Hận Lãng Bạc Truyện ngắn 3


Truyện ngắn 3
GIỮA MÙA MƯA (Truyện ngắn)
Chào cô Tiểu Mộc.

Cái tên thật xấu xí!

Xấu hay đẹp chỉ là ước lệ cảm tính. Hai chữ mộc theo tiếng Hán ghép lại thì thành chữ Lâm, tên của cô giáo.

Anh cho rằng cô giáo của anh không đủ trưởng thành để hưởng trọn cái tên của mình sao?

Chữ đầu tiên cô dạy cho cả lớp là chữ Nhân. Tiếp theo là một bài học về làm người. Theo tôi chẳng ai dám tự cho mình là một con người trong chuẩn mực cô đưa ra.

Ngây ngô ư?

Gần nửa lớp học hơn tuổi cô...

Cổ nhân nói điều này cách đây mấy ngàn năm có lẻ, khi tóc họ còn xanh.

 

*

*     *

 

Ngoài trời mưa lớn quá. Người ta bảo nỗi buồn nào cũng thấy mưa. Nói cho cùng xung quanh ta có đủ thứ nắng mưa, mây gió vân vân và vân vân. Thật ra thiên hạ thấm thía nỗi buồn hơn niềm vui nên họ nhớ đến mưa như một ám ảnh vậy thôi. Mấy ai biết yêu và dám thưởng thức nỗi buồn như một lẽ thường.

Anh giống một kẻ cô độc.

Chúa đã sẵn sàng chết vì điều đó. Ông cô độc giữa nhân thế. Trên vai mỗi người là trọn vẹn nỗi đau của nhân loại, không trừ ai.

Tôi chỉ thắc mắc sao anh nhìn tôi như một thiếu niên, ở một mức độ nào đó là phạm thượng.

Chữ tiểu là vóc dáng, bề ngoài.

Anh coi trọng bề ngoài nhỉ.

Tôi sống trên những thái cực. Chẳng thể thay đổi được. Nơi nào tôi dễ dàng đi đến tận gốc rễ tâm hồn người ta, con người vật chất của họ là trí tưởng tượng trong tôi. Khi đó dễ sai lầm khi đánh đồng bề ngoài và nội tâm. Gặp cô cũng vậy nhưng hai khái niệm đi ngược nhau. Dễ hiểu thôi.

Tôi đã làm anh thất vọng.

Không đâu. Ban đầu tôi có cảm giác cô bước vào lớp học từ Thiên thai vậy. Rõ ràng tôi thật là mơ mộng, nhưng tôi tin đó không phải là ảo tưởng.

Ví dụ?

 

Từng tiểu tiết xuất hiện trong giờ lên lớp. Nhiều lắm. Cô giáo đứng cạnh tôi chỉ bài và cô giáo đứng trên bục giảng có nhiều chỗ khác nhau. Chữ Nhân của triết học Đông phương, những áng Đường thi trác tuyệt và vài dẫn chứng ngôn ngữ bằng tiểu thuyết Quỳnh Dao đều có ích cho giáo án nhưng không hề bằng nhau.

Rốt cuộc giờ đây anh đang nói chuyện với ai?

Cô giáo Lâm!

Tôi từng thấy trong mắt anh có chút nịnh đầm.

Tôi cho rằng mình không biết nịnh, nhất là nịnh


phụ nữ.

Một nhà văn phương Tây bảo rằng với phụ nữ, nam giới chỉ có hai khái niệm tôn sùng hoặc bỏ rơi.

Không phải tất cả nam giới. Nhưng tình yêu nằm ở đó mà. Tình yêu phức tạp hơn những ca từ dễ dãi của trào lưu nhạc hiện thời. Hãy lắng nghe ca sĩ đang thổn thức trên máy kìa. Rợn gai ốc! Quả thật là rợn gai ốc. Nhìn những buổi biểu diễn chật cứng khán giả trên truyền hình mới thấy kỳ lạ. Phải nói gần đây âm nhạc đang thay đổi. Chẳng dám dùng từ đổi mới. Nhạc chỉ là ăn cắp, sao chép, học lỏm các làn điệu của thế giới một thời đình đám. Ca từ nhiễm nặng sến sáo rất Tây. Sự kín đáo, rụt rè dù chỉ là trong ngôn ngữ khi người ta nói thương yêu, ly biệt bây giờ cứ chảy trôi tuồn tuột. Chảy trôi cả những nỗ lực ít ỏi của ai đó, cố gắng phát triển cái thứ nhạc chuộng tiết tấu kia trên nền ngũ cung của dân ca, nhạc cổ Việt Nam. Đừng dối lòng bằng cái câu "tôn trọng sở thích". Sự băng hoại đôi lúc có chỗ trú ngụ rất đỗi an toàn.

Tất cả chúng ta nhiều khi vẫn lầm lẫn mà. Tuy nhiên anh đang tách mình khỏi lớp trẻ thì phải. Thế hệ trước luôn nhìn thế hệ sau khe khắt và định kiến. Người ta đọc thấy chữ băng hoại trong một quyển sách bằng đá cách đây vài ngàn năm ở Ai Cập. Thế mà nhân loại vẫn tồn tại và không ngừng phát triển đến ngày nay.

Trong vài ngàn năm đó chưa biết chính xác có bao nhiêu nền văn minh đã bị tuyệt diệt.

 

*

*     *

 

Mưa mãi nhỉ. Tôi thích yên tĩnh nghe mưa hơn là nghe nhạc. Có cảm giác bực bội với cơn mưa câm lặng. Cửa kiếng mà. Hàng vạn ngón tay đang tấu lên khúc chiều tà kia kìa.

Tôi dị ứng với chữ Piano và Dương cầm. Nó giống như trưởng giả học làm sang.

Hình bóng yếu ớt của Hàn Ni bên Dương cầm là một nguyên nhân không quá nhỏ trong rất nhiều nguyên nhân thôi thúc tôi tìm mọi cách làm quen với chiếc đàn kỳ lạ đó. Càng yêu tiếng đàn Dương cầm tôi càng hiểu, tất cả những tiểu thư như vậy đều rỗng tuếch. Cho dù một bông hoa ngàn lần đẹp đẽ cũng là số không trong mắt tôi nếu nó không sở hữu một chút hương thừa. Có một thực tế minh họa là chưa hề xuất hiện một khúc nhạc nào hay hay do một trong các cô tiểu thư đó viết ra.

Quên nữa, anh thấy tôi thấp đi trong mắt anh với tiểu thuyết Quỳnh Dao sao?

Thật sự có thời tôi cũng mê vài tác phẩm của Quỳnh Dao. Chẳng phải không bao giờ bà ta được xét trao giải Nobel văn chương mà ta không thích. Tôi thường tự tìm tòi sau đó mới chấp nhận ý kiến của đại đồng. Hình như sự nhai lại các mô típ là kết luận nhiều người trong đó có tôi gán cho bà ta. Giống như Trịnh Công Sơn cứ dùng mãi cung mi thứ cho các tình khúc vậy, nhưng lời ca của ông nhiều sáng tạo.

Số đông có phải lúc nào cũng là chân lý đâu. Cỗ máy đơn giản là cỗ máy dễ bảo trì và hoạt động lâu bền.

Những thái cực của tôi đôi lúc rất cực đoan. Còn cô giáo có vẻ lãng mạn nhưng kiên quyết.

Sự cực đoan của quan hệ thầy trò ngày nay có ảnh hưởng tới anh không?

Hoàn toàn có thể lý giải dưới mọi góc độ. Như vậy nó là điều mặc nhiên. Cái nên phán xét là hành vi của người với người. Nghĩa thầy và trò ngày nay đã thay đổi.

Câu "Nhất tự vi sư" không thích hợp nữa sao?

 

Gần như vậy. Với sự rộng mở của thế giới và các phương tiện truyền thông, nhân cách cá nhân của từng người thầy có ảnh hưởng rất nhỏ với trò trong đa số trường hợp. Ngày xưa nhiều lắm một cậu cử có gần chục ông đồ uốn nắn. Hôm nay cô cần hơn trăm người thầy cho một bằng đại học, chưa kể một rừng thông tin như truyền hình, phim ảnh, ấn phẩm và cả internet trên cái nền tảng căn bản là gia đình. Giáo chức nên dần chấp nhận với thực tiễn làm bạn của học sinh hơn là làm thầy. Đó là chưa kể biến thái của trường của lớp và cả của người thầy trong kinh tế thị trường đúng không? Nếu cô đã biết thế nào là dạy kèm cho một công tử nhà giàu thì cô sẽ hiểu tôi hơn.

Đáng tiếc là anh có lý khi nhắc đến điều này!

Xét về góc độ môi trường tôi vẫn rất tôn trọng
nghề giáo.

Vì nghề này thu nhập thấp, ít tham vọng và khó hư hỏng chăng?

Có thể đó là một lý do. Mười ba năm trước tôi đã từng mơ trở thành thầy giáo, với ba trăm sáu mươi lăm ngày sống giữa giảng đường, trọn năm. Thật thú vị khi ta cùng lớp học đi vào những miền tri thức, tình cảm bao la của cả nhân loại. Văn chương, văn hóa, tinh thần và nghệ thuật không phải bất biến nhưng nó là một dòng chảy vĩnh cửu bên cõi người ta chật hẹp.

 

Hãy xem ước mơ kia như là một kỷ niệm hơn là niềm day dứt. Dù sao tôi cũng thấy thấp thoáng sự ích kỷ khi anh nghĩ đến nghề giáo. Tuy nhiên sự ích kỷ cho gia phong gần như vô hại nếu anh không đứng trên đó mà ban phát.

Không nặng nề vậy đâu. Sao cô không nghĩ tôi giành trách nhiệm về mình?

Trách nhiệm kiểu này rất tế nhị và dễ thương tổn. Tình cảm khó rạch ròi như toán học. Giá trị của tình cảm nằm trong những gì khiêm nhường, nhỏ bé nhất mà đôi khi ta vô ý bỏ qua.

Thành thực xin lỗi cô và rất cám ơn về câu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Tôi biết anh sẽ xin lỗi tôi. Nhưng tôi thật sự bực mình khi anh cho rằng câu ấy xưa rồi.

À, có một sự hiểu lầm đáng tiếc và khó minh giải. Khi cô đang nói điều ấy với ánh mắt xoáy vào tôi thì tôi lại nghĩ tới câu "Nhất tự vi sư" và buột miệng... Vì tôi nghĩ cô và tôi đồng quan điểm thầy trò vừa đề cập.

Đúng là rất khó chấp nhận.

Nhưng cô cũng nên cho rằng cô hơi khó tính.

Vậy anh thử giải thích về lễ và văn đi.

Loài người vẫn chưa có một lý thuyết thuyết phục, tôi nhấn mạnh chữ lý thuyết nhé, về sự tồn tại của mình. Điều đó không có nghĩa họ không tồn tại. Tôi không thể giải thích rành rọt như một nhà nghiên cứu ngôn ngữ hai chữ ấy. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng không phải tất cả hành vi hằng ngày của mình và mọi người đều nằm ngoài từ Lễ. Hơn nữa học và hành là hai khái niệm bổ khuyết cho nhau. Một tên vô lại tự mổ bụng mình dâng "lòng" cho đức Phật đã được đến bên Phật ngay đấy thôi.

 

*

*     *

 

Tôi không thích ánh mắt của anh nhìn tôi trong lớp.

Kinh nghiệm nói?

Sao anh không nghĩ là tò mò.

Hiếu kỳ là phẩm chất của trẻ thơ.

Những ánh mắt có lửa hay bốc đồng, mau chán và thậm chí nông nổi.

Cuối mỗi con đường là một con đường khác chỉ dành cho những kẻ đã đi trên con đường cũ. Thế giới quá nhỏ bé để một vòng tròn là tập hợp của muôn vàn đường thẳng. Tôi khó bị ảo tưởng lừa dối nhưng lại thích phiêu lưu một cách đứng đắn, ít ra là từ quá khứ gần trở về sau. Ai cũng có một thời phủ nhận tất cả. Cuộc đời dường như thừa độ lượng với những kẻ có tiền án vì hơn hết, họ nhạy cảm trước tội ác và bài học đạo đức sửa mình.

Đàn ông các anh hay đao to búa lớn.

 

Mỗi lần trở về vạch xuất phát tôi lại thấy tự tin vô cùng trong cảm giác tự ti đầy hiềm khích và cố tránh hằn học.

Anh hằn học với bất hạnh hay bất đắc chí.

Không, chỉ với chính mình mà thôi. Đó là phán xét cuối cùng.

Cái sai lầm của tất cả chúng ta là luôn cố tình gán ép, định lượng, định tính các cá thể xung quanh mình trong khi vẫn tin mỗi con người là một vũ trụ hoàn hảo không rập khuôn. Ý thức về bản ngã nhiều lúc, nhiều nơi đã lớn mạnh hơn bản năng hòa hợp và chấp nhận tồn tại vốn có.

Đó là yếm thế của tự do chăng? Luôn luôn có một giao điểm cho mọi người, cho cả một thế hệ, một cộng đồng, một dân tộc.

Thật lạ lùng. Chúng ta đang dò dẫm trên những vùng mù mờ của kiến thức và đã đi quá xa. Hãy nhìn dòng người sau biến cố đổi mùa của thiên nhiên kìa. Họ lại hối hả ngược xuôi. Vẫn biết ta sẽ về nơi ta đã ra đi nhưng mỗi hành trình lại mang thêm một sắc thái mê hoặc, phải chăng đó là ý nghĩa nhỏ nhặt nhưng vô giá của đời sống.

Đó là tính tượng trưng của khoảng cách và những khái niệm chưa rõ ràng, hơi võ đoán.

Tôi nghĩ anh muốn trở thành triết gia.

 

*

*     *

 

Cái ngày cô đi về quê thăm nhà tôi bỗng nhận ra một nghịch lý "Điều đầu tiên tôi thấy là không có cô trong lớp". Lạ chưa, tôi thấy cái không hiện hữu, ít ra là trong mắt mình. Tôi đang suy nghĩ để tìm một bằng chứng về sự mâu thuẫn của ngôn ngữ.

Nói cho cùng ngôn ngữ không có lỗi. Chúng ta tồn tại một phần trên cảm giác mà.

Hình như chỉ bằng cảm giác mà thôi cô giáo của tôi ạ. Con người là nô lệ của cảm giác. Thế gian này là gì nếu không phải là những cảm giác đan xen, hỗn độn.

Nhưng con người hơn nhau ở chỗ sở thích của cảm giác. Thanh cao và thấp hèn không thể đồng sàng.

Chưa chắc. Ai đó tội nghiệp cho những kẻ ăn mày kia. Người khác lại khinh rẻ. Xuất phát điểm của hai tình huống không đồng sàng này là khuôn đúc của tư duy nhân bản. Giống như mấy con cừu Dolly vậy.

Đó là tự do của mỗi cá thể.

Không đúng! Chỉ có giấc mơ mới là tự do thuần khiết nhất, nhưng luôn luôn thiếu vẹn toàn. Khi chưa có tự do cho chính bản thân mình thì đoạn đường trước mắt còn dài lắm.

Nghĩa là chúng ta phải tự do với cảm giác rồi mới nên xét đoán mọi thứ phải không?

Đó là điều không tưởng. Đời người quá ngắn ngủi để mà sáng tạo ra một nhân sinh quan độc lập. Mọi thứ chỉ là sự phát triển và biến tấu trên những chủ đề gần với hiển nhiên nhưng không hề hiển nhiên chút nào.

Cuộc sống vô tư, không vướng bận những điều rắc rối kia là tốt hơn hết.

Cô giáo nản chí sớm vậy. Đừng đầu hàng ở đó. Tôi muốn nối tiếp cái giới hạn kia không phải bằng bế tắc mà bằng cuộc sống ngày mai ít dễ dãi và nhẹ dạ nhưng cũng ít khó khăn đi.

Còn lúc này?

Có lẽ dịch thơ Đường là thích hợp nhất.

À... bây giờ thì tôi hiểu rồi. Anh đang tự tra vấn mình coi tôi có thật là cô giáo Lâm trước anh không, hay chỉ là những cảm giác, là sự phóng túng của đôi mắt có lửa.

Tuyệt vời! Tôi phải cảm ơn cô nhiều. Chính nhờ cô mà tôi trưởng thành thêm.

Lý do nghe hay lắm nhưng cái cách nó ra đời thực buồn cười. Lủng củng, không đầu không cuối và cực kỳ mâu thuẫn.

Đôi lúc tôi thấy diễn biến trong tâm hồn mình gần giống như những gì Chopin còn để lại trong các bản dạ khúc của ông ta vậy. Tâm hồn tôi là một chiếc đàn gió nặng nề và cổ xưa. Không phải tất cả nhưng may mắn cho tôi, cô là một người có khả năng phả những luồng gió đủ mạnh làm nó bật lên những thanh âm. Những suy nghĩ của tôi có cho cô nghe thấy một điều gì không?

 

Hãy hỏi một người bạn thân nhất của anh xem.

Tôi ít bạn lắm hay đúng hơn là không có bạn. Bạn của tôi là một người biết lắng nghe tôi nói và nói những điều tôi chưa hề nghe, để tôi học hỏi. Rất nhiều người tôi đã đặt hy vọng cho một tình bạn lâu bền. Nhưng đáng buồn là sau khi họ nói những gì tôi chưa biết thì tôi lại tìm thấy những thứ còn hoàn hảo hơn trong đống sách vở tôi dự tính có dịp đụng tới. Sau đó thì tôi chẳng muốn nghe họ nữa vì có ai so được bộ não một con người với tòa thư viện đồ sộ, vài trăm ngàn đầu sách.

Khi anh không nghe người khác, và cũng chẳng có ai để nghe anh nói thì anh hãy viết tất cả những gì anh nghĩ.

Nghệ thuật chỉ chấp nhận và nuôi nấng thiên tài. Tôi thừa hiểu mình là ai và không dám võ vẽ. Tuy nhiên tôi thù ghét tất cả những danh hiệu. Khi nào chiếc đàn gió trong tôi "hát" thì tôi sẽ làm một việc gì đó lưu lại âm thanh của nó. Tôi là thư ký của chính trái tim mình thôi. Và sẽ mãi mãi là như vậy.

Chẳng lẽ suốt đời anh chỉ hát. Mỗi cá nhân còn là một con thuyền chở gen băng qua cuộc sống với những ý nghĩa ít nhiều giá trị.

Tôi không chấp nhận cái lý lẽ vật chất tuy nó nhiều lý tính của Darwin. Tôi tham lam muốn hiểu biết mọi thứ để mà quay lại ném những ánh nhìn thiếu thiện cảm vào cái con đường mòn có muôn vàn dấu chân chồng chất ấy. Bàn chân chẳng bao giờ lớn hơn cái lốt nó để lại.

Đúng thế, ý nghĩ của anh ít nhiều tiềm ẩn các lý lẽ phổ biến của văn minh thế giới không ngừng xây dựng hàng ngàn năm qua. Khi phản bác điều gì mà anh dùng chính những giá trị đã cơ bản xác định thì đó là một phương pháp thiếu khoa học và khó thuyết phục.

Nhưng tôi tin ở cảm giác của mình, dù cảm giác ấy xuất phát từ ý thức, vô thức hay tiềm thức. Sự có mặt của cô bên cạnh dòng suy nghĩ của tôi là một cái gì đó rất đáng trân trọng. Tôi cảm ơn cô vì điều đó.

 

*

*     *

 

Con điệu, mày về rồi hả?

Ừa...

Sao không nghe mày ca câu "Chán chết được!"?

Còn hơn thế nữa!

Chàng cưỡi Spacy?

Một thằng chập cheng đi xe Honda 67 khói mù, lại còn mang dép da quai hậu nữa chứ.

Nhưng chắc là thông thái lắm nhỉ?

Những kẻ thông thái rỗng túi tệ hơn tất cả. Khi chúng ra vẻ bất cần mọi thứ mới ngộ nghĩnh làm sao!

 

Hầy... Mày cũng sắp ngộ rồi.

Ừ, vài cuộc hẹn dở hơi như vừa xong nữa là tao lên cơn đấy.

Tuần rồi mày gửi đơn xin việc mấy nơi?

Không đếm hết nhưng hòm thư lưu ký vẫn trống hoác.

Tao rán đeo theo các lớp ngoại ngữ đêm hết mùa mưa này thôi. Còn mày?

Chắc cũng vậy. Làm thư ký cho một thằng cha bụng bự và thả trôi nhé.

Dân ngoại ngữ chúng mình ngấy nhỉ.

Thôi ngủ đi. Sài Gòn mấy khi được đắp chăn như hôm nay. Ấm quá...

Ừ thì ngủ. Ngủ để quên giấc mơ phấn trắng, bục giảng và những đứa học trò chưa biết tán gái...

...

...

 

Sài Gòn, 29-3 - 19-5-1999

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86426


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận