Hồi ức kẻ sát nhân Chương 7


Chương 7
Cô đã có được chiến công của mình rồi đấy. Cô còn cần gì nữa nào? Cô còn muốn tôi ký cho cô một tờ chứng thực hay sao?

- Cô là ai? Cô làm cái quái gì ở đây?                     

- Hôm nay là 18 tháng Giêng, ngài Tach ạ, và đó là ngày tôi được phân cho để gặp gỡ ngài.

- Các đồng nghiệp của cô chưa nói với cô là...  

- Tôi chưa gặp những người đó. Tôi không có bất kỳ mối liên hệ nào với họ cả.

- Lợi thế cho cô đấy. Nhưng chắc người ta phải báo trước với cô rồi chứ.

- Tối qua, thư ký của ngài, ông Gravelin, đã cho tôi nghe những cuốn băng. Tôi có mặt ở đây với đầy đủ ý thức về sự việc.

- Cô biết tôi nghĩ về cánh phóng viên các người như thế nào mà vẫn đến sao?

- Đúng thế.

- Được lắm. Hoan hô. Đó là sự liều lĩnh từ phía cô. Bây giờ thì cô có thể đi được rồi.

- Không.

- Cô đã có được chiến công của mình rồi đấy. Cô còn cần gì nữa nào? Cô còn muốn tôi ký cho cô một tờ chứng thực hay sao?

- Không, ngài Tach ạ, tôi rất mong được trò chuyện với ngài.

- Nghe này, như thế rất thú vị, nhưng sự kiên nhẫn của tôi có hạn. Trò hài hước đột xuất đã kết thúc: xéo đi.

- Không có chuyện đó đâu. Tôi đã được sự cho phép của ông Gravelin cũng giống như những phóng viên khác. Thế nên tôi ở lại.

- Tay Gravelin này là một tên phản trắc. Tôi đã nói rõ với hắn là đuổi cổ những tạp chí dành cho nữ giới đi cơ mà.

- Tôi không làm việc cho tạp chí phụ nữ.

- Sao kia? Giờ báo chí dành cho nam giới mà cũng tuyển dụng phụ nữ sao?

- Đó không phải là một điều mới lạ nữa, ngài Tach ạ.

- Vậy thì cứt thật! Chuyện này nghe ra sẽ hứa hẹn đây: họ bắt đầu bằng việc tuyển dụng đàn bà, rồi có ngày sẽ tuyển dụng cả bọn da đen, Ả-rập, Irak nữa!

- Một nhà văn từng đoạt giải Nobel mà lại nói những câu cay độc như vậy sao?

- Đoạt giải Nobel văn chương chứ không phải hòa bình, nhờ trời.

- Nhờ trời, đúng vậy.

- Quý bà chơi trò tinh thần đẹp đấy ư?

- Quý cô.

- Quý cô à? Điều đó không làm tôi ngạc nhiên, trông cô xấu xí thế cơ mà. Và bám dai như đỉa nữa chứ! Cánh đàn ông đã rất có lý khi không cưới cô.

- Ngài đã lạc hậu qua mấy cuộc chiến tranh mất rồi, ngài Tach ạ. Ngày nay phụ nữ có thể mong được sống độc thân.

- Cô thấy rồi đó! Thà cứ nói là cô không tìm thấy ai chịu cưỡi lên cho xong.

- Chuyện đó, thưa ngài thân mến, đó là việc riêng của tôi.

- Ồ vâng, đó là cuộc sống riêng tư của cô, không phải thế saaao?

- Chính xác. Nếu ngài thấy vui khi kể cho cả thế giới này nghe rằng mình còn tân thì đó là quyền của ngài. Những người khác không buộc phải bắt chước theo ngài.

- Cô là ai mà dám phán xét tôi, con nhỏ hỗn hào kia, con ả đàn bà xấu xí không ai thèm ăn nằm cùng kia?

- Ngài Tach, tôi cho ngài hai phút, sẵn có đồng hồ đeo tay đây, để xin lỗi về những gì ngài vừa nói. Nếu như hết thời hạn hai phút này mà ngài còn chưa xin lỗi tôi, tôi sẽ bỏ đi và để ngài phải điên lên trong căn hộ bẩn thỉu này.

Mất một lúc, lão già mắc chứng béo phì có vẻ sửng sốt đến nghẹt thở.

- Hỗn xược! Cô có nhìn đồng hồ cũng chẳng ích gì: cô có ở lì đây đến hai năm thì tôi cũng không đời nào xin lỗi cô đâu. Chính cô mới là người phải xin lỗi. Vả lại, cô moi đâu ra chuyện tôi muốn cô ở lại thế? Từ khi cô bước vào căn phòng này, tôi đã ra lệnh cho cô biến khỏi đây ít nhất là hai lần rồi cơ mà. Thế nên đừng có đợi hết hai phút của mình, cô sẽ phí thời gian đấy. Cửa ra vào ở đằng kia kìa! Cửa ra vào ở đằng kia, cô có nghe thấy tôi nói gì không?

Cô làm như không nghe thấy. Cô tiếp tục nhìn đồng hồ, vẻ bí hiểm. Có cái gì ngắn ngủi hơn hai phút kia chứ? Thế mà hai phút lại có vẻ như kéo dài vô tận khi nó được đo đếm một cách chính xác trong bầu không khí im lặng chết chóc. Thái độ phẫn nộ của lão già đã có đủ thời gian để biến thành trạng thái sững sờ.

- Được lắm, hai phút đã trôi qua. Vĩnh biệt, ngài Tach, hân hạnh được biết ngài.

Cô đứng dậy và đi thẳng về phía cửa.

- Không được đi. Tôi ra lệnh cho cô ở lại.

- Ngài có chuyện gì muốn nói với tôi sao?

- Cô ngồi xuống đi.

- Đã quá muộn để nói lời xin lỗi rồi, ngài Tach ạ. Thời hạn đã hết.

- Ở lại đi, mẹ kiếp!

- Vĩnh biệt.

Cô mở cửa.

- Tôi xin lỗi, cô nghe thấy rồi chứ? Tôi xin lỗi!

- Tôi đã bảo là quá muộn rồi cơ mà.

- Chết tiệt thật, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nói xin lỗi người khác!

- Hẳn là vì thế mà lời xin lỗi của ngài nghe chẳng ra làm sao cả.

- Cô có điều gì phải phàn nàn về nó sao, lời xin lỗi của tôi ấy?

- Thậm chí tôi còn có nhiều điều để phàn nàn ấy chứ. Thoạt tiên vì nó xuất hiện quá muộn: nên nhớ rằng những lời xin lỗi muộn màng đã mất đi phân nửa hiệu lực của nó. Sau nữa, nếu ngài nói chuẩn ngôn ngữ của chúng ta, ngài sẽ biết rằng người ta không nói: “Tôi xin lỗi” mà nói: “Xin gửi đến cô lời xin lỗi của tôi”, hay, chuẩn hơn là: “Xin hãy thứ lỗi”, hoặc chuẩn hơn nữa: “Làm ơn nhận lấy lời xin lỗi của tôi”, nhưng mẫu câu chuẩn mực nhất vẫn là: “Tôi xin cô hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi.”

- Những lời lẽ mới rườm rà giả tạo làm sao!

- Giả tạo hay không thì tôi cũng sẽ đi ngay bây giờ nếu ngài không gửi đến tôi những lời xin lỗi theo đúng thủ tục.

- Tôi xin cô hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

- Thưa cô.

- Tôi xin cô hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi, thưa cô. Thế nào, cô hài lòng rồi chứ?

- Không hề. Ngài đã nghe thấy âm sắc giọng nói của ngài chưa? Ngài nên dùng đến cùng một âm sắc đó để hỏi tôi về nhãn hiệu đồ lót tôi quen mặc.

- Vậy cô quen mặc đồ lót hiệu gì thế?

- Vĩnh biệt ngài, ngài Tach.

Cô mở cửa lần nữa. Lão già mắc chứng béo phì kêu lên, vẻ vồn vã:

- Tôi xin cô hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi, thưa cô.

- Tốt hơn rồi đấy. Lần sau, hãy phản ứng nhanh hơn. Để trừng phạt ngài vì sự chậm trễ, tôi lệnh cho ngài nói lý do tại sao ngài không muốn tôi rời khỏi đây.

- Sao, vẫn còn chưa xong ư?

- Chưa đâu. Tôi thấy rằng mình xứng đáng nhận được những lời xin lỗi hoàn hảo. Vì nếu chỉ giới hạn ở việc nhắc lại một mẫu câu cho sẵn như vậy, ngài quả là không đáng tin cho lắm. Để có thể tin chắc, tôi cần ngài tự bào chữa, cần ngài tự bộc lộ mong muốn tạ lỗi với tôi - bởi lẽ tôi cũng chưa tha thứ cho ngài, như thế dễ dàng quá.

- Cô hơi quá rồi đấy!

- Chính ngài lại nói với tôi điều đó ư?

- Cô biến đi.

- Tốt thôi.

Cô mở cánh cửa thêm lần nữa.

- Tôi không muốn cô đi là bởi tôi đang bực mình! Tôi đã bực bội suốt hai mươi tư năm nay rồi!

- Phải thế chứ.

- Cứ vui sướng đi, cô có thể kể lể trong tờ báo lá cải của cô rằng Prétextat Tach là một lão già tội nghiệp đã bực dọc từ hai mươi tư năm trời nay. Cô có thể dâng tôi làm mồi cho lòng thương hại bỉ ổi của đám đông.

- Ngài thân mến, tôi vẫn biết ngài đang bực mình rồi. Ngài chẳng cho tôi biết thêm điều gì cả.

- Cô cứ đùa. Làm sao cô biết được chuyện ấy.

- Có những sự phản biện không lừa dối bao giờ. Tôi đã nghe những cuốn băng ghi âm của các phóng viên khác cùng với ông Gravelin. Trong đó ngài có nói rằng thư ký của ngài đã sắp xếp những cuộc tiếp xúc báo chí trái với ý muốn của ngài. Ông Gravelin bảo đảm với tôi điều ngược lại: ông ấy kể cho tôi nghe ngài đã mừng rỡ biết bao khi nghĩ đến chuyện được cánh nhà báo phỏng vấn. 

- Tên phản trắc!

- Không có gì phải xấu hổ, ngài Tach ạ. Khi biết được chuyện này, tôi đã có thiện cảm với ngài hơn.

- Tôi chẳng có gì để làm với cái thiện cảm của cô cả.

- Thế mà ngài đâu có muốn tôi rời khỏi đây. Ngài tính tiêu khiển trò gì với tôi đây?

- Tôi rất muốn chọc cho cô tức điên lên. Không có gì khiến tôi vui hơn thế.

- Ngài thấy là tôi cũng đang vui vì chuyện ấy đây. Và ngài tưởng chuyện ấy sẽ khiến tôi muốn ở lại sao?

- Một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ này đã ban cho cô cái vinh dự quá lớn: nói với cô rằng ông ta cần cô, và điều ấy đối với cô còn chưa đủ sao?

- Có lẽ ngài đang muốn tôi phải phát khóc lên vì vui sướng và nhấn chìm chân ngài bằng nước mắt của mình ư?

- Điều ấy cũng khiến tôi hài lòng kha khá đấy, quả đúng vậy. Tôi thích người ta quỳ mọp trước mình.

- Thế thì đừng có giữ tôi lại nữa: đó không phải kiểu của tôi.

- Hãy ở lại: cô thật bướng bỉnh, điều đó khiến tôi vui đấy. Bởi vì dường như cô không quyết định bỏ qua cho tôi, chúng ta hãy cược đi, cô có muốn làm vậy không? Tôi cược với cô là khi cuộc phỏng vấn đến hồi kết, tôi sẽ bắt cô phải nhả tất cả những gì cô có được trước đó, hệt như đã làm với những người đến trước cô. Cô thích những vụ cá cược chứ, phải không nào?

- Tôi không thích những vụ cá cược suông. Tôi cần biết cái được và cái mất.

- Hám lợi đấy chứ nhỉ? Cô muốn tiền chứ gì?

- Không.

- Ồ, quý cô chê tiền ư?

- Không hề. Mà nếu quan tâm đến tiền, tôi sẽ tìm đến người giàu có hơn ngài. Còn điều tôi muốn ở ngài là thứ khác kia.

- Không phải là trinh tiết của tôi đấy chứ?

- Vụ trinh tiết này ám ảnh ngài mất rồi. Không, thực ra tôi phải không có nó thì mới mong muốn một thứ ghê rợn như vậy.

- Cảm ơn. Vậy thì cô muốn gì nào?

- Ngài đã nhắc đến chuyện quỳ. Tôi đề nghị cái được và mất của cả hai chúng ta phải giống nhau: nếu thất bại, chính tôi sẽ quỳ dưới chân ngài, nhưng nếu ngài thua, đích thân ngài sẽ phải quỳ mọp dưới chân tôi. Tôi cũng vậy, tôi thích người ta quỳ mọp trước mình.

- Cô đáng tội nghiệp thật đấy, khi tưởng rằng mình đủ khả năng đấu trí với tôi.

- Hình như ban nãy tôi đã thắng được keo đầu rồi còn gì.

- Cô nhóc đáng thương, cô gọi đó là keo đầu sao? Đó chỉ là thỏa thuận sơ bộ tử tế lúc ban đầu thôi.

- Theo đó tôi đã đè bẹp ngài.

- Có thể. Nhưng cô có được thắng lợi đó chỉ nhờ một lý lẽ cứng cỏi duy nhất, điều mà bây giờ cô không có nữa.

- Ra thế?

- Đúng vậy, lý lẽ của cô là túm lấy cái cửa. Giờ thì cô không còn khả năng sử dụng đến nó nữa, cô sẽ quá thèm muốn cái được trong vụ cá cược này. Tôi đã nhìn thấy mắt cô sáng rỡ khi nghĩ đến chuyện tôi quỳ mọp dưới chân cô. Viễn cảnh đó khiến cô quá đỗi thích thú. Cô sẽ không đi chừng nào vụ cá cược này chưa ngã ngũ.

- Có lẽ ngài sẽ hối tiếc vì đã chấp nhận vụ cược này.

- Có lẽ vậy. Nhưng khi còn chưa hối tiếc, tôi cảm thấy mình sẽ được chơi đùa thỏa thích. Tôi thích đè bẹp người khác, làm thất bại những dã tâm mà tất cả các người đều đồng lõa. Và có một việc khiến tôi đặc biệt thích thú: sỉ nhục những mụ đàn bà tự phụ, những hạng tồi tệ giống như cô.

- Tôi thì trò tiêu khiển ưa thích nhất của tôi, đó là làm núng thế những kẻ nhẽo nhợt thô bỉ tự mãn.

- Câu cô vừa nói thật điển hình cho thời đại của cô. Tôi đang gặp rắc rối với một cánh cửa quay biết hô khẩu hiệu chăng?

- Xin đừng lo lắng, ngài Tach: ngài cũng vậy thôi, bằng thói cà khịa phản động của ngài, bằng thứ chủ nghĩa chủng tộc tầm thường của ngài, ngài cũng điển hình cho thời đại của chúng ta kia mà. Không phải ngài hãnh diện khi tự cho mình là lỗi thời sao? Ngài không lỗi thời chút nào. Về mặt lịch sử mà nói, ngài thậm chí không phải hình mẫu độc đáo gì cho cam: mỗi thế hệ có kẻ nguyền rủa của riêng mình, con quái vật linh thiêng với vầng hào quang chỉ dựa duy nhất vào nỗi khiếp sợ mà nó gieo rắc cho những tâm hồn khờ khạo. Có cần phải nói cho ngài biết rằng cái vầng hào quang ấy mong manh đến mức nào và rằng người ta sẽ quên khuấy ngài không? Ngài có lý khi khẳng định rằng không ai đọc ngài cả. Bây giờ, sự thô bỉ và những lời lăng mạ của ngài đang nhắc nhở thế giới về sự tồn tại của ngài; khi những tiếng kêu thét của ngài nín lặng, sẽ không còn ai nhớ đến ngài vì không còn ai đọc những tác phẩm của ngài nữa. Và như thế sẽ tốt hơn nhiều.

- Bài hùng biện ngắn mới tuyệt làm sao, thưa quý cô! Cô móc nó ra từ chỗ quái nào vậy? Hỗn hợp của thói hung hăng xoàng xĩnh và sự bay bổng theo phong cách Cicéron này, toàn bộ đều được biểu đạt tinh vi (nếu người ta có thể nói vậy) bằng những nét điểm xuyết mang phong cách Hegel và sự tôn thờ xã hội: một kiệt tác.

- Ngài thân mến, tôi xin nhắc để ngài nhớ rằng dù có cược hay không tôi vẫn cứ là phóng viên. Tất cả những điều ngài nói ra đều được ghi âm lại.

- Tuyệt. Chúng ta đang làm phong phú thêm tư duy phương Tây bằng phép biện chứng xuất sắc nhất của nó.

- Phép biện chứng. Đó là từ được viện đến khi người ta không còn từ gì khác trong vốn liếng của mình, phải thế không?

- Rõ rồi. Đó là kẻ pha trò của các salon mà.

- Tôi nên rút ra kết luận rằng ngài không còn chuyện gì để nói với tôi chăng?

- Tôi chưa từng có gì để nói với cô hết, thưa cô. Khi phải bực dọc giống như tôi đây từ suốt hai mươi tư năm qua, người ta không có chuyện gì để nói với ai hết. Nếu người ta vẫn cứ khao khát được ở gần mọi người, đó là do hy vọng được khuây khỏa, nếu không nhờ sự dí dỏm thì ít ra cũng nhờ sự ngu đần của họ. Thế nên làm điều gì đó đi, hãy giúp tôi khuây khỏa.

- Tôi không biết liệu mình có thể giúp ngài khuây khỏa hay không, nhưng tôi chắc chắn có thể quấy nhiễu ngài đấy.

- Quấy nhiễu tôi ư! Cô nhóc tội nghiệp, sự quý mến tôi dành cho cô vừa tụt xuống mức âm. Quấy nhiễu tôi ư! Rốt cuộc, cô đã có thể nói tệ hơn, cô đã có thể nói quấy nhiễu thôi, không còn thêm gì nữa. Cách dùng nội động của từ “quấy nhiễu” có từ thời nào ấy nhỉ? Từ tháng Năm năm 68 ư? Chuyện đó không làm tôi ngạc nhiên, nó xông mùi cocktail Molotov_(1) nhỏ bé của năm đó, chướng ngại vật nhỏ bé của năm đó, cuộc cách mạng nhỏ bé của những sinh viên ăn no rửng mỡ trong năm đó, những tương lai nhỏ bé của năm đó tỏ ra hay ho dễ chịu đối với con nhà tông. Muốn “quấy nhiễu”, chính là muốn “xét lại”, “nhận thức” - và không kèm bổ ngữ đối tượng trực tiếp nhé, làm ơn đi, như thế sẽ trí tuệ hơn, vả lại sẽ cực kỳ thiết thực bởi vì xét cho cùng, điều ấy cho phép không xác định cái mà người ta không có khả năng xác định.

- Tại sao ngài lại phí thời gian để nói với tôi chuyện ấy? Tôi đã xác định đối tượng của mình rồi còn gì: tôi đã nói “quấy nhiễu ngài”.

- Ừ. Điều đó chẳng tốt hơn là bao. Cô nhóc tội nghiệp của tôi, cô đã có thể trở thành một trợ tá xã hội hoàn hảo. Chuyện nực cười nhất, đó là lòng tự tôn của những kẻ tuyên bố muốn quấy nhiễu: họ nói với cô bằng vẻ tự mãn của những Đấng Cứu thế đang hiện hình. Đó là bởi họ có một sứ mệnh, quái lạ thật! Vậy nên cứ việc nhận thức tôi đi, cứ việc quấy nhiễu tôi đi, để chúng ta được cười vui chút ít.

- Lạ thật, tôi đã giúp ngài khuây khỏa rồi cơ đấy.

- Tôi dễ bị thuyết phục mà. Tiếp tục nào.

- Được. Lúc nãy ngài nói rằng ngài không có gì để nói với tôi. Nói vậy không có nghĩa là tôi cũng thế.

- Để tôi đoán xem. Một cô ả hèn mọn như cô có thể moi ra chuyện gì để nói với tôi cơ chứ? Chuyện phụ nữ không được đề cao trong các tác phẩm của tôi sao? Chuyện nếu không có phụ nữ, đàn ông sẽ không bao giờ đạt đến độ viên mãn của mình sao?

- Trật lất.

- Vậy thì cô có thể sẽ muốn biết ai phụ trách công việc dọn dẹp căn hộ này?

- Tại sao lại không nhỉ? Nói chuyện đó sẽ cho ngài cơ hội đầu tiên để trở nên thú vị đấy.

- Đúng vậy, cứ chơi trò khiêu khích đi, đó là vũ khí của những kẻ thảm hại. Nói thế nào nhỉ, hãy cứ biết rằng một phụ nữ người Bồ Đào Nha đến quét dọn căn hộ và mang quần áo, chăn ga gối bẩn của tôi đi giặt vào chiều thứ Năm hàng tuần. Ít ra thì đó cũng là người phụ nữ làm một công việc đáng tôn trọng.

- Trong hệ tư tưởng của ngài, phụ nữ nên ở nhà với một mảnh giẻ lau và một cây chổi, phải vậy không?

- Trong hệ tư tưởng của tôi, phụ nữ không tồn tại.

- Ngày càng khá hơn rồi đấy. Hội đồng giám khảo của giải Nobel hẳn phải say nắng ra trò vào cái ngày họ bỏ phiếu cho ngài.

- Lần đầu tiên chúng ta có cùng quan điểm. Giải thưởng Nobel này là một đỉnh điểm trong lịch sử các vụ hiểu lầm. Trao cho tôi, cho chính tôi đây này, giải thưởng Nobel văn chương cũng tương tự như trao giải Nobel hòa bình cho Saddam Hussein vậy.

- Đừng huênh hoang như vậy chứ. Saddam nổi tiếng hơn ngài nhiều.

- Chuyện bình thường thôi mà, vì người ta đâu có đọc tôi. Nếu người ta đọc tôi, tôi sẽ trở nên độc hại hơn và vì thế, sẽ còn nổi tiếng hơn ông ta.

- Chỉ có điều người ta không đọc ngài. Ngài giải thích sao về chuyện cả thế giới từ chối đọc ngài?

- Bản năng bảo tồn. Phản xạ miễn dịch.

- Ngài lúc nào cũng tìm ra những cách giải thích có lợi cho mình. Thế nếu công chúng không đọc ngài chỉ đơn giản là vì ngài chán ngắt thì sao?

- Chán ngắt ư? Lối nói uyển ngữ mới cao nhã làm sao. Tại sao cô không nói là như cứt?

- Tôi không thấy cần phải sử dụng đến ngôn từ tục tĩu. Nhưng đừng né tránh câu hỏi của tôi chứ, ngài thân mến.

- Tôi mà chán ngắt ấy à? Tôi sẽ đưa ra cho cô một câu trả lời đẹp rực rỡ với thiện tâm: tôi không biết gì về chuyện ấy cả. Xét trong tất cả những cư dân của hành tinh này, tôi là người ở vào vị trí bất lợi nhất để biết được chuyện đó. Kant chắc chắn sẽ nghĩ Phê phán lý tính thuần túy là một cuốn sách rất lý thú, và đó không phải lỗi của ông ấy: ông ấy ở quá gần. Tôi cũng xét thấy mình buộc phải hỏi lại cô, thưa quý cô, cái câu hỏi hết sức trần trụi của cô rằng: tôi có chán ngắt không? Câu trả lời từ một người ngu ngốc như cô hẳn sẽ thú vị hơn câu trả lời tôi đưa ra, ngay cả khi cô chưa hề đọc những gì tôi viết, điều ấy thì khỏi cần nghi ngờ gì nữa.

- Nhầm. Ngồi trước mặt ngài là một trong những người hiếm hoi đã đọc hai mươi hai cuốn tiểu thuyết của ngài, không hề bỏ sót lấy một dòng.

Lão già mắc chứng béo phì sững người trong vòng bốn mươi giây.

- Hoan hô. Tôi thích những người có khả năng nói những lời dối trá trơ trẽn như vậy.

- Phát ngán thật thôi, đó là sự thật. Tôi đã đọc tất cả các tác phẩm của ngài.

- Với sự đe dọa của một khẩu súng lục chứ gì?

-  Do ý chí của riêng tôi - không, ý muốn của riêng tôi thôi.

- Không thể thế được. Nếu đã đọc tất cả các tác phẩm của tôi thì cô sẽ không thể trông như tôi đang nhìn thấy.

- Và chính xác thì ngài đang nhìn thấy gì ở tôi?

- Tôi nhìn thấy một cô ả hèn mọn vô vị.

- Ngài cho rằng mình có thể nhận thấy điều đang diễn ra trong đầu cô ả hèn mọn vô vị này ư?

- Lạ chưa, trong đầu cô có cái gì đó đang diễn ra à? Tota mulier in utero(1)._

- Than ôi, tôi đâu có đọc các tiểu thuyết của ngài bằng bụng. Thế nên ngài sẽ buộc phải chịu đựng những quan điểm của tôi.

- Cứ việc, hãy thử nghe cái mà cô gọi là “quan điểm”.

- Trước hết, để trả lời cho câu hỏi đầu tiên của ngài, tôi không thấy buồn chán dù chỉ trong giây lát khi đọc hai mươi hai cuốn tiểu thuyết của ngài.

- Như thế thì thật lạ. Tôi cứ nghĩ là đọc mà không hiểu thì phải chán mới đúng chứ.

- Thế còn viết mà không hiểu, như thế có buồn chán không?

- Cô muốn ám chỉ là tôi không hiểu những gì mình viết ra ư?

- Ý tôi muốn nói là những cuốn tiểu thuyết của ngài đầy rẫy những sự lòe bịp thì đúng hơn. Và điều đó cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của chúng: khi đọc ngài, tôi đã cảm thấy một sự xen kẽ không dứt giữa những đoạn văn nặng về ý nghĩa và những lời trong ngoặc đơn của ngón bịp triệt để - triệt để bởi vì tác giả và độc giả đều bịp hết. Tôi hình dung ra ngài thích chí thế nào khi đưa vào trong những ngoặc đơn rỗng tuếch một cách xuất sắc, hoang tưởng một cách trang trọng này, những vẻ bề ngoài của sự sâu sắc và tính tất yếu. Đối với một người điêu luyện đến kỳ tài như ngài, lối chơi hẳn phải rất tuyệt diệu.

- Cô đang lải nhải cái gì thế?

- Đối với tôi cũng vậy, lối chơi cũng cao nhã. Tìm thấy chừng ấy dã tâm dưới ngòi bút của một nhà văn dám khẳng định rằng bản thân đang chống lại dã tâm, phát hiện đó thật thú vị. Chuyện ấy có thể đã khiến người ta phải nổi đóa nếu như dã tâm của ngài là thuần nhất từ đầu chí cuối. Nhưng không ngừng chuyển từ thiện tâm sang dã tâm, đó mới là một sự trơ tráo thiên tài.

- Và cô tự cho là mình có khả năng khu biệt thiện tâm với dã tâm ư, cô ả hèn mọn tự phụ kia?

- Còn chuyện gì đơn giản hơn thế cơ chứ? Mỗi lần một đoạn văn khiến tôi bật cười phá lên, tôi hiểu là có một sự lòe bịp ẩn dưới đó. Và tôi thấy chuyện này cực kỳ khôn khéo: đấu tranh chống lại dã tâm bằng chính dã tâm, bằng chủ trương khủng bố tinh thần, vờ vĩnh xảo trá hơn cả đối thủ của nó, đó quả là một sách lược tuyệt vời. Thậm chí còn quá tuyệt vời, bởi vì sách lược ấy quá tinh tế để dành cho một đối thủ thô thiển xoàng xĩnh đến thế. Không phải tôi sẽ dạy ngài biết rằng thủ đoạn xảo quyệt hiếm khi bắn trúng hồng tâm: những cái chùy ng 6672 hiền nát tốt hơn là những khớp rằng tinh xảo.

- Cô nói tôi lòe bịp: tôi sẽ là kẻ bịp bợm tồi cỡ nào khi so với cô, người khoe rằng đã đọc tất cả những gì tôi viết.

- Tất cả những gì đã được xuất bản, đúng vậy. Xin cứ hỏi nếu ngài muốn xác minh.

- Thế đấy, như câu hỏi dành cho những độc giả trung thành của Tintin: “Số biển đăng ký của chiếc Volvo màu đỏ trong tập Vụ án hoa hướng dương?” Thật lố bịch. Đừng trông mong tôi sẽ làm ô danh những tác phẩm của mình với những cách làm tương tự.

- Vậy tôi phải làm gì để thuyết phục được ngài?

- Không gì cả. Cô sẽ không thuyết phục được tôi đâu.

- Như vậy thì tôi chẳng có gì để mất cả.

- Cô vẫn chưa từng bao giờ có gì để mất với tôi cả. Giới tính của cô đã kết án cô ngay từ đoạn khởi đầu.

- Nhân tiện nói đến chủ đề giới tính, tôi đã tiến hành một cuộc nghiên cứu nhỏ về các nhân vật nữ của ngài.

- Tôi tin chắc thế. Chuyện ấy nghe có vẻ hứa hẹn.

- Ban nãy ngài có nói rằng trong hệ tư tưởng của ngài, phụ nữ không tồn tại. Tôi ngạc nhiên vì một người đàn ông tuyên bố những châm ngôn như thế lại tạo ra chừng ấy phụ nữ trên trang sách. Tôi không kiểm lại kỹ càng nhưng tôi đã thống kê được trong toàn bộ tác phẩm của ngài có bốn mươi sáu nhân vật nữ.

- Quả là tôi đang tự hỏi điều đó chứng tỏ cái gì.

- Điều đó chứng tỏ phụ nữ có tồn tại trong hệ tư tưởng của ngài: mâu thuẫn đầu tiên. Rồi ngài sẽ thấy, còn nhiều mâu thuẫn khác nữa.

- Ồ, thưa quý cô chuyên theo đuổi những mâu thuẫn! Đồ giáo viên tiểu học, xin hãy biết cho rằng Prétextat Tach đã nâng sự mâu thuẫn lên tầm mỹ thuật. Cô có thể hình dung ra thứ gì thanh lịch hơn, tinh tế hơn, gây bối rối hơn và sắc sảo hơn hệ thống tự mâu thuẫn của tôi không? Và đây, một cô ả ngốc nghếch chỉ thiếu mỗi cặp kính, bằng giọng điệu hân hoan, vừa thông báo với tôi rằng đã tìm ra một vài sự mâu thuẫn tai hại trong tác phẩm của tôi! Không phải thật tuyệt vời sao, khi có được một công chúng tinh tế như vậy thưởng thức tác phẩm của mình?

- Tôi chưa bao giờ nói sự mâu thuẫn này là tai hại cả.

- Cô không nói vậy, nhưng rõ ràng là cô nghĩ vậy.

- Tôi ở vị trí thuận lợi hơn ngài để hiểu được mình đang nghĩ gì.

- Chuyện đó còn phải xem đã.

- Và trong trường hợp này, tôi thấy sự mâu thuẫn ấy rất thú vị.

- Trời.

- Vậy tôi đang nói là bốn mươi sáu nhân vật nữ.

- Để việc thống kê của cô gây được chút hứng thú nào đó, cần phải đếm luôn số nhân vật nam nữa kìa, cô nhóc ạ.

- Tôi đã đếm rồi.

- Mới nhanh trí làm sao.

- Một trăm sáu mươi ba nhân vật nam.

- Cô nhóc tội nghiệp à, nếu cô không gợi lên trong tôi nhiều thương hại đến thế, tôi đã không nhịn cười phá lên vì một chênh lệch quá rõ như vậy.

- Lòng thương hại là một thứ tình cảm nên loại bỏ.

- Ồ! Cô ấy đã đọc Zweig! Cô ấy mới học thức làm sao! Cô thấy đấy, quý cô vô vàn thân mến, những kẻ lỗ mãng giống như tôi đây vẫn bám vào Montherlant, mà hình như cô chưa hề đọc qua tác phẩm nào của ông ấy. Tôi thương hại phụ nữ, thế nên tôi căm ghét họ, và ngược lại.

- Chính vì ngài có những tình cảm lành mạnh đến thế dành cho phái nữ chúng tôi, hãy giải thích cho tôi biết tại sao ngài đã tạo ra tới bốn mươi sáu nhân vật nữ.

- Đừng hòng: chính cô mới là người phải giải thích cho tôi hiểu về chuyện đó. Tôi sẽ không từ bỏ màn tiêu khiển thú vị như thế để đổi lấy bất cứ thứ gì khác trên đời.

- Cắt nghĩa để ngài hiểu tác phẩm của chính mình đâu phải là việc của tôi. Đổi lại, tôi có thể chia sẻ với ngài vài nhận định.

- Làm ơn tiến hành đi.

- Tôi sẽ tiết lộ cho ngài một mớ hỗn độn những nhận định. Ngài đã viết những cuốn sách sau không có nhân vật nữ: Khoa biện giải về chứng khó tiêu, dĩ nhiên...

- Tại sao lại “dĩ nhiên”?

- Coi nào, bởi vì đó là một cuốn tiểu thuyết không có nhân vật chứ sao.

- Vậy ra đúng là cô đã đọc tôi, ít ra cũng có đọc một phần.

- Phụ nữ cũng không xuất hiện trong Dung môi, Những giọt lóng lánh cho một cuộc tàn sát, Tượng Phật trong ly nước, Mưu sát sự xấu xa, Thiên tai trọn vẹn, Cái chết và tôi vượt qua, thậm chí cũng không có trong cuốn Bài Poker, Phụ nữ, Những người khác - chuyện này mới là đáng ngạc nhiên.

- Sự tinh tế từ phía tôi mới tuyệt làm sao.

- Vậy là chúng ta đã có tám cuốn tiểu thuyết không có phụ nữ. Hai mươi hai trừ tám bằng mười bốn. Chúng ta còn có mười bốn cuốn tiểu thuyết chia nhau hưởng bốn mươi sáu nhân vật nữ.

- Thật hay, sự thông hiểu này.

- Sự phân bổ dĩ nhiên là không đều, trong mười bốn cuốn sách còn lại.

- Tại sao lại “dĩ nhiên”? Tôi ghê sợ tất cả những cái “dĩ nhiên” mà cô tự cho là mình buộc phải sử dụng khi nhắc đến những cuốn sách của tôi, như thể toàn bộ các tác phẩm của tôi là cái gì đó dễ đoán biết đến thế với những thủ đoạn lộ liễu đến thế.

- Chính xác là bởi tác phẩm của ngài không thể dự đoán nên tôi mới dùng từ “chắc chắn” này.

- Xin cô chớ có ngụy biện.

- Kỷ lục tuyệt đối xét trên nhân vật nữ thuộc về Cưỡng đoạt vô cớ giữa hai cuộc chiến trong đó xuất hiện cả thảy hai mươi ba người phụ nữ.

- Chuyện đó cũng dễ hiểu thôi mà.

- Bốn mươi sáu trừ hai mươi ba còn hai mươi ba. Chúng ta còn lại mười ba tiểu thuyết và hai mươi ba người phụ nữ.

- Sự thống kê thật đáng nể.

- Ngài đã viết bốn cuốn tiểu thuyết một lá noãn, nếu tôi có thể mạo muội tạo ra một từ mới bất lịch sự như vậy.

- Nhưng cô có thể cho phép mình làm một chuyện như vậy sao?

- Đó là Lời nguyện cầu với sự bẻ khóa, Buồng tắm hơi và những sự Dâm đãng khác, Bài thánh ca bằng tiếng Latin của sự tẩy lông Chết không phó từ.

- Hiện chúng ta còn lại bao nhiêu?

- Chín tiểu thuyết và mười chín người phụ nữ.

- Phân bổ thế nào?

- Những kẻ bẩn tưởi: ba người. Tất cả những cuốn sách khác đều hai lá noãn: Đóng đinh câu rút không đau, Sự rối loạn của cá hố, Khắp nơi, Những nô lệ trên đảo, Những lớp màng, Ba phòng khách, Sự gia ân đồng phát - vẫn còn thiếu một.

- Không đâu, cô kể hết rồi còn gì.

- Ngài nghĩ thế sao?

- Phải, cô đã rất thuộc bài.

- Tôi vẫn tin chắc là còn thiếu một cuốn. Tôi phải đếm lại từ đầu thôi.

- Ồ không, cô sẽ không đếm lại từ đầu đấy chứ!

- Phải làm thế thôi, nếu không những số liệu thống kê của tôi sụp đổ mất.

- Tôi sẽ miễn xá cho cô.

- Kệ, tôi bắt đầu lại đây. Ngài có tờ giấy với cây bút ở đó không?

- Không.

- Thôi nào, ngài Tach, giúp tôi đi, chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian.

- Tôi đã bảo cô đừng có bắt đầu lại cơ mà. Cô thật đáng ngán với những liệt kê của cô!

- Vậy thì, hãy tránh cho tôi phải bắt đầu lại, và nói cho tôi biết tựa sách còn thiếu.

- Nhưng tôi không biết gì hết. Tôi đã quên phân nửa những tựa sách mà cô vừa điểm lại.

- Ngài quên những tác phẩm mình đã viết ra sao?

- Đương nhiên. Cô sẽ thấy, khi nào cô sống đến tám mươi ba tuổi.

- Dù sao cũng có một vài cuốn tiểu thuyết của mình mà ngài không thể quên được.

- Dĩ nhiên, nhưng chính xác là những quyển nào kia?

- Nói cho ngài biết điều đó không phải là chuyện của tôi.

- Tiếc thật. Sự đánh giá của cô làm tôi vui biết mấy.

- Tôi rất vui khi được nghe điều này. Bây giờ thì làm ơn giữ yên lặng một lát. Tôi đếm lại này: Khoa biện giải về chứng khó tiêu là một này, Dung môi...

- Cô đang giỡn mặt tôi hay gì vậy?

- … là hai này. Những giọt lóng lánh cho một cuộc tàn sát là ba.

- Cô điếc đấy à?

- Ngài sẽ nhớ ra tựa sách còn thiếu chứ?

- Không.

- Mặc kệ. Tượng Phật trong ly nước, bốn. Mưu sát sự xấu xa, năm.

- 165. 28. 3925. 424.

- Ngài không làm tôi phân tâm được đâu. Thiên tai trọn vẹn, sáu. Cái chết và tôi vượt qua, bảy.

- Cô có muốn một viên kẹo caramel không?

- Không. Bài Poker, Phụ nữ, Những người khác, tám. Cưỡng đoạt vô cớ giữa hai cuộc chiến, chín.

- Cô có muốn một ly alexandra không?

- Ngài im đi cho. Lời nguyện cầu với sự bẻ khóa, mười.

- Cô ăn kiêng giữ dáng hả? Tôi chắc chắn là như thế. Cô không thấy cô như thế này trông đã khá gầy rồi sao?

- Buồng tắm hơi và những sự Dâm đãng khác, mười một.

- Tôi đã tính đến một câu trả lời dạng này mà.

- Bài thánh ca bằng tiếng Latin của sự tẩy lông, mười hai.

- Này, điên thật thôi, cô đang đọc thuộc lòng những tựa sách này theo đúng trật tự của lần đầu tiên.

- Ngài thấy rõ là ngài có một trí nhớ tuyệt vời chưa nào. Chết không phó từ, mười ba.

- Chớ nên nói quá lên như thế. Nhưng tại sao không liệt kê những tựa sách theo trình tự thời gian của chúng nhỉ?

- Ngài thậm chí vẫn còn nhớ trình tự thời gian của các tác phẩm mình viết ra kia à? Những kẻ bẩn tưởi, mười bốn. Đóng đinh câu rút không đau, mười lăm.

- Cư xử dễ thương đi nào, hãy dừng lại.

- Với một điều kiện duy nhất: hãy nói tôi biết tựa sách nào còn thiếu. Ngài quả có một trí nhớ quá tốt để có thể quên mất nó.

- Thế mà đúng như vậy đấy. Chứng quên thường có những biểu hiện rời rạc kiểu này.

- Sự rối loạn của cá hố, mười sáu.

- Cô sẽ tiếp tục lâu như vậy à?

- Thời gian cần thiết để củng cố trí nhớ của ngài.

- Trí nhớ của tôi ư? Đúng là cô đã nói trí nhớ “của tôi”?

- Quả vậy.

- Tôi có nên hiểu rằng chính cô mới là người không quên cái cuốn tiểu thuyết đang được nói đến này không nhỉ?

- Làm sao tôi quên được nó cơ chứ?

- Thế vậy thì tại sao cô không tự mình kể nó ra?

- Tôi muốn nghe nó từ miệng ngài kia.

- Dù rằng tôi nhắc đi nhắc lại với cô là tôi không còn nhớ nó nữa.

- Tôi không tin lời ngài đâu. Ngài có thể quên tất cả những tựa sách khác, nhưng không phải tựa sách này.

- Nó có cái gì đặc biệt đến vậy ư?

- Ngài biết rõ điều ấy còn gì.

- Không. Tôi là một thiên tài không hiểu về bản thân mình.

- Để tôi phì cười đã nào.

- Rốt cuộc, nếu cuốn tiểu thuyết này phi thường đến mức ấy thì người ta hẳn phải nói với tôi về nó rồi. Thế mà người ta chưa từng nhắc tới nó trước mặt tôi. Khi động đến các tác phẩm của tôi, người ta luôn dẫn ra bốn tác phẩm cùng loại.

- Ngài biết rất rõ là điều đó chẳng có ý nghĩa gì rồi mà.

- Ồ, tôi hiểu chứ. Quý cô đây là một kẻ đua đòi thường có mặt ở những salon văn học. Cô thuộc loại người hay kêu lên rằng: “Anh bạn thân mến, anh có biết Proust không vậy? Ôi không, không phải Cuộc tìm kiếm, đừng có tầm thường như vậy chứ. Tôi đang nhắc với anh về bài báo của ông ta đăng trên tờ Le Figaro năm 1904 kia...”

- Cứ cho là vậy đi, tôi là kẻ đua đòi. Làm ơn nói tựa sách còn thiếu đi.

- Ôi chà, nó chẳng làm tôi vui chút nào.

- Điều này khẳng định những suy đoán của tôi.

- Những suy đoán của cô ấy à? Cô thấy thế sao?

- Đúng. Bởi vì ngài từ chối hợp tác, tôi sẽ phải liệt kê lại từ đầu - tôi không còn nhớ mình đang đếm đến đâu rồi.

- Cô không cần phải nhắc lại chuỗi lải nhải của cô đâu, cô biết cái tựa sách còn thiếu này mà.

- Ôi, tôi e đã lại quên mất nó rồi. Khoa biện giải về chứng khó tiêu, một.

- Thêm một từ nữa thôi là tôi sẽ bóp cổ cô, dù tôi có đang bị liệt đi nữa.

- Bóp cổ ấy à? Tôi thấy sự lựa chọn động từ này có vẻ mang tính tiết lộ.

- Cô muốn tôi tặng cho cô một cú chém gáy chết tươi hả?

- Lần này, ngài thân mến ạ, ngài sẽ không thể né tránh được chủ đề này đâu. Thế nên hãy nói với tôi về sự siết cổ.

- Sao kia, tôi đã viết một cuốn sách có tên như vậy hả?

- Không hẳn.

- Nghe này, cô đang dần khiến người ta phải bực bội với những câu đố của cô rồi đấy. Hãy nói tôi biết cái tựa sách đó và chúng ta sẽ thôi không nhắc đến chuyện này nữa.

- Tôi không vội kết thúc đề tài này. Tôi đang rất vui mà.

- Chỉ mình cô là vui thôi.

- Tình huống đang dễ chịu đến thế cơ mà. Nhưng chúng ta đừng lạc đề nữa. Hãy nói với tôi về sự siết cổ, ngài thân mến.

- Về chủ đề này tôi không có gì để nói hết.

- Không thật ư? Vậy thì tại sao ngài lại dọa siết cổ tôi?

- Tôi nói thế đấy, tóm lại, cũng giống như tôi nói: “Cô đi luộc trứng đi!” ấy mà.

- Đúng thế. Ấy vậy mà, như là ngẫu nhiên, ngài vẫn thích lấy hành động siết cổ ra dọa tôi hơn. Lạ thật.

- Cô muốn dẫn dắt chuyện này đến đâu đây? Có lẽ cô là một kẻ bị ám ảnh bởi những lầm lẫn của thuyết Freud chăng? Chỉ còn thiếu có nước này nữa thôi.

- Tôi vốn không tin vào những lầm lẫn trong học thuyết Freud. Từ một phút nay, tôi mới bắt đầu tin vào nó đấy.

- Tôi thì không tin vào hiệu quả của việc dùng lời nói suông để tra trấn. Từ nhiều phút qua, tôi mới bắt đầu tin vào điều ấy.

- Ngài nịnh tôi rồi. Nhưng chúng ta hãy thẳng thắn với nhau đi, ngài có muốn thế không? Tôi có thừa thời gian, và chừng nào ngài không moi được từ trí nhớ của ngài cái tựa sách còn thiếu đó, cũng như chừng nào ngài còn chưa nói về siết cổ, tôi sẽ không buông tha cho ngài đâu.

- Cô không thấy xấu hổ khi đổ vấy trách nhiệm cho một lão già bại liệt, béo phì, ốm yếu và không khả năng tự vệ sao?

- Tôi không biết thế nào là xấu hổ.

- Lại thêm một đức tính mà các giáo viên của cô đã quên không khắc sâu vào trí não cô.

- Ngài Tach, bản thân ngài cũng đâu có biết thế nào là xấu hổ.

- Cũng thường tình thôi. Tôi không có lý do gì để phải xấu hổ cả.

- Không phải ngài đã nói rằng các tác phẩm của ngài đều độc hại sao?

- Chính là thế: tôi hẳn sẽ xấu hổ nếu không làm hại đến nhân loại.

- Trong trường hợp này, cái khiến tôi quan tâm không phải là nhân loại nữa.

- Cô có lý, nhân loại chẳng hấp dẫn chút nào.

- Những cá nhân riêng lẻ thì hấp dẫn chứ, phải không nào?

- Trên thực tế, họ quá hiếm hoi.

- Hãy nói với tôi về một cá nhân mà ngài biết.

- Sao nhỉ, Céline chẳng hạn.

- Ôi không, không phải Céline.

- Sao kia? Ông ấy không đủ hấp dẫn đối với quý cô đây sao?

- Hãy nói với tôi về một cá nhân mà ngài quen biết bằng xương bằng thịt, người mà ngài đã cùng sống, cùng nói chuyện, v.v...

- Cô hộ lý?

- Không, không phải cô hộ lý. Thôi nào, ngài biết tôi định nói gì mà. Ngài biết điều ấy quá rõ.

- Tôi chẳng biết gì về cái cô định nói cả, cô nàng quấy rầy ạ.

- Tôi sẽ kể ngài nghe một câu chuyện nho nhỏ, có lẽ sẽ giúp cái bộ óc già yếu của ngài tìm lại những ký ức của nó.

- Đúng đấy. Bởi vì tôi sẽ được miễn nói trong một khoảng thời gian, tôi đề nghị mình được phép ăn kẹo caramel. Tôi cần phải ăn kẹo, sau những sự tra tấn mà cô đã bắt tôi phải chịu.

- Lời xin phép được chấp thuận.

Tiểu thuyết gia đút vào miệng một viên kẹo caramel lớn hình vuông.

- Câu chuyện của tôi bắt đầu bằng một khám phá gây ngạc nhiên. Các phóng viên là những kẻ không biết đến hai chữ đắn đo, ngài biết đấy. Vậy nên tôi đã lục lại quá khứ của ngài mà không hỏi ý kiến ngài vì ngài hẳn sẽ cấm tôi làm điều đó. Tôi đang nhìn thấy ngài mỉm cười và tôi biết ngài đang nghĩ gì: rằng ngài đã không hề để lại dấu vết gì về bản thân mình, rằng ngài là đại diện cuối cùng của dòng họ, rằng ngài chưa bao giờ có bạn, tóm lại, rằng không gì có thể cho tôi biết về quá khứ của ngài. Nhầm rồi đấy, ngài thân mến ạ. Nên dè chừng những nhân chứng khéo vờ vĩnh. Nên dè chừng những nơi người ta đã từng sinh sống. Chúng biết nói cả đấy. Tôi lại nhìn thấy ngài cười. Vâng, cái tòa lâu đài nơi ngài sống qua thời thơ ấu đã bị thiêu rụi cách đây sáu mươi lăm năm rồi còn gì. Vả chăng, đó là một vụ hỏa hoạn kỳ lạ, chưa bao giờ cắt nghĩa được.

- Làm thế nào mà cô nghe nhắc đến tòa lâu đài ấy? lão già mắc chứng béo phì hỏi với một giọng ôn tồn, nhừa nhựa bởi kẹo caramel.

- Chuyện này thì vô cùng dễ thôi. Những cuộc tìm kiếm sơ đẳng trong các cuốn sổ địa chỉ, những tài liệu lưu trữ - chúng tôi có đầy đủ phương tiện mà, tôi cũng như các phóng viên khác. Ngài thấy không, ngài Tach, tôi đã không đợi đến ngày mùng 10 tháng Giêng mới quan tâm đến ngài. Đã nhiều năm nay tôi quan tâm đến trường hợp của ngài.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30133


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận