Hồi Ký Tâm Si-đa Vượt Lên Cái Chết Chương 12


Chương 12
Năm 2009, tôi bị tai nạn giao thông và tình cờ phát hiện mình đang mắc căn bệnh nan y.

Tinh thần tôi suy sụp, cơ thể tôi gần như không còn sự sống, người gầy rạc đi. Đúng lúc này quanh tôi không còn ai. Những đứa con trai lớn đã lập gia đình và ra riêng. Có đứa về bên cha, mẹ ruột, ở rất xa. Có đứa đã ra đi về bên kia thế giới với căn bệnh AIDS giai đoạn cuối. Chỉ còn những đứa bé chưa biết an ủi, chưa biết chăm sóc cho tôi. Ngược lại tôi phải lê tấm thân bệnh hoạn lo chợ búa, cơm nước cho bọn trẻ. Nói chung mọi thứ trong nhà, tôi đều phải lo tất.

Bù lại, tôi có những người bạn rất yêu thương tôi. Khi hay tinh thần tôi tuột dốc, các bạn luôn sát cánh động viên, lo tiền nong, thuốc men, trị bệnh… cho tôi vì các bạn biết tôi rất nghèo. Mỗi người giúp một chút. Gần bốn tháng trời tôi mới dần dần lấy lại tinh thần. Như Lịch, Minh Phương, bác sĩ Tiến, những chị em trong trang webtretho... là những  người quan tâm lo lắng cho tôi về những khoản tiền thuốc men điều trị bệnh.

Khổ nỗi khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, tôi rất ư là mạnh dạn đi xin những anh, chị mà tôi quen biết, vì tôi tin rằng các anh, chị ấy sẵn lòng dang tay giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Tôi xin để giúp họ vượt qua bệnh tật. Đến phiên mình gặp bệnh tật, tôi lại không thể mở lời.

Cũng may cho tôi, khi tôi bệnh tật bên cạnh có rất nhiều bạn bè tốt giúp đỡ tôi và tôi cố gắng vượt qua hoạn nạn để có sức mà chăm lo cho các con còn quá nhỏ của mình, đồng thời giúp cả các trẻ em bất hạnh khác trong xã hội. Tôi không có của cải gì cả. Tôi chỉ có công đi xin để giúp lại người khác. Nhờ thế mà giờ đây các con tôi đã lớn, trưởng thành, ra riêng. Lập gia đình, thỉnh thoảng những đứa ở xa gọi điện hỏi thăm tôi, những đứa ở gần tìm về thăm mỗi dịp lễ, Tết. Đấy cũng là niềm động viên, an ủi rất ư là to lớn đối với tôi.

Trong khi tôi nghĩ ngợi mông lung mà trách mình, trách đời thì bạn bè tìm đến. Những quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ của các anh, chị, em, bạn bè thân hữu lại vực tôi dậy, giúp tôi vượt qua những ngày khó khăn, khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Rồi những câu nói thơ ngây của các bé nhỏ, những lần về thăm của các con lớn, những cú điện thoại của những đứa con đang ở xa... tất cả như tiếp cho tôi thêm nghị lực. Tôi lại thấy mình dạt dào hạnh phúc.

Cuộc sống của tôi bây giờ tuy không giàu tiền bạc nhưng rất giàu tình yêu thương. Tôi đã nhìn thấy được tình yêu thương của các anh, chị, cô, bác và các con dành cho mình. Với tôi như thế là quá đủ. Đủ để tôi đi nốt quãng đời còn lại. Tôi chỉ còn một mơ ước duy nhất là có được một căn nhà nhỏ. Nếu một mai tôi có đi về nơi xa thì vẫn còn có căn nhà dành cho các con bé bỏng của tôi tá túc, có chốn đi về. Hy vọng của tôi thật xa vời, nhưng tôi vẫn cứ hy vọng vì tương lai và hạnh phúc các con của mình. Hy vọng để tiếp tục sống, để tiếp tục yêu thương.

Có nằm mơ tôi vẫn không dám nghĩ rằng tôi có được cuộc sống ngày hôm nay. Hình ảnh của các em bé sống ở vỉa hè, đường phố đang tái hiện hình ảnh của tôi ngày trước. Và tôi thấy mình thật may mắn. Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải sống cho ra sống, sống thật xứng đáng với lòng tin mà xã hội đã dành cho tôi. Và tôi còn phải làm tấm gương cho các con tôi noi theo, những đứa con đang sống chung với tôi trong một mái nhà và những đứa con đang sống trên hè đường.

Mỗi khi đi tiếp cận trên đường phố, ngồi trò chuyện cùng các em, tôi nhận ra mỗi em lại có hoàn cảnh éo le riêng. Tuy chỉ mới mười một - mười hai tuổi thôi mà các em nói dối thật tài tình. Mới nhìn vào người ta cứ nghĩ “đám bụi đời này quá sành sỏi”. Riêng tôi thì khác. Tôi hiểu, để có thể tồn tại được nơi đường phố, các em buộc phải trang bị cho mình những mánh khóe của chốn giang hồ. Không ai muốn sống lang thang đầu đường xó chợ, nhưng khi không còn chọn lựa nào khác, các em buộc phải tìm cách thích nghi để tồn tại.

Vậy tại sao khi được đưa vào nhà mở, mái ấm các em này lại tìm cách trốn ra để tiếp tục cuộc sống bụi đời? Bởi các em đã quen cuộc sống nơi đường phố. Lối sống, ngôn ngữ, bạn bè của các em đều từ góc chợ, vỉa hè cả. Những bài học đầu đời ấy đã ăn sâu vào tâm trí của các em. Vì thế, để giúp các em thay đổi, giúp các em thích ứng với môi trường mới cần phải có thời gian và sự kiên trì của những người có tâm.

Cuối năm 2009, tôi đi tìm thăm những chị từng là mại dâm, nghiện ngập ma túy giống tôi trước đây. Các chị vẫn có cuộc sống bình yên, vẫn còn bán tiêu, hành, tỏi, ớt. Một số chị có chồng con đàng hoàng, một số là đồng đẳng truyền thông phòng tránh lây nhiễm HIV... Nhưng đa số vẫn sống khó khăn lắm. Tôi xót xa khi chứng kiến cảnh các chị bê mâm tiêu, hành, tỏi, ớt, chạy tới, chạy lui, vì không có chỗ ngồi ổn định. Tôi động viên các chị hãy gắng lên. Tôi tin rồi có ngày các chị sẽ khá hơn khi con cái trưởng thành - đó là tài sản quí giá nhất các chị có được. Còn tôi thì không có được tài sản quí giá đó, không được làm mẹ. Tôi chưa từng có hạnh phúc được sinh nở. Dù chỉ một lần. Tôi không có khả năng có con. Chúng tôi lại kể nhau nghe về những ngày tháng còn sống cảnh “bán trôn nuôi miệng”, quãng đời tủi nhục ê chề mà chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi động viên nhau nuôi dạy con cái cho tốt, đừng để các con đi vào vết xe đổ của mình. Thăm hỏi các chị xong, tôi ra về mà nghe lòng mình reo vui xen lẫn chút tự hào vì đó là thành quả mà tôi có được.

Tôi đi tiếp cận, giúp đỡ những người mại dâm, ma túy, thay đổi hành vi hoặc thay đổi cuộc sống nếu được, giúp trẻ em sống lang thang đường phố vào các mái ấm, nhà mở. Và tôi vẫn tiếp tục công việc này, tiếp tục nuôi dạy những đứa trẻ mồ côi bị AIDS. Tôi quyết không bỏ cuộc. Xã hội đã dang rộng vòng tay bảo bọc tôi, tôi không có gì để đền ơn đáp nghĩa, chỉ biết công việc hiện tại và cố gắng làm thật tốt để tất cả các ân nhân, bạn bè vui lòng vì không uổng công giúp đỡ tôi.

Tôi cũng rất lo cho tương lai của những đứa trẻ bị HIV/AIDS mà tôi đang nuôi dạy, thương yêu như con ruột của mình. Một mai các con sẽ ra sao khi không còn má Tâm bên cạnh? Tôi rất lo vì tôi biết sức khỏe của mình. Tôi cố gắng che đậy bằng những nụ cười đùa bên các con, để quên đi sự đau khổ chính mình. Càng buồn, tôi càng tìm đến với những trẻ em thiếu may mắn.

Tôi sẵn sàng chia sẻnhững gì tôi có được với các em. Nhìn các em vui, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ kỳ. Chính vì cách sống của tôi khác thường nên người ta cứ nghĩ tôi là người dư ăn, dư mặc. Kệ! Tôi chẳng cần quan tâm đến dư luận làm gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, những ân nhân giúp đỡ má con tôi có cuộc sống, tạo điều kiện cho tôi luôn có công việc để làm, nên tôi cần cố gắng tiết kiệm. Tôi chia sẻ với các em nhỏ bằng cách nấu món ăn ngon cho các em hoặc tặng cho các em món quà nho nhỏ mỗi khi có dịp. Thấy các em vui mừng, hạnh phúc là đủ rồi. Tôi muốn gần gũi các em để nói về kỹ năng sống, rút gan ruột đểnói bằng chính những kinh nghiệm xương máu cuộc đời mình, dạy cho các em biết cách đề phòng, không cho người khác xâm hại đến thân thể, dù với bất cứ lý do gì.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu thơ của một người nào đó đã viết mà tôi không nhớ tên: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. Quả không sai chút nào đối với tôi!

LỜI CẢM ƠN

Trước hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn các cô chú, anh chị còn sống hay đã mất mà tôi đã nhận được sự giúp đỡ trong chuỗi ngày trường trại của mình. Có những người tôi biết tên, có những người tôi chưa kịp hỏi tên. Xin nhận nơi tôi lòng biết ơn chân thành. Nếu tôi chưa kịp viết tên anh chị vào quyển sách này, xin vui lòng bỏ qua. Xin nhớ cho là tôi không bao giờ quên anh chị.

Kể từ khi thay đổi cuộc sống, đã gần hai mươi năm nay, tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân: Trong cuộc sống hàng ngày, phải cố gắng vượt qua những giây phút khốn khó, phải phấn đấu sống tốt để đền ơn những người thầy đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về “Công Tác Xã Hội”. Đó là anh Phạm Thanh Vân, là cô Nguyễn Thị Oanh (đã mất), là Lê Ngọc Thanh (giờ là Cha xứ), là Trần Công Bình, là Võ Hoàng Sơn, là Trần Tuấn Huy (Huy mờ), là Nguyễn Văn Hùng (Hùng phở, giờ cũng đã mất), là Nguyễn Văn Quang Phó Giám đốc Trung tâm công tác Xã hội Liên đoàn Lao động TP.HCM, Lê Cao Dũng, Võ Văn Cương…

Tôi vô cùng biết ơn các quý Cha: Đức Cha Hợp, Cha Minh nhà Thờ đức Bà, Cha Phụng dòng Chúa Cứu Thế, Cha Hùng nhà Thờ Bến Cát, Cha Quí nhà Thờ Đắc Lộ, Cha Toại Tòa Tổng Giám Mục - Ban Mục Vụ AIDS đã cho tôi niềm tin, nghị lực để tôi đi tiếp con đường mà tôi đã chọn.

Tôi mang ơn tất cả các anh, chị ân nhân gần xa, mang ơn anh Khuân, Như Mai, Lê Thị Thu Thủy Giám đốc Chương Trình Thảo Đàn, Huỳnh Anh Tuấn Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF, bác sĩ Nghĩa ở Viện Pasteur, bác sĩ Cường ở Phòng Dinh dưỡng hãng sữa Cô gái Hà Lan, Ý Quân ở Hội Phụ Nữ Từ Thiện, chị Thiện Chủ nhiệm mái ấm Hoa Hồng Nhỏ, Minh Phương, đạo diễn Lesley, Danbush, anh Tùng, Giang Tú, tất cả các anh, chị trong quỹ HIV, Thủy, Khôi và tất cả các bạn ở cửa hàng miễn thuế của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Quỳnh Giang, Lưu Hoa Đài Truyền Hình, các diễn viên Trương Minh Quốc Thái, Kim Huyền, Hòa Hiệp, Bá Thắng, ca sĩ đông Quân, Hoài Nam ở báo Saigon Tiếp Thị đã từng giúp đỡ tôi trong những lúc tôi gặp khó khăn, tuyệt vọng nhất.

Tiếp theo là những người truyền lửa, cho tôi những bài học thực tế khi đi tiếp cận. Ngọn lửa ấy vẫn cháy, vẫn rực sáng trong tôi. Còn nhiều, nhiều lắm những bạn bè xung quanh luôn tiếp sức cho tôi để đi tiếp con đường mà tôi đã chọn. Tôi cũng không quên những bạn đồng hành, đó là Đỗ Ngọc (báo Phụ Nữ), Thủy Cúc (báo Tuổi Trẻ), chị Bích Hạnh (báo Mực Tím), Như Lịch và Phước Vinh (báo Thanh Niên), thầy Linh,…

Đặc biệt là người cận kề tôi, động viên, an ủi, giúp đỡ tôi nhiều nhất trong công việc chăm sóc các em: bác sĩ Tiến, một người ít nói về mình nhưng làm rất nhiều, không riêng gì cho căn nhà của chúng tôi mà còn làm rất nhiều việc cho các bệnh nhân nhiễm HIV, cho những con người nghèo khó sống tận cùng xã hội, trong tận cùng khổ đau.

Tất cả các bạn luôn sát cánh bên tôi trong ngần ấy năm. Tôi được các bạn giúp đỡ để thay đổi cuộc sống, để kiên trì nuôi dạy các con mồ côi của tôi, những đứa con không có nơi chốn để về, không biết họ hàng ruột thịt là ai. Nếu không có sự giúp đỡ của các ân nhân thì không cách gì tôi có thể chăm lo cho các em được, bởi tôi chỉ có công chứ tôi không có của cải gì. Tôi phải đi làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có cái ăn. Tôi mang ơn vì mọi người đã tạo cho tôi có điều kiện để chăm lo cho những đứa trẻ mồ côi có HIV.

Tôi cũng xin được cảm ơn các Mạnh Thường Quân, những người hỗ trợ tài chính để cuốn sách này được ra mắt, cảm ơn Đức Cha Hợp, Cha Lê Quang Uy, Cha Toại, Nguyễn Thị Hồng Hoa, Trần Ngọc Lệ, bác sĩ Mỹ Dung, bác sĩ Nhung, Thu Trinh, Thu Hà, nha sĩ Vệ cùng nhiều ân nhân giấu tên khác.

Xin cảm ơn tất cả!

PHỤ LỤC

TRÍCH TIỂU LUẬN CỦA BÁC SĨ TRƯƠNG NGỌC TIẾN

            Tiểu luận này trình bày kết quả nghiên cứu về phương pháp “Tâm lý trị liệu hệ thống gia đình” dựa trên một trường hợp rối loạn tâm lý dạng cảm xúc bị phản bội do bác sĩ Trương Ngọc Tiến thực hiện tại Thành Phố Hồ Chí Minh, từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 01 năm 2010. Đối tượng nghiên cứu là chị Tâm và N - một trẻ lang thang chị nhận nuôi từ năm 2000.

--------------

Qua phỏng vấn trực tiếp, người trị liệu đã phát hiện đối tượng có cảm xúc  bị phản bội.

Người trị liệu (NTL):Dường như chị đang có vấn đề buồn bực?

Thân chủ (TC): Tôi buồn bực vì tôi cảm thấy bất lực. Vì tôi đã cố gắng hết sức để làm cho các em điều gì đó nhưng tất cả đều không như ý mình. N. đã phản lại kỳ vọng của tôi đối với nó. Tôi rất buồn, chán đời và muốn buông xuôi tất cả. Anh có thể giúp tôi được không?

...............

NTL :Thế tình cảm của ba chị đối với tất cả anh chị em chị như thế nào ?

TC :Ba tôi thương chúng tôi nhiều lắm. Nhưng ông thường xuyên đi công tác nên khó có thể chăm sóc chu đáo. Chúng tôi được gửi về cho ông bà nội chăm sóc. Ba tôi rất giỏi, nhưng mấy bà má của tôi thì rất trời ơi. Người thì mê đánh bài. Người thì đi theo người đàn ông khác… Còn mẹ ruột tôi thì chẳng quan tâm chúng tôi nhiều. Bà đi lấy người khác, bỏ bê chúng tôi…

NTL :Như vậy mối quan hệ của chị với gia đình dường như không thân thiết?

TC :Buồn lắm, số của tôi nó khổ. Trong tất cả dòng họ, anh chị em, không một ai quan tâm đến tôi. Nhưng khi xảy ra sự việc gì, tôi đều quan tâm và giúp đỡ. Khi anh Hai con bà vợ đầu nằm bệnh viện, tôi cũng lo tiền viện phí. Còn đi mượn tiền dùm cho anh Tư con bà vợ đầu. Dù khi xưa, đã có những lúc bà đánh đập, đuổi tôi ra khỏi nhà.

NTL :  Thế hiện nay, mối liên lạc của chị với gia đình như thế nào ?

TC : Hiện nay, tôi vẫn giữ liên lạc với gia đình chị Ba con bà vợ đầu. Tôi vẫn thường mua quà vào dịp Tết cho bà má lớn, dù khi còn nhỏ đã đối xử tệ bạc với tôi. Tất cả những người còn lại trong họ hàng, tôi không nhớ rõ năm sanh và cũng không quan tâm nhiều đến nghề nghiệp của họ. Tôi cho rằng mọi người đó đều hắt hủi và bỏ rơi tôi.

NTL: Sự việc như thế nào mà chị kể lại cho tôi nghe với?

TC: Niềm mơ ước duy nhất trong đời tôi là tình thương gia đình. Như anh cũng biết, tôi đang nuôi một em, tên là N. từ 2000 đến nay. Trước đây, N. bỏ Hải Phòng vào thành phố, sống lang thang ngoài đường. Tôi đã coi nó như con ruột. Tôi cho nó tất cả những thứ nó thích (nuôi cá kiểng, nuôi chó, mua xe, mua máy chụp hình…). Tôi đi tìm việc làm cho nó. Thậm chí khi N. thích mua laptop, dù không có tiền tôi cũng xoay sở để lo. Sau này, tôi còn đi xin tài trợ cho N. học kỹ thuật đồ họa, anh văn. Tôi sắm cho nó dây chuyền, đồng hồ, quần áo đẹp… Nhiều khi tôi không dám la nó chỉ sợ nó buồn, nó giận. Nay N. muốn ra ở riêng, lấy vợ. Quay lại chửi mắng tôi. N. đã phản lại kỳ vọng của tôi đối với nó!...

………

NTL: Chị đã cảm thấy N. không thương chị như chị đã thương thằng bé?

TC: Đúng rồi!... N. còn bảo khi sống với tôi, nó không thể phát triển, không tự do, không tiến thân lên được. Thử hỏi, tôi đã làm gì? Tôi lo chu đáo mọi thứ, từ ăn uống, quần áo, đi học thêm... Tôi cũng đã khuyên nó đi làm thì cần phải biết Anh Văn. Nhiều lần tôi động viên, giải thích nhưng nó đâu có nghe…

(Chị khóc sướt mướt, tái nhợt, tóc tai bù xù)

Tôi buồn, bỏ đi uống bia đến say khướt và chỉ khi N. đến đón, tôi mới về. Có những lúc trong đầu tôi đã nhen nhóm lên ý định sử dụng lại ma túy…

……….

NTL: Chị đang rất tức giận N.? N. đã bỏ rơi chị rồi?

TC: Đúng rồi!

………

NTL: …Đến N. chị thương như con, nhưng hiện nay nó cũng tính bỏ chị đi. Chị đã cảm thấy  như thế nào với những đau khổ đó? Chị cảm thấy như thế nào khi mình đã cố sức giúp mọi người nhưng cuối cùng mọi người lại quên chị?

TC: Khi N. quyết định đi, tại sao N. không ra đi từ từ để tôi quên nó đi. Nó lại nói những câu nói như ăn xong cái chén rồi đập bể. Xúc phạm tôi trầm trọng. Tôi uất ức, suy sụp tinh thần trầm trọng. Tôi cảm thấy không còn là tôi nữa, giống như mất đi cái gì đó quí báu.

………

NTL: Lúc nhỏ, chị đã rất cô đơn, không ai quan tâm đến chị. Chị đã hy sinh để mọi người yêu thương chị hơn, nhưng không ai quan tâm đến điều đó và đều đẩy chị ra khỏi gia đình. Mẹ chị bỏ đi theo người chồng khác. Và chắc là còn nhiều đau khổ hơn nữa… Chị nhớ gì về những cảm xúc lúc đó?

TC: Tôi cảm giác hận đời. Hận tất cả những gì mà người ta có được mà tôi không có. Như là hạnh phúc gia đình, tình yêu thương, cha mẹ anh em. Vật chất thì tôi không quan trọng lắm. Vật chất là phù du. Ví dụ, tôi thấy một đứa nữ sinh đi ngang qua nhìn tôi là tôi cảm giác tức lên, tôi nghĩ là “mày có gia đình, mày làm phách”, và tôi đánh nó ngay.

………

NTL : Thế sau này đám cưới N., chị tính như thế nào?... Nếu có thể có một cây đũa thần để làm cho N. không ra khỏi gia đình chị, cuộc sống trong gia đình sẽ có những biến đổi gì và chị cảm thấy như thế nào khi có sự thay đổi đó? Y. , vợ N., sẽ gọi chị bằng gì?

TC: Tôi mong hai vợ chồng nó về ở chung với tôi. Tôi chưa biết sẽ như thế nào…

NTL: Như vậy chị rất mong muốn được chăm sóc tụi nó, dù tụi nhỏ có nghĩ như thế nào? Lúc sống chung, N. sẽ đối xử với chị như thế nào? Và chị sẽ đối xử với vợ chồng N. và Y. như thế nào?

TC: Nếu chúng nó xem tôi như là má nó thì tôi sẽ coi nó như là con. Nó đối xử với mình như thế nào thì mình sẽ đối xử với nó như thế.

NTL: Hẳn chị sẽ cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống đó lắm. Nhưng theo chị, N. và vợ nó sẽ cảm thấy như thế nào với cuộc sống gia đình đó?

TC: Theo tôi, tôi nghĩ nếu N. có gia đình thì chúng nó nên ở riêng. Tôi có thể giúp nó trông coi con giùm khi nó đi làm. Còn trong nhà, các em còn nhỏ sợ sẽ bị ảnh hưởng. Vì nhà tôi chật.

NTL: Chị đã làm gì để có thể giúp N. và vợ nó hiểu được mong muốn đó của chị?

TC: Tôi không thể nói gì. Tôi chưa chuẩn bị tâm lý cho điều này.

Mở rộng tìm hiểu vấn đề từ phía nguyên nhân.

NTL: Việc má Tâm tỏ ra giận như vậy, tụi con nghĩ gì?

T và L: Tụi con biết điều đó. Nhưng từ lúc dọn ra riêng, tụi con dù khủng hoảng rất nhiều, cũng phải cố gắng chấp nhận. Tụi con đã vượt qua nhiều lắm rồi.

NTL: Má Tâm sợ điều gì khi cố gắng ngăn cản tụi con như vậy?

T và L: Đến giờ, chúng con đã cố gắng vượt qua được khủng hoảng này nên không muốn nhớ gì về điều đó...

NTL: Tụi con mong muốn gì khi ra ở riêng?

T và L: Sống với má Tâm, tụi con cảm thấy bị lệ thuộc rất nhiều. Giờ, tụi con cảm thấy thoải mái và tự do.

NTL: Trong cuộc sống hiện nay với má Tâm, con có thể cho một hình ảnh tượng trưng?

T:  Con thấy mình như “con rối”, không thể tự lập cho bản thân mình.

NTL: Chắc lúc đó con giận lắm. Con cảm thấy thế nào sau khi con nói như vậy với má Tâm?

T: Con biết mình có lỗi. Con cũng chưa xin lỗi má. Chưa có cơ hội. Lúc nào má cũng nóng giận. Con nói sợ má không nghe.

Khéo léo hướng dẫn qua câu hỏi để đối tượng nghĩ đến những nguồn lực mới.

NTL: Với những hoàn cảnh như vậy, chị có thể vượt qua như thế nào?

TC: Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng vượt qua. Nếu mình không tự giúp mình thì ai sẽ là người giúp mình đây. Bạn nắm một tay kéo tôi lên, còn tay kia tôi gượng đứng dậy để tiếp tục làm người. Và học theo những người bạn trẻ này, tôi đã làm công tác xã hội sau này tốt hơn.

NTL: Thế bây giờ chị làm gì? Kế hoạch sắp tới như thế nào?

TC:Bây giờ, tôi đã nhận thêm một số trẻ mồ côi và bị nhiễm HIV. Một thân một mình, tôi cũng chỉ đủ sức nuôi bốn trẻ. Vừa đưa các em đến trường, vừa đi chợ nấu ăn. Ngoài ra hàng tháng, tôi phải đưa các em đến BV để nhận thuốc điều trị HIV. Rồi tranh thủ thời gian rảnh, tôi theo các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ đi truyền thông. Những đứa trẻ lớn lên, trưởng thành ra đi. Tôi lại nhận những trẻ khác về để chăm sóc.

NTL: Điều này chứng tỏ chị sẽ tiếp tục lặp lại hoàn cảnh mới tương tự như với nhân vật N.  Tôi e rằng sau này chị sẽ đau khổ giống như vậy khi chị gặp những trường hợp trẻ chị nuôi sau này sẽ ra đi và bỏ chị...

TC: Bây giờ, tôi đã bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo. Tôi hiểu khi đi góp nhặt những mảnh ghép để đem về làm yêu thương cho mình và cho người thì mình không thể giữ trong vòng tay mình suốt đời được. Đó là quy luật. Con người lớn lên phải có vợ chồng, con cái, có cuộc sống riêng để chăm lo, không thể nào ở vậy suốt đời với cha mẹ.

NTL: Nhưng cũng có trường hợp các con khi có vợ chồng cũng ở chung với cha mẹ.

TC: Trường hợp đó ít lắm.

NTL: Trường hợp nếu con chị thật sự muốn ở chung với chị, chị có thích không?

TC: Như vậy, vợ nó phải nói với tôi. Trong thâm tâm tôi cũng muốn điều đó xảy ra. Tôi có thể theo dõi sức khỏe nó, chăm sóc nó.

Đối tượng bắt đầu có tư tưởng tích cực hơn.

NTL:Chị đã lâm vào tình trạng thiếu thốn tình thương này nhiều quá! Lúc nhỏ, chị bị ba mẹ không quan tâm. Các mẹ kế cũng không quan tâm. Các anh chị em cũng không chú ý đến chị. Đến N. là người chị thương nhất cũng bỏ chị đi. Chị cảm thấy cuộc đời chị như thế nào?

TC: Lúc này, tôi muốn sử dụng lại ma túy để tìm quên. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, quanh tôi còn rất nhiều người tốt, không thuộc dạng người giống tôi - những người có địa vị trong xã hội, luôn động viên, an ủi, giúp đỡ tôi mỗi khi tôi hụt hẫng trong cuộc sống - tôi lại cố gắng dừng lại để mọi người không thất vọng về mình.

Đối tượng tiếp tục tích cực nhìn ra người khác.

NTL: Hiện chị còn lo cho nhiều người đang đau khổ. Chị đã cảm nhận được sự đau khổ của người khác. Liệu sau này, những người chị giúp đỡ không còn ở với chị nữa, chị sẽ cảm nhận như thế nào ?

TC: Tôi nghĩ nếu như các con tôi thông báo và bàn bạc với tôi chuyện chúng nó sẽ ra đi, ra ở riêng thì tôi sẽ không bị sốc. Chứ như N. về nói với tôi những câu nói xóc óc thì tôi sẽ bị tổn thương trầm trọng. Nếu các con tôi có vợ, có chồng, tôi cũng sẽ hãnh diện vì chúng nó đã sống tốt. Tôi nghĩ các em lớn lên sẽ phải tự tạo lập hạnh phúc cho riêng mình. Tôi nghĩ cũng tốt.

NTL: Lúc đó chị sẽ có cảm giác buồn hoặc đau khổ nhưng chị cũng hạnh phúc hơn vì đã giúp cho một cuộc đời có hạnh phúc hơn. Và chị sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Tuy vậy, chị sẽ vượt qua những đau khổ đó như thế nào ?

TC: Tôi sẽ tìm những người bạn mà tôi tin tưởng nhất để tâm sự, để trải lòng mình, để người bạn đó giúp tôi mở lối, giúp tôi vượt qua đau khổ đó. Và khi tôi trải lòng với những người bạn thân thì tinh thần tôi sẽ nhẹ đi. Tôi sẽ tập quên đi. Và tôi sẽ tiếp tục lo cho những em mới. Tôi nghĩ dù các em có tạo lập tương lai riêng, chúng và tôi cũng sẽ còn liên lạc. Chúng nó sẽ về thăm tôi.

NTL: Nếu chúng ta xem như N. và vợ nó đang ngồi đây (chỉ chiếc ghế trống), chị sẽ nói gì cho tụi nó hiểu về chị hơn?

TC: Tôi sẽ nói nếu đã là vợ chống thì phải yêu thương, chăm sóc lẫn nhau và phải hi sinh cho đứa con để đứa trẻ khi lớn lên sẽ không cảm thấy bị thiệt thòi và sẽ không là gánh nặng cho xã hội.

Đối tượng chấp nhận thực trạng và tự vạch ra hướng đi mới.

NTL: Chị đã xây dựng nên những gia đình mới hạnh phúc, chị cũng có những đứa con rất yêu thương chị, xem chị như một người mẹ và luôn luôn đến với chị khi chúng đau khổ. Nhưng nếu chúng nó không về thăm, chị sẽ cảm thấy thế nào ?

TC: Đó là chuyện bình thường. Các con tôi không về vì chúng đang hạnh phúc, và khi đó tôi cũng hạnh phúc. Và cũng vì chúng nó đâu có máu mủ gì với tôi. Đến như người thân còn bỏ rơi tôi huống chi đến những mảnh ghép mà tôi góp nhặt lại. Biết làm gì bây giờ. Chúng nhớ đến mình thì tốt. Còn quên mình thì thôi. Tôi vẫn phải sống, phải lo cho đứa khác. Tôi còn phải tìm tình thương ở những đứa trẻ khác. Vậy thôi.

BÁO CHÍ VIẾT VỀ CHỊ

NGÔI NHÀ TRỌ VÀ NHỮNG GIẤC MƠ

"Đời đã dạy cho tôi sự giận dữ, oán hờn, đố kỵ, gian xảo, lừa gạt... rồi đời lại dạy tôi yêu thương con người..." - trong nhật ký đời mình, chị viết. Để hôm nay, người phụ nữ ấy ươm tình thương vào trái tim của bao em bé lang thang...

Căn nhà trọ nhỏ ở vùng ven TP.HCM là tổ ấm của bảy má con. Điều lạ là má chưa từng mang nặng đẻ đau. Mỗi đứa con đến từ một vùng quê khác nhau, mang theo một hoàn cảnh riêng. Người mẹ ấy là chị Trương Hồng Tâm, người phụ nữ với hơn 2/3 quãng đời sống trong cơ cực, ê chề.

Tìm lại cuộc đời

Hơn mười năm kể từ lúc "gác kiếm giang hồ", rồi đón các em bé mồ côi về nuôi, nhịp tim chị vẫn rộn rã mỗi lần nghe các con gọi: "Má! Má ơi!". Tiếng gọi ấy khiến tuổi thơ bị quên lãng trong người phụ nữ ấy bùng sống dậy. Thuở nhỏ, chị cũng từng mơ có má bên cạnh để được gọi tiếng gọi thân thương ấy. Thế nhưng...

Ba bỏ theo vợ bé. Má bỏ theo chồng sau. 7 tuổi, chị đã phải đi trộm cơm nguội cho ba đứa em qua cơn đói. Đòn roi. Đói rét. Sự nhục mạ lẫn những bàn tay nhớp nhúa của những gã đàn ông nhiều lúc tưởng xé nát sự trong trắng của đứa bé. Song những thứ ấy vẫn không vùi dập nổi ước mơ cháy bỏng của cô bé lang thang: giấc mơ một gia đình! Ngay cả những đêm đến vỉa hè cũng không có chỗ nằm, trong giấc ngủ đứng khi dựa lưng vào tường nhà người ta, cô bé Tâm vẫn mơ được quây quần bên mâm cơm, được ba gắp cho món này món kia; được ba má bắt nằm xuống nhịp roi vào mông đánh đòn mỗi khi lầm lỗi...

Rồi đến khi trở thành một cô gái nghiện ma túy, đêm đêm đứng dưới ánh đèn đường, sau gần chục lần đi về từ trung tâm cai nghiện ma túy và phục hồi nhân phẩm, giấc mơ mái ấm gia đình vẫn canh cánh bên lòng. Sau bao đớn đau, ê chề, người phụ nữ ấy đã quyết định làm lại cuộc đời khi nhìn thấy hình ảnh của mình lặp lại trong bao đứa trẻ lang thang đường phố. Chị thương chúng như thương chính tuổi thơ của mình.

Chị tham gia công tác xã hội và trở thành mẹ khi đã bước vào tuổi 40.

Ước mơ có giấy CMND

Còn lắm nhọc nhằn trong hành trình tìm lại cuộc đời, thế nhưng ước mơ của người phụ nữ 53 tuổi này thật giản dị: được có tờ giấy chứng minh nhân dân! Dù đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen biểu dương người tốt việc tốt, nhưng lần nào đi xin làm tờ giấy để "góp mặt với đời", chị đều ngậm ngùi trở về.

Lý do: không nhà, không hộ khẩu. Và không ít lần người mẹ này rất khổ sở khi làm thủ tục nhập học cho các con, thuê nhà, xin việc, đi lại lẫn nhận tài trợ từ thiện từ một công ty vì không có "nhân thân rõ ràng".

Hơn 10 năm trước, khi tham gia làm việc tại nhà Hi Vọng - một dự án công tác xã hội nhằm hỗ trợ trẻ đường phố - chị nghĩ đơn giản: có một khoản lương đủ nuôi sống bản thân để không phải quay về con đường cũ. Thế nhưng, sự đồng cảm đến xót xa cho những đứa trẻ mồ côi, nghiện ngập, nhiễm HIV/AIDS, mưu sinh trên đường phố khiến trái tim người phụ nữ dày dạn sương gió ấy gắn bó với công việc tự nhiên như hơi thở.

Như khi người ta bế bé L. đến tìm chị. Nó gầy rạc như một con mèo ướt. Ba mẹ bé chết vì nhiễm HIV/AIDS trong một căn chòi bên bìa rừng ở Bình Dương. Sau khi chôn cất con gái, ông ngoại về quê bỏ lại đứa cháu thơ 3 tuổi đầu đang mang căn bệnh hiểm nghèo do ba mẹ truyền sang. Người ta nghe tiếng khóc và tìm thấy đứa bé ốm dặt dẹo đã bị kiến bu khắp người. Khi nhìn sinh linh bé bỏng ấy, chị không thể chối từ...

Dự án nhà Hi Vọng kết thúc, chị Tâm không còn nhận được khoản lương cố định. Một số em còn gia đình được đón về. Nhưng một số em khác... Ba mẹ bé M. đang nhiễm HIV/AIDS và ở trung tâm cai nghiện. Mẹ bé H. đã trút hơi thở cuối cùng ở công viên 23-9. Chị có thể rời bỏ chúng như một người làm công rời bỏ công việc sau khi không còn nhận lương?!

Thế nhưng, nghe các con gọi "má” mà chị như đứt từng khúc ruột. Chợt nhận ra dù có trải qua bao tủi nhục, chị vẫn là người phụ nữ tràn đầy bản năng khát khao làm mẹ. Và chị đã quyết định bằng trái tim của một người mẹ: thuê nhà để tiếp tục nuôi những đứa con.

Giấc mơ nhọc nhằn

Với trợ cấp 800.000 đồng/tháng của một cộng tác viên đồng đẳng cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, chị khó xoay xở tiền nhà trọ, tiền ăn và trăm thứ chi tiêu khác cho cả gia đình. Đôi lúc mệt mỏi, không bờ vai nương tựa, người phụ nữ ấy cũng muốn buông trôi. Trong nhật ký đời mình, chị viết: "Đôi khi làm người tốt thật khó! Bụng đói, nhà cửa không có, bày đặt cưu mang người khác. Vài đứa bạn đã nói với tôi như vậy. Còn tôi thì hoàn toàn mới trong việc học làm người tốt, học quan tâm, chăm sóc cho người khác". Nhưng rồi chính tình mẫu tử đã cho chị thêm nghị lực. Chị viết tiếp: "Để có tiền trang trải nuôi con, tôi phải nghĩ ra nhiều việc để làm, từ nhận làm công tác tuyên truyền ở các mái ấm, nhà mở, tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ, thậm chí giặt đồ mướn cho người ta...".

Sự thiếu thốn vật chất còn có thể xoay xở được, nhưng còn định kiến, kỳ thị của nhiều người? Không nhớ nổi bao nhiêu lần cả gia đình lủi thủi dắt díu nhau dọn khỏi nhà trọ. Chủ không đuổi thì hàng xóm cũng xa lánh khi phát hiện thân phận mấy má con. Bé H., 4 tuổi, đã phải chuyển trường mẫu giáo năm lần. Bé L. phải chuyển trường hai lần. Mặc dù đứa nào cũng thông minh, học giỏi. Người phụ nữ tưởng đã chai sạn với sóng gió cuộc đời từng khóc ròng khi cánh cổng trường mẫu giáo đóng lại trước đôi mắt ngơ ngác của các con chị. Khóc hết nước mắt rồi chuyển sang phẫn nộ.

Người mẹ ấy đã đem cả qui định của luật pháp về phòng chống HIV/AIDS để đòi quyền được đến trường cho con. Thế nhưng, chị chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Lòng nhân ái nuôi dưỡng sự lương thiện. Giống như câu chuyện đời của chị. Và nếu có dịp nhìn thấy căn nhà trọ tràn ngập tình yêu thương của những con người đang vắt kiệt nghị lực để sống trọn vẹn cho những ngày còn lại trên cõi đời, ai đó sẽ hiểu rằng: "nhân thân" không nằm ở tờ giấy. Nó nằm ở trái tim, ở những giá trị tốt đẹp mà con người đã và đang góp cho cuộc đời!

Bài, ảnh: YẾN TRINH

(Báo Tuổi trẻ, 1/5/2008)

CHỊ TÂM “SI-ĐA”

Đó là biệt danh chị tâm đắc, do chính những người nhiễm HIV/AIDS mà chị tiếp cận, chăm sóc đặt cho. Trở thành một nhân viên công tác xã hội trong tình cảnh hết sức éo le, để rồi chị “máu lửa” dành cả phần đời còn lại cho công việc này. Tin chị nghi nhiễm căn bệnh hiểm nghèo khiến nhiều người lo lắng. Nhưng chị tỉnh rụi: “Sinh nghề, tử nghiệp mà!”.

LÀM LẠI CUỘC ĐỜI

Tên đầy đủ của chị là Trương Thị Hồng Tâm. Chị chưa bao giờ giấu giếm quá khứ làm gái mại dâm, nghiện ma túy, trộm cắp… của mình. Suốt 10 năm sau giải phóng, chị thường xuyên trốn ra, rồi lại được đưa vào trường trại cai nghiện, phục hồi nhân phẩm. Trải qua quãng đời sáng tối đan xen đó, chị thấu hiểu sự vật vã đấu tranh với bản thân và với “cơm áo gạo tiền” của những người lầm lỡ muốn hoàn lương. Và đây là những dòng hồi ký đang viết dở dang của chị: “Ai cũng có thể nói tốt được hết, nhưng khi đụng thực tế thì rất khó. Tôi cũng muốn sống tốt, nhưng vốn liếng lấy đâu ra? Nhà cửa thì không có, giấy tờ cũng không, làm sao sống tốt cho được? Tôi đâu muốn mình làm người xấu, cũng đâu muốn bị bắt vào trường cải tạo hoài…”. Năm 1991, chị  được một nhóm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Q.1, TP.HCM kiên trì đeo bám, thuyết phục chị tham gia nhóm. Lại đắn đo. Giằng xé. Rồi cuộc đời cũng được lật hẳn sang trang mới. Chị Tâm nhớ lại: “Mỗi buổi tối, tôi thường đi tiếp cận tại khu vực mà trước đây tôi từng kiếm cơm. Nhóm bạn mại dâm hễ thấy tôi đi tuyên truyền về si-đa là họ xầm xì bàn tán. Họ bảo, tôi hết thời làm đĩ mới đi làm si-đa. Có người so sánh làm gái kiếm cả trăm ngàn một đêm, trong khi nghề của tôi bấy giờ cả tháng nói khô cổ họng mới được 300 ngàn đồng...”. Tuy nhiên, cũng có một số người khác bày tỏ ước muốn được như chị. Họ muốn có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng sao khó quá! Chị Tâm không chỉ dùng lời động viên mà còn tìm mọi cách giúp họ mưu sinh bằng nghề lương thiện.

Tháng 3 năm 1995, chị “mừng đến phát run” khi nhận được số tiền 2 triệu đồng do bạn đọc một tờ báo giúp đỡ. Chị kể: “Nhận tiền xong, tôi… đau đầu lắm! Cuộc sống thiếu trước hụt sau, tính mua cái này, sắm cái kia cho “đã đời”. Cũng định mua chiếc xe đạp tốt tốt một chút để đi công tác đỡ mệt... Nhưng lại nghĩ, tiền người ta cho mình, mình phải làm điều gì đó cho có ý nghĩa”. Bỗng nhiên, chị nhớ đến những cô gái mại dâm sống vạ vật ngoài đường. Chị nhớ khát khao cháy bỏng của họ là có được cuộc sống bình thường, có một chốn đi về. Không ngần ngại, chị  quyết định dành trọn số tiền ấy để thực hiện dự án “Nhà giúp, tự giúp” để cho bảy cô gái trẻ chuyển sang nghề cắt củ kiệu ở chợ Cầu Muối. Sau giờ tiếp cận, chị Tâm rủ bạn bè ghé vựa kiệu, vừa phụ cắt vừa kể chuyện vui cho các cô quên mệt mỏi. Dần dà, các cô thạo việc và bắt đầu sống tự lập. Trừ một người chết và một người “quay về đường cũ”, năm cô gái ngày trước hiện đã có cuộc sống tương đối ổn. Nhắc đến họ, chị Tâm luôn cười rạng ngời, tự hào cho cái “sự liều” của mình.

Hiện tại, chị Tâm vẫn là nhóm trưởng nhóm Tiếp cận cộng đồng của một tổ chức phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Trước đó, chị là cộng tác viên của Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM. Chị thường chăm sóc những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối bị người thân ghẻ lạnh… Khi được hỏi về số gái mại dâm, trẻ lang thang đường phố, người nhiễm HIV/AIDS mà chị đã tiếp cận trong thời gian qua, chị Tâm nói: “Không nhớ nổi đâu. Hàng ngàn ca thì không dám nói, nhưng hàng trăm ca thì có dư. Phần thưởng họ dành cho tôi chính là biệt danh không đụng hàng: Tâm si-đa!”.

HƠN NỬA CUỘC ĐỜI, CHƯA CÓ CHỨNG MINH THƯ

Nếu ai hỏi tuổi, chị Tâm nói ngay mình sinh năm 1956. Nhưng khi “dấn” tiếp, đề cập đến lai lịch quê quán, sẽ thấy chị thoáng nét ưu tư: “Mình sanh ở làng Bình Trưng, Q.Thủ Đức, tỉnh Gia Định; nay chuyển thành Q.2, TP.HCM. Sau đó, lưu lạc tứ phương, chẳng biết đâu là quê hương…”. Có lẽ, chỉ những người hơn nửa cuộc đời (hoặc cả đời!) không có giấy tờ tùy thân như chị mới thấm thía nỗi khó nhọc khi thốt ra vài dòng có vẻ giản đơn ấy. Đã không ít lần, chị được công an đến “hỏi thăm” chứng minh thư  trong lúc chị đang tỉ tê trò chuyện, phát bao cao su cho gái mại dâm. Chị đưa thẻ hành nghề và cố sức giải thích mình là nhân viên công tác xã hội. Ai tin chị, nhất là lần đầu gặp mặt? Thế là chị được “mời” về trụ sở công an phường làm giải trình, rồi nhờ người bảo lãnh… Cũng vì thiếu giấy tờ tùy thân mà chị còn gặp muôn vàn khó khăn lúc đi xin việc hoặc khi thuê nhà, xin cho con nhập học…

Giữa năm 2008, chị Tâm trở lại Q.2 để nhờ trích lục giấy khai sinh cho chị. Một nhân viên hỏi cắc cớ: “Chị có chứng minh nhân dân, có sổ hộ khẩu không? Nếu không có, không tìm được đâu!”. May thay, câu chuyện một nhân viên công tác xã hội không có giấy tờ tùy thân như chị đã đến tai ông Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài. Khi chị đưa ra công văn của ông Tài, nhân viên nói trên mới tích cực lục tìm. Có được giấy khai sinh, chị sung sướng tưởng mình gần chạm đến tấm giấy chứng minh nhân dân bao tháng ngày “hành” chị. Nhưng đã một năm trôi qua, cán bộ phường nơi chị đang tạm trú (thuộc Q.Gò Vấp) chỉ hứa và... hứa xem xét.

“Tài sản mình không có, đến mảnh giấy chứng minh mình là một công dân cũng không có nốt! Đôi khi nghĩ thấy tủi thân lắm…” - giọng chị Tâm chùng xuống.

MẸ CỦA HÀNG CHỤC ĐỨA TRẺ

“Ba má tôi chia tay trong lúc đứa nhỏ nhất còn nằm trên võng, chưa biết ăn. Ba bỏ nhà đi theo dì ghẻ. Má tôi ghen quá hóa bệnh… Tự nhiên chị em tôi thành bơ vơ! Ngày ngày tôi đi ăn cắp cơm hàng xóm, riêng thằng em út khát sữa, khóc đến lả người...”. Những hồi ức buồn của tuổi thơ không - hơi - ấm - mẹ - cha khiến chị dành tình thương đặc biệt cho những đứa trẻ mồ côi. Thời chị cùng phụ trách nhà Hy vọng (thuộc chương trình Trẻ em Thảo Đàn, TP.HCM) cách đây hơn mười năm, chị đã xem hàng chục đứa trẻ đường phố nhiễm HIV như con ruột của mình. Các con đi chơi đêm, chị đi ra đi vào càm ràm. Con về, chị trách móc, la mắng đủ điều. Có những người không hiểu, nói chị sao đối xử khắt khe quá. Từ năm 2004, chị Tâm thuê nhà riêng để tiện chăm sóc những trẻ nhiễm HIV, trẻ mắc căn bệnh hiểm nghèo. Trong đó, có một số trẻ đã trưởng thành, sống tự lập. Hiện chị nuôi năm đứa trẻ tuổi từ 6-12, học lớp 1 và lớp 2. Ai cũng khen chị khéo dạy con, đứa nào cũng ngoan hiền... Câu chuyện giữa chị và chúng tôi cuối cùng lại quay về căn bệnh chị có nguy cơ mắc phải. Chị nhắn nhủ: “Cho phép tôi không nêu cụ thể loại bệnh gì. Chỉ nói là bệnh hiểm nghèo”.

Gần đây chị mới nghi ngờ mình nhiễm căn bệnh này ạ?

Vừa rồi thấy người bết bát quá, tôi đi xét nghiệm thì kết quả dương tính! Bác sĩ phỏng đoán tôi đã mắc bệnh này ba năm nay. Nhưng tôi vẫn hy vọng - dẫu rất mong manh- vào lần xét nghiệm tháng Tám tới để biết chắc chắn kết quả …

Trăn trở, kinh nghiệm của chị trong việc tiếp cận, hỗ trợ trẻ đường phố và gái mại dâm?

Cá nhân tôi cho rằng, không nên nhúng tay quá sâu vào cuộc đời các em. Chỉ nên giáo dục hoặc cai nghiện xong là đưa về hồi gia, trừ một số trường hợp đặc biệt mới cưu mang. Đối với chị em từng làm gái mại dâm, tôi mong họ được học những loại nghề xã hội cần. Thử hỏi, ở những thành phố lớn mà dạy đan lát, dệt chiếu... thì làm sao kiếm được việc làm?  Mặt khác, nếu địa phương không tạo điều kiện cho họ thì những công đoạn trước dễ thành “trớt qướt”. Đói thì đầu gối phải bò.

Chị có buồn vì không có con ruột, chỉ toàn con nuôi?

Cuộc đời tôi “xấu hoắc”, có cha có mẹ cũng như không; rồi làm gái, nghiện ma túy… Tôi không có nhà cửa; đẻ con ra sợ chúng nó khổ. Đến khi mình nằm xuống, lại để gánh nặng cho xã hội. 

Tôi sanh đẻ lần nào đâu mà có ranh giới con ruột, con nuôi? Tôi và những đứa con này gặp nhau như duyên nợ, toàn những cuộc đời đau khổ, nương tựa nhau mà sống. Có mình tụi nó vui, có tụi nó mình vui!

Chị có quá lo sợ nếu kết quả xét nghiệm lần nữa không như mong muốn?

Tôi không sợ chết. Có điều, căn bệnh đến với mình bất ngờ quá nên bị suy sụp. Không ai bên cạnh để an ủi ngoài mấy đứa nhỏ nên tôi càng bấn loạn. Bây giờ, tinh thần tôi đã khá hơn. Tôi chỉ lo sợ nếu mình ra đi đột ngột, các con tôi phải mồ côi thêm một lần nữa.

***

Những ngày này, một số blog, trang web quyên góp giúp mẹ con chị Tâm. Những bà mẹ trang webtretho, nhóm tình nguyện HHF... hỗ trợ hơn 8 triệu đồng và một số vật dụng. Trong đó, có một món quà quý - quyển sách Yêu và chết (Loving and Dying) của tỳ kheo Visuddhàcàra. Chị Tâm cho hay, quyển sách nâng đỡ tâm hồn, giúp chị có thể mỉm cười đón nhận cái chết nếu nó đến sớm. Đơn giản, vì chị đã sống hết lòng trong cuộc đời này!

 Bài, ảnh: Như Lịch

(Báo Thanh niên, 4/7/2009)

NỮ GIANG HỒ TRỞ THÀNH KHẮC TINH HIV/AIDS

Nghiện ma túy nặng, từng là gái làng chơi, khét tiếng với “thành tích” trốn trường trốn trại, thế nhưng khi quyết định "cải tà quy chính", Trương Thị Hồng Tâm đã trở thành một tuyên truyền viên HIV xuất sắc tại TP HCM.

Thân gầy gò teo quắt, song sáng nào cũng vậy, sau khi đưa bốn đứa con nuôi nhiễm HIV đến trường, chị lại lang thang đi tìm gái mại dâm, dân nghiện hút nhằm giúp họ cách phòng chống căn bệnh thế kỷ. Đó là công việc của chị, "nữ đại bàng" 54 tuổi, ngụ tại Gò Vấp - người mà giới lang thang cơ nhỡ tại Sài Gòn vẫn gọi với cái tên thân mật: Tâm si-đa.

Sinh ra trên cù lao bên kia sông Sài Gòn, giờ là quận 2, cuộc đời của Tâm si-đa bắt đầu thay đổi khi mới hơn 10 tuổi. Cha mẹ bất hòa, rồi mẹ đi lấy chồng cha đi lấy vợ, mất phương hướng, không nơi nương tựa, buồn chán lại bị bạn bè rủ rê cám dỗ, cô nữ sinh trung học duyên dáng trở thành con nghiện.

“Tôi bắt đầu chơi bạch phiến từ năm 14 tuổi, năm 1976 thì bị bắt, tiếp sau đó là những tháng ngày liên tu bất tận vào trường ra trại. Họ bắt vô, tôi tìm cách thoát ra như bắt cóc bỏ đĩa. Bạn bè tôi là gái mại dâm, là dân chích hút, xem tôi như một con liều bởi tôi sống buông thả, tìm vui trong cơn phê thuốc. Nhưng rồi mọi việc bắt đầu thay đổi khi tôi gặp được những người làm công việc mà tôi đang làm bây giờ", chị Tâm nheo nheo mắt kể về những khúc quanh của đời mình.

Sau một thời gian được hai cậu tuyên truyền viên "mặt búng ra sữa" tác động, đầu năm 1992, Tâm xì ke quyết định cai ma túy để trở thành Tâm chống si-đa. Vậy là kể từ thời điểm mà chị Tâm gọi là "cái mốc lịch sử" đó đến nay, ngày nào cũng thế, trong vai trò tuyên truyền viên cho các tổ chức phòng chống tệ nạn xã hội, Hồng Tâm xì ke lân la đến các công viên, các tuyến đường thường xuyên có gái mại dâm đứng đón khách và những "động hút" vốn đã quen thuộc, để vận động "chiến hữu" thôi đừng chơi hoặc nếu chơi thì phải có giữ mình không bị lây nhiễm.

"Tôi từng như họ nên không ai hiểu họ bằng tôi. Người khác khuyên họ không nghe, nói chuyện vài câu họ đã lẩn tránh nhưng với tôi, có khi chỉ cần vài câu nói, họ đã bắt đầu thấy thấm. Đó không phải bí quyết cao siêu mà đơn giản chỉ là sự quan tâm và đồng cảm thực sự", chị Tâm nói.

Thu nhập từ công việc không kiếm được nhiều tiền, song khi các chị em muốn có vốn mua bán rau cải ở chợ để từ bỏ nghề đứng đường, Tâm si-đa sẵn sàng móc tiền túi chi viện. Tính ra, số tiền mà chị Tâm bỏ ra trong 17 năm qua đã lên đến vài chục triệu đồng.

Là người chịu ơn "má Tâm", nay đã là chủ một quầy rau nhỏ ở chợ, Thủy, nhà ở Thủ Đức từng là gái mại dâm xúc động nói: "Tôi không thể nào quên được bàn tay ấm áp của má, ngày đó, nếu không có 500 nghìn đồng của má Tâm, tôi đã không được ngày nay".

Còn với anh Tuấn nhà ở Bình Thạnh, Linh còi (quận 6), Đoàn bột (quận 12), "nếu không có chị Tâm hằng đêm cung cấp ống kim tiêm mới và khuyên lơn bỏ thuốc, thì giờ đây chúng tôi có lẽ đã gần đất xa trời".

"Bề ngoài của họ là thế nhưng ai cũng có những khát khao thầm kín muốn trở lại với đời, cái chính là họ không thể tìm ra chỗ vịn. Và tôi nghĩ mình nên làm điều đó", chị Tâm nói.

Từng làm việc với chị Tâm và chứng kiến sự thay đổi của chị trong gần 20 năm qua, bác sĩ Trần Thịnh, Phó chánh văn phòng Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TP HCM cho biết, trong những người trở về với cuộc sống, chị Tâm xứng đáng xem là một tấm gương.

Ông Thịnh nhận xét về người phụ nữ này: thẳng tính, giàu lòng yêu thương, ngoài vài chục trẻ tại mái ấm Hy vọng thành lập từ năm 2000 đến 2005, từ đó đến nay, chị đã trở thành chiếc phao cho hàng trăm anh chị em bám víu. Lúc xin được tiền tài trợ thì chị cho tiền làm vốn; không có tiền thì chị mua cho vài chục ống kim tiêm; kém hơn nữa thì chạy khắp nơi vay mượn.

"Gái mại dâm được chị đưa đến khám đôi khi thiếu tiền thử máu, xét nghiệm do các dự án đôi khi chỉ chi có hạn, chị Tâm sẵn sàng bỏ tiền túi không hề suy nghĩ, tính toán", ông Thịnh nói.

Phớt lờ khi được hỏi về những khó khăn trong công việc, chị Tâm chỉ cười thật tươi, nụ cười hoàn toàn khác hẳn với một người mắc chứng lao phổi ở tuổi ngoài 50: "Không đẻ chửa nhưng cháu nội cháu ngoại đầy đủ. Bệnh tật thì con cháu, em út ghé thăm. Tết năm nào cũng đoàn tụ. Đây chính là niềm an ủi lớn nhất khiến tôi vững bước với công việc. Với tôi thế đã là mãn nguyện lắm rồi".

Không chỉ nhận được sự quan tâm của những người mà mình đã giúp đỡ, hiện chị Tâm còn có một niềm vui khác, chính là sự khỏe mạnh của bốn đứa con "ngang hông" vốn nhiễm HIV mà chị đang cưu mang.

Ngày chị mang chúng về, bé lớn nhất chỉ ngoài bốn tuổi, đứa nhỏ mới quá thôi nôi và đứa nào cũng gầy gò xanh xao vì bệnh tật. Bố mẹ các bé đều chết vì bệnh AIDS. Thế nhưng hôm nay, nhìn những đứa trẻ tươi tắn hồng hào, không ai dám nghĩ chúng đang mang trong người dòng máu HIV.

Trong căn nhà nhỏ thuê với giá 2 triệu đồng mỗi tháng trên đường Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, người mẹ gầy còm dù phải chạy ăn từng bữa song vì không muốn các con phải suy kiệt bởi bệnh tật, chị đã nhịn ăn nhịn mặc để mua máy vi tính, sắm tivi, truyện tranh, bút màu cho các con.

"Con tôi là hàng dễ vỡ, muốn chúng sống khỏe quan trọng nhất là phải đáp ứng tinh thần, dinh dưỡng rồi mới đến thuốc. Chính vì thế, nhìn căn nhà thuê của tôi, không ai nghĩ tôi nghèo. Nhiều nhà từ thiện đến thăm, thấy quá đầy đủ nên quày quả đi luôn", chị Tâm nói.

Ngày nào cũng thế, cứ mỗi sáng, sau khi đưa các con đến trường, chị Tâm lại lao vào công việc. Lịch của chị gần như dày kín suốt tuần bởi những cuộc hẹn để nói chuyện với Tuyết đen, Thư điệu, Tuấn còi... Lấy niềm vui và sự an lành của người khác làm sức sống cho mình, chị Tâm gần như đã quên đi khả năng đề kháng trong cơ thể chị vốn còn rất ít so với người không mang bệnh.

Khi được đề cập đến ước mơ, chị Tâm chỉ đáp ngắn gọn: "Tôi chỉ muốn có được giấy chứng minh nhân dân giống như mọi người để tiếp tục cống hiến".

Không bàn đến sức khỏe cũng không đề cập đến quyền lợi bản thân là bản tính của Tâm giang hồ một thời vẫy vùng, song có lẽ tự bản thân cảm nhận được những cơn đau do bệnh đang ngấm ngầm kéo về, người phụ nữ gầy nhom luôn 4658 dạy các con phải biết sống tự lập. "Để mai này mẹ có chết đi, các con không sa ngã như bố mẹ con ngày trước".

Bài, ảnh: Thiên Chương

(Vnexpress, 1/2/2009)

NGƯỜI MẸ CỦA NHỮNG TRẺ EM BỊ AIDS

Lang thang bụi đời từ khi là một bé gái mười tuổi, người phụ nữ ấy đã có một quá khứ đen tối với những chuỗi ngày từng hành nghề mại dâm, lún sâu trong xì ke ma túy… Để rồi khi có cơ hội hòa nhập với cuộc sống lành mạnh, chị đã có những hoạt động xã hội không mệt mỏi để tri ân lại cuộc đời. Mười năm qua, hàng chục trẻ em không cha mẹ, đang mang trong mình mầm căn bệnh thế kỷ AIDS đã được chị cưu mang như ruột thịt…

Người phụ nữ ấy tên là Trương Thị Hồng Tâm, hiện là nhân viên tư vấn truyền thông về HIV – chăm sóc dinh dưỡng cho người mắc AIDS của một nhóm công tác xã hội có tên gọi Nụ Cười.

Ngược dòng thời gian

Trong căn phòng trọ, câu chuyện dài về quá khứ đen tối của mình được chị Tâm chia sẻ với phóng viên một cách thẳng thắn chân thành. Bị cha mẹ bỏ rơi khi chỉ là đứa trẻ nhỏ, chị lang thang phiêu dạt giữa dòng đời, và phải tồn tại bằng đủ thứ “nghề” trộm cắp, mại dâm rồi sa vào xì ke, hút chích… Ở tuổi thiếu nữ, không thể nhớ nổi đã bao lần chị ra tù vào tội, trải qua hết trường giáo dưỡng này tới trung tâm phục hồi nhân phẩm khác. Tương lai – với chị đã từng là một định nghĩa xa vời mù mịt.

Chị Tâm còn nhớ từng chi tiết cái ngày thay đổi toàn bộ cuộc đời mình. Tròn 20 năm về trước, ngày 24 tháng 4 năm 1991, khi đang ngồi vẩn vơ tại khu vực rạp hát Olympic cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thì có hai người nam nhân viên làm công tác xã hội tiếp cận chị, và bắt đầu truyền thông cho chị về AIDS và các bệnh xã hội khác. Tức giận, chị Tâm đã chửi mắng hai chàng trai thậm tệ, thậm chí còn đòi đánh những “kẻ nhiều chuyện” một trận cho bõ ghét. Nhưng lạ là họ chỉ lặng lẽ bỏ đi, chứ không hề có hành động chống đối lại. Nhiều tháng sau đó, mặc cho những phản ứng tiêu cực từ phía chị Tâm, những nhân viên xã hội đó vẫn kiên trì thuyết phục, cho tới khi chị Tâm phải tò mò bắt đầu chịu nghe họ nói…

Những bài học từ các nhân viên xã hội đã khiến chị Tâm phải suy nghĩ, và định hướng lại cuộc đời mình. Chị quyết tâm cai ma tuý sau hàng chục năm nghiện ngập, theo học các khoá truyền thông về AIDS, và từ đó đi tham vấn cho chính những người bạn “bụi đời” của mình. Chị được giao quản lý một dự án thể nghiệm về nhà Hy Vọng dành cho trẻ em đường phố với 15 đứa trẻ bị AIDS và nghiện ngập. Bằng những tình cảm và trải nghiệm của chính mình, “má Tâm” đã giúp tất cả các em cai được ma tuý để có cơ hội làm lại cuộc đời. Đáng tiếc là sau năm năm, dự án trên do quỹ Hỗ trợ nhi đồng Anh dừng hoạt động tại Việt Nam, nhà Hy Vọng phải giải tán. Chị Tâm lại chuyển qua làm nhân viên truyền thông cho uỷ ban phòng chống AIDS của TP.HCM tới nay, với công việc chính là tiếp cận với những người đồng cảnh như mình trước đây để giúp họ hiểu biết về căn bệnh thế kỷ này.

“Suốt hai mươi năm đi tham vấn cho các em thiếu niên mắc vào nghiện ngập, tôi chỉ mong những bậc làm cha mẹ hãy quan tâm tới con em mình nhiều hơn nữa. Hãy dành thời gian cho con, thay vì tỏ lòng yêu thương bằng cách quăng tiền cho con tiêu xài không kiểm soát, vì rất nhiều trường hợp các cháu nghiện ngập bắt nguồn từ lý do đó!”, chị Tâm chia sẻ.

Ngày các nhân viên xã hội tiếp cận với chị lần đầu, được chị lấy để kỷ niệm sinh nhật. Vì theo chị, đó chính là ngày chị được sinh ra lần nữa! Hai thanh niên tiếp cận với chị ngày đó, chính là linh mục Lê Ngọc Thanh và anh Trần Công Bình, hiện đang công tác tại tổ chức UNICEF.

NHỮNG ĐỨA CON ĐẶC BIỆT

Tròn mười năm trước, một bé gái bốn tuổi cha mẹ mới mất vì AIDS được gửi tới nhà Hy Vọng cho chị Tâm nuôi, bé cũng mang trong mình mầm HIV của căn bệnh thế kỷ. Chị Tâm thương yêu bé như con đẻ. Những lần đi truyền thông sau đó, lại tiếp tục có những bà mẹ nhiễm HIV được chị khuyến khích đi trị bệnh tại các trung tâm, với điều kiện chính chị sẽ gánh lấy bổn phận làm mẹ cho các bé. Có một số bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối cũng đem con tìm tới chị Tâm gửi gắm để yên lòng trước khi nhắm mắt… Cứ thế, tròn mười năm, tính tới nay những đứa con đặc biệt của chị cũng lên tới cả chục người, nhưng một số bé sau đó đã được thân nhân đón về. Hiện chị đang nuôi trực tiếp bốn bé, và gửi ba bé cho giáo xứ chăm sóc giùm, do điều kiện kinh tế của chị không thể lo hết cho các con được.

Một bà mẹ đơn thân ngoài năm mươi tuổi, với thu nhập hạn chế của một nhân viên xã hội nuôi những đứa con bình thường khỏe mạnh đã khó, đằng này, chị phải cẩn trọng từng chút trong chuyện chăm sóc cho con từng bữa ăn đủ dinh dưỡng, tới những nhu cầu thuốc thang đặc biệt. Bạn bè không còn lạ mỗi khi nghe chị “cầu cứu” lúc thì dăm ba trăm ngàn đóng học cho đứa này, khi lại thiếu vài chục ngàn mua thuốc cho đứa kia… Nhưng điều làm chị đau đáu hơn cả, lại là thái độ thiếu hiểu biết và những định kiến của rất nhiều người trong xã hội với những đứa trẻ này. Chính vì vậy, chị phải luôn che giấu tình trạng bệnh của các con với những người xung quanh và nơi trường lớp các cháu học, để tránh những kỳ thị sẽ tác động tiêu cực lên trí não non nớt của chúng.

Bé gái chị Tâm nhận nuôi đầu tiên tới nay đã được 14 tuổi, biết thay mẹ chăm sóc cho các em. Tất cả các con đều ngoan ngoãn, lễ phép và rất thương yêu má Tâm, đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà chị Tâm luôn cảm thấy tự hào.

“Các con tôi có đầy đủ quyền lợi như mọi đứa trẻ. Đó là quyền được bảo vệ, được sinh tồn và phát triển tự nhiên lành mạnh. Tôi không nghĩ rằng mình đang làm từ thiện, tôi chỉ làm một công việc tự nhiên với xã hội. Điều tôi cần nhất, là các con tôi sẽ lớn lên như những đứa trẻ bình thường!”, chị Tâm chia sẻ.

Và hàng ngày, chị vẫn miệt mài gắn bó với công việc truyền thông, đến với từng cuộc đời lầm lỡ để giúp họ những tham vấn thiết thực từ chính những bài học về trải nghiệm đau thương của cuộc đời mình.

Bài, ảnh: Hương Vũ

(Báo Sài gòn tiếp thị, 30/4/2011)

“MẤT NHÂN PHẨM, CHỈ MẤT PHÂN NỬA CUỘC ĐỜI”

Câu triết lý ấy đã thuyết phục tôi hoàn toàn khi tôi gặp được chị,  một người phụ nữ với chuỗi ngày thanh xuân chìm sâu trong mại dâm, xì ke ma túy, bê tha trong cờ bạc, rượu chè. Nhưng khi được vực dậy, nhìn thấy được ánh sáng từ sự quan tâm của cộng đồng xã hội, chị đã làm lại cuộc đời.

Với lý tưởng sống tốt, sống đẹp cho phần đời còn lại, chị không những được cộng đồng giang tay chào đón mà câu chuyện đời của chị còn tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những ai một thời giống chị đủ can đảm từ bỏ nẻo đen tối để quay về với cuộc đời. Chị là Trương Thị Hồng Tâm, hiện là nhân viên tư vấn truyền thông về HIV của Nhóm tình nguyện  “Nụ Cười”.

ĐI LÊN TỪ VỰC THẲM

Sinh ra trong gia đình chắp vá, mẹ có tới bốn đời chồng, ba đến sáu đời vợ nên tuổi thơ của chị chưa một lần biết đến hạnh phúc của sự thương yêu. Mười tuổi, chị đã đi bụi đời và bắt đầu cuộc sống mưu sinh với nhiều nghề “chợ búa”, từ trộm cắp, đánh lộn, bảo kê đến mại dâm rồi chìm ngập trong ma tuý.

Chị kể: “Lúc bị bắt vào trung tâm giáo dưỡng cải tạo, thân côi cút một mình, rất thèm hơi ấm của gia đình, thèm bàn tay chăm sóc, che chở. Nhưng những ngày đó - người thân không một ai đến thăm, nên chị xem ai cũng là người xấu, ai cũng không đáng tin. Chị sống bất cần và ngày càng trượt dài trong tệ nạn xã hội”.

Vào trường ra trại không biết bao nhiêu lần, hết trung tâm cải tạo này đến trung tâm cải tạo khác nhưng chị không một lần thay đổi. Cho đến một ngày, nhận được sự quan tâm, thương yêu, giúp đỡ của nhân viên tư vấn truyền thông thuộc Tổ chức UNICEF, chị đã làm lại từ đầu. Chị biết trân quý từng ngày được sống, biết đem yêu thương cho những người kém may mắn hơn mình.

Ngày chị cai được nghiện, sống yêu đời, đó cũng là ngày Trung tâm Truyền thông giao cho chị quản lý dự án Nhà Hy Vọng dành cho trẻ em đường phố. Trung tâm giao cho chị công việc này, một mặt là để giúp chị có cơ hội cống hiến tài sức cho cộng đồng vì hơn ai hết chị là người dễ dàng tiếp cận trẻ em bụi đời có HIV, mặt khác là để chị có thu nhập lo cho cuộc sống. Từ lúc nhận được công việc, chị chịu khó đến từng ngõ ngách tiếp xúc, tư vấn, tận tình giúp đỡ các em bụi đời từ bỏ con đường nghiện ngập.

Ngày đó, chị đã giúp được nhiều gia đình, vực dậy cuộc sống cho rất nhiều người để rồi sau đó họ cùng với chị đi tuyên truyền giúp đỡ nhiều hoàn cảnh tương tự. Một trong những người được chị giúp đỡ, tìm thấy niềm tin cuộc đời có anh - người bạn đời của chị.

Sau khi cai nghiện, anh chị đã tựa vào nhau thực hiện hết dự án hỗ trợ cho người có HIV này đến dự án hỗ trợ người có HIV khác. Dốc hết sức đem lại niềm vui cho mọi người, trả hết nợ cho đời, anh về với đất trước chị. Còn lại một mình, không gục ngã, lấy ý chí phải sống tốt để thay chồng làm tiếp những công việc có ích cho đời, vậy là chị ngày càng đến gần hơn với người nhiễm HIV và phát tâm nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi bệnh AIDS.

TẠ ƠN ĐỜI

Với đồng lương hàng tháng không đáng là bao, để đủ lo cho những đứa con đặc biệt của mình, chị phải chắt chiu, tiết kiệm gói ghém từng thứ một. Áo quần chị mặc, toàn là đồ người quen cho. Ngay cả chiếc xe gắn máy chị đang chạy cũng là bạn bè mua tặng. Đã từ lâu bạn bè đồng nghiệp làm cùng chị đã quen rồi với hình ảnh chị chạy đôn, chạy đáo mượn tiền mua thuốc, mua sữa cho con.

Có khi ngày làm việc quần quật đi chăm sóc tư vấn dinh dưỡng cho người có HIV, đêm về con lên cơn sốt, chị lại gồng mình thức trắng lo cho những đứa trẻ không ruột thịt gọi chị bằng má. Có khi nhà trường biết con chị bị bệnh, không chấp nhận cho học, chị lại lấy hết can đảm, thể hiện hết bản lĩnh để đến trường đấu tranh cho con mình được quyền học chữ, hòa nhập cộng đồng.

Có khi đi ngoài đường, nhìn người đứng tuổi ăn mặc đàng hoàng mà chở trẻ áo quần lem luốc phía sau là chị chạy kè kè theo cùng. Cuối đường, nếu thấy không bình thường là chị hô la và sẵn sàng lao vào giúp trẻ. Có lẽ nỗi ám ảnh về tuổi thơ “màu xám” ăn sâu vào tâm trí nên đụng đến quyền lợi trẻ em là chị đấu tranh quyết liệt.

Chị chia sẻ: “Cuộc đời chị quá nhiều thăng trầm nên chị hiểu được cảm giác không ai quan tâm, yêu thương là khổ cực, bị xâm phạm tình dục mà không ai bênh vực là tủi thân như thế nào. Nên chị không muốn bất kỳ đứa trẻ nào bị căn bệnh thế kỷ hay mồ côi phải trải qua tháng ngày như chị trước kia.

Chị từng có một thời chẳng ra gì là do thiếu tình thương, thiếu sự quan tâm. May mà được tìm lại cuộc đời nên thời gian còn lại chị muốn dành để chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn bị lây bệnh AIDS từ ba mẹ, để chúng thấy ấm áp, thấy sự yêu thương, quan tâm của mình mà vơi bớt đau đớn trong lúc chống chọi với căn bệnh”.

Trong gia đình của chị, không có tiếng cãi nhau mà chỉ có tiếng nói cười đầm ấm. Bé N, 12 tuổi kể: “Má cưng tụi em lắm, cưng đồng nhau hà. Mua đồ lúc nào má cũng mua đều cho mấy chị em. Đứa nào bệnh thì má cưng, lo nhiều hơn đứa không bệnh. Còn cho ăn, má cho ăn như nhau, không để đứa nào nhịn hay thấy người ta ăn mà ngó miệng hết”.

Sống với các con, chị không những cho con bờ vai nương tựa, dạy con cách làm người mà còn dạy cho con tình thương với mọi người. Ngày Tết, người quen hay Trung tâm cho đồ ăn, áo quần nhiều là chị và các con gói ghém xuống đường chia sẻ với người lớn tuổi không có gia đình. Còn tiền cô bác hay mạnh thường quân cho con chị, chị đều cho chúng để ống heo. Đến cuối năm, chị cùng các con đập ống và dùng tiền đó để mua hương đèn, trái cây đi viếng mộ ba mẹ ruột của các con. Có lẽ vì vậy mà cuộc đời của chị luôn gắn liền với chữ nghĩa, chữ tình.

Câu chuyện về cuộc đời chị chia sẻ thẳng thắn, không ngại hay che giấu bất cứ ai. Thậm chí lúc đi truyền thông, chị lấy sự trải nghiệm từ chính cuộc đời chị mà tư vấn đến những người bạn đang mắc căn bệnh thế kỷ và trẻ bụi đời đang mấp mé vòng bủa vây của ma tuý. Chị luôn khuyên mọi người buông bỏ cuộc sống mù mịt và quay về với cộng đồng để có cuộc sống hạnh phúc như chị bây giờ. Vì trên con đường quay về luôn có sự tiếp sức, động viên và hỗ trợ của mọi người.

Giữa dòng đời cuộn chảy, mong rằng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những người nhiệt tình như chị, biết đưa đôi bàn tay thánh thiện kịp thời để người kém may mắn về với ánh sáng cuộc đời. Và hy vọng với sự chung tay góp sức của cộng đồng, thời gian không xa nữa, tình thương - tình người sẽ lan tỏa đến hết mọi ngóc ngách của cuộc sống…

The end!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/74230


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận