- Thế thì sao? Không nên lấy làm mừng vì có bao nhiêu độc giả là có bấy nhiêu cách đọc ư?
- Cô không hiểu ý tôi rồi: làm gì có những độc giả và làm gì có những cách đọc.
- Nhưng có mà, có những cách đọc khác với quan niệm của ngài, chỉ vậy thôi. Tại sao chỉ duy nhất cách đọc của ngài là được chấp nhận?
- Ồ, được thôi, hãy ngừng ngay việc lải nhải cuốn giáo trình xã hội học. Vả lại, tôi muốn biết cái mà cuốn giáo trình xã hội học của cô sẽ tìm ra để bàn về tình huống mẫu do tôi tạo nên: một nhà văn-sát nhân công khai tự tố giác mình và không một độc giả nào đủ tinh ý để nhận ra điều ấy.
- Tôi cóc cần những quan điểm của các nhà xã hội học và tôi nghĩ, chính tôi đây, rằng một độc giả không phải là một tay cớm và rằng, nếu không ai gây phiền phức cho ngài kể từ khi cuốn sách được xuất bản thì đó là dấu hiệu tốt: nó có nghĩa là Fouquier-Tinville(1) đã hết thời, rằng mọi người đã mở mang đầu óc và rằng họ có khả năng thực hành cách đọc văn minh.
- Ừ, tôi hiểu rồi: cô thối nát, như những kẻ khác. Tôi thật ngớ ngẩn khi tin rằng cô khác với đám đông.
- Ôi chao, lẽ ra phải tin rằng tôi chỉ hơi khác họ một chút thôi, bởi lẽ trong đám phóng viên, tôi là người duy nhất đã đoán biết được sự thật.
- Cứ cho là cô thừa tinh ý và nhạy bén. Chỉ thế thôi. Cô thấy không, cô làm tôi thất vọng.
- Câu nói vừa rồi gần giống như một lời khen. Tôi có nên hiểu là, trong khoảng một vài tích tắc đồng hồ, tôi đã khiến ngài nảy ra một nhận xét tốt hơn?
- Cô tha hồ mà chế giễu nhé: quả đúng như vậy. Cô không thoát khỏi những thói hèn hạ của loài người, nhưng cô có một phẩm chất hết sức hiếm thấy.
- Tôi nóng lòng muốn biết phẩm chất đó là gì đấy.
- Tôi nghĩ đó là một phẩm chất thiên bẩm, và thật nhẹ cả người khi nhận ra rằng việc học hành ngớ ngẩn của cô đã không thể phá hỏng.
- Vậy phẩm chất đó là gì?
- Chí ít thì cô cũng biết đọc.
Im lặng.
- Cô bao nhiêu tuổi rồi, thưa quý cô?
- Ba mươi.
- Gấp đôi tuổi của Léopoldine khi cô ấy mất. Cô bé đáng thương của tôi, tình tiết giảm nhẹ của cô là ở chỗ ấy đấy: cô đã sống quá lâu.
- Sao kia! Tôi mà cần đến những tình tiết giảm nhẹ ấy à? Thế giới này đảo lộn mất rồi.
- Cô hãy hiểu cho là tôi đang tìm kiếm một lời giải thích: đang ngồi trước mặt tôi là một người có trí tuệ sắc sảo, và sẵn được tạo hóa phú cho một thiên tư hiếm có trong việc đọc. Thế nên tôi tự hỏi điều gì có thể làm hoen ố những năng khiếu tuyệt vời đến vậy. Cô vừa đưa ra cho tôi câu trả lời: đó chính là thời gian. Ba mươi năm, vậy là quá nhiều.
- Chính ngài, đã ở vào cái tuổi này rồi mà còn nói với tôi điều ấy sao?
- Tôi đã chết từ năm mười bảy tuổi rồi, thưa quý cô. Vả lại, đối với cánh đàn ông, sự thể không giống như vậy.
- Ra là thế cơ đấy.
- Trưng cái vẻ mỉa mai cay độc ấy ra chẳng ích gì đâu, cô bé ạ, cô biết thừa chuyện đó là đúng rồi còn gì.
- Cái gì mà đúng cơ chứ? Tôi muốn nghe ngài nói điều ấy thật rõ ràng.
- Mặc xác cô. Thì đấy, cánh đàn ông có quyền hưởng đủ thứ án treo. Phụ nữ thì không. Về điểm cuối cùng này, tôi thẳng thắn và dứt khoát hơn những người khác nhiều: phần lớn đàn ông bỏ bẵng phụ nữ ít nhiều một khoảng thời gian trước khi quên khuấy chúng, điều này còn hèn hạ hơn là giết quách chúng đi. Tôi thấy sự ngắt quãng này thật phi lý và thậm chí còn bất chính đối với đàn bà: vì sự gia hạn này, chúng tưởng rằng người ta cần chúng. Sự thật, đó là ngay từ lúc chúng trở thành đàn bà, ngay từ lúc chúng lìa bỏ tuổi thơ, chúng nên chết đi mới phải. Nếu đàn ông là những kẻ hào hoa phong nhã, họ đã phải giết chết chúng vào ngày đầu tiên chúng thấy kinh. Nhưng đàn ông không bao giờ lịch sự với phụ nữ cả, họ thích để những phụ nữ bất hạnh ấy phải chịu đựng hết đau khổ này đến đau khổ khác hơn là có lòng tử tế để trừ khử chúng. Tôi mới chỉ biết duy nhất một kẻ nam nhi có đủ cao thượng, đủ tôn kính, đủ tình thương, đủ chân thành và đủ lịch thiệp để làm điều đó.
- Ngài.
- Chính xác.
Nữ phóng viên ngửa đầu ra sau. Trận cười bùng phát, ngắt quãng, khàn khàn. Nó dần tăng tốc, mỗi nhịp mới lại leo lên quãng tám, cho đến lúc chuyển sang quãng năm, dồn dập, khiến người ta nghẹt thở. Đó là trận cười ngặt nghẽo ở giai đoạn lâm sàng.
- Chuyện đó làm cô mắc cười sao?
- ...
Trận cười giòn giã không cho nữ phóng viên có cơ hội thốt nên lời.
- Cơn cười ngặt nghẽo: lại thêm một căn bệnh của riêng đàn bà. Tôi chưa từng nhìn thấy người đàn ông nào cười đến thắt ruột như đàn bà vẫn làm trong những trường hợp tương tự. Cơn cười hẳn phải đến từ tử cung: tất cả những điều dơ dáy bậy bạ trên đời đều đến từ tử cung. Những cô bé không có tử cung, tôi nghĩ thế, hoặc giả nếu có đi nữa thì đó chỉ là một món đồ chơi, một thứ giả dạng tử cung. Ngay khi cái tử cung giả này trở thành thật, nên giết chết những cô bé, để tránh cho chúng chứng cuồng loạn khủng khiếp và thương tâm mà ngay lúc này cô đang là nạn nhân.
- Chà.
Cái câu “Chà” này là tiếng la ó bất bình của một cái bụng đã mệt nhoài, vẫn còn rung lắc bởi những cơn co thắt bệnh hoạn.
- Cô bé đáng thương. Người ta đã quá tàn nhẫn với cô. Vậy kẻ đểu giả đã không giết chết cô ngay ở tuổi dậy thì là ai vậy? Nhưng có lẽ vào thời điểm đó, cô không có một người bạn thực sự. Chao ôi, tôi e rằng Léopoldine là người duy nhất có được may mắn đó.
- Thôi đi, tôi không thể nuốt trôi những lời đó nữa đâu.
- Tôi hiểu được phản ứng của cô. Khám phá ra sự thật quá muộn màng, bỗng nhiên nhận ra nỗi thất vọng của bản thân, đó hẳn phải là một cú sốc ra trò. Tử cung của cô đang bận hứng lấy một trong những cú đánh này! Mụ đàn bà bé nhỏ tội nghiệp! Tạo vật đáng thương bị đám đàn ông chừa ra một cách đê hèn! Hãy tin rằng tôi đang động lòng trắc ẩn.
- Ngài Tach, ngài là nhân vật khiến người khác phải rối trí nhất và kỳ cục nhất mà tôi có dịp gặp gỡ.
- Kỳ cục ư? Tôi không hiểu.
- Tôi ngưỡng mộ ngài đấy. Đã có thể bịa ra một lý thuyết cùng lúc điên rồ và chặt chẽ như vậy, thật kinh khủng. Thoạt tiên, tôi đã nghĩ rằng sẽ phải nghe ngài kể những trò ngu ngốc tầm thường nhằm hạ nhục phụ nữ. Nhưng tôi đã đánh giá ngài quá thấp. Lời giải thích của ngài vừa tế nhị vừa quá đáng: chỉ cần hủy diệt tất cả phụ nữ, phải thế không?
- Dĩ nhiên. Nếu những mụ đàn bà này không tồn tại, mọi chuyện rốt cuộc sẽ tiến triển theo hướng có lợi cho đàn bà.
- Giải pháp này mới tài tình làm sao. Tại sao chưa từng ai nghĩ đến nó nhỉ?
- Theo ý tôi, người ta đã từng nghĩ đến nó, nhưng trước tôi chưa ai có đủ dũng khí thực thi dự án đó. Bởi lẽ xét cho cùng thì ý kiến này vừa tầm với bất cứ ai. Chủ nghĩa nữ quyền và sự chống chủ nghĩa nữ quyền là tai ương của giống người; phương thuốc chữa rất hiển nhiên, đơn giản, hợp logic: cần phải thủ tiêu đàn bà.
- Ngài Tach, ngài thật tài tình. Tôi khâm phục ngài và lấy làm hân hạnh vì đã được gặp ngài.
- Tôi sẽ khiến cô phải ngạc nhiên đây: tôi cũng vậy, tôi cũng rất bằng lòng vì được gặp cô.
- Ngài cứ nói đùa.
- Ngược lại thì có. Thoạt tiên, cô khâm phục con người thực của tôi chứ không phải vì những gì cô vẫn hình dung về tôi: đó là một điểm tốt. Sau nữa, tôi biết rằng mình sẽ giúp được cô rất nhiều, và điều đó làm tôi rất khoái trá.
- Giúp việc gì vậy?
- Sao kia, giúp việc gì ấy à? Từ giờ trở đi cô đã biết rồi còn gì.
- Tôi nên hiểu là ngài có ý định thủ tiêu cả tôi nữa, phải không?
- Tôi bắt đầu tin là cô cũng xứng đáng được như vậy.
- Lời khen to tát quá, ngài Tach ạ, và xin hãy tin là tôi đang bối rối vì lời khen đó, thế nhưng...
- Quả nhiên tôi thấy cô đang đỏ lựng cả người lên rồi đây này.
- Nhưng ngài chớ nên mất công làm vậy.
- Vì lẽ gì? Tôi nghĩ cô xứng đáng với phần thưởng đó. Cô tốt hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu của tôi. Tôi rất muốn giúp cô được chết.
- Tôi cảm động lắm, nhưng đừng làm gì hết; tôi không muốn vì tôi mà ngài gặp phiền phức.
- Coi nào, cô nhóc, tôi không sao đâu mà: tôi chỉ còn sống được có một tháng rưỡi nữa để gặp rắc rối thôi.
- Tôi không muốn danh tiếng để lại sau khi chết của ngài bị vấy bẩn vì lỗi lầm của tôi.
- Bị vấy bẩn ấy à? Tại sao danh tiếng để lại của tôi lại bị vấy bẩn bởi hành động tốt đẹp này? Ngược lại thì có! Mọi người sẽ nói: “Chưa đầy hai tháng trước khi qua đời, Prétextat Tach vẫn còn làm điều thiện.” Tôi sẽ là một gương sáng cho nhân loại noi theo.
- Ngài Tach ạ, nhân loại không hiểu được đâu.
- Than ôi, tôi e rằng cô lại thêm lần nữa vô lý rồi. Nhưng nhân loại hay danh tiếng của tôi đối với bản thân tôi cũng chẳng mấy quan trọng. Cô nên biết rằng tôi thích cô đến độ muốn mang đến, cho riêng cô, một sự giúp đỡ vô tư.
- Tôi nghĩ ngài đánh giá tôi quá cao mất rồi.
- Tôi không nghĩ vậy.
- Hãy mở to mắt ra, ngài Tach, ngài đã chẳng nói rằng tôi xấu xí, thộn, thối nát và đủ thứ khác hay sao? Và sự thực đơn giản rằng tôi là một người phụ nữ không đủ để làm tôi mất giá sao?
- Về mặt lý thuyết, tất cả những gì cô vừa nói là đúng. Nhưng thưa quý cô, một chuyện lạ lùng đang diễn ra: chỉ lý thuyết thôi thì không đủ. Tôi đang thể nghiệm một chiều kích khác của vấn đề, và tôi cảm nhận được những xúc cảm thú vị mà từ sáu mươi sáu năm nay tôi đã không còn biết tới.
- Hãy mở to mắt ra, ngài Tach, tôi không phải là Léopoldine.
- Không. Nhưng mà với cô ấy, cô không phải người lạ.
- Cô ấy xinh đẹp tuyệt trần, còn tôi, ngài thấy tôi xấu xí.
- Điều ấy không còn đúng hoàn toàn nữa. Sự xấu xí của cô không thiếu vẻ đẹp. Có những khoảnh khắc trông cô rất đẹp.
- Có những khoảnh khắc.
- Những khoảnh khắc ấy xuất hiện rất nhiều, thưa quý cô.
- Ngài thấy tôi ngớ ngẩn, ngài không thể thích tôi được.
- Tại sao cô nhất định phải hạ mình như thế nhỉ?
- Vì một nguyên nhân hết sức đơn giản: tôi không thiết tha gì với kết cục được ám sát bởi một nhân vật đoạt giải Nobel văn chương.
Lão già mắc chứng béo phì bỗng chốc có vẻ cụt hứng.
- Có lẽ cô thích một gã đoạt giải Nobel hóa học ra tay hơn chăng? lão già hỏi bằng một giọng lạnh lùng.
- Buồn cười thật. Tôi không thiết tha với kết cục bị ám sát cơ, ngài thấy đấy, dù kẻ ra tay là một nhân vật đoạt giải Nobel hay một tay chủ hiệu thực phẩm.
- Tôi có nên hiểu là cô muốn đích thân lựa chọn thời điểm kết thúc đời mình không?
- Nếu tôi có ý định tự sát, ngài Tach ạ, tôi đã thực hiện nó từ lâu rồi.
- Vậy đấy. Cô tưởng chuyện đó dễ thế sao?
- Tôi không tưởng gì hết, chuyện đó không liên quan đến tôi. Hãy tin là tôi không hề muốn chết.
- Cô cứ nói đùa.
- Vậy ra ham sống lại là sự bất thường đến thế sao?
- Không còn gì đáng khen bằng chuyện có ham muốn sống. Nhưng cô đâu có sống, cô ả ngu ngốc đáng thương! Và cô sẽ không bao giờ còn sống nữa! Cô không biết chuyện những bé gái chết đúng ngày bước vào tuổi dậy thì sao? Tệ nhất là chúng chết mà không biến mất. Chúng lìa bỏ sự sống không phải để trở về với những bến bờ đẹp đẽ của cái chết, mà là để bắt đầu phép chia khó chịu và nực cười của một động từ tầm thường và bẩn thỉu, và chúng không ngừng chia động từ này ở tất cả các thời và tất cả các thức, phân tích nó, phức hợp nó, không bao giờ thoát khỏi nó.
- Vậy thì động từ này là gì vậy?
- Cái gì đó giống như tái tạo, theo đúng nghĩa bẩn thỉu của thuật ngữ này - rụng trứng, nếu cô muốn. Đó không phải cái chết, không phải sự sống, cũng không phải trạng thái nào ở khoảng giữa. Cái đó không thể gọi bằng tên gì khác ngoài phụ nữ: có thể là từ điển chuyên ngành, với dã tâm đã thành thông lệ, đã muốn tránh gọi tên một sự đê hèn tương tự.
- Dựa vào đâu mà ngài dám tự nhận mình biết thế nào là cuộc sống của một phụ nữ?
- Sự không sống của một phụ nữ.
- Sống hay không sống thì ngài cũng chẳng biết gì về chuyện đó hết.
- Thưa quý cô, cô nên biết rằng những nhà văn vĩ đại luôn có một khả năng tiếp cận trực tiếp và phi thường vào cuộc sống của những người khác. Họ không cần phải thực hiện thuật khinh công, cũng không cần lục lọi trong đống tài liệu lưu trữ để thâm nhập thế giới tinh thần của mọi người. Họ chỉ cần lấy một tờ giấy và một cây bút để phác lại những suy nghĩ của người khác.
- Ngài thấy rồi đấy. Quý ngài thân mến, tôi tin rằng mánh khóe của ngài đã thất bại thảm hại, nếu tôi có thể đưa ra nhận định thông qua sự ngu xuẩn của những kết luận ngài đưa ra.
- Cô ả ngốc nghếch đáng thương. Cô đang cố nhồi nhét vào đầu tôi thứ gì vậy? Hay đúng hơn, cô đang cố nhồi nhét vào đầu mình thứ gì vậy? Rằng cô đang hạnh phúc ư? Tự ám thị cũng phải có giới hạn chứ. Mở to mắt ra mà xem! Cô đâu có được hạnh phúc, cô đâu có sống.
- Ngài thì biết gì về chuyện ấy?
- Câu hỏi này phải được đặt ra với chính cô mới đúng. Làm sao cô có thể biết mình có đang sống hay không, có đang hạnh phúc hay không? Thậm chí cô còn không biết thế nào là hạnh phúc. Nếu cô từng sống qua thời thơ ấu của mình nơi địa đàng trần gian, giống như Léopoldine và tôi...
- Ồ, thế đấy, hãy thôi tự coi mình là một trường hợp ngoại lệ đi. Mọi đứa trẻ đều hạnh phúc cơ mà.
- Tôi không dám chắc thế đâu. Điều chắc chắn, đó là không một đứa trẻ nào từng được hạnh phúc như cô bé Léopoldine và cậu bé Prétextat.
Cái đầu của nữ phóng viên lại ngửa ra sau lần nữa và trận cười lại bùng lên, ám ảnh.
- Tử cung của cô lại giở cái trò ấy đấy. Thôi nào, tôi đã nói điều gì khôi hài đến thế sao?
- Cho tôi xin lỗi nhé, là vì những cái tên... nhất là tên của ngài!
- Tên thế thì sao? Cô thấy tên tôi có gì đó đáng chê trách à?
- Đáng chê trách thì không. Nhưng tên là Prétextat! Nghe như chuyện đùa ấy. Tôi tự hỏi hai vị thân sinh ra ngài nghĩ gì vào cái ngày họ quyết định đặt cho ngài cái tên ấy.
- Tôi cấm cô không được phán xét cha mẹ tôi. Và quả thực tôi không thấy cái tên Prétextat có gì đáng cười đến thế. Đó là một cái tên Cơ Đốc giáo.
- Thật thế sao? Như vậy lại còn buồn cười hơn.
- Cô đừng có chế nhạo tôn giáo như vậy, con mụ miệng lưỡi báng bổ kia. Tôi sinh nhằm ngày 24 tháng Hai, ngày Thánh Prétextat; cha mẹ tôi vì nhất thời thiếu cảm hứng đặt tên, đã thuận theo quyết định này của tờ lịch.
- Trời! Vậy ra nếu ngài sinh nhằm mardi gras(1)_, họ sẽ đặt tên ngài là Mardi-Gras, hay là Gras cụt lủn vậy sao?
- Thôi ngay trò báng bổ này đi, cô ả hèn hạ kia! Kẻ dốt nát ạ, cô nên biết rằng Thánh Prétextat là tổng giám mục vùng Rouen vào thế kỷ thứ sáu, và là người bạn lớn của Grégoire de Tours, đó là một con người cừ khôi, dĩ nhiên cô chưa bao giờ nghe nhắc đến. Chính nhờ Prétextat mà mới có những người thuộc dòng vua Mérové, bởi chính ngài đã kết hôn với nàng Mérovée xứ Brunehaut, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Tất cả những chuyện này để cô hiểu rằng cô không được cười nhạo một cái tên lừng lẫy đến vậy.
- Tôi không thấy những lời giải thích chi tiết về lịch sử của ngài có thể khiến cái tên ngài mang đỡ lố hơn ở điểm nào. Tương tự, cái tên của cô em họ ngài cũng chẳng khá hơn là bao.
- Gì kia! Cô dám cười nhạo cả tên của em họ tôi sao? Tôi cấm cô làm thế! Cô là một con quái vật tầm thường và bất nhã! Léopoldine là cái tên đẹp nhất, cao quý nhất, duyên dáng nhất, thống thiết nhất từng được đặt.
- Ra thế đấy.
- Chứ sao nữa! Tôi chỉ biết duy nhất một cái tên có thể sánh ngang Léopoldine: đó là Adèle.
- Vậy hả.
- Đúng thế. Lão già Hugo có nhiều khuyết điểm thật, nhưng có một điều sẽ không ai có thể tước đi của lão: đó là một người đàn ông rất có phong cách. Ngay cả khi tác phẩm của lão hỏng vì dã tâm thì chúng vẫn cứ đẹp và vĩ đại. Và lão ta đã đặt cho hai cô con gái hai cái tên tuyệt vời nhất. So với Adèle và Léopoldine, tất cả những cái tên dành cho nữ giới đều xoàng xĩnh đến thảm hại.
- Đó là vấn đề sở thích.
- Không đâu, cô ả đần độn! Ai thèm quan tâm đến sở thích của những người như cô, của tầng lớp bình dân, của đám vô lại, của lũ hèn hạ, của hạng tầm thường? Chỉ sở thích của những thiên tài như Victor Hugo và tôi là đáng kể thôi. Thêm nữa, Adèle và Léopoldine là những cái tên Cơ Đốc giáo.
- Thế thì sao?
- Tôi thấy quý cô đây thuộc lớp dân đen kiểu mới, những kẻ ưa thích những cái tên nghịch đạo. Cô thuộc loại người sẽ đặt tên các con mình là Krishna, Élohim, Abdallah, Tchang, Empédocle, Sitting Bull hay Akhénaton, phải không nào? Lố bịch. Tôi thì tôi thích những cái tên Cơ Đốc giáo. Mà tên cô là gì ấy nhỉ?
- Nina.
- Cô nhóc đáng thương.
- Ngài nói cô nhóc đáng thương nghĩa là sao?
- Lại thêm một người nữa không mang tên Adèle, cũng chẳng mang tên Léopoldine. Thế giới này thật bất công, cô không thấy thế sao?
- Ngài có thôi huyên thuyên ngay đi không?
- Huyên thuyên ấy à? Nhưng không gì là quan trọng nữa rồi. Không được mang tên Adèle hay Léopoldine, đó là một sự bất công cơ bản, một bi kịch chủ yếu, nhất là đối với cô, người đã bị đặt cho cái tên nghịch đạo dị hợm này...
- Tôi phải ngắt lời ngài: Nina là một cái tên Cơ Đốc giáo. Ngày Thánh Nina nhằm ngày 14 tháng Giêng, ngày ngài tiếp cuộc phỏng vấn đầu tiên.
- Dù sao tôi cũng tự hỏi cô đang tìm cách chứng minh điều gì với một sự trùng hợp vô nghĩa như thế.
- Không vô nghĩa đến thế đâu. Tôi đi nghỉ về đúng ngày 14 tháng Giêng, chính vào hôm đó tôi được biết về cái chết gần kề của ngài.
- Thế thì sao? Cô tưởng là chuyện đó sẽ tạo ra những mối liên hệ giữa chúng ta à?
- Tôi chẳng tưởng gì cả, nhưng vừa cách đây vài phút, ngài nói với tôi những lời hết sức lạ đời.
- Đúng vậy, tôi đã đánh giá cô quá cao. Từ đó cô làm tôi thất vọng quá nhiều. Và cái tên của cô đối với tôi là một sự sụp đổ. Bây giờ cô không còn là gì trong mắt tôi nữa.
- Ngài sẽ thấy tôi vui vì chuyện đó, vậy thì tôi sẽ thoát chết.
- Thoát khỏi sự không được sống thì đúng hơn. Cô sẽ làm gì với nó?
- Đủ thứ chuyện: ví như kết thúc cuộc phỏng vấn này.
- Hay thật. Trong khi tôi đã có thể, với lòng tốt của mình, đảm bảo cho cô một sự tôn sùng tuyệt vời đến thế!
- Nhân tiện nói đến chuyện ấy, ngài sẽ làm thế nào để giết tôi nhỉ? Ám sát một cô gái thương người, khi người ta là một cậu con trai mười bảy tuổi nhanh nhẹn hoạt bát thì dễ thôi. Nhưng với một lão già liệt bại, ám sát một phụ nữ trẻ có thái độ thù địch, hẳn là một việc kỳ dị khó tin.
- Bằng sự ngây ngô của mình, tôi nghĩ rằng cô không có thái độ thù địch. Già cả, béo phì và liệt bại sẽ không cản trở tôi nếu cô yêu tôi giống như Léopoldine từng yêu, nếu cô đồng thuận giống như cô ấy từng làm trước đây...
- Ngài Tach, tôi cần ngài nói với tôi sự thật: Léopoldine đã thực sự ưng thuận chuyện đó và ý thức được hành động của mình chứ?
- Nếu được chứng kiến thái độ ngoan ngoãn cô ấy thể hiện khi để mặc chuyện ấy xảy ra, cô sẽ không đặt cho tôi câu hỏi đó.
- Vẫn nên biết tại sao cô ấy lại ngoan ngoãn đến thế: ngài đã cho cô ấy uống nhiều thuốc, kích thích, mắng mỏ hay đánh đập cô ấy?
- Không, không, không và không. Tôi yêu cô ấy, như vẫn luôn yêu cô ấy. Điều đó là quá đủ. Tình yêu đó có một phẩm chất mà cô cũng như bất cứ ai khác sẽ không bao giờ biết đến. Vì nếu đã biết, cô sẽ không đặt ra cho tôi những câu hỏi ngu ngốc này.
- Ngài Tach, ngài không thể hình dung một phiên bản khác cho câu chuyện này à? Hai người yêu nhau, chuyện ấy thì đã rõ. Nhưng chuyện ấy không kéo theo chuyện Léopoldine muốn chết. Nếu cô ấy để mặc chuyện đó xảy ra, có lẽ chỉ là vì tình yêu dành cho ngài, chứ không phải vì có ý muốn chết.
- Cũng thế cả thôi.
- Không phải cũng thế đâu. Có lẽ cô ấy yêu ngài đến mức không muốn trái ý ngài.
- Trái ý tôi ấy à! Tôi hâm mộ thứ từ vựng đôi lứa thường dùng khi tranh cãi mà cô sử dụng để diễn đạt một thời điểm trừu tượng đến thế.
- Trừu tượng với ngài, có lẽ không trừu tượng với cô ấy. Thời điểm ngài được sống với niềm vui ngây ngất, có lẽ cô ấy đã trải qua với sự cam chịu nhẫn nhục.
- Nghe này, tôi đang ở vị trí thuận lợi hơn cô để biết chuyện ấy, không đúng thế sao?
- Giờ đến lượt tôi trả lời ngài rằng không có gì kém chắc chắn hơn thế.
- Khốn thật! Cô hay tôi là nhà văn thế?
- Là ngài, và chính bởi lý do này mà tôi không sao tin được ngài.
- Và nếu tôi dùng lời thuật lại cho cô nghe mọi chuyện, cô sẽ tin tôi chứ?
- Tôi không rõ. Ngài cứ thử xem nào.
- Ôi chao, không dễ đâu. Nếu tôi đã viết lại thời điểm ấy, thì đó là do không thể nói ra lời. Chữ viết bắt đầu chính tại nơi lời nói ngừng lại, bước chuyển từ khó nói thành có thể nói ra luôn là một bí ẩn lớn. Lời nói và chữ viết nối tiếp nhau chứ không bao giờ cắt nga adc ng nhau.
- Đây là những nhận xét rất đáng nể, ngài Tach ạ, nhưng tôi xin nhắc để ngài nhớ, vấn đề ở đây là tội sát nhân chứ không phải văn học.
- Có sự khác biệt sao?
- Sự khác biệt giữa tòa đại hình và Viện Hàn lâm Pháp, tôi cho là vậy.
- Giữa tòa đại hình và Viện Hàn lâm Pháp chẳng có sự khác biệt nào hết.
- Nghe thú vị đấy, nhưng ngài lạc đề mất rồi, ngài thân mến ạ.
- Cô nói đúng. Nhưng kể lại chuyện đó ấy à! Cô có nhận thấy là đời tôi chưa bao giờ nhắc đến chuyện đó không?
- Cái gì cũng cần có bước khởi đầu.
- Đó là ngày 13 tháng Tám năm 1925.
- Đó là bước khởi đầu tuyệt hảo.
- Đó là sinh nhật Léopoldine.
- Sự trùng hợp mới thú vị làm sao.
- Cô có câm miệng lại không? Cô không nghĩ là tôi bị dằn vặt khi phải nói ra những lời này sao?
- Tôi thấy, và tôi vui vì chuyện đó. Tôi thấy nhẹ cả người khi nghĩ rằng sáu mươi sáu năm sau, ký ức về tội ác của ngài rốt cuộc đã hành hạ ngài.
- Cô thật ti tiện và thù dai như tất cả những mụ đàn bà khác. Cô đã có lý khi nói rằng Hồi ức của kẻ sát nhân chỉ có hai nhân vật nữ: bà tôi và mợ tôi. Léopoldine không phải một nhân vật nữ, cô ấy là - cô ấy luôn là như vậy - một đứa trẻ, một sinh vật huyền diệu, vượt lên phạm trù giới tính.
- Nhưng không vượt lên phạm trù tính dục, theo những gì tôi có thể hiểu khi đọc tác phẩm của ngài.
- Chỉ hai đứa chúng tôi biết rằng không nhất thiết phải dậy thì mới có thể làm tình, ngược lại thì có: tuổi dậy thì sẽ làm hỏng tất cả. Nó làm giảm sự phấn hứng và khả năng đạt đến cực khoái, thả lỏng. Không ai có thể làm tình giỏi như con trẻ.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !