào trái sa kê, trong khi những người khác dùng chĩa ba xiên cá trong đầm. Rồi chúng tôi liên hoan lớn quanh đống lửa. Chúng tôi phải kể hết mọi chuyện phiêu lưu trên chiếc pae-pae. Họ nghe đi nghe lại không chán chuyện con cá mập voi. Mỗi lần tới đoạn Erich đâm lao vào đầu nó, họ đều ồ lên thích thú. Họ nhận ra tức thì từng loại cá chúng tôi cho họ xem phác thảo, nói ngay tên bằng tiếng Polynesia. Nhưng họ chưa từng thấy và cũng chưa từng nghe nói đến cá mập voi và cá Gempylus.

Tối đến, chúng tôi bắt được radio, khiến họ lớn tiếng reo hò. Họ thích nhạc nhà thờ hơn cả. Tới khi bắt được cả nhạc Hula chính hiệu từ Mỹ - khiến chúng tôi cũng ngạc nhiên - những người vui nhộn nhất trong bọn họ liền ngọ nguậy, hai tay vòng trên đầu, rồi mọi người khom gối nhảy Hulahula theo điệu nhạc. Đến đêm mọi người nằm ngủ quanh đống lửa trên bãi. Thật là một sự kiện đầy ấn tượng với các thổ dân cũng như với chúng tôi.

Sáng hôm sau mở mắt đã thấy họ dậy rồi và đang nướng cá vừa bắt được. Sáu quả dừa vừa mới bổ dành sẵn cho chúng tôi giải khát.

Hôm nay vỉa đá ầm ầm hơn mọi khi, gió mạnh hơn và những con sóng lớn xô bờ tung ào ào lên không, quanh xác chiếc bè.

“Hôm nay “Tiki” sẽ vào đây”, tù trưởng chỉ xác bè nói, “có lụt đấy.”

Mười một giờ nước bắt đầu tràn vào, đầm đầy dần, trông như một cái đĩa to. Nước dâng cao quanh đảo. Suốt cả ngày biển cuồn cuộn đổ vào không khác một dòng sông, ngập hết bậc này đến bậc khác. Vỉa đá chìm dần dưới mặt nước. Những khối nước ồ ạt hai bên đảo, kéo theo những tảng san hô lớn. Những bãi cát bị nước cuốn đi, giống như bột mất tăm trong gió, rồi những bãi khác được vun lên. Những thứ không buộc chặt trên bè trôi lềnh bềnh trước mắt chúng tôi, rồi chiếc Kon-Tiki bắt đầu nhúc nhích. Mọi thứ nằm dọc theo bãi phải đem cất bên trong đảo để khỏi bị lũ cuốn đi. Trong chốc lát chỉ những mỏm cao nhất của vỉa đá là còn thấy được, bãi cát quanh đảo đã biến mất, nước ngầu bọt dâng lên tới tận vạt cỏ. Trông thật bất kham, chẳng khác toàn biển cả đang ùa vào. Chiếc Kon-Tiki quay đi rồi trôi khỏi chỗ cũ cho tới khi vướng phải những tảng san hô mới.

Các thổ dân phóng xuống nước, bơi và lội qua chỗ xoáy, từ bãi này tới bãi kia tới bè. Knut với Erich bơi theo. Thừng đã sẵn trên bè. Khi bè xô gãy nốt những tảng san hô cuối cùng và trôi khỏi vỉa đá thì các thổ dân nhảy xuống nước tìm cách giữ nó lại. Họ đâu hiểu chiếc Kon-Tiki lẫn niềm khao khát đi về hướng tây không kềm chế được của nó nên đành bó tay bị nó kéo theo. Trong chốt lát chiếc Kon-Tiki nhanh chóng vượt qua vỉa đá, vào tận trong đầm. Tới vùng nước lặng rồi nó vẫn còn khá ngang ngạnh, ngó quanh như để có được cái nhìn bao quát về những khả năng khác. Trước khi nó phát hiện lối thoát phía bên kia đầm để lại lên đường viễn du, các thổ dân đã may mắn quấn kịp dây thừng quanh một gốc dừa trên bờ và giờ đây chiếc Kon-Tiki bị buộc chặt trong đầm. Nó, một chiếc bè đã xuyên đất liền và biển cả, vượt qua chướng ngại để may mắn vào được đầm nước mặn bên trong quần đảo Raroia.

Với tiếng hô cổ vũ “ke-ke-te-huru-huru” trầm trầm bật ra như một điệp khúc bốc lửa, chúng tôi kéo chiếc Kon-Tiki lên bãi cát mang tên nó. Lần này lụt cao hơn bình thường bốn bộ. Chúng tôi đã sẵn sàng chờ nhìn cả hòn đảo chìm trong nước.

Những đợt gió mạnh thốc vào, chúng tôi không thể mang theo nhiều thiết bị trong những chiếc thuyền độc mộc chật chội và đầy nước được. Các thổ dân phải gấp rút quay về. Bengt với Hermann đi theo để thăm bệnh cho một chú bé đang nằm hấp hối trong một chiếc lều ở làng. Đầu chú bị nhọt nung mủ mà chúng tôi có thuốc penicillin.

Hôm sau bốn chúng tôi lại trơ trọi trên đảo Kon-Tiki. Gió đông mạnh đến nỗi các thổ dân không thể qua được cái đầm đầy những chỗ cạn và đá san hô sắc như dao. Nước đầm lên và xuống gây ra sóng lớn.

Hôm sau trời bớt gió. Chúng tôi có thể lặn dưới chiếc Kon-Tiki để thấy chín thân gỗ vẫn lành lặn, kể cả những chỗ bị vỉa đá bào mất một hay hai inch ở mặt dưới. Dây chằng nằm sâu trong rãnh nên trong bao nhiêu dây chỉ có bốn cái bị san hô cứa. Chúng tôi bắt đầu thu dọn trên sàn. Chiếc bè trông ra dáng có người hơn khi cái lều được dựng lại như dựng khung gấp. Cột buồm được buộc nẹp rồi mới dựng lên. Trong ngày hôm ấy những cánh buồm lại xuất hiện. Các thổ dân đến đón chúng tôi và những thứ còn lại. Hermann với Bengt cùng đi với họ. Hai anh kể dân làng đã chuẩn bị lễ mừng lớn và căn dặn khi tới hòn đảo chính chúng tôi chỉ được phép rời thuyền khi có dấu hiệu đặc biệt của tù trưởng.

 Thuyền chúng tôi rẽ mặt đầm trong gió mát, chỗ này rộng đến một dặm Na Uy[1](1). Chúng tôi buồn man mác nhìn từng cây dừa trên đảo Kon-Tiki đang vẫy chào từ biệt, trong lúc chúng hòa lại thành một và hòn đảo của chúng tôi nhỏ dần, thành một đảo nhỏ không xác định được trên hải đồ giữa nhiều hòn đảo khác nơi vỉa đá phía đông. Nhưng trước mắt chúng tôi những đảo lớn hơn đang trải ra. Trước một đảo, chúng tôi thấy một con đập chắn sóng và khói bốc lên từ những chiếc lều nằm kín đáo giữa những gốc dừa.

Ngôi làng vắng lặng như chết, không một bóng người. Có chuyện gì thế nhỉ? Dưới bãi cát, cuối con đập nhô ra biển dựng bằng những tảng san hô có hai bóng người đứng lẻ loi, một người cao mà gầy, người kia to béo như thùng tô nô. Khi tới nơi, chúng tôi chào họ. Đó là tù trưởng Teka và phó tù trưởng Tupuhoe. Chỉ lát sau tất cả chúng tôi đều thích tiếng cười vang và niềm nở của Tupuhoe. Teka là một người sáng suốt kiêm nhà ngoại giao, còn Tupuhoe như một đứa trẻ trong trắng hồn nhiên, nhân hậu, hóm hỉnh và tiềm tàng một sức mạnh bẩm sinh hiếm thấy. Với thân hình bệ vệ, khuôn mặt oai nghiêm như vua chúa, ông rõ là một tù trưởng Polynesia thuần chủng. Đúng ra Tupuhoe mới là tù trưởng đảo, nhưng vì Teka biết nói tiếng Pháp, lại biết viết và tính toán, nhờ thế dân làng không bị thuyền từ Tahiti đến mua cùi dừa lừa bịp nên dần dần ông có được quyền tối cao này.

Teka bảo chúng tôi cùng đi với họ tới nhà làng, nơi dân làng dùng để hội họp. Sau khi mọi người đã lên bờ, chúng tôi trịnh trọng đi như một đám rước, Hermann dẫn đầu với lá cờ phấp phới buộc trên cán lao, rồi tới tôi đi giữa hai tù trưởng.

Việc buôn bán cùi dừa với Tahiti in đậm dấu ấn trên ngôi làng qua những tấm ván và tôn uốn do thuyền buôn chở đến. Trong khi dăm ba chiếc lều còn ghép bằng gỗ, mái lợp lá dừa bện theo kiểu cũ đẹp như tranh thì những cái khác dùng ván đóng đinh thành những ngôi nhà nhỏ. Một ngôi nhà lớn bằng ván nằm tách biệt hẳn giữa những gốc dừa là nơi hội họp mới của làng. Sáu người chúng tôi sẽ nghỉ ngơi tại đó. Chúng tôi đi vào cùng với lá cờ bằng một cửa nhỏ phía sau rồi ra đứng trên bậc tam cấp lớn phía trước. Tất cả dân làng - hễ biết đi và biết bò - già trẻ, lớn bé đều đứng trên bãi đất trước mặt chúng tôi. Ai nấy đều hết sức trang nghiêm, cả những người bạn vui nhộn trên đảo Kon-Tiki cũng đứng ngay ngắn giữa những người khác, không lộ vẻ gì tỏ ra có quen biết chúng tôi.

Khi chúng tôi bước ra tam cấp, mọi người đột nhiên hát bài La Marseillaise(1)[1]. Vị tù trưởng thuộc lòng bài này bắt giọng. Họ hát không tồi, trừ một vài bà già giọng the thé. Hẳn họ đã tập dữ lắm. Cờ Pháp và cờ Na Uy được kéo lên trước tam cấp và buổi đón tiếp chính thức của tù trưởng Teka kết thúc. Ông lặng lẽ rút ra phía sau. Bây giờ đến lượt ông Tupuhoe to béo. Ông bước ra phía trước làm chủ lễ. Tupuhoe ra hiệu và mọi người cất tiếng hát một bài khác. Lần này khá hơn. Vì lời ca và điệu nhạc do chính ông sáng tác, bằng tiếng của họ; hát những bài Hula của chính họ thì họ quá rành. Âm điệu rất đơn giản nhưng thật lôi cuốn - lại thêm tiếng sóng biển rì rầm nữa - khiến chúng tôi thấy nhột nhột dọc sống lưng. Dàn đồng ca nghĩ ra cách thay nhau lĩnh xướng, khiến bài hát luôn biến đổi tuy vẫn chỉ một lời ấy thôi: “Chào Terai Mateata và các bạn của anh, những người đã vượt biển trên một chiếc pae-pae để đến với đảo Raroia chúng tôi, xin chào. Mong các bạn sẽ ở lại lâu, cùng sống với chúng tôi những ngày tươi đẹp, sao cho chúng ta mãi mãi bên nhau, dù các bạn sẽ trở về những đất nước xa xôi. Xin chào!”

Chúng tôi yêu cầu họ hát bài này thêm lần nữa, rồi khi họ hết thẹn thùng thì bầu không khí náo nhiệt hẳn lên. Tupuhoe yêu cầu tôi phát biểu đôi lời, cho dân làng biết lý do chúng tôi vượt biển trên một chiếc pae-pae, vì mọi người đều thắc mắc chuyện này. Tôi chỉ nên nói tiếng Pháp để Teka dịch.

Đây là buổi họp của những người da nâu không có học thức, nhưng cực kỳ thông minh. Họ đang đứng đó, chờ đợi. Tôi kể rằng trước kia từng sống với những người cùng bộ tộc với họ trên những đảo Nam Thái Bình Dương và ngày ấy được nghe nói đến Tiki, vị tù trưởng đầu tiên của họ, người dẫn tổ tiên họ đến những hòn đảo này từ một xứ sở huyền bí mà không còn ai biết nó ở đâu. Nhưng ở một đất nước xa xôi tên là Peru, tôi nói, từng có một tù trưởng vĩ đại tên là Tiki. Dân nước này gọi ông là Kon-Tiki hay Tiki-mặt trời, vì ông dòng dõi mặt trời. Cuối cùng Tiki đã biến khỏi quê hương của ông trên những chiếc pae-pae lớn. Vì thế sáu anh em chúng tôi tin rằng ông chính là Tiki, người đã đến những đảo này. Nhưng vì không ai chịu tin rằng pae-pae vượt nổi đại dương, cho nên chúng tôi tự đi từ Peru trên pae-pae và bây giờ chúng tôi có mặt ở đây. Thế nghĩa là pae-pae vượt biển được.

Teka vừa dịch xong bài phát biểu ngắn gọn, Tupuhoe quá hứng khởi, vọt ra trước dân làng như thể xuất thần. Ông nói lớn một thôi một hồi bằng tiếng Polynesia, vung hai tay, chỉ lên trời rồi chỉ chúng tôi, lặp đi lặp lại từ Tiki. Ông nói nhanh quá khiến hẳn không ai có thể nắm hết được ý. Nhưng dân làng nuốt từng lời, rõ ràng họ cực kỳ xúc động. Còn Teka lại tỏ ra rất vất vả, lúng túng khi dịch.

Tupuhoe nói rằng cha ông, ông nội ông và tiền nhân các vị này từng kể đi kể lại về Tiki, rằng Tiki là tù trưởng đầu tiên của họ, giờ đang ở trên trời. Nhưng rồi những người da trắng đến, bảo rằng những chuyện truyền khẩu của họ là dối trá, không hề có Tiki nào cả. Nếu có thì ông cũng không ở trên trời, vì đó là nơi Jehovah(1)[1] ngự. Họ bảo Tiki là một ông thần ngoại đạo, không được phép tin nữa. Nhưng nay ở đây có sáu người đã vượt biển trên một chiếc pae-pae đến với dân đảo. Chúng tôi là những người da trắng đầu tiên thừa nhận ông cha họ đã kể sự thật, rằng Tiki có thật chứ không phải chỉ là điều hoang tưởng, nhưng bây giờ ông chết rồi và hiện ở trên trời.

Sợ sẽ làm hỏng công việc của các nhà truyền giáo, tôi vội bước ra giải thích rằng Tiki quả đã sống, đó là điều chắc chắn. Nhưng giờ đây ông chết rồi. Nay ông trên thiên đường hay hỏa ngục thì chỉ có Jehovah biết, vì ngài ngự trên trời. Còn Tiki là một người trần tục, một tù trưởng vĩ đại như Teka và Tupuhoe, có thể còn vĩ đại hơn ít nhiều.

Những người da nâu phì cười, nhưng cơ bản họ thích thú. Những gật gù và rì rầm chứng tỏ rõ ràng lời giải thích được mọi người tiếp nhận. Tiki từng sống, đó là điều chính yếu. Nếu nay ông ở dưới hỏa ngục thì thiệt cho ông, nhưng như thế có thể mọi người sẽ dễ gặp lại ông hơn, Tupuhoe nói.

Ba cụ già chen tới trước, muốn bắt tay chúng tôi. Rõ ràng họ là những người giữ cho dân làng vẫn nhớ đến Tiki. Vị tù trưởng cho biết một cụ biết rất nhiều chuyện truyền khẩu và những bài hát lịch sử thời tổ tiên họ. Tôi hỏi cụ trong các chuyện truyền khẩu có chi tiết nào cho biết Tiki đến đây từ hướng nào không. Không, không cụ nào nhớ cả. Ba cụ ngẫm nghĩ thật lâu, rồi cụ cao tuổi nhất nói rằng Tiki có dẫn theo một người bà con gần tên Maui, trong bài hát về Maui có nói rằng ông từ Pura đến đảo này, mà Pura chính là nơi mặt trời mọc. Nếu Maui từ Pura đến đây thì hẳn Tiki cũng đến từ hướng đó và sáu người chúng tôi đi pae-pae cũng từ Pura đến, đó là điều chắc chắn.

Tôi kể cho những người da nâu rằng ở một hòn đảo chơ vơ tên la Mangareva, gần đảo Phục sinh, dân đảo này không biết làm thuyền độc mộc. Họ toàn dùng những pae-pae lớn ra khơi cho đến tận ngày nay. Cụ già không biết chuyện này, nhưng biết rằng tổ tiên họ cũng từng dùng những pae-pae lớn, nhưng theo thời gian họ không còn sử dụng nữa, nay chỉ còn lại tên gọi và chuyện truyền khẩu thôi. Xưa kia pae-pae gọi là rongo-rongo, cụ già nhất nói, nhưng từ này không còn xuất hiện trong từ vựng nữa. Nhưng các truyền thuyết cổ nhất có nhắc tới rongo-rongo.

Thật là thú vị, vì Rongo, dân một số đảo phát âm thành Longo, là tên một trong những ông tổ nổi tiếng nhất đầy truyền thuyết của người Polynesia. Ông được mô tả rõ ràng là da trắng, tóc vàng hoe. Khi thuyền trưởng Cook ghé Hawaii lần đầu tiên ông được dân đảo niềm nở đón tiếp. Họ cho rằng ông chính là người bà con da trắng Rongo của họ từ quê cha đất tổ trở về trên một tàu buồm lớn sau khi vắng mặt suốt nhiều thế hệ. Ở đảo Phục sinh Rongo-Rongo chỉ những chữ tượng hình huyền bí mà bí mật của chúng đã mai một cùng với những người “Tai dài” biết viết cuối cùng.

Trong khi các cụ già muốn trò chuyện về Tiki và Rongo-Rongo, các thanh niên lại thích nghe chuyện cá mập voi và hành trình trên biển của chúng tôi. Nhưng bữa ăn đang đợi, còn Teka cũng chán làm phiên dịch rồi.

Bây giờ cả làng được đến bắt tay từng người chúng tôi. Những người đàn ông vừa lẩm bẩm “Ia-ora-na” vừa như muốn giật đứt tay chúng tôi, các thiếu nữ tinh quái và bẽn lẽn nhún nhảy tới chào, các bà già líu lo, gật đầu chào, chỉ vào râu và màu da chúng tôi. Nét thân thiết ngời ngời trên từng gương mặt. Thành ra không thể tránh khỏi cảnh hỗn loạn ngôn ngữ. Họ nói gì đấy bằng tiếng Polynesia, chúng tôi trả lời bằng tiếng Na Uy. Mọi người đều cực vui.

Từ Polynesia đầu tiên chúng tôi học là “thích”. Khi ta nói từ này rồi chỉ vào thứ ta thích và nghĩ là sẽ nhận được ngay thì mọi khó khăn được giải quyết. Khi nói “thích” mà nhăn mũi có nghĩa là “không thích”. Bằng cách này thì hiểu nhau dễ dàng quá.

Sau khi chúng tôi làm quen với một trăm hai mươi bảy dân làng, một chiếc bàn dài được bày biện cho hai tù trưởng và sáu chúng tôi. Các thiếu nữ bưng ra những món ngon tuyệt vời. Trong lúc những cô này bày bàn thì những cô khác choàng vòng hoa vào cổ chúng tôi, còn quanh trán là những vòng hoa nhỏ. Trời nóng, hoa mát dịu làm tỉnh người và tỏa hương thơm quyến rũ. Rồi bữa tiệc chào đón chúng tôi bắt đầu và chỉ chấm dứt khi chúng tôi rời đảo. Chúng tôi, những kẻ từ bè lên, nhìn hau háu, miệng ứa nước bọt, vì bàn trĩu xuống dưới những con lợn sữa quay, những gà, vịt quay, tôm hùm tươi, những món cá nấu kiểu Polynesia, trái sa kê, đu đủ và nước dừa. Trong lúc chúng tôi đâm bổ vào những món ăn, dân làng hát những bài Hula giúp vui, còn các thiếu nữ nhảy múa quanh bàn.

Lũ chúng tôi ra sức tự nhiên, đúng là quá ư thoải mái, người nào trông cũng tức cười. Với vòng hoa trên đầu, chúng tôi bập xuống món ăn đến rung rinh cả râu, chén ào ào như lũ chết đói. Hai tù trưởng rõ ràng cũng đang hưởng đời chẳng khác chúng tôi.

Sau bữa ăn có múa Hula với quy mô lớn. Dân làng muốn trình diễn với chúng tôi những điệu múa dân gian của địa phương. Trong lúc sáu chúng tôi với Teka và Tupuhoe, mỗi người được một ghế ngồi danh dự trong dàn nhạc, hai người chơi ghi ta bước ra, ngồi xuống gảy những điệu nhạc chính cống Nam Thái Bình Dương. Khán giả ngồi xổm thành vòng lớn chung quanh, lớn tiếng hát. Chợt hai hàng nam nữ bước vào vòng người, vừa quay tròn vừa lắc qua lắc lại khiến váy tết bằng tua lá dừa của họ kêu xào xạc. Người lĩnh xướng là một anh chàng béo núc bị cá mập cắn cụt một tay. Mới đầu họ múa hơi lúng túng, thiếu tự nhiên, nhưng khi thấy những người da trắng trên chiếc pae-pae không nhăn mũi trước những vũ điệu dân ca của tổ tiên họ thì họ sinh động hẳn lên. Một số cụ già nhảy vào tham gia. Hơn ai hết, các cụ rành nhịp điệu và các vũ khúc này, mà nay chắc chắn dân đảo ít khi còn trình diễn nữa. Khi mặt trời lặn trên Thái Bình Dương, các điệu múa càng thêm sinh động dưới những gốc dừa và khán giả càng reo hò cổ vũ. Họ quên hẳn sáu người lạ đang cùng xem. Chúng tôi đã trở thành những người của bộ tộc và đang cùng chung vui với họ. Tiết mục trình diễn nhiều vô kể. Màn này tiếp màn khác, thảy đều lôi cuốn. Sau cùng, một số thanh niên ngồi xổm thành một vòng kín quanh chân chúng tôi, bắt đầu vỗ hai tay xuống đất theo hiệu lệnh của Tupuhoe. Mới đầu chậm, sau nhanh dần, càng lúc càng rộn ràng hơn, rồi đột nhiên một người nổi trống phụ họa bằng cách gõ hai cây gậy lên một thân gỗ khoét rỗng khô như xương, tiếng gỗ ngân thanh và sắc. Khi nhịp điệu thật sôi nổi, họ bắt đầu hát. Đột nhiên một thiếu nữ Hula mang vòng hoa quàng quanh cổ và hoa dắt tai nhảy vào giữa vòng người. Cô khuỵu đầu gối, hai bàn chân trần đạp trên nền đất, lắc mông theo nhịp trống, hai cánh tay vòng cao trên đầu, đúng kiểu các đảo Nam Thái Bình Dương. Cô nhảy thật tuyệt vời, tức thì mọi người cùng vỗ tay theo nhịp. Một cô gái khác nhảy vào vòng, rồi một cô nữa. Họ múa dẻo và nhanh không thể tưởng tượng nổi. Rồi họ quay tít khiến chỉ còn thấy như những cái bóng yêu kiều. Tiếng đập tay xuống đất trầm đục, tiếng hát, tiếng trống gỗ trong trẻo càng dồn dập thì nhịp điệu càng nhanh và điệu múa càng cuồng nhiệt hơn, trong lúc người xem hò hét vỗ tay theo nhịp.

Thật đúng là Nam Thái Bình Dương như thời xa xưa. Sao trời lấp lánh, những thân dừa đung đưa, đêm dài và dịu, ngát hương thơm và rỉ rả tiếng ve sầu. Tupuhoe rạng rỡ như mặt trời, vỗ vai tôi.

“Matai?” ông hỏi.

“Vâng, matai”, tôi đáp.

“Matai?” ông hỏi các bạn kia.

“Matai!” mọi người đều lớn tiếng trả lời rõ ràng và thật tâm. Không ai nhăn mũi cả.

“Matai”, Tupuhoe gật đầu và chỉ vào mình. Ông cũng hài lòng.

Cả ông Teka cũng thấy bữa tiệc thật vui. Đây là lần đầu tiên có người da trắng dự buổi nhảy múa trên Raroia. Tiếng trống, tiếng vỗ tay, tiếng hát và nhịp múa dồn dập hơn. Rồi một cô ngừng quay, đứng múa tại chỗ nhanh như cơn lốc, hai tay không ngừng quyến rũ duỗi về phía Hermann. Anh cười ngượng nghịu sau bộ râu, không biết nên làm gì.

“Dẫu sao thì những cử động này vẫn tốt cho sức khỏe!” tôi thì thào, “bạn nhảy cừ mà!”

Hermann bước vào vòng giữa tiếng reo hò không dứt của mọi người, anh hơi khuỵu gối, nhảy đối mặt với cô gái Hula theo từng động tác uốn éo mời mọc. Lại reo hò không dứt. Rồi Bengt với Torstein cũng uốn éo nhảy, mồ hôi ròng ròng, cố theo kịp nhịp điệu càng lúc càng nhanh như một trò săn đuổi điên cuồng, cho đến khi tiếng trống liên hồi như lốc cuốn, ba cô gái rung theo nhịp trống như chiếc lá bạch dương, để rồi cuối cùng gục xuống và tiếng trống dồn kia ngưng bặt.

Đêm nay dành cho chúng tôi. Vui không tả xiết.

Tiếp theo là tiết mục múa chim, một trong những nghi lễ cổ nhất trên Raroia. Hai hàng nam nữ nhảy đối mặt, bắt chước bầy chim, dưới sự hướng dẫn của một người nhảy làm mẫu. Người nhảy mẫu mang danh hiệu “chim đầu đàn”, biểu diễn những động tác kỳ lạ, nhưng không cùng nhảy. Anh ta biểu diễn xong, Tupuhoe giải thích đó là để vinh danh chiếc bè. Bây giờ những người kia sẽ múa lại, nhưng tôi phải thay người nhảy mẫu. Tôi có cảm tưởng công việc chính của anh chàng nhảy mẫu vừa rồi là vừa điên cuồng gào vừa nhảy quanh trong thế ngồi xổm vừa lắc mông, hai tay đung đưa trên đầu. Thế là tôi kéo chặt vòng hoa trên đầu, bước vào sân khấu. Đang nhảy tôi chợt quay nhìn, thấy ông già Tupuhoe cười rũ rượi đến muốn lăn khỏi ghế và tiếng nhạc cứ lặng dần, vì cả dàn đồng ca lẫn các nhạc công cũng lăn ra cười như ông Tupuhoe.

Bây giờ mọi người, trẻ lẫn già, đều muốn tham gia. Ngay lập tức anh chàng gõ trống và những người vỗ tay xuống đất chuyển sang một điệu múa Hula-Hula. Các cô gái Hula lại nhảy vào vòng mở đầu màn múa, mỗi lúc một nhanh, rồi chúng tôi lần lượt bị kéo ra. Đàn ông, đàn bà liên tục nối theo. Chân giậm, người uốn càng lúc càng nhanh.

Riêng Erich vẫn ngồi yên. Gió lùa và khí ẩm trên bè khiến anh lại bị chứng đau lưng đã dứt từ lâu. Cho nên anh cứ ngồi ngay đơ như một thủy thủ già tóc bạc, râu ria xồm xoàm, phì phèo ống tẩu ngắn, không để bị quyến rũ. Các cô gái Hula hoài công mời mọc anh vào bãi nhảy. Trong cái quần da cừu dày mà đêm đêm anh vẫn mang ở vùng hải lưu Humboldt lạnh kinh người, râu quai nón, cởi trần ngồi dưới gốc dừa nom đúng y bản sao của Robinson Crusoe. Hết cô gái xinh đẹp này đến cô khác thử mơn trớn anh, nhưng thảy đều vô ích. Anh chỉ nghiêm trang ngồi, phì phèo ống tẩu với một vòng hoa trên đầu.

Chợt một bà luống tuổi đẫy đà, dáng dấp mệnh phụ, bắp thịt nần nẫn bước vào vòng người, nhảy vài ba bước Hula trông tạm được rồi quả quyết bước tới trước mặt Erich. Trông anh hoảng hốt, nhưng người đàn bà Amazon[1](1) này mỉm nụ cười mơn trớn ngọt như thỏi sô cô la, kiên quyết nắm cánh tay anh, kéo anh khỏi ghế. Cái quần tức cười của Erich mặt lông ở trong, mặt da bên ngoài bị tuột chỉ phía sau khiến một nhúm lông trắng lòi ra như đuôi thỏ non. Erich đành hết sức miễn cưỡng đi theo. Một tay anh nắm tẩu, tay kia ấn lên chỗ lưng đau. Lúc định nhảy chồm chồm anh phải buông quần để kéo lại vòng hoa trên đầu cho khỏi rơi, khi vòng hoa nằm yên trên tai anh lại phải chụp cho kịp cái quần nặng đang tụt xuống. Nhìn người phụ nữ đẫy đà đang nhảy chồm chồm những bước Hula phía trước anh chúng tôi cười đến chảy cả nước mắt xuống hàm râu. Mọi người liền ngừng nhảy, tiếng cười dài vang động cánh rừng dừa, trong khi Hula, Erich và người đàn bà nặng ký vẫn nhảy chồm chồm trông duyên dáng ra phết. Cuối cùng hai người cũng phải ngừng, vì các ca sĩ và nhạc công bận ôm bụng cười ngặt ngẽo.

Buổi vui kéo dài tới sáng bạch, rồi chúng tôi được nghỉ một lúc, sau khi mỗi người đã bắt tay đủ một trăm hai mươi bảy dân làng. (Suốt thời gian ở đảo, mỗi sáng và mỗi tối chúng tôi đều bắt tay từng người một!)

Sáu cái giường gom từ mọi chiếc lều trong làng dựng sát nhau cạnh bức vách nhà họp. Chúng tôi ngủ ở đây, thẳng hàng như bảy chú lùn trong truyện cổ tích, với những vòng hoa thơm trên gối.

Hôm sau chúng tôi được mời đến thăm bệnh chú bé sáu tuổi bị nhọt nung mủ trên đầu. Tình trạng chú rất tệ. Sốt 42 độ, cái nhọt trên đỉnh đầu bằng nắm tay người lớn và cứ to thêm. Ở ngón chân còn nhiều nhọt nhỏ khác nữa.

Ông Teka cho biết họ đã mất nhiều trẻ em vì căn bệnh này. Nếu không ai trong chúng tôi chữa nổi, chú bé sẽ chẳng sống được bao lâu nữa. Chúng tôi có thuốc viên Penicillin, nhưng không biết trẻ em chịu nổi liều lượng nào. Nếu chú bé chết dưới sự điều trị của chúng tôi, hậu quả có thể nghiêm trọng.

Knut với Torstein lôi máy vô tuyến ra, căng dây ăng ten giữa những ngọn dừa cao nhất. Tối đến, họ lại bắt được liên lạc với Hal và Frank ở Los Angeles, hai người bạn họ chưa từng gặp mặt. Frank điện thoại tham vấn một bác sĩ. Chúng tôi đánh morse, thông báo những triệu chứng bệnh của chú bé và những loại thuốc chúng tôi có. Frank chuyển đến chúng tôi điều bác sĩ trả lời. Ngay trong đêm ấy chúng tôi kéo đến căn lều, nơi chú bé Haumata đang vật vã trong cơn sốt, có tới nửa làng than khóc quanh chúng tôi.

Hermann và Knut chữa trị, những người khác phải lo giữ dân làng ở ngoài lều. Mẹ chú bé phát cuồng lên khi thấy chúng tôi cầm dao và yêu cầu nước sôi. Chúng tôi cạo sạch đầu chú bé, rồi mổ cái nhọt. Mủ vọt gần tới mái nhà. Nhiều thổ dân khích động xông vào, khiến chúng tôi phải đuổi ra. Dĩ nhiên chẳng vui vẻ gì. Nặn sạch hết mủ, tẩy trùng, băng kín đầu rồi điều trị bằng penicillin. Hai ngày liền, cứ cách bốn tiếng đồng hồ, lại chữa như thế. Chú không sốt cao hơn nữa. Chỗ nhọt được để hở và mỗi tối chúng tôi đều tham vấn ý kiến ông bác sĩ ở Los Angeles. Đột nhiên chú giảm sốt, mô mới mọc kín chỗ hõm. Chú bé tươi như mặt trời, muốn thấy hình ảnh thế giới tuyệt vời của người da trắng, có ô tô, bò và những ngôi nhà nhiều tầng.

Một tuần sau Haumata bắt đầu ch 4ec0 ơi đùa với chúng bạn trên bãi biển, đầu còn quấn băng, nhưng sắp được tháo.

Việc chữa trị thành công khiến cả làng thi nhau khai bệnh. Đau răng với đau thắt bụng, còn nhọt thì ai cũng nhiều, cả già lẫn trẻ. Chúng tôi chuyển hết bệnh nhân đến các “bác sĩ” Knut và Hermann để họ hướng dẫn chế độ ăn uống và dùng hết sạch những hộp thuốc viên và thuốc mỡ. Có người khỏi. Nếu không khỏi cũng không ai nặng thêm. Rồi vì hết thuốc, chúng tôi nấu xúp ca cao và cháo kiều mạch, công hiệu như thần với các bà già hớt ha hớt hải.

Chúng tôi ở với những người hâm mộ da nâu chưa được bao lâu đã lại thấy họ tổ chức ngày hội trọng thể mới. Chúng tôi được nhận làm dân đảo Raroia và đặt tên Polynesia. Ngay cả tôi cũng không được gọi là Terai Mateata nữa. Ở Tahiti người ta có thể gọi tôi như thế, nhưng ở đây thì không.

Sáu cái ghế cho chúng tôi được đặt chính giữa bãi đất. Cả làng đến sớm để giành chỗ tốt chung quanh. Teka ngồi trang nghiêm giữa dân làng. Tuy ông là tù trưởng, nhưng với những nghi lễ cổ truyền địa phương thì không được. Những việc này phải do ông Tupuhoe đảm trách.

Mọi người ngồi cực kỳ trang nghiêm, im phăng phắc chơ đợi, cho tới khi ông Tupuhoe to béo trịnh trọng chống cây gậy lớn nhiều mấu chậm rãi đi lên. Ông hiểu rõ sự trang trọng của giờ phút này. Mọi cặp mắt dán vào ông khi ông đi tới như đang rất mực trầm tư rồi đứng sừng sững trước mặt chúng tôi. Ông đúng là một tù trưởng bẩm sinh, một người ăn nói và diễn viên xuất sắc.

 Ông lần lượt chỉ gậy vào những người lĩnh xướng, những người đánh trống và những người múa chính đang ngồi dưới, ra lệnh ngắn gọn bằng giọng nhỏ nhẹ và khoan thai. Rồi ông quay qua chúng tôi. Đột nhiên ông mở to đôi mắt lớn, lòng trắng của chúng thi đua với hàm răng trắng long lanh trên khuôn mặt màu đồng nâu đầy biểu cảm. Ông giơ gậy lên, vừa nói một thôi một hồi - cứ như vãi hạt đậu từ bao ra - vừa ngâm nga những nghi thức xa xưa bằng phương ngữ tối cổ mà dân làng đã lãng quên, may lắm chỉ những người già nhất còn hiểu được.

Teka dịch cho chúng tôi rằng Tupuhoe nói Tikaroa là tên vị vua đầu tiên định cư trên đảo này. Ông ta cai trị nhóm đảo hình vành khăn lạ lùng này từ bắc xuống nam, từ đông sang tây và cả bầu trời cao trên đầu chúng tôi.

Trong lúc dàn đồng ca cất giọng hát một bài ca cổ về Tikaroa, Tupuhoe đặt bàn tay khổng lồ lên ngực tôi, rồi quay nói với mọi người rằng ông đặt tên tôi là “Varoa Tikaroa” tức là trí tuệ của Tikaroa.

Dứt tiếng hát, tới lượt Hermann và Bengt. Mỗi người được nắm tay nâu to đùng kia đặt trên ngực. Rồi ông đặt tên một người là “Tupuhoe-Itetahua”, người kia tên “Topakino”, tên hai vị anh hùng xa xưa từng xông ra chiến đấu với một con thủy quái và giết nó ngay lối vào vỉa đá Raroia.

Một hồi trống vang rền. Hai người đàn ông lực lưỡng quấn khố nhảy ra, tay lăm lăm lao dài. Động tác của họ thật nhanh, co đầu gối tới sát ngực, xỉa lao vào không trung, đầu quay hết bên nọ đến bên kia. Một hồi trống khác nổi lên, họ nhảy lên cao, bắt đầu một màn chiến đấu mang tính lễ nghi, như múa ba lê, với nhịp độ tuyệt hảo. Tất cả diễn ra chỉ trong phút chốc, diễn tả hai vị anh hùng đánh nhau với con thủy quái kia. Rồi, trong tiếng hát và nghi lễ, đến lượt Torstein nhận tên “Maroake” - vị vua quá cố của làng này, Erich với Knut được đặt tên của hai nhà hàng hải và anh hùng biển cả “Tane Matarau” và “Tefaunui” đã qua đời. Những ngâm nga đơn điệu lê thê tiếp nối trong một tràng tiếng nói nhanh không thể tưởng tượng nổi, vừa gây ấn tượng vừa buồn cười.

Buổi lễ kết thúc. Người Polynesia trên đảo Raroia lại có những tù trưởng da trắng. Hai hàng nam nữ mang váy tết bằng rơm, vòng sợi đay phất phới trên đầu tiến ra, vừa múa vừa lại chỗ chúng tôi, chuyển những vòng đay trên đầu họ lên đầu chúng tôi, quấn cho chúng tôi những cái váy rơm xào xạc. Buổi lễ kết thúc.

Một đêm, những nhà điện báo có vòng hoa trên đầu của chúng tôi bắt được liên lạc với nhà nghiệp dư ở Rarotonga. Anh ta chuyển cho chúng tôi một bản tin từ Tahiti. Đó là lời chào mừng nồng nhiệt của Toàn quyền các thuộc địa Pháp ở Thái Bình Dương.

Được Paris ủy nhiệm, ông phái chiếc tàu “Tamara” của chính phủ đi đón chúng tôi đến Tahiti. Như thế chúng tôi đỡ phải chờ chuyến tàu buôn cùi dừa không có gì chắc chắn. Tahiti là trạm đầu mối của cac thuộc địa Pháp, hòn đảo duy nhất liên lạc với những nơi khác trên thế giới. Chúng tôi sẽ phải ghé Tahiti để có tàu về với thế giới của mình.

Cuộc vui trên Raroia vẫn tiếp diễn. Một đêm có tiếng tàu hụ ngoài khơi. Những người canh gác từ các ngọn dừa chạy đến báo có một chiếc tàu đậu ở cửa đầm. Chúng tôi chạy xuống bãi phía khuất gió, nhìn ra biển, ngược hướng chúng tôi đã đến đây. Nơi đây kín gió vì được vỉa đá che chắn nên song xô bờ yếu hẳn.

Chúng tôi thấy ánh đèn của một con tàu thả neo ngay trước lối vào đầm nước. Trời đầy sao sáng nên chúng tôi nhận ra đường viền một chiếc tàu lớn có hai cột buồm. Phải chăng đó là tàu viên toàn quyền phái tới đón chúng tôi? Sao nó không vào đây?

Các thổ dân càng lúc càng khích động hơn. Bây giờ thì chúng tôi thấy chiếc tàu nghiêng hẳn, có thể sẽ lật. Nó mắc cạn trên một dải đá ngầm khuất dưới mặt nước.

Torstein chụp đèn bấm, ra tín hiệu:

“Quel bâteau?” nghĩa là “Tàu nào vậy?”

“Maoae”, tàu nháy đèn trả lời.

Maoae là chiếc tàu vẫn qua lại các đảo để buôn cùi dừa. Nó ghé Raroia là vì thế. Thuyền trưởng và đoàn thủy thủ toàn người Polynesia rành rẽ đường đi nước bước. Nhưng ban đêm luồng nước rất nguy hiểm. May mà tàu nằm phía khuất gió và thời tiết tốt, nhưng nước từ đầm rút ra không phải không nguy hiểm. Tàu Maoae càng lúc càng nghiêng tợn hơn nên đoàn thủy thủ nhảy hết xuống xuồng cấp cứu. Thổ dân cột dây thừng vững chắc vào các ngọn buồm rồi chèo vào bờ, buộc quanh các gốc dừa để tàu khỏi lật. Đoàn thủy thủ trong những chiếc xuồng cấp cứu, cũng được buộc chắc thừng, chờ ở khe đá, sẵn sàng chèo chiếc Maroae khi thủy triều xuống. Thuyền trong làng được đẩy hết ra dỡ hàng. Trên tàu có tới chín mươi tấn cùi dừa quý giá. Từng bao cùi dừa trên chiếc tàu chòng chành được chuyển vào chỗ khô ráo. Khi triều lên, chiếc Maroae vẫn mắc cạn, xô phải đá san hô khiến thủng đáy tàu. Rạng sáng hôm sau nó còn tồi tệ hơn. Đoàn thủy thủ đành bó tay, vì không thể nào kéo nổi con tàu nặng một trăm năm mươi tấn bằng xuồng cấp cứu và thuyền độc mộc. Nếu tiếp tục mắc kẹt thế này,sớm muộn nó cũng nát ngướu. Khi gió đổi chiều nó sẽ bị cuốn vào sóng xô bờ và kẹt cứng trên vỉa đá không tài nào cứu nổi.

Tàu Maoae không có máy vô tuyến, nhưng chúng tôi có. Tahiti được yêu cầu gửi tàu cấp cứu. Trong khi chờ đợi lẽ ra tàu Maoae lắc lư đến nát cả rồi. Nhưng lần thứ hai(1)[1] trong vòng một tháng, đảo đá ngầm Raroia này sểnh mất con mồi.

Trưa hôm đó tàu Tamara xuất hiện ở chân trời phía tây. Nó được ủy thác đón chúng tôi tại Raoira. Mọi người trên tàu ngạc nhiên không ít khi thấy những cột buồm của một con tàu lớn bó tay chòng chành trên vỉa đá ngầm thay vì một chiếc bè.

Trên chiếc Tamara có viên thống sứ Pháp Frédéric Ahnne cai quản các nhóm đảo Tuamotu và Tubuai, được toàn quyền ở Tahiti phái đến đón chúng tôi. Trên tàu còn có một nhà nhiếp ảnh và một điện báo viên Pháp, thuyền trưởng và đoàn thủy thủ là người Polynesia. Cha mẹ ông Ahnne là người Pháp, nhưng ông sinh tại Tahiti và là một thủy thủ xuất sắc. Được viên thuyền trưởng Tahiti đồng ý, ông đảm nhiệm việc chỉ huy tàu. Viên thuyền trưởng còn mừng húm, vì thoát trách nhiệm với chiếc Tamara trong vùng nước nguy hiểm này. Trong lúc chiếc Tamara tránh xa vô số vỉa đá ngầm và nước xoáy, dây thừng kiên cố được buộc căng giữa nó và tàu Maoae. Rồi ông Ahnne trổ tài lèo lái một việc nguy hiểm. Thủy triều đe dọa hút cả hai tàu vào cùng một dải san hô.

Nước triều lên giúp tàu Maorea thoát khỏi vỉa san hô, rồi tàu Tamara kéo nó ra chỗ nước sâu. Nhưng giờ đây sóng biển ngầu bọt tràn vào chỗ thủng trên chiếc Maorea, khiến phải gấp kéo nó vào chỗ đầm nước nông. Nó nằm trước làng luôn ba ngày, chỉ chực chìm. Các bơm nước phải chạy ngày đêm. Những người mò ngọc trai cừ nhất trong số các bạn mới của chúng tôi trên đảo lặn xuống, mang theo đinh tán dùng đóng tàu và những tấm chì lo vá víu những chỗ hư hại nặng, để chiếc Maorea có thể vừa bơm nước ra vừa được chiếc Tamara kéo về một xưởng sưa chữa tàu ở Tahiti.

Khi chiếc Maoae đã sẵn sàng, ông Ahnne lái chiếc Tamara vào đầm qua những bãi san hô rồi rẽ tới đảo Kon-Tiki kéo chiếc bè theo. Rồi ông hướng tàu ra biển, kéo chiếc Kon-Tiki rồi đến chiếc Maoae sát theo sau, để có thể cứu đoàn thủy thủ nếu những chỗ mới tu sửa không chịu nổi sóng biển ngoài khơi.

Phút từ biệt trên đảo Raroia thật vô cùng lưu luyến. Mọi người, hễ đi được, đều đứng trên đập đàn hát những bài chúng tôi ưa thích nhất trong lúc xuồng cấp cứu đưa chúng tôi tới tàu Tamara.

Ông Tupuhoe đứng giữa, tay bế chú bé Haumata. Chú bé khóc, hai má vị phó tù trưởng uy quyền cũng đầm đìa nước mắt. Mọi người đứng trên đập đều khóc. Nhưng lời ca tiếng nhạc vẫn ngân vang cho tới khi tiếng sóng vỗ bờ át hẳn.

Những con người chung thủy đứng trên đập trong kia mất đi sáu người bạn. Còn chúng tôi mất một trăm hai mươi bảy người. Chúng tôi đứng câm lặng bên lan can tàu Tamara cho đến khi con đập biến mất sau rặng dừa, rồi rặng dừa khuất sau mặt biển. Trong lòng chúng tôi vẫn còn âm vang tiếng hát độc đáo:

“... sống những ngày đẹp đẽ với chúng tôi, để chúng ta mãi bên nhau, dù các bạn sẽ lại trở về những đất nước xa xăm. Vĩnh biệt.”

Bốn ngày sau Tahiti xuất hiện trên mặt biển. Không phải những ngọn dừa san sát như chuỗi ngọc trai. Chỉ toàn những ngọn núi xanh hoang vu đứt khúc chĩa cao lên bầu trời, phủ đầy mây trông như những vòng hoa của các cô gái.

Khi tàu tới gần đảo, chúng tôi nhìn rõ những triền núi xanh lục trên nền xanh da trời. Màu xanh lục sum suê của phương trời phía nam ken vào nhau dọc những triền núi đất sét và đá đỏ màu gỉ sắt, rồi những triền núi này lại đổ xuống thung lũng hay vực sâu trước khi ra biển. Lát sau chúng tôi thấy những thân dừa thon thả san sát dọc các thung lũng và bờ biển, phía sau một bãi cát vàng. Tahiti là một hòn đảo do những núi lửa cấu thành. Nay chúng đã tắt và san hô tạo một vành tròn quanh đảo, khiến biển cả không xói mòn được.

Một sáng sớm, tàu chở chúng tôi qua dải san hô vào cảng Papeete. Trước mặt chúng tôi sừng sững đỉnh tháp nhà thờ và mái ngói đỏ lấp ló sau đám lá của những cây cối khổng lồ và những ngọn dừa. Papeete là thủ phủ của Tahiti, thành phố duy nhất thuộc Pháp ở châu Đại dương. Đây là chốn ăn chơi, trụ sở của chính phủ và đầu mối của mọi liên hệ với Đông Thái Bình Dương.

Khi tàu vào bến, dân Tahiti chen nhau đứng chờ như một bức tường sống muôn màu. Tin truyền nhanh như gió trên đảo Tahiti. Ai cũng muốn thấy chiếc pae-pae đến từ châu Mỹ.

 Chiếc Kon-Tiki có chỗ danh dự trên con đường đi dạo dọc bờ biển. Thị trưởng Papeete chào mừng chúng tôi, một cháu gái thay mặt cộng đồng Polynesia trao tặng chúng tôi một bó hoa rừng lớn. Rồi những thiếu nữ tiến đến quàng những vòng hoa trắng thơm ngát quanh cổ chúng tôi, chào mừng chúng tôi đến Tahiti, viên ngọc trai của Nam Thái Bình Dương.

 Tôi đưa mắt tìm một gương mặt trong đám đông, gương mặt người cha nuôi ở Tahiti, tù trưởng Teriiroo, thủ lĩnh của mười bảy tù trưởng thổ dân trên Tahiti. Không thiếu vắng bóng ông. Vẫn to lớn, đẫy đà và sinh động như ngày nào, ông gọi khi xuất hiện: “Terai Mateata!” khuôn mặt to rạng rỡ. Ông già rồi, nhưng vẫn mang dáng dấp đường bệ ngày nào của người tổng tù trưởng.

“Anh đến muộn đấy”, ông mỉm cười, “nhưng anh đến an lành. Chiếc pae-pae của anh quả đã mang bầu trời xanh (terai mateata) đến với Tahiti. Nay chúng tôi đã rõ tổ tiên của mình đến từ đâu.”

Ông toàn quyền tiếp kiến chúng tôi, rồi chiêu đãi ở tòa thị chính. Mọi ngóc ngách trên hòn đảo hiếu khách này đều muốn mời chúng tôi.

Ngoài kia, ở thung lũng Papeno quen thuộc, tù trưởng Teriieroo tổ chức buổi chiêu đãi lớn theo truyền thống. Raroia không phải là Tahiti nên lại có một lễ đặt tên của các tù trưởng Tahiti cho những người bạn mới.

Thật là những ngày vô tư dưới nắng mặt trời và những áng mây bay. Chúng tôi bơi lặn trong đầm, leo núi, nhảy Hula trên bãi cỏ dưới những ngọn dừa. Ngày qua đi, rồi tuần cũng qua đi, sắp thành tháng thì một chiếc tàu đến đảo, đưa chúng tôi trở về với những công việc đang chờ đợi.

Rồi tin từ Na Uy báo đã phái Lars Christensen với chiếc tàu Thor[1](1) trọng tải bốn nghìn tấn tới Tahiti đón đoàn thám hiểm về Mỹ.

Một sáng đẹp trời chiếc tàu Na Uy chạy bằng hơi nước cập bến cảng Papeete. Chiếc bè Kon-Tiki được tàu hải quân Pháp kéo tới bên cạnh “người đồng bào” to lớn, rồi một cần cẩu thép khổng lồ nhấc nó, người bà con nhỏ bé, lên tàu[1](2). Còi tàu hú vang trên hòn đảo dừa. Bến cảng Papeete đông nghẹt người, da nâu lẫn da trắng. Họ chen nhau lên boong với quà cáp và những vòng hoa. Chúng tôi nghển cổ bên lan can tàu như bầy hươu cao cổ đón nhận những vòng hoa càng lúc càng nặng trĩu.

“Nếu các anh mong có ngày trở lại Tahiti”, tù trưởng Teriieroo gọi khi còi tàu hụ lần cuối, “thì các anh phải ném một vòng hoa xuống đầm nước, khi tàu rời bến!”

Dây neo tàu được tháo ra, máy gầm inh tai, chân vịt quật vào làn nước xanh khi tàu từ từ rời bến.

Lát sau những mái ngói đỏ khuất sau những cây dừa, rồi dừa cũng lẫn vào những vạt núi xanh chìm dần như những chiếc bóng trên Thái Bình Dương. Sóng ì ầm trên mặt biển xanh. Giờ đây có cúi xuống chúng tôi cũng không chạm tới sóng được. Những đám mây Mậu dịch màu trắng kéo trên bầu trời xanh. Chúng tôi và những đám mây kia không cùng đi chung đường nữa, mà giờ đây chúng tôi cắt sóng thật phũ phàng, về với thế kỷ thứ hai mươi xa lắc xa lơ.

Nhưng chúng tôi vẫn sống. Trong đầm nước của đảo Tahiti có sáu vòng hoa trắng bềnh bồng trên những con sóng nhỏ xô bờ.

- Hết truyện -

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27929


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận