Không bao lâu, tâm tư của chàng lặng yên một cách bình tĩnh và trong suốt giai đoạn này, thính giác của chàng bén nhạy vô cùng.
Lắng tai nghe văng vẳng đâu đây có tiếng nước chảy róc rách như một dòng suối con thì phải, Đường Luân lấy làm lạ, không biết mình lạc vào đâu, vị trí nằm ở chốn nào mà lại có tiếng nước róc rách như thế.
Trong khoảng tối đen mờ mịt, chàng chỉ nhờ có thính giác để nhận định quang cảnh chung quanh. Chợt chàng giật mình vì nghe đâu đây phảng phất có tiếng gọi nho nhỏ :
- Tướng công! Tướng công!
Rõ ràng đó là tiếng người, phát ra tự một nơi âm u tịch mịch. Đường Luân cố gắng vận dụng hết thính giác của mình để lắng tai nghe ngóng và tiếng gọi "tướng công" lại vang lên văng vẳng.
Lần này, Đường Luân trả lời :
- Ai đó?
Câu nói của Đường Luân vừa dứt thì tiếng nói văng vẳng ban nãy lại trỗi lên :
- Tôi đây.... Cao Nguyệt!
Đường Luân giật mình. Thì ra tiếng nói này do thiếu nữ đã đấu chiến với mình ban nãy phát ra. Nàng là bạn hay là thù? Đường Luân vẫn chưa được rõ, chỉ biết rằng ban nãy mạng của mình đã nằm trong tay nàng mà nàng vẫn nương tay.
Đường Luân cất tiếng hỏi :
- Cô nương đang ở đâu?
Có giọng của Cao Nguyệt trả lời :
- Tôi đang ở một gian phòng trên đỉnh đầu của tướng công, xin tướng công hãy lắng tai nghe để tôi chỉ đường đi nước bước để thoát khỏi chỗ hiểm nguy đó... trong một chốc nữa đây, e rằng đại nạn sẽ cho tướng công.
Câu nói vừa đến đây, Đường Luân chợt nghe tiếng róc rách ban nãy nổi lên càng lúc càng to.
Rồi một tiếng tách nho nhỏ vang lên trên một góc tường chợt lộ ra một kẽ hở, và không biết nước từ đâu do kẽ hở đó xối xả tràn vào!
Nước đổ càng lúc càng mạnh, trong phòng lại kín như bưng nên bao nhiêu nước ứ đều đọng lại và dần dần dâng lên.
Nguồn nước vẫn tuôn vào ào ạt và mực nước vẫn dâng lên, dâng lên mãi....
Ban đầu tới ống chân, rồi dần dần tới gối. Cứ xem tình thế này thì thật là khó thoát nơi hiểm địa.
Trong lúc đó thì tiếng của Cao Nguyệt vang lên :
- Nguy cho tướng công rồi đó, tướng công cố sức lặn sát đất...
Câu nói đến đây thì bị tiếng ồn ào của nước đổ làm cho cắt đứt, và mực nước dâng lên nhanh không thể tả, trong chớp mắt nó đã vượt lên khỏi lưng quần, rồi dâng lên gần tới ngang vai chàng.
Đường Luân cố sức nhớ lời dặn :
- Lặn sát xuống đất.
Chàng tự hỏi :
- Lặn sát xuống đất để làm gì?
Nước vẫn dâng lên, mà lời nói của Cao Nguyệt lại bặt ngang, không vang lên nữa.
Đường Luân nóng nảy hỏi :
- Nước lên cao quá rồi.... Cao cô nương, lặn sát đất để làm gì, sao không nói tiếp?
Một tiếng "suỵt" nho nhỏ vang lên. Thoáng nghe , Đường Luân biết nàng ra hiệu cho chàng im tiếng.
Nước lạnh thấu xương và cứ dâng lên. Lúc bấy giờ hai chân của Đường Luân đã rời khỏi mặt đất, chàng cố sức nín hơi để cho thân hình của mình nổi lên trên mặt nước.
Chàng cố hết sức dằn cho tâm thần của mình khỏi xúc động để lắng nghe động tĩnh bên ngoài.
Nước vẫn ào ạt tuôn vào, đưa thân hình của Đường Luân lên cao, chỉ còn cách trần nhà chừng ba thước.
Tình thế hết sức khẩn trương, nếu không có cơ hội gì cứu vãn thì cái chết đã cầm chắc trong tay. Chính vào lúc đó, tiếng của Cao Nguyệt vang lên nho nhỏ :
- Đại ca của tôi vừa đến rình nghe động tĩnh của tướng công đó. Phải cẩn thận cho lắm... Nhưng hắn vừa mới lui ra. Bây giờ tướng công hãy lặn sát xuống đất... Trời! Hắn lại trở lại.
Đường Luân hồn vía lên mây, cái chết chỉ treo trên đường tơ, sợi tóc. Nước dâng lên thêm một thước nữa. Chỉ còn hai thước là đụng tới trần nhà.
Chợt tiếng của Cao Nguyệt lại vang lên :
- Hắn lại trở ra đi tuần hành rồi đó! Bây giờ tướng công hãy lặn sát đất, bắt đầu từ trong tường bên hữu đếm ra đến viên gạch thứ mười.
Tiếng nói lại ngưng bặt, trống ngực của Đường Luân đập thình thình vì cái chết đã đến tận nơi. Nhưng rồi một câu nói lại vang lên :
- Tướng công đè mạnh viên gạch đó xuống một tấc, rồi đẩy sang cánh tả, đoạn trồi lên mặt nước.
Như một người chộp được chiếc chìa khóa mở đường sinh lộ, Đường Luân hớp một hơi dài dưỡng khí rồi lặn xuống dưới sâu. Khi đến sát mặt đất, chàng lò mò từ trong tường đếm ra đến viên gạch thứ mười, chuyển hết sức bình sanh đẩy mạnh xuống dưới rồi xô ngang bên tả.
Chàng thấy viên gạch đó kẹt ở dưới sâu không trồi lên nữa, Đường Luân lập tức đạp mạnh xuống nền nhà để lấy trớn ngoi lên mặt nước.
Đầu của chàng vừa thoát khỏi mặt nước liền vận nhãn quang nhìn khắp bốn bề, chợt nghe có tiếng sè sè vang lên không ngớt và từ trên trần bỗng bày ra một lỗ hổng.
Mừng hơn bắt được vàng, Đường Luân vỗ mạnh hai bàn tay lên, xử một thế Kim Ngư Vượt Lãng để bay mình vào lỗ hổng đó.
Thân hình của chàng vừa thoát khỏi gian phòng âm u rùng rợn này chàng tức khắc thấy có hai cánh tay mềm mại đón lấy thân hình của chàng. Rồi bên tai gió dậy ào ào, người ấy đã vác chàng lên vai, chạy vùn vụt qua những con đường hầm quanh co khúc khuỷu.
Một mùi hương thoang thoảng phất qua mũi chàng. Hơi lạnh của nước và của gió đem đến cho chàng cảm giác lạnh lùng, rờn rợn.
Và chàng ngây ngất, đê mê đi lúc nào không biết.
Đây nói về Trần Như Phong sau khi cùng với Đường Luân rơi xuống hầm sâu, đương cơn bàng hoàng thì bị một làn khói hôi tanh xông ra, và ông bị ngất đi không còn biết gì nữa.
Đến khi giật mình tỉnh dậy, ông ta nghe thấy toàn thân của mình ê ẩm. Thử cục cựa thì ra châu thân của mình đã bị trói chặt trên một chiếc giường bằng đá.
Lưỡi Hỏa Long thần kiếm không cánh mà bay đi đâu mất rồi, trong lòng vừa áo não, vừa kinh mang.
Thần trí lần lần định tĩnh, ông ta quan sát chỗ mình nằm là một gian hầm bằng đá, tứ bề kín như bưng. Còn mình thì đang bị họ dùng dây gân bò trói chặt trên một chiếc giường bằng đá.
Ba bề bốn bên một mùi hôi tanh nồng nặc xông ra. Ông ta cố sắp xếp lại ý tưởng của mình rồi bắt đầu tìm phương pháp thoát thân.
Thuở nhỏ, ông ta theo chân Vô Tông Khách được Vô Tông Khách truyền cho một ngón nghề riêng, đó là thuật Kim thiền thoát xác, chuyên dùng để tự mở trói cho mình.
Lối mở trói này thật là mầu nhiệm, nạn nhân phải vận dụng hết công lực của mình mà làm cho xương và gân trên toàn thân nhũn ra, và co giãn theo ý của mình. Nhờ đó mà nới lỏng vòng dây và từ từ gở ra.
Nay tứ bề vắng lặng không một người nào để ý đến mình, Trần Như Phong lắng tai nghe ngóng. Quả thật trong vòng chu vi mười trượng vuông không một hơi thở.
Và ông ta yên chí, bắt đầu vận dụng môn Kim thiền thoát xác, lần lượt gỡ những mối dây chằng chịt khắp châu thân.
Độ chừng tàn một nén hương thì ông ta gở ra gần hết, chỉ còn vài ba mối vướng lại mà thôi. Chính vào lúc đại công sắp thành, ông ta chợt giật mình vì nghe rõ ràng có tiếng động khẽ, có người từ xa đi tới.
Không dám tháo thứ, Trần Như Phong vội vàng nằm yên và kéo những mối dây phủ ngang qua thân mình, chờ xem động tĩnh.
Không bao lâu tiếng chân người nổi lên càng lúc nghe càng rõ, rồi cửa phòng đá nặng nề xịch mở, có hai tên giặc tay cầm một ngọn đèn lồng nho nhỏ để soi đường.
Chúng lách mình bước vào phòng, tiến lần về phía Trần Như Phong.
Thấy những mối dây trên mình đã sút ra gần hết, đây là cơ hội nghìn năm một thưở, nếu không chộp lấy để họ phát giác ra thì thật là một điều tai hại.
Trần Như Phong hớp một hơi dài dưỡng khí, dồn sức mạnh vào cánh tay, bất ngờ vùng lên, quật khối đá trúng giữa hai tên giặc làm bọn chúng kinh hoàng báo động.
Thừa lúc xôn xao đó, Trần Như Phong chỉ dùng có hai gót chân của mình liên tiếp xử ba bốn thế Di Hình Hoán Bộ lòn ra ngoài bằng một thân pháp vô cùng khéo léo nhưng bất ngờ gặp Trương Phi Thiên.
Trương Phi Thiên vừa phát chưởng ra bỗng thấy chiếc lồng đèn xoay nhanh lông lốc, chiếu thẳng vào giữa mặt mình, biết ngay đó là thế dương Đông kích Tây. Không hề nào núng, ông ta tiếp tục buông sức mạnh ra ào ạt.
Một bàn chân và một bàn tay của Trương Phi Thiên yểm trợ lẫn nhau, từ cánh tả ồ ạt tuông sang trái. Khí thế của nó thật giống như cái tên, dường như một áng mây mờ giăng ngang đầu núi.
Vạn bất đắc dĩ, Trần Như Phong vận dụng hết khí lực của mình quát lên một tiếng, thò hai bàn tay ra, chọi thẳng vào thế công của đối phương.
Hai luồng sức mạnh giáp mối vào nhau, vang lên một tiếng rợn người. Thân hình của Trần Như Phong không có điểm tựa, như một con diều đứt dây, quay lông lốc giữa khoảng không rồi lại là đà rơi xuống.
Khi thân hình của lão còn cách mặt đất chừng ba thước thì Trương Phi Thiên lại bồi thêm một đòn Vân Hoành Tần Tĩnh.
Trần Như Phong rú lên một tiếng kinh hoàng, lại cũng như lần trước, ông ta liều mạng dùng sức mạnh chọi lại sức mạnh. Và hai người lại tiếp tục va chạm vào nhau qua hai luồng sức mạnh kinh hồn.
Thêm một lần nữa, Trần Như Phong lại trúng đòn bay bỗng trở lên, quay lông lốc trông thật buồn cười, và Trương Phi Thiên lần lần trụ hình đình bộ sẵn sàng chờ đợi đối phương rơi xuống một lần nữa.
Đã lãnh qua hai bài học, lần này trong khi Trần Như Phong bay bổng trở lên, ông ta kịp thời suy nghĩ sáng suốt để ứng biến với tình thế mới.
Nhưng vốn là một người gian ngoan xảo quyệt, đang lơ lửng giửa từng không Trần Như Phong lại kêu lên một tiếng thất thanh như người trúng phải đòn độc để rồi là đà rơi xuống.
Trương Phi Thiên tuổi tuy già, nhưng tánh tình tinh nghịch như trẻ con, thấy Trần Như Phong có vẻ buồn cười như vậy, lại tiếp tục buông ra một đòn Vân Hoành Tần Lĩnh, có ý muốn đẩy bắn ông ta lên một lần nữa.
Nào ngờ... lần này Trần Như Phong không dùng sức mạnh chọi sức mạnh như lần trước. Trong một giây phút ngắn ngủi quay cuồng trên khoảng không, ông ta đã tính ra cách đối phó.
Vì vậy mà khi hai luồng sức mạnh vừa giáp nối vào nhau, ông ta nương vào đó để cho thân hình của mình dừng lại một chút, rồi nhanh như chớp, ông ta tung ra một đòn Hắc Hổ Thâu Tâm, từ bên trên thò xuống móc vào giữa ngực của Trương Phi Thiên một đòn dữ dội.
Trương Phi Thiên giựt mình kinh hãi, không ngờ đối phương lại dùng thế võ của mình để trừ mình.
Vốn là viên giám đốc của một Đại tiêu cục nên Trần Như Phong am tường võ công của các môn phái. Nãy giờ thấy lão già này liên tục sử dụng mấy đòn của phái Thiếu Lâm, ông ta quyết định bất thình lình dùng võ công của hắn tấn công hắn.
Và kết quả thật là mãn nguyện, vì Trương Phi Thiên trong phút bất ngờ đã không biết cách nào đối phó, chỉ còn có cách tức tốc bắn lùi ra ba bước, mới thoát khỏi bàn tay hiểm hóc của Trần Như Phong.
Chỉ lùi có ba bước đó là Trần Như Phong đã kịp thời chiếm được đất đứng, ngang nhiên rơi trở về mặt đất thủ một thế La Hán Triều Nguyên, ngắm nhìn Trương Phi Thiên nở một nụ cười tinh nghịch.
Thì ra thế La Hán Triều Nguyên cũng là một thế võ của Thiếu Lâm, làm cho Trương Phi Thiên phải bàng hoàng ngơ ngác.
Vào giữa lúc hai tay cao thủ đang ghìm nhau như hai con hổ giành mồi thì Đường Luân lại lâm vào trọng địa.
Thần trí của chàng đang mơ màng, bất giác cảm thấy một luồng gió mát rười rượi lướt nhanh qua cơ thể chàng.
Cảm xúc thật là kỳ dị, Đường Luân rởn óc, mơ màng nhướng mắt lên, bất giác hồn phi phách tán vì lúc bấy giờ chàng đang nằm trên giường và Cao Nguyệt đang lỏa lồ thân thể nằm bên cạnh mình chàng.
Nàng ta đang thè lưỡi ra, liếm khắp mặt mày cơ thể của chàng, đem đến cho Đường Luân một thứ cảm giác cực kỳ đê mê.
Chính vào lúc kinh hoàng thảng thốt đó thì ngón Khổn long của Đường Luân đã mở ra hồi nào không biết, và ngón tay của chàng nhanh như một tia chớp, điểm vù vào huyệt mê của người đẹp.
Thì ra Đường Luân chỉ ướm nhẹ ngón tay cho Cao Nguyệt giựt mình để rồi điểm lấy Mê huyệt của nàng. Không kịp kêu lên một tiếng, Cao Nguyệt lả người ra như một cành hoa trước gió.
Đường Luân tức tốc bế xốc nàng dậy, quăng lên giường trùm mền lại, rồi mở cửa bước ra, noi theo con đường chỉ dẫn của Cao Nguyệt mà bước tới.
Đi được một khoảng đường, bỗng thoáng nghe có tiếng binh khí ròn rã vang lên, rõ ràng có người đang sát phạt với nhau. Trong lòng nôn nóng, Đường Luân càng bước nhanh tới....
Cất bước đi mau thêm một đoạn đường nữa, Đường Luân nghe thấy rõ ràng có hai người đang đấu chiến với nhau trong một con đường hầm.
Tiếng động phát ra càng lúc nghe càng rõ và không mấy chốc, trước mặt của Đường Luân bày khai một cảnh tượng làm cho chàng vừa vui vừa sợ.
Vì rằng, Trần Như Phong lúc bấy giờ đang cầm một mũi Thiết bút phát quan mà lạnh lùng thay trong tay Trương Phi Thiên cũng có một cây Thiết Bút Phán Quan tương tợ.
Thì ra ban nãy, so qua một trận với Trần Như Phong, Trương Phi Thiên biết tài bộ của mình chưa thể dùng tay không mà lấn áp được, vì vậy mà hắn mới rút cặp binh khí tùy thân của mình là Thiết Bút Phán Quan ra xáp chiến với Trần Như Phong một lần nữa.
Phen này, Trần Như Phong không muốn kéo dài cuộc chiến, vì vậy mà mới vừa xáp chiến là ông ta tung hết nghề riêng của mình ra.
Tay mặt xử Phân Cân Thác Cốt, tay tả dùng "Tay trắng đoạt gươm vàng", chỉ trong vòng năm hiệp là tước mất một mũi Thiết Bút Phán Quan của đối thủ, và hai người dùng binh khí kịch chiến với nhau.
Thiết Bút Phán Quan là một món binh khí chuyên dùng để điểm huyệt và cũng là một ngón nghề riêng mà Trương Phi Thiên đã dày công luyện tập.
Bây giờ, bất thình lình bị đối phương dùng thế "Tay trắng đoạt gươm vàng" cướp mất đi một bút nên trong lòng cả sợ, lại cả giận, ông ta gầm lên một tiếng vang trời, múa một ngón Thiết Bút Phán Quan còn lại, tấn công tưng bừng.
Nhưng Trần Như Phong cực kỳ bình tĩnh vì ông ta vốn là một gã thư sinh xuất thân.
Dưới mặt ông ta đã đọc qua không biết bao nhiêu sách vỡ, lại là người có một bút pháp tài hoa. Ngày thường ông làm thơ viết chữ, như rồng bay phượng múa.
Bây giờ Thiết Bút Phán Quan qua tay, ông ta vẫn dụng hết bình sanh sở học của mình ứng biến vào đường bút một cách cực kỳ linh động.
Nấp vào một góc đường, nhìn thấy Trần Như Phong đâm ngang trỏ dọc, tung hoành ngọn bút một cách tài tình. Hai người xáp chiến với nhau một cách phi thường mãnh liệt. Đã từng theo chân Trần Như Phong lâu ngày, nhưng chưa bao giờ thấy Trần Như Phong vũ lộng thần oai, làm cho bao nhiêu thế công của Trương Phi Thiên thảy đều vô công hiệu.
Đường Luân bất giác khen thầm, càng xem càng mê mẩn tâm thần. Bỗng chàng giật mình, thì ra Trần Như Phong lúc bấy giờ đang dùng ngọn Thiết bút trong tay của mình viết ra bài thơ tuyệt tác của thi hào Lý Thái Bạch.
Ứng dụng thơ văn vào võ học, thật là một điều hiếm thấy. Ngọn bút sắt trong tay của lão vung ra như rồng bay phượng múa, chợt đông chợt tây, khi tả khi hữu, dồn đối phương vào một chỗ lâm nguy.
Trương Phi Thiên đang lùi dần về một góc tường, sắp sửa thọ nguy bỗng hắn rú lên một tiếng, ngọn bút sắt trong tay bất thình lình đảo vòng xuống ngõ dưới, rạch ngang mặt đất một đường dữ dội.
Đường Luân nghe thấy một tiếng cọ xát rùng rợn nổi lên, ngọn bút sắt làm cho cát đá bắn lên tung tóe, mượn sự biến đổi đó làm bức màn yểm trợ, Trương Phi Thiên tung ra một thế Thần Bút Xuyên Tâm.
Đó là một đòn cay độc nhất của hắn, dùng để gỡ nguy trong lúc cùng cấp.
Trần Như Phong đang tấn công vù vù, bỗng nhiên nghe soạt một tiếng rùng rợn, cát bụi bay mù mịt và trong lớp bụi mờ, một đường Thiết bút đâm vút ra như sấm sét.
Ông ta biết đây là một thế võ tối độc của một con thú dữ cùng đường, chỉ một chút sơ hở là đủ mất mạng như chơi.
Nhanh như chớp, Trần Như Phong lập tức đổi ngay cung bộ của mình, để thâu mình sang cánh tả.
Trong lúc đó thì ngọn bút của Trương Phi Thiên vẫn bay tới vèo vèo, lướt ngang qua mang tai của mình trong một đường tơ kẽ tóc.
Nào ngờ... đây chỉ là một thế võ mở màn để yểm trợ cho hai thế liên tiếp đi sau.
Ngọn bút đang đâm thẳng tới, bỗng thình lình ngoặc sang cánh tả, đuổi theo con mồi là Trần Như Phong, điểm một mũi vào huyệt Mi Tâm của lão.
Tình thế bắt buộc Trần Như Phong phải cúi đầu né tránh, và Trương Phi Thiên dường như chỉ chờ đợi cái cúi đầu đó.
Như một con vượn, Trương Phi Thiên liên tiếp xử hai ba thế Hoán Cung Di Hình, để lòn ra sau lưng của Trần Như Phong, vung ngọn bút ra điểm vào huyệt Hội Tông của lão.
Ngọn bút của Trương Phi Thiên vù vù đi tới, vừa tiếp xúc vào huyệt Hội Tông của Trần Như Phong thì lão già họ Trần rú lên một tiếng thảm thiết rồi té nhủi về phía trước.
Đôi mắt trợn trừng, Trần Như Phong lăn lộn ra chiều đau đớn lắm. Trương Phi Thiên buông ra một tiếng cười khoái trá, tung mình nhảy lên cao, từ phía trên buông xuống một đường Thư Sinh Giáng Bút, chỉ tung ra có một nửa, rồi Trương Phi Thiên như một con diều đứt dây, bay ngược trở lại hơn ba trượng, rơi phịch trở về mặt đất.
Thì ra ông ta đã trúng đòn dụ địch của Trần Như Phong. Ban nãy lão già họ Trần dồn hết chân khí vào huyệt Hội Tông của mình để bế huyệt, chờ cho mũi Thiết bút tiếp xúc nhẹ vào da của mình là ông ta giả vờ trúng đòn ngã lăn ra trên mặt đất.
Nằm ngửa ra, giả vờ lăn lộn, nhưng thật ra Trần Như Phong đang thủ một thế Tứ Chi Bại Hoại, đó là một thế võ tối độc, dùng để kháng cự với một người từ bên trên tấn công xuống, giữa lúc mình đang sóng soài trên mặt đất.
Những tưởng rằng mình đã cầm chắc cái thắng trong tay, nào ngờ chỉ tung ra được phân nửa thế võ thì bị Trần Như Phong trả đòn dữ dội. Trương Phi Thiên nghe thấy tứ chi của mình bị khóa chặt trong một lúc, và bốn tiếng "rốp rốp" vang lên, tứ chi của lão thảy đều gãy lọi.
Vừa lúc đó thì Đường Luân cũng xuất hiện, Trần Như Phong quá đỗi vui mừng.
Đường Luân lướt tới nói nhỏ vào tai của ông ta :
- Mau lui ra khỏi chỗ này....
Nhưng lão Trần Như Phong bấm nhẹ vào vai của Đường Luân phụ nhĩ :
- Hừ... còn Hỏa Long thần kiếm?
Giựt mình như người sực tỉnh cơn mê, chợt nhớ ra thanh bảo kiếm đã lọt vào tay của Cao Yến, giờ này không biết bà ta đã cất giấu nơi nào?
Nhưng một ý nghĩ lóe ra trong óc, Đường Luân nói :
- Bây giờ chỉ còn có cách là hỏi tên này.
Nói đoạn quay sang trỏ vào lão Trương Phi Thiên.
Lúc bấy giờ ông ta đang nằm rên rĩ trên mặt đất, sắc mặt tái xanh không còn chút máu.
Trần Như Phong gật gù :
- Mi nói phải....
Thế rồi Đường Luân nhẹ nhàng lướt tới xử một thế Mãnh Hổ Tróc Ngưu, bế bổng lấy Trương Phi Thiên, gác ngang qua vai mình.
Trần Như Phong bước tới bên cạnh ông ta, thò bàn tay ra vuốt mạnh mấy cái thần tốc, sửa thẳng lại những khớp xương đã gãy, rồi thò ba ngón tay lên huyệt Chí Đường của hắn mà truyền nội lực vào.
Đang nằm thoi thóp, chợt nhờ sửa lại những khớp xương và nghe thấy một luồng hơi nóng truyền vào huyệt Chí Đường của mình, ông ta lần lần tỉnh lại.
Và nghe Trần Như Phong hỏi nhỏ qua mang tai của mình :
- Mi muốn giữ được tánh mạng thì hãy vâng theo lời ta....
Trương Phi Thiên giương cặp mắt lờ đờ, dường như đang hỏi Trần Như Phong có ý định gì?
Trần Như Phong ranh mãnh nói tiếp :
- Ta sẽ tặng cho mi một lọ Ngọc Hoàng Tiếp Cốt Cao để chữa lành vết thương, nhưng mi phải trao trả cho ta một điều kiện.
Nạn nhân thều thào hỏi :
- Điều kiện gì?
Trần Như Phong trả lời :
- Mi phải chỉ đường cho ta để lấy lại thanh bảo kiếm.
Trương Phi Thiên vùng sực nhớ lại, ngày hôm qua Cao Yến đã gọi thêm bốn đứa đàn em để bắt một con mồi và đồng thời tước được một thanh bảo kiếm.
Theo sự hiểu biết của Trương Phi Thiên thì thanh bảo kiếm này được Cao Yến hiện bây giờ đang giấu tại đan phòng của bà ta.
Nơi đây là một gian phòng chứa thuốc của Cao Yến, mà cũng là chỗ tối mật trong sào huyệt này.
May nhờ Trương Phi Thiên theo chân Cao Yến đã lâu lên rõ đường đi nước bước, thầm nghĩ với vết thương nặng nề trên khắp tứ chi, nếu không kịp thời điều trị e nguy cho tánh mạng. Chi bằng thừa dịp này mà đánh đổi thanh kiếm nọ với sanh mạng của mình.
Nghĩ đoạn, ông ta khẽ gật đầu tỏ vẻ đồng ý.
Hai tay của ông ta bấy giờ đã không thể cựa quậy, chỉ có thể dùng tròng đen của cặp mắt đảo qua đảo lại mà chỉ đường. Trần Như Phong bắt theo sắc mặt của lão mà đi theo dưới sự hướng dẫn xuyên qua cặp mắt của nạn nhân.
Quanh co qua những con đường hầm khúc khuỷu, địa thế càng đi càng sâu vào lòng đất nhưng đường sá có vẻ khang trang hơn phía ngoài nhiều. Trên đường thỉnh thoảng có những ngọn đèn dầu giăng mắc, làm cho lối đi sáng sủa, nhờ đó mà hai người áp giải nạn nhân yên lành đi về phía trước.
Chợt trước mặt bỗng nổi lên một tấm vách sừng sững, chẹn ngang lối đi.
Cả hai người, nhìn trân trối vào tấm vách mà tìm không được một chỗ mở. Trương Phi Thiên giương cặp mắt lờ đờ, liếc nhìn vào góc tường bên phía hữu.
Biết ý, Trần Như Phong vội vã nhìn theo cặp mắt của hắn, quả thật thấy nơi ấy có một vòng tròn nhỏ hiện lên.
Trần Như Phong bước tới thò bàn tay ấn mạnh vào ký hiệu đó. Lập tức có nhiều tiếng lách tách nho nhỏ vang lên, bức tường tách ra một ngõ nho nhỏ, vừa đủ một người chui lọt.
Trần Như Phong lắng tai nghe động tĩnh, thấy bên trong bốn bề vắng lặng, mới ra dấu cho Đường Luân vác nạn nhân đứng bên ngoài, còn ông ta nhẹ nhàng chui qua khe hở.
Vừa lọt vào bên trong, Trần Như Phong giật mình kinh hãi, vì rằng nơi ấy quả thật là một gian phòng luyện thuốc, không biết bao nhiêu là lọ, lọ to lọ nhỏ bày trí khắp cả gian phòng, trong ấy đựng thứ thuốc bằng nhiều màu khác nhau, ngoài mỗi lọ đều có dán tên thuốc.
Trần Như Phong nhìn quanh quất, cặp mắt của ông ta đảo khắp phòng để tìm thanh Hỏa Long thần kiếm.
Bỗng trên mặt ông ta hiện ra một nét mừng khôn tả, vì ông thấy nơi giữa phòng có đặt một đỉnh đồng to tướng, trong ấy đựng đầy một loại thuốc màu đỏ như son. Nơi giữa đỉnh đồng, chuôi thanh Hỏa Long thần kiếm ló lên phân nửa.
Thì ra Cao Yến sở dĩ thèm thanh kiếm quí này chỉ vì bà ta muốn được nó, để mang về luyện thuốc, vì cứ theo truyền thuyết thì thanh kiếm này được rèn đúc bằng một loại thép cực kỳ quí báu. Hơi thép này có thể hòa với một thứ thuốc mà chữa bịnh hủi rất tài tình.
Trần Như Phong cẩn thận thò tay ra nắm lấy chuôi gươm lôi ra khỏi đỉnh đồng. Thấy lưỡi gươm bấy giờ tỏa ánh sáng ngời, vì được nấu chung với một loại thuốc nên ánh thép càng thêm rực rỡ.
Thần kiếm qua tay, Trần Như Phong lại đảo mắt tìm xem vỏ kiếm, nhìn khắp gian phòng mà chẳng thấy.
Ông ta sực nhớ, vội dùng lưỡi gươm khuấy mạnh tận đáy đỉnh đồng, có tiếng va chạm vào nhau dưới đáy, ông ta vội dùng gươm vớt vật ấy lên.
Quả thật không ngoài sự ước đoán của Trần Như Phong, vật ấy chính là vỏ lưỡi Hỏa Long thần kiếm.
Xé một vạt áo của mình ra để lau sạch chất thuốc trên gươm, Trần Như Phong cẩn thận mang nó vào lưng, rồi sẽ lén bước trở ra ngoài.
Đường Luân nãy giờ đứng bên ngoài phập phồng thấp thỏm, chợt trông thấy Trần Như Phong trở ra, bên lưng có thanh Hỏa Long thần kiếm, bất giác lòng mừng khấp khởi.
Trần Như Phong ra dấu, bảo Trương Phi Thiên chỉ đường dẫn lối trở ra ngoài dưới sự chỉ dẫn bằng cặp mắt, hai người lại trổ ra theo một con đường hầm hôi tanh u ám.
Khi đến trước một cánh cửa đen ngòm, Đường Luân vừa mở một cánh cửa ra thì bên ngoài gió lạnh ùa vào, ngoài kia màn đêm thăm thẳm, lấm tấm ngàn sao.
Thì ra con đường này ăn sâu đến một khu rừng chồi gần đó.
Trần Như Phong bảo đặt nạn nhân xuống đất, ông ta lại dùng chỉ lực của mình, sửa khớp xương của Trương Phi Thiên lại một lần chót, đoạn thò tay vào túi móc ra một lọ thuốc.
Trần Như Phong vừa đổ thuốc ra thì một mùi thơm sực nức tràn lan khắp con đường hầm hôi hám. Ông ta thò tay hai ngón tay vào đó móc hết thuốc ra, rồi dùng một thủ pháp nhanh như gió, bôi hết lọ thuốc vào thân thể của Trương Phi Thiên.
Nạn nhân nghe thấy thuốc đi đến đâu thì mát rượi đến đó, đem đến cho cơ thể của hắn cảm giác thật là thoải mái.
Thuốc bôi khắp vết thương rồi, Trần Như Phong lại điểm thêm một loạt vào những yếu huyệt trên toàn thân của Trương Phi Thiên, đoạn phụ nhĩ vào tai hắn :
- Phiền mi nằm tại đây chờ đồng bọn đến giải cứu!
Nói đoạn nắm tay áo của Đường Luân, trổ thuật phi hành đi nhanh như giông gió, thoát khỏi đường hầm tối om mà dấn thân vào khoảng trời cao đất rộng.