Hồi ức kẻ sát nhân Chương 12


Chương 12
Vậy là ngài đã từ bỏ hành động dìm chết để tránh một sự quy chiếu. Nhưng lựa chọn hành động siết cổ cũng đặt ngài vào những sự quy chiếu khác.

- Mỗi việc chỉ cần làm một lần duy nhất là đủ - nhưng phải có chiều sâu - để không ngừng làm đi làm lại chuyện đó cả đời mình. Muốn đạt mục đích ấy, thì cảnh mấu chốt này nhất thiết phải là một sự hoàn mỹ. Cái gã người Nhật không biết điều đó thì phải, hoặc giả gã hết sức vụng về, bởi cảnh siết cổ của gã xấu tệ, thậm chí còn nực cười: cô gái bóp cổ trông cứ như đang ra sức bơm xe, còn gã trai bị siết cổ có vẻ như bị đè bẹp bởi một cỗ xe lu. Trong khi cảnh siết cổ của tôi lại là một cảnh tượng huy hoàng, cô có thể tin lời tôi.

- Tôi không nghi ngờ chuyện đó. Tuy nhiên, tôi vẫn tự đặt ra cho mình một câu hỏi: tại sao ngài chọn siết cổ? Nếu xét đến địa điểm nơi hai người có mặt, một vụ chết đuối sẽ logic hơn nhiều. Vả chăng, đó là lời giải thích ngài đã đưa ra với cha mẹ của cô em họ, khi ngài mang xác chết về - lời giải thích rất thiếu độ tin cậy, nếu căn cứ vào những dấu vết để lại quanh cổ. Vậy thì tại sao ngài không đơn giản là dìm chết đứa trẻ?

- Câu hỏi xuất sắc. Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó, vào ngày 13 tháng Tám năm 1925 ấy. Tôi phản xạ rất nhanh. Tôi tự nhủ rằng nếu tất cả những cô gái tên là Léopoldine phải chết đuối, thì chuyện đó sẽ biến thành phương thức, thành quy luật phổ quát và sẽ trở nên hơi tầm thường. Chưa kể là danh tiếng của lão Hugo có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi trò đạo văn hèn hạ này.

- Vậy là ngài đã từ bỏ hành động dìm chết để tránh một sự quy chiếu. Nhưng lựa chọn hành động siết cổ cũng đặt ngài vào những sự quy chiếu khác.

- Đúng vậy, song tuy thế, lý do này không được tính. Không, điều đã khiến tôi đưa ra quyết định siết cổ cô em họ trước nhất là vẻ đẹp của cổ cô ấy. Nhìn từ gáy cũng đẹp như nhìn từ cổ họng, đó là một cái cổ tuyệt vời, dài và mềm mại, đường nét tuyệt đẹp. Thanh tú vô ngần! Để siết cổ tôi, cần phải có đến hai đôi bàn tay. Với một cái cổ thanh mảnh như cổ cô ấy, sự ghì siết mới thật dễ dàng làm sao!

- Nếu cô ấy không có một cái cổ xinh xắn, ngài đã không siết cổ cô ấy chứ gì?

- Tôi không rõ. Có lẽ dù sao chăng nữa, tôi sẽ vẫn làm chuyện đó, bởi vì tôi rất ưa hành động bằng chân tay. Trong khi siết cổ lại là hành động giết người liên quan trực tiếp đến tay. Siết cổ mang lại cho đôi bàn tay một cảm giác khoái lạc trọn vẹn không gì sánh bằng.

- Ngài thấy rõ rằng ngài đã làm chuyện đó để phục vụ ý thích cá nhân. Tại sao lại còn ra sức thuyết phục tôi rằng ngài đã siết cổ cô ấy để giải thoát cho cô ấy?

- Cô bé thân mến, cô có lý do để không hiểu gì hết về thần học. Tuy nhiên, vì tự nhận là đã đọc trọn bộ tiểu thuyết của tôi, lẽ ra cô nên hiểu mới phải. Tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết rất hay tên là Sự gia ân đồng phát, mô tả sự xuất thần mê li mà Chúa tạo ra trong mỗi hành động của Người, khiến những hành động đó luôn được ca tụng. Khái niệm ấy không phải do tôi bịa ra vì tất cả những người sùng tín đích thực đều biết đến nó. Thế đấy, trong lúc siết cổ Léopoldine, cảm giác thích thú của tôi chính là sự gia ân đồng phát đối với sự giải thoát cho người tôi yêu dấu.

- Rốt cuộc ngài muốn nói với tôi rằng Hồi ức của kẻ sát nhân là một cuốn tiểu thuyết mang chủ đề Công giáo.

- Không. Đó là một cuốn tiểu thuyết mang tính cảm hóa.

- Vậy thì hãy kết thúc sự cảm hóa dành cho tôi đi, và kể tôi nghe cảnh cuối cùng.

- Tôi sắp kể đến đoạn ấy đây. Mọi việc đã diễn ra với sự giản dị của những kiệt tác. Léopoldine ngồi trên đầu gối tôi, mặt đối mặt. Hãy để ý, quý cô lục sự ạ, rằng cô ấy làm điều đó theo sáng kiến của riêng mình.

- Điều đó chẳng chứng minh được gì hết.

- Cô cho là cô ấy đã bị bất ngờ khi tôi chộp tay quanh cổ cô ấy, khi tôi siết chặt gọng kìm ấy chăng? Không hề. Chúng tôi cười với nhau, hai mắt nhìn nhau đắm đuối. Đó không phải một cuộc chia ly bởi chúng tôi đã cùng nhau chết. Tôi, đó là cả hai chúng tôi.

- Nghe mới lãng mạn làm sao.

- Không phải vậy sao? Cô sẽ không bao giờ có thể hình dung ra Léopoldine xinh đẹp đến thế nào, nhất là vào khoảnh khắc đó. Không nên siết cổ những kẻ rụt cổ so vai, làm thế chẳng thẩm mỹ chút nào. Ngược lại, sự siết cổ hợp với những chiếc cổ dài duyên dáng.

- Cô em họ của ngài hẳn phải là một nạn nhân bị siết cổ cực kỳ duyên dáng.

- Rất mực duyên dáng. Giữa hai bàn tay mình, tôi cảm thấy độ mảnh dẻ của những mẩu xương sụn, chúng dần dần gãy vụn.

- Ai giết người qua đường xương sụn cũng sẽ chết qua đường xương sụn.

Lão già mắc chứng béo phì sửng sốt nhìn nữ phóng viên chòng chọc.

- Cô đã nghe thấy điều cô vừa nói rồi chứ?

- Tôi cố tình nói vậy mà.

- Thật lạ lùng! Cô là thầy bói chắc. Làm sao tôi lại không nghĩ ra chuyện ấy kia chứ? Chúng ta đã biết rằng hội chứng Elzenveiverplatz là chứng ung thư của những kẻ sát nhân, nhưng chúng ta còn thiếu một lời giải thích: chính là điều cô vừa nói! Mười tay tù khổ sai ở Cayenne chắc chắn đã đổ trách nhiệm cho những mẩu xương sụn của các nạn nhân. Đức Chúa trời đã răn dạy: Vũ khí của kẻ sát nhân luôn quay ra chống lại chúng. Nhờ có cô, thưa quý cô, rốt cuộc tôi cũng biết được lý do tại sao tôi lại mắc chứng ung thư sụn! Tôi đã nói rồi đấy thôi, thần học là khoa học của mọi khoa học!

Tiểu thuyết gia có vẻ đã đạt đến trạng thái xuất thần nhập định về trí tuệ của nhà bác học, người sau hai mươi năm tìm kiếm, cuối cùng đã phát hiện ra sự liên kết chặt chẽ trong hệ thống của mình. Ánh mắt ông bóc trần cái vô hình tuyệt đối nào đó trong khi vầng trán nung núc mỡ của ông nhỏ giọt như một màng nhầy.

- Tôi vẫn đang đợi phần kết của câu chuyện, ngài Tach ạ.

Người phụ nữ mảnh mai ngắm nghía nét mặt sáng rỡ của lão già mập với vẻ ghê tởm.

- Phần kết của câu chuyện này ư, thưa quý cô? Nhưng câu chuyện này đâu có kết thúc, nó chỉ mới bắt đầu thôi! Chính cô vừa giúp tôi hiểu được điều này. Những mẩu sụn, khớp tiêu biểu nhất nhé! Khớp của cơ thể nhưng nhất là khớp của câu chuyện này!

- Không phải ngài đang mê sảng đấy chứ?

- Mê sảng, đúng vậy, mê sảng về sự liên kết cuối cùng cũng được tìm ra! Nhờ có cô, thưa quý cô, cuối cùng tôi sẽ có thể viết phần tiếp theo và có lẽ là phần kết của cuốn tiểu thuyết này. Phía dưới nhan đề Hồi ức của kẻ sát nhân, tôi sẽ viết thêm một phụ đề: “Câu chuyện về những mẩu sụn.” Di ngôn hay nhất trần đời, cô không thấy thế sao? Nhưng phải mau lên mới được, tôi còn quá ít thời gian để viết nó! Chúa ơi, mới khẩn cấp làm sao! Quyết định mới tối hậu làm sao!

- Ngài muốn sao cũng được, nhưng trước khi viết thêm, ngài nên kể cho tôi nghe phần kết của ngày 13 tháng Tám năm 1925 đó.

- Đó sẽ không phải là phần viết thêm, đó sẽ là một sự đan cài giữa quá khứ và hiện tại! Hãy hiểu tôi: những cái xương sụn là mắt xích còn thiếu của tôi, những cái khớp kép cho phép đi từ đằng sau ra trước nhưng cũng cho phép đi từ đằng trước ra sau, cho phép tiếp cận toàn bộ thời gian, tiếp cận sự vĩnh hằng! Cô hỏi tôi phần kết của ngày 13 tháng Tám năm 1925 ấy? Nhưng ngày 13 tháng Tám năm 1925 ấy không có phần kết, bởi vì sự vĩnh hằng đã bắt đầu kể từ ngày hôm đó. Tương tự như vậy, ngày hôm nay, cô nghĩ rằng chúng ta đang ở ngày 18 tháng Giêng năm 1991, cô nghĩ bây giờ đang là mùa đông và quân đội của chúng ta đang chiến đấu tại vùng Vịnh. Sai lầm thật tầm thường! Lịch đại đã dừng lại từ sáu mươi lăm năm rưỡi nay rồi! Chúng ta đang ở giữa mùa hè và tôi là một bé trai kháu khỉnh.

- Trông chẳng giống thế tí nào.

- Đó là bởi cô chưa nhìn kỹ tôi đấy thôi. Hãy nhìn đôi bàn tay tôi mà xem, đôi bàn tay tuyệt đẹp của tôi, tuyệt thanh mảnh của tôi.

- Tôi phải công nhận rằng điều đó là đúng. Ngài mắc chứng béo phì và dị dạng, nhưng ngài đã giữ được đôi bàn tay búp măng thon dài, đôi bàn tay của con chiên ngoan đạo.

- Không phải thế sao? Dĩ nhiên, đó là một dấu hiệu: trong câu chuyện này, đôi bàn tay tôi đã đóng một vai trò quá lớn. Từ ngày 13 tháng Tám năm 1925, đôi tay này đã không bao giờ ngừng siết cổ. Cô không thấy là ngay lúc này, khi đang tiếp chuyện cô, tôi vẫn đang siết cổ Léopoldine hay sao?

- Không.

- Nhưng có đấy. Hãy nhìn đôi bàn tay tôi. Hãy nhìn những đốt ngón tay siết chặt quanh cổ con thiên nga, hãy nhìn những ngón tay bóp những đốt sụn, xuyên thấu cấu tạo xốp, cấu tạo xốp này sẽ trở thành nguyên bản.

- Ngài Tach, tôi bắt quả tang ngài đang sử dụng phép ẩn dụ.

- Đó đâu phải một phép ẩn dụ. Nguyên bản là cái gì chứ, nếu không phải là một cái sụn bằng lời suông khổng lồ?

- Đó vẫn là một phép ẩn dụ, dù ngài có muốn hay không.

- Nếu cô xét mọi sự trong tổng thể của nó, như tôi đang làm lúc này đây, cô sẽ hiểu thôi. Phép ẩn dụ là một sự hư cấu cho phép con người xác lập mối liên kết giữa những mảnh ý niệm của họ. Khi những mảnh nhỏ này biến mất, những phép ẩn dụ không còn chút ý nghĩa nào nữa. Cô nhóc mù quáng đáng thương ạ! Có thể một ngày kia cô sẽ tiếp cận được với tính tổng thể này và sẽ được mở mắt, như tôi rốt cuộc đã được mở mắt, sau sáu mươi lăm năm rưỡi trời mù quáng.

- Ngài không cần một viên thuốc an thần đấy chứ, ngài Tach? Tôi trông ngài có vẻ đang bị kích động trầm trọng đấy.

- Chứ còn gì nữa. Tôi đã quên rằng người ta có thể hạnh phúc đến mức này.

- Ngài có lý do nào để mà hạnh phúc đây?

- Tôi đã nói với cô rồi còn gì: tôi đang siết cổ Léopoldine.

- Và chuyện đó khiến ngài vui sướng?

- Chứ còn sao nữa! Cô em họ tôi sắp lên đến thiên đàng. Đầu cô ấy ngật về đằng sau, khuôn miệng xinh xắn của cô ấy hé mở, đôi mắt mênh mang của cô ấy nuốt lấy cái vô tận, nếu không phải là ngược lại, gương mặt của cô ấy là một nụ cười rạng rỡ, và thế là, cô ấy chết, tôi buông tay, tôi thả cho xác cô ấy trượt xuống lòng hồ, nó nổi ngửa - đôi mắt cô ấy ngây ngất nhìn trời, sau đó Léopoldine trôi đi và biến mất.

- Ngài sẽ vớt cô ấy lên chứ?

- Không phải ngay lập tức. Thoạt tiên, tôi suy ngẫm về việc mình đã làm.

- Ngài hài lòng về mình chứ?

- Đúng vậy. Tôi cười phá lên.

- Ngài cười ấy à?

- Đúng vậy. Tôi nghĩ thông thường những kẻ sát nhân vẫn khiến người khác phải đổ máu, trong khi tôi đây không làm nạn nhân của mình đổ đến một giọt máu, tôi đã giết cô ấy để ngăn chặn cô ấy xuất huyết, để trả cô ấy về với sự bất tử nguyên thủy và không vấy máu. Một nghịch lý như vậy đã khiến tôi phì cười.

- Ngài có một khiếu hài hước lạc lõng đến lạ lùng.

- Sau đó, tôi nhìn mặt hồ, gió đã xóa sạch những xoáy nước cuối cùng gợn lên khi xác Léopoldine chìm xuống. Và tôi nghĩ rằng lớp vải liệm này rất xứng với cô em họ của mình. Tôi bỗng nhớ đến vụ chết đuối của Villequier và nhớ đến câu khẩu hiệu: “Hãy chú ý, Prétextat, không lặp lại, không rập khuôn kẻ khác.” Thế nên tôi lặn xuống, tôi lặn xuống tận đáy hồ màu lục nhạt nơi cô em họ đang đợi tôi, vẫn thật gần gũi với tôi và trở nên bí hiểm giống như một di tích chìm dưới đáy nước. Những lọn tóc dài của cô ấy phấp phới phía trên khuôn mặt, và cô ấy nở một nụ cười bí hiểm thường thấy trên các cột tượng.

Im lặng dài dặc.

- Rồi sau đó?

- Ồ, sau đó... Tôi đưa cô ấy lên mặt nước và ôm thân thể cô ấy nhẹ bẫng, mềm oặt như một cọng tảo trong tay. Tôi mang cô ấy về lâu đài, nơi tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì sự xuất hiện của hai cơ thể trần trụi. Họ nhanh chóng nhận ra rằng Léopoldine còn trần trụi hơn tôi nhiều. Còn gì có thể trần trụi hơn một cái xác cơ chứ? Thế là bắt đầu những biểu lộ tình cảm đến là nực cười, những tiếng kêu la, những giọt nước mắt, những tiếng rên rỉ than van, những lời nguyền rủa chống lại số phận và chống lại thái độ dửng dưng của tôi, nỗi tuyệt vọng - một cảnh tượng vô vị và chướng mắt chỉ xứng với một văn sĩ quèn hạng bét: ngay khi tôi không còn là người xếp đặt, mọi chuyện bắt đầu chuyển sang hướng dở nhất.

- Ngài có thể hiểu nỗi tuyệt vọng của những người này, và nhất là của cha mẹ nạn nhân.

- Nỗi tuyệt vọng, nỗi tuyệt vọng... Tôi cho rằng nói vậy là hơi quá lời mất rồi. Đối với họ, Léopoldine chỉ là một ý niệm đẹp và hoa mỹ. Họ hầu như không nhìn thấy cô ấy bao giờ. Từ trước đó ba năm, chúng tôi hầu như toàn sống trong rừng, họ đã không lo lắng đến thế kia mà. Cô biết đấy, những người chủ lâu đài này sống trong một thế giới hình ảnh hết sức ước lệ; trong trường hợp đang nói tới, họ đã hiểu được rằng chủ đề của cảnh này là “xác của đứa trẻ chết đuối được trả về cho cha mẹ nó”. Cô có thể hình dung ra các trích đoạn ngây ngô của Shakespeare và của Hugo vẫn khiến những con người tử tế này xúc động. Cô gái mà họ khóc thương không còn là Léopoldine de Planèze de Saint-Sulpice nữa, mà là Léopoldine Hugo, mà là Ophélie, mà là tất cả những kẻ ngây thơ vô tội đã chết đuối trên thế giới này. Đối với họ, đứa trẻ linh thiêng là một cái xác trừu tượng, thậm chí người ta có thể nói rằng cô ấy là một hiện tượng văn hóa thuần túy, và bằng cách khóc lóc than van, họ chỉ chứng tỏ rằng năng lực cảm giác trong họ đã được xóa mù triệt để. Không, kẻ duy nhất biết Léopoldine thật sự, kẻ duy nhất có được những lý do cụ thể để khóc thương cho cái chết của cô ấy, chính là tôi.

- Nhưng ngài đã không làm thế.        

- Với tư cách là một kẻ sát nhân mà nói, thì khóc thương cho nạn nhân của mình sẽ là thiếu kiên trì. Vả lại, tôi ở vào vị trí thích hợp để biết rằng cô em họ của mình đã được hạnh phúc, hạnh phúc mãi mãi. Thế nên tôi tươi cười và thanh thản giữa đám đông than van náo loạn ấy.

- Về sau, ngài đã bị chê trách vì thái độ ấy, tôi cho là vậy.

- Cô nói đúng.

- Tôi buộc phải tự bằng lòng với giả thiết nói trên, bởi lẽ cuốn tiểu thuyết của ngài đã không nhắc thêm về chuyện này.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30138


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận