1. Nàng yêu thơ tôi chứ không yêu tôi, và đặc biệt không thể yêu nổi căn hộ tập thể chật chội của tôi trên tầng 8 một tòa cao ốc cũ kỹ giữa thành phố. Nàng chỉ nên sống với thơ. Sống với nhà thơ là sai lầm, dẫu chưa dính hệ lụy bầu bì hay hôn thú. Tôi biết nàng ra đi thanh thản, như cất một bản thảo cổ điển vào đáy rương ký ức. Mỗi lần nhớ tới nàng tôi lại bật cười với bao nhiêu càm ràm thường nhật từ đôi môi cong cớn chực làm nũng: nước yếu, thang máy hỏng vĩnh cửu, nhà cầu tầng trên thấm dột, trẻ nít chung dãy hành lang ồn ào...
Bàn viết của tôi nhìn ra vòm dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Mỗi khi tắc tịt thi hứng tôi thường ước giá như có thể dựng một căn chòi giữa chạc ba chót vót kia. Người thơ gốc khỉ sẽ ngồi trên đầu thiên hạ nườm nượp phía dưới. Thơ tôi vút lên trời xanh, kinh thiên động địa. Thơ tôi rùng rùng chuyển động cuộc cách mạng ngôn từ, quét sạch bọn hủ lậu cứ nhìn thấy nhà thơ là cười nửa miệng, phơi gốc rễ cỏ rác bọn cô hồn giấu mặt gọi nhà thơ là lũ chập cheng, đồng bóng, tâm thần...
Ngày đẹp trời nọ, tư lự nhìn vòm cây tôi phát hiện một tổ chim. Chim mẹ lông vàng pha ánh xanh. Hai chú chim non còn đỏ hỏn nhưng đã biết to mồm chí chóe nhau giành mẹ mớm sâu bọ. Xác định rõ đây là giống Vàng anh quí hóa, tôi đi tìm tốp thợ leo trèo của Công ty Công viên Cây xanh ngày ngày vẫn lang thang mé nhánh cây mục khắp thành phố. Họ gỡ tổ chim bỏ vào chiếc lồng rộng rãi. Sợi dây thừng gắn ròng rọc treo lồng chim căng từ chạc cây vào cửa sổ phòng tôi. Ngày hai ba bận tôi kéo thừng, cung cấp cho chim nước uống và một đĩa nhỏ ấu trùng kiến càng béo ngậy. Chim mẹ thành ra thừa thãi. Nó bỏ đi mất dạng, sau cả tuần vờn quanh lồng chim, kêu lên những tiếng xa xót rời rạc. Hai đứa con nó mang nặng đẻ đau, ấp ôm cực nhọc không thèm ăn sâu bọ nữa.
2. Mải chăm sóc chim, tôi quên khuấy mối tình "sống thử" vừa qua lúc nào không rõ. Lồng chim hài hòa trống mái. Con trống trội hơn, mỏ đỏ, thân vàng, cánh đen mạnh mẽ. Tôi luôn huýt sáo gọi chim trước bữa ăn chính của chúng trong ngày. Là nhà thơ, tất nhiên tôi hát thơ: "Vàng ảnh vàng anh. Có phải vợ anh. Chui vào tay áo". Tôi mong lắm một ngày, những tiếng líu lo vô tổ chức giữa lồng chim sẽ được xếp đặt lại, trong trẻo hóa và gợi lên ngữ điệu vần thơ cổ tích.
Không biết tự bao giờ tôi thích kể câu chuyện về đôi chim Vàng anh hơn là đọc thơ, bình thơ, tán thơ với bạn bè hội nhóm bên các quán cà phê vỉa hè. Và blog nữa chứ, kênh thông tin kỳ diệu của thế kỷ XXI sẽ mất vui biết chừng nào nếu không có Vàng anh. Chu choa, thiên hạ rỗi việc thật. Chỉ cần mớm mào (blast message) "Tin mới về Vàng anh" là đáp từ (reply) tới tới. Có cả truy cập của những kẻ lạ hoắc, chắc vào blog tôi qua công cụ tìm kiếm bằng từ khóa "Vàng anh". Rất nhiều người xin phim Vàng anh. Tôi dùng chiếc điện thoại di động đã mấy lần rơi xuống nước của mình quay cảnh hai chú Vàng anh đang rỉa lông cho nhau. Chắc hình ảnh đưa lên blog nhòe nhoẹt nên ai cũng rủa tôi là kẻ lừa đảo. Thế mới khổ! Một trong những người thất vọng sáng tác luôn đồng dao xiên xỏ tôi:
Em có lỗi,
nhưng em không có tội
Đừng chửi em,
đừng bảo em giống cuội
Em không giữ bản quyền nói dối
Em chỉ là mầm non xã hội.
Nhà khảo cứu nghiệp dư nọ còn gửi cho tôi một chuỗi tư liệu nặng hàng mấy Mb, dẫn liên hệ từ Vàng anh đến Tấm Cám: "Mô típ Tấm Cám xa xưa nhất được ghi chép bởi Strabo, một sử gia Hy Lạp vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên: Nàng hầu Rhodopis vì bị ép làm nhiệm vụ (giặt đồ bên suối) của người hầu khác nên không thể đến dự lễ hội do nhà vua Ai Cập tổ chức. Một chú chim đã đánh cắp chiếc hài của Rhodopis tội nghiệp và thả xuống bên vua. Ngài ngự lập tức yêu cầu phụ nữ trong vương quốc mình thử hài nhằm tìm kiếm người đẹp. Đó là cơ hội cho Rhodopis rực rỡ kiêu sa bước ra khỏi bóng tối. Sau đó sáu trăm năm, vào thời Đường, nhà nho Đoạn Thành Thức đã ghi lại truyện Diệp Hạn qua lời kể của gia nhân Lý Sĩ Nguyên, người Ung Châu, Quảng Tây ngày nay. Họ Lý cho biết đây là truyện dân gian quê ông, có muộn nhất từ thế kỷ thứ ba sau Công nguyên: Cha mẹ Diệp Hạn mất. Nàng phải hầu hạ phục dịch mẹ kế và em gái cùng cha rất khổ cực. Niềm vui duy nhất của Diệp Hạn gửi gắm nơi chú cá nhỏ dưới ao, vốn là mẹ ruột cô đầu thai vào. Mẹ ghẻ bèn giết cá ăn thịt. Diệp Hạn nhặt nhạnh xương cá cất trong những chiếc lọ nhỏ, chôn dưới chân giường ngủ của mình. Dù bị cấm, nhưng với sự giúp đỡ của linh hồn mẹ, những lọ xương cá biến thành ngựa xe và xiêm y lộng lẫy đưa Diệp Hạn đến vũ hội mùa xuân. Sợ mẹ ghẻ phát hiện, giữa cuộc vui Diệp Hạn luống cuống bỏ trốn về nhà nên làm rơi một chiếc hài vàng. Vua đi khắp nơi ướm hài và gặp lại Diệp Hạn. Mẹ ghẻ cùng đứa em độc ác của cô bị cấm vào hoàng cung, sau đó chết vì mưa đá". Văn bản còn dẫn tràng giang đại
Tóm lại nhà "khảo kíu" nhận định: Chim Vàng anh trong Tấm Cám không thể có nguồn gốc từ xứ sở của Kim tự tháp được. Nó thuần Việt. Là hồn Việt. Những tương giao văn hóa dù tiểu vùng (Đông Nam Á) hay đại vùng
(Á Đông, Á - Phi - Âu) đều đa chiều. Có những hình ảnh (trong trường hợp này là chim Vàng anh) thoạt nhìn tưởng như Ai Cập hóa, Hán hóa, Âu hóa, Mỹ hóa... nhưng thực ra nó là sự phát triển tự thân, độc lập và tất yếu; hệ quả của con đường chuyển tiến hình thái xã hội. Các yếu tố ngoại lai ở đây có vẻ "cần" nhưng chưa "đủ". Do đó, về mặt xã hội học, rất nên tiên lượng đúng cũng như xác định đúng bản chất xung đột giữa cái mới tốt đẹp và thói tật cổ lậu, giữa cái mới quái thai và truyền thống cần gìn giữ.
3. Ngọn gió dữ thổi, hôm nay người vợ hụt bỏ công trèo một trăm sáu mươi tám bậc thang đến thăm tôi. Chưa bước qua ngạch cửa nàng đã vặn miệng: "Bóng tôi chưa khuất, anh đã dẫn con quỷ cái nào về lôi lên giường vậy?". Tôi chết trân. Nàng trợn mắt: "Lũ con nít ngoài kia đang í ới gọi nhau đến phòng anh xem Vàng anh kìa. Chúng còn bảo nhìn qua lỗ khóa không nét bằng công kênh nhau chỗ ô kiếng lấy sáng".
Phân trần chỉ tổ phí lời, tôi đến cửa sổ kéo dây ròng rọc lôi lồng chim vào. Nhìn thấy "nàng thơ" của tôi, hai chú Vàng anh ré lên như lợn sắp bị chọc tiết.
"Em yêu thơ mà không có can đảm sống với nhà thơ" - Tôi đỡ lời cho chim.
"Anh khéo ngộ nhận. Em nào hiểu, nào cảm được thơ anh. Mỗi khi anh gân cổ hoặc dặt dẹo diễn thơ, em hình dung ra bộ cánh sặc sỡ của con công trống. Càng gần anh em càng thấy trò đó vừa dị hợm, vừa mất vệ sinh. Nước bọt anh cứ bay lã chã như mạt gia cầm mùa dịch!".
Bó tay chấm net. Tôi vờ như chẳng nghe, chẳng thấy. Tôi dọn chuồng, châm nước, thay thức ăn mới cho chim. "Nàng thơ" chướng mắt giằng lấy chiếc lồng và mở chốt cửa. Hai chú chim bất ngờ được tự do ngơ ngác tập tễnh bước trên sàn gạch hoa bằng phẳng.
Tôi bất lực gào lên: "Em điên à. Hai con chim từ bé đến lớn chưa đi khỏi chiếc lồng. Có ai dạy nó bay nhảy đâu. Có ai hướng dẫn nó vạch lá bắt sâu tìm bọ đâu. Nó ở trên sàn nhà thì chưa việc gì. Khi đứng cheo leo bên cửa sổ làm sao nó biết dưới chân là vực sâu bằng tám tầng lầu. Nó không ngã vỡ đầu nơi hè đường xi măng thì cũng đói rã họng trên vòm lá ngoài kia".
Tôi nhanh chân nhanh tay đi đóng mọi cánh cửa xung quanh. Đôi chim thấy động chạy nhảy lung tung, lên giường, lên giá sách và sau rốt nhót lên cửa chớp thông gió. Chúng kề vai, say sưa ngắm cảnh lạ. Vẫn khung trời ấy thôi, nhưng chắc chắn trong lồng và ngoài lồng mọi thứ rất khác nhau. Điều làm nên khác biệt ở đây là tự do và bất trắc. Không vì bất trắc mà chúng bỏ qua giá trị của tự do. Không gian yên ắng lạ thường. Đôi chim rỉa lông làm dáng như kịch sĩ rồi bắt đầu hót.
Vàng ảnh vàng anh
Có phải vợ anh
Chui vào tay áo.
Tôi căm thù bài học thuộc lòng hoàn hảo của chúng, dù chính mình là người thầy đã tận tụy nhồi nhét giai điệu kia vào những bộ lông vàng ánh ma mị. Tôi bỏ đi để khỏi phải chứng kiến kết cục buồn. Tôi sợ người con gái nọ dụi đầu vào vai tôi, nức nở lời tạ lỗi khó từ chối. Hai sinh linh bé bỏng sẽ rời cao ốc. Cầu trời bản năng sớm dạy chúng tránh dây phơi, băng rôn, cáp điện... trên đường bay, để cuối cùng không dát xác dưới những bánh cao su quay tròn như mắc cửi giờ tan tầm.
Sân thượng hoàng hôn. Sợi nắng nào cũng vướng vất chút âm u của màn đêm đang đợi. Có lẽ từ nay tôi trốn cả thơ. Nhà thơ lớn là người thấu cảm những thân phận bé bỏng nhất, những nỗi đau vi tế nhất. Khải ngộ, người ta vứt bỏ ngôn ngữ. Bám vào gấu chữ, có chăng là lũ ngợm, mong vẽ tô chiếc vương miện lòe đời.
Thảo Điền, 31-10-2007